Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Dài » Lạc Rừng Tác Giả: Trung Trung Đỉnh    
    Tôi không có thời gian để nhớ nhà, nhớ miền Bắc. Nhất là nhớ những thằng bạn thân của tôi ở trường cấp Ba, cùng với các đồng đội tôi ở đơn vị cũ. Tôi cứ ngỡ như tôi đã xa các bạn lâu lắm rồi. Thực ra tôi nhập ngũ tới nay mới được bảy tháng. Bảy tháng ở nhà trôi đi rất nhanh. Nhưng bảy tháng vừa qua của tôi thì thật là dằng dặc. Mà trong bảy tháng ấy, có tới hai tháng huấn luyện êm đềm trên núi Yên Tử và một tháng hành quân dã ngoại thật tươi vui. Tôi bước vào đời lính cũng như bước ra khỏi lớp học, để rồi lại bước vào một lớp học khác. Cuộc chia tay tuy có rầm rộ, vì tôi được nêu dương. Nhưng nó vẫn lặp lại hầu hết các cuộc chia tay trước. Cái lâng lâng lãng mạn của người đi xa với người ở lại thực ra chẳng có gì đặc biệt. Các bạn kéo nhau lên huyện cùng tôi. Tôi nhập vào đám tân binh, nhận quân trang, mặc áo, và lên xe. Ở đơn vị mới, như tôi đã kể, tôi được phân công làm báo tường, một việc quá dễ đối với tôi, nhưng lại quá khó với nhiều người. Tôi được miễn hầu hết các cuộc hành quân tập luyện với bài hát “mười hòn gạch đổi mười thằng giặc, ta vác nặng trên vai…”, để ở lại doanh trại làm những bài thơ, bài văn cổ động. Cái trò làm thơ làm văn đổi lấy củi và giặt quần áo của tôi bị lộ thật là rủi và cũng thật là may cho tôi. Nếu không có chuyện ấy, hẳn những ngày nóng bỏng trên thao trường, từ bài một đến bài ba của khoa mục bắn súng, tôi cũng tìm được cách trốn ở nhà. Và giờ đây hẳn tôi chẳng phát hiện ra tài bắn súng của mình. Tôi thầm cám ơn chính trị viên Nhuận đã nghiêm khắc. Tôi cho rằng chính những ngày tập bắn ấy đã cứu sống tôi, dẫu giờ đây đơn vị tôi có thể đã liệt tôi vào danh sách những người mất tích. Thực ra tôi chẳng quan tâm nhiều tới điều đó. Tôi còn nguyên lành và tôi vẫn sẽ ngấm ngầm nuôi mộng đến một lúc nào đó có dịp là tôi sẽ trở về với đồng đội. Tôi không có mấy kỷ niệm với đơn vị mới, bởi khi chúng tôi hành quân tới trạm cuối cùng của đường dây Xã Hội Chủ Nghĩa, theo cách gọi hồi bấy giờ, thì đơn vị cũ được lệnh phân tán. Người ta chia nhỏ cánh lính mới chúng tôi, bổ sung cho các đơn vị phía trước, để lính cũ kèm ra trận. Tôi mới quen được hai người, đó là anh Hùng và anh Tự. Và giờ đây, sau trận đánh ấy, có thể các anh cũng chẳng nhớ tới tôi. Thỉnh thoảng sau những trận đánh vớ vẩn, sau những ngày chạy hết rừng này, núi nọ, có đôi khi tôi và Bin tư tỏi một con gà, con sóc, trong khoảng thời gian thư thái ấy, tôi chợt nhớ lại và tôi ứa nước mắt. Bin phát hiện được, cậu chỉ vào tôi làm mặt nghiêm, nói:
    - Anh Bìn có tư tưởng không an tâm công tác cách mạng.
    Tôi không thể phân giải cho Bin thông cảm, đành phải cố biểu hiện bằng hành động. Tôi nhận ra cuộc chiến trong cái lối nhỏ ngóc ngách, giữa rừng già đầy chông thò và những con người bé nhỏ mà tôi lạc vào đây, có cái gì đó thật bí hiểm. Tôi và Bin không có cùng tiếng nói, không có cùng phong tục, tập quán, nhưng lại có chung một ý chí, cái ý chí ấy có sẵn từ trước khi chúng tôi nhập cuộc rất lâu rồi. Rằng ở đây chỉ có một tư tưởng, và sự thể hiện tư tưởng ấy chỉ có một cách, một con đường, ấy là không sợ khó khăn gian khổ, không quản ác liệt hy sinh. Bin không biết chữ. Cả nhóm anh em bà con ở đây cũng không ai biết chữ. Chiến tranh đối với họ là công việc hàng ngày. Và họ quen chịu đựng khó khăn, gian khổ một cách tưởng như bản năng, nhưng thực ra rất có ý thức. Cái ý thức ấy cũng giản đơn và dễ hiểu rằng muốn tồn tại thì phải nắm được địch tình. Cần thì đánh, không cần thì chạy trốn. Mà hình như chạy trốn là chiến thuật sắc sảo nhất, có nhiều kinh nghiệm nhất của họ. Tôi lọt vào đây hoàn toàn thụ động. Tôi chỉ còn một cách là tự khuyên mình, hãy làm theo họ, hòa đồng cùng họ. Tôi phải làm thế nào để họ chấp nhận tôi, như họ đã từng chấp nhận, không thủ tục, giấy tờ. Điều ấy chỉ có thể gọi tên nó là niềm tin. Nếu họ không tin thì đừng nói tới bất cứ chuyện gì. Hiểu vậy, nhưng tôi vẫn không thoát khỏi tâm trạng lo ngại, cầm chừng. Nhiều lúc cứ chạy quẩn quanh mãi trong vùng rừng Hố ĐYk, tôi cảm thấy họ chẳng có phương án, kế hoạch gì. Đúng hơn, họ không có sự chỉ huy, chỉ đạo thống nhất. Và tôi đã lầm. Có tới hơn mười ngày, cả mấy tốp bà con anh em chúng tôi chạy lê chạy lết, quẩn quanh mãi với những triền núi, lòng thung không vượt ra khỏi vùng rừng Hố ĐYk gai góc và ẩm thấp ấy. Tất nhiên thằng Mỹ Kon-Lơ cũng được theo. Hắn vẫn phải đi chân đất và trần lưng đào hầm. Có lẽ công việc mà hắn say sưa nhất chính là cầm xẻng. Hắn trở đầu xẻng cuốc đất vừa khỏe vừa thành thạo không ai có thể theo kịp. Mỗi lần có tiếng rít của đạn pháo và tiếng nổ gần, Kon-Lơ cố kìm chế nỗi sợ bằng cách hùng hục làm. Công bằng mà nói, một mình hắn đảm đương công việc đào hầm, đảm đương việc gùi cái gùi to gấp ba lần gùi của mọi người trong những ngày qua, đã khiến tôi không còn nghĩ tới chuyện trả hắn cho cấp trên nữa. Nhất là những lúc phải qua khe, qua suối, thay vì hai ba người cáng già Phới thì chỉ cần một mình Kon-Lơ cũng làm được. Già Phới ngồi trên lưng hắn gọn gàng với cái vẻ yên tâm hơn bất cứ hình thức di chuyển nào. Trời cho hắn có sức khỏe cơ bắp vừa dai dẳng vừa mạnh mẽ, và hắn đã không nề hà bất cứ việc gì khi được phân công.
