Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Dài » Cờ Thiêng Đất Thánh Tác Giả: Nguyễn Trung Dũng    
LỘ DIỆN

     Rằm tháng riêng năm Tân Mão (931).
    Trên con đường rậm rạp lau lách dọc bờ sông Nhị Hà, bảy con ngựa chở bảy kỵ sĩ lao mình về phía trước. Mặt người nào người nấy lộ vẻ gấp rút. Con đường tưởng như dài mãi. Hơn một canh giờ, toán người vẫn miệt mài, đám ngựa đã phì hơi ra đằng tai, phun lửa qua lỗ mũi. Trưởng toán ra lệnh ghìm cương, nhìn địa hình xung quanh bằng cặp mắt nghi hoặc rồi hỏi :
    - Gã đưa tin biến đằng nào rồi?
    - Thưa Tổng đội trưởng, hắn trước đi mở đường với Lỗ Sơn Tuệ!
    - Hừ. Nhìn con mắt nó hấp háy, ta thật chẳng ưa tẹo nào. Nhưng hắn là người Lưu tham sứ tiến cử.
    Lão Lưu tham sứ thấy vàng là sáng mắt. Vớ được tiền đút, có khi đến quỷ dữ lão cũng nhận làm bà con chứ chẳng chơi.
    Trưởng toán nghĩ bụng, ra lệnh đi tiếp theo dấu hiệu người dẫn đường để lại. Chúng dẫn đến cái đầm lớn, nước trong và cạn, có thể cưỡi ngựa lội qua. Phía bên kia là một bán đảo đầy chất cây bụi. Trong màu xanh của lá có màu nâu xám của gỗ, che đi dấu tích sinh hoạt của con người. Nhìn xuống đất, các kỵ sĩ nhìn thấy dấu chân một đôi ngựa, mới chạy đến bờ đầm. Hai kỵ sĩ nóng tính nhất trong đám chực giục ngựa, Trưởng toán kịp ngăn lại :
    - Các người không thấy lạ ư? Tại sao Sơn Tuệ và gã đưa tin không chờ chúng ta mà liều mạng xông vào. Còn nữa, nếu chúng đã lội qua thì nước phải đục mới đúng. Đằng này nước trong veo, nhìn xem, chúng đi men bờ đầm.
    Một gã kỵ sĩ vóc người nhanh nhẹn, nhảy xuống ngựa tìm kiếm:
    - Tổng đội trưởng, vết chân ngựa chạy khỏi đầm về hướng tây. Nhưng dường như ngựa chạy không. Mà không thấy vết chân người
    - Thế là thế nào? Trưởng toán giật mình. Chúng mọc cánh bay lên giời à?
    - Phải đấy.
    Tiếng nói lạnh lùng xen lẫn tiếng khua nước. Một con thuyền mỏng có 2 người đứng trên, lướt từ trong bụi lau ra. Gã lái thuyền, đầu đội nón, tay cầm cây sào dài. Kẻ đứng ở mũi mặc bộ quần áo trắng đã ngả màu, dáng người lộc gộc, mặt rỗ râu dài ước chừng 40 tuổi.
    Gã Trưởng toán rít qua kẽ răng, kẻ mà hắn đang săn đuổi cuối cùng cũng lộ diện :
    - Phùng Hoá. Ngươi ra nộp mạng phải không!
    - Ha ha ha. Tiếng cười của Phùng Hoá vang dội trên mặt nước phẳng. Ngươi không giết nổi ta đâu. Trái lại, ta sẽ siêu thoát ngươi như đã làm với hai con chó dẫn đường.
    Đám kỵ sĩ nhìn theo tay ông ta chỉ, bất giác rùng mình. Trên thân cây lớn nhô từ bán đảo có hai hình người treo lủng lẳng.
    Thừa lúc ấy, gã lái thuyền chống sào thoăn thoắt đẩy chiếc thuyền về phía bán đảo. Gã Trưởng toán ra lệnh đuổi theo. Bảy con ngựa như bảy con thuồng luồng xuống nước, đè sóng lướt tới. Gã lái thuyền luôn tay chống sào. Thuyền ra quá nửa đầm, thì lũ ngựa cũng kịp ngoi gần tới nơi, cách có đôi nhịp với. Phùng Hoá không hề hốt hoảng, cho thuyền xoay ngang. Nước đầm mấp mé đùi ngựa, y phục ướt nhẹp nhưng gã Trưởng toán rất đắc chí. Hắn nở nụ cười ác độc.
    Sự thách thức hiện trên mặt Phùng Hoá. Ông đứng khoanh tay như chờ đợi.
    Lý nào hắn có thể tự tin đến thế? Hắn hoá điên rồi chăng? G ã Trưởng toán chột dạ.
    Đám kỵ sĩ nóng ruột nhìn thủ lĩnh, chực hành động. Bất thần..
