Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Dài » Chết Cho Tình Yêu Tác Giả: Lệ Hằng    
    Cuốn phim bắt đầu quay tại Đà Lạt. Tiếng hát từ rừng hoang. Câu chuyện tình thơ mộng và bi đát giữa một nhạc sĩ và một cô gái nhỏ bị săn đuổi bởi chiến tranh và những con hổ cái khát tình. Tôi theo bố Duy lên Đà Lạt để đóng phim. Đóng phim với những tài tử già có trẻ có, với tôi cả một thay đổi lớn lao, nhất là nàng. Tác giả truyện phim. Một người đàn bà thật trẻ con, nếu bố không nói trước sẽ không bao giờ tôi biết nàng có con. Lãm Thuý chừng hai mươi tuổi, màu da trắng ngà và đôi mắt xanh mơ buồn buồn. Lãm Thúy có vẻ sang trọng và ít nói, ăn mặc thật giản dị, mặt mũi để trần không phấn son. Nhan sắc nàng khác biệt thật, nhưng tôi chú ý đến nàng vì một điều thầm kín khác: Bố Duy.
    Bố không còn là bố khi ở trước mặt nàng. Bố hơi lúng túng, trẻ lại thì đúng hơn, khi ngồi bên nàng. Họ nói chuyện với nhau như tri kỷ tri âm. Tôi như bị gạt ra ngoài từ khi lên Đà Lạt, hình bóng người đàn bà trẻ con đó ám ảnh tôi mãi hoài, như đã ám ảnh bố Duy tôi. Mất bố, lạc lõng tôi quay sang với Đăng, người sẽ đóng chung với tôi trong một cuộc tình.
    Lãm Thúy đứng lên với tôi:
    - Thu, bố gọi kìa.
    Bố đang ngồi trầm ngâm với bản phân cảnh viết chung với Lãm Thúy:
    - Con chuẩn bị hết chưa? con phải diễn xuất như thật nghe, đoạn này con với Đăng đi dạo trong rừng thông, rồi cãi nhau, rồi hờn giận ghen tuông. Con nhớ chưa? Đừng quên những người đàn bà đã và đang vươn dài cánh tay để cướp Đăng của con đấy.
    Bố hạ giọng:
    - Trước hết con phải tưởng con yêu Đăng thật đã.
    Tôi gật đầu:
    - Dạ, con hiểu rồi, con sẽ...
    Tôi định nói sẽ tưởng tượng Đăng là chàng của tôi. Chỉ cần nhắm mắt lại thôi, xuất thần một giây gọi thầm tên Hoàng để nhớ khu rừng cao su êm đềm bóng mát, để nhớ nụ hôn đầu tiên môi sát môi, mắt chìm trong mắt. Sẽ nghĩ Đăng là chàng. Sẽ yêu chàng khi diễn xuất với Đăng. Nhất định rồi, chỉ còn cách đó, nếu không sẽ thiếu can đảm mà yêu một người con trai khác dù cho người đó cao cả như Vũ Đăng.
    Tôi ngồi dựa gốc thông, nhìn Đăng chăm chú nghe bố dặn dò những động tác cần thiết cho vai trò của chàng, để liên tưởng đến Hoàng, để gợi cảm xúc. Lãm Thúy ngồi đó, bó gối dựa gốc thông nhìn vu vơ xuống thung lũng. Sau lưng nàng, đồi cỏ trải dài màu xanh biếc mắt, sau lưng nàng mặt trời đang từ từ nghiêng nắng trên đồi. Tóc Lãm Thúy bay, nụ cười cũng bay và đôi mắt cũng bay. Nhìn nàng ngồi mơ mộng, tôi hiểu vì sao bố lao đao và tôi nghe buồn buồn, thương me. Vẫn biết mình vô lý, bởi me đã có ba, bởi me không bao giờ dám ngược giòng đời để một lần nhìn lại người xưa. Chẳng lẽ bắt bố cô đơn suốt đời?
    Bố đứng lên, phất tay ra hiệu cho mọi người. Đoàn quay phim bắt đầu làm việc. Lãm Thúy vẫn đứng cạnh bố. Tôi hơi rung khi Đăng tiến đến gần tôi, khi máy quay phim hướng về mình, những cái máy bây giờ không còn là máy, chúng nhìn ngắm tôi trừng trừng. Tôi đổ mồ hôi dù trời rét căm căm. Tôi hoa mắt nhìn Đăng ra Hoàng, nhìn Hoàng ra Đăng. Chân tay tôi cứng ngắt như bị bó bột. Bố ra lệnh:
    - Tắt máy.
    Tôi run rẩy, rồi tôi ngơ ngác. Bố chạy đến bên tôi, đặt tay trên vai tôi dịu dàng:
    - Bình tĩnh, hãy nghĩ đang ở trong rừng với người yêu và quên máy móc, quên mọi người đi.
    Tôi gật đầu:
    - Dạ.
    Bố lại dơ tay lên:
    - Bắt đầu.
    Tôi lại run nữa rồi, miệng tôi cứng lại. Tôi nhìn Đăng như bố dặn. Tay Đăng quàng lên vai tôi dìu đi những bước tình. Đăng diễn xuất thật dễ dàng, tôi hơi khép mi mắt bồi hồi, cũng một lần trong khu rừng xanh với anh. Tôi làm lại những gì đã làm và rồi tôi quên hết. Tôi lầm Đăng với Hoàng. Dù sao cảm giác cũng hơi khác biệt. Nhưng chỉ một phút đầu tiên thôi, đôi mắt Đăng cũng cao vời vợi, cũng tình tứ và cũng xót thương. Vòng tay Đăng cũng dịu dàng nâng niu từng bước đi mềm.
    - Tắt máy.
    Bố hài lòng:
    - Khá lắm, sống cũng là diễn xuất, con nhớ chưa? Nào, tiếp tục.
    Lại yêu đương, lại mắt nhìn nhau, tay đan tay. Rồi
    giận hờn, rồi nước mắt. Tôi khóc dễ dàng vì tôi đã từng ghen, đã từng điêu đứng vì cô Hà. Nhưng đến khi Đăng báo tin Đăng đã có giấy gọi, Đăng sẽ bỏ tất cả để vào lính thì ghen hờn vu vơ cũng thoắt bay đi. Chỉ còn lại ủ ê và cam chịu. Người ta có thể ghen với đàn bà, có thể cầm dao chém phăng tình địch, có trăm phương ngàn kế đối đầu với tình địch, nhưng người ta không thể ghen với tổ quốc, với quê hương. Mất chàng không điều kiện, mất không than van, mất không bồi thường.
    Đăng an ủi: đi lính chưa phải là chấm dứt nhưng là bắt đầu. Tôi phải cúi mặt xuống đi nghiêng người gần ngã vào Đăng, bởi tôi là đàn bà. Để diễn xuất đoạn này, tôi lại nghĩ đến Hoàng khi chàng vào lính, biết đâu chàng không đi lính?
    Một buổi sáng để thu được hai cảnh, không ngờ đóng phim cũng nhoài người thế này. Quay đi quay lại cả chục lần mới vừa ý bố.
