Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Dài » Sông Xa ( Phần II ) Tác Giả: Chu Lai    
    Một buổi trưa tôi đang ngồi họp với ban chỉ huy đại đội. Chúng tôi chỉ có thể họp hành vào giờ trưa, giờ mà lính về đồn ăn cơm, dân cũng tránh nắng không còn ai ở ngoài đồng, cái giờ chấm dứt cao điểm của cuộc càn, nếu có, chấm dứt những vòng trực thăng rà soát sát ngọn cây và tạm ắng đi những tốp thám báo giả dạng lần mò ở bìa rừng, cái giờ thuộc về chúng tôi – thì Thành chạy vào báo có một chị phụ nữ muốn gặp tôi. Chợt nghe, do mấy bữa nay buồn tủi chuyện chồng con, nên tôi nghĩ ngay đến Sang. Chắc Sang đã nghe tin anh ấy được ra tù nên đến tìm. Tuy vậy tôi vẫn hỏi:
    - Dáng người thế nào, bao tuổi?
    - Dạ, dáng đậm chị Hai. Lớn rồi, lối chừng ba mươi trở lại. Đẹp!
    Thôi đúng rồi, còn ai vào đấy nữa. Nhưng tôi vẫn hỏi tiếp:
    - Có bồng con theo không?
    - Đi một mình à? Dòm mặt buồn lắm!
    - Nhưng sao chị ta lại biết tôi ở đây? Nhỡ điệp báo thì sao? Chết thật!
    - Em có hỏi rồi, chị ta bảo là người nhà, có việc gấp.
    Tôi sầm mặt xuống:
    - Thôi được rồi, để tôi ra coi!
    Chị ta lặn lội tìm đến tận đây có việc gì? Mà sao chị ta lại biết được chỗ này? Hay là anh ấy nhắn? Chắc chỉ có thể như vậy được thôi. Chà! Thì ra người ta vẫn tìm cách liên lạc với nhau, nhắn nhe tìm nhau kia đấy! Nếu thế thì mình sẽ phải nói năng với chị ta thế nào? Phiền quá! Sao không đến thẳng nơi của anh ấy ở mà mặc sức chuyện trò lại mò tới đây? Đây có phải là trạm khách đâu? Tôi chợt nhớ lại thái độ đêm rồi của anh ấy... Có đúng là chỉ vì thương vợ thương con không hay còn vì một lý do gì khác mà câu chuyện kia được lôi ra làm cái cớ để lạnh nhạt với nhau? Thôi được, nếu đúng thế, nếu chị ta đã nghĩ lại, đã không giữ được lời như trong thư viết cho mình thì cũng chẳng sao.
    Đoạn đường chui luồn ra bìa rừng, đầu óc tôi cứ rối tung lộn xộn như thế và không phải không có một chút cay đắng, ghen tuông và cả bất cần xen vào. Nhưng tôi đã lầm. Người đến tìm tôi không phải Sang mà lại là Thu. Chao ôi! Mới có ít tháng mà tôi dường như không nhận được ra cô em dâu nữa. Thu già đi nhiều, ăn mặc luộm thuộm, gò má nhô cao, xanh xao và hai tròng mắt thâm quầng dễ sợ. Thu đang ngồi dưới một gốc cây xăng máu, hai vai so lại, im lìm nhìn ra đồng bưng lúc này đã vắng hoe và chói chang ánh nắng. Vừa nhìn thấy tôi, Thu đã òa lên khóc. Một linh tính không hay đập vào đầu tôi. Tôi buột miệng hỏi:
    - Thằng Riềng đâu?
    Thu nấc lên không trả lời được, gần như ngã người vào tay tôi.
    - Thằng Riềng đâu? – Tôi gắt giọng, lay mạnh vai Thu.
    - Anh ấy... chết rồi!
    Tôi rơi tay khỏi người Thu, đứng lặng. Cả cánh đồng bưng chói nắng ngoài kia nhòa đi, xám xịt. Đâu đó có cơn giông đùn lên từ phía chân trời... Tôi khuỵu người ngồi bệt xuống. Chính khi đó Thu vội đỡ lấy người tôi. Tôi lào thào nói một câu vô nghĩa:
    - Nắng thế... Hình như sắp mưa?
    - Chị Hai ơi...
    - Nó chết thật rồi à?... Sao lẹ vậy? – Tôi vẫn nói như mơ ngủ.
    - Anh ấy bị bắt.... Anh ấy đánh lại chúng nó. Chúng nó chặt anh ấy ra làm...
    - Má ơi!... Thằng Riềng của má...
    Tôi thốt lên và đến lúc này tôi mới hoàn toàn hiểu cái gì đã thực sự xảy ra. Ngợp quá, tôi dướn ngực thở mạnh và nước mắt tôi theo hơi thở trào ra. Toàn thân tôi rung lên không kìm được nữa...
    Đêm ấy Thu ở lại với tôi. Hai chị em giăng chung một chiếc võng. Biết mấy ngày nay Thu không ăn uống gì cả, tôi buộc Thu phải ăn một chén cơm, uống nửa ca sữa, nhưng Thu chỉ ăn uống quấy quá vài miếng cho tôi vui. Đêm đó, Thu đã kể lại cho tôi nghe toàn bộ cái chết thảm khốc của chồng.
    “... Thực ra anh ấy bị chúng nó nghi ngờ từ trước rồi. Sau này biết anh là em ruột của chị, chúng càng để ý. Chúng bảo: “Hai chị em nó, con chị đã là hổ cái, thì thằng em không thể là thỏ con được”. Anh ấy cũng biết được điều đó nhưng chỉ cười cười. Có lần lo quá, em bảo: “Hay là anh tạm lánh ra ngoài ít bữa hoặc xin thoát ly luôn? Ở lại thế nào cũng có ngày bị sa vào bẫy...”. Anh trợn mắt (Chị ơi! Anh ấy ít nói và không nặng lời với em bao giờ, bực lắm, chỉ trợn mắt, em vừa thương vừa sợ đôi mắt của anh ấy lắm, chả giống ai cứ lạnh như chì): “Mới vậy mà đã trốn né à? Cô muốn chúng nó cười vào mũi tôi hay sao? Nếu có chết thì phải chết cho đàng hoàng, chết trước mặt chứ đừng để đạn chúng nó xáng vào lưng. Hèn!”. Nghe vậy em không dám nói nữa, chỉ âm thầm lo lắng cho chồng. Ban ngày anh đi đâu về muộn một chút là em rối ruột rối gan lên, đi ra đi vào, hết đứng lại ngồi. Ban đêm nghe tiếng chó sủa xa em đã tỉnh dậy rồi. Có đêm em thức suốt, ngồi thu lu ở cửa để canh cho anh ấy. Vậy mà anh vẫn tỉnh như không, thỉnh thoảng lại còn cười đùa, chọc em nữa. Chị ạ! Em tuy lớn tuổi hơn thật, nhưng sao mà em thấy cái gì anh ấy cũng già dặn hơn em cả. Từ lời ăn tiếng nói, từ điệu bộ đi lại, đến suy xét tình hình làm ăn, tình hình trong ấp, ngoài ấp. Ngay cả giấc ngủ nữa, anh cũng già dặn hơn em; nằm đấy rồi dậy ngay đấy, như người già. Những lúc anh ngồi im thin thít, không dám ho he đi lại nữa. Nhưng em nghĩ trong chuyện này, chuyện tính mạng chồng mình bị đe dọa tức là hạnh phúc của mình bị đe dọa, ít nhất em phải tự cho mình cái quyền được già dặn hơn chồng. Nhưng thực ra cái quyền này có được bao nhiêu ngoài việc âm thầm canh giấc ngủ đêm cho chồng chứ anh ấy làm gì, đi đâu em có bao giờ được biết.
