Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Dài » Một Người - Một Đời Tác Giả: Lê Mỹ Hân    
    Tôi về đến nhà là leo ngay lên giường trùm mền, cơn buồn ngủ díp cả mắt lại, lơ mơ, mệt mỏi, có lẽ do ảnh hưởng của thuốc ngủ. Tôi nằm mãi trong giường đến tận 1 giờ chiều mới tỉnh giấc, bỏ cả bữa ăn trưa. Thời tiết hôm nay oi nồng quá, hình như ông trời bứt dứt muốn mưa, bầu trời u tối, mây đen xám xịt, gió thổi ào ào. Tôi lại ra ngồi trên cái ghế ngay trong nhà bếp, gần hành lang nơi có giếng trời. Cả nhà vẫn còn ngủ trưa, không gian thật yên tĩnh, dựa hẳn lưng vào thành ghế, tôi thẫn thờ nhìn ra bức tường phía trước mặt, bức tường chơ chọi hứng chịu nắng mưa mỗi ngày, nay đã loang lổ vết ố vàng tào thành nhiều hình kỳ lạ. Ngắm nó chán tôi lại đứng lên mở tủ lạnh kiếm xem có gì đút vào miệng không, xong rồi lại chạy vào phòng khi kiếm cuốn sách đọc, khi lại kiểm tra xem mấy bịch thuốc bắc đã bỏ vào trong va li chưa, cứ chạy ra chạy vào liên tục, kéo cửa xẹt xẹt làm thằng Tài bực mình cằn nhằn:
    - Mẹ làm gì vậy? Vô thì vô hẳn, ra thì ra luôn, cứ kéo cửa lẹt xẹt con bực mình quá đi.
    Nghe con nói vậy, tôi cầm cái điện thoại chạy ra ngoài nhà bếp ngồi đó luôn. Trời lại bắt đầu hửng nắng, ánh nắng chói loà chiếu xiên qua giếng trời rọi thẳng vào trong hành lang gần chỗ tôi ngồi. Để tránh ánh nắng tôi di tản lên phòng khách, nằm dài trên ghế sa lông. Bộ ghế lâu ngày không giặt bốc mùi hôi rình, những vết cáu bẩn loang lổ trên nền vải gấm màu xanh két đậm. Tôi lầm bầm trong miệng: "Cái lũ chết tiệt nhà này chẳng được tích sự gì, bộ ghế đẹp thế này mà không biết giữ, chỉ việc kêu thợ về giặt có một tiếng đồng hồ là xong, vậy mà chẳng có đứa nào thèm ngó đến. Mua nhà cho chúng nó ở, mua đồ cho chúng nó xài, vậy mà có đứa nào biết giữ gìn gì đâu. Chỉ có mình bỏ tiền ra là xót ruột xót gan... lên tiếng cằn nhằn, tụi nó lại bảo mình già rồi đâm ra khó tính sao mà nói nhiều thế không biết, mà không lên tiếng thì thật bực mình. " Nếu cái điện thoại bên cạnh không réo ầm ĩ thì chắc tôi còn xổ ra một tràng dài nữa.
    - A lô...
    - Hân ơi! Chị Yến đây! Nhà em ở chỗ nào? Chị đang đứng ngay ngã tư Calmette và Nguyễn Công Trứ nè.
    - Để em chạy ra đón chị, chị đứng y chỗ cũ đi nghen.
    Tôi vội vã chạy ra ngoài hành lang, ngó xuống bên dưới, thấy chị Yến đang ngồi trên xe Honda, chống chân xuống đất dáo dác nhìn xung quanh tìm kiếm xem tôi ở đâu. Tôi gọi thật to, đưa tay vẫy rối rít:
    - Chị Yến ơi! Em ở đây nè!
    Chị Yến đã nhìn thấy tôi, tôi liền đưa tay chỉ chị gửi xe tuốt phía bên kia đường, xong quay vô nhà ngồi chờ. Độ vài phút sau tiếng chân chị tiến dần đến phía cửa, cửa hé mở chị bước vào, cười rổn rảng.
    - Trời ơi, nhà em khó kiếm gần chết, chị lượn qua đây mấy lần rồi mới gọi điện thoại cho em đó.
    - Tại họ đập tùm lum nên hơi khó kiếm. Chị uống nước gì để em pha cho chị nè.
    - Cho gì uống nấy.
    Chị Yến ngồi xuống ghế đối diện với tôi, bỏ mặc chị ngồi đó, tôi bước xuống bếp pha cho chị ly nước mơ ngâm đường, còn mình thì uống nước suối. Tôi quay trở lại phòng khách đặt ly nước trước mặt chị, mời mọc:
    - Uống đi cho thấm giọng để còn lấy sức nhiều chuyện nữa chớ chị.
