Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Quỳnh Dao » Thuỷ Vân Giang ( Dấu Ấn Tình Yêu ) Tác Giả: Quỳnh Dao    
    Tiên Tiên bỏ đi, đem theo tất cả niềm hoan lạc.
    Nhược Hồng từ “thiên đàng” của chàng, lại rớt xuống “nhân gian” trần tục. Đột nhiên, bên mình chàng, có một người vợ bệnh hoạn đến chỉ còn hơi thở thoi thóp, có một đứa con gái còn thơ gầy gò yếu đuối, không đủ dinh dưỡng. Trách nhiệm gia đình, đã thoắt cái đè nặng lên vai chàng như thế. Bệnh của Thúy Bình, cần phải có rất nhiều tiền để chữa trị. Chuyện ăn ở may mặc, ngày trước đã có Tiên Tiên lo lắng vô cùng chu đáo, chàng không hề phải để ý đến, đến bây giờ chàng mới biết rằng, gạo củi muối dầu tương dấm lửa trà, tất cả đều cần phải có tiền mới có. Chàng không thể chỉ trông cậy vào sự giúp đỡ của bọn Tử Mặc, chàng cần phải trông cậy vào bản thân mình!
    Đó cũng là lần tiếp theo sau vụ “đi làm”, chàng bắt đầu “bán rẻ mình” vì đời sống! Và tình hình cũng giống như lần “đi làm” trước kia, chàng đã tự làm cho mình bị bể đầu sứt trán, gặp nhiều khó khăn trở ngại khôn cùng.
    Lần này, ông chủ tiệm bán tranh “Mặc Hiên”, vì chịu không nổi chuyện chàng cứ đem tranh của mình tới giao cho ông để đổi lấy tiền, nên đã đề nghị với chàng một ý kiến. Nếu như chàng đã biết vẽ tranh, tại sao lại không đến khu có phong cảnh đẹp của Tây Hồ mà dựng giá vẽ ở đó? Vẽ tranh chân dung cho khách du hành ở đó! Tây Hồ hiện nay, đang là lúc mùa Xuân hoa lá xanh tươi, chim chóc đầy đàn, không khí tưng bừng náo nhiệt, người đi dạo tấp nập mỗi ngày, thế nào cũng làm ăn được! Nhược Hồng suy nghĩ hết hai, ba ngày, dưới áp lực của sinh hoạt hằng ngày, chàng đành phải cúi đầu khuất phục. Dựng giá vẽ thì dựng giá vẽ vậy! Dù sao thì vẫn còn khá hơn đi làm! Đi làm phải làm bạn với tên tàu, tên hàng hóa, tên hải cảng, dựng giá vẽ dù sao cũng không rời khỏi sở trường của chàng! Thế là, cất đi sự kiêu ngạo của cái tôi to lớn, cất đi sự rối loạn của tâm tình, cất đi nỗi tương tư khắc cốt ghi tâm và cái mặc cảm tội lỗi đến đau đớn đối với Tiên Tiên... không được nghĩ đến, không được nghĩ đến gì nữa cả, điều duy nhất có thể nghĩ là: làm thế nào để có thể trị cho hết bệnh của Thúy Bình? Làm thế nào để có thể cho Họa Nhi một ngôi nhà êm ấm?
    Thế là, chàng đi ra dựng giá vẽ, chàng làm việc từ sáng sớm khi mặt trời mọc, dẹp vào khi mặt trời lặn. mỗi ngày làm tám tiếng đồng hồ. Thế mới biết, dựng giá vẽ vẽ tranh cho thiên hạ cũng là một môn học gian nan, chàng vẫn thường ngồi đó từ sáng đến tối, nhạt nhẽo vô vị! Chàng chỉ lấy có ba cắc bạc một bức họa chân dung, thế mà cũng có du khách trả giá, kèo nài với chàng, không dễ gì vẽ được cho họ rồi, họ lại còn chê lên chê xuống là vẽ không giống! Mấy ngày đầu, chàng hoàn toàn không biết cách làm ăn, áp dụng phương pháp “chờ cá cắn câu”, thế là không một ai “chịu cắn câu” cả! Do đó, chàng đành phải áp dụng phương pháp “chào hàng”, dựng lên tấm bảng “vẽ chân dung” bên cạnh, dựng giá vẽ một bên, lâu lâu miệng chàng còn phải kêu lên:
    - Vẽ chân dung! Vẽ chân dung đây! Ba cắc một bức! Không giống không ăn tiền!