    Buổi trưa trở về khách sạn, tôi chỉ kịp ăn vội chén cơm rồi lăn ra ngủ. Nhớ thương gì cũng đành xếp lại hết. Bố vẫn ngồi bàn bạc với Lãm Thúy. Buổi chiều lại bắt đầu, lại diễn xuất, lại phải tưởng tượng Vũ Đăng là người tình. Rồi có một lúc tôi kinh ngạc với chính tôi, khi Đăng dìu tôi đi trên đồi cỏ êm, những lời tình ngọt ở khóe môi, những ánh nhìn say đắm. Tôi cảm thấy hình như tôi cũng yêu Đăng, một giây một phút nào đó tôi đã bị Đăng cuốn hút, một giây một phút nào đó tôi thật sự là người tình nhỏ, nhất là khi Đăng ôm đàn bất ngờ sáng tác một đoạn tình ca, vừa đàn vừa hát cho tôi nghe, vừa nhìn tôi đắm đuối. Tôi vốn mê nhạc, lại diễn xuất cảnh người ta hát cho mình nghe khúc ca trữ tình ấy. Tôi ngã đầu trên vai Đăng thật, tôi ... tay trong tóc Đăng thật, và tôi nhìn Đăng trìu mến như đã nhìn Hoàng, người tình giờ đã thành kỷ niệm xa bay.
    Lãm Thúy, bố và ê kíp "Tiếng hát từ rừng hoang" chạy lại hết lời khen tôi:
    - Giỏi lắm, diễn xuất như vậy là nhất.
    Lãm Thúy vui ra mặt:
    - Con của đạo diễn có khác, thiên tài rồi Thu ơi.
    Tôi cảm động không nói được, chỉ biết nhìn Đăng rồi nói khẽ với bố:
    - Nhờ anh Đăng, anh Đăng mới là thiên tài.
    Bố gật gù:
    - Đăng thì khỏi phải nói, thiên tài từ lâu rồi, phải không Đăng?
    Buổi chiều chỉ quay được cảnh đó, cảnh người nhạc sĩ trẻ sắp xa người tình, hát cho nàng nghe nỗi buồn làm người phải xa người. Tôi hết sợ sệt rồi, tôi cảm thấy thích thú dù mệt nhoài người. Đăng là một nghệ sĩ đúng nghĩa. Anh bay theo cung đàn của anh, anh chìm trong vai trò của anh, đến nỗi tôi có cảm tưởng tôi đang được anh yêu thật. Không phải là diễn xuất nữa mà là buồn khi sắp xa nhau, là dặn dò, là vỗ về ấp ủ.
    Tôi và Đăng đi đến đâu máy quay phim, chuyên viên thu hình, đạo diễn chạy theo tới đó. Tóc Đăng rũ xuống trong chiều lộng gió, hai đứa đứng ôm nhau trên đồi khi nắng buổi chiều từng giòng lung linh nhuộm vàng bãi cỏ. Đăng vuốt tóc cho tôi, đôi mắt đắm đuối, nụ cười xót xa. Tôi phải mơ ước sao cho buổi chiều đừng bao giờ tắt, cho tôi đời đời đứng trên đồi cỏ này với Đăng. Đăng bảo ước như thế khác chi mơ cho hai đứa thành người đá mãi hoài đứng ôm nhau trên đồi? Tôi gật đầu: thành tượng đá mà sống gần nhau vẫn hơn làm người mà phải xa nhau.
    Đoàn quay phim sửa soạn trở về, Lãm Thúy và bố hoan hỉ đến gần tôi. Lãm Thúy cười:
    - Nhìn Thu diễn xuất nhiều lúc tôi tưởng Thu là tôi, tuyệt, được nhìn một người sống như mình mơ ước, như mình viết ngay trước mắt mình, nhân vật mà tôi nâng niu nhất hiện thân trước mắt tôi. Cám ơn Thu và Đăng nhé.
    Bố cười sau khói thuốc, tôi tinh nghịch hỏi Thuý:
    - Còn Đăng, Đăng hiện thân cho ai hở chị?
    Lãm Thúy mơ màng:
    - Một người đã xa.
    Bố xoa tay:
    - Không ngờ con đóng được, bố chỉ sợ con lúng túng rồi mất tự nhiên thôi.
    Đăng trầm giọng, Đăng có giọng nói thật tuyệt vời, giọng nói vừa ấm vừa buồn, thân mật ngay trong cách xa.
    - Tôi muốn đưa Thu đi dạo một vòng được không, thưa đạo diễn?
    Bố vui vẻ:
    - Được chứ, để ngày mai Thu diễn xuất tự nhiên hơn phải không Đăng?
    Đăng mỉm cười nhìn tôi, đoàn quay phim trở về. Còn tôi, tôi theo Đăng trèo lên con dốc nhỏ xanh êm cỏ mềm. Cỏ may hồng lao xao hai bên lối đi. Người đàn ông này quá nhiều nam tính, quá nhiều nghị lực. Tôi nhỏ nhoi khi đi bên chàng, khi chàng trầm ngâm thả đều từng bước. Đôi mắt xa xôi, nụ cười hờ hững, khuôn mặt xương xương loáng thoáng những sợi râu ấy lẳng lặng như mặt hồ là đà sương khói dưới kia.
    - Thu đang nghĩ gì đó?
    - Dạ không, Thu có nghĩ gì đâu.
    Đăng cười nhẹ nhẹ:
    - Hôm nay Thu ngoan hơn hôm qua rồi.
    Tôi cúi đầu, hình như sau vài lần vờ làm người yêu của nhau, tôi dần dần hết xa lạ với Đăng.
    - Tôi không thích đóng phim, cũng không nghĩ mình sẽ đóng phim bao giờ, tôi ghét cái gì giả tạo, gặp ba Thu, bị nhân cách ông thu hút, tôi nhận lời, và bây giờ bị Thu thu hút nên tôi sống thật vai trò của tôi. Thu có hiểu tôi muốn nói gì không?
    Tôi hơi run:
    - Dạ Thu cũng thế, Thu quên mình đang đóng kịch, lúc anh hát cho Thu nghe, Thu cảm động ghê.
    Đăng gật đầu:
    - Nhìn mắt Thu tôi cũng đủ xúc động để làm tròn vai trò, Thu có tia nhìn thật lạ, Thu biết không?
    Tôi im lặng đưa mắt nhìn buổi chiều lãng đãng vây quanh đồi cỏ thoai thoải dáng hiền, mặt hồ êm đềm đựng ráng chiều hắt hiu. Câu hỏi của Đăng khó trả lời như định nghĩa buổi chiều. Tôi đành lơ đãng, tôi đành di chân trên cỏ xanh mướt mịn như nhung.
    - Thu ít nói quá, nhưng tôi thích những người con gái nói ít. Càng nói ít càng bí mật nên càng thu hút.
    Tôi lắc đầu:
    - Anh lầm rồi, ở nhà Thu nói như chim.
    - Đúng, ở nhà như chim thì nhất rồi, dưới một mái nhà thì phải như chim hót trong ..., im lìm trong nhà không hay.
    - Anh nói sao nghe cũng hay hết, hèn gì anh...
    - Hèn gì sao?
    - Anh nổi tiếng.
    - Thu sẽ nổi tiếng hơn anh.
    - Thu làm gì nổi tiếng?
    - Thu đóng phim được, lại xinh đẹp, không nổi tiếng sao được.
    - Ngày mai sẽ quay cảnh gì anh nhỉ?
    - Ngày mai Thu được nghỉ dài dài, mình anh mệt thôi.
    - Ờ, phải đoạn anh đi lính không?
