Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Dài » Một Người - Một Đời Tác Giả: Lê Mỹ Hân    
    Xe dừng lại ngay góc cột đèn 26, trước cửa nhà bố tôi bên thị xã Bến Tre. Cũng vì cái cây cột đèn này mà tôi và chị Vân Giang được một bữa cười chết bỏ khi người tài xế xe tốc hành Bến Tre-Sài Gòn của hãng xe Minh Tâm được má nhỏ tôi nhắn tới đón chị em tôi về lại Sài Gòn vào một buổi chiều hai năm về trước. Anh tài xế là người lạ nên không thông thuộc vùng này, nhân viên nhà xe chỉ nhận điện thoại đến cây số 26 đón khách, báo lại cho tài xế, anh ta chạy vòng vòng tìm kiếm, chửi nhặng xị. Lúc đón được tụi tôi anh vẫn còn hậm hực, chửi thề um xùm: "Đù má nó, chỉ việc ngồi nghe điện thoại cũng không xong, ở Bến Tre này có biết bao nhiêu cây cột đèn, không lẽ đến mỗi cây cột đèn tui lại phải dừng xe xuống vạch lùm cỏ xem trong đó nó là cây cột đèn thứ bao nhiêu? Làm ăn vầy mà cũng làm ăn được." Lúc về bến rước khách thêm anh ta nhẩy xổ vào văn phòng gây lộn với nhân viên nhận điện thoại đặt chỗ. Tôi và chị Vân Giang khúc khích cười mãi.
    Mọi người đều xuống xe, đi xuống lối mòn nhỏ, thoai thoải dẫn vào nhà. Con mực từ trong lao ra sủa inh ỏi, nhưng khi nhận ra người quen, nó lại cong đuôi vẫy mừng rối rít. Cậu Sáu nghe tiếng chó sủa, từ trong nhà bước ra ngó nghiêng, Cậu Sáu mặc áo mầu xanh dương đậm, cộc tay, cái quần tây cũ rích bạc phếch lửng đến mắt cá chân, đầu tóc muối tiêu trắng đen lẫn lộn, mặt gầy đét, da nhăn nheo xếp đầy li xung quanh cái miệng món xọm, hai con mắt mờ đục đang nheo lại nhìn xem tụi tôi là ai. Khi nhận ra Hạnh, Cậu tươi cười cất tiếng.
    - Ba...y...mới qua tới hả?
    - Sáu, Sáu khoẻ không Sáu?
    - Khoẻ, tụi...tụi... tụi bay có...Đ...ói bụng hông?
    - Tụi con ăn rồi Sáu ơi.
    Tôi đến bên cạnh khoác vai cậu đi vào nhà như đôi bạn thân lâu ngày gặp lại.
    - Sáu ăn cơm chưa? Con có mang heo quay và gà luộc về phần Sáu nè.
    - C...ậu... ăn rồi.
    Cậu Sáu của tôi có tật nói lắp, Cậu là anh thứ sáu của má nhỏ tôi, hiện vẫn sống độc thân, nếu như theo ngoài Bắc thì tôi phải gọi bằng bác Sáu. Tuy Cậu xấu xí, lại có tính dở người và thêm tật nói lắp, nhưng cậu Sáu tôi mê gái số một, trong túi có bao nhiêu tiền bạc, các em chỉ cần thủ thỉ một hồi là bao nhiêu Cậu cũng móc ra cho bằng sạch. Tụi tôi thương Cậu nhưng chẳng bao giờ dám cho Cậu nhiều tiền vì biết Cậu dại gái. Một lần lâu lắm rồi, cách đây cũng hơn chục năm, thời đấy cuộc sống còn khó khăn cùng cực, Bố tôi đưa má nhỏ về quê ra mắt họ hàng, nhắn Cậu qua coi nhà giùm, Cậu bị gái dụ về nhà mở tủ lấy vòng vàng của má nhỏ đem cho cô ta hết. Vậy mà anh hùng lắm kìa, nhất định không khai, chỉ khi má nhỏ doạ mang ra công an cậu mới chịu khai, tìm đến nhà cô ta thì cô ta đã trốn mất.
    Căn nhà này má nhỏ tôi xây từ những năm 1979, theo hình chữ L, mái ngói, nền gạch tàu và không làm trần. Bên ngoài phòng khách kê một bộ xa lông bằng gỗ cẩn xà cừ lấp lánh, Quá trên đầu đặt cái bàn thờ tổ tiên có cả hình ông Nội tôi, và cả hình của Mẹ tôi. Bên bên tay trái là chỗ để xe, bên tay phải có kê một cái giường nhỏ. Phía bên phải căn nhà là phòng bếp, phòng này cũng được chia làm hai, phần dưới dùng làm bếp nấu ăn và nhà vệ sinh, phần trên dùng làm phòng ăn, có đặt một bộ xa lông nhỏ để ngồi uống trà, đối diện là bàn ăn lớn, bên hông trái bàn ăn kê cái gường ngủ của má nhỏ, bên hông phải đặt một bộ gõ bằng ván dầy vàng óng, bộ gõ này thường là nơi tụi tôi nghỉ ngơi khi về đây thăm bố, bộ gõ không nệm cứng như đá làm tôi trằn trọc đau lưng không sao ngủ được.
    Đặt hành lý lên trên bộ gõ, tôi xách bịch đồ ăn xuống bếp tính kho nồi heo quay không sợ để lâu bắt mùi hôi, bếp trống trải chẳng có gì ngoại trừ cái lò gas được trùm mền, bên cạnh đó là cái lò dầu hôi. Đến giờ này mà má nhỏ tôi vẫn còn xài lò dầu hôi, bốc mùi hôi rình, bếp gas mua về bà trùm mền kỹ, bà nói: "Má xài lò dầu tới 18 tim không mau hơn bếp gas sao con?" Tôi chỉ biết lắc đầu.