    Cái sinh hoạt như thế, quả thật không phải là cá tính của Nhược Hồng, có thể chịu đựng được. Tất cả những kiêu hãnh tự phụ, hùng tâm tráng chí, trời cao biển rộng, chí cả cao vời v.v... và v.v... đều tiêu tan không còn một thứ nào cả! Đồng tiền bức tử anh hùng chí! Lúc này chàng mới thấm thía ý nghĩa của câu nói “Đồng tiền bức tử anh hùng chí!”
    Cách giao tế nhân sự của Nhược Hồng, vốn đã vô cùng dở. Từ lúc dựng giá vẽ, những sự phiền hà, gây gỗ đối với du khách, càng lúc càng tăng thêm nhiều. Có những du khách, vẽ xong tranh, không chịu trả tiền, cải chầy cải chối là vẽ không giống. Có những du khách trả tiền vẽ một bức tranh, mà kéo đến nguyên cả nhà bảy, tám miệng! Có những du khách nói chàng vẽ xấu quá! Có những du khách nói chàng vẽ họ mập quá! Có người lại nói chàng vẽ họ gầy quá... chưa bao giờ có ai khen chàng một câu, nói rằng chàng vẽ đẹp. Cứ như thế, chàng vẽ mãi vẽ mãi, càng vẽ càng tự ti, càng vẽ càng đau khổ, càng vẽ càng mất hứng, càng vẽ càng thiểu não... sợ nhất là những lúc gặp phải người quen, họ sẽ kinh ngạc mà kêu lên rằng:
    - Ủa, cậu Nhược Hồng, bây giờ cậu... làm nghề này à?
    Tại sao lại làm cho mình ra đến nông nổi này vậy? Thảm não hơn nữa, là khi gặp nhằm một loại người quen khác, đưa mắt nhìn chàng, trông qua trông lại, hỏi ngay một câu:
    - Ông là rể của nhà họ Đỗ đây mà! Bà xã... của ông khỏe không?
    Mỗi lần như thế, Nhược Hồng đều hận sao không có một lỗ hổng nào đó trên đường, để cho chàng có thể chui xuống, trốn đi biệt dạng! Chàng cảm thấy tất cả thể diện của mình, đều đã bị thiên hạ chàng đạp thành cát, thành bùn!
    Trái tim của chàng, như thể bị ngọn dao đâm chém tan nát thành bột vụn! Tiên Tiên! Tiên Tiên ơi! Em có biết hoàn cảnh hiện nay của anh? Em hiện thời đang ở đâu vậy? Đời này kiếp này, có thể gặp lại nhau? Tiên Tiên ơi! Mối hận của em đối với anh, sâu đậm đến bao nhiêu? Đời này kiếp này, có cách gì hóa giải được không?... Không được, chàng dùng sức lắc mạnh đầu, không được nghĩ đến Tiên Tiên! Nghĩ đến Tiên Tiên, lại càng thêm không muốn dựng giá vẽ, phải nghĩ đến Thúy Bình! Thúy Bình là một người đàn bà tội nghiệp nhất đời này, ở vào tuổi hai mươi thanh xuân phơi phới, bị gả đi cho một thằng bé miệng còn hôi sữa là chàng, không được một năm, chàng đã bỏ đi biệt dạng, để cho Thúy Bình chịu cảnh phòng không chiếc bóng suốt mười năm dài đăng đẳng. Trên phải phụng dưỡng cha mẹ chồng, dưới phải nuôi dạy con thơ. Lại trải qua thiên tai, thủy tai, biến cố, chết chóc... đủ thứ bi kịch, làm cho nàng vướng phải đủ thứ bệnh tật, lại còn phải vượt trăm sông ngàn núi, đem đến giao tận tay cho chàng bài vị của cha mẹ, và đứa con còn thơ dại. Trên cõi đời này sao lại có những nhân vật khốn khổ đến như thế? Trời ạ! Tất cả những người đàn bà có dây đến Mai Nhược Hồng này, đều là những người chịu đựng những bi thảm nhất của cuộc đời! Chàng, đúng là một tai nạn, là một thứ tai họa khác thường!
