Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Dài » Chị Đào Chị Lý Tác Giả: Hồ Biểu Chánh    
Nước Xuôi Gió Thuận

    Ai mà quyết nuôi chí lo làm ăn, không ham se sua, không chịu lãng phí, nếu biết trọng nhơn nghĩa thêm nữa, chịu ơn ai thì đêm ngày đau đáu lo trả ơn, con người ăn ở được như vậy hễ gặp dịp may, có người giúp đỡ, chắc sẽ làm giàu. Mà ví dụ không được giàu đi nữa, thì cũng thảnh thơi, chớ không đến nỗi vất vả đói rách.
    Vợ chồng anh Thái với chị Hòa mới cách có 18 tháng trước người ta thấy hẩm hút ở trong cái chòi lá nhỏ cheo leo bên đường gần chợ Thị Nghè đó, mà bây giờ lại dời ra ở dựa đường lớn từ Bà Chiểu ra Đất Mộ, gọi là đường Lê Văn Duyệt, ở trong một cái nhà lá 3 căn, cao ráo, rộng rãi, cửa và vách đều đóng ván chắc chắn, nền có lót gạch đỏ lòm. Vợ chồng với hai đứa con ở căn giữa, ngoài có bàn ghế để tiếp khách có ván gõ lớn để nằm nghỉ lưng, còn trong có tủ áo, có bàn cơm, có một cái giường lớn và một cái giường nhỏ để ngủ.
    Căn bên tay mặt thì chứa bàn ghế tủ giường, ván gõ, di-van đủ thứ, trên cửa có gắn một tấm bản ngang đề chữ:
    THÁI HÒA
    Tiệm bán tủ bàn giường ván
    Còn căn nhà phía tay trái là trại mộc, có 3 người thợ lui cui cưa bào đục đẻo cây ván mà đóng bàn ghế tủ giường, làm lộp cộp tối ngày.
    Hai em Đào với Lý biết đi biết nói. Xẩn bẩn trong nhà chơi với nhau, vì con gái nên êm thắm chớ không chạy giỡn như con trai; lại trìu mến thương yêu nhau nên không rầy rà xích mích. Tuy vậy mà chị Hòa không chịu rời xa hai con, chị mướn một người đàn bà đi chợ nấu ăn để chị rảnh mà chăm nom săn sóc 2 đứa nhỏ, sớm mơi thay áo quần, trưa dắt vô tắm rửa, tối thì giũ mùng trải chiếu dỗ ngủ. Hai đứa nhỏ bận áo quần một thứ với nhau luôn luôn, ai cũng tưởng là con sanh đôi, không ai nghi điều chi hết, mặc dầu gương mặt không giống nhau, mà Đào thì vui vẻ nhậm lẹ, còn Lý thì trầm tĩnh ôn hoà, lại bộ tướng thanh bai yểu điệu hơn.
    Đường Lê Văn Duyệt thiên hạ qua lại, lớp đi bộ, lớp đi xe, dập dìu tối ngày không ngớt. Tiệm Thái Hòa lập chỗ đông đảo như vậy ai cũng ngó thấy. Lại khi khai trương, anh Thái có đăng quảng cáo trong vài tờ nhựt báo lớn, bởi vậy mới mở cửa một tháng thì khách hàng đã tới thường rồi. Khắp vùng Bà Chiểu chỉ có một tiệm bán bàn ghế nầy mà thôi; ai cũng tới đây mà mua đặng chở về cho gần, chớ đi mua ngoài Sài Gòn hay trên Phú Nhuận tốn tiền chở nặng qúa.
    Tối ngày anh Thái mắc ở bên căn bán đồ mà tiếp khách hoặc qua trại mộc đưa kiểu vở và nói thước tấc cho ông Hai già đặng ông chỉ biểu cho thợ phụ làm. Anh bận rộn với nghề nghiệp của anh. Có ban đêm nghỉ, anh mới vui chơi được với hai đứa nhỏ. Anh phú hết việc gia đình cho vợ. Anh căn dặn vợ phải dạy dỗ chúng nó, tập chúng nó nói chuyện cho có lễ phép, ăn uống cho có độ lượng, đi đứng cho có dạng nghiêm trang, chơi bời cho có vẽ thanh nhã. Anh nói con sanh đôi tục thường hễ đứa nào ra trước là lớn, đứa nào ra sau là nhỏ. Quan niệm lớn nhỏ như vậy không đúng với lẽ trời. Theo ý anh khi còn ở trong bụng mẹ, đứa cấu thành hình trước nó phải nằm trên nên nó ra sau, còn đứa cấu thành hình sau nó phải nằm ngoài nên nó mới ra trước. Vậy đứa ra sau là chị, đứa ra trước là em mới phải.
    Chị Hòa không chịu phục cái thuyết đó. Chị nói nó cấu tạo hồi nào ở trong bụng ai mà biết được. Hễ mình thấy mặt đứa nào trước, nghĩa là nó ra chào đời trước, thì nó lớn hơn đứa sau. Vợ chồng cãi với nhau rồi áp dụng giải pháp dung hòa: hai đứa nói chuyện với nhau đứa nào cũng phải gọi đứa kia bằng chị, còn xưng mình là em.
    Anh Thái dặn vợ cứ dạy con xưng hô với nhau như vậy. Anh lại khuyên riêng vợ: "Con Lý đã lớn rồi. Bây giờ áo mền giày mũ với tã của nó không dùng được nữa, thì giặt ủi rồi gói lại cất trong cái rương của nó mà để dành. Kiếm một cái hộp đựng bức thơ với sợi dây chuyền của nó mà cất riêng trong tủ; cất cho kỹ, đừng để lạc mất. Những vật ấy là dấu tích của nó. Mình phải giữ gìn phòng ngày sau có ai tìm nó mà nhìn con nhìn cháu, nếu mình xem hạp nghĩa, thì mình đem ra mà đối chiếu. Chị Hòa làm y theo lời chồng dặn. Chị nghĩ cái rương bằng tre sợ lâu năm mối mọt ăn rã hết. Chị mới mua dầu vec-ni mà đánh tới hai lớp rồi sắp hết đồ của Lý vô, lấy bố bao kín phía ngoài và để lên nóc tủ áo mà cất.
    Cuộc buôn bán của Thái ngày càng phát đạt, đồ không đóng kịp cho đủ bán: lại người ta biết danh ông thợ Hai đứng cái , ông cho kiểu mới lạ, đóng bàn đóng tủ khéo và đẹp, nên người ta áp tới đặt hàng nhiều quá. Anh Thái phải kêu thêm thợ nữa. mà trại nhỏ, thợ nhiều, chật hẹp, phải chen nhau mà làm, thiệt là bất tiện. Anh mướn đất đai thêm phía sau nhà, rồi cất riêng một trại ba căn nữa. Bây giờ số thợ đếm cả chục rần rộ làm tối ngày.
    Ông thợ Hai tuy già song còn mạnh khoẻ, ông phải phụ giúp với chủ tiệm mà tiếp khách. Ông ra mực rồi coi chừng và chỉ bảo cho thợ làm. Ông còn phải thế cho anh Thái đi kiếm mua cây ván quí giá như nu, gõ, cẩm lai, bởi vì bây giờ khách hàng đặt đóng đồ bằng loại cây đó thường hơn là cây dầu. Phải đi xa và phải quen với mấy chủ bán cây, trên Tây Ninh và Thủ Dầu Một mới mua cây quí được. Anh Thái mắc bận việc giao thiệp với khách hàng, tuy Đào và Lý lớn lần lần, chị Hòa rảnh rang coi phụ với chồng mà tiếp khách, song Thái cũng không bỏ tiệm mà đi lâu được. Đi xa kiếm cây ván mà mua, phải vắng mặt đến đôi ba ngày thì anh cậy ông thợ Hai đi dùm. Còn đi Lái Thiêu lựa ván gõ mua về dồi mà bán lại hoặc cưa đi mà đóng di-van hay đóng tủ thì anh để cho vợ đi, anh ở nhà vừa tiếp khách vừa chăm nom hai đứa con được.
    Mà đến năm Đào với Lý được 4 tuổi, tiệm Thái Hòa đương phát đạt, thì chị Hòa lại có thai nữa. Vợ chồng mừng với nhau ước mong sanh được một đứa con trai, đặng có gái có trai mới mãn nguyện. Nhưng Thái mừng và nói với vợ rằng Đào với Lý là cái ngòi gây hạnh phúc gia đình cho mình, nhờ hai đứa nó vợ chồng mới hiển đạt, cuộc làm ăn xân xẫn, mới có 4 năm mà vốn liếng đã nở ra đến hai ba muôn. Vậy dầu có con thêm cũng không được hất hủi hai chị em, phải chăm nom săn sóc dạy chúng nó luôn luôn.
    Chị Hòa sợ rồi đây chị mắc em nhỏ chị không thể săn sóc hai con lớn cho chu đáo được. Chị mới tính kiếm mướn một người trọng tuổi ở mà săn sóc Đào với Lý tiếp với chị. May có cô Thành lối 30 tuổi, có một đứa con 3 tuổi rồi chồng bỏ cô mà đi mất; cô nghèo khổ lại bơ vơ, con đau không có tiền chạy thuốc nên con phải chết. Cô buồn rầu, vất vả. Cô kiếm chỗ ở làm công đặng có nơi nương dựa cho no ấm tấm thân.
    Chị Hòa nói chuyện với cô Thành, hay cô đương đau khổ về việc chồng con thì chị động lòng. Chị thấy Thành sạch sẽ, ăn nói nhỏ nhoi lễ phép chị đem lòng thương. Chị mới mướn Thành ở giúp việc trong nhà, mà giao gắt là phải tận tâm chăm sóc Đào với Lý.
    Cô Thành ở được ít ngày. Chị Hòa dòm thấy Thành siêng năng, kỹ lưỡng, vén khéo sạch sẽ, tánh nết được lắm, lại biết khuyên lơn chìu chuộng hai em, thì chị lấy làm vừa ý.
    Cách vài tháng sau chị Hòa sanh được một đứa con trai. Vợ chồng Thái mãn nguyện, có con gái con trai đủ hết nên vui mừng cực điểm. Vợ chồng bàn tính rồi đặt cho con cái tên Tòng cũng thuộc loại cây, mà cây không sợ sương tuyết.
    Chị Hòa mạnh khoẻ, có sữa nhiều nên chị cho con bú, không cần mướn vú, mà cũng khỏi cho bú giặm sữa bò.
    Mấy năm nay, anh Thái mắc bận việc buôn bán, ít gần con bởi vậy Đào với Lý trìu mến mẹ hơn cha. Bây giờ mẹ mắc con nhỏ thì có cô Thành thay thế mà săn sóc. Tuy vậy mà Đào với Lý hễ thấy cha rảnh, ngồi một mình thì chạy qua chơi với cha. Hai đứa đỏ đẻ nói chuyện làm thêm vui tiệm.
    Đã có tiền nhiều, mà lại có con gái con trai đủ, vợ chồng Thái đắc chí vô cùng.
    Cũng như chiếc thuyền đi nước xuôi gió thuận, vợ chồng Thái với Hòa đã có chí lại thêm gặp thời, bởi vậy cuộc buôn bán càng ngày càng phát triển mạnh nên bành trướng ra lớn thiệt mau. Cách có ba năm sau, em Đào và Lý lên 7 tuổi còn bé Tòng mới được 3 tuổi, mà tiệm Thái Hòa đã biến đổi kinh dinh. Ba căn nhà lá hồi trước bây giờ biến đổi 4 căn nhà ngói nền cao, vách gạch, hai căn để chủ tiệm ở, còn hai căn kia thì một căn chứa tủ, bàn ghế để bán, và một căn chứa ván ngựa, di-van, với ghế sa-lông. Đồ đạc phần nhiều đóng với cây gõ và cẩm lai, có một phần đóng với cây sao, giá-tỵ và thau-lau sơn vec-ni chớ ít có cây dầu. Mà dầu đóng thứ cây nào cũng đóng theo kiểu tối tân, nên đẹp mắt ai cũng chịu lắm.
    Trại mộc bây giờ cất riêng ở phía sau cất dài 5 căn lợp ngói, vách ván, có nhiều cửa sổ nên sáng sủa lại mát mẽ. Mười mấy anh thợ mộc làm việc rần rật tối ngày dưới quyền chỉ biểu của ông thợ Hai, ông đặt bàn ngồi giữa trại mà phân phát công việc, dặn dò mực thước và vẽ kiểu cho em út coi mà làm. Tiệm có sắm sẵn một chiếc xe tay với hai anh phu lực lưỡng mạnh mẽ để khiêng bàn khiêng tủ cho khách xem và ai mua xong thứ gì thì chở đến giao tới nhà. Lại cũng có sắm một chiếc xe kéo nhà để mỗi ngày đưa rước Đào với Lý đã bắt đầu vào học tại trường nữ học Bà Chiểu. Cô Thành cũng vẫn tận tâm chăm sóc hai em, giặt áo quần, phơi mền gối, coi cho em ăn uống no đặng em đi học chừng em về thì tắm rửa cho em.
    Đào với Lý dầu ở nhà hay là đi học cũng vậy, ăn món gì, mặc thứ gì cũng giống hịt với nhau. Cô Thành ở giúp việc mấy năm, cô biết ý ông bà chủ ngay thẳng, hiền lành, lại thương phận cô bơ vơ, cô quả, thì cô cảm tình mến nghĩa nên cô lấy dạ trung thành mà đền đáp, cô chăm nom tất cả mọi việc trong nhà, cô yêu Đào, Lý với bé Tòng cũng như em cháu ruột, lãnh săn sóc luôn cả ba em. Hễ Đào, Lý đi học thì cô chơi với bé Tòng để cho Hòa rảnh rang mà tiếp giúp chồng trong cuộc công thương.
    Vợ chồng Thái thấy Thành tận tụy với mình đem lòng tín nhiệm, mến yêu, xem Thành như người trong thân tộc, không phân biệt giai cấp chủ tớ. Nhiều khi chị Hòa bận việc chị đưa bạc trăm cho Thành ra Sài gòn mua đồ cần dùng trong nhà. Mua áo quần hay mua giày cho ba em nhỏ, cũng một tay Thành lo hết.
    Đào với Lý tuy ăn mặc như nhau, tuy cha mẹ yêu đồng nhau, tuy ở nhà hay ở trường ai cũng tưởng là chị em song thai, nhưng mà hình dáng hay tánh nết hai em khác xa nhau quá. Đào thì to xương, sung sức nước da ngăm ngăm chớ không trắng lắm, khuôn mặt sáng sủa, miệng cười có duyên, tánh vui vẻ bặt thiệp, hay nói chuyện hay hoạt động. Còn Lý thì mỏng mảnh, yểu điệu đằm thắm, nước da trắng, má miếng bầu, có vẻ đẹp hơn Đào, mà tánh nết lại nghiêm trang trầm tĩnh, ít cười, ít nói.
