Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Dài » Những Bước Đường Tư Tưởng Của Tôi Tác Giả: Xuân Diệu    
    Cái Mới trong văn học của chúng ta
    Chúng ta không ngừng làm một cuộc đấu tranh tư tưởng để bênh vực, cổ vũ nền văn học mới của chúng ta. Như vậy, không phải chúng ta huyên truyền, lấy không làm có, nói lấy được; cũng không phải chúng ta chỉ đem một lòng tin, một cách chủ quan, tự huyễn diệu mình là đủ. Mà chúng ta thấy rất chính xác rằng cái xã hội tiến dần lên chủ nghĩa xã hội tốt đẹp của ta thế tất cần và phải xây dựng được một nền văn hoá, một nền văn học mới mẻ từ trong bản chất. Nhưng cố nhiên, con đường xây dựng đó không phải là chóng vánh, dễ dàng.
    Nhưng vấn đề không nên nhầm lẫn
    Một nỗi thắc mắc khá phổ biến hiện nay là: − Tại sao văn học cách mạng chưa có tác phẩm lớn?
    Người ta hỏi như vậy và tìm cách giải đáp. Nhưng cũng có một số nhỏ người hỏi như vậy rồi đâm ra hoang mang, dao động về đường hướng của nền văn học mới; dần dần như hình thành một khuynh hướng “xét lại” những nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lê-nin về xây dựng văn học.
    Ta cần phải, trước hết, nói thật với công chúng rằng: − Trong kinh tế, ta đã thấy là rất sai cái ảo tưởng của những năm đầu hoà bình, rằng khi Cách mạng đã thắng lợi, đuổi được đế quốc, đánh đổ được giai cấp địa chủ rồi, thì đời sống có nhiều thịt, sữa, hoa, gối cưới, và pô-pơ-lin [1] ngay; những thứ sung sướng này, thực ra, chỉ có thể có được dần dần, và có theo tốc độ tăng của năng suất lao động tự giác. Trong văn học cũng vậy, không phải là dễ làm cho những sự nghiệp oai hùng, cao cả của quần chúng cách mạng thể hiện được ngay vào trong những tác phẩm vĩ đại tương xứng. Cần phải cần cù lao động nghệ thuật, cần phải nghiên cứu cuộc sống mới, cần phải học tập những tinh hoa, ưu tú của văn học cổ kim, cần phải kiên nhẫn nuôi dưỡng nhân tài. Chúng ta có rất nhiều nỗi khó khăn của một nền văn học hãy còn trẻ tuổi. Nhưng không vì những khó khăn đó mà nhầm lẫn vấn đề, mà sốt ruột bỏ cái đường lối đúng mà ta đang đi, để đâm quáng đâm quàng, bổ ngả bổ nghiêng vào hố, vào vực.
    Tại sao văn học cách mạng chưa có những tác phẩm đạt tới mức độ nghệ thuật nhuần nhuyễn như một số tác phẩm [2] trước Cách mạng? Có nhiều lý do; nhưng lý do mấu chốt ở đây, theo ý tôi, vẫn là: “vấn đề cán bộ quyết định tất cả”, tức là vấn đề phải có một loạt nhà văn của thời đại. Thời đại mới của chúng ta cần phải có những nhà văn của nó; mà việc “đào tạo cán bộ” ấy đòi hỏi một thời gian. Thời đại cũ, dưới Pháp thuộc và phong kiến, nếu ta chỉ kể có từ 1900 trở đi, cũng đã phải mất trên dưới ba mươi năm để đào tạo ra cái loạt nhà văn, nhà thơ của phong trào văn học khá rầm rộ khoảng 1930 - 45. Lấy thơ làm ví dụ, thì lớp thi sĩ của phong trào “thơ mới” (1932-45) là đẻ ra đã hít thở cái buồn của chiến tranh 1914-18; họ lớn lên, và trong tuổi biết khôn, tuổi dậy thì của họ, là tuổi nhiều xúc cảm nhất, tuổi nẩy nở các mầm tài năng, thì xã hội đã bày sẵn ra trước mắt họ một cảnh bế tắc nghiêm trọng rồi. Vào tuổi trẻ, họ thốt ra thơ, thì thơ họ đã làm một với tiếng kêu thương của thời đại. Một mặt khác, lớp thi sĩ đó, vô hình trung hay có ý thức, được đào tạo qua cả một quá trình vài chục năm thành công hay thất bại của nhiều thi sĩ trước họ, như Hải Nam Đoàn Như Khuê, Á Nam Trần Tuấn Khải, Nguyễn Mạnh Bổng, v.v… và bao nhiêu người khác đăng thơ trên các mục “Văn uyển” hồi bấy giờ. Cái buồn lãng mạn cá nhân chủ nghĩa của họ vốn đã được giáo đầu từ trước trong những Giọt lệ thu của bà Tương Phố, trong những nỗi lòng của Tố Tâm, Đạm Thuỷ, và nhất là, trước họ, thi sĩ Tản Đà (1888-1938) đã gặt, bó một mùa hoa buồn đời: “Sầu không có mối, cắt sao cho đứt; sầu không có khối, đập sao cho tan…”. Có thể nói: cái hắt hiu của thời đại cũ đã lọc qua mấy lớp thi nhân và chảy vào đến tâm thần thế hệ thi sĩ 1932-45, thì đã đến lúc cô đọng, tập trung, như trở thành một thứ “tinh tuý” vậy. Quá trình “đào tạo cán bộ” của văn học trước Cách mạng thật khá dài. Trong hệ thống xã hội trước kia, văn học cũ là một sự gặt mùa, trong hệ thống xã hội của ta hiện giờ, văn học mới, trên đại cục, là hãy còn tiếp tục gieo hạt. Như vậy, chúng ta có thể cắt nghĩa dễ dàng cái nhuần nhuyễn của một số tác phẩm trước Cách mạng. Thời đại cũ không những đã sản sinh một lớp nhà văn ra tự trong lòng nó; nó lại còn đứng dừng lại, với các điển hình nhân vật chín mõm mòm, cho nhà văn cũ tha hồ quan sát; hơn thế nữa, nhà văn cũ, vì đã nhập tâm xã hội cũ, lại còn có thể lấy cái hắt hiu đã quánh lại trong tâm trí mình mà tăng thêm cái điệu hắt hiu cho đời sống bên ngoài!
    Cuộc sống mới của chúng ta, trái lại, không đứng dừng lại một phút nào, nó rất trẻ, rất hăng, nó luôn sáng tạo, nó bồi dưỡng luôn những điển hình mới; nó thì cuộn sùng sục lên như thế, mà việc đào tạo cán bộ của nền văn học mới thì hãy đang còn tiến hành, hiện nay chưa phải là đã đạt. Cái chống chếnh, cái chưa ổn của tình hình văn học ta hiện nay, theo ý tôi, mấu chốt là do sự giáp hạt các tài năng; các nhà văn thời đại của ta chưa chín, và vì thế, các tác phẩm của ta chưa chín. Rồi do vì ta chưa có những tác phẩm thật là trứ tác, mang đầy máu huyết của thời đại ta, để chứng minh bằng kết quả hai năm rõ mười cho bản chất ưu việt của nền văn học cách mạng, nên những tư tưởng nghi ngờ, dao động, thậm chí những kẻ xấu bụng, có đất để đòi “xét lại” đường lối. Thật là một sự nhầm lẫn vấn đề.
    Không thể sốt ruột
    Nhưng trong khi chúng ta cải tiến sự lãnh đạo văn học cho mềm dẻo hơn, chiếu cố đầy đủ đặc trưng của việc sáng tác văn học, ngõ hầu rút được càng ngắn càng hay cái thời gian đào tạo một lớp nhà văn mới, thì chúng ta vẫn cứ phải nhìn thấy thực tế rằng: việc đào tạo đó không thể sốt ruột được đâu.
