Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Kiếm Hiệp » Thiên Long Bát Bộ Tác Giả: Kim Dung    
Mạn Đà sơn trang

    A Châu hát đi hát lại ba lần câu:
    Gió heo sông Dịch lạnh lùng
    Ra đi tráng sĩ còn mong đâu về?
    Đoàn Dự nhìn đoá hoa nhỏ cài bên món tóc mai nàng lúc nào cũng động
    rung rinh, đôi môi tươi thắm biến thành lợt lạt, chàng sực nhớ ra lẩm bẩm
    một mình: "Phải rồi! A Châu sở dĩ hát đi hát lại hai câu thơ này là nhủ ta
    làm cái việc Kinh Kha hành thích Tần Thuỷ Hoàng. Nội lực A Bích không
    thể địch nổi lão hòa thượng này, nếu cứ miễn cưỡng chống chọi hoài thì e
    rằng nàng tất bị nội thương nguy kịch". Nghĩ vậy chàng ngấm ngầm ôn lại
    các thế Lục Mạch Thần Kiếm. Chàng thử vận động khí lực ra thì đã thấy
    thông đồng lu loát, không bị vấp váp ngăn trở chỗ nào. Chàng đọc sách
    thánh hiền từ thuở nhỏ, lại thêm thấm nhuần kinh Phật, chí khí không khỏi
    có đôi phần ngạo nghễ. Chàng nghĩ rằng: "các bậc đại trượng phu làm việc
    phải cho quang minh lỗi lạc, thừa cơ người ta không phòng bị để đánh lén là
    hành động đê hèn. Trong lòng đang còn phân vân chưa quyết, bỗng nghe
    đánh "binh" một cái, một sợi dây đàn của A Bích đứt, nàng rùng mình một
    cái. A Châu cũng im bặt tiếng hát, đôi đũa cầm trong tay toan ném vào Cưu
    Ma Trí, thì lại "bục" một tiếng, một sợi dây đàn nữa đứt.
    Thôi Bách Kế cùng Quá Ngạn Chi rú lên những tiếng kinh hồn. Đoàn Dự
    thấy tình thế cực kỳ cấp bách, miệng lẩm bẩm: "vì việc cứu người ta đành
    phải tòng quyền hành động đê hèn một chút vậy". Chàng vươn tay phải lên,
    hai luồng kình lực ở ngón tay trỏ phóng ra nhằm Cưu Ma Trí đâm tới nhanh
    như chớp. Đó là hai thế kiếm khí "thương dương" và "trung xung".
    Giả tỷ Cưu Ma Trí đang công nhiên đấu kiếm cùng Đoàn Dự thì dù những
    thế kiếm cấp bách hơn nữa lão cũng chống dễ như chơi. Nhưng lão yên trí
    rằng huyệt đạo chàng mới bị phong toả, chưa làm gì được nên lão đem hết
    nội lực ra đấu với tiếng đàn của A Bích. Giữa lúc lão chiếm được ưu thế,
    những tưởng dùng tiếng đàn phản kích làm cho tâm thần A Bích phải mê
    loạn, rồi quay sang hạ chốt A Châu là xong. Lão tuyệt nhiên không ngờ tới
    chuyện Đoàn Dự phóng kiếm khí ra đâm mình. Lão kêu rú lên một tiếng,
    người bắn tung đi. Đồng thời dây đàn A Bích đứt luôn năm sợi. Những tia
    máu đỏ phun ra như tới, đó là lưỡi thần kiếm do Đoàn Dự phóng ra đã đâm
    trúng vai bên phải Cưu Ma Trí.
    A Bích tay trái kéo A Châu, tay phải níu Đoàn Dự nhảy vọt ra. Ba người
    nhảy qua cửa sổ ra ngoài, rơi đúng vào con thuyền nhỏ. A Châu đưa tay ra
    dúi đầu Đoàn Dự thấp xuống, rồi cầm luôn lấy mái chèo bơi thuyền đi.
    Đoàn Dự bỗng nghe thấy thùm một tiếng rất lớn, chiếc thuyền tung lên rồi
    lại hạ xuống, chẳng khác gì đang đi ngoài biển cả sóng to. Nước hồ bắn lên
    tung toé, khắp mình mẩy ướt đẫm. Chàng quay đầu nhìn lại thấy Cưu Ma
    Trí đứng trên bờ, đang lấy bàn đá, ghế đá ném xuống không ngớt. Cũng
    may A Châu đã chèo thuyền ra xa một chút và Cưu Ma Trí đã bị trúng kiếm
    khí bị trọng thương, kình lực kém đi nên liệng không tới thuyền.
    A Châu thấy hoà thượng sức khoẻ như thần, nàng sợ hãi vô cùng khấn thầm:
    "cầu trời cho lão đừng đuổi kịp". Nàng bơi thuyền xa thêm vài chục trượng
    nữa, nhìn lại thấy Cưu Ma Trí không đuổi kịp nữa rồi. A Bích thở phì phì
    nói:
    - Đoàn công tử ơi! Nhờ công tử mà nay tôi được thoát nạn nếu không thì đã
    chết về tay lão hoà thượng này rồi.
    Đoàn Dự nói:
    - Đáng lý tôi phải tạ ơn cô mới đúng. Lão hoà thượng này nói sao là làm
    được vậy, lẽ ra tôi bị lão đem đi đốt sống rồi.
    A Châu vội gạt đi:
    - Hãy khoan nói đến chuyện cô tạ ơn cậu, cậu tạ ơn cô đã! Việc trốn sao
    cho thoát khỏi tay lão trọc còn gấp hơn nhiều.
    Giữa lúc ấy Đoàn Dự nghe có tiếng mái chèo bơi nước đang đuổi theo,
    chàng giật mình la lên:
    - Trời ơi! Lão sư đang đuổi theo chúng ta rồi.
    A Bích đã mệt nhoài, không thể lấy ngay lại sức lực trong chốc lát được.
    Nàng tựa vào mạn thuyền nói:
    - A Châu tỷ nương! bọn ta đến tạm lánh tại trang Lục đại gia.
    A Châu có vẻ bực tức đáp cộc lốc:
    - Đành là thế vậy.
    Rồi nàng lại tiếp:
    - Thật là bực mình. Lục đại gia thường cười chị em mình võ công chẳng ra
    gì. Bây giờ gặp kẻ đại địch túng thế phải vào ẩn trong nhà y, chắc rồi y cười
    mình suốt đời.
