Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Dài » Tình Hận Tác Giả: Ngô Viết Trọng    
    Vua Thái Tôn rất thương yêu Chiêu Thánh. Ngài không muốn phải xa lìa Chiêu Thánh. Mười hai năm chung sống cùng Chiêu Thánh tâm đầu ý hiệp với bao nhiêu kỷ niệm đẹp, thế nhưng chỉ vì thói tục mà ngài chưa tin là chính xác, đành phải chia tay! Chiêu Thánh đâu phải vô sinh! Bằng chứng là Chiêu Thánh đã sinh một lần nhưng không may hoàng tử lại đoản mệnh! Ngài cảm thấy thẹn khi nghĩ tới bất cứ một người dân tầm thường nào cũng có thể làm chủ gia đình họ. Còn ngài, mang danh nghĩa một đấng quân vương mà không có một chút thực quyền. Ngài đã hai mươi tuổi mà mỗi việc làm của ngài đều do người khác giựt dây. Muốn bảo bọc cho người mình từng chung sống với bao nhiêu thương yêu mà ngài cũng không thể nào bảo bọc nổi. Cái ý nghĩ từ bỏ ngai vàng bắt đầu nhen nhúm trong óc ngài. Ngài đâu muốn làm kẻ bù nhìn chìm đắm trong hư danh! Lúc này, mắt nhìn những công văn trình tấu của các quan mà đầu óc ngài cứ để tận đâu đâu. Rốt cục ngài phải xếp lại để lúc khác phê duyệt. Ngài thẫn thờ về cung với ý định hàn huyên với Chiêu Thánh một lần chót trước khi chia tay.
    Nhưng thật bất ngờ ! Khi vua Thái Tôn ngự tới cung hoàng hậu thì Chiêu Thánh công chúa đã bị cưỡng bách thi hành thánh chỉ dời đi nơi khác rồi. Thái Sư đã cho làm việc đó quá nhanh chóng. Vậy là ngài không có cơ hội để có đôi lời phân trần, an ủi hay từ biệt Chiêu Thánh. Và như thế, có thể Chiêu Thánh sẽ hiểu lầm ngài suốt đời. Điều đó làm cho ngài vô cùng đau đớn. Chiều đó ngài bỏ luôn cả bữa ngự thiện.
    Suốt đêm, vua Thái Tôn không thể nào chợp mắt được Những kỷ niệm giữa ngài và Chiêu Thánh cứ vòng vòng sống lại trong óc ngài...
    Thuở ấy, Chiêu Thánh còn là một vị Hoàng đế của Đại Việt niên hiệu Lý Chiêu Hoàng. Là Hoàng Đế nhưng Chiêu Hoàng chỉ là một cô gái ngây thơ mới lên tám. Trần Cảnh, Trần Thiêm, Trần Bát Cập cũng lứa tuổi đó được Thái Sư Thủ Độ cho đưa vào cung để phụ việc nội dịch. Chiêu Hoàng rất thích chơi đùa với Trần Cảnh Một hôm Chiêu Hoàng khiến người đổ nước vào bể tắm rồi nói với Trần Cảnh:
    - Bây giờ ta với ngươi tạt nước nhau xem ai bị ngộp trước nhé!
    Trần Cảnh tuy còn nhỏ nhưng khôn ngoan, đã được dạy dỗ kỹ về bổn phận của mình nên khiêm cung nói:
    - Hạ thần không dám xúc phạm đến mình rồng!
    - Nếu bệ hạ muốn, thần sẽ đứng đây cho bệ hạ muốn tạt nước bao nhiêu thì tạt!
    Chiêu Hoàng cười sung sướng:
    - Thế là tại ngươi đấy nhé ! Bây giờ ngươi đứng yên cho ta tạt nước!
    Chiêu Hoàng vừa cười sặc sụa vừa tạt một hồi làm cho Trần Cảnh ướt đẫm cả người. Ngày ấy trời không được ấm nên Trần Cảnh bị thấm nước lạnh run lên mà vẫn đứng chịu trận. Chiêu Hoàng bỗng ngừng tay tiến lại rờ đầu tóc Trần Cảnh hỏi:
    - Ngươi không lạnh à?
    Trần Cảnh lễ phép trả lời:
    - Lạnh thì quả lạnh lắm chứ. Nhưng bệ hạ ban lạnh thì thần phải chịu lạnh vậy!
    Nghe Cảnh nói, Chiêu Hoàng mở to đôi mắt đen láy đầy vẻ cảm động. Vị ấu vương cởi chiếc áo đang mặc ngoài của mình khoác lên thân Trần Cảnh:
    - Lỗi tại ta cả . Ta đền cho ngươi đó!
    Trần Cảnh vẫn mặc đồ ướt và khoác chiếc áo ngoài của ấu vương. Chiêu Hoàng tự tay đi lấy lược chải tóc cho Cảnh...
    Hôm ấy, Trần Cảnh về nhà kể lại chuyện cho Thủ Độ nghe. Thủ Độ cười:
    - Đây là điềm tốt cho họ Trần ta đấy!
    Lần khác, trong một cuộc chơi, Chiêu Hoàng nghịch lấy khăn trầu ném cho Trần Cảnh. Trần Cảnh cũng về kể lại với Thủ Độ. Thủ Độ nói:
    Nếu thật thế không biết họ ta thành hoàng tộc hay diệt tộc đây!
    Sau đó, Thủ Độ trầm trồ dặn dò Trần Cảnh phải ứng đối thế nào khi có trường hợp tương tự xảy ra.
    Không cần phải đợi lâu, chỉ mấy ngày sau Chiêu Hoàng lại chơi trò ném khăn trầu cho Trần Cảnh. Nhưng lần này thì Trần Cảnh hai tay cầm chiếc khăn trầu thưa :
    - Bệ hạ có tha tội cho thần không? Thần xin vâng mệnh!
