Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Dài » Tôtem Sói Tác Giả: Khương Nhung    
    Lý Bạch mang dòng máu Đột Quyết trong người, có thể chứng thực điều này qua tên của con trai con gái ông. Con trai ông tên “Tần Lê”. Hán ngữ không giải thích được từ này nghĩa là gì. Thực ra, đây là dịch âm tiếng Đột Quyết, có nghĩa là “sói”. Sói là tôtem của người Đột Quyết, đặt tên “Tần Lê” cũng như người Hán đặt tên là “Long” (Rồng). Con gái Lý Bạch tên là “Minh nguyệt nô”. Hiện nay tộc Duy Ngô Nhi nhiều cô gái tên “A Y Nô Nhi”, “A Y” nghĩa là vắng trăng, “Nô Nhi” nghĩa là ánh sáng, nguyệt là dịch ý, nô là dịch âm. Còn như cặp mắt Lý Bạch chính là đặc trưng mắt người Đột Quyết…
    - Mạnh Trì Bắc “Văn hoá thảo nguyên và lịch sử nhân loại”
     Được Trương Kế Nguyên đôi lúc đem thịt ngựa đến, thời gian này sói con đủ thịt ăn. Nhưng Trần Trận nghĩ tới sói con trong đàn sói có bao nhiêu là sói mẹ chăm sóc, cậu muốn cho sói con của cậu ăn ngon hơn, nhiều hơn, cho đi dạo nhiều hơn, thời gian vận động nhiều hơn. Nhưng trước mắt thịt ngựa chỉ còn một bữa cho sói, còn lũ chó thì đã đứt bữa. Trần Trận lo quá.
     Hôm trước nghe Cao Kiện Trung nói, trên dốc tây nam có một con bò mộng bị chết vì mưa đá. Sáng sớm hôm sau, Trần Trận đem theo con dao Mông Cổ và một chiếc tải lên chỗ con bò chết nhưng đã muộn, con bò chỉ còn lại cái sỏ và bộ xương sống mà ngay cả sói lớn cũng không nhai nổi. Đàn sói ăn sạch không để lại tí thịt nào dù là thịt vụn. Trần Trận ngồi bên quan sát tỉ mỉ bộ xương, thấy những kẽ xương đều có vết răng sói con. Sói lớn ăn miếng lớn, sói con răng nhỏ ăn miếng nhỏ, phân công hợp tác, con bò to như thế mà ăn sạch không còn một mẩu, nhặng xanh tức tối vo ve một hồi rồi bay đi. Ông già ngưu quan tổ Ba cũng đến, hình như con bò chỉ còn lại cái sỏ này là bò của ông. Ông nói với Trần Trận: Đàn sói không dám đến bắt cừu nữa,
    Tăngcơli giết một con bò cho chúng ăn. Cậu nghĩ coi, không sớm không muộn, đúng chiều tối mới chết, đám dân công định sang hôm sau lấy về ăn nhưng không kịp. Anh bạn trẻ, quy củ trên thảo nguyên là do trời định, phá quy củ đó sẽ bị trừng phạt. Nét mặt đăm đăm, ông lên ngựa bỏ đi.
     Trần Trận nghĩ, nhiều ông già luôn miệng nói quy củ, có thể đó là quy luật tự nhiên. Quy luật tự nhiên do trời xanh, tức vũ trụ xếp đặt, vậy cậu trong điều kiện du mục nguyên thuỷ nuôi một con sói, hẳn là vi phạm phương thức sản xuất du mục. Sói con đã gây phiền phức mới cho thảo nguyên… Trần Trận trở về tay không, dọc đường suy nghĩ vẩn vơ. Cậu ngẩng nhìn trời, bầu trời như cái vòm lá trùm lên bốn phương. Trời xanh xanh, đồng cỏ mênh mông, gió thổi rạp cỏ không thấy sói. Trên thảo nguyên, đàn sói như những hồn ma, đến không thấy hình, đi không thấy bóng; thường nghe thấy tiếng, nhìn thấy hậu quả, mà không thấy mặt, khiến mọi người đều cảm thấy vô cùng bí ẩn. Càng lạ càng tò mò, càng muốn hiểu biết tường tận về sói. Từ khi nuôi sói con, thực sự ôm con sói bằng xương bằng thịt, ôm tôtem trong tay, qua bao gian nan vất vả, đương đầu với bao nỗi hiểm nguy, cậu đã muốn thôi mà không được, làm sao có thể dễ dàng bỏ dở?
     Trần Trận chạy đến lán dân công, mua nửa túi kê với giá cao. Cậu chỉ có thể tăng tỉ lệ lương thực cháo thịt, tranh thủ lần giết cừu sau, mới có thể chăm lo đến lũ chó. Trần Trận vào nhà định chợp mắt mộc lúc, bỗng ba con cún trong nhà sủa ầm lên vui mừng chạy về phía tây. Cậu chạy theo ra cửa, thấy Nhị Lang, Vàng và Ilưa từ phía núi chạy về. Nhị Lang và Vàng ngậm trong miệng con mồi không nhỏ. Con Vàng và Ilưa không chịu nổi bữa đói bữa no, theo Nhị Lang lên núi kiếm cái ăn. Xem ra hôm nay chúng kiếm ăn được, bụng tròn căng, và bắt đầu nghĩ đến gia đình.
     Cậu vội chạy ra đón. Ba con cún giành con mồi trong miệng chó lớn. Nhị Lang đặt con mồi xuống đất gạt đám cún ra rồi ngoạm con mồi chạy về nhà. Trần Trận mắt sáng lên, con mồi trong miệng Nhị Lang và Vàng đều là rái cá cạn, con Ilưa cũng ngậm con chuột hoa dài hơn thước, đầu to bằng củ cải lớn. Trần Trận lần đầu tiên thấy chó nhà mình săn được mồi đem về. Cậu vui vẻ chạy ra đón lấy con mồi. Con Vàng và Ilưa muốn báo công, đặt con mồi xuống chân chủ rồi chạy quanh hết vòng này đến vòng khác, đuôi vẫy rối rít. Con Vàng còn biểu diễn một động tác vồ mồi mà Trần Trận chưa thấy bao giờ, chân trước và cổ gần như chạm con rái cá, có ý khoe chính nó vồ được. Con rái cá hở bụng lô ra hàng vú hồng hồng căng sữa. Nó là con rái cá mẹ đang thời kỳ cho con bú. Trần Trận vỗ đầu hai con chó, khen: Giỏi lắm! Giỏi lắm!