    Tuy chị em không giống nhau, song từ khi mới lọt lòng được cha mẹ tưng tiu, cho bú, cho ăn, tắm rửa, săn sóc, dạy dỗ, tập đi, tập nói chung với nhau, bởi vậy hai chị em yêu thương nhau như một máu một thịt mà vui chơi với nhau luôn luôn thuận hòa, không bao giờ gây gổ, xích mích. Vì cha mẹ đã tập từ khi mới học nói, hai trẻ quen rồi, nên bây giờ hai trẻ nói chuyện với nhau cứ gọi nhau là chị và xưng mình là em. Mà vợ chồng Thái muốn hai con giữ luôn thói quen ấy mãn đời, nên kêu con là "chị Đào, chị Lý" làm cho cô Thành, bà nấu ăn cùng các anh thợ trong trại mộc cũng bắt chước gọi "chị Đào, chị Lý" thét rồi quen miệng không đổi được.
    Từ ngày có thêm bé Tòng, Đào với Lý cũng yêu thương em như nhau, hồi em còn nằm ngửa thì Đào với Lý thường nằm hai bên mà hun hít em, chừng em biết đi biết nói thì cứ xẩn bẩn theo em mà chơi chung, ăn thứ gì cũng chia với em, hễ em la khóc thì áp lại mà dỗ. Bây giờ đi học mà hễ về đến nhà thì kiếm Tòng mà hun trước rồi mới mừng cha mẹ sau.
    Tuy khác hình dáng, khác tánh tình, song Đào với Lý đều có trí thông minh, lại có chí ham học như nhau, bởi vậy mới 8 tuổi thì đọc và viết đều giỏi hết, rồi đến 12 tuổi cả hai đều thi bằng tiểu học đậu dễ dàng.
    Vợ chồng Thái với Hòa đều vui mừng hết sức, mà còn mong ước gì nữa.
    Có đêm nằm rảnh rang vợ chồng Thái to nhỏ nhắc việc đã qua, tính việc sắp tới. Vợ chồng không quên cái lúc còn bần hàn ở trong chòi lá bên Thị Nghè. Chồng đi làm mỗi tháng có hai mươi đồng bạc; vợ phải buôn gánh bán bưng mà kiếm tiền thêm mới đủ đấp đổi. Lúc vợ sanh đẻ, không đi buôn bán được nữa, lại đau không đủ sữa cho con bú. Trong nhà thì hết tiền. Chồng phải tính bán xe máy mà chạy thuốc cho vợ, mua sữa cho con. Thời may Trời nhiểu phước, ban cho thêm một đứa con, lại còn giúp tới 5 ngàn đồng bạc. Nhờ ân huệ đó vợ tiêm thuốc phục sức, con có sữa bú no, vợ chồng có vốn ra làm ăn với thiên hạ.
    Trời thương giúp vận vợ chồng con cái đều mạnh giỏi, đã có hai con gái còn giúp thêm con trai, con gái học siêng năng đã thi đậu, con trai đã đi học rồi coi bộ cũng chuyên cần. Vợ chồng chia nhau, chồng chăm lo mở cuộc công thương, vợ cứ nuôi dạy trẻ nhỏ. Mới có muời hai năm mà đã gây ra một sự nghiệp đáng vài trăm ngàn chớ không phải ít. Mà cuộc làm ăn coi thế còn tiến mạnh, người phụ sẵn lòng tận tụy, số khách hàng mỗi năm cũng tăng lên cao, lại vợ chồng đầm ấm thuận hòa, các con ăn học tấn phát hạnh phúc đã nhiều rồi, còn ham muốn cao xa làm chi nữa.
    Ngặt Đào với Lý thi đậu bằng tiểu học rồi hổm nay hai đứa cứ đòi đi học nữa, nài xin khai trường phải cho chúng nó vào trường trung học ngoài Sài Gòn đặng cho chúng nó tiếp tục học thêm mà lấy cho được bằng tú tài. Hai con quyết chí học cho cao, mà trong nhà lại sẵn có tiền bạc dư nhiều, có lẽ nào lại bít đường tấn thủ của con, bắt nó ở nhà đặng ngày sau nó thua sút bạn gái.
    Nghĩ tới đây vợ chồng Thái nhớ hồi trước người ta giao Lý với một số bạc lớn, người ta yêu cầu mình thương yêu, nuôi dưỡng và dạy dỗ dùm Lý đặng ngày sau nó khỏi vất vả nghèo hèn, người nào đó có việc nhà chi thế mình không hiểu, mà dấu tánh danh, dấu địa chỉ không cho biết mình là ai. Tuy giao con giao tiền cho mình có ít hàng chữ tha thiết cậy mình làm ơn làm phước dùm, nên phải dấu mà nuôi Lý song kỳ thiệt người ấy là người làm ơn làm phước cứu vợ chồng mình. Vì không biết ai ở đâu nên mình thệ tâm để âm thầm mà yêu Lý như con ruột, nuôi và dạy Lý cũng như con mình. Bởi mình quyết tâm làm tròn nhiệm vụ y như lời người phú thác, nên khi cho Đào với Lý đi học được vài năm, nhà trường buộc phải nạp khai sanh, mà cả hai đứa đều không có, vợ chồng phải đến Tòa Hộ xin lên án thế vì khai sanh nhìn nhận Đào với Lý là con song thai của vợ chồng mình.
    Hôm nay Lý muốn học thêm cho cao, nhà mình nhờ Lý mới có cơm tiền. Nếu mình chận lại không cho học thêm nữa, thì mình lỗi với lời người ta ký thác, lỗi về nhiệm vụ dạy dỗ.
    Chịu ơn của người phải đền đáp ơn cho vuông tròn dẫu mình nghèo mình cũng phải ráng cho hết sức, huống chi là giàu rồi.
    Thái với Hòa xét tới khoảng đó nên quyết định dầu tốn hao bao nhiêu, dầu cực nhọc thế nào cũng phải cho Đào với Lý học cho đến cùng, học chừng nào hai cô hết muốn học nữa rồi sẽ để ở nhà.
    Thái dạy vợ rảnh thì ghi tên Đào với Lý đặng chừng khai trường hai con vào học trường nữ trung học Sài Gòn cho chúng nó học. Mỗi bữa cho xe kéo nhà đưa đi rồi rước về. Còn Tòng thì để học trong Bà Chiểu cho gần. Chừng nào Tòng có bằng tiểu học xong rồi em phải ra trường lớn ngoài Sài Gòn mà học bực cao hơn nữa, rồi sẽ tính mua nhà hoặc phố gần trường đặng ba con ở mà đi học cho tiện.
    Thái cũng nhắc vợ phải nhớ thăm chừng đồ đạc của Lý hồi còn nhỏ để hư mất. Hòa nói thơ với dây chuyền chị cất trong tủ sắt; còn áo mền giày mũ để trong rương thì lâu lâu chị đem ra mà phơi, nên không hư hao gì hết.
    Chị suy nghĩ rồi nói với chồng:
    - Đào với Lý còn khờ quá. Mà cho con đi học tới ngoài Sài Gòn, em không yên lòng. Lại đi xe kéo chậm lắm, sợ buổi trưa về trễ hai đứa nó đói. Rồi buổi chiều phải đi sớm, thì trưa chúng nó có nghỉ ngơi gì được. Vậy hồi nãy anh tính mua nhà hay một căn phố gần trường cho hai đứa nó ở đi học tiện hơn. Để cô Thành ngoài đó lo cơm nước cho chúng nó. Tối vợ chồng mìmh rảnh thay phiên ra đó mà ngủ. Chúa nhựt nghỉ học cho cô Thành đem chúng nó về trong nầy.
    - Nhà hay phố ngoài Sài Gòn họ bán mắc mua làm sao cho nổi. Lại mua nhà mua đất chết vốn. Có tiền phải dùng đúng việc chi cho sanh lợi mới được chớ.
    - Mua nhà mua đất như sau mình không dùng mình cho mướn hoặc ai muốn mình bán cho họ cũng có lời vậy chớ. Như anh không chịu mua nhà hay phố, thôi thì có ai bán xe hơi cũ anh mua để đưa rước hai đứa đi học cho lẹ.
    - Cha chả! Em tính mua xe hơi, kình rình quá.
    - Mua xe hơi cũ và xe nhỏ không tốn bao nhiêu.
    - Mua xe cũ máy trục trặc hoài, sửa riết rồi mang nghèo chớ. Lại còn phải mướn sớp phơ, đổ xăng nhớt, mua vỏ ruột, tốn hao dữ lắm, thà là mua nhà tuy xuất vốn nhiều hơn, song khỏi tốn hao, lại sau mình bán lại hoặc may có lời. Thôi việc đó để sau sẽ tính; để cho hai đứa nó đi học, coi nếu có điều chi bất tiện rồi sẽ hay.
    
    

- o O o -

    
    Chủ tiệm Thái Hòa đóng và bán tủ giường bàn ghế ở dựa đường Đất Hộ vô Bà Chiểu, nhờ tay thợ khéo, lại đóng thứ gì cũng đóng theo kiểu tối tân, coi đẹp mà giá rẻ, mà nói cho đúng, thiệt cũng nhờ ông bà chủ đều vui vẻ, bặt thiệp, mềm mỏng biết chiù chuộng mối hàng, bởi vậy mấy năm sau đây tiệm Thái Hòa nổi danh, rồi bực giàu sang ở Sài Gòn, Chợ Lớn, Phú Nhuận, Hòa Hưng, ai muốn dọn nhà cho rực rỡ, theo điệu kim thời, thì cũng tìm vô tiệm nầy lựa đồ mà mua, hoặc muốn kiểu nào hạp với ý mình thì đặt cho tiệm đóng. Tối ngày khách hàng vô ra không ngớt. Bà chủ phải giúp với ông chủ mà tiếp khách, bởi vậy cả vợ chồng đều phải mặc y phục đàng hoàng cho ra mặt chủ nhơn của cuộc công thương lớn, chớ không phải bận đồ mát xập xệ như hồi trước nữa.
    Trót mấy năm thời cuộc lộn xộn, binh đội Nhựt choáng hết mấy trường trung học lớn ngoài Sài Gòn, rồi kế binh đội Pháp tiến chiếm lại nữa. Vợ chồng Thái không muốn để sự học hỏi của con phải gián đoạn nên đem cho học đỡ tại trường tư thục ngoài Tân Định, lúc nào êm thì đi học, bữa nào lộn xộn thì ở nhà.
    Đến nửa năm 1946 trường trung học Trương Vĩnh Ký với trường nữ học Gia Long mới mở dạy lại.
    Thái liền xin cho Đào với Lý vào trường Gia Long học lớp ba đặng năm sau dự thi bằng trung học đệ nhứt cấp. Còn Tòng 13 tuổi có bằng tiểu học rồi thì xin vào trường Trương Vĩnh Ký học tiếp.
    Đã hơn hai năm rồi thấy con đi học mà đi xe kéo thường về trễ và đi sớm mệt nhọc, nên ông bà chủ tiệm Thái Hòa đã có mua một chiếc xe hơi 4 chỗ ngồi để đưa rước con cho mau.
    Năm nay Đào với Lý lên lớp cao, bài vở nhiều về nhà phải làm bài, học bài, hai chị em học giỏi thường xuyên được thầy khen, nên ráng sức mà giữ cho được ưu hạng trong lớp hoài không chịu để cho chị em bạn qua mặt.
    Cha mẹ thấy con gắng sức cần học thì vui lòng.
    Ông nghĩ con học lớp cao cần có chỗ thanh tịnh an ổn mà học mới tiện, chớ ở tiệm buôn bán rần rộ quá không thể khỏe trí định thần được. Lại bây giờ cả ba con đều học ngoài Sài Gòn hết nên cần phải có một cái nhà để ba con ở mà học cho yên và cho gần trường. Bà chủ để ý về việc đó đã lâu, nghe ông tính mua nhà ngoài Sài Gòn thì bà đốc thêm vô nữa. May mà lúc ấy người ta rao bán một tòa nhà trệt theo kiểu biệt thự có đất, có đèn nước, có nhà xe lại đường Testard bây giờ gọi là đường Trần Quý Cáp, gần ngã tư đường Flandin bây giờ gọi là đường Bà Huyện Thanh Quan.
    Một buổi chiều vắng khách ông bà chủ tiệm Thái Hòa lên xe đi rước con rồi nhơn dịp ấy về ghé xem cái nhà rao bán đó. Nhà tuy cũ song còn chắc, nếu sửa chút đỉnh thì ở được. Đất thì rộng, trước có sân lớn, hai bên với phía sau có sẵn cây cao che tàn mát mẻ. Chung quanh miếng đất lại có xây tường làm rào phân biệt, nên cuộc ở có vẻ êm ấm, khỏi chung chạ với ai hết.
    Xem rồi ông bà chủ với ba con đều ưng ý lắm. Nhưng ông chủ dục dặc, ông chê kiểu nhà xưa mà định giá tới 150 ngàn thì mắc quá. Thiệt hồi đó mà bán giá như vậy thì mắc. Bà chủ muốn quá, mà mấy con cũng đốc mua, bà nói được miếng đất lớn dầu mắc chút đỉnh, sau còn có chỗ cất thêm hoặc muốn bán lại cũng không lỗ mà sợ.
    Vì vợ con đều muốn mua, ông chủ phải chiù lòng. Ông tiếp xúc với người bán, hai đàng thương thuyết hơn một tuần lễ. Chủ nhà dứt giá chót là 125 ngàn không thể bớt được nữa.
    Ông chủ tiệm Thái Hòa nghĩ giá đó thì vừa nên chịu mua. Hai đàng dắt nhau đến phòng Chưởng khế, giao bằng khoán cậy lập giấy tờ mua bán. Ký tên xong rồi chủ mua chồng đủ số bạc chủ bán dọn đồ đạc chở đi.
    Ông chủ tiệm kêu thợ hồ mướn dậm sửa mấy chỗ hư và sơn phết trong ngoài cho sạch sẽ. Ông cũng mướn vài công nhơn phát cỏ, xây bồn bông giữa sân, trồng thêm cây trái theo mấy khoảng đất trống. Còn đồ đạc để dọn trong nhà mới thì ông biên theo thước tấc, định kiểu vở cho thợ trong trại Thái Hòa đóng toàn đồ mới hết, lại đóng bằng danh mộc, vì đồ cũ dùng thuở nay cây không tốt mà kiểu cũng lỗi thời nên ông tính để luôn trong tiệm coi có ai muốn thì bán lại cho người ta dùng. Nhà của chủ tiệm Thái Hòa thì phải dọn bàn giường ghế theo kiểu tối tân để quảng cáo mà kiếm khách hàng thêm nữa. Ông cũng mướn thợ chạm khắc một tấm bảng đồng để gắn trụ cửa rào, đề chữ "Biệt thự Thái Hòa" cho người quen dễ kiếm nhà.
    Từ đó mỗi buổi sớm mơi xe đưa ba trẻ đi học thì bà chủ đi theo. Bà ghé nhà mới trước đặng thăm chừng công cuộc sửa nhà và dọn vườn. Xe đưa trẻ em vô trường rồi trở lại, có bữa bà về liền, có bữa bà chờ sắp nhỏ học mãn giờ rồi bà rước luôn về. Buổi chiều thường ít khách, ông để bà thế coi tiệm cho ông đi. Vợ chồng thay phiên với nhau ân cần coi cho người ta dọn dẹp sửa soạn gần một tháng mọi việc mới xong xuôi hết, bàn đóng cũng đủ rồi.
