Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Dài » Một Người - Một Đời Tác Giả: Lê Mỹ Hân    
    Ngày 27 Tết, tôi sai bé Trân đi chợ mua đồ trái cây về chưng bàn thờ tổ tiên. Con bé cầm tiền, hỏi lại:
    - Mua trái cây nào hả dì?
    - Mua thứ nào cũng được nhưng phải có đủ ngũ quả (cầu-dừa-đủ-xài) có thêm mấy trái sung nữa thì tốt.
    Tôi ké theo xe honda của nó qua nhà chị Lan, sáng chẳng có việc gì làm, tôi qua đó uống cà phê tán dóc. Hôm nay tôi muốn dặn chị Lan mua ít đồ ăn tết cho cả hai nhà. Bánh chưng chị họ tôi từ Hà Nội gửi vào cả chục cái, giò lụa, giò thủ đã có người khác mang biếu, thịt bò Hạnh gửi mua trên Củ Chi cả chục ký rồi, thịt gà, vịt thì miễn vì đang có dịch cúm, chỉ dặn chị mua đồ dưa muối, rau cỏ và vài thứ lặt vặt khác.
    Tôi đang ngồi vắt chân chữ ngũ, lắc lắc cái đầu thì bà Ba đi chợ về, bà nhẩy xuống khỏi chiếc xích lô chở đầy hàng hoá, tay cầm mấy cành hoa mai đầy nụ có lác đác vài bông đã nở mầu vàng.
    - Bà mua bông mai ở đâu mà đẹp vậy?
    - Ngoài chợ bông ở đằng kia, cô ra đó mà mua, nhiều lắm.
    - Cảm ơn bà, cháu phải ngày 30 Tết mới mua, mua hôm nay ngày mai hoa lẫn nụ gì rụng hết.
    Một bà gánh trái cây đi vào, những trái quýt đỏ rực trông thật hấp dẫn, cuống lá còn tươi xanh, tôi trả giá và mua luôn vài ký lô để dành ăn trong mấy ngày tết. Ở Sài Gòn, cứ tết đến là giá cả hàng hoá tăng lên gấp bộn và giữ giá này cho đến tận năm sau, không giảm xuống. Xưa kia, tết nhất, chợ búa, cửa hàng này nọ đều đồng loạt đóng cửa nghỉ. Dạo này, chợ búa hàng quán vẫn khai trương cả ngày mồng một, chẳng thiếu thứ gì, đâu có sợ chết đói, chỉ ngại không có tiền mà mua.
    Khoảng 11 giờ sáng, tôi đi xe ôm về lại nhà mình dùng bữa cơm trưa. Hạnh gọi điện thoại xuống nhắn con bé Trân ghé ngang nhà nó lấy đồ về ăn tết, Hạnh khoe chồng mới đi công tác về mua được vài ký thịt nai và thịt heo rừng, chia cho chị phân nửa. Tôi đang băn khoăn không biết thịt rừng nấu món gì cho ngon, sực nhớ ra chị Lan, ừ để bà lo việc này, nhà tôi chỉ có mình bà nấu ăn ngon nhất, không thua kém gì các đầu bếp trứ danh mà tôi đã từng được nếm qua. Tôi gọi điện thoại sang cho chị Lan dặn chiều nhớ qua làm các món ăn thịt rừng.
    Trời nóng nực, tôi chui vô phòng bật máy lạnh nằm nghỉ trưa, đang chập chờn dở giấc bỗng giật bắn mình vì tiếng chuông điện thoại đổ dồn. Tôi uể oải đứng dậy, chạy lại nhấc ống nghe, tiếng chị Nguyệt đầu giây bên kia.
    - Hân hả, em có rảnh không? Về quê thăm mộ ba chị không? Có cả chú Tư, chú Sáu cùng đi nữa. Nếu em đi thì sửa soạn lẹ, chị và thằng Tú sẽ ghé xuống nhà đón em liền.
    Đang ngủ dở giấc thì bị kéo đầu dậy, cơn làm biếng nổi lên, tôi định chối từ nhưng nhớ lại lời hứa hôm trước, đành lên tiếng:
    - Để em sửa soạn, chừng nào chị lên đón em?
    - Ừa, chừng nửa tiếng nữa hén.
    Phải mất hơn 15 phút tôi mới hoàn toàn tỉnh giấc, vội vàng chạy ra phòng tắm rửa mặt, lôi hộp mỹ phẩm ra trang điểm sơ sài, đi về quê thăm mộ chứ có phải đi dạ hội đâu mà cần phải sửa soạn cho kỹ lưỡng. Tôi thoa một lớp phấn nhẹ, vẽ lại cặp chân mày và tô mầu son phớt hồng lên đôi môi vốn có mầu tái nhợt. Sau đó chọn bộ quần áo trang nhã bận vô, túm mái tóc và kẹp về phía đằng sau cho gọn gàng. Tôi chuẩn bị ba lô, mắt kiếng để trên nóc tivi sẵn, chỉ chờ mẹ con chị Nguyệt tới là sẵn sàng cho cuộc hành trình.
    Đúng nửa tiếng đồng hồ, xe hơi của mẹ con chị Nguyệt ghé lại nhà đón. Chị Nguyệt mở cửa xe cho tôi bước lên, một làn hơi mát từ bên trong phà ra giữa cái nắng oi bức của Sài Gòn vào những ngày giáp Tết, tôi chui tọt vào bên trong, cái xe mới toanh toát lên một vẻ sang trọng. Tú con chị Nguyệt ngồi sau tay lái, quay lại, nhoẻn miệng cười.
    - Chào cô, cô mới về khoẻ cô?
    - Cảm ơn con, cô khoẻ.
    Chị Nguyệt ngồi xịch lại một chút để tôi bỏ cái ba lô xuống bên cạnh. Tú cho xe vọt đi, tôi ném gói quà lên ghế trên, ngay gần cạnh Tú, nói:
    - Cái này cho con, chút nữa thử xem có vừa không hén.
    - A, lại có quà nữa rồi, cám ơn cô.
    Xe bon bon trên đường, tôi ngả người ra ghế, nhắm hờ đôi mắt. Quê của chị Nguyệt ở tận miệt Đức Hoà, Đức Huệ thuộc tỉnh Long An, từ Sài Gòn xuống tới đó cũng mất cả tiếng đồng hồ nếu không bị kẹt đường. Xe đã vượt qua biết bao nhiêu ngã tư đèn xanh đèn đỏ, tôi cũng chẳng để ý xem nó chạy theo hướng nào. Chị Nguyệt vẫn đội cái nón kết màu trắng trên đầu, mang mắt kiếng đen thùi, trông y như thầy bói. Chị mặc cái áo sơ mi kẻ sọc màu xanh trên nền trắng, cái áo đã cũ mèm, chị nhìn áo mình nói với tôi
    - Hồi trưa chú Tư gọi điện thoại cho chị kêu đi gấp quá, chị lại đang ở nhà thằng Tú, không có đồ, vớ đại cái áo này mặc. Em nhìn coi có kỳ không?
    - Được rồi.
    Tôi nghe chị nói đến chú Tư, chú Sáu nào đó mà tôi thì không biết hai người này, ngoài chị và thằng Tú, tôi chỉ biết thêm có mỗi mình bà ngoại, mẹ của chị. Thỉnh thoảng đến nhà thăm chị, tôi vẫn lì xì bà tiền ăn trầu nên trong số bạn bè của chị, bà ngoại cưng tôi nhất, lúc nào cũng nhắc tên cô Hân. Chị Nguyệt ngồi cạnh tôi mắt theo dõi lên đằng trước, luôn miệng nhắc con lái xe cẩn thận...
    - Kìa kìa, có cái xe "hông đa" đằng trước kìa, coi chừng đụng người ta. Mày bị thâu bằng lái rồi đó nghen con, ngó cho kỹ đi, thấy công an thì mình quẹo đường khác.