    Dưới những dày vò của tâm tình như thế, Nhược Hồng đã dựng giá vẽ, nhịn nhục, đè nén tối đa. Kể ra, cũng không nhiều thì ít, kiếm được một mớ tiền, để chi cho chuyện thuốc men của Thúy Bình. Thế nhưng, mỗi lần chàng chịu những sự bực tức như thế, khi về nhà, sắc mặt của chàng vô cùng khó coi. Chàng vẫn thường quăng đồ đạc, đá giá vẽ, đấm ngực dậm chân, hướng về Tây Hồ phía ngoài song cửa kêu to lên:
    - Tại sao Mai Nhược Hồng này cho tới nay vẫn không có một chuyện gì thành tựu cả? Tại sao tôi lại phải luân lạc đến độ dựng giá vẽ vẽ dạo để mưu sinh? Tại sao đời sống con người lại khó khăn đến thế? Tại sao con người tuổi càng lớn, sự vui vẻ càng ít đi, đau khổ càng tăng thêm? Tại sao lại sống một cách khổ sở thế này? Tại sao? Tại sao?...
    Thúy Bình và Họa Nhi đều rất sợ hãi, hai mẹ con ôm chặt lấy nhau, lệ dâng đầy đôi mắt, rưng rưng nhìn Mai Nhược Hồng phát điên. Thúy Bình tuy rằng là một người đàn bà nhà quê, không được hấp thụ giáo dục, thế nhưng, nàng đã trải qua quá nhiều sinh ly tử biệt, đối với những sự đau khổ của con người, nàng có một sự thể nghiệm vô cùng mãnh liệt. Mỗi lần Nhược Hồng quạu quọ phát điên như thế, Thúy Bình cứ thường cuống quýt, lo lắng, tay chân thừa thãi, không biết phải làm thế nào cho phải, nàng cứ luôn miệng nói “xin lỗi”, điều này lại càng làm cho Nhược Hồng thêm điên tiết, chàng gầm lên dữ dội hơn nữa:
    - Đừng nên nói xin lỗi! Tôi không hề mắng cô, tại sao cô lại nói xin lỗi? Khóc khóc khóc! Tại sao cô cứ khóc hoài vậy?
    Thúy Bình vội vã quẹt nước mắt, miệng không ngừng nói:
    - Dạ! Dạ! Dạ! Em không nói, em không nói... Em cũng sẽ không khóc, không khóc... Em chỉ cảm thấy áy náy, là đã hại cho anh và cô Tiên Tiên phải chia lìa, lại phải uống những loại thuốc quý như thế, đắt tiền như thế...
    Nhược Hồng lại càng kêu to tiếng hơn, giận dữ hơn nữa:
    - Đừng nên nhắc Tiên Tiên... Đừng nên nhắc Tiên Tiên với tôi! Không được nhắc tới dù chỉ là một chữ...
    Họa Nhi xông tới phía trước, vừa khóc vừa đẩy chàng, nói một cách giận dữ:
    - Cha! Con và mẹ vượt bao nhiêu đường xa, đến đây tìm cha, vậy mà cha lại hung dữ như vậy! Mẹ vốn đã bệnh hoạn như thế, mà cha còn mắng mẹ nữa! Cha không biết là mẹ muốn làm cho cha vui lòng biết mấy... thế mà cha lại... cha... cha... nhất định cha không phải là cha của con!
