Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Dài » Paris 11 Tháng 8 Tác Giả: Thuận    
    Nghiêm trọng hơn, những hậu quả của trận nắng nóng vừa qua lại dường như gắn liền với mức độ y tế kém cỏi của các cơ sở cả tư nhân lẫn nhà nước. ‘Bây giờ, có phòng chống trong nhiều nhà dưỡng lão, đặc biệt là vùng Paris... ấy vậy mà mùa hè vừa qua, không có trường hợp tử vong nào được xác nhận tại đây. Thật là lạ đúng không? Tôi cho rằng rất nhiều người đã ở trong tình trạng sốt cao khi rời nhà dưỡng lão để đến bệnh viện và qua đời ở đấy’, Christophe Fernandez - chủ tịch hội Bảo vệ và Giúp đỡ người cao tuổi (AFPAP) lên tiếng. Cựu nhân viên cảnh sát, ông từng nổi tiếng với những cuộc điều tra tố giác cung cách làm việc tồi tệ của các nhà dưỡng lão. ‘Thực hành y tế bất hợp pháp, không có mặt trong phút nguy kịch, lạm dụng chuyên trở tới bệnh viện... phần lớn những chuyện này xuất phát từ sức ép quá mạnh của lợi nhuận, ông nói tiếp. Một trên năm lời ca thán dính dáng đến các cơ sở nhà nước và bốn trên năm giành cho các cơ sở tư nhân’. Theo sự đánh giá của ông: trong 600 000 phòng thì 200 000 sẽ bị xếp hạng kém (Báo Le Figaro, 07/11/2003)
    Nửa năm tiếp theo, Liên không có việc làm. Hàng tháng phải cắp cặp đến gặp văn phòng quản lý người thất nghiệp, gọi tắt là ANPE. Hồ sơ của Liên gồm mỗi cái bằng đại học Mỏ-Địa Chất, cũng chưa được dịch công chứng. Cô thư kí bảo cố mà học thêm tiếng Pháp, sau đó đi thi lại, trường Mỏ là một trong ba trường danh giá nhất Paris, dân Việt Nam nổi tiếng có chí, có vị năm mươi lăm tuổi mới thành bác sĩ, mở phòng mạch tư được mươi năm, khi chết, đăng cáo phó trên báo Le Monde, thêm chữ docteur cạnh họ tên, con cháu cũng mát mặt. Lần nào Liên cũng im lặng, không hiểu tán thành hay từ chối. Liên chưa bao giờ thích địa chất. Liên đã thi vào đấy chỉ vì biết là thế nào cũng đỗ. Liên đã lên tận sở Giáo Dục để tham khảo danh sách học sinh dự thi. Bảy mươi chín Nguyễn Văn, Trần Đình, Phạm Hữu, Lê Khắc, Bùi Huy, Đỗ Quốc. Mỗi khoá cũng cần một người để thỉnh thoảng vo gạo, nấu cơm, rửa bát. Nữ sinh dù sao cũng đỡ nghịch hơn nam sinh, con gái không đẹp càng không lo làm mất đoàn kết. Các thầy trong ban giám khảo đều công nhận như vậy nên Liên thiếu hai điểm mà vẫn nhận được giấy báo trúng tuyển đại học. Rồi cứ thế tự động lên lớp, tự động ra trường. Năm năm trôi qua không mấy khó khăn. Cái bằng rơi vào tay như chiếc lá tháng mười là đà đậu xuống chậu nước giữa sân. Kiến thức thu được chẳng đáng kể ra. Bây giờ có nhớ lại thì chỉ nhớ những ngày mồng 8 tháng 3 nằm nhà, những buổi nghỉ học đi khám mụn, những viên vi-ta-min C ngậm thì ngọt, cắn