    Một con ngựa tự dưng chúi về phía trước. Nó há mõm định hí thì nước đã bọc quanh đầu. Hơi thoát ra kêu lục bục. Tên kỵ mã vô cùng hốt hoảng. Hắn chưa kịp hiểu chuyện gì đang diễn ra thì cả hắn và con ngựa bị một sức mạnh khủng khiếp lôi tuột xuống đáy. Hai gã bên cạnh bất lực nhìn đồng bọn chới với trong quầng nước đen kịt màu bùn. Giống như con ngựa, gã kỵ mã không kịp kêu lấy một tiếng. Cả đám kỵ sĩ, mặt cắt không còn một hột máu, cùng nhìn xuống dưới, sợ có con quái vật thình lình nhô lên, nuốt chửng chúng vào bụng.
    - Bắn! Phùng Hoá phất tay hô lớn.
    Lập tức từ hai bên lau lách, tiếng nỏ bật tanh tách. Hai gã kỵ sĩ trúng tên lăn quay xuống ngựa, chìm ngỉm ngay. Mấy tên còn lại vội vã quay đầu ngựa. Một tiếng rú thất thanh, thêm một mạng bỏ lại. Con ngựa của gã Trưởng toán nghiêng ngả, hai chân sau hoàn toàn không còn tựa được vào đâu. Cảm giác bị chìm xuống, hắn hành động thật nhanh. Rút khỏi đai chân nơi yên ngựa, hắn nhún bật như con tôm, nhảy vọt sang lưng con ngựa của gã thuộc hạ. Con ngựa oằn mình chịu gánh nặng gấp đôi, đáy đầm dưới chân nó như không còn chắc nữa. Gã thuộc hạ giật cương không nổi. Hắn gục người xuống lưng ngựa, máu rỏ tong tong. Gã Trưởng toán dùng cánh tay sắt ném thuộc hạ xuống nước, tay kia vẫn cầm thanh kiếm loang máu. Con ngựa nhẹ gánh hí vang vùng chạy. Cùng lúc hai mũi tên bắn tới, một mũi xiên vào đùi ngựa, một mũi cắm phập vào bả vai gã Trưởng toán. Cả người lẫn ngựa đeo tên chạy trối chết. Hai gã kỵ mã còn lại không có cơ hội về kể việc thủ lĩnh tham sống sợ chết, giết thuộc hạ để cứu mạng mình như thế nào. Chúng bị những mũi tên bay như châu chấu kia hạ gục trước khi gửi thân xác nơi bùn đen.
    Phùng Hoá nhăn mặt, bùi tích tụ dưới đáy đầm bị xáo trộn bốc lên mùi tanh tích tụ từ vạn kiếp. Đặc biệt khó tả. Ông ngây người nhìn cảnh tượng từng cơn sóng bùn nổi dập dềnh, nhẹ dần rồi biến mất hẳn. Nước trở về trong vắt như có phép màu. Đoán thử xem có bao nhiêu người dám cho rằng có cạm bẫy kinh thiên dưới thứ nước sạch sẽ chân chất kia.
    Gã Trưởng toán cắm đầu giục ngựa chạy. Được một quãng thì vết thương nơi bắp đùi con ngựa khiến nó phi ngoằn ngoèo trước khi vấp ngã văng bên đường. Trưởng toán lồm cồm bò dậy, biết vẫn bị bám theo nên gom sức chạy lẩn vào giữa rừng lau sậy cao lút đầu người. Sau một hồi, hắn tìm được chỗ tương đồi trống trải. Nghĩ đã an toàn, hằn dừng chân, ngồi xuống nghỉ lấy sức. Tự chui đầu vào bẫy một cách ngu ngốc, có nằm mơ hắn cũng không tương nổi có lúc mình phải trốn chui nhủi như bây giờ.
    Tiếng lau sột soạt. Rồi thân lá lay động.
    Mạch cổ tay gã Trưởng toán giật thót vài cái. Hắn đứng thế thủ, kiếm chìa trước mặt, mắt nhìn vào nơi khả nghi. Có người đang tới thật. Kẻ đó không coi thanh kiếm ra gì, cứ thế lầm lũi tiến. Khi đối thủ lọt vào tầm mắt, gã Trưởng toán kêu lên ồ, giọng giật hỏi :
    - Là ngươi đấy ư, Sơn Tuệ?
    - Vâng Tổng đội trưởng, là tôi đây.
    Không nghi ngờ gì nữa, kẻ vừa đến tên là Lỗ Sơn Tuệ, đội trưởng đội ba Kim Vệ ban nãy đi mở đường kèm gã đưa tin.
    - Ngươi vẫn còn sống?? Trưởng toán há hốc mồm.
    - Như ngài thấy đấy. S ơn Tuệ đáp nước đôi, không hề giống kiểu thông thường khi thuộc hạ nói chuyện với thượng cấp.