    Từ khi Đoàn Dự tăng nhiều nội lực trong người, chàng rất thính tai. Nghe rõ
    tiếng mái chèo bơi mỗi lúc một lại gần thêm liền cầm lấy một mái chèo để
    phụ A Châu bơi thuyền cho lẹ hơn. Thuyền thêm một mái chèo nên lại cách
    xa chiếc thuyền đuổi theo hơn được ít nữa.
    Đoàn Dự nói:
    - Bản lãnh lão sư này ghê gớm lắm. Hai vị tỷ nương còn nhỏ tuổi thế này
    thua lão cũng chẳng có gì là nhục.
    Bỗng nghe có tiếng gọi từ đằng xa vọng lại:
    - A Châu, A Bích hai cô bơi thuyền trở lại mau! bần tăng đã là bạn với công
    tử Mộ Dung có lý đâu lại làm khó dễ các cô?
    Đúng là tiếng Cưu Ma Trí. Mấy câu nói cực kỳ êm dịu thân mật, khiến
    người nghe bất giác không tự chủ được nữa, khó mà chống cự lại, quả nhiên
    muốn theo ý lão.
    A Châu giật mình nói:
    - Lão gọi chúng ta trở lại, tất không gia hại đâu.
    Đoạn nàng dừng chèo không bơi nữa, trong lòng dường như có vẻ xao
    xuyến.
    A Bích cũng nói:
    - Vậy chúng ta quay lại quách.
    Đoàn Dự vì nội lực rất mạnh nên giọng nói Cưu Ma Trí không mê hoặc nổi
    vội nói:
    - Lão bịp đấy! Tin thế nào được?
    Lại thấy Cưu Ma Trí tiếp tục gọi bằng một giọng rất hòa hoãn rất êm tai:
    - Hai vị cô nương ơi! Công tử nhà các cô đã về tới, cần gặp các cô ngay, các
    cô mau mau bơi thuyền trở lại.
    A Châu nói:
    - Vâng!
    Rồi bơi thuyền quay đầu lại. Đoàn Dự nghĩ thầm: "nếu quả công tử Mộ
    Dung trở về thì chính y lên tiếng gọi A Châu, A Bích hà tất phải mượn lão
    sư gọi hộ? Đúng là lão giở phép thu hồn phách cực kỳ lợi hại ra đây. Chàng
    liền nghĩ được một kế, vội xé mảnh áo đút nút lỗ tai A Châu, A Bích lại.
    A Châu định thần được ngay thất thanh la lên:
    - Trời ơi! Chết cha!
    A Bích cũng tỉnh táo lại nói:
    - Lão sư này biết cả phép thu hồn phách người ta. Ta bị lão lung lạc mất rồi.
    A Châu ra sức chèo thuyền nói:
    - Đoàn công tử! Chèo cho mau! chèo cho mau!
    Hai người chèo thuyền thẳng vào chỗ dầy đặc hồng lăng. Hồi lâu bên tai
    không còn vẳng nghe thấy tiếng Cưu Ma Trí gọi nữa. Bấy giờ Đoàn Dự mới
    ra hiệu cho hai người móc nút để trong tai ra.
    A Châu vỗ ngực thở một hơi dài rồi hỏi:
    - Bây giờ tính sao đây?
    A Bích đáp:
    - A Châu tỷ nương! chúng ta đi đến Khiếu Thiên thôn. Giả tỷ lão hoà
    thượng có theo tới đó, Lục đại gia quyết không chịu thua sẽ cùng lão chơi
    nhau đến cùng.
    A Châu nói:
    - Không được đâu! Lục đại gia tuy võ nghệ cao cường nhưng không có
    khiếu thông linh quỷ quái bằng Cưu Ma Trí. Thế thì thà rằng cứ lênh đênh
    trên mặt hồ này, đói bóc hồng lăng hoặc móc ngó sen lên mà ăn, dù có ở
    đây mười ngày hoặc nửa tháng cũng chẳng hề gì.
    A Bích mỉm cười nói:
    - Tỷ nương tính thế nào cũng đưược, song chưa biết ý Đoàn công tử ra sao?
    Đoàn Dự vỗ tay cười nói:
    - Hồ này phong cảnh đẹp, lại có hai vị tỷ nương làm bạn ở đây ngao du
    mươi ngày, thật sướng hơn tiên.
    A Bích cũng trề môi ra cười nói:
    - ở đây đi về phía đông nam có đến hàng ngàn hải cảng, hàng trăm vũng
    vịnh, chi lu, sông nhỏ cũng nhiều. Trừ bọn chài lưới địa phơng ra, không
    ai tìm được đường lối. Bọn ta đi vào chỗ trăm khúc quanh co trong hồ này,
    quyết nhiên nhà sư kia không thể đuổi tới nơi được.
    Đoàn Dự đang lúc cao hứng, ra sức bơi thuyền. Mỗi khi đến chỗ rẽ thì hai
    nàng lại bàn tính một hồi rồi mới ấn định nẻo đi. Chèo thuyền đi một hồi
    lâu, Đoàn Dự thoang thoảng ngửi thấy một mùi hoa thơm đặc biệt khác lạ.
    Lúc mới ngửi thì thấy đầu óc choáng váng nhng lát sau thì trong người lại
    khoan khoái dễ chịu. Thuyền càng tiến lên thì mùi hoa thơm lại càng sực
    nức.
    Đoàn Dự hỏi:
    - Hai vị tỷ nương có biết mùi hoa gì đó chăng?
    A Bích khẽ đáp:
    - Công tử đừng hỏi nữa! bọn ta phải mau mau rời khỏi nơi này!
    Đoàn Dự thấy giọng nói của nàng đầy vẻ sợ hãi, rất lấy làm kỳ. A Châu
    cũng nói nhỏ bảo A Bích:
    - Chúng ta lầm đường mất rồi. Mi bảo rẽ qua bên trái là đúng. Ta lại bảo rẽ
    qua mé phải mới chết chứ. A Bích mi đã biết rõ, sao còn đi nghe ta?
    A Bích đáp:
    - Bấy giờ em cũng không dám chắc lắm. Cứ tởng tỷ nương biết đích hơn,
    nên mới nghe theo.
    Lúc này A Bích tinh thần đã hồi phục, đón lấy mái chèo ở trong tay A
    Châu, quay thuyền và gắng sức bơi theo lối cũ trở ra.
    Đoàn Dự nghe hai người đối đáp, đoán là trong mùi hoa thơm này tất có
    điều gì nguy hiểm, chàng toan hỏi lại thì A Châu trông chàng vẫy tay ra
    hiệu bảo đừng hỏi nữa. Trời đã tối mịt, Đoàn Dự trông không rõ nét mặt hai
    người nhng cũng biết tình thế rất nghiêm trọng chẳng kém gì lúc Cưu Ma
    Trí đuổi theo.