     Nhưng Nhị Lang không chịu nhả con mồi ra. Nó chạy vòng qua Trần Trận ra chỗ sói con. Thấy con mồi vừa to vừa béo, Trần Trận chạy theo túm đuôi Nhị Lang kéo lại, giằng lấy con mồi từ miệng nó. Nhị Lang không giận, còn vẫy đuôi với cậu. Trần Trận cầm chân sau nhấc lên, con rái cá đực nặng dễ đến sáu bảy cân, lông bóng mượt, béo chắc, sang thu mới tích mỡ. Trần Trận định bụng dành con này cho người, đã lâu mấy anh em chưa được miếng thịt nào vào bụng.
     Trần Trận tay trái xách con rái cá đực, tay phải xách con rái cá cái và con chuột hoa, vui vẻ bước vào trong nhà. Ba con cún chạy theo sau, vừa chạy vừa đùa dỡn. Trần Trận bỏ con rái cá đực vào trong lều, đóng cửa lại. Lũ chó cún chưa được ăn rái cá bao giờ, hết ngửi lại hít, chúng chưa biết xé thịt ăn.
     Trần Trận quyết định cho ba con cún ăn con rái cá mẹ, con chuột hoa thì cho sói con, cho nó nếm loại thịt mà họ hàng nhà nó thích nhất, và cũng cho nó tập xé thịt ăn.
     Rái cá mùa hạ lông không có tuyết, bán không được tiền, trạm không thu mua. Vậy là Trần Trận dùng dao Mông Cổ chia đều con rái cá làm bốn phần, ba phân cho ba con cún, một phần để lại cho bữa sau của con sói. Trần Trận đem ba phần chia cho ba con cún. Trông thấy máu lẫn thịt, lũ chó cún biết phải ăn như thế nào. Không tranh giành nhau, chúng nằm xuống bên cạnh phần thịt, ngoạm từng miếng lớn. Ba con chó lớn vui cười, chúng bằng lòng về cách chia thịt rất công bằng của Trần Trận. Cách chia này, cậu học trong “Tiếng gọi nơi hoang dã” của Giắc Lơnđơn. Cuốn truyện này từ lúc cho mượn đã chuyền tay trong hai đại đội, không thu hồi được nữa.
     Ba con chó lớn no cành hông. Lập quân công thì phải khen thưởng kịp thời. Đay là quy định truyền thống xưa nay ở Trung Quốc cũng như ở nước ngoài, và cũng đã thành nếp ở Mông Cổ. Trần Trận vào trong lều lấy ra bốn miếng kẹo sữa khao thưởng mấy con chó lớn. Trước tiên cậu thưởng cho con Nhị Lang hai miếng. Nhị Lang ngậm ở miệng nhưng chưa ăn, liếc nhìn con Vàng và con Ilưa, khi thấy hai con kia mỗi con chỉ được một miếng, nó hỉ hả xé giấy bóc kẹo ra ăn, nhai côm cốp. Con Vàng và con Ilưa được thưởng ít hơn một miếng, nhưng không có ý kiến gì, lập tức bóc giấy gói ra ăn. Trần Trận hơi nghi, có lẽ hai con mồi không phải chúng bắt, mà vẫn là Nhị Lang, chúng chỉ đem về giúp.
     Sói con đã đánh hơi thấy mùi máu. Nó đứng trên hai chân sau phưỡn cái bụng lông thưa thớt, hai chân trước cào như điên. Trần Trận cố ý không nhìn sói con, vì sợi xích thít cổ sói con quá chặt. Đến khi lũ chó ăn xong, cậu mới xử lý con chuột đồng. Họ chuột trên thảo nguyên rất nhiều loài, thường thấy có chuột, chuột hoa, và chuột đồng. Nơi nào trên thảo nguyên Mông Cổ cũng có chuột. Bên ngoài căn lều khoảng năm sáu mét là có hang chuột, lũ chuột đứng bên miệng hang kêu chít chít. Có khi căn lều dựng ngay trên một hang chuột, lũ chuột lập tức chuyển từ ăn cỏ sang ăn tạp, ăn vụng lương thực, sữa và thịt, ỉa đái trong túi đựng thức ăn, thậm chí chui vào trong hòm gặm sách vở. Khi chuyển nhà, người Mông Cổ mới thấy trong những chiếc ủng da hoặc giầy vải có ổ chuột con đỏ hỏn trông phát khiếp. Mục dân và thanh niên trí thức ghét cay ghét đắng chuột thảo nguyên, Trần Trận và Dương Khắc căm thù chuột đến tận xương tuỷ vì chúng cắn nát của hai cậu quyển sách kinh điển.
     Chuột hoa chỉ lớn bằng con sóc Bắc Kinh, đuôi nhỏ, chúng có mắt to như sóc, bộ lông màu nâu có những chấm xám, đuôi như chiếc bàn chải đánh răng.
     Nghe ông già Pilich kể lại, thời xưa, chuột hoa làm bia cho trẻ em Mông Cổ tập bắn bằng cung tên loại nhỏ.
     Chuột hoa ranh mãnh, chạy cực nhanh và chỗ nào cũng có hang của nó. Tên bay chậm, nó chui luôn vào hang. Hàng ngày trẻ em Mông Cổ phải bắn đủ số lượng bố mẹ quy định mới được về nhà ăn cơm. Nhưng bắn chuột là trò chơi vui thích của trẻ em Mông Cổ, đồng cỏ trở thành sân chơi của chúng. Chúng thường chơi mải mê quên cả ăn. Lớn lên chút nữa, chúng tập cưỡi ngựa và bắn chuột bằng cây cung lớn hơn. Năm xưa một trong những đại tướng của Thành Cát Tư Hãn, một đại thiện xạ Mông Cổ là đại tướng Triêcbê nổi tiếng trong chiến tranh với Nga La Tư, trưởng thành từ cách luyện tập này. Triêcbê có thể trên mình ngựa đang phi bắn trúng cái đầu bé tí của chuột hoa cách hơn trăm bước chân. Người già bảo, người Mông Cổ dựa vào tài cưỡi ngựa bắn cung giỏi nhất thiên hạ để bảo vệ đồng cỏ, mà tiễn pháp được rèn từ tập bắn những con vật sống nhỏ nhất, linh hoạt nhất. Nếu trưởng thành từ giai đoạn bắn chuột, sẽ bách phát bách trúng. Dê vàng, cáo, sói, quân địch, chỉ một phát bắn trúng chỗ hiểm. Ngựa của người Hán không tốt, chỉ có thể dùng để bắn bia, làm sao có bản lĩnh như kỵ xạ Mông Cổ. Đụng nhau trên chiến trường, kỵ binh Mông Cổ chỉ bắn ba loạt tên là hạ gục gần nửa quân địch.