    Chị Yến cười, đưa ly nước mơ lên miệng nhấm thử.
    - Nước gì ngộ vậy em?
    - Nước trái mơ đó, uống giải nhiệt tốt lắm.
    - Cũng ngon đó chớ, từ đó tới giờ chị có biết đâu.
    - Đây là thứ nước giải khát đặc sản của Bắc Kỳ mà chị.
    - Ồ vậy hả.
    Tôi nhìn chị Yến mỉm cười, dễ có hơn ba năm rồi tôi không gặp lại chị, chị Yến của tôi lúc nào cũng vẫn dễ thương và xí xọn y như ngày xưa, cái thời mà chị làm tổ trưởng nhóm chạy bàn tụi tôi. Chị Yến tính tình cởi mở, vui vẻ luôn giúp đỡ những người khác. Tuy rằng tôi chỉ làm việc bên cạnh chị trong một khoảng thời gian ngắn ngủi, nhưng lúc nào tôi cũng quý mến chị như người thân, lâu lâu tôi vẫn ghé qua nhà thăm chị mặc dầu tôi là đứa chúa lười thăm viếng bạn bè. Chị hơn tôi đúng một con giáp, tôi hay chọc chị là con dê già, còn tôi là con dê non vì cả hai chị em tôi cùng cầm tinh con Dê. Chị Yến tuy không thuộc diện nghiêng nước đổ thành, nhan sắc kha khá, cặp mắt hơi nhỏ, sống mũi phải nhờ tới phẫu thuật nâng cao và môi dưới được bơm chút silicon chẻ làm hai căng mọng, chúm chím. Nhờ vóc dáng cân đối, mái tóc hợp thời trang, chị lại khéo trang điểm và biết chọn những bộ đồ hợp với mình nên chị Yến lúc nào cũng là số dzách đối với tôi. Thú thật, hồi đấy tôi thèm những bộ đồ chị mặc trên người, những thứ mà tôi có mơ cũng chẳng rờ vào được vì toàn là đồ từ Mỹ gửi về. Chị Yến có mấy người em định cư bên Mỹ, chị kể cho tụi tôi nghe về cuộc sống bên Mỹ, về người Mỹ một cách sành điệu, cứ y như chị đã từng sống bên đó trở về. Tụi tôi há hốc miệng ngồi nghe, thòm thèm, mơ mộng. Chị lúc nào cũng ước được qua định cư bên Mỹ, đối với chị và cả lũ tụi tôi nước Mỹ luôn là thiên đường. Tụi tôi cứ tưởng rằng sang được Mỹ là có thể thò tay lượm tiền rơi đầy ngoài đường. Chẳng vậy hay sao mà Việt Kiều về xài tiền như nước đó thôi. Với tôi, không chỉ có Mỹ mà bất cứ nước nào trên thế giới ngoài mấy nước nghèo ở Phi Châu ra tôi cứ ngỡ ở đâu cũng giàu có lắm và dễ kiếm tiền lắm, miễn đi ra ngoại quốc thì người nào tiền bạc cũng dư giả. Chỉ đến khi qua tới bên Nhật, đọc báo, xem ti vi, tôi mới bật ngửa ra rằng: "Tưởng vậy mà không phải vậy". So ra, tôi còn sung sướng hơn gấp trăn ngàn lần người khác mới chân ướt chân ráo đi định cư nước ngoài.
    Ba chị chị Yến cũng là sĩ quan anh ninh của VNCH "được" đi học tập cải tạo ngoài miền Bắc gần cả chục năm. Theo chị Yến kể thì gia đình chị ngày xưa ở tuốt ngoài Côn Đảo. Ba chị là trưởng ban an ninh trại tù ngoài Côn Đảo tên Đỗ Quang Phục. Sau khi miền Nam thất thủ, ba chị bị coi là thành phần ác ôn có nợ máu với nhân dân, ông được cho vào tù cải tạo và gửi tuốt ra ngoài Bắc, còn toàn bộ gia đình bị tống xuất ra khỏi đảo vào tháng 7 năm 1975. Lúc mới bị trục xuất khỏi đảo, gia đình chị về Thủ Đức tá túc bên ngoại. Chị Yến là chị hai của bảy người em, sau chị còn 2 trai và 5 gái, thời gian này chị đã có một đứa con trai nhỏ, chồng chết vì bệnh tật. Vài năm sau chị tiến thêm bước nữa và sinh đứa con trai thứ hai, nhưng số phận không mỉm cười với chị, chẳng bao được lâu chị chia tay với chồng, một mình nuôi hai đứa con lớn khôn.