    Chị quay sang phía tôi đưa ra tờ giấy.
    - Em mắt sáng, đọc giùm chị coi họ viết cái gì trong này, mắt chị bây giờ mờ lắm, không có kiếng coi như đui.
    Tôi mở banh tờ giấy ra, ngó vào hàng chữ nhỏ li ti, đọc, thì ra đây là tờ giấy hướng dẫn cách xử dụng thuốc uống, tôi đọc cho chị nghe rõ từng mục, rồi gập lại đưa trả chị. Chị Nguyệt chỉ hơn tôi vài tuổi, vậy mà bây giờ mắt đã mờ, tai đã nghễnh ngãng, đôi khi tôi gọi điện thoại nói chuyện với chị mà chị cứ ờ ờ hình như chị không nghe rõ lời tôi. Mới năm ngoái, vào dịp Seagame 22 tổ chức tại Việt Nam, nhà hàng karaoke của tụi tôi ế như chùa Bà Đanh, một bữa tôi rủ chị tới hát. Chị mượn điện thoại của tôi gọi cho anh bạn đến chung vui, vì mắt kém chị nhờ tôi bấm số, tôi nghe rõ ràng tiếng người đầu giây bên kia mới chuyển máy sang cho chị. Chị nói chuyện khá lâu, rồi đưa trả lại máy cho tôi, nói, ông tắt máy mất tiêu rồi, ông nói gì chị không nghe rõ. Tụi tôi kéo nhau lên phòng Karraoke, vào ngồi chưa nóng chỗ, điện thoại của chị lại réo vang, chị chạy ra ngoài trả lời máy rõ lớn: "Em đang ở Phan Đình Phùng số... anh lên liền nghen, lên hát karaoke cho vui, có mấy đứa bạn nữa..." Tiếng nhạc nổi lên, tôi không còn nghe cuộc đối thoại của chị. Một lúc sau trở vào, chị cười toét, nói tôi nghe: "Trời ơi, điện thoại của thằng Tú vậy mà cứ tưởng của ổng, ra sức anh… anh, em… em, thiệt là chán ghê!" Chị ngồi xuống, tiếp tục: "Thằng Tú kêu chị về sớm, đừng ham vui quá tối nay người ta đi cổ động, đường phố đông lắm coi chừng mẹ về không được. Chị mới nhiêu đây tuổi mà mắt thì mờ, tai điếc”. Tôi nghe chị nói ôm bụng cười nghiêng ngả, chắc hồi nãy dưới nhà hai ông bà đều điếc lòi tĩ nên mạnh ai nói người đó nghe.
    Xe đã ra khỏi địa phận Sài Gòn, con đường quốc lộ thoáng đãng hơn, thằng Tú cho xe vọt lẹ. Chị Nguyệt ngồi bên dưới luôn miệng nhắc nhở:
    - Chạy từ từ con, đây là vùng nhà quê, họ không có biết luật đâu, coi chừng đụng người ta chết đó con.
    Tú cho xe chạy chậm lại, con đường vẫn loang loáng ánh nắng. Tôi cảm thấy khó chịu, đầu nhức bong bong. Tôi quê mùa thiệt, cứ leo lên xe hơi một hồi là nôn nao trong người, trực ói. Tôi mở ba lô lấy bịch thuốc ra uống. Chị Nguyệt nhìn thấy hỏi:
    - Em uống thuốc gì vậy?
    - Thuốc bổ, uống cho nó khoẻ.
    - Ồ, vậy cho chị uống với.
    Tôi đưa cho chị hai viên, đưa luôn chai nước suối để chị uống.
    - Thuốc này được bào chế từ tỏi, uống hay lắm đó, chị mệt mỏi trong người chị uống hai viên là khoẻ lại liền.
    - Đồ của Nhật cái gì cũng tốt em hén, mấy hũ kem em mua cho chị tốt ghê, chị xức mới có mấy ngày mà da đã mịn rồi nè.
    Chị chìa má ra cho tôi coi, tôi nhìn cũng chẳng thấy gì thay đổi, chị ta cứ làm như thuốc tiên, sức vô là đẹp được liền, đúng là chỉ được cái ảo tưởng. Nhưng tôi không nói gì, quay ra ngoài mỉm cười. Lúc này xe đã đến vùng quê chị, chị ngồi chồm hẳn lên, chỉ đạo cho cho thằng con lái.
    - Đang còn sớm, mình qua nhà anh Hai chị trước đã, chờ khi nào chú Sáu gọi thì mình ra thăm mộ ba chị hén. Nhà anh Hai chị gần đây nè.
    Chị đưa tay chỉ về hướng trước mặt.
    - Hôm nay em sẽ được gặp tỉ phú "chân đất". Ông mới bán đất được 6 tỉ đồng, chia cho thằng Tú 1 tỉ, còn bao nhiêu ông hưởng hết.
    Chị im lặng mỉm cười rồi lại lẩm bẩm một mình
    - Có còn hơn không, ổng giữ hết mình cũng phải chịu, may ổng còn nghĩ tình cậu cháu.
    Tôi làm thinh, không góp ý lời nào, chuyện của gia đình chị tôi không thích xía vào. Xe đã đậu trong sân nhà anh Hai chị Nguyệt, đợi cho chiếc xe dừng hẳn lại, tôi mới mở cửa đi xuống. Anh Hai ra tận ngoài đón tụi tôi với nụ cười rạng rỡ. Chị Nguyệt huých cùi chỏ tôi "Đó tỉ phú đó!". Tôi nhìn anh Hai mặc áo sơ mi trắng đã ngả sang màu cháo lòng, quần tây, bỏ áo lùng thùng bên ngoài. Trời vẫn còn nắng gắt, tôi đứng lui vào hiên nhà tránh cái nắng đang muốn đốt cháy thịt da. Căn nhà mới xây, nền gạch bông sáng láng, nhà xây theo kiểu cổ điển, giữa nhà đặt một cái bàn uống nước hình chữ nhật, hai bên xếp vài cái ghế dựa, xịch vào phía trong tường là cái tủ thờ, bên tay trái đặt bộ sập bằng gỗ lên nước bóng loáng, bên tay trái mắc cái võng dù, một cô gái đang nằm ru con ngủ, tiếng hát thánh thót vang lên sao mà nghe đậm đà tình non nước.
    Tôi bước vào nhà, gật đầu chào chị Hai, đặt cái ba lô nhỏ lên bộ sập rồi ngồi xuống bên cạnh. Chị Hai bưng lên thùng trà đá, để giữa bàn, bên cạnh là cái rổ có mấy cái ly thuỷ tinh nhỏ, loang lổ vết cáu bẩn của trà chưa rửa sạch. Chị Hai bận quần đen, áo bà đen có điểm bông to mầu đỏ rực, chân đi đôi dép lưới, loại dép lưới của Thái Lan mà cách đây hai chục năm đã từng là niềm mơ ước của tôi. Chị Hai da trắng như bông buởi, kể cũng lạ, chị cứ dãi nắng dầm mưa như vậy mà sao nước da vẫn cứ trắng nõn nà. Anh Hai vẫn còn đứng bên ngoài, cạnh chiếc xe hơi, đưa tay rờ lên nước sơn xe đen bóng. Thằng Tú đứng cạnh nói chuyện gì đó về xe cộ với anh Hai.
    Chị Nguyệt ra sau nhà rửa tay chân, tôi cũng theo ra sau nhà. Môt cô gái khác đang ngồi rửa rau ngay bên vòi nước, gật đầu chào tôi. Chị Nguyệt giới thiệu:
    - Cô Hân nè, cô Hân mà bà nội bây nhắc tối ngày nè - quay lại phía tôi, chị nói - Con nhỏ này là con dâu thứ.