    Giữa bếp treo cái lồng nhốt con chim nhồng, hình như con nhồng này ghét tôi nên mỗi lần mon men đến gần là nó xù lông, trợn mắt hăm he trực mổ, thấy vậy tôi càng chọc nó bạo. Ai bảo loài chim không biết suy nghĩ, con nhồng này khôn quá trời, nó thương Út Ngọc, Hạnh và cả Cậu Sáu nữa, nhắc tối ngày. Sáng sớm, mình chưa thức nó đã thức trước luôn mồm kêuchí choé: "Ngọc ơi, Hạnh ơi!" hoặc mang tên bố tôi ra réo. Có lần bực mình tôi trợn mắt quát lên, lập tức nó nhai lại liền. Cậu Sáu thỉnh thoảng mới qua nhưng nó vẫn nhớ, lâu lâu tôi chọc nó: "Sáu kìa" nó hỏi liền "Sáu đâu?", nó nghiêng đầu qua lại ra điều lắng nghe xem có đúng cậu Sáu qua không, khi biết bị lừa nó la lên "Xạo, xạo".
    Trong bếp nhìn ra là cái bể chứa nước mưa bự chảng, lúc xưa khu này bỏ trống nhưng Má nhỏ xây thêm một căn phòng khá rộng để cho mướn, và cũng chính nơi đây bà bắt được hẳn một thằng rể "xộp", mang con gái cưng duy nhất của bà đi mất tiêu. Vùng khu đất của má nhỏ tôi khá rộng nhìn ra mặt đường lộ, khi xưa má mua lại nghe đâu mát hai chỉ vàng và chỉ nói với nhau bằng miệng, không có giấy tờ chứng nhận. Sau này giá đất tăng cao, chủ cũ giở giọng lật lọng đòi lại, má tôi thưa kiện mãi mới được khoanh nhỏ này, nhưng vẫn bị tụi nó hăm doạ hoài. Tôi thích khu nhà của bà vì có mấy cây ổi cho trái quanh năm thật là ngon, vừa thơm vừa ngọt. Những ngày con tôi nghỉ hè, tôi vẫn thường mang nó về đây thăm ông Ngoại, thằng nhỏ thích lắm, được ra ngoài nghịch đất cát, được leo lên cây hái ổi, được hưởng không khí trong lành của vùng miền quê thôn dã.
    Anh Hùng ngồi nghỉ một chút rồi rong xe về Sài Gòn. Tôi kho xong nồi thịt, tắt lửa để đó lên nhà trên chọc ghẹo cậu Sáu. Cậu Sáu ngồi chồm hổm trên bộ ghế xa lông gãi chân sồn sột, miệng lắp bắp đang cãi nhau với em Hạnh về chị Út Giang, chẳng vì tụi tôi hay chọc cậu với chị Út Giang, Cậu có thể quên bất cứ ai nhưng chị Út Giang thì không bao giờ, nói qua nói lại một hồi thế nào cậu cũng mang chị Út Giang ra hỏi, rồi tự trả lời: "Tội nghiệp con Giang nó nghèo nhứt.". Chị Út Giang nhà tôi có cái tên thật đẹp: Lê Thị Hương Giang, chị là con gái út ông bác ruột, anh bố tôi. Giòng họ nội, ngoại nhà tôi có hai người tên Giang, đều là Hương Giang nhưng khác họ. Của đáng tội, cả hai cô Giang nhà tôi đều xấu "ma chê quỷ hờn", chị Út Giang còn vớt vát được chút ít khéo ăn khéo nói, con bé Giang kia thì vừa xấu vừa dở hơi, năm nay nó gần ba chục, có vài đám tới hỏi, mẹ và các chị mừng gần chết, thế mà nó cứ nhẩy đỏng lên không chịu, "Mẹ thích thì mẹ đi mà lấy, mấy chị thích thì đi mà lấy". Tụi tôi thua nó luôn!
    
- o O o -

    Trời đã về chiều, không khí như dịu lại, gió bên ngoài luồn theo cửa sổ vào trong nhà mát rượi, tôi mở vali lấy quần áo mang ra sau nhà tắm, nước lạnh trong lu làm tôi nổi da gà.
    Chập choạng tối, tụi tôi chuẩn bị lên đường ra quán chị Sáu ăn bữa tối. Từ đây chạy xe thẳng lên Tú Điền, ghé vào đón chị dâu tôi, xong lại tiếp tục ra ngoài trung tâm thị xã.
    Quán chị Sáu nằm ngay mặt tiền đối diện nhìn ra công viên có dựng mấy tượng bà má miền Nam cổ quấn khăn rằn tay vung lên theo bước tiến của những người dân đồng khởi, mấy tượng đó bà nào bà nấy mập ú, hai cái vú như hai quả bưởi "Da Xanh" một loại bưởi khá to, da xanh lè mà ông lão chủ vườn dở hơi nào đó nịnh nọt đặt tên là bưởi "Cụ Hồ".
    Tụi tôi chạy xe vào thẳng trong quán, chị Sáu tươi cười dang tay ôm tôi hôn chùn chụt lên má, mắng yêu:
    - Đồ quỷ, mới dìa hén cưng.