    A Châu ghé miệng vào tận tai Đoàn Dự nói thầm:
    - Bây giờ tôi lớn tiếng nói chuyện với A Bích, công tử chớ có nói xen vào,
    phải nằm yên!
    Đoàn Dự gật đầu, đưa mái chèo cho nàng rồi nằm xuống lòng thuyền. Đêm
    hôm ấy trời đầy sao lấp lánh, Đoàn Dự cảm thấy có điều chi kỳ dị mà
    không nói ra được, bỗng nghe A Châu lên tiếng:
    - A Bích muội nương! Chỗ này rất khó nhận đường đi, em phải cẩn thận kẻo
    lạc lối nghe.
    A Bích đáp:
    - Vâng! lão sư ấy đuổi bọn mình để hãm hại, mình phải chạy trốn. Giả tỷ
    mà mình lạc đường, người ta còn bảo mình chịu mệnh công tử cố ý đến đây
    rắc rối mới khổ chứ.
    Hai người nói chuyện sang sảng, tựa hồ để cho người ngoài nghe rõ. Nhưng
    Đoàn Dự nghển lên mạn thuyền trông ra thì bốn mặt chỉ thấy toàn lá hồng
    lăng bát ngát. Ngoài tiếng thuyền chạm vào lá hồng lăng, tuyệt không thấy
    động tĩnh gì nữa. Mùi hoa thơm mỗi lúc một ngào ngạt thêm. So với mai côi
    thì mùi thơm không nồng nàn bằng nhưng so với hoa quế thì nó lại kém bề
    êm dịu. Thật là một mùi hương khó tả.
    Thốt nhiên A Bích cất giọng hát. Nàng hát bài Nguyễn lang quy. Nàng mới
    hát được vài câu nghe giọng đã run run, phải ngừng một chút cho định thần
    rồi mới hát tiếp. Tiếng hát mỗi lúc một lên cao vòi vọi nhưng không giấu
    nổi nỗi phập phồng lo sợ.
    Đoàn Dự ghé lại gần A Châu khẽ hỏi:
    - Phải chăng lão sư đó đuổi gần tới nơi?
    A Châu vội đư bàn tay bịt miệng chàng, ra hiệu cho đừng lên tiếng. Nàng
    nghiêng đầu lắng tai nghe, bốn bề vẫn im lặng như tờ. Bấy giờ mới ghé
    miệng sát vào tai Đoàn Dự nói thầm:
    - Chúng ta lầm đường mất rồi. Gặp người này còn ghê gớm hơn cả lão sư
    ban nãy.
    Đoàn Dự nghĩ thầm: "Người ta có câu: tránh nơi sóng cả, ngã nơi Tuần
    Vường là đúng lắm". Rồi chàng lại nghĩ: "có lẽ hai nàng chưa biết kỹ bản
    lãnh lợi hại của Cưu Ma Trí đó thôi. Trên đời làm gì còn có người ghê gớm
    hơn lão? Huống chi đây lại ở cạnh nách sào huyệt nhà Mộ Dung. Khi nào y
    còn để cho ai ăn ngon ngủ yên được?".
    A Bích ca xong khúc hát, không nói gì nữa, lặng lẽ nhìn lên trời, tìm sao
    bắc đẩu, nhận định phương hướng rồi cùng A Châu ra sức chèo thuyền..
    Đoàn Dự ngoảnh nhìn bốn phía, chỉ thấy mênh mông những nước cùng trời.
    Tuyệt không có một con thuyền, một cái nhà, không thấy đâu là bờ bến hay
    một bóng người nào cả, đến một con chim cũng không có. Vậy mà không
    biết làm sao hai nàng lại sợ hãi đến thế?
    Con thuyền nhỏ đi bồng bềnh trên mặt nước được quãng dài nữa thì đến chỗ
    hai dòng sông giao nhau. A Châu và A Bích lại thương lượng một hồi và tìm
    nhận lối đi khi gặp chỗ rẽ. Chàng cũng chẳng hiểu hai nàng lấy gì làm tiêu
    chuẩn, chỉ biết hai nàng đã bơi thuyền nửa ngày, nửa đêm, có vẻ mệt nhoài,
    thở lên hồng hộc. Đoàn Dự xem chừng A Châu đã kiệt lực rồi, liền đón lấy
    mái chèo bơi thuyền đỡ nàng một lúc. Hồi lâu bỗng A Bích kêu lên:
    - A Châu tỷ nương ơi! chúng ta... sao chúng ta... lại quay về chỗ cũ rồi?
    Đoàn Dự quả nhiên lại ngửi thấy mùi hoa thơm lúc nãy. Thì ra đêm khuya
    trời tối hai nàng không nhận ra lối đi, chèo quanh quẩn tựa hồ đi theo một
    lối vòng tròn khổng lồ, bây giờ lại quay về chỗ ban đầu. Trời đã gần sáng,
    nét mặt A Bích trở nên bơ phờ, ủ rũ. Đột nhiên nàng buông mái chèo
    xuống, đưa tay lên bưng mặt khóc hu hu.
    A Châu ôm nàng vào lòng an ủi:
    - Không phải là chúng ta cố ý đến đây, chờ gặp Vương phu nhân rồi sẽ bày
    tỏ chân tình, em đừng sợ gì cả.
    Tuy nàng tự cường để vỗ về A Bích mà tiếng nói nàng cũng run run, tpr ra
    nàng đang trải qua một trận bão lòng kinh hãi.
    Giữa lúc ấy, trên không về phía tây nổi lên vài tiếng chim kêu quang quác.
    Một con chim rất lớn bay tới, toàn thân lông trắng như tuyết, cao lênh
    khênh như con hạc nhưng không phải hạc. Dường như là một giống thủy
    điểu. Con bạch điểu này nhằm chỗ thuyền dừng quyện một vòng trên không
    rồi từ từ bay về góc tây bắc.
    A Châu nhặt mái chèo lên thở dài nói:
    - Không đi không xong rồi! Chúng ta đành tới đó rồi muốn ra sao thì ra.
    Nàng bơi thuyền hướng theo con bạch điểu mà đi.
    Đoàn Dự hỏi:
    - Có phải con chim đó là sứ giả dẫn đường đó chăng?
    A Bích đáp:
    - Đoàn công tử! Công tử là người xa đến, chưa biết quy củ nơi đây. Lúc vào
    đến Mạn đà sơn, phu nhân bảo làm sao công tử phải nghe vậy, chớ có
    kháng cự mà khốn.
