Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Dài » Paris 11 Tháng 8 Tác Giả: Thuận    
    Phủ thủ tướng không ưa các nhà báo vô kỉ luật. Và cũng chẳng ngần ngại tỏ ra điều ấy. Bà Francoise Miquel, giám đốc Vụ Thông Tin Chính Phủ (SIG) đã gửi thư đến ông Bertrand Evano chủ tịch hãng Thông Tấn Pháp (AFP) để báo cho ông này biết sự ‘phẫn nộ’ và sự ‘thất vọng’ của mình về việc tin nhanh ngày 22 tháng 8 đã đề cập đến những thất bại chính trị của thủ tướng Raffarin. Kì lạ làm sao, bức thư của bà ta lại ghi ngày 7 tháng 8. Nhà báo bị bà ta buộc tội có tên là Frederic Dumoulin, từ lâu được hãng Thông Tấn Pháp ủy nhiệm viết tin về phủ thủ tướng. Một chức vụ chiến lược bởi vì các tin nhanh của anh được tất cả các cơ quan truyền thông và các báo địa phương lấy lại. Trong bức thư gửi cho ông Bertrand Evano mà báo Liberation có một bản cô-py, bà Francoise Miquel phàn nàn anh nhà báo đã sử dụng cụm từ ‘thiếu chính quyền‘ để nói về sự im lặng của chính phủ trong trận nắng nóng vừa qua. ‘Một vài từ đã khiến tôi nghi ngờ tính khách quan của câu bình luận vì chúng sao lại y nguyên lời của chủ tịch đảng đối lập’, bà ta viết như vậy và kết thúc bức thư bằng một câu dọa dẫm: ‘ Thế nên tôi sẽ chuyển bức thư lên thủ tướng’. Frederic Dumoulin bị chính phủ cho vào sổ đen từ nhiều tháng nay. Các nhân viên của bộ phận báo chí của thủ tướng Raffarin và cả cố vấn thông tin của ngài cũng nhiều lần gọi điện cho những người quản lý Frederic Dumoulin để nói rằng lời bình luận trong các tin nhanh của anh về hoạt động của chính phủ đều có tính ‘thiên vị’. Đây không phải là lần đầu tiên chính quyền tấn công các nhà báo của hãng Thông Tấn Pháp. Thủ tướng Lionel Jospin cũng từng buộc tội cho người tiền nhiệm của Frederic Dumoulin về câu bình luận trong một tin nhanh nhân chuyến đi công tác của thủ tướng ở Brasil mùa xuân năm 2001 (báo Liberation 27/08/2003)
    Docteur Mignon hất hàm: cô Liên làm gì tuần qua? Không để Liên kịp trả lời, lên giọng: chúng tôi trả tiền không phải để cô Liên ăn căng tin, uống cà phê và ngủ gật. Liên im lặng. Chúng tôi nhận được thư của ba báo cáo viên phàn nàn cô Liên không trả lời các câu hỏi của họ, ba mươi sáu tiếng đồng hồ đối với những nhà nghiên cứu khoa học là một khoảng thời gian khổng lồ. Trong vòng một giờ nữa cô Liên không làm xong việc này, chúng tôi buộc phải tìm người thay thế. Nát hỏi: cần gấp thế ư? Liên gật đầu. Không đứa nào mở cho mày cái máy trong phòng à? Liên lắc đầu. Tao phải chuẩn bị kế toán cho đoàn chuyên gia Viện gửi đi Nigeria, hội thảo quốc tế Trẻ em mồ côi, ngày mai lên đường sớm. Liên im lặng đi ra cửa. Nát chạy theo: thử xuống thư viện xem sao. Liên không trả lời, cắm đầu bước. Tanh chạy ra tận cửa nắm tay kéo vào, chỉ ghế mời ngồi, rồi vác đến một máy