    - Nhưng còn hai cái xác??. Trưởng toán chưa tin hẳn.
    - Đó chỉ là hình nộm mà thôi. Thật có lỗi khi đã bày trò doạ ngài, Tổng đội trưởng ạ. Giọng Sơn Tuệ đầy chất bỡn cợt.
    - Thì ra chính ngươi bày ra chuyện này, đưa chúng ta vào bẫy. Tại sao ngươi dám?? Trưởng toán gầm lớn.
    --Bởi vì ngài không giết tôi khi có thể.
    - Ngươi chính là tên nội gián khốn kiếp mà Mục Dạ đã nói. Trưởng toán túc nổ đom đóm mắt. Thế còn Từ Cát?
    - Một kẻ xu nịnh ti tiện. Giọng Sơn Tuệ chuyển sang nghiêm túc. H ắn không bao giờ ngờ cái điều hắn ưa xoen xoét “thuộc hạ sẵn sàng chết không hối tiếc, nếu đó là điều thủ lĩnh cần” lại trở thành hiện thực. Ta không muốn đổ vấy cho hắn, nhưng đó là quyết định của ngài, Tổng đội trưởng ạ, và ta tôn trọng nó.
    - Ta sẽ giết ngươi.
    Trưởng toán phát động thanh kiếm như gọi cuồng phong. Bóng tử sắc chụp kín đầu Sơn Tuệ, những đường kiếm dành dụm cả đời được hắn tuôn ra hết. Tiếng kiếm chạm vào nhau sống sượng, tiếng chân quét đất rổn rảo và tiếng lau sậy bị chém rào rào. Kiếm quang tắt. Sơn Tuệ vẫn nguyên lành. Thanh kiếm trong tay sáng quắc. Trưởng toán mặt nhăn như khỉ, cánh tay trái và sườn đã bị trúng thương.
    - Tổng đội trưởng. Ta luôn khâm phục tài nghệ của ngài. Có điều với mũi tên trên vai, ngài không còn là đối thủ của ta nữa.
    Nếu lúc này, trong đầu Trưởng toán nảy ra bao nhiêu ý nghĩ thì bấy nhiêu đều là mưu chước nhằm tẩu thoát. Tam thập lục kế, tẩu vi thượng sách. Mượn thế đôi bên đang đối lưng, hắn co chân chạy. Bất kể lau lách chằng chịt, kiếm khua như gió và Trưởng toán biến mất trong một cái chớp mắt. Thật lạ lùng là Sơn Tuệ không vội đuổi.
    Trưởng toán đang chạy rất nhanh thì bất ngờ, từ bên trái có một người nhảy xổ ra. Do mải để ý sau lưng, hắn hoàn toàn chẳng kịp phòng bị. Người kia hét một tiếng, khua kiếm chém liền. Máu văng lên trời, tay rơi xuống đất. Gã Trưởng toán lăn lộn, cánh tay phải bị chém đứt lìa. Người kia lôi hắn đứng lên. Hắn nhìn, tựa hồ bị một đòn giáng vào đầu. Tấn công hắn là kẻ đưa tin. Cơn đau đớn làm hắn mát hết sức kháng cự. Kẻ đưa tin đưa tay vuốt mặt, đôi mắt lươn ban nãy bỗng to hẳn. Có mũi kim đâm vào xương sống gã Trưởng toán, môi hắn mấp máy.
    - Nhận ra ta rồi hả Độc Linh Sư?
    - Đối Sơn, Hồ Phủ. G ã Trưởng toán khiếp đảm. Ngươi đã không chết.
    - Bởi vậy ngươi phải chết.
    Người đưa tin vung kiếm. ánh kiếm quét ngang. Đầu của con sư tử độc ác vô song lăn lông lốc, thân hình đổ sập như chuối bị đốn gốc.
    Sơn Tuệ đến. Hai người huýt sáo gọi ngựa, quay lại khu đầm.
    - Đã xong thưa thủ lĩnh. Người đưa tin thông báo.
    - Tốt lắm Phan Hách. Phùng Hoá thở phào. Lỗ Sơn Tuệ, vụ này phần lớn nhờ công của ông. Nhập bọn luôn với chúng tôi chứ?
    - Xin thứ lỗi, còn rất nhiều việc đang chờ tôi ở Đan Hồng.
    Sơn Tuệ dùng kiếm rạch vài nhát lên người, rồi mặc cho vết thương chảy máu, nhảy lên ngựa trở về.
    ................
    Cuối tháng giêng năm Tân Mão (931), những tin tức xấu liên tiếp bay về kinh thành.
    Ngày rằm, Tổng đội trưởng Kim Vệ chết trong tay mật quân Giao Châu.
    Ngày mười chín, ba trại lớn của quân Nam Hán là Tể Lạp tại Trà Hương (Châu Hồng), Hòa An tại Bạch Hạc (Châu Phong) và Đại Cát tại Giao Thuỷ (Châu Hải) đồng loạt bị tấn công, thương vong vô số.