    Đoàn Dự hỏi:
    - Tại sao vậy? Chẳng lẽ chủ nhân trại này lại dã man đến mức không phân
    biệt phải trái nữa hay sao? Bọn mình lạc đường vào đây thì xin cho ra, chứ
    làm gì nên tội?
    A Bích quầng mắt đỏ hoe đáp:
    - Đoàn công tử không biết. Còn có nhiều chuyện rắc rối bên trong, không
    thể một lúc mà nói hết ra được. Người ta sở dĩ không cho ai giở lý sự cũng
    là có cớ. Rút cục chỉ tại lão sư đó mà ra. Nếu lão không đuổi gấp quá thì
    làm gì đến nỗi mình hoang mang mà đi lầm vào đây?
    A Châu vốn tính hoạt bát cười nói:
    - Người lành tự nhiên có thiên tướng bảo hộ. Giả tỷ chỉ có hai chị em mình
    tới đây tất là hỏng bét nhưng có Đoàn công tử đây là người lành may ra
    chúng ta thoát nạn cũng chưa biết chừng.
    A Bích buồn rầu đáp:
    - Em thì lại lo thay cho Đoàn công tử. Vương phu nhân thấy có đàn ông đến
    Mạn đà sơn trang, chắc người sẽ sai chặt chân khoét mắt. Phu nhân nói sao
    làm vậy. A Châu tỷ nơưng ơi! mình đưa công tử đến đây để chàng phải vạ
    lây.
    Nói đến đó, nàng úp hai bàn tay lên mặt, nước mắt tràn qua kẽ ngón tay, rớt
    xuống từng giọt.
    A Châu nói:
    - Biết đâu phu nhân chẳng tự nhiên đại phát từ bi hoặc Đoàn công tử khéo
    biện bạch, lay chuyển được tấm lòng sắt đá của người mà tha cả ba chúng ta
    cũng nên.
    Đoàn Dự hỏi:
    - Vương phu nhân là người thế nào?
    A Bích đưa mắt nhìn A Châu toan nói lại thôi. A Châu vỗ tay vài cái rồi
    nhớn nhác ngó quanh, không thấy ai bấy giờ mới nói:
    - Vương phu nhân đây, về võ công không biết đến đâu mà lường được.
    Khắp các nhân vật trong võ lâm đều chịu người là đệ nhất. Ngay đến công
    tử chúng tôi, bản tính không chịu phục ai mà chỉ bội phục có mình phu
    nhân thôi.
    Nàng vừa nói vừa lắc đầu lè lỡi, lộ ra nhiều vẻ kinh dị. Đoàn Dự rất lấy
    làm kỳ tự hỏi: "bọn mình nói chuyện trong thuyền, bốn bề chẳng có một ai.
    Chẳng lẽ bà Vương phu nhân nào đó có phép thần thông nghe được cả ?".
    Bỗng thấy con bạch điểu lúc nãy lại trở về, liệng quanh cái thuyền một
    vòng. Chim bay nhanh, thuyền bơi châm, nó bay đi bay lại như vậy để chờ.
    Thuyền cứ trông hút bóng chim bơi theo chừng nửa giờ, qua mấy chỗ vũng
    biển. Đoàn Dự nghĩ thầm: "con chim kia bay trên không nên nhận đường lối
    dễ hơn. Đằng này bơi thuyền dưới nước, giữa cái hồ mênh mông, dù bản
    lãnh giỏi đến đâu cũng khó lòng giữ cho khỏi lạc đường".
    Thuyền đi đến trước một hàng đăng ken bằng tre chẻ ra vót sẵn. Người
    Giang Nam thường cắm đăng ngang sông, hồ để nuôi cá, bắt giải. Nước vẫn
    lưu thông nhưng cá và giải vướng đăng không chui ra được. Thuyền lại sát
    đăng, tưởng bị chặn lối đi, không ngờ đầu thuyền vừa chạm vào đăng, đăng
    chìm ngay xuống nước, để hở lối cho thuyền đi qua. Thì ra trên các hàng
    đăng này có đặt cơ quan tự động mở ra đóng lại được. Qua mấy tầng đăng
    như vậy thì đến rặng liễu buông rủ xuống nước. Hết rặng liễu, xa xa nhìn
    thấy trên bờ hồ hoa lá rực rỡ như hoa trà, ánh xuống nước đỏ rực một vùng.
    Đoàn Dự buột miệng khẽ reo lên một tiếng: "ô kìa". A Châu vội hỏi:
    - Chi vậy?
    Đoàn Dự chỉ vào bụm cây hoa đáp:
    - Đây là cây sơn trà ở nước Đại Lý chúng tôi đó. Làm sao ở Thái Hồ cũng
    trồng được thứ điền trà này nhỉ?
    Nên biết rằng thứ sơn trà sản xuất ở Vân Nam có danh tiếng hơn cả nên
    người ta mệnh danh là điền trà.
    A Châu nói:
    - Có đúng thế không? tôi tưởng sơn trà nước Đại Lý không bằng được sơn
    trà ở Cô Tô chúng tôi đây. Chỗ này là Mạn đà sơn trang, mạn đà la đứng
    vào bậc nhất thiên hạ, sơn trà nước Đại Lý của công tử bằng thế nào được?
    Đoàn Dự cho lời bình luận của A Châu là sai. Chàng nghĩ rằng: "nhân vật ở
    Giang Nam kể ra cũng làm cho người ta phải ngây ngất thật. Nước Đại Lý
    có nhiều thứ thua kém nhưng mà bảo sơn trà nước Đại Lý thua trà Giang
    Nam thì nhất định không chịu". Chàng thấy A Châu đưa mắt ra hiệu biết
    rằng gần đến sơn trang rồi. âu là cứ buông xuôi câu chuyện cho êm.
    A Châu chèo thuyền lại buộc vào gốc một khóm sơn trà, dừng chân đứng
    nhìn một hồi. Trên bờ toàn hoa trà đỏ trắng lẫn lộn, không có nhà cửa
    phòng ốc chi hết.
    Đoàn Dự sinh trưởng ở nước Đại Lý, mặc dầu sơn trà đối với chàng chẳng
    có chi là lạ nhưng cũng theo chiều tấm tắc khen ngợi cho qua, trong lòng
    thầm nghĩ: "sơn trà ở đây tuy nhiều thật, song giai phẩm này đã lấy chi làm
    quý?".
    A Châu kéo ghệch thuyền vào bờ rồi cất tiếng thong thả mềm mỏng nói:
    - Tiểu tỳ là A Châu, A Bích ở Tham Hợp trang bên Yến Tử ổ bị kẻ địch
    đuổi đánh, lầm đường lạc vào nới cấm địa quý trang đây, tội đáng muôn
    thác. Xin Vương phu nhân mở lượng hải hà bỏ qua đi cho! Bọn tiểu tỳ cảm
    kích vô cùng.