    Chiêu Hoàng cười vang lên và nói:
    - Tha tội cho ngươi ! Tha tội cho ngươi! Nay ngươi biết khôn rồi đó!
    Chiêu Hoàng lại lấy khăn trầu phủ lên đầu Trần Cảnh vừa kéo vừa cười.
    Trần Cảnh lại đem chuyện đó kể lại với Thủ Độ. Theo tục dân gian xưa, con gái nhà quyền quí hay chọn chồng bằng cách ném cầu. Người con gái ném cầu trúng ai hay ai bắt được cầu thì người ấy được chọn. Trường hợp ném khăn trầu lại còn ý nghĩa hơn vì miếng cau miếng trầu là đầu duyên nợ. Qua những việc đó, Thủ Độ cho rằng Chiêu Hoàng đã ưng thích Trần Cảnh.
    Hôm sau Thủ Độ cho đóng cửa thành, canh phòng nghiêm mật cung cấm rồi ra thông báo: Bệ hạ đã có chồng!
    Các quan trong triều không một ai thắc mắc, đều xin chọn ngày tết để chầu mừng. Có lẽ đây là đám cưới duy nhất của hai vợ chồng đều thuộc tuổi thơ ấu trong lịch sử nước Nam ta.
    Dân ta vẫn có tục tảo hôn nhưng thường là cảnh chồng ấu vợ trưởng do những nhà giàu cưới vợ sớm cho con với mục đích kiếm người chăm sóc "cậu nhỏ" hay lo việc gia đình khi cậu nhỏ chưa biết làm gì. Chuyện vợ cõng chồng đi chơi phát xuất từ chuyện tảo hôn này. Về sau cậu nhỏ lớn lên thì thường cưới vợ bé vì vợ cả ... đã già.
    Theo chỉ thị của Thái Sư Trần Thủ Độ, những viên quan dạy ấu vương triệt để giảng dạy về chương "phụ đạo (đạo làm vợ). Nào tam tòng tứ đức, nào phu xướng phụ tùy dồn dập nhồi nhét vào đầu óc vị ấu vương không có một chỗ dựa. Thế là không bao lâu vị ấu vương cảm thấy chỉ có thể tìm được chỗ dựa ở đức ông chồng. Không rõ các vị giáo sư bày vẽ thế nào, một hôm, Chiêu Hoàng thỏ thẻ với chồng:
    - Này phu quân! Trẫm tuy ứng thụ đại báu của tổ tiên nhưng vốn là phận nữ lại còn thơ ấu không thể nào chấp chưởng cho tròn. Vã lại, theo đúng đạo làm vợ thì trẫm phải phục tùng phu quân mới hợp lẽ. Cho nên, trẫm muốn nhường đế vị cho phu quân để khỏi phụ lòng trông cậy của muôn dân. Phu quân nghĩ thế...
    Trần Cảnh đã được người chú dặn dò kỹ nên thưa ngay:
    - Bổn phận của đấng trượng phu là phò nguy tế khổn, gánh vác việc đời, mưu cầu thái bình cho dân cho nước. Nếu bệ hạ tin cậy Cảnh này mà ủy thác đại trọng trách, dù bất tài, Cảnh này cũng xin hết lòng hết sức lo cho tròn. Nhưng về chuyện ngôi đại báu, Cảnh này không dám xen vào!
    Chiêu Hoàng nài nỉ:
    - Đây là lòng thật của trẫm. Ngoài phu quân ra trẫm còn biết tin cậy vào ai? Trẫm không thể nào kham nổi đại sự nữa đâu. Đã là vợ chồng thì của phu quân cũng như của trẫm rồi. Xin phu quân vui lòng gánh vác cho vậy!
    Ngày 11 tháng 12 năm ất Dậu, tại điện Thiên An, Lý Chiêu Hoàng làm lễ nhường ngôi cho Trần Cảnh tức Trần Thái Tôn và trở thành Chiêu Thánh hoàng hậu.
    Vua Thái Tôn tuy còn quá trẻ nhưng có nhiều triển vọng trở thành đấng anh quân đầy đủ đức độ, nhân ái, thông minh, chịu khó học hỏi. Tuy thế, quyền lớn lại nằm trong tay Thái Sư Thủ Độ nên Thái Tôn chưa thi thố được gì.
    Vua Thái Tôn càng trưởng thành càng cảm thấy áy náy về những điều quá đáng mà người chú mình đã làm đối với họ Lý . Do đó, ngài càng thương cảm Hoàng hậu thêm. Mặc dầu có sự thúc giục của vợ chồng Thái Sư và triều đình nhưng ngài không chịu tuyển thứ phi. Tình nghĩa vợ chồng giữa Thái Tôn và Chiêu Thánh vô cùng đậm đà thắm thiết. Đến năm Quý Tỵ thì hoàng hậu báo tin mừng cho vua Thái Tôn. Vua và hoàng hậu đã sống những ngày hi vọng, đợi chờ tràn ngập hạnh phúc.
    Hoàng tử Trịnh ra đời gần như một nguồn vui tột đỉnh lan toả khắp hoàng cung rồi khắp cả nước. Triều đình đã ban lệnh cho khắp dân gian, ai có con sinh cùng ngày với hoàng tử được thưởng một lượng bạc. Ai có con sinh cùng năm với hoàng tử được thưởng một tiền gọi là lộc vua. Người ta còn xôn xao bàn tán vua sẽ xuống chiếu tha thuế một năm nữa.
    Nhưng không ngờ niềm vui đó quá chóng tàn. Hoàng tử Trịnh mới sống hơn một tháng thì lìa trần kéo theo sự tan nát của cuộc đời Chiêu Thánh hoàng hậu. Năm năm liền tiếp theo vua cũng như hoàng hậu lại khắc khoải an ủi nhau mà chờ đợi.
