Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Dài » Chuyện Làng Cuội Tác Giả: Lê Lựu    
    Đã có lúc ngồi một mình anh thốt lên chửi những con đàn bà ích kỉ đểu cáng. Vậy mà mỗi khi gặp sự tức giận định mắng mỏ, dằn hắt con điều gì, lập tức lời đe nẹt của mụ vợ lại như cái bóng ma vờn vỡn ở sau gáy, như hai hàm răng của mụ đang nghiến lại, rít lên: “Tôi biết mà. Anh còn thương đứa con riêng của anh hơn con tôi”. Thế là anh thấy chờn chờn. Dù mụ ta ở cách xa hàng trăm cây số vẫn thấy chờn chờn. Mà thực ra càng ngày anh càng thấy bất lực trước đứa con bất trị của anh. Song, cũng do mụ ta nanh ác với bố nên con bé đanh đá bất trị ấy có phần “dịu dàng” với bố hơn. Anh về đến nhà lúc nó đang ngồi với bà. Không thể tránh mặt được nó trong lúc bực tức nó, anh đành ngồi lại. Anh hỏi nó trước:
    - Huyền, về lúc nào? Nghỉ phép hay có công việc gì?
    - Con về làm ăn nhớn với bố đây.
    - Thế thì tuyệt vời. Huyện ta đang rất cần người vác đất khoẻ như con.
    Bà sợ hai bố con lại sắp sửa “vặc” nhau, vội vàng vun vào:
    - Nào thôi, Huyền đi nấu cơm cho bố ăn đi con.
    - Bà toàn ăn khoai làm gì có gạo.
    - Cái con bé này, toàn trêu bố. Gạo của bà ở vại ấy sao lại không.
    - Liệu có còn nổi một cân không bà?
    Hiếu:
    - Thôi ăn khoai cũng được, mẹ.
    Huyền:
    - Thì con đi nấu đây. Chưa chi bố đã tự ái.
    - Thôi, con ngồi đấy bố nói chuyện đã. Mẹ mang khoai ra đây cho con, mẹ.
    - Bác Nạc đã thì thọt với bố chuyện tối qua của con chứ gì?
    - Bố chưa biết. Bố hỏi con được nghỉ mấy ngày?
    - Con đi thực tập. Bố định cho con xung phong lặn xuống nước bốc bùn phải không bố?
    - Thực tập hả? Khoan. Để bố tính xem thế nào. Hay là thế này. - Anh dừng lại. Mẹ anh chờ đợi. Con Huyền giả vờ nghiêm trang. Anh nói tiếp:
    - Con có thích ở nhà với bà không?
    - Nhất bố ạ. Nhưng hết thời gian thực tập bố chỉ thị cho phòng giáo dục cho điểm mười và nhận xét con loại giỏi đặc biệt nhé.
    - Bậy nào. Phòng giáo dục đã mời bố mấy hôm nữa sẽ gặp mặt các giáo viên trong toàn huyện. Chắc là có đoàn thực tập. Bố sẽ đề nghị đoàn tham gia chiến dịch làm giàu của huyện. Nhưng không phải là vác đất. Tất nhiên nếu ai có tinh thần xung phong cũng rất hoan nghênh và không từ chối. Vì hàng mấy ngàn giáo viên, học sinh người ta cũng tham gia lao động quên mình cơ mà.
    - Thế thì chúng con làm gì?
    - Sẽ về các xã tổ chức các lớp học buổi tối. Toàn bộ các giáo viên trong huyện cũng chia theo từng cụm. Có đoàn thực tập về nữa, tốt lắm. Ngày lao động. Đêm học. Có lớp chỉ mười lăm người cũng dạy. Quan trọng là học sinh hiểu bài, hết chương trình là xong. Các giáo viên cũng luyện khả năng dạy toàn diện.
    - Người ta chia chuyên khoa là thừa hả bố? Con xin nói ngay là nếu bắt con đụng vào những môn văn sử địa là con “good bye” bố ngay đấy.
    - Thế mới phải rèn luyện. Các giáo viên ở đây họ đã tập huấn cả rồi. Mỗi môn, mấy chục tiết cơ mà. Riêng đoàn thực tập vẫn dạy theo chuyên khoa mình học. Thế là con yên tâm chứ gì?
    - Tiến tới học sinh huyện ta không cần xem xét kết quả học tập mà xem nó lao động vác đất có tốt không?