    Tất nhiên, hắn không được phép nề hà. Tôi bật cười nghĩ tới thân phận hắn có cái gì đó gần gần với hoàn cảnh của tôi. Chắc cũng có những lúc hắn tự xác định cho mình phải thể hiện thế nào đừng làm mếch lòng những người du kích đã tóm được hắn. Rõ ràng hắn đã gặp may, ít nhất là cho tới thời điểm này. Hình như hắn không muốn có sự thay đổi nào khác. Sự yên tâm với những công việc nặng nhọc đã tạo được cho hắn một vị thế nhất định mà một tên tù binh bình thường có lẽ không bao giờ dám mơ tưởng. Về phía những người du kích, tôi thấy họ gần như không có sự cảnh giác đề phòng nào, ngoài việc tên Kon-Lơ phải đi chân đất và tất nhiên, không có súng trong tay. Ấy là cái hình thức bên ngoài, vì đối với tôi, chỉ đến khi bị họ tóm lại, tôi mới biết rằng, không lúc nào tôi lọt khỏi sự cảnh giác của họ. Và điều ấy hẳn tên Mỹ này phải nhạy cảm hơn tôi. Hắn mà trốn chạy thì chỉ có hoặc thoát thân, hoặc toi mạng. Mà toi mạng là chín mươi chín phẩy chín phần trăm. Chứ còn đối với tôi, thú thực, lúc trốn tôi không hề nghĩ tới chuyện lỡ bị họ bắt lại sẽ diễn ra thế nào. Tôi không nghĩ họ có thể nã súng vào tôi vì dù sao tôi cũng là đồng chí đồng đội của họ. Nhưng càng ngày tôi càng giác ngộ ra rằng, sự thể không hoàn toàn như tôi nghĩ. Đã chạy trốn khỏi họ, tức là chạy trốn nhiệm vụ được cách mạng phân công. Chạy trốn khỏi nhiệm vụ được cách mạng phân công, tức là phản bội cách mạng. Đã là kẻ phản bội cách mạng thì còn để làm gì? Đó là câu hỏi đồng thời cũng là câu trả lời. Dù anh là ai. Dù anh là ai! Tôi nhấn mạnh câu này vì chính anh Ru bị người ta trói giật cánh khuỷu, tất nhiên là sau khi người ta bắt được anh bỏ mọi người chạy trốn, định chuồn xuống ấp đi chiêu hồi. Sau này tôi mới biết thêm, anh Ru chính là người trốn lính từ dưới ấp chạy lên rừng theo du kích. Lúc ấy vào khoảng ba bốn giờ sáng, tôi đang ngủ mê mệt trong nhà hầm vì cả ngày hôm qua, tôi, anh Ru và Bin đi bám địch quá căng thẳng. Tôi lơ mơ nghe có tiếng lao xao, rồi tiếng chân chạy thình thịch liền vùng ngay dậy theo bản năng. Tôi vơ vội cây súng, nhảy ra khỏi hầm. Một cảnh tượng kinh hoàng khiến tôi không đủ trí tưởng tượng để buộc phải nhận ra, kẻ đang bị trói lại chính là người mới cách đây vài tiếng còn rất thân tình với tôi. Theo tôi, anh là một người tốt mặc dù có hơi nhát. Tôi không nhớ từ lúc ba chúng tôi được anh Yơng, anh Miết phân công đi bám địch, anh ta đã có biểu hiện gì. Chẳng lẽ lúc trèo lên cây cao, bắc ống nhòm quan sát địch và nhìn thấy ấp chiến lược khi chiều của anh ta đã không qua được sự cảnh giác của Bin? Và bây giờ hành động bỏ trốn của anh ta, sau cuộc trao đổi chớp nhoáng của ba người, đã đi đến một quyết định nhanh chóng là, tôi và Bin phải dẫn anh ta vào sâu trong rừng. Tôi cứ nghĩ anh Ru chuyến này bị phạt nặng chứ tuyệt nhiên không nghĩ đến việc phải khử anh ta.
    Nhưng tôi đã lầm. Chúng tôi dẫn anh Ru đi dọc triền dốc giữa hai khe núi, tất nhiên anh vẫn bị trói. Không phải chỉ có Bin và tôi, mà ngay sau đó anh Miết và anh Yơng cùng khoác súng dẫn theo tên Mỹ Kon-Lơ cầm xẻng. Gần như cả tốp người không ai nói với ai lời nào trong suốt quá trình tên Mỹ đào hố, đóng nọc. Một cây nọc lớn hơn cổ tay đóng cứng ở đầu hố và ngay lập tức anh Ru bị trói vào đó. Chỉ tới lúc ấy anh Ru mới rú lên. Trời ơi, tôi không biết có tiếng rú nào rùng rợn hơn tiếng rú của anh Ru. Và tôi đã úp mặt vào thân cây gì rất to đúng lúc cả hai mũi lê đồng loạt bật lên, đồng loạt lao vào tiếng rú từ hai phía. Tôi khuỵu xuống, có ai đó xốc tôi dậy trong tiếng thở dốc của mọi người. Bằng bản năng, tôi ngồi bệt trên miệng hố cào đất như điên như dại hất xuống, trong lúc anh Miết, anh Yơng ngồi hút thuốc. Bin đưa cho tôi một đoạn cây và tôi cứ thế bẩy đất xuống. Thằng Kon-Lơ dùng xẻng đào thêm đất từ phía trên cao cho tôi cào và chẳng bao lâu anh Ru đã nằm dưới đó. Hình như tên Mỹ phải dìu tôi một đoạn dài vì chân tôi run quá, không thể đứng lên về theo các anh được.
    - Căm thù thằng Mỹ ngụy một, căm thù thằng chiêu hồi một trăm!
    Buổi sáng hôm ấy, anh Yơng tập hợp số bà con anh em dưới quyền chỉ huy tuyên bố như vậy. Không khí căng thẳng bao trùm lên từng khuôn mặt, nhưng không ai nói thêm lời nào. Tôi bị sốc, không cách gì hết run và nôn khan vì thực ra, trong bụng tôi cũng chẳng còn gì để nôn ra nữa. Tôi cứ bị dáng hình nhỏ thó lanh lợi của anh Ru ám ảnh. Không lúc nào tôi quên được con cua đá anh Ru nhường cho tôi và cả con dao găm chế từ lưỡi lê anh tặng tôi, mặc dù sau này tôi hiểu được hậu quả do tội ác mà bọn chiêu hồi gây nên đối với những người du kích khủng khiếp đến chừng nào. Cứ sau mỗi lần có một tên chiêu hồi chạy thoát thì bài hát “du kích xơ rơ, du kích xang rang” lại được nhắc tới. Không phải chỉ có một việc phải chuyển ngay chỗ ở, mà bom pháo của Mỹ lập tức oanh tạc tan tành cả khu rừng do bọn chiêu hồi chỉ điểm. Có những tên dẫn cả bộ binh thám báo tập kích vào chỗ đóng quân của ta. Cái luật định phải giết ngay kẻ nào chiêu hồi, tất nhiên nếu bắt được, không ai phản đối. Không ai phản đối vì những ai đã từng phải chạy địch, phải chôn đồng chí, đồng đội, chôn bà con anh em mình do bom pháo địch căn đúng tọa độ khu vực trú quân do bọn chiêu hồi chỉ điểm, đều muốn có hình thức hành hình chúng nặng hơn. Ấy vậy mà tôi vẫn cứ không thoát khỏi tâm trạng buồn thương tiếc nuối và đã có lúc tôi lại tự hỏi, liệu có phải anh Ru định chiêu hồi thật không? Chẳng lẽ anh Ru vừa hiền lành, ít nói, vừa lanh lợi trong những công việc thường ngày thế lại đi chiêu hồi? Nhưng rõ ràng anh ta đã khai với họ rằng anh ta sợ máy bay và pháo nên ưng trốn. Vậy là anh ta đã bị bắt quả tang! Chẳng lẽ anh Yơng, anh Miết, và cả Bin nữa, đương không lại đổ tội cho anh ta, để giết anh ta? Không! Một trăm lần không. Một ngàn lần không. Không bao giờ có chuyện ấy!
    - Không phải một mình anh Ru bị giết như thế đâu anh Bìn ạ.
    Bin nói với tôi khi đến bữa ăn trưa tôi hoàn toàn không nuốt nổi một tí nào.
    - Năm nào chả có một hai đứa đi chiêu hồi.
    Bin nói thêm và tôi không kìm chế nổi đã ôm lấy Bin khóc. May mà Bin hiểu tình cảm của tôi đối với anh Ru.
    - Hình như cậu cũng rất thương anh ta, nhưng thương là một chuyện còn công việc lại là một chuyện khác.
    - Mình cứ quẩn quanh mãi trong Hố Đăk này à?
    Tôi hỏi Bin trong lúc cậu đang ngồi lau súng.
    - Có chớ. Mình sắp đi chỗ khác rồi chớ.
    - Đi đâu?
    - Thằng Mỹ ở trên dông thì mình ở dưới hố. Nó xuống hố thì mình lại lên dông chớ còn đi đâu? Chiều nay có họp chung tổ bá Phới mình đó.
    “Tổ bá Phới” tức là nhóm bà con anh em chúng tôi đây. Hình như nhiệm vụ chính là lo cho già Phới và thêm nữa là trông coi thằng tù binh Mỹ Kon-Lơ. Cho tới bây giờ, quả thật, tôi vẫn chưa thể nào hiểu nổi nhiệm vụ chính của chúng tôi làm gì. Giữ đất đã đành, nhưng chẳng lẽ không còn cách nào khác hơn là cứ chạy quẩn quanh mãi thế này?