    Ngày hăm ba, Việt Nghĩa Đoàn tấn công trại Hoả Ngục, Vạn Lâm, Châu ái. Tiêu diệt hầu hết binh lính và đội viên Ngân Vệ làm nhiệm vụ phòng ngự ở đó.
    Ngày hăm nhăm, hăm sáu. Những vụ tấn công lẻ tẻ liên tiếp diễn ra trên khắp nước Nam.
    Ngẫm thấy, chiến trận là sự toàn bích trên mọi phương diện từ sức mạnh đến trí tuệ, từ sĩ khí đến lòng quả cảm. Người ta đem đủ thứ ra sử dụng miễn sao giành phần thắng về mình. Thôi khỏi liệt kê các kiểu chiêu thức kỳ hình mà cổ nhân và hiện nhân sáng tạo được. Chỉ nên biết rằng hễ kiếm rút thì đầu rụng, tên bắn thì máu chảy, có chiến tranh là có chết chóc, có tang thương, gia đình ly tán, cha con tử biệt. Thế nhưng, ai có thể lý giải nổi tại sao loài người vẫn tự gây tổn hại, đớn đau cho chính mình bằng những cuộc chiến, mười phần đến chín phần vô nghĩa, phần còn lại là trả đũa cho chín phần trên. Nói riêng về cuộc chiến không thể tránh khỏi giữa quân Nam Hán, kẻ chiếm đóng tàn bạo với quân Việt, vì tự do phải dùng đến kiếm cung. Từng có lúc, với gần chục vạn tinh binh, Lê Khắc Chinh biến tất thẩy sự kháng cự mong manh của Khúc Thời Mỹ và quân tướng thành gió đùa ngọn cỏ. Ngày ấy trong triều Nam Hán, những câu nói kiểu “dùng dao mổ trâu để giết gà”, “người Hán lấy nước Nam chắc khác gì thò tay vào túi lấy đồ” được thổ ra như cơm bữa sau chiến thắng. Lưu Cung Hoàng Đế càng kiêu ngạo hơn khi thấy Khúc Tiết độ sứ bị dẫn giải về kinh, bị đày đọa trong ngục tối. Thời gian trôi chốc đà tám năm trời, sự chênh lệch sức mạnh ấy vẫn hiển nhiên tồn tại bất chấp việc cờ tụ nghĩa dựng khắp nơi. Nhưng có điều chẳng thể phủ nhận nổi cái tinh thần của quân Hán bị thời gian mài mòn trông thấy. ý chí sắt đá của đoàn quân chiến thắng bị sự bình ổn làm mềm đi. Đã có rất nhiều quân lính, hoặc cả các tướng, thậm chí đến người lãnh đạo cao nhất, ngày càng lắm những thời khắc chạnh lòng. Chẳng ai bảo ai, họ đều cảm nhận được nỗi nhớ quê hương da diết, đều ngơ ngác tự hỏi tại sao phải bỏ gia đình ấm êm để đến phá hạnh phúc của người mình hoàn toàn không quen biết, hận thù. Có thêm một trăm năm, hay một nghìn năm nữa, mảnh đất này cũng không bao giờ trở thành quê hương của họ, người dân đất này cũng không bao giờ quên đi quá khứ của mình mà nguôi ngoai ý chí tranh đấu, oán thù sẽ truyền từ đời này sang đời khác, đến khi nào họ giành lại mới thôi. Con người ta sống, cái tâm quyết định tất cả. Tự nhiên, họ đặt mình xuống vị trí thấp hơn đối thủ. Trong khi lửa căm hờn cháy phừng phừng trong mắt quân Việt thì với quân Hán chỉ còn là sự bạc nhược. Dân đất này sống dai hơn sông núi, nhổ tận gốc rồi, chỉ cần một mẩu nhỏ cũng mọc thành rừng, nhỏ người mà nhanh nhẹn, thông minh.
    Trước nguy cơ dòng thác lũ sắp ụp xuống đầu, Tiết độ sứ Lý Tiến hiểu nếu không nhanh chóng tiếp thêm sức mạnh vào đôi chân người khổng lồ, sức nặng của toàn bộ cơ thể sẽ làm hắn gục ngã. Ông ta thảo liên tiếp 3 tờ sớ xin chi viện về kinh thành. Các sứ giả hỏa tốc lên đường. Lưu Cung nhận sớ, bụng dạ không bao giờ muốn mất mảnh đất phương nam màu mỡ, lập tức truyền chỉ ra lệnh dùng hết binh lực giữ Đại La, trong vòng 20 ngày đến 1 tháng đại quân sẽ sang. Lý Tiến thấy Nam Hán Vương tính toán chặt chẽ nên rất yên bụng mà phủ dụ tướng sĩ. Nhưng đùng một cái, đúng ngày mồng một tháng hai năm Tân Mão (931), Việt Nghĩa Đoàn khởi binh.