    - Kể cả như thế cũng chẳng làm sao. Những người anh hùng chăn nuôi, trồng đay, trồng lúa và thuỷ lợi của huyện này không ai học hết lớp năm, người ta vẫn có sáng kiến, có kinh nghiệm hơn hàng chục ông kĩ sư như những con mọt sách mà chả phát huy được sáng kiến, cải tiến kĩ thuật ở khâu nào. Nhiều khi còn cản trở khả năng sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của quần chúng.
    - Vì thế nên bác bí thư tỉnh uỷ trước đây mới lớp ba đã viết hàng đống sách dạy về kĩ thuật trồng lúa xuân lúa mùa, nông nghiệp tám, chín, gì đấy?
    - Từ thực tiễn người ta đúc kết thành kinh nghiệm cũng được chứ sao?
    - Lớp ba mà đòi đúc kết khoa học. Bác ấy có làm gì đâu mà bảo có thực tiễn. Thôi bố cứ đợi sau này có người người ta viết hộ rồi kí tên bố. Không cần nhờ xin thêm cái bằng kĩ sư thuỷ lợi nữa bố ạ.
    - Tao có việc của tao, không việc gì đến mày. Đừng giở trò ăn nói mất dạy.
    - Bố lại nổi nóng rồi. Con chỉ thấy nó buồn cười thế nào ấy. Giá bố cứ học từ lớp một, lớp hai cho con tử tế có khi...
    - Mày câm mồm đi. Đồ vô ơn bạc nghĩa.
    - Con không như bố nói đâu. Bà đây này. Bà không hề kể công, không bao giờ đòi phải trả ơn trả nghĩa. Nhưng nếu bà cần bảo con: cháu ơi, cháu hãy chết đi để cho bà được yên vui tuổi già, cho bà bớt được nỗi tủi nhục, con cũng không chần chừ sống thêm một giây nữa đâu.
    - Một kẻ phản động còn độc ác hơn kẻ bội bạc. Tối qua mày nói những gì ở xã này mày còn nhớ không?
    - Con nói sự thật. Không bao giờ con quên kẻ độc ác nào lại cho lấp đầm Cuội. Nếu cần, bố cho bắt con như bắt năm người tối hôm qua đi.
    - Mày còn ăn nói độc địa rồi sẽ có người gô cổ mày lại, còn bây giờ tao tát cho vỡ mặt mày để mày không thể làm giặc ở nhà này.
    Hai tiếng “bốp bốp” báo hiệu những câu nói của người cha có hiệu lực mười đầu ngón tay hằn đỏ hai má con gái. Cô bé đứng im, không né người, không chống đỡ, hai mắt cô trừng trừng nhìn bố và hai hàng nước mắt lặng lẽ chảy xuống. Bà Đất bê rổ khoai từ bếp lên. Thấy con sấn lại cháu, bà vội vàng vứt rổ khoai xuống bậc cửa chạy lại giữ lấy tay Hiếu khi anh đã tát con xong. Trước hai bàn tay run rẩy của mẹ, cái nhìn chằm chằm của con vào mặt mình. Hiếu thấy như chính mình đã tát vào mặt mình làm cho nó nóng bừng lên, máu trong đầu anh chạy giần giật, giần giật. Anh không còn đủ sức đứng lại. Lặng lẽ cúi mặt đi ra cửa, bước qua những củ khoai lăn lóc và tiếng nói lầm rầm của bà mẹ:
    - Sự thể làm sao, lại ra thế này? Cả hai bố con cùng đói. Có khổ không?
    
- o O o -

    Ở nhà Nạc, Hiếu niềm nở bắt tay các uỷ viên thường vụ đảng uỷ Đại Thắng.
    Thực ra việc làm của các anh đêm qua là rất ngu xuẩn. Nếu vào lúc khác tôi đã trị cho các anh vỡ mặt. Nhưng lúc này tôi phải để các anh hí hửng là có tinh thần trách nhiệm, ý thức cao, quyết tâm sắt đá. Anh vào việc ngay khi mọi người vừa ngồi xuống.
    - Tôi đã nghe anh Nạc nói tình hình. Muốn gặp các anh trong thường vụ. Trước hết thay mặt cho bộ Tư lệnh chiến dịch và thường vụ huyện uỷ, biểu dương sự vững vàng, không gì lay chuyển nổi của đảng bộ ta. Trước những sự cố xảy ra đột xuất của đêm qua, các anh vẫn giữ được tinh thần cho bà con, huy động lực lượng “ra quân” hùng hậu như sáng nay là cố gắng rất lớn. Bây giờ có hai việc phải làm ngay.