làm đôi mới thấy chua, những đợt thực tập đeo cuốc chim và búa tạ ở vùng Hòa Bình, cả ngày leo núi gẫy chân, gặp gì lạ là gõ, phần đông chỉ thấy ổ mối với mồ mả, mồ mả sao mà lắm, toàn vô danh, đi mãi mới tìm được vài cái còn dấu chân hương, đi mãi cũng chẳng bao giờ hết. Tháng sau, văn phòng ANPE gửi Liên đi học vi tính, món ấy bây giờ nghề nào cũng cần, không biết không xong. Cô thư kí bảo tháng nào cũng tổ chức hai lớp thế mà không còn chỗ, ai cũng tranh thủ, mấy khi có thời gian, lại không phải trả tiền. Liên đến lớp, ba chục khuôn mặt vô cảm, gặp nhau chẳng buồn chào. Phòng học hình chữ nhật, trang bị toàn đèn tuýp. Tường quét màu be. Trần xốp đồng màu kẻ ô vuông. Ba mươi máy vi tính xếp thành ba hàng. Chồng ghế nhựa xanh lá cây đặt một góc. Ai đến tự lấy ra mà ngồi. Thầy giáo đưa cho một danh sách, bảo học viên nào có mặt thì kí vào bên cạnh. Cả lớp truyền tay nhau, có đứa chẳng thấy tên đâu, có đứa đúng tên lại sai họ, hay đúng họ lại sai tên, Liên đánh thành Leng, Roxana thành Rosona, Than thành Tang, Mohamet thành Ahmet, Pavlovitch thành Polonov, Martinez thành Marlinès. Ba mươi tên chỉ có ba là hoàn chỉnh. Cả lớp cáu rinh. Có đứa văng bậy. Tên người ta chứ có phải chuyện đùa đâu. Nay mai giấy chứng nhận tốt nghiệp vi tính mà ghi thế này thì toi mấy tháng đèn sách. Thầy giáo cũng cáu, bảo ANPE làm ăn ẩu thật, càng ngày càng tệ, ba trên ba mươi là tỉ lệ có mười phần trăm. Bọn kia vẫn chưa hết tức, một đứa bảo thư kí ANPE chép tên cũng không xong. Một đứa khác bảo không biết đã học vi tính chưa. Một đứa khác nữa bảo thế mà bắt người ta đi học. Rầm rĩ. Thầy giáo phải hứa sẽ phản ảnh lên ban giám hiệu. Không khí lớp học thế mới dịu đi. Hai tiếng sau thì chữa xong danh sách, viết đè lên trên, hàng này chập hàng kia, gạch xóa nhằng nhịt. Thầy giáo bảo sẽ mang lên văn phòng nhờ thư kí đánh máy lại. Cả bọn thở dài ngán ngẩm, thư kí trường dạy nghề khéo kém cả thư kí ANPE. Đến giờ cơm trưa cũng chẳng học được gì. Chuông reo, thầy giáo đứng dậy bảo: ăn ngon nhé, rồi cầm cặp biến thẳng. Thầy giáo tóc hói, mặc quần bò, áo vét ca-rô đen trắng, cà vạt chấm đỏ, giày thể thao, rất khó đoán tuổi nhưng có vẻ thoáng. Ba mươi học viên lục tục bỏ đồ ăn lên bàn. Chủ yếu là bánh mì và Coca Cola. Liên mang nửa bánh mì đũa và hai lát thịt hun khói. Thằng bên cạnh lôi từ túi du lịch ra một gói bánh mì gối nửa cân, một cây xúc xích còn bọc ni-lông, dưa chuột, cà chua đều còn nguyên quả. Liên vẫn chưa kẹp xong thịt vào bánh mì thì thằng kia đã ngốn sạch đống đồ ăn. Không hiểu gọt vỏ bằng cách nào. Có cắt bánh mì hay không. Một lúc sau Liên quay sang, thấy trước mặt nó lăn