    Thông tin này bay đến kinh thành chậm một cách bất thường. Khi bộ ba Lý Tiến- Lê Khắc Chinh -Dương Phong gấp rút ngồi lại bàn kế sách ứng phó thì một vạn rưởi tinh binh của Nghĩa Đoàn đã cách trấn Bình Hoá, ranh giới Trường- ái, mười dặm. Quân Hán bị đánh tan tác. Tướng Nhạc Xuân trấn thủ Trường Châu hoảng hốt một mặt dẫn quân ra chống cự, một mặt sai thám mã cấp tốc xin chi viện. Tuyệt nhiên không thấy tăm hơi của cả Mục Dạ lẫn Lãnh Phong.
    Chưa lúc nào cuộc bàn cãi kết thúc nhanh như thế. Rõ ràng, khả năng quân tứ phía chực chờ nhảy vào đánh úp thành nếu Lê Khắc Chinh dẫn quân rời Đại La giúp họ thống nhất quan điểm đóng đại binh tại Đan Hồng, lệnh cho thượng tướng Nhạc Xuân giữ Trường Châu bằng mọi giá. Đồng thời dâng sớ thúc giục Lưu Hán Vương.
    Sáng hôm sau, đội tiên phong của quân Việt vượt trấn Bình Hoá, đụng độ với cánh quân của thượng tướng Quách Thú. Đôi bên dàn trận dưới chân núi Tam Hiệp.
    Quách Thú múa cặp kích Liên Đài. Võ Thiên Nam sử một cây Ngũ hoa thương.
    Quần nhau mười hiệp thì Võ Thiên Nam đâm trúng cổ họng Quách Thú làm tướng giặc ngã nhào xuống ngựa. Đứng đằng sau, Mai Đức Hoà vẫy tay, quân Việt cuộn tràn lên như sóng sông Đằng, quân Hán dẫm đạp lên nhau mà chạy, chết rất nhiều. Võ, Mai hai tướng thừa cơ lấn thêm hai chục dặm, đóng quân cạnh khu vực rừng thông.
    Nghe tin Quách Thú tử trận, Nhạc Xuân tức giận cất quân báo thù. Chiều hôm đấy, chừng một vạn quân Hán hạ trại cách trại Việt mười bốn dặm về phía bắc. Cũng chiều tối hôm đấy, đại quân của Nghĩa Đoàn đến nơi. Dương Đình Nghệ cho lập hai trại cách nhau năm dặm. Trại nhỏ tiên phong do Võ Thiên Nam làm chủ, cùng các tướng Mai Đức Hoà, Phạm Minh Thành. Trại lớn ngoài Nguyên soái ra còn có Ngô Quyền, Lê Lãm, Bùi Văn Phương.
    Do thuộc cánh tiên phong nên Tiểu Nhi ở trại nhỏ, Dương Thạch, Dương Vân ở trại lớn. Từ lúc khởi hành, Thanh Long cùng hai đội trung quân khác được giao phối hợp tác chiến với Tổng đội nữ binh nên Dương Thạch có cơ hội để mắt đến Minh Nguyệt. Còn về đội Hoa Hồng, thời gian hai tháng giúp xoa dịu phần nào nỗi đau. Lê Hồng đã đỡ điên khùng hơn trước. Thay vào đó cô quyết liều thân giết giặc nơi chiến địa, chuẩn bị cho cái chết để đoàn tụ cùng Địch Quốc. Thu Thuỷ khỏi hẳn bệnh và được chuyển xuống hậu cần vì Bảo Hùng mất cánh tay phải, không còn chiến đấu được nhưng một mực xin theo. Dương Vân hăng hái khác thường, mỏi mòn chờ đợi cũng đến ngày trở về. Nói chung trong Nghĩa Đoàn thì tình cảm riêng tư được cất bớt, dành chỗ cho trận chiến quyết định tương lai của tổ quốc.
    Sáng ngày mồng ba tháng hai, Dương Đình Nghệ chưa ra lệnh động binh vì còn chờ cánh quân đi theo đường núi của Đinh Công Trứ đến nơi đã định. Nguyên soái gọi Lê Lãm vào trướng:
    - Lê phó soái. Phía đông có một con đường qua Lục Châu đến thẳng Lý Nhân. Phó soái hãy dẫn theo hai nghìn quân. ở đó cũng đã sẵn hơn nghìa rưởi quân dưới sự chỉ huy của lão tướng Nguyễn Thuận, cha đẻ của tướng Nguyễn Thái, Tổng đội phó Tổng đội trung quân. Hai người kết hợp cùng nhau đánh lấy Lý Nhân.
    Lê Lãm nhận lệnh lên đường ngay.