    Thái Sư Trần Thủ Độ và triều thần đã dùng vũ khí điển lệ trong nền tảng gia đình tấn công bất ngờ quá làm nhà vua không đón đỡ được. Chuyện chia uyên rẽ thúy đã không tránh khỏi hôm nay. Tuy còn mang danh nghĩa là công chúa nhưng Chiêu Thánh không còn được trở về cung cũ. Bà phải dời chỗ ở đến một căn nhà do triều đình chỉ định, được cấp một số bổng lộc vừa phải hàng năm và vài ba nữ tì để bà sai khiến. Theo khuôn khổ lễ giáo, không biết bà phải sống cảnh sống âm thầm, cô đơn, tủi nhục đó đến bao giờ. Những dằn vặt đó đã khiến vua Thái Tôn thao thức trọn đêm...
    Hôm sau, vua Thái Tôn lâm triều với vẻ thẫn thờ mệt mỏi. Sau khi triều đình khánh chúc xong, vua Thái Tôn cho mọi người bình thân và đợi họ lần lượt tâu việc Vị quan đầu tiên quì trước bệ rồng chính là Hải Dương hầu Trần Phong, hầu trịnh trọng tâu:
    - Muôn tâu bệ hạ, trời đất phải luôn luôn có đủ mặt trời mặt trăng. Nước đã có vua thì không thể thiếu quốc mẫu. Hiện nay triều đình đang khiếm khuyết ngôi vị hoàng hậu, xin bệ hạ cho tuyển chọn người để lập ngay!
    Vài vị quan khác cùng lên tiếng tán thành ý kiến này.
    Đề cập đến chuyện này chẳng khác gì lấy con dao nhọn mà khoét vào tâm tư nhà vua. Vua Thái Tôn đau đớn dằn cơn giận, chưa kịp phán lời gì thì Thái Sư Trần Thủ Độ bước ra tâu tiếp:
    - Bệ hạ, Hải Dương hầu và các quan nói rất đúng. Bây giờ lập hoàng hậu là chuyện khẩn thiết. Điều kiện cần thiết cho vị quốc mẫu phải là người mẫu mực nết hạnh, phải thuộc dòng dõi quí phái, và cần hơn hết là phải mắn con. Hạ thần nhận thấy trong triều ta hiện tại chỉ có nội tướng của Hoài vương Liễu, tức Thuận Thiên công chúa là có đủ những điều kiện ấy. Vậy, xin bệ hạ xuống lệnh cho chọn ngày lành tháng tốt để phong hoàng hậu!
    Vua Thái Tôn nghe Thái Sư tâu, ngài ngớ người ra như bị rớt vào một cõi xa lạ. Ngài bàng hoàng chốc lát mới trấn tĩnh được, ngài phán:
    - Không thể được! Không thể được! Thuận Thiên công chúa đã là chị dâu trẫm. Trẫm không bao giờ làm chuyện đó . Thiên hạ thiếu gì phụ nữ mà trẫm phải giựt vợ của anh mình! Hoàng Thúc và các quan nên chọn người khác. Ngày xưa, Quan Vân Trường bị Tào Tháo ép ở chung phòng với hai người vợ của Lưu Bị, người anh kết nghĩa của ông ta, ông vẫn giữ đạo nghĩa bằng cách cầm đuốc sáng đêm để tránh hiềm nghi. Đó chỉ là anh em kết nghĩa thôi mà Vân Trường còn giữ đạo nghĩa đến thế. Nay nếu trẫm lại làm trái đạo như vậy thiên hạ bây giờ và ngàn sau nữa sẽ đánh giá thế nào về trẫm?
    Phán xong, vua Thái Tôn với thái độ đầy bất mãn, rũ áo đi vào cung.
    Quan Thái Sư thấy thái độ của vua Thái Tôn, quay sang nói với triều thần:
    - Hôm nay long thể bất an. Hãy tạm hoãn chuyện ấy lại Bây giờ các quan hãy lui về ! Ngày mai chúng ta sẽ bàn nghị lại.
    Thái Sư không nói gì nữa nhưng trông cũng có vẻ bất mãn lắm. Các đại thần cũng từng toán gặp nhau xôn xao bàn tán trước khi ra về . Dĩ nhiên tin này không mấy chốc đã đến tai gia đình Hoài vương Liễu trong khi vương vẫn còn đi tuần thú chưa về. Để đề phòng bất trắc, Thái Sư Trần Thủ Độ đã cho một toán do thám đến canh chừng ở dinh Hoài vương.
    Công chúa Thuận Thiên được tin vô cùng đau khổ. Thuận Thiên khóc đến húp cả con mắt. Ôi, làm sao để chén rượu tiễn chàng đi công cán đừng thành chén rượu vĩnh biệt đây? Bà biết rằng khi Thủ Độ đã muốn làm gì thì không còn ai cản được. Thế rồi bà lén dẫn một con thị tì thân tín mang một ít của riêng lẻn trốn. Hai thầy trò tìm đến chùa Thiên Đức do nhà sư Tuệ Đống trụ trì để xin tá túc. Sau khi lễ Phật, Thuận Thiên công chúa thưa với sư Tuệ Đống:
    - Bạch sư phụ! Dòng họ Lý chúng con phát tích từ cửa thiền. Tổ tiên chúng con dựng lập bao nhiêu chùa chiền, thi thố bao nhiêu ân đức chứ có làm ác bao giờ đâu! Thế mà không hiểu vì lẽ nào con cháu phải chịu họa diệt tộc! Phải chịu cảnh chôn sống cả dòng! Riêng Thuận Thiên, Chiêu Thánh chúng con đã phạm tội gì mà phải khổ đau vì duyên số đến mức này? Kính xin sư phụ cho vài lời chỉ giáo!