    Một lần có một chiếc Zeep còn mới lội ào ào qua ruộng nước rồi đỗ xịch ngay trước sân nhà em. Phen này thì chắc chết quá chị ơi! Em rụng rời cả chân tay tính chạy ra sau vườn báo cho nhà em lúc đó đang làm cỏ mía biết, nhưng muộn mất rồi! Từ trên xe bốn, năm người lính súng ống gườm gườm đã nhào xuống đứng quanh nhà. “Bớ bà con làng xóm ơi!...”. Tiếng kêu cứu ấy mới vừa phát ra đến cổ họng em chưa kịp thoát ra ngoài thì một người đàn ông mặc thường phục sang trọng đã bước xuống xe và tiến thẳng vào trong nhà. Em đứng chết trân nhìn hắn. To cao, nhiều râu, mắt sắc một cách u ám, đôi môi mín hờ, trễ nải, toàn bộ dáng điệu cái con người đẹp đẽ chải chuốt này toát ra một sức mạnh quái dị, không bình thường. Không thèm nhìn thẳng vào mặt em, hắn hỏi:
    - Chồng cô đâu?
    - Dạ… Em lúng túng hết sức, không biết trả lời sao, lưỡi cứ ríu lại.
    - Đi gọi chồng cô về đi! Tôi biết bữa nay cậu ấy có nhà - Hắn nói và kiếm một chiếc ghế ngồi xuống, lơ đãng nhìn khắp căn chòi.
    - Không… Không có gọi gì hết. Ông không có quền. Tôi sẽ hô hoán...
    Không hiểu sao em lại gắt toáng lên và đưa mắt tìm một vật gì đó khả dĩ có thể bảo vệ được anh ấy. Đến nước này thì em không còn sợ gì nữa, em sẵn sàng ăn thua đủ, sẵn sàng thí mạng, nếu chết thì chết cả, sống thì sống cả.
    Thế rồi em đã nhìn thấy con dao phát cây của anh ấy dựng ở góc chòi...”.
    Nói đến đây, Thu dừng lại thở. Vẻ thiểu não, đau đớn trên khuôn mặt Thu không còn nữa. Tôi tìm ra trong lời kể của Thu cái dáng điệu của con gà mẹ xù cánh che cho gà con trước mỏ diều hâu đang bổ xuống. Tôi nắm chặt tay cô gái, nghẹn ngào tỏ ý biết ơn. Ít nhất vào giờ phút chót, em trai tôi cũng biết được mình đã chết trong tình nghĩa của một người vợ như thế.
    - Rồi sao nữa em? – Tôi nhắc khẽ mà trong lòng muốn Thu dừng lại luôn ở đây. Đủ rồi! Nói hết ra làm chi, đau lòng lắm! Nhưng Thu không dừng lại. Tôi hiểu, nỗi khổ đau chất chứa mấy hôm nay, giờ mới có dịp được nói ra thì dừng sao được nữa.
    “... Em nghĩ: nếu chúng nó bắt được anh ấy và định động đến anh ấy thì với con dao kia, em cũng có thể...”
    - Này! Cô vẫn chưa trả lời câu hỏi của tôi - Hắn ta vẫn ngồi, nhìn em và cười nhạt – Cô không nên nhìn mãi vào con dao như thế - Đột nhiên hắn gằn giọng – Quay lại đây! Và đi gọi thằng Riềng về... Cha! Đôi mắt kìa, nó long lên xem chừng mới gớm chứ! Tại sao cái dòng họ nhà này, từ bố mẹ, anh em, dâu rể đều có cái nhìn đầy hận thù như vậy! Sao? Đi gọi hay để lính nó giải vào?
    - Khỏi cần! Tôi đây rồi ông quận phó ạ!
    Em giật mình ngoái lại. Anh ấy đã từ cửa sau đi vào, đứng sừng sững ở đó từ lúc nào.
    Người đàn ông mà anh ấy kêu là quận phó không hề giật mình, vẫn ngồi im, chỉ khẽ ngước nhìn anh ấy.
    - Trước hết, là quận trưởng chứ không phải quận phó, anh bạn trẻ ạ! Thứ hai, mời ngồi xuống, tôi có chút việc cần nói. Nhanh thôi, khoảng một phút.
    Anh ấy miễn cưỡng ngồi xuống chiếc ghế ọp ẹp kê ở sát tường, với tay lấy cái áo khoác hờ lên người rồi bảo em:
    - Em pha nước cho ông quận uống. Chẳng mấy khi.
    - Khỏi cần - Hắn khoát tay và đứng dậy...
    Em run lập cập. Hắn rút súng nè! Hay hô lính vào trói nghiến con mồi nè! Nhưng chưa! Hắn chắp tay sau lưng đi quanh một vòng chỗ anh ấy ngồi rồi dừng lại ở trước mặt:
    - Quái thật! Hai chị em sao bộ dạng khác nhau dữ vậy? Em thì thô nhám như hùm beo, chị lại quá mảnh dẻ? Nhưng giống! Rất giống nhau ở sống mũi, cái miệng... và đôi mắt. Thế nào, anh bạn? Lâu nay có gặp bà chị “Nữ kiệt rừng chồi” không? - Chồng em bình thản lắc đầu - Tất nhiên hỏi vậy mấy cậu có bao giờ nói thực. Không sao. Hỏi cho vui vậy thôi. Tôi tới đây thăm cậu, thăm cậu em một người đàn bà trước đây gia đình tôi có quen biết. Vậy thôi, thấy cậu mạnh mẽ, tôi mừng. - Hắn xếch mắt lên, hàm răng xít lại - Mạnh mẽ ngoài sức tưởng tượng của tôi kia. Tất cả những việc làm mẽ của cậu vừa qua đã gây khó rất nhiều cho chúng tôi. Tất nhiên đó mới chỉ là nghi vấn nhưng thường từ nghi vấn đến sự thật, đối với cách làm việc của tôi, cái đó cách nhau không xa lắm. Dễ thôi. Cho bắt cậu hồi nào cũng được, rất hợp lý. Còn tang chứng? Thiếu gì cách. Do đó, nể tình quen biết cũ, nhất là đối với chị cậu, người chị mà giờ này đang tàn héo dần nhan sắc ở trong rừng; tôi thông báo và cảnh cáo với cậu hãy thôi đi! Dính vào chuyện ấy và nhất là lại dính vào với tôi, mệt đó! Đây là lần đầu cũng là lần cuối cùng tôi nói chuyện kiểu này với cậu. Lần sau, nếu cậu vẫn thích sống kiểu mạnh mẽ đó, người của tôi sẽ nói chuyện với cậu. Tất nhiên cách nói của họ hoàn toàn không giống tôi. Chào!
    Hắn quay lưng đi ra cửa để mặc vợ chồng em ngồi ngớ ra. Song, hắn chưa đi luôn. Ra đến cửa, hắn còn quay lại, giọng khàn khàn:
    - Và đối với ngay cả chị cậu cũng thế. Nếu gặp, nói tôi gửi lời thăm. Hẹn nếu có thể được, cho tôi được tiếp kiến. Cách tiếp kiến thế nào, do chị cậu tự chọn.
    Sau câu đó hắn đi luôn. Chiếc Zeep xé nước phóng ra lộ ào ào như lúc vào...”