    Bà mướn thêm một chị bếp nữa đặng chị nấu ăn cho nhà ngoài Sài Gòn, để cô Thành quét dọn trong nhà và săn sóc 3 đứa nhỏ. Còn ông đã có cậy một ông giáo viên hưu trí tên Hiệp, góa vợ, con đã có gia thất hết, phụ giúp công việc trong tiệm cho ông. Ông giáo coi biên chép sổ sách. Lúc nào chủ tiệm vắng mặt thì ông thay thế bán đồ và thâu tiền. Đêm nào ông chủ có về Sài Gòn thì ông giáo coi tiệm. Ông giáo lớn tuổi, giúp việc mấy tháng nay, ông bà chủ tiệm thấy người ôn hòa, chín chắn, kỹ lưỡng, đàng hoàng đáng tín nhiệm, nên không nghi ngại chi hết cũng như tín nhiệm ông thợ Hai ở dưới trại cây.
    Vợ chồng ông chủ tiệm lại lăng ông Thượng vái lại xin xăm đặng yêu cầu Ông chỉ ngày lành tháng tốt mà dọn về nhà mới. Xâm cho biết ngày hạp rồi ông bà mới đặt quay một con heo cho ông cúng đất đai. Cúng xong rồi chở heo quay bánh hỏi đem về tiệm đãi hết thầy thợ ăn nhậu một bữa.
    Ông dạy chở bàn ghế tủ giường đem hết ra, ông đứng sắp đặt chỉ chỗ cho người ta để. Bà với cô Thành thì tom góp áo quần mùng mền cùng đồ lặt vặt cần dùng hàng ngày mà chở đi, bà không quên cái rương của cô Lý hồi trước, bà chở riêng một xe với bà cùng tiền bạc và đồ nữ trang. Chị bếp mới thì chở dĩa chén chảo soong một mớ ra đó rồi coi thiếu thứ gì sẽ mua thêm, vì phải để lại trong tiệm đủ đồ cho chị bếp cũ nấu nướng cho ông chủ, ông giáo cùng mấy người gia dịch ăn, có lẽ chúa nhựt bà chủ với mấy cô cậu vô chơi rồi ở ăn cơm nữa.
    Bữa đầu vợ chồng chủ tiệm Thái Hòa phải ở ăn cơm rồi tối phải ngủ nhà mới với ba con; vợ chồng con cái đều vui mừng phỉ chí. Nhưng bữa sau ông chủ dậy sớm, ông biểu sốp phơ đưa ông vô tiệm rồi trở về sẽ đưa mấy em đi học.
    Bà chủ kêu chị bếp đưa tiền cho chị đi chợ rồi bà thay đồ đợi xe đưa mấy em đi học rồi trở về bà mới lên xe vô tiệm nữa, dặn cô Thành ở nhà coi nhà. Chừng gần tan học bà rủ ông về ăn cơm. Ông nói để ông ở trong tiệm ăn cơm với ông giáo và ông thợ Hai cho vui. Ông biểu bà lo nuôi ba con ăn học, để ông lo cuộc công nghệ.
    Từ đó về sau bà về thăm tiệm thường, còn ông thì năm ba bữa ông mới ra thăm vợ con một lần, mà có ra thường ra ban đêm ở nói chuyện chơi, chừng ngủ thì ông về ngủ chớ không bỏ tiệm. Cứ mỗi buổi chiều chúa nhựt ông mới về đặng chở vợ con đi chơi, rồi ở ăn cơm và ngủ ngoài Sài Gòn mà thôi.
    Mấy cô cậu hiểu ý cha như vậy thì sớm mơi chúa nhựt nào cũng vô tiệm thăm cha rồi rước cha về nhà đặng ăn cơm cho vui.
    Một bữa đương ngồi ăn cơm với vợ con ông chủ khen cái nhà lầu của ai ở một bên đây đẹp và lớn quá, lại cất trên một miếng đất rộng bằng hai đất bên nầy. Ông hỏi biết nhà của ai hay không?
    Bà chủ nói: "Ở mấy tuần nay em ra vô thì thấy cửa ngõ bên đó đóng hoài. Không thấy chủ nhà đi đâu, mà cũng không thấy khách nào tới. Em không hiểu nhà của ai mà ngày đêm im lìm. Ban ngày mở cửa ban đêm đốt đèn mà không thấy dạng ai hết".
    Cậu Tòng nói: "Có một anh lớn tuổi hơn con, học một trường với con, song học trên con tới 3 lớp. Ảnh mặc áo có gắn một một miếng nỉ đen trên ngực, chắc ảnh có tang chế. Ảnh đi học ảnh cỡi chiếc xe máy. Có bữa con thấy ảnh ở trong nhà đó mở cửa ra đi học. Vì học khác lớp con không quen nên không biết ảnh tên gì".
    Cô Thành đứng coi ăn, cô tiếp nói: "Bên nhà lầu đó có bồi có bếp đủ hết. Bồi bếp cũng hay mở cửa rào đi chợ hoặc đi mua đồ. Em thấy trong ga ra có để một chiếc xe hơi nhưng hổm nay em chưa thấy xe đi đâu. Mới vài bữa trước đây mấy cô đi học, bà đi vô tiệm, em ở nhà ra ngoài cửa đứng chơi. Tình cờ bên nhà lầu đó có một chị đàn bà chắc là chị bếp nấu ăn, hoặc ở dọn phòng - chỉ mở cửa ngõ đi ra. Chừng đi ngang qua cửa nhà của mình chỉ đứng lại mà hỏi ai mua nhà dọn về đây. Em nói ông bà chủ tiệm Thái Hòa trong Bà Chiểu. Rồi em cũng hỏi lại cho biết coi nhà lầu đó là nhà của ai. Chỉ nói nhà của quan lớn hồi trước mà không nói tên. Chỉ nói quan lớn mất gần một năm rồi, bây giờ bà lớn ở với cậu con trai còn đi học. Chỉ nói có mấy lời rồi chỉ đi. Em không hiểu ông lớn bà lớn nào đó. Mà thiệt hồi sớm mơi nầy tình cờ em thấy trên lầu có một bà bận áo đen đứng dựa cửa sổ mà ngó xuống vườn. Chắc bà lớn đó. Để thủng thẳng có dịp em sẽ hỏi coi bà lớn nào đó".
    Bà chủ nói: "Ừ, nếu có gặp chị đó nữa thì hỏi thử coi. Hỏi cho biết đặng tôi qua thăm mà làm quen. Ở khít một bên nhau mà không quen coi cũng kỳ lại mình là nhà công thương phải rộng giao thiệp đặng kiếm mối hàng".
    Ông chủ nói: "Phải gặp người ta ở ngoài đường hay là chỗ nào đó em làm quen trước rồi sẽ qua thăm sau, chớ chưa biết mặt, chưa biết tên mà em đến thăm ngang, ví như người ta không chịu tiếp, thì hổ thẹn cho em quá, thăm như vậy sao được. Em phải dè dặt. Mấy bà lớn không phải dễ đâu".
    Bà chủ nói: "Vậy chớ sao. Em dọ coi nếu người vui vẻ tử tế, ưa tiếp khách, thì em mới thăm, còn nếu người kiêu hãnh thì em tới làm chi, họ giàu sang mặc họ".
    Trước Lạ Sau Quen
    Còn có một tuần nữa thì tới ngày thi trung học đệ nhứt cấp. Học sinh nam nữ ở trường nào cũng ráng sức học ôn cho nhuần đặng tranh đua giựt giải với chúng bạn.
    Chương trình giáo huấn bày mở mấy hội từng cấp từng bực như vậy nghĩ không phải là việc vô ích. Phải thi đặng gạn bỏ bớt mấy trò biếng nhác mượn chước đi học đặng phá tiền của cha mẹ. Mà nhứt là phải thi đặng thúc dục thiếu niên nam nữ ráng sức chuyên cần và khi thi đậu rồi thì đắc chí hân hoan, lên cấp trên tiếp tục mà học tiếp.
    Cô Đào học giỏi hơn hết trong lớp. Trót một năm nay thầy thi mỗi môn học trong lớp duy có toán thì cô đứng hạng nhì mà thôi, chớ còn mấy môn khác thì cô giựt giải nhứt hết thảy.
    Cô Lý vì tánh chậm chạp nên cô học thua cô Đào. Tuy vậy mà cô giỏi toán hơn và trong lớp cô cũng đứng hạng ba hạng tư, chớ không phải dở tệ. Mấy cô giáo sư trong trường ai cũng kể chắc kỳ thi nầy hai chị em Đào với Lý đậu dễ như chơi.
    Mặc dầu sức học không thua ai, mấy tuần nay Đào với Lý đêm nào cũng thức học đến 11 hoặc 12 giờ rồi tới 5 giờ khuya kêu nhau thức dậy học nữa. Hai cô mắc học nên không vô tiệm. Mà chúa nhựt cũng ở nhà học với nhau chớ không chịu đi chơi.
    Vợ chồng Thái với Hòa thấy con lo lắng quá hai ông bà cũng không yên lòng. Ông có về thăm thì ông chơi một lát rồi ông đi, sợ ở lâu làm rộn con mất giờ học không được. Còn bà lãnh phần chăm nom dưỡng nuôi dạy dỗ con, nhứt là bà nhớ cái nhiệm vụ người ta ký thác, người ta yêu cầu nuôi Lý, phải thương yêu dạy dỗ đặng ngày sau lớn khôn Lý khỏi bần hàn vất vả, bởi vậy bà càng lo nhiều hơn ông nữa. Mà lo làm sao cho được. Bà cũng như ông, bà biết chữ Việt, đọc được, viết được vậy thôi, chớ có học gì đâu mà giúp cho hai con. Bà bối rối không biết làm sao: bà sợ con thi rớt quá, nên bà cùng thế phải chạy vô lăng Ông Thượng trong bà Chiểu khấn vái cầu xin ông giúp hai trẻ thi cho đậu, bà sẽ cúng heo quay mà trả lễ.
    Còn có hai bữa nữa thì tới thi, lúc mẹ với ba con ngồi ăn cơm tối, cậu Tòng nói với mẹ: "Con quen với anh ở nhà lầu một bên đây rồi má à. Ảnh tên Khánh. Kỳ thi trung học đệ nhứt cấp nầy ảnh cũng thi như chị Hai chị Ba".
    Bà Hòa cười và hỏi Tòng:
    - Con làm sao quen được?
    - Buổi chiều nay đến giờ chơi con đương đứng chơi trước lớp của con. Anh đó đi ngang qua với 2 người bạn cũng lớn như ảnh. Ảnh thấy con ảnh đứng lại hỏi con phải ba má mua cái nhà ở đường Testard dựa bên nhà ảnh, rồi dọn về ở mấy tháng nay đó hay không. Con nói phải. Ảnh nói ảnh thấy con mỗi bữa đi học với hai chị đi chung xe hơi với hai cô gái, phải hai cô đó là chị của con hay không. Con nói phải. Ảnh nói hai chị con học trường nào. Con nói học trường nữ trung học. Ảnh hỏi kỳ thi đệ nhứt cấp nầy hai chị con có dự thi hay không. Con nói kỳ thi nầy. Anh nói nếu vậy thì thi chung với ảnh. Tại vậy nên con mới biết ảnh thi kỳ nầy.
    Cô Đào nghe nói người đó sẽ thi chung với cô thì cô lo nên cô hỏi:
    - Anh đó học giỏi hay không em?
    - Ảnh học trên lớp ba, em biết đâu được.
    - Anh đó bao lớn?
    - Tuổi cỡ hai chị vậy.
    - Ảnh có xưng tên ảnh với em hay sao mà em biết ảnh tên Khánh.
    - Không. Ảnh cứ đứng nói chuyện với em. Hai bạn ảnh kêu tên ảnh mà rủ đi qua phía bên kia chơi nên em mới biết tên Khánh. Mà ảnh có hỏi em tên gì, hỏi luôn tên hai chị nữa.
    - Em có nói hay không?
    - Có chớ. Mình có tội gì mà sợ nên dấu tên. Ảnh cũng hỏi ba má làm việc gì ở đâu. Em nói có tiệm bán bàn ghế hiệu Thái Hòa ở dựa đường cầu Bông vô Bà Chiểu. Ảnh nói chúa nhựt ảnh hay đi chơi vòng Bà Chiểu, Phú Nhuận, Tân Định ảnh có ngó thấy tiệm của mình. Ảnh lại nói thi rồi kế bãi trường. Nếu ảnh thi đậu rồi ảnh khỏe trí ảnh sẽ rủ em đi chơi với ảnh. Nhà ảnh có xe hơi. Nhưng má ảnh có tang nên không đi chơi, còn ảnh đi học ảnh đi xe gắn máy cho gọn, bởi vậy không có mướn sốp phơ. Hễ thi đậu rồi ảnh sẽ xin má ảnh mướn sốp phơ cho ảnh đi chơi. Nói chuyện tới đó thì mãn giờ chơi nên phải rã ra sắp hàng vô lớp học lại.
    Bà Hòa hỏi Tòng:
    - Cậu Khánh đó nói chuyện với con bộ cậu vui vẻ không con?
    - Thưa vui. Ảnh học trên con mà coi bộ ảnh không làm phách với con như một hai anh khác.
    - Con còn nhỏ mà họ làm phách nỗi gì.
    - Ý, má đừng nói. Đi học có một hai anh lớn thấy mình nhỏ họ ăn hiếp thất kinh.
    - Biết mấy đứa như vậy đừng thèm lại gần nó.
    - Con chơi với mấy bạn trong lớp con. Mà bạn nào hiền lành tử tế con mới chơi. Con tránh hết mấy bạn hỗn hoặc liếng xáo.
    Đào với Lý ăn cơm rồi rút vô phòng riêng mà học, để mẹ nói chuyện với Tòng. Mà Tòng ra vô chơi với mẹ chút đỉnh rồi cũng mắc đi làm bài, bỏ mẹ nằm một mình trên di-van mà tưởng nhớ việc hai đứa con gái sắp đi thi, lại thi chung với học sinh nhiều trường, nhứt là học sinh trai nhiều quá, không biết con mình là gái chúng nó có theo kịp người ta hay không.
    Chiều chúa nhựt ông chủ tiệm về ăn cơm với vợ con, có ý xem coi Đào với Lý có sắp đặt sẵn sàng, đặng sáng thứ hai đi thi hay không. Ông thấy hai con đều bình tỉnh vui vẻ như thường, bộ hăng hái trông thi phứt cho rồi, không sợ chi hết thì ông vững bụng.
    Nghe Đào với Lý nói từ sớm mơi tới giờ cứ chơi cho khỏe trí, không cần học nữa, ăn cơm rồi ông mới biểu sốp phơ đem xe ra đặng ông với vợ con ông đi chơi một vòng cho mát, rồi về ngủ sớm cho hai trẻ khỏe khoắn, sáng mai vào trường thi trí bình tĩnh làm bài cho trúng và cho hay.
