Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Dài » Đất Tiền Đất Bạc Tác Giả: Mario Puzo    
    Đứa con thứ hai ra chào đời công việc làm ở Hỏa xa bớt đi đúng một nửa - tuần lễ đang làm việc sáu ngày chỉ còn ba - thì Larry mới bắt đầu thấm mệt vì sự sống khó khăn . Lúc bấy giờ nó mới hiểu con người thực của mình chẳng là cái gì cả !
    Bữa chủ nhật đưa vợ con đi thăm người bạn, Larry bồng đứa nhỏ, vợ ẵm đứa lớn dắt dìu nhau ra góc đại lộ 10 và 34 đợi xe điện . Đứng bờ đường bên kia nhìn qua thằng Gino xem bộ ngơ ngẩn, thương hại cho ông anh lớn vợ con đùm đề . Buồn quá ! Larry đưa tay vẫy em qua .
    Gino hồi này lớn bộn . Nét mặt nó rám nắng, già dặn hẳn ! Larry không khỏi xao xuyến . Mới ngày nào đây nó là thằng con nít, thấy anh cưỡi ngựa chạy ngang là phải chạy ra cửa sổ nhìn bằng được !
    Larry mỉm cười ngao ngán bảo em:
    - Chú mày thấy chưa ? Vợ con vào là như thế này đây .
    Dĩ nhiên là anh em nó nói chơi với nhau, có điều không bao giờ Gino quên cái cảnh "thê tróc tử phọc" của anh nó ngày hôm ấy . Nhất là bà chị dâu mặt sát tới xương trừng mắt nhìn dằn dỗi vặn hỏi chồng: "Thế này là thế nào ? Chán lắm rồi hả ?"
    Không muốn có chuyện, Larry cười hề hề: "Nói giỡn chơi mà bồ !". Nhưng Gino không giỡn chơi chút nào . Nó ngao ngán nhìn vợ chồng ông anh lớn như nhìn vào khoảng không ! Tuy vậy bổn phận nó là phải ráng đứng với anh chị và với các cháu cho đến khi xe điện tới chứ ! Nhìn thằng em, Larry nhớ lại hồi lớn bằng này đã phải đi kiếm việc làm rồi . Nó hỏi "Lên trung học mày học hành thế nào ?" thì Gino chỉ đáp vắn tắt "Cũng đỡ đỡ vậy thôi" .
    Gino đứng sững nhìn ông anh dìu vợ, dắt con lên xe điện . Xe chạy rồi nó còn bần thần đứng nhìn theo .
    Ngồi trên xe điện, nghe tiếng bánh xe rít róng lướt trên đường sắt và xa dần khuôn mặt thằng em, dù sáng chủ nhật trời như mạ vàng mà rõ ràng Larry vẫn cảm thấy mất mát một cái gì và đời nó kể như tàn . Đúng thế ! Và cũng do buổi gặp gỡ đó, ngồi trên xe suy nghĩ về thân phận con người mà Larry đâm ngao ngán . Sống thế này thì sống làm chi ? Nó phải sống khác, phải bỏ cái công việc tù túng ở sở Hỏa xa, dù tà tà sống lâu lên lão làng chắc . Nó không ngần ngại bỏ luôn tám năm thâm niên công vụ !
    Tuần sau tình cờ Larry sáng dậy xuống phố đi lại lò bánh mua ổ bánh mì ngọt về ăn sáng . Đêm qua nó đâu có đi làm ? Công việc ở Hỏa xa hồi này bết bát quá mà ?
    Vừa thấy bóng Larry bước vào thằng Guido đã tươi cười chạy ra đón . Cha, hồi này Guido cũng để ria mép cho hách chắc ? Lâu không gặp, hai đứa quấn lấy nhau trò chuyện . Guido ăn nói chững chạc ra phết . Nó bỏ học để ở nhà chăm nom lò bánh của ông già lâu rồi mà ! Thảo nào nó ăn nói cứ như người lớn:
    - Thế nào, Larry ? Có công việc ngon lành lắm, mày có khoái làm không ?
    Larry cười cười cái điệu mọi lần "Làm chứ . Làm liền" nhưng thực ra nó nghĩ đến việc bỏ sở đi kiếm ăn cách khác, nghề khác đâu ? Nào ngờ thằng Guido lại mau mắn:
    - Làm hả ? Làm thì vào đây !