    Họa Nhi nói như thế, nguyên cả người Nhược Hồng như một quả bóng xì hơi.
    Nhìn gương mặt choắt nhỏ nhưng xinh đẹp của Họa Nhi, nghĩ đến những khổ nạn mà con bé phải chịu đựng khi mới ngần ấy tuổi đầu, chàng không thể nói thêm được một tiếng nào nữa! Nguyên cả một buổi tối, chàng ngồi ngẩn ngơ bên cạnh bờ hồ Tây Hồ phía ngoài nhà, Họa Nhi rụt rè đi đến bên chàng, đưa cho chàng một ly trà nóng:
    - Cha! Con xin lỗi cha! Con hư quá! Con biết là cha đã rất cố gắng kiếm tiền, để cho con và mẹ được sống đàng hoàng! Con biết, con biết hết cả! Con không được nói cha không phải là cha của con! Nếu như cha không phải là cha của con, thì làm sao cha có thể yêu thương con và mẹ, lo lắng cho con và mẹ đến như thế được?
    Chàng để ly trà xuống đất, ôm Họa Nhi, xiết chặt vào lòng. Lệ, trào dâng ra khóe mắt. Họa Nhi tựa vào chàng, vô cùng biết chuyện, nói nho nhỏ rằng:
    - Cha, có phải cha nhớ dì Tiên Tiên đó lắm phải không? Cha đi tìm dì ấy về đây, mẹ không có giận đâu!
    Chàng lắc lắc đầu, ôm lấy Họa Nhi càng chặt hơn nữa. Chàng không có cách gì giải thích cho Họa Nhi hiểu rằng, quan niệm tình yêu của Tiên Tiên, là một đối một, điều nàng thù hận nhất, là một người đàn ông mà có năm thê bảy thiếp! Vả lại, Thủy Vân Gian, thật sự ra quá nhỏ, không thể nào chứa được hai người đàn bà! Cho dù tất cả những lý do đó không tồn tại, Tiên Tiên cũng đã bỏ đi thật xa rồi, vĩnh viễn rút lui ra khỏi cuộc đời chàng rồi! Có còn lưu lại chăng, là nỗi đau đớn khắc cốt ghi tâm, vĩnh viễn không ngừng nghĩ...
    Buổi chiều hôm ấy, Nhược Hồng dựng giá vẽ bên cạnh Đoạn kiều. Hôm đó là một ngày vô cùng không thuận lợi, nguyên cả một buổi sáng không có ai vẽ tranh, buổi chiều, không dễ gì có một đứa bé vì hiếu kỳ, trả cho chàng ba cắc bạc để được vẽ chân dung, mới vẽ được nửa chừng, đã bị mẹ nó táng cho một bạt tai dẫn đi mất, lại còn giật lại ba cắc bạc đã trả. Sự phẫn nộ và thiểu não của Nhược Hồng khỏi nói cũng biết là mãnh liệt đến độ nào. Ngồi bên cạnh Đoạn kiều, chàng cong lưng cúi mặt, chân mày chau lại, nhăn nhó khổ sở... cảm thấy mình chẳng khác nào một thằng ăn mày. Lúc ấy, có hai cô nữ sinh đi đến, nhìn chàng từ đầu đến cuối và bình luận một phát:
    - Trông thiểu não quá nhỉ! Sao mà râu không chịu cạo nhỉ? Tóc cũng không cắt nữa, trông cũng có vẻ là một nhà nghệ thuật đấy chứ hả?
    - Mày xem, trông ông ta có vẻ nghèo khổ dữ, coi như tụi mình làm một việc thiện, để cho ông ta vẽ một tấm nhé? Được không?
    - Thôi đi, tốn phần tiền đó, thà rằng đi mua khoai nướng ăn còn hơn...