    
    *
    * *
    Tôi không ngờ cuộc họp chính thức “tổ bá Phới” anh Miết, anh Yơng và Bin đã không ai mảy may có ý định bảo tôi cùng dự. Điều ấy khiến tôi vừa giận vừa buồn lo. Không được dự họp có nghĩa là tôi vẫn chưa được họ coi là thành viên chính thức. Vậy mà tôi đã nhiều lúc quên rằng, mình chỉ là một tay súng dự bị, một thành viên dự bị! Tôi cứ ngỡ những gì làm được của tôi trong những ngày qua đã đủ để chứng tỏ tôi yên tâm công tác và sẵn sàng nhận bất cứ việc gì, dù khó khăn đến mấy cũng kiên quyết hoàn thành. Té ra tôi được họ nhìn nhận như thế này đây! Tôi cảm thấy đầu óc ê chề, vừa căng thẳng vừa chán nản đến buồn tủi, thầm trách Bin đến mức tôi không còn thiết gì nữa. Cứ nghĩ đến cái chết của anh Ru là tôi lại run bắn lên, không hẳn vì sợ mà có lẽ còn hơn thế. Tôi không thể cắt nghĩa nổi. Trong lúc mọi người họp mình không được họp, chỉ khác với tên Mỹ Kon-Lơ là tôi được nghỉ ngơi - trước khi đi họp Bin bảo tôi cứ mắc võng mà nghỉ ngơi. Còn tên Mỹ thì lại hì hụi đào hầm. Chẳng lẽ tôi lại cùng ra cầm xẻng đào chung với hắn? Tôi cảm thấy hắn có một vẻ mặt vô cảm trong tất cả mọi tình huống, điều ấy càng khiến tôi căm thù hắn hơn. Nếu không có hắn, có thể tôi đã được các anh nhìn nhận khác. Nhưng chẳng lẽ các anh lại nỡ coi tôi là người ngoài cuộc? Không! Bằng chứng là các anh đã trao súng cho tôi và cho phép tôi đi bám địch, thậm chí tôi đã lập công, dù không lớn, nhưng ít nhất tôi cũng đã bắn được một con chó mà theo Bin, con chó quan trọng hơn cả một tên Mỹ. Tôi úp mặt xuống võng, không khóc mà nước mắt cứ tự nó tuôn ra. Tôi chỉ mong cho thời gian qua mau. Qua mau tất cả mọi sự kiện để may ra tôi lại được trở về với vị trí của mình. Tôi thèm được cầm súng đi bám địch hơn lúc nào hết. Hình như có tiếng người lao xao ngoài cửa nhà hầm. Tôi nằm im, giả như vô tình, giả như đang ngủ và tôi chợt nghe có tiếng tàu rà (một loại máy bay trinh sát của Mỹ) bay rất thấp. Trời đã nhập nhoạng tối. Hình như tên Mỹ đã được nghỉ tay. Hình như các anh đã họp xong và hình như họ cũng đang nghe tiếng tàu rà và đang phán đoán tình hình. Tôi ngồi dậy đúng lúc Bin nhảy xuống hầm.
    - Mình tưởng anh ngủ. Anh không ngủ à?
    Bin hỏi để mà hỏi. Tôi không buồn trả lời lặng lẽ đứng dậy cuốn võng. Tiếng máy bay sà thấp hơn. Không phải tiếng một chiếc mà có tới vài ba chiếc cùng bay một lúc, cùng sà xuống ngay trên chỏm rừng. Có tiếng kèn đám ma, tiếng trẻ con khóc, tiếng lợn kêu, tiếng gà cục tác và cả tiếng người ta ơi ới gọi nhau lúc gần lúc xa. Tôi chưa kịp hiểu thì Bin đã lấy võng ra vừa mắc vừa nói:
    - Anh Bìn cuộn võng làm gì? Mình nút lỗ tai lại, đừng nghe bọn máy bay kêu chiêu hồi, ớn lắm.
    Tôi mắc võng trở lại.
    - Mình có lệnh cấp trên cho cử người xuống ấp diệt ác ôn, mai mốt làm xong việc ấy thì mới được rút về phía sau anh Bìn ạ. - Bin nói.
    Chô cha, ớn cái thứ xe bay của thằng giặc Mỹ kêu chiêu hồi này quá. Ấy là đúng lúc tiếng loa từ trên những chiếc máy bay sà thấp gọi “các chiến binh cộng quân Bắc Việt, hãy trở về với chánh nghĩa Quốc gia…”, lúc dội lên rõ mồn một, lúc như hút hơi chìm vào đêm tối mênh mông của rừng già.
    - Bin này, - tôi không thèm để ý tiếng máy bay chiêu hồi, bắt chuyện. - anh đã xuống ấp nhiều lần chưa?
    - Chắc có một trăm lần rồi anh Bìn ạ.
    - Ấp có xa đây không?
    - Gần con mắt, xa cái chân đi. Anh đã được coi ống nhòm rồi còn gì?
    - Ừ. Nhưng mà mình vẫn không xác định được.
    - Địch lo càn quét, nống ra bảo vệ cho bầu cử. Mình không lo diệt được ác thì làm sao phá được kìm kẹp…
    Bin nói như là tự nói với chính mình. Tôi tò mò, hỏi:
    - Bọn địch bầu cử gì hả Bin?
    - Chô cha, ớn anh quá. Địch nó bầu… cán bộ cho nó mà.
    Tôi chỉ muốn hỏi chuyện thêm, nhưng Bin đã bật bọc võng, tỏ ý muốn được yên.
    - Bin này, - tôi níu võng Bin hỏi câu nữa. - bao giờ thì anh em mình xuống ấp?
    Bin nằm trong bọc võng, nói ra:
    - Một là phải giải quyết vấn đề thằng Mỹ Kon-Lơ. Hai là phải lo cho boók Phới và lũ đàn bà con nít được an toàn. Ớn quá. Thôi, ngủ cho khỏe rồi mai triển khai.
    Tôi ngồi thẫn thờ trên võng nghĩ ngợi lung tung. Biết đâu họ lại thử tôi? Nhưng họ làm thế để giải quyết cái gì? Việc họ giữ tên Mỹ Kon-Lơ ở lại đây chỉ vì chưa có dịp đưa hắn về phía sau nộp cho cấp trên, hay vì họ cố tình giữ hắn lại để đảm đương những công việc nặng nhọc? Có lẽ cả hai. Nhưng đối với tôi thì phải khác chứ. Họ đã chẳng giải thích cho tôi rằng, ở đâu trên đất nước này cũng là làm cách mạng, cũng là đánh Mỹ. Bộ đội không thiếu người vì bộ đội lỡ chết có bổ sung ngay. Chứ còn du kích thì lúc nào cũng thiếu. Thiếu mà sao họ xử anh Ru như vậy có khiếp không? Cứ nghĩ tới anh Ru người tôi lại bủn rủn, không còn dám nghĩ thêm gì nữa. Bất giác một mảnh đất trên vách nhà hầm lở xuống, khiến tôi giật bắn người và tôi rời võng ra cửa hầm ngồi. Trăng sáng ngằn ngặt. Cái nỗi lo cứ chập chờn giờ đây lại mỗi lúc một dâng lên rõ ràng hơn. Tôi không đủ kinh nghiệm để suy xét xem điều gì đang thực chất diễn ra, nhưng tôi mơ hồ nhận thấy, dường như tôi đang được nhìn nhận thỏa đáng, mặc dù họ không nói ra.
    Tôi khao khát được nghe một lời bàn bạc về công việc, nhưng tôi cũng đủ tỉnh táo để hiểu được rằng, tất cả mọi công việc đối với tôi đều quá ư mới mẻ, và dù nếu có bàn bạc thì chỉ là hình thức biểu hiện lòng tin. Tôi cố chuyển hướng những nỗi lo vượt ra khỏi mặc cảm để trở về với những kỷ niệm thời thơ trẻ, hy vọng nó vực tôi ra khỏi tình cảnh mà tôi đang mắc phải. Tôi nhớ tới cái ước mơ được trở thành nhà bác học như Mít-su-rin khi tôi suốt ngày hì hụi ghép cây mà chả bao giờ đạt được một kết quả nào. Trong tất cả các công trình của tôi ngày bé, với mảnh vườn cạnh bể nước trồng đủ thứ cây tôi cho rằng, có thể ghép với nhau ấy, nó chẳng hề có ý nghĩa gì đối với thầy u tôi và với cả bọn bạn tôi nữa. Nhưng lúc này nó lại trở nên trọng đại đối với tình cảm của tôi. Cái bàn tay non nớt vụng dại không sao điều khiển được con dao nhíp để bổ lớp vỏ mỏng đầy gai của nhánh hoa hồng ghép sang gốc tầm xuân, đôi lúc đã khiến tôi phát khóc. Mảnh vườn nhỏ của tôi là cả một thế giới bí ẩn đầy hấp dẫn, nhưng cả nhà tôi thì lại nhìn nhận nó như một trò nghịch ngợm. Có lần dây dưa chuột của tôi, được tôi tách vỏ, cho quấn với dây bí đao, gần như chúng đã gắn được vào nhau, sắp đến ngày cắt gốc thì bị một trận tàn phá do con lợn sề sổng chuồng khiến tôi điên tiết cầm cái roi rọc chuối đánh đến nát bét vào lưng nó và cả đàn con của nó. Thế rồi, để trả thù con lợn sề tội nghiệp, tôi đã rủ thằng Thướng bí mật bắt nó “đi tơ” với con lợn đực giống có bộ lông trắng như cước của nhà chị nó. Nhưng cả cái việc ấy cũng chẳng đem lại kết quả gì, vì chúng tôi đâu có biết là bọn lợn “đi tơ” cũng phải đúng thời điểm của chúng.
    Tôi chợt nghe tiếng mơ ú ớ của Bin từ trong hầm vọng ra và cả tiếng rên từ phía căn hầm của thằng Kon-Lơ bên cạnh. Hắn nằm dưới căn hầm nông choèn, nền hầm lót lá khô rồi trải cái võng ka-ki cứng quèo của hắn lên. Còn anh Yơng và anh Miết thì nằm trên hai cái võng mắc châu đầu vào nhau dưới căn hầm nửa chìm nửa nổi do thằng Kon-Lơ đào đắp suốt những ngày qua. Đó là một thứ nhà hầm dã chiến rất tiện cho việc xử lý các tình huống khi cần thiết. Nhóm già Phới và những người đàn bà rất ít khi nằm võng. Họ trải những tấm bao cát. Tổ bá Phới, tổ bố Phới mình đó. Hàn trên lá cây thay chiếu dưới căn nhà hầm không mái, nói đúng ra, đó là một cái hố rộng, khoét vào sườn dốc, che phất phơ những tấm tăng đủ kích cỡ. Cửa ra vào nơi họ ở là một đống củi ngún khói. Tôi không dám tò mò đi lại, mặc dù tôi rất thèm đi lại, thèm tới bên đống lửa. Khuya lắm rồi. Tôi biết giờ này là giờ gác rất nghiêm ngặt của ai đó đang theo dõi mọi động tĩnh và tôi đành lặng lẽ quay xuống hầm.
