Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Dài » Bản Đàn Thôn Dã Tác Giả: André Gide    
    Ngày 5, tháng Ba.
    Tôi ghi nhận hôm ấy có ý nghĩa là một ngày khai sanh. Gọi đấy là nụ cười thì thật không đủ. Đúng hơn, đây là sự thoát hình lột xác. Đột nhiên, tất cả những nét trên gương mặt Gertrude trở nên linh động… như một sự soi sáng bất ngờ, như ánh hào quang tím nhạt đột hiện trên núi Alpes một buổi tinh sương trước cả bình minh, làm rung rinh đỉnh núi tuyết phủ vừa được mang ra khỏi bóng đêm, như một sự tô màu huyền diệu; tôi cũng nghĩ đến hồ Bethesda của Phúc Âm mà làn nước tù bấy lâu ủ ê vừa được thiên thần tới đánh thức. Tôi lâng lâng hồ hởi ngắm nhìn nét đẹp thánh thiện vừa mới xuất hiện trên gương mặt Gertrude, vì cái gì vừa tới ngự trị nơi hình hài cô bé, tôi nghĩ không hẳn là Trí Tuệ, mà là Tình Thương. Linh hồn tôi như bay bổng với ơn phước dào dạt, và nụ hôn đầu tiên tôi đặt lên vừng trán xinh đẹp là nụ hôn kính cẩn tôi dâng lên Chúa.
    Bước đầu càng khó khăn bao nhiêu thì những bước tiếp theo lại dễ dàng bấy nhiêu. Hôm nay tôi ngồi cố gắng nhớ lại những chặng đường hai chúng tôi đã qua; hình như có khi Gertrude đã tiến bằng những bước nhảy vọt, làm phương pháp giảng huấn của tôi trở thành trò đùa. Tôi nhớ lúc đầu tôi chú trọng đến tĩnh từ hơn là danh từ. Thí dụ như nóng, lạnh, ấm, êm, đắng, cứng, mềm, nhẹ, v..v.. Rồi tôi bước sang động từ, như tách rời, ráp lại, nâng lên, chéo qua, ngã xuống, nối lại, phân ra, hợp vào, v..v.. Ít lâu sau không cần đến phương pháp nữa, tôi nói chuyện bình thường với Gertrude mà vẫn không sợ mình đi quá nhanh; tôi khuyến khích Gertrude tha hồ đặt câu hỏi cho tôi giảng giải. Tất nhiên khi tôi đi rồi, Gertrude còn lại một mình vẫn tiếp tục vận dụng trí óc; thành thử nhiều khi trở lại để dạy bài mới cho Gertrude, tôi phải ngạc nhiên vì tấm màn đêm lần trước ngăn cách thầy trò chúng tôi tự nó đã mỏng đi trông thấy. Tôi thầm nghĩ, nàng Xuân đầm ấm tất phải thắng nổi chúa Đông lạnh lùng. Đã bao lần tôi thích thú ngắm cảnh tuyết tan: có lẽ vì tấm thảm tuyết hao mòn phía dưới, trông ngoài tưởng như không thay đổi, mùa đông nào vợ tôi cũng mắc lừa về chuyện này và thường than với tôi rằng tuyết mãi không chịu tan; rồi thảm tuyết tưởng còn dầy thì bất thần từng mảng tuyết mất chân rạn vỡ trôi đi, phơi bày sự sống tưng bừng đã âm thầm hồi sinh tự những bao giờ.
    Sợ Gertrude suy nhược vì cứ ngồi bên lò sưởi như bà lão, tôi bắt đầu dẫn cô bé ra ngoài dạo chơi. Nhưng chỉ khi nào có tôi cầm tay Gertrude mới chịu đi. Con bé sợ hãi và ngạc nhiên lúc vừa ra khỏi nhà.. Tuy Gertrude chưa biết trình bày rành mạch, tôi cũng quá rõ là nó nhút nhát như vậy là vì cho đến bây giờ chưa từng được ra khỏi ngưỡng cửa. Nơi ngôi nhà tranh cũ của bà, nó chưa bao giờ được ai săn sóc ngoài việc cho ăn cho khỏi chết đói, nói gì đến chuyện dưỡng dục. Vũ trụ tối tăm của Gertrude là bốn bức tường của căn phòng chật hẹp mà nó chưa dám rời khỏi. Những ngày hè nó chỉ dám mon men đến thềm, khi cửa nhà mở ra bên ngoài sáng rộng. Về sau Gertrude cho tôi biết là hồi trước nghe chim hót, nó tưởng tiếng chim là do nắng tạo thành cũng như hơi ấm mơn trớn trên má hay trên da bàn tay nó, và tuy bấy giờ không biết suy nghĩ thấu đáo, nó cho là không khí được nắng sưởi nóng đã hót lên, tương tự nước đun sôi thì reo trong ấm treo trên lò lửa. Thực ra Gertrude bấy giờ không quan tâm đến chuyện gì. Con bé sống cô lập trong hôn mê tê dại, cho đến hôm được tôi mang về săn sóc. Tôi nhớ mãi nó vui mừng ngoài sức tưởng tượng khi được cắt nghĩa là những tiếng hót xinh xắn bé bỏng đó là ngôn ngữ của những sinh vật mà hình như nhiệm vụ độc nhất trong trời đất là cảm thấy hạnh phúc và ca lên niềm vui chan hòa của tạo vật. Từ hôm đó Gertrude có thành ngữ mới là ‘Con vui như chim’.