    Ở Liên Xô, từ khi giai cấp vô sản cướp được chính quyền, đến 15 năm sau, mới thành lập được Hội duy nhất của các nhà văn Xô Viết (1932). Nhà văn hào Trung Quốc Lỗ Tấn, năm 1927, cũng có nói [3] : - “Khi đã đến thời cách mạng lớn, không có văn học nữa, không có tiếng tăm nữa, bởi vì mọi người đều bị sóng cách mạng dồi dập, mọi người đều từ kêu gào mà xoay qua hành động, bận rộn về cách mạng, không có nhàn rỗi để mà nói chuyện văn học. Lại còn, lúc đó đời sống vất vả, cố tìm cho ra miếng bánh mì mà ăn còn không được, còn lòng dạ nào nói đến văn học nữa?...”. “Đợi đến sau khi cách mạng lớn thành công, trạng thái xã hội đã hoà hoãn, sự sống của mọi người đã dồi dào, lúc bấy giờ văn học lại sản sinh ra…”. Tôi dẫn mấy câu này, không phải để ta dựa vào đó đặng mà trì trệ; nhưng để chúng ta thông cảm rằng: từ Tổng khởi nghĩa 1945 đến Hội nghị Giơ-ne-vơ 1954 tức là thời kỳ Cách mạng lớn của Việt Nam ta đó. Thế mà trong mười năm đại cách mạng ấy, chúng ta vẫn có được những bước đầu của nền văn học mới, và có một số tác phẩm thành tựu đầu tiên; ta nên nhận rõ như thế mà phấn khởi, chứ đừng quá sốt ruột.
    Thời đại ta là thời đại giải phóng các dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa, là thời đại tiến lên dưới sự lãnh đạo của các Đảng của giai cấp vô sản, với động lực chính là quần chúng công nông giác ngộ. Những nhà văn của thời đại, tức là những nhà văn chính yếu nói được cái điều trên đây, chứ chính yếu không phải điều nào khác. Những nhà văn của thời đại hiểu đúng nghĩa như vậy, ở nước ta, từ đâu mà có?
    Một là từ những nhà văn cũ trước Cách mạng tháng Tám cải tạo đi, theo tinh thần và lập trường của giai cấp công nhân. Việc thay da đổi óc này không phải là dễ dàng và mau chóng. Chỉ một cái tập quán nông nghiệp lạc hậu, là đi làm và đi họp không đúng giờ, mà hơn ba năm hoà bình rồi, ta vẫn chưa chữa được. Huống chi việc thay đổi cả hệ thống tư tưởng, cách nhìn và lối cảm đã thâm căn cố để từ lâu. Trong hoàn cảnh ở thành thị yên bình hiện nay, đã có cá biệt những nhà văn cũ truy lĩnh trở lại những điều không đúng mà trong Kháng chiến họ đã từ bỏ. Nhưng đại bộ phận vẫn kiên trì tiếp tục tự cải tạo mình, và họ dần dần trở thành những nhà văn mới; mới hay cũ không ở tuổi tác, mà ở cái tính cách quần chúng trong nhà văn, ở đảng tính của nhà văn. Theo tôi nghĩ, cái khả năng diễn đạt thời đại chỉ nâng lên được trong nhà văn cùng với cái chất quần chúng, cùng với Đảng tính được tăng cường. Thực tế văn học Liên Xô đã chứng minh rằng những nhà văn cũ trước Cách mạng tháng Mười, bền chí đi với Đảng và quần chúng, đã thành những nhà văn mới thật ưu tú. Ở nước ta, để cho các nhà văn của thời đại hơn lên một mức nữa, cũng cần phải thêm một thời gian gắng công, rèn luyện.
    Cái nguồn thứ hai để luyện dưỡng thành những nhà văn thời đại của ta, là lớp nhà văn trẻ bắt đầu viết từ sau Cách mạng trở đi. Phần lớn họ là những người đã được đi học, họ vào Cách mạng với một gánh quá khứ nhẹ nhàng, họ hấp thụ cái mới của thời đại ta chóng hơn. Họ cần mở rộng kiến thức thêm nhiều, cần học tập nhiều về nghề nghiệp. Nhưng không phải hễ cứ tuổi trẻ là đảm bảo tư tưởng không sai lệch. Cùng với lớp nhà văn trước, họ vẫn phải học tập quần chúng nhiều hơn, sâu hơn nữa. Để cho tài năng của họ chín – tôi hiểu tài năng là bao gồm cả tư tưởng – cũng cần phải có một thời gian.
    Cái nguồn thứ ba là hướng nhìn về tương lai xa hơn. Nền văn học mới do Đảng lãnh đạo, cái nền văn học của một xã hội sẽ tiến mạnh lên xã hội chủ nghĩa mai sau gồm toàn những người lao động, cần phải có những nhà văn xuất thân từ nhà máy, từ nông thôn hợp tác hoá. Cái công chúng hoàn toàn mới, gồm bằng công nhân, nông dân lao động, hiện giờ đang hoàn thành thoát nạn mù chữ, hoặc học bổ túc bình dân, và rồi sẽ học cao hơn nữa, sau đây họ sẽ cầm đọc các tác phẩm văn học. Họ, những người mà bản chất dễ thông cảm nhất với các vấn đề và nhân vật của xã hội mới, họ lại thuộc những giai cấp từ xưa chưa bao giờ được rèn luyện để viết văn. Đó là điều bất công mà Đảng ta sẽ sửa chữa. Đặt nhiều ước vọng vào loạt nhà văn ấy của thời đại, không công nông chủ nghĩa chút nào hết; trái lại, chỉ nhìn quanh quất có làng văn hiện nay, là không thấy xa hơn mũi mình. Cố nhiên, đào tạo loạt nhà văn này đòi hỏi nhiều thời gian.
    “Vấn đề cán bộ” của văn học chúng ta đặt ra là như vậy.
    Đó đúng là vấn đề mấu chốt. Thời đại ta có đầy đủ chiến công, sự nghiệp, nhưng còn thiếu cái chín của các nhà văn. Khi các nhà văn đã chín rồi, họ có thể sẽ quay trở lại viết về những ngày Cách mạng tháng Tám, viết về Kháng chiến mà viết rất hay, rất đúng, dù có trường hợp họ phải dựa vào tài liệu lịch sử chứ chưa được mắt thấy tai nghe. Trái lại, khi họ chưa chín, thì đang sống giữa kháng chiến nhãn tiền, họ vẫn chưa viết được đúng, hay về kháng chiến. – Nói điều này, tức là nhấn mạnh: nhà văn cần phải cấp bách nhập tâm lấy thời đại; mà muốn được như vậy, cần phải lăn lộn vào thực tại cách mạng hơn nữa, hoà mình vào quần chúng cách mạng hơn nữa, chứ không phải thấy mình đi vào thực tế mà chưa có kết quả, thì đã nản lòng, rút lui.
    Những nhà văn trong ba loại trên đây thi đua với nhau ráo riết và lâu dài, không kể tuổi, không kể thành phần xã hội xuất thân, mà kể về tư tưởng, tài năng, để trở thành những nhà văn chân chính của thời đại. Văn học trước Cách mạng phải mất ba mươi năm và hơn nữa để có được một cuộc nở hoa về nhân tài; văn học mới cần phải rút thời gian này ngắn hơn nhiều nữa. Chúng ta phân tích sự “giáp hạt tài năng”, không kiếm cớ cho sự chậm chạp, mà để ta cứ tiến bước vững vàng.
    Câu chuyện thiên tài
    Trong cuộc tranh luận về tập Việt Bắc năm 1955, có người đã lấy thơ Nguyễn Du, thơ Hồ Xuân Hương để đập thơ Tố Hữu. Nhiều người khác chân thành thắc mắc: Thời đại của ta vĩ đại như thế, tại sao chưa có một Nguyễn Du? Và cũng có nhiều người nữa nhìn sang Liên Xô, thật thà đặt câu hỏi: Chế độ xã hội chủ nghĩa vĩ đại và ưu tú, nhưng tại sao văn học xô viết chưa có một Tôn-stôi, chưa có một Púc-kin?