    - Đúng, anh đi lính ra trường rồi vào mặt trận, rồi lửa cháy, rồi thành phố đổ nát, con đường không còn là con đường, con đường bị cắt bị cày. Quê hương không còn là quê hương, đi trên ruộng hoang anh tưởng nơi này không còn là quê hương mình. Anh đội lá rừng trên đầu, anh mang nặng trên vai, lăm lăm khí giới trong tay với đồng đội anh.
    Tôi băn khoăn:
    - Ở Đà Lạt này làm sao quay cảnh chiến tranh đó được anh?
    Đăng cười buồn hiu:
    - Xa thành phố vài chục cây số có chiến tranh, có rừng rậm rồi, bộ Thu tưởng chiến tranh xa đây lắm sao? Khắp nơi và luôn luôn.
    - Rồi anh bị thương phải không?
    - Ừ, anh bị thương, bị mất liên lạc trong rừng, một mình anh với khu rừng, anh bị mù hai mắt vì vết thương làm độc, anh sống trong rừng rậm, thế cô, hèn mọn hơn thú rừng. Cô độc tột cùng, anh vứt khẩu súng đi, anh giữ cây đàn em tặng cho anh thuở còn yêu nhau. Anh không biết ngày đêm là gì nữa, chỉ còn là bóng tối, tay anh căng ra trong đêm rừng sâu thẳm, và anh đi, đi mãi, bởi anh không thể chết gục trong rừng.
    Tôi thở dài:
    - Em đọc kỹ cốt truyện rồi, sau đó anh vừa đi vừa hát những bài ca quê hương, những đoạn tình ca thê thiết phải không? Khi anh về được con đường anh vẫn chưa biết là con đường. Người ta đưa anh về thành phố làm thương binh phải không? Anh đi khắp nơi để hát, đàn và tìm người yêu.
    - Ừ, tìm em, nhưng tác giả không cho tìm thấy, buồn nhỉ?
    Đăng tiếp:
    - Rất có thể gặp nhau nhưng vì anh không nhìn thấy, nên em trốn anh mà đi.
    Tôi lắc đầu hờn dỗi:
    - Thu không bằng lòng anh nói thế đâu.
    Đăng trìu mến:
    - Anh xin lỗi Thu vậy.
    - Hứ, làm người ta buồn rồi xin lỗi là xong à?
    - Thế làm sao bây giờ?
    Tôi lúng túng trốn đôi mắt Đăng. Tự nhiên tôi lại nhớ Hoàng, người yêu và khu rừng râm mát bóng cây cao, người yêu và nụ hôn ngọt lịm tình đầu. Giận Hoàng vì vợ hờ hững, tôi cố quên, tôi cố coi chàng như cố nhân. Buổi sáng đến tìm, chàng vội vã đẩy tôi lên taxi một mình để trở về với vợ. Buổi chiều chẳng đến như đã hẹn. Tôi theo đoàn quay phim lên Đà Lạt không một lần hẹn hò nhau nữa. Tôi mong quên được chàng, nhưng sao bây giờ đi bên Đăng, đôi mắt chàng lại đằm thắm hiện ra như trách móc giận hờn.
    Đăng trầm ngâm:
    - Thu hay nghĩ gì đâu đâu không à? Nhớ ai phải không?
    Tôi gật đầu, Đăng hỏi:
    - Người ấy ở Saigon?
    Tôi lại gật đầu:
    - Nhưng tình yêu ấy đã trở thành kỷ niệm mất rồi.
    - Tại sao?
    Tôi không trả lời mà tôi hỏi Đăng:
    - Anh yêu bao giờ chưa?
    Đăng gật đầu:
    - Có một lần, sau đó mới viết nhạc được chứ.
    - Người ấy đâu rồi?
    - Xa nhau từ khi anh còn trẻ.
    - Anh buồn không?
    - Tại sao không?
    Đăng cười, tôi cũng cười, nụ cười hai đứa nhạt buồn như trời sang thu.
    - Thu
    - Dạ
    - Đà Lạt vừa buồn vừa dễ thương phải không Thu? Hay là mình giả vờ yêu nhau cho đỡ buồn đi Thu?
    Tôi ngơ ngác:
    - Anh nói sao?
    - Đời là một vở kịch.
    - Anh vừa nói anh ghét cái gì giả tạo đó thôi?
    - Nhưng anh có giả tạo đâu?
    - Sao anh bảo tụi mình vờ yêu nhau?
    - Đó chỉ là một cách nói, một cách tỏ tình, riêng anh, không bao giờ anh giả vờ cả.
    - Nghĩa là...
    Đăng đột ngột đứng lại, đặt tay trên vai tôi, nhìn thẳng vào mắt tôi:
    - Anh yêu Thu.
    Tôi bàng hoàng, tôi nhún người trốn hai tay Đăng:
    - Anh, đừng làm Thu sợ.
    - Anh sẽ làm Thu quên người ấy.
    Tôi kể:
    - Anh ấy có vợ rồi.
    Đăng gật gù:
    - Anh cũng đoán như thế.
    Tôi ngạc nhiên:
    - Sao anh biết.
    - Anh có tài linh cảm.
    - Anh định bỏ nghề đi làm thầy bói?
    - Biết đâu đó, khi nhạc anh viết không ai nghe, anh đi làm thày bói. Viết nhạc để người ta xúc cảm cũng thú, nhưng nếu không được thì làm thầy bói cho người ta sợ.
    Tôi cười:
    - Anh nói chuyện vui ghê.
    - Nhìn em cười vui hơn.
    Tôi nhắc:
    - Muộn rồi đó anh, mình về là vừa anh nhỉ?
    Đăng đăm đăm nhìn tôi:
    - Em đẹp.
    Tôi lắc đầu:
    - Chắc tại anh...
    - Ờ, tại anh yêu em, em đẹp thật Thu à, má em hồng thật hồng.
    Tôi thẹn thùng nhìn lơ đãng lên cao, mặt trời sà thấp, mây từng cụm vật vờ nổi trôi.
    - Ước gì anh có em làm vợ nhỉ?
    Tôi hơi ngạc nhiên:
    - Chắc gì đẹp nữa.
    - Anh không cần đẹp, anh muốn cột chặt em vào đời anh như chồng cột vợ.
    Tôi bối rối thật sự, người đàn ông này tự tin quá, muốn gì là nói thẳng băng băng. Chưa gì nói yêu nhau, chưa gì đòi cột chặt. Hoàng trái lại ít nói, ít tỏ bày, biết rằng yêu nhau và chỉ thế thôi, ít khi chàng khen tôi đẹp, ít khi chàng nói chữ yêu. Đăng mạnh bạo hơn, cuồng nhiệt hơn nên tôi nghe sợ sợ. Tôi lại nhắc:
    - Muộn quá rồi, sợ ba Thu chờ quá.
    Đăng nhăn mặt:
    - Đòi về hoài.
    Tôi im lặng, chưa gì anh chàng la mình rồi, điệu này cứ lấy nhau chắc là mắng cả ngày thôi.
    - Anh mắng Thu hở?
    Đăng dịu dàng:
    - Anh xin lỗi Thu nhé, thôi mình về, tại em dễ thương quá, nên anh...
    Tôi theo Đăng về khách sạn, bố đứng với Lãm Thúy ở sân cỏ trước tòa nhà.
    - Sao con, đi dạo đồi vui không?
    Tôi nũng nịu:
    - Anh Đăng làm con mỏi chân ghê bố à.
    Lãm Thúy chậm rãi:
    - Thì bắt đền nhau cho hết mỏi.
    Tôi tung tăng:
    - Con đói bụng quá bố, ở đây sao mau đói bụng thế bố nhỉ?