vi tính cầm tay, bảo mang xuống phòng mà làm việc. Ba lá thư của ba báo cáo viên quả là rất khẩn cấp. Vị thứ nhất, giáo sư một trường đại học Bắc Âu, nhờ Liên đặt hộ vé máy bay Copenhagen-Toulouse-Genève, sau hội nghị muốn qua Thụy Sĩ mấy ngày, đăng kí chỗ trước sáu tháng để được ngồi cạnh cửa sổ. Vị thứ hai, tiến sĩ tâm lý học trẻ em, chuyên gia viện khoa học xã hội Hy Lạp, yêu cầu Liên tìm khách sạn ở trung tâm Toulouse, cạnh nhà hát Lớn, nhất định không bỏ lỡ vở ba lê hiện đại lúc 19 giờ, ngay buổi tối đầu tiên. Vị thứ ba, đại diện một tổ chức vô chính phủ Bắc Mỹ tại Trung Cận Đông, sẽ đi công tác ở Nam Phi, rồi từ Nam Phi qua Pháp, rất có khả năng đến muộn một ngày, đề nghị Liên ra đón tại sân bay Toulouse, đưa thẳng về hội nghị, đỡ mất thêm thời gian một cách vô ích. Tanh gõ cửa xin phép vào chơi. Liên lắc đầu. Nhai hết nửa gói bích qui mà ba lá thư khẩn cấp chưa biết trả lời làm sao. Chuyên gia quốc tế có lịch công tác chặt không kém thương gia quốc tế. Nát chạy lên, ném gói bích qui vào sọt rác, gõ một lèo tiếng Anh: cám ơn Ngài đã viết cho tôi. Tôi đang xem xét, sẽ có thông tin chính xác. Kính thư. Liên. Gõ thêm địa chỉ của ba vị thành viên. Tách một cái, phủi tay, đóng máy, hất hàm bảo Liên xuống cà phê. Hai đứa khuân ghế ra ngồi cạnh cửa sổ. Các vị khách đồng hương vẫn tạm trú à? Liên gật đầu. Cẩn thận nhé. Con bé ấy mà có bầu là không đuổi được đi đâu. Cảnh sát bó tay. Chủ nhà bó tay. Tòa án cũng bó tay. Liên im lặng nhìn xuống phố. Hai cây tử đinh hương nở hoa tím ngắt. Chẳng mấy đã hết tháng. Các con chuột sạch đẹp chủ nhà, trong lịch công tác, thế nào bên cạnh ngày 30 chẳng viết thêm cụm từ: cực kì quan trọng. Bút dạ đỏ hằn sang cả trang sau. Có khi đã báo cáo cảnh sát rồi cũng nên. Có khi đã chuẩn bị luật sư rồi cũng nên. Nát chạy ra mua thêm cốc cà phê nữa. Đổ một lúc hai gói sữa bột vào khuấy loạn xạ. Từ hôm gặp Liên đến giờ phải tăng vài cân là ít. Nhưng khuôn mặt vẫn hiền hậu dễ thương. Mắt nâu trong veo. Cổ cao ba ngấn. Tóc mây óng ả. Thế mà vẫn phải lo giữ chồng. Phụ nữ Praha đẹp nổi tiếng, vừa đẹp vừa tình tứ. Nát bảo chồng nó nghệ sĩ, thoáng thấy bóng hồng là tim loạn nhịp, một lá thùy dương cũng đủ tâm hồn xao xuyến. Chân Liên nhận một cái đá đau điếng. Nát hất đầu về phía cửa sổ. Rất xa, ở tít đầu phố, Toto mở cửa xe cho một người đàn ông đứng tuổi, kính đen, tóc chải keo, từ cổ tới chân đồ da bóng lộn. Mày không nhận ra ai à? Liên lắc đầu. Thủ trưởng của mày chứ còn ai. Liên nhướn mắt. Nát nói tiếp: một tuần hai lần đưa nhau đi nhẩy. Thay quần áo ở tiệm Mc Donald. Trong Viện nhiều người biết nhưng không cho ý kiến, còn bận bắt chước Raffarin và Chirac. Nát nhìn vào mắt Liên thì thầm: mày cẩn thận nhé. Đừng phát biểu lung tung. Thủ trưởng của mày cuối năm