    Đây cũng lại là một sự lẫn lộn vấn đề. Vấn đề Nguyễn Du, Tôn-stôi, Púc-kin là vấn đề thiên tài. Trong bước đi lên của lịch sử nhân loại, đã sản sinh ra những thiên tài văn nghệ kỳ diệu như thế; thi sĩ Pháp Bô-đơ-le đã gọi đó là những hải đăng chói lọi, chiếu sáng trong khoảng rộng và trong khoảng lâu. Theo tôi hiểu, hiện nay con người ta chưa tìm ra được cái quy luật để tạo nên các thiên tài. Mác và Ăng-ghen đã có nói: vấn đề không phải là “mỗi người đều phải thay thế cho Ra-pha-en [4] , mà là một người nào mang Ra-pha-en ở trong mình, đều phải được phát triển tự do”. Chế độ xã hội chủ nghĩa không nói rằng sẽ đẻ ra rất nhiều Sét-spia [5] và Gớt-tơ [6] , nhưng đảm bảo cho những ai có mầm mống trở thành Sét-spia và Gớt-tơ đều không bị chết non vì đói rét, bị thui chột vì thất học, bị bán văn non để nuôi miệng và vợ con, như Goóc-ki đã từng than rằng dưới những chế độ bạo lực cũ, có lẽ đã chết phí hàng chục thiên tài, hàng trăm vĩ nhân. Trái lại, những chế độ của chúng ta tạo điều kiện tối đa cho nhân tài nẩy nở.
    Người ta không thể đem những thiên tài của quá khứ để chứng minh rằng nền văn học đi theo sự lãnh đạo của Đảng của giai cấp công nhân hiện nay là kém, là xoàng. Chuyện thiên tài là chuyện bất thường, xuất sáo. Người nào có tà ý mới đem Nguyễn Du để đập các tác giả đang nảy nở hiện nay. Và Nguyễn Du đã sinh ra trong thời đại cuối vua Lê chúa Trịnh, đầu Nguyễn, việc đó không nói rằng chế độ phong kiến đang tan rã là chế độ tốt.
    Một mặt khác, những thiên tài kỳ diệu thật, nhưng cũng không phải là “người trời” cử xuống; thiên tài có hai điều kiện: sinh lý và xã hội, nhưng chủ yếu là xã hội; trên cơ sở một bẩm sinh xuất chúng, họ phải học để thông kim bác cổ, họ phải liên hệ chặt chẽ với nhân dân và thời đại; “thiên tài là một sự gắng sức lâu dài”, “thiên tài là sự vượt bực của một quần chúng”, hai yếu tố này đều đúng [7] . Thiên tài mà dựa được trên một thế giới quan tiền tiến thì tránh được những sai lầm tai hại, và, như nữ văn sĩ Ni-cô-lai-ê-va [8] nói, còn lớn mạnh hơn gấp trăm lần.
    Vào dịp kỷ niệm bốn mươi năm Cách mạng tháng Mười, I-li-a Ê-răng-bua có viết bài “Cuộc đời chúng tôi chỉ mới là bắt đầu”, trong đó ông nói: từ năm nghìn năm xưa trở lại, đã từng có những nền văn minh rực rỡ, nhưng những nền văn minh đó là của một thiểu số làm và để cho một thiểu số hưởng, cho nên, khi gặp tai nạn, thì các nền văn minh đó đổ sụp như lầu dựng bằng lá bài, vì những người nô lệ không chịu bảo vệ nó. Với chính quyền Xô viết, “Lần đầu tiên, con người ta mới bắt đầu sáng tạo một nền văn minh nó không phải là công làm, cũng không phải là của hưởng của một nhúm người: nó do mọi người sáng tạo và nó là của chung mọi người. Với một nền văn minh như thế, không có một sự đụng phá nào hại nổi”… “Bốn mươi năm, là một khoảng thời gian ngắn, và khi những kẻ hoài nghi ở phương Tây bảo tôi: “Tôn-stôi của các anh đâu nào?”, tôi không trỏ với họ các nhà văn của chúng tôi, mà trỏ những độc giả của chúng tôi. Những người độc giả như thế này, Tôn-stôi chưa được biết đâu; và những Tôn-stôi của chúng tôi thì hiện giờ có lẽ chỉ mới đang học A, B, C, hoặc đang vọc cát trong các vườn hoa công cộng”. Văn học Xô Viết chưa có Tôn-stôi, chưa có Púc-kin, nhưng văn học Xô Viết sống trong lòng mỗi làng xóm, trong mỗi lòng người.
    Văn học mới của Việt Nam đang bắt rễ sâu trong quần chúng, nhựa đang chạy lên cây, lên lá, hoa và trái chỉ mới chớm thôi, nhưng ta không thể thay bằng một cây hoa trái giấy nào khác.
    Chủ nghĩa hiện thực phê bình không đủ nữa
    Ngồi chiêm ngưỡng dưới bóng cổ thụ sum sê của các tác phẩm cổ điển kỳ thú, ngúng nguẩy với việc đi trồng những cây mới của thời đại ta nay, đó lại là một khía cạnh nữa của sự lẫn lộn vấn đề. Không ai quý trọng, đề cao cái gia tài văn học ưu tú của dân tộc và của nhân loại bằng các Đảng Mác – Lê-nin. Nhưng chúng ta không thể lấy đó làm món ăn tinh thần duy nhất hay chính yếu cho những người xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa. Chúng ta còn đòi hỏi một nền văn học mới khác nữa, con đẻ rứt ruột của thời đại chúng ta.
    Một số nhà văn có thể nhầm lẫn về vấn đề này, chứ công chúng không nhầm lẫn. Vì số nhà văn đó quá mơ đến cái pho tượng của bản thân mình, nghĩ rằng những văn hào xưa nói đến cái buồn rầu, cái xam xám hắt hiu và được hậu thế tạc tượng, thì mình bây giờ cũng có thể viết như thế, và cũng để lại sự nghiệp được như thường. Quần chúng thì đọc Nguyễn Du, Ban-dắc, Sê-khốp… rất say sưa xong rồi, quần chúng vẫn cứ hỏi: Còn cái Điện Biên Phủ của chúng tôi, sao chưa thấy một tác phẩm nào diễn đạt cho xứng đáng?
    Chúng ta nay, học tập những kinh nghiệm nghiên cứu của một nhà văn như Pha-đê-ép [9] cũng thấy rằng có những nhà văn cổ điển không những chỉ làm hiện thực phê bình, mà còn trông thấy, tạo ra những nhân vật tích cực của thời đại họ. Mặt khác, chúng ta cũng thấy rằng đó không phải là trường hợp chung của tất cả các nhà văn cổ điển. Nếu ta đứng về phương diện cần phải cải tạo cuộc sống, chứ không những tìm hiểu nó, nếu ta đứng về phía những người hiện nay vẫn đang còn bị mất nước và bị áp chế, bóc lột, họ đang cần một thứ văn học trực tiếp giúp họ phá cũi chặt xiềng, thì ta rất thông cảm với lời Lỗ Tấn [10] : “Trước cách mạng lớn, tất cả văn học đại khái là đối với mọi trạng thái xã hội thấy là bất bình, thấy là thống khổ, bèn kêu khổ, gào bất bình, trong văn học thế giới chẳng ít gì thứ văn học thuộc về loại ấy. Có điều thứ văn học kêu khổ gào bất bình ấy đối với cách mạng chẳng có ảnh hưởng gì, vì kêu khổ, gào bất bình mà không có lực lượng gì, thì kẻ áp bức mình vẫn không thèm đếm xỉa; con chuột tuy chít chít kêu, mặc dầu kêu ra được thứ văn học xuất sắc, mà con mèo vẫn cứ mạn phép ăn nó đi…”. Lỗ Tấn lại còn nói thêm rằng thứ văn học kêu khổ, gào bất bình kia chẳng khác nào người sắp thua kiện phát tờ kêu oan, kẻ áp bức đối với văn học đó lại thấy yên lòng là khác!