    Sư Tuệ Đống nhìn công chúa bằng cặp mắt hiền hậu:
    - Nam mô A Di Đà Phật! Chúng sanh mê mờ không thấy rõ ngọn nguồn tội lỗi. Thưa công chúa, trường hợp này phật ngữ gọi là cộng nghiệp. Ngay như dòng họ đức Thích Ca cũng bị tiêu diệt sạch khi ngài còn tại thế. Theo giáo pháp Phật, ở trên đời mọi sinh vật đều phải trải qua sinh, lão, bệnh, tử và muôn vật đều không thoát khỏi bốn tướng tương tục thành, trụ, hoại, không. Đó là định luật tất nhiên, bất biến. Công chúa hãy nghe bần tăng kể lại trường hợp này:
    "Nước Ca Tì La rất hưng thịnh từ khi lập quốc cho đến đời Phật. Nguyên khi vua Ba Tư Nặc nước Kiều Tất La chưa qui y Phật đã cho sứ giả đến Ca Tì La cầu hôn với dòng họ Thích Ca. Các thân vương của dòng họ này tự cao tự đại cho dòng họ mình là cao quí nhất đời nên không chịu. Tuy vậy, họ cũng ngán vì lúc bấy giờ Kiều Tất La là một cường quốc vùng châu thổ sông Hằng. Vì thế, họ đã dùng một tì nữ trong cung tên Mạt Lỵ tráo thành vương nữ đem gả cho vua Ba Tư Nặc. Mạt Lỵ có sắc đẹp lại thông minh nên được vua Ba Tư Nặc rất yêu, phong làm đệ nhất phu nhân. Mạt Lỵ sinh con đầu lòng đặt tên là Tỳ Lưu Ly. Năm Tỳ Lưu Ly lên tám, được vua cha cho về quê ngoại để học bắn cung vì nước Ca Tì La rất giỏi về xạ thuật. Bấy giờ trong thành Ca Tỳ La mới kiến thiết xong một đại giảng đường nguy nga chỉ dành riêng đón Phật khi ngài về thuyết pháp. Dòng họ Thích Ca cho đây là chốn thiêng liêng nên tuyệt đối cấm không cho những kẻ ti tiện bước vào Không dè Tỳ Lưu Ly nhân thả bộ rong chơi trong cung, lạc vào chốn cấm địa ấy. Các thân vương bắt gặp đã xỉ vả không tiếc lời, bảo rằng con của gái nô lệ đã làm ô uế cấm địa. Họ đuổi Tỳ Lưu Ly ra và lập tức truyền gia nhân cấp tốc bới đất cũ trong giảng đường lên đổ đi và đem đất mới thay vào. Tỳ Lưu Ly nộ khí xung thiên thề độc rằng "Khi nào lên ngôi vua, ta thề tiêu diệt sạch dòng họ Thích Ca mới hả giận".
    Khi trở về nước, Tỳ Lưu Ly ngày đêm mưu tính việc rửa hận. Một hôm vua Ba Tư Nặc và Mạt Lỵ bận đi tuần thú, Tỳ Lưu Ly cùng nghịch thần Ca Lê Da Na tập họp quân đội đoạt lấy ấn kiếm làm phản. Vua Ba Tư Nặc cùng Mạt Lỵ phải chạy sang tị nạn ở Ca Tì La. Không bao lâu sau, ông chết ở Ca Tì La.
    Nghe tin vua cha mất, Tỳ Lưu Ly giết anh là thái tử Kỳ Đà rồi lên ngôi báu.
    Trong một buổi đại triều, Tỳ Lưu Ly hỏi bá quan:
    - Nếu có kẻ sỉ nhục đấng quốc vương tôn quí của mình, khinh thị đấng quốc vương ấy là con dòng hạ tiện, tội ấy các khanh nghĩ nên xử trị như thế nào?
    Mọi người đều đáp rằng tội ấy đáng tru di. Tỳ Lưu Ly tiếp:
    - Dòng họ Thích Ca tự cao tự đại. Họ cho rằng ta là con của một gái nô lệ, vậy, nay ta phải hưng binh tru diệt họ!
    Ba lần xuất quân, ba lần Tỳ Lưu Ly gặp Phật tìm cách ngăn trở. Nhưng đến lần thứ tư, biết rằng không ngăn đón được nữa vì nghiệp nhân quá khứ của dòng họ Thích Ca quá nặng, Phật xót xa báo cho A Nan biết rằng trong 7 ngày nữa thì dòng họ Thích Ca sẽ bị tuyệt diệt. Tỳ Lưu Ly hãm thành Ca Tì La, sau đó hạ thành giết sạch tất cả quân dân không chừa một ai rồi sát nhập nước này vào lãnh thổ Kiều Tất La của ông ta."
    Dòng họ Thích Ca tuyệt diệt chỉ vì một sự kiêu ngạo nhưng đó chỉ là nguyên nhân gần. Dĩ nhiên là còn nhiều nguyên nhân khác nằm trong lẽ báo ứng.
    Chính Đức Thích Ca không cứu được cho dòng họ của Ngài là vì Ngài thấy "túc trái tiền khiên" của những người trong dòng họ mình quá lớn. Những người trong dòng họ ngài đã gây quá nhiều tội lỗi trong nhiều kiếp trước nên bây giờ phải trả. Tự mình tạo nghiệp dữ tất không cách gì cứu gỡ được.