    Ban đầu ông dạy chạy qua Khánh Hội xuống cầu Tân Thuận, vòng theo Lăng Tô trở về cột cờ Thủ Ngữ, rồi do mé sông mà vô vườn thú băng qua cầu Thị Nghè. Ông dạy chạy chậm chậm đặng hứng gió. Chừng xe tới cái chòi của vợ chồng ông ở hẩm hút ngày trước thì ông xúc động nên một tay vỗ vai bà và một tay chỉ cho bà thấy. Bà gặc đầu và cười. Chừng tới ngã ba quẹo ra Bà Chiểu, ông cũng chỉ chỗ ông gặp cái rương chớ không nói một tiếng. Nhưng bà hiểu nên bà cũng cười. Trên xe có một mình Tòng vô sự nên hay nói chuyện, chớ Đào với Lý bị bận trí về việc thi cử, bởi vậy hai nàng ừ hữ với em vậy thôi.
    Chừng xe ra tới Bà Chiểu, ông bà chủ biểu chạy lại tiệm rồi ngừng cho ông xuống. Ông dặn bà sáng mai biểu Tòng kêu xe kéo mà đi học, để xe hơi cho Đào với Lý đi thi. Ông lại dặn anh sốp phơ chiều rước Đào với Lý về nhà rồi thì đem xe vô rước ông ra ăn cơm tối đặng ông hỏi thăm coi hai trẻ làm bài như thế nào. Ông dặn dò đủ hết, ông chúc cho Đào với Lý gặp may mắn luôn luôn rồi biểu thôi về nghỉ sớm đặng sáng dậy cho khỏe mà đi thi.
    Trí cứ lo việc hai con thi, đêm đó bà chủ thao thức hoài ngủ không thẳng giấc. Mới bốn giờ rưởi mà bà đã thức dậy. Muốn để êm cho con ngủ, bà mở cửa nhẹ nhẹ xuống kêu chị bếp với cô Thành. Bà đưa tiền cho chị bếp và dặn chị chừng 5 giờ đi xe kéo xuống chợ Bến Thành mua bánh mì thịt về dọn cho trẻ ăn lót lòng sớm. Bà biểu cô Thành chừng mua đồ ăn về thì cô nấu nước sôi cho sẵn đặng làm cà phê sữa cho trẻ uống.
    Đồng hồ gõ 5 giờ, Lý nghe nên cô lắc kêu chị dậy sửa soạn cho sẵn đặng đi tới trường thi sớm cho khỏi lụp chụp.
    Hai cô dậy rửa mặt bới đầu, bà chủ vô phòng biểu mở tủ lấy quần áo mới may đó bận đi thi coi mới được. Cô Đào cười lớn mà nói: "Đi thi bận đồ tốt chưng diện làm chi má. Rủi có rớt họ cười chết. Để hai con bận áo thường mà sạch sẽ cũng như đi học vậy thôi". Cô Lý cũng đồng ý với chị, rồi hai chị em soạn hai quần hàng trắng với hai cái áo tím than đã có bận đi học nhiều lần rồi. Bà chủ nói cô Đào nước da không được trắng, bận áo tím coi tối hù. Đào nói đi thi lo làm bài cho trúng, chớ lo chi gương mặt tối hay sáng. Tuy nói vậy, song hai cô đổi mà mặc áo hàng đen cho ra dáng nhu mì khỏi sợ ai khen chê gì hết. Hai cô đeo đồng hồ tay với bông tai xoàn nhỏ cũng như đi học mấy năm nay đó, chớ không đeo nữ trang nào nữa.
    Bà chủ nghe chị bếp đi chợ về, bà qua phòng bên kia kêu Tòng thức dậy đặng ăn lót lòng với hai chị rồi bà cũng sửa soạn thay đồ đặng đưa hai con đi.
    Trời vừa mới sáng, Đào với Lý sửa soạn xong rồi mới cầm viết với giấy trắng và giấy chặm đi ra. Bà chủ đứng nhắm nhía hai con. Tuy Đào nước da không được trắng nhưng tươi cười hãnh hãnh, còn Lý nước da trắng trẻo lại yểu điệu, hai trẻ không giống nhau, song mặc y phục như nhau có lẽ người ta biết là chị em; lại mỗi trẻ có một vẻ đẹp riêng nên người ta khó đoán ai hơn ai kém đựơc.
    Bà kêu sốp phơ biểu sửa soạn xe cho sẵn, phát tiền chợ cho chị bếp, đưa tiền cho Tòng bỏ túi đặng lát nữa kêu xe mà đi học rồi bà ngồi lại ăn uống với hai con.
    Vì đúng 7 giờ rưỡi thì bắt đầu thi, nên quá 6 giờ rưỡi Đào với Lý thôi thúc mẹ đi trước cho khỏi trễ. Cậu Tòng với cô Thành đưa ra xe vui vẻ chúc Đào với Lý làm bài trúng rồi xe rút chạy.
    Đến trước trường thi thì thấy cử tử nam nữ đã tề tựu được vài trăm rồi, đương lóng nhóng chờ giờ mở cửa mà vô. Bà chủ với hai cô xuống xe, Đào với Lý thấy có mấy bạn gái học một lớp đã tới nên lại chào mừng và nói chuyện.
    Cử tử tiếp tục tới hoài càng phút càng thêm đông.
    Đúng 7 giờ người ta mở cửa cho cử tử vô sân. Đào với Lý dặn anh sốp phơ trước 11 giờ thì đem xe hơi lại chực rước; hai cô khuyên mẹ về nghỉ rồi theo chúng bạn mà vô trường.
    Bà chủ thấy có hơn mười người đưa con đi thi, họ còn đứng lóng nhóng ngoài đường. Bà không chịu về liền, đứng chong mắt ngó chừng vô sân mà kiếm hai đứa con mình. Đến gần 7 giờ rưỡi cử tử vô phòng thi, ngoài sân trống trơn bà mới chịu lên xe. Nhưng bà nghĩ về nhà nằm một mình buồn lo khó chịu, bà mới biểu sốp phơ đi luôn vô tiệm đặng có nhiều người nói chuyện cho khuây lảng.
    Gần 10 giờ rưỡi, bà chủ sửa soạn đi rước con. Ông chủ đã dặn xe chiều sẽ vô rước ông nhưng thấy trưa rồi nên hết khách, lại cũng muốn biết gấp coi thi bữa đầu hai con làm bài khá hay không, bởi vậy ông dặn ông Giáo coi tiệm và đừng chờ ông về ăn cơm, rồi ông lên xe đi với vợ.
    Xe đậu trước trường thi, chờ đến 11 giờ rưởi cử tử mới ra. Vợ chồng ông chủ xuống xe rước con, thấy hai trẻ ra cửa mà mặt mày hớn hở tươi cười thì có ý mừng. Chừng nghe hai con đều nói làm bài luận pháp văn được lắm, thì hai ông bà vui vẻ hối con lên xe về nghỉ cho khỏe đặng buổi chiều mà thi nữa.
    Bữa cơm trưa vui vẻ vô cùng. Đào với Lý bớt lo, nên nói chuyện om sòm, Lý thường dè dặt lắm, mà bữa nay cô cũng hay nói như Đào. Tòng lại chen vô mà hỏi thăm cách thi và bài thi làm cho trong nhà có vẻ náo nhiệt. Cha mẹ ngồi nghe mấy con nói tía lia với nhau thì đắc ý nên chúm chím cười hoài. Ăn cơm rồi ông chủ nói để cho con nghỉ, ông biểu sốp phơ đưa dùm ông về Bà Chiểu rồi chiều sẽ trở vô rước ông nữa.
    Buổi chiều bà chủ cũng đưa Đào với Lý xuống trường thi, nhưng trong bụng bớt lo nên con vô sân rồi trở về nhà nằm nghỉ đợi gần 5 giờ bà mới đi rước. Chừng hai con ra cửa nghe hai con khoe làm bài được hết, bà thêm mừng nên biểu sốp phơ đi luôn vô tiệm cho ông hay. Ông vui mừng theo xe về nhà ăn cơm, chơi với vợ con rồi đêm đó ở ngủ tới sáng mới vô tiệm.
    Mấy bữa sau bà chủ cũng ân cần đưa rước hai con luôn luôn. Thi đến trưa thứ tư mới xong hết các bài viết. Bây giờ ban Giám khảo lo chấm bài thi. Ai cũng nói chiều thứ 5 chấm bài xong rồi mới biết ai đậu ai rớt.
    Đào với Lý làm bài được hết, chắc ý không thể rớt được nên lo đọc bài vở cũ lại chuẩn bị cho nhuần đặng thi hạch miệng. Ông chủ muốn để cho con yên ổn mà học, nên ông không về nữa.
    Đào với Lý cứ ở trong phòng khép cửa mà học, tuy làm bài được hết song hai cô nóng nảy, muốn biết mau coi đậu rớt thể nào. Chiều thứ 5, mới 3 giờ, mà hai cô thay đồ tính xuống trường thi coi đã dán bảng xướng danh hay chưa. Có mấy chục cử tử cũng đi thăm chừng như vậy, nhưng không thấy bảng lại nghe ban Giám khảo còn đương sửa bài, ai nấy đều thất vọng trở về hết. Gần 6 giờ Đào với Lý đi nữa. Chuyến nầy Tòng với bà chủ đi theo. Nhưng cũng chưa thấy gì hết.
    Ông chủ cũng không yên lòng nên tối bữa đó ông kêu xe kéo về nhà hỏi thăm. Nghe nói chưa xướng danh, ông ở chơi một lát rồi ông trở vô tiệm. Sáng thứ 6, bà chủ đi với hai con nữa. Tới trường thấy cử tử lao nhao rất đông. Mấy mẹ con xuống xe mà coi. Chị em bạn của Đào và Lý lại mà nói mới có một ông Giám khảo ra cửa cho hay lối 8 giờ sẽ có dán giấy biên tên mấy trò đậu bài viết, rồi bắt đầu kêu vô hạch miệng liền.
    Đào với Lý cười, trong thâm tâm thì chắc đậu, muốn hạch miệng phứt cho rồi, nhưng ngoài miệng lại nói với chị em: "Dán giấy riết đặng coi như không có tên thì đi chơi. Để lâu mình ngóng trông hoài mệt trí quá".
    Hổm nay bà chủ nghe hai con nói làm bài được nhưng bà không hiểu được thế nào, làm được mà hay và trúng hay không. Bây giờ gần dán tên, mà con lại nói xuôi xị, làm cho bà hồi hộp lo ngại.
    Cách chẳng bao lâu có hai người tay cầm một xấp giấy ở trong đi ra cửa trường. Mấy cậu cử tử trai la lớn: "Dán giấy! Dán tên đậu bài viết" rồi kéo nhau đi lại cửa chực mà xem. Mấy cô gái cũng lại, nhưng đứng vòng ngoài không muốn chen lộn với bạn trai.
    Người ta mới dán một tờ đầu. Một cậu trai đứng trước đọc lớn tiếng, đọc từng tên họ cho các cô cậu đứng sau xa nghe.
    Đào và Lý đứng với mẹ một khúm gần chỗ xe đậu song nghe rõ. Người ta đọc được to ba tên tới tên Lê Thị Lý. Đào day qua lại nói với mẹ: "Chị Lý đậu!". Bà chủ mừng, cười và bước tới vịn vai Lý. Nghe đọc hai tên nữa rồi tới tên Lê Thị Đào. Lý mừng liền nói:" Chị Đào cũng đậu vậy. Hai chị em mình đậu hết. Khỏe rồi. Đợi họ kêu mình vô hạch miệng luôn sớm mơi nầy cho xong đặng chiều mình nghỉ". Người ta dán luôn ba tờ giấy một dọc. Cậu trai cứ đứng đọc tiếp. Cậu đọc hết tờ đầu rồi, hoặc cậu mệt, hoặc có tên họ cậu rồi, cậu hết muốn đọc nữa nên cậu mượn cậu khác đứng một bên đó đọc thế, cậu thối lui ra sau.
    Có một ông ra la lớn: "Trò nào có tên trong ba tờ giấy đó thì vô liền đặng hạch miệng. Mấy ông giám khảo ngồi chờ ở trỏng. Vô mau đừng để mất thì giờ. Nhiều cô cậu rùn rùn vô cửa. Chỗ dán giấy bây giờ thưa thớt còn mươi người đứng dòm. Đào với Lý bước lại xem thiệt có tên họ đủ hai chị em, mới khuyên mẹ về để hai chị em vô thi tới 11 giờ sẽ cho xe lại chờ rước.
    Bà chủ mừng quá nghĩ đứng đây hoài vô ích nên lên xe biểu chạy vô tiệm cho ông hay hai con đã đậu bài viết rồi bây giờ còn hạch miệng. Ông giáo hay tin thì ông nói hai cô chắc nắm bằng trung học đệ nhứt cấp trong tay rồi, bởi vì đậu bài viết rồi qua hạch miệng ít rớt trong một trăm trò rớt hạch miệng chừng năm ba trò.
    Ông chủ nghe ông giáo nói thì ông hết lo, bởi vậy gần 11 giờ bà chủ đi rước hai con ông không đi theo; ông chỉ dặn chiều cho xe vô rước ông về nhà ăn cơm. Bà chủ đậu xe trước cửa trường chờ gần 12 giờ Đào với Lý mới ra. Hai chị em đều hớn hở cho mẹ hay đã thi các môn đủ hết rồi và môn nào cũng trả lời được chớ không có bí. Vậy chắc đậu rồi, nhưng số cử tử đông quá nên không biết chiều thứ bảy thì đủ hết hay chưa sợ phải chờ đến thứ hai mới dán tên đậu hoàn toàn được.
    Mấy mẹ con lên xe mà về. Xe vừa quanh vô sân thì cậu Tòng ở trong nhà chạy ra mừng hỏi: "Chị hai chị ba đậu bài viết hết sung sướng quá! Em mừng cho hai chị. Giỏi dữ a!".
    Cô Đào tánh may mắn lại vui vẻ nên vừa mở cửa xe bước ra vừa hỏi lại em:
    - Sao em biết hai chị đậu bài viết?
    - Anh Khánh nói.
    - Anh Khánh nào?
    - Anh Khánh ở một bên đây. Hồi nãy em về tới cửa gặp ảnh dưới trường thi về, ảnh nói ảnh đi coi bảng dán ngoài cửa có tên họ ảnh rồi. Nhưng người ta giành vô hạch miệng đông quá nên ảnh về, để 2 giờ rồi ảnh sẽ trở xuống thi hạch miệng, không gấp gì. Ảnh lại nói ảnh có thấy tên hai chị đậu nữa.
    - Thì phải đậu chớ sao rớt được. Hai chị cũng vô hạch miệng đủ các môn xong rồi hết, nói cho em biết. Em ghê chưa?
    - Ghê... Giỏi thiệt.
    Bà chủ nói: "Con biết khen giỏi thì con phải ráng học như hai chị con vậy nghe hôn".
    Tòng vừa nắm tay hai chị vô nhà vừa nói: "Chừng con lớn bằng hai chị, con còn học giỏi hơn nữa".
    Cô Lý cười và nói: "Em đừng có nói như vậy. Làm cho được rồi sẽ nói chớ nói rồi làm không được, hai chị cười biết hôn? Phải dè dặt phải cẩn thận tốt hơn nói hoác xước".
    Tòng cười.
    Cô Thành đã dọn cơm sẵn mà chờ từ hồi 12 giờ trưa. Mấy mẹ con về trễ đói bụng nên bà chủ biểu ba con ráp vô ăn rồi sẽ thay đồ, ăn kẻo đồ nguội hết.