    
    *
    * *
    Sự lo lắng thái quá, đến mức nghi ngờ của tôi đối với Bin và những người du kích về việc sắp được xuống ấp diệt ác ôn khiến tôi thức trắng đêm, để sáng ra, tôi nhận thấy thái độ của mọi người gần như không có biểu hiện gì đáng nghi ngại. Anh Yơng gọi riêng tôi và Bin ra giao nhiệm vụ tối nay xuống ấp, mà theo cách nói của Bin là “không phải chuyện bình thường”. Tôi thấy mấy người đàn bà thu dọn đồ đoàn có vẻ như sẵn sàng lên đường. Còn tên Mỹ Kon-Lơ thì ngồi trước cái bồng bằng bao cát đựng đồ đoàn của hắn hong hóng chờ lệnh. Già Phới ngồi sát một gốc cây to trước cửa nhà hầm, miệng ngậm ống điếu với cái vẻ ung dung tự tại chưa từng có. Tôi đoán rằng việc xuống ấp diệt ác ôn có lẽ chỉ mình tôi và Bin hoặc có thêm anh Miết. Tôi thấy anh Yơng nói gì đó có vẻ quan trọng lắm với Bin và anh Miết bằng tiếng Bah Nar. Trong những câu nói ấy đôi lần anh nhắc tới tên tôi và tên tên Mỹ. Rồi anh đưa cho Bin một tờ giấy nhỏ. Tôi giả vờ không quan tâm, nhưng thực ra tôi đã liếc nhanh thấy vài hàng chữ đánh máy có đóng dấu phía góc dưới với một chữ ký rất to: Bá ĐYk.
    - Cho anh Bìn coi này. - Bin đưa cho tôi tờ giấy sau khi hai anh em đã xuống hầm. - Chô cha! - Bin than vãn. - Cứ diệt ác, diệt ác miết miết.
    Thực ra, cho mãi tới giờ này, tôi vẫn chưa thể hình dung được việc xuống ấp diệt ác sẽ diễn ra thế nào. Ngay cả chuyện ấp chiến lược đối với tôi cũng mới chỉ là một khái niệm hết sức mù mờ mà tôi đọc được qua báo chí, rằng đó là trại tập trung, nơi địch gom dân lại làm “hàng rào người” trước khi có hàng rào kẽm gai, nhằm bảo vệ các cơ quan đầu não của chúng. Chính vì vậy mà dân trong ấp luôn luôn coi mình đang ở trong kìm kẹp, ngục tù. Họ lúc nào cũng mong ngóng có quân giải phóng tới giải thoát cho mình. Chỉ cần sự có mặt của chúng tôi, tức thì họ sẽ vùng lên ngay. Cái kiến thức mỏng manh và đơn giản ấy dù sao cũng giúp cho tôi có điểm xuất phát để nhận thức về địch tình. Và đúng là nếu không có nó, chắc gì sau này tôi đã nhận ra những diễn biến phức tạp mà chỉ có người trong cuộc mới có thể hiểu được. Tôi nhớ tới những lần đi nắm địch cùng Bin và anh Ru, cứ mỗi lần trèo lên chạc ba của cây dẻ rất to, bắc ống nhòm nhìn qua khoảng không để thấy được phần nào cảnh trong thung lũng An Khê, với những đàn máy bay lên xuống, với con đường nhựa ngoằn ngoèo cùng những đám nhà mái tôn lấp lóa. Đám nhà mái tôn đó chính là ấp chiến lược của chúng, Bin và anh Ru bảo tôi thế.
    - Thằng ác ôn này, - Bin nói thêm. - Nó có bà con với anh Yơng đó…
    Tôi mù mờ nhận ra giữa Bin và anh Yơng có chuyện gì đó không hoàn toàn chịu nhau. Tất cả mọi hoạt động của những người du kích ở đây đều lệ thuộc vào quyết định của anh Yơng. Vậy thì việc diệt tên ác ôn, dù hắn là người nhà mà anh vẫn cứ quyết định, chứng tỏ anh có lập trường tư tưởng vững vàng, chứ cớ sao Bin lại nói với tôi bằng cái vẻ ít thiện cảm thế nhỉ? Tôi đem tờ giấy Bin vừa đưa ra cửa hầm coi. Đó là bản tuyên án tử hình tên ác ôn Nhi-ép hay Nhớp gì đó, vì bản đánh máy quá mờ, lại xen cả chữ Bah Nar và chữ phổ thông. Theo bản án, hắn có nhiều nợ máu với nhân dân, hiện làm liên gia trưởng trong ấp Plei Mố hay Mó, với chữ ký rất to: Bá ĐYk.
    - Anh Bìn này, - Bin cầm lại tờ giấy, nói. - không có người đi nhiều nhiều đâu. Một là phải lo cho boók Phới và lũ đàn bà con nít. Hai là phải có người coi giữ thằng Kon-Lơ.
    - Tất nhiên rồi. - Tôi nói. - Thế chữ ký Bá ĐYk là ai hở Bin? - Tôi hỏi giả vờ như chỉ vô tình hỏi.
    - Là của huyện ủy đó. - Bin nó với cái giọng không mấy quan tâm và tôi nôn nóng hỏi thêm:
    - Chắc huyện ủy ở xa lắm nhỉ?
    - Mình làm du kích biết nhiệm vụ của du kích thôi anh Bìn ạ.
    Tôi chưng hửng.
    - Anh Bìn cứ ngủ cho khỏe. - Bin vừa mắc lại võng, vừa nói. - Chờ tối mình mới đi anh Bìn ạ.
    Tôi chùi chân lên võng, nằm được một lúc, nhưng gọi mãi giấc ngủ vẫn không đến. Tôi rón rén ra ngoài, định bụng kiếm cái gì ăn, nhưng một cảnh tượng hoang vắng đến sững sờ khiến tôi thốt lo ngại. Họ đã rút đi đâu hết cả? Không còn một ai và không còn bất cứ vật dụng gì, ngoài mấy căn hầm và đống tàn tro. Tôi vội xuống hầm, lay Bin dậy:
    - Bin! Bin! Anh Yơng, anh Miết đưa mọi người đi đâu hết cả rồi?
    - Tui mệt anh quá. - Bin trở mình trên võng, nói. - Mình có nhiệm vụ ăn rồi ngủ cho khỏe, tối xuống ấp.
    - Nhưng còn có gì để ăn đâu. Họ đem hết đi rồi. - Tôi lo lắng nói.
    - Mình có tiêu chuẩn hai nắm cơm không tui cất đây rồi. - Bin ngồi dậy, nói. - Còn mấy củ mì nướng dưới bếp tro đó mà.
    Tôi biết là nếu có hỏi thêm cũng chỉ tổ gây khó chịu cho Bin, đành ra bới tro, lấy sắn nướng ngồi nhai...
    
    *
    * *
    Cũng may là sau khi nhai những củ sắn nướng với muối hầm có mùi sắt của lon đồ hộp Mỹ, tôi đã tự xác định lại cái mà Bin gọi là “nhiệm vụ du kích” của mình, để chuẩn bị cho những tình huống bất ngờ có thể xảy ra, nhất là việc xuống ấp diệt ác. Và tôi đã ngủ được một giấc dài, nếu như không có tiếng pháo nổ và tiếng máy bay trực thăng của địch quần đảo sát sạt khiến Bin phải thúc tôi dậy. Hai chúng tôi khoác bồng trên vai, ngồi chống súng trước cửa hầm nghe ngóng từng đợt pháo và từng đợt máy bay bắn rốc-két rồi thả bom. Tôi có nghe cũng chỉ biết là nghe, chứ còn phán đoán tình hình thì hoàn toàn phụ thuộc vào Bin.
    - Anh Bìn có sợ xuống ấp à?
    Bỗng Bin hỏi một câu mà tôi hoàn toàn không lường trước. Nhưng bằng phản xạ tự nhiên, tôi vội nắm tay Bin, hỏi lại:
    - Bin không tin mình à?
    - Anh Yơng nó biểu, anh có nói tiếng miền Bắc, bọn ác ôn sợ hung.
    - Sao lại thế?
    - Có tiếng miền Bắc là có chủ lực nhiều mà.
    - Thế càng tốt chứ sao?
    - Anh có nhiệm vụ vào nhà thằng ác ôn, gọi nó ra. - Bin cố huy động vốn từ truyền đạt ý đồ của anh Yơng. - Một là anh cứ nói tiếng miền Bắc, biểu nó ra tập trung, cách mạng cho học tập. Hai là… phải biết la to khi nó có tình huống chống đối…
    Tôi nắm chặt tay Bin hơn, nói rắn rỏi:
    - Được. Mình làm được mà.