    Họ Lý ta hiện tại có lẽ cũng lâm vào trường hợp tương tự. Thầy kể chuyện này cho công chúa nghe hi vọng công chúa ứng ngộ ở cái lẽ luân hồi, nghiệp báo để bớt khổ đau. Nhà Lý thi ân bố đức nhiều thật, đồng thời cũng hưởng vinh hoa phú quí một thời gian hơn hai trăm năm rồi. Theo vũ trụ quan thành, trụ, hoại, không, bây giờ đến ngày tàn cũng là lẽ tất nhiên. Những tai kiếp luân hồi nghiệp báo cũng mượn cửa nhà Lý lúc suy tàn để báo ứng. Nhà Trần rồi đây cũng phải gánh những kết quả mà ngày nay họ đang gieo. Vậy, cốt lõi là công chúa phải tự cứu lấy mình chứ không ai có thể giúp công chúa được. Muốn thoát ra vòng khố đau thì chỉ có cách là sám hối tu tĩnh, làm điều thiện để gỡ nợ cho những kiếp trước và gieo nhân lành cho những kiếp sau. Chốn này gần kinh đô, công chúa không thể tá túc lâu dài. Vả, đây lại là chùa dành cho nam giới, tuy cửa thiền luôn mở rộng nhưng lý cũng không thể chứa chấp công chúa được. Tuy nhiên, bây giờ trời sắp tối, bần tăng sẽ cho dọn một phòng để công chúa tạm đỡ đêm nay. Nếu việc này Thái Sư biết được thì cũng phiền lắm đấy!
    Công chúa Thuận Thiên lẻn đến chùa Thiên Đức, tuy đã cải dạng cẩn thận nhưng cũng không thoát khỏi cặp mắt nghi ngờ, theo dõi của một người. Hắn là Phan Năng, một tên trong đội do thám của triều đình. Với cặp mắt nhà nghề, dáng dấp và cử chỉ của công chúa làm sao hắn không đoán ra được! Phan Năng hớn hở đến thẳng dinh Thái Sư. Lúc ấy Thái Sư còn bận giải quyết công việc trong triều chưa về, chỉ có phu nhân ở nhà. Trần phu nhân thấy hắn tìm đến đoán có chuyện liền ân cần hỏi:
    - Ngươi do thám thấy được điều gì lạ không? Hãy nói cho ta nghe!
    Phan Năng thưa:
    - Bẩm phu nhân, hình như công chúa Thuận Thiên đã cải dạng đi trốn. Tôi không biết mặt công chúa nhưng thấy một thiếu phụ trẻ đẹp có vẻ có thai, ăn mặc tầm thường, đi cùng một một thiếu phụ khác có vẻ như tôi tớ, trông rất khả nghi, đến chùa Thiên Đức!
    Phu nhân nghe qua hoảng hốt nói:
    - Thôi, ngươi cứ lui về coi như không biết, đừng có báo với Thái Sư làm gì! Ta sẽ hậu thưởng cho ngươi về vụ khám phá này!
    Phan Năng vừa lui gót thì Trần phu nhân lập tức dẫn hai thị tì tìm đến chùa Thiên Đức. Bà rất sợ Thuận Thiên công chúa trốn đi vì như thế nàng chắc chắn chết dưới tay chồng bà. Thuận Thiên công chúa chết thì số phận Chiêu Thánh công chúa cũng lâm nguy. Kinh nghiệm qua lịch sử cho bà biết bất cứ người nào được lập làm hoàng hậu sau này cũng sẽ tìm cách hại Chiêu Thánh, nhất là Chiêu Thánh lại là cái gai trước mắt vị Thái Sư tàn độc. Chỉ có Thuận Thiên là người duy nhất có thể bao dung che chở cho Chiêu Thánh. Nghĩ thế nên ban đầu bà không muốn lập Thuận Thiên làm hoàng hậu nhưng bây giờ bà trở lại rất tán thành chủ trương ấy.
    Khi Trần phu nhân đến chùa Thiên Đức thì trời vừa chạng vạng. Sư Tuệ Đống đã đoán ra việc gì, bước ra nghinh tiếp thưa:
    - A Di Đà Phật! Kính chào phu nhân! Phu nhân đến chùa giữa lúc tối tăm này chắc có chuyện gì quan trọng?
    Trần phu nhân nói:
    - Đại sư, ta đến đây vì việc công chúa Thuận Thiên! Nghe công chúa đang có mặt ở đây, xin đại sư cho ta gặp công chúa!
    Biết không thể giấu giếm được, sư Tuệ Đống bèn dẫn phu nhân vào phòng vừa dọn cho thầy trò công chúa trú qua đêm. Sư thưa thêm:
    - Công chúa xin ở lại một đêm, bần tăng không thể cải lệnh. Xin phu nhân xá tội!
    Phu nhân khoát tay:
    - Ta hiểu, không sao? Cho ta gặp công chúa là được rồi ! Nhưng ta muốn đại sư cùng vào gặp công chúa nói giúp ta một tiếng. Ta biết lời của đại sư rất giá trị !
    Thấy mặt Trần phu nhân công chúa liền khóc òa. Phu nhân cũng xúc động ôm chầm lấy con. Công chúa thổn thức:
    - Con không ngờ phận con hẩm hiu đến thế này!
    - Con thề chịu chết chứ không thể phản bội Hoài vương được! Con không thể dứt bỏ chữ trung trinh! Mẹ có cách gì cứu con thoát khỏi hoàn cảnh này không mẹ? Mẹ ơi! Mẹ thương con thì mẹ hãy tìm cách cứu con với !
    Trần phu nhân cũng không cầm được nước mắt.
    Nhưng bà cố trấn tĩnh nói với con:
    - Con hãy xem mẹ đây! Há lẽ mẹ không biết giữ chữ trinh với Phụ vương con! Nhưng nếu mẹ quyết làm như thế mẹ sợ hai con lâm nguy nên đành phải tùng quyền. Bây giờ tới lượt con, nếu con không chịu làm hoàng hậu thì tánh mạng con chắc chắn không giữ được! Chiêu Thánh em con cũng khó sống mà chồng con Hoài vương Liễu cũng khó yên thân! Ngoài ra, con phải thương đến vương tử Doãn và hài nhi trong bụng nữa ! Con phải nghe mẹ mà hi sinh đi ! Hãy trở về nhà lập tức!