    Khi chúng ta khâm phục các thiên tài cổ điển, không phải là chúng ta xoá nhoà hết tất cả ranh giới giữa hiện thực phê bình và hiện thực xã hội chủ nghĩa. Cùng với Goóc-ki, chúng ta vẫn cứ thấy chủ nghĩa hiện thực phê bình rất bị giới hạn, rất không đầy đủ. Ví dụ như đọc Sê-khốp, ta gọi ông là Sê-khốp kỳ diệu”, viết hay đến nỗi ta phải giơ trang giấy lên soi xem có cái gì lạ ở trong ấy không… Nhưng không phải vì phục thiên tài Sê-khốp mà ta hoàn toàn tán thành cái thế giới quan của Sê-khốp.
    Trong bài nói đầu tập truyện dịch Sê-khốp [11] , bạn Nguyễn Tuân không đồng ý với lời của tôi cho rằng “Tchékov nói tất cả cái đau xót dưới chế độ Nga hoàng, nói rất thiên tài, nhưng rồi dẫm chân một chỗ, không biết làm sao thoát ra được” [12] ; và để chứng minh rằng Sê-khốp không “giẫm chân tại chỗ”, Nguyễn Tuân trích dẫn những lời của một số nhân vật của Sê-khốp, như: “… mỗi ngày tôi lại nhủ tôi rằng chúng ta đang đi gần lại sự chiến thắng huy hoàng có thể được, và tôi muốn sống tới lúc đó để góp phần mình vào”, hoặc: “… tất thảy rồi sẽ đột biến như trong phép thần thông. Và rồi như thế đó, nơi đây sẽ mọc lên những lâu đài đồ sộ, những hoa viên kỳ diệu, những tia nước vòi rồng phi thường…”; hay là: “… Này đây là hạnh phúc, hạnh phúc đang cất bước…”. Và tác giả Sê-khốp cũng có nói: “Cuộc sống ấy, tôi không được thấy đâu, nhưng tôi biết rằng nó sẽ khác hẳn…”. Nếu với những lời mơ ước và tin tưởng kiểu như thế, mà Nguyễn Tuân đã thoả mãn, thì Khổng Phu Tử cũng đã từng lạc quan trước đó mấy nghìn năm rồi! (Đạo lớn mà làm được thì trẻ con có chỗ nuôi, người già có nơi dưỡng v.v…) Rất nhiều người đã mơ được như vậy dưới thời Nga hoàng và trong thời Pháp thuộc ở Việt Nam. Nguyễn Tuân cho như vậy là “những bước chuyển, những bước đi lên” của nhân vật, nhưng Elsa Triolet, người dịch và trình bày sách Sê-khốp cũng nói trong mào đầu kịch Ba chị em: “Những nhân vật họ cứ nói là đi, là chủ trương việc này việc nọ, và, cũng như trong một ca kịch mà người ta hát “Chạy lên, ta chạy lên nào…”, họ cứ dẫm chân tại chỗ”. Thực ra, thì ngay đến lúc Cách mạng tháng Mười 1917 đã thành công, cũng chưa có được cái “tất cả rồi sẽ đột biến như trong phép thần thông”, cái “hạnh phúc đang cất bước”, cái “những tia nước vòi rồng phi thường” mà Sê-khốp cho nhân vật nói đâu, mà trước mắt lại có quân đế quốc và bạch quân, có máu và nước mắt, đói và rét, có cơn thử lửa ghê gớm.
    Nguyễn Tuân viết: “Nếu chúng ta đừng khó tính đòi Sê-khốp phải tiến bộ bất chấp cả điều kiện lịch sử của Sê-khốp, thì chúng ta sẽ công bằng hơn…”; với Nguyễn Du, sinh năm 1765, trước cả Cách mạng tư sản Pháp 1789, thì chúng ta trách tại sao bắt Từ Hải chết đứng, là trách sai; nhưng với Sê-khốp, thì chúng ta rất có thể đòi hỏi ít nhiều. Vì Sê-khốp cũng sống trong những điều kiện lịch sử như Goóc-ki. Thế mà khoảng thời gian trước sau Cách mạng Nga 1905, Sê-khốp thì viết kịch Ba chị em (diễn năm 1901), Trại anh đào (diễn năm 1904), còn Goóc-ki thì viết truyện Người Mẹ (1906), là truyện có một hiệu lực phi thường, được hàng trăm ngàn người vô sản hưởng ứng, được Lê-nin khen ngợi nồng nhiệt, bởi nó đã biểu hiện bản chất cách mạng của cái lực lượng xã hội sẽ nắm chắc được tương lai, sẽ xây dựng được xã hội mới. Goóc-ki trước sau vẫn tôn kính Sê-khốp vào bậc thầy, nhưng Goóc-ki không thể dừng lại ở cách nhìn của Sê-khốp. Goóc-ki viết trong một bức thư gửi cho Sê-khốp (1900): “Sau ông, không có một người nào có thể tiến bộ hơn trên con đường đó, không có người nào có thể mô tả những sự việc thật thà một cách chân thực như ông. Thời đại cần sự mô tả những anh hùng đã đến. Mỗi người đều đòi hỏi những cái rực rỡ có tính cách kích thích, những cái đó có thể không giống đời sống thực tế, nhưng ưu việt hơn, tốt hơn, đẹp đẽ hơn đời sống. Văn học hiện tại cần phải kiên quyết bắt đầu thấm vào đời sống. Có làm như vậy, bản thân đời sống mới có màu sắc, nghĩa là con người có thể sống một cách phóng khoáng hơn, rực rỡ hơn…”
    Thiên tài Sêkhốp thật là kỳ diệu, nhưng tôi không thể quên được rằng, năm 1944, ở Hà Nội, dưới ách Pháp-Nhật thuộc, tâm trí tôi bí đường đến cùng cực, tôi đã đọc truyện Ba năm của Sê-khốp, và đọc xong, cái không khí hắt hiu trong đó chỉ càng củng cố thêm cái buồn của tôi. Và nói chung, sách của nhiều thiên tài xưa đã không giúp gì được tôi phá cái nhà tù tư tưởng siêu hình, chứ đừng nói gì phá cái nhà tù đế quốc! Tôi thiết nghĩ, nếu lúc đó tôi được đọc một quyển như Người Mẹ, thì chắc chắn sẽ đưa mầm sống lại cho tư tưởng tôi! Nhưng những sách cứu đời như vậy, thì đế quốc cấm tiệt. Lê-nin nói: Nhận giữ một cái gia tài và tự bằng lòng với cái gia tài đó, là hai việc khác nhau. Tôi rất đồng ý với nữ tác giả Mùa gặt, nói đến “những cố gắng vô ích của Sê-khốp để tìm một con đường đúng đưa đến “bầu trời kim cương”. Và tôi nghĩ rằng một truyện rất hay như Phòng số 6, nói cái xã hội dưới thời Nga hoàng là cả một cái nhà thương điên, nên in vào sách hơn là đăng thành “Phòng 6 số” trên sáu số báo Văn, vì một tuần báo của ta nay nên ưu tiên dành chỗ cho những truyện ngắn, phóng sự về chống hạn, sửa sai, hay xây dựng nhà máy.
    Có một thực tế, là khác với Goóc-ki, Sê-khốp đã đạt tới mức cao nhất của hiện thực phê bình và không tiếp tục tiến lên được nữa. Còn Sê-khốp có dẫm chân tại chỗ hay không, thì không cần cãi nhau về danh từ.