    Nó kéo Larry tuốt vào nhà trong . Larry đi theo và thấy bà Guido đang ngồi nhâm nhi ly rượu hồi, chuyện trò cùng một ông bạn xem bộ thân thiết lắm . Dĩ nhiên phải người đồng hương, nhưng thoạt nhìn biết ngay là tay đáo để chứ chẳng phải thứ ngất ngư vừa rời tàu đặt chân lên xứ sở này ! Khách lạ cũng trạc tuổi chủ lò bánh, gốc Ý không thể lầm được nhưng ăn mặc lối Mỹ, đồ lớn, đứng đắn, chững chạc, cavát sậm màu đàng hoàng và ngay mái tóc cũng hớt tỉa sát rạt đặc biệt của Mỹ .
    Miệng thằng Guido tía lia:
    - Chú à, đây là thằng bồ bịch nhất của cháu xưa nay - thằng Larry cháu vẫn nói với chú đó . Còn đây là ông Di Lucca mà tao vẫn gọi là chú Pasqual vì chú tao và ông già thân tình còn hơn họ hàng, hai người chơi với nhau từ hồi còn chút xíu ở bên nhà mà ?
    Larry đỏ bừng khoái chí, không ngờ tên nó còn được bà con nhắc đến mà lại nhắc nhiều lần nữa ! Ông khách này Guido kêu bằng chú ... nhưng hiển nhiên không có bà con, chỉ vì chơi thân với gia đình từ lâu như nó vừa giới thiệu .
    Larry bèn bật cười thật tươi, đưa tay kính cẩn bắt xua ông khách . Lão chủ lò bánh thân mật rót cho Larry một ly rượu hồi và bảo nó: "Ngồi xuống đi cháu . Làm một ly với tụi tao" . Nhưng Larry chỉ dạ dạ: "Ngồi thì cháu ngồi liền ... nhưng rượu thì cháu đâu biết uống ! Bác cho cháu xin ly cà phê đủ rồi !".
    Rõ ràng Larry thấy ánh mắt ông Di Lucca nhìn nó hài lòng ra mặt, ra điều "con trai thời buổi này mà không đụng tới rượu là quý lắm, hiếm lắm !" Làm như ông ta chỉ cần liếc sơ sơ là đánh giá được con người nó rồi và điệu này nó có hỏi con gái ông thì "ông bố vợ" Di Lucca cũng cứ chịu chắc .
    Thằng Guido lẹ làng rót rượu đầy ly cho ông chú và quay sang phía bố nói một hơi:
    - Bố à ... có phải chú Pasqual nói với bố chú đang để ý tìm một người cộng sự, một thằng trẻ tuổi thật đàng hoàng phải không ? Nếu chú tính tuyển lựa người thì còn ai ngon hơn thằng Larry, chú Pasqual ? Biết bao nhiêu lần cháu từng thưa với chú mà ? Thằng Larry được lắm, con chơi với nó quá lâu mà !
    Hai người lớn nhìn Guido cái điệu trách yêu: "Làm gì mà hăng thế mày ? Chuyện làm ăn phải từ từ ... để thủng thẳng xem sao chứ nôn nóng như mày đâu được ?". Giữa lúc bố Guido đưa tay ra hiệu đừng nói nữa thì ông Di Lucca nhìn ông ta, hỏi bằng thổ ngữ quê hương:
    - Thằng nhỏ này thế nào ? Được không bạn ?
    Còn hỏi ! Ông chủ lò cười khà: "Được mà thôi hả ? Nó số một !"
    Hai người lớn nhìn nhau mỉm cười . Guido cũng nhìn Larry cười khoái, nhưng bố nó và chú Pasqual vẫn khề khà tợp từng ngụm rượu hồi . Họ chẳng nói gì thêm, cứ đủng đỉnh đốt điếu xì gà Di Nobili ngồi kéo khói nhìn nhau . Tuy nhiên chẳng ai cần phải nói ra, thấy Di Lucca ngồi gật gù thế kia phải hiểu rằng ông ta chịu rồi .