    Một, cho giải năm tên phá hoại lên huyện. Nói với công an đợi tôi về trực tiếp hỏi cung rồi tuỳ theo thái độ của chúng, huyện sẽ xử lí. Nhớ mang đầy đủ mọi tài liệu và tư trang của chúng. Khi giải đi, không cần trói, không cần đánh đập và có bất cứ lời lẽ nào sỉ nhục chúng. Nói với các anh ấy là tôi dặn: cứ cho chúng nó ăn uống no nê. Tinh thần cảnh giác của các anh rất cao, nghiêm túc bảo vệ nghị quyết của huyện uỷ. Nhưng đối với bọn này phải làm kín kẽ, không có nó lại be lên là địa phương chúng ta đối với con người như con vật, mất tự do, không có nhân quyền.
    Việc thứ hai: chuyện con Huyền nhà tôi. Tội của nó nguy hại, gây ảnh hưởng xấu, còn ghê gớm trực tiếp hơn mấy thằng kia rất nhiều. Thú thật với các anh, về đến nhà, tôi đã không thể giữ nổi bình tĩnh, xông vào tát cho nó đến vỡ mặt mà trước khi sang đây các anh đã nhìn thấy mặt nó còn hằn bàn tay của tôi. Trong trường hợp này, các anh bình tĩnh hơn tôi. Bắt nó vào lúc này, lập tức tiếng tăm đồn ầm lên, con bí thư huyện uỷ chống lại nghị quyết của huyện uỷ. Nếu như thế thì tác hại đến chiến dịch sẽ không ai lường nổi. Tôi không chỉ cảm ơn các anh là cái tình đối với tôi. Tôi đang nói với cương vị của một bí thư, tổng tư lệnh chiến dịch, biểu dương các anh có tầm suy nghĩ sâu sắc, đã không xử lí nóng vội, biết hi sinh cái riêng của xã mình phục vụ cho cái lớn của toàn huyện.
    Cả năm đồng chí thường vụ đều cảm thấy như bí thư ám chỉ sự tỉnh táo bình tĩnh của chính mình nên tất cả các cánh mũi đều nở ra phập phồng nghe bí thư hướng dẫn cách xử lí tiếp. Lúc ra về ai cũng gật gù khen bí thư huyện uỷ quả là cao tay. Bố đánh con là tình cảm riêng trong gia đình. Còn việc chung của xã lại khác. Tối hôm đó, bí thư đảng uỷ đến nhà coi như không hề biết chuyện gì xô xát của gia đình. Ông bảo Huyền:
    - Tối qua, nghe cháu nói, bác định gặp cháu nhưng bận quá, bây giờ mới đến được.
    - Có nguy hiểm lắm không bác?
    - Hay lắm. Nghe cháu nói cứ như nhà văn, nhà báo ý. Bác định đến bàn với cháu như thế này. Hàng ngày các bác tổng hợp kết quả lao động hăng say của nhân dân xã ta rồi cháu thêm văn vẻ, dấm ớt vào gửi cho đài phát thanh huyện người ta phát thanh cho mình thì quý hoá. May cháu về đây, cố làm sao cho xã ta không thua kém xã nào. Bác sẽ xin với huyện để cháu ở lại đây. Cháu cứ làm nhà báo còn sau này huyện khắc lo khi cháu hết thời hạn thực tập. Cháu phải làm sao cho xã mình mở mày, mở mặt ra. Mấy năm nay làm bao nhiêu mà không được lên đài lên báo cũng vứt.
    Con bé đỏ mặt bẽn lẽn, mồm nói: “Cháu không biết làm đâu”. “Để cháu suy nghĩ xem thế nào”. Nhưng rõ ràng trong bụng thì thích quá. Giao cho nó làm “nhà báo” tức là bịt mồm nó lại. “Cô nói giỏi thì cô cứ viết đi”. Viết lên, thấy rắc rối phức tạp không đúng ý chỉ đạo của huyện, không đọc thì thôi bắt bò nhau à? Bố nó nói đúng thật. Cứng bao nhiêu, thì giòn bấy nhiêu. Những con bé càng đanh đá, càng bất cần thì càng dễ phỉnh. Từ người đầu bạc răng long, đến một đứa hỉ mũi chưa sạch ai chả thích được phỉnh, được hơn người. Chính những con “cứng vỏ” ấy là rất thích hơn người. Chỉ cần cho nó chức tổ trưởng chỉ huy một tổ viên, là nó đã thích. Dù không thích làm, vẫn thích được có vai trò hơn người. Nhất là “không có cháu, công của xã mình như công cốc không ai thèm biết đến”. Thế là cháu thấy mình quan trọng quá. Quả là bố mày cáo thật. Nhưng dao sắc không gọt được chuôi, phải nhờ ông trị mày đấy cháu gái ạ.
