Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Dài » Một Người - Một Đời Tác Giả: Lê Mỹ Hân    
    Anh Hùng đã ra trước từ lúc nào, nổ sẵn máy xe cho hơi lạnh toả ra mát rượi, tôi ngả hẳn người ra ghế, mắt nhắm hờ. Nhớ lại gương mặt buồn so của anh Quynh khi thấy tôi từ chối nhận bịch hột tiêu anh đưa. Không phải là tôi chê bai gì vì lần nào lên anh cũng túm cho một mớ, ăn hoài không hết. Nghĩ tới công sức khó nhọc của anh chị và các cháu đã tốn biết bao nhiêu thời gian mới thu hoạch được một ký hạt tiêu, vậy mà mang đi bán chỉ được có mười mấy ngàn đồng một ký (khoảng 1 đô la Mỹ). Thấy mà xót xa...! Lần trước về thăm nhà, tôi đọc tin trên tờ báo Tuổi Trẻ, bắp cải ở Đà Lạt được mùa bán không ai mua, kêu xe hàng đến cho không người ta chặt mang đi, vậy mà tài xế còn quành trở lại đòi tiền công xăng dầu, y như là chuyện lạ có thật.
    Trái vải bán rẻ "bèo" chỉ 1 ngàn đồng một ký (tức 1 đô la mua được 15 ký), thử hỏi người nông dân đến mùa thu hoạch bán ra được bao nhiêu tiền? Đồng tiền kiếm được đã là khó, vậy mà giá cả sinh hoạt đời sống càng ngày càng tăng một cách chóng mặt. Hồi tôi còn ở Việt Nam, cầm 50 ngàn đồng ra chợ mua đủ thức ăn cho cả nhà 7, 8 miệng ăn, nay cũng số tiền ấy, tôi cứ đứng ngơ ngác giữa chợ chả biết mua thứ gì. Bữa nọ chạy xe đi đón con, tấp cây xăng đổ đầy một bình, tôi giật mình khi nhân viên thâu tiền giá gấp đôi kỳ trước. Trời ơi, tiền lương vẫn giữ y như cũ mà giá cả tăng vùn vụt thế này dân thường kêu trời không thấu...
    Chiếc xe vẫn vun vút lao đi, tôi khoanh tay nhìn ra bên đường, im lặng. Con đường này tôi đã đi lại rất nhiều lần trong gần mười năm qua, đi xe hơi cũng có, đi xe honda cũng có mà đi bằng taxi cũng có. Từ chợ Long Khánh lên trại tù Z30A chỉ độ hơn 30 cây số, xe chạy tới ngã ba Ông Đồn quẹo về tay trái, đi thêm chừng 7 cây số nữa là đến nơi. Đây cũng chính là con đường dẫn vào khu du lịch "Chứa Chan Da Lào" nổi tiếng ở khu vực phía Nam. Lần đầu tiên tôi đọc tấm bảng quảng cáo to tổ bố nằm bên vệ đường bật cả cười, tên gì tên kỳ cục Chứa Chan Da Lào có nghĩa là gì mà tôi nghĩ hoài không ra. Tôi chồm người lên phía trước, khều vai bố, hỏi:
    - Bố, gần đến nơi rồi đấy, bố đưa giấy tờ đây cho con.
    Bố tôi cúi xuống ôm cái cặp lên, mở nắp, rồi đưa ngược tờ giấy thăm nuôi ra phía sau. Tôi đón lấy tờ đơn, mở ra và chăm chú đọc, người đứng đơn là tên má nhỏ cộng thêm một dọc tên những người đi kèm theo trong đó có cả tôi. Đọc xong tờ đơn, tôi thảng thốt kêu trời:
    - Chết rồi...! Sao bố lại để bà đứng tên. Mấy thằng gác cổng vin vào chuyện này làm khó dễ.
    - Ôi giời, đơn từ có đóng dấu đàng hoàng mà, lo gì con.
    - Rồi bố xem con có nói đúng không, mấy chuyện như vầy con gặp như cơm bữa.
    Tôi gập tờ đơn xin thăm nuôi nhét nó vào trong giỏ xách, mắt ngó ra bên ngoài nhìn mông lung, Con đường nay đã tráng nhựa chạy êm ru, dân cư hai bên đường dựng nhà thật đông đúc, không còn lèo tèo mấy căn như thời cách đây gần mười năm. Xe vẫn vùn vụt lao đi.
    - Anh Hùng chạy từ từ thôi, để em kiếm quán ăn lần trước.
    Tôi gọi thật to:
    - Út, nhìn phụ với chị coi quán ăn nó nằm khúc nào mày?
    Út đang lơ mơ ngủ, choàng bật dậy, ngơ ngác.
    - Qua đường rầy xe lửa chưa?
    - Hình như chưa thì phải.
    Thằng Út tiếp lời:
    - Phải qua đường rày xe lửa một khúc mới tới. Bà làm gì mà nôn dữ vậy, đói lắm hả?
    Tôi ngó đồng hồ.
    - 12 giờ trưa đến nơi rồi, còn không đói nữa. Sáng tới giờ đã nuốt miếng nào vào bụng đâu.
    - Ừ hén. Em cũng thấy đói rồi.