    - Chô cha, tui ớn nhiệm vụ diệt ác hung, anh Bìn ạ. - Bin buông tay tôi ra, nói. - Nhưng anh Yơng nó biểu địch đang có bầu cử, mình phải lo diệt được một thằng ác ôn…
    - Chỉ có hai anh em mình đi thôi à?
    Thực ra câu hỏi này tôi đã định hỏi từ sáng, nhưng mãi bây giờ mới có dịp. Bin chun mũi, nheo mắt nhìn tôi với cái vẻ láu lỉnh rất dễ thương:
    - Tui yêu cầu anh có bí mật nghe.
    - Tất nhiên rồi.
    - Anh có nhiệm vụ gọi thằng ác ôn ra cửa. - Bin nhắc lại. - Em có nhiệm vụ đưa nó ra ngoài bìa ấp. Chô cha, bắn vào đầu nó đã có nhiệm vụ cho thằng Kon-Lơ rồi.
    - Thế anh Yơng, anh Miết?
    - Anh Yơng phải lo cho boók Phới và lũ đàn bà con nít có an toàn, lỡ địch càn. Anh Miết bắt thằng Kon-Lơ cùng đi chớ. Thế mà.
    Lại thằng Kon-Lơ, tôi nghĩ. Sau đợt xuống ấp diệt ác này, nếu như mọi chuyện bình thường, nhất định tôi sẽ nói thẳng quan điểm lập trường của mình với anh Yơng. Tại sao anh cứ từng bước nhượng bộ, để cho hắn được nhận những công việc quan trọng như thế này nhỉ? Đầu óc giáo điều về “ta và địch” của tôi lúc ấy bỗng lại trỗi dậy.
    - Thôi, mình xuống bìa rừng cho sớm.
    Bin hình như đoán được ý nghĩ của tôi, nói.
    - Em ớn bắn vào đầu người ta hung rồi anh Bìn ạ.
    - Nhưng đó là tên ác ôn có nợ máu. - Tôi nói mạnh mẽ.
    - Một lần, được. Hai ba bốn lần, nợ hung mà… Mình không quen biết mà…
    Pháo địch đã chuyển làn, nhưng máy bay L19 thì lại sà thấp hơn. Bin ngước nhìn lên vòm rừng, nói nhỏ:
    - Cho em bắn một trăm thằng Mỹ xe bay không ớn đâu.
    Nói rồi cậu nhổ nước bọt và xách súng, chĩa lên trời bắn một phát!
    
    *
    * *
    Chúng tôi lần theo một con suối cạn, đi trong lòng suối, đi trong thứ ánh chập chờn của pháo sáng, đèn dù. Thỉnh thoảng từ trên một chóp núi rất cao phía trước, có một luồng sáng cực mạnh quét xuống. Bin nép người vào một gốc cây hoặc mô đá và tôi cũng làm theo Bin. Nhất nhất mọi cử chỉ của Bin tôi phải làm theo. Tôi không đủ khả năng quan sát địa hình vì mọi giác quan của tôi tập trung vào các động tác của cậu, để rồi cứ thế mà làm theo. Tôi giật thột khi nghe một loạt súng nhỏ bắn rát rạt đâu đó rất gần, trong khi Bin lại không coi đó là điều quan trọng. Lòng con suối hình như càng đi sâu vào càng thu hẹp. Bắt đầu thấy có nước xâm xấp dưới chân. Chúng tôi rời con suối leo lên một khoảng trống gò đồi toàn sim mua và chà là. Thì ra đêm nay có trăng. Tất nhiên trăng không phải là thứ ánh sáng chính giúp chúng tôi leo lên, tụt xuống đám gò đồi đầy gai và phân trâu bò ấy. Tôi đã vài lần sục vào những bãi phân trâu trẹo cả chân ra khỏi dép. May mà đôi dép của tôi vào loại tốt nhất. Đó là món tài sản quý giá ngoài mơ ước của mấy người du kích.
    - Anh Bìn này, - Bin kéo tôi ngồi xuống chân một tảng đá lớn, nói thầm vào tai tôi. - Mình ngồi đây nghỉ chút xíu. Anh có nghe bụng đói không?
    Tôi hoàn toàn không nghĩ tới chuyện nghỉ ngơi và ăn uống vào lúc này. Bin để súng dựa vào tảng đá vươn vai, vặn người. Tôi cũng làm theo.
    - Em có đói hung anh Bìn ạ. - Bin ngồi xuống lấy bi-đông nước uống ừng ực rồi đưa cho tôi. Tôi vỗ vỗ vào cái bi-đông của mình, ra hiệu là tôi còn nhiều nước, rồi ghé sát vai cậu, hỏi nhỏ:
    - Gần tới ấp chưa?
    - Mình chờ cho hết trăng mới vào được.
    Bin nói và lấy nắm cơm bẻ đôi, ấn vào tay tôi. Khi tối hai đứa tôi đã ăn một nắm, thực ra lúc ấy tôi rất muốn chén hết luôn cả nắm này, nhưng Bin giữ lại. Tôi mân mê phần cơm trong tay, cảm thấy nửa của mình to hơn của Bin nhiều quá, liền bẻ đôi đưa lại cho Bin. Bin co tay lại. Miếng cơm rơi xuống đất. Tôi vội nhặt lên, ấn vào tay Bin lần nữa, nói:
    - Mình không đói.
    - Chô cha, tui ớn anh quá!
    Tôi đã hết căng thẳng, cảm thấy buồn cười khi chợt nghĩ tới cách xưng hô lúc em, lúc tui của Bin. Một loạt đạn lửa vọt lên phía trước mặt, sau mới nghe tiếng nổ. Hình như phía ấy là ấp hay đồn gì đó. Bin loay hoay cho miếng cơm tôi vừa đưa cất vào túi.
    - Một là chờ anh Miết và thằng Kon-Lơ, - Bin nói thêm. - hai là anh cứ ngủ chút chút, em gác cho.
    Trời ạ, lại còn thế nữa. Tôi ngồi duỗi chân, ghếch nòng súng trên vai, bụng muốn hỏi Bin thêm vài điều nữa. Nhưng mà có hỏi thì cũng thế và tôi lơ mơ chợp mắt trong thứ âm thanh bùm xẹt cùng thứ ánh sáng lờ mờ của vùng đồi lúp xúp cho tới khi Bin lay tôi dậy thì hình như tôi đã ngáy. Và tôi choàng tỉnh, nhận ra bóng thằng Kon-Lơ và anh Miết đứng liền bên. Tôi xốc thắt lưng, xách súng đứng dậy, cảm thấy mình đã thành thục các động tác. Thằng Kon-Lơ đầu đội mũ tai bèo, hình như cái mũ này của anh Ru? Hắn đã được đi giày nhưng vẫn tay không. Ánh đèn pha trên đỉnh núi ráo riết xỉa xuống, nhìn theo vệt sáng ấy tôi chỉ thấy loang loáng những chỏm đồi. Tít trên cao có mấy đốm đèn đỏ nhấp nháy, một lúc sau sà thấp dần xuống rồi tiếng rít rất căng của động cơ. Sau này tôi mới biết ánh đèn pha ấy chiếu xuống nhằm bảo vệ sân bay Cây Me, căn cứ quân sự, Sư đoàn không vận số I của Mỹ ở An Khê. Thằng Kon-Lơ có vẻ như đã quen với những cuộc đi thế này. Hắn khoác một cái bao tải không sau lưng. Tôi chợt nghĩ tới một gùi gạo hoặc muối sẽ dành cho hắn lúc trở về và tôi đắc chí cười thầm. Chẳng là đã đôi lần Bin kể chuyện xuống ấp nhận muối, nhận gạo, lúc về được ăn cơm không mấy ngày liền. Bin khoát tay ra hiệu cho tôi bám sát cậu. Sau tôi là thằng Kon-Lơ. Anh Miết khóa đuôi. Chúng tôi tụt xuống một đám ruộng bỏ hoang đã lâu ngày, đất cứng đanh, cây cỏ mọc tùm lum, bờ ruộng lở lói. Sau đó là một khoảng đất rộng mới cày, đất pha cát mịn. Men theo những dãy sắn, chúng tôi lọt vào một bờ rào khá cao, dây thép gai chằng chịt. Bin vẫy tôi tới sát bên cậu. Cậu ghé sát tai tôi, nhắc:
    - Một là có tới ấp đây rồi. Hai là lỡ gặp địch tui bắn trước anh mới được bắn đó nghe.
    - Tất nhiên rồi.
    - Sao anh run thế?
    - Không… Không sao.
    Tôi chợt quay lại. Không thấy thằng Kon-Lơ và anh Miết đâu. Bin đoán được nỗi lo của tôi, cậu nói thêm:
    - Mình lo nhiệm vụ của mình thôi, anh Bìn ạ.
    - Ừ. Nhất định rồi.