    Bố vui vẻ:
    - Con sẽ lên cân vùn vụt cho coi.
    Đăng cúi đầu:
    - Xin phép đạo diễn.
    Tôi im lặng nhìn theo dáng Đăng nghiêng từng bước trên tam cấp, nói như nói một mình.
    - Người đâu lạ lùng thế không biết.
    Bố cười khẽ:
    - Lạ nhiều không con?
    Tôi ngơ ngác rồi e lệ cười:
    - Bố kỳ.
    Mặc bố với Lãm Thúy, tôi trở về phòng nhìn mình trong gương. Đăng khen tôi dễ thương nên bây giờ tôi phải soi gương và cười với gương, nên bây giờ tôi nghe lâng lâng trong lòng. Không, tụi mình chỉ giả vờ yêu nhau cho vui thôi, tôi có người yêu rồi và Đăng cũng vậy. Tình yêu chỉ là một trang sức cho đời nhau. Yêu vờ vài ngày, vài tuần ở thành phố đẹp như thiên thai này, sau đó hết, sau đó thôi. Rồi sẽ nhìn nhau như người lạ khi cuốn phim quay xong, khi vai trò chấm dứt. Khỏe ru là thứ tình yêu này, không nhớ, không thương và không day dứt nhau.
    Đời thiếu gì người yêu hờ hững, yêu giai đoạn như thế. Ừ nhỉ, sao bây giờ mình mới nghĩ ra nhỉ? Cần gì phải thề hẹn, phải đeo nhau suốt đời. Một ngày một giờ chưa đủ sao? Nhưng mà tôi đang yêu ai? Yêu Đăng qua kỷ niệm đầu với Hoàng, hay yêu kỷ niệm của Hoàng qua giọng nói trầm ấm dịu dàng của Đăng?
    Tôi cột cao tóc, rồi bước vào phòng tắm để từng giòng nước ấm phả đầy xác thân. Tắm nước nóng để hâm tình lạnh, để nồng nàn mà đóng kịch với Đăng. Hơi nước nghi ngút tỏa đầy căn phòng kín, mù mịt vây quanh tôi đủ cho tôi nhìn xuống mình trắng hồng trong khói ấm. Tôi ngửa mặt lên cho nước từng tia phun trắng trên đôi ngực. Nghịch với nước nóng thay cho người tình, đùa với dòng nước nhỏ để tưởng tượng, để mong ước vu vơ. Chán rồi tôi lăn vào bồn tắm, nằm lim dim hai mắt để tự vỗ về, chàng leo dây đập nát khung kính mà vào đây bây giờ nhỉ? Chàng sẽ đến như một tướng cướp, sẽ tàn bạo, sẽ dữ dằn... hay chàng dịu dàng như vị hoàng tử trong ước mơ tuổi nhỏ? Thế nào chàng cũng hôn tôi, nụ cười rạng rỡ và bờ mắt chìm đắm trong ngất ngây. Tôi nhìn tôi dưới nước, bập bềnh nổi trôi từng sợi tơ mềm, óng ả từng phân thịt da, mình đẹp hay xấu nhỉ? Họa may chỉ có chàng mới trả lời cho tôi được.
    Qua hơi khói nóng và ấm, nụ cười diễu cợt của chàng trong lớp học, trên bảng đen, chơi vơi hiện ra. Tôi đỏ bừng người lội ra khỏi bồn tắm nước, thôi đừng vỗ về, đừng vuốt ve, bởi tôi sợ rồi cảm giác trong cơn mơ tưởng, mình thật hư hỏng, mười bảy tuổi đầu sao tôi đã biết nghĩ vu vơ, sao đã tơ tưởng chuyện xấu hổ này. Tôi xấu, da thịt xấu, tất cả đều xấu khi mình nghĩ xấu. Hình như đó là điểm cuối cùng của tình yêu, hình như nơi đó là nơi mê đắm nhất? Vợ chồng Hoàng - hai đứa bé - gối chăn - ân ái. Không, anh không bao giờ yêu em đâu. Đó không phải là chuyện xấu, không thể xấu, bởi không có cái gì xấu trên đời này được. Chuyện vợ chồng không thể xấu. Anh vẫn yêu vợ của anh hơn mọi sự ở đời này. Bởi anh đã đưa nàng đến cùng đích của tình yêu, tình yêu khi đó mới thực sự là tình yêu, là tan trong nhau, là ngợp chìm trong nhau, là một trong nhau.
    Tôi quàng khăn chạy ra ngoài, bên kia là phòng ba, bên này Lãm Thúy, và một bên là Đăng. Bốn phòng chung một lối đi trải thảm đỏ buông màn rượu chát hồng. Tôi chảy nước mắt chạy lao về phòng. Đăng mở tung cửa đi ra, chàng đứng phắt lại sững sờ, tôi cũng khựng người cúi mặt không nhìn. Đăng thừ người, hai mắt sâu thăm thẳm càng sâu thêm, gương mặt bí ẩn càng bí ẩn. Im lặng ngỡ ngàng. Tôi hớ hênh trần thân sau lớp khăn tắm hồng, tóc bết trên đầu, từng giọt nước còn long lanh bám trên hai cánh tay, trên hai vai trần. Đăng vẫn đứng im nhìn tôi, cái nhìn lạ chưa từng thấy trên đôi mắt chàng. Đăng cố mỉm cười, giọng trầm xuống:
    - Thu không sợ lạnh sao tắm giờ này?
    Tôi lắp bắp:
    - Xin lỗi anh.
    Tôi đưa tay ra sau vặn nhẹ quả nắm đồng lùi vào phòng. Đăng thấy phía trước thôi đủ chết mình rồi, quay lưng để thấy phía sau, để chàng nhìn tự do xấu hổ đến ngần nào. Vào phòng tôi mới tự giận thầm mình, vô ý đến nỗi không mang đồ thay trong phòng tắm. Me biết chuyện này chắc chửi bằng thích. Bữa cơm tối tôi không dám nhìn Đăng nữa. Có một chút gì gượng gạo lẫn thẹn thùng. Vẫn biết rằng bất quá như mặc bikini là cùng, choàng khăn từ ngực đến hết mông còn kín đáo chán, nhưng sao tôi vẫn chưa dám nhìn ngay hai mắt Đăng như hôm đầu tiên.
    Đăng bình thản hơn, thỉnh thoảng kín đáo nhìn thầm, tôi bắt gặp tia nhìn tinh nghịch của chàng phớt trên tóc tôi. Chỉ có bố và Lãm Thúy hôm nay hạnh phúc nhất, hai người dạo trên đồi cỏ trước khách sạn hàng giờ. Bố hơi đứng tuổi và phong trần nhưng bên Lãm Thúy, vẻ đẹp nghệ sĩ, tóc buông dài, hai mắt long lanh, trông vẫn xứng đôi chán. Họ nói về cuốn phim và những dự tính tương lai, họ bàn về sinh hoạt văn nghệ bây giờ. Lãm Thúy mơ ước một thứ nghệ thuật vẫn là nghệ thuật nhưng không xa rời khép kín trong một cái tháp ngà. Bố tự tin hơn, lạc quan hơn, bố nhất định tin bố phải thành công, tuy bố rào đón trước, có thể về khía cạnh tài chánh cuốn phim sẽ thất bại.
    Chợt Lãm Thúy ngưng lại:
    - Lạ chưa? Hôm nay sao hai người không nói gì với nhau hết vậy?
