Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Dài » Hà Nội - Tình Nhân ( Phần III ) Tác Giả: Nguyễn Hiếu    
    Chuyện đời cũng như trận mưa rào mùa hạ. Mưa mịt mùng làm tối trời tối đất. Cành cây run rẩy rung gió ào ào. Sân nổi bong bóng phập phồng. Mẹ đi lấy chồng con ở với ai. Trời đất đảo lộn như thủa hồng hoang chưa biết lúc nào ngưng. Để rồi tất cả thoáng qua mau. Cái anh Thành trước ở nhà tên là Tía đâu như là em là em ông Tô giám đốc nhà máy in công tư hợp doanh chỗ Vũ làm việc thực ra cũng chẳng mấy lưu ý việc ông anh tự ý đi chọn vợ cho mình. Xét lẽ đời quyền huynh thế phụ là như thế nhưng ông Tô lại nghĩ khác. Bề ngòai thì ông Tô là người kiên quyết trong việc theo đuổi sự nghiệp cải tạo tư sản. Vị trí cán bộ của ông từ chiến khu về là được giao như thế thì ông làm như thế nhưng trong thâm tâm ông lại cho rằng những kẻ đã làm ăn tích cóp có được cơ ngơi hơn người để thành anh tư sản cho dù to hay nhỏ thì rút lại vẫn là những kẻ khôn ngoan. Có giáo dục hẳn hoi, mà lại thạo việc vật lộn với cuộc đời, vậy thì con cái nó cũng thừa hưởng được sự khôn ngoan láu cá đủ để sống trên đời. Khi đến nhà Phong, Vũ trong dịp cải tạo ông đã nhận ra điều đó nên ông nghĩ nhiều. Đời ông thì thôi đành một nhẽ. Vì dù sao cũng trực tiếp dây vào công việc có liên quan đến cả mấy đời làm giầu của nhà họ. Ngay từ khi thành lập đòan chuẩn bị mở chiến dịch cải tạo tư sản Chính phủ và đoàn thể yêu cầu mỗi đoàn viên trong đoàn phải liêm chính. Vả lại từ khi về Hà nội được xung vào đoàn cải tạo, tức là được trao cho một thứ quyền lực, quyền lợi đặc biết. Mặt khác vợ con ông tuy ở quê cũng đã đề huề rồi. Còn chú Tía đấy. Chưa vợ, lại đi bộ đội lên được đến chức một gạch bốn sao, gạt ngang là anh giám đốc. Rồi chuyện nhà máy của chú ấy không đóng trên địa bàn Hà nội. Việc này không biết là lợi hay hại. Thôi thì cứ trông chờ vào số con người. Còn cái cô Vân con nhà xưởng in đó gia giáo, ngoan ngoãn lại ưa nhìn. Còn của nả chắc chắn là dân tư sản con cái đứa nào ít ra cũng không bao giờ chịu nghèo đói, lần hồi từng bữa đâu. Tô này đã khuất thân chịu thiệt với tay Liên lùn trong việc để ông ta làm bí thư để ông ta cùng đến nói chuyện với cô Vân ấy. Thế mà cô ta lại phản ứng gay gắt. Thôi được rồi mình chẳng gì cũng là giám đốc. Còn cái tay Vũ em cô ta lại là công nhân trong nhà máy này, dưới quyền mình. Nó như trong quân đội thì quyền sinh quyền sát là trong tay kẻ đứng đầu. Vậy thì còn có cơ. Ông Tô không muốn nói cho chú nó biết vậy. Nhưng cũng chẳng rè chủ nhật tuần trước về gặp chú em thì thấy chú này lại có vẻ lừng khừng bảo"tuỳ anh. Thế nào em cũng nghe theo anh cả". Nhưng hai ba lần sau khi đến nhà Vũ ông Tô cũng thấy mọi sự cũng chẳng có gì tiến triển thêm. Cái cô Vân kia vẫn