có khả năng lên thay viện phó, viện phó sắp về hưu. Liên im lặng thở dài. Nát vuốt tay Liên bảo: hèn gì hôm trước xem bói cho mày, tao thấy một cặp khác thường, con bảy bích và con tám bích. Liên ơi, mày bị hai cặp hại một lúc cơ đấy. Liên nghĩ đến các vị chủ nhà, định chữa lại là ba, nhưng cuối cùng chẳng nói gì, đứng lên mua một cốc cà phê mang lên phòng, ra tới cửa còn quay lại lấy thêm hai gói sữa bột. Nát lắc đầu im lặng, trước khi rời thang máy, quay sang bảo: bình tĩnh nhé. Liên mở máy vi tính, đọc được thêm hai lá thư nữa, của hai báo cáo viên Việt Nam, viết song ngữ Anh-Việt. Một báo cáo viên tên là Nguyen Ngoc Trau (không hiểu là Trâu hay Trấu), xin dự án (chứ không phải Liên) không ghi ngày về trong vé Paris-Hanoi, để có thể ở lại Pháp thêm một tuần với con trai, sinh viên cao học tổng hợp Nantes. Một báo cáo viên tên là Tran Van Dam (không hiểu Đàm hay Dâm), tự giới thiệu là phó đoàn, nhờ đích danh Mr. Lien (chứ không phải dự án) dịch báo cáo của đoàn sang tiếng Pháp, đoàn cần gấp, để tuần sau có thể gửi cho một dự án khoa học khác ở Bruxelles, do ủy ban khối Pháp ngữ đăng cai. Liên lấy lá thư Nát gõ lúc nãy gửi cho Nguyen Ngoc Trau và Tran Van Dam. Cũng không đính chính là Miss Lien. Tự nhủ để Mr lại hóa hay. Trút hai gói sữa bột vào cốc cà phê. Uống xong mới phát hiện cà phê hôm nay sao mà đắng, còn công việc thì ngay ngày đầu đã biết là rất nhàm, cái mặt Toto khó hiểu hơn là khó chịu. Tanh gõ cửa bảo: chăm chỉ quá, đi ăn phở không. Liên tặc lưỡi leo lên xe. Tanh nhắc cài dây bảo hiểm, giọng rất ấm. Trước khi quay vô lăng, giơ tay bật cát xét. Quốc Hương hát: đêm Trường Sơn, chúng cháu hành quân, đêm đêm chúng cháu bước, Bác như đang đứng nơi này. Tanh hỏi : biết Đêm Trường Sơn nhớ Bác chứ. Liên gật đầu. Tanh hỏi tiếp: biết nghệ sĩ nhân dân Quốc Hương không. Liên gật đầu. Tanh bảo: tha thiết hào hùng nhỉ. Liên gật đầu. Liên chưa bao giờ xem Quốc Hương biểu diễn. Khi Liên đủ tuổi nghe ca nhạc thính phòng thì nghệ sĩ nhân dân đã mất từ lâu. Huyền thoại để lại khá nhiều. Giật gân nhất là cô vợ trẻ hơn ba mươi tuổi, chỉ số một và chỉ số ba vượt xa phụ nữ cùng thời. Đêm Trường Sơn nhớ Bác không cần nhờ Quốc Hương và các huyền thoại mới trở nên tha thiết hào hùng. Đêm Trường Sơn nhớ Bác được bọn con trai đại học Mỏ-Địa Chất luyện một năm vài lần, được các cán sự văn nghệ vắt óc tìm mọi cách trình diễn. Tha thiết hào hùng là yêu cầu đầu tiên. Một đoàn mấy chục thằng sơ mi trắng, quần xanh sĩ lâm, tay chắp trước ngực. Tóc đồng loạt cắt hở tai, chải ngôi bên phải, vuốt nước bọ gậy kí túc xá. Mắt nhìn quốc kì, hai mươi phút không chớp. Nhớ về trường là nhớ về một đám đông. Chẳng khuôn mặt nào dừng lại hơn một giây. Chẳng kỉ niệm nào vượt được ngày mồng 8 tháng 3 nằm nhà thở dài .