    Chị kéo tay tôi đi về phía cái bàn trống ngay góc đầu nhà hàng, hối mấy đứa phục vụ đốt nhang muỗi mang ra đuổi muỗi kẻo chúng làm thịt em gái cưng của chị. Tôi đưa mắt nhìn xung quanh, quán có vẻ khang trang hơn đợt trước tôi ghé lại, chị đã sắm thêm được hai cái tủ lạnh bự chảng, cái ti vi 29 inh đặt ngay trong góc nhà hàng. Phía bên trong khách khứa nhộn nhịp, cười nói râm ran
    Mọi người ngồi quây quần quanh cái bàn tròn đặt ngay cửa chính, ai cũng chúi mũi đọc thực đơn tìm món ăn, sau một hồi bàn qua tính lại tụi tôi kêu món bò lúc lắc, cá kèo kho tộ, canh chua cá bông lau, sườn heo nướng và một vài món rau khác. Chị Sáu đứng hí hoáy chép lại vào cuốn sổ rồi cầm nó te te đi vào nhà bếp nấu món ăn cho nhóm tụi tôi. Thường khi chị chỉ ngồi tính tiền và lo tiếp khách, nấu ăn đã có người khác, nhưng vì tụi tôi là khách đặc biệt thân thiết coi như người nhà, chị mới phải đích thân vào bếp. Chị Sáu có tài ẩm thực, những món ăn nào qua tay chị đều thơm ngon và hợp khẩu vị của tôi, mấy lần trước về quê thăm Bố, tụi tôi đều ghé lại đây ăn cơm ở quán chị.
    Tôi biết chị Sáu từ khi vợ chồng chị còn bán thịt heo quay ngoài chợ Bến Tre vào cuối thập niên 80. Chị Sáu không đẹp mặn mà, nhưng lại có thân hình nảy nở, quyến rũ mê hồn, cặp mắt chị sắc lẹm y như lưỡi con dao phay chị dùng để chặt thịt heo quay cho khách. Chị là mối uống cà phê của tôi, chị thích uống cà phê sữa đá và luôn mồm và khen ngợi rối rít: "Nhỏ Bắc Kỳ này nó pha ly cà phê ngon thiệt là ngon, cưng có bỏ bùa ngải gì vào trong đó không mà sao chị ghiền cà phê của cưng quá trời quá đất!" Miệng chị dẻo quẹo giống như kẹo bạch nha, vậy mà gặp lúc nổi cơn điên chị gầm lên còn hơn cọp cái. Thời đó đàn bà con gái Bến Tre ưa nhổ cặp chân mày chỉ còn lại còn một đường cong nhỏ xíu rồi lấy chì vẽ lên cho thật đậm. Chị Sáu cũng không ngoại lệ, chị tô thêm cặp mắt mầu xanh lè, đánh đôi môi đỏ chót. Đứng bán thịt heo quay giữa chợ, mồ hôi nhễ nhại, dầu mỡ bóng loáng, kem phấn chẩy ra loang lổ nhem nhuốc trên gương mặt nên mọi người ở chợ gọi chị là Sáu Lem. Tôi cũng gọi theo mọi người, không biết tên thật của chị là gì.
    Vào những năm đó, chợ Bến Tre rộ lên phong trào chơi hụi, nhà nhà làm hụi, người người chơi hụi. Chị Sáu bỏ bán heo quay nhẩy ra làm chủ hụi, hụi ngày, hụi tuần, hụi tháng và hụi năm chị khui tá lả, chị thường chọn quán cà phê của tôi làm nơi bốc thăm bỏ hụi, nên tôi o bế chị hết mình. Mỗi buổi chiều tan chợ, chị đi thâu hụi cả giỏ tiền mặt khoác không nổi phải bỏ xuống đường kéo đi, đồ trang sức chị đeo từ đầu tới chân một mầu vàng choé, toàn vàng hăm bốn. Hụi của chị có lời nhiều nên lắm người lao vào nuôi đặng hốt chót. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó, các chủ hụi lần lượt bể nợ trốn đi sạch, chị Sáu tôi sất bất sang bang. Tôi gôm tiền cho chị mượn tạm 600 ngàn đồng, đây là số tiền tôi dành dụm bấy lâu nay. Đến một ngày không thể tràng nổi, chị tìm cách lánh mặt mọi người, tôi dấu chị trên căn gác nhỏ ở nhà tôi khi hụi viên săn lùng chị quá mức. Một đêm, tôi lén đưa chị qua bên kia Cầu Bắc Rạch Miễu để đi lánh nạn trên Sài Gòn, thỉnh thoảng chị gọi điện thoại về hỏi thăm tôi, chị báo đang sống tại quận nhất và được một viên công an phường Bến Thành bao bọc. Chị quen ông này vào một lần lên chợ Bến Thành mua đồ từ thời xa xưa, ngồi trên chiếc xe Honda hiệu Nữ Hoàng màu đỏ chét, ngếch mỏ ngắm trời, ngắm đất, ngắm mây... chị bị tụi trộm gỡ mất cái "cốp" xe hồi nào không hay, lúc biết được chị vô công an phường Bến Thành cớ mất, ở đây chị làm quen với ông này. Số tiền chị mượn tôi chị... vờ không nhắc đến.
    Sau ngày chị Sáu lên Sài Gòn, vợ chồng chị coi như đứt đoạn, chỉ vài tháng sau thôi thấy anh cặp kè với người đàn bà khác. Và chị Sáu cũng mất biệt chẳng thấy có tin tức gì mãi cho đến vài năm sau tôi lên Sài Gòn kiếm sống mới gặp lại chị. Từ đấy, dù có đi đâu, làm bất cứ nghề gì, hễ có dịp trở lại Sài Gòn chị cũng phải cố tìm mọi cách kiếm thăm tôi. Tôi nhớ thời tôi mướn nhà trên lầu 7 chung cư Nguyễn Thái Bình, chị cũng bò lên bẩy tầng lầu thăm viếng. Nghe tiếng chuông reo, tôi ra mở cửa, chị đứng lù lù trước mặt, ôm ngực thở phì phò, hổn hển nói: "Trời ơi, em tôi...trời ơi... mướn chi cái nhà mà cao dữ nè trời!" Làm tôi toét miệng ra cười mãi.