    Thì ra thằng Quang đã gặp em tôi. Đã lâu tôi bặt tin hắn. Nhưng mới gần đây tôi được cơ sở báo cho biết hắn đang làm nhiều trò quỷ quái, tự tung tự tác dữ lắm! Tất cả những miếng mẹo đánh phá cơ sở bên trong của ta cũng như các phương sách kìm kẹp quần chúng tinh vi nhất đều do hắn chủ trương. Nhưng hắn rất kín, không bao giờ lộ mặt ác ôn. Ngược lại người ta còn đồn hắn mềm mỏng, hiểu lòng dân chúng và trước sau vẫn muốn bày tỏ thiện chí hòa hoãn với phía bên kia, với tát cả các đảng phái và phong trào chống đối! Có lần người ta còn chứg kiến hắn cãi nhau tay đôi với viên chuẩn tướng sư trưởng sư đoàn 5 vì cuộc càn quét của sư đoàn này đã đi quá trớn làm ảnh hưởng đến mua màng, nhà cửa và tính mạng của nhân dân. Phải nhìn nhận hắn ở góc độ nào cho đúng. Có thể hắn muốn bày tỏ thái độ phản đối cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn này thật, song cũng có thể hắn là một tên bụng dạ hiểm độc mà những năm tháng du học, người Mỹ đã bày cho hắn những thủ thuật giấu mặt tinh xảo? Hay là có thể cả hai. Thế giới bên trong con người phức tạp, tính hai mặt này cũng có thể xảy ra trong hắn! Cũng như đối với riêng trường hợp chị em tôi chẳng hạn. Hắn biết hết, hiểu hết nhưng lại không chịu thẳng tay. Tât niên tôi hiểu, đối với riêng tôi, hắn còn có một cái gì đó khá phức tạp đang diễn ra trong cuộc sống tình cảm của hắn. Nhưng cũng chưa hẳn. Biết đâu hắn lấy tôi làm chiêu bài để giăng bẫy, để làm ăn một mẻ to hơn? Chả thế mà trong vòng có hai năm, từ một trung úy cảnh sát hắn đã nghiễm nhiên ngồi ghế quận trưởng với cái lon thiếu tá. Khó hiểu lắm. Hắn bảo hắn vẫn yêu tôi, hắn đang hận tình! Nghe có vẻ chung tình ủy mị lắm. Nhưng người ta cũng nói cho biết, tuy hắn chưa lấy vợ thật, chưa thật lòng thương yêu một ai thật nhưng gần như cứ mỗi tuần hắn lại thay đổi một người đàn bà. Trong dinh thự riêng của hắn, thường diễn ra những trò trác táng thâu đêm theo đúng lối Mỹ. Vô lý! Cái loại nửa người nửa thú như vậy làm gì có tình yêu, làm gì có chung tình với hận tình. Nghe đâu đám đàn bà con gái đó phải lòng hắn lắm. Thậm chí có cả cô gái con nhà tử tế, mới lớn, có học hành đàng hoàng, lại xinh xắn hẳn hoi mà cũng vì hắn mà uống thuốc tự vẫn. Tóm lại, hắn là người thế nào? Việc hắn tìm đến thằng Riềng nói mấy câu nửa dọa dẫm, nửa bày tỏ đó để làm gì?
    Đó là những suy nghĩ về sau này, khi nỗi đau đã nhẹ đi chứ lúc ấy, ngồi trước mặt Thu, nghe Thu kể, đầu óc tôi mụ mị và đông cứng lại.
    “... Tưởng thế là thoát, nhưng chị ơi – Thu kể tiếp. Đến đoạn này cô vừa nói vừa khóc sụt sịt – Không ngờ số phận vợ chồng em đã được an bài rồi! Lời đe dọa lạnh lẽo của gã quận trưởng mặc thường phục ấy không gây được chút nao núng trong anh Riềng, em để ý thấy anh ấy càng bình thản hơn, hay đi đây đi đó hơn và cũng hay nói, hay cười hơn. Nhưng về đêm khi thức canh giấc ngủ cho anh, em mới nhận ra anh ấy hay trở mình, có khi nửa đêm còn ngòi dậy đốt thuốc. Ba ngày cuối cùng anh ấy không ra khỏi nhà nửa bước, suốt buổi chỉ quanh quẩn chuyện trò với vợ. Chuyện trò chán, anh vô rừng kiếm cây, kiếm lá lợp sửa lại căn chòi. Sáng hôm đó anh dẫn em về nhà má. Căn nhà không có người ở nên mùi mốc xông lên nồng nặc. Anh cắm lên bàn thờ cả bó nhang, đứng lặng chờ cho cháy hết, cháy đến cái chân nhang cuối cùng, rồi mới dẫn em trở về. Mãi tận trưa hôm đó anh mới nói: “Mấy bữa nay em lo lắm phải không?” Em gật đầu. “Anh biết em thương anh nhiều! Trời đất run rủi cho anh may mắn lấy được em. Anh biết ơn em”. Thấy cách anh nói khang khác mọi ngày, em vội ôm chặt lấy anh như sợ anh nói xong sẽ biến đi mất. Anh vuốt tóc em: “Tóc em gần dài bừng tóc chị Hai rồi nè! Nếu mai mốt anh đi vắng, rủi có gặp chị Hai, em nhớ nói thằng Riềng em chị đã không làm thương tổn vong linh ông già nó nghe!”, thấy em tái nhợt, anh vỗ vỗ vào lưng: “Thì là nói trước vậy chớ có sao đâu. Anh ấy à? Trời đánh thánh vật vẫn sống nhăn”.
    Buổi chiều anh nai nịt gọn gàng như đi rừng lấy củi. Mặt mày rất tươi, anh cười dặn lại: “Anh đi một chút rồi về liền. Chuẩn bị nồi đi, trở về anh kiếm ít cá lóc nấu cháo ăn chơi”. Rồi anh cười nữa: “Làm cái gì mà nhăn nhó dữ vậy? Lại lo hả? Đúng là đàn bà! Nghe nè! Ở đời muốn hết lo thì tốt nhất là diệt trừ ngay cái gây ra nỗi lo đó. Đi nghe! Tươi lên!”. Anh bẹo má em rồi đi, dáng đi như chạy...
    Chị ơi!... Đêm ấy anh Riềng không trở về!... Trọn một đêm đợi chờ căng thẳng, đến sáng thì em không chịu nổi nữa, em cứ nguyên đầu tóc rũ rượi, quần áo lếch thếch như vậy chạy xộc xuống chợ đi tìm chồng. Xuống đến nơi... em thấy một đám đông đang xúm đen xúm đỏ. Em rẽ người xông vào và... Chị ơi! Em đã nhìn thấy anh ấy... Anh bị trói chặt người vào cây cột đèn xi măng, đầu rũ xuống. Từ cổ anh, cái cổ bị cứa gần đứt, ruồi nhặng bâu vào đen đặc. Phía dưới là bộ ngực bị đâm nát, máu đông quánh tìm bầm ở miệng mỗi vết đâm... chỉ nhìn được thế là em té xỉu như có ai phang mạnh vào gáy.... Khi tỉnh lại, em đã thấy mình đang nằm ở nhà và đứng ở bên giường lố nhố nhiều người. Trong số đó, em nhận ra được khuôn mặt của chú, thím anh. Chú thím mà chị đang gửi cu Đức ấy. Sau này em được chính chú và thím đã vực em lên xe, đưa em về...”
    - Xác nó... Lúc này còn bị bêu ngoài chợ không?
    Tôi hỏi sau một lúc lặng đi.