    Tôi bối rối quay đi, Đăng cười:
    - Nói nhiều quá, ngoài đời có, trong phim có, giờ phải vận nội công để ngày mai tung chưởng lực chứ.
    Bố cười xòa:
    - Nhường cho tôi hay sao?
    Đăng gật gù:
    - Đạo diễn có khác.
    Bố cười:
    - Thôi giờ ăn cho tôi nghỉ với chứ, gọi là đạo diễn hoài chết con người ta còn gì nhạc sĩ.
    Bố nhìn tôi:
    - Thu sao thế, mệt hả?
    Tôi ngập ngừng:
    - Dạ không, điều con lo ăn đã.
    Đăng đỡ lời:
    - Chắc Thu đang nghĩ đến cuốn phim đấy.
    Lãm Thúy ranh mãnh:
    - Tuổi này rắc rối lắm, có thể là đói bụng mà cũng có thể đau tim.
    Tôi tủm tỉm:
    - Sao chị rành thế?
    - Chuyện, người ta qua cầu rồi mà cô, hồi chị bằng em ấy nhé, chị bỏ ăn để ngồi chép thơ là thường lắm, có khi ngồi im lặng suốt một buổi, có khi nói cười tíu tít như chim.
    Tôi nheo mắt:
    - Năm nay chị bao nhiêu tuổi mà nói ngày xưa làm như xa xôi lắm.
    Lãm Thúy thản nhiên:
    - Hai mươi bảy tuổi.
    Tôi ngạc nhiên:
    - Thật hở, em cứ tưởng chị chừng hai mươi, hai mốt thôi chứ.
    Lãm Thúy cười khanh khách:
    - Thích nhỉ, gớm, bố nào con nấy, tán thế này tôi đến bỏ nhà đi theo thôi.
    Tôi nhìn bố:
    - Theo em ấy hở? Theo ai, phải nói rõ ra cho bố em mừng với chứ?
    Lãm Thúy lắc đầu:
    - Thôi xin thua hai cha con cô.
    Đăng vui vẻ:
    - Thôi mình rút lui Thu, để chị Lãm Thúy quyết định theo ai, Thu đi phố không?
    Tôi do dự:
    - Thu hơi mệt anh ạ, để khi khác anh nhé.
    Đăng đứng lên:
    - Tùy Thu, anh đi uống cà phê một mình vậy.
    Tôi chớp mắt:
    - Anh đi một mình lạnh chết.
    - Anh quen lạnh rồi.
    - Ở đây người ta không đi chơi một mình.
    - Tại Thu chê anh.
    Tôi nhí nhảnh:
    - Thôi đi ông, ông đừng buộc tội oan người ta chứ.
    Đăng không nài nỉ. Đăng bỏ đi liền. Anh chàng này khinh người không chịu được, năn nỉ thêm vài câu cũng tiếc, chả lẽ tôi lại chạy theo gọi Đăng chờ mình.
    Tôi lên lầu nhìn theo dáng Đăng nghiêng bên bờ hồ, chiếc măng tô màu thời gian ôm ấp Đăng từng bước buồn tênh dưới hàng cây hiu hắt lạnh. Sương mù lãng đãng, đèn đường đã lên, buổi chiều còn lại mơ hồ quyến luyến trên các ngọn cây. Bên kia mặt hồ rừng xanh và đồi xanh. Tôi kéo cao cố áo cho đỡ lạnh, tì sát má vào mặt kính, nhìn hơi thở mình làm mờ một vùng kính ...c, tôi khe khẽ thở dài khi thấy một cặp tình nhân ôm nhau từng bước dưới chân đồi, ấm êm vô cùng khi người ta đưa lên đây để yêu đương.
    Bây giờ thì tôi hiểu tại sao người ta nói con gái Đà Lạt đa tình, bây thì tôi hiểu, đã bước đến xứ này phải có cho được một người yêu. Trời lạnh, quanh năm hiu hắt, quanh năm sương mù. Hơi thở đàn ông thì ấm, ngực đàn ông cũng mênh mông, bàn tay họ cũng biết nồng nàn. Đàn ông là cái lò sưởi thông minh nhất, linh động nhất, đàn ông là cái chăn lạ lùng kỳ diệu nhất. Nếu một ngày thôi, nơi này không có đàn ông? Cả nước không có đàn ông?
    Rối loạn hơn mọi rối loạn, kinh khủng hơn tận thế, hơn chiến tranh, nếu đàn bà không có đàn ông. Tôi mỉm cười quay vào. Nhớ chàng rồi, sao nhớ hoài thế này? Đêm nay anh làm gì? Một mình hay với vợ, với con?
    Tôi leo lên giường kéo chăn lên tận cổ, nằm mở tròn hai mắt. Thèm viết cho chàng một lá thư, một chữ nhớ gởi về cho anh cũng được, nhưng vẫn ngại cô Hà đọc thư trước, vẫn ngại vợ anh.
    Này đừng điên, người ta có yêu mi đâu mà mi mê cuồng nhớ thương hở Giáng Thu? Đăng kia, tài hoa và nổi tiếng. Đăng với cây đàn ôm trên tay, ngửa mặt hát tình ca, cúi mặt hát tình người. Nốt nhạc đưa em lên cao từng bước từng bước vào đời. Nốt nhạc đưa ta lên với nhau, đưa ta gần đến nhau. Ngón tay bấm trên giây đàn, đôi mắt bay theo cung đàn và chìm trong mắt em. Tiếng hát mênh mông, tiếng hát mặn nồng.
    Sao bỏ anh một mình
    Giữa Saigon nắng cháy
    Sao bỏ anh một mình
    Giữa Đà Lạt mù sương
    Đường Tự Do xanh lá
    Sao anh thấy bụi mù
    Đường Duy Tân bóng mát
    Sao anh thấy môi khô
    Saigon ơi, sao bỗng thấy lẻ loi
    Trời mùa xuân sao lá biếc rụng rời
    Trả lại cho em đó
    Chuyện tình như trong mơ...
    Chiều nào em đưa đón
    Và nụ cười đôi môi hôn...
    Tôi hát nhỏ tình khúc của Đăng trên chăn gối thơm nồng. Ngày mai phải hỏi lại Đăng sao viết về Saigon khi thật sự tình yêu đến ở nơi đây, thành phố cao vời hiu hắt.
    Ngày mai phải nhất quyết quên Hoàng, quên hết những gì đã có để tính chuyện tương lai, tuổi trẻ một thời, tình yêu một thời, không thể đợi mong lâu hơn một tháng, không thể hy sinh lâu hơn một ngày.
    Buổi sáng khi mặt trời vừa hừng lên bên kia chân đồi chiếu vàng một vùng cây. Tôi xuống sau cùng, mọi người đã chuẩn bị vào rừng quay ngoại cảnh thứ hai. Mọi người đang bận bịu với những dụng cụ máy móc lỉnh kỉnh. Hôm nay tôi tự do vì tôi không phải diễn xuất, tôi có quyền nghỉ ở nhà, nhưng tôi thích đi chơi rừng, khu rừng nhiều lan của một Nhất Linh hào khí nhưng lầm thời.
    Tôi đội cái mũ trắng rộng vành, Đăng nói đi trong rừng có lạc anh dễ tìm. Đăng thẳng thắn khoe:
    - Mọi người nhìn kìa, nữ minh tinh đội mũ coi như một nàng tiên, đóng cảnh chiến tranh làm sao được nữa.