     Người già còn nói: Người Mông Cổ dùng chuột cho trẻ con tập bắn cung, là học từ sói. Sói mẹ dạy sói con bắt mồi bắt đầu từ dẫn sói con đi bắt chuột, vừa vui vừa rèn luyện bản lĩnh, vừa no bụng. Sói bắt chuột, giảm đựoc nạn chuột trên thảo nguyên.
     Thời xưa, hàng năm có bao nhiêu trẻ con và sói con vui vẻ đùa với chuột, bắt chuột, bắn chuột? Đã đào tạo ra bao nhiêu chiến binh giỏi, sói giỏi? Có bao nhiêu chuột bị giết? Bảo vệ được bao nhiêu đồng cỏ? Trần Trận thường thán phục người Mông Cổ có bao nhiêu là học viện quân sự trên thảo nguyên, có những huấn luyện viên tuyệt diệu là sói. Người Mông Cổ không chỉ tin theo “thiên thú nhân thảo hợp nhất” (trời thú người cỏ bốn trong một), sâu sắc và giá trị hơn nhiều “thiên nhất hợp phú” của người Hoa Hạ. Ngay cả loài chuột vốn là kẻ phá hoại vẫn có một giá trị không thể thay thế trên thảo nguyên.
     *
     * *
     Trần Trận xách đuôi con chuột đồng lên xem. Khi chăn cừu, cậu từng trông thấy chuột đực lớn, nhưng chưa bao giờ trông thấy con chuột dài hơn thước, to bằng cái phích nước. Loại chuột to như thế chỉ có ở những bãi cỏ rậm trong núi. Cậu tin thịt chuột vừa béo vừa mềm, món ăn khoái khẩu của sói con và sói lớn thảo nguyên. Cậu tưởng tượng sói con ngửi thấy mùi máu, lập tức vồ luôn con chuột, ăn ngấu nghiến chẳng khác ăn thịt ngựa.
     Trần Trận cầm đuôi con chuột, máu rỉ ra từ mũi con chuột rớt xuống đất. Cậu đứng bên vành ngoài cùng của cái chuồng, gọi to: Sói con ăn cơm!
     Sói con mắt đỏ ngầu. Nó chưa bao giờ trông thấy con vật này, nhưng ngửi mùi chắc là món ngon. Sói con liên tục nhảy lên đớp, Trần Trận cũng liên tục nâng tầm cao con chuột. Sói con chỉ nhìn con mồi, không nhìn Trần Trận, còn cậu thì kiên trì bắt nó phải nhìn cậu một cái rồi mới cho ăn. Nhưng Trần Trận nhận thấy hình như nguyện vọng này của cậu không đạt: Sói con sau khi nhin thấy con mồi, thái độ của nó khác hẳn ngày thường, hoàn toàn là một con thú hoang dã, mặt mày bặm trợn, nhe nanh múa vuốt, miệng ngoác hết cỡ, bốn vuốt giương ra, răng lợi bộc lộ hoàn toàn. Bộ dạng của sói con khiến cậu sởn tóc gáy, đu đưa mấy cái nữa thấy nó vẫn không them nhìn mình, cậu đành ném con chuột cho nó và ngồi xổm bên cạnh, xem nó xé con mồi ăn ngấu nghiến.
     Thế nhưng, hàng loạt động tác của sói con sau khi tiếp nhận con mồi hoàn toàn ngoài dự kiến, khiến Trần Trận suốt đời không quên và không hiểu nổi.
     Sói con ngoạm con chuột nhưng lập tức nhả xuống đất rồi lùi lại cách một mét, sợ sệt ngó nghiêng dễ đến ba phút, rồi như có vẻ yên tâm, nó chậm rãi tiến lại phía bên trái con chuột, dừng một thoáng, trước tiên quì chân trước bên phải, tiếp theo quì chân trước bên trái, sau đó nó chạm lưng bên phải vào con chuột rồi lăn mấy vòng. Rất nhanh, nó vùng dậy rũ sạch cát trên người rồi chạy sang phía bên phải con chuột, trươc tiên quì chân trước bên trái, tiếp theo quì chân trước bên phải, sau đó chạm lưng bên trái vào con chuột rồi lăn mấy vòng bên cạnh.
     Trần Trận tò mò đứng xem, không hiểu sói con định làm gì, cũng không biết sói con học ở đâu những động tác ấy, lại càng không hiểu động tác chạm lưng rồi lăn mấy vòng có ý nghĩa gì. Động tác này y như một chú bé lần đầu tiên được ăn tự do, cầm con gà quay trong tay, muốn ăn nhưng lại tiếc, lật đi lật lại không thôi.
     Sau khi hoàn thành những động tác phức tạp, sói con rùng mình rũ bụi, sửa lại xích cho thuận, lại chạy sang bên trái con chuột, bắt đầu lặp lại những động tác cũ, trước trước sau sau, ba trái ba phải, hoàn thành ba đợt chạm- lăn bên cạnh con mồi.
     Trần Trận sững người. Cậu nghĩ, trước đây đem thịt cho sói con ăn, thậm chí thịt tươi lẫn máu hẳn hoi, sói con không có những động tác này, sao bây giờ trông thấy con chuột mới có. Phải chăng đây là một phương thức mừng công khi bắt được mồi? Hay một nghi thức trước khi ăn? Thái độ thành kính của sói con y hệt các tín đồ khi nhận bánh thánh.
     Trần Trận nghĩ đau cả đầu rồi chợt hiểu, lần này cậu đem thức ăn đến cho sói con khác với những lần trước về bản chất. Những lần trước thức ăn ngon đến mấy nhưng là xương vụn thịt miếng, còn “thức ăn” lần này là con mồi nguyên vẹn thuần tự nhiên thuần hoang dã, một con mồi hoàn chỉnh như bò, cừu, ngựa, có đầu có đuôi, có thân có móng, có lông, có da, thậm chí là “vật sống” như nó. Có thể loài sói coi con mồi hoàn chỉnh mới cao quý, mới là “vật sống”, mới đáng hưởng dụng. Còn như xương vụn thịt miếng không còn nguyên vẹn hình hài, dù ngon đến mấy cũng chỉ là cơm thừa canh cặn của người ta, ăn những của đó còn đâu là quý phái? Phải chăng nhân loại coi bò quay cả con, cừu quay cả con, vịt quay cả con là thực phẩm cao quý, phải có nghi thức long trọng trước khi ăn, là ảnh hưởng từ sói? Hoặc loài người loài sói có những sở kiến giống nhau?