    Dương Đình Nghệ lại cho gọi tướng Trần Quốc Đồng :
    - Trần quản sự. Phía tây có một con đường đến chân núi Tam. Quản sự hãy mang một ngàn quân phục. Ngày mai, đợi lúc Nhạc Xuân dẫn quân đi thì cướp trại.
    Trần Quốc Đồng nhận lệnh lên đường.
    Nhân lúc án binh, Ngô Quyền và Dương Thạch rong ngựa theo hướng tây vừa để quan sát địa thế, vừa bàn công việc. Vùng này bạt ngàn thông, loại cây thân tròn thẳng, lá kim luôn vươn mình cao tít để đón gió trời. Dù bị việc quân cơ làm bù đầu bù cổ, Ngô phó soái vẫn cho phép mình thưởng thức cái khoáng đạt của đất trời. Chàng buông cương cho ngựa tự rảo, ưỡn ngực hít đầy buông phổi thứ không khí mát ngọt của mùa xuân. Đi bên cạnh chàng, Dương Thạch cũng thoải mái không kém, vừa đi vừa tủm tỉm cười.
    - Khi ước mơ qua đi là giấc mộng cuộc đời sắp tàn. Những con người hạnh phúc nhất là những con người biết mơ ước đến tận lúc nhắm mắt xuôi tay. Chúng ta đi hướng bên trái. Ngô Quyền chỉnh cương ngựa. Em đã tìm được tung tích của Lãnh Phong chưa?
    - Chưa được gì cả. Bọn em đã chia nhau thăm dò nhưng Nghĩa Đoàn đông mà ta chưa nắm được manh mối cụ thể.
    - Nhiều khả năng chúng ngừng mọi liên lạc sau khi Lang Ma chết. Địa vị của Mục Dạ làm anh khó nghĩ. Rà đi rà lại thấy các tướng, trừ Võ phó soái, đều có mặt góp công từ ngày đầu tiên. Chiến tích họ lưu dấu lên Nghĩa Đoàn là rất lớn. Liệu Lang Ma có nhầm không nhỉ? Sao Mục Dạ chưa hành động dù chẳng thiếu cơ hội trong ròng rã bảy tám năm trời?
    - Em cho rằng chưa chắc đã là các tướng. Có thể hắn giấu mình trong vai trò của 1 cận vệ hay thân tín của các vị ấy. Tuy quân cơ khó tiết lộ1 nhưng người nào cũng có những điểm yếu để khai thác. Quân nội gián tất chọn kẻ khôn ngoan, sẽ biết cách lấy được điều hắn cần.
    - Có thể như thế lắm. Ngô Quyền gật gù. Lần này, quyết định bất ngờ của Nguyên soái khiến chúng không sớm truyền tin ta khởi binh về kinh thành.
    Dương Thạch chăm chú nghe ngóng rồi nói :
    - Có ba con ngựa đang phi nhanh đến chỗ chúng ta. Không biết là bạn hay thù.
    - Ta sẽ đón lõng xem ai. Ngô Quyền quyết định.
    Sau một thoáng, con đường rộn tiếng vó ngựa. Đi đầu là tướng Trần Quốc Đồng.
    - Trần quản sự đi đâu vội vã thế?
    - Chào Ngô phó soái. Tôi đang trên đường về trại. Phó soái đi kiểm tra chiến địa đấy à?
    - ừ, tôi cùng Dương đội viên đây. Mà có việc gì khiến quản sự phải đi rồi về?
    - Tôi nhận lệnh tiến quân về phía tây thì Nguyên soái sai thám mã báo về.
    Quốc Đồng chỉ người bên cạnh.
    - Chào Ngô phó soái, tôi là đội viên Đỗ Văn Đông. Ban sáng, người đưa tin của Nghĩa Đoàn cấp báo là quân Hán đã chẹn mất đường đến núi Tam. Nguyên soái sai tôi mang lệnh ngừng binh đến, gọi Trần quản sự về trước bàn việc thay đổi kế hoạch.
    Ngô Quyền không muốn trễ nải việc quân liền giục họ lên đường, còn hai anh em tiếp tục đi. Trần Quốc Đồng cùng thám mã Đỗ Văn Đông và một thân tín rạp mình trên lưng ngựa, phi về doanh trại. Về đến nơi, Dương nguyên soái cho 2 người lui, chỉ lưu mình Trần quản sự.
    - Vất vả cho tướng quân. May sao tin được đưa về kịp.
    - Tôi cũng chưa đi được bao xa. Được biết Nguyên sái cho gọi vì muốn bàn định lại phương hướng tiến quân.
    - Đúng thế. Nay đường đến núi Tam không dùng được nữa. Tướng quân nhà gần vùng này, liệu có biết con đường nào khác không?