    Nhưng con bé buồn vì không thấy được cái tạo vật huy hoàng mà chim ca ngợi. Gertrude hỏi tôi:
    “Mục sư ơi, cuộc đời có đẹp như lời chim kể không. Tại sao loài người không nói về cuộc đời nhiều hơn. Tại sao Mục sư không kể cho con nghe nhiều hơn. Hay Mục sư sợ con tủi thân vì những chuyện con không được thấy.”
    “Con không buồn đâu. Chim vẫn kể cho con biết bao nhiêu chuyện. Con tin là con hiểu được những gì chim muốn nói với con.”
    Tôi kiếm lời an ủi:
    “Những người có thị giác không biết nghe tiếng chim hót như con đâu.”
    Cô bé lại hỏi:
    “Nhưng Mục sư ơi, sao những sinh vật khác không hót?”
    Nhiều lúc Gertrude làm tôi phải suy nghĩ. Gertrude bắt tôi phải phân tích những sự việc tôi đã quen chấp nhận mà không thắc mắc. Nhờ vậy mà hôm đó tôi nghiệm ra là những sinh vật càng nặng nề, càng sát gần mặt đất bao nhiêu thì càng buồn bã bấy nhiêu. Tôi tìm cách giảng cho cô bé ý niệm vừa mới suy ra; và tôi nhắc tới con sóc nhẹ nhàng chơi đùa tinh nghịch trên cành cao.
    Gertrude lại hỏi có phải chỉ có chim mới biết bay không. Tôi trả lời là bướm cũng biết bay.
    “Thế bướm có biết hót không?”
    Tôi cắt nghĩa:
    “Bướm có cách của bướm để bày tỏ vui mừng. Cách ấy vẽ trên cánh bướm…”
    Và tôi tả cho con bé những màu sắc huy hoàng của loài côn trùng mỹ miều này.
    
- o O o -

    Ngày 28 tháng Hai,
    Tôi phải trở lại đoạn trước. Hôm qua ham viết, tôi đã bỏ sót rất nhiều.
    Để dạy Gertrude, tôi đã học mẫu tự của người mù. Nhưng chẳng mấy chốc, cô bé đã thông thạo loại chữ này hơn tôi. Tôi vẫn chưa quen, và vẫn còn dùng mắt nhiều hơn dùng tay để nhận mặt chữ. Ngoài ra, tôi không phải là thầy giáo độc nhất của cô bé. Có thời gian Jacques giúp tôi dạy học Gertrude. Mới đầu tôi cũng mừng, vì mục vụ trong giáo khu khá bận rộn, dân chúng lại ở rải rác, có khi tôi phải đi khá xa để thăm viếng những con chiên nghèo bệnh tật. Thằng Jacques học thần học ở Lausanne, nhân vụ lễ Giáng Sinh về nhà chơi, thế mà cũng đi trượt băng cho ngã gẫy tay. Vết gẫy không có gì trầm trọng, và bác sĩ Martins tuy không chuyên khoa chỉnh hình cũng bó lại được ngay ngắn. Tuy nhiên cẩn thận vẫn hơn, Jacques nghỉ học ở nhà ít lâu để dưỡng bệnh. Bỗng nhiên thằng bé để ý đến Gertrude mà cho đến bây giờ hắn vẫn thờ ơ. Jacques bắt đầu dạy Gertrude tập đọc. Jacques chỉ đóng vai phụ giáo được trong thời gian dưỡng bệnh, nhưng trong ba tuần lễ ngắn ngủi đó, Gertrude tiến bộ vượt bực. Cô bé siêng học hơn. Cái trí tuệ hôm qua còn ngái ngủ bỗng dưng nảy nở nhanh chóng, tựa hồ như chưa tập đi đã biết chạy. Tôi ngợi khen cô bé có thể tổ chức sắp xếp ý nghĩ một cách dễ dàng. Ngôn ngữ phát triển trông thấy. Đã không còn ăn nói ngây ngô như trẻ nít, Gertrude phát biểu khá chuẩn khi tạo những ý niệm bằng một cách bất ngờ và thích thú, là dùng những đồ vật biết được một cách trực tiếp nhờ xúc giác, hay gián tiếp do được tả lại; chúng tôi dùng phương pháp của người đạc điền dùng những gì trong tầm tay sờ được với được, để xử lý những gì ở xa.
    Tôi nghĩ không cần thiết nhắc lại tất cả những bước đầu việc dạy dỗ Gertrude mà các sách giáo khoa cho người mù nói chung chắc cũng đã ghi chép đầy đủ với chi tiết. Chắc mọi giáo viên dạy người mù đã lúng túng khi giảng cho học trò về màu sắc. (Về vụ này, tôi nhớ lại là Kinh Thánh không có đoạn nào nói đến màu sắc). Tôi không nhớ người khác dùng cách nào. Riêng tôi, lúc đầu tôi tả cho Gertrude những màu của quang phổ, theo thứ tự chúng xuất hiện trên cầu vồng. Cách giảng đó làm Gertrude lẫn lộn ngay màu sắc với độ sáng. Thật là khó khăn cho Gertrude khi lãnh hội rằng mỗi màu có thể đậm nhạt riêng, và các màu có thể pha trộn với nhau cho đến vô cùng. Gertrude bị ám ảnh về chuyện này, và luôn luôn trở lại đề tài khúc mắc đó.