    Tôi lại thấy rằng chúng ta nay không nên dựa vào uy tín của một Sê-khốp để lại chủ trương nguyên xi như Sê-khốp: “… Về những vấn đề chuyên môn, chúng ta có những vị chuyên gia; công tác của những người này là phán xét về tập đoàn, về số phận tư bản, về độc hại của rượu, về hia ủng, về bệnh lý phụ nữ…” [13] Tôi rất đồng ý là người nghệ sĩ không nên (và cũng không thể) giải quyết những vấn đề đặt ra có tính cách chuyên môn quá, ví dụ như rượu, hia ủng, bệnh lý phụ nữ mà Sê-khốp nói; nhưng còn cái số phận của những tập đoàn tư bản, của chế độ tư bản, mà nhà văn của thời đại ta không quan tâm, thì quan tâm cái gì? Tôi lại nghĩ rằng nhà văn của thời đại ta gọi ra được bệnh và đề ra được cách chữa, ít nhất là hướng chữa, thì mới là đầy đủ nhiệm vụ, vì “kỹ sư tâm hồn” thì cũng phải bằng kỹ sư thường: nghĩa là tháo được máy ra, thì có thể lắp được máy lại, chứ tháo cho lung tung, be bét, thì chỉ là người phá hoại máy thôi, và một nhà văn xấu chỉ là một sâu mọt của tâm hồn. Tuy nhiên, tôi cũng nghĩ rằng: ở thời đại ta, cũng có thể có những trường hợp nhà văn chỉ mới đặt ra được câu hỏi, chứ chưa giải quyết được. Nhưng phải làm đúng như Sê-khốp nói, là “những câu hỏi đã được đặt ra xác đáng”. Mà đặt câu hỏi được xác đáng, thì phương ngôn Âu Tây bảo rằng: “biết đặt vấn đề, là đã giải quyết vấn đề”. Nhà văn ta có thể đặt vấn đề có tệ quan liêu, chứ không thể đặt vấn đề chính quyền dân chủ nhân dân là một bộ máy quan liêu, có thể hỏi là: Đảng làm thế nào lãnh đạo văn nghệ cho tốt?, chứ không thể hỏi là: Đảng có thể lãnh đạo văn nghệ được không? Nghĩa là nhà văn có thể đặt những vấn đề ra để cho nhân dân càng tăng cường cảnh giác, càng tự nghiêm khắc với những tệ lậu còn lại, càng thấy làm cách mạng không phải là đi ngao du, v.v… chứ không phải là buông thõng ra rất nhiều câu hỏi đặt rất sai để gieo rắc hoang mang vào quần chúng!
    Đến như Nguyễn Tuân dựa vào Sê-khốp rồi nghĩ rằng chữa bệnh là “cái việc chuyên trị của người khác làm có kết quả hơn, trong một cái xã hội tiến bộ đã có sự phân công rành rọt”, thì là bạn đã nhầm lẫn quá! Ở đây ta đang nói bệnh của xã hội, bệnh của tâm hồn, chứ không phải bệnh lao hay bệnh đau mắt hột; và ở đây ta đang ở cái xã hội tiến bộ của Việt Nam dân chủ cộng hoà, chứ không phải cái xã hội tiến bộ thời Nga hoàng. Sự “phân công rành rọt” mà bạn nói đó, là phân công của xã hội kỹ nghệ tư bản, trong đó nhà văn chỉ được chuyên trị “tìm cái đẹp, cái tinh vi”, trong đó nhà văn không thèm chữa cái bệnh nào cả, mà bản thân mình lại là một con bệnh nặng hơn quần chúng. Chứ còn ở trong xã hội của ta, công tác có phân công rành rọt thật đấy, người thì lo viết văn, người thì lo lãnh đạo, nhưng trách nhiệm với toàn xã hội thì không phân, trách nhiệm thì là chung. Các bác sĩ đồng thời cũng là kỹ sư tâm hồn của bệnh nhân, để chữa chóng khỏi hơn, các cán bộ đi phát động tư tưởng quần chúng, các nhà giáo dục, v.v… đều là kỹ sư tâm hồn; đồng thời các nhà văn cũng lãnh đạo tư tưởng quần chúng tiến lên xã hội chủ nghĩa bằng phương tiện của mình là văn học. Chúng ta ở nước ta năm 1957, sao lại chép nguyên xi của Sê-khốp? Goóc-ki sống đồng thời với Sê-khốp, Goóc-ki vạch cho chúng ta con đường văn học cách mạng, con đường hiện thực xã hội chủ nghĩa, nó vừa phê bình, vừa xây dựng, nó nặng về mở đường xây dựng, mà bao gồm cả phê bình.
    Cái mới của văn học chúng ta
    Những nỗi khó khăn có thật của một nền văn học trẻ không thể làm lu mờ cái tính chất chân lý của văn học cách mạng Việt Nam. Chúng ta phải xây dựng văn học ta nay với cái chất của cuộc đời mới này, với cái chất đã làm nên Điện Biên Phủ và giải phóng nửa nước Việt Nam, với cái chất đang dần dần thiết lập một xã hội không còn người bóc lột người trên miền Bắc này, chứ không với cái chất nào khác. Đó là cái chất quý báu, chắt chiu nảy ra từ xương máu của nhân dân quần chúng, cái chất người mới nhất của lịch sử, là con người sáng suốt dùng vũ khí đấu tranh giai cấp và đấu tranh dân tộc để giải phóng mình, nước mình, và toàn thể loài người. Đúng như vậy, không thể có hai tầng cách nhau, một tầng quần chúng nhân dân tạo ra cái chất lao động và đấu tranh, còn một tầng các nhà văn dùng một chất khác để tạo văn học.
    Tôi thấy các nhà văn về trước nhấn mạnh quá nhiều vào cái điểm: tôi viết văn vì tôi thích, tôi viết văn cho tôi. Như vậy, họ xuất phát từ bản thân mình để làm nghệ thuật. Từ khi các Đảng Mác – Lê-nin lãnh đạo văn học, các nhà văn chân chính vẫn viết văn vì mình thích, vì cần thấy viết, không viết không sống được; nhưng với cái nhu cầu chủ quan sâu sắc ấy, họ hiểu rằng sáng tác văn học trước tiên là một sự việc của xã hội; tôi dám chắc người văn sĩ nào thích cô đơn nhất, (chẳng hạn như Sa-tô-bơ-ri-ăng [14] đến lúc chết vẫn còn thích cheo veo một mình một nấm mộ trên tảng đá của bờ biển Thánh Ma-lô) cũng sẽ không viết văn làm gì, nếu anh ta sống một mình, vĩnh viễn không có ai đọc văn anh. Con người là sản phẩm của sự lao động và của đời sống xã hội, thì văn học cũng là sản phẩm của xã hội, do những nhà văn làm. Sáng tác văn học là một nhiệm vụ xã hội giao cho nhà văn, một cuộc đặt hàng của xã hội. Nhấn mạnh vào điều ấy, đặt điều ấy lên trước nhất, là cái mới của văn học chúng ta.
    Trong thời Pháp-Nhật thuộc ở nước ta, tôi đã phải ghê sợ trước cái tinh thần vô trách nhiệm của một số người viết văn, làm thơ, giữa cái xã hội đã sa đoạ đến cùng, lại còn lấy văn học kích thích cho nó sa đoạ hơn nữa; tôi đã phải thốt lên trong một bài báo: “… Có thời đại nào trong văn học ta mà trơ trẽn loã lồ đến như thế hay không?... Cái thơ thuốc phiện, cái thơ ê chề, chán chường, không tin tưởng, cái thơ lạnh như thịt người chết, sẽ theo cái thời đại truỵ lạc mà đi mất trong thời gian…” [15] Nhìn sang văn học tư sản của một nước như nước Pháp, từ trước 1945 và cho đến hiện bây giờ, tôi càng kinh hãi gấp nghìn lần. Có thể nói đó là một cảnh “tất cả dồn ra cống” (tout à l’égout): những người viết văn tha hồ tuôn vào văn học tất cả những sự giết người, ăn cướp, tự tiêm thuốc độc vào mình, băm vằm người yêu, bán dâm, truỵ lạc, điên loạn, thi nhau tả những thứ đó rất là tinh vi, thích thú; văn học thành ra một thứ cống rãnh để đón lấy hàng trăm, hàng ngàn nước bẩn, chất độc từ bút nhà văn “lấy của xã hội lại trả về cô đặc hơn cho xã hội”. Chúng ta không có thứ “tự do sáng tác vô hạn độ” ấy! Các bạn nhà văn thân mến của văn học mới chúng ta! Nếu rất nhiều khi chúng ta thấy đặt bút xuống khó khăn, chính là vì xã hội ta đặt nhiệm vụ nhà văn rất cao; chúng ta lo nghĩ đến tác dụng xã hội của cái mình viết; chúng ta tự nguyện chiếu cố đến khía cạnh này, lại khía cạnh khác; không phải ta chỉ viết cho đẹp, mà phải viết cho đúng, cho tốt, cho có lợi, và cho đẹp.
    