    Vào thời điểm mà cả nước rộ lên phong trào đi vượt biên, chị Yến của tôi cũng hai lần tuông theo dòng người đổ ra biển, cả hai lần chị đều bị công an tóm. Lần thứ nhất ngoài Đà Nẵng vào năm 1988, chị bị bắt nhốt mất hơn tháng. Lần thứ hai, chị dạt xuống tận Bạc Liêu, nhưng không may bể ổ và chị bị nhốt gần hai tháng. Lần nào má chị cũng phải lo lót tiền bạc để chị thoát tội trở về nhà bình an. Chị nản không đi vượt biên nữa, phần nhiều là vì hết tiền. Tôi quen chị từ đầu năm 90, những năm mà Việt Nam bước sang thời kỳ đổi mới. Ba chị đã được phóng thích trở về đoàn tụ với gia đình, nghe chị nói đang làm thủ tục xuất cảnh qua Mỹ diện HO. Thời gian tôi làm việc chung với chị chỉ vài tháng, nhưng thỉnh thoảng chị em tôi vẫn gặp nhau, lần nào chị cũng khoe với tôi: "Chị sắp được phỏng vấn rồi". Mười mấy năm trôi qua cái ngày "chị sắp được phỏng vấn" vẫn cứ kéo dài dằng dặc cho đến tận hôm nay.
    Vào năm 2000, trước khi tôi sang định cư bên Nhật, ba má của chị đã qua được Mỹ, còn mấy đứa con thì bị rớt ở lại. Năm 2001, sau lần về thăm nhà đầu tiên, tôi ghé thăm chị, chị bảo với tôi rằng chị bỏ ý định qua Mỹ vì phỏng vấn cứ bị đánh rớt hoài. Vậy mà giờ đây sau gần 5 trôi qua, chị lại tiếp tục chuẩn bị hồ sơ phỏng vấn đi theo diện đoàn tụ vợ chồng. Tôi cầu mong cho chị đạt được ước vọng chị ấp ủ từ khi còn tuổi trẻ.
    Cuộc đời của chị là cả một bài thơ dài buồn thảm. Chị đã trải qua bao nhiêu mối tình tôi không biết, nhưng cái nhìn khách quan từ bên ngoài, tôi thấy chị là một phụ nữ không may mắn trong tình trường, yêu nhiều chị khổ nhiều. Về thương trường, chị chẳng có duyên buôn bán, chị đổi biết bao nhiêu nghề nhưng rốt cuộc tay trắng vẫn hoàn tay trắng. Lần đầu tiên chị mở tiệm uốn tóc cho thằng con út đứng làm chủ ngay đường Lê Lợi. Chỉ tồn tại chừng hơn năm là phải đóng cửa. Lần thứ hai chị mở quán cà phê sân vườn trên quận Bình Thạnh, tôi cũng đến khai trương, quán cà phê khá đẹp và thơ mộng, khách khứa rầm rộ, nhưng chỉ một thời gian sau đó phải sang tay cho người khác. Lần thứ ba mở tiệm băng dĩa trên đường Đinh Tiên Hoàng, cũng chả đi đến đâu, lỗ sạch bách. Nhà cửa phải đi mướn, nay dọn chỗ này, qua năm đã thấy ở nơi khác, chị chạy tùm lum, tôi theo kiếm muốn hụt hơi.
    - Thương dạo này làm ăn khá không cưng?
    Nghe chị nhắc đến Thương tôi mới giật mình sực tỉnh.
    - Em cũng không biết nữa, nghe nó nói cũng đủ kiếm sống. À, để em gọi điện thoại kêu nó xuống chơi hén.
    Tôi với cái điện thoại bấm số gọi cho Thương, đầu giây bên kia tiếng chuông reo ầm ĩ mà mãi mới thấy cô nàng nhấc máy, giọng lè nhè:
    - Giờ này mà còn ngủ sao cô ả? Xuống đi, chị Yến đang ngồi đây nè.
    Nghe tên chị Yến, Thương đổi giọng.
    - Ủa, có chị Yến đó hả Hân, để em xuống liền. Tối qua đi nhậu với mấy người bạn tới gần 4 giờ sáng mới về, mệt quá!
    - Mày nhậu nó vừa vừa thôi, kẻo chết sớm đấy! Đàn bà con gái gì đâu mà ham nhậu, bởi vậy nên ế chồng tới giờ này!
    Bên kia đầu giây, tôi vẳng nghe tiếng Thương cười sảng khoái. Thật ra, Thương quen chị Yến cũng do tôi. Một lần tôi rủ nó ra tiệm chị bới tóc đi đám cưới đứa bạn. Từ đấy Thương kết thân cùng chị Yến, hai người rù rì với nhau hùn hạp khuyếch trương tiệm lớn thêm tôi đâu biết, để sau đó sập tiệm, Thương lỗ gần hai cây vàng, nó cứ trách tôi hoài.
