Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Dài Học Trò » Màu Trắng Hoa Quỳnh Tác Giả: Dạ Thương    
    - Quỳnh ơi! Dậy đi… anh Nhân đang chuẩn bị xe đạp đưa bọn mình vô suối Reo chơi rồi kìa.
    Nghe bạn gọi, Quỳnh mở choàng mắt nhìn vào chiếc đồng hồ đeo bên cổ tay. Ôi còn sớm chán, mới sáu giờ mà đã phá giấc ngủ người ta. Quỳnh ôm gối nằm quay vô vách nhưng liền bị Lụa kéo giật lại:
    - Thôi đừng nằm nướng nữa cô nương. Ở miền quê không ai ngủ muộn như trên thành phố đâu. Giờ này đã có người ra tới đồng rồi.
    Mặc cho Lụa nói, Quỳnh vẫn cố nán lại trên giường. Cô gái viện cớ khi nhìn qua cửa sổ:
    - Trời còn sương giăng kín thế kia mà mày biểu đi đâu. Bộ không sợ bị cảm lạnh hả?
    Dùng hai tay lôi thốc bạn dậy, Lụa cười ngặt nghẽo trêu:
    - Mày lười biếng vừa thôi nhỏ ơi! Kẻo có anh nào nhem nhe tiến tới họ sẽ không dám đụng vô nữa.
    - Ðồ quỉ! Mới bây lớn mà đã nói chuyện tào lao.
    Quỳnh ngồi dậy theo đà kéo của bạn nhưng vẫn trong trạng thái ngái ngủ. Cô phải che tay lên miệng ngáp liền mấy cái mới có thể tỉnh được.
    - Không khí ở đây mát mẻ, ngủ đã ghê. Mày đừng có phá đám có thể tao sẽ ngủ tới trưa mà vẫn không cảm thấy đói.
    Lụa vừa gấp mùng, vừa dài môi mắng bạn:
    - Quả là thứ đại lười. Mày tập thói quen đó mai mốt đi học lại chết nghe cưng. Ở nội trú năm giờ là phải dậy rồi.
    Quỳnh dụi mắt cho tỉnh táo rồi lườm bạn:
    - Mày làm như tao chưa nếm mùi đó hổng bằng.
    - Vậy sao còn bày đặt?
    - Ê nhỏ! Lúc nãy mày biểu anh Nhân sẽ đưa bọn mình đi đâu?
    - Suối Reo.
    - Cái tên nghe vui tai ghê nhỉ! Bộ suối mà biết reo nữa hả?
    - Ừ, mày đặt chân tới đó sẽ cảm thấy thích ngay.
    - Nhưng có xa lắm không hả Lụa?
    - Ấy, đừng có hỏi trước… mà hãy lo đi làm vệ sinh mau.
    Lụa đẩy Quỳnh ra khỏi căn phòng ngủ ấm cúng của mình rồi xuống bếp phụ mẹ nấu cơm sáng. Nửa giờ đồng hồ sau, mọi người đã chiễm chệ trên bàn ăn với mâm cơm bốc khói. Bà Năm nhỏ giọng bảo Quỳnh:
    - Ở đây ăn sáng không dùng điểm tâm như thành phố mà chỉ có cơm thôi. Cháu dùng tạm vậy nhé!
    Quỳnh đón đôi đũa Lụa chuyền sang rồi lí nhí:
    - Dạ… Bác đừng quan tâm đến chuyện ấy, mà hãy để cho cháu được thích nghi.
    Lụa cũng ngước lên cười với mẹ:
    - Quỳnh nó không quá khó tính đâu má à. Chờ vài năm nữa nó lớn, con bắt cóc nó về đây luôn cho vui cửa vui nhà.
    Nghe thấy vậy, Quỳnh giãy nảy lên như đỉa phải vôi, nhất là khi ánh mắt cô ta va phải cái nhìn chăm chú của Nhân thì toàn bộ gương mặt chợt đỏ bừng và nóng ran như có lửa. Bà Năm thấy tội nghiệp cho Quỳnh liền la Lụa:
    - Con nhỏ này, nói năng không ý tứ gì hết trơn. Làm bạn mất tự nhiên rồi kia kìa.
    Lụa ngó qua Quỳnh, vẻ mặt đầy thích thú:
    - Có vậy thì mới đẹp trội hơn lúc bình thường.
    Nhân bây giờ mới lên tiếng nhưng về phía phe em:
    - Phải đó! Nhìn mặt Quỳnh lúc này giống như một bông hồng đang chớm nở.
    - Anh ví không đúng. Bởi nó giống đóa tường vi đang e ấp dưới nắng mai.
    - Sai rồi cô nương. Trông như hoa thược dược.
    - Hổng phải. Em biểu giống…
    Quỳnh chấp hai tay lên ngang ngực rồi kêu lên:
    - Thôi đừng… giống… nữa nhỏ Lụa ơi! Tao là Quỳnh, một cái hoa khác biệt chỉ nở trong đêm rồi ban ngày lại héo. Bởi thế cho nên ít có ai thấy rõ được tao.
    Lúc này thì hai anh em Lụa mới thôi không tranh cãi. Nhân hối thúc hai cô gái ăn cơm khi thấy bên ngoài mặt trời đã lên cao. Tất cả tạm gác mọi chuyện trong bữa ăn cho tới lúc Quỳnh buông chén. Không muốn các con trễ cuộc vui nên bà Năm giành phần dọn dẹp rồi dúi cho Lụa chiếc giỏ có đựng bánh trái ở bên trong.
    - Chịu khó đem thứ này đi thì mới có thể ở lại chơi lâu được.
    Lụa ôm cổ mẹ:
    - Hoan hô má! Má thật là chu đáo.
    Bà Năm cười mắng yêu:
    - Thôi đừng có nịnh nữa cô ơi!
    Nhân đã dắt hai chiếc xe đạp ra sân. Quỳnh vội chào bà Năm rồi cùng Lụa ngồi lên một chiếc. Tất cả trông thật là hăng hái, họ rời khỏi cánh cổng gỗ của gia đình rồi đạp thẳng ra con đường quốc lộ trải dài. Quỳnh ngồi phía sau thích thú khi thấy Lụa chở mình thả dốc một hơi tới mấy cây số đường. Nhưng tiếp theo đó là nhưng cái đạp muốn hộc hơi khi phải vượt qua đoạn dốc dài, Lụa bắt Quỳnh xuống đi bộ khiến cô nàng nhăn nhó trông buồn cười. Rồi lại được ngồi xe để thả dốc và thay phiên đạp chở nhau mệt muốn bở hơi tai, vẫn chưa đến được con suối họ định tới. Quỳnh đưa tay lên gạt những giọt mồ hôi đang rịn chảy trên thái dương rồi kêu ca nhưng liền bị Lụa mắng át cả. Hết quãng đường quốc lộ, họ rẽ vào con đường đất đỏ đi hết hai muơi phút nữa mới tới nơi. Chưa thấy con suối đâu nhưng Quỳnh đã nghe tiếng đổ của nó vang ầm thật lớn. Hèn chi nó có tên gọi Suối Reo cũng chẳng ngoa. Sau một hồi luồn lách vượt qua những đám vườn cà phê của dân địa phương, cả ba nhìn thấy một màn nước trắng của con suối từ trên cao đổ xuống trông như thác nước.
    Quỳnh buộc miệng khen:
    - Phong cảnh ở đây thật là tuyệt ghê.
    Mà quả đẹp thật, với một con suối xung quanh toan là đá nhưng có rất nhiều ghềnh làm thành từng bậc cao, tạo ra những thung lũng phía dưới cho nước chảy vào lòng hồ mênh mông như biển nhỏ. Hai bên dòng suối là cây cỏ và những phiến đá thật to kết nhau nhiều vô số kể khiến đứng từ trên cao nhìn xuống người xem có cảm tưởng đó là một bức tranh sơn thủy. Tiếng chim ca hòa chung nhịp điệu với tiếng reo của suối. Ba bậc thác không cao lắm thi nhau đổ nước làm tung lên những tia trắng li ti trông như một màn sương trước mặt người nhìn.
    Lụa và Nhân kiếm chỗ dựng xe rồi kéo băng Quỳnh xuống dưới chân thác lớn. Suối Reo hôm nay không có đông người đến thăm vì là ngày thường, chỉ lèo tèo chừng mười đứa trẻ nít và một vài cặp tình nhân. Quỳnh bắt chước Lụa vốc nước lên rửa mặt rồi lội ra giữa dòng tiến lại chỗ góc cây si. Nhân không lẽo đẽo theo sau hai cô gái mà cởi phăng bộ đồ dài mặc bên ngoài bỏ lên một phiến đá rồi soài người bơi trong vũng nước nho nhỏ được tạo nên bởi độ khoét sâu của thác.