    Chị Sáu cái ngoài tài quyến rũ đàn ông, chị còn là một kịch gia thứ thiệt, chị cười đó rồi khóc đó dễ như chơi. Tôi nhớ như in cái lần đưa chị qua Cầu Bắc đi lánh nạn, tại Cầu Bắc chị hẹn gặp một hụi viên thân quen, chị kể chuyện nước mắt rơi lã chã... nói với ông ta rằng hôm qua gây lộn với một người khác chị bị bệnh tim, té xỉu tại chỗ, chị còn hùng hồn chỉ vào tôi nói: "Có cái Hân chứng kiến em xỉu nè." Tôi đứng im bên cạnh chẳng nói gì, trong bụng thì thầm nghĩ: "Mẹ này xạo thấy sợ, hôm qua mình thấy bà xỉu hồi nào đâu?"
    Chị Sáu còn có một tật xấu là mê trai trẻ, những lúc có tiền, thấy cậu nào vừa mắt là chị xáp lại liền, dùng tiền mua chuộc cho bằng được. Mấy người quen của chị khuyên nhủ thì chị la lên: "Tao nuôi trai chứ tao có nuôi ông già đâu, chừng nào tao nuôi ông già tụi bay hẵng nói!" Thiệt hết ý kiến!
    Sau bao nhiêu năm lang bạt khắp nơi, khi Vũng Tàu, lúc Nha Trang khi thì tuốt ngoài Ban Mê Thuột Vậy mà chị vẫn không ngóc đầu lên nổi. Cùng đường chị quay trở về Bến Tre kiếm chuyện mần ăn, nợ nần khi xưa để lâu "cứt trâu hoá bùn", chẳng ai thèm mè nheo với một người sa cơ thất thế. Lúc đầu chị mướn chòi nho nhỏ mở quán bán cháo gỏi vịt. Lâu lâu có dịp về Bến Tre tôi lại ghé thăm chị, dúi cho chị thêm vài trăm ngàn mà tôi ky cóp để dành sau khi nhận đồng lương chết đói để chị làm vốn thêm. Với chị tôi vẫn luôn là đứa em gái bé bỏng của chị ngày nào.
    
- o O o -

    Thức ăn lần lượt được dọn lên bàn, bốc mùi thơm nức, tôi thích nhất món cá kho tộ chị Sáu làm, chị có chỉ dẫn tôi vài lần nhưng tộ cá tôi kho chẳng bao giờ được ngon miệng như tộ cá của chị. Đồ ăn chị nấu, tôi có thể ăn được ba chén cơm mà bình thường tôi chỉ ăn chừng lưng chén, tôi mê cả món canh chua là đặc sản của miền Tây Nam Bộ, vừa chua, vừa ngọt không ở đâu nấu ngon bằng.
    Thức ăn vừa dọn ra thì chị Bông Giấy đến, vừa bước vào trong quán chị toét miệng ra cười:
    - Chào cả nhà.
    Chị quay sang bên tôi hỏi:
    - Mày dìa hồi nào vậy Hân? Qua bên vườn làm đám giỗ Mẹ xong chưa?
    - Em về hồi trưa lận, cúng xong mới qua lại bên này.
    - Rồi chừng nào dìa trển?
    - Dạ. Sáng mai.
    - Sao không ở chơi vài ngày, dìa gì được có bữa vậy?
    - Chị ngồi xuống đây đã.
    Tôi kéo ghế để chị ngồi xuống bên cạnh tôi, kêu con nhỏ chạy bàn mang ra thêm cái chén và đôi đũa cho chị, rồi từ tốn nói:
    - Ngủ dưới nhà ông già không có nệm, em đau lưng thấy mồ.
    - Mày lên ngủ với tao, có sao đâu.
    - Thôi má...! Ngủ ở nhà bà cho nửa đêm nửa hôm công an nó điệu tui lên phường nữa sao má!
    - Nhớ dai dữ!
    Chị cất tiếng cười hí hí, giọng cười của chị tôi nhớ mãi đến ngày hôm nay, chị nói với cả Dì tôi:
    - Nhỏ này hồi xưa lên nhà con ngủ lang á Dì, bị ông Tổ Trưởng Dân Phố báo công an xét hộ khẩu, nửa đêm bắt nó lên phường nhốt ở trển. Sau này ông Tổ Trưởng tiết lộ: "Nhỏ Bắc Kỳ mặt cà chớn, thấy ghét. Tao báo công an bắt lên nhốt cho muỗi chích thấy bà nó luôn".
    Tôi bực mình chửi thề:
    - Tổ cha thằng chả, lão chết chưa chị?
    - Chưa, còn sống nhăn.
    Tôi gắp đồ ăn vào chén mời:
    - Ăn đi chị.
    Cả bàn tập chung vào ăn uống nhanh như tằm ăn rỗi, gia đình tôi mỗi dịp đi ăn nhà hàng hoặc ra quán thì chỉ có ăn chứ không hề nói chuyện, bồi bàn phải trực một bên sẵn sàng tiếp đồ ăn liên tục. Sau mấy món ăn, chị Sáu rửa tay tiến ra bàn tôi kéo ghế ngồi bên cạnh, hỏi:
    - Đồ ăn ngon không Dì? Ngon không mấy đứa?
    Tất cả cùng đồng thanh.