    - Tao muốn được vẽ mà! Vẽ chung một tấm vậy! Hỏi ông ấy xem nếu vẽ chung một tấm có thể chỉ tính ba cắc thôi không...
    Hai người đẩy qua đẩy lại, bàn bạc không ngừng. Nhược hồng ngẩng đầu lên, miễn cưỡng đè nén sự giận dữ trong lòng, nói thật to tiếng:
    - Thôi được thôi được, ngồi xuống đây! Vẽ chung một tấm, chỉ lấy của hai cô ba cắc thôi!
    Hai cô nữ sinh cười hi hi, còn đang định ngồi xuống, đột nhiên có một người cảnh sát trờ tới, trên tay cầm cây dùi cui, đưa dùi cui lên quơ về phía Nhược Hồng, nói một cách hung hăng rằng:
    - Ê ê ê, chỗ danh lam thắng cảnh! Không được tự tiện dựng giá vẽ, phá hoại phong cảnh nên thơ như thế này, đi mau đi mau!
    Hai cô nữ sinh nhìn thấy cảnh sát đến can thiệp, lập tức nhảy dựng lên, không thèm cả ngồi xuống, đã bỏ đi như chạy trốn. Nhược Hồng tức không thể tả được, chàng trừng mắt nhìn ông cảnh sát, trợn mắt nhíu mày, hỏi một cách bực bội:
    - Tôi phục vụ cho du khách, giúp cho họ tăng thêm hứng thú, sao gọi là phá hoại phong cảnh cho được?
    - Tôi nói phá hoại phong cảnh là phá hoại phong cảnh! Anh không biết Đoạn kiều của chúng ta là một nơi danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Tây Hồ sao? Anh ngồi lộn xộn ở đây...
    - Cái gì gọi là lộn xộn, ông nói cái gì? Ông nói cái gì...
    Ông cảnh sát càng thêm hung hăng:
    - Anh không tùng phục nhân viên công lực hả, còn ở đó hung hăng hả? Nếu như anh không chịu dọn dẹp giá vẽ, tôi sẽ dọn hết dùm cho anh, đưa anh về trạm cảnh sát ngay bây giờ!
    Và như thế, chàng đã gây gỗ với cảnh sát, hai người cùng phùng mang trợn má, còn đang hục hặc với nhau, đột nhiên mây đen vần vũ kéo đến, trên trời, sấm sét giao nhau, một trận mưa thật to ào ạt đổ xuống. Giá vẽ của Nhược Hồng bị gió thổi tung nằm loạn xạ, đúng là “lộn xộn”. Ông cảnh sát quơ cây dùi cui, chạy thật nhanh chui vào chiếc xe cảnh sát nằm gần đó, chiếc xe cảnh sát hụ còi phóng nhanh về phía trước, nước văng dạt tung lên hai bên, bắn hết cả vào người chàng. Chàng giận bùng lên, hướng về phía chiếc xe cảnh sát la hét ỏm tỏi:
    - Tới đi tới đi! Muốn bắt muốn giết, muốn phạt muốm giam gì thì cứ việc làm đi! Còng chân đâu, còng tay đâu, đem đến đây hết đi! Đem đến đây hết đi...
    Xe cảnh sát đã chạy xa dần...
    Chàng nhặt lại giá vẽ rách nát, leo lên xe đạp, dầm mưa đội gió, trở về Thủy Vân Gian.
    Vừa vào đến nhà, Thúy Bình và Họa Nhi đều cùng trờ tới, người thì lấy khăn, kẻ thì pha nước ấm, xuýt xoa thương xót vô cùng.
    Thúy Bình nói:
    - Nhìn thấy trời mưa, em cuống hết cả người! Sợ anh bị dầm mưa, thế mà anh cũng bị dầm mưa ướt đến như thế này! Sao lại không tìm một chỗ nào đó tránh mưa chút đã, rồi hãy về!
    Họa Nhi nói:
    - Cha! Cha mau mau lau cho khô đầu tóc, con đi nấu cho cha một chén nước gừng uống cho ấm bụng!