    - Không... Không chị ạ! Ngay đêm hôm đó những người tốt bụng hay bạn bè của anh ấy không biết nữa đã lén mang đi rồi.
    - Nó bị bắt à? Hay chết trong trận? – Tôi vẫn thờ thẫn thả câu hỏi vào khoảng không.
    - Anh ấy bị bắt. Nghe người ta kể lại là đêm hôm đó, anh ấy đang cùng với ba người khác nằm phục để giết thằng Quang ngay trước cửa chi khu. Các anh ấy bạo lắm, nằm ngay trên ngọn cây rậm nên không ai ngờ cả. Đáng lẽ mọi việc trót lọt nhưng vào phút chót, cái phút mà thằng quận trưởng đáng lẽ phải trở về thì lại là thằng quận phó già. Người ta bảo thằng quận trưởng biết thế nào anh Riềng cũng lập mưu giết nó nên nó đi đứng mỗi lúc một khác, không lúc nào giống lúc nào cả. Thằng quận phó chết ngay nhưng mấy anh bị bao vây chặt. Người ta bảo chính anh Riềng đã một mình đánh lạc hướng tất cả để hai anh kia nhảy kịp. Thế là cả trăm thằng xúm rượt theo anh. Anh ấy lẹ lắm. Tài chạy, tài lội sông của anh thì cả tỉnh này chẳng mấy ai theo kịp. Anh ấy cũng lại rất mạnh nữa, chỉ một mình, anh có thể tay không đánh ngã được mười người có sức vóc. Thế mà cũng không thoát! Không… Đáng lẽ anh đã thoát, thoát hẳn… Người ta nói anh chạy qua khỏi lô cao su thì đã bỏ xa chúng nó. Anh đã chạy tới bờ sông. Tới sông là đất đai của anh rồi, chỉ việc nhảy xuống, lặn một hơi là thoát. Nhưng số phận đã bắt em góa chồng. Một cái bẫy chôn ác nghiệt của ai đó đã phập vào chân anh. Đạp được ra thì chúng đã đuổi tới gần! Anh lôi, cả cái bẫy nhào xuống nước nhưng rủi quá, anh lại nhào vào tấm lưới dăng cá đêm. Thế là hết! Chúng nó ập đến và cứ việc kéo anh ấy lên… Không chịu bị bắt ngay, anh ấy còn dùng súng, dùng tay, dùng chân kháng cự một chập nữa cho đến khi bị nhiều báng súng vào đầu ngất đi. Ngay tại chỗ đó có người nói, chúng cả chết cả bị thương là gần mười đứa.
    Thằng cảnh sát trưởng trực tiếp tra hỏi anh. Thằng này nói một, anh nói một. Nó quát, anh quát. Nó chửi anh cũng chửi. Điên tiết, nó đánh vào giữa mặt anh, tay bị trói chặt, anh cũng co chân đạp lại vào giữa mặt nó, hất tung nó vào tường. Thế là không cần tra hỏi gì thêm nữa, điên lên, tiện cây súng dựng cạnh đó, nó phang bể cái lu đựng nước để dìm người ở bên cạnh rồi lấy miếng lu bể sắc cứ cổ anh mà cứa… Chị Hai! Người ta kể vậy, em nói lại vậy chứ có biết gì đâu! Đáng lẽ chiều hôm đó em nên để chồng em đi một mình. Em phải đi theo, đuổi về em cũng đi! Nếu vậy biết đâu khi anh nhào vào tấm lưới, chính em lại giúp được chồng gỡ ra! Bằng không, cả hai cùng chết. Để anh ấy chết một mình thê thảm như vậy, em như người có tội. Mở mắt hay nhắm mắt, đêm hay ngày em đều nhìn thấy đầu của anh ấy rũ xuống, cái cần cổ đầy ruồi nhặng… Em không còn thiết sống nữa! Vào đây kể cho chị nghe rồi, ngày mai em sẽ trở lại, sẽ liều, cùng lắm là chết như anh ấy là cùng. Được chết theo chồng càng hay! Sống một mình thế này còn khổ hơn chết… Em nói vậy chị Hai đừng giận em…
    Tôi ôm chặt lấy Thu, phần thương em trai, phần thương Thu, phần lại nhớ đến má. Nếu má tôi hay rằng tôi đã không làm tròn lời dặn của má là trông nom đùm bọc lấy em?... Riềng ơi! Sao em bỏ chị đi sớm thê?... Sao chị không được gặp em lần nữa… Riềng ơi!
    Cả đêm đó hai chị em tôi, hai người đàn bà, một người chị và một người vợ cứ ôm chặt lấy nhau. Nghĩ rằng ôm nhau như thế nỗi khổ sẽ san đôi, sẽ nhẹ đi. Cả hai đều khóc thầm, khóc cho riêng mình, khóc cho cả hai, không dám khóc to sợ lây lan sang người kia, nhưng rồi vẫn cứ lây.
    Sáng hôm sau, Thu nghe tôi, nghe Nghĩa và nghe mọi người, không trở về ấpp nữa. Đơn vị có thêm một chiến sĩ. Tôi có thêm một người em tình nghĩa ở trong rừng.
    Đấy cũng là cái chết đầu tiên của người ruột thịt mà tôi phải chịu đựng. Còn sau đó…
    
- o O o -

    
    Được tin về Riềng, chồng tôi vội xuống với tôi một ngày một đêm. Hai mươi bốn tiếng đồng hồ ít ỏi đó, anh tỏ ra hết sức dịu dàng. Anh cố tìm những câu chuyện thật vui kể cho tôi và Thu nghe để khuây khỏa. Anh cũng nói chuyện khá lâu với Thu. Anh nói anh là người dẫn dắt Riềng vào con đường cách mạng nhưng chính Thu mới làm cho Riềng trở thành một người đàn ông chân chính. Cái chết của Riềng là một trong những cái chết đẹp nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của tỉnh ta. Sau này thắng lợi, cái tên Riềng sẽ trở thành biểu tượng của lòng dũng cảm, ý chí xả thân, vì nghĩa lớn, lòng tận tụy thủy chung với con người, với cuộc sống mà các sách giáo khoa trong trường học, các bài ca, các vần thơ phải nhắc đến. Chết được như thế là làm mát mặt những người đang sống. Đội ngũ vũ trang trong toàn tỉnh sẽ rất tự hào vì có một đội viên làm sáng danh họ như vậy. Tất nhiên cái chết của Riềng sẽ tỏa sáng vào thôn xóm âm u, sẽ đánh thức dậy những trái tim bấy lâu nay im ngủ, bàng quan đứng ngoài cuộc sống; sẽ khiến cho kẻ sát hại nó phải kinh hoàng, ăn không ngon ngủ không yên v.v…
    Phải nói anh ấy vẫn giữ được lối nói mê hoặc đầy quến rũ như ngày xưa… Không nói gì Thu, một cô gái ngày đầu ra với cách mạng, mà ngay cả tôi, nghe anh nói một chập cũng thấy nỗi đau được xoa dịu đi rất nhiều. Trong con mắt u ám của Thu dần dần ấm lên một chút ánh sáng mới. Riêng tôi, sự có mặt của anh lúc này là rất cần thiết. Khi khổ đau, bao giờ người ta cũng thèm có một người thật sự thân yêu để dựa dẫm, để được khóc, được buồn, được thổ lộ tất cả với những người đó. Thực ra, trước anh, tôi bao giờ cũng thấy mình bé bỏng, mình khù khờ và non nớt. Anh vững chãi, điềm tĩnh, hiểu biết và nồng hậu biết bao. Ban đêm, biết tôi không ngủ được, anh ngồi bên xoa nhè nhẹ vào lưng tôi và thủ thỉ kể những câu chuyện xảy ra ở đâu đó nghe xa xôi như chuyện cổ tích… Tôi ngủ thiếp đi như một đứa trẻ trong bàn tay vỗ về của người lớn. Đêm đó anh không nằm xuống với tôi… Tôi biết ơn anh về sự tế nhị đó.