    Tôi leo lên xe, Đăng ghé tai:
    - Con bé xinh tệ đấy nhé, mà đi rừng mặc "pát" trắng dơ hết cho coi.
    Tôi tròn môi:
    - Áo xanh phải mặc quần trắng chứ mặc đỏ à?
    Đăng gật:
    - Biết rồi, trắng xanh đẹp lắm chứ, nhưng ai giặt cho.
    Tôi mở lớn hai mắt, tôi vươn cao ngực, tôi dướn cao hai chân khi đến rừng. Căn cứ quân đội đóng ngay bên cạnh khu rừng thưa. Cả một vùng trùng trùng điệp điệp chìm trong biển sương hun hút. Thung lũng xanh rì, rừng cây âm u. Con đường đi giữa hai vùng tương phân.
    Nắng nhảy múa trên các ngọn cây ướt ướt đẫm sương đêm, thứ nắng trong vắt và chói vàng, rừng mơ màng vươn mình thức dậy khi bầy chim nghe động vỗ cánh bay ra. Tôi chạy như lao xuống thung lũng, ngửa mặt mà cười với bố còn trên dốc cao. Mặc đoàn quay phim sửa soạn máy móc, tôi tung tăng trong rừng nhìn bụi hoa này, tiếc gốc cây kia.
    Đăng bận lo cho đoạn phim tới, đứng lại với bố, tôi một mình chơi loanh quanh, mũ tôi gắn đầy hoa dại, nắng mỗi lúc một vàng, soi thủng khu rừng êm mát bóng cây cao. Bầu trời ban mai nhìn qua vòm lá xanh trở thành huyền hoặc mờ mờ quyến luyến, như cõi nào nghìn trùng xa cách trên thiên thai.
    Tôi lại ước thầm, nếu có Hoàng nơi đây bên tôi, rừng sẽ đẹp hơn sẽ thơ hơn. Tôi sẽ đi mãi với Hoàng trong khu rừng này, không bao giờ trở lại cõi người ta nữa. Đến một nơi nào không còn có ai, làm nên một cái nhà, cái nhà giữa rừng sâu, rồi con tôi sẽ chạy chơi quanh nhà, lớn lên không biết thế nào là chiến tranh, là chết chóc.
    Hình như tôi đỏ mặt, hình như tôi xao xuyến. Tôi leo lên một nhánh cây bắt đầu ngậm kẹo mà nghĩ liên miên chuyện tình yêu. Khi tôi trở lại, Đăng bắt đầu xuất thần cho vai trò của chàng, râu chàng dài rồi, vẻ thư sinh ngày nào của khung trời đại học biến mất. Đôi mắt chàng đã dại đi, gương mặt đã được hóa trang thành khắc khổ gian truân. Chàng dơ hai tay ra phía trước, đi từng bước phẫn nộ lẫn cam chịu, đắng cay lẫn bùi ngùi, vẫn biết chàng đang đóng kịch, vậy mà lòng tôi vẫn nhói đau thương xót.
    Tôi im lìm nhìn Đăng khi tiếng hát cất lên, buồn thất chí sa cơ, khi tiếng hát chìm trong rừng miệt mài câm nín. Gian nan vây quanh, tương lai mù mịt, nhưng gương mặt Đăng vẫn chan chứa hy vọng, từng bước đi vẫn còn tiếp nối dù trong gian nan khốn khổ.
    Bố có vẻ hài lòng ra mặt, bố im lặng nhìn Đăng độc diễn đoạn khó khăn nhất của Đăng. Máy quay phim vẫn rè rè di chuyển cái mắt đen ngòm của nó. Đăng diễn xuất như thật, chàng không nhìn thấy tôi nữa, chàng mất ánh sáng, nhưng không mất tin yêu.
    Khi Đăng được lệnh dừng lại để nghỉ, tôi ngồi bên Lãm Thúy nhìn hai mắt chàng giờ sáng như hai vì sao mà phục thầm. Tôi hỏi bố:
    - Cảnh chiến tranh sao không thấy quay hở bố?
    Bố cười:
    - Sẽ quay sau vì phải nhờ quân đội yểm trợ.
    - Kỳ ghê há, hồi trước con cứ tưởng phải quay theo cốt truyện chứ, quay đoạn sau trước được hở bố?
    Bố giải thích:
    - Thường thường người ta quay ngoại cảnh trước, rồi ráp phim theo thứ tự cốt truyện.
    - Nội cảnh là sao bố?
    - Cảnh trong nhà, trong bệnh viện, trường học, phòng ngủ gọi là nội cảnh.
    Đăng tủm tỉm:
    - Bộ định học nghề đạo diễn hở cô bé?
    Tôi chúm môi:
    - Hỏi cho biết, ai thèm học bố nhỉ, cực thí mồ đi.
    Lãm Thúy nhìn tôi:
    - Thu thấy đóng phim có thú vị không? Định theo nghề luôn chứ?
    Tôi ngập ngừng:
    - Thú vị thì có, nhưng Thu thấy mệt quá, đóng đi đóng lại cả chục lần được có một cảnh. Hồi Thu chưa biết phim trường là gì, coi ciné luôn Thu cứ tưởng nó dễ dàng như mình ngồi dưới coi một mạch xong, hết.
    Lãm Thúy kể:
    - Viết văn cũng vậy đó, một tác phẩm mình thai nghén có khi mấy năm trời, viết liên tục hàng năm mới xong, thiên hạ bỏ ra vài trăm bạc mua về họ chê đắt vì đọc có một hai giờ hết truyện.
    Tôi gật gù:
    - Ừ nhỉ, làm mấy cái nghề có chữ sĩ đằng sau coi bộ chua quá.
    Lãm Thúy cười ròn:
    - Chua chứ sao không, có nghề nào ngọt hoàn toàn đâu?
    Tôi tò mò:
    - Thế sao chị không bỏ viết lấy chồng đi?
    Lãm Thúy nhìn bố thật nhanh:
    - Tôi có thể bỏ hết nhưng không thể bỏ viết, không được viết chắc tôi buồn chết mất, mà cô tưởng lấy chồng là một nghề an nhàn à?
    Tôi nheo mắt:
    - Lấy chồng cũng là một nghề của đàn bà chứ?
    - Tôi có nói không đâu, nhưng mà nó chua nhất trong mọi nghề đó, dù nó cũng ngọt nhất trong mọi nghề.
    Đăng dơ tay lên trời:
    - Trời ơi, mấy bà nói lấy chồng là một cái nghề, thì đàn ông chúng tôi là thứ gì đây? Dụng cụ hở?
    Lãm Thúy cười khúc khích với tôi:
    - Một dụng cụ tối cần được không nhạc sĩ?
    Bố điềm đạm:
    - Đau nhỉ, họ nói tôi với anh là dụng cụ.
    Đăng nhún vai:
    - Chẳng hề gì, vì thứ tôi với đạo diễn có ai dám dùng đâu.
    Lãm Thúy tinh quái:
    - Chắc không đó? Nhỡ có người dùng thì tính sao?
    Đăng rủ tôi:
    - Chơi rừng không Thu? Để Lãm Thúy với cái nghịêp ngọt ngào của chị ấy.