    *
    
    Ở đây, tôi chưa kiểm điểm những thành tựu của văn học mới chúng ta. Tôi hãy xét bản chất. Có cái gì mới đã nảy ra không?
    Ta hãy xét về mặt thơ. Không phải bỗng chốc mười ba năm mà ta đã có được những Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Thị Điểm, Xuân Hương của thời nay; những tài lớn lao kia là kết tinh của năm, sáu trăm năm văn học cổ điển. Nhưng những thiên diễm tuyệt của các bậc đó, trên đại cục, có phải là “lựa chi những khúc tiêu tao” quá chăng? Có phải là “người buồn văn có vui đâu bao giờ” chăng? Đến nụ cười của Xuân Hương cũng là đắng cay nước mắt! Rồi tiếp theo, thơ Việt Nam trong thời mất nước thuộc Pháp, có phải cái buồn càng nặng nề, u uất, càng đi đến thuỷ tận sơn cùng của tâm trí, buồn đến chết, đến điên chăng? Nếu Cách mạng và quần chúng không đem đến cái vui của cần cù lao động, của gian khổ đấu tranh, nếu Đảng Cộng sản Đông Dương và Đảng Lao động Việt Nam không đem đến cái vui của tư tưởng, thì thơ Việt Nam còn khóc đến bao giờ? Trừ một số nhỏ thơ lạc loài từ lúc hoà bình (trong Kháng chiến, những trường hợp này rất hiếm) thì ta có thể nói: mặc dầu nghệ thuật chưa cô đúc, mặc dầu còn sơ lược hay gì gì nữa, ta có thể vốc lên trong toàn bộ thơ mới Việt Nam một niềm vui, một nguồn lạc quan dào dạt.
    Trước kia, câu thơ cứ lửng lơ, cứ mềm, cứ đuối (Một cánh chim thu lạc cuối ngàn – Trăng vàng đã xế non tây ngậm buồn – Ấp úng không ra được nửa lời v.v…) bây giờ, những câu thơ trung bình cũng (thơ bộ đội):
    
    Trung đội anh đóng bên bờ suối trong
    Gió núi vang vang rạo rực lòng…
    
    Ví dụ điển hình nhất có lẽ là hai câu ca dao sau đây:
    Xưa:
    
    Núi cao chi lắm núi ơi
    Núi che mặt trời, không thấy người thương!
    
    Con người trong chế độ cũ khiếp phục trước thiên nhiên, núi chắn trước mặt, núi chắn cả cuộc đời, cả số mệnh. Bây giờ:
    
    Đèo cao thì mặc đèo cao
    Trèo lên đến đỉnh, ta cao hơn đèo!
    