    Quốc Hương hát xong thì Tanh cho xe lượn xát vỉa hè. Quán phở quận Năm có treo cờ búa liềm và khẩu hiệu Đời đời nhớ ơn Hồ Chủ Tịch. Chủ quán chạy lại bắt tay nói bằng tiếng Việt: anh Thành hôm nay đẹp trai quá, hai tái nhé. Tanh sung sướng, cười hé hé, quay sang hỏi Liên, cũng bằng tiếng Việt: gôi cuông hông. Liên lắc đầu. Chủ quán bảo: nó hỏi gỏi cuốn không. Liên lắc đầu. Chủ quán bảo tiếp: chuột sa chĩnh gạo đấy. Liên không hiểu gì, im lặng. Tanh lại hỏi: nuốc zùa hông. Liên quay sang nhìn chủ quán. Chú quán bảo : nó hỏi nước dừa không. Liên lắc đầu. Từ đấy trở đi, Tanh sử dụng toàn tiếng Việt, chủ quán làm thông dịch viên, Liên vật vã bên bát phở tái và chiếc gỏi cuốn to đúng bằng bắp tay. Bàn bên cạnh, hai chị trung niên ngồi gẩy bún bò, vài phút lại liếc về phía Liên. Chị mặc áo len bảo: con này trông như đượi, ở nhà chó nó thèm lấy. Chị đeo dây chuyền bảo: chắc tán được thằng già này ở Hạ Long. Bọn Tây ngu bỏ mẹ, toàn rước về nước của tồn kho. Chị mặc áo len bảo: nhìn da mặt nó kìa, bánh đa kê gọi bằng cụ. Chị dây chuyền bảo: sao ngửi hơi trai lâu thế mà không đỡ nhỉ. Liên bỏ đũa, cầm túi đứng lên. Trước khi ra khỏi quán, quay lại gườm gườm nhìn hai chị Hà Nội. Cánh cửa sập lại, còn nghe hai tiếng cười the thé trộn vào nhau, cái bát trên bàn rơi xuống đất vỡ toang. Tanh chạy theo. Chủ quán chạy theo. Tanh mở cửa xe. Chủ quán đưa cho cốc nước dừa. Xe chạy được một đoạn, Tanh bảo: việc quái gì mà giận. Liên im lặng. Miễn mình không thế thì thôi. Hóa ra Tanh bập bẹ tiếng Việt nhưng có khả năng thẩm âm, hiểu từ đầu đến cuối cuộc đối thoại tế nhị của hai chị trung niên Hà Nội, hiểu cả những từ vựng đương đại mà chủ quán Việt kiều cũng bó tay. Tanh bảo: qua nhà uống chè nhé. Liên gật đầu. Gật xong cũng thấy ngạc nhiên, rồi tặc lưỡi đằng nào chẳng phải ngồi bậc thềm, sư tử và mèo ốm đang say sưa vật nhau. Địa chỉ Tanh độc nhất vô nhị: quận 13, nhà 13, tầng 13, phòng 13. Thang máy ươm mùi đậu rán. Hành lang ươm mùi nước tương. Cứu hoả một năm vài lần đến dập hương cháy và hỏa lò lẩu than. Tanh bảo ở đây tiện lắm, tám giờ sáng xuống đường ăn phở rồi phóng xe đi làm. Tanh lâu lắm không dùng điểm tâm Pháp bánh sừng bò, cà phê sữa. Tanh bảo hàng xóm tốt lắm. Tanh không bao giờ phải lo khóa cửa. Tường chính của phòng khách treo bộ sơn mài bốn mùa, bên dưới khắc chữ hoa nghiêng: Mặt Trận Dân tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam Kính Tặng - Paris 1972. Tanh bảo: quà của bà Bình. Nóc vô tuyến bầy cây đàn Tơ-rưng bằng tre. Không có ghi chú nhưng bụi phủ trắng xóa. Tanh bảo: quà của đại sứ đặc mệnh toàn quyền. Dưới sàn là tấm thảm trống đồng Ngọc Lũ, mấy con chim Lạc đã bợt hết cánh. Tanh bảo: quà của đảng bộ nhà máy thảm cói Đống Đa. Trên bàn để bộ tách giả cổ men rạn. Tanh vừa rót chè vừa bảo: quà của đảng ủy xí nghiệp sứ Hải Dương. Mấy phút sau, chè rỉ hết ra ngoài, còn mỗi tách không. Tanh vào bếp mang ra một chiếc cốc thủy tinh, cười cười rót nốt chỗ chè còn lại. Một cô gái tí hon khỏa thân hiện ra, ngực, đùi, bướm, trọn vẹn. Liên trợn mắt nhìn mấy sợi lông nhỏ xíu rung rinh trong nước. Tanh lắc đầu, không giới thiệu quà của ai, ngồi xuống, hai tay đặt lên đùi. Liên cũng ngồi xuống, hai tay đặt lên đùi. Giữa hai người là một hộp mứt tổng hợp, mở ra chỉ thấy dừa nạo khô nhuộm phẩm màu. Tanh bảo: tết Hà Nội xếp hàng mậu dịch dài lắm nhỉ. Liên gật đầu. Tanh bảo: phiếu trẻ em không có trứng nhỉ. Liên gật đầu. Tanh bảo: phiếu cán bộ mỗi quí một mét vải chéo nhỉ. Liên gật đầu. Tanh bảo: không có dầu, phải đun trấu và mùn cưa nhỉ. Liên gật đầu. Tanh bảo: không có điện phải quạt tay nhỉ. Liên gật đầu. Tanh im lặng một lúc rồi lại mang kho kỉ niệm hội nghị Paris ra kể. Tập trung cả sứ quán được hai trăm bánh đa nem. Sau phải mua lại của đầu bếp sứ quán Trung Quốc. Giá chặt đẹp mà bánh thì vỡ. Bạn bè quốc tế vẫn hoan hỉ. Vui nhất là đoàn Liên Xô. Tùy viên văn hóa đứng lên đọc thơ Việt Nam dịch sang tiếng Pháp. Giữa hai cái ngáp, Liên nghe Tanh ngân nga một đoạn không hiểu Huy Cận hay Tố Hữu. Giữa hai cái ngáp, Liên buồn bã nghĩ trong số các bài báo được bà già láu cá sưu tập và đánh sao, chẳng có bài nào về các thèm khát của đàn ông lớn tuổi. Mười một giờ đêm, Tanh bảo: về nhé. Liên gật đầu. Ra gần đến cửa, xách tay rơi xuống đất, Liên cúi xuống nhặt. Bỗng một vòng tay quàng lấy hông. Đèn tắt phụt. Rồi một hơi thở nong nóng sau lưng. Liên được kéo qua một hành lang tối om và rất hẹp. Được đặt lên mặt giường đệm êm ái, nồng nồng một mùi chưa bao giờ biết tên. Được cởi quần áo, từng cái một, theo thứ tự từ trên xuống dưới. Được hai bàn tay xoa lên hai bầu ngực. Lần sang eo. Trượt qua bụng. Miết xuống đùi. Môi khô cong còn âm hộ thì ẩm ướt. Năm phút sao mà dài. Dài hơn ba mươi chín năm kiên nhẫn cộng lại. Liên kéo hai bàn tay vào môi. Hai bàn tay rụt về. Liên kéo hai bàn tay vào âm hộ. Hai bàn tay rụt về. Liên bật khóc. Điều kì lạ không bao giờ xảy ra. Chỉ có trí tưởng tượng là tồn tại. Trong bóng tối, nước mắt cũng có màu rất đậm. Một tấm chăn nhẹ nhàng rơi lên người, chiếc mùi xoa đáng ghi vào từ điển Guinness. Liên thức dậy khi trời vẫn tối. Giường thênh thang. Còn chăn thì đẫm nước. Đệm vẫn êm ái và có thêm một mùi nữa, cũng chưa bao giờ biết tên. Liên quay mặt vào tường nhớ lại chuyện đêm qua. So sánh với cảm giác bồng bềnh ở Salsa Cuba. Chỉ thấy một bàn tay mềm mềm. Và một cơn mơ khác thường. Khung cảnh là quán ăn Mc Donald. Hai nhân viên phục vụ là hai chị trung niên Hà Nội, mặc áo len và đeo giây chuyền, nhưng