    Lụa cũng rất thích trầm mình trong nước nên liền rủ Quỳnh:
    - Ê nhỏ, mình lại kia tắm có lẽ thú hơn ngồi đây.
    Nhưng Quỳnh tỏ ra ngại ngùng:
    - Thôi, kì chết. Tắm quần áo ướt hết mình đâu có đem đồ đạc để thay.
    - Xời ơi! Lo gì chuyện đó cô nương ơi. Mày cứ việc lặn hụp cho thoải mái rồi lát nữa phơi nắng là bảo đảm sẽ khô ráo trở lại như cũ. Hãy coi tao đây nè.
    Nói rồi Lụa tìm chỗ có độ sâu ngang người ngồi thụp xuống cho ướt lên đến cổ. Không thèm làm theo bạn, Quỳnh ngồi đong đưa trên một chiếc rễ si, thả đôi chân đùa nghịch trong dòng nước với đôi mắt khá mơ màng. Chợt Quỳnh làm rớt chiếc dép xuống nước và bị cuốn phăng đi theo đà chảy. Không dám lao theo để chụp lại, Quỳnh nhảy cẫng ở gốc si:
    - Oái… Lụa ơi! Chiếc dép của tao…
    Nhưng Lụa mải tắm không để ý nên chiếc dép trôi tuốt luốt qua mặt rồi rơi xuống ghềnh thác thứ hai ngay chỗ Nhân đang tắm. Tuy lượm được nhưng anh chàng này không thèm “báo cáo” khiến ở trên đầu ngọn suối Quỳnh cứ đinh ninh là khi trở về sẽ phải đi dép một chân. Tỏ ra cẩn thận hơn, cô mon men gần đến chỗ bạn tắm ngồi ghệ vào một tảng đá trò chuyện:
    - Mày không cảm thấy lạnh sao Lụa?
    Nghịch ngợm, Lụa bụm tay té nước lên người Quỳnh khiến cô bị ướt hết cả mình mẫy:
    - Lạnh cái gì mà lạnh. Tắm mát thấy mồ đi!
    - Ui… con ranh. Ðừng có đùa kiểu đấy kẻo tao giận là trời sập bây giờ đó!
    Lụa bật cười khanh khách:
    - Trời sập đè chết mày chứ hổng có đè tao.
    Quỳnh tức khí vung tay dứ dứ bạn:
    - Hãy đợi đấy, tao mà phản công thì mày đừng khóc đó nhỏ!
    - Còn khuya. Tao đâu phải là đứa mau nước mắt.
    Ngó thấy mình cũng không còn khô ráo gì nữa, Quỳnh bèn quyết định trả đũa lại bạn bằng cách nhảy xuống nước dùng tay tạt nước suối vào người Lụa. Và thế là cả hai đều bị ướt, nên ra sức đùa giỡn, cười hét vang cả một khúc suối cho đến trưa. Có lẽ cảm thấy đói nên Nhân từ bậc thác giữa mò lên, nhìn Quỳnh và em gái đang ngồi ăn chôm chôm trên mõm đá nằm nhô lên giữa dòng, anh chàng liền trợn mắt:
    - Chắc là ăn hết cả phần tôi rồi đúng không?
    Lụa đang ngậm quả trong miệng nên phồng mồm:
    - Còn đấy tụi em mới chỉ ăn vài ba trái thôi.
    Nhân vui vẻ xoa đôi tay ướt nước vào nhau:
    - Ðùa thế thôi chứ anh chúa ghét những loại trái cây có vị chua còn lẫn thêm chất ngọt. Thà rằng…
    Lụa vụt miệng buông lời trêu anh:
    - Nếu vậy thì đích thị anh chỉ ưa ăn có mỗi chất đường rồi. Nhưng mà nè ông anh ơi! Sống ở đời con người cần phải nếm qua tất cả để không ngỡ ngàng khi nhấm nháp trúng những thứ mà mình chẳng hề thích.
    - Ðiều đó thì không cần cô phải dạy. Hãy coi đây… anh hơn em tới hẳn một cái đầu mà.
    Ngồi nghe, Quỳnh có cảm giác Nhân chẳng có một chút gì đó về bệnh tâm thần như lời bà Năm và Lụa nói. Có thể đó chĩ là những thay đổi tính tình khiến cho nhưng người thân của Nhân ngộ nhận rồi nghĩ sai. Nhưng dù sao thì Quỳnh cũng thấy anh trai của bạn mình rất đàng hoàng khi nói chuyện với mình chứ không có dấu hiệu cợt nhả.