    Công chúa nghe mẹ khuyên càng khóc rống lên:
    - Mẹ ơi mẹ! Con thà chết chứ không muốn sống nhơ nhớp như thế này ! Hoài vương Liễu vừa là chồng mà cũng là tri âm tri kỷ của con! Con nhất định không phản bội chàng! Nếu mẹ cũng ép con, con xin chết ngay trước mặt mẹ bây giờ! Con không còn muốn sống nữa...
    Trần phu nhân thấy con nói nhất quyết như vậy bèn quay nhìn sư Tuệ Đống. Sư Tuệ Đống hiểu ý nói với công chúa:
    - Thầy nghĩ là công chúa nên nghe lời phu nhân. Trước hết là công chúa sẽ cứu khổ được nhiều người như Hoài vương, vương tử Doãn, cái thai trong bụng và nhất là có thể cứu tử Chiêu Thánh công chúa. Đó cũng là một cách gieo nhân. Nếu công chúa nhất quyết không chịu trở về thì cầm chắc sẽ gây liên lụy đến rất nhiều người nữa. Theo lẽ quả báo, nếu có cơ hội trả nghiệp quả mà tránh chưa chịu trả thì oan trái vẫn còn đó, có nghĩa là phải trả dịp khác. Cũng có nghĩa là sự đau khổ còn kéo dài qua nhiều kiếp khác. Không nên như thế! ...
    Trần phu nhân lại nói vào:
    - Đại sư dạy đúng đó con ơi ! Con đã mang nợ những kiếp trước mà bây giờ còn trốn tránh khác nào tự mình kéo dài, chồng chất thêm nợ cho những kiếp sau thôi! Con hãy nghe đại sư, nghe mẹ mà trở về!
    Cuối cùng thì công chúa Thuận Thiên cũng về với Trần phu nhân.
    Ngày kế tiếp, Thái sư Trần Thủ Độ và Trần phu nhân cùng vào ra mắt vua Thái Tôn. Thủ Độ là chú họ thế mặt cha, phu nhân là cô ruột và cũng là nhạc mẫu của vua. Vua Thái Tôn bất đắc dĩ phải cho mời vào cung. Thái sư và phu nhân đều đem lẽ bảo vệ ngôi báu của họ Trần ra thuyết phục và nài ép vua Thái Tôn phải lập Thuận Thiên làm hoàng hậu. Vua Thái Tôn quá đau khổ, mệt mỏi, chán chường vì chuyện đó nhưng rồi cũng phải nhận lời.
    Thế là hôm sau triều đình tổ chức lễ tôn lập hoàng hậu.
    Có lẽ đây là cuộc tôn lập hoàng hậu lạ lùng nhất trong lịch sử nhân loại. Nhà vua ngơ ngáo buồn thiu, tân hoàng hậu cũng bơ thờ không một nụ cười. Cái khác đời nữa là hoàng hậu đã có thai hơn ba tháng với người khác...
    Thuận Thiên công chúa giờ đã trở thành quốc mẫu. Bà được các quan và đoàn thái giám, tì nữ đưa về cung hoàng hậu.
    Vua Thái Tôn sau buổi lễ buồn bực về long sàng nằm vắt tay lên trán. Bấy giờ ngài mới thấy thấm thía lời dạy "Đời là bể khổ" của Đức Phật. Ngài thương yêu Chiêu Thánh vô cùng mà giờ phải chia xa vĩnh viễn. Ngài kính quí Hoài vương Liễu vô cùng mà giờ đây thành cướp vợ của người. Hai người thân yêu nhất của ngài đó chắc chắn đau khổ vô cùng. Và chắc chắn họ cũng oán hận ngài vô cùng. Họ làm sao thấu hiểu được ngài cũng chỉ là nạn nhân! Ôi! Quyền uy! Ngai vàng! Dòng họ! Nó tạo nên biết bao nhiêu đau khổ cho thiên hạ ! Đức Thích Ca đã bỏ ngai vàng như bỏ chiếc dép đứt, tại sao ta không bắt chước ngài!
    
- o O o -

    Một buổi sáng, người ta thấy ba người bộ hành trẻ tuổi đi về phía núi Yên Tử thuộc tỉnh Hải Dương. Họ nghỉ chân dưới một gốc cây rợp bóng mát trong số những cây bên đường gần một cánh đồng rộng lớn. Trời nắng gắt, lũ trẻ chăn trâu thả trâu xuống cả cánh đồng rồi tập trung dưới các gốc cây để đánh đáo hoặc kể chuyện xưa cho nhau nghe. Một số nông phu cũng kéo nhau lên ngồi dưới các gốc cây đó uống nước, hút thuốc hoặc mang cơm ra ăn.
    Một bọn nhỏ đánh đáo ăn cõng, đứa nào thua phải cõng đứa thắng. Có một đứa thắng liên tiếp nhiều lần, đắc chí ngồi trên lưng bạn nhún nhảy nói:
    - Tao là vua nên có ngựa cưỡi hoài!
    Một nông dân ngồi gần đó cười:
    - Làm dân mà cứ ngày no ba bữa vợ chồng hòa thuận con cái sum vầy là sướng nhất rồi chứ làm vua khổ lắm ham chi mà mong?
    Một nông dân khác cười hô hố, nói:
    - Ông nói lạ! Làm vua muốn ăn chi cũng có ? Muốn chơi cô nào cũng được! Muốn chặt đầu ai thì chặt? Sao lại không sướng?
    Trong mấy người bộ hành có kẻ sầm mặt có kẻ nhíu mày. Người nông dân thứ nhất vô tình lại cười:
    - Chú mày không thấy vua mới vừa giết sạch trơn dòng vua cũ đó sao? Vua cũ đã vào chùa tu rồi vậy mà vẫn phải thắt cổ mà chết đấy ! Ai trong dòng còn sót thì phải đổi ra họ khác hết. Làm vua vinh sang một thời rồi chuốc lấy chuyện diệt tộc như thế chú mày thấy có sướng không?