    Tôi hiểu ý Đăng nên đi theo Đăng lảng xa hai người, men theo lối mòn đi mãi vào khu rừng ... lộng gió nổi. Đăng ôm theo cây đàn, ngồi xuống một gốc cây, tiếng đàn cất lên rồi tiếng hát ấm như hơi thở của Đăng bay lên trong khu rừng trầm mặc, tan trên ngọn cỏ lá cây. Gió làm tóc Đăng rũ xuống, râu dài cho cuốn phim vẫn còn nguyên trên cằm Đăng ngạo nghễ.
    Tôi ngồi dưới một gốc cây khác nhìn Đăng mà nghĩ đến chuyện thần thoại có nàng tiên đọa đầy yêu người trần thuở hồng hoang man dã. Tình yêu như sấm xét, như tia chớp quấn quít họ vào nhau và giết họ trong nhau. Hình ảnh Hoàng le lói trong một góc trí nhớ, tôi lắc đầu xua đi, đời không dài bao nhiêu, trời cho gì nhận nấy, đừng bỏ mồi bắt bóng vu vơ.
    Đăng hát và đàn, lời ca êm ru như hơi thở, hai kẻ yêu nhau. Tiếng đàn nồng nàn quấn quít như vòng tay cặp tình nhân ôm xiết lấy nhau mãi mãi không rời. Đời không xiềng xích nào bền chặt lạ lùng hơn tình yêu, nó cột hai người lại với nhau và một ngày nào đó cơn yêu bốc cháy, tiếng sét nào của trời đốt tan xiềng xích rã rời như tro than. Họ rời bỏ nhau quay đi hai phương trời.
    Tôi nghe Đăng hát tình ca ngọt, cảm xúc ùa lên vây phủ tôi. Tôi có cảm tưởng đã yêu Đăng từ thuở nào rất xa, và như trong cơn mơ, tôi từ từ tiếng đến gần Đăng, đứng trước mặt Đăng, tôi cười như tiên đang cười, tay tôi dơ ra cho Đăng nắm lấy. Cảnh im lặng hùng vĩ của núi rừng đã làm tôi khao khát tình yêu hơn mọi ngày. Gió núi hắt hiu lạnh, rừng xanh chan chứa tình. Đăng đứng lên, theo tôi tiến mãi vào rừng thưa. Vừa đi vừa đàn, từng âm thanh trôi nổi trên ánh mắt Đăng dịu dàng và thắm thiết.
    Đăng nhìn sâu vào mắt tôi:
    - Chiều hôm qua Thu choàng khăn tắm đẹp quá Thu ơi.
    Tôi ngượng chín người:
    - Thu....
    Đăng âu yếm:
    - Em xấu hổ hở Thu?
    Tôi gật đầu nói lảng:
    - Hồi nãy trong anh diễn xuất Thu muốn khóc quá.
    Đăng cười nhẹ:
    - Bây giờ em khóc đi, anh sẽ dỗ em nín.
    Đăng vẫn không tha tôi:
    - Lần đầu tiên trong đời anh được nhìn một cô bé vừa tắm xong, anh có cảm tưởng định mệnh đang ra tay cột anh lại với em.
    Tôi chớp mắt:
    - Đừng anh, Thu sợ.
    - Sao lại sợ? Em sợ tình yêu à?
    Tôi gật đầu:
    - Thu sợ lắm, yêu khổ lắm anh ơi!
    Đăng gật đầu:
    - Anh cũng sợ, nhưng bây giờ nó vẫn đến, càng sợ tình yêu càng thích gõ cửa.
    Đăng say đắm:
    - Vừa tắm xong em đẹp như trái cà chua chín mọng, em sạch như bãi cát không một vết chân người. Anh yêu bãi cát trinh nguyên bất chấp trước đó có vết chân ai, một cơn nước dâng lên đã xóa nhòa tất cả rồi.
    Tôi xúc động run trong tay Đăng:
    - Anh đàn nữa đi anh.
    - Nói với em cũng là một bản đàn, lúc nãy không nói, nên nhìn em mà hát nghêu ngao.
    Tôi ấp úng:
    - NếuThu nói Thu đã yêu một người rồi?
    Đăng lắc đầu:
    - Anh không cần biết, anh yêu Thu bây giờ, và anh chỉ biết anh yêu Thu thế thôi. Đã nói em là một bãi cát, trước đó có thể đầy rác đầy vết chân người, nhưng khi anh gặp, cơn nước dâng đã xóa đi tất cả. Còn lại cho anh một bãi cát mênh mông không vết tích.
    Đăng thở bên tôi, người tôi như đang bay, hồn tôi lại chìm xuống. Tình yêu muôn vạn màu sắc, muôn vạn phía sầu. Tôi đã từng yêu Hoàng đắm đuối, vậy mà bây giờ lòng tôi vẫn run rẩy như yêu lần đầu.
    Đăng đứng lên, cây đàn rơi xuống đất, tôi nhìn thấy mắt Đăng thật gần, thấy môi Đăng thật xa. Sao thế nhỉ, mắt gần mà môi xa. Đăng không hôn tôi, chàng chỉ nhìn tôi và từ đó tôi cảm thấy mình đã được hôn, đôi mắt biết vuốt ve khắp cùng thân tôi, tôi hiểu Đăng hơn lúc nào hết, khi chàng dang xa tôi, nhìn dáng tôi nổi trên đất rừng đầy xác lá vàng khô.
    Đăng kể:
    - Anh quí em, được yêu em là nỗi sung sướng khôn cùng, hãy đứng xa cho anh yêu em, cho anh còn lại một tình yêu cuối cùng này. Đến gần nhau tình yêu sẽ hãi sợ biến mất, nếu tình yêu một lần nữa biến đi, anh sợ anh sẽ không sống được một đời đúng nghĩa.
    Tôi gật đầu mà nghe xót xa, Đăng tha thiết đứng dựa gốc cây nhìn tôi gốc cây bên này, có ai yêu lạ hơn Đăng nữa không?
    - Anh không có gì để cho em, anh chỉ có tình yêu cuối đời này, anh lăn lộn trong đời, anh già trước tuổi, đến bây giờ mới gặp được em, và được em yêu. Đã một lần tình yêu bốc cháy, đốt hết mơ ước của anh, từ đó anh sợ, bây giờ vẫn sợ và vẫn yêu.
    Tôi từ bên gốc cây bên này, cứ gì phải ôm lấy nhau, cứ gì phải xiết chặt lấy nhau mới là tình yêu. Tôi nhìn Đăng, thấy trời đất xa mờ tít tắp, Đăng lại ôm đàn mà hát tình ca, chàng giao hẹn:
    - Im lặng cho anh viết nhạc nghe, anh vừa có một ý lạ lắm, im lặng nghe, em tự do trước mặt anh, miễn đừng đi xa để anh không nhìn thấy em.
    Tôi quay lưng mà đi từng bước, mối tình này kỳ lạ, người yêu này không hôn môi tôi, không ôm lưng tôi, nhưng tôi yêu, tôi có yêu, dù mới đêm hôm qua tôi còn gọi tên Hoàng. Chắc chắn trên đời này không còn người con gái nào hư hỏng lãng mạn và đa tình hơn tôi?
    Một ngày một đêm thôi, yêu cả hai người đàn ông một lần.
    Tôi cúi đầu nghe hơi ăn năn, sao mình tham lam và tồi tệ đến thế này, tim mình như không có đáy, bao nhiêu tình yêu nhét cũng vừa, bao nhiêu đàn ông yêu cũng kham. Ăn năn những vẫn không chừa, tôi nghe Đăng hát, tiếng hát mạnh và ấm, ngọt ngào mà đắng cay, sung sướng trong bùi ngùi.