    Chàng quơ tay đẩy cả Thúy Bình lẫn Họa Nhi ra ngoài, la lên một cách hung hăng:
    - Mọi người đừng ai đụng tới tôi! Đừng có ai để ý gì đến tôi cả! Để cho tôi yên lặng một mình, tốt nhất là mọi người trên thế giới này đều biến mất hết, nếu không, để tôi biến mất cũng được!
    Thúy Bình và Họa Nhi đều ngẩng người ra hết một lúc, biết rằng Nhược Hồng lại gặp chuyện bực mình ở bên ngoài. Thúy Bình lấy một bộ quần áo khô, chạy đem đến cho chàng, vì chạy quá gấp, nàng lại ôm ngực ho lên một tràng dài. Nhược Hồng cuống lên, lại hướng về phía Thúy Bình la lên thật to:
    - Cô xuống giường để làm gì? Cô cố ý làm khó dễ tôi phải không? Tôi đem tất cả mọi thứ: thể diện, tự ái đều quăng mất đi rồi, chỉ vì muốn trị bệnh cho cô, cô không để cho mình mau mau hết bệnh, là cô chống đối lại tôi!
    - Em đi nằm ngay đây, anh đừng nổi giận! Anh thay bộ đồ ướt ra đi, được không?
    Nhược Hồng la còn to hơn nữa, chàng hoàn toàn không kềm chế được mình:
    - Ướt thì ướt chứ gì! Ông trời già cũng hùa theo với mọi người “chơi” tôi mà! Không “chơi” đến tôi đảo lộn đất trời, u đầu sứt trán, ông trời cũng không vừa ý đâu! Tốt nhất là chơi cho đến tôi chết đi, thì thiên hạ mới thái bình được!
    Họa Nhi vừa sợ vừa lo nói:
    - Cha! Cha đừng nên giận ông trời mà cha! Trời mưa thì cứ mưa, mình có cách nào khác đâu, mẹ và con trên đường đi đến Hàng Châu, có một lần cũng bị mưa lớn đến độ bị cuốn rớt xuống sông luôn đấy!
    Thúy Bình cũng gấp rút tiếp lời, giọng nàng mang đầy sự lo lắng nhưng lại không biết làm sao để an ủi Nhược Hồng:
    - Đúng vậy đúng vậy! Hai năm trước, ở quê nhà mình bị lụt to, trận mưa đó khủng khiếp vô cùng, so với trận mưa hôm nay còn to gấp mấy lần, rất nhiều người bị chết đuối đấy...
    Nhược Hồng ngẩng đầu lên, đưa mắt giận dữ nhìn Thúy Bình và Họa Nhi, nạt lên rằng:
    - Các người có ý muốn nói rằng, tôi xui xẻo như thế vẫn còn chưa đủ phải không? Đúng lý ra tôi phải bị trôi xuống sông xuống nước, bị nước lụt ngập chết cho rồi đi phải không?
    Cả hai mẹ con cùng ngớ người ra, lúc này họ mới biết rằng sự an ủi của mình không đúng phương hướng, cả hai cùng vội vã lên tiếng cải chính:
    - Không phải! Không phải!
    Nhược Hồng vẫn tiếp tục la ỏm tỏi lên:
    - Thế giới này là thế giới gì hở trời! Tôi đã đi đến bước đường cùng, mới bày giá vẽ ra vẽ dạo cho thiên hạ, thế mà vẫn bị người qua đường làm nhục, bị du khách hiếp đáp, bị cảnh sát gây chuyện, bị trời già làm khó... về đến nhà, lại còn bị người nhà cho rằng sự xui xẻo của mình vẫn chưa đủ!...