    - Kể ra thì vẫn còn. Quốc Đồng đi đến chỗ tấm bản đồ sơ hoạ vùng treo trên vách. Trên này không vẽ, nhưng có đi vòng đến hậu trại của địch. Nó như thế này..
    Dương Đình Nghệ lại gần, nhìn theo cánh tay Trần quản sự vạch.
    ..................
    - Một nghìn quân đang đóng ngay trước mặt ta. D ương Thạch nhìn xuống nhận định.
    - Chắc là cánh quân của Trấn quản sự.
    - Lạ thật. C ả Ngô Quyền lẫn Dương Thạch cùng sực nghĩ ra.
    - Theo em thì lạ ở điểm nào? Ngô Quyền hỏi trước.
    - Di quân tốc hành mà một buổi sáng chỉ đi được tưng nây?
    - Có phải Trần Quốc Đồng biết việc địch đã cắt đường đến núi Tam nên chần chun chờ lệnh ngưng binh. Ngô Quyền tiếp lời.
    - Thôi chết.
    Dương Thạch sực thấy bữa say rượu mùa xuân năm ngoái, chàng đã nhìn thấy mặt của kẻ khả nghi.
    - Chính là ông ta. Dấu hiệu dưới gốc cây là hình con mắt. Hình Mắt Đêm bí ẩn.
    Ngô Quyền không biết chính xác thì Dương Thạch đang nói gì, nhưng thấy rõ ý khẳng định Trần Quốc Đồng chính là Mục Dạ. Chàng giật mình thon thót, bởi hắn đang nói chuyện một mình với Dương nguyên soái.
    - Về ngay. Ngô Quyền thúc mạnh vào bụng ngựa.
    Dương Thạch giục ngựa chạy theo, tự trách mình đáng lý phải nhớ ra sớm hơn. Đi thong thả bao nhiêu, về vội vã bấy nhiêu. Họ hộc tốc lao đi trên con đường quanh co rợp bóng thông. Vượt qua ngã rẽ thì nghe có tiếng tên bắn. Cả hai cúi rạp xuống mình ngựa. Trên đầu họ hai mũi tên bay kin kít, đâm ngập vào thân cây chứng tỏ dây cung kéo rất căng. Véo, thêm hai mũi tên nữa bắn ra. Ngô Quyền hét “nhanh lên”, hai con ngựa nhảy vọt khỏi vòng nguy hiểm. Nhưng phía trước có kẻ đón đầu. Ba gã đàn ông kỵ sĩ bịt mặt, mặc áo đen, tay cầm kiếm, chẳng nói chẳng răng tấn công luôn. Hai anh em rút kiếm cự lại. Năm con ngựa quay mòng mòng. Hai tên bắn lén đầu đường, vứt cung tên rút kiếm xông vào hỗ trợ đồng bọn. Những thanh trường kiếm chạm vào nhau toé lửa.
    Năm kẻ bịt mặt có trình độ đánh kiếm khá cao nhưng đối thủ của chúng còn cừ hơn. Sau mấy đòn giao công, Dương Thạch đã đâm suốt ngực một tên và đang đấu với tên thứ hai. Một mình Ngô Quyền chọi với ba tên mà vẫn chiếm thế thượng phong. Hai trong ba đã trúng kiếm toé máu. Bọn chúng thấy thế không giết nổi hai chàng bèn đổi sang cách đánh thủ nhằm kéo dài thời gian. Ngô Quyền bắt ngay được ý, thanh kiếm trong tay chàng hất loảng xoảng mấy thanh kiếm của địch thủ. Chàng chắn ngang đường, tung liên tiếp những đòn thức thật dữ dằn, miệng giục:
    - Anh cản đường bọn chúng, em về ngay doanh trại.
    Dương Thạch ước thấy mấy tên kia không làm gì nổi Ngô Quyền, lập tức thúc ngựa
    ..................
    Trong lúc đó, Trần Quốc Đồng nói :
    - Con đường này đến ngay hậu trại nhưng hơn dặm cuối rất hẹp chỉ đủ cho từng người đi một. Chi bằng ta đến đây rồi rẽ ngang.
    - Đi đâu. Nguyên soái đã đứng sát bên họ Trần.
    Mắt Trần Quốc Đồng loé lên. Bàn tay vốn đặt vào đốc kiếm.
    - Đi đường này.-
    Hắn ta rút phăng thanh kiếm, thuận tay đâm thọc vào bụng Nguyên soái. Nguyên soái trong một khắc mất cảnh giác, ngã vật ra sau. Lưỡi kiếm đâm ngay dưới tấm kính hộ tâm.
    - Ngươi nghĩ rằng mặc hai lần áo giáp đủ đảm bảo an toàn ư?
    - Người đâu! Nguyên Soái gọi lớn.
    Máu đã thấm qua mấy lần áo, trào ra ngoài.