lẳng lặng, im như tờ khi gặp ông, rồi tìm cớ để lảng tránh. Trong khi đó hình như cái ông Liên lùn tưởng gắn bó như môi với răng với ông Tô thì bắt đầu đưa ra chi bộ phê bình việc ông Tô thoả hiệp với giai cấp tư sản bằng cách cố tình chọn con nhà tư sản vừa được cải tạo để tác thành làm vợ cho em trai mình. Ông Tô nghe ông Liên phát biểu giận tái người, phản công lại rằng chính ông cũng cùng ông đến nhà tư sản cải tạo này trong đợt đi ấy. Ông Liên nói ngay. Đấy là do chi bộ phân công để theo dõi ông Tô khi thấy biểu hiện lệch lạc. Ông Tô thiếu chút nữa thì mất chức giám đốc nếu không có ông anh họ làm cán bộ tổ chức trên Uỷ ban hành chính thành phố. Điều may hơn là do định mệnh xắp xếp chứ con người thực ra có tài cán gì, chẳng qua là con rối trong tay con tạo. Hai ba năm lình xình chẳng đâu vào đâu thì kíp đến lúc thành phố mắc còi ủ báo động trên nóc nhà ngân hàng. Thế mới hay cuộc đời chả biết lúc nào là bằng phẳng, gió thuận mưa hoà, lúc nào là bão giông, sấm sét. Mọi thứ đang bình yên bỗng trở thành thất thường, lồi lõm. Những khuôn mặt lúc nào cũng tráng nụ cười vui vẻ, hay ý nhị bởi những suy tính về sự vui vẻ, chơi bời, tung hô bỗng nhiên đổi thay để thế vào đó là những khuôn mặt âu sầu, đăm chiêu lặng lẽ nghĩ ngợi về sự mất còn, sống chết. Những tà áo, ống quần đang sáng rực màu, sắc, thanh thoát trong dáng đi nhanh nhẹn, sởi lởi bất chợt chỉ trong vòng trên dưới nửa năm biến thành những bộ quần áo xẫm mầu cùng những dáng đi nhanh nhẹn, đầu cúi xuống, khép tay vào cố thu cho thân mình nhỏ bé càng nhiều càng tốt. Khắp nơi người ta bàn tán xôn xao về thế sự cùng những nhát cuốc nhát xẻng đào hầm. Quanh Hồ gươm những căn hầm dựng lên lù lù bên cạnh những vòm dương liễu vô tư xoã tóc soi mình bên mặt nước. Đèn buổi tối quanh hồ, viền cầu Thê húc sáng trưng lên một dạo bỗng tối xầm như hiển hiện nỗi lo toan của hàng vạn, hàng triệu con người. Chốc chốc còi từ nhà tiền vang lên cùng tiếng kêu gọi từ loa phát thành ẩn sâu trong các lùm cây, trên các cột đàn cao. Nhưng năm tháng ấy sau này nghĩ lại bà Vân khi đã về già cứ tưởng rằng đó là cơn ác mộng dài mà Chúa trời đã đặt ra để thử con người. Nhưng rồi ai đã sống qua giai đoạn đó hiểu rằng. Con người ta sống trên đời thì sự yên tĩnh, sự thanh thản của một kiếp người là quá hiếm hoi. Nếu không có sự chộn rộn ngoài đời thì chắc hẳn trong mỗi lòng người cùng không thể yên tĩnh, nếu không muốn nói là cũng không thiếu sự tao loạn, rối mù. Con người khác con vật ở chính trong lòng người luôn luôn khao khát, luôn luôn chờ mong và ao ước. Giám đốc Tô là kẻ thương em hay ông ta có cách nghĩ riêng về thân phận con người thì không biết nhưng khi ông đưa xí nghiệp của mình về làng Cáo Đỉnh thì lại rơi ngay vào khu làng Cáo