    Tôi cũng mỉm cười với cô bé, còn trẻ quá mà đã có chồng có con. Tôi ngước nhìn ra phía sau, bắt gặp cây chùm ruột ngay bên hông nhà quả chìa ra từng chùm từng chùm, thấy nó tôi đã ứa nước miếng. Chị Nguyệt nhìn theo ánh mắt tôi, dường như hiểu ý, chị la lên:
    - Chùm ruột ngon quá, để kêu đứa nào leo lên hái cho mình mang về ăn.
    Tôi nhìn chị Nguyệt, nhìn sang cây chùm ruột, săm săm bước lại gần.
    - Cần gì ai, để đấy em. Chị lấy cho em cái rổ đựng đi.
    Tôi cúi xuống tụt đôi giày ra, nắm lấy cái trạc cây, đu một phát leo tuốt lên trên thân giữa. Cây này còn nhỏ, cành chỉ bằng cổ tay, tôi chọn thế đứng, cúi xuống đón lấy cái rổ chị Nguyệt đưa lên, một tay cầm rổ, một tay bứt từng chùm trái bỏ vào đó, kiến đen bu đầy, chạy thành từng đàn trên thân cây, làm tôi cứ phải né. Chị Nguyệt bước vội vào nhà lấy máy chụp hình mang ra chụp lia lịa, chị bảo mấy khi mới nhìn thấy cảnh tôi leo cây. Chị luôn miệng nhắc tôi cẩn thận, cây loại này dòn dễ gẫy coi chừng té. Khi hái được một mớ, tôi chuyển xuống cho chị, còn mình tụt xuống từ từ. Chị Nguyệt bưng rổ chùm ruột ra thau nước để gần đó cho kiến đen chạy bớt đi, chị em tôi bước vô nhà.
    Anh Hai và Tú đã mang xe ra tập chạy, chị nói nhỏ vào tai tôi: "Ổng khoái xe lắm, mang đi khoe hàng xóm láng giềng thì có, chứ tập tành nỗi gì, dân nhà quê vậy đó em." Tôi nhe răng ra cười, cần gì nhà quê, ở ngay tại thành phố, nhà nào có xe hơi cũng vênh váo khoe khoang vậy. Vợ chồng tôi không mua xe hơi, đi đâu cũng lội bộ, lội riết muốn rạc cả cẳng. Sống giữa thành phố Tokyo, xắm xe hơi làm chi cho đóng tiền gởi tháng thấy mồ. Muốn đi đâu đã có xe điện ngầm, tiện lợi lại không sợ bị kẹt xe. Việc mua xe ở Nhật dễ ợt, chỉ cần ra cửa hàng tậu về một cái trong vòng mười phút là có liền, chẳng có gì khó khăn.
    Khoảng 3 giờ chiều, chị Hai lụi cụi bê mâm cơm lên, tô canh chua bốc mùi thơm ngào ngạt, dĩa thịt heo kho mặn, một rổ rau sống cải non nớt, rau thơm, dưa leo, bông súng, có cả thố cá bống trứng kho tộ và dĩa dưa cải chua. Dở bữa, tôi không đói mấy, nhưng nhìn mấy món ăn đạm bạc đó tự nhiên lại mắc thèm. Chị Nguyệt tính gọi điện thoại gọi anh Hai và thằng Tú về ăn cơm, mới vừa nhấc máy thì xe đã về đến cổng, chị lại bỏ máy điện thoại xuống.
    Anh Hai và Tú bước vào nhà, chị Hai hối mọi người ngồi vào bàn ăn cơm cho nóng. Tôi cũng dành một chỗ, gắp rau sống cuốn với dưa cải chua chấm nước thịt kho, có vậy thôi mà tôi ăn hết hai chén cơm một cách ngon lành. Tôi thèm những bữa cơm như thế này, những món ăn đạm bạc, giản dị nhưng đầy ắp tình người. Về Việt Nam lúc nào tôi ăn cũng thấy ngon miệng, dù chỉ ăn toàn rau, nhất là mắm kho, tôi có thể ăn cả tuần không ngán.
    Thằng con trai anh Hai ở trần, cổ đeo sợi giây chuyền bằng vàng 24k to tổ chảng, nói giọng đặc sệt nhà quê, cái gì cũng "bà cố", nhỏ đẹp bà cố luôn, trái dưa to bà cố luôn, làm tôi cười tí sặc. Chẳng đứa nào có nghề ngỗng gì, cứ lang thang quanh quẩn xó nhà, để ba mẹ nuôi, mà anh nào cũng đèo bồng thêm vợ con, may mắn giá đất lên cao ngất trời, anh Hai mới bán được mấy tỉ bạc, không thôi nghèo kiết xác.
    Rổ trái trầm ruột đã được cô con dâu rửa sạch, mang lên để ngay bên bộ sập. Chị Nguyệt chạy te te vô trong nhà tìm bịch ni lông, chị chia làm hai phần cho tôi phân nửa. Cùng lúc đấy điện thoại của chị réo vang, chú Sáu gọi lại nhắn đợi tụi tôi gần quán ăn Tân Mai. Cả nhà vội vã leo lên chiếc xe, vợ chồng anh Hai, ẵm con bé cháu nội, chị Nguyệt, tôi và Tú, tất cả ngồi sát lại nhau, hơi chật một chút nhưng ở đây chẳng sợ công an thổi.
    Chiếc xe từ từ leo ra ngoài lộ, chị Nguyệt luôn miệng nhắc thằng con chạy chậm để ngó xem ông Tư và ông Sáu đậu xe chỗ nào. Tôi ngồi im lặng, kệ, ai đưa đi đâu thì mình đi đấy. Xe đã ra đến đường nhựa, chạy thêm một quãng khá xa, đến ngã tư, Tú lái xe quẹo xuống con đường mòn nhỏ bên hướng tay trái, từ từ tiến vào bên trong nhưng chẳng thấy chiếc xe nào. Chị Nguyệt phải lấy điện thoại gọi vào máy cho chú Sáu. Thì ra xa mấy chú vẫn còn ở phía bên ngoài, đang chờ tụi tôi. Tú cho xe de lại, lựa chỗ rộng quay đầu chạy trở ra, đi ngược một quãng ngắn, rẽ tay phải xuống con đường đất đỏ dẫn vào một bãi trống đã được đổ bằng phẳng, hai chiếc xe hơi đang đậu trong đó, giữa trời nắng chang chang.
    Xe dừng, tất cả mọi người đều nhẩy xuống, tôi là người ra sau cùng, theo cả nhóm bước lại gần mấy người đàn ông đứng lớ rớ gần đó, ai cũng cất tiếng chào chú Tư, chú Sáu, tôi cũng cất tiếng chào. Chú Tư, mặc áo sơ mi trắng bỏ trong quần tây, trông khá sang trọng nhưng lại mang đôi dép da lẹp xẹp mà không phải mang giầy. Ông này có gương mặt quen quen, tôi ngờ đã gặp mặt ở đâu mà nghĩ mãi cũng không ra. Ông nheo mắt nhìn tôi, quay qua hỏi chị Nguyệt:
    - Nhỏ nào đây?
    - Dạ nhỏ em con.
    - Em nào mà sao tao không biết cà?
    - Dạ em bà con, chú Tư không biết nó đâu.
    Chú Tư không thèm để ý đến tôi, quay sang thằng Tú, vỗ lên vai nó, thân mật.
    - Lớn dữ rồi hén, nghe nói mày đi làm ca sĩ, hát hò làm sao, bữa nào mày lên nhà hát cho ông nghe có được không con?
    - Dạ, con hát bậy bạ thôi mà ông Tư.