    Chị Yến lôi trong giỏ sách hai cuốn abum, đẩy sang phía tôi, nói:
    - Hình đám cưới của chị nè, xem đi cưng.
    Tôi cầm một cuốn lên, lật từng trang ra ngắm nghía. Hình chụp chị Yến đứng bên cạnh chồng cười toe toét. "Ông cụ" chồng chị trông còn khá khoẻ mạnh, cao lớn, đầu hói lên tận đỉnh với cái mũi lõ đỏ au, và miệng thì móm xọm, đeo mắt kiếng che gần hết nửa khuôn mặt. Trông ông cụ cũng rạng rỡ không kém gì cô dâu đứng nép một bên. Tôi gọi chồng chị là ông cụ vì cụ nay đã tròm trèm 75 mùa lá rụng. Chị Yến mặc chiếc áo dài cưới màu đỏ cánh sen, thêu thùa khá rực rỡ. Cô dâu 51 tuổi, dáng người thon thon. Nếu không biết rõ tuổi thật của chị, tôi đoán chị chừng hơn bốn chục là cùng. Tôi lật những trang tiếp theo, những tấm ảnh chụp vợ chồng chị chung với gia đình, bạn bè, tấm nào chị Yến cũng cười toét.
    - Mèng ơi...! 51 tuổi mới có được tấm chồng, mừng quá hay sao mà cười dữ vậy bà?
    Chị Yến phá lên cười ha hả.
    - Mừng chớ sao không mừng cưng! Ổng dễ thương lắm. Bữa tiệc cưới chấm dứt, chị thẩy ổng nằm chèo queo một mình ở khách sạn, còn chị đi nhậu tiếp với bạn bè tới gần sáng luôn.
    - Trời ơi! Vừa phải thôi chớ!
    - Ông già rồi em, thức theo mình chịu gì thấu. Bạn bè chúng nó cứ lôi đi, tụi nó la lối nói chưa đủ đô, không có bữa nào vui bằng tiệc cưới của cô dâu 51 tuổi. Đòi uống tiếp. Vui quá trời!
    - Có đi hưởng tuần trăng mật không chị?
    - Có chớ em, chị với ổng đi Nha Trang gần cả tuần.
    - Cha! Hạnh phúc dữ héng!
    Tôi hạ giọng nói nhỏ nhỏ:
    - Ông già như vậy, còn mần ăn được gì không chị?
    Hỏi xong câu đó, tôi phá lên cười. Chị Yến cũng cười theo, mắng yêu:
    - Đồ quỷ, hỏi tầm bậy tầm bạ không à.
    Tôi tiếp tục lật qua trang khác, tấm này chụp đại gia đình chị, có mấy người tôi biết mặt như chị Oanh, chị Nguyệt, chị Mỹ và cô út Thu Vân. Chị Yến chỉ vào cô bé gái mặc chiếc váy mầu hồng bảo:
    - Con gái của Thu Oanh đó, em nhớ không?
    - Cha! Lớn dữ rồi héng, càng lớn càng dễ thương ghê! Ba nó có về thăm nó không chị?
    - Không, thì từ cái vụ hồi chị kể cho em nghe tới giờ, ba nó đâu có về nữa.
    - Ồ, chả giận dai dữ! Còn thằng nào đây?
    - Ừa, thằng con nhỏ Mỹ em gái chị đó. Hên ghê, hồi Mỹ với chồng nó giận nhau, chồng bắt lén thằng nhỏ mang về Miên từ lúc còn nhỏ xíu à. Mỹ khóc quá trời, tưởng thất lạc thằng con luôn. Thằng chồng bị dính bịnh sida, chết rồi. Trước khi chết nó trối kêu gia đình trả lại con cho Mỹ. Thằng nhỏ về đây không biết tiếng Việt, bây giờ thì nói khá rồi. Cả nhà chị mừng hết sức.
    - Con bé tí xíu này là con của thằng Út nhà chị phải không?
    - Ừa, nó đó. Còn thằng chút éc này là đứa thứ hai của vợ chồng nó.
    - Trời! Vậy là nó giỏi hơn em rồi đó.
    Cả hai chị em tôi cùng cười rũ rượi.
    - Còn nhỏ Thu Vân hiện giờ ở đâu?
    - Bên Ấn Độ, chồng nó có việc làm về đón nó qua rồi.
    - Vậy gia đình chị là "international family" rồi đó! Chị Oanh lấy chồng Hongkong nè, chị Mỹ lấy chồng Miên nè, Thu Vân lấy chồng Ấn Độ nè, chị thì giờ có chồng Mỹ. Thôi còn bà Nguyệt, gả quách bà cho ông Pháp hay ông Đức gì đó cho rồi.