    Sáng hôm sau anh lại ra đi và nói rằng đợt này có thể đi lâu lâu một chút. Trên “Rờ” gọi anh lên bổ túc một khóa về nghiệp vụ anh ninh. Là trưởng ban anh ninh một huyện trọng điểm như huyện Châu Thành, không tinh thông nghiệp vụ dễ bị kẻ thù dắt mũi lắm. Anh nói anh đi chừng 6 tháng thì về, ở lại ráng giữ gìn sức khỏe và nếu có điều kiện móc nối bà thím mang thằng nhỏ ra thăm nom nó một chút. Chưa được gặp con, giờ lại đi tuốt luốt lên rừng già, biết đến lúc nào mới nhìn thấy mặt nó? Nhớ con không chịu nổi rồi! Anh nói thế và khi thấy tôi đờ đẫn ra vì tình cảm mẹ con bị chấn động mạnh, anh mới cầm tay tôi nói tiếp:
    - Chuyện hôm rồi anh nói, ở lại em cứ nghĩ kỹ đi. Kháng chiến kiểu này còn dài, không phải ngày một ngày hai đâu. Nhà ta lại khuyết thêm thằng Riềng! Anh không muốn để khuyết thêm ai nữa.
    Anh tránh nhắc đến con, đến cái lần vừa rồi tôi đã được gặp cháu trong chốc lát đang bị sốt. Anh không nói nhưng tôi hiểu. Đó là nguyên cớ chính. Câu nói đó vào lúc này đã có hiệu quả với tôi. Trước hết nó làm rã hoàn toàn một ý định tôi tính xin ý kiến anh mà với tư cách là một trưởng ban anh ninh giàu kinh nghiệm, anh có thể giúp tôi được nhiều điều đáng kể. Kế đó, tôi sẽ quyết định viết đơn hay tìm dịp nào đó trình bày cặn kẽ với anh Tám, với huyện ủy cho tôi được chuyển công tác vì lý do…
    Tôi chưa kịp nghĩ ra lý do gì cả thì mấy bữa sau, anh Tám đến. Cũng phải đến mấy tháng rồi chưa gặp anh nên lúc nhìn thấy anh đi vào cứ, tôi mừng lắm! Tôi biết anh xuống đây ngoài lý do chia buồn chuyện thằng Riềng ra, chắc còn có một nội dung làm việc gì đó của huyện ủy, mà sợ tôi lại đi họp hành xa xôi vất vả, anh thường cho người xuống hoặc chính anh trực tiếp xuống truyền đạt. Anh vẫn thế, không thay đổi gì. Vẫn cân quắc, ung dung, râu ria mọc không kịp cạo, vẫn đôi mắt thâm trầm nhìn xuyên thấu và cái miệng cười hom hóm. Kỳ lạ! Không rõ từ con người anh hay do chính cái vị trí đứng đầu huyện của anh toát ra, mà mỗi lần được gặp anh, được tiếp xúc với anh, bỗng dưng lòng dạ tôi dù ngổn ngang tới đâu cũng bình tĩnh trở lại được ít nhiều. Đặc biệt là cái cười vui vẻ, yên tâm lạ lắm!
    Anh bắt tay Thu và tôi rất lâu, thoạt đầu không nói gì, mãi sau khi tất cả đã ngồi xuống anh mới buông một câu giống như một điều chiêm nghiệm của chính cuộc đời anh:
    - Tôi rất hiểu sự mất mát này. Chiến tranh là như thế. Đáng nguyền rủa, đáng ghê tởm nhưng phải chịu đựng, chỉ có chịu đựng liên tục chứ còn biết làm sao. Bên nào chịu đựng giỏi hơn, bên dó sẽ thắng. Người nào chịu đựng giỏi hơn, người đó sẽ vượt lên chính mình. Anh tôi, em trai và em gái tôi không còn nữa. Cả ba đều chết trong vòng chưa đầy một năm. Bắt đầu tôi tưởng không chịu nổi, nhưng cứ cắn răng vào mà chịu thử, rút cuộc tôi đã thắng. Thông thường trong đội hình, một người chết đi, chưa nói là người thân, bao giờ cũng để lại cho mình một khoảng tối trong đầu. Hai người là hai khoảng tối. Ba người là... và cứ thế nhân lên cho đến một lúc nào đó đầy ắp đầu toàn những bóng tối hãi hùng. Chỗ này là nguy đây. Nếu không xua được nó đi, mà chỉ có thể tự xua chứ không ai có khả năng xua hộ được thì mọi việc sẽ qua. Ngược lại, nó sẽ làm anh méo mó, biến dạng đi ngay. Anh sẽ trở thành kẻ đầu hàng, tên phản bội lúc nào không biết. Nè! Tôi nóivậy không phải sách vở đâu. Những gì được trả bằng máu và nước mắt, những gì mà người ta đang ở trong cuộc nói ra đều là sự thật. Tin tôi đi.
    Những lời của đồng chí bí thư huyện ủy đã vô tình chắn ngang vào dự tính của tôi. Anh ấy đã nói thế thì mình còn lòng dạ nào mà mở miệng ra xin chuyển cái này, xin chuyển cái nọ được nữa. Có họa là...
    - Cô Thanh!
    Đang phân vân, tôi giật mình nhìn lên và đụng ngay vào ánh mắt đọc được ý nghĩ của người khác ấy.
    - Hình như cô đang có điều gì muốn nói phải không?
    - Dạ... Có điều chi đâu anh Tám.
    - Có! Đôi mắt của cô không giấu được cái gì, nó cứ lộ ra hết.
    Thấy vậy, Thu biết ý lảng đi. Chỉ còn lại mình tôi, anh Tám mới mỉm cười, nói:
    - Nói giỡn chơi vậy thôi chứ trước khi đi “Rờ”, cậu Nhân đã nói hết với tôi rồi. Tất nhiên là nói có mức độ. Bữa nay tôi xuống đây cũng là để xem sao. Đại để là như thế, hoàn toàn tùy ở cô thôi. Trong việc này cô có quyền được hoàn toàn quyết định.
    Tôi cắn môi. Khó nói quá. Giây lâu tôi hỏi:
    - Anh Tám! Nếu tôi làm theo ý của anh ấy thì sao?
    - Nhất trí thôi. Nhưng... cũng tiếc!
    Tôi để ý thấy tiếng “tiếc” anh nói phào đi nhưng ánh mắt anh thoáng tối lại.
    - Nếu... tôi cứ tiếp tục ở lại với đơn vị?
    - Cái đó tùy! Hai vợ chồng đều là huyện ủy, đều là những cán bộ nòng cốt, có nhiều thành tích, chuyện này vợ chồng có thể tự quyết định được. Sao? Chưa quyết định được phải không? Khó lắm phải không?... Thanh!
    Tiếng “Thanh” được anh gọi rất dịu, rất thân mật như ngày nào anh kêu tên tôi vào Đảng. Rõ ràng là câu hỏi sau của tôi đã làm cho giọng nói anh ấy vui hơn, vầng trán giãn ra. Thế là đủ! Bằng sự tinh nhạy của đàn bà, tôi đã thầm đoán được ý anh.