có thêm tạp dề trắng. Docteur Mignon trần truồng, đùi và bụng hóa ra khá mắn, tay trái giữ một bông hoa màu đỏ giữa háng, tay phải đưa cho hai chị Hà Nội một bộ com lê đen phủ ny lông trong suốt, bảo cất ngay vào tủ sắt khóa kín, tránh mùi khoai tây rán và nước sốt cà chua. Liên nhỏm dậy thì nhớ ra bông hoa trà Mai Lan để bắt bụi trên giá sách, không hiểu đến tay docteur Mignon bằng cách nào. Tanh ngồi đọc báo Nhân Đạo trong phòng khách. Hai bài ngắn về đất nước và con người Việt Nam. Số đặc biệt kỉ niệm hai mươi chín năm Sài Gòn sụp đổ. Bài đầu tiên của một chuyên gia sử học nổi tiếng với những phát biểu phản đối Mỹ xâm lược Irak, từng là bạn thân của Arrafat, Fidel Castro và Phạm Văn Đồng, có trong tay nhiều tư liệu lịch sử quí, ví dụ năm mươi bức ảnh đen trắng chụp dinh Độc Lập ngày 30 tháng 4. Bài thứ hai của một phóng viên thường trú ở Băng Cốc, kể lần đầu tiên đến Hà Nội, thời bao cấp, đi uống cà phê với các cựu sinh viên trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, được họa sĩ Bui tặng một kí họa phố cổ trên bao thuốc lá, được họa sĩ N’guyen X’ang kéo về nhà riêng uống Whisky, được một nữ họa sĩ chuyên vẽ mẹ bồng con dẫn đi chơi phố Hàng Lụa. Tanh bảo: bàn chải, thuốc đánh răng, khăn mặt trong buồng tắm, tự nhiên nhé. Mười lăm phút sau cả hai vào thang máy. Một đám trẻ con đeo cặp, gặm bánh mì. Liên bị đẩy sát vào Tanh. Gần đến nỗi thấy cả những chân tóc li ti màu trắng. Đành thở dài nhìn xuống chân, dù sao chân cũng dấu trong tất, tất dấu trong giầy da, giầy da lại được đánh xi bóng. Tanh bảo: tối hôm qua ăn phở, bây giờ ăn cháo nhé. Liên gật đầu. Bồi bàn bưng ra một ấm chè, hai cái tách và hai bát gạo nấu thịt băm. Tanh hỏi: có bột mì rán không. Bồi bàn gật đầu. Tanh bảo: cho hai miếng cắt nhỏ. Nhà hàng tám giờ sáng, cả chủ lẫn khách đều chưa tỉnh ngủ, gạo chưa nở hết, thịt băm vón cục, hành mùi sống nhăn, cái bơi đằng cái, nước bơi đằng nước. Một ông đeo kính mang thằng con trai vào ăn phở. Thằng con đòi ăn phở tái. Bồi bàn bảo: thịt chưa kịp xả đá, ăn bò viên được không. Thằng con lắc đầu. Hai bố con lại dắt nhau đi. Tanh lắc đầu bảo: tiếng Nam khó nghe thật. Ba mươi phút sau bồi bàn vẫn chưa ra. Tanh viết séc để lại, lèn lên mấy đồng xu lẻ. Hai bát cháo còn nguyên, mỡ váng một lớp trên cùng. Ra đến cửa, bồi bàn chạy theo ấn vào tay hai hộp nhựa, bảo quên bột mì rán à. Mở ra mới biết là quẩy nóng. Đến Viện muộn năm phút. Ông thường trực thông báo: cô Liên có người gọi điện tìm, bảo phải liên lạc gấp, khẩn cấp lắm. Mai Lan khóc rưng rức, hỏi gì cũng không trả lời, mấy phút sau mếu máo: tao đang ở bệnh viện, mày đến ngay. Thế rồi cúp máy. Quên cả cho tên bệnh viện. Ông thường trực nhanh ý bảo: gọi lại nhé. Liên gật đầu. Đầu kia trả lời : bệnh