    Chân tôi đạp trên lá khô nghe thương Lưu Trọng Lư và giòng thơ đẹp mùa thu:
    " Em nghe chăng mùa thu - lá thu kêu xào xạc - Con nai vàng ngơ ngác - đạp trên lá vàng khô...
    Tiếng lá khô rơi thật âm thầm, tiếng hát Đăng nghe thật xa xôi, tình yêu giờ cũng xa xăm như gió núi bạt ngàn, thổi bay bụi trời. Tình yêu giờ cũng âm thầm trong cơn mê say. Tôi đi quanh chỗ Đăng ngồi, tôi không thể rời xa tiếng hát chứa chan tình tự, ngọt nồng mê say đó nữa. Rừng lặng lẽ vào cơn nắng trưa, mặt trời lên cao, khu rừng vẫn mát, những loài hoa không tên và những bụi cây lạ xôn xao tắm nắng.
    Tôi đi trên xác lá vàng nâu, nghe tiếng lá khô mi mi nhau từng cặp trong cuộc tình cuối, cảm giác mềm nhũn bỗng chạy khắp người tôi, tôi hét lên khi nhìn thấy con rắn lớn cuộn tròn dưới lớp lá khô nghển cao cổ lên vì chân tôi dẫm phải.
    Tôi hét lên lanh lảnh, lăn xuống đất quằn quại vì đau. Người tôi vã mồ hôi như tắm, hàng triệu triệu sợi tơ mềm khắp người tôi đứng thẳng lên chào cơn sợ hãi cùng tột.
    Chưa bao giờ tôi sợ như hôm nay, rắn, một con rắn to, tôi đã đạp lên thân thể ướt nhầy trơn trượt đó. Tôi ngất đi, mơ hồ tiếng chân Đăng vội vã, mơ hồ Đăng bồng xốc tôi lên. Mắt tôi nổi sao sáng, tôi nhăn nhó nghiến chặt hai hàm răng, khi Đăng xé áo cột chân cho tôi.
    Trong cơn mê tỉnh, tôi vẫn tìm được cảm giác lâng lâng khi Đăng bồng tôi đi trong rừng, trở lại chỗ đòan quay phim. Trong cơn đau đớn, máu như cứng chặt, tôi vẫn hé mắt nhìn thấy Đăng cúi xuống thương yêu.
    Lúc tôi tỉnh lại, tôi đang nằm trên giường của mình với Đăng ngồi một bên, Đăng nói như reo:
    - Thu, em tỉnh rồi hả, còn đau không?
    Tôi nhoẻn môi cười:
    - Đỡ rồi anh ạ, Thu sợ quá, chưa bao giờ sợ bằng, khủng khiếp, chính Thu dẫm chân lên nó.
    Tôi rùng mình:
    - Ở trong phòng này rắn có thể vào được không anh? Giờ thấy nó chắc Thu chết.
    Đăng dỗ dành:
    - Trên lầu cao làm sao rắn bò vào được, hơn nữa anh canh cho Thu rồi mà, may quá không phải rắn độc, chắc Thu ngất đi vì sợ.
    Tôi gật đầu:
    - Thấy rắn là Thu đủ ngất đi rồi, đừng nói chi chính Thu dẫm lên nó nữa. Trời ơi vừa nghe một cảm giác trơn mềm Thu thấy nó nghển cao cổ cắn Thu. Chao, nghĩ lại Thu vẫn còn sợ nè. Anh có sợ rắn không?
    Đăng lắc đầu:
    - Anh sợ đàn bà hơn rắn.
    Đăng mỉm cười:
    - Lúc nghe em hét anh hoảng, lúc đó anh nghĩ giá nó cắn anh phải hơn không.
    Tôi hơi xúc động:
    - Rồi anh bồng em về đây phải không?
    Đăng gật đầu:
    - Được một quãng xa đến xe thôi.
    Tôi e lệ quay đi, tránh tia nhìn ấm hơn lửa của Đăng, Đăng dịu dàng hỏi:
    - Em khỏe chưa?
    Tôi chớp mắt gật gật, Đăng đứng lên:
    - Quà đầy phòng em này, thấy không?
    Tôi đưa mắt nhìn quanh, hoa tươi, trái cây và sách báo.
    - Mọi người đều tốt với Thu, chỉ riêng Thu là hư thôi.
    - Với anh Thu ngoan nhất nước.
    - Anh lại ngạo Thu rồi nhé.
    Tôi ngồi dậy:
    - Thu đi chơi được chưa anh?
    - Thu cảm thấy sao? Còn đau không chứ?
    Tôi nhoẻn cười:
    - Hết rồi, nhưng ở đây có rắn không đã chứ?
    Đăng cười tủm tỉm:
    - Có chứ, một con rắn thật dễ thương.
    Tôi khựng người:
    - Đâu, đâu anh?
    Đăng chỉ tôi:
    - Giáng Thu đó.
    Tôi dẫy nẩy:
    - Thôi chả thèm chơi với anh nữa đâu, bảo người ta là rắn bao giờ không?
    Đăng nheo mắt:
    - Em không đọc kinh thánh hở?
    Tôi nguây nguẩy:
    - Không nghe anh nói nữa đâu, bảo người ta là rắn.
    Đăng ngồi xuống bên tôi, nắm lấy tay tôi và dỗ dành:
    - Một con rắn dễ thương cơ mà.
    - Dễ thương cũng không chịu.
    - Thì thôi, anh xin lỗi...
    - Không cho anh xin lỗi đâu.
    - Cho anh đền vậy.
    Tôi dang xa Đăng:
    - Khôn lắm, ghét anh rồi.
    Đăng bỏ ra ngoài:
    - Sửa soạn đi, chút anh dẫn đi chơi.
    Tôi nhoài người nhìn theo Đăng nhìu mày nghĩ ngợi. Tôi không hiểu gì cả. Đăng có yêu tôi thật không? Hay chàng thử trước cho quen? Và tôi, tôi có yêu Đăng không nhỉ? Đóng kịch yêu nhau vì nhu cầu của cuốn phim riết rồi tôi với Đăng thành tình nhân của nhau ư? Rồi mai kia nếu thành tài tử thật, cứ mỗi cuốn phim tôi lại có một mối tình, mỗi cuốn phim lại một lần yêu? Vậy chắc tôi chết, yêu một lần thấy đã lao đao, yêu chục lần chắc bằng cây tăm vì buồn phiền.
    

Xem Tiếp Chương 23Xem Tiếp Chương 28 (Kết Thúc)

Chết Cho Tình Yêu
  » Xem Tập 1
  » Xem Tập 2
  » Xem Tập 3
  » Xem Tập 4
  » Xem Tập 5
  » Xem Tập 6
  » Xem Tập 7
  » Xem Tập 8
  » Xem Tập 9
  » Xem Tập 10
  » Xem Tập 11
  » Xem Tập 12
  » Xem Tập 13
  » Xem Tập 14
  » Xem Tập 15
  » Xem Tập 16
  » Xem Tập 17
  » Xem Tập 18
  » Xem Tập 19
  » Xem Tập 20
  » Xem Tập 21
  » Đang Xem Tập 22
  » Xem Tiếp Tập 23
  » Xem Tiếp Tập 24
  » Xem Tiếp Tập 25
  » Xem Tiếp Tập 26
  » Xem Tiếp Tập 27
  » Xem Tiếp Tập 28
 
Những Truyện Dài Khác
» Liêu Trai Chí Dị