    Đó là một điều Larry xưa nay vẫn lấy làm hãnh diện . Nó biết là trời cho nó duyên ngầm, từ lời nói đến cử chỉ, điệu bộ ... ai có dịp tiếp xúc với nó là chịu gấp . Đàn ông cũng như đàn bà ! Larry dù biết mình có lợi khi chịnh phục lòng người như thế đó nhưng lại rất biết điều . Nó không nhăng nhít, vung vít mà rất lấy làm khiêm nhượng, như thầm cảm ơn cái duyên trời cho ... nên ai đã có cảm tình với nó còn có cảm tình thêm nữa ngay từ buổi đầu gặp gỡ .
    Giữa lúc đó, ông Di Lucca hỏi thằng Larry:
    - Thế nào ... cháu có muốn về làm với tôi không ?
    Một câu hỏi tầm thường mà mánh lới như vậy càng làm Larry "lên" thêm chắc ! Nó cũng có thứ giác quan bén nhạy nhìn người là biết ai được ai không . Là những típ người đặc biệt như Di Lucca . Ông ta hỏi khơi khơi vậy mà có đầu óc thì phải hiểu là: "Mày thấy tao thế nào ? Có đáng mặt đàn anh, cha chú ... để mày tôn phục ?"
    Nếu xớn xác nhè đặt vấn đề hỏi ngược lại công việc gì, lương bao nhiêu, làm ở đâu, làm với những ai và nhất là có gì để bảo đảm chắc chắn không thì chắc chắn trăm phần trăm "đi chỗ khác chơi" ! Chỉ cần một câu hỏi bậy là vứt bỏ hết .
    Đời nào Larry ngu ngốc vậy ? Cho dù có chưa biết việc gì để mà nhận, chưa dám nghĩ đến việc vứt bỏ tám năm "thâm niên công vụ" thì mặt mũi nó cũng cứ tươi tỉnh, hân hoan . Ít ra cũng có người nghĩ đến mình mà ? Larry bèn nói như reo lên, hoàn toàn không giả trá:
    - Được về làm với ông thì nhất !
    Di Lucca vỗ tay đánh đét một phát . Mắt ông ta sáng quắc, nét mặt không giấu nổi sự vui mừng pha lẫn ngạc nhiên . Ông ta đưa tay như phân bua: "Tạ ơn trời ... ngày giờ này bên nước này mà còn có một thằng trẻ tuổi không hổ danh gốc Ý mình !".
    Thấy chú Pasqual chịu Larry quá xá, thằng Guido khoan khoái cười ha hả: "Chú thấy không ... cháu đã nói trước là thế nào chú cũng chịu quá mà !". Bố Guido cũng cười sảng khoái . Chỉ một mình Larry mỉm cười khiêm nhượng ...
    Di Lucca bèn có cử chỉ đẹp ngay . Rất tự nhiên, ông ta móc túi lấy ba tờ $20 thân mật nhét vào tay Larry cười ha hả: "Nếu vậy hay lắm . Tao chịu những thằng ngon mà đàng hoàng . Đây chú mày lấy tiền xài đỡ . Cứ lấy đi kể như lĩnh lương một tuần trước vậy mà ! Sáng mai đến văn phòng tao và mình bắt tay vào việc liền . Nhớ ăn mặc cho chững chạc, đồ lớn và cavát tử tế ... nhưng kỵ nhất là xe xua lố lăng . Mình người làm ăn phải có bề ngoài thật Mỹ ... và đúng mốt như tao đây này ! Thấy chưa ? Chú cầm lấy cái địa chỉ này ..."
    Di Lucca cho tay vào túi áo vét lấy ra một tấm danh thiếp nho nhỏ ... rồi lại thản nhiên ngồi bật ngửa ra ghế tiếp tục kéo khói Di Nobili .
    Larry cầm tiền, cầm danh thiếp . Ngạc nhiên quá nó còn biết nói gì hơn là ấp úng cảm ơn ? $60 tiền lương một tuần là quá nhiều, lại lãnh trước nữa . Sơ sơ mới khởi sự đã gấp đôi lương bên Hỏa xa tính tuần lễ làm đủ cả sáu ngày .
    Mọi người cùng vui cười hể hả, chuyện trò thân mật và giải khát thêm một chầu nữa . Đúng lúc có thể hỏi qua công chuyện làm ăn ... Larry mới khôn khéo nhắc thử thì được Di Lucca giải thích rõ .
