Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Dài » Thương Nhớ Người Dưng Tác Giả: Mường Mán    
    YJATRAN. Yjatran! Vừa ngửa mặt đón những tia nước ngọt tỏa xuống từ búp sen Ngân vừa mỉm cười nhớ câu chuyện đã nói với Thảo ngoài biển. Ôi, con nhỏ cả tin đến khờ khạo dễ thương! Giờ này chắc chắn tha hồ mà tưởng tượng, vẽ rồng vẽ rắn thêm cho cuộc gặp gỡ của mình và anh chàng Vọng. Một cuộc gặp gỡ của mình và giống như thế. Hai câu thơ và xuất xứ tên Nha Trang mình tình cờ đọc thấy trong cuốn Lịch văn hóa tổng hợp - một trong cả ngàn cuốn sách trên giá sách của bác Hinh - đã được trích dẫn thoạt tiên do ngẫu hứng rồi sau phịa tơi tới luôn. Thế là cô nàng mắc vào câu chuyện tưởng tượng của mình như là con ruồi mắc vào lưới nhện! Có điều, cái tên Yjatran chỉ gợi mênh mang một vùng lau lách mà nghe như có cả hồn rêu đá tháp cổ náu ẩn bên trong. Buồn cười là mình đã muốn đổi tên anh chàng Vọng thành Yjatran. Có chút di ấn hệ tộc Chàm nào ở anh chăng? Yjatran. Yjatran, Yjatran, Ngân thoáng rùng mình vì lúc này cái tên vụt vang lên giống những tiếng cười.
    Vừa lau khô mình mẩy Ngân vừa ngắm nghía mình trong chiếc gương trên lavabo. Gương mặt lồ lộ giữa vầng tóc ướt rượi, cần cổ, phần ngực trần rám nắng của cô gái trong gương như chỉ còn hao hao cô gái cách đây một tuần ở Sài Gòn. Không, vẫn thế thôi! Biển và nắng đã pha màu cho mi một chút rám hồng đáng yêu trên nhan sắc, che bớt phần nào vẻ xanh xao đáng ghét trên má, đôi mắt thiếu ngủ vẫn khó thể giấu đi vẻ buồn và Vọng đã bắt gặp vẻ buồn ấy? Ngân lắc đầu, cô gái trong gương lắc đầu. Bỗng dưng em cảm thấy vừa thương vừa ghét mình quá đỗi. Tắt tia nhìn nghiêm khắc dữ dội, Ngân nhắm mắt lại chầm chậm đưa mặt tới áp sát vào gương cho đôi môi mòng mọng bên ngoài chạm đôi môi bên trong, giữ yên chừng vài giây cái hôn lạnh lẽo ấy, đoạn em đang ra mở bừng mắt, ái ngại lắc đầu.
    Cánh cửa phòng tắm đóng lại với chút bực bội vụt xô tới gây một tiếng động mạnh. Ngân biết vẻ mặt mình rất khó coi nếu bất thần có ai bước vào lúc này ngó thấy. Lục giỏ lấy các thứ đã mua ngoài chợ, đem vào bếp loay hoay nấu nướng bữa ăn tối. Dọn ra bàn. Ðậy lồng bàn lại.
    Tiếng còi tàu nghèn nghẹt vọng từ phía sân ga lọc qua các tàn cây nghe não ruột. Bên ngoài cửa sổ nhìn xuống những mái nhà nhấp nhô bóng tối, ánh sáng chia thành từng ô đen trắng không đều, phố xá trôi vào đêm dưới bầu trời óng ả sao và lớp lớp gió phóng khoáng mặn mòi vị muối. Vẫn tiếng nhạc vẳng từ quán cà phê bên kia đường từ sáng đến tận khuya, tiếng máy thu thanh thu hình quanh quất xóm giềng và, không cần ngoảnh lại, Ngân thừa biết bức tranh trên giá vẽ của bố phủ tấm vải trắng chưa hoàn tất. Cả tuần rồi chưa hoàn tất vì anh đi miết.
    Có lẽ bác Hinh cũng có lần đứng nhìn đêm qua cửa sổ như mình lúc này. Những lúc như thế bác nghĩ gì nhỉ?
    Sáu mươi ba tuổi, cô độc lui tới giữa ba căn phòng rộng - một phòng khách hai phòng ngủ - một căn bếp hẹp, một phòng tắm... "cái pháo đài" trên tầng hai này trấn giữ ông cụ giữa bốn bức tường, hết hai bức là giá sách kín sách từ sàn lên đến trần.