nơi mà hồi năm 52, 53 Long và Vân đã từng có lần chạy lũ tây càn quét, đi tìm người bắt lính mà tự nhiên lạc vào. Hai người đã từng ăn khoai sọ nhà Hai Ngạn bắt rắn. Ngồi nghe Trương Hàm lùn tịt da đen xạm giảng giải và nghi ngờ hai ngưòi là Việt minh từ bên kia sông giả làm người trốn lính đánh vào làng lão. Rồi lão Trương Tùân họ Đinh hạnh hoẹ. Nhưng đấy là chuyện của ngày xưa, chỉ biết. Khi giám đốc Tô quyết định đưa cả cơ ngơi xí nghiệp công tư hợp doanh của ông ta về đấy thì Vũ có vẻ ưng ý lắm. Một phần thì cái vùng ngoại thành đó tiếng là xa nhưng thực ra lại là gần. Xe đạp nhanh thì nửa tiếng, đạp chậm hay gặp trục trặc gì thì hơn bốn mươi phút là cùng. Chỉ hiềm khi trời vào đông mà đạp xe ngược qua bờ hồ Tây hun hút gió bấc thì quả là cực nhọc. Nhưng xét đi xét lại thì lại gấp trăm nghìn những nhà máy sơ tán lên gần thì ở Đăm hay Trôi, xa thì tận Thạch Thất, Quốc oai.. Mỗi khi chiều thứ bẩy, hay chủ nhật nhớ Hà nội đến não lòng. Nhìn ngọn cây xoan còn run rẩy mấy chiếc lá bạc, gầy xác mà kẻ mau nước mắt tự nhiên nhủn người mà rơi đôi hàng lệ. Mấy tháng đầu. Hà nội xôn xao trong đợt đào hầm và đi sơ tán thì Vân chẳng muốn đi đâu cả. Phần vì me cô cũng chẳng có liên quan, họ hàng với ai ở ngoại thành. Chả nhẽ lên nhà anh Lâm con bác cả ở trên Chiện. Nhưng đấy thực ra nơi ấy cũng chỉ là quê của vợ anh ấy. Anh ấy là cháu chồng mình thật mà họ hàng, ruột thịt cũng chỉ còn anh ấy là gần gựa nhất. Nhưng phiền một nỗi anh ấy đã đi ở rể ngày ngày đạp xe mang cạp lồng cơm đi từ nhiệm sở về trên ấy. Nay mình là thím, là em họ lại lên ở ké thì làm sao tiện. Hơn nữa cái anh Lâm ấy lại theo cái nghề công an, thời Pháp gọi là cảnh sát, mật thám với cái nhà tù Hoả Lò xám xịt. Nhắc đến hay mỗi lần đi qua trông thấy đã ghê. Nghề nào thì con người thế, thời nào cũng vậy thôi. Cháu thì cháu thật mà nhìn anh ấy có thấy bao giờ anh ta cười tươi bao giờ. Cảnh sát mà lại. Thật chẳng bù cho con bé Ngàn, em anh ấy. Ngày bố nó mất trong thành Vinh đến ở nhà chú thím đến năm, sáu năm trời cho đến khi nó nghe theo tiếng gọi của nước Chúa mà di cư vào nam. Thôi thì ruột thịt thì cũng là ruột thịt nhưng có điều mình chỉ là ngưòi dân thường bị xếp vào số người giầu có, có công xưởng phải cải tạo thì đành phận, chứ mong bấu víu vào đâu. Đến cụ Đỡ đã gần tám mươi, chân chậm mắt mờ tứ cố vô thân chỉ trông vào mấy cái áo len đan thuê và đứa cháu họ xa còn ở lại phố được huống hồ mình còn cả con gái. Bà Hai Tuy lặng lẽ nghĩ. Chỉ thương con bé thấm thẳn đã ngoài ba mươi mà dường như vẫn chưa kiếm được người đàn ông nào tương xứng để nương tựa. ấy là chửa kể có tin nó loay hoay thế nào lại dính líu với cái anh chàng Long bạn của Phong con cả nhà này đã khuất bóng gần chục năm nay. Đấy là bà cứ đoán