    Đào với Lý thi xong hết, lại chắc đậu hết, nên trong mình nhẹ nhàng, theo chọc em Tòng chơi cho vui, ba chị em nói chuyện không dứt.
    Bà chủ ngồi ăn cơm nghe ba con nói chuyện bà đắc ý hết sức. Bà nói: "Hai con đi thi, hôm trước má lo quá, má có vô Lăng má vái Ông, vậy má phải đặt quay một con heo đem vô lăng cúng trả lễ cho rồi".
    Cô Lý nói: "Khoan đã má! Đợi người ta dán giấy cho hai con biết chánh thức đậu luôn về hạch miệng nữa rồi sẽ cúng không muộn gì. Có trễ lắm thì thứ hai sẽ xướng danh. Vậy đễ tuần tới rồi sẽ hay".
    Cô Đào cũng tiếp nói với cô Lý mà xin để thi xong hết, biết chắc kết quả đàng hoàng rồi sẽ cúng đặng ăn uống chung vui với nhau một bữa.
    Buổi chiều đó Đào với Lý không cần xuống trường thi nên để xe đưa Tòng đi học. Gần 4 giờ hai cô rủ mẹ thay đồ đặng đi rước em rồi đi luôn vô Bà Chiểu cho cha hay. Chừng rước Tòng lên xe rồi, Tòng lại biểu anh sốp phơ đi vòng xuống trường thi thăm chừng coi họ thi gần rồi hay chưa rồi sẽ đi Bà Chiểu.
    Xe xuống tới vừa gần ngừng thì thấy có một cô ở trong đi ra, mặt buồn hiu. Cô nói cô còn một môn nữa, nhưng cô mới bị ông Giám khảo hỏi sử địa ổng gắt quá nên cô buồn cô về để sáng mai sẽ thi tiếp. Hỏi trưa mai xong hết hay chưa thì cô nói còn đông quá sợ chiều mai cũng chưa rồi.
    Bà chủ biểu sốp phơ chạy vô Bà Chiểu. Đào với Lý thuật việc hạch miệng cho cha nghe, tỏ ý tin chắc đậu rồi ông biểu mẹ con về ăn cơm, ông khỏi về thất công.
    Bữa sau thứ 7, hai cô đợi gần 11 giờ mới lên xe xuống trường thi thấy cử tử còn lóng ngóng đông quá đứng chờ hạch miệng, hai cô biết chưa rồi nên đi vô trường Trương Vĩnh Ký rước em. Chiều gần 5 giờ đi rước em trước rồi trở ra trường thi cũng thấy còn cả chục cử tử chưa vô hạch miệng được. Ngoài cửa cũng có mấy chục người chờ dán bố cáo kết quả cuộc thi mà xem, có một thầy làm việc giấy trong trường ra về.
    Thầy thấy cử tử với người thân quyến đứng chòm nhom ngoài cửa, thầy hiểu người ta chờ coi tên mấy người đậu, thầy mới nói: "Bà con với mấy em về nghỉ, chờ làm chi thất công, bài viết chấm chưa rồi, mà hạch miệng lại còn cả chục trò nữa. Nếu bữa nay ban Giám khảo ráng làm việc tới 7, 8 giờ cho hết thì cũng còn cộng điểm coi trò nào đúng số mà đậu. Bởi vậy thế nào trưa thứ hai mới dán tên được.
    Đào với Lý thất vọng bèn đi Bà Chiểu rước cha về chơi, không thèm kể đến cuộc thi cử nữa, chừng nào rồi cũng được, phận mình đã xong, không cần phải lo.
    Qua sáng thứ hai bà chủ muốn yên lòng nên nhắc hai con đi thăm chừng coi người ta đã xướng danh hay chưa. Hai cô đã chán, nên dụ dự nói buổi chiều sẽ đi, để xe cho Tòng đi học. Đến 11 giờ xe đi rước Tòng. Bà chủ biểu Đào với Lý thay đồ đặng đi xuống trường thi luôn thể. Hai cô cũng dụ dự chưa chịu đi. Bà phải bận áo và biểu xe đi rước Tòng về rồi bà đi với Tòng. Hai cô sợ mẹ giận nên phải sửa soạn. Chừng xe trở về hai cô ra đi với mẹ. Tòng cũng nóng nghe kết quả cuộc thi nên cậu đi theo.
    Té ra xuống tới cửa trường thi thì hay người ta đã dán tên hồi 9 giờ rưỡi. Cử tử xem rồi kẻ vui người buồn đã tản đi về gần hết, chỉ còn mười mấy trò còn đứng trước mấy tờ giấy mà dòm. Tòng lật đật mở cửa xe đi riết vô đó mà xem. Bà chủ với Đào, Lý cũng đi theo sau liền. Một cậu trai đương đứng coi, cậu day lại ngó thấy Tòng đi vô thì cậu kêu mà nói: "Em Tòng, qua đậu rồi. Hai chị em cũng đậu nữa". Bà chủ với hai cô nghe báo tin như vậy thì mừng khấp khởi nên bươn bả đi riết vô, chắc cậu trai đó là Khánh nên quen với Tòng. Thiệt quả Khánh đương kéo Tòng vô đứng trước tờ giấy thứ nhứt và đưa tray chỉ mà nói: "Lê Thị Lý đây, còn Lê Thị Đào đây. Qua đứng bên tờ thứ nhì. Đây, Võ Văn Khánh đây".
    Tòng thấy rõ ràng, cậu mừng quá, day lại kiếm mẹ với hai chị. Té ra ba người đều đứng sau lưng, đương ngó mấy chỗ Khánh chỉ. Tòng bèn kéo Khánh day lại mà giới thiệu anh bạn của mình cho mẹ với hai chị biết.
    Khánh cúi đầu chào bà chủ và hai cô. Hai cô cũng lễ phép đáp lễ, còn bà chủ cười mà nói:
    - Cậu ở khít một bên, hổm nay nghe Tòng nói cậu cũng học một trường với nó nên nó quen, mà tôi chưa có dịp gặp cậu. May tình cờ gặp cậu đây, hay cậu cũng đậu cũng như hai đứa nhỏ của tôi. Vậy tôi cũng mừng cho cậu. Ở xóm mình kỳ thi nầy có tới 3 người đậu, thiệt cũng đáng mừng. Ở gần gũi nhau, hễ biết nhau thì cũng như bà con. Tòng có nói ở trong trường cậu thấy nó nhỏ cậu thương nó như em út. Cậu có buồn thì qua nhà chơi với Tòng, xem nó như em đừng ngại chi hết.
    - Cháu cám ơn bác. Ở trong trường cháu thấy em Tòng nhỏ mà dễ thương nên giờ chơi cháu hay nói chuyện với em, quen nhau là tại vậy. Nhưng lúc sau nầy mắc lo học đặng thi nên cháu không dám đi chơi. Cháu có nói với em Tòng nếu kỳ thi nầy cháu thi đậu thì chừng bãi trường cháu sẽ rủ em đi chơi với cháu.
    - Ừ, ở gần anh em chơi với nhau cho vui. Trưa rồi thôi cậu về ăn cơm và cho ở nhà hay đặng mừng cho cậu, sẵn có xe đây, cậu lên xe cho mau.
    - Cám ơn bác. Cháu có xe máy.
    Khánh liền cúi đầu từ giã bà chủ với hai cô, nắm tay Tòng mà cười rồi đi lại chiếc xe gắn máy dựng ở vách tường, bà chủ theo ba con lên xe hơi mà còn day lại ngó Khánh mà nói thêm: "Khánh đằm thắm và dễ thương, hèn chi Tòng ưa cũng phải", bà biểu sốp phơ chạy luôn vô chợ Bà Chiểu báo tin cho ông hay rồi trở về ăn cơm. Ông chủ với ông giáo ăn cơm vừa rồi, nghe Đào với Lý đậu chắc chắn thì mừng cho hai cô.
    Bà chủ để cho con vui với cha chúng nó một chút rồi bà nói đã quá 12 giờ rồi nên thúc con về ăn cơm kẻo đói bụng.
    Xe về tới nhà bà chủ kêu cô Thành mà cho hay Đào với Lý đã thi đậu có đăng tên trên bảng rõ ràng rồi. Cô Thành với chị bếp lên mừng hai cô rồi lo dọn cơm. Trong lúc ngồi ăn bà nói chiều nay bà đi đặt quay heo đặng sáng mốt cúng Ông cho rồi, không nên để trễ. Bà lại nhắc đến cậu Khánh, bà khen cậu ôn hòa chỉnh tề, bà nói Tòng làm quen với người như vậy là tốt lắm, đi học có anh có em chẳng sợ ai ăn hiếp.
    Cô Đào nói: "Trường con tới lớp ba là cùng chưa có lớp trên nữa. Vậy chừng khai trường tới đây mấy chị em con thi đậu trung học đệ nhứt cấp đều phải qua trường Trương Vĩnh Ký học lớp nhì chung với học sinh trai, chắc hai con sẽ học chung với anh Khánh".
    Bà chủ nói: "Vậy thì càng hay. Con gái đi học chung với con trai; có anh trai bảo bọc, người ta mới kiêng nể". Tòng hỏi: "Má định mốt má cúng Ông rồi về mà làm tiệc ăn mừng hai chị con thi đậu phải không?"
    Bà chủ cười mà nói:
    - Sớm mơi mắc cúng, rồi má đem lại tiệm chặt lấy một đùi sau với một miếng thịt đem về đãi mấy con chớ sao. Má cũng mời ba con về ăn chơi với mình cho vui, để ông Giáo ở trong ổng đãi mấy anh thợ.
    - Ăn trưa con muốn mời anh Khánh qua ăn với con. Được hay không má?
    - Được lắm chớ. Sợ cậu mới quen, chưa qua nhà mình lần nào, cậu ái ngại nên cậu không chịu qua.
    - Để con mời.
    - Ừ, con có muốn mời thì mời thử coi.
    
    
- o O o -

    
    Bữa thứ ba, học sinh các trường có dự thi bằng trung học đệ nhứt cấp, dầu trai dầu gái dầu đậu dầu rớt đều phải đi học lại cho tới ngày bãi trường, chớ không phải thi đậu rồi thì được phép ở nhà luôn.
    Trưa cậu Tòng đi học về cậu nói với mẹ rằng cậu có gặp Khánh đi học lại, cậu mời Khánh bữa sau sang nhà ăn cơm chơi với cậu. Khánh dụ dự, cậu nài nỉ quá nên Khánh hứa về xin phép với mẹ rồi tối sẽ trả lời.
    Chiều Tòng về nói Khánh đã xin phép mẹ được rồi và hứa trưa bữa sau đi học về rửa mặt rồi qua ăm cơm với mình. Vì còn sớm, chưa ăn cơm, Tòng ra cửa đứng chơi, Tòng thấy Khánh cưỡi xe gắn máy về. Vừa tới cửa ngõ Khánh ngừng và ngoắc Tòng, Tòng men men đi lại. Khánh rủ Tòng vô nhà chơi, kêu anh lái xe lấy nước cam nước đá đãi Tòng. Anh em nói chuyện cho đến tối đốt đèn Tòng mới về ăn cơm. Hai chị hỏi Tòng nãy giờ đi đâu. Tòng nói anh Khánh mời qua nhà uống nước cam với ảnh. Bà chủ hỏi có thấy má của Khánh hay không. Tòng nói bà ở đâu trong phòng hay trên lầu nên không thấy.
    Sáng bữa sau bà chủ dậy sớm sai chị bếp đi chợ mua rau, bánh hỏi, bánh mì cho nhiều. Bà lại dặn chị mua thịt, cá, gà về nấu ít món thêm đặng đãi khách, ăn bánh hỏi thịt quay rồi ăn cơm với cà ri và đồ mặn.
    Chừng xe đưa ba con đi học trở về, bà biểu chị bếp chia bánh hỏi với rau ra làm hai, bà đem một phần ra xe mà đi xuống chợ mua trái cây, mua bông huệ, mua nhang đèn và mua hai hộp bánh tây rồi lại chợ cũ chở con heo đã đặt cho tiệm quay đem vô Lăng mà cúng trả lễ cho Ông . Cúng rồi bà trở ra tiệm kêu chị bếp biểu ra phụ với anh sốp phơ bưng hết đồ vô, bà biểu chị chặt con heo để cho bà đem về một cái đùi sau với một khổ thịt cho ngon đặng đãi sắp nhỏ. Bà soạn đem về một hộp bánh tây với một mớ trái cây. Còn bao nhiêu bà giao cho chị bếp cất rồi đúng bữa cơm trưa dọn mà đãi thợ và người trong tiệm ăn uống mừng cho hai em mới thi đậu.
    Bà chủ mời ông về nhà ăn cơm với sắp nhỏ cho vui. Bà cũng mời luôn ông giáo nữa. Ông giáo nói ông đi nữa thì không có ai coi tiệm. Ông khuyên ông chủ về ăn chơi với mấy đứa cháu một bữa, để ông ở lại coi tiệm, thay mặt mà đãi thợ cho.
    Hai ông bà mới bưng thịt với bánh trái ra xe rồi từ giã ông giáo mà đi. Về tới nhà mới 10 giờ.
    Bà chủ tiệm biểu cô Thành giao thịt cho chị bếp, đi mua nước cam đá cho sẵn rồi sẽ đặt lên bàn. Bà lấy dĩa sắp bánh trái để tráng miệng. Bà thấy ông ra vô vui vẻ bà nói cho ông hay Tòng quen với con trai của bà ở nhà lầu một bên đây. Cậu đó tên Khánh học một trường với Tòng, học lớp trên, nên kỳ thi nầy đậu cũng như Đào với Lý. Cậu có rủ Tòng qua nhà chơi, rồi Tòng có mời cậu bữa nay qua ăn cơm với nó.
    Ông nói ở gần lại học chung một trường, làm quen đặng đi học có bạn thì tốt, chớ có sao mà sợ. Bà nói hôm qua đi coi đăng tên, Tòng gặp cậu Khánh, Tòng có trình diện cậu cho bà với hai chị biết. Bà coi Khánh lễ phép dễ thương. Mà Đào với Lý lại có nói chừng khai trường hai đứa phải qua trường Trương Vĩnh Ký mà học tiếp, chắc sẽ học chung lớp với Khánh. Ông nói nếu vậy thì cả ba đứa con mình học chung một trường, đưa rước tiện hơn.
    Qua 10 giờ rưỡi bà nhắc sốp phơ đi rước ba đứa nhỏ. Vợ chồng bà mới ngồi tại phòng tiếp khách bàn luận việc nhà với nhau mà chờ con.
    Ông nói với bà:
    - Hôm nọ má nó với sắp nhỏ đưa tôi về Bà Chiểu mà đi ngã Thị Nghè, lúc đi ngang qua chỗ mình ở hồi trước tôi cảm hết sức. Rồi tới khúc quẹo tôi nhớ việc tôi được cái rương tôi chở về nhà, tôi ngó con Lý thì tôi tức cười quá. Thiệt năm đó tôi đi bán chiếc xe máy lấy tiền cho má nó uống thuốc, không ai thèm mua hết, tôi đi về dọc đường mà rầu rĩ như người sống mà không có hồn. Tôi tưởng vợ chồng mình đã cùn mạng rồi, má nó không tiền uống thuốc tự nhiên phải chết, con Đào không có sữa bú cũng phải chết nữa. Vợ con chết hết, tôi còn sống làm chi. May tình cờ gặp cái rương tôi chở về nên ngày nay vợ chồng mình mới được như vậy. Không nên nói cho con Lý biết, nhưng thiệt nó là vị cứu tinh của mình.