     Đây là lần đầu tiên sói con đứng trước món ăn nguyên vẹn cao quý, tính cao quý thiên bẩm của nó lộ ra, nên mới có những hành vi, nghi thức thành kính như thế.
     Nhưng sói con chưa bao giờ tham dự bất cứ nghi thức nào của đàn sói, làm sao nó có thể thực hiện nghiêm chỉnh, trình tự đúng phép tắc như thế? Y như những động tác ấy được tập luyện rất nhiều lần, như đươcm một huấn luyện viên chỉ bảo cặn kẽ. Trần Trận nghĩ mãi không ra.
     Sói con thở ra một hơi, vẫn không xé con mồi. Nó rung mình rũ bụi cho bộ lông sạch sẽ, rồi cất cao hai chân trước chậm rãi chạy quanh con mồi, phấn khởi tới mức mắt nheo lại, miệng hé mở, lưỡi thè ra nửa chừng, chậm rãi cất chân, chậm rãi đặt chân xuống đất, y như những con ngựa trắng cao lớn trong đoàn xiếc Liên Xô biểu diễn. Sói con thận trọng chạy chậm mấy vòng đột ngột chuyển sang chạy nhanh, nhưng bất kể chạy nhanh hay chậm, cái vòng tròn vẫn được giữ nguyên, một vòng tròn tiêu chuẩn do vô số dấu chân sói in trên cát hình thành.
     Trần Trận dựng tóc gáy, chợt nhớ lại hồi sau Tết, cái vòng tròn bí ẩn do dấu chân mấy chục con sói chạy quanh đàn ngựa bị sa lầy, tạo nên. Cái vòng tròn ma quái như một thứ âm phù, người già thảo nguyên tin rằng đó là tín hiệu của lũ sói xin phép và cảm ơn Trời. Cái vòng tròn rất tròn, lúc này cái vòng tròn của sói con cũng rất tròn, mà chính giữa là con mồi nguyên vẹn, đủ lông da.
     Chẳng lẽ sói con không dám hưởng dụng ngay con mồi, mà phải vẽ vòng tròn xin phép Trời?
     Kẻ vô thần gặp ngay một hiện thực như trong thần thoại hoặc thần thoại trong hiện thực. Trần Trận không thể giải thích những động tác kỳ lạ đó như một thứ “bản năng”, “di chuyển thiên bẩm”. Trần Trận từng nhiều lần lãnh giáo sói thảo nguyên, phương thức tư duy của con người khó ký giải hành vi của chúng.
     Sói con vẫn chạy một cách hào hứng. Nhưng nó một ngày nay chưa ăn thịt. Lúc này nó là con sói đói. Thường thì sói đói thấy thịt là ăn liền, vậy tại sao sói con không làm thế, mà lại có những động tác như của tín đồ tôn giáo? Nó nhịn đói để tiến hành những “nghi thức tông giáo” cực kỳ phiền toái, phải chăng thế giới loài sói cũng có tôn giáo nguyên thuỷ, và với một sức mạnh tinh thần to lớn chi phối hành vi của đàn sói, thậm chí có thể chi phối một sói con mở mắt đã xa đàn? Trần Trận tự hỏi: Phải chăng tôn giáo nguyên thuỷ của người nguyên thuỷ là đem về từ thế giới động vật? Người nguyên thuỷ và sói nguyên thuỷ phải chăng từ xa xưa đã có sự giao lưu tôn giáo nguyên thuỷ? Thảo nguyên thần bí có rất nhiều điều cần khám phá…
     Cuối cùng, sói con dừng lại. Nó ngồi xổm trước con chuột thở dốc, khi hơi thở đã trở lại bình thường, nó liếm mép hai lần, cặp mặt loé lên nét hoang dã và háu ăn, lập tức từ một thánh đồ biến thành con sói đói. Nó chồm lên con chuột, hai chân trước giữ chặt, ngoạm một miếng giữa ngực rồi hất đầu lên, xé rách da nửa thân trước con mồi lộ ra phần thịt trắng hếu. Sói con run lên, vừa xé vừa ăn ngấu nghiến. Khi nó ăn hết một bên thịt và xương, nó móc lục phủ ngũ tạng của con mồi ra ng oài và bất chấp mùi vị acid trong dạ dày, mùi vị phân và nước tiểu trong ruột, nó chén sạch.
     Sói con càng ăn càng thô bạo lại càng hưng phấn, vừa ăn vừa gầm gừ khoái trá, khiến Trần Trận toàn thân nổi da gà. Tư thế ăn của sói con ngày càng khó coi. Nó ăn tất cả những gì trên người con chuột, hầm bà làng không phân biệt. Thịt xương da lông hoặc mật đắng bàng quang, nó đều coi là mĩ vị, chỉ trong chớp mắt, con chuột to béo chỉ còn lại cái đầu và một ít lông. Sói con vẫn chưa thôi, hai chân trước chặn đầu chuột cho mõm ngửa lên, rồi ghé răng chỉ mấy miếng đã cắn nát nửa đầu, nhai chếu cháo rồi nuốt tỏm, răng cũng không nhè bỏ. Nửa đầu chuột còn lại cũng chỉ mấy miếng là mất biến, ngay cả cái đuôi rất ít thịt, toàn lông với xương sói con cũng không bỏ, cắn đứt đôi, nuốt tỏm. Mặt đất chỉ còn lại vài dấu máu và nước tiểu. Sói con hình như chưa đã them, nó nhìn Trần Trận thấy hai tay không, miễn cưỡng bước lên mấy bước nằm xuống gần cậu.
     Trần Trận nhận thấy sói con quả thật yêu thích lạ lùng chuột thảo nguyên. Chuột thảo nguyên kích thích bản năng và tiềm năng của sói. Chả trách hàng vạn năm nay thảo nguyên Ơlôn chưa hề xảy ra nạn chuột hoành hành trên diện tích lớn.