    Giữa lúc cô gái đang mải mê suy nghĩ thì Nhân chợt hỏi:
    - Quỳnh à, em có cho rằng anh bị “man” không?
    Bị bất ngờ nên Quỳnh bối rối mãi mới nói được:
    - Sao anh Nhân lại hỏi kì cục vậy?
    Khuôn mặt rất vui của chàng trai bỗng trĩu buồn. Nhân co chân làm động tác đạp đạp lên mặt nước, cằm hất nhẹ về phía em:
    - Không kì đâu. Nhỏ Lụa và má anh vẫn thường cho là thế! Không tin Quỳnh cứ hỏi thử sẽ biết ngay.
    Ngừng lại, Nhân cho tay vào chiếc giỏ để bên cạnh em gái, lấy ra một cái bánh được gói bằng bột nếp bóc vỏ ăn thật chậm rãi. Quỳnh đưa mắt ngó sang bạn, thấy Lụa cũng đang lặng lẽ nhìn mình. Không ai bảo ai, nhưng cả hai cô gái đều hiểu rằng Nhân đang trách họ. Ăn xong cái bánh, Nhân lại bỏ đi tới chỗ gềnh thác lúc nãy ngồi ưu tư ở đấy. Chẳng hiểu sao Quỳnh lại mò mẫm bước theo rồi hụt chân ngã nhào vào vũng nước mà Nhân đã tắm.
    Nghe tiếng của Quỳnh ở phía sau, Nhân bèn quay lại đưa tay cho cô nắm rồi dùng sức kéo lên. Anh hỏi thật dịu dàng:
    - Có sao không cô bé?
    Với nét mặt nhăn nhó, Quỳnh chìa đôi bàn chân bị trầy da:
    - Ðau… đau quá.
    Nhân cười nhẹ:
    - Vậy mà nhằm nhò gì, cứ tưởng cô bé bị cá sấu gặm mất chân rồi chứ.
    Nghe hai tiếng “cá sấu” Quỳnh hoảng hốt nhảy vội lên chỗ Nhân ngồi la lớn:
    - Ối… cá sấu đâu?
    Lụa đang ngồi đằng này cũng áy náy bởi lời nói của anh trai và bật cười nhạo:
    - Híc… híc… mày khờ quá Quỳnh ạ! Nếu có cá sấu ở đây thì nó đã nuốt gọn mày rồi. Nhưng rất tiếc… chỉ có cá lòng tong thôi.
    Quýnh bám tay vào áo Nhân cho khỏi té rồi nghênh đầu lên có ý gọi Lụa cùng nhảy xuống chân thác nhỏ chơi cho vui nhưng không ngờ lại bị chọc:
    - Ê… hê… sao mày dám đụng vào người anh Hai tao vậy hả? Cứ giữ nguyên tư thế đấy để tao gọi bác phó nhòm tới chụp vài pô làm kỉ niệm.
    Không biết lời Lụa nói thật hay chơi, Quỳnh cuống quít cả lên:
    - Ý… đừng… đồ khỉ thật đấy!
    - Mày cứ mắng… còn tao thì cứ chụp chứ không đừng.
    - Con ranh. Mày không thấy tao đang sợ ngã đây sao? Ðá ở chỗ này trơn quá xá!
    Tiếng Lụa cười lẫn trong tiếng suối đổ:
    - Ha… ha…! Ðừng viện cớ nữa nhỏ ơi!
    Quỳnh vừa thẹn, vừa tức mình:
    - Tao không thanh minh nữa đâu, mặc cho mày cười… để hở mười cái răng.
    Lụa vẫn nhây nhưa:
    - Chịu làm chị dâu tao đi Quỳnh, để tao biểu anh Nhân chờ mày thêm vài năm nữa. Ảnh tuy hơi bị “mát dây” chút đỉnh nhưng cũng thuộc loại điển trai nhất xứ này đấy.