    Trời đã ngả về chiều, nhưng ánh nắng vẫn còn chói chang trên bãi đất trống. Ngoài chú Tư, chú Sáu còn có thêm một người đàn ông da đen thủi đen thùi, mặc áo sơ mi trắng, bỏ thùng, chân đi giầy tây mầu nâu vàng bóng láng, dáng ông ốm gầy, lỏng khỏng, sao tôi nhìn thấy giống hệt Bố tôi. Thêm vài người đàn ông khác, một ông tóc đã ngả mầu muối tiêu, râu ria lồm xồm, mặc cái áo cộc tay có in những hình loằn ngoằn màu xanh đã cũ, ông mập lùn, máng trên cổ cái máy chụp hình rõ to. Tú rỉ tai tôi nói hình như ông này là phóng viên của tờ báo Công An Thành Phố, nghe vậy tôi đoán chú Tư chắc là một nhân vật cao cấp trong chính quyền Cộng Sản. Bởi tháp tùng ông có nhiều người đi kèm mà lại có cả phóng viên nhà báo. Tôi quay qua hỏi nhỏ chị Nguyệt:
    - Chú Tư này là ai vậy chị?
    - Ông Tư Sang, Trương Tấn Sang đó, em không biết sao?
    - Ồ...hèn gì em thấy quen quen, ông hay xuất hiện trên ti vi.
    Tôi thắc mắc trong đầu không biết chị Nguyệt và chú Tư này có quan hệ gì bà con gì, sao ngó có vẻ thân thiện. Chú Tư vỗ vai chị Nguyệt hỏi han đủ điều, chuyện gia đình, chuyện cuộc sống của chị. Tôi đứng kế bên im lặng liếc nhìn ông kỹ hơn, chú có thân hình cao lớn, giọng nói miền Nam truyền cảm dễ thu hút lòng người. Ông có vẻ hoà đồng không kiểu cách ra điều ta đây là nhân vật cao cấp, mái tóc đen tuyền được cắt gọn ngàng (chẳng biết ổng có nhuộm hay không), nước da trắng hồng trên gương mặt hơi bèn bẹt và lỗ mũi lân to bè, tiêu biểu cho người dân xứ nóng. (Tôi nghe chồng tôi nói rằng theo nghiên cứu của các nhà khoa học Nhật, người dân sống ở những vùng khí hậu lạnh giá thường phải hít thở không khí khó khăn hơn nên lỗ mũi cấu tạo nhỏ, thon, gọn và cao ráo hơn những người sống tại miền nắng ấm lỗ mũi bao giờ cũng to bè và có khi xẹp lép. Chồng tôi thường chê bai cái lỗ mũi của tôi là to quá cỡ, lúc đầu tôi còn gân cổ lên cãi, mũi người ta đẹp ngời ngời thế này mà cứ chê, nhưng rồi cũng phải công nhận một điều, hai cái cánh mũi của mình to thật, so với lỗ mũi người Nhật thì còn phải chạy dài dài.) Cặp mắt của chú Tư nhỏ, đã vậy đứng trực diện dưới ánh nắng mặt trời, cứ phải nheo lại nên ngó giống như một đường chỉ mỏng manh.
    Cả nhà đứng xúm lại một chỗ chụp hình, tôi cũng mở ba lô, lấy máy ảnh của mình ra chụp, chị Nguyệt thì thầm "Nhớ chụp cho chị nhiều vào, hồi đó đến giờ chị chưa có tấm nào chụp chung với chú Tư". Tôi giơ máy nháy liên tục, khi thì cả nhà, khi thì chú Tư và thằng Tú. Ông phóng viên bảo tôi đứng vào chung nhóm ông sẽ chụp giúp cho. Mỗi lần chụp xong một tấm hình nào đấy, chú Tư đòi mở lại coi, gật gù cái đầu: "Ờ, coi cũng được”. Tôi nhìn ông, nghĩ thầm trong bụng, tôi đọc đâu đó trên "nét" có bài viết về ông, nghe bảo báo Tuổi Trẻ đợt nào đó bầu ông là "Men of the year" (Người đàn ông của năm). Tôi phì cười tự hỏi, chẳng biết ông có gì để đạt tiêu chuẩn "The men of year " chỉ được cái nịnh bợ cán bộ lãnh đạo là giỏi. Tuy nhiên sau này rửa hình ra tôi thấy ông ở ngoài coi bộ bảnh hơn trong hình. Cũng trên "nét" có người thì tố cáo rằng ông hiện là một trong những người giầu nhất miền Nam, có cả tỉ đô la gửi ngân hàng Thụy Sĩ. Chuyện này chẳng biết thật hư nhưng theo tôi thì cũng dám lắm vì lúc xưa ông đã từng làm đến chức bí thư Đảng uỷ hay chủ tịch thành Hồ gì đó, quyền cao chức trọng, tha hồ ăn hối lộ, để cấp một giấy phép đầu tư nước ngoài, hay mở một nhà máy, có ai mà không phải đút tiền đâu.
    Tất cả chúng tôi lại leo lên xe, đi ra thăm mộ ba chị Nguyệt. Xe tụi tôi dẫn đầu, trở ra con đường rải nhựa, chạy ngược chiều thêm một khúc mới quẹo xuống con đường đất đỏ phía bên kia, xe chạy miết, chạy miết trên con đường mòn gập ghềnh đầy ổ gà lồi lõm, xe nghiêng bên này, ngả bên kia làm tôi hú hồn mấy lần tưởng đổ nhào. Thằng Tú cầm tay lái, nó cũng chỉ mới biết lái xe vài tháng nay, con đường lại khó chạy, tôi chỉ sợ nó gây tai nạn. Con đường cứ hun hút trước mặt lúc quẹo trái lúc quẹo phải, hai bên là cánh đồng rộng mênh mông, lúa và hoa mầu đã được thu hoạch, chỉ còn trơ gốc dạ khô queo, vài con trâu thong dong gặm cỏ. Chị Nguyệt lâu lâu quay đầu lại ngó xem xe của chú Tư có bám đuôi không. Lúc này tôi mới hỏi:
    - Chú Tư là gì của chị?
    - Ổng là học trò của ba chị. Hai gia đình thân thiết lắm, chú Tư coi chị như con.
    - Vậy là không có bà con chi hết, chỉ là tình làng xóm láng giềng thôi phải không?
    - Ờ đúng rồi, Nhưng ông cũng có tình nghĩa lắm, năm nào Tết cũng ghé nhà thắp nhang cho ba chị, nói chuyện với ba chị y như lúc ông đang còn sống vậy đó em.
    - Sao chị với anh Hai không nhờ cậy ổng xin cho công việc nào đó ngon lành trong chính quyền, đỡ phải cực thân. Nhất là mấy thằng nhỏ đó, lêu lổng như vậy rồi sao nên người.
    - Thôi..thôi...chị ngại lắm, chị sợ vợ chú Tư nữa, bà đâu có ưa gì tụi chị. Mình tới nhà thăm chú mà bà liếc mình bằng nửa con mắt, bà làm như mình đi xin xỏ gì không bằng. Với lại mấy việc lặt vặt này, ổng đâu thèm để ý tới.
    Tôi trầm ngâm không nói gì thêm, chị Nguyệt có tính cách hơi giống tôi, tôi chẳng thèm nhờ vả ai, tự thân lập thân, cho nhiều hơn là nhận. Với tôi, những người có quyền cao chức trọng, những người nổi tiếng...hay bất cứ ai tôi đều không màng tới, không quan trọng. Tôi chẳng thuộc dạng người "thấy sang bắt quàng làm họ", đối với tôi họ cũng chỉ là con người. Mặc dầu tôi quen thân với nhiều người tai to mặt lớn.
    Anh Hai ngồi bên trên quay xuống góp chuyện với tụi tôi.