    - Ngon lắm.
    Chị Sáu cười hả hê, sợi dây chuyền to bằng đốt ngón tay út đung đưa trước ngực. Tôi tinh nghịch thò tay "mò tí" chị một cái rồi xuýt xoa:
    - Chèng ơi...! Đã quá, y như còn con gái nè trời. Phải chi chị sớt cho em miếng hén.
    Chị cười liếc cặp mắt vẫn còn sắc lẹm, đưa tay gạt tôi ra, rồi nói:
    - Cho cưng được thì chị cũng cho, tiếc gì đâu.
    Chị đứng dậy, bước đến gần quầy tính tiền lựa trái bưởi Da Xanh to nhất, gọi một đứa phục vụ lột vỏ mang ra cho tụi tôi ăn. Loại bưởi này bán khá mắc tiền, chỉ dành cho mấy nhà hàng "chặt đẹp" chứ bán ngoài chợ, dân nghèo mấy ai mà mua. Chị Sáu quảng cáo bưởi da xanh, tôi tưởng tượng nóngon lắm, nhưng chẳng có gì đặc biệt, lạt nhắt, thua xa bưởi Năm Roi Biên Hoà.
    Thức ăn lần lượt dọn đi, dĩa bưởi được mang ra đặt giữa bàn, tôi vừa thò tay lấy một múi, vừa hỏi chị Bông Giấy:
    - Má Duyên dạo này sao rồi chị? Lâu nay chị có ghé Sài Gòn thăm má không?
    - Trời...Chị Duyên chết rồi cưng, chết được hai tháng rồi.
    Tôi nghe lùng bùng lỗ tai, một luồng khí lạnh chạy dọc sống lưng, múi bưởi cầm trên tay rơi xuống đất, quai hàm như cứng lại. Mãi một lúc trấn tĩnh lại, tôi mới sửng sốt lắp bắp cất tiếng hỏi:
    - Má...má...chết hồi nào chị? Sao lại chết?
    - Chị chết được hai tháng rồi, mang xác về đây chôn, chị Duyên bị nhồi máu cơ tim, đưa vô bịnh viện thì chết.
    - Còn con bà thì sao? Nó ở đây hay nó bên Mỹ?
    - Mỹ gì? Mỹ Tho thì có. Cũng tại nó mà chị Duyên mới chết đó. Vợ chồng nó phá của chỉ mấy tăm tiệu (mấy trăm triệu), chỉ buồn mới sanh ra bịnh mà chết.
    - Nó lấy chồng Mỹ mà, sao kỳ vậy?
    - Trời ơi...vớ phải thằng Mỹ Ba Lô, nghèo kiết xác, báo đời chị Duyên không à.
    - Em nghe đâu má Duyên giầu lắm mà chị, còn mua nhà biệt thự ở Gò Vấp lận.
    - Ờ thì chị bán căn ở đường Phạm Ngũ Lão ra Gò Vấp mua nhà.
    - Tội nghiệp má quá hén. Bà kẹo như vậy rốt cuộc chết là hết, có mang theo được gì đâu!
    Chị Sáu vừa tính tiền cho khách xong bước lại bàn tôi kéo ghế sụt sùi:
    - Nghe tin Duyên chết, chị lên tận nhà ở chợ Lạc Hồng...thấy chị mình nằm đó, đẹp thiệt đẹp, chung quanh phủ đầy hoa hồng trắng, thiệt tình...tội quá đi thôi. Bao nhiêu oán hận lúc trước nó trôi đi đâu sạch.
    Chị Sáu mắt đỏ au, ngậm ngùi nhắc lại chuyện cũ:
    - Bông Giấy, cưng biết không. Lần chị ở Vũng Tàu làm ăn thất bại, chị quyết định về Bên Tre, nợ nần cũ xin điều đình lại với người ta, trả từ từ. Chị ghé Sài Gòn, trong túi không có một cắc đi xe, chị tìm tới quán cà phê của Duyên. Mà mình biết tánh Duyên rồi nên đâu có dám mượn tiền, nói nhỏ với Duyên cầm đỡ cho chị tấm mền lấy tiền về quê, mai mốt lên chị chuộc. Vậy mà nhứt định bà không chịu. Thiệt tình lúc đó chị không biết phải làm sao, còn con nhỏ này - chị chỉ vào tôi - Nó mướn nhà chỗ nào chị tìm không được, hỏi Duyên, Duyên cũng không biết luôn. Tủi nhục quá chị xách te te giỏ đồ cũ với cái mền ra chợ Dân Sinh bán tống bán tháo, bán sao cho đủ tiền về quê là được. Từ đó chị thề trong lòng không bao giờ gặp Duyên nữa. Vậy mà nghe tin Duyên chết...thôi là muốn đứng tim luôn, bỏ ăn mất mấy ngày.
    Chị Bông Giấy lại quay qua vỗ vai tôi hỏi:
    - Bà Tám Rọm cũng chết rồi đấy. Mới chết cách đây có vài bữa à, cưng còn nhớ bả không cưng?
    Tôi ờ ờ gật đầu, thực ra lúc này tôi chẳng còn nhớ tới ai hết ngoài má Duyên của tôi. Lâu lắm rồi tôi không gặp lại bà, thật tình lần này về Sài Gòn tôi có ý kiếm lại, không ngờ bà đã đã khuất núi. Tôi im lặng, lòng chùng xuống, hình ảnh của bà như thấp thoáng đâu đây với cái tướng đi lẹp xẹp, với cái mũi hỉnh hỉnh ngồ ngộ mặc dù đã qua một đợt phẫu thuật nâng sống mũi cho cao thêm. Cái chết của bà bất ngờ quá làm tôi choáng váng.