lóc hai hộp bánh bích qui rỗng. Cả lớp im lặng. Chẳng ai nói với ai câu nào, cặm cụi nhai và xem họa báo. Chốc chốc có tiếng tu nước ừng ực. Năm phút, thằng bên cạnh đã dựa đầu vào ghế, mắt nhắm nghiền, ngáy oang oang, lỗ mũi phập phồng, giống hệt một con hà mã. Một bà tóc quăn bỏ bộ bài ra xem bói, vừa xem vừa thở dài thườn thượt. Ba chị xồn xồn mặc váy ngắn rủ nhau ra toa lét rửa mặt và khoe đồ lót. Một ông đeo kính dựa tường đọc báo. Những người còn lại chơi trò chơi điện tử trên máy vi tính, nhạc bật rất to, giật liên hồi. Hà mã bật dậy bảo: để im cho người ta nghỉ. Chẳng ai trả lời. Nhạc vẫn không giảm. Liên ăn xong cuối cùng. Đang buồn ngủ thì một con bé tiến lại gần. Nó bảo: cà phê nhé. Rồi chẳng đợi Liên trả lời, chạy vụt đi. Nửa phút sau quay lại, hai tay hai cốc nhựa, khói nghi ngút. Nó chỉ vào một cốc bảo: trong này có nửa gói sữa bột rồi đấy. Không hiểu sao lại biết thói quen của Liên. Con bé rất cao, hông rộng, ngực nở, đùi dài. Váy ngắn, áo thun mỏng, đứng cạnh thấy cả nốt ruồi và lông nách óng ánh. Nó tự giới thiệu tên là Pát, gốc Cuba, rồi hỏi có phải Liên cũng đi tắm cho người già. Hóa ra hai đứa cùng một công ty, nó từng nhìn thấy Liên đến nhận mấy chai hóa chất, nó thì lên gặp tổng giám đốc để kiến nghị một ông già khách hàng mấy lần định hiếp nó. Nó bảo hiếp thế quái nào được nó. Nó chỉ đẩy nhẹ một cái thì ngã. Nhưng mỗi lần kiến nghị, nó bắt được tổng giám đốc tăng cho một bậc lương. Nó gọi đấy là tội quấy nhiễu tình dục. Một vấn đề cực kì nhạy cảm ở phương Tây. Vài năm tù như bỡn. Kẻ phạm tội vào tù đã đành, ai biết mà dung thứ cũng vào tù theo. Tổng giám đốc bên ngoài có vẻ khôi hài nhưng rõ luật lắm, phòng làm việc treo bằng tốt nghiệp khoa kinh tế đại học Dauphine, một trong mấy trường lớn của Paris. Nó đến kiến nghị, tổng giám đốc hiểu ngay, lần nào cũng sai thư kí mang cà phê ra tiếp, hỏi có uống sữa bột không, rồi bảo ông già khách hàng trái tính trái nết, thích làm nũng một chút, nhưng làm nũng như thế là phạm luật. Nó nghe cũng thấy xuôi tai nhưng nhất định không rút đơn. Tổng giám đốc bảo cứ yên tâm, yêu cầu của nó sẽ được nghiên cứu giải quyết, lúc nó về còn tiễn ra tận thang máy, bắt tay cám ơn tinh thần trách nhiệm. Thâm niên của nó như Liên. Lương bắt đầu như Liên. Nhưng khi thôi việc, lương nó gần bằng lương cán bộ, trợ cấp thất nghiệp vừa cao vừa lâu. Nó là trường hợp phức tạp nhất của công ty, tổng giám đốc suy nghĩ mãi mới thảo xong cho nó cái thư gửi ANPE. Nó cũng phải xem đi xem lại mới đồng ý kí. Nó bảo đó là cách tự vệ trong xã hội bây giờ, buông tay nghe số phận là chết. Liên thở dài, thế mà không biết đường tố