già đoán non bởi nhìn thái độ của anh chàng ấy và con bé cũng chỉ thấy ngờ ngợ là cùng. Kể cũng lạ, anh chàng này đã có vợ con đề huề rồi kia mà, hà cớ làm sao lại dây vào con Vân. Đức Chúa dậy rồi. Duyên ai phận người ấy đừng có dính dáng, đa đoan mà mắc tội tranh vợ đoạt chồng thì phải tội. Nhưng nghĩ là nghĩ vậy. Mình già rồi nên cả nghĩ thế thôi chứ thực ra từ dạo bom đạn tầu bay tàu bò bay vù vù trên trời có thấy anh ta lai vãng gì đâu. Còn con bé thì trông chừng ra đứng vào trông, bồn chồn chẳng biết có phải ngóng đợi anh chàng ấy hay là vì người nọ người kia, chuyện này chuyện khác. Ngẫm lại mình thủa ngày xưa khi còn ở với bố mẹ cũng vậy thôi. Lòng dạ đàn bà, con gái thì biết thế nào mà lường. Toàn một mầu nghĩ quanh ghĩ quẩn. Cái hay cái thoáng cái đường đường, chính chính không nghĩ tới mà toàn nghĩ quẩn, nghĩ đến cái nhỏ mọn, vụn vặt. Một hôm ngồi giả tảng làm việc khác nhưng thỉnh thoảng liếc thấy vạt áo len đan giở động đậy, hai tay con bé đan thoăn thoắt vậy mà chốc chốc lại tháo ra vì lỗi, trong khi đó cả phố này đàn bà, con gái đều công nhận con Vân nhà này là đứa khéo tay đan lát nhất. Kiểu gì dù khó đến đâu nó cũng đan được. Đấy là chưa kể nó còn nghĩ ra các kiểu hoa này hoa khác với len đan trong vào chỉ thấy rối rắm, cầu kì. Tay chân con bé khéo léo là thế nên chưa bao giờ áo nó đan bị trả lại, hay sửa chữa điểm nào. Nó cứ nhắm mắt cũng không thể để mầu len nọ pha lẫn mầu len kia. Vậy mà… Càng nghĩ bà thấy bứt dứt không yên. Tình cờ một hôm bà nghe thủng câu chuyện ông giám đốc xí nghiệp của Vũ định hỏi Vân cho em giai ông ấy. Bà lấy làm băn khoăn lắm. Lần lữa mãi một hôm nhân nhà vắng teo. Vũ đi theo nhà máy, vợ Vũ và con gái đi sơ tán cùng bà ngoại, nhà chỉ có hai mẹ con bà mới đằng hắng khan mấy lần rồi hỏi con gái:
    - Vân ạ? Thấy me ngừng một lúc như nghĩ ngợi điều gì khó nói Vân chủ động ngưng tay đan hỏi khẽ.
    Me cứ nói đi.
    - Này mấy chị em cùng trang lứa với con ở phố này đã chồng con đề huề như cái con Lý nhà ông trưởng Tiệm đầu phố còn kém con đến tám tháng. Me nhớ con đẻ tháng hai ta thì đến giữa tháng chín bà ấy mới đến nhà thương Cống Vọng, vậy mà nó đã ba đứa rồi đấy
    - Ôi dào. Mỗi người một số biết thế nào được. Bây giờ lại đang bom đạn máy bay thế này cứ một mình như thế này cho gọn gàng me ạ
    Đời người con gái có thì, vậy con…
    - Me ơi. Chiều nay có hai me con mình thôi. Ta ra chỗ bún ốc Lý quốc sư me nhé.
    - Ư, ừ. Biết con gái lảng chuyện bà cũng không nói thêm nhưng lòng áy náy lắm. Bà cầm cuộn len con gái để trong giỏ đưa lên giả cuốn để tìm cách gợi lại chuyện
    Nhưng giả cúi xuống nhưng bà vẫn kịp nhìn nhanh con bé thấy mặt nó xem ra có vẻ rầu rầu, đăm chiêu như đang nghĩ chuyện gì rắc rối lắm trong đầu.