    Chiếc xe honda đỗ xịch ngay trước cửa, Bố và má nhỏ tôi ghé lại quán, ông bà từ bên vườn chạy thẳng lại đây, Bố tôi đoán tụi tôi thế nào cũng ghé quán chị Sáu. Chị Sáu đang khóc xụt xịt, mắt đỏ hoe, nước mắt, nước mũi thi nhau tuôn chảy vậy mà thấy bố tôi bước vào, vội đứng lên cười toe toét:
    - Bố, bố ăn gì chưa bố?
    - Tao với bà ăn bên vườn rồi.
    - Trời! Tưởng bố với má chưa ăn thì con nấu, bữa nay có Việt Kiều bao mà...ông bà thiệt tình.
    Đứng lớ rớ bên chị Sáu là anh Tư, chồng chị. Nói bảo chồng cho nó oai chứ thực ra anh Tư cũng chỉ là một mụ đàn bà như tôi, anh có gương mặt giống đàn ông, thân hình mập ù, cắt tóc ngắn, ăn mặc lềnh xềnh nhìn hệt mấy lão Tàu Chợ lớn. Anh Tư nhỏ hơn tôi cả chục tuổi, anh vẫn gọi tôi bằng "bà" xưng là "tui", miệng lúc nào cũng phì phèo điếu thuốc lá, nói chuyện nhát gừng làm ra vẻ ta đây là nhân vật quan trọng. Chị Sáu lắm mồm bao nhiêu thì trái lại anh Tư ít nói bấy nhiêu, anh chỉ chào xã giao vài câu rồi lỉnh mất.
    
- o O o -

    Chẳng biết mắc cái giống gì mà mấy chị bạn tôi quen đều dở chứng mê dân đồng tình luyến ái cả nút. Chị Sáu với "anh" Tư, chị Bông Giấy với "anh Hồng", "anh Vân" nào đó tuốt bên Anh, bên Mỹ...chị Mười với anh Chín, rồi chị Hiệp, chị Vân, chị Phượng, chị Thuý, chị Loan...kể ra có cả vài chục cặp. Họ mê nhau như điếu đổ, ghen tương, đánh lộn, đâm lộn ì xèo... có khi còn phải mang đi cấp cứu trong nhà thương, nhém chết. Tất cả những người này trước đây đều có chồng có con đàng hoàng, có gia đình hạnh phúc, có chị còn là chủ lò đường, xinh đẹp nổi tiếng xứ dừa, nhà cao cửa rộng không muốn ở, ly dị với chồng theo "bê đê" lên Sài Gòn, chui vô khu ổ chuột mướn nhà hú hí với nhau, trông ốm o gầy mòn thân tàn ma dại. Thật tình tôi không hiểu tại sao (?) Lúc chỉ riêng tôi với chị Sáu, tôi tò mò hỏi:
    - Chị, chị nghĩ sao mà chị lại đi cặp bồ với cái "thằng" này. Trông nó gớm quá!
    Chị kéo tôi sát vào mình nói nhỏ:
    - Chị bây giờ già rồi, cần một người bên cạnh đỡ đần công việc cho mình chớ em. Tư nó vậy chứ nó sống có tình người lắm.
    - Cần người đỡ đần sao chị không kiếm ông nào đó...?
    - Chị tàn tạ thế này, ông nào thèm ngó? Cưng thấy chị nói có đúng không?
    - Nhưng...
    Tôi chưa kịp nói tiếp, chị chặn ngay lại:
    - Nhưng...nhưng cái gì, chị đâu có được trẻ đẹp như em để đàn ông theo cả bầy mà chọn lựa.
    Tôi lắc đầu thở hắt ra, chán ngán. Nói với bà này tôi lật đầu gối nói chuyện sướng hơn, giống hệt mười mấy năm về trước chẳng thay đổi chút nào, mặc dù bây giờ đầu chị đã hai thứ tóc.
    Chị Sáu và má nhỏ tôi đang bàn về chuyện giấy tờ miếng đất chị vừa góp tiền mua được. Đất thì có nhiều loại đất như đất rẫy, đất ruộng, đất "thổ cư", đất nghĩa địa. Đất "thổ cư" để làm nhà chị không chọn mà nhằm ngay miếng đất người ta dùng làm nơi chôn cất người chết để mua, chữ nghĩa không rành, mang đến hỏi bố tôi, nghe lời ông giải thích chị mới té ngửa chết giấc, dở khóc, dở cười. Chị đang nhờ cậy má nhỏ tôi làm giấy tờ chuyển qua thành đất "thổ cư", cả hai người đàn bà lắm mồm dành nhau nói, giống y như cãi lộn. Tôi nắm tay chị Bông Giấy ra ngồi trước cửa quán ăn, thì thầm nói chuyện.
    - Mặt chị coi bộ nám hơn lúc xưa hén? Chị có xức thuốc chống nám nào chưa?
    - Có mà nó không hết cưng ơi, rầu hết sức.
    - Em có mang về cho chị tuýp kem trị nám nè.
    Tôi mở bóp, lấy tuýp kem trị nám và hũ dưỡng da cho buổi tối, đưa cho chị căn dặn:
    - Tối đến chị rửa mặt cho sạch, sau đó xức kem nám này lên, rồi mới tới hũ trắng hén chị. Loại này trị nám tốt lắm đó, em đang xài nè.
    Tôi đưa tay chỉ lên vết nám cũ đang mờ dần trên gương mặt mình. Chị nhìn theo, mừng rỡ reo lên:
    - Ừ hén, hồi đợt trước cưng dìa vết nám còn đậm ì à, nay hết rồi. Cám ơn cưng nheng.