    - Hồi đó anh tính đem lại giao cho bót. Em cản để mà nuôi, coi phải hay không? Nếu để cho anh đem ra bót, tự nhiên người ta giao cho nhà mồ côi, thì ngày nay nó đâu được ăn học có bằng cấp, mà chắc vợ chồng mình cũng không khá được.
    - Khá mới khỉ! Giao con Lý thì phải giao số tiền. Nếu mình chận số tiền bạc té ra mình ăn cướp tiền bạc của con nít mới đẻ hay sao. Thà đói thì nằm co mà chịu chết, chớ qua đâu nỡ làm thói gian như vậy được. Mà không có tiền thì má nó làm sao mà mạnh mà nuôi con Đào, còn tôi đâu có vốn mà buôn bán rồi lập nghiệp như vậy.
    - Người giao nó với tiền bạc cho mình, người ta cậy mình thương yêu nó, hoạn dưỡng nó dạy dỗ nó cũng như con ruột mình. Anh sợ em làm không kham. Em hứa em làm được. Anh coi có phải em làm xong hết hay không?
    - Xong chớ sao không xong. Thương Lý nên mới ra trước Tòa nhận nó là con mình sanh. Nuôi nó cho ăn cho mặc giống như Đào. Dạy nó và cho nó học thi đậu bằng cấp rõ ràng. Ba điều người ta ký thác mình đã làm vuông tròn hết cả ba. Vậy thì thôi, chớ biết làm sao nữa. Đồ của con Lý hồi nhỏ má nó giữ còn đủ hết hay không?
    - Còn đủ hết. Nhưng em giữ để làm vật kỷ niệm mà chơi vậy thôi, chớ ai nhìn nó làm con chắc em không cho đâu. Nó là con của mình có án Tòa chứng khai sanh hẳn hòi, họ kêu nài gì được.
    - Tôi có mong cho ai nhìn nó làm chi, ba đứa con thuở nay chúng nó cũng trìu mến nhau nữa. Rứt bớt một đứa chắc hai đứa kia buồn, mà vợ chồng mình cũng không vui gì. Tôi muốn giữ kỹ vật đó là vì tôi nghĩ bức thơ của cô nào viết mà gởi con đó tôi tội nghiệp cho thân phận của cô, bị việc nhà ép buộc sao đó nên cô phải chịu đau khổ cắt ruột gan mà bỏ.
    Hai ông bà nói chuyện tới đó thì xe đi rước ba con về đương quanh vô sân. Vợ chồng phải dứt chuyện, bước ra cửa đứng mừng con, ngó từng đứa ôm sách xuống xe, đứa nào cũng hớn hở vui cười, thấy trước mắt có con gái có con trai đủ hết mà đứa nào cũng thảo thuận ham học để lập thân, rồi nhớ sau lưng vợ chồng đã gây dựng được một sự nghiệp dầu không rực rỡ vinh quang hơn ai song cũng đủ cung cấp cho đời sống của ba con ấm no sung sướng. Ba trẻ vô cũng mừng cha mẹ rồi cất sách rửa mặt nói nói cười cười gây trong nhà một bầu không khí tưng bừng vui vẻ.
    Vì nghe có Khánh qua ăn cơm, Đào với Lý rửa mặt nhưng không thay đồ, bận luôn y phục đi học đó ra phụ với cô Thành mà đặt bàn, chỉ sắp đồ ăn nào để chỗ nào cho mỗi người đều gắp được. Hai cô tính một bên cha ngồi trên, Khánh ngồi giữa, và Tòng ngồi chót. Còn bên nầy thì mẹ ngồi trên. Lý ngồi giữa, và Đào ngồi chót.
    Nãy giờ Tòng cứ ra cửa ngó chừng Khánh, trông Khánh qua đặng ra tiếp mà dắt vô nhà cho khỏi bợ ngợ. Cách chẳng bao lâu, Tòng thấy Khánh vô cửa ngõ thì vội vã bước ra sân mà rước bạn. Ông chủ bà chủ ngồi trong phòng khách ngó ra, thấy hai trẻ thủng thẳng đi vô, Khánh mặc một đồ tây bằng bố xám chớ không phải đồ mắc tiền, song may khéo, ủi sát, cổ thắt rê gát đen, tại nút áo trên có gắn một miếng nỉ tang, chưn mang giày đen, đầu chải nhuốt, vóc cao lớn, bộ chẩm hẩm.
    Tòng mới nói cho Khánh hay có cha về ăn cơm, nên bước vô thấy ông bà chủ ngồi tại phòng khách thì Khánh liền chấp tay cúi đầu chào ông bà, gọi bằng bác, rồi chào luôn Đào với Lý đương đứng gần bàn ăn ở phía trong, sắc mặt cậu tự nhiên như người quen biết đã lâu rồi, không sụt sè nhút nhát chút nào hết.
    Ông chủ ngồi ghế ca-na-pê phía trong với bà, ông vui vẻ nói: "Tòng nói cậu cũng thi đậu kỳ nầy. Vậy vợ chồng tôi cũng mừng cho cậu. Anh em ở khít một bên nhau, lại học chung nhau một trường, qua lại chơi với nhau cho vui. Mời cậu ngồi, ngồi cái ghế gần tôi đây, đừng ái ngại chi hết. Ban đầu lạ sau sẽ quen, ở một xóm cũng như bà con một nhà, có chi đâu mà ái ngại".
    Khánh nói: "Cháu đáng con cháu. Cháu xin hai bác xem cháu cũng như em Tòng, đừng kêu bằng cậu".
    Ông chủ gặc đầu cười và nói: "Được vậy thì càng tốt".
    Bà chủ tiếp nói: "Vậy thì cháu ngồi. Tòng đem nước cam cho anh giải khát rồi ăn cơm con".
    Khánh ngồi, Tòng lấy ra 1 cái ly có nước đá. Đào với Lý cầm hai ve nước cam mà khui rồi Đào rót vào hai ly của cha mẹ Lý rót cho Khánh với Tòng.
    Bà chủ mời Khánh uống rồi hỏi:
    - Cháu để tang cho ai vậy?
    - Thưa, cháu để tang cho ba cháu mới mất hơn một năm nay.
    - Cháu được mấy anh em?
    - Thưa thuở nay má cháu sanh có mình cháu, bởi vậy cháu không có anh chị em nào hết.
    - Bác về ở đây mấy tháng nay, bác không thấy bà thân cháu ra vô. Bác muốn qua thăm đặng làm quen tới lui nói chuyện chơi cho vui, ngặt chưa thấy mặt nên bác ái ngại không dám qua.
    - Thưa, má cháu có bịnh đau tim lại hay chóng mặt. Hễ thấy xe chạy rần rộ, hoặc người đi đông đảo, thì má cháu chóng mặt và mệt muốn xỉu. Bởi vậy từ khi cháu năm sáu tuổi cho tới bây giờ má cháu lục đục ở trong nhà, không dám ra khỏi cửa.
    - Bịnh như vậy Đốc Tơ trị không được hay sao?
    - Má cháu nói hồi mới phát bịnh má cháu có đi Đốc Tơ tiêm thuốc cả năm, mà bịnh trơ trơ không giảm chút nào hết, má cháu phiền nên không thèm tiêm thuốc Tây hay uống thuốc nam nữa, cứ ở nhà lo bồi bổ sức khỏe vậy thôi.
    - Bà năm nay được bao nhiêu tuổi vậy cháu?
    - Thưa, mới bốn mươi tuổi.
    - Còn trẻ quá há!
    Nghe đồng hồ gõ 12 giờ, bà chủ đứng dậy ngó bàn ăn thấy đồ ăn đã dọn xong rồi, bà mời ông chủ với cậu Khánh đi ăn cơm, vừa ăn vừa nói chuyyện cũng được.
    Cô Đào đứng mời cha ngồi trên và mời cậu Khánh ngồi kế bên rồi biểu Tòng ngồi tiếp theo nữa, cô nói ngồi như vậy nói chuyện cho dễ. Còn bên kia bà chủ tự nhiên bà ngồi đối diện với ông, rồi hai chị em mới ngồi theo thứ tự đã tính trước, thành ra Lý ngồi đối diện với Khánh.
    Khánh mới làm quen với chủ nhà lại ngồi ăn cơm trước mặt hai cô gái đẹp, đồng chạng với cậu mà cũng mới thi đậu như cậu nhưng cậu bình tĩnh như thường. Tòng nói chuyện với cậu thì cậu vui vẻ mà nói lại. Cô Đào hay nói, cô hỏi thăm cách học trong trường Trương Vĩnh Ký, hỏi kỷ luật của nhà trường, hỏi mấy ông thầy khó hay dễ.
    Cậu Khánh nghiêm chỉnh, hỏi đâu thì cậu đáp đó, cậu cứ ngó ngay mà đáp không bợ ngợ, không sụt sè, lời nhã nhặn, bộ tự nhiên, chẳng khác nào cậu nói chuyện với bạn trai vậy. Mà Đào cũng như Lý thấy cử chỉ của Khánh đàng hoàng thì hai cô không ái ngại chi hết. Nghĩ trong vài tháng nữa đây mình sẽ qua học chung với cậu nên muốn nói chuyện mà làm quen trước đặng chừng qua trường mới, có người cũ dìu dắt trong buổi đầu, bởi vậy hai cô cứ hỏi thăm, kêu Khánh bằng anh, nhứt là cô Đào nói nhiều hơn hết, lại theo nài ép Khánh ăn cho no, đổi mấy dĩa đồ ăn mà để gần cho Khánh dễ gắp.
    Khánh nói chuyện cũng gọi Đào với Lý bằng chị hết, làm cho ông bà chủ thấy rõ Khánh thật tình, không có ý xằng xịu với con mình, như nhiều cậu trai khác, hễ gặp gái thì kiếm thế gieo tình hoặc chọc ghẹo. Hai ông bà vui lòng lắm, nhứt là bà chủ khen Tòng biết chọn người đúng đắng mà kết bạn, bà cũng mừng rồi đây Đào với Lý qua học chung với nam sinh, hai nàng sẽ có người đáng tin cậy chăm nom dìu dắt.
    Ăn cơm rồi cậu Khánh xin phép về liền đặng xem bài vở lại mà đi học buổi chiều. Lúc từ giã bà chủ dặn Khánh có rảnh thì qua chơi với Tòng đừng ái ngại chi hết.
    Chừng Khánh về rồi thì ông bà chủ khen Khánh là con nhà giàu mà không phách lối không vúc vắc, ăn nói lễ phép dễ thương cử chỉ đàng hoàng vui vẻ. Hai ông bà khuyên Tòng phải bắc chước Khánh mà tập tánh nết như vậy, chừng lớn mới được người ta khen ngợi kính phục.
    Sáng chúa nhựt bà chủ biểu Tòng bận đồ đặng đi vô tiệm chơi. Tòng xin lỗi với mẹ và nói: "Hôm qua anh Khánh rủ con sáng nay lối 8 giờ qua nhà ảnh chơi đặng ảnh đưa sách của ảnh cho con xem. Con đã có hứa lỡ với ảnh rồi. Vậy xin má đi với hai chị, để con ở nhà con qua chơi với anh Khánh. Ảnh có qua nhà mình mà ăn cơm rồi. Nếu con không qua nhà ảnh té ra con khinh rẻ ảnh".
    Bà chủ nói đã có hứa thì ở nhà đặng qua chơi với Khánh rồi bà lên xe đi Bà Chiểu với Lý và Đào.
    Đến 11 giờ ba mẹ con về, mà Tòng cũng chưa về. Bà chủ kêu hỏi cô Thành Tòng đi hồi nào, Thành nói bà chủ đi một chút thì Tòng đi. Bà không yên lòng, không hiểu con đi đâu xa hay không, chớ ở nhà chơi thứ gì mà lâu dữ vậy.
    Cách một lát Tòng lơn tơn về. Cô Đào đứng ngoài cửa mà nói: "Mới quen với người ta thì thăm chơi một chút rồi về, ở chà lết làm chi từ sớm mơi tới giờ. Má về má không thấy em, nãy giờ má không yên, má trông quá".
    Tòng cười ngỏn ngỏen đi vô thấy mẹ ngồi thì nói: "Má trông con hả má? Anh Khánh cứ cầm con ở lại chơi hoài, không muốn cho con về; ảnh nói chúa nhựt thì nghỉ, gấp về học hay sao mà đòi về. Ảnh dọn bánh đủ thứ mà đãi con, ba-tê, săng-úych, bánh ngọt, nước cam, xá xị, ảnh ép con ăn uống với ảnh muốn nứt bụng. Ăn uống no rồi ảnh mở tủ cho con xem sách của ảnh học. Chị Hai, chị Ba, trời ôi! Anh Khánh có mua sách đủ thứ, sách tốt lắm! Anh nói hồi trước ba ảnh mua bên Tây để dành cho ảnh học, thấy sách ham quá! Má nầy, ảnh biểu con ráng học cho giỏi chừng con lên lớp trên con có cần dùng sách gì thì ảnh cho mượn mà học. Hễ một lát thì ảnh ép ăn một miếng bánh, ăn chêm thêm hoài, nên bây gờ con còn no cành, chắc lát nữa ăn cơm không nổi... Ừ, chị Hai, anh Khánh có dắt em xuống ga ra coi xe của ảnh nữa. Trời ơi! Xe tốt mà lớn hơn xe mình. Ảnh nói có ghế xếp nên đi bảy tám người không chật. Từ khi ba ảnh mất rồi thì xe không đi đâu hết. Má ảnh biết cầm tay lái nhưng có bịnh nên không đi, bởi vậy xe nằm ga ra hoài, Mỗi bữa anh bồi chùi lau. Mỗi tuần má ảnh chỉ cho anh bồi vô dầu vô mỡ rồi má ảnh mở cho máy chạy một lát đặng máy nóng vậy thôi. Ảnh tính bãi trường thì ảnh xin má ảnh mướn một anh sốp phơ đặng đem xe đi rà máy lại cho đàng hoàng rồi ảnh chở em đi chơi với ảnh".
    Bà chủ hỏi: "Con có thấy má của cậu Khánh hay không?".
    Tòng nói:
    - Thưa thấy. Con qua ngồi nói chuyện với anh Khánh một chút rồi bà ra. Bà mới kêu anh bồi biểu bưng bánh ra cho anh Khánh ăn với con đó.
    - Bà oai lắm phải hôn con?
    - Oai là sao?
    - Oai là nghiêm trang làm bộ cho người ta phải sợ, phải kính phục, bởi vậy người trong nhà mới gọi là "bà lớn".
    - Thưa, không có đâu. Mặt bà không được vui. Bà nói chuyện chẩm rãi lắm. Song tiếng bà nói ngọt sớt. Bà lại đẹp người lắm má à.