    Xe chạy thêm một khúc nữa tới đường rày xe lửa, bỏ qua một cái ngã ba chừng vài căn nhà thì tới quán ăn quen thuộc. Anh Hùng cho xe lọt hẳn vào tận trong sân. Tất cả mọi người vội vã nhẩy xuống đi vào quán ăn. Trong quán ăn chỉ lèo tèo vài người khách ngồi rải rác xung quanh. Nhóm tụi tôi chiếm cái bàn lớn nhất, kéo ghế ngồi xuống. Phải đợi gần năm phút sau mới có nhân viên phục vụ ra hỏi. Tôi vẫn chăm chú đọc thực đơn.
    - Kêu món gì bây giờ?
    - Món gì cũng được, lẹ lên chị, kẻo không kịp giờ đó.
    Tôi lại liếc nhìn đồng hồ, 12 giờ 10 phút. Phải ăn cho nhanh để vào trong trại tù nộp đơn kẻo trễ, tôi kêu vội món cá kèo kho tộ, thịt bò xào ớt Đà Lạt, mực hấp gừng và thêm món canh cải bẹ xanh nấu cá thác lác, tôi muốn kêu thêm món chim cút rô ti nhưng lại sợ đầu bếp làm lâu nên bỏ, mấy lần trước tôi đều kêu món này bởi ở đây đầu bếp nấu món chim cút khá ngon. Kêu thức ăn xong, tôi hối cô chạy bàn:
    - Nhớ làm lẹ lẹ giùm chị nghen.
    - Dạ, có liền.
    Chỉ một lát, đồ ăn đã được dọn lên đầy đủ, bốc mùi thơm phức, tôi nuốt nước bọt, xới cơm ra chén, mời mọi người:
    - Cả nhà ăn cơm đi, không còn nhiều thời gian đâu.
    Chỉ một loáng, hai dĩa cơm to và thức ăn trên bàn đã láng o, tụi tôi mau lẹ thanh toán tiền và vội vã leo lên xe để anh Hùng chở thẳng vào trại tù Z30A nằm gần đấy. Thằng Út lên giọng chỉ huy:
    - Anh Hùng cho xe quay ngược trở lại một khúc, chỗ ngã ba hồi nãy mình đi ngang, quẹo vào con đường đó là tới.
    Xe dừng lại ngay trước cổng gác, tôi hối mọi người đưa chứng minh nhân dân cho tôi, cầm sấp CMND và tờ đơn trong tay, tôi với Hạnh đi vào trong vọng gác trình giấy. Gã công an trẻ tuổi cầm tờ đơn và sấp giấy CMND lên đọc, bất chợt hỏi:
    - Ai là người đứng đơn?
    - Là má tôi, nhưng bà bận không đi được.
    - Chứng minh nhân dân của bả đâu?
    - Xin lỗi, tôi không mang theo.
    - Vậy thì mấy người cảm phiền, không thể vô thăm được.
    Tôi quay mặt nhìn sang phía bố tôi với vẻ trách móc. Bố tôi sán lại, vuốt nhẹ gã công an:
    - Cháu thông cảm, tại chú không biết nên đâu có mang theo.
    - Nguyên tắc là nguyên tắc, không thể thông cảm được.
    Nói rồi, gã đẩy tờ và sấp chứng minh của mọi người ra gần ngay ô vuông cửa. Hạnh thò tay vào cầm lấy, tôi nháy mắt nó ra hiệu bảo kẹp tiền vào giữa tờ đơn cho êm chuyện. Bố tôi đứng ngay đó năn nỉ ỉ ôi nhưng gã công an vẫn trơ trơ cái mặt, xua tay từ chối. Hạnh kẹp tiền vào chính giữa lá đơn, đẩy vào bên trong rồi nhỏ giọng:
    - Em thông cảm, tụi chị cả năm mới đi thăm một lần mà.
    - Không được, chị về chứng lại đơn đi.
    - Xa xôi quá, tận dưới Bến Tre...lận.
    Gã công an nhìn bằng nửa con mắt, liếc ra bên ngoài, rồi nói bằng giọng cà chớn:
    - Đi xe hơi đời mới mà, đâu phải lội bộ. Chị cất tiền của chị đi, tôi không lấy đâu.
    Nói rồi hắn đẩy tờ tiền ra phía Hạnh. Tôi im lặng hậm hực bỏ ra phía bên ngoài, đứng đó một hồi nổi điên lại văng tùm lum hỏng hết chuyện. Thằng Út ghé tai tôi thì thầm:
    - "Đù má" thằng này láo thật, không lấy tiền còn bày đặt nói đểu.
    Tôi đang bực mình cũng phì cười:
    Anh Hùng đã lùi xe vào phía trong vườn cây của quán cà phê trước cổng, anh đi lại chỗ tôi, hỏi:
    - Rắc rối chuyện gì vậy?
    - Nó không cho vào.
    - Sao không cho vào.
    - Vì người đứng đơn không có mặt ở đây.
    - Kỳ vậy? Chắc nó đòi ăn tiền chớ gì.
    - Cho mà nó không thèm lấy chớ.
    Anh Hùng ngó vào bên trong, tôi cũng ngó theo.
    - Mỹ Anh là cô nào? Có quan hệ gì với phạm nhân?