    Cũng vào lúc chập tối hôm nay bí thư huyện uỷ bước vào phòng khách sang nhất của huyện. Trên bàn bày đầy bánh kẹo, bia, thuốc lá như tiếp khách quan trọng của bộ. Ngồi quanh đấy là năm bảy anh tuyên huấn, văn hoá thông tin, giáo dục và năm vị “tù nhân”. Bí thư bỏ qua những cán bộ trong huyện, anh tươi cười nắm tay như vồ lấy từng vị khách quý. Anh nói rằng việc làm của xã Đại Thắng đã làm anh xấu hổ về sự thất thố và thiếu hiểu biết của chính cái xã mình. Nghe báo cáo, anh đã ra lệnh cấp tốc phải đưa những người bạn anh, anh đã vinh dự được biết tên mà chưa hề biết mặt về huyện. Anh cũng xin lỗi vì đang bận đi kiểm tra bây giờ mới về để gặp mặt các anh được.
    - Thôi thì, dù sao cũng là lỗi của chúng tôi. Xin các anh tha thứ vì từ nay chúng ta như những người bạn quý của nhau! Lúc nào các anh cần, cứ điện cho tôi và anh em tuyên huấn, văn hoá giáo dục cùng ngành với nhau ở đây. Chúng tôi sẵn sàng làm bất cứ việc gì có thể làm được phục vụ cho công việc nghiên cứu sáng tạo của các nhà văn nghệ sĩ và nghiên cứu, giảng dạy.
    Những lời ngọt hơn kẹo, say hơn cả bia Trúc Bạch làm các “nhà” đều chếnh choáng cảm động ôm chầm lấy bí thư mà hứa hẹn, mà “nhất định sẽ kéo nhau về đây làm một việc gì đó chứng tỏ sự khâm phục sâu sắc của chúng tôi với những việc làm lớn lao, đầy sức thuyết phục, tầm cỡ thế kỉ cả. Nhất định huyện này sẽ đi vào thế kỉ 21 như đi lên Thiên Đàng”.
    Cái Thiên Đàng đã bắt đầu hé mở lúc 11 giờ đêm. Tất cả các cụm đều báo về kết quả ngày “ra quân” đầu tiên đều tăng năng suất từ 200 đến 270 phần trăm so với kế hoạch. Cứ khí thế này, phát huy nó lên, “đồng thời nổi dậy” vừa quy hoạch ruộng đồng, đường sá, vừa quy hoạch các thôn xóm (bây giờ phải gọi là đường phố cho nó quen dần đi) vừa xây dựng cơ bản cho các nhà máy sản xuất chế biến. Chỉ cuối năm là có điện sáng trưng, máy cầy máy bừa, máy gặt, máy đập lúa, máy chặt đay là cứ chạy ầm ầm suốt đêm. Cẩn thận nghe không quen là đinh óc lên đấy. Những con đường trước mắt chỉ rải nhựa đủ cho ô tô tránh nhau, mai kia sẽ thành đường một chiều cho bao nhiêu xe đi mà không phải tránh nhau, mất thì giờ. Nhà cửa người ta cũng làm ở chỗ khác, mang về đây chỉ việc lắp lên, muốn bao nhiêu tầng cũng được. Lúc ấy tha hồ mà cao ráo mát mẻ không còn ruồi muỗi, chuột bọ, giun dế, dĩn, bọ mạt.
    Có lẽ trên đời này, không ai có đầu óc mơ mộng hoang tưởng phong phú bằng bà con nông dân. Do khổ cực lâu, thiếu thốn nhiều quá, long đong chờ đợi quá nhiều nên người nông dân thèm thuồng, ước muốn nhiều quá. Để thoả mãn, có khi chỉ cần hạt tấm nhưng bao giờ người ta cũng ước những cái đình. Nghĩa là, phải ước cái lớn lao nhất, hoàn hảo hơn tất cả bàn dân thiên hạ, khắp bàn dân thiên hạ không thể có, không thể trông thấy. Những cái đó chỉ có trời và thánh có phép thần thông biến hoá mới tạo ra được. Nó không cần đến cái vật chất cụ thể, cái hoàn cảnh và điều kiện cụ thể. Nó không cần cả những quy luật tự nhiên và tình cảm con người.