    - Nguyệt có chồng rồi em, gả cho ai nữa.
    Tôi vừa nói chuyện với chị, vừa lật trang kế tiếp của cuốn abum vừa cười tủm tỉm khi nghĩ đến Thu Vân, cô em gái út của chị. Thu Vân cao nhòng, ốm nhom hay bận bộ đầm trắng tinh, lại có tướng đi như bay lao về phía trước trông cứ như ma lướt, tui tôi vẫn chọc nó là "ma chơi". Lúc tôi chưa sang Nhật Vân lấy chồng người Ấn độ, có qua Ấn tổ chức đám cưới và sống bên nhà chồng. Tôi được xem hình đám cưới của Vân, cũng mặc áo Sa ri, đầu đội khăn voan vàng, mũi cũng xỏ lỗ đeo vòng, trán cũng chấm dấu đỏ chót y như mấy cô gái trong phim Ấn Độ. Sống bên đó được hơn năm chồng cô ả thất nghiệp khuyên nàng nên trở về Việt Nam vì dù sao bên đó còn có gia đình thân thuộc. Nay anh ta kiếm được việc làm về Việt Nam rước vợ qua sống chung.
    - Đám cưới chị tổ chức ở nhà hàng nào vậy?
    - Ở đường Cao Thắng đó em, nhà hàng cũng dễ thương lắm, rẻ mà đồ ăn rất ngon. Mà nói nghe nè, bữa tiệc cưới mắc cười gần chết, bé Ti con thằng Út đứng bên cạnh chị giựt áo gọi bà nội um xùm, trời ơi, con nhỏ đòi bà nội xin cái bông cầm trên tay. Thằng nhỏ bồi bàn cứ đứng trố mắt nhìn, hỏi: "Ủa cái vụ gì vậy chị?". Chị phải nói nho nhỏ: "Cháu nội đòi cái bông".
    Tôi phá ra cười rũ rượi, cười chảy cả nước mắt, cười đau quặn cả ruột. Thật tình nghe cứ như chuyện tiếu lâm thế kỷ.
    - Chồng em có về chung với em không?
    - Dạ không, em về mình ên à, ảnh mắc bận học.
    - Già rồi còn học gì nữa?
    - Học chớ, học cao học, thạc sĩ, tiến sĩ. "học... học nữa và học mãi" mà chị.
    - Chồng em có đẹp trai không?
    - Chị có đi dự đám cưới em mà.
    - Ờ lâu quá chị quên rồi.
    - Để em lấy hình cho chị coi.
    Nói rồi tôi đứng dậy, bước xuống phía phòng mình định vô trong lấy máy chụp hình mang ra cho chị coi. Nhưng cửa bên trong đã bị thằng Tài khoá trái, tôi lần ra phía cửa sổ tình trèo vào lối đó, nhưng cũng bị nó chốt bên trong luôn. Thằng cà chớn! Nó sợ tôi đi ra đi vô làm nó không ngủ được nên nhốt mẹ bên ngoài. Tôi quay ngược trở lại chỗ cũ, cười giả lả với chị:
    - Chút xíu đi, thằng con em nó chốt cửa bên trong rồi, không mở vô được.
    - Ừa, đâu có sao, chị còn chờ Thương nữa mà. À con nhỏ gì hay đi chung với em, hiện giờ ở đâu?
    - Chị tính nói nhỏ nào?
    - Nhỏ đẹp đẹp đó, hồi xưa hay lên uống cà phê chung với em đó.
    - À, con nhỏ Mỹ Lan hả? Nó lấy chồng định cư bên Canada rồi.
    - Ủa, nó đi hồi nào vậy cà?
    - Đi từ năm 2003 lận.
    - Chồng nó có khá không em?
    - Em đâu có biết. Chắc cũng nghèo vì Canada lương thấp thấy mồ.
    - Sao mà nó gặp được chồng nó vậy?
    - Qua bển mới gặp, chị nó bảo lãnh cho sang du lịch, gặp ông này rồi ở lại luôn.
    - Vậy nó có yêu chồng nó không em?
    - Ai mà biết, hỏi thì nó bảo: "Tao rất là yêu chồng tao...".
    Tôi nhại lại y chang giọng nói của đứa bạn cho chị Yến nghe, chị Yến cười khúc khích. Tôi tiếp tục:
    - Mà em thấy con nhỏ đó ai nó cũng "yêu" hết trơn, nhất là mấy anh Việt Kiều đẹp trai, chị yêu hết mình, bám lấy như sam vậy đó. Hồi còn ở Việt Nam, quen với thằng nào mà không mang lại khoe với em. Có thằng em nhìn mặt điếm thấy mồ, khuyên nó mà nó có thèm nghe đâu. Để đến khi thằng về nước, không thư từ liên lạc, buồn, thất tình khóc rấm rứt. Thấy mà bực mình.