    - Ông Tư này ông kẹo bà cố luôn, thỉnh thoảng anh có dịp lên thành phố, ghé thăm ổng, lâu ngày chú cháu gặp nhau anh mời ông đi ăn phở sáng rồi uống cà phê mà ổng không chịu đi, ông kéo anh xuống bếp, nói: "Để tao chiên cơm cho mà ăn, cơm nguội có sẵn, trứng có sẵn, đi ăn phở làm gì cho tốn tiền". Ăn cơm chiên xong, ông mở tủ lấy hộp sữa, pha hai ly cho hai chú cháu, đưa thêm cho anh một trái chuối nữa. Ông biểu: "Vầy có phải sướng không, ra ngoài chi cho tốn kém". Riết rồi anh không dám mời ông đi đâu.
    - Thì ra chú Tư cũng có cuộc sống bình dân quá hén?
    - Ừa, ông giản dị lắm, ở nhà ổng cũng vậy. Chị nhớ hồi chú Tư còn làm giám đốc nông trường Lê Minh Xuân, đi đâu ổng cũng lạch cạch đạp xe đạp. Có lần ổng đạp xe chở chị từ nông trường xuống tận chợ lớn học may. Nhà chị thời đó nghèo lắm, chị đã từng đi ở đợ cho người ta.
    - Em nghe người ta đồn, ông Tư bây giờ giàu nhất Sài Gòn, có cả tỉ đô la gửi ngân hàng Thụy sĩ nữa đó, sao chị không kêu chú Tư chị giúp, chỉ cần ông cho một chút xíu bằng móng tay ông thôi đời chị cũng lên hương rồi.
    Chị Nguyệt cười, anh Hai cùng cả nhà cười rộ.
    - Ông không ăn hối lộ, có thể là như vậy vì thực tế ông đâu có cầm tiền của ai - Tôi hạ giọng nói nhỏ - Nhưng mà vợ ổng cầm, ông không lấy nhưng vợ con ông nhận cửa sau ai mà biết.
    - Thực ra chị nhờ chú Sáu nhiều hơn, chú Sáu là bà con của chị, lúc nào túng bấn quá, chị lại gọi điện xin tiền ổng, mà ông đâu bao giờ có tiền ngay, phải đợi về ăn cắp của vợ đã, khi nào có ông gọi điện nhắn chị liền: "Bay lên đi, tao có tiền rồi!" chị biết ổng ăn cắp được của vợ rồi đấy.
    Chị Nguyệt cười, tôi cũng khoái chí cười theo nhắm tịt cả mắt, quên luôn quãng đường gập ghềnh mà xe cứ chao đảo. Thỉnh thoảng, tôi đảo mắt về phía sau coi xe của chú Tư còn bám theo mình không, lúc tôi thấy mui xe, lúc thì mất hút.
    - Chú sáu chị giản dị lắm, cứ cái xe honda Future, đội "nón bảo hiểm", ngày nào ông cũng dạo khắp Sài Gòn. Ừ, Thương bạn em cũng biết chú Sáu chị đấy, nhỏ khôn ghê, xuống nịnh vợ ổng làm sao mà hiện nay hộ khẩu của nó được nhập vô chung trong nhà bả.
    Tôi nhìn ra đằng trước, cằn nhằn:
    - Sao mộ ba chị chôn gì xa ngoài mặt lộ quá vậy, nếu mùa mưa, đi vô đây cực chết.
    - Ờ, lội sình không hà, cực lắm, nhưng đây là khu đất của giòng họ, ông bà tổ tiên gì cũng chôn cất ở đây.
    Xe dừng lại ở một thửa ruộng trống, trơ ra những gốc rạ trên mặt đất khô cằn. Trời đã dịu ánh nắng, tôi nhẩy khỏi xe đứng ngắm xung quanh, đồng ruộng rộng mênh mông bát ngát, thỉnh thoảng mới thấy một căn nhà nhỏ thấp thoáng sau vườn cây, vài con trâu đang thong thả gặm cỏ, gió thổi hiu hiu thoang thoảng hương thơm của đất. Tôi chạnh lòng nhớ quê mình.
    Xe của chú Tư đã tới, đậu gần sau xe của tụi tôi, chú Tư, chú Sáu và mấy người cùng săm săm bước lại. Từ đây vào khu mộ phần còn một khúc khá xa, phải lội bộ, cả đoàn người chúng tôi xắp hàng từng người một dẫm trên con đường mòn đắp bên bờ ruộng gồ ghề. Mấy đứa con nít trong xóm chạy xô ra, chỉ chỏ:
    - Anh Tú...Hàn Thái Tú kìa...anh Tú ơi.
    Tôi và chị Nguyệt quay lại đưa tay vẫy chào tụi nhóc, mấy đứa trẻ nhà quê mê tít anh ca sĩ trẻ đẹp trai Hàn Thái Tú, đi đâu cũng thấy nhắc Hàn Thái Tú. Chị Nguyệt bảo rằng thằng Tú nó nổi tiếng ở dưới quê, ở Sài Gòn ít người biết nó. Tôi chỉ cười, nổi tiếng ở đâu cũng được, dưới Bến Tre quê tôi, thằng Tú cũng nổi như cồn. Mỗi lần đến nhà chị chơi, tôi thấy thư khán giả hâm mộ cả chồng, xếp đầy trong tủ kiếng, tôi tự hỏi không biết Tú nó có thơi gian để viết thư trả lời nữa hay không?
    Con đường mòn gập ghềnh thật khó đi, tôi lại mang đôi giày cao cả tấc, cứ nhấp nhổm trực té nhào. Bực mình tôi cúi xuống, mở giầy xách trên tay, đi chân không cho khoẻ, nhưng vừa mới bước được vài bước đã phải đứng khựng lại vì đau, những viên đất sỏi dưới sức đè của bàn chân, thốn lên đến tận óc, làm tôi không chịu nổi. Cũng đôi bàn chân này, lúc còn nhỏ, tôi đã từng nhẩy nhót trên đường, đi gánh nước, đi lấy củi, vào rừng bẻ măng với đôi chân trần thoăn thoắt, gai góc, đá tai mèo cũng chẳng thể nào cứa được bàn chân tôi. Vào mùa mưa, tôi hay theo anh Bắc đi bẻ măng. Anh Bắc tôi cầm chiếc xà beng nhỏ đi trước, gặp hộc măng nào là phập xuống đào lên để đó cho tôi theo sau bóc vỏ, bỏ vào bao khệ nệ vác theo. Gặp lúc trời mưa ướt như chuột lột, cứ vậy cho đến lúc quần áo khô rang. Cực khổ mới lấy được những hộc măng đó về, nhưng ra đến đường lộ, mắt còn phải dáo dác canh chừng kiểm lâm không thôi sẽ bị tịch thu tuốt. Về tới nhà, đổ măng ra rửa sạch, cắt khúc cho vào luộc chín, vớt ra phơi nắng cho thật khô rồi mới bán được cho con buôn mang về xuôi tiêu thụ. Trời mưa nắng thất thường vậy mà chẳng bị bệnh bao giờ, đôi khi tôi mong cho bị cảm sốt để được nghỉ học ở nhà một buổi, được uống thuốc ăn cháo thịt mà sao cứ trơ trơ. Nay chỉ vài viên đất nhỏ nhoi cũng làm tôi đau nhói. Đúng là nhiễm theo cái "thói tư sản" mất rồi.