    A Châu dứt lời, trong rừng hoa chưa thấy tiếng người đáp lại, nàng lại tiếp:
    - Cùng đi với bọn tiểu tỳ còn có Đoàn quân là một người khách phương xa
    đến. Đoàn quân chưa từng quen biết công tử bon tiểu tỳ và quả tình không
    dính líu mảy may gì đến vụ này cả.
    A Bích cũng nói:
    - Đoàn công tử đến Cô Tô với mục đích tìm chủ nhân bọn tiểu tỳ để rửa
    hận, vô tình lạc vào quý trang.
    Đoàn Dự nghĩ thầm: "xem giọng lưỡi hai cô này đều bảo ta là kẻ thù của
    công tử Mộ Dung chứ không phải bạn thì đủ hiểu rằng giữa chủ nhân khu
    vực này cùng công tử Mộ Dung có mối bất hoà. Dường như cứ ai là kẻ địch
    của công tử Mộ Dung thì không đến nỗi họ bị làm khó dễ". Lát sau thấy có
    tiếng chân bước sột soạt trong rừng hoa rồi một ả tiểu hoàn áo xanh đi ra,
    trong tay cầm một bó hoa. ả này lớn hơn A Châu, A Bích chừng một vài
    tuổi, vừa chạy ra bờ hồ vừa cười nói:
    - A Châu, A Bích! Các cô này to gan thật! Dám lẻn đến đây dòm ngó
    chuyện gì? Phu nhân ta xuống lệnh phải rạch ngang, rạch dọc cái bộ mặt
    đẹp tựa như hoa ngọc của các cô ra đó.
    A Châu trông nét mặt ả đã vững tâm đưuợc phần nào, tươi cười hỏi:
    - U Thảo tỷ nưng đấy ? Phu nhân vắng nhà phải không?
    U thảo cười đáp:
    - Phu nhân còn bảo hai cô còn dắt cả chàng trai nào đó đến Mạn đà sơn
    trang vậy phải chặt hai chân gã đi!
    Nàng chưa dứt lời đã toét miệng ra cười. A Bích vỗ bụng nói:
    - U thảo tỷ nương! có phải chị hăm doạ chúng tôi đó không?
    A Châu cười nói:
    - A Bích đừng sợ! Cô ta doạ đấy! Phu nhân mà ở nhà thì đời nào cô ả dám
    cười cượt như vậy? U thảo em ơi! Phu nhân đi đâu vậy?
    U Thảo cười nói:
    - Lêu lêu! Cô bao nhiêu tuổi mà đòi làm chị ta? Con lỏi này giỏi đoán đó,
    phu nhân quả không ở nhà.
    Rồi ả lại thở dài nói:
    - A Châu, A Bích hai em! Mấy khi hai em qua tới đây, ta muốn lưu hai em
    ở chơi bên này một vài ngày.
    A Bích cũng nói:
    - Em cũng muốn được đón tiếp chị! U thảo tỷ nương ơi! Bữa nào chị sang
    chơi bên em? Em thức ròng rã ba ngày ba đêm để tiếp chuyện chị được
    không?
    Bỗng lại nghe tiếng chân bước trên lá cây lạo xạo, một đứa tiểu hoàn nữa đi
    tới, cười hì hì nói:
    - A Châu, A Bích! cô nương muốn mời các chị vào xơi nước.
    A Châu nói:
    - Hoàng Ly đó hả? Em về trình cô nương qua bên nhà chơi, công tử đi vắng
    rồi. Bữa nay chúng ta đi lầm đường thế nào lại lạc vào quý phủ. Cô nương
    cho uống trà, chúng tôi xin có lời đa tạ cô nương nhé!
    Hoàng Ly nói:
    - Không được đâu! Cô nương cho gọi hai chị, hai chị không chịu vào thì
    đừng hòng được "bạch y sứ giả" đưa chị ra khỏi nơi đây.
    A Châu cùng A Bích đưa mắt nhìn nhau ra chiều khó nghĩ, A Bích nói:
    - Hoàng Ly tỷ nương! chị thật là người thông minh. Cô nương đã cho gọi
    chị em chúng tôi, chúng tôi đâu dám trái lệnh? Chỉ sợ lần chần phu nhân về
    đến nhà thì nguy quá.
    U Thảo nói:
    - Phu nhân đi chơi xa, mới đi hôm qua, đâu có về ngay mà ngại? Các chị
    còn chưa hiểu tâm sự cô nương hay sao?
    A Châu đáp:
    - Vâng! A Bích! Thôi chị em chúng mình cũng đành mạo hiểm vào đi!
    Hai người kéo thuyền lên bờ. A Bích bảo Đoàn Dự:
    - Đoàn công tử! Xin công tử hãy đứng đây chờ chúng tôi một lúc. Chúng tôi
    vào ra mắt chủ nhân xong ra ngay.
    Đoàn Dự đáp:
    - Được rồi! Các cô đi lẹ lên.
    Bốn cô nha hoàn dắt tay nhau cười cười nói nói đi vào rừng hoa. Đoàn Dự
    ngồi thuyền chờ lâu, nóng ruột đứng dậy lên bờ nhòm ngó rừng mạn đà la
    xem có giống hoa gì khác lạ không? nhưng đây chỉ toàn sơn trà không có
    thứ hoa cỏ gì khác nữa. Cả những thứ hoa rất thường về mùa xuân mọc khắp
    nơi như: Khiên Ngu, Oản đậu, Du Thái mà đây cũng không có. Sơn trà thì
    nhiều thật nhưng toàn những thứ bình thường, không có loại nào quý cả.