    - Tại cái số đó em ơi.
    - Ủa, chớ không phải giống chị rồi chị động lòng hả?
    - Còn cái ông già người Nhật, bồ cũ của nó bây giờ ra sao?
    - Ổng chết rồi chị, chết đâu hồi tết năm 2002, bị nhồi máu cơ tim chết.
    - Trời, tội vậy!
    - Em nghe cũng hết hồn luôn. Thiệt tình, con người sống nay, chết mai không biết đâu mà lần. Ông tốt bụng lắm đó chị, lần nào qua ông cũng cho Lan quá trời tiền, ông bảo nó để dành đặng mai mốt phòng thân nếu lỡ ông không còn qua Việt Nam được nữa.
    Nhắc đến ông Koizumi, tôi cảm thấy chạnh lòng. Lần đầu tiên qua Nhật, tôi đi cùng chuyến bay với ông, ông giúp tôi làm mọi thủ tục, lúc ấy Tokyo và Sài Gòn chưa có chuyến bay trực tiếp, tôi phải bay qua ngả Kansai (Osaka) và từ đó chuyển tiếp đến Haneda (Tokyo). Nếu không có ông, chắc là tôi gặp nhiều rắc rối vì không biết tiếng Nhật. Sau khi tới Nhật, thỉnh thoảng ông gọi điện thoại hỏi thăm về cuộc sống mới mẻ của tôi, khuyên nhủ tôi đừng có buồn, ráng một thời gian sẽ quen. Vậy mà chỉ hơn 2 năm sau, ông ra đi đột ngột. Tin ông mất làm tôi bàng hoàng đau đớn, hình ảnh của ông lại hiển hiện trước mặt, tôi mín chặt môi mình để mặc cho những giọt nước mắt lã chã tuôn rơi. Ông Koizumi đã bước vào tuổi 63, nhưng còn khoẻ mạnh và rất phong độ, mới bữa nào bước chân của ông còn hùng hồn dập mạnh lên nền gạch bông trong khách sạn, nơi tôi và nhỏ Lan ngồi chờ ông đi ăn cơm chiều. Lan quen với ông, tôi được hưởng thơm lây, Lan nhận tôi làm chị, mang ông về tận nhà tôi giới thiệu với mọi người. Thằng Tài nhà tôi được ông mua cho đồ chơi xịn, con bé Trân được ông lì xì cho bao màu hồng hồng, còn tôi, lúc nào cũng có chocolate Nhật Bản chính hiệu nhai dí dỏm. Lâu lâu, lại được ông dắt lên Super ball sắm đồ. Ngày đám cưới tôi, ông không qua dự được những cũng gửi quà chúc mừng. Những ân tình ông dành cho gia đình tôi, làm sao tôi quên được. Khi nghe tin ông mất, chồng tôi cũng bất ngờ, anh bảo đó là một tai nạn. Tụi tôi chưa thực hiện được chuyến viếng thăm ông như hứa trước thì ông đã từ giã cuộc đời.
    - Lan nó cũng mua được cái nhà rồi hén em?
    - Dạ, lúc ổng còn sống lận. Nhưng sau đó nó bán rồi, bán để lo đi Pháp theo vụ hôn nhân giả và cuối cùng bị lừa mất đâu 8000 đô la.
    - Trời ơi, sao uổng vậy?
    - Thì tại nó ngu chớ sao. Em can nó ngay từ đầu, không chịu nghe. Ham đi Pháp lắm.
    - Vụ đó làm sao kể chị nghe đi.
    - Chờ em chút xíu, em đi lấy thêm nước uống đã, nãy giờ nói nhiều quá khô hết cả cuống họng rồi.
    Tôi đi xuống dưới bếp cầm luôn chai nước suối để trong tủ lạnh lên phòng khách, rót thêm nước vào ly cho chị, rồi mới rót vào ly mình, ngửa cổ uống ực một hơi cho đã khát, chậm rãi kể tiếp:
    - Nó bị con mẹ kế bên nhà dụ khị, mẹ có ông bồ là Viêt Kiều Pháp, rù rì làm sao mà đưa một lúc cho mẹ 8000 đô la. Sau đó ông bồ bà về nước bị tai nạn đâu qua Việt Nam được nữa, mẹ xù tiền luôn.
    - Trời! Tội nghiệp Lan quá hén.
    - Mẹ không xù thì cũng có tiền đâu mà trả, nghèo rớt mồng tơi, nhà đang ở là đi mướn. Chẳng biết Lan nghĩ sao mà đưa một lúc số tiền lớn vậy cho mẹ.