    
    Tuy nhiên một hôm tôi có dịp đưa Gertrude đi Neuchatel nghe hòa tấu. Công dụng của các nhạc cụ khác nhau cho phép tôi trở lại vấn đề phân tích màu sắc mà cô bé vẫn còn bận tâm. Tôi lưu ý Gertrude sự khác nhau về âm thanh của của kèn đồng, đàn, và những nhạc khí bằng gỗ. Rồi mỗi nhạc cụ lại có thể tạo ra âm thanh to nhỏ khác nhau, với cung bậc cao thấp, từ tiếng trong nhất đến tiếng đục nhất. Tôi khuyên Gertrude tưởng tượng màu đỏ hay màu cam trong tạo vật như tiếng tù và hay tiếng kèn trom-bon, màu vàng hay màu lục như tiếng vĩ cầm, hồ cầm và công-bát, màu tím và màu xanh dương như tiếng sáo, tiếng cla-ri-nét, hay tiếng ô-boa. Cô bé sung sướng và không còn ngờ vực gì nữa, màu sắc chắc phải có thật.
    Gertrude nhắc đi nhắc lại:
    “Như vậy chắc phải đẹp lắm, phải không Mục sư?”
    Rồi bất chợt cô bé hỏi:
    “Thế còn màu trắng thì sao? Con không hiểu màu trắng thì nghe giống cái gì nhỉ?”
    Và tôi thấy ngay cách đối chiếu màu sắc qua âm thanh của tôi không toàn hảo. Tuy nhiên tôi gắng giải thích:
    “Màu trắng là cái giới hạn cao nhất của sự hòa tấu giữa các màu tươi. Còn màu đen là giới hạn thấp nhất của những màu tối.”
    Cả Gertrude và tôi đều không thỏa mãn với giải thích này. Cô bé nhắc cho tôi là nhạc khí bằng gỗ, bằng đồng, hay đàn vĩ cầm, vẫn khác nhau, dù ở chung những âm bậc cao nhất hay thấp nhất. Cũng như bao nhiêu lần khác, tôi đã phải sững sờ moi óc tìm những thí dụ cụ thể để giảng cho cô bé.
    Sau cùng tôi nói:
    “Thế này nhé. Con hãy tưởng tượng màu trắng như một màu thật trong sạch, không vẩn đục bởi một màu nào khác. Tựa như ánh sáng thuần túy. Màu đen đại để là một tình trạng quá nhiều màu, đến nỗi màu nọ lẫn lộn với màu kia làm toàn thể đen ngòm…”
    Hôm nay nhớ lại những mẫu chuyện vụn vặt này, tôi bèn kể lại đây như tiêu biểu cho những khó khăn rất thường gặp khi tôi dạy dỗ cô bé. Gertrude có tính tốt là nếu không hiểu thì không bao giờ làm bộ nhận là mình hiểu. Những người như vậy đầu óc đầy những dữ kiện sai lầm hay thiếu sót, nên về sau suy luận không còn chính xác nữa. Gertrude lại khác, có chuyện gì chưa biết đến nơi đến chốn, thì cứ thắc mắc mãi cho đến khi tường tận mới cam.
    Lại còn chuyện khó khăn này nữa. Như đã nói ở trên, trong đầu óc Gertrude, không biết từ bao giờ, ánh sáng và nhiệt lượng đã luôn luôn dính liền với nhau, chặt chẽ đến nỗi khi dạy cô bé, tôi không thể tách rời hai ý niệm đó ra được.
    Chính nhờ dạy dỗ Gertrude mà tôi mới nghiệm thấy sự khác nhau giữa thế giới thị giác và thế giới thính giác. Đối chiếu hay suy diễn liên hệ qua lại giữa âm thanh và màu sắc quả thật không sao mà tránh khỏi khập khiễng hồ đồ.
    
- o O o -

    Ngày 29 tháng Hai.
    Mải viết về âm thanh và màu sắc, tôi quên chưa kịp kể niềm hân hoan của Gertrude khi được nghe hòa tấu ở Neuchatel. Tình cờ hôm đó chính vở ‘Bản Đàn Thôn Dã’ được trình diễn. Tôi dùng chữ ‘chính’ vì không có một bản nhạc nào mà tôi lại muốn cho Gertrude nghe hơn là bản nhạc này. Ra khỏi rạp một lúc khá lâu mà Gertrude vẫn còn như đang đắm chìm trong sảng khoái.
    Sau cùng cô bé hỏi:
    “Những điều mắt thấy có đẹp đến như vậy không?”
    “Đẹp như chuyện gì, con?”
    “Đẹp như cái cảnh ‘ven bờ suối’ trong bản hòa tấu.”
    Tôi không trả lời ngay, vì tôi nghĩ những lời nhạc ấy không vẽ lại thế giới có thực, mà một thế giới lẽ ra có thể có, nếu không có tội lỗi xấu xa chết chóc.
    Sau cùng tôi nói:
    “Những người có thị giác sướng mà không biết mình sướng.”
    Cô bé vội vã lên tiếng:
    “Nhưng con đâu có cần có thị giác mà vẫn biết được hạnh phúc của âm thanh.”