    Cuối cùng cũng đến được khu mộ phần. Ngôi mộ của ba chị Nguyệt được xây tử tế, có cẩn gạch men, có hình ảnh ba chị và ngày tháng năm mất, còn những ngôi mô kia chỉ xây sơ xài bên ngoài rồi quét vôi trắng xung quanh. Tôi theo mọi người đốt nhang thắp lên từng ngôi mộ và cúi đầu đứng lặng. Chú Tư lẩm bẩm đôi điều với người đã khuất, ông phóng viên chụp hình lia lịa. Tôi lẩm bẩm, chụp cho lắm vào, mai mốt ra Tết thể nào cũng đăng báo đồng chí Trương Tấn Sang đi thăm mộ đồng đội...dám lại có cả mặt tôi ló vô trong đó không chừng. Chị Nguyệt nhờ tôi chụp nhiều hình có mộ phần của ba chị, tôi chụp cho chị, cho cả nhà đứng trước mộ phần, chụp riêng từng người một, chụp tùm lum, hết kiểu này đến kiểu nọ, chụp cả hình thằng Tú với mấy đứa nhỏ trong xóm. Lúc này con nít ở đâu phao tin kéo nhau đứng cả bầy, chỉ chỏ, gọi tên anh Tú, đứa nào cũng cười tít mắt khi được chụp hình chung với anh ca sĩ đẹp trai, lại là dân xứ mình. Mấy thằng nhóc sán đến nắm tay, rờ áo, tụi nhóc mê anh Hàn Thái Tú, chắc tụi nó cũng chẳng biết ông Tư Sang là ai, tụi nhóc luôn miệng: "Anh Tú nhớ gửi hình về cho tụi em nghen, nhớ có chữ kỹ nữa héng". Tôi xoa đầu từng đứa hứa sẽ gởi hình về tận nơi.
    Góc bên kia, chú Tư đang ôm vai bà cụ già có mái tóc bạc phơ, nói giọng thật lớn: "Bà nghen, bà dấu VC ở đâu, mau khai ra, tụi tui biết hết rồi, bà không khai ra tui bắt nhốt vô bót." Bà già miệng nhai trầu bỏm bẻm: "Mồ tổ bây, VC ở đâu ra mà VC hoài". Tôi nghe nói dân ở đây ngày xưa theo VC nhiều lắm. Chị Nguyệt thì thầm bên tôi:
    - Em chụp cho cô Hai chị tấm hình với chú Tư đi.
    Tôi lại đưa máy nháy lia lịa. Hoàng hôn đã buông xuống, mặt trời chỉ còn là cái mâm đỏ ối cuối chân mây, mấy ngôi mộ khói nhang bay nghi ngút, mọi người vẫn đứng quanh đó nói chuyện râm ran. Chị Nguyệt bước lại gần khều tôi.
    - Em để ý coi thằng cha đen thui đi theo chú Tư từ nãy giờ nhìn em lom lom kìa. Cha đó cũng mới bán đất được mấy tỉ đó, xum xoe với chú Tư hoài. Mê gái lắm, nhất là thấy gái thành phố, nhìn không chớp mắt.
    Tôi nghe chị nói vậy bật cười ngó sang hướng ông ta, bắt gặp ánh mắt của tôi, ông ta quay đi chỗ khác. Chị Nguyệt lại nói nho nhỏ:
    - Thấy chưa, chị nói có sai đâu, chị mà còn trẻ, ngữ này chị cho chết hết.
    Tú chạy lại hỏi mẹ:
    - Mẹ có tờ 50.000 đồng đó không, con cho bà Hai ăn trầu.
    - Mẹ không có mang theo tiền.
    - Cô có đây nè, để cô đưa cho.
    Tôi móc bóp lấy tờ 50.000 đồng đưa cho Tú, thằng bé cầm tiền dúi vào túi áo bà Hai, chú Tư đứng bên cạnh bà nãy giờ nhìn thấy vội thò tay vào túi quần sau, vừa móc tiền vừa nói:
    - Tui cũng có tiền chớ bộ, để tui biếu bà ăn trầu. Bộ nó tưởng chỉ có mình nó có hay sao.
    Chú đưa tay thọc sâu vào túi quần móc … móc mãi mới lôi ra được một tờ giấy 100.000 đã cũ xì, cầm tờ tiền ấn vào tay bà già. Tôi lại lẩm bẩm, may mà móc còn có tiền, gặp móc ra toàn giấy không biêt ông phải làm sao, tỉ phú đô la gì mà kỳ quá.
    Thấy cũng đã trễ, chú Tư hối mọi người quay về, đám trẻ xếp rống rắn đi theo sau tụi tôi. Chú Tư vừa đi vừa nói chuyện với chị Nguyệt, chú giơ bàn tay trắng bóc, móng tay đã được cắt gọn ra khoe:
    - Mày coi bàn tay chú nè, tụi nó lôi ra cắt giũa, chú khỏi làm gì hết.
    Chú Tư vượt lên đi trước, chị Nguyệt thủ thỉ bên tai tôi:
    - Hồi xưa ổng đi chăn trâu, tay chân ổng sình đen thùi à. Ổng với chú Sáu ưa bẻ mía, bẻ thơm về cho chị ăn lắm.
    Tôi bật cười khúc khích:
    - Bà sao ưa nói xấu cán bộ, đến tai ông rồi có chuyện.
    - Chị nói thiệt mà, thì hồi đó có sao nói vậy.
    Ra tới chỗ đậu xe, chú Tư chia tay mọi người ở đây, hẹn chị Nguyệt, anh Hai và mọi người Tết lên nhà chú. Chú lên xe đi về trước, xe tụi tôi tiếp theo sau. Ra đến đường lộ chính, Tú lái xe hướng về nhà anh Hai, rẽ xuống con đường qua một ngôi chợ nho nhỏ, anh Hai mở cửa sổ xe vẫy chào mọi người. Chị Nguyệt lại thì thầm bên tai tôi: "Khoe đấy, khoe có xe hơi đới mới đấy, em thấy chưa, dân nhà quê họ vậy đó, khoái khoe lắm ". Hai chị em tôi khúc khích cười. Xe về tới tận cổng, thả mọi người xuống, Tú quành xe quay về Sài Gòn ngay cho kịp giờ đi hát. Trở lại ngôi chợ hồi nãy, thanh niên trai làng bấy giờ đứng đầy cả đường, dù xe có bấm còi toe toe mà tụi nó làm như điếc không nghe thấy. Chị Nguyệt lắc đầu:
    - Dân ở đây vậy đó em, hễ mà đụng vào nó là nó ăn vạ chết.
    Anh Hai chạy xe honda đuổi theo sau, anh mang cuốn sổ nhỏ ghi chép thời khoá biểu của Tú bỏ quên trên bàn hồi chiều, nhờ có anh Hai, xe tụi tôi vượt qua ngôi chợ một cách dễ dàng. Về tới Sài Gòn, trời đã tối mịt, cất xe vào trong nhà, chưa kịp nghỉ mệt là Thằng Tú xách xe "A còng" (@) chạy mất dép, nó phải đi vội không sợ trễ giờ hát.
    Bà ngoại tươi cười đón tụi tôi ngay cửa, căn nhà này Tú mới xây xong được vài tháng, đẹp, thoáng và rộng rãi, xây cao tới ba tầng lầu, tôi đi từ dưới lên trên, phòng nào cũng ngó vào, khen ngợi rối rít. Chị Nguyệt bảo rằng đang còn thiếu tiền cậu Hai nó quá trời, ông giữ giấy tờ nhà của chị sợ thằng Tú không trả. Tôi an ủi chị:
    - Thì nó đi hát có tiền trả sau, nó thiếu nợ xây nhà chớ có phải ăn chơi đàng điếm gì đâu mà chị sợ.