    - Me nói câu này không phải nhưng cái anh Long ý mà, tuy là bạn thân của anh cả con thật nhưng theo me khi nào đến nhà con cũng nên cẩn thận giữ ý giữ tứ.
    - Me nói thế để làm gì. Chuyện ai người ấy biết. Mà việc gì me phải dặn con. Con chả làm điều gì để khiến me phải xấu hổ đâu.
    - Me hiểu rồi. Đấy là phòng xa con ạ. Dù sao cái giống đàn ông đàn ang thì họ cũng vô chừng lắm.
    - Me ơi. Không nói chuyện ấy nữa. Vân vùng vằng như kiểu muốn làm nũng me. Cô quẳng đôi kim đan vào rổ mây, rồi đứng phắt dậy. Mở cửa chạy nhanh lên gác. Bà Hai nhìn theo vừa ân hận vừa ái ngại. Tự nhiên miệng bà thốt lên "giê su ma, lạy Chúa tôi "
    Vân lên thẳng trên gác rồi đổ vật xuống giường. Nước mắt trào ra lúc nào không biết. Đúng là me không nói thì thôi. Me gợi chuyện về anh ấy ra thì mình mới nhận ra một điều rằng. Đã hơn tháng nay, hình như mình cố nghĩ đến chuyện khác để không phải nghĩ đến anh Long. Chính vì thế nên trong lúc bất chợt dù đang rối óc nhất hình ảnh anh ấy vẫn chốc chốc loé lên chiếm tất cả suy nghĩ của mình Lại còn hôm nay nữa. Không hiểu có điều gì mà me lại nhắc đến anh ấy càng làm mình hiểu rằng. Đời mình từ sau đêm mưa bất ưng bên bờ Hồ Tây ấy dù ít dù nhiều đã gắn với anh ấy. Còn anh ấy thì cũng chỉ là kẻ chốc lát, ham vui chứ đâu có nghĩ gì đến mình. Trách làm sao được bởi dù sao, anh Long đã có vợ, có con, có cả một gia đình gắn bó mà anh ấy là người đàn ông phải đứng mũi chịu sào. Trong thời buổi bom đạn, nhiễu nhương này người ta phải lo toan chu đáo cho vợ con người ta là đúng rồi. Con mình có là cái gì để anh ấy phải chăm nom, săn sóc, bù trì bao che. Làm thân con gái ngu dại dễ mềm lòng là chịu thiệt thòi thôi. Tránh mình chứ chẳng trách được ai cả. Thấy bảo gia đình anh ấy đi sơ tán, chị Diễm vợ anh ấy lại đang có mang đứa thứ ba. Thế tức là anh ấy vẫn yêu quí vợ lắm. Đêm đến bên cạnh ngưòi vợ như thế thì cầm lòng sao được. Cũng là phải lẽ thôi. Giống đàn ông mà lại. Hơn nữa nói gì thì nói dù là đàn bà, con gái cũng phải nhận rằng Diễm vợ anh ấy là người xinh đẹp. Sau hai lần sinh đẻ sự xinh đẹp đàn bà càng phát lộ bởi được đổi máu, được tẩm bổ. Còn mình chỉ là kẻ mà qua đường của anh Long hay nói đúng hơn là kẻ chỉ để vui vẻ trong chốc lát, để thoả mãn sự loang toàng của đàn ông trong thời khắc nào đấy để rồi anh ấy lại quên như quên đi một thứ quả bất ngờ người ta hái được qua cành cây vượt khỏi bức tường. Thật nhục nhã. Thật ê chề. Nhưng biết làm thế nào. Chắc mình bị Chúa trừng phạt vì không nghe theo lời răn của Chúa. Lời của Chúa đã dậy rồi. Chúa đã an bài người