    - Đây, con nhỏ này. Nó là cháu ruột của phạm nhân
    Hạnh chỉ vào cô cháu gái tôi đang đứng lớ rớ ngay đó. Gã công an lúi húi ghi chép cái gì đó trong cuốn sổ, tay ghi, miệng nói:
    - Tôi thông cảm giải quyết cho hai người vào thôi, ông cụ và cô bé này. Những người còn lại xin tránh ra cho người khác lấy chỗ vào nộp đơn.
    Hạnh vẫn tiếp tục năn nỉ xin cho mọi người vào hết, nhưng gã công an im lặng không nói gì. Chờ lâu quá, tôi cảm thấy mệt mỏi nên nói với bố mình:
    - Thôi, Bố với bé Anh vào đi, vào nộp giấy cho kịp gặp xuất đầu kẻo trễ. Tụi con đứng chờ ngoài này được rồi. Khỏi năn nỉ xin xỏ gì nữa. Đi thăm tù nhân chớ có phải đi gặp tổng thống đâu. Mệt!
    Nói xong, tôi mở giỏ xách tính lấy tiền đưa cho bố mang vào cho anh Bắc, giọng Hạnh vang lên:
    - Chị được vào đấy, cậu công an này đang ghi thêm tên chị nè.
    Tôi ngạc nhiên nhìn lên, thầm nghĩ: "Cha, tốt bụng đột xuất gớm!" Thôi cũng được, nó cho mình vào là tốt rồi. Bốn tên kia bị tống cổ ra ngoài, chỉ có Bố, bé Anh và tôi được phép đi vào bên trong. Tôi ngao ngán nhìn số quà mang thăm nuôi ông anh chất đống bên cạnh, mèng ơi, có ba người mà phải bê tất chỗ này vô trong chắc...chết. Từ đây vào chỗ thăm nuôi mất hơn cây số lội bộ, trời thì nắng chang chang, con đường dẫn vào trại đá cục lổn nhổn, khó bước vô cùng, cả ba mồ hôi nhễ nhại tuôn ra như suối, lễ mễ vừa bê, vừa vác đồ thăm nuôi đi bộ vào bên trong.
    Đến nơi, tôi vô trong nộp giấy, người nhận đơn là một phạm nhân quen mặt, tôi đã gặp nhiều lần trước đây. Thấy tôi, cậu ta cười thật tươi:
    - Chị lên thăm anh Bắc hả? Vợ ảnh có lên chung không? Ổng mong quá trời đất!
    - Vợ ông tháng sau mới lên, chị đi chung với ông già.
    - Ủa, bác cùng lên với chị hả.
    - Sao em ở đây lâu quá vậy, liệu năm nay có được về không cưng?
    - Không biết nữa chị ơi, mong lắm thay. Chị để đơn ở đây rồi kiếm chỗ nghỉ đi, một rưỡi ảnh mới ra lận.
    Tôi dợm chân tính bước đi thì cậu ta gọi giật lại:
    - À, có đồ thăm nuôi ảnh, chị gửi đây luôn, chút anh mang vô.
    - Ờ... chị biết rồi.
    Tôi đi ra khỏi phòng và tiến thẳng tới băng ghế đá đặt dưới mấy gốc cây đại ngoài sân của khu vực thăm nuôi tù nhân gần nơi cổng ra vào. Bố tôi và con bé Anh đang ngồi tại đó. Thấy tôi đến, ông cất tiếng hỏi:
    - Xong chưa con?
    - Xong hết rồi, chờ một chút nữa là được gặp.
    Tôi lôi chai nước suối, mở nắp, ngửa cổ tu ừng ực, làn nước mát lạnh chui tọt vào cổ họng làm tôi cảm thấy dễ chịu hơn. Ngả mình trên ghế đá, tôi đưa mắt nhìn chung quanh, trại tù càng ngày càng khang trang hơn so với lần đầu tôi đến, tất cả đều do công sức của tù nhân. Ánh nắng mặt trời chiếu xuyên qua tán lá, rọi thẳng vào mặt khiến tôi né qua chỗ khác. Lòng tự hỏi rằng còn phải đi thăm ông này bao nhiêu lần nữa đây? Lần nào lên thăm, tôi đều gặp phải sự bực bội ngay đầu cổng, chỉ có tấm giấy thăm nuôi thôi mà tụi công an cứ vẽ chuyện để làm tiền mình, mười lần như một, toàn phải đóng tiền "ngu" cho tụi nó, mất tiền mà ấm ức trong lòng. Có lần, tôi và chị Vân Giang cùng lên thăm anh, thế nhưng giấy tờ trục trặc, chứng minh nhân dân của tôi mới làm lại chưa kịp lấy, tôi không biết nên cầm theo hộ chiếu vì nghĩ rằng trong hộ chiếu có ghi số chứng ninh nhân dân của mình chắc không sao. Vậy mà vừa nhìn thấy tôi giơ hộ chiếu lên, gã công an gạt ra hẳn, không chấp nhận, đòi có giấy phép của Cục...của P 25, 26...gì gì đấy. Chị Vân Giang đứng năn nỉ mãi cũng không xong, làm cách nào tôi cũng không vào được, tôi đành phải ngồi ngoài chờ chị Vân Giang thay mặt tôi đi thăm nuôi anh. Cùng ngồi chờ với tôi là một người đàn ông còn trẻ nhà ở Bà Rịa, anh chở mẹ bằng xe honda lên đây thăm nuôi thằng em trai cũng bị nhốt ở trại này, anh không có giấy chứng minh, đưa bằng lái xe ra mà tụi công an không chịu, đành phải ngồi ngoài vì không có tiền hối lộ, anh có vẻ sốt ruột lâu lâu lại đứng dậy ngóng vào bên trong, anh lắc đầu thở dài: " Má tui già rồi cô, cái chưn bả đau đi lại khó khăn, vậy mà phải xách đồ đi bộ cả cây số vô trỏng. Tui lo quá không biết má tui có làm sao không." Anh thì ngóng má ra còn tôi thì đợi chị Vân Giang não hết cả ruột gan. Mãi đến tận 3 giờ chiều mới thấy chị lót tót đi bộ ra. Vừa nhìn thấy chị, tôi thốt lên:
    - Trời, bà làm cái gì ở trỏng mà lâu dữ vậy, tui ngoài này ngóng bà đói vàng cả mắt.