    Chàng đang ngắm xem bỗng ngửi thấy một mùi hoa thơm phảng phất. Mùi
    thơm này đượm không ra đượm, lạt không ra lạt, thật khó tả cho ra. Đúng là
    mùi hương chàng đã ngửi thấy đêm hôm trước, lúc ngồi thuyền. Chàng tự
    hỏi: "ở đây không có hoa cỏ gì khác ngoài sơn trà, chẳng lẽ trên đời lại có
    thứ sơn trà mùi hương kỳ dị thế này?". Chàng nổi tính hiếu kỳ, lần theo phía
    phát ra mùi thơm mà đi, đi chừng vài chục trượng thấy sơn trà có thêm
    nhiều loại khác, thỉnh thoảng cũng được vài khóm quý. Chàng đang đi tự
    nhiên mùi thơm kỳ dị đó biến mất tăm. Chàng đi khắp mọi ngả để kiếm mà
    tuyệt không ngửi thấy mùi hương đó nữa, chàng lẩm bẩm: "ta trở về chỗ
    thuyền đậu thôi! Kẻo A Châu, A Bích trở ra không thấy mình lại nóng
    ruột". Đoàn Dự trở gót đi đợc mấy bước, bỗng kêu lên: "Thôi hỏng rồi". Vì
    mải để tâm vào chuyện đi kiếm thứ hoa kỳ dị chàng không nhớ lối ra. Chưa
    biết tìm cách nào để trở về chỗ cũ chàng nghĩ thầm: "thôi đành ra tới bờ hồ
    sẽ hay, bất luận là chỗ nào". Thế rồi chàng cứ đi bừa, đi càng lâu thì thấy
    mình càng lạc lõng. Bất thình lình Đoàn Dự nghe thấy có tiếng người nói,
    rõ ràng là tiếng A Châu, chàng cả mừng nghĩ bụng: "ta hãy đợi nàng ở đây
    một lát, chờ cho nàng nói chuyện xong với người nào đó rồi sẽ kêu nàng
    cùng về. Bỗng thấy A Châu nói:
    - Công tử vẫn được mạnh, ăn uống điều hoà. Trong hai tháng nay công tử
    luyện môn đả cẩu bổng pháp của Cái Bang. ý chừng người muốn tỷ thí với
    các nhân vật nơi đó.
    Đoàn Dự nghĩ thầm: "A Châu đang nói chuyện về Mộ Dung công tử với ai
    đây. Mình chẳng nên đi sau nghe trộm, phải đi xa ra một chút kẻo họ bảo
    mình không biết lễ". Giữa lúc đó bỗng thấy tiếng một cô gái thở dài. Tiếng
    thở dài này lọt vào tai Đoàn Dự làm cho chàng bất giác toàn thân run bần
    bật, trái tim nhảy loạn lên, hai má nóng bừng bừng. Chàng tự hỏi thầm: "sao
    trên đời này lại có tiếng người thở dài nghe êm tai đến thế?". Rồi một giọng
    u buồn cất tiếng hỏi:
    - Chuyến này chàng ra đi có nói là đi đâu không?
    Đoàn Dự mới nghe tiếng thiếu nữ thở dài lòng đã xúc động, giờ lại nghe
    thêm mấy câu này nữa toàn thân chàng máu như sôi lên sùng sục. Trong
    lòng vừa cay đắng vừa đau khổ, phần vì ngưỡng mộ, phần vì ghen tuông nói
    sao cho hết? Chàng lẩm bẩm: "rõ ràng nàng hỏi chuyện công tử Mộ Dung.
    Nàng đối với gã thân thiết là thế! nhớ mong là thế! công tử Mộ Dung thật là
    người có diễm phúc.
    Lại nghe tiếng A Châu đáp:
    - Lúc công tử ra đi có nói là đến Lạc Dương. Lữ đại ca cùng Bao tiên sinh
    hai người đi theo công tử. Xin cô nương cứ yên lòng không có điều chi đáng
    ngại.
    Thiếu nữ hỏi:
    - Các ngươi có coi công tử luyện môn "đả cẩu bổng pháp" chưa? Có thấy
    chỗ nào khó khăn hoặc chậm chạp không?
    A Bích đáp:
    - Bổng pháp này công tử đã luyện thành thục lắm rồi, từ đầu chí cuối công
    tử phát động tựa hồ mây bay nước chảy...
    Đột nhiên thiếu nữ "hứ" lên một tiếng rồi nói tiếp:
    - Thế là hỏng rồi! Có phải... chàng sử môn này mau lẹ lắm không?
    A Bích đáp:
    - Vâng! vậy mà có chỗ chưa được hay sao?
    Thiếu nữ nói:
    - Dĩ nhiên là hỏng rồi. Phép "Đả cẩu bổng pháp" có hai thế: thế chiền thì
    càng chậm càng hay, thế thiểu thì lúc nhanh lúc chậm. Nếu chỉ một chiều
    đánh mau thì không phát huy được chỗ tinh vi mầu nhiệm của phép này.
    Vậy các ngươi... các ngươi có cách nào đưa tin được đến chỗ công tử
    không?
    A Châu tặc lưỡi đáp:
    - Bọn tiểu tỳ không biết công tử đến đâu trước? Và hiện giờ họp mặt cùng
    các bậc trưởng lão ở Cái Bang chưa? Thưa cô nương! vậy ra phép "Đả cẩu
    bổng pháp" mà sử dụng thật mau, có chỗ không ổn hay sao?
    Thiếu nữ đáp:
    - Dĩ nhiên không ổn rồi, còn có... chỗ gì nữa. Sao lúc chàng... chàng ra đi,
    không đến đây gặp ta?
    Thiếu nữ vừa nói vừa dậm chân ra chiều nóng nẩy, áy náy... Đoàn Dự nghe
    xong rất lấy làm kỳ, nghĩ thầm: "ta tưởng khắp thiên hạ, ai cũng kính sợ nhà
    Mộ Dung ở Cô Tô, thế thì còn ai bì với nhà này được mà sao nghe cô nương
    đây nói thì dường như công tử Mộ Dung còn phải nhờ cô này truyền dạy võ
    nghệ cho. Chẳng lẽ một cô thiếu nữ nhỏ tuổi này lại có bản lãnh đến thế kia
    ?
    Lại thấy thiếu nữ bước lui bước, tới tựa hồ chưa tìm ra được kế gì, rồi nàng
    lẩm bẩm: "trước mình đã bảo chàng học bộ pháp đó nhưng chàng không
    chịu, giả tỷ mà chàng biết phép Lăng Ba Vi Bộ ..."
    Đoàn Dự nghe đến bốn chữ Lăng Ba Vi Bộ bất giác kêu lên một tiếng "A
    ha". Chàng tự biết mình lỡ lời đa tay lên bịt miệng thì đã không kịp mất
    rồi. Thiếu nữ quát hỏi:
    - Ai đó?
    Đoàn Dự biết rằng không thể giấu diếm được nữa liền đằng hắng lên vài
    tiếng rồi đáp:
    - Tại hạ là Đoàn Dự đang ngắm xem rừng trà báu của quý trang, đột ngột
    tới đây, xin người tha tội cho!
    Thiếu nữ nói khẽ bảo A Châu:
    - A Châu! Phải chăng đây là cậu cùng đi với ngươi?