    Tôi nói chuyện một lát với bà ngoại, uống với bà một chai coca rồi ngồi xuống bậc thềm, cạnh chân cầu thang dẫn lên lầu, chống cằm đưa mắt ngó nhìn hai con chó nhỏ của thằng Tú, hai con chó bé tí xíu mắt tròn như hai cục bi ve, lỗ tai vểnh ngược, cứ ghếch mõm canh chừng tôi, hễ tôi nhúc nhích là chúng sủa inh ỏi, cả hai con đều chồm lên bám chân vào song cũi. Hai con chó này mới được nuôi hơn năm về trước, sau khi con Spacy chết vì tai nạn. Spacy là tên con chó thuộc giống Trung Quốc có bộ lông xù trắng và đen, con Spacy thật duyên dáng dễ thương, có hai cái răng nanh chìa ra trông thấy ghét. Lần nào tôi đến thăm chị Nguyệt, con Spacy cũng nhào ra sủa inh ỏi, con chó khôn phải biết, tôi mang đồ gì vào nhà cũng được, nhưng hễ lấy bất cứ thứ gì từ nhà nó đi ra thì nó nhẩy chồm lên gầm gừ. Spasy cũng bị dân săn chó bắt mấy bận, chị Nguyệt phải đem tiền chuộc về. Một lần tôi về ghé thăm chị, tôi thấy ngoài con Spacy có cả một đàn chó nhỏ lít nhít chạy theo sau, chị Nguyệt nói rằng đó là con của Spacy. Sau khi trở về Nhật, tôi hẹn gặp người nhà của chị để chuyển quà, tôi báo tin cho ông biết con Spacy cưng của ông đã đẻ được một lũ nhóc, dễ thương vô cùng. Ông ngạc nhiên vì cái tin đó, ông bảo với tôi con spacy là "boy" (đực) chứ đâu phải "girl" (cái), làm sao nó có thể sanh con. Tôi gân cổ cãi sống cãi chết với ông ta rằng tôi thấy rõ ràng con của Spacy có cả lũ. Ông nhíu mày không chịu bảo ông nuôi con Spacy bao nhiêu năm chẳng lẽ ông nhớ lầm. Tôi đem thắc mắc này về hỏi chị Nguyệt, chị cười trả lời con Spacy là đực thật, chị cho giống người ta nên họ tặng lại mình lũ con. Rồi một lần chị viết thư cho tôi báo tin con Spacy bị xe cán chết, tôi buồn khôn tả, tôi nhớ mãi hình ảnh gương mặt xinh xắn của nó, thế là từ nay không còn được nghe tiếng nó sủa mỗi khi đến chơi. Con Spacy chết, chị Nguyệt bệnh mất vài tháng. Thằng Tú cũng buồn rầu vì nó cưng con Spacy nhất nhà, hàng tối, Tú vẫn dắt con Spacy đi vệ sinh. Chị Nguyệt kể rằng hồi thằng Tú đóng bộ phim "Trái Đắng", nó đóng cặp với cô diễn viên xinh đẹp Ngọc Thuý, trong thời gian đóng phim, hai đứa có tình ý với nhau, Tú suốt ngày khen ngợi: "Mẹ ơi, T nó đẹp như tiên " Một lần tôi đến thăm chị, gặp đúng lúc ti vi chiếu chương trình biểu diễn thời trang có sự tham gia của cô nàng, chị Nguyệt chỉ tôi xem, tôi dán mắt vào màn hình nhỏ, cố nhìn cho thật kỹ, cô bé xinh thật, từ gương mặt cho đến vóc dáng, nhưng có cái miệng “cá ngão" xấu thấy mồ, bảo cô bé đẹp như tiên thì tôi thấy chưa xứng, thua mấy người mẫu của Nhật Bản nhiều, tôi chỉ nói người mẫu thôi, không so sánh với hoa hậu Nhật..vì thực sự hoa hậu Nhật trông chẳng giống ai.
    Chị Nguyệt vừa xem ti vi vừa kể tôi nghe chuyện thằng Tú cua con nhỏ, anh phét lác với cô bé rằng má anh mới bán đất mấy tỉ đồng, cô bé tưởng thật bám xà nẹo theo, xuốt ngày tới nhà kiếm anh Tú. Thế rồi kẹt tiền bạc gì đó xin anh một triệu đồng, anh chàng chỉ còn có chín trăm ngàn, phải xuống xin mẹ thêm một trăm ngàn bù vô cho đủ một triệu tặng người đẹp. Biết thân phận mình, anh chàng trốn biệt, dặn mẹ T nó có gọi điện thoại tới mẹ nói con không có nhà. Chắc có lẽ cô nàng thấy anh đẹp trai nên tới kiếm hoài nhưng Tú chạy mất dép. Mấy người hàng xóm mách nước, cô muốn kiếm thằng Tú thì nửa đêm lại đây, tối nào giờ đó Tú cũng dẫn chó đi vệ sinh. Cô nàng canh me đến đúng giờ và đã gặp được chàng. Kể đến đó chị dừng lại cười hực hực, tôi hỏi dồn dập:
    - Rồi sao nữa chị, thằng Tú nó nói làm sao?
    Chị vừa cười vừa tiếp tục:
    - Ai mà biết chúng nó nói chuyện gì với nhau, một hôm thằng Tú về nhà với con mắt tím bầm.
    - Ủa sao vậy?
    - Thì bị thằng bồ con T wính chớ sao nữa, nó ghen nó tìm tới wính cho một trận, bắt phải chấm dứt mối quan hệ. Thằng Tú cũng đâu có vừa, kéo mấy thằng bạn tới hỏi tội thằng kia nhém tí nữa gây ra chuyện lớn. Thằng Tú cũng biết thân biết phận vậy, đâu dám trèo cao, tại con nhỏ này kiếm nó hoài, thằng nhỏ chốn gần chết.
    Chị Nguyệt cười, tôi cũng cười theo.
    - Đúng rồi đó chị, quen mấy con nhỏ này phải là dân giầu sang, tụi nó làm tiền dữ lắm. Hồi đó em có biết ông khách uống cà phê mối của Dì em mê cô hoa hậu áo dài, cặp với cô này được vài tháng, thỉnh thoảng em thấy cô tới quán kiếm anh chàng, cô đẹp thiệt đó, đến bây giờ em vẫn thấy đẹp. Bẵng đi một thời gian không thấy cô tới kiếm, hỏi thì anh chàng đáp, thôi, sợ mấy người đẹp lắm rồi, yêu tụi nó thì phải có tiền núi mới chịu nổi, nay sinh nhật nó, mai sinh nhật em nó, mốt sinh nhật má nó rồi ngày kia đám giổ ông cố ngoại, cố nội nhà nó, mấy bữa tiệc đó mình trả tiền muốn hụt hơi, quen nó một năm chắc mạt kiếp.
    - Ừa, bởi vậy Tú nó mới trốn, nghèo mà bầy đặt, nó xin có 1 triệu đồng còn không đủ lấy gì bao nó. Mà không biết nó mê thằng Tú thiệt hay tưởng má ảnh mới bán đất có mấy tỉ đồng không biết?
    Sau ngày con Spacy chết, một thời gian sau Tú mang con chó nhỏ về nuôi, cưng nó lắm, tối cho ngủ chung trên giường. Sợ bị bắt hay bị xe chẹt, Tú mua hẳn một cái cũi rất đẹp, làm nhà nhốt nó ở trong đó. Chẳng hiểu sao bây giờ lại có hai con giống hệt nhau. Tôi ngồi lầm bẩm một mình, "xinh như mộng thế này mà xổng ra ngoài đường là tụi bắt chó sẽ chộp mất". Ở Sài Gòn có hẳn một đội quân chuyên đi săn chó trộm, tụi này nhanh như sóc, chỉ cần chúng lướt qua là con chó lọt vào tay chúng một cách dễ dàng, dù mình có nhìn thấy cũng không tài nào theo kịp chúng. Gặp được chó kiểng, mắc tiền, chúng sẽ cho cò mồi liên lạc báo tin để chủ lên chuộc lại, còn không chúng bán cho tụi buôn chó ngoài chợ. Chó thường thì tống vào lò thui bán quán nhậu thịt cầy bảy món. Tôi nhớ ông chủ nhà tôi khi xưa nuôi một con chó Bull, thân cao to nhưng mặt ngắn cũn, đuôi thì từ nhỏ đã bị chặt cụt. Giống chó này hôi như cú nhưng được cái thông minh nhanh nhẹn, nghe nói một con giá trên dưới cả ngàn đô la. Một hôm ông dậy sớm đưa chó đi vệ sinh, cũng bị tụi săn chó chộp mất, lạ một điều con chó to như vậy, khôn lanh như vậy mà chúng chộp đi cái một chẳng kêu lên được tiếng nào. Ông cuống cuồng chạy đủ tiền chuộc chó, khi mang con Bull về, nó rẽ vào phòng tôi nhẩy cẫng lên mừng rỡ thè cái lưới đỏ hỏn đầy nhớt tính liếm vào mặt tôi nhưng tôi cố đẩy ra, đá nhẹ vào mông nó, quát: "Biến mày! đồ khôn nhà dại chợ". Có lần ông chủ bị nhập viện, con Bull không ăn cũng không ngủ suốt cả tuần, nằm bệt ứa nước mắt, nửa đêm nó cất tiếng hú nghe rợn cả người. Tôi nghe đồn giống chó này trung thành với chủ, nếu chủ chết nó cũng chết theo.