    Câu nói của Lụa không những làm cho Quỳnh đỏ mặt, tía tai mà cả Nhân cũng chẳng kém phần ngượng nghịu. Họ không ngờ mình bị ghép đôi như thế khi mà cả hai chưa hề nghĩ tới chuyện mai sau. Vấn đề tình cảm đối với Quỳnh thì còn quá xa xôi bởi cô tự nghĩ mình chưa đủ tuổi mộng mơ, vương vấn. Phần Nhân, tuy đã là một thanh niên mười chín nhưng chưa bao giờ anh nghĩ tới chuyện tìm một cô gái để làm quen. Sự hiện diện của Quỳnh trong nhà tuy có làm cho không khí trong nhà vui hơn lên nhưng lại gây thêm nỗi mặc cảm nơi Nhân về bệnh hoạn. Dù biết rõ mình bị ảnh hưởng về thần kinh sau khi tai nạn, song anh vẫn mong muốn được làm một người bình thường trước những ai chưa hề biết về mình. Nhất là đối với Quỳnh, một cô gái đến đây trọn một ngày đêm đã gây trong lòng Nhân một sự chú ý đặc biệt mà không ai có thể ngờ. Nhân cũng không hiểu mình đã nghĩ gì về Quỳnh mà sao mỗi khi trộm nhìn, con tim liền dao động. Cô bạn gái của Lụa quả là có sức thu hút qua giọng nói, tiếng cười và cả nhan sắc trời cho. Nhân cảm thấy mình rất thích bạn của em, nhưng chưa diễn đạt được từ “thích” đó như thế nào cho hợp lẽ. Chỉ biết rằng Nhân đã không giận Lụa trong câu nói vừa rồi dù bị em gái gọi là kẻ “mát dây”. Anh chỉ cất tiếng chỉnh sơ sài:
    - Lụa à! Coi chừng em làm cho nhỏ Quỳnh giận đó!
    - Anh khỏi lo. Con nhỏ này dù có giận cũng chỉ biết khóc thôi, nhà mình có nhiều trái cây lo gì không dỗ được.
    Quỳnh chưa hết thẹn nhưng vẫn cong chiếc môi xinh xắn của mình lên:
    - Hứ. Tao cóc thèm ăn… cho cả nhà mày bị lụt.
    - Nè, liệu có đủ nước mắt không hả bạn? Ở đây là miền cao chứ không phải đồng bằng đâu.
    - Dư xăng luôn. Tao chỉ mưa trong khu vực nhà mày, ai không biết bơi sẽ chết chìm ráng chịu.
    Lụa vỗ vai reo hò:
    - Vậy thì lọt sổ tao rồi nhỏ ơi! Cả anh Nhân nữa… nhưng…
    - Nhưng sao? Sợ rồi phải không cưng?
    - Còn khuya, tao ngập ngừng vì chỉ có má tao là nạn nhân của mày, bởi má không biết bơi.
    Cố lấy thế đứng cho thật chắc trên tảng đá đầy rêu xanh, Quỳnh mới dám buông tay ra khỏi áo Nhân. Cô sờ lên má mình thấy nơi đó vẫn còn nóng rân rân bởi câu chọc ghẹo của bạn khi nãy. Lụa vẫn chưa chịu thôi:
    - Tao hỏi thiệt mày câu này nghe Quỳnh. Nếu lỡ sau này…
    - Chẳng lỡ gì hết trơn. Mày giỡn vừa vừa thôi kẻo tao bỏ về bây giờ đó!
    Nghe Quỳnh dọa, Lụa liền im ngay, cô gái bắt đầy xoay qua anh:
    - Lát nữa về anh Hai làm tài xế cho con nhỏ bạn em nghe.
    Nhân nhận lời nhưng Quỳnh không chịu đã gạt phăng, giọng cô gái đầy hờn dỗi:
    - Tao không cần ai chở. Tao sẽ đi bộ về nhà.
    - Trời! Mày nói thiệt hay nói chơi vậy nhỏ?
    Không thèm nhìn bạn, Quỳnh hứ lên rồi ngoảnh mặt đi nơi khác. Lụa định nhảy xuống năn nỉ nhưng chẳng hiểu sao lại nháy mắt với anh. Bắt được tín hiệu từ em gái, Nhân bèn gật đầu rồi phẩy tay ra ý biểu Lụa cứ biến đi.
    Không tán tỉnh Quỳnh mà chàng trai chỉ đưa mắt ngó ra lòng hồ mênh mông có những chiếc ghe đánh cá qua lại rồi lặng lẽ suy nghĩ. Nắng đổ xuống gay gắt làm khô mau bộ quần áo đang dính sát vào da thịt Quỳnh gây rát bỏng tấm lưng trần của Nhân. Nhưng không ai cất tiếng than van cho tới lúc Quỳnh phát hiện ra chiếc dép của mình nằm chỏng vảnh trên phiến đá gần đó. Cô đưa tay chỉ:
    - Chiếc dép của em trôi theo nước vẫn còn kia.