viện đa khoa Sainte Anne nghe đây. Ông thường trực xin địa chỉ, lại hỏi bến tàu điện ngầm gần nhất, ghi hết vào một mẩu giấy. Liên ngần ngừ. Ông thường trực nháy mắt: viết mấy chữ cho docteur Mignon rồi đi vô tư. Liên ngoáy hai dòng, đại để phải đến Air France để hỏi vé máy bay cho vị giáo sư Bắc Âu, sau đó lại phải ra ga để hỏi vé tàu cho vị chuyên gia Hy Lạp. Viết xong, phát hiện hai lỗi chính tả, một lỗi ngữ pháp, sửa đè lên rồi tặc lưỡi đưa cho ông thường trực. Bệnh Viện Sainte Anne, ba xe cấp cứu chặn cổng chính và hai cổng phụ. Y tá trưởng lắc đầu: tìm khoa khác đi, không có madame Tran nào cấp cứu ở đây đâu. Liên đọc thêm tên Mai Lan. Vẫn lắc đầu nguầy nguậy, sau cho một số điện thoại bảo thử hỏi bên quản lý xem sao. Bên quản lý cũng bó tay. Rồi cho một số điện thoại bảo thử hỏi bên hành chính xem sao. Bên hành chính bảo đợi nhé. Cuối cùng cho một số phòng. Mười lăm phút sau qua hết hai cái sân rộng, leo năm tầng cầu thang, cũng đến nơi. Gõ cửa, không ai trả lời. Đẩy cửa vào, một cặp đang hôn nhau, người đàn ông quần áo thể thao luồn tay vào ngực người phụ nữ nằm trên giường. Trên bàn, bó lay ơn đỏ chưa kịp cắm vào lọ, đôi bánh bao nằm nguyên trong túi ny lông. Người đàn ông quay ra bảo: mù à, rồi sập cửa lại. Bên hành chính hỏi: có chắc bệnh nhân họ Tran không. Liên im lặng. Bên hành chính bảo: thử họ N’guyen xem sao nhé. Liên gật đầu. Bên hành chính hỏi tiếp: con trai hay con gái. Liên bảo: con gái. Bên hành chính bảo: tên Trung à. Liên lắc đầu. Bên hành chính bảo: tên Nam à. Liên lắc đầu. Bên hành chính hỏi: tên My à. Liên gật đầu. Bên hành chính bảo: tên Trung Quốc rắc rối quá, chẳng biết giống đực hay giống cái. Cuối cùng cho một số phòng. Qua năm tầng cầu thang và hai cái sân rộng để ngược lại chỗ cũ. Cô y tá trưởng hất hàm hỏi: tìm thấy chưa. Liên đưa số phòng. Cô y tá trưởng lạnh lùng bảo: người thân mà nhầm họ nhầm tên được kể cũng tài. Mai Lan mặc py-ja-ma, ngủ gật trong góc phòng. Con My nằm trên giường. Đầu quấn băng trắng, toàn thân phủ vải trắng, hai bàn chân thò ra ngoài cũng bó bột trắng. Mai Lan nghe tiếng cửa mở, bật dậy, ôm Liên nức nở. Con My thất tình, lao từ cửa sổ lớp học xuống sân trường. Ban giám hiệu gọi điện cho Mai Lan, rồi viết thư khẩn thông báo cho bố con My, không hiểu tìm đâu ra địa chỉ. Kiến trúc sư đang kiện diễn viên điện ảnh Hà Nội tội thiếu tư cách nhận tiền trợ cấp. Luật sư vừa xách cặp đến tận đây làm việc. Chụp ảnh con My rồi quay ra dọa nạt. Mai Lan mếu máo: nếu mất nhà, tao đến mày ở tạm nhé. Liên im lặng. Mai Lan vẫn mếu máo: mày có tiền không cho tao vay. Liên im lặng. Mai Lan òa lên: ít thôi cũng được. Không thấy nhắc tờ giấy cam kết trả nợ của thằng Tom. Liên thở dài im lặng. Mai Lan nói tiếp trong nước mắt: Liên