    - Mày làm như chị mày không đói vậy đó, ở trong có gì ăn đâu.
    - Sao chị không vô căng tin ăn tạm mì gói.
    - Căng tin bán nước không à, làm gì có bán đồ ăn.
    Tôi và chị cùng leo lên xe, hối tài xế đi kiếm quán cơm nào ăn lót dạ. Trên đường đi chị kể: "Nghĩ thấy tội nghiệp thằng anh mày, nó ra đứng ngơ ngác chẳng thấy ai quen, chị phải lên tiếng gọi " Bắc ơi chị đây này", Bắc tiến lại chỗ chị hỏi:" Mấy đứa nhà em đâu hết rồi chị?" "Có mỗi cái Hân em mày mà nó bị nhốt ngoài cổng rồi, mấy thằng gác cổng không cho vào vì nó không có chứng minh nhân dân" Thằng anh mày nó kêu trời. Chị cũng đã nói tình hình gia đình em cho Bắc nghe rồi, nói chung Bắc Khoẻ, mọi người yên tâm."
    Ngày hôm đấy thật đúng là một ngày xui xẻo, đang chạy bon bon trên đường, cái xe dở chứng tắt máy, đề mãi không nổ, ông tài xế phải đón xe khác cho tụi tôi về Sài Gòn. Ngồi trên chiếc xe chở đồ điện cũ trông bẩn thỉu như xe chở heo, tôi và chị vừa tức vừa buồn cười, cứ y như ra cổng gặp bà bầu.
    
- o O o -

    - Ồ...Ai giống như đội quân nhà ta dì ơi kìa?
    Tiếng con bé Anh vang lên, làm tôi giật mình ngó theo hướng tay nó chỉ. Tôi nheo mắt lại cố nhìn cho rõ, đội quân càng lúc càng tiến tới gần, thằng Út đi trước, cái Hạnh kế bên, sau cùng là chị Giang và con bé Cát Tường đang lon ton chạy theo mẹ. Tụi nó tiến vào cổng, tôi đưa tay ngoắc lia lịa.
    - Ê...Ở đây nè.
    Út cười đắc thắng gỡ cái nón kết vứt lên bàn. Tôi cà lâm hỏi:
    - Sao...sao...nó cho tụi bây vô vậy?
    - Đút tiền thì nó cho vào chứ gì. Hồi nãy nó chê ít đó bà ơi.
    - Hèn chi tao cứ thắc mắc mãi, thằng này hôm nay bày đặc chê tiền, mất bao nhiêu?
    - 2 tờ, móc thêm 20 ngàn cho con mẹ bán cà phê nữa. Mất đứt hai xị bà ơi. (1 xị là 100 ngàn, 1 chai là 1 triệu đồng tiền Việt, đây là tiếng lóng của dân cá độ đá banh)
    - Cứ "xị "với "chai" đi, có ngày tao vả cho rụng hết răng bây giờ.
    Thằng Út lại cười nhe nhởn
    Hạnh quay sang Bố tôi, dấm dẳng:
    - Tại bố đấy, người ta chịu khó chạy lên phường mình chứng đơn đi… cứ là thích để tên má bây đứng cơ, cái gì cũng má bay...má bay… Tự nhiên phải đóng tiền ngu hết 200 ngàn, để số tiền đó cho ông Bắc ông ăn có phải sướng miệng không. Mấy thằng đó là cái thá gì, nó chỉ là thứ gác cổng. Mắc mớ gì mình phải xì tiền cho nó.
    Bố tôi biết lỗi im lặng không nói thêm gì, ông chán cô con gái mồm loa mép dải, đang lên án ông nên xoay lưng lại quay mặt ra hướng khác.
    - Thôi, đủ rồi, mày đừng trách Bố nữa.
    - Nhưng mà em tức.
    - Rút kinh nghiệm lần sau.
    Cái Hạnh vẫn còn ấm ức, càm ràm thêm một lúc.