     Trần Trận thấy thương và tiếc cho sói con. Cậu gần như ngày nào cũng được xem sói con biểu diễn những trò đẹp mắt, hơn nữa, những trò lạ lung, có tính chất gợi mở, cậu đã trở thành một phần của sói con. Chỉ tiếc là địa bạn của sói con hẹp quá, nếu như có thể sử dụng toàn bộ thảo nguyên Mông Cổ làm sân khấu, có thể công diễn rất nhiều thoại kịch hùng tráng xúc động lòng người. Rất tiếc là những vở như thế của sói trên thảo nguyên Mông Cổ mênh mông phần lớn đã thất truyền. Những binh đoàn sói còn sót lại bị dồn lên đường biên. Người Trung Quốc không còn có dịp nào được mở rộng tầm mắt, được nghe lời dạy bảo của sói.
     Sói con nhìn đăm đăm lũ cún con đang nhai xương. Trần Trận trở vào trong lều lột da con rái cá cạn. Cậu lọc ra chỗ thịt chó cắn trên cổ, cắt lấy cái sỏ con rái cá cho vào chậu, chuẩn bị cho sói con ăn bữa tối.
     Trần Trận mổ bụng, loại bỏ ngũ tạng, lọc thịt tảng, rồi cho vào nồi luộc. Thịt của con rái cá cạn chiếm hơn nửa nồi, đủ cho ba người ăn một bữa thoải mái.
     *
     * *
     Chiều tối, sói con ngồi ngay ngắn trên cát, mặt quay về hướng tây, sốt ruột đợi mặt trời chỉ còn là hình bán nguyệt ở chân trời. Chỉ cần trên đỉnh dốc còn lưu lại vài chấm sáng là sói con quay mặt về phía cửa lều biểu diễn bao nhiêu là động tác và tư thế như đánh trống, vồ mồi, nhảy lộn vòng ra phía sau, lại nữa, cố ý rung xích sắt cho kêu leng keng nhằm nhắc nhở Trần Trận và Dương Khắc: Thời gian này là của nó.
     Trần Trận ăn trước miếng thịt rái cá luộc, cầm roi ngựa, tháo xích cho sói đi dạo. Nhị Lang và Vàng đi théo. Hàng ngày, khoảng thời gian tự do một nửa này là giờ phút hạnh phúc nhất của sói con, sưóng hơn ăn. Nhưng cho sói đi dạo không như cho chó bécgiê quân dụng đi dạo. Chó sói đi dạo là giờ phút khoan khoái nhất, những cũng vất vả mệt nhọc nhất của Trần Trận.
     Sói con ăn khoẻ, lớn càng nhanh, chiều dài thân đã hơn chó cùng tuồi một cái đầu, cân nặng gấp rưỡi. Sói con lông sữa đã thay hết, lông mới màu vàng ngà mọc đều, bóng mượt, lông bờm màu đen vừa dài vừa cứng, so với sói hoang không có gì khác biệt. Hồi mới đem về, cái đầu tròn nay đã hơi bằng, trên lớp lông màu vàng ngà có những chấm trắng, mặt bắt đầu dài ra, mũi ươn ướt giống cái nút chai bằng cao su, vừa rắn vừa dai. Trần Trận rất thích bóp mũi sói con, hễ bóp là sói con hắt hơi, nó rất không thích cử chỉ thân thiện này. Hai tai sói con đã nhon ra, cứng và thẳng, nhìn từ xa, sói con đã như một con sói thực thụ.
     Mắt sói là bộ phận trên mặt khiến người sợ mà thích. Mắt sói con tròn xoe, nhưng là mắt xếhc, khoé trong thấp, khoé ngoài cao, nếu kéo một đường thẳng từ khoé mắt trong đến khoé mắt ngoài thì góc chếch là 45 độ, chếch hơn các diễn viên kinh kịch trên sân khấu. Khoé mắt trong của sói con còn kéo dài thêm một rãnh sâu trông càng kỳ dị. Trần Trận nhìn mắt sói con lại nhớ câu “mày liễu dựng ngược” hoặc “bạch hổ mắt treo”. Lông mày sói chỉ là những sợi lông màu vàng nhạt, vì vậy khi tức giận sói có nhướng mày để uy hiếp cũng không có tác dụng gì. Khi sói biểu thị tức giận phần lớn là nhờ cặp “mắt treo”, một khi mặt sói dựng ngược thì dữ không kém mắt bạch hổ, uy hiếp người ta hơn quỷ dữ. Hay nhất là ở chỗ, những nếp gấp cùng góc độ dọc hai bên sống mũi làm cho cặp mắt thêm hung dữ.
     Đồng tử sói không giống các loài động vật khác, “lòng trắng” màu vàng hổ phách. Người ta bảo đèn pha ô tô màu vàng chanh là màu có thể xuyên mù. Trần Trận cảm thấy mắt sói màu vàng chanh có sức xuyên thấu không thể cưỡng đối với động vật. Đồng tử sói tương đối nhỏ. chỉ như lỗ kim châm u tối, khí độc khiến người kinh sợ. Trần Trận chưa khi nào dám mắt chọi mắt với sói con khi nó tức giận, chỉ sợ từ đó phóng ra hai mũi kim độc.
     Trần Trận từ khi nuôi con sói và sống thân thiện với nó mỗi khi sói con vui vẻ, cậu có thể nắm hai tai nâng mặt nó lên, mắt trong mắt, mũi cọ mũi, ngắm nghía bộ mặt một con sói sống. Cậu gần như ngày nào cũng ngắm cũng xem như vậy đã hơn một trăm ngày rồi. Cậu thuộc lòng bộ mặt sói con. Tuy cậu thường xuyên nhìn thấy nét cười đáng yêu của sói con, nhưng cậu cũng thường nhìn mà rùng mình sởn gáy. Chỉ riêng cặp mắt đã khiến cậu lạnh xương sống, nếu như sói con ngoác miệng lộ ra bốn chiếc răng nhọn hơn cả răng rắn đeo kính thì càng sợ vỡ mật. Cậu thường bóp miệng sói con, dùng ngón tay búng răng sói kêu cách cách như búng lên thép không rỉ, độ rắn và độ bền đều rất tốt. Dùng ngón tay thử răng sói con, thấy độ sắc của chúng hơn cả mũi dùi đột đế giày, men răng sói rắn hơn men răng người.
     Tăngcơli rất thiên vị sói thảo nguyên, ban cho sói bộ mặt đẹp và một vũ khí đáng sợ. Bộ mặt sói là vũ khí, răng sói lại là bộ mặt. Rất nhiều động vật trên thảo nguyên chưa giao đấu đã bị vũ khí trên người sói giải giáp. Bốn chiếc răng ngày càng nhọn sắc trong miệng sói, khiến Trần Trận đêm ngày không yên.