    Quyết tâm sắt đá không gì lay chuyển nổi của tỉnh uỷ là phải xây dựng bằng được hình mẫu nông thôn mới, bắt gặp cái mong ước, mơ tưởng ngàn đời của bà con nông dân cộng với sự thèm khát trở thành kẻ tiên phong hơn người của Hiếu là những yếu tố quyết định đẻ ra được cái huyện làm ăn lớn đã ba năm rồi. Gần mười năm sau, những cây cột điện bằng xi măng vẫn xếp hàng đứng giữa cánh đồng như những bàn tay cụt quyết tâm đâm lên trời kiên nhẫn chờ đợi những tấn dây tải đã được duyệt cấp phát từ mười năm trước mà không biết nó còn nằm ở đâu? Những nhà máy ầm ầm ì ì suốt ngày đêm? Quên đi. Từng đàn máy bay phun thuốc sâu? Quên đi. Những đường nhựa xe chạy một chiều cũng quên đi. Chỉ còn lại những con đường liên thôn liên xã vẫn lầy lội gồ ghề, có chỗ mặt đường chỉ còn bằng hai bàn chân đặt ngang. Có chỗ được xẻ rãnh ngang qua vừa để tháo nước vừa cho các cháu đặt một miếng gỗ làm “di vu”. Người đi qua “nộp thuế” thì không bị lội. Cái chiến dịch hàng năm giời với hàng chục người chết vì kiệt sức, vì tai nạn, hàng trăm người bị đánh trói, cầm tù vì chống đối cũng đã quên. Hàng nghìn ngôi nhà bị phá dỡ đều có thể quên đi. Chỉ còn bà Đất là người ta nhớ: “Mẹ ông Hiếu làm ăn nhớn đấy”. Những người nông dân vốn tiếc của, không thể để mất một xu, nên có hai chuyện nữa mang tính triệt để như mệnh lệnh thời chiến, làm toàn dân thiệt hại đồng loạt không nhiều lắm nhưng đến hết đời họ còn ấm ức, còn không thể quên.
    Chuyện thứ nhất. Ông Hiếu ngồi gãi chân sồn sột ở quán nước. Hai thanh niên lai sọt không, vứt xe nằm nghiêng ở bờ, chỗ con đường đi xuống đò rồi vào ngồi đối diện với ông Hiếu. Hai bên không biết nhau. Hai anh uống rượu nhắm đậu sống chấm mắm tôm, chanh và bàn bạc tính toán với nhau. Hiếu biết đám này đang chờ đò sang quê mình mua chuối, sáng mai lai lên thành phố bán. Hôm nay đã là 20 ta. Dân mua chuối rất nhiều, nói chung là đắt hàng. Hiếu hỏi, làm thân.
    - Tết nhất người ta mua chuối làm gì, các chú?
    Một người hơi nghiêng mặt tỏ vẻ khinh thường. Người kia nuốt xong miếng đậu hỏi lại:
    - Ông bác ở đâu, nghe như trên trời rơi xuống phải không? Em nói bác biết, tất cả các tỉnh thành, đặc biệt ở Hà Nội có hàng chục triệu gia đình cần chuối bày mâm ngũ quả. Cứ gọi cho mỗi gia đình cần một nải thì đã phải có hàng chục triệu nải chuối. Rồi còn bao nhiêu hàng bún ốc, hàng lươn, hiệu bê thui, dê tái, bao nhiêu người thèm ăn thịt lợn ba chỉ luộc cần đến chuối tiêu. Nhà ông bác ở đâu, có chuối không? Nhiều à? Có đến hàng nghìn buồng không? Chúng em xong tất cho. Trả tiền ngay bác một lúc. Hai thằng mỗi chuyến tám buồng khoảng năm sáu chục nải một ngày, hết veo. Chúng em làm ăn “nhớn” cứ công khai đàng hoàng. Ông bác cứ phát biểu đi. Chúng em “vô tư” ngay.