    Tôi hấp hoảng nói. Bin ấn tôi ngồi nép sát bờ rào. Cậu trườn dần người lên quan sát. Tôi cảm thấy toàn thân run bắn và tôi đã cố cắn chặt răng, tự kìm chế. Bỗng Bin lại ra hiệu bò theo cậu. Tốc độ nhanh dần. Đến một cái rãnh cỏ dày đặc, bước xuống bùn và nước ngập tới đầu gối. Mùi thối ngùn ngụt bốc lên. Bin ngậm miệng khùng khục ho. Hình như trong mớ côn trùng như trấu ném vào mặt có một con đã kịp xộc vào họng cậu. Nhưng rồi cơn sặc ấy cũng qua nhanh. Bin mở tốc độ theo cái rãnh phân, càng tiến sâu vào càng đặc dần. Chúng tôi đã ở giữa một khu vườn, toàn mít là mít. Phía dưới mít dày đặc dứa, quơ tay đụng quả. Bin ngồi chìm trong bụi và rút dao găm, chỉ nghe roạt một cái, cậu đã ấn vào tay tôi nửa quả dứa thơm lừng. Tôi chưa kịp gặm xong miếng dứa thì Bin đã ấn tay tôi vào giữa quả mít to, chín nũng. Tôi bốc mít ăn, thực ra chẳng biết ngon nghẻ gì. Nhưng rõ ràng cơn run biến mất. Tiếng chó bỗng sủa rộ lên cách chỗ vườn chúng tôi ngồi cỡ chừng vài trăm mét. Tôi nâng súng, ép người vào cây mít chờ lệnh. Bin ghé tai tôi, nói nhỏ:
    - Không phải địch đâu. Anh Miết và thằng Kon-Lơ đó.
    - Thế à? Bây giờ mình làm gì?
    Bin giật cành mít sà trước mặt, chặt đưa tôi và cậu kéo một cành rào chạy ra khoảng sân trống. Tôi không kịp hiểu, không kịp quan sát gì nhiều, chỉ đủ thời gian nhận ra chúng tôi vừa chạy vừa khua cho chó sủa quanh những ngôi nhà sàn thấp lè tè, cửa đóng im ỉm. Chó chạy tán loạn, sủa dữ dội. Đột nhiên, Bin dừng trước sàn cửa một ngôi nhà có lẽ to nhất.
    - Anh nhảy lên, đập cửa đi. Nhà nó đó.
    Vì thiếu kinh nghiệm nên tôi đã bị ngã bổ chửng khi đu người trèo lên sàn cửa. Nhưng rồi tôi cũng leo được lên. Tôi thoáng nhận ra chỗ cửa treo một chùm lá tươi và tôi cầm chùm lá đập vào cánh cửa phên nứa:
    - Mở cửa ra! Cách mạng đây mà! Mở cửa ra! Cái câu này tôi đã nhẩm đi nhẩm lại suốt cả chiều rồi. - Cách mạng yêu cầu gia đình mở cửa! Tôi nói rất to.
    Có tiếng khóc oe oe của trẻ sơ sinh và sau đó là tiếng rầm rập chạy trong sàn nhà, tiếng then mở lục cục. Tôi chĩa súng vào mặt người đàn ông vừa hé cửa ra. Hắn quỳ thụp xuống. Tôi đạp mạnh cánh cửa phên nứa và nói to:
    - Có phải anh là Nhép hay Nhớp không?
    - Dà. Dà…
    - Cách mạng yêu cầu anh ra ngay ngoài kia để học tập!
    - Dà… Dà…
    - Dà cái gì? Khẩn trương lên!
    Tôi dựng tóc gáy, nhảy giật lùi lại khi nghe tiếng khóc ré của đứa bé và sau đó là người đàn bà còn rất trẻ vừa ôm chân tôi vừa ôm đứa bé van lạy. Tôi chưa kịp giãy ra thì một bà già tóc xõa cũng đã kịp ôm ghì lấy chân tôi vừa khóc vừa van lạy bằng thứ tiếng nửa Kinh, nửa Thượng. Tôi không nghe được, nhưng tôi hiểu là họ van xin.
    - Anh Nhớp! - Tôi quát rất to. - Ra ngay!
    Họng súng của Bin chĩa vào người anh ta từ phía ngoài và tôi chỉ kịp nhận ra anh ta mặc quần đùi, cởi trần. Tôi quát to, sau khi gỡ được tay hai người đàn bà: - Mặc quần áo vào! Ra học tập rồi về ngay thôi! Có im mồm không nào?
    Trong khoảng vài giây tất cả cùng im phắc. Người đàn ông không thể đoán ra tuổi nhưng rõ ràng vợ anh ta chỉ mười tám hai mươi là cùng. Anh ta vì run quá không xỏ được tay vào cái áo bà ba.
    - Tôi đã nói học tập là học tập! Khẩn trương lên!
    Tên ác ôn đã mặc xong quần áo. Hắn cầm hai cánh tay bà già giật giật. Rồi đến cô vợ của hắn. Hắn muốn nhào tới ôm cả hai mẹ con cô ta, nhưng đã bị tôi dùng mũi súng gạt ra cửa. Lập tức Bin thúc mũi súng vào lưng hắn ẩy mạnh xuống đất. Còn tôi, tôi vội kéo cánh cửa sập lại. Tôi chạy theo Bin trên con đường ra cổng ấp. Cánh cổng là một mảng rào tre lẫn dây thép gai, phía trên có một tấm biển gỗ kẻ một dây khẩu hiệu bằng sơn hoặc vôi trắng. Vừa ra khỏi cánh cổng đã thấy thằng Kon-Lơ gùi một gùi gì đó rất to, nhưng có vẻ không nặng lắm. Còn anh Miết đi sau hắn, cũng gùi một gùi nhỏ. Chúng tôi không ai nói với ai lời nào, cho tới khi ra được bụi tre khá to ngay bìa ấp. Bin nói tiếng Bah Nar với tên Nhớp. Hắn run rẩy ngồi thụp xuống. Loáng một cái, tôi thấy anh Miết đưa cây AR15 của anh cho thằng Kon-Lơ. Ngay lập tức tôi giật bắn người vì tràng tiểu liên cực nhanh chói lửa và tôi chỉ kịp thấy tên ác ôn đổ nhào xuống. Hình như khi tên Mỹ chĩa súng vào hắn, hắn đã chồm lên định chạy. Tôi loay hoay mãi mới gài được tờ giấy đánh máy bản án tử hình vào áo tên ác ôn. Thực ra khi nãy tôi bắt hắn mặc áo là để cho hắn khi chết không phải cởi trần chứ không nhằm vào việc gài bản án này.
    Đường chạy trở về rừng có vẻ gần hơn lúc xuống rất nhiều. Tôi chạy kịp ba cái bóng lúp xúp trên gò. Phía sau lưng chúng tôi, súng nhỏ nổ rát rạt, tựa hồ như chúng đang bắn đuổi theo. Khi chúng tôi lọt xuống một con suối cạn, hình như không phải con suối lúc xuống, vì tôi thấy con suối này hẹp lòng hơn. Anh Miết hạ gùi bảo nghỉ đúng lúc pháo địch và cối địch dội dày đặc phía chân gò, ngoài bìa ấp…
    
    *
    * *
    
    Anh Yơng đón chúng tôi ở cửa rừng lúc trời vừa sáng. Nét mặt anh hốc hác. Đôi mắt anh hum húp sưng. Có lẽ vì quá lo công việc, và có lẽ đêm qua anh cũng không ngủ. Tôi chợt nhớ Bin bảo tôi, tên ác ôn này là người nhà của anh. Anh chìa một tay bắt tay từng người, kể cả tên Mỹ. Cái động tác bắt tay hờ hững của anh khiến tôi khó chịu. Anh hạ gùi. Anh Miết và tên Mỹ Kon-Lơ cũng hạ gùi. Thì ra đêm qua, trong lúc tôi và Bin kêu thằng ác ôn ra anh Miết đã kịp gặp cơ sở nhận một bao cát gạo, còn tên Mỹ nhận một gùi to rau cải và cá khô. Anh Yơng mở gùi lấy ra một bọc cơm to cùng hai quả bầu khô đựng rượu cần. Anh bảo liên hoan cơm không mừng chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ. Cứ tưởng có cơm không, cá mòi khô nướng thì chúng tôi phải đánh bay. Nhưng chỉ có hai quả bầu khô đựng rượu cần là hết sạch. Tôi cũng uống hai ngụm to. Người thấy nôn nao, chỉ muốn được tắm và rúc vào trong tấm dồ ám khói của già Phới.
    - Cấp trên yêu cầu tất cả về phía sau chỉnh huấn và thu hoạch nương rẫy.
    Anh Yơng nói tiếng Bah Nar, sau đó Bin dịch lại cho tôi. Diệt xong thằng Nhớp coi như phá xong cuộc bầu cử ở ấp PleiRó. Tôi mừng thầm vì hy vọng về phía sau thế nào cũng được nghỉ ngơi. Bin ra hiệu bảo thằng Kon-Lơ san đôi gùi rau, để cậu mang cho một nửa. Nhưng tên Mỹ xua xua tay, nhún nhún vai, miệng nói “Khí rá, khí rá” liên hồi. Mấy từ này thì tôi đã thuộc vì nó gần như được dùng nơi cửa miệng. “Không sao, không sao”. Mày thích thì cho mày “không sao”, tôi nghĩ. Đến lượt tôi bảo anh Miết đưa bao gạo tôi gùi lên dốc cho, anh cũng lại “khí rá”. Tôi gần như giằng bao gạo ra khỏi vai anh. Không khí mệt mỏi, trầm lắng không cách gì xua đi được. Tôi có cảm giác những con đường mòn chi chít trong rừng già phủ đầy lá khô được hình thành từ thuở khai thiên lập địa giờ đây đang trở thành những con đường cạm bẫy. Không ai có thể dám chắc phía trước những con đường loằng ngoằng kia sẽ dẫn tới đâu, nếu các chạc ba, chạc bảy không có những cành lá với cái vẻ vô tình huyền bí, do chính trí nhớ của những người du kích tạo nên. Anh Yơng cắm cúi bước phía trước. Chưa bao giờ tôi thấy anh quay lại coi thử xem anh em đi đứng thế nào. Thằng Kon-Lơ lẵng đẵng bám sau. Hình như chuyện đi đứng, chuyện đào hầm và cả cái chuyện xả súng khi đêm đều nằm ngoài sự quan tâm của hắn.