    Thúy Bình bước lùi lại hai bước, nàng cuống quýt đến độ chỉ biết ho lên sù sụ, không nói được tiếng nào. Đôi mắt Họa Nhi đỏ ửng lên, nước mắt lăn dài xuống má:
    - Cha! Cha lại rầy la mẹ một cách oan ức nữa rồi! Lúc nào cha cũng vậy hết, cứ ưa la bậy la càng, có phải con và mẹ muốn trời mưa đâu!
    Nhược Hồng nhìn thấy Họa Nhi rơi nước mắt, nguyên cả trái tim chàng như thắt lại. Tất cả những oán hận, bất bình chất chứa trong lòng, đều hóa thành một nỗi bi thương vô tận. Chàng loạng choạng xông đến bên góc tường, ngồi té phịch lên sàn nhà, dùng hai tay ôm cứng lấy đầu mình, nói một cách tuyệt vọng:
    - Một con người làm sao có thể mất đi quá nhiều thứ như thế này hở trời? Mất đi sự tự tôn, mất đi tình bạn, mất đi niềm hoan lạc, mất đi lòng tự tin, mất đi hội họa, mất đi Tiên Tiên... ôi! Cái đời sống như thế, làm sao tôi có thể tiếp tục mãi được hở trời?
    Thúy Bình đứng nhìn Nhược Hồng trừng trừng, tuy rằng nàng không hoàn toàn hiểu hết những ý nghĩa trong câu nói của Nhược Hồng, thế nhưng, đối với nỗi đau đớn thâm sâu cốt tủy đó của chàng, từng giọt từng chút, nàng cảm nhận như thể cho chính bản thân mình!
    Buổi tối đêm hôm đó, trời vẫn tiếp tục đỗ mưa to, gió vẫn tiếp tục gầm thét kêu gào, như thể hàng ngàn hàng vạn con ngựa phi nhanh.
    Nửa đêm, Thúy Bình lặng lẽ thức giấc, không dám thắp đèn, nàng để cho thị giác của mình làm quen với bóng tối một lúc, mới mò mẫm leo xuống giường. Đưa mắt nhìn Họa Nhi đang nằm ngủ say sưa bằng đôi mắt lưu luyến không rời. Nàng lại đưa mắt sang nhìn Nhược Hồng đang nằm co quắp ở một góc tường ngủ mê mệt, bằng một ánh mắt thương xót, mến yêu. Trong lòng nàng có trăm ngàn vạn tiếng, thế nhưng lại không nói nên lời. Đi đến bên bàn học, trong ánh chớp sáng vừa lóe lên, nhìn thấy hai chiếc bài vị đặt trên đó. Nàng quỳ xuống trước hai chiếc bài vị, cúi đầu lạy ba cái thật cung kính.
    - Cha! Mẹ! Xin cha mẹ đón tiếp con trên đó, con dâu của cha mẹ đang đi đến để đoàn tụ với cha mẹ đây! Chỉ có điều không biết là Nhược Hồng có hiểu được rằng, con mong cho anh ấy sống một cuộc đời hạnh phúc đến mấy! Con không hề trách anh ấy, mong rằng anh ấy cũng không trách con, con không thể để cho anh ấy chịu khổ vì con thêm nữa!
    Nàng đứng dậy, hướng về phía Nhược Hồng, quỳ xuống, cúi đầu lạy một lạy:
    - Nhược Hồng, xin giao Họa Nhi lại cho anh và Tiên Tiên vậy!
    Bái biệt đã xong, nàng lại mò mẫm đi đến phía bên cửa, mở cửa ra, nàng đi thẳng ra phía ngoài. Gió thổi mạnh vào người nàng phần phật, nước mưa đổ ào ạt xuống đầu nàng, nàng đi thật thẳng về phía trước, về phía trước, về phía trước... nàng không còn sợ bị ướt nữa, cũng không còn sợ bệnh hoạn nữa, Tây Hồ nằm ngay phía trước Thủy Vân Gian, ánh sáng chớp lóe lên vạch thành từng lằn sáng âm u trên mặt nước, nàng đi qua đó, đi qua đó... ùm một tiếng, nàng rơi xuống nước. Dòng nước lạnh lẽo, lập tức ùa lên ôm trọn lấy thân nàng.