    Một nông dân thứ ba, ngồi trong một toán khác nói xen vào:
    - Việc đời được đó mất đó biết đâu chừng? Giành được cầm trong tay rồi cũng chưa chắc là của mình. Cái của cải, cái phú quí vinh hoa nó vậy đấy ! Mấy ông nghe đây!
    Ông ta cất giọng ngâm lên sang sảng:
    
    Nhất phái thanh sơn cảnh sắc u,
    Tiền nhân điền địa hậu nhân thu!
    Hậu nhân thu đắc mạc hoan hỉ!
    Hoàn hữu thu nhân tại hậu đầu!
    
    -Đấy, một dãi núi xanh cảnh sắc u nhã, ruộng đất của người trước người sau thu lấy. Người sau dù thu lấy được cũng đừng vội mừng, vì đã có những kẻ muốn lấy đi nữa đứng chực phía sau lưng mình rồi đấy.
    Người bộ hành trẻ tuổi nhất nghe chuyện thở dài đứng dậy. Hai người kia cũng lật đật đứng dậy theo. Họ lại tiếp tục lên đường. Đi cách xa đám nông dân và lũ chăn trâu một đoạn, người trẻ tuổi than thở:
    - Thế là người đời cứ cho ta là kẻ làm những việc bạc tình, bạc nghĩa, thất nhân, ác đức ấy chứ họ đâu có biết ta cũng chỉ là một nạn nhân! Ôi! Vương làm chi! Đế làm chi! Giờ ta muốn làm một người dân tầm thường cũng không được nữa!
    Khi bóng chiều đã ngã dài thì ba người bộ hành lên tới chùa Yên Tử. Chùa này do vị quốc sư Phù Vân trụ trì Vị quốc sư vừa thấy ba người khách thì ông kêu lên:
    - A Di Đà Phật! Bệ hạ vì sao ra đến nông nỗi này!
    Người khách trẻ quì xuống trước mặt vị sư. Hai người kia cũng quì xuống theo. Vị sư hoảng hốt lật đật bước tới định đỡ nhà vua dậy nhưng người khách trẻ nói:
    - Đệ tử không còn là thiên tử nữa. Đệ tử đã nhất quyết xuất gia. Xin quốc sư rộng lòng thu nhận và xuống tóc cho đệ tử!
    Quốc Sư Phù Vân đỡ nhà vua dậy:
    - A Di Đà Phật! Cửa thiền tuy rộng mở, nhưng bệ hạ còn phải hưởng phước vinh hoa, còn phải chịu trách nhiệm về sự an nguy của dân tộc Đại Việt. Bệ hạ chưa thể tự tiện tránh đời được đâu. Giai đoạn này đất nước đang cần tới bệ hạ, không ai có thể thay thế được. Xin bệ hạ hãy giữ gìn long thể.
    Nhưng nhà vua năn nỉ:
    - Xin quốc sư hiểu cho, đệ tử đã chán chường công danh phú quí cũng như duyên nợ lắm rồi ! Hơn nữa, đệ tử tuổi còn thơ ấu, học hành non nớt, kiến thức hẹp hòi, không thể nào chấp chường việc lớn. ý đệ tử đã dứt khoát, xin quốc sư mở rộng con đường giải thoát cho đệ tử! Đệ tử chỉ muốn sớm hôm vui vầy với kinh kệ mà thôi.
    Quốc sư Phù Vân ôn tồn nói:
    - A Di Đà Phật! Thôi được, trong lúc bệ hạ đương cơn bức xúc, hãy tạm dung ở cửa thiền năm ba ngày cho tinh thần lắng dịu đã. Mong bệ hạ sớm ổn định mình rồng. Bần tăng tin rằng không sớm thì muộn thế nào triều đình cũng lên đây rước bệ hạ về.
    Sau đó, quốc sư khiến người dọn chỗ cho vua nghỉ.
    Quốc sư nói không sai. Chỉ tới trưa hôm sau, quan quân rầm rộ kéo lên chùa Yên Tử do chính Thái Sư Trần Thủ Độ dẫn đầu. Trần Thủ Độ dẫn các quan vào ra mắt vua Thái Tôn và thưa:
    - Nước một ngày không thể thiếu vua, xin bệ hạ hãy trở về kinh thành kẻo thần dân trông ngóng!
    Vua Thái Tôn buồn rầu nói:
    - Trẫm hãy còn thơ ấu, chưa đảm đương được việc trọng đại, vua cha (Trần Thừa) lại vội từ trần, thành ra trẫm mất người nương tựa, không dám để nhơ nhuốc đến xã tắc!
    Thái sư nài nỉ mãi mà vua Thái Tôn cũng nhất quyết
    không chịu về . Thái sư bèn quay sang nói với các quan:
    - Thôi được, thiên tử ở đâu thì triều đình ở đấy!
    Nói xong, ông ra lệnh chuẩn bị cho xây dựng cung điện để biến núi Yên Tử thành kinh đô. Quốc sư Phù Vân vốn biết tính Thái Sư đã nói thì tất làm, ông lo sợ phải đến năn nỉ với vua Thái Tôn:
    - Bệ hạ nên quay loan giá về kinh thành, không nên để họ làm tổn hại đến của cải của muôn dân và tổn hại đến chốn núi rừng!
    Vua Thái Tôn bất đắc dĩ phải trở lại kinh thành.