    Chị Nguyệt sắp mâm cơm mời tôi ra ăn, tôi từ chối khéo, rủ chị qua nhà tôi ăn tối vì hôm nay món có thịt rừng.
    Chị Nguyệt dắt chiếc xe honda ra ngoài cùng tôi về nhà, lúc này chị vẫn còn ở một mình trong căn nhà cũ tại quận Ba, tôi cầm tay lái, kêu chị Nguyệt chỉ đường để tôi chở chị đi. Khu Gò Vấp này tôi không rành cho lắm. Thành phố đã lên đèn, những ánh đèn vàng vọt chiếu rọi xuống đường xá, xe cộ đông như nêm, tôi nhìn thấy dưới ánh đèn đường bụi bay mù mịt. Tôi cho xe chạy từ từ nép vào bên lề, phần vì sợ đông người, phần vì quá nhiều những con bọ nhỏ xíu cứ chực bay vào trong mắt, tôi hạ cặp mắt kiếng mát nãy giờ vẫn gài trên đầu xuống đeo, nhưng chỉ một chút lại phải nhấc lên vì tồi hùi không nhìn rõ đường xá, tôi tự nhủ, mai mốt phải sắm cặp mắt kiếng trắng để chạy xe vào buổi tối. Tôi cho chạy xe theo hướng dẫn của chị Nguyệt, thực sự chẳng biết đường nào ra đường nào, thành phố bây giờ mở đường chằng chịt, dọc ngang, xe cộ thì tấp nập, lại vào buổi tối chập chờn, tôi cứ như lạc vào trận đồ bát quái, đi miết mà không thấy về nhà mình. Phải đến lúc xe chạy đến ngã tư Phú Nhuận, tôi mới không cần đến sự chỉ dẫn của chị Nguyệt. Tuy sống tại Sài Gòn mười mấy năm nhưng cứ quanh quẩn khu trung tâm quận một giỏi lắm thì xuống tới khu Chợ Lớn, hoặc quận Tân Bình chứ Gò Vấp thì chưa bao giờ bén mảng ra đây.
    Về đến nhà, con trai tôi ra mở cửa, nó đã được nghỉ Tết từ hôm qua, cười toét chào mẹ chào cô Nguyệt, cu cậu cằn nhằn:
    - Mẹ đi đâu mà con gọi cho mẹ không được, cả nhà chờ cơm mẹ mãi không thấy về nên ăn trước rồi. Mẹ ăn cơm chưa?
    - Chưa, còn để dành đồ ăn cho mẹ không?
    - Còn, Chin (tên gọi nhà của chị Lan, do nó đặt hồi nhỏ) phần mẹ Nai bóp thấu ngon lắm, con ăn đã thì thôi.
    Tôi hôn nhẹ lên mái tóc con rồi khoác vai nó đi vào nhà. Bé Trân lui cui dọn dẹp bếp núc, từ ngày tôi về, con bé siêng năng hẳn ra, chắc là để lấy công với dì vì tôi vẫn thường nghe than phiền con bé lười thối xác, chỉ được cái khôn lỏi, so với con bé Anh con chị Phương, Trân lanh hơn nhiều. Vừa nhìn thấy tôi về, nó vồ vập:
    - Dì ăn cơm chưa? Cháu dọn cơm dì ăn hén? A, chào cô Nguyệt.
    - Ừ, dọn đi, dọn cho cô Nguyệt ăn chung với.
    - Dạ, hôm nay thức ăn ngon lắm.
    Con bé trải chiếc chiếu ra giữa nền gạch bông, bày ra một dĩa bún tươi, một dĩa rau sống các loại gồm cả khế chua chuối chát, một dĩa khác đựng thịt rừng đã được trộn sẵn và lưng tô mắm nêm thơm lừng. Tôi đứng rửa tay ngay bên cạnh liếc nhìn nuốt nước bọt, lau khô bàn tay mình, tôi ngồi xuống, mời mọc chị Nguyệt:
    - Ngồi xuống đây chị, ăn thử món này xem tay nghề bà Lan.
    Chị Nguyệt ngồi xuống cạnh tôi, với tay lấy một tấm lá bánh tráng, gắp rau thơm, chuối chát, khế chua, thịt rừng và bún bỏ vào trong đó cuốn tròn lại, chấm mắm nêm ăn ngon lành. Tôi và chị đang ăn thì thằng Út đến ngồi bên cạnh, Út cũng đưa tay gắp đồ ăn vào phần của mình. Tôi nhìn Út ngạc nhiên hỏi:
    - Ủa, nãy giờ chưa ăn hả?
    - Em ăn rồi, nhưng mà kém miếng khó chịu.
    Nó cười, nhe nguyên hàm răng ám khói thuốc vàng khè, mặt thì quắt lại, đen như cột nhà cháy. Tôi nhìn em thấy xót xa, phải chi hồi đó nó chịu khó học hành, không đam mê cờ bạc thì bây giờ đâu đến nỗi vất vả chạy rông ngoài đường cả ngày như vậy, em tôi là thợ sửa điện lạnh.
    - Dạo này còn cá độ đá banh nữa hết Út?- Chị Nguyệt hỏi.
    Tôi xía vào:
    - Thằng này mà dễ gì không, "còn cái lai quần" nó cũng cá nữa đó chị.
    - Hồi nó lên sửa cho chị cái máy lạnh, nó than bảo em nhát, phải chi đưa tiền cho nó làm cá độ đá banh nay chắc giầu to rồi.
    - Không biết giầu to hay đi ăn mày cả nút, đồ thứ mê cờ bạc sao em ghét ghê.
    Thằng út cười nhăn nhở. Sau bữa ăn, chị Nguyệt ở chơi một chút rồi đi về. Tôi vào phòng nằm coi con chơi game và ngủ thiếp đi lúc nào không biết.

Xem Tiếp Chương 16Xem Tiếp Chương 29 (Kết Thúc)

Một Người - Một Đời
  » Xem Tập 1
  » Xem Tập 2
  » Xem Tập 3
  » Xem Tập 4
  » Xem Tập 5
  » Xem Tập 6
  » Xem Tập 7
  » Xem Tập 8
  » Xem Tập 9
  » Xem Tập 10
  » Xem Tập 11
  » Xem Tập 12
  » Xem Tập 13
  » Xem Tập 14
  » Đang Xem Tập 15
  » Xem Tiếp Tập 16
  » Xem Tiếp Tập 17
  » Xem Tiếp Tập 18
  » Xem Tiếp Tập 19
  » Xem Tiếp Tập 20
  » Xem Tiếp Tập 21
  » Xem Tiếp Tập 22
  » Xem Tiếp Tập 23
  » Xem Tiếp Tập 24
  » Xem Tiếp Tập 25
  » Xem Tiếp Tập 26
  » Xem Tiếp Tập 27
  » Xem Tiếp Tập 28
  » Xem Tiếp Tập 29
 
Những Truyện Dài Khác