    "Biển mênh mông và giá sách đầy sách của bác chắc chắn là hai thứ cháu sẽ thích nhất khi về Nha Trang!". Ông cụ đã bảo Ngân như thế vì biết cô sinh viên khoa văn vốn không hững hờ với sách và càng không thể không mê thích biển. Thỉnh thoảng ông vẫn vit thư vào nhờ và rất tin cậy Ngân trong việc lùng kiếm các sách quí hiếm hoặc vào thư viện tra cứu sao chép lại những tư liệu ở Nha Trang không có, bao giờ em cũng sốt sắng giúp ông bạn già của bố mình.
    Là một nhà nghiên cứu văn học lão thành thôi công tác ở ngành giáo dục, về hưu từ vài năm nay, con cái lớn đi làm ăn xa, chẳng còn ai ở gần, ông Hinh vốn khó tính, quen sống cô độc từ lúc vợ mất cách đây ngoài mười năm, nên bây giờ ông thích sống một mình, chẳng dành quyền săn sóc cho đứa con nào. Căn nhà khá rộng cho thuê bớt phần dưới chỉ giữ lại tầng gác phía trên. Năm nào bố Ngân cũng có vài chuyến đi ra miền ngoài, lần nào anh cũng ghé lại bù khú cùng ông cụ vài ngày. Lần này giữ lời hứa ở cuộc gặp gần nhất, trước khi lên Ðà Lạt để gia đình người con trai cả được thực thi quyền thương yêu chăm sóc ông nội sắp nhỏ trong tuổi già, đổi không khí và nghỉ ngơi sau khi hoàn tất bản thảo một tác phẩm dài, ông Hinh đã ghé lại Sài Gòn trao chìa khóa cho nhà anh bạn họa sĩ trẻ. Ông cụ muốn có người giữ nhà trong khi đi vắng, bố Ngân thì cần về Nha Trang yên tĩnh một thời gian để sáng tác. Tiện dịp Ngân đang nghỉ hè nên theo luôn.
    Cánh cửa ra vào khép hờ chờ đợi vẫn chưa ai mở. Chắc ba lại sa vào đám bạn nhậu nào rồi, lại các ông ở Công ty du lịch hay Hội văn nghệ? Ai mà biết được, ba có chừng một triệu bạn ấy! Khắp nơi và mọi lúc. Có lần anh đã nói với Ngân bằng giọng trào lộng "Nói có thể con không tin, đến ngày ba về đất nếu có một ông bạn nào đến bên mồ rót ly rượu đặt lên nấm đất và khấn một câu sẽ tức khắc thấy mồ nứt toác ra và từ bên dưới bàn tay của ba sẽ đưa lên nhận lấy!" Nói xong anh ngửa mặt mà cười ha hả. Bạn và rượu, không có hai thứ đó không biết ba sẽ sống ra sao nhỉ?
    Ngân rời cửa sổ bước lui tới. Hóa ra mình về đây để nếm mùi cô đơn bác Hinh từng nếm trải? Những tác phẩm, những tác giả cổ kim và lũ chuột, dán... trong các ngóc ngách đã giúp ông cụ chiến thắng hay thỏa hiệp với sự cô đơn? Không, có lẽ đối với ông cụ cô đơn là một cái thú. Dù thế nào chăng nữa thì cũng có khó thể tìm thấy sự đồng cảm hoặc đặt cái dấu bằng giữa quan niệm về sự cô đơn của một người già ngoài sáu mươi và quan niệm của một cô gái chưa đầy hai mươi! Bất giác, Ngân cảm thấy mình sẽ rất điên nếu bật lên tiếng cười khanh khách, nhưng quả thật em rất buồn cười khi nghĩ, khÔng phải sự cô đơn ông cụ bỏ lại mà chính là sự lẩm cẩm của tuổi già ông cụ quên mang đi lúc này đang ngấm ngún vào em.