    - Nếu chị xài thấy bớt, nói với nhỏ Hạnh để nó báo cho em biết mua thêm gởi về cho chị.
    Hồi năm ngoái về thăm nhà, tôi cũng bị nắng ăn nám mặt, chị chỉ cho tôi chữa trị bằng cách lấy hột đậu xanh ngâm nước cho mền rồi giã nhỏ, lấy bột đó đắp vào vết nám sẽ bớt nhiều. Khi trở về Nhật tôi cũng mang theo một bịch đậu xanh hột, cũng làm theo đúng như gì chị chỉ dẫn. Nhưng vì lần trước cái cối đó tôi đâm ớt, rửa không sạch nên khi đắp đậu xanh vào chỗ nám, tôi bị phỏng ớt, da mặt rộp lên từng vệt, cả tháng sau mới lành, hú hồn! chồng tôi đem bịch đậu xanh còn lại bỏ thùng rác không cho xài nữa.
    Chị Bông Giấy hơn tôi mười tuổi, tôi thân thiết với chị ngay từ ngày mới bước chân về Bến Tre này. Chị là con gái thứ tư của bà Chín Pháo Binh, bà Chín có chồng là lính pháo binh bị tử trận ngay sân đá banh gần nhà bà hiện thời vào năm Mậu Thân (1968). Chị Bông Giấy xinh đẹp nhất nhà, dáng người thon thả, gương mặt sáng như trăng rằm, cái miệng nhỏ xíu lúc nào cũng chúm chím như hoa hé nở. Thời ấy tôi dạo khắp thị xã Bến Tre hình như chưa thấy ai đẹp hơn chị, chị hay ghé nhà chở tôi đi uống cà phê ngoài quán Hướng Dương bằng chiếc xe đạp mini nhỏ xíu mầu đỏ. Chị mặc bộ đồ bà ba bông xanh nhạt, mái tóc xoã ngang lưng, thơm nức mùi xà bông Kao của Nhật. Tôi ngồi lên phọc ba ga, cái xe lùn tỉn, chân tôi thì dài phải khuỳnh ra hai bên, mỏi không chịu được. Tôi về Bến Tre lạ nước lạ cái, chỉ có mình chị là người thân thiết với tôi, đưa tôi đi mọi hang cùng của thị xã.
    Bến Tre giống như một ốc đảo nổi lên mặt nước, với bạt ngàn rừng dừa xanh bát ngát, đứng ở đâu cũng nhìn thấy dừa. Ngay trung tâm thị xã có một cái hồ nho nhỏ được gọi là hồ Trúc Giang, quanh bờ hồ, quán cà phê mọc lên như nấm. Bên này hồ là khách sạn Đồng Khởi, đối diện bên kia là trường trung học Nguyễn Đình Chiểu, chiều chiều, học sinh túa ra như bầy chim vỡ tổ, những tá áo dài tung bay phất phới trong gió, trông thật tuyệt làm sao!
    Thời gian tôi sống ở Bến Tre không nhiều, chỉ hơn hai năm, nhưng hai năm đó đã để lại cho tôi quá nhiều kỷ niệm. Chị Bông Giấy luôn bên cạnh tôi, dạy dỗ cho tôi đủ điều, chị dạy tôi nấu chè trôi nước, chỉ cách tôi biết điểm trang, chị bảo con gái gì đâu vẽ cặp chưn mày giống như con sâu róm, chị bắt tôi ngồi im cho chị lấy nhíp nhổ cặp chân mày, đau, nước mắt túa ra giàn rụa, xong xuôi chị lấy chì vẽ lên đó một đường cong rồi đưa gương cho tôi ngắm lại: "Cưng thấy đẹp hơn nhiều không?" Tôi soi gương mặt mình vào trong kiếng thấy cặp chân mày còn lại nhỏ xíu y như hai sợi chỉ mong manh.
    Sau này tôi bỏ Bến Tre lên Sài Gòn kiếm sống, lâu lâu mới gặp lại chị. Chị dường như chẳng già đi chút nào, vẫn trẻ đẹp mãi theo thời gian. Có một dạo tôi về Bến Tre thăm bố, chị ghé lại rước tôi lên nhà chị chơi, tối đấy tôi ngủ lại nhà chị. Căn nhà nhỏ nằm tuốt trong ngõ hẻm sau sân banh, căn nhà này được chị cho xây lại cách đây vài năm, trông khang trang, sạch sẽ. Chị Bông Giấy làm nghề cho vay góp ngoài chợ, kiêm luôn bán cả đồ góp, ai mua gì chị cũng bán kể cả gạo, nước mắm...Sáng sáng tầm 9 giờ chị bắt đầu ra chợ, thu góp một chặp và trưa chị quay về nhà lo cơm nước cho con. Chồng chị làm nghề thợ xây, lâu lâu mới về thăm chị. Hai người không có con nên xin một đứa con trai về nuôi, thằng Cà Nốt ốm ròm nhưng gương mặt thiệt dễ thương, hai mắt tròn xoe đen lay láy như mắt nai, chập chững đi theo mẹ. Tôi mê thằng Cà Nốt, chiều nào cũng kiếm chuyện lên nhà chị ẵm nó đi chơi. Bẵng đi một thời gian khá lâu tôi không gặp lại nó, giờ nó đứng trước mặt tôi, cao lớn, bảnh choẹ, mặt nổi đầy mụn trứng cá làm tôi bật cười.
    - Mày làm như con chị nó nhỏ hoài vậy đó.
    - Ừa, em không tưởng tượng được là nó lớn như vầy.