    - Nói đúng ra – Anh nói tiếp, mắt nhìn lên ngọn cây – Là Thanh rất nên về trên ấy. Dù sao ở cơ quan cũng dễ chịu hơn. Thanh có điều kiện gần chồng và dần dà vợ chồng sẽ đón cháu ra, Thanh sẽ có điều kiện gần con hơn. Thế là hợp tình hợp lý. Và từ trong thâm tâm tôi cũng muốn thế. Rất muốn. Song, ngoài tất cả những cái đó, tôi nghĩ, chỉ nghĩ thôi nghe, Thanh cứ coi đó là những suy nghĩ của bạn bè, hoặc là của một người anh đi trước: đơn vị của Thanh hầu hết là phụ nữ mà lại toàn do Thanh tập họp lại. Dù muốn hay không, đối với họ Thanh cũng là một thủ lĩnh khai sáng. Đã là người khai sáng thì không thể thay thế được, dù cho kẻ thay thế có tài giỏi hơn. Con người Thanh đã biến thành kỷ niệm, thành tâm lý, thành máu của mọi người. Không có Thanh, tất nhiên đơn vị vẫn còn, vẫn chiến đấu được, nhưng chỉ còn cái xác, cái hồn thì không. Một đơn vị toàn gái, người chỉ huy cũng là gái, mà lại gây được nhiều chấn động điều đó hệ trọng lắm nó không chỉ là đối nội mà còn là đối ngoại, nó không phải chỉ có tiếng vang trong nước mà còn ra cả ngoài nước; nó sẽ có giá trị vẫy gọi thật mạnh mẽ trước mọi người, trong các tầng lớp trung gian. Đó là chưa nói đến những người thân của Thanh như Nghĩa, như Thu và những người vừa chân ướt chân ráo vào rừng làm cách mạng, nếu đùng một cái không còn người chỉ huy đã gắn bó với họ ngay từ ngày đầu, đã dẫn dắt họ đi hết từ trận đánh nầy sang trận đánh khác thì tâm trạng họ sẽ chao đảo ra sao? Tôi nói sơ sơ vậy thôi. Nói hoàn toàn tình cảm bạn bè, đồng đội, chứ không phải là lời nói của bí thư huyện ủy đâu. Riêng tôi,có lúc tôi chạnh nghĩ - Mắt anh lim dim như người sắp làm thơ – Không còn Thanh với cái dáng đàn bà mảnh mai duyên dáng đeo súng ngắn, tóc vấn cao, mắt nhìn vời vợi thì những cánh rừng chiến tranh nơi đây sẽ buồn, sẽ nghèo đi nhiều lắm! Tôi nói hoàn toàn thật, không rõ có viển vông quá không?
    Tôi bỗng bối rối. Những ý nghĩ phức tạp nằm sâu thẳm bên trong con người đã được anh nói ra một cách giản dị quá, chân thành quá! Tôi biết gò má mình đang ửng đỏ nên vội cầm chiếc khăn rằn phủ chéo qua mặt. Tôi cố lấy giọng bình thản:
    - Anh Tám! Quyết định cuối cùng của tôi là thế này: không đi đâu cả! Đồng đội của tôi ở đâu, tôi sẽ ở đó. Báo cáo đồng chí bí thư, hết!
    - Chà! Nếu là bí thư thì tôi sẽ lệnh cho Thanh trở về cơ quan làm việc kia.
    - Còn nếu vì tình bạn với chồng tôi?
    - Cũng vậy.
    - Và nếu tư cách huyện đội trưởng?
    - Sẽ nằm ở khoảng giữa. Ở cũng được, đi cũng được. Tất nhiên. Ở thì “quân sự” hơn.
    - Anh Tám! – Tôi ngồi thẳng người - Việc ấy coi như xong. Để anh khỏi cấn cái và để tôi cũng khỏi phân vân, tôi đề nghị anh thay mặt huyện ủy và huyện đội thông qua cho một phương án mới của đơn vị.
    - Phương án tác chiến à?
    - Cũng gần như vậy.
    - Ngon heng! Nào, Nữ kiệt rừng xanh, nói đi!
    - Chúng tôi định diệt tên Quang anh ạ!
    - Quang thiếu tá quận trưởng?
    - Một thằng ác ôn xảo quyệt. Còn để nó sống, nó còn gây rất nhiều khó dễ cho cách mạng.
    Anh Tám cười, vỗ tay vào trán:
    - Đồng chí nữ huyện ủy nhạy lắm! Hôm nay tôi xuống đây, cái chính là cũng để bàn với Thanh về chuyện này. Nghĩa là ý định của Thanh hoàn toàn trùng hợp với ý định của huyện ủy. Nào, nói đi, nói kỹ vào, nói tất cả các phương án, tôi nghe đây. Nếu quyết được, nhân danh bí thư kiêm huyện đội trưởng tôi quyết luôn. Ý nghĩa, mục đích khỏi cần, thằng này đáng chết lắm rồi. Đã một lần ta tuyên án tử hình vắng mặt nó.
    - Tôi định dùng một người, chỉ một người thôi anh ạ.
    - Sao? Một người? Lọt vào phòng ngủ à?
    - Gần như thế. Một đội viên nữ có sức quyến rũ.
    - Tôi hiểu! Thanh định dùng mỹ nhân kế?
    - Dựa trên đặc tính thằng này háo sắc và rất si tình.
    - Khoan! Dùng kiểu khác được không? Phục chẳng hạn? Gây cơ sở nội gián chẳng hạn?
    - Tôi đã nghĩ cả nhưng khó lắm! Thằng này tinh ma, đi đứng ăn ở bất thành qui luật, dò mãi mới chọn được một thời cơ thì hắn lại tự phá mất. Còn nội gián? Càng khó. Tất cả những người nấu ăn, người phục dịch bảo vệ, hắn đều tự tay chọn lựa kỹ.
    - Cha! Đào tạo từ Mỹ về cũng có khác. Rồi sao, nói tiếp đi! Cũng táo bạo đó.
    Sự phấn hứng của anh khiến tôi bạo dạn hơn.
    - Thằng này tôi đã từng sống cạnh nó, tôi biết. Nếu thọc cho trúng khía là ăn thôi. Việc này đòi hỏi một cô gái thông minh, sắc sảo và giàu can đảm trong đó trước hết phải hớp được hồn hắn bằng chính nghệ thuật quyến rũ của mình.
    - Thanh bảo ngày trước Thanh sống cạnh hắn?
    - Dạ! Rửa bát chén trong tiệm ăn nhà hắn.
    - Và rất hiểu hắn?
    - Đã nhiều lần hắn tỏ ý… với tôi.
    - Vậy là… chính Thanh sẽ là người thực hiện phương án? - Mắt anh lạnh băng.
    - Không! Nghĩa, em chồng tôi. Cái kiểu người và cách nói năng cũng như vốn học vấn, tài đàn hát của Nghĩa sẽ chinh phục được hắn. Chỉ có Nghĩa mới làm được việc đó.
    Tôi nhìn thấy anh Tám khẽ thở ra, mắt ấm lại. Nhưng rồi liền đó lại chau mày:
    - Thanh nói tiếp đi! Phải cân nhắc kỹ lắm đấy.
    - Tôi đã nghĩ từ lâu và đã thử trao đổi với Nghĩa.
    - Ý cô ấy thế nào?
    - Bắt đầu thì giãy nảy nhưng sau đó được phân tích đầu cuối, cô ấy nhận. Nhận rất hồ hởi nữa là khác. Cô ấy bảo: “Phải rồi! Đánh giặc phải luôn biến ảo mới thích! Làm miết ba cái bò rào, trét lọ vượt lộ, phục kích lõ mắt cũng chán! Phải cho thiên hạ biết tay con gái “Việt cộng” hả chị”.