    - Còn đâu mà gọi. Quốc Đồng lạnh lùng. Lũ cận vệ đã bị thân tín của ta kéo đi chỗ khác rồi. Dương Đình Nghệ, ngươi thống lãnh cả vạn quân mà không biết có ngày phải chết trong cô độc.
    Giương mặt Quốc Đồng nom rất nham hiểm, phô ra nụ cười của con chim lợn ăn đêm. Nguyên soái nghiến răng, cơn đau đốt cháy gan ruột ông. Quốc Đồng sắp sửa ra tay. V ì đại nghiệp, ta chưa chết được. Nguyên soái mở bừng mắt, nhìn xói vào mặt kẻ phản bội đang vung kiếm, định kết liễu đời ông. Hắn lộ vẻ đắc ý khi thấy ánh mắt uất hận của Nguyên Soái:
    - Ngươi căm thù ta. Đừng, hãy căm thù chính bản thân ngươi ấy. Khi biết có nội gián bên cạnh mình, người đã đổ nghi ngờ lên đầu gã họ Mai? Chỉ vì giữa lúc nước sôi lửa bỏng nên ngươi chưa muốn vọng động. Chính sự thiếu quyết đoán đã đưa ngươi đến kết cục hôm nay.
    Dương Đình Nghệ thở dài :
    - Tất cả những điều ngươi nói đều đúng. Đến giờ ta vẫn chưa tin nổi việc ngươi mới là kẻ phải bội. Tại sao chứ?
    - Tại sao ngươi không tin? Bất cứ kẻ nào chả hám lợi, tại sao ta không thể bán ngươi để cầu vinh hoa cho mình?
    - Ngươi bán đất mẹ đẻ ra ngươi. Nguyên Soái bất nhẫn. Quốc Đồng, ta chưa quên chuyện ngươi từng cứu mạng ta. Hay bởi ngày đó, hai bàn tay của ngươi vẫn sạch?
    - Hệch, hệch. Ta biết mà. Ngươi nghĩ ta tốt vì ta cứu ngươi. Con người ai cũng thế cả. Ngươi nghe cho rõ đây để chết khỏi ân hận. Ngày đầu tiên chúng ta gặp nhau, ta đã mang sứ mệnh trong người rồi. Nhưng ngươi cẩn thận đến chi li, nên phải thật chắc ăn ta mới hành động. Thời gian cứ lần lữa trôi khiến ta sốt ruột tự hỏi tại sao giết ngươi khó đến thế. Cho tới ngày ta đi cùng ngươi, với Lê Lãm, Đức Hoà đến thôn Lỵ Nhim kêu gọi khởi nghĩa. Cái thôn bé tẹo ở tít trên núi cao, ta rất nể cái khả năng mua chuộc lòng người của ngươi. Và ta đã sử dụng tên sát thủ mắt chim ưng người Hán.
    Đình Nghệ nhớ lại kẻ đánh lén mình bên nương ngô.
    - Đồ đần độn đó làm không nên đọi, đánh động cho đám Lê, Mai. Ta buộc lòng phải giết hắn để tạo dựng lòng tin tuyết đối trong ngươi. Dương Đình Nghệ, trong số người theo ngươi 7 năm trời, ta gần ngươi nhất, hiểu rõ tính nết của ngươi nhất. Kể ra cũng đã thành bạn tốt. Nên ngươi đừng cố kéo dài thời gian nữa, không kẻ nào dám vào trướng khi chưa có lệnh, nguyên soái ạ. Ai trong đời chả có 1 lần sống và 1 lần chết. Ta sẽ giúp ngươi nhanh chóng kết thúc mọi đau đớn.
    Thanh kiếm trong tay Trần Quốc Đồng rung lên.
    Một người xồng xộc chạy vào Soái trướng, hét lớn :
    - Không được hại Nguyên soái.
    

Xem Tiếp Chương 26Xem Tiếp Chương 32 (Kết Thúc)

Cờ Thiêng Đất Thánh
  » Xem Tập 1
  » Xem Tập 2
  » Xem Tập 3
  » Xem Tập 4
  » Xem Tập 5
  » Xem Tập 6
  » Xem Tập 7
  » Xem Tập 8
  » Xem Tập 9
  » Xem Tập 10
  » Xem Tập 11
  » Xem Tập 12
  » Xem Tập 13
  » Xem Tập 14
  » Xem Tập 15
  » Xem Tập 16
  » Xem Tập 17
  » Xem Tập 18
  » Xem Tập 19
  » Xem Tập 20
  » Xem Tập 21
  » Xem Tập 22
  » Xem Tập 23
  » Xem Tập 24
  » Đang Xem Tập 25
  » Xem Tiếp Tập 26
  » Xem Tiếp Tập 27
  » Xem Tiếp Tập 28
  » Xem Tiếp Tập 29
  » Xem Tiếp Tập 30
  » Xem Tiếp Tập 31
  » Xem Tiếp Tập 32
 
Những Truyện Dài Khác