    Thật khốn nạn cho bọn “ngựa non háu đá”, không biết người biết ta. Ngồi trước mặt hắn là người đang trăn trở tìm tòi những cung cách làm ăn tập trung có quy mô lớn. Mấy năm nay mất bao nhiêu công sức xây dựng nề nếp “quân sự hoá” chỉ huy thống nhất toàn huyện qua hệ thống truyền thanh. Mọi việc cứ răm rắp. Vậy mà cái “đặc sản” chuối của huyện lại để cho nơi khác xen vào, làm ăn manh mún từ bao giờ? Anh đang ghét cay ghét đắng sự manh mún cá lẻ thì hai thằng đến “khai thác” nguồn chuối ở quê anh lại “lạy ông tôi ở...”.
    Đêm đó, vào lúc chín giờ, chương trình sân khấu cải lương tối thứ bảy được ngắt lại ba lần để đọc lệnh của chủ tịch huyện cho các xã phải cấp tốc lập các trạm kiểm soát ở tất cả các bến đò ngang đò dọc, bến áp mạn ca nô, các thuyền bè đang đỗ cạnh bờ sông, các chợ, bến xe, các đường mòn, lối tắt. Nghĩa là tất cả mọi con đường ra khỏi huyện đều phải có trạm kiểm soát trong vòng ba tiếng đồng hồ tới. Kể từ không giờ ngày hôm nay tất cả chuối tiêu, dù chỉ một nải không được ra khỏi địa phận của huyện. Ai đã bán mà chuối chưa mang đi thì trả lại tiền. Huyện sẽ mua theo giá thị trường. Cả đêm hôm ấy từ các cơ quan huyện đến các xã rậm rịch như bài “ghi nhanh” của đài truyền thanh “huyện ta” đã nói. “Mùa xuân đến sớm. Tết đã đến với bà con nông dân huyện mình”. Các cơ quan thương nghiệp chủ trì chính trong công việc này đã tính xong một dự toán: Một nải chuối mua ba đồng bán 15 đồng. 45 nghìn hộ, bình quân mỗi hộ 5 buồng. Toàn huyện có 18 triệu nải chuối. Lãi 180 triệu đồng bằng 36.000 tấn gạo theo giá ngoài. Trong một tuần làm lợi 36.000 tấn gạo bằng cả một vụ thu hoạch, đâu phải là nhỏ. Cử người đi thuê sà lan, ô tô lên Hà Nội thuê bãi, làm “kho”. Huyện đội, công an tổ chức lực lượng bảo vệ, áp tải. uỷ ban huy động xe bò, xe cải tiến, xe công nông chuyển chuối ở những nơi ô tô không đến được, ra tập kết ở bờ sông. Tất cả mọi công tác chuẩn bị chỉ được phép triển khai trong hai ngày, hai đêm. Đúng sáng ngày 23 đã có mẻ chuối đầu tiên xuống sà lan và nội nhật trong ngày hôm sau, “triển khai” bán luôn. Cả huyện nô nức chặt chuối khiêng vác, đùn đẩy vận chuyển ra sông. Đài truyền thanh “huyện ta” suốt ngày đêm biểu dương các cá nhân, các ngành các xã đi đầu trong chiến dịch. Những bài học lớn chỉ đạo, tổ chức, kế hoạch cũng kịp thời được tổng kết. Tất cả mọi thứ đều hoàn hảo, đều đạt tới đỉnh cao của sự nhất trí trên dưới, đều nhanh gọn tuyệt vời. Chỉ có một khuyết điểm nhỏ thuộc về khách quan là cho đến 27 tết vẫn không ai mua một nải nào. Cán bộ thương nghiệp mặt mũi sớn sác chạy về báo cáo lí do: Bọn gian thương buôn bán trốn lậu thuế vô tổ chức, không hề có chỉ đạo, quản lí. Chúng để chuối trong sọt ở hai bên xe đạp, bày ra mẹt, ra thúng, đặt lên miếng vải nhựa, thậm chí bày ngay ra cả đất trông rất manh mún, lộn xộn ở tất cả các chợ, các ngã ba, ngã tư ở lề đường. Chưa có ai mua, chúng đã nhao nhao mời chào rất mất trật tự. Chúng đã tranh hết khách của chúng ta. Từ tối 27 trở đi đài “huyện ta” chỉ thấy hát cải lương, tuồng và chèo không thấy đả động gì đến chuối. Đến tối 29 tết, bằng sự quen biết và khả năng giao dịch của mình, Hiếu bí thư huyện uỷ đánh xe “lồng” đi khắp các công ty rau quả van nài để họ nhận cho tất cả số chuối của huyện. Trừ giập nát, hư hao trộm cắp, rơi vãi thất thoát mất gần một phần năm. Số còn lại bán chịu. Tính bình quân cũng được hào rưỡi một nải. Mua ba đồng bán được hào rưỡi, chưa kể tiền thuê xe, thuê sà lan, công bốc vác và mấy trăm cán bộ các ngành chạy ngược chạy xuôi hàng tuần lễ. Ban chỉ đạo chiến dịch quyết định lấy các khoản tiền khác như kinh phí đắp đê, thuỷ lợi, điện khí hoá “đập” cho chuối, cũng đủ trả cho mỗi hộ một phần bảy giá bán. Còn lại, nhà nước “chịu”. Gần 10 năm trời chưa thấy ai nói lại cái khoản nợ đó và không biết đòi ở ai khi những cán bộ chủ chốt, lúc bấy giờ không ai còn ở huyện. Nghe đâu chuyện đó có được thường vụ và uỷ ban “rút kinh nghiệm”. Thế là hết chuyện thứ nhất theo cách nói của anh đội Quyền thì: “Đấy, nó là như thế”.