    Gertrude vừa bước vừa ép sát vào người tôi, tựa nặng trên cánh tay tôi như trẻ con thường làm:
    “Mục sư ơi, Mục sư có thấy con hạnh phúc không? Không, con không nói như vậy để làm vui lòng Mục sư đâu. Nhìn con này: có phải khi người ta nói dối thì chỉ cần nhìn mặt là biết liền phải không? Còn con, ai nói dối con nghe giọng nói là con biết liền. Mục sư có nhớ hôm Mục sư nói là Mục sư không khóc khi Dì con (Gertrude thường gọi vợ tôi là Dì) trách Mục sư không bao giờ biết chiều Dì, con đã biết ngay. Chính hôm đó con đã nói là Mục sư nói dối con. Nghe giọng nói của Mục sư là con biết mà. Con đâu có cần sờ má Mục sư để xem có nước mắt hay không.”
    Rồi Gertrude bỗng cao giọng, chậm rãi lập lại một mình:
    “Không, hôm đó con đâu có cần sờ má Mục sư.”
    Tôi lúng túng vì lúc đó chúng tôi chưa ra khỏi khu thị tứ, và câu nói ngây thơ của Gertrude làm mấy người bộ hành quay đầu lại nhìn. Nhưng Gertrude vẫn nói tiếp:
    “Mục sư biết không, đừng hòng giấu con chuyện gì. Thứ nhất, dối kẻ mù lòa là điều phải tội…”
    Tươi cười, nàng nói thêm:
    “Mà thứ hai là con không mắc lừa đâu.”
    Gertrude lại hỏi:
    “Mục sư ơi, nói cho con nghe đi. Bây giờ Mục sư không buồn phải không.”
    Như để cho Gertrude hay là một phần `hạnh phúc hiện tại của tôi là nhờ nàng mà có, tôi cầm tay cô bé đưa lên môi:
    “Không Gertrude con, ta không buồn. Làm sao mà ta lại buồn được.”
    “Vậy mà con biết thỉnh thoảng Mục sư đã khóc.”
    “Ta cũng có khóc một đôi lần.”
    “Nhưng từ hôm đó Mục sư có còn khóc nữa không?”
    “Không, Gertrude cưng.”
    “Nói cho con nghe nữa đi. Từ hôm ấy, có bao giờ Mục sư còn muốn nói dối con nữa không?”
    “Không cưng.”
    “Mục sư có thể hứa là từ giờ sẽ không bao giờ dối con nữa không?”
    “Hứa.”
    “Vậy thì, trả lời con ngay đi: Con có đẹp không, Mục sư?”
    Câu hỏi bất ngờ làm tôi sững sờ. Nhất là cho đến bấy giờ tôi không muốn ghi nhận vẻ đẹp như đập vào mắt của cô bé. Vả lại tôi cho rằng nàng biết mình đẹp đâu có ích gì. Tôi hỏi lại Gertrude:
    “Con muốn biết lắm sao?”
    “Con bận tâm chuyện này lắm. Con muốn biết…, con nói làm sao bây giờ…, con muốn biết bản thân con có làm buổi hòa tấu của cuộc sống xấu xí đi không. Điều này nếu con không hỏi Mục sư thì con hỏi ai bây giờ?”
    Gượng chống đỡ, tôi trả lời:
    “Người mục sư thường không chú ý đến vẻ đẹp của dung nhan.”
    “Tại sao, Mục sư?”
    “Tại vì với người mục sư, vẻ đẹp của tâm hồn đã đầy đủ quá rồi.”
    “Con biết rồi. Mục sư muốn cho con hiểu rằng con xấu xí lắm phải không?”
    Nàng vừa nói vừa bậm môi làm duyên. Không còn chịu nổi, tôi buột miệng nói lớn:
    “Gertrude cưng, con cũng biết là con đẹp lắm mà!”
    Nàng yên lặng không hỏi thêm gì nữa, và từ đấy cho đến khi tới nhà, nét mặt thật đăm chiêu.
    Vừa thấy tôi về nhà là Amélie đã cho tôi hiểu là nàng không tán thành cách tôi sử dụng thì giờ. Lẽ ra nàng nên phản đối ngay từ trước. Tuy nhiên như thường lệ, nàng đã để yên cho tôi dẫn Gertrude đi nghe nhạc, để dành lấy quyền cằn nhằn trách móc về sau. Nàng không trách móc thành lời, nhưng sự yên lặng của nàng cũng đã quá rõ ràng. Biết tôi dẫn Gertrude đi nghe nhạc về mà nàng không buồn hỏi thăm về chương trình hòa tấu, đã chẳng là chuyện bất thường rồi sao. Tội nghiệp con bé, sự vui mừng của nó sẽ tăng gia bội phần, nếu nàng chỉ tỏ ra mảy may lưu tâm đến nó. Nói cho đúng thì vợ tôi không hẳn hoàn toàn lầm lì yên lặng, nhưng nàng chỉ nói những chuyện vặt vãnh không đâu. Đến tối, khi trẻ con đã đi ngủ hết, tôi mới nghiêm nghị hỏi vợ:
    “Tôi mang Gertrude đi nghe nhạc mà em cũng bực mình sao?”
    Nàng đối đáp:
    “Chưa bao giờ em thấy anh lo cho người thân trong gia đình này như vậy.”