    Ngân đến ngồi bên chiếc bàn cạnh giá vẽ giở lồng bàn, xới cơm ra chén. Nhỏ nhẹ, uể oải nhai rồi nghe cơn đói vụt bị đánh thức, em ăn ngon lành hơn mình tưởng. Quá lãng mạn và khôi hài để tưởng tượng Vọng có thể táo gan dám đến thăm mình vào giờ giấc này. Anh chàng trông nhát như cáy thế kia. Giá nhỏ Thảo vác xác tới thì đỡ buồn biết mấy! Cám ơn thánh thần hay ma quỉ gì đấy đã xui khiến cho mình gặp Thảo, không hắn, ắt mi lạc lõng còn hơn con còng hay con chim cun cút lạc bầy giữa thành phố biển này. Ơ hay, cớ chi mà than dài thở ngắn vậy? Rõ ràng mi đã cầm lòng không đậu khi nghe ba "dụ khị": "Con nên đi Nha Trang đổi gió, rất tốt cho sức khỏe!" Rõ ràng mi đã hấp dẫn bởi ý tưởng sẽ thấy lắm cái hay cái lạ ở một thành phố chưa từng biết đến. Ði xa, như làm một cuộc tẩy rửa bụi bặm ở nơi chốn sống quá lâu ngày thành ra tù hãm. Ði xa, có dịp bình tĩnh, nhìn lại những nỗi yêu niềm ghét trong mình...
    Ngân buông chén đũa, nhưng những ý nghĩ rối rắm vẫn chưa buông, cứ bám riết, chúng theo em ra khóa trái cửa, tới giá sách lấy hú dọa một cuốn mang vào phòng ngủ, bồng bềnh trong cảm giác hờn giận tủi thân của đứa trẻ bị bỏ quên ở một góc xó góc xa lạ cả bố lẫn mẹ không còn nhớ tới.
    Hình như nước biển và gió mặn chưa giúp mi "tẩy rửa bụi bặm" được bao nhiêu. Ba ngày đầu biển, phố xá Nha Trang đã mở ra trước Ngân thật quyến rũ, đến hôm thứ tư Ngân không thể không thừa nhận mình bị dày vò khổ sở bởi một nỗi nhớ. Hôm ấy tắm biển, lang thang đến chán, ngồi ở một quán nước trước cửa bưu điện suy nghĩ đến vưng váng cả đầu, cuối cùng em băng qua đường vào bưu điện đăng ký gọi điện thoại về thành phố Hồ Chí minh vào giờ giấc chắc mẹ có mặt ở sở làm. Cuộc đối thoại sau đó thật khó quên.
    - Alô, thưa có phải mẹ đó không ạ? Con đây. Ngân của mẹ đây! - Ngân cố nén hồi hộp.
    - Ngân hả? - Dừng một lát, tiếng mẹ khó tả là buồn hay vui: - Có chuyện gì không, vẫn thường chứ con?
    - Dạ, mẹ không nghe tiếng con xa xôi lắm hay sao? Con đang ở xa mẹ hơn bốn trăm cây số - Em nghe tim đập rộn trong lồng ngực - con đang ở Nha Trang nè mẹ. Mẹ và em Bờm vẫn khỏe chứ ạ?
    - Ờ khỏe! - Giọng mẹ pha chút lạnh lùng - Con đi Nha Trang với ai thế?
    - Thì còn ai ngoài ba nữa mẹ? Trước khi đi con có ghé xin mẹ mang em Bờm theo nhưng rất tiếc là đã không gặp mẹ.
    - Thế à?
    - Dạ, nhưng ra đây ba có lắm bạn bè ông đi suốt, chỉ có con là buồn. Con muốn quay về...
    - Thế bây giờ con cần mẹ cái gì nào?
    - Con rất nhớ mẹ và em Bờm - Ngân nói nghẹn ngào.
    - Cảm ơn! - Tiếng ống nói đặt dằn xuống bên kia đầu dây khô khốc hệt cái tát. Ngân sững sờ gọi muốn líu cả lưỡi:
    - Alô, mẹ vẫn còn nghe con nói đó chứ? Alô...
    Im lặng. Im lặng và im lặng. Cảm ơn! Cảm ơn! Cảm ơn! Ra khỏi bưu điện em bước đi dọc phố mà không thấy phố thấy nhà, cảm tưởng mình không đi mà trôi trên một ngọn sóng bập bềnh, mọi đường nét hình sắc hung quanh cơ hồ xóa trắng, chập chờn mê hoặc. Cuộc trao đổi ngắn cứ như đã được thu vào một cuộn băng vô hình phát lui phát tới trong em vô hồi. Cảm ơn! Cảm ơn! Cảm ơn!