cáo bà già láu cá. Xong lại nghĩ, hóa ra tổng giám đốc cũng là người biết điều, sao gặp mình tỏ vẻ khó tính thế. Hai đứa uống xong cà phê thì thầy giáo đi vào, cười cười chào cả lớp. Nhạc vẫn giật liên hồi. Hà mã thức dậy, lao vào rút dây điện máy vi tính, nhờ thế lớp học yên ắng trở lại. Thầy giáo má đỏ hồng, hơi thở có mùi rượu vang, vỗ hai tay vào nhau rồi bảo: thôi bây giờ phải làm việc nghiêm túc nhé. Học viên tìm giấy tìm bút, ai dưới chân cũng có một túi ny-lông để vỏ hộp Coca Cola và giấy gói bánh mì. Nhìn từ trên cao xuống, cả lớp như một bãi rác nhiều màu. Bài học vi tính đầu tiên là đánh một cái đơn xin việc, mẫu có sẵn trên giấy, chỉ cần chép lại vào máy, rồi điền họ tên, nghề nghiệp. Cả lớp ngồi gõ ba tiếng đồng hồ. Thầy giáo đứng hút thuốc ngoài hành lang chốc chốc lại chạy vào hỏi: mọi việc tốt cả chứ. Cũng chẳng ai trả lời. Pát lại gần Liên bảo nó học vi tính từ hồi ở La Habana nhưng máy Cộng hoà Dân Chủ Đức viện trợ to gấp năm lần, lằng nhằng gấp mười lần, học gõ xong đơn xin vào đoàn thì sang đơn xin vào đảng, thế là hết một khóa ba tháng. Liên không nói gì cắm cúi nhìn bàn phím. Pát lại bảo: mày chăm học ghê, sinh viên Việt Nam sang học chăn nuôi trâu sữa được giáo sư Cuba đánh giá cao lắm. Liên vẫn không nói gì. Những đứa khác không hiểu đã xong chưa nhưng ngồi ngủ gật. Tiếng ngáy của hà mã nghe rõ mồn một. Thầy giáo cầm cái bật lửa vào lớp. Lớp học xộc xệch, ba mươi máy vi tính mỗi cái quay một hướng, ba mươi cái ghế dựa màu xanh lá cây thòi ra thụt vào, áo khoác, khăn, mũ lung tung dưới đất. Thầy giáo hỏi: mọi việc tốt cả chứ? Cả bọn mới choàng dậy. Hà mã hắt xì hơi ba lần liền. Thầy giáo đề nghị thu bài kiểm tra. Một thằng trình ra tờ giấy trắng. Lớp học bật cười. Thằng kia bảo con chuột của nó không chạy. Thầy giáo bảo thôi lần sau làm lại rồi giao cho cả bọn bài tập về nhà, lần này là đơn xin nghỉ việc, cũng có mẫu sẵn, chỉ đánh lại rồi điền họ tên, lý do. Thằng có con chuột hỏng lẩm bẩm: biết bao giờ có dịp dùng đến. Thầy giáo bảo: đừng coi thường, đó là cách tự vệ trong xã hội bây giờ. Pát quay sang nháy mắt với Liên. Thầy giáo chào cả lớp rồi xách cặp ra cửa, hơi thở vẫn còn mùi rượu vang. Liên cũng đứng lên. Pát vừa khoác áo vừa bảo: lần sau nếu tao nghỉ thì mày kí hộ tao nhé. Liên không trả lời thì nó lại bảo: hôm nào mày muốn bùng thì cứ nói tao. Liên gật đầu. Hai đứa xuống tàu điện ngầm. Paris đã vào thu, mưa nhì nhạch cả ngày, phố xá nhớp nháp, thấy bảo tỷ lệ người tự tử cao nhất trong năm, mấy hôm lại có ai đấy vào mang dây thừng vào rừng Boulogne. Không bể mánh, không thua số đề, tiền đầy tài khoản nhưng muốn treo cổ...