    Công việc hàng ngày của Larry thật nhẹ nhàng, đại khái chỉ làm thâu ngân viên cho Nghiệp đoàn các chủ lò bánh . Nó ngày ngày lo đi thâu tiền nguyệt liễm nhưng chỉ phụ trách một khu thật hiền, xưa nay chưa hề có chuyện lộn xộn . Làm ăn đứng đắn ít lâu sẽ có chầu lên chức, lên lương ... nghĩa là nhảy qua ngành khác ngon hơn nhiều .
    Theo lời ông sếp mới thì đâu phải công nhân lò bánh mới phải vào nghiệp đoàn ? Chủ nhân cũng có nghiệp đoàn chủ nhân, hàng tháng cũng phải đóng nguyệt liễm ... và dĩ nhiên phải đóng góp nặng hơn người làm công chứ ?
    Làm chân đi thâu tiền dĩ nhiên Larry cũng phải có sổ sách, biên lai như cuộc chê các hãng bảo hiểm vậy . Và còn phải tôn trọng luật lệ của nghề, đại khái khôn ngoan lịch thiệp biết giao du tốt đẹp với mọi người, biết xài thì giờ rộng rãi, giờ làm ăn không được uống rượu và cấm tuyệt không được gạ gẫm mấy em bán hàng . Xem vậy muốn thâu được tiền thiên hạ đâu phải dễ, có lãnh lương ngon lành cũng đáng .
    Lát sau Di Lucca làm cạn ly rượu hồi, đứng dậy bắt tay Larry dặn dò: "Nhớ đúng mười giờ sáng mai nghe !". Với ông bạn già thì ông ta chỉ chào hỏi từ biệt đúng mức nhưng với Guido thì xử sự rõ ra vai cha chú . Sau khi tát yêu nó một cái, ông ta gấp một tấm giấy bạc nhét vào túi Guido kèm theo một khuyến cáo:
    - Cố giúp ông già nghe mi ! Ông già vui quá dễ, quen cái lối Mỹ rồi nhưng mi phải xem chừng tao ! Tao mà nghe mi có chuyện lộn xộn là tao xuống liền và cho mi vào khuôn khổ lập tức, nhớ nghe mi ?
    Larry chịu quá . Rõ ràng vừa yêu thương, vừa đe dọa làm thằng Guido phải nói ngay: "Cháu mà, chú yên trí, đừng lo" .
    Thế là hai chú cháu nó nắm tay nhau thật chặt . Guido khoan khoái đưa chú Pasqual ra tận cửa, vừa đi vừa cười ha hả . Larry còn nghe tiếng chú vọng vào: "Mi nhớ kiếm con vợ đàng hoàng để nó trông nom cửa hàng đỡ chớ !".
    Lúc đi trở vào, thằng Guido vui mừng thật tình . Nó nhảy cẫng lên chạy quanh bồ bịch: "Vậy mày ngon rồi, ngon chắc ! Yên chí đi, hai năm nữa thế nào mày cũng tậu được nhà riêng bên Long Island . Làm ăn với chú Pasqual là vậy đó ! Con nói đúng không bố ?".
    Ông chủ lò bánh gật đầu xác nhận liền . Thong thả làm từng ngụm rượu hồi, bố thằng Guido không trả lời con mà bảo Larry:
    - Lorenzo ... cháu Lorenzo ! Bác mừng cho cháu . Cháu là thằng được ... cháu sẽ có dịp học hỏi với đời và trở thành người lớn, người đàng hoàng !
    
- o O o -

    Đúng cuộc đời Larry hồi này sung sướng chán ! Nó có quyền ngủ trễ, ăn cơm trưa ở nhà rồi làm một tua các lò bánh trong vùng trách nhiệm . Mấy ông chủ gốc Ý dĩ nhiên đối với nó rất điệu . Đã mau mắn đóng tiền còn mời cà phê, bánh ngọt hoài hoài . Mấy cha gốc Ba Lan mới đầu lạnh nhạt nhưng thấy nó chơi đẹp cũng dần dà biết điều hết, dù mời rượu mạnh là Larry từ chối gấp . Họ chịu nhất là những em bé ngồi uống cà phê trong tiệm thấy anh Larry tới là nói chuyện dứt không ra phải gạt ra để còn đi "làm ăn" mấy tiệm khác . Lâu lâu Larry còn dám vi phạm luật lệ trong nghề, thấy em Ba Lan nào xem được và dễ dàng còn dám tán tỉnh trực tiếp và mượn ngay phòng trong của ông chủ tiệm để làm chỗ hẹn hò kia mà ? Hình như ông chủ còn khoái nữa, bằng không Larry đâu dám hẹn hò em y chỗ cũ ?