    
    
- o O o -

    
    Nói về ở phủ Hoài vương Liễu bấy giờ có hai người quản gia nòng cốt là Lữ Ngân và Đinh Lang. Cả hai đều được Hoài vương và công chúa tín nhiệm giao cho cùng điều hành mọi công việc trong phủ. Đinh Lang tuổi đã lớn, tánh tình ưa đãi bôi, bợ đỡ, lại hay tham lam tư túi. Đinh Lang đã tận dụng cái lưỡi của mình để giữ vững địa vị trong phủ này. Lữ Ngân thì ngược lại, còn khá trẻ, ngay thẳng, tháo vát, làm việc gì cũng hết lòng. Vì thế, cùng chung lo một việc nhưng lại chẳng ưa nhau. Biến cố xảy ra bất ngờ đã làm cho mọi người trong phủ đều nhốn nháo. Người thì hậm hực, kẻ thì than dài thở vắn, bầu không khí trong phủ vừa căng thẳng, vừa buồn thảm. Lữ Ngân vì quá thương xót cho chủ nên phẫn nộ ra mặt. Trước mắt kẻ thù mà để buồn giận lộ ra mặt thì rõ ràng đó là một nhược điểm. Đinh Lang thì khôn ngoan thâm trầm, cũng muốn nhân dịp này để loại đi một kẻ mà hắn không ưa. Đoán biết thế nào cũng xảy ra chuyện, Đinh Lang gọi Lữ Ngân thầm thì:
    - Chủ ta bị áp bức như thế thiệt là quá đáng. Thực tức chết đi được ! Thế mà tôi còn nghe phong thanh Thái Sư sẽ diệt trừ Hoài vương Liễu để ngừa hậu hoạn. Chúng ta có nhiệm vụ phải tìm cách ra ngoài báo cho chủ ta biết tình trạng này để người tính liệu. Người cũng có vây có cánh chứ đến nỗi gì! Anh khỏe mạnh lanh lẹ có thể gánh vác việc đó không? Công việc ở nhà để tôi lo cho! Hay là . . .
    Lữ Ngân đang nóng lòng vì chủ, nghe vậy lại càng hoảng hốt. Thấy Đinh Lang gợi ý như thế, cho là lời thành thật, Lữ Ngân liền sốt sắng nói:
    - Ý kiến anh rất hay! Anh gắng chu tất mọi công việc trong phủ nhé. Để tôi đi tìm Vương gia cho. Nếu chậm trễ e người mắc họa mất! Mình trả ơn chủ chính ở giờ phút này đây. Ngay trong đêm nay tôi phải lên đường!
    Đinh Lang nói như khích lệ thêm:
    - Phải chứ! Hai ta phải có một người làm được việc đó chứ! Chúa nhục thì tôi phải chết là thường? Tôi nay đã già nua vô dụng, anh phải giúp Vương gia cố sức mà rửa mối nhục này!
    Lữ Ngân nặng lòng vì nghĩa, thấy chuyện bất bình xảy ra cho chủ mình, lại bị Đinh Lang khích động, thề độc:
    - Phải! Tôi nhất định giúp chủ rửa nhục!
    Đinh Lang ân cần vỗ vai nói với Lữ Ngân:
    - Hai ta lâu nay tuy ở chẳng hợp tính nhau nhưng bây giờ chủ gặp nạn lớn, thôi thì bỏ qua hết mọi chuyện cũ mà lo cho chủ mới là người phải. Tôi sẽ lo việc nhà chu đáo. Còn anh..., chúc anh lên đường may mắn!
    Ngay đêm đó, Lữ Ngân một mình một ngựa ra đi trong đêm tối trước sự vui mừng của Đinh Lang. Lữ Ngân đã đi một cách dễ dàng không bị ai cản trở Thái Sư Trần Thủ Độ không phải bất ngờ về sự việc này mà thật ra ông không thèm đề phòng. ông đã đánh giá được con người Hoài vương Liễu. ông cho rằng Liễu sẽ không bao giờ làm nên trò trống gì.
    Trước khi ra đi, Lữ Ngân đã biết được lộ trình trở về kinh thành do Hoài vương báo trước cho gia đình. Lữ Ngân gặp được Hoài vương trong một công quán ở huyện Võ Nhai, Thái Nguyên. Lúc đó Vương đang ngồi nói chuyện với hai người gia khách là Phạm Vinh và Trần Quang Thiệu. Ngân không ngần ngại đem mọi chuyện xảy ra ở phủ kể cho Vương nghe. Nghe chưa hết chuyện, Hoài vương hét lên một tiếng, bọt mép sùi ra, người lảo đảo muốn ngã. Lữ Ngân hoảng hốt:
    - Vương gia tha tội! Vương gia tha tội!
    Phạm Vinh, một người thân tín vẫn được coi như cái túi khôn của vương, vội đến đo vương ngồi lại và vuốt ngực cho vương:
    - Vương gia bình tĩnh lại! Nóng giận chỉ làm hư việc!
    

Xem Tiếp Chương 4Xem Tiếp Chương 6 (Kết Thúc)

Tình Hận
  » Xem Tập 1
  » Xem Tập 2
  » Đang Xem Tập 3
  » Xem Tiếp Tập 4
  » Xem Tiếp Tập 5
  » Xem Tiếp Tập 6
 
Những Truyện Dài Khác
» Liêu Trai Chí Dị
» Pie Đệ Nhất
» Thiên Thần Và Ác Quỷ
» Tuyết Bỏng
» Cuộc Đời Của Pi ( Phần II )
» Mao: The Unknown Story
» Con Lừa Và Tôi
» Trái Tim Không Cần Lý Lẽ
» Tình Ca Giáo Viên Miền Núi
» Cuốn Sổ Lớn
» Chuyện Tình New York
» Những Kẻ Điên Rồ Phải Chết
» Đau Thương Đến Chết ( Phần I )
» Hai Chị Em
» Giữa Cơn Gió Lốc
» Chỉ Một Lần Yêu
» Đi Qua Hoa Cúc
» Tình Trên Đỉnh Sầu
» Tôi Có Thể... Nói Thẳng Với Anh
» Hành Trình Của Sói
» Âm Mưu Ngày Tận Thế
» Cầm Thư Quán
» Chết Cho Tình Yêu