    Buổi học sau, lớp vắng hẳn. Thày giáo đếm hai lần cũng chỉ được hai mươi học viên. Thầy giáo không nói gì, cũng không kiểm tra bài tập về nhà, có vẻ nhớ nhưng lờ đi. Tờ danh sách lớp đã chữa lần trước tìm mãi không thấy. Thầy giáo cười cười bảo vẫn trên phòng thư kí, giờ nghỉ giải lao sẽ lên tìm, cuối giờ kí một thể. Rồi vỗ hai tay vào nhau: thôi bây giờ phải làm việc nghiêm túc nhé. Cả lớp chẳng ai nói năng gì. Hai mươi cặp mắt vô cảm. Thầy giáo lại phát cho mỗi đứa một mẫu đơn xin trợ cấp xã hội, tên tuổi và lý do để trống. Bỗng có mấy tiếng thở dài. Bà xem bói bài tây trong giờ ăn trưa lên tiếng: chính phủ mới lên ki bo lắm, việc đầu tiên là giảm tiền trợ cấp. Một ông đeo kính trịnh trọng nói: các vị đã nghe vụ Hiến Pháp Châu Âu chưa? Thật là kinh khủng. Một chị xồn xồn đáp lại: sao lại kinh khủng? đã đến lúc chúng ta phải đoàn kết để vượt Hoa Kì. Một chị nữa tiếp lời: Ngôi Nhà Chung Châu Âu là một quyết định có tính chiến lược, kết quả là ơ-rô đã đánh bại đô-la. Một ông cao lớn đứng lên bảo: thế thì chúng ta sẽ mất hết việc làm, lái xe vận tải đường dài Ba Lan chỉ cần một trăm bảy mươi mốt ơ-rô một tháng là coi xe như nhà, ăn ỉa trên xe, tắm giặt trên xe, phơi quần áo cũng trên xe. Một bà tóc quăn lên tiếng: y sĩ Ru-ma-ni chỉ cần một trăm mười hai ơ-rô là lau đít, đổ bô năm mươi tiếng một ngày, tuần ba lần trực đêm, không đòi phụ cấp. Cả lớp nhao nhao. Một thằng tre trẻ mắt xanh biếc hét to: người Pháp càng ngày càng lười biếng, chỉ muốn làm ít, lương cao, khám bệnh miễn phí, về hưu trước tuổi. Chúng ta không còn là trung tâm thế giới nữa đâu. Ông cao lớn mặt đỏ tía tai: tôi mà lười à? tôi đi lát gạch từ sáu giờ sáng, sáu giờ chiều mới về đến nhà, trung tâm thế giới hay không tôi cóc cần biết, tôi chỉ cần việc làm. Bà tóc quăn mũi nở phồng: tôi cũng cần việc làm, ai chán nước Pháp thì cứ việc ra nước ngoài, để chỗ cho người nước ngoài vào Pháp. Vừa nói vừa xỉa tay vào mặt Liên. Liên gườm gườm nhìn lại. Pát phải chạy vào lôi đi. Ông đeo kính kêu: giời ơi sao lại khổ thế này. Một cậu tóc quăn, da ngăm, đứng giữa bục giáo viên nói với cả lớp, giọng đĩnh đạc: nếu còn tiếp tục, tôi sẽ gọi SOS chống phân biệt chủng tộc. Tình hình trở nên căng thẳng, thằng mắt xanh và ông cao lớn xông vào đánh nhau, thày giáo không can nổi phải chạy ra gọi bảo vệ. Từ lúc ấy đến cuối giờ, chẳng ai gõ được chữ nào, chỉ bàn chuyện Hiến Pháp Châu Âu. Hăng đến nỗi quên cả ăn trưa. Hết giờ giải lao mới có người bỏ bánh mì ra gặm. Rồi vừa gặm vừa tiếp tục tranh luận, bánh mì quăng dưới đất, xúc xích, cà chua, dưa chuột rơi cả ra ngoài. Thầy giáo đi ăn về thấy lớp chia làm hai phe, một phe bỏ phiếu thuận, một phe bỏ phiếu chống. Hai phe chia nhau cái phòng, nhìn nhau hằn học, lấy một dãy ghế nhựa xanh lá cây làm biên giới. áo