    Bộ đội, dân công coi cái đèo, cái núi cùng lắm cũng chỉ như một con voi, có thể trèo lên cưỡi cổ được! Đồng ý, vài người có thể bảo câu trên nhiều nghệ thuật tính hơn, “hay” hơn, vì đứt ruột đứt gan hơn! Nhưng muốn làm cho được câu dưới, phải có cả một cuộc cách mạng! Câu dưới sảng khoái hơn, làm vui sướng lòng người hơn, tại sao nó lại không hay?
    Trước kia, thơ nói con người bị động trước số mạng, (Bắt phong trần phải phong trần [16] , trước cảnh vật (Mỗi bận thu sang em lại vò lòng than khóc [17] , trước tâm hồn mình (Cứ lặng chuồi theo giòng cảm xúc [18] , bị động trước tất cả (Thuyền ơi thuyền theo sóng hãy lênh đênh [19] ; nay, những người công nhân kháng chiến chuyển một cái máy nặng hàng chục tấn, dưới trời mưa, và nhất quyết dành lấy chủ động, con người nhất định không lùi, không đuối, nhất định cải tạo thế giới:
    
    Tay có trơn, ta xoa cát mà lôi,
    Chân có trợt, bấm sâu thêm chút nữa…
    Mưa bao giờ rụng hết lá rừng cây:
    Chặt vài cành che thay nón đêm nay,
    Và đường trơn dẫu có bằng đổ mỡ,
    Cành cây đây ta làm thêm chân nữa.
    
    Tôi thấy cùng với những câu thơ trèo đèo chuyển mây ấy, đã nảy ra một chất thơ mới lạ mà trước đây, thắp đuốc lên cũng không tìm thấy trong lịch sử thơ Việt Nam!
    Trước đây, trong thơ chính thống của các thi sĩ, hình ảnh của quần chúng như thế nào? Tiếp theo những nàng con gái ông Viên ngoại họ Vương, là những tiểu thư nhà giàu hay những cô bán hàng cho mẹ, buồn tàn thu ngồi đan áo len. Bây giờ, những mẹ đĩ thắt lưng bó que, xắn váy quai cồng được là cô “gái Bắc Giang” vào trong thơ rất là đường hoàng, cái cuốc phá đường của cô bóng trăng dọi vào rất là kính mến! Những “con mụ già nhà quê” trước kia, bây giờ đã thành Bầm ơi được đặt ngang hàng cùng với tổ quốc, yêu bầm yêu nước cả đôi mẹ hiền. Giật lấy một chỗ ngồi đẹp đẽ trong thơ cho quần chúng như vậy, những ai coi thường điều đó? Những ai cứ nhất định nhắm mắt lại không nhìn thấy cái mới trong thơ ta?
    Xin lấy một ví dụ cá nhân. Bạn Tế Hanh [20] nhân mấy câu thơ trong bài Gió của tôi:
    
    Hồn ta cánh rộng mở
    Đôi bên gió thổi vào
    Nghĩ những điều hớn hở
    Như trời cao, cao, cao.
    
    mà đặt vấn đề: “Không lẽ chỉ giai cấp bóc lột mới ngắm trăng? Nhưng thử hỏi những câu thơ ấy thuộc về tư tưởng giai cấp gì? Tư sản ư? Vô sản ư?...”. Tôi xin cả quyết rằng đó là tư tưởng của giai cấp vô sản; nhất định tư tưởng tư sản hiện nay không thể nhìn trăng, nhìn gió, không thể có cái vũ trụ quan như vậy. Bản thân tôi, trước Cách mạng, đã từng nghĩ rằng đời cứ đi đến chỗ suy, chết là quy luật cuối cùng của vũ trụ (1934):
    
    Hoa nở để mà tàn
    Trăng tròn để mà khuyết.
    
    Đứng trước vũ trụ, tôi rụt cổ lại (1939):
    
    Em sợ lắm. Giá băng tràn mọi nẻo.
    Trời đầy trăng lạnh lẽo suốt xương da.
    
    Nhìn vũ trụ bao la rồi cụp đầu xuống thấy mình chỉ là một hạt bụi, thấy vô cùng cũng là một với hư vô, đó là “tôi” trước Cách mạng. Và hệ thống tư tưởng tư sản sa đoạ hiện nay, nó co cúm lại sợ cái chết của giai cấp nó, nó “suy bụng ta ra bụng của vũ trụ”, nó buồn tận thế, nó làm sao có thể lạc quan! Chính vũ trụ quan mác-xít đã cho tôi được thấy “Trời tròn như buồm căng, Tất cả lên đường mới”, thấy vũ trụ (cũng như thế giới) tái tạo mãi, tiến bộ mãi, và trong bài Gió, tôi có ý thức bắt tư tưởng tôi phải tiến theo. Chỉ có đi với Cách mạng, tôi mới có cái nhìn như vậy được.
    