     Được cái sói con rất thích đi dạo, chỉ cần sói con vui vẻ là nó không sử dụng vũ khí bộ mặt với Trần Trận, càng không nhe răng ra. Cắn là phương thức chủ yếu sói dùng để biểu thị tình cảm. Trần Trận cũng thường xuyên đút ngón tay vào miệng sói cho nó gặm. Sói con rất có mức độ, chỉ cắn nhẹ, không dùng sức, như sói trong đàn cắn đùa nhau, không bao giờ rách da chảy máu.
     Hơn một tháng nay, sói con lớn nhanh kinh khủng, thể lực tăng nhanh hơn thể trọng. Hàng ngày nói là đi dạo, thực ra không phải là dắt chó mà bị chó kéo đi. Sói con rời chuồng là như bò mộng, lôi sềnh sệch Trần Trận ra bãi cỏ. Để cho sói con luyện chân hoặc tập chạy, Trần Trận hoặc Dương Khắc thường cùng chạy với nó. Nhưng khi người không chạy được nữa, sói con bắt đầu mắm môi mắm lợi mà kéo mà lôi, thường là từ nửa tiếng đến một tiếng. Trần Trận bị kéo rát tay, bị lôi mỏi dừ đôi cánh tay, mồ hôi đầm đìa, mệt hơn một ngày lao động cật lực. Cao nguyên Mông Cổ dưỡng khí loãng hơn nhiều so với đồng bằng Bắc Kinh. Trần Trận thường bị sói con lôi đến mức não thiếu dưỡng khí, mặt trắng bệch, hai chân chuột rút. Lúc đầu cậu định tập chạy việt dã, luyện cho cơ thể rắn chắc, nhưng khi sức bật của sói con được tung ra, cậu đâm nản. Sói là kiện tướng chạy đường trường trên thảo nguyên, giống ngựa Uchumuxi nổi tiếng thế giới cũng không bằng. Cặp chân người Hán như cậu mà đòi chạy thi? Trần Trận và Dương Khắc bắt đầu lo, khi sói con lớn hoàn toàn, các cậu làm sao mà dắt? Chưa chừng bị sói con dắt tới chỗ đàn sói!
     Có khi Trần Trận và Dương Khắc bị kéo ngã, vài phụ nữ và trẻ em ở căn lều gần đó ôm bụng mà cười. Dù mục dân cho rằng nuôi sói là chuyện vô bổ nhưng mọi người đều rất thích xem nó ra sao, mục dân đều đợi sự phán xét công minh của Tăngcơli đối với cái gọi là “thực nghiệm khoa học” của đam thanh niên trí thức Bắc Kinh. Một vị biết võ vẽ tiếng Nga nói với Trần Trận: Người không thuần dưỡng được sói, khoa học cũng không thuần dưỡng được sói thảo nguyên. Trần Trận giải thích: Cậu chỉ quan sát sói, không hề có ý định thuần dưỡng sói. Không một ai tin vào lời giải thích của cậu, nhưng kế hoạch lại bécgiê thì mục trường ai cũng biết. Cậu và Dương Khắc bị sói con lôi ngã trở thành chuyện cười trên chiếu rượu của mục dân, mọi người bảo, hãy đợi đấy, con sói sẽ ăn thịt chó cái cho mà xem.
     Sói con vui sướng kéo Trần Trận chạy thật nhanh. Trần Trận thở phì phò. Điều kỳ lạ là trước đây khi đi dạo, sói con thích lôi Trần Trận chạy bừa bất kể phương hướng, nhưng gần đây sói con rất thích lôi Trần Trận chạy về hướng tây bắc, cái hướng mà đêm hôm đó tiếng sói mẹ dày đặc nhất. Tính hiếu kỳ nổi dậy, Trần Trận cũng muốn tìm hiểu vì sao. Cậu chạy theo sói con một đoạn đường rất xa, xa hơn tất cả những lần chạy trước. Lội qua một cái rãnh, sói con dẫn cậu lên một sườn dốc. Trần Trận nhìn lại thấy mình cách nhà ba bốn dặm thì hơi lo, nhưng vì có con Vàng và con Nhị Lang hộ vệ, trong tay có roi ngựa, nên không kéo sói con quay lại. Chạy thêm nửa dặm nữa, sói con mới chạy chậm lại, đánh hơi khắp chốn, một đống phân bò, một mô đất, một đốt xương, một bụi cỏ, một hòn đá đều không bỏ qua.
     Ngửi, ngửi mãi, sói con đến trước bụi cỏ kim mao thò mũi ngửi, đột nhiên nó rùng mình, lông gáy dựng đứng như lông nhím, ánh mắt lộ vẻ vui mừng, hết ngửi lại hít, chỉ tiếc không rúc hẳn vào trong bụi cỏ. Chợt nó ngẩng đầu lên, hướng về phía tây còn vương ráng chiều, cất tiếng tru ai oán, với nội dung kể lể nỗi đau trong cảnh tù đày, bày tỏ khát vọng trở về với tộc quần, không phấn khởi hân hoan như tiếng tru những ngày đầu.
     Nhị Lang và con Vàng ngửi đám cỏ kim mao. Hai con chó lớn cũng dựng lông gáy, hung hãn cào đất, hướng về phía tây sủa dữ dội. Trần Trận chợt hiểu ra: Sói con và hai con chó lớn đều ngửi thấy mùi nước tiểu của sói. Cậu dùng chân đi giày gạt cỏ ra xem, những cọng cỏ phía dưới bị cháy vàng vì nước tiểu, mùi khai nồng nặc xộc lên mũi. Trần Trận hơi hoảng: Đây là bãi nước tiểu mới, xem ra con sói đêm qua hoạt động quanh đây, gần khu lều trại. Ráng chiều đã nhạt, núi đồi chìm trong bóng tối mờ, gió nhẹ, những ngọn cỏ rung động như có đàn sói trong đó. Trần Trận run lên, cậu sợ bị đám sói mẹ phục kích. Không kịp suy nghĩ gì hết, Trần Trận vội lôi sói con trở về.