    - Đẹp là sao?
    - Con có biết sao đâu mà nói. Con thấy bà ngộ lắm vậy.
    - Bà già rụng răng hay chưa?
    - Ý. Già ở đâu! Còn trẻ lắm mà, Bộ bà như chị ba con vậy song bà lớn tuổi hơn.
    - Bà có nói chuyện với con hay không?
    - Thưa có. Bà nói nhiều. Bà hỏi ba má, bà hỏi hai chị con. Chắc anh Khánh có nói với bà nên bà biết ba má có trại đóng bàn ghế mà bán trong Bà Chiểu. Ba mua nhà đây là mua cho má với ba đứa con đi học cho gần. Bà có ý muốn qua thăm má mà làm quen, đặng ở gần tới lui nói chuyện với nhau cho vui. Ngặt bà không được khỏe, bà chưa kịp qua thì con lại mời anh Khánh ăn cơm. Anh Khánh về nói ba má hiền lành tử tế, còn hai chị con vui vẻ lại học giỏi. Bà nghe như vậy bà có ý mừng, được nhà tử tế ở một bên. Bà cứ căn dặn con hễ có rảnh thì qua bển chơi với anh Khánh đừng ái ngại chi hết. Bà lại nói để lúc nào bà khỏe bà sẽ qua nhà mình mà thăm đặng cho biết má với hai chị con.
    - Bà nói điệu đó thì cũng dễ chịu, chớ không phải người ỷ giàu sang mà kiêu hãnh.
    - Thưa không có đâu. Bà tử tế, bà thương con lắm má à.
    Khánh với Tòng đã tạo ra sẵn một đầu cầu rồi, hai bà mẹ bà nào cũng có ý muốn thăm nhau, thế thì hai gia đình liên lạc nhau chẳng có chi khó nữa.
    Qua tuần sau, đến chiều thứ sáu, Tòng đi học về với hai chị, mới bước vô nhà Tòng thấy mẹ, Tòng liền nói Khánh có cho hay một chút nữa Khánh sẽ qua nhà chơi.
    Bà chủ hay như vậy bà dặn cô Thành chậm chậm chờ tối rồi sẽ dọn cơm, Đào với Lý mở tủ coi có nước cam hay không để lát nữa đãi khách.
    Chẳng bao lâu thiệt quả Khánh qua. Cậu vẫn còn mặc áo sơ mi với quần ống dài là đồ bận đi học. Tòng ra tiếp Khách mời vào phòng khách. Bà chủ với hai cô chào, bà mời Khánh ngồi cái ghế đầu ngoài, còn bà ngồi cái ghế phía bên kia mà đầu trong. Tòng ngồi một bên khách, đối diện với mẹ.
    Đào với Lý bưng ra hai ly nước đá, Lý để trước mặt Khánh với Tòng, chờ Đào mở nút ve mà rót nước cam rồi hai cô ngồi cái ghế ca-na-pê ngang phía trong, quen với Khánh rồi nên không cần trốn tránh.
    Bà chủ mời Khánh giải khát với Tòng, rồi theo phép xã giao bà hỏi thăm sức khỏe của bà lớn bên nhà.
    Khánh mới nói: "Thưa bác, má cháu yếu trái tim rồi hay mệt, hay chóng mặt, nên không dám đi đâu, chớ không có bịnh chi lắm. Hổm nay má cháu muốn qua bên nầy thăm chơi cho biết bác với hai chị. Má cháu dợm hoài mà không dám đi. Má cháu biểu cháu qua xin lỗi với bác và luôn dịp chuyển lời của má cháu mời bác với hai chị và em Tòng bữa chúa nhựt tới đây qua nhà chơi rồi ở ăn cơm trưa với cháu. Vì phận góa bụa trong nhà không có đàn ông, nên má cháu không dám mời bác trai, sợ không có người hầu chuyện. Má cháu dặn mời chừng chín mười giờ qua đặng có thì giờ nói chuyện lâu lâu chơi. Cháu xin bác với hai chị vui lòng mà nhậm lời qua chơi cho má cháu một chút kẻo bấy lâu nay có bịnh, đi đâu không được, bộ má cháu buồn quá".
    Bà chủ muốn nhậm lời qua ăn cơm đặng làm quen với bà lớn đó. Nhưng bà không biết đi như vậy có thất thể diện hay không. Bà muốn bàn việc nầy với ông rồi bữa sau sẽ trả lời. Bà đương dụ dự tìm cách mà đình đãi, thì cô Đào quen cách tọc mạch và mau mắn, cô biết nhà lầu của Khánh, biết bà lớn là mẹ của Khánh và nhứt là muốn xem tủ sách của Khánh coi thể nào mà hổm nay Tòng trầm trồ hoài, bởi vậy không đợi mẹ trả lời chấp thuận lời mời, cô vụt nói với Khánh: "Hổm nay Tòng cứ khen sách của anh tốt lại có đủ hết. Mấy em qua ăn cơm chơi, anh có thể cho em xem tủ sách của anh hay không?".
    Khánh nói: "Được, được. Tôi sẵn lòng. Hai chị muốn xem quyển nào thì lấy về mà đọc, đọc hết rồi đổi lấy quyển khác. Má tôi nói hồi trước sách bán rẻ mà ba tôi mua tới mấy ngàn đồng bạc, bởi vậy sách nhiều lắm".
    Tòng cũng hăm hở nói hai chị qua đó thấy sách hai chị cũng phải mê, sách học sắp riêng hai ngăn, còn sách cao kỳ riêng hai ngăn khác, học cho hết hai tủ sách đó thông thái lắm. Bà chủ nghe nói như vậy cũng như chúng nó đã nhậm lời mời rồi bà không thể đình đãi được, bởi vậy bà cậy Khánh về trao lời với bà lớn rằng mẹ con bà cảm ơn và hứa sớm mơi chúa nhựt sẽ qua đặng cho biết bà lớn.
    Khánh mừng nên uống cạn ly nước cam rồi từ tạ mà về đặng cho mẹ hay.
    Ăn cơm tối rồi bà chủ với mấy đứa con vô tiệm cho ông hay chuyện mời ăn cơm. Ông chủ nói mình mời thì Khánh đã qua ăn cơm với mình trước rồi. Bây giờ mẹ con Khánh mời ăn cơm để trả lễ. Vậy mấy mẹ con nên đi đặng quen với hàng xóm, có thất thể diện chỗ nào đâu mà ngại.
    Bà chủ yên lòng nên sáng chúa nhựt bà nói với mấy con rằng mình đến nhà giàu có sang trọng mà ăn tiệc, lại mới đến lần đầu thì phải ăn mặc cho đàng hoàng. Đào với Lý phải bận đồ mới và đeo nữ trang coi mới đựơc.
    Đào với Lý là nữ học sinh chưa biết ham lòe loẹt mà cũng không chịu sửa dáng, bởi vậy hai cô rửa mặt rửa tay sạch sẽ, tóc bới vén khéo vậy thôi, không dồi phấn son. Quần áo mặc toàn đồ mới, quần sa-tanh trắng, áo hàng màu tím dợt, mang săng-đanh trắng giống nhau, mà một tay đeo một cái đồng hồ một tay đeo một chiếc vàng chạm cũng giống nhau nữa.
    Bà chủ muốn cho người ta thấy rõ bà là một người mẹ chơn chất hiền lành, lo làm ăn mà nuôi con mà thôi, nên bà mặc quần áo đen, đi giày nhung đen, một tay đeo chiếc cẩm thạch, còn tai đeo bông xoàn hột trọng. Tòng bận đồ theo hạng học sinh niên thiếu, quần vằn, áo cụt tay, giày da đen.
    Vì người ta mời chín mười giờ, nên bà chủ chần chờ gần 10 giờ rồi mới biểu con đi, mặc dầu Tòng cứ theo thúc hối từ hồi 9 giờ rưỡi.
    Tòng qua lại đã quen rồi nên xăng xái đi trước, để cho mẹ với hai chị thủng thẳng theo sau.
    Vô tới sân bà chủ thấy mấy đám bông còi cọc xác xơ không ai tưới nước nhổ cỏ, còn những cây xoài, mít, đu đủ, vú sữa, trồng dài theo tường rào, nhờ mùa mưa nên nhánh lá sum xuê, nhưng không tay người săn sóc, nên nhánh giao bì bịt, gốc thì cỏ mọc tràn lan, xem như vườn hoang u tệ.
    Nhà lầu không lớn, nhưng cất kiểu thiệt đẹp, bữa nay các cửa mở hết nên thấy trong nhà đồ đạc hực hỡ, liếc mắt qua biết là nhà giàu sang.
    Ba mẹ con bà chủ vô gần tới thềm thì thấy cậu Khánh y phục đàng hoàng, mặc một bộ đồ ga bạt đinh trắng, mang giày đen, cậu đứng chực trên mà tiếp chào khách, có Tòng đứng sau lưng. Cậu mời khách vào.
    Bà chủ đi trước, Đào với Lý theo sau. Bà chủ vừa bước vô cửa thì một thiếu phụ tướng mạo thanh tao, dung nhan kiều diễm, ở bên phía tay mặt đi lại chấp tay cúi đầu và nói: "Tôi chào bà với hai cô ".
    Ba mẹ con bà chủ chấp tay cúi đầu đáp lễ, nhưng không biết có phải bà lớn hay không nên ngạc nhiên ngơ ngẩn.
    Khánh xông tới giới thiệu: "Thưa bác, má cháu mừng bác đó". Cậu xây lại nói với mẹ: "Thưa má bác đây là má của em Tòng. Còn hai chị đây, chị nầy là chị Đào, chị nầy là chị Lý". Nói câu sau cậu vừa nói vừa đưa tay chỉ từng cô.
    Bà chủ nhà nghe con tiến dẫn rành như vậy thì bà lộ vẽ ngạc nhiên, bà nhìn hai cô trân trân, rồi bà cũng đưa tay chỉ mà lặp lại: "Té ra cô nầy tên cô Đào, còn cô nầy tên cô Lý". Bà nhìn cô Lý từ trên đầu xuống tới dưới chưn rồi bà cười mà nói: "Thôi tôi mời bà với hai cô đi thẳng lại đây ngồi nói chuyện chơi".
    Bà chủ nhà đi trở lại phía tay mặt, là chỗ tiếp khách đàn bà, có lót một bộ ván gõ hai tấm, bề dày trên 2 tấc tây, chung quanh thành đều cẩn ốc xa cừ, 4 chưn tiện thiệt khéo. Trước bộ ván có để một cái ghế nghi đóng theo kiểu xưa, mà cũng bằng gỗ cẩn ốc, lau chùi láng bóng, trên ghế có để ô ăn trầu bằng bạc, với bộ đồ trà, bình chén đều là đồ xưa. Dựa vách tường, ngang cửa sổ, có đặt một cái bàn với 4 cái ghế, mỗi bên hai cái, bàn ghế đóng cây cẩm lai kiểu vở xưa cũng hay.
    Bên phía tay trái là phòng tiếp khách đàn ông, nên có dọn một bộ ghế sa-lông theo kiểu tây, nệm ruột gà bao nỉ xanh, ngồi rất êm, lại có lót một cái di-văn đóng bằng gõ phía vách và trên đầu có hộc tủ, để nằm nghỉ trưa hoặc đọc sách.
    Bà chủ nhà mời khách lại bộ ván cẩn ngồi uống nước. Đào với Lý để cho mẹ ngồi với bà chủ nhà, hai cô lại ngồi chỗ cái bàn dựa vách. Tòng cũng lại đó ngồi một bên Lý.
    Khách mắc ngó cùng trong nhà mà xem đồ đạc. Bà chủ nhà lại mắc liếc ngó Lý với Đào. Bà quên nói chuyện tiếp với khách theo phép xã giao, làm cho khách khó chịu với không khí nguội lạnh. Chừng bà sực nhớ lại bà lật đật nói với bà chủ: "Hôm trước tôi nghe trẻ trong nhà nói có người mua căn nhà dựa bên đây đương sửa soạn trong ngoài đặng dọn về mà ở, tôi không hiểu là ai. Sau thằng Khánh của tôi nó quen với cháu Tòng nó mới nói người mua nhà đó là ông chủ xưởng đóng bàn ghế mà bán trong Bà Chiểu, ông mua để cho vợ với 3 người con ở đi học. Tôi xẩn bẩn ở trong nhà hoài, tôi buồn quá, nghe bà có phước nên có con trai con gái đủ hết, tôi có ý muốn qua thăm bà đặng làm quen tới lui với nhau chơi cho vui. Ngặt tôi không được khỏe, nên không dám nới ra khỏi nhà. Chừng Khánh với hai cô ở bển thi đậu, ông bà vui mừng cho mời Khánh qua ăn cơm đặng chung vui một bữa. Tôi cảm tình quá. Khánh qua chơi rồi về nói ông bà hiền lành tử tế, còn hai cô học giỏi đàng hoàng thì tôi hết sức mừng, vì được lân cận với nhà biết điều, thì có ích cho con tôi, nó bắt chước mà học ở đời cho đúng đắn, tôi càng muốn qua thăm bà nhiều hơn nữa mà đi không được. Tôi sợ bà tưởng tôi là người vô tình, tôi mới làm gan vô lễ sai thằng Khánh qua mời bà với ba cháu qua ăn cơm chơi, tuy nói mừng con tôi thi đậu, song kỳ thiệt là tôi muốn nhơn dip nầy mà làm quen với nhau mà tôi xin bà đừng chấp phận tôi góa bụa, tại thiếu sức khỏe, hóa ra vô tình với bà con lối xóm".
    Bà chủ hổm nay tưởng bà lớn trọng tuổi, oai nghiêm kiêu hãnh lắm, không dè đến đây gặp thiếu phụ trẻ lại đẹp, mặc đồ đen sắc sảo, không có son phấn, đeo đôi bông tai cặp hột thiệt lớn trưu trứu, chớ không cần nữ trang gì khác, mà tướng mạo lại mỹ miều, lời nói lại thanh nhã, bởi vậy bà có ý mừng thầm nên bà mới cười mà nói:
    - Hôm mấy mẹ con tôi dọn ra đây được ít bữa, tôi nghĩ về ở gần bà lớn mà không qua thăm bà lớn trước vậy là vô lễ.
    - Tôi xin lỗi với bà cho phép tôi nói một lời, tôi yêu cầu bà đừng kêu tôi là bà lớn. Chị em ở gần với nhau tôi nhỏ tuổi hơn bà. Bà kêu tôi bằng em cũng được, mà có vị lắm thì kêu bằng cô vậy thôi.
    - Mới biết nhau tôi đâu có dám vô lễ như vậy.
    - Tôi bình dân lắm. Tôi lấy thiệt tình mà xin bà, chớ tôi không muốn phỉnh phờ hay là có ý khác đâu. Thiệt vậy đời nay mà còn bà lớn bà nhỏ làm chi.
    - Thôi, tôi xin phép kêu bằng bà trơn vậy thôi.
    - Muốn vậy cũng đựơc. Kêu bằng bà, bằng cô, bằng dì cũng vui lòng hết. Tôi chỉ xin đừng kêu bà lớn.