    Lại vẫn hờn dỗi cũ. Nàng vẫn không chịu hiểu rằng đứa con lạc đàn trở về bao giờ cũng làm cha mẹ vui mừng hơn là đứa con vẫn ở lại nhà. Nàng không thương hại tật nguyền của con bé. Chút vui thú nhỏ nhoi này là món quà vô cùng hiếm hoi trong cuộc đời bất hạnh của nó. Mà đâu có gì cho cam, tôi thường xuyên bận rộn, chỉ hôm đó mới tình cờ được rảnh rang. Nàng thật là hàm hồ, trẻ con hôm ấy không bận chuyện này thì mắc chuyện kia, còn nàng thì có bao giờ thích nghe hòa nhạc đâu. Những hôm rảnh rỗi, dù có hòa tấu ngay trước nhà nàng cũng không buồn đi dự. Bực mình hơn nữa là nhà tôi cằn nhằn trách móc ngay trước mặt Gertrude. Tôi có ý dìu vợ ra khỏi tầm tai, nhưng nàng lại chủ ý lên giọng cho Gertrude nghe thấy. Tôi giận hơn là buồn. Lát sau khi Amélie đã vào nhà trong, tôi tới cầm lấy bàn tay bé bỏng của Gertrude đưa lên má tôi:
    “Con coi này, lần này ta đâu có khóc.”
    Gắng lấy giọng vui, nàng nói:
    “Không, lần này là phiên con.”
    Nàng gượng cười và ngước lên tìm tôi. Tôi thấy một khuôn mặt chan hòa nước mắt.
    
- o O o -

    Ngày 8 tháng Ba.
    Niềm vui độc nhất tôi có thể đem lại cho nhà tôi là đừng làm điều này điều nọ, để nàng khỏi bực mình. Lối yêu thương hoàn toàn tiêu cực, nhưng là lối yêu thương độc nhất mà nàng để tôi làm. Nàng đã thu hẹp cuộc sống của tôi đến như vậy là điều nàng không hề để tâm ghi nhận. Lạy Chúa, hãy để nàng muốn tôi làm chuyện gì khó khăn hơn. Tôi sẽ sung sướng biết mấy nếu nàng đòi hỏi ở tôi những việc hiểm nghèo. Nhưng có thể nói là Amélie ghét bỏ tất cả những gì không thuộc về đời sống đều đặn thường nhật. Đến nỗi cuộc đời với nàng chỉ là gom nhặt những chuỗi ngày nhạt nhẽo sắp tới để chồng lên một quá khứ cũng đã nhạt nhẽo như vậy. Nàng không chờ đợi mà cũng không muốn chấp nhận những đức tính mới, hay gia tăng những đức tính cũ nơi tôi. Nàng sợ hãi nếu không muốn nói là phản đối mọi cố gắng để thấy trong Đạo Chúa một điều gì ngoài việc chế ngự bản năng con người. Nàng lo sợ thấy ai muốn tìm kiếm trong lời Chúa bất cứ chuyện gì ngoài chuyện khuyên răn khổ hạnh.
    Tôi thú nhận là khi tới Neuchatel tôi đã quên khuấy lời nàng dặn tới tiệm tạp hóa thanh toán sổ sách cũng như kiếm cho nàng một cuộn chỉ khâu. Nhưng tôi giận tôi còn hơn nàng giận tôi nữa; nhất là lúc rời nhà, tôi đã dặn lòng là không được quên, vì biết câu ‘ai trung tín chuyện nhỏ sẽ thủy chung chuyện lớn’, tôi sợ nàng sẽ kết luận như vậy nếu tôi không nhớ. Thậm chí tôi còn cầu mong nàng lên tiếng trách móc, vì thật ra tôi thấy mình cũng đáng tội. Khổ nỗi thường thường những buồn phiền ở đời tưởng tượng nhiều hơn là có thực. Cuộc sống sẽ đẹp tốt biết bao và các sự bất hạnh sẽ nhẹ hơn biết bao, nếu ta chỉ ghi nhận những sầu muộn có thực, thay vì nghe theo con quỷ hờn dỗi trong trí tưởng tượng của ta… Tôi đã lạc đề, điều này thực ra là đề tài cho một bài giảng (Kinh Matt., XII,29: Đừng nên để tâm hồn bất an). Chủ tâm tôi lúc này là ghi lại sự tiến bộ về trí tuệ cũng như tâm hồn Gertrude. Vậy thì tôi nên trở lại đề tài.
    Tôi muốn kể tiếp nơi đây sự tiến triển bộ ấy từng bước một, và tôi đã bắt đầu một vài chi tiết. Nhưng không những tôi không có thì giờ để ghi chú cặn kẽ mọi giai đoạn, hôm nay nhớ lại sự tương quan của chúng với nhau lại vô cùng khó khăn. Theo đà câu chuyện, tôi đã kể trước những suy nghĩ, những đối thoại với cô bé rất gần đây, nên ai tình cờ đọc những trang ấy chắc sẽ ngạc nhiên thấy Gertrude bỗng nhiên có thể phát biểu bằng những tư tưởng chín chắn gẫy gọn như vậy. Thật ra cô bé cũng tiến nhanh một cách bất ngờ: tôi thường phải thán phục đầu óc sắc bén của Gertrude khi hấp thụ món ăn trí tuệ tôi mang lại, để tiêu hóa và phát triển không ngừng. Gertrude làm tôi ngạc nhiên, vì nhiều chuyện tôi chưa nghĩ đến thì cô bé đã suy ra, và nhiều khi từ buổi trò chuyện hôm trước tới buổi trò chuyện hôm sau, có khi tôi không nhận ra người học trò cũ của mình nữa.