khoác, khăn, mũ, túi ni-lông, vỏ Coca Cola, giấy gói bánh mì, khăn chùi miệng, bút bi, giấy nháp tan tác khắp nơi. Thầy giáo bỏ ra ngoài hành lang hút thuốc, chốc chốc lại quay vào hỏi: mọi việc tốt cả chứ, thực chất để xem có vụ đụng độ nào không. Đến năm giờ chiều, chuông reo, thầy giáo xách cặp ra cửa, cũng không thu bài kiểm tra và giao bài tập về nhà, danh sách lớp để kí cũng chẳng thấy đâu, không hiểu đã lên gặp thư kí lấy chưa. Hai phe gườm gườm đứng lên. Đứng đầu là thằng mắt xanh và ông to cao. Hai cái nhìn gặp nhau toé lửa. Liên bỏ về trước. Pát nháy mắt, đứng lại xem. Trâng trâng nhìn hai phe, móng tay búng tanh tách, đùi nhún nhảy. Mỗi mình Liên ngoài hành lang. Cửa sổ gió thổi vù vù. Không hiểu ai mở mà quên đóng. Bên ngoài cây cối trơ trọi. Tháng mười một lại sắp trôi qua. Đứng đợi thang máy, Liên nghe tiếng bàn ghế loảng xoảng. Tối hôm ấy, Pát gọi điện kể trận chiến khá to. Ban giám hiệu phải đến tận nơi. Gọi cả xe cấp cứu. Buổi học hôm sau trên bảng ghi một câu bằng phấn đỏ: nghiêm cấm tranh cãi mọi đề tài ngoài vi tính. Thằng mắt xanh và ông cao lớn băng đầu, mỗi người một xó cuối phòng. Giờ giải lao, đại diện ANPE đến gặp cả lớp. Học viên nào tiếp tục gây mất trật tự trong lớp sẽ bị đình chỉ trợ cấp thất nghiệp. Cả bọn im lặng. Thầy giáo đi ăn về cũng phải ngạc nhiên. Những khuôn mặt vô cảm hơn cả buổi đầu tiên. Hôm sau nữa cũng vậy. Rồi ngày nào cũng thế. Ba chục chiếc ghế nhựa xanh lá cây. Ba dãy máy vi tính xộc xệch. Sàn nhà lùng bùng. Đèn nê ông. Bánh mì kẹp. Coca Cola. Tiếng ngáy như bễ. Đơn từ tưởng tượng. Cơn buồn ngủ bất thần và vô tận. Noel tấn công từng ngày. Hàng hạ giá. Quà khuyến mại. ANPE tặng mỗi học viên một cái séc mười lăm euro, kèm theo thiếp cây thông lấp lánh đèn xanh đỏ, bên trong in mấy chữ Chúc Mừng Năm Mới. Không nhắc gì đến Noel. Có lẽ vì vấn đề tôn giáo. ANPE cũng tế nhị ra trò. Cả lớp sung sướng, mở phong bì lấy séc, còn thiếp thì vứt xuống sàn. Cuối giờ, mấy chục cây thông lấp lánh đèn xanh đỏ trộn lẫn giấy gói bánh mì và vỏ hộp Coca. Hiến Pháp Châu Âu bị bỏ rơi từ lâu. Chẳng ai còn nhắc đến trận chiến hôm nào.

Xem Tiếp Chương 4Xem Tiếp Chương 22 (Kết Thúc)

Paris 11 Tháng 8
  » Xem Tập 1
  » Xem Tập 2
  » Đang Xem Tập 3
  » Xem Tiếp Tập 4
  » Xem Tiếp Tập 5
  » Xem Tiếp Tập 6
  » Xem Tiếp Tập 7
  » Xem Tiếp Tập 8
  » Xem Tiếp Tập 9
  » Xem Tiếp Tập 10
  » Xem Tiếp Tập 11
  » Xem Tiếp Tập 12
  » Xem Tiếp Tập 13
  » Xem Tiếp Tập 14
  » Xem Tiếp Tập 15
  » Xem Tiếp Tập 16
  » Xem Tiếp Tập 17
  » Xem Tiếp Tập 18
  » Xem Tiếp Tập 19
  » Xem Tiếp Tập 20
  » Xem Tiếp Tập 21
  » Xem Tiếp Tập 22
 
Những Truyện Dài Khác
» Liêu Trai Chí Dị
» Pie Đệ Nhất
» Thiên Thần Và Ác Quỷ
» Tuyết Bỏng
» Cuộc Đời Của Pi ( Phần II )
» Mao: The Unknown Story
» Con Lừa Và Tôi