    Gần hai năm sau lại có chuyện thứ hai. Chuyện tiêu tiền lẻ. Chuyện này không biết anh nghe được ở đâu đó trên thường vụ hội đồng bộ trưởng, văn phòng quốc hội hoặc ở tài chính, ngân hàng gì đấy. Với một bí thư tiếng tăm lừng lẫy như anh, lại là nơi tập trung thí điểm của tỉnh, có bao nhiêu người muốn áp lại làm quen, để đi lại thân thiết và mách bảo những điều còn là bí mật mà rất nhiều quan chức cao cấp của nhà nước cũng chưa thể biết. Cái tin ấy dù sớm hay muộn nhất định sẽ xảy ra.
    - Sắp đổi tiền đấy. Liệu mà làm ăn.
    - Tiền cũ được đổi bao nhiêu?
    - Số lượng và tỉ giá chưa quyết định nhưng chỉ đổi tiền chẵn thôi.
    Vậy là sắp đổi tiền. Phải tích trữ hàng, thóc và thực phẩm! Tất nhiên phải hạn chế việc bán ra. Còn mua vào? Lượng tiền mặt của huyện cũng không đáng kể. Không cẩn thận lại hoá ra mình tàng trữ! Không sao. Ta có cách của ta. Họ đổi tiền chẵn. Ta tiêu tiền lẻ. Chuẩn bị sẵn thật nhiều tiền lẻ tiêu dần. Khi có lưng vốn trong tay mặc kệ thiên hạ xáo động, lên xuống. Đây là chuyện tày trời không thể tuỳ tiện, buông thả. Anh chỉ gặp riêng chủ tịch, vốn là “cánh tay” đắc lực của anh, người sẵn sàng ra lệnh, kí vào tất cả mọi quyết định hệ trọng. Anh nói lại cái tin tuyệt mật ấy với những chữ “hình như”, “xem ra”, “có thể”... Rồi hỏi:
    - Anh thấy thế nào. Bằng cách gì đó để ta không bị động, lệ thuộc.
    - Chắc nhất là ta cứ tiền lẻ ta tiêu.
    - Ý anh hay. Anh về đi. Nếu sáng mai không thấy tôi bàn lại gì, anh cứ quyết định rồi trao đổi riêng với ngân hàng tài chính, thương nghiệp. Chú ý: Coi như chuyện này anh nghe loáng thoáng ở hàng nước, ở bến xe bến tàu họ nói giá cả sẽ tăng, đời sống cán bộ công nhân sẽ khó khăn, bấp bênh. Chúng ta cần tiền lẻ 20 đồng, 50 đồng để phát lương, phụ cấp và mua bán thuận lợi hơn: “Tiền lẻ hơn thẻ thương binh” mà. Ta phát tiền lẻ cho anh em, họ có điều kiện chi tiêu dè sẻn, chắt chiu. Cầm tiền trăm, tiền nghìn dễ phung phí lắm.