    Ít tháng sau, không ai có thể nghĩ trí khôn cô bé đã có thời tê liệt lâu đến thế. Gertrude còn chững chạc hơn nhiều thiếu nữ mà ngoại giới đã làm cho xao nhãng, và những chuyện tầm vơ đã chiếm hết đầu óc. Tôi nghĩ có lẽ Gertrude lớn hơn là tôi đã ước đoán buổi đầu. Xem ra cô bé cũng như đã lợi dụng được khuyết tật của mình, trên nhiều phương diện mù lòa đã trở thành ưu điểm. Nhiều khi bất giác tôi so sánh Gertrude với con Charlotte. Những khi tôi kèm bài vở cho con gái, thấy nó bị lơ đãng vì con ruồi vừa bay qua, tôi thầm nghĩ:
    “Nói dại, nếu mắt nó không thấy đường, chắc nó đã ngồi học với bố chuyên cần hơn.”
    Gertrude mê đọc sách. Nhưng để dễ theo sát tâm trí cô bé, tôi không muốn Gertrude đọc quá rộng -ít nhất những khi không có mặt tôi- và nhất là đọc quá rộng Thánh Kinh. Điều này nghe có vẻ bất thường với một tín đồ Cơ Đốc như tôi. Tôi sẽ có dịp cắt nghĩa lý do của quyết định này. Trước khi đề cập đến một câu chuyện quan trọng như vậy, tôi muốn kể một sự việc nhỏ có liên hệ đến âm nhạc, cũng vào thời gian buổi hòa tấu ở Neuchatel.
    Phải rồi, chuyện này xảy ra độ ba tuần trước vụ nghỉ hè (thời gian Jacques về sống với gia đình). Bữa đó tôi dẫn Gertrude đến ngồi trước cây đàn phong cầm của nhà thờ thường thường do cô De la M. phụ trách. Gertrude chưa học nhạc với cô và cũng chưa dọn tới nhà cô ở. Tôi tuy yêu nhạc nhưng không giỏi môn này, và ngồi trước đàn tôi cảm thấy không đủ khả năng đóng vai thày giáo. Hôm đó vừa đặt tay trên phím, cô bé đã xin với tôi:
    “Mục sư cho con thử tập một mình.”
    Tôi sẵn lòng chiều ý. Ngồi chung một mình với Gertrude trong nhà thờ vắng vẻ, với miệng tiếng thị phi, không phải là không bất tiện. Về sau, hôm nào có dịp đi ngang giáo đường, tôi thả Gertrude ở đấy có khi suốt buổi, xong công việc mới trở lại đón. Cô gái kiên nhẫn tập đàn một mình, lần mò ra những hài âm trên phím, và chiều về, có khi tôi thấy Gertrude bận rộn với một vài cộng âm và tỏ ra hoàn toàn thích thú.
    Một ngày vào khoảng đầu tháng tám, chưa đến sáu tháng sau, tôi trở về nhà thờ đón Gertrude trước giờ vì người góa phụ khốn khổ tôi tính viếng thăm lại vắng nhà. Gertrude không dè tôi về sớm, và tôi vô cùng ngạc nhiên thấy thằng Jacques đang ngồi bên Gertrude trước đàn. Vì tiếng đàn che tiếng bước chân tôi, cả hai đều không biết tôi đang đi vào. Bản tính tôi không ưa rình mò, nhưng chuyện liên can đến Gertrude, tất nhiên tôi phải để tâm: rón rén, tôi nhẹ chân leo mấy bực tam cấp lên bệ thờ; vị trí rất tiện cho việc quan sát. Tôi thú thật suốt thời gian ngồi đó, tôi không nghe được một lời gì mà hai người không thể nói với nhau đàng hoàng trước mặt tôi. Nhưng Jacques ngồi sát bên Gertrude, và tôi thấy nhiều lần nó cầm tay Gertrude để hướng dẫn trên phím đàn. Quả là kỳ lạ vì cô gái chấp nhận sự chỉ dẫn mà cô đã từ chối với tôi. Tuy lúc đó tôi không chịu nhìn nhận như vậy, nhưng tôi rất ngạc nhiên và buồn bực, và đang định bước ra can thiệp thì may thay, Jacques đã rút đồng hồ ra coi giờ và nói:
    “Có lẽ anh về thì vừa. Chắc Ba anh cũng sắp tới.”
    Tôi thấy Jacques cầm tay Gertrude lên môi hôn rồi cáo từ. Lát sau tôi rón rén xuống bực thang, ra ngoài để lại ồn ào trở vào mở cửa, làm như mới tới:
    “Gertrude, tập đàn có thích không con?”
    Gertude trả lời, giọng hoàn toàn tự nhiên:
    “Dạ thích lắm. Hôm nay con tập được nhiều lắm.”
    Nỗi buồn to lớn chiếm lấy tim tôi, nhưng cả tôi và Gertrude không ai nhắc đến chuyện vừa mới xảy ra.
    Sau cùng tôi có dịp nói chuyện riêng với Jacques. Lúc đó nhà tôi, Gertrude và trẻ con đã đi ngủ sớm như thường lệ, chỉ còn hai cha con ngồi đọc sách ở nhà ngoài. Tôi chờ phút này đã lâu. Vậy mà trước khi nói với con, lòng tôi trì trệ bởi những tình cảm lộn xộn, đến nỗi tôi đâm ra ngại ngùng không biết cách hay không dám đề cập đến vấn đề đang giày vò tâm can. Chính thằng Jacques lại khai mào câu chuyện, cho hay là nó tính ở nhà với gia đình trọn vụ hè này. Vậy mà chỉ ít bữa trước nó đã thưa với cha mẹ là muốn du lịch miền núi Alpes, điều cả hai vợ chồng tôi vui vẻ chấp thuận. Tôi biết T. bạn đồng hành nó chọn đang đợi nó cùng đi; tôi thấy ngay sự thay đổi chương trình đột ngột không phải là không liên hệ đến cảnh tôi đã chứng kiến sáng nay tại giáo đường. Mới đầu tôi nổi nóng, nhưng lại sợ làm vậy nó sẽ không tâm sự với bố, cũng không muốn vì giận dữ mà quá lời mắng con, tôi hết sức tự kiềm chế và lấy giọng thản nhiên:
    “Ba tưởng T. mong con cùng đi leo núi với nó.”