    - Tôi muốn thăm bà mà chưa biết, chưa quen, tôi sợ qua rồi bà không ra khách nên tôi không dám tới. May thằng Tòng tôi đi học, nó quen cậu Khánh. Rồi hai con nhỏ tôi đi thi tôi theo tôi gặp cậu Khánh tôi làm quen với cậu nữa. Tòng tôi qua bên nầy chơi, cậu Khánh thiệt tình, cậu không ái ngại, cậu qua ăn cơm với sắp nhỏ tôi nữa. Tại vậy chiều hôm kia cậu Khánh thay mặt cho bà mời mấy mẹ con tôi. Tôi nhậm lời liền, mừng có dịp thăm bà đặng làm quen chớ ở khít bên nhau mà không quen, gặp nhau lấy mắt mà ngó thì kỳ cục quá.
    - Tánh tôi cũng ưa giao thiệp lắm. Từ ngày tôi có bịnh đến giờ tôi không đi đâu được, giống như người tu trong nhà kín không biết trần gian nữa. Mà bà có con trai con gái đủ hết dầu sao bà cũng ít buồn. Thảm cho tôi có một mình Khánh chen ngoẻn, ban ngày nó lại mắc đi học. Tôi nằm chèo queo một mình, thiệt buồn hết sức.
    Bồi bưng ra một mâm có ba dĩa bánh tây, có nước cam có nước đá đủ hết. Khánh đi theo lấy 2 cái ly với một dĩa bánh để trên ghế nghi, chỗ hai bà ngồi. Cậu biểu anh bồi để cái mâm trên bàn chỗ Đào với Lý rồi qua bên sa-lông nhắc đem cho cậu một cái bàn nhỏ để trong góc. Cậu rót hai ly nước cam, mời hai bà ăn bánh và uống cho mát. Thấy anh bồi đã xách cái ghế nhỏ qua để trong góc, cậu kêu anh lại biểu bưng một dĩa bánh với hai ly nước cam để trên cái bàn nhỏ đó. Cậu mời Đào với Lý ăn uống thiệt tình như ở bên nhà, đừng ái ngại chi hết. Cậu biểu Tòng xách một cái ghế đem lại góc ngồi ăn uống với cậu rồi cậu cũng xách một cái ghế theo Tòng.
    Bà chủ bị mời ép quá phải ăn một cái bánh và uống vài hớp nước cam rồi bà hỏi bà chủ nhà:
    - Thưa bà, thuở nay bà sanh có một mình Khánh rồi thôi hay sao?
    Bà chủ nhà dụ dự một chút dường như suy nghĩ rồi mới đáp:
    - Tôi có sanh một đứa con gái đầu lòng ... Rủi nó ... mất hồi còn trong tháng. Qua năm sau tôi sanh Khánh rồi nín luôn không có con nữa. Tôi không có phần nuôi con gái bởi vậy bây giờ thấy con gái của ai tôi cũng thương quá. Bà có phước được tới 2 người gái, hồi nhỏ theo thỏ thẻ cho bà vui, lớn lên giúp bà các việc trong nhà, chừng bà già yếu có người chăm nom săn sóc. Bà sung sướng hơn tôi nhiều. Tôi có một đứa con trai chen ngoẻn. Thiệt nó cũng thương tôi lắm. Mà đối với mẹ, con trai sao bằng con gái. Con trai hồi nhỏ nó mắc lo ăn học, chừng lớn nó mắc lo cho vợ con nó, một ngày nó thêm xa mẹ nó một chút chớ có nhờ cậy gì đâu.
    - Thưa bà, con gái đời nay nó cũng phải học như con trai. Như hai đứa con gái cũa tôi đó, tôi có nhờ cậy gì đâu.
    - Cũng nhờ lắm chớ. Nhờ tình mẹ con dan díu, hai cô đi học về nói lăng líu cho bà vui. Nhờ hai cô là máu thịt của bà, nuôi hai cô là mục đích đời sống của bà, có sẵn người thân yêu trước mắt cho bà xây hạnh phúc, đỡ tai ương, con vui là bà vui, con buồn là bà buồn. Vậy chẳng phải khá hơn là sống giữa tối tăm mù mịt, không biết đâu là may đâu là rủi hay sao?
    Bà chủ nhà nói tới đây thì sắc mặt buồn hiu. Bà ngừng suy nghĩ một chút rồi bà day qua ngó ngay hai cô Đào với Lý mà hỏi: "Hai cô em năm nay được bao nhiêu tuổi?".
    Cô Đào mau mắn nên đáp liền: "Thưa bà, con 19 tuổi".
    Bà hỏi cô Lý: "Còn cô Lý, mấy tuổi?".
    Cô Lý đáp: "Thưa con cũng 19 tuổi, như chị Đào".
    Bà ngạc nhiên hỏi: "Ủa! Sao hai chị em một tuổi với nhau".
    Cô Đào đáp: "Thưa chị Lý sanh một lượt với con, má con sanh đôi, nên chị em con một tuổi".
    Bà càng ngạc nhiên hơn nữa. Bà hỏi: "Chị em sanh đôi sao coi không giống nhau? Mà ai ra trước, ai ra sau? Sao tôi nghe cô nào cũng kêu cô kia bằng chị hết vậy? Phải có một người chị, một người em chớ".
    Bà chủ cười và vội vã đáp: "Thưa bà, tôi sanh con Đào trước, con Lý sau. Theo thế tục thuở nay con Đào là chị, con Lý là em. Ai cũng nói như vậy hết. Có một mình cha nó không chịu vậy. Ổng nói thiên hạ hiểu không đúng theo ý của Tạo Hóa, họ thấy trước mắt chớ họ không xét sâu xa. Con sanh đôi đứa đậu thai trước nó nằm trong nên nó phải ra sau. Còn đứa đậu thai sau nó nằm ngoài nên tự nhiên nó ra trước. Con Lý ra sau, vì nó đậu thai trước, nên làm chị mới hợp lý, tôi không chịu ý đó. Vợ chồng cứ cãi nhau hoài. Ổng muốn thuận hòa ổng định hai đứa phải kêu nhau bằng chị hết. Tại vậy nên từ khi hai đứa biết nói, vợ chồng tôi dạy chúng nó kêu nhau bằng chị hết nên nó quen".
    Bà chủ nhà nói: "Ông chủ cải tục mà nghe cũng có lý chớ!"
    Bà khách nói: "Còn sự hai đứa không giống nhau, người ngoài ai thấy cũng đều nói như vậy hết. Duy có vợ chồng tôi biết chúng nó giống chớ, song một đứa giống bên ngoại, một đứa giống bên nội. Con Đào giống cha nó còn con Lý giống bà Ngoại nó".
    Bà chủ nhà cười rồi bà mời khách đi lên lầu chơi cho biết, bà dắt bà chủ với hai cô trở lại cửa đứng mà nói: "Từ ngày ổng mất đến giờ đồ đạc ổng dọn làm sao tôi để y như vậy, tôi không sửa đổi chi hết. Phía bên kia đó là phòng của ổng tiếp khách đàn ông của ổng. Cái bàn nầy để ngay cửa cái đây là bàn để cho khách đánh bài với ổng hoặc bữa nào khách ăn cơm thì dọn đồ tráng miệng.
    Khánh với Tòng đi với nhau ra ngoài sân kiếm coi có vú sữa chín mà hái chơi.
    Bà chủ nhà dắt khách đi vô trong. Phòng chính giữa là phòng ăn, có để một cái bàn lớn và dài, 12 người ngồi còn rộng. Vô phòng bên tay mặt bà nói đây là phòng Khánh học, có bàn viết, có một tủ kiếng lớn đựng sách từ trên xuống dưới ngăn nào cũng đầy. Còn phòng bên tay trái là phòng của Khánh ngủ, có giường đồng, có tủ áo, có bàn rửa mặt.
    Bà dắt khách đi luôn lên lầu coi chỗ bà thờ phượng coi phòng riêng của bà ngủ, coi một cái phòng nữa dọn cũng hực hỡ để đó đêm nào bà buồn bà kêu con lên nói chuyện cho vui rồi bắt nó ngủ luôn trong đó cho lợt bớt cái cảnh hiu quạnh. Lại có ván lót dựa cửa sổ để khi nực nằm đón gió cũng có phòng nhỏ lót bàn ghế thiệt đẹp đẽ để bà tiếp khách thân mật của bà.
    Đi xem đủ hết rồi, mấy mẹ con bà chủ lại thang mà xuống, cả ba đều thầm nghĩ không hiểu tại sao ở nhà cửa rộng minh mông, đồ đạc sắm hực hỡ, sống trong cảnh thần tiên, ăn không cần làm, muốn thì phải được, mà bà chủ nhà cứ thở coi bộ không vui, còn muốn gì nữa?
    Ba mẹ con đứng tại cửa sau ngó xuống nhà bếp, nhà bồi, thấy gia dịch lăng xăng lo nấu nướng, ngó trong ga ra thấy chiếc xe hơi lộng lẫy nằm chình ình chờ người lên máy đặng chạy đi dạo phố phường, hoặc đi xem phong cảnh.
    Bà chủ nhà mời khách trở ra phía trước, đi ngang qua phòng ăn thấy trên bàn đã trải tấm nắp trắng tinh, hai anh bồi lui cui làm việc không hở tay, một anh đương rải hoa hường trên bàn, một anh thì đem muỗng nĩa mà đặt 6 chỗ.
    Khánh đương xẻ trái đu đủ chín mà ăn với Tòng, thấy mẹ với khách ra thì nói: "Con gặp trái đu đủ chín con hái đây má. Đu đủ chín cây ngọt lắm. Chị Đào chị Lý ăn thử coi". Cô Đào lấy một miếng mà ăn. Cô Lý lắc đầu nói cô không thích đu đủ.
    Tòng hỏi hai chị: "Chị Hai chị Ba thấy tủ sách của anh Khánh hay không".
    Đào nói: "Thấy rồi, sách nhiều thiệt, nhưng tủ khóa nên chưa coi cho biết sách gì".
    Khánh nói: "Gần tới giờ ăn cơm, để ăn cơm rồi tôi sẽ mở tủ cho hai chị xem, hai chị mượn đọc quyển nào thì tôi cho mượn đem về mà đọc".
    Hai bà đi lại di-van mà ngồi uống trà. Đào với Lý đứng xem mấy tấm tranh với mấy tấm hình vẽ treo trên tường rồi dắt qua phòng khách đàn ông, Khánh với Tòng đi theo. Bà chủ nhà ngồi ngó theo mấy người nhỏ, nhứt là chăm chú ngó cô Lý hơn hết.
    Gần 12 giờ, một anh bồi ra nói nhỏ cho cậu Khánh hay tiệc sắp đặt xong rồi hết, mời khách ngồi được.
    Khánh bước lại trình cho mẹ hay rồi mẹ con mời khách nhập tiệc. Khách không dè bà chủ nhà đãi đồ Tây, nên Đào với Lý có vẻ ngạc nhiên.
    Khánh mời hai bà ngồi giữa, mỗi bà một bên, cô Đào ngồi bên phía tay mặt bà chủ, để Tòng ngồi bên tay trái, còn cô Lý ngồi bên tay mặt bà chủ nhà, Khánh ngồi bên tay trái thành ra Khánh với Đào lần nầy ngồi đối diện.
    Trong bữa cơm, bà chủ nhà ráng làm vui mà đãi khách, bà ân cần mời khách ăn, cứ ngó cô Lý ngồi một bên hoài, ngó bàn tay, ngó cách cầm dao cầm nĩa, liếc ngó miệng cười, lóng nghe giọng nói. Ai cũng thấy bà đặc biệt để ý đến cô Lý, bà kiếm chuyện mà nói với cô Lý nhiều hơn cô Đào mặc dầu Đào vui vẻ hay nói chuyện hơn Lý. Mà Lý, tuy trầm tịnh ít nói ít cười, song mẹ con cậu Khánh hỏi điều chi thì cô cũng lễ phép trả lời luôn luôn, cô không sụt sè hay lúng túng chi hết.
    Tuy lúc ăn cơm cho tới lúc ra cái bàn ngoài gần cửa giữa ăn tráng miệng uống cà phê, bà chủ nhà vẫn vui luôn luôn mà nói chuyện, song người nào có ý quan sát, có lẽ nhận thấy trong cái vui của bà có lộn nét buồn rầu ngầm ngầm, nét buồn ấy gốc ở trong thâm tâm mà phát hiện trên mặt, bởi vậy nếu gốc còn hoài thì không làm sao mà tuyệt ngọn được.
    Ăn uống xong rồi bà chủ muốn từ mà về đặng bà chủ nhà nghỉ trưa. Bà chủ nhà không cho, cứ cầm ở lại nói chuyện chơi cho vui, mà hai cô Đào và Lý cũng muốn xem tủ sách của Khánh, bởi vậy hai bà dắt nhau đi lại bộ ván mà nằm, còn 4 người nhỏ thì vô phòng học của Khánh rồi Khánh mở tủ sách cho Đào với Lý xem và lựa quyển nào thích hợp thì mượn đem về nhà mà đọc.
    Đến 3 giờ chiều mấy người nhỏ mới trở ra ngoài. Tòng có ôm 4 quyển sách trong tay. Bà chủ thấy con ra mới ngồi dậy từ bà chủ nhà mà về. Bà chủ nhà đưa mấy mẹ con ra tới thềm. Bà mời bà chủ hễ có rảnh thì qua đàm đạo chơi với bà cho bà bớt buồn cái cảnh hiu quạnh. Bà lại nắm cánh tay Đào và Lý mà dặn chúa nhựt nghỉ thì qua bên bà chơi, ở gần thì cũng như bà con, đừng ái ngại chi hết.
    Khánh đưa khách đi ra cửa ngõ. Bà mẹ đứng trên thềm chong mắt ngó theo, nhứt là ngó tướng đi của hai cô Đào với Lý, rồi bà nhếch miệng cười, cái cười ấy đã gần 20 năm rồi, không có ai ngó thấy.
    

Xem Tiếp Chương 3Xem Tiếp Chương 7 (Kết Thúc)

Chị Đào Chị Lý
  » Xem Tập 1
  » Đang Xem Tập 2
  » Xem Tiếp Tập 3
  » Xem Tiếp Tập 4
  » Xem Tiếp Tập 5
  » Xem Tiếp Tập 6
  » Xem Tiếp Tập 7
 
Những Truyện Dài Khác
» Liêu Trai Chí Dị
» Pie Đệ Nhất
» Thiên Thần Và Ác Quỷ
» Tuyết Bỏng
» Cuộc Đời Của Pi ( Phần II )
» Mao: The Unknown Story
» Con Lừa Và Tôi
» Trái Tim Không Cần Lý Lẽ
» Tình Ca Giáo Viên Miền Núi
» Cuốn Sổ Lớn
» Chuyện Tình New York
» Những Kẻ Điên Rồ Phải Chết
» Đau Thương Đến Chết ( Phần I )
» Hai Chị Em
» Giữa Cơn Gió Lốc
» Chỉ Một Lần Yêu
» Đi Qua Hoa Cúc
» Tình Trên Đỉnh Sầu
» Tôi Có Thể... Nói Thẳng Với Anh
» Hành Trình Của Sói
» Âm Mưu Ngày Tận Thế
» Cầm Thư Quán