đàn ông, đàn bà thành vợ thành chồng thì dù thế nào cũng phải ăn đời ở kiếp với nhau. Chồng là máu thịt của vợ, vợ là lái tim của chồng. Không được dối lừa, không được phản bội. Anh ấy dứt tình cũng chẳng thể nói gì anh ấy được, còn mình… mình đã chung đụng với chồng người ta tức là mình đã cướp chồng người ta. Vậy thì… Thật phí hoài cho đời con gái, trắng trong của mình. Vân cố xoay mình nhưng đầu cô bỗng chốc nặng buốt. Cô cảm thấy cổ như nghẹn lại. Nước mắt ướt đầm mặt chiếc gồi thêu bông hồng bạch mà cô từng đi với Diệu Thuần đi mua ở đầu phố hàng Gai. Diệu Thuần hôm ấy bảo. Làm con gái Hà nội đàng hoàng tử tế thì khi lấy chồng phải chọn được người nào cho đáng tấm chồng, không thể mèo mả gà đồng được. Gớm nghe nó nói đã thấy nó ghê gớm. Vậy mà…
    - Nhưng mình là đàn bà, con gái thì chọn sao được. Hôm ấy Vân đã hỏi Diệu Thuần như vậy
    - Vớ vẩn. Tất cả do mình quyết hết. Không có thì ở vậy nuôi thân béo mầm chứ ngán gì
    Miệng nói như thế mà bây giờ cái cô Diệu Thuần ấy chả biết nghĩ ngợi thế nào lại lấy người chồng quê xa lắc xa lơ. Đâu như tận Thanh hoá Nghệ an gì đấy. Đã thế ânh chàng lại vừa lùn vừa béo nom như thằng gánh nước thuê ngày trước ở đầu phố. Nhưng dù sao cũng là chồng cô ấy, và họ cũng là cặp vợ chồng riêng biệt. Còn mình. Dính vào Long rồi mình còn biết lấy ai mà ai còn lấy mình nữa. Than ôi. Vân trằn trọc, lật mình liên tục. Đang định dồn mảnh chăn đơn ụ lại để đệm dưới chân thì đột ngột tiếng còi ủ dữ dội vang lên giần giật, sau đó là tiếng cô phát thanh viên chua lói thét to gần như lạc giọng
    - Đồng bào chú ý, đồng bào chú ý. Máy bay địch cách Hà nội năm mươi cây số về hướng nam. Đồng bào nhanh chóng vào hầm trú ẩn, các lực lượng vũ trang sẵn sàng chiến đấu.
    Ngay lúc đó tiếng me thất thanh kêu lên cùng tiếng dép cập rập của bà:
    - Vân, Vân xuống hầm nhanh lên con ơi. Vân Vân đâu rồi.

Xem Tiếp Chương 4Xem Tiếp Chương 13 (Kết Thúc)

Hà Nội - Tình Nhân ( Phần III )
  » Xem Tập 1
  » Xem Tập 2
  » Đang Xem Tập 3
  » Xem Tiếp Tập 4
  » Xem Tiếp Tập 5
  » Xem Tiếp Tập 6
  » Xem Tiếp Tập 7
  » Xem Tiếp Tập 8
  » Xem Tiếp Tập 9
  » Xem Tiếp Tập 10
  » Xem Tiếp Tập 11
  » Xem Tiếp Tập 12
  » Xem Tiếp Tập 13
 
Những Truyện Dài Khác
» Liêu Trai Chí Dị
» Pie Đệ Nhất
» Thiên Thần Và Ác Quỷ
» Tuyết Bỏng
» Cuộc Đời Của Pi ( Phần II )
» Mao: The Unknown Story
» Con Lừa Và Tôi
» Trái Tim Không Cần Lý Lẽ
» Tình Ca Giáo Viên Miền Núi
» Cuốn Sổ Lớn
» Chuyện Tình New York
» Những Kẻ Điên Rồ Phải Chết
» Đau Thương Đến Chết ( Phần I )
» Hai Chị Em
» Giữa Cơn Gió Lốc
» Chỉ Một Lần Yêu