    Nó trả lời:
    “Ồ, T. không tuyệt đối trông cậy vào con trong vụ leo núi này. Kiếm người thay thế con cũng không khó khăn gì. Con ở nhà nghỉ ngơi cũng tốt chán, đâu có cần lên núi Oberland. Con nghĩ ở nhà có nhiều chuyện làm có ý nghĩa cho con hơn là trèo núi.”
    “Té ra con kiếm được chuyện làm cho vụ hè này rồi sao?”
    Nó nhìn tôi, chắc thoáng thấy ý mỉa mai, nhưng chưa hiểu tại sao. Nó trả lời:
    “Như Ba biết, con bao giờ cũng thích sách vở hơn là gậy leo núi.”
    Nhưng nhìn thẳng vào mắt nó, tôi nói:
    “Ba biết. Nhưng con ơi, con không nghĩ là dạy đàn phong cầm còn hấp dẫn với con hơn là đọc sách sao?”
    Có lẽ nó cảm thấy mặt nó đỏ. Nó đưa tay lên che trán, như tránh né ánh đèn. Nhưng nó bình tĩnh trở lại, giọng nó tự nhiên hơn là tôi mong muốn:
    “Thưa Ba, xin Ba đừng vội kết tội con. Lòng con không bao giờ dám giấu Ba chuyện gì. Con sắp thưa, thì Ba đã hỏi tới.”
    Thằng bé ăn nói gẫy gọn, giọng như người đọc sách, mà khi hết lời cũng bình tĩnh chững chạc, như đang bàn chuyện ai. Sự tự chủ tuyệt vời của nó làm tôi bực tức. Cảm thấy sắp bị tôi ngắt lời, nó đưa tay lên như muốn nói, không, xin Ba cho con thưa hết câu chuyện… Nhưng chụp lấy tay nó lắc mạnh, tôi to tiếng:
    “A, chẳng thà Ba không thấy mặt con nữa còn hơn để cho con làm vẩn đục tâm hồn trong trắng của con Gertrude. Con không cần phải thú tội với Ba. Ba đã biết rồi. Lợi dụng tật nguyền của nó, lợi dụng nó ngây thơ khờ khạo, lợi dụng lòng thành thật của nó, Ba không ngờ con có thể làm những chuyện tồi bại như vậy. Ba trách nhiệm cuộc đời con Gertrude, và Ba không muốn thấy con trò chuyện với nó, cầm tay nó, gặp gỡ nó thêm một ngày nữa…”
    Vẫn với giọng bình tĩnh tự tin đã làm tôi nổi điên, Jacques trả lời:
    “Nhưng thưa Ba, Ba tin con là con rất kính trọng Gertrude. Ba lầm nhiều lắm nếu Ba cho rằng có gì đáng khinh bỉ không những trong hành vi mà còn trong dự tính hay cả trong đáy lòng con. Con yêu Gertrude, con xin thưa với Ba rằng con kính trọng nàng cũng nhiều như con yêu nàng. Cũng như với Ba, ý nghĩ làm vẩn đục nàng, lợi dụng nàng ngây thơ và tật nguyền là chuyện hèn hạ ngoài sức tưởng tượng của con.” Rồi nó thưa với tôi hảo ý của nó dành cho Gertrude, nguyện là người nâng đỡ nàng, bạn nàng, chồng nàng. Trước kia nó chưa thưa chuyện với tôi là vì bấy giờ nó chưa làm xong quyết định lấy nàng làm vợ; và quyết định bây giờ của nó, nó chưa chia sẻ với Gertrude, vì nó định trình tôi trước rồi sau mới thổ lộ với nàng. Sau cùng nó nói:
    “Thưa Ba, đó là tất cả chuyện con phải thú thật với ba. Ngoài ra xin Ba tin con là con không còn gì giấu Ba nữa.”
    Lời con làm tôi sững sờ. Tôi nghe mạch máu thái dương đang đập liên hồi. Tôi chỉ sửa soạn để la mắng nó, và khi nó cho tôi tất cả những lý do để hết nóng giận, thì tôi càng cảm thấy bất an, nên khi nó nói xong tôi không biết nói gì. Sau một phút yên lặng, tôi đứng dậy đặt tay lên vai nó:
    “Thôi chúng ta đi ngủ. Sáng mai Ba sẽ cho con biết quyết định của Ba.”
    “Nhưng ít ra Ba không còn giận con nữa, phải không Ba?”
    “Ba cần suy nghĩ đêm nay.”