    - Cái răng của em hôm nay vừa đau vừa ngứa hung, anh Bìn ạ. - Bin dấn bước lên ngang tôi, nói. - Anh Bìn có mệt nhiều hơn, đưa bao gạo em gùi cho.
    - Không. - Tôi dứt khoát và cảm thấy vui vui khi nghe Bin xưng em một cách ngọt xớt. - Khi nãy mệt lắm, - tôi nói thêm. - nhưng bây giờ khỏe rồi.
    - Tối nay mình nghỉ, mai mốt được về phía sau…
    
    *
    * *
    Anh Yơng dừng lại trên đỉnh dốc cất tiếng hú, mặc cho tiếng máy bay trinh sát đang rì rì lượn trên đầu. Bin gỡ bao cát gạo từ vai tôi chuyển qua vai cậu, nhanh tới mức tôi không kịp phản ứng. Có tiếng hú đáp lại từ đâu đó, tôi không thể xác định được. Thì ra suốt ngày và đêm qua, tranh thủ lúc chúng tôi xuống ấp, anh Yơng đã dẫn già Phới và những người đàn bà cắt rừng, chuyển lui xuống sát bờ một dòng sông lớn, theo cách nói của Bin, ấy là nhằm “cảnh giác cách mạng”. Thấy tôi có vẻ không hiểu, Bin giải thích thêm:
    - Lỡ có ai bị địch bắt… Bin bỏ lửng câu nói khi thấy tôi rùng mình, tỏ vẻ không hài lòng.
    - Làm gì đến nỗi thế. - Tôi nói. Và rất nhanh, tôi tự nhắc mình không nên tranh luận.
    
    *
    * *
    
    Không khí ở nơi tạm trú mới thật lý tưởng cho việc nghỉ ngơi. Sát bờ sông là những vách đá, những hang động với những tảng đá lớn chồng lên nhau. Rễ cây trườn trên đá chằng chịt cùng với những thân cây uốn mình sà sát mặt nước. Không phải chỉ có mình tôi thèm tắm, mà cả tốp xuống ấp nhìn thấy nước đều sáng mắt ra. Chỉ đến lúc này tôi mới nhớ bộ quần áo duy nhất của tôi đã rách bươm. Quần tướp cả ống, áo gần như chỉ còn lại hai cánh tay. Tôi bảo Bin hỏi mấy chị xem có kim chỉ không. Bin nhìn tôi, chẳng hiểu vì sao cậu lại lên cơn cười. Tôi lúng túng kéo những chỗ rách túm vào nhau.
    - Coi anh chết cười quá. - Bin nói. - Lũ đàn bà không có kim chỉ đâu. Anh không thấy họ mặc váy bằng bao cát Đại Hàn à?
    Nói rồi Bin lấy cho tôi một cái khố.
    - Anh Bìn đóng khố cho thành du kích tốt rồi đó.
    Bin đẩy tôi ngã nhào xuống nước. Chỉ có nước sông mới giúp xóa cho tôi những giọt nước mắt, mặc dù tôi đã cố nén, nhưng nó cứ trào ra. Tôi lặn sâu xuống đáy sông trấn tĩnh. Sát bờ, thằng Kon-Lơ và anh Miết hì hụi lặn ngụp mò ốc. Hắn may hơn tôi vì bộ quần áo của hắn vẫn còn nguyên vẹn…
    
    *
    * *
    
    Tôi không ăn ốc, mặc dù bữa tối ốc luộc ê hề. Nhưng tôi ngốn một bụng rau cải luộc. Cơm không, cải luộc, cá khô nướng, muối hầm, một bữa tiệc hoàn hảo, chỉ hôm qua thôi dù có mơ cũng không thể dám mơ. Tôi nem nép ngồi, nem nép đi lại vì ngượng và vì chưa quen với dây khố. Lúc nào tôi cũng có cảm giác như nó sắp tụt ra, mặc dù Bin đã cố nén cười quấn cho tôi rất chặt. Thằng Kon-Lơ bây giờ có vẻ thoải mái, tự nhiên hơn. Hắn xăng xái xúc ốc cho người này, gắp rau cho người kia. Có lẽ vì thấy thái độ lạnh lùng của tôi mà hắn chờn, tôi nghĩ thế. Bây giờ đây, sau cú bắn chóa lửa vào đầu tên ác ôn đêm qua đã củng cố vị trí cho hắn, tôi nghĩ thêm khi đã nằm cuộn khoanh trên võng. Hình như hắn lại còn được cả uống rượu cần và hát theo những người du kích? Tất nhiên tôi không thú vị gì cái món ấy. Tôi lên võng sớm vì vừa ăn xong là đôi mắt tôi cứ díp lại, không sao cưỡng được cơn buồn ngủ cộng với mặc cảm đóng khố. Người tôi cứ ở trong trạng thái châng lâng. Tôi ngủ li bì, đến khi tỉnh dậy tôi phải định thần một lúc mới nhận ra mọi người đang chuẩn bị để lên đường. Anh Yơng gọi tôi và Bin ra riêng một chỗ giao nhiệm vụ đi tiền trạm, nắm tình hình đường sá. Tên Mỹ đứng bên già Phới và tôi đoán ngay ra rằng, hắn là người cõng già trong suốt cuộc hành quân này. Điều ấy thật may cho hắn và may cho tất cả mọi người. Không ai cõng già Phới nhẹ nhàng và gọn nhẹ hơn thằng Kon-Lơ. Còn già Phới thì khỏi nói. Được ngồi trên tấm lưng dài với hai cánh tay vừa dài vừa chắc của hắn, tất nhiên hơn hẳn bất cứ ai. Hắn được đi giày, đội mũ và được bảo vệ an toàn…
    - Cách mạng có nhiều thay đổi. - Anh Yơng nói với tôi và Bin. - Hai đồng chí đi trước trinh sát, dẫn đường, có cảnh giác cách mạng cao. Cấp trên yêu cầu mình về phía sau tuốt lúa và chỉnh huấn. Anh Yơng nói tiếng Kinh rất khó khăn. Cuối cùng anh cũng phải nói tiếng Bah Nar rồi Bin dịch lại cho tôi. Mỗi câu nói của anh Yơng đều là chỉ thị và lần nào anh cũng nhấn mạnh, đó là yêu cầu của cấp trên. Thực ra chưa ai thấy cấp trên cụ thể nào. Nhiều lúc tôi những tưởng cấp trên chỉ là cái để nói, để nhắc nhở. Đó là một khái niệm nhằm chỉ những công việc quan trọng. Nhưng tôi đã lầm. Sự thực thì họ luôn luôn có sự chỉ đạo chỉ huy của cấp trên thật. Bằng chứng là bản án tử hình tên Nhớp mà tôi đã tận mắt trông thấy. Và bây giờ đây, chúng tôi được rút về phía sau đâu phải họ tự rút về. Tôi thấy anh Yơng phổ biến tình hình cách mạng rất lâu. Mọi người chăm chú nghe anh nói, thỉnh thoảng cùng ồ lên rồi quay sang nhau bàn tán sôi nổi. Tôi không tỏ thái độ gì mặc dù thực lòng tôi rất mừng.
    Tôi luôn nghĩ tới những quyết định bất thường mà anh Yơng chẳng bao giờ để lộ. Kể cả Bin và anh Miết cũng thế. Mọi công việc dường như luôn được tính toán kỹ lưỡng chứ không phải đơn giản như tôi tưởng. Ấy thế mà lúc nào tôi cũng canh cánh nghi ngờ. Đang lúc địch đổ quân nống ra, đánh phá khắp rừng khắp núi, chẳng lẽ chúng tôi lại dễ dàng được rút về phía sau? Mà phía sau của họ là gì? Cái việc giữ thằng Kon-Lơ và tôi ở lại phía trước bấy nay, tuy có đôi chút phiền hà. Nhưng rõ ràng cả tôi và hắn đều đã chứng tỏ được bằng hành động, không phải một lần, mà quá nhiều lần, đủ để các anh không còn phải nghi ngờ, cảnh giác. Cái lối sống thực dụng kiểu Mỹ của thằng Kon-Lơ có lẽ chỉ mình tôi là nhận ra, mặc dù hắn luôn làm theo mệnh lệnh của các anh như một cái máy, kể cả việc mò cua, bắt ốc, đến đào hố chôn anh Ru và cả cái chớp lửa của đầu nòng khẩu tiểu liên cực nhanh mà anh Miết vừa ấn vào tay hắn. Hắn trao súng lại cho anh Miết ngay sau cú nhấn cò với một động tác cực kỳ cầu thị, rồi hắn xốc cái bao tải rau chạy theo Bin như thể hắn sẵn sàng làm tiếp một việc gì đó nặng nề hơn, nếu như có lệnh. Tôi không nhớ là tôi có run không khi gài bản án tử hình vào áo tên Nhớp, nhưng tôi đã quên việc bắc loa tay đọc to lên cái bản án mà theo như nhiệm vụ lúc đầu, Bin đã dặn đi, dặn lại tôi phải làm như thế. Cũng may là cả Bin và anh Miết đều không ai nhắc tới chuyện đó, như thể chuyện đó không có trong kế hoạch. Cuộc rút quân về phía sau tính ra mất bốn ngày năm đêm ròng rã. Tôi không thể hình dung được, rừng núi chiến khu của ta lại rộng lớn đến nhường ấy.