    - Nhỏ em nó dạo này sao rồi? Còn mần ăn ngoài Hà Nội nữa không?
    - Nhỏ đó chết rồi chị, bị ung thư gan chết hơn năm rồi. Tội ghê! Chết ở lứa tuổi có ba chục. Phát bịnh hai tháng là chết liền.
    - Trời ơi, sao buồn quá vậy nè!
    - Nhỏ đó giỏi lắm đó chị, nó mở nhà hàng ngoài Hà Nội, nấu đồ ăn đậm chất Nam bộ, đắt khách lắm. Hồi đó Lan vẫn phải mua gạo tấm, ba đồ gia vị trong này gửi xe lửa ra cho em nó bán. Nó chết rồi không biết nhà hàng sẽ ra sao?
    - Còn thằng con nó thì sao? Ba nó lãnh nuôi hả?
    - Không. Đang ở Sài Gòn nè, mà ở đâu thì em không biết. Lúc má thằng nhóc chết, đâu có cho nó biết mà gởi thẳng vô Sài Gòn, vì sợ ba nó biết bắt nuôi.
    - Sao không để cho ba nó nuôi, nó sống với ba ruột không tốt hơn hả?
    - Ba nó có vợ khác rồi. Chị em Lan đâu có muốn mất cháu, nghe nói chị của Lan làm giấy bảo lãnh mang thằng nhóc qua Canada.
    - Vậy thì tốt. Tội nghiệp thằng nhóc quá!
    - Chị biết không, cả nhà Lan nói tiếng Nam, lọt mình thằng nhỏ nói giọng Bắc kỳ đặc sệt. Lúc sau này nó biết má nó chết, nó nói với Lan rằng: "Dì không được uống rượu, đừng có như mẹ cháu, bia rượu cho lắm vào, bị bệnh gan chết rồi đấy!". Lan kể cho em nghe, hai đứa em cười quá trời.
    - Thằng nhóc bao nhiêu tuổi rồi em?
    - Tám tuổi. Ý! bây giờ thì 9 tuổi rồi.
    Chị Yến buồn bã nhắm mắt lại, tôi cũng ngồi im không nói gì, tay lật đi lật lại mấy cuốn abum hình. Để xua đuổi không khí nặng nề bao trùm lên căn phòng, tôi đánh tiếng trước:
    - Ai trang điểm cô dâu cho chị sao mà đậm lè vậy trời?
    - Ờ cái con nhỏ kia kìa.
    - Chị tự trang điểm còn đẹp hơn đó. Cái áo xoa rê dễ thương quá!
    - Đẹp không? Đố em biết chị mướn hết bao nhiêu đó?
    - Mấy trăm chị?
    - Có 2 trăm ngàn đồng à. Ai cũng khen đẹp.
    - Rẻ quá! Mà đẹp thiệt.
    - Chị tính không có bận xoa rê, mình già rồi, áo dài là đủ nhưng bạn bè chị không chịu, bắt phải mướn xoa rê.
    - Chị bận xoa rê được lắm chớ, trông còn ngon lắm!
    Tôi chăm chú ngắm nghía cuốn abum thứ hai chụp chị mặc áo xoa rê, tấm nào cũng thấy cười toét.
    - Chào mẹ, chào cô.
    Tôi giật mình ngước lên thấy thằng con đang đứng lù lù ngay cạnh, tóc dựng ngược lỉa chỉa, mặt vẫn đang còn say ke. Chị Yến sững sờ nhìn thằng nhỏ không chớp mắt, mất vài giây chị mới xoay qua tôi, thốt lên:
    - Nó giống ba nó quá em ơi!
    Tôi mỉn cười âu yếm nhìn con.
    - Càng lớn càng giống hén. Ba nó về thăm nó không em?
    Tôi lắc đầu:
    - Dạ không. Lâu rồi em cũng không có tin tức gì của ổng, dám chết già rồi không chừng.
    - Ừm...! Cái miệng ăn mắm ăn muối, nói bậy bạ không à!
    Tôi lại toét miệng ra cười. Thằng Tài bỏ đi xuống phía dưới bếp.
    - Lẹ hén Yến, mới bữa nào mà nay đã mười mấy năm rồi.
    - Đàn ông bạc bẽo vậy đó em. May mà em còn gặp được ông chồng sau này tốt bụng. Ba thằng Tài ngó cái mặt tử tế vậy mà tệ thiệt hén!
    - Ổng tệ thiệt đó.
    Tôi ngoái cổ ngó xuống dưới canh me thằng Tài, mỗi lần nói lén ba ruột nó phải canh chừng không cho nó biết, tôi chưa bao giờ nguyền rửa, chửi bới ông trước mặt con, tôi muốn để khi con khôn lớn nó sẽ tự tìm hiểu về cha mình. Biết con còn ở bên dưới nhà, tôi nói khẽ đủ cho hai người nghe.