    Tiếng chân rầm rầm tiến tới, nghe như vó ngựa phía xa xa. Tôi đứng bật dậy, tất cả mọi người đều đổ xô ra phía trước, ngóng nhìn. Một đoàn tù nhân đã tiến vào cổng khu thăm nuôi, theo sau là tên cán bộ công an dẫn giải. Cả nhà chăm chú nhìn vào đoàn tù, anh Bắc đi gần cuối cùng, mặc bộ đồ tù sọc xanh đã bạc gần hết cả màu, mái tóc húi cao, đen nhẻm. Nhận ra tụi tôi, anh tách đoàn bước về phía thân nhân, ôm chầm lấy bố tôi, nắm tay thằng Út, vỗ nhẹ lên vai cái Hạnh. Anh ngó nhìn tôi chằm chặm rồi thốt lên:
    - Mày làm gì bên đó mà vừa đen, vừa xấu, vừa già thế hả em?
    Bị gã tù chê thẳng mặt, tôi chưng hửng giống như vừa bị tạt một gáo nước lạnh, vậy là mấy con mẹ lâu nay ưa khen mình càng ngày càng trẻ ra thực sự chỉ là khen nịnh, khen đểu, mình lại cứ tưởng bở rằng thì là mình vẫn còn trẻ và xinh đẹp như ai. Ông này mà lên tiếng chê thì không thể sai được, bất giác tôi đưa tay lên rờ gương mặt mình, nơi còn vương mấy vết nám đen đậm, kết quả của lần đi chụp hình xuân hôm 29 tết. Cười gượng gạo, nói với anh:
    - Già rồi, U 40 rồi chứ ít ỏi gì nữa, tưởng trẻ mãi với thời gian hay sao cha!
    - Đứa nào anh thấy cũng già hết, chỉ mỗi anh Bẩy mình là vẫn vậy.
    Anh đưa tay qua vỗ nhẹ lên vai bố tôi. Ông già tủm tỉm cười:
    - Sắp xuống lỗ rồi, trẻ gì nữa.
    - Mình xuống căn tin vừa uống nước vừa nói chuyện đi.
    Tôi đưa mắt nhìn sang gã công an quản giáo đang đứng trước thềm nhà, hỏi thêm anh Bắc:
    - Liệu có được không?
    - Chờ một tí.
    Nói rồi anh bỏ mọi người đứng đó, bước đến gần gã quản giáo, thì thầm nói điều gì đấy, tôi thấy gã gật đầu. Anh Bắc quay trở lại chỗ tụi tôi và nói:
    - Đi thôi.
    Tất cả theo anh Bắc vượt qua cái sân đá răm ở khu thăm nuôi xuống căng tin. Chủ nhân thầu căng tin này cũng là một phạm nhân phạm tội kinh tế, anh ta chắc ngang ngửa tuổi với anh Bắc tôi, có thân hình ục ịch và nước da trắng hồng. Anh Bắc khá chơi thân với anh ta vì mỗi lần tôi lên thăm thường phải thanh toán tiền hàng mà anh Bắc mua thiếu chịu nơi căng tin này. Căng tin cũng không bán gì nhiều, cà phê, nước ngọt, đồ tạp phẩm phục vụ cho thân nhân lên thăm tù và tiện mua vài thứ cần thiết gửi vào cho người nhà của mình. Căng tin khá rộng rãi, kê gần chục cái bàn thấp lè tè và hàng loạt ghế mủ nhỏ, có thêm một cái ti vi 21 inh treo trên cao, mỗi lần muốn coi tin tức, tôi phải ngửa cổ lên mới nhìn thấy. Căng tin hôm nay không có lấy một mống khách ngoại trừ bàn của tụi tôi, thường thì khi thăm tù, mọi người phải ngồi tập trung trên phòng thăm nuôi, có công an canh gác, chỉ những tội phạm có tiền đút lót cho cán bộ thì mới được tách ra nói chuyện riêng rẽ như thế này. Anh Bắc ngồi gần bố Tôi và thằng Út, tôi và Hạnh ngồi riêng một bàn kêu nước cô ca uống, chị Giang ngồi trơ trọi một mình, mắt lờ đờ như buồn ngủ. Anh Bắc nay đã 44 tuổi nhưng trông còn khá trẻ, thằng Út nhỏ hơn anh 13 tuổi mà coi bộ trông già khằng hơn cả anh. Gần mười năm nếm mùi vị trong tù, cuộc sống kham khổ, vậy mà chẳng hiểu sao anh tôi không già đi chút nào, hèn gì ai lên thăm anh cũng chê ỏng eo: Sao tụi bay già thế!