    - Cô ấy là người thế nào?
    - Hăng say, xốc nổi, lắm mưu mẹo, nhiều phát kiến, sống vô tư, yêu thương đồng đội hết lòng, khá lì, nhưng phải cái bồng bột, chưa thật chín trong những tình cảnh hiểm hóc.
    - Tạm được. Đã đảng viên chưa? - Hỏi xong anh lại tự vỗ tay lên trán – Mình hỏi cái lối kỳ quá, y sì một thằng cha ở ban tổ chức. Cốt sao đánh được giặc, Đảng hay không Đảng ta tính sau hả Thanh?
    - Dạ! Cũng tính sau đợt này, nếu Nghĩa hoàn thành được nhiệm vụ sẽ lo kết nạp cho cô ấy. Mọi tư chất, phẩm chất của người cầm súng cô ấy có đủ rồi. Chỉ hiềm một cái là lắm khi trong suy nghĩ của cô ấy thiếu sự nhất quán. Tóm lại, đó là một con người trong sáng dễ hiểu và tận tụy với nhiệm vụ.
    - Có thiên vị không đấy?
    - Sự thiên vị chỉ có giá trị khi cất nhắc, đề bạt chứ có ai thiên vị để đẩy người ta vào nguy hiểm, chết chóc hả anh Tám?
    - Nói giỡn thôi! Thanh dạo này nói năng sắc cạnh như luật gia ấy. Thế rồi sao?
    - Thằng này có thói quen hay tổ chức những buổi chơi bời nhậu nhẹt thâu đêm, mà trong khi nhảy nhót, hát hỏng và nhất là đàn bà đẹp thì không thể thiếu. Tất nhiên tất cả đều được bảo vệ hết sức nghiêm mật. Nghĩa có giọng hát khá hay. Ngày trước mấy gánh hát ở Sài Gòn lên tận nhà đòi xin mà Nghĩa không chịu đấy.
    - Sau trận này phải giới thiệu cô ấy lên văn công quân giải phóng “Rờ” kẻo uổng đi!
    Anh Tám nói vui. Tôi hiểu mỗi lần phải xử lý việc gì căng thẳng là anh hay buông ra nhưng câu lãng xẹt, có khi cà trớn như vậy để thần kinh giãn ra, suy nghĩ được tập trung hơn.
    - Bằng con đường nào đó. Nghĩa sẽ giả dạng một cô ca sĩ Sài Gòn lên và tìm cách lọt được con mắt của thằng Quang. Chỉ cần thế đã, còn mọi việc sau đó sẽ tùy cơ ứng biến. Nghĩa có quên biết bạn bè ở Sài Gòn nhiều, móc ráp chuyện này không phải là chuyện không làm được.
    Anh Tám làm một động tác ngừng lại:
    - Tạm thế đã. Chuyện này còn phải bàn bạc kỹ trong thường vụ. Nó vượt ra ngoài những phương án thông thường, tôi chưa đủ thẩm quyền quyết định ngay. Chà! Lúc này lại không có cậu Nhân ở nhà. Chắc chắn cậu ấy sẽ tinh tường hơn tôi. Thực ra “mỹ nhân kế” thì ông cha ta đã làm nhiều, ngay cả thời chín năm ta cũng làm không ít và cũng thu được những hiệu quả đáng kể. Nhưng trong cuộc chiến tranh này... Khó đấy. Có cái gì như mạo hiểm, như xúc phạm đến giới tính, tức là về mặt nhân đạo của nó có cấn cái.
    Tôi đã hơi bừng bưc:
    - Xưa nay anh đâu có nghĩ ngợi vòng vo như vậy. Việc nan giải đến đâu, vào tay anh cũng đều được phân tích, quyết định mau lẹ lắm kia mà. Không mạo hiểm thì làm sao gọi là đánh giặc. Không mạo hiểm thì làm sao giành được thế bất ngờ.
    - Đúng – Anh Tám gật đầu cái rụp.
    - Còn nhân đạo? Cái này mông lung tôi không rành nhưng tìm cách nào triệt được kẻ thù mà ít tốn xương máu nhất, không lẽ vậylà vô nhân đạo?
    - Có thể đúng! – Anh gật đầu.
    - Còn giới tính? – Tôi hăng lên làm tới luôn – Chính giới tính là chìa khóa để hoàn thành kế mỹ nhân này. Không lẽ bắt các anh ra làm?
    - Cũng đúng! – Anh cười và tôi cười – nhưng từ từ thôi bà ơi! Tôi có phải thằng Quang đâu mà bà dồn tôi dữ vậy? Để cho tôi yên một chút.
    Anh đứng dậy châm một điếu thuốc rê rít từng hơi dài. Đến khi điếu thuốc cháy đến tay, anh đột ngột quẳng đi, trong thoáng chốc anh hoàng toàn lấy lại được phong độ tự tin vốn có của mình.
    - Về cơ bản là tôi nhất trí. Không lẽ những người thực hiện dám làm mà người chỉ đạo lại lừng chừng sao? Tôi sẽ về bàn thêm trong thường vụ nhưng Thanh cứ cho chuẩn bị mọi mặt đi. Nếu thấy chắc ăn, tôi dám chịu trách nhiệm về hậu quả cũng như thành công của nó.
    Tôi cúi đầu tỏ ý cám ơn anh.
    - Còn chuyện kia ấy mà... Tôi sẽ nói chuyện với cậu Nhân.
    Anh bắt tay tôi thật chặt, quả quyết và dừng lại hơi lâu. Đôi mắt sâu của anh dịu xuống:
    - Thanh nói chị em kiếm nhiều rễ Hà thủ ô về mà uống, thay trà. Con gái ở rừng chịu uống thứ rễ này, tóc sẽ xanh và da dẻ sẽ hồng hào hơn.
    - Dạ!
    - Tôi đi nhé!
    - Dạ!
    Anh còn định nói một câu gì nữa nhưng rồi bằng một cái nhìn hất lên, anh tự xóa đi. Tôi tiễn đồng chí bí thư huyện ủy ra tận cửa rừng.
    
- o O o -

    Nửa tháng sau phương án của chúng tôi được duyệt. Cũng trong nửa tháng ấy, chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ cho Nghĩa để có lệnh là lên đường ngay.
    Sáng hôm ấy cả khu rừng ngẩn ngơ trước bộ cánh mới của Nghĩa. Tôi không còn nhận ra cô em chồng mình nữa. Một chiếc sơ mi trắng mỏng tang, sọc xanh lam, cổ rộng trễ xuống được nhét vào trong chiếc quần ka ki trắng ống hẹp, phía dưới là đôi dép xăng đan quai trắng, gót cao nhọn hoắt và trên đầu chụp một cái nón cũng màu trắng kiểu thể thao. Mặt cô phơn phớt hồng với đôi mắt đen lóng lánh như hai cái giếng đầy nước. Với bộ đồ nhờ cơ sở đặt may tận Sài Gòn theo đúng mốt mà anh Tám gợi ý này, trông Nghĩa trắng toát, xinh đẹp như một con thiên nga sắp sửa vỗ cánh bay lên. Chị em gái lâu ngày ở rừng vận toàn đồ đen, bữa nay đứng trước Nghĩa cứ mở to mắt nhìn, lặng đi trong những suy nghĩ vời vợi về cuộc đời, về hạnh phúc. Tôi hiểu cái nhìn ấy. Hình dáng tươi mát của Nghĩa đã bỗng chốc đánh thức dậy ở họ tất cả những khát khao bình dị thường tình mà do hoàn cảnh, bấy lâu nay họ phải nén đi, cố quên đi. Ngay cả Nghĩa nữa, cô gái đã có một thời ăn diện ấy cũng tự ngắm nghía mình trong chiếc gương nhỏ xíu mà không giấu được những nét xao xuyến phảng phất trên mặt.