    A Châu vội đáp:
    - Thưa phải! gã này chỉ là anh đồ gàn, cô nương bất tất phải nói đến gã làm
    gì. Ta đi ra ngả khác quách.
    Thiếu nữ nói:
    - Hãy khoan! Ngưi hãy chờ ta viết thư nói rõ mọi điều cốt yếu về phép sử
    môn "đả cẩu bổng pháp" để các ngươi liệu cách đưa đến cho công tử.
    A Châu tỏ vẻ ngần ngại đáp:
    - Cái đó... phu nhân đã bảo rồi mà...
    Thiếu nữ giật giọng hỏi:
    - Sao bọn ngưi chỉ biết vâng lời phu nhân? Không chịu nghe ta phải
    không?
    Nghe câu nói có vẻ hằn học A Châu vội đáp:
    - Xin cô nương đừng lộ cho phu nhân biết. Lẽ nào tiểu tỳ lại không tuân
    lệnh, huống chi lại là việc lợi cho công tử.
    Thiếu nữ nói:
    - Hai người theo ta về phòng lấy thư nghe.
    A Châu đáp:
    - Vâng!
    Từ lúc Đoàn Dự thấy thiếu nữ thở dài rồi sau càng nghe nàng nói càng mê
    đặc. Giờ thấy nàng toan trở gót về phòng chàng nghĩ bụng: "để cho nàng đi
    e rằng không còn dịp nào được gặp mặt nữa thì thật là điều hối tiếc suốt đời.
    Ta đành một liều ba bảy cũng liều, tìm cách ngăn trở để nhìn cho thấy mặt
    rồi muốn tội tình hay trách mắng gì cũng chịu". Nghĩ vậy chàng bèn lớn
    tiếng gọi:
    - A Bích cô nương ở lại đây với tôi được không?
    Chàng vừa gọi vừa rảo bước đi ra. Thiếu nữ thấy chàng sấn sổ bước tới vội
    la lên một tiếng "ô hay" rồi quay đi. Đoàn Dự ở trong bụi cây bưước ra, chỉ
    thấy một vị nữ lang mặc áo tơ trắng đang nhìn lên những bông hoa, vẻ
    người mềm mại, tóc dài bỏ xuống sau lưng, dùng dây tràng buộc cho gọn.
    Đoàn Dự mới trông thấy bóng dáng sau lưng nàng, cốt cách đã ra vẻ thần
    tiên, bên mình dường nh có khói mây bao bọc, chứ không ra tuồng khách
    tục. Chàng liền vái dài nói:
    - Tại hạ Đoàn Dự xin bái kiến cô nương.
    Nữ lang dậm chân trái xuống đất gắt:
    - A Châu! Các ngươi thật là rắc rối! Ta có chạm mặt với nam giới bên ngoài
    bao giờ đâu?
    Nói rồi đi thẳng về phía trước. Qua mấy khúc quanh người nàng đã che
    khuất vào trong bụi hoa mất rồi. A Bích nhìn Đoàn Dự mỉm cười nói:
    - Đoàn công tử! Cô nương này rất khó tính khó nết. Chúng ta chuồn đi thôi.
    A Châu cũng mỉm cười nói:
    - May nhờ có Đoàn công tử đến giải vây cho không thì thế nào cũng bị
    Vương cô nương bắt đưa thư, gửi thiếp rất là phiền phức, có khi nguy hiểm
    đến tính mạng chị em tôi nữa.
    Đoàn Dự lật đật chạy ra bị nữ lang nói mấy câu làm chàng cụt hứng, tưởng
    còn bị A Châu, A Bích oán ghét nữa là khác nào ngờ lại được hai nàng cảm
    ơn, thật là một điều không bao giờ nghĩ đến.
    Lúc đó ba người đã ra đến chỗ thuyền đậu, A Châu cầm lấy mái chèo toan
    bơi thuyền đi thì A Bích nói:
    - A Châu tỷ nương! chị em mình không có "bạch y sứ giả" dẫn đường, dễ gì
    mà mà biết lối ra? đành là phải ngồi đây chờ cô nương viết xong thư. Chúng
    ta bị tình thế bắt buộc dù phu nhân có biết ra cũng không trách chúng ta
    được.
    A Châu thở dài nói:
    - Cái ông sư đó thật là tai hại, nghĩ đến lúc nào lại bực ông ta lúc ấy.
    Chưa dứt lời, bất thình lình nổi lên một tiếng hú từ đằng xa đưa lại như tiếng
    rồng gấm nghe choáng cả tai.
    A Châu, A Bích đều cả kinh thất sắc. Đoàn Dự cũng giật mình lẩm bẩm:
    - Tiếng gầm này nghe quen tai. à thôi! chết rồi! Có lẽ là đồ đệ ta, Nam Hải
    Ngạc Thần sắp tới. Hừ nhưng quyết không phải lão.
    Nguyên lúc buổi đầu Đoàn Dự gặp Nam Hải Ngạc Thần đã nghe tiếng hú
    này. Nhng lúc Nam Hải Ngạc Thần đã đến bên chàng mà chàng vẫn còn
    nghe tiếng hú râm ran, rồi Nam Hải Ngạc Thần nghe tiếng hú đó hốt hoảng
    chạy theo.
    Bình nhật đã đành A Bích lúc nào cũng có vẻ mặt lo lắng đáng thương
    nhưng A Châu vốn là người hoạt bát lanh lẹ mà lúc đó chân tay cũng luống
    cuống, ra chiều sợ hãi vô cùng. A Bích khẽ gọi:
    - Đoàn công tử ơi! phu nhân về tới nơi rồi! Bọn ta đành sống thác mặc trời.
    Công tử càng tỏ ra vô lễ ngạo ngược với chị em chúng tôi chừng nào càng
    được việc chừng ấy.
    Đoàn Dự từ khi bỏ Vương phủ lén đi đến nay đã trải bao phen thập tử nhất
    sinh, đã bao lần gặp nguy hiểm gian nan, chàng nghĩ thầm: "người ta sống
    chết có số, nếu số phải chết thì dù muốn tránh cũng chẳng được nào thì tội
    gì mà tỏ ra con người không biết điều đối với hai nàng nhu mì khả ái này?".
    Chàng liền mỉm cười nhìn hai nàng nói:
    - Thà rằng giữ lễ mà chịu chết còn hơn vô lễ để níu lấy cái sống. Này A
    Châu cô nương ơi! cô bảo tôi là đồ gàn thì quả tôi có cái tính gàn dở của kẻ
    nhai văn nhấm chữ.
    A Châu cũng nhìn chàng thở dài mà kêu trời.