ơi, tao còn mỗi mày là bạn. Hai đứa chia tay khi cô y tá trưởng xộc cửa bước vào: phòng này ồn ào nhất viện, hết đánh nhau lại khóc lóc. Về đến Viện thì năm giờ chiều. Ông thường trực nhìn Liên lắc đầu: mới đến làm việc đã biết trốn đi chơi. Phòng sáng choang. Đèn nê-ông đã được thay. Máy vi tính đã được bật. Tủ tài liệu mở tung, hai mươi tập hồ sơ xếp thành hai hàng thẳng tắp. Sau bàn làm việc là một thằng con trai, vẻ thư sinh, tóc chải mượt, sơ mi trắng nõn. Thấy Liên, đứng lên bắt tay tự giới thiệu: Alfred Thomas N’go N’goc
- o O o -
*. Rồi lại ngồi xuống gõ tiếp, mười ngón tay vuốt ve bàn phím, lúc ghì vào lúc đẩy ra, yết hầu chạy rần rật trên cái cổ dài như cọng rau cần. Giữa màn hình là bức thư bằng tiếng Anh, người nhận là vị đại diện tổ chức vô chính phủ Bắc Mỹ: Ngài quí mến. Bức thư của Ngài là một vinh dự lớn đối với chúng tôi. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức.... Docteur Mignon bảo: cô Liên lên gặp thư kí làm thủ tục nhận lương, hai tuần mỗi tuần ba buổi, tổng cộng là bốn tám giờ. Chúng tôi đã tìm được người thay thế cô Liên. Các báo cáo viên đều lo lắng cho trình độ tiếng Anh của trợ lí hội nghị. Thật là đáng tiếc. Nát bảo: sao mày ngốc thế, kí hợp đồng ngay từ đầu thì chẳng thằng nào dám đuổi mày, nó đang rình chức viện phó, nó cũng sợ phạm luật lao động chứ. Liên im lặng. Nát nói tiếp: đi làm ba tuần, được một trăm bảy mươi chín euro, vừa đủ trả vé tàu điện và uống cà phê. Lúc chia tay, nó đưa cho Liên địa chỉ bảo lúc nào rỗi ghé chơi, chồng nó cũng thích Việt Nam lắm, mối thông cảm mang tính xã hội chủ nghĩa. Tanh mở cửa đỡ lấy máy vi tính xách tay, xin số điện thoại riêng. Có vẻ như đã biết chuyện nhưng tránh bình luận. Dẫn ra thang máy, bắt tay một cái rồi quay lưng, thư viện đang chuẩn bị tài liệu cho hai cuộc họp khẩn cấp. Liên không nhớ chi tiết nào trên đoạn đường về nhà. Vì nước mắt chảy ra quá nhiều, tìm mãi không thấy khăn mùi xoa. Hay vì đã bước xuống lòng đường mà ông thường trực còn chạy theo, yêu cầu trả thẻ ra vào. Hay vì lúc đi ngang cây tử đinh hương, chạm mặt Toto, hai cặp mắt gườm gườm nhìn nhau, hai đôi môi mím chặt. Một cái mặt vừa khó hiểu vừa khó chịu.

Xem Tiếp Chương 22Xem Tiếp Chương 22 (Kết Thúc)

Paris 11 Tháng 8
  » Xem Tập 1
  » Xem Tập 2
  » Xem Tập 3
  » Xem Tập 4
  » Xem Tập 5
  » Xem Tập 6
  » Xem Tập 7
  » Xem Tập 8
  » Xem Tập 9
  » Xem Tập 10
  » Xem Tập 11
  » Xem Tập 12
  » Xem Tập 13
  » Xem Tập 14
  » Xem Tập 15
  » Xem Tập 16
  » Xem Tập 17
  » Xem Tập 18
  » Xem Tập 19
  » Xem Tập 20
  » Đang Xem Tập 21
  » Xem Tiếp Tập 22
 
Những Truyện Dài Khác
» Liêu Trai Chí Dị
» Pie Đệ Nhất
» Thiên Thần Và Ác Quỷ
» Tuyết Bỏng
» Cuộc Đời Của Pi ( Phần II )
» Mao: The Unknown Story
» Con Lừa Và Tôi