    Tôi đến bên Nghĩa, vén lại mớ tóc rơi ra ngoài vành nón cho em.
    - Sắp sửa rồi, bình tĩnh nghe em! Nhớ là trận đánh này chỉ có một mình em nhưng phía sau là tất cả bạn bè, tất cả đồng đội, từng giây từng phút hướng về em. Ráng làm xong việc, chị chờ.
    Nghĩa nũng nịu:
    - Nếu anh Nhân biết em đi chuyến này chắc anh ấy không cho đi đâu chị nhỉ? Xưa nay anh ấy vẫn coi em là con nít mà.
    - Ừ cũng tiếc! Giá có anh Nhân ở nhà thì hay hơn. Chị sẽ thuyết phục anh ấy tin ở em và chắc là anh sẽ góp được cho chị em mình nhiều ý kiến sắc sảo. Anh ấy nắm tâm lý đối phương giỏi lắm.
    - Chị ơi!... Tuy vậy lần đi này em vẫn thấy lo lắm. Chết em không sợ, đòn thù tra tấn em không sợ. Nhưng... lỡ nó...
    - Em đã biết mặt hắn chưa?
    - Chưa! Nhưng nghe nói cô hồn lắm! Nhìn đàn bà con gái cứ muốn xé thịt da người ta. Kinh!
    - Tất cả tùy ở em. Theo chị, dù trong hoàn cảnh nào, em cứ luôn nghĩ rằng, mình làm cái này, mình chịu cái kia không phải vì mình mà vì niềm hy vọng của mọi người. Em biết không? Nếu diệt được nó, ngoài những ý nghĩa này nọ như anh Tám đã nói với em ra, em sẽ trả thù được cho Riềng, cho chị, cho những nỗi cực nhọc mà chị em mình phải chịu đựng bao lâu nay. Và bà con nữa – Tôi nói vui - Chị cứ nghĩ ít bữa em trở về, cánh rừng này không biết chứa thế nào cho hết những đầu heo củ kiệu mà bà con đem tới tế sống em.
    - Em sẽ ráng nhưng... lỡ nó...
    - Cái con nhỏ này! – Tôi mắng át Nghĩa nhưng trong lòng cũng thấy lo lo.
    Từ lúc nãy tới giờ Tiến vẫn ngồi im. Cậu ta chếch cặp kính trắng lên vòm cây như đang suy tư điều gì đó, nhưng tôi biết chắc Tiến đang hết sức bồn chồn. Mỗi lầnlàm như vẻ vô tình đụng mắt phải cái dáng thiên nga trắng muốt của Nghĩa, mũi cậu ta lại nhăn quắt lại, miệng hằn một nét nhăn khổ sở.
    Nhìn bộ điệu ấy, tôi bất giác mỉm cười. Chiến sĩ của tôi mỗi người một tính, một nết, vậy mà thương nhau, gắn bó với nhau quá anh chị em ruột. Ai cũng biết lâu nay Tiến đang thầm thương vụng nhớ cô gái xinh đẹp, chanh chua này. Cậu ta không nói gì cả, chỉ lặng lẽ nhìn, lặng lẽ mong, lặng lẽ chăm chút cho Nghĩa những thứ nhỏ nhất: một viên thuốc sốt, một bánh xà bông “ba bê”, một ly nước chanh khi Nghĩa đi phục về, thậm chí nếu Nghĩa vừa về khuya, Tiến còn giăng võng, mắc mùng sẵn cho cô ấy nữa. Nhưng ngược lại Nghĩa vẫn tỏ ra hết sức vô tâm. Cô hồn nhiên nhận đủ những chăm sóc của Tiến như em gái chịu sự cưng chiều của ông anh trai, có khi lại còn càu nhàu: “Đã dùng hết đâu mà đưa hoài vậy?” Những lúc đó, Tiến chỉ cười, cười, cái cười vừa hiền vừa tồi tội. Ngay như lần này, với tư cách là cán bộ tham mưu của đơn vị, Tiến đã mày mò tìm ra được nhiều khía cạnh rất tỉ mỉ, rất công phu để bổ xung vào phương án hoạt động cho Nghĩa. Và lát nữa, khi mặt trời lên cao một chút, mặt lộ đông người qua lại náo nhiệt hơn, chính Tiến sẽ xung phong được dẫn một tổ giả dạng dân đi làm ăn để bảovệ cho Nghĩa ra tới mặt lộ an toàn. Tất nhiên không ai xúi được người ta yêu nhau nhưng sau lần này trở về, có lẽ tôi sẽ tìm gặp nói chuyện với Nghĩa về tâm tình của cậu con trai này. Đàn bà hay cảm động, hay mềm lòng trước sự đau khổ và chân thật, biết đâu...
    - Chúc em thắng lợi, chóng trở về!
    Tôi ôm lấy Nghĩa, hôn nhẹ vào má em một cái tại bìa rừng. Bao giờ cũng vậy, bìa rừng vẫn là nơi để xuất phát, để tiễn đưa và để cầu chúc mọi điều may mắn. Nhưng đứng lại ở bìa rừng sáng ấy, nhìn theo bóng Nghĩa trắng muốt ẩn hiện thấp thoáng trong những giàn khổ qua, giàn dưa leo xanh mướt, tôi bỗng cảm thấy không yên. Có cái gì đó mơ hồ, không được báo trước, không được phân định rạch ròi, không sắc màu, không đường nét xói vào ngực tôi. Trước trận đánh khi nào cũng xuất hiện rất nhiều những dự cảm, âu lo, không hiểu tại sao khi tiễn em đi rồi, cái dự cảm đó lại đè nặng xuống lòng tôi như vậy? Một cơn gió mang theo nắng từ ngoài bưng thổi mơn man vào bìa rừng. Đứng đó mà người tôi khẽ run lên...

Xem Tiếp Chương 3Xem Tiếp Chương 9 (Kết Thúc)

Sông Xa ( Phần II )
  » Xem Tập 1
  » Đang Xem Tập 2
  » Xem Tiếp Tập 3
  » Xem Tiếp Tập 4
  » Xem Tiếp Tập 5
  » Xem Tiếp Tập 6
  » Xem Tiếp Tập 7
  » Xem Tiếp Tập 8
  » Xem Tiếp Tập 9
 
Những Truyện Dài Khác
» Liêu Trai Chí Dị
» Pie Đệ Nhất
» Thiên Thần Và Ác Quỷ
» Tuyết Bỏng
» Cuộc Đời Của Pi ( Phần II )
» Mao: The Unknown Story
» Con Lừa Và Tôi
» Trái Tim Không Cần Lý Lẽ
» Tình Ca Giáo Viên Miền Núi
» Cuốn Sổ Lớn
» Chuyện Tình New York
» Những Kẻ Điên Rồ Phải Chết
» Đau Thương Đến Chết ( Phần I )
» Hai Chị Em
» Giữa Cơn Gió Lốc
» Chỉ Một Lần Yêu
» Đi Qua Hoa Cúc
» Tình Trên Đỉnh Sầu
» Tôi Có Thể... Nói Thẳng Với Anh
» Hành Trình Của Sói