    Lúc này trên mặt hồ đã xuất hiện một con thuyền, lướt tới như bay, chớp
    mắt đã đến gần tới nơi. Chiếc khoái thuyền này chạm hình đầu rồng, miệng
    há hốc ra, trông mà gớm khiếp. Thuyền vừa cập bến, Đoàn Dự bất giác la
    lên một tiếng "trời ơi". Nguyên trên sừng rồng chạm đầu thuyền có treo ba
    cái đầu lâu lủng lẳng vừa mới chặt ở đâu về, hãy còn đầm đìa những máu,
    khiến ai trông thấy cũng phải ghê rợn, không dám nhìn lâu. Những răng
    trong miệng rồng nhô ra cũng dính đầy máu tươi.
    A Châu khẽ nói:
    - Chắc Vương phu nhân giữa đường gặp giặc nên mới về sớm thế này.
    Chúng mình thật là xúi quẩy.
    Thuyền rồng vừa sắp vào bờ A Châu, A Bích đã đứng dậy khép nép cúi đầu,
    vẻ mặt cực kỳ nghiêm cẩn. A Bích nhìn Đoàn Dự luôn luôn ra hiệu cho
    chàng đứng dậy. Đoàn Dự chỉ mỉm cười lắc đầu nói:
    - Bao giờ phu nhân bước ra đầu thuyền lên tiếng, tôi sẽ đứng lên để tỏ lòng
    kính cẩn là được rồi. Ai lại đường đường nam tử trượng phu mà phải khúm
    núm bao giờ?
    Bỗng thấy tiếng một người đàn bà từ trong thuyền vọng ra:
    - Gã trai kia! Mi to gan thật! Sao dám thiện tiện đến Mạn đà sơn trang làm
    chi, mi lại không biết bất luận gã đàn ông nào đã vào đây đều bị chặt chân
    ?
    Giọng nói rất oai nghiêm, trong trẻo, ai cũng nghe rõ.
    Đoàn Dự đáp:
    - Tại hạ là Đoàn Dự, lầm đường lạc vào bảo trang, thực không có ý đường
    đột chút nào, xin nghiêng mình tạ lỗi.
    Người đàn bà "hừ" một tiếng rồi không nói nữa. Thuyền áp mạn xong, hai ả
    tỳ nữ áo xanh ở trong chui ra, một ả phi thân lên sừng rồng, loáng một cái
    đã nhấc ba chiếc đầu lâu nhảy xuống rất lẹ làng.
    Đoàn Dự thấy hai ả cùng đeo trường kiếm lẩm bẩm: "thị nữ còn lợi hại thế
    này thì bà chủ chắc là ghê gớm lắm. Mình cũng chỉ có mỗi cái thủ cấp, cắt
    thì cắt phứt đi cho xong". Chàng nghĩ tới câu: "đến chết là cùng", rồi trong
    bụng thản nhiên như không.
    Người đàn bà lại cất tiếng gọi:
    - A Châu, A Bích, hai con nhãi kia cũng đến đó hả? Cái thằng lỏi Mộ Dung
    Phục điều hay không học, chỉ chuyên dở cái trò yêu quái.
    A Bích thưa:
    - Khai bẩm phu nhân! Tiểu tỳ bị kẻ địch đuổi đánh, đêm khuya trời tối đã
    lầm đường, vô tình lạc vào đây. Công tử tiểu tỳ ra đi rồi. Việc tiểu tỳ lạc
    đến đây, công tử quả không biết tý gì.
    Nàng không tỏ vẻ nơm nớp lo sợ thì ra con người ta đã đến cùng đường tự
    nhiên đâm liều, nàng cứ thẳng thắn biện bạch.
    Tiếng ngọc đeo loảng xoảng vang lên, trong thuyền thị nữ áo xanh xếp hàng
    đôi đi ra, lưng đeo trường kiếm, lưỡi kiếm sáng loáng, ánh kiếm lập loè tựa
    hoa bay. Bọn này tám đôi, cộng cả hai ả ra trước nữa là mời tám người.
    Sau cùng là một vị nữ lang ăn mặc ra kiểu khách cung phi. Đoàn Dự vừa
    nhìn thấy tướng mạo nữ lang, không thể nhịn được, bất giác la lên một tiếng
    kinh dị, líu cả lưỡi lại, miệng há hốc ra tựa hồ như lạc vào cõi mộng.
    Nguyên vị nữ lang này mình mặc áo dài bằng lụa trắng, từ y phục cho đến
    đồ trang sức hệt như pho ngọc tượng trong thạch động bên nước Đại Lý. Có
    điều nữ lang này tuy đẹp như vậy nhưng đã đứng tuổi trạc độ tứ tuần còn
    pho tượng kia là một thiếu nữ chừng 18, 19 tuổi. Đoàn Dự nhìn kỹ lại thì vị
    nữ lang này chỉ khác pho tượng ở chỗ nhiều tuổi hơn nên vẻ mặt dầy dạn
    phong trần, còn ngoài ra không khác tý gì, càng nhìn lâu lại càng giống hệt,
    khác nào bà này là chị mà pho tượng kia là em.
    A Châu, A Bích thấy Đoàn Dự cứ giương mắt nhìn phu nhân trừng trừng có
    vẻ cực kỳ vô lễ, trong lòng đều ngấm ngầm kinh sợ, luôn luôn giơ tay ra
    hiệu nhắc chàng đừng nhìn nữa. Nhưng mắt chàng tựa hồ dán chặt vào mặt
    phu nhân.
    

Xem Tiếp Chương 30Xem Tiếp Chương 34 (Kết Thúc)

Thiên Long Bát Bộ
  » Xem Tập 1
  » Xem Tập 2
  » Xem Tập 3
  » Xem Tập 4
  » Xem Tập 5
  » Xem Tập 6
  » Xem Tập 7
  » Xem Tập 8
  » Xem Tập 9
  » Xem Tập 10
  » Xem Tập 11
  » Xem Tập 12
  » Xem Tập 13
  » Xem Tập 14
  » Xem Tập 15
  » Xem Tập 16
  » Xem Tập 17
  » Xem Tập 18
  » Xem Tập 19
  » Xem Tập 20
  » Xem Tập 21
  » Xem Tập 22
  » Xem Tập 23
  » Xem Tập 24
  » Xem Tập 25
  » Xem Tập 26
  » Xem Tập 27
  » Xem Tập 28
  » Đang Xem Tập 29
  » Xem Tiếp Tập 30
  » Xem Tiếp Tập 31
  » Xem Tiếp Tập 32
  » Xem Tiếp Tập 33
  » Xem Tiếp Tập 34
 
Những Truyện Kiếm Hiệp Khác