    Bây giờ Nhân mới chịu nói:
    - Anh với được ngay từ khi nó rớt xuống vũng nước này.
    - Thế mà em cứ tưởng nó bị đẩy ra tận lòng hồ rồi chứ.
    Thốt nhiên Nhân mỉm cười:
    - Có thể lắm… nếu như anh cố tình không nhìn thấy nó trôi.
    Quỳnh cắn vào môi nhẹ nhẹ trước lời nói êm dịu của Nhân vừa thốt ra với mình. Cũng văn vẻ ghê chứ đâu có “mát dây” như Quỳnh vẫn tưởng qua lời bạn. Chắc Lụa chỉ dối gạt, thêu dệt chuyện chứ lẽ nào khuôn mặt rạng rỡ kia lại có chút “man” trong người. Nhưng vấn đề này cả bà Năm cũng nói với Quỳnh như vậy mà. Người lớn sao có thể nói dối được? Nỗi thương xót từ đáy lòng Quỳnh dâng lên nên cô đã để cho Nhân nắm tay mình từ bao giờ không biết. Chừng bị mất đà ngã xuống nước, Quỳnh đã kéo theo luôn anh ta khiến cả hai bị một phen ướt hết như cũ. Nhân không hề hấn gì nên vội chồm dậy đỡ Quỳnh. Anh bị cô gái trách:
    - Tại anh.
    Không chối cãi, Nhân nhận lỗi về phần mình:
    - Ừ, tại anh… nên làm Quỳnh bị ướt.
    - Sao không gọi “cô bé” nữa mà dùng tên chi?
    - Tại anh thấy tên “Quỳnh” rất đáng yêu.
    - Anh xạo quá. Em thấy mình rất là dễ ghét.
    - Không phải vậy. Quỳnh dễ thương thấy mồ.
    Lời qua tiếng lại của cả hai lúc này sao nghe êm ái quá. Quỳnh ngẩng mặt lên trên tầng thác thấy Lụa đã bỏ tới gốc si thì bạo dạn hơn vì không sợ bạn chọc quê. Khoảng thời gian chỉ độ một giờ đó Quỳnh đã nghe được hết tâm sự của Nhân để có thể hiểu và nhận định về anh trai của bạn. Tiếng suối reo như tiếng lòng của con người đang bừng dậy… và dòng chảy không ngừng nghỉ tựa như mạch máu trong huyết quản con người luôn cần phải luân lưu.
    Trời về chiều, cả bọn lục đục kéo nhau rời khỏi khu vực suối với ánh mắt luyến lưu. Quỳnh vẫy tay giã từ thiên nhiên ở đây khi tiếng chim bìm bịp rộn vang khắp núi đồi như thúc giục. Ðã đi được một quãng đường khá xa, Quỳnh còn bắt bạn dừng xe lại để cho mình lần cuối nghe được tiếng đổ của Suối Reo. Cô tự cho đó là kỷ niệm đáng yêu của tháng hè và đưa vào bộ nhớ để đừng bao giờ quên đi.
    

Xem Tiếp Chương 4Xem Tiếp Chương 13 (Kết Thúc)

Màu Trắng Hoa Quỳnh
  » Xem Tập 1
  » Xem Tập 2
  » Đang Xem Tập 3
  » Xem Tiếp Tập 4
  » Xem Tiếp Tập 5
  » Xem Tiếp Tập 6
  » Xem Tiếp Tập 7
  » Xem Tiếp Tập 8
  » Xem Tiếp Tập 9
  » Xem Tiếp Tập 10
  » Xem Tiếp Tập 11
  » Xem Tiếp Tập 12
  » Xem Tiếp Tập 13
 
Những Truyện Dài Học Trò Khác
» Ngôi Trường Mọi Khi
» Góp Nhặt Cát Đá ( Thạch Sa Tập )
» Hai Vạn Dặm Dưới Biển
» Harry Potter và thanh gươm Gryffindor
» Con Thúy
» Hạ Đỏ
» Phượng Vĩ
» Harry Potter và Chiếc Cốc Lửa
» Thằng Quỷ Nhỏ
» Pippi Tất Dài
» Harry Potter Và Mật Lệnh Phượng Hoàng
» Thằng Người Gỗ
» Còn Chút Gì Để Nhớ
» Ngoài Song Mưa Bay
» Đảo Giấu Vàng
» Bong Bóng Lên Trời