     Chính vào giờ phút đó, sói con nghếch chân sau đái một bãi vào đám cỏ kim mao. Trần Trận sợ, lôi con sói lại. Sói mẹ đang nhớ sói con mà sói con nhắn tin bằng cách này, nếu nó gặp lại sói mẹ, hậu quả sẽ không thể lường. Trần Trận giật mạnh cái xích khiến sói con ngã lộn một vòng, và cũng cú giật ấy, nửa bái nước tiểu sói con phải nhịn lại, ước mong tìm lại mẹ cũng do đó mà đứt đoạn. Sói con nổi giận, mắt xếch ngược, nhảy bổ vào Trần Trận như một con sói hoang thực thụ. Trần Trận vội vàng lùi lại nhưng vướng cỏ ngã ngửa, sói con đớp cho cậu một miếng vào bắp chân. Trần Trận “ối” lên một tiếng, chân đau nhói. Răng sói cắn rách lần vải quần vào đến thịt. Trần Trận ngồi dậy, dùng mã bổng quật vào mũi sói con, nhưng nó dã phát điên không chịu nhả, còn định dứt đứt một miếng thịt cho hả giận.
     Hai con chó lớn sợ hãi nhảy dựng lên. Con Vàng ngoạm chặt gáy sói con lôi ra, Nhị Lang ghé sát tai sói mà sủa, tiếng sủa nghe như sấm khiến con sói sợ, nhả miệng ra.
     Trần Trận sợ gần như ngất xỉu. Con sói chính cậu chăm sóc, giờ đây răng nó dính máu cậu. Nhị Lang và Vàng vẫn đang cắn sói con. Trần Trận vội chạy tới ôm chặt lấy cổ nó nhưng sói con vẫn quẫy đạp dữ dội, mắt xếch ngược, gầm gừ không thôi.
     Trần Trận nạt hai con chó lớn. Nhị Lang và Vàng thôi công kích, sói con cũng ngừng quẫy. Cậu bỏ tay ra, sói con lùi xa hai bước nhìn cậu bằng ánh mắt hoang dã, lông gáy vẫn chưa xẹp xuống. Trần Trận vừa tức vừa sợ, bảo: Sói con, mày mù rồi hả? Sao mày cắn tao? Sói con nghe giọng nói quen thuộc sực tỉnh, nó ngoẹo đầu nhìn người đứng trước mặt lần nữa, dần nhận ra Trần Trận, nhưng ánh mắt nó không hề có ý xin lỗi.
     Vết thương đang chảy máu. Máu đã chảy xuống giày. Trần Trận vội đứng lên, cắm sâu cây mã bổng vào một cái hang chuột, lồng cái xích vào cây cọc tạm thời đó. Cậu sợ con sói thấy máu nghĩ bậy, bèn đi lên mấy bước, quay lưng lại rồi ngồi xuống cởi giày, xắn quần lên. Bắp chân thủng bốn lỗ, đều chảy máu, may mà vải quần dày như vải bạt, vết thương không sâu lắm. Trần Trận vội chữa trị theo phương pháp cổ truyền của dân địa phương, trước hết nặn cho hết máu ở vết thương, rồi nặn tiếp, dùng máu sạch của cơ thể rửa vết thương. Máu nặn ra chừng nửa sơ ranh, Trần Trận xé vải áo sơ mi băng vết thương, buộc kỹ.
     Trần Trận đứng lên, tháo xích dắt sói con quay đầu lại, trỏ làn khói trên căn lều Mông Cổ, gọi to: Sói con, ăn cơm nào! Uống nước nào! Cậu và Dương Khắc đã tìm ra cách này mỗi khi kết thúc đi dạo muốn cho sói con mau trở về nhà. Sói con nghe nói đến ăn cơm uống nước, thèm rỏ dãi, quên sạch những gì vừa xảy ra, không them ngoái lại, cứ thế lôi xềnh xệch Trần Trận về nhà. Về đến nhà, sói con chạy thẳng ra chỗ để chậu thức ăn, hớn hở đợi cơm nước. Trần Trận lồng chiếc khuyết ở đầu xích vào cọc, khoá chặt đầu cọ không cho xích bung ra, rồi bê thịt rái cá cạn cho sói con, múc cho nó nửa chậu nước sạch. Sói con khát khô cả cỏ. Nó khoan gặm xương mà chạy thẳng đến chậu nước, uống một hơi hết nửa số nước trong chậu. Mỗi khi đi dạo muốn sói con mau chóng trở về, các cậu không cho sói con uống nước, mồ hôi đầm đìa, chỉ cần nhắc đến nước là sói con ngoan ngoãn trở về.
     Trần Trận vào trong lều thay băng. Cao Kiện Trung trông thấy vết thương liền bắt Trần Trận phải đi tiêm phòng dại. Trần Trận cũng sợ, nên phóng ngựa tới lều của “bác sĩ chân đất” Tiểu Bành ở tổ chăn nuôi số Ba, đề nghị cậu ta tiêm cho một mũi phòng dại, bôi thuốc băng bó vết thương, đề nghị cậu ta nhất thiết không nói với ai về chuyện này. Điều kiện đánh đổi là miễn truy cứu quyển “Tây hành mạn ký” cậu ta mượn để mất, cho mượn thêm “Truyện Napôlêông” và cuốn “Ông già Cao”. Tiểu Bành ra vẻ miễn cưỡng chấp thuận, lầu bầu: Mỗi lần lên trụ sở mục trường, phòng y tế chỉ phát bốn năm liều thuốc phòng dại, dân công bị chó cắn, đã dung hết hai liều, trời nóng này mình lại phải chạy lên lấy. Trần Trận phải nịnh cậu ta, nhưng cậu cũng không biết mình đã nói những gì, trong đầu toàn tính chuyện làm sao bảo vệ sói con. Sói con đã cắn người bị thương. Thảo nguyên quy định nghiêm ngặt: Chó cắn chết cừu phải bị xửu tử, cắn người bị thương bắn chết tại chỗ. Sói cắn người bị thương thì không thể tha. Nuôi sói vốn là chuyện đại nghịch vô đạo, giờ lại “mở miệng cắn người”, sói con chắc chết mất. Trần Trận lên ngựa, quên cả đau, dọc đường vỗ trán mong tòi ra một cao kiến nào đó bảo vệ sói con.
     Vừa về đến nhà, Trần Trận nghe thấy Dương Khắc và Cao Kiện Trung đang tranh luận về trường hợp con sói bắt đầu cắn người. Cao Kiện Trung làm ầm lên: Sói con giỏi thật! Trần Trận mà nó dám cắn, vậy còn ai nó không cắn? Phải đập chết! Sau này nó còn cắn người nữa thì làm thế nào? Khi chúng ta chuyển sang bãi chăn mùa thu, các tổ cách nhau sáu bảy mươi dặm không tiêm phòng được, bị nhiễm độc từ răng sói thì làm thế nào? Bệnh sói dại nguy hiểm hơn bệnh chó dại, nguy hiểm đến tính mạng chứ chả chơi.