    Họa Nhi bị tiếng đập của cánh cửa làm cho giật mình thức giấc, con bé vểnh tai lên nghe ngóng, gió thổi vào cánh cửa, tạo nên những tiếng ầm ầm ầm dao động, tiếng nước mưa rào rạt bị gió thổi bay tạt vào phòng.
    - Mẹ!
    Con bé kêu lên, đưa tay ra sờ vào bên cạnh, sờ vào một khoảng không lạnh ngắt.
    - Mẹ!
    Con bé lại kêu lên thật to, lăn đùng xuống khỏi giường.
    Nhược Hồng giật mình thức giấc, chàng nhảy dựng người dậy.
    Họa Nhi rú lên kinh hoàng:
    - Cha! Mẹ đâu mất rồi! Bên ngoài trời mưa to quá! Mẹ đâu mất rồi! Cha! Con sợ quá... con sợ quá...
    Nhược Hồng nhảy lên thật nhanh, xông thẳng về phía cửa, xông thẳng ra phía ngoài, miệng chàng kêu lên thảm thiết như điên như cuồng:
    - Thúy Bình! Cô không thể! Không thể! Cô đừng nên trừng phạt tôi! Cô mau trở về đây! Cô trở về đây! Về đây! Về đây nhanh lên! Xin cô! Van cô! Trở về ngay đi...
    - Cha! Đợi con với!...
    Họa Nhi loạng choạng xông về phía trước, mò mẫm nắm được bàn tay của Nhược Hồng, con bé nắm lấy bàn tay của Nhược Hồng thật chặt, nhìn về phía ngoài màn đêm âm u đen kịch, cũng kêu lên thật thê thảm:
    - Mẹ! Mẹ trở về đây! Mẹ! Mẹ không thèm Họa Nhi nữa sao? Mẹ! Mẹ trở về đây! Trở về đây...
    Nhược Hồng và Họa Nhi, gọi hết suốt một đêm. Nguyên cả một vùng trải dài mấy dặm, đều vang động tiếng gọi thảm thiết của hai cha con, kêu đến cổ khô họng khát, kêu đến khản tiếng khàn hơi, Thúy Bình vẫn không trở lại.
    Ngày hôm sau, gió ngừng mưa tạnh, ánh nắng mặt trời chan chứa khắp mọi nơi. Thi thể của Thúy Bình, ở một chỗ cách Thủy Vân Gian có vài bước đường, được người dân trong vùng phát giác ra, vớt lên. Gương mặt nàng hiền hòa, hai mắt nhắm nghiền, không hề sưng húp đáng sợ như những xác chết trôi sông vẫn thấy, nàng, trông giống như đang nằm ngủ một giấc ngủ bình yên, lặng lẽ.

Xem Tiếp Chương 21Xem Tiếp Chương 21 (Kết Thúc)

Thuỷ Vân Giang ( Dấu Ấn Tình Yêu )
  » Xem Tập 1
  » Xem Tập 2
  » Xem Tập 3
  » Xem Tập 4
  » Xem Tập 5
  » Xem Tập 6
  » Xem Tập 7
  » Xem Tập 8
  » Xem Tập 9
  » Xem Tập 10
  » Xem Tập 11
  » Xem Tập 12
  » Xem Tập 13
  » Xem Tập 14
  » Xem Tập 15
  » Xem Tập 16
  » Xem Tập 17
  » Xem Tập 18
  » Xem Tập 19
  » Đang Xem Tập 20
  » Xem Tiếp Tập 21
 
Những Truyện Quỳnh Dao Khác
» Đừng Quên Đêm Nay
» Song Ngoại
» Hậu Hoàn Châu Cát Cát
» Vội Vã
» Tình Buồn
» Cánh Nhạn Cô Đơn
» Mùa Thu Quen Nhau
» Nắng Thôn Đoài