    Trong gia đình, tôi là người ghét anh nhiều nhất, bởi vì khi còn nhỏ tôi thường bị anh đánh đòn, thấy tôi xấu xí đen đủi, anh là kẻ đầu têu chọc ghẹo tôi nhiều nhất, nào là con "bò hóng", nào là mày đen như cổ chân ông Phong (ông Phong hàng xóm là dân làm ruộng cổ chân đen thùi) hoặc gọi tôi là cuộn giấy dầu (giấy dầu là một loại giấy tráng lớp hắc ín dùng để lợp nhà thay cho tôn, hay ngói) thấy tôi đứng đâu, ngồi góc nào, anh đều đến gần, đập vai rồi bảo: "Ồ, Hân đấy hả, thế mà tao lại tưởng là cuộn giấy dầu chứ." Trong phim ảnh, những nhân vật nào xấu xí, ác độc đều bị anh gán ghép cho tôi, bảo tôi rằng mày làm vợ thằng Sùng (Trần Sùng) thằng Vệ, thằng Kinh, thằng Dê già trong cùng một bộ phim Vĩ Tuyến Mười Bẩy Ngày Và Đêm hoặc làm vợ thằng lùn "chéc lơ mo" có mộ râu dài bảy mét trong phim Ruttan và Rutmila...Mỗi lần bị gán ghép chọc ghẹo như vậy, tôi đều khóc hét lên, nằm lăn ra sân rãy đành đạch, vin vào cớ cái họng tôi to, anh kéo tôi dậy đánh cho quắn đít. Có lẽ những trận đòn của tuổi thơ theo tôi lớn dần lên với một nỗi mặc cảm ghét anh như ghét kẻ thù. Vậy mà sau ngày anh bị công an bắt, tôi cuống quýt chạy vạy khắp nơi tìm đủ mọi cách giảm án cho anh. Lúc đấy, tụi tôi còn nghèo như xơ mướp, chỉ kiếm đủ ngày hai bữa cơm, vậy mà chẳng hiểu sao vẫn chạy vạy được tiền chồng đủ theo lời yêu cầu của tụi công an chạy án, đã nghèo lại còn bị lừa gạt, bạn của bố tôi hứa sẽ lo giùm mọi việc khi qua bên toà án, ông cầm của tôi mấy triệu bạc mà đến ngày xử anh tôi ông chả hay biết gì.
    Lần gặp mặt đầu tiên ở trại Chí Hoà, tôi hỏi:
    - Từ hôm bị bắt đến nay, công an có đánh đập gì anh không?
    - Không, chả bị đánh cái nào.
    - Tụi nó chưa đánh cái nào đã khai sạch sành sanh rồi tụi nó còn đánh làm quái gì nữa.
    - Tụi nó theo dõi mình từ lâu, biết hết mọi thứ không khai sao được.
    - Ờ...vừa ngu, vừa nhát vừa hèn mà bày đặc đi buôn hàng quốc cấm, ở nhà thì nói như Thánh như Tướng, đụng công an là mặt mũi xanh lè. Cứ như tôi đây nè, nhát chết nên chuyện phạm pháp không bao giờ tôi đụng tới.
    Anh Bắc cúi gằm mặt, không trả lời, dù hối hận thì cũng đã quá muộn màng.
    Bố tôi hỏi anh đủ thứ chuyện, tụi tôi ngồi lắng nghe và thỉnh thoảng cười khúc khích. Lần nào cũng vậy, anh tỏ ra chán nản, chỉ mong thời gian qua thật mau để được trở về đời sống bình thường.
    - Năm nay liệu có được về không anh? - Tôi lên tiếng hỏi.
    - Tình hình căng lắm, chưa chắc đã được.
    - Nghe vợ anh bảo nếu chạy thì may ra...nhưng mà mắc lắm cả trăm triệu đồng...
    - Ở bất quá 2 năm nữa là hết án, một trăm triệu chạy làm gì cho tốn tiền.
    Tôi không nói gì thêm nhưng trong bụng cũng thầm nghĩ như vậy, ông về trước hai năm liệu có làm ra số tiền đó không? Hay là chỉ phá của rồi theo bạn bè nghiện hút lại thì khốn nạn thay. Tôi nghe bảo hễ ai đã từng nghiện hút rất dễ bị cám dỗ lại, cái cảm giác thèm thuốc lúc nào cũng lảng vảng trong đầu, phải có ý trí lắm mới dứt bỏ được. Tụi tôi đang nói chuyện xôi nổi bỗng im bặt khi có một gã công an mặc sắc phục bước vào, anh Bắc đứng lên chào cán bộ, dúi vào tay hắn ta gói thuốc lá ba số. Chỉ mới ngồi nói chuyện có một lúc mà ba bốn gã công an bước vào, dù là ai cũng phải dúi tay gói thuốc lá ba số, Hạnh ngồi bên cạnh làu bàu:
    - Chị xem đấy, mỗi lần đi thăm tù phải rải tiền từ ngoài vào trong, đủ mọi thứ tiền, lại tốn thời gian nữa chứ. Bảo cho ông một triệu chứ thực ra mình phải tốn gấp ba lần số tiền đó, nào là tiền xe, tiền quá cáp, tiền hối lộ tụi công an, sơ sơ từ nãy tới giờ mất năm trăm ngàn rồi chứ ít à. Công nhân viên chức với đồng lương chết đói, thì tiền ở đâu ra mà đi thăm mỗi tháng.
    - Thì bởi vậy. Ông nhốt gần đây lâu lâu còn đi thăm được, như bà Phương tuốt Thanh Hoá, chẳng có ai đi thăm...nghĩ cũng tội.
    Tôi ngả người dựa lưng vào bờ tường, thở dài nhìn ra ngoài sân nắng. Đời người lúc lên voi, lúc xuống chó chẳng mấy hồi...Nếu một mai tôi không may vướng vào vòng lao lý, chẳng biết tôi sẽ chịu đựng cuộc sống tù đầy này như thế nào? Tôi nhắm mắt, rùng mình cố xua đuổi cái ý nghĩ không hay ho gì khỏi tâm trí.
    - Em chừng nào qua lại bên Nhật?
    - Tuần sau em phải đi rồi.