    Chị Bông Giấy hiện giờ sống độc thân cùng với thằng Cà Nốt, Anh Tư chồng chị đã bỏ đi lấy vợ trên Sài Gòn và nghe nói sanh được vài đứa con. Chị ở vậy, không chịu đi thêm bước nữa nhưng lại cặp bồ với bê đê. Tôi hỏi tại sao nhưng bao giờ chị cũng im lặng.
    Tôi đi tắm thay đồ rồi chui vô mùng nằm bên cạnh chị, chị vặn cây quạt máy chĩa đứng vào phía trong tường hướng tôi, căn phòng nóng hừng hực giống y như cái lò sưởi, vậy mà chị nằm trùm mền kín mít, lại còn than lạnh. Tôi ngạc hiên hỏi:
    - Chị bị bệnh hả?
    - Ừa, không biết làm sao nữa, từ đợt bịnh hồi năm ngoái tới giờ chị cứ lạnh hoài, nay là bớt rồi đó, chứ tháng trước đắp mấy cái mền mà vẫn thấy lạnh run lên.
    - Bác sĩ không tìm ra bịnh gì sao?
    - Không. Họ tìm không ra bịnh gì hết, họ chích cho chị canxi thì thấy bớt lạnh, ngưng lại lạnh như thường. Sốt cao lắm, sốt hoài không dứt.
    Tôi nghe thấy lạnh xương sống, có khi nào chị bị Sida không? Dân đồng tình luyến ái dễ bị mắc bệnh này, Tôi lo lắng tôi hỏi chị:
    - Chị có kiểm tra máu chưa? Coi chừng bị nhiễm HIV đó, hay viêm gan?
    - Không. Bịnh viện lấy máu xét mấy lần mà có gì đâu.
    - Ngộ hén, bịnh gì vậy ta?
    Tôi chợt nhớ đến đứa bạn của tôi, trường hợp của nó cũng giống hệt như chị, cứ sốt và lạnh hoài trị mãi không dứt. Sau này bác sĩ mới tìm đươc nguyên nhân, thì ra cô nàng uống trà ốm cho giảm ký, rồi biếng ăn thành ra cơ thể suy nhược bị nhiễm lạnh hoài không hết. Tôi xoay sang hỏi chị:
    - Trước khi bị bệnh chị có uống thuốc giảm cân không?
    - Có, chị uống mười gói trà "con đầm" đó.
    - Rồi. Loại trà uống vô đau quặn ruột chứ gì?
    - Ừa, đúng rồi, đau dữ lắm.
    - Thôi, em sợ cái trà đó lắm, uống nó vô không dám đi ra khỏi nhà sợ "phẹt" giữa đường.
    - Chị uống trà đó rồi chị còn nhịn ăn nữa.
    - Chị bị suy nhược cơ thể, mất nhiều nước nên mới sinh ra bệnh. Khi lên khám chị có báo cho bác sĩ biết không?
    - Không?
    - Bởi vậy họ không tìm ra nguyên nhân là đúng rồi.
    Sáng hôm sau tôi và chị ra chợ, chị bô bô nói với mọi người: "Nhỏ này nó đoán bịnh cho em nè, bác sĩ tìm không ra bịnh mà nó tìm được " rồi chị quay sang tôi bảo: "Thôi mày đổi nghề làm bác sĩ đi cưng.". Có một lần chị nhìn tôi rồi hỏi:
    - Hân, hồi đó cưng có biết chị quen với bố cưng không? Nhém tí nữa làm má nhỏ cưng rồi đó.
    Nói xong chị cười khanh khách. Tôi há hốc mồm nhìn chị, không nói nên lời. Hèn chi ngày xưa chị cưng tôi vậy, tôi thật thơ ngây chẳng biết gì. Bố tôi ổng xí trai vậy mà lại có duyên ngầm, trong đời ông chính thức ba lần lên xe bông còn bên ngoài lăng nhăng không kể. Ngộ một điều các bà, các cô nào theo ông cũng xinh đẹp hơn người, mặc dù bố tôi nghèo rớt mồng tơi lại còn kéo theo sau bảy cái rờ mọt.
    Nhìn đồng hồ, đã hơn 9 giờ tối. Tôi kéo chị đứng dậy xin phép về trước, thật tình người tôi mệt rã rời, hai bữa nay cứ rong duổi trên đường xuốt cả ngày, mí mắt tôi như muốn sụp xuống.

Xem Tiếp Chương 3Xem Tiếp Chương 29 (Kết Thúc)

Một Người - Một Đời
  » Xem Tập 1
  » Đang Xem Tập 2
  » Xem Tiếp Tập 3
  » Xem Tiếp Tập 4
  » Xem Tiếp Tập 5
  » Xem Tiếp Tập 6
  » Xem Tiếp Tập 7
  » Xem Tiếp Tập 8
  » Xem Tiếp Tập 9
  » Xem Tiếp Tập 10
  » Xem Tiếp Tập 11
  » Xem Tiếp Tập 12
  » Xem Tiếp Tập 13
  » Xem Tiếp Tập 14
  » Xem Tiếp Tập 15
  » Xem Tiếp Tập 16
  » Xem Tiếp Tập 17
  » Xem Tiếp Tập 18
  » Xem Tiếp Tập 19
  » Xem Tiếp Tập 20
  » Xem Tiếp Tập 21
  » Xem Tiếp Tập 22
  » Xem Tiếp Tập 23
  » Xem Tiếp Tập 24
  » Xem Tiếp Tập 25
  » Xem Tiếp Tập 26
  » Xem Tiếp Tập 27
  » Xem Tiếp Tập 28
  » Xem Tiếp Tập 29
 
Những Truyện Dài Khác