    Sáng sau thấy con, tôi tưởng như mới thấy nó lần đầu. Tôi bỗng nhận thấy con mình không còn trẻ dại nữa mà đã hoàn toàn trưởng thành; nếu nghĩ nó là con nít, thì mối tình tôi bắt gặp hôm qua thật là quá quắt. Suốt đêm qua tôi tự thuyết phục là mọi chuyện trái lại tự nhiên và bình thường. Vì đâu mà sự bất mãn của tôi lại gia tăng? Chuyện này về sau tôi mới sáng tỏ nguyên do. Trong khi chờ đợi, tôi phải cho Jacques hay quyết định của tôi. Vậy mà một bản năng ráo riết như lương tâm bắt tôi phải ngăn cản cuộc hôn nhân này bằng mọi giá.
    Tôi đã dẫn Jacques ra cuối vườn. Tại đây tôi hỏi nó trước:
    “Con đã cho Gertrude hay chưa?”
    “Dạ thưa Ba chưa. Con nghĩ em biết con yêu em. Nhưng thổ lộ với em thì con chưa thổ lộ.”
    “Nếu vậy thì con phải hứa với Ba là con chưa được cho nó hay chuyện đó bây giờ.”
    “Thưa Ba, con xin hứa với Ba. Nhưng có thể nào Ba cho con biết lý do.”
    Tôi ngần ngại suy nghĩ. Không biết những lý do vừa đến trong đầu tôi có phải là những lý do đáng nêu ra không. Thật tình, tâm hồn thay vì lý trí đã dẫn dắt hành động của tôi trong lúc này. Sau cùng tôi nói:
    “Gertrude nó còn trẻ dại lắm. Con nghĩ coi, nó bây giờ cũng chưa rước lễ thông công. Con dư biết nó không như những trẻ khác. Tiếc thay, sự phát triển của nó đã bị trì trệ khá nhiều. Nó dễ tin, chắc dễ rung động với những lời yêu đương mới được nghe lần đầu; chính vì vậy mà điều quan trọng là chưa nên nói với nó những lời yêu đương đó. Chiếm đoạt những gì chưa biết tự vệ là điều hèn nhát; Ba biết con không hèn. Con nói tình con dành cho nó không có gì đáng khinh bỉ. Nhưng Ba cho là tình đó vẫn có tội, vì đã tới trước hạn kỳ. Gertrude chưa khôn ngoan già dặn, vậy ta phải khôn ngoan giùm cho nó. Đây là một vấn đề lương tâm.”
    Thằng Jacques có điểm tốt là muốn khuyên can nó điều gì chỉ cần câu nói giản dị “Ba kêu gọi đến lương tâm của con” mà tôi nhiều lần đã dùng khi nó còn nhỏ. Nhưng nhìn con, tôi chợt nghĩ nếu Gertrude có thị giác, chắc nàng sẽ ngắm mà không chán mắt cái tấm thân cao ráo vừa rắn rỏi vừa mềm mại, cái vừng trán phẳng đẹp không nếp nhăn, cái nhìn ngay thẳng, cái khuôn mặt còn trẻ thơ nhưng đã thoáng bóng nghiêm nghị của tuổi trưởng thành. Jacques đầu trần, tóc màu tro để dài, mấy lọn tóc lùng bùng ngang thái dương che nửa vành tai.
    Tôi đứng dạy, nói tiếp:
    “Ba còn có điều muốn yêu cầu con. Con đã định ngày mai lên đường. Vậy thì con đừng trì hoãn nữa. Con cần vắng mặt một tháng; Ba mong con đừng về sớm một ngày. Con hiểu ý Ba?”
    “Dạ. Con xin vâng lời Ba.”
    Jacques tái xanh thần sắc, đến nỗi môi nó cũng nhợt nhạt. Nhưng tự trấn tâm, tôi nghĩ rằng nếu nó phục tòng lệnh cha một cách dễ dàng như vậy, thì tình yêu của nó chắc cũng không mãnh liệt gì; và tôi cảm thấy vô cùng nhẹ nhõm. Vả lại thấy con dễ bảo tôi cũng mát lòng.
    “Con vẫn là đứa con mà Ba yêu quý,” tôi nói nhỏ với nó. Tôi kéo nó lại hôn lên trên trán, có cảm tưởng nó hơi ngả đầu lại phía sau như muốn né tránh; nhưng lúc đó tôi không muốn bận tâm vì những chi tiết như vậy.

Xem Tiếp Chương 3Xem Tiếp Chương 6 (Kết Thúc)

Bản Đàn Thôn Dã
  » Xem Tập 1
  » Đang Xem Tập 2
  » Xem Tiếp Tập 3
  » Xem Tiếp Tập 4
  » Xem Tiếp Tập 5
  » Xem Tiếp Tập 6
 
Những Truyện Dài Khác
» Liêu Trai Chí Dị
» Pie Đệ Nhất
» Thiên Thần Và Ác Quỷ
» Tuyết Bỏng
» Cuộc Đời Của Pi ( Phần II )
» Mao: The Unknown Story
» Con Lừa Và Tôi
» Trái Tim Không Cần Lý Lẽ
» Tình Ca Giáo Viên Miền Núi
» Cuốn Sổ Lớn
» Chuyện Tình New York
» Những Kẻ Điên Rồ Phải Chết
» Đau Thương Đến Chết ( Phần I )
» Hai Chị Em
» Giữa Cơn Gió Lốc
» Chỉ Một Lần Yêu
» Đi Qua Hoa Cúc
» Tình Trên Đỉnh Sầu
» Tôi Có Thể... Nói Thẳng Với Anh
» Hành Trình Của Sói
» Âm Mưu Ngày Tận Thế
» Cầm Thư Quán
» Chết Cho Tình Yêu