    - Ở nhà cố thu xếp ra thăm nuôi con Phương với...tù mồ côi khổ lắm.
    - Anh yên tâm, tụi em không ra thăm được nhưng gửi nuôi đầy đủ.
    - Vậy thì tốt, tù mồ côi tủi thân lắm.
    Chợt nhớ ra một điều thú vị, tôi nói với anh:
    - Úi anh Bắc ơi, con gái anh càng lớn càng giống hệt bác Giang nhà mình.
    Anh Bắc nhíu mày nhìn tôi ngạc nhiên, rồi anh quay qua chị Giang trẹo miệng ra cười:
    - Tưởng giống ai chứ giống bác Giang...nhà này… thì… có nước đem bằm mà nấu cám heo cho rồi.
    Cả nhà cười rộ, chị Giang gượng cười:
    - Mày, quá đáng!
    Thời gian trôi đi thật nhanh, mới đó mà hai xuất thăm nuôi qua cái vèo. Hết giờ, tụi tôi đứng dậy bịn rịn chia tay anh, đưa anh ra tận ngoài cổng, trước lúc anh quay bước vào lại trại, tôi nói với anh:
    - Lần sau tôi không đi thăm anh nữa đâu.
    Anh quay lại ngạc nhiên hỏi:
    - Sao vậy?
    - Thì anh phải về nhà đi chứ, ở đây mãi sao?
    Không ngờ câu nói này của tôi lại là sự thật, cuối năm anh được đại xá tha về.
    Sau khi bóng anh khuất hẳn trên con đường chói chang ánh nắng chiều, mấy bố con tôi quay trở ra cổng chính, lên xe về Sài Gòn. Trên đường đi anh Hùng kể chuyện hồi nãy anh ngồi uống nước ngoài quán, một bà già đi cũng đi thăm nuôi con về, ghé ngang nghỉ mệt. Thấy bà thật là tội, thằng con bị bệnh sida sắp chết, nằm ngoài trạm xá, nhắn bà lên. Tên bác sĩ trưởng trạm xá nói rắng trợn với bà rằng nếu bà muốn đem con về chết ở nhà, bà về phường làm đơn chứng nhận rồi cầm mười triệu đồng lên đây gặp tôi, tôi sẽ giải quyết cho, lão còn nhấn mạnh, nhớ là phải lên gặp tôi. Bà cụ nói rằng: "Tui nghèo, không biết đào ở đâu ra có đủ mười triệu đồng lo đưa xác con về đây. Tui đâu muốn con tui bỏ xác lại nơi này, chú ơi!". Vừa nói bà vừa khóc, nghe thấy tội quá.
    Chuyện vòi vĩnh đòi hối lộ của viên chức có tí máu mặt ở chế độ này xảy ra thường ngày, chẳng có gì là lạ lẫm đối với tôi, nhưng kiếm ăn cả trên cái thây người tù sida sắp sửa lìa cõi trần thì quả thật không còn lời gì để nói nữa, tôi chỉ biết buông tiếng tiếng thở dài...ngán ngẩm thay cho sự đời, cho tình người...vì đồng tiền mà biết chất tất tật.
    Về đến ngã rẽ vào nhà bà Ba Tui, anh Hùng cho xe dừng sát mé đường. Bố tôi nhảy xuống, đi bộ vào trong, ông dự định ở lại đó thăm bà chị thêm vài ngày và đón xe đò về sau. Tôi vẫn ngồi trên xe nhìn theo bóng ông đi khuất tuốt khu rừng bạch đàn phía xa xa. Bố tôi đi chừng 15 phút anh Quynh xuất hiện, anh chạy xe honda chở bao tải mít đằng sau ra làm quà cho tụi tôi. Thằng Út nhẩy xuống, khệ nệ bê bao mít đẩy vào thùng sau chiếc xe, bắt tay anh Quynh, tụi tôi lại tiếp tục lên đường tiến về Sài Gòn. Tôi thấm mệt, không nói thêm lời nào, nhắm mắt cố ngủ lấy một giấc.
    Đoạn đường về tôi có cảm tưởng dường như ngắn hơn lúc đi, chẳng mấy hồi xe đã qua cầu Sài Gòn, tiến vào thành phố. Tôi ngồi chồm dậy, ngó ra hai bên đường, từng đoàn xe nối đuôi nhau nhích từng chút như rùa bò, tôi than thầm trong bụng "Thôi chết rồi! Gặp đúng lúc tan tầm thế này biết đến bao giờ mới bò về nhà được?" Phải hồi nãy anh Hùng cho xe chạy đường mới, chắc đỡ hơn, nhưng vì Hạnh cứ đòi đưa nó về trước nên bây giờ xe lọt vào trận đồ bát quái, đi cũng không được mà quay lại cũng không xong. Nhích mãi, nhích mãi xe mới chạy qua cầu Điện Biên Phủ (chẳng biết khi xưa gọi là cầu gì?), xe chạy được thêm một khúc gần ngã tư Đinh Tiên Hoàng, bỗng thằng Út vỗ tay cái bộp rõ lớn, la lên làm tôi giật cả mình:
    - Biết ngay mà, tôi đoán đâu có sai, cái đuôi ra ngay con "89", ra đúng boong cái "bím" già bà ba tui hồi trưa.