    Thế là có một “chiến dịch” thì thào từ bà bán bánh đúc riêu cua đến ông hoạn lợn, từ cô mậu dịch viên đến anh răng vàng hàn dép nhựa. Ở tất cả mọi chợ, mọi hàng quán, mọi xó xỉnh đều lặng lẽ “quán triệt” cái ý thức tiêu tiền lẻ. Kể cả khi bán con trâu, con bò, cái cát xét, ti vi phải mang quang thúng đi gánh tiền lẻ cũng nhất quyết không tiêu tiền chẵn. Bao nhiêu người không hiểu tại sao. Nhất là người ở huyện khác đến đây họp chợ không tài nào hiểu nổi sự quái gở, dị dạng khác thường ở đây. Kệ. Huyện này là thế. Ai không thích mời đi chợ khác mà họp, mua bán ở nơi khác. Ngạc nhiên mãi rồi cũng phải quen. Kêu ca, chửi bới chán rồi cũng thấy nhàm. Đã họp chợ ở đây là phải mua bằng tiền lẻ. Thế thôi. Một tháng sau có lệnh đổi tiền thật. Tiền chục không đổi thật. Huyện này tài thật. Không biết ai nghĩ ra hoặc được báo trước, hoặc ai phán đoán mà biết trước hàng tháng, tài thật. Coi như đi trước một bước. Nhưng một chục chỉ còn bằng một đồng. Chỉ vài tháng sau thì không ai mua bán bằng cái giấy hai chục và trông thấy đồng năm chục rơi, ngại không muốn nhặt. Những đồng tiền lẻ chỉ tiêu loanh quanh trong huyện với nhau, rất khó tiêu ở ngoài. Nhất là những người ở tỉnh thành họ trông thấy mướt mả mồ hôi, khệ nệ khoác từng ba lô, gánh từng bao tải, chở hàng ô tô tiền lẻ đi mua hàng, họ lăn ra cười gọi nhau xô đến xem, như đi xem thằng hề ở rạp xiếc... Mặc cả xong xuôi rồi, người mua giở tiền ra trả. Trông thấy toàn tiền lẻ, lập tức người bán hàng giật lấy hàng của họ lại, buông ra những câu khinh miệt lạnh lùng. “Đợi nhé”. Mua bằng thứ tiền ấy có ma nó “rây” vào các ông. “Nào thôi “gút bai” lấy chỗ cho tôi bán hàng”. Nhưng đấy là cảnh ngộ của cấp dưới, của dân chúng. Còn các người chủ chốt của huyện thì họ bận đi họp, đi báo cáo điển hình không biết chuyện gì. Mà các anh ấy có tiêu tiền đâu. Các anh chỉ thị phải tiêu tiền lẻ nhưng lương đem đến cho vợ con các anh toàn tiền chẵn. Các chị ấy tính toán, chi tiêu, ăn uống theo cách của người tiêu tiền chẵn, chứ có phải nhem nhếch như những người đã nghèo lại tiêu tiền lẻ? Còn các anh, cần gì đã có người phục vụ, thậm chí chưa nhớ hết mặt những đồng tiền mới. Mấy năm sau chủ tịch vẫn được điều lên làm trưởng ty công nghiệp. Còn bí thư lên làm phó chủ tịch thứ nhất, chuẩn bị thay thế chủ tịch. Anh đi điều dưỡng ở Đồ Sơn rồi sau đó đi nghỉ ba tháng ở nước ngoài. Nhưng có người lại bảo anh long đong về chuyện vợ con nên phải đình chỉ công tác và “đá lên”. “Đấy, nó là như thế”.
    

Xem Tiếp Chương 18Xem Tiếp Chương 18 (Kết Thúc)

Chuyện Làng Cuội
  » Xem Tập 1
  » Xem Tập 2
  » Xem Tập 3
  » Xem Tập 4
  » Xem Tập 5
  » Xem Tập 6
  » Xem Tập 7
  » Xem Tập 8
  » Xem Tập 9
  » Xem Tập 10
  » Xem Tập 11
  » Xem Tập 12
  » Xem Tập 13
  » Xem Tập 14
  » Xem Tập 15
  » Xem Tập 16
  » Đang Xem Tập 17
  » Xem Tiếp Tập 18
 
Những Truyện Dài Khác
» Liêu Trai Chí Dị
» Pie Đệ Nhất
» Thiên Thần Và Ác Quỷ
» Tuyết Bỏng
» Cuộc Đời Của Pi ( Phần II )
» Mao: The Unknown Story
» Con Lừa Và Tôi
» Trái Tim Không Cần Lý Lẽ
» Tình Ca Giáo Viên Miền Núi
» Cuốn Sổ Lớn
» Chuyện Tình New York