     Dương Khắc nói khẽ: Mình sợ Chủ nhiệm Quý không tiêm phòng dại cho Trần Trận và mình, thuốc phòng chó dại rất hiếm, cung cấp cho người lỡ bị chó hoặc sói cắn phải, không cung cấp cho người nuôi sói. Theo mình thì phải thả ngay nó ra, nếu chậm, đội cho người đến đập chết bây giờ!
     Lúc này Trần Trận chợt tỉnh, vội nói: Mình nghĩ kỹ rồi. Không đánh chết, không thả. Nếu đánh chết nó thì đúng là mình đã bị nó cắn, công lao bấy nhiêu ngày hoá công cốc! Nếu thả cho nó đi, e rằng nó không sống nổi. Sói con có thể yên ổn về tới nhà nó, nhưng các sói đầu đàn sẽ coi nó như dân ngụ cư, đối xử với nó như với “Sói gian”, liệu nó sống nổi không?
     Vậy làm thế nào bây giờ? – Dương Khắc mặt mày không vui.
     Trần Trận nói: Biện pháp duy nhất là làm phẫu thật răng cho nó: Dùng kìm cắt bỏ đầu nhọn đi. Sói lợi hại là ở hàm răng, nếu bị cắt đầu nhọn, sói cắn sẽ không chảy máu, cũng không cần đi tiêm phòng dại. Từ nay thịt phải thái miếng nó mới ăn được.
     Dương Khắc lắc đầu nói: Cách ấy được thì có được, nhưng làm thế có khác gì giết nó? Sói không còn răng sắc, thì làm sao sống trên thảo nguyên?
     Trần Trận cúi đầu, nói: Mình hết cách rồi. Dù sao thì mình không tán thành bị sói cắn cho một miếng là bỏ cuộc. Biết đâu cái đầu nhọ đó sau này sẽ mọc lại? Cứ bỏ cái đầu nhọn đó đi.
     Cao Kiện Trung trêu chọc: Dám nhổ răng trong miệng hổ? Không bị nó cắn thành thương chở kể.
     Sáng hôm sau, trước khi cừu xuất chuồng, Trần Trận và Dương Khắc làm phẫu thuật cho sói con. Trước tiên, hai người cho sói con ăn no, trêu chọc cho nó vui lên, sau đó Dương Khắc hai tay ôm đầu sói con, dùng hai ngón tay cái vạch miệng sói ra. Sói con không cảm thấy khó chịu, nó đã quen với những trò đùa dai của hai người. Hai cậu xem kỹ khoang miệng sói con dưới nắng. Răng sói thấu quang, có thể nhìn thấy tuỷ bên trong đến đâu. Rất may, tủy chỉ lên đến một nửa chiều dài cái răng. Chỉ cần bấm bỏ đầu nhọn, không phạm tới tuỷ, là không đau. Như vậy có thể giữ lại bốn chiếc răng của sói con. Có thể sau này sói con lại mài nhọn bốn chiếc răng đó.
     Trần Trận cho sói con ngửi hít chiếc kìm cắt, ôm cây kìm chơi đùa một lúc. Đợi khi nó không dè chừng với chiếc kìm, Dương Khắc bóp cho sói con há miệng ra, Trần Trận nhanh nhẹn và chuẩn xác cắt đầu nhọn của bốn chiếc răng, khoảng một phần tư chiều dai. Hai người cho rằng, “miệng sói răng kìm” cũng là một cách “nhổ răng cọp”, nên đã chuẩn bị dây rợ, trói con sói lại để thực hiên, không ngờ chưa đến một phút đã xong, không mảy may thương tích. Sói con chỉ đưa lưỡi liếm chỗ cộm ở đầu răng, không cảm thấy bị mất mát chút gì. Hai người đặt nhẹ con sói xuống, định thưởng miếng gì đó nhưng lại sợ nó đau miệng, đành thôi.
     Trần Trận và Dương Khắc thở dài nhẹ nhõm, từ nay không sợ sói con cắn người bị thương nữa. Tuy vậy, những ngày sau đó các cậu không sao vui lên được. Dương Khắc nói: Bẻ răng sói còn tàn nhẫn hơn hạ nhục vị thế con người. Trần Trận cũng bâng khuâng tự hỏi: Mình không thể nghĩ rằng mình ngày càng xa với ý tưởng nuôi sói ban đầu?
     Cậu Bành mượn một lúc ba quyển sách hay, hai cậu xót ruột quá. Mục trường có hơn một trăm thanh niên tri thức, chỉ Trần Trận và Dương Khắc có mấy hòm sách kinh điển của bọn “phong kiến tư sản xét lại”. Bão táp chính trị cách đây hai năm đã qua đi, cuộc sống tẻ nhạt khiến đám thanh niên này ngốn ngấu sách cấm. Vì vậy cho mượn đi là không bao giờ đòi lại được. Nhưng Trần Trận buộc phải cho mượn… Nếu để ba vị cổ cánh biết chuyện con sói cắn người, Bao Thuận Quý sẽ bắn chết sói con. Trứ tác kinh điển rất được việc, quả nhiên một thời gian dài sau đó không ai biết chuyện sói con cắn Trần Trận bị thương.

Xem Tiếp Chương 28Xem Tiếp Chương 37 (Kết Thúc)

Tôtem Sói
  » Xem Tập 1
  » Xem Tập 2
  » Xem Tập 3
  » Xem Tập 4
  » Xem Tập 5
  » Xem Tập 6
  » Xem Tập 7
  » Xem Tập 8
  » Xem Tập 9
  » Xem Tập 10
  » Xem Tập 11
  » Xem Tập 12
  » Xem Tập 13
  » Xem Tập 14
  » Xem Tập 15
  » Xem Tập 16
  » Xem Tập 17
  » Xem Tập 18
  » Xem Tập 19
  » Xem Tập 20
  » Xem Tập 21
  » Xem Tập 22
  » Xem Tập 23
  » Xem Tập 24
  » Xem Tập 25
  » Xem Tập 26
  » Đang Xem Tập 27
  » Xem Tiếp Tập 28
  » Xem Tiếp Tập 29
  » Xem Tiếp Tập 30
  » Xem Tiếp Tập 31
  » Xem Tiếp Tập 32
  » Xem Tiếp Tập 33
  » Xem Tiếp Tập 34
  » Xem Tiếp Tập 35
  » Xem Tiếp Tập 36
  » Xem Tiếp Tập 37
 
Những Truyện Dài Khác