    Tôi và mọi người cười rồ lên, Út quay xuống nói với tôi:
    - Em mà wánh 100 ngàn là hôm nay vô mánh đậm...
    - Sao lúc nào mày cũng đề đóm với cá độ thế hả thằng kia! Bởi nhìn mặt mày là thấy chữ cờ bạc nằm chình ình ngay trên trán. Thấy mà ghét!
    Thành phố đã lên đèn, những ánh đèn hắt xuống đường một mầu vàng vọt. Cuối cùng thì xe cũng đưa tụi tôi về trước của nhà. Tối hôm ấy, tôi ngủ một giấc thật ngon lành.
    
- o O o -

    Sau khi trở về Tokyo chừng hơn một tháng, tôi nhận được mesenger từ bé Trân báo tin bà Ba Tui qua đời, bà trút hơi thở cuối cùng lúc 11 giờ trưa ngày... Tin bà mất không làm tôi ngỡ ngàng nhưng lại buồn khôn tả. Tôi biết rằng bà ra đi là giải thoát được cái nợ trần ai, nhưng từ nay về sau tôi sẽ không bao giờ còn được gặp bà nữa. Tôi bần thần ngồi chết lặng, nước mắt ứa ra mặn chát bờ môi. Hình ảnh của bà nhạt nhoà trước mắt...
    Sau khi định thần lại, tôi gọi điện thoại về cho Hạnh, gặp đúng lúc cả nhà đang trên đường lên Long Khánh dự đám táng của bà. Hạnh hỏi tôi:
    - Chị cho bà bao nhiêu?
    Tôi buồn bã trả lời:
    - Lên trên đó coi tình hình ma chay ra làm sao rồi phụ với anh Quynh một mớ, chứ bà chết rồi, bà có xài tiền được nữa đâu mà hỏi cho bà bao nhiêu. Con nhỏ này thiệt tình!
    Hai ngày sau, tôi lại gọi điện thoại về cho nó hỏi thăm tình hình, Hạnh nhanh nhẩu đáp:
    - Xong hết rồi chị ạ, an táng bà trên đồi sau nhà.
    Tôi và Hạnh nói chuyện khá lâu, bất ngờ nó hỏi tôi:
    - Chị có tin con người mình có linh hồn không chị?
    - Chẳng biết nữa.
    Tuy trả lời nó vậy nhưng tôi vẫn còn nghi ngờ, nửa tin, nửa không. Hạnh hạ giọng nói nho nhỏ, nó làm như thể bí mật lắm không muốn cho người khác cùng nghe, mặc dù tôi đang ở Tokyo còn nó thì tuốt bên Việt Nam.
    - Lúc em vào thăm bà, thấy bà vẫn còn há hốc mồm, mắt thì trợn ngược, trông khiếp lắm. Em đưa tay vuốt mắt cho bà nhưng mắt bà vẫn cứ mở trừng trừng. Anh Quynh vuốt trước cả em mà bà cũng không chịu nhắm mắt. Chị biết bà chờ ai không?
    - Ai?
    -...Bà chờ Bố mình đấy. Lúc bố mình vào, đưa tay vuốt một cái, mắt bà nhắm lại liền, miệng cũng khép lại luôn.
    Tôi nghe Hạnh kể dựng cả tóc gáy, vậy mà nó còn khoe với tôi:
    - Em lấy tay bà xoa vào cái cần cổ mình, gởi bà mang bứu cổ xuống tuyền đài giùm.
    Tôi la lên:
    - Khiếp, mày gan thế, dám đụng vào người chết.
    -O mình chứ ai đâu mà sợ, hồi bà Ba má chị Tuyết Vân chết, em cũng gửi được một lần. Nay cái bứu cổ của em bớt nhiều lắm rồi
    
    Chẳng biết Hạnh nói có đúng không, nhưng trước nay tôi vẫn nghe đồn chữa mẹo bứu cổ bằng cách lấy tay người chết xoa vào cần cổ mình để nhờ người chết mang căn bệnh này đi giùm. Có người còn chỉ chữa mụn cóc cũng bằng cách giống như vậy hoặc lấy miếng ván hòm chôn người chết cạ vào mấy mụn cóc thì vài bữa mụn cóc cũng sẽ biến mất.

Xem Tiếp Chương 21Xem Tiếp Chương 29 (Kết Thúc)

Một Người - Một Đời
  » Xem Tập 1
  » Xem Tập 2
  » Xem Tập 3
  » Xem Tập 4
  » Xem Tập 5
  » Xem Tập 6
  » Xem Tập 7
  » Xem Tập 8
  » Xem Tập 9
  » Xem Tập 10
  » Xem Tập 11
  » Xem Tập 12
  » Xem Tập 13
  » Xem Tập 14
  » Xem Tập 15
  » Xem Tập 16
  » Xem Tập 17
  » Xem Tập 18
  » Xem Tập 19
  » Đang Xem Tập 20
  » Xem Tiếp Tập 21
  » Xem Tiếp Tập 22
  » Xem Tiếp Tập 23
  » Xem Tiếp Tập 24
  » Xem Tiếp Tập 25
  » Xem Tiếp Tập 26
  » Xem Tiếp Tập 27
  » Xem Tiếp Tập 28
  » Xem Tiếp Tập 29
 
Những Truyện Dài Khác