    - Hồi năm 2000 ba nó có về tìm, thăm nó được hai bữa đầu, sau lần rủ em đi chơi chung không được, ổng chẳng thèm tới thăm con nữa.
    - Có cho tiền nuôi con không?
    - Có, cho 500 ngàn đồng mà em không lấy.
    - Tệ dữ vậy hả?
    Tôi im lặng, tự nhiên nước mắt hai bên khoé cứ ấm ức tuôn trào. Bao nhiêu năm trời ôm con nuôi một mình, tôi đã chịu biết bao nhiêu nhọc nhằn, cay đắng. Ngay cả những lúc cùng quẫn vì túng thiếu, tôi cũng chưa bao giờ mở miệng xin ông một đồng nào. Tính đến năm 2000, con tôi tròn 8 tuổi, không biết ông nghĩ sao mà lại cầm 500 ngàn đồng đưa cho tôi với câu nói: "Em cầm lấy lo cho con" số tiền đó chỉ đáng giá 50 đô la mỹ, chắc ông tưởng nó to như bánh như bánh xe bò. Gạt nước mắt, tôi sụt sùi kể tiếp cho chị Yến nghe:
    - Thằng nhỏ coi vậy mà ghê lắm, thấy ba nó không lên thăm, em hỏi có buồn không, ảnh trả lời: "không, con chỉ biết có mẹ thôi". Vậy mà cô chủ nhà hỏi nó: " Sao lâu quá ba Tài không lên thăm Tài vậy?" Chị biết nó trả lời sao không?
    - Sao?
    - Ba con bận lắm, không có thời gian. Mà cũng tại mẹ con đó, chưởi ổng hoài, ba con tự ái đâu thèm lên nữa.
    - Nó nói vậy hả?
    - Dạ, thì cô chủ nhà méc lại em nghe. Thật ra, em đâu có chửi gì ba nó. Thằng lẻo mép thiệt!
    - Mà em với chồng hiện giờ sống có hạnh phúc không?
    Nghe chị hỏi, tôi khựng lại giây phút. Thật tình, tôi cũng chẳng biết mình có hạnh phúc hay không, nói đúng ra tôi chưa biết thế nào thì gọi là hạnh phúc. Thấy tôi ngây mặt, chị tiếp tục hỏi dồn:
    - Em có yêu chồng mình không?
    Tôi cười gượng, trả lời:
    - Yêu là một việc, hôn nhân là một việc. Hai cái đó khác hẳn nhau.
    - Con nhỏ này nói chuyện ngộ thiệt ta.
    - Đâu phải cứ lấy nhau vì tình yêu là có hạnh phúc, như chị chẳng hạn, qua mấy cuộc hôn nhân rồi, chị thấy mình có hạnh phúc không? Đó, chị cũng yêu đó!
    Chị Yến xụ mặt xuống, có vẻ buồn.
    - Em thừa nhận, cuộc hôn nhân của em lúc đầu là có tính toán, nhưng bây giờ thì coi như ván đã đóng thuyền rồi, bù lại chồng em yêu em, anh đối xử với em rất tốt. Như vậy là đủ rồi phải không chị?
    Chị Yến đăm chiêu, nhưng cũng gật đầu. Tôi lại hỏi chị:
    - Vậy chị có yêu ông Mỹ này không?
    - Không yêu sao mà chịu cưới.
    Rồi chị cất tiếng cười khanh khách. Tiếng gõ cửa cộc cộc cắt đứt câu chuyện của hai chị em tôi, tôi đứng dậy, bước ra mở cửa, miệng nói:
    - Thương đó.

Xem Tiếp Chương 28Xem Tiếp Chương 29 (Kết Thúc)

Một Người - Một Đời
  » Xem Tập 1
  » Xem Tập 2
  » Xem Tập 3
  » Xem Tập 4
  » Xem Tập 5
  » Xem Tập 6
  » Xem Tập 7
  » Xem Tập 8
  » Xem Tập 9
  » Xem Tập 10
  » Xem Tập 11
  » Xem Tập 12
  » Xem Tập 13
  » Xem Tập 14
  » Xem Tập 15
  » Xem Tập 16
  » Xem Tập 17
  » Xem Tập 18
  » Xem Tập 19
  » Xem Tập 20
  » Xem Tập 21
  » Xem Tập 22
  » Xem Tập 23
  » Xem Tập 24
  » Xem Tập 25
  » Xem Tập 26
  » Đang Xem Tập 27
  » Xem Tiếp Tập 28
  » Xem Tiếp Tập 29
 
Những Truyện Dài Khác