    Cảm ơn những ngày nồng tháng ấm đã phôi dựng nên sự yên ả ngỡ sẽ kéo dài hết một đời bỗng dưng gãy gập. Khuất bạt bên sau cánh cửa nào vừa khép lại thời sum vầy mẹ có thai mang con đi đứng nặng nề. Con tập lật, tập bò, chập chững tập đi trong tiếng cười hoà trộn của ba và mẹ, trong không khí hạnh phúc đã cho máu con đỏ tóc con đen, trong cái ngã chưa kịp ré khóc đã có mẹ đỡ tay ba nâng, trong những đêm dài con ốm quấy cả hai đôi mắt cùng sâu một độ lo lắng ngang nhau, rồi cùng đầy nỗi vui khi con khỏe mạnh, trong những mùa thi thấy con còm cõi... cánh cửa đóng lại thật rồi sao?
    Khuất bạt bên sau màn sương hư hư thực thực là những ngày tươi đẹp cũ? Màn sương hẳn ngợp mông lung trí mẹ khi lạnh lùng buông hai tiếng cảm ơn! Màn sương ám thần trí con khi nhận hai tiếng ấy như nhận cả mùa đông giá đâu từ bắc cực thổi tràn về.
    Hai tiếng cảm ơn làm nghẽn hơi trong ngực, làm sủi bọt trong máu, bẫy sập cái barie chắn ngang đường giữa mẹ và con. Hai tiếng cảm ơn đắng như ngậm bồ hòn, xót hơn muối xát, đau hơn roi quất.
    Ở độ tuổi bằng con bây giờ ngày xưa không biết có bao giờ mẹ có tâm trạng giống con lúc này không? Tâm trạng của đứa trẻ bị từ chối, bị khước từ lòng yêu nhớ mẹ! Không, mẹ ơi, con không có quyền đặt vấn đề một cách nóng vội như thế. Rồi ra mẹ lại sẽ trao con quyền được yêu thương ấy. Rồi ra cánh cửa đóng kia lại mở. Rồi ra màn sương giá băng đáng ghét ấy sẽ tan. Rồi ra lỡ con có vấp ngã lại có cả tay mẹ lẫn tay ba cùng đưa ra nâng đỡ... Con dỗ con tin như thế. Vâng, phải dỗ mới tin được mẹ ơi, vì trong con hình như còn có một đứa tên Ngân nào khác cứ xui con nghĩ những điều lẽ ra con không nên nghĩ. Ngân ơi, Ngân ơi! cô gái vừa đi vừa thầm gọi tên mình.
    Tiếng cảm ơn tiếp tục dội va vào các vách phố bạt ngược trở lại thốn qua ngực em buốt nhói.
    Một chiếc xe đạp thắng gấp dừng sát lề đường và tiếng kêu vui đến thảng thốt:
    - Ủa Ngân, mi đi đâu đấy? Ra hồi nào thế?
    Ngân ngửng lên bắt gặp gương mặt tươi rói của Thảo.
    - Ờ, mới ra chừng vài hôm, đi... nghỉ mát - Ngân như kẻ sắp chết chìm bỗng níu được phao, nắm lấy tay Thảo cố nắn môi vẽ một nụ cười không được tươi lắm: - Còn mi sao cũng lạc lõng chốn này?
    - Rõ ngốc, hè nào tao chẳng về đây, cuống rún tao chôn ở đây mờ.
    - Ờ à, tao đâu có hay.
    Thế là hai cô bạn cùng lớp gặp nhau. Và mới đó tuổi Ngân đã "già" thêm hơn một tuần ở phố biển này rồi.
    

Xem Tiếp Chương 3Xem Tiếp Chương 14 (Kết Thúc)

Thương Nhớ Người Dưng
  » Xem Tập 1
  » Đang Xem Tập 2
  » Xem Tiếp Tập 3
  » Xem Tiếp Tập 4
  » Xem Tiếp Tập 5
  » Xem Tiếp Tập 6
  » Xem Tiếp Tập 7
  » Xem Tiếp Tập 8
  » Xem Tiếp Tập 9
  » Xem Tiếp Tập 10
  » Xem Tiếp Tập 11
  » Xem Tiếp Tập 12
  » Xem Tiếp Tập 13
  » Xem Tiếp Tập 14
 
Những Truyện Dài Khác
» Liêu Trai Chí Dị
» Pie Đệ Nhất
» Thiên Thần Và Ác Quỷ
» Tuyết Bỏng
» Cuộc Đời Của Pi ( Phần II )
» Mao: The Unknown Story
» Con Lừa Và Tôi
» Trái Tim Không Cần Lý Lẽ
» Tình Ca Giáo Viên Miền Núi
» Cuốn Sổ Lớn
» Chuyện Tình New York
» Những Kẻ Điên Rồ Phải Chết
» Đau Thương Đến Chết ( Phần I )
» Hai Chị Em
» Giữa Cơn Gió Lốc