    Chúng tôi chủ yếu là leo dốc trong rừng già, ngược theo con sông lớn có cái tên ngang ngang: Đắk-La-Pà. Đó là một dòng sông nổi tiếng hung dữ. Nhưng cũng có nhiều chỗ bắt gặp một thung lũng, dòng sông nở phình ra với những bãi cát vàng mịn, nước chảy hiền hòa, trên mặt nước tràn ngập những cánh hoa vàng rất thơ mộng. Chúng tôi vượt qua không biết cơ man nào thác đá, nơi những con sông dồn sức để lao xuống những cánh rừng đại ngàn. Ba ngày đầu còn vất vả vì máy bay địch, nhưng đến ngày thứ tư thì yên tĩnh vô cùng. Bà con của các làng từ nhiều hướng tụ về trên những con đường mòn chi chít. Chúng tôi tha hồ hú, hét, la, ó. Cảm giác được tự do tràn tới hân hoan không cưỡng nổi. Đó là những ngày hội lớn mà tôi không sao hình dung ra. Niềm vui thú được về phía sau dâng lên đến tột độ, kích thích mọi thành viên của cộng đồng. Ai cũng hú vang. Ai cũng chạy nhảy và ai cũng toác miệng ra cười. Dưới triền sông Đắk KRông Pa, Đắk La Pà, những buổi chiều yên tĩnh, tưởng như không hề có chiến tranh, không hề có chết chóc. Chỉ có niềm vui của lũ thanh niên. Họ đua nhau xuống sông bắt cá… Tiếng hát, tiếng cười đùa trêu chọc tràn khắp các triền sông. Những đống lửa được chất lên ngay trên bãi cát.
    Mùi cá nướng, mùi thịt rừng nướng thơm đến cồn cào. Những đàn chó săn thon nhỏ lanh lợi chạy lăng quăng. Chúng cũng cuống quýt mừng vui, sủa lên inh ỏi. Cả gà, cả lợn, cả trâu bò, chẳng biết từ đâu, như có phép lạ cùng kéo nhau về. Hình như chúng cũng lây vui. Làng Đê Chơ Rang của chúng tôi chỉ vẻn vẹn có mười lăm nóc nhưng các làng khác, những làng ở trong vùng căn cứ thì đông gấp bốn năm lần. Tuy vậy, làng Đê Chơ Rang vẫn là trung tâm, bởi làng được các buôn làng khác ưu tiên “nó có tinh thần bám đất ở phía trước”. Chính vì thế mà ngôi nhà rông của làng chúng tôi lớn hơn các làng khác. Tôi không thể hình dung được, người ta làm thế nào để leo lên tận nóc lợp mái. Một cái mái nhọn cao vút lên tận đỉnh cao nhất của tán cây đại thụ. Tôi hú theo Bin khản cả cổ. Bin dẫn tôi về nhà. Đó là một ngôi nhà sàn bé nhỏ và tuềnh toàng nhất, ngoài bếp than mốc xì và dàn củi vàng ong óng đầy mạng nhện, chẳng còn thấy thứ gì. Bin và tôi hì hụi dọn, quét, lau rửa có tới cả tiếng đồng hồ. Bin bảo tôi:
    - Tui ở có mình tui thôi, anh Bìn ạ.
    Tôi không thể hỏi ngay Bin về hoàn cảnh, vì lẽ ra tôi đã phải biết hoàn cảnh của Bin rồi. Bao nhiêu lần anh em tôi nằm kề võng tâm sự, vậy mà tôi chẳng hỏi gì tới cuộc sống riêng tư của Bin. Tôi nhận ra tính ích kỷ đáng trách của mình và sau đó tôi đã hỏi anh Miết. Anh Miết kể rằng, cách đây hơn một năm, cha mẹ và anh Sớt của Bin đã chết vì bọn địch càn vào làng. Hồi ấy Bin đã ưng theo du kích ra phía trước rồi. Tôi thầm hứa với mình từ nay sẽ chẳng bao giờ có ý định rời xa Bin. Anh em chúng tôi cất đồ đoàn vào trong cái gùi rách nơi góc nhà. Bin bảo tôi lên nhà rông chơi. Nơi ấy có tiếng chinh chiêng, tiếng hát của cánh trai gái các làng đang chờ đón. Nơi ấy có nhiều cuộc vui không thể thiếu chúng tôi được. Tôi thấy người ta náo nức gùi rượu cần tới. Hàng chục ghè rượu được bày la liệt trên sàn nhà rông, hàng chục ghè khác bày dưới sân làng. Mỗi ghè rượu được cột vào cây cọc. Giữa sân nhà rông, cũng là sân làng, một cây nêu lớn, cao ngất với những chùm tua, những đường viền hoa văn rực rỡ… Hầu hết đàn bà con gái đều hối hả gùi nước hoặc bổ củi. Còn cánh đàn ông con trai thì làm thịt heo, sửa sang nhà cửa, chuẩn bị cho ngày vui lễ hội.
    Tôi chưa hề có khái niệm gì về những ngày hội hè, nhưng lòng tôi cứ nao nao khấp khởi. Tôi nghĩ nhiều tới sự an toàn của cuộc sống phía sau. Cứ như trong mơ, tôi đã thoát khỏi chuỗi ngày khốc liệt triền miên trong đạn bom, trong lo sợ. Đôi khi sự lo sợ hoang mang còn trùm lên cả nỗi buồn và cái chết. Tôi thực lòng không phải hạng người “ham sống” theo lối những cuộc họp kiểm điểm nhau. Ấy vậy mà giờ đây chỉ nghĩ tới sự sống sót của mình, tôi cảm thấy sướng run lên vì những ý nghĩ an phận. Rằng sự có mặt của tôi giữa dân làng giờ đây không còn là sự kiện gì quản ngại cả. Rằng tôi đã học nói được đôi điều cần thiết để tránh sự hiểu lầm. Và rằng, tôi không còn là đối tượng khiến bà con anh em phải cảnh giác nghi ngờ. Tôi thầm khao khát có một ngày nào đó, tôi và Bin cùng chuyển về một đơn vị chủ lực, tôi sẽ làm tất cả những gì có thể làm được cho Bin. Tôi và Bin lại được anh Yơng yêu cầu vào rừng săn bắn, kiếm con thịt to cho làng. Chúng tôi hăm hở xách súng lên đường trong ánh mắt trìu mến của bà con, nhất là của các cô gái. Họ đã chuẩn bị sẵn cho chúng tôi đủ số gạo, muối ăn trong mười ngày. Bin bảo tôi:
    - Tui với anh Bìn có thi đua chuyện săn bắn nhé.
    Tôi xiết chặt tay Bin, tự hứa với lòng mình, chuyến đi này sẽ trổ hết tài năng, khai thác hết nó để lập công, góp vui cùng bà con.
    - Được thôi. - Tôi nói tiếng Bah Nar.
    - Hãy đợi đấy! Bin toác miệng cười, khen tôi “đã biết nói tiếng Bah Nar có giỏi”.
    

Xem Tiếp Chương 4Xem Tiếp Chương 6 (Kết Thúc)

Lạc Rừng
  » Xem Tập 1
  » Xem Tập 2
  » Đang Xem Tập 3
  » Xem Tiếp Tập 4
  » Xem Tiếp Tập 5
  » Xem Tiếp Tập 6
 
Những Truyện Dài Khác
» Liêu Trai Chí Dị
» Pie Đệ Nhất
» Thiên Thần Và Ác Quỷ
» Tuyết Bỏng
» Cuộc Đời Của Pi ( Phần II )
» Mao: The Unknown Story
» Con Lừa Và Tôi
» Trái Tim Không Cần Lý Lẽ
» Tình Ca Giáo Viên Miền Núi
» Cuốn Sổ Lớn
» Chuyện Tình New York
» Những Kẻ Điên Rồ Phải Chết
» Đau Thương Đến Chết ( Phần I )
» Hai Chị Em
» Giữa Cơn Gió Lốc
» Chỉ Một Lần Yêu
» Đi Qua Hoa Cúc
» Tình Trên Đỉnh Sầu
» Tôi Có Thể... Nói Thẳng Với Anh
» Hành Trình Của Sói
» Âm Mưu Ngày Tận Thế
» Cầm Thư Quán
» Chết Cho Tình Yêu