    *
    
    Trên đây, tôi có nói văn học trước cách mạng có một số tác phẩm nhuần nhuyễn. Nhưng đó không phải là trường hợp phổ biến. Cũng như không thể nhìn những tác phẩm của ta nay đều là sơ lược. Chúng ta cần đề phòng cái tâm lý cứ quay về thi vị hoá những ngày xưa, nhất là những ngày đó gắn liền với thời còn đi học, với tuổi trẻ phơi phới của mình. Tôi có anh bạn cứ nhắc mãi “thuở Phong hoá, Ngày nay”, nhưng khi những tác phẩm cũ được in lại, thì trừ một số anh vẫn thấy có giá trị, còn nhiều quyển thì anh đến tìm tôi, kêu rằng bây giờ anh đọc lại thấy tầm thường, “sơ lược”, không ngờ trước kia mình dễ tính thế. Quả có như vậy, một số người còn quá quen miệng với những món ăn cũ, quá lạ miệng với những món ăn mới. Các tác giả ngày nay phải nấu nướng cho tốt lành hơn nhiều nữa, thơm ngon hơn nhiều nữa, nhưng mặt khác, nhiều độc giả cũng phải cải tạo cái lưỡi của mình. Nếu họ cứ chỉ thích cho thật béo, thật chua, thật cay, thật nhiều dầu dấm, thật giật gân cái lưỡi, thì văn học ta e cũng khó chiều được họ. Văn học chúng ta quan niệm con người trước tiên là một sinh vật lao động, một sinh vật biết nghĩ đến quyền lợi của tập thể, một sinh vật làm cách mạng, nó rất biết hưởng những sinh thú của ăn uống, yêu đương, nhưng nó không phải sống để chuyên môn tìm khoái cảm. Có người đã từng nói rằng Cholokhov [21] cũng tầm thường thôi, là Boris Polévoi [22] không phải nhà văn. Họ không hiểu rằng Liên Xô là nước văn minh nhất, vì văn minh là chăm sóc cho con người; họ không hiểu rằng văn học Liên Xô, đứng về mặt tính chất, nội dung, và tác dụng xã hội mà nói, là nền văn học tiền tiến nhất, giầu tư tưởng tính nhất trên thế giới, diễn đạt những con người mới nhất trong lịch sử. Nếu chúng ta nhìn bằng con mắt của quần chúng Việt Nam, yêu cầu rằng các nhân vật trong tiểu thuyết, trên sân khấu không những là Thuý Kiều, Kim Trọng, hay Loan, Dũng [23] , mà chính yếu phải là những Nguyễn Thị Chiên, những Ngô Gia Khảm, những Trần Bình Lục, v.v…, nếu chúng ta đòi hỏi một nền văn học phản ánh thời đại, thì ta quý mến, cổ võ mỗi thành tựu của nền văn học mới. Có những chương, những trang của Vùng mỏ, Đất nước đứng lên, Truyện Tây Bắc, Xung kích, Truyện anh Lục, Đôi mắt, Con đường sống, Con trâu, Làng, v.v… mặc dầu tôi cho rằng các tác phẩm hiện nay chưa nhuần nhuyễn, tôi đọc rất ưa thích, và tự hỏi: Sao lại cứ phải nói là thua văn trước Cách mạng? Trái lại, có những ưu điểm mà văn trước Cách mạng không thể nào có nổi!
    Nhìn tới đằng trước
    Cái xã hội có giai cấp có đến hàng vạn tuổi; cái xã hội không giai cấp chỉ mới có bốn mươi tuổi ở Liên Xô (đó là chưa trừ những năm nội chiến, và thời kỳ chưa xoá hết giai cấp). Trong những nghìn năm tích luỹ văn hoá về trước, nhân loại đã sinh ra được những thiên tài văn học cổ điển mà chúng ta nay vô cùng tôn trọng và tha thiết học tập. Mặt khác, những xã hội xã hội chủ nghĩa nay và mai, trong thời gian lồng lộng trước mặt, ai dám bảo là sẽ không sinh ra nhiều thiên tài? Chúng ta tưởng tượng khi những xã hội không giai cấp này chỉ được một trăm tuổi thôi, sự nảy nở của nền văn học mới sẽ không biết đến thế nào mà nói.
    Và ngay hiện giờ, trong những nhà văn cộng sản và những nhà văn đi theo ảnh hưởng của chủ nghĩa xã hội trên thế giới, chúng ta có thể thấy những văn tài lớn lao như Gorki, Maiakovski, Alexis Tolstoi, Cholokhov (Liên Xô), Henri Barbusse, Romain Rolland, Aragon (Pháp), Bertolt Brecht (Đức), Andersen Nexo (Đan Mạch), Nazim Hikmet (Thổ-nhĩ-kỳ), Pablo Neruda (Si-li), Jorge Amado (Bờ-rê-din), Lỗ Tấn, Quách Mạt Nhược (Trung Quốc) và bao nhiêu văn tài ưu tú khác!
    Con đường đúng, thì ta theo, dù có deo neo, vất vả. Cái cây tốt, thì ta trồng, ta tưới, đừng có nóng ruột nhổ rễ lên xem; dù hoa trái còn lưa thưa, nhưng vun gốc to, sẽ được nhiều trái lớn. Văn học nước ta phải cắm rễ vào quần chúng, phải phục vụ công nông binh là đa số, phải gắn chặt với đấu tranh thống nhất và đấu tranh tiến dần lên chủ nghĩa xã hội, văn học phải có tư tưởng tính cao và nghệ thuật tính đẹp, đó là cái mới khẳng định của văn học chúng ta.
    1-1958
    
    Chú thích:
    [1]Pô-pơ-lin: tên một loại vải được ưa chuộng ở miền Bắc hồi những năm 1950-80 (talawas ghi chú)
    [2]Khi viết điểm này, tôi nghĩ đến một số tập thơ trước Cách mạng. (nguyên chú)
    [3]Trong bài “Văn học của thời đại cách mạng”, giảng tại trường Hoàng Phố ngày 8/4/1927 (nguyên chú)
    [4]Raphaẽl (1485-1520) hoạ sĩ lớn ở nước Ý (nguyên chú)
    [5]Shakespeare (1564-1616) kịch sĩ lớn nhất nước Anh (nguyên chú)
    [6]Goethe (1749-1832) nhà văn, nhà thơ trứ danh nhất nước Đức (nguyên chú)
    [7]Còn nhiều khía cạnh phong phú của vấn đề thiên tài, mà phạm vi bài này không bàn đến. (nguyên chú)
    [8]Galina Nicolaieva, tác giả tiểu thuyết Mùa gặt (Liên Xô) (nguyên chú)
    [9]Fadéev (Liên Xô): Tác giả các truyện nổi tiếng Bại trận, Đội Cận vệ Thanh niên (nguyên chú)
    [10]Cũng trong bài giảng ngày 8-4-1927 trên đây (nguyên chú)
    [11]Nhà xuất bản Hội Nhà văn - Đăng lại trong Văn nghệ số 5 có tước chút ít. (nguyên chú)
    [12]Trong bài “Viết sự thật” đăng Nhân dân số 1140 (nguyên chú)
    [13]Tôi không được xem cả bài của Sêkhốp, nên chỉ phát biểu trên những đoạn Nguyễn Tuân trích. (nguyên chú)
    [14]Chateaubriand (1768-1848): Nhà văn tiên phong cho phong trào lãng mạn Pháp (nguyên chú)
    [15]Báo Thanh niên (Sài Gòn) 8/1/1944 (nguyên chú)
    [16]Trong Truyện Kiều (nguyên chú)
    [17]Trong “Giọt lệ thu” (nguyên chú)
    [18]Trong “Thơ Thơ” (nguyên chú)
    [19]Thơ Vũ Hoàng Chương (nguyên chú)
    [20]Tuần báo Văn số 26 (1/11/1957), trong bài Cùng đặt một số vấn đề.(nguyên chú)
    [21]Tác giả Trên sông Đông êm đềm, Đất vỡ hoang (nguyên chú)
    [22]Tác giả Những người Xô viết chúng tôi, Truyện một con người chân chính, Vàng (nguyên chú)
    [23]Nhân vật truyện Đoạn tuyệt của Nhất Linh (nguyên chú)

Xem Tiếp Chương 4Xem Tiếp Chương 6 (Kết Thúc)

Những Bước Đường Tư Tưởng Của Tôi
  » Xem Tập 1
  » Xem Tập 2
  » Đang Xem Tập 3
  » Xem Tiếp Tập 4
  » Xem Tiếp Tập 5
  » Xem Tiếp Tập 6
 
Những Truyện Dài Khác
» Liêu Trai Chí Dị
» Pie Đệ Nhất
» Thiên Thần Và Ác Quỷ
» Tuyết Bỏng
» Cuộc Đời Của Pi ( Phần II )
» Mao: The Unknown Story
» Con Lừa Và Tôi
» Trái Tim Không Cần Lý Lẽ
» Tình Ca Giáo Viên Miền Núi
» Cuốn Sổ Lớn
» Chuyện Tình New York
» Những Kẻ Điên Rồ Phải Chết
» Đau Thương Đến Chết ( Phần I )
» Hai Chị Em
» Giữa Cơn Gió Lốc
» Chỉ Một Lần Yêu
» Đi Qua Hoa Cúc
» Tình Trên Đỉnh Sầu
» Tôi Có Thể... Nói Thẳng Với Anh
» Hành Trình Của Sói
» Âm Mưu Ngày Tận Thế
» Cầm Thư Quán
» Chết Cho Tình Yêu