    Xét cho cùng mấy ông chủ gốc Ý có chịu chi dễ dàng cũng đâu có lạ ? Họ quen nếp sống bên nhà quá rồi: Cái gì mà chẳng phải "lì xì" ? Ông cha sở đọc giùm lá thư cũng phải xách tới biếu chục hột gà cho đúng lệ và có chút việc tới nhà làng hỏi thăm thầy thư ký là phải kèm theo chai rượu . Các ông chủ lò bánh gốc Ba Lan nếu có đóng góp chỉ vì chút cảm tình với thằng đi thâu tiền . Nếu có kẹt Larry chỉ kẹt vì mấy thằng cha gốc Đức .
    Đâu phải họ không muốn chi mà thôi ? In hình họ còn không thèm chi cho một thằng Ý ranh con kia ? Cực chẳng đã đành phải xì tiền góp cho xong nên không mấy khi Larry được họ mời ly cà phê, miếng bánh ngọt . Thông thường thấy mặt nó là móc tiền ra, đại khái như trả tiền điện, tiền nước vậy . Một ly cà phê mời mọc Larry đâu có ham ? Suốt ngày cà phê cũng phải ngấy ... nhưng chính sự lạnh nhạt của họ làm Larry có cảm tưởng "găng tơ" đi ăn cướp rõ !
    Có một gã cứng đầu nhất . Dĩ nhiên hắn gốc Đức và là người duy nhất không chịu "đóng nguyệt liễm Nghiệp đoàn" . Mà tiệm hắn lại đắt khách nhất, bánh gì cũng ngon hơn, trội hơn tất cả các đồng nghiệp nhiều ... dù là ổ bánh mì, xăng uých ngọt hay bánh kem, bánh sinh nhật ! Hàng của hắn bán quá chạy mà thâu ngân viên Larry chịu không thâu nổi một xu . Dĩ nhiên nó phải báo cáo lên sếp nhưng lần nào Di Lucca cũng gạt đi: "Chú mày sống hồi này đỡ khổ chứ ? Thôi ráng đi ... Còn nó để thủng thỉnh xem" .
    Một hôm, Larry đi thâu tiền trễ . Tình cờ lại đi ngang tiệm Hooperman ... Larry không muốn vào chút nào vì nó ghét mặt thằng chủ mập lùn đầu sói ... Đã không đóng tiền còn ưa giỡn mặt, xem nó không hơn một thằng con nít ! Cứ mỗi lần giáp mặt nó là thế nào Larry cũng phải bỏ tiền ra mua vài ổ bánh mì . Vừa tỏ vẻ nhã nhặn, biết điều vả lại xưa nay nó vẫn khoái mọi thứ bánh ở tiệm này . Để mua chuộc tí cảm tình của thằng chủ nữa thì có đi đâu mà thiệt .
    Phải nhìn nhận chơi như Larry là quá đẹp . Ít lâu nay nó không muốn đòi quá găng,sợ sinh chuyện lôi thôi nên tốt hơn là cứ "thủng thẳng" xem sao rồi sẽ tính và trong khi chờ đợi đành hy sinh móc tiền túi ra đóng nguyệt liễm giùm Hooperman đều đều vậy . Kẹt cái lại thêm hai thằng chủ tiệm noi gương thằng cha lùn, thường lệ đóng đều nhưng bữa nay có tiền cũng không đóng . Tụi nó cười xỏ bảo Larry tuần sau hãy tới ! Công việc đang ngon trớn mà Larry bỗng thấy nản quá, đã tính quay về làm Hỏa xa cho xong .
    Tiệm Hooperman nằm gần góc đường, bên kia là bót Cảnh sát . Thằng chủ chắc ỷ tình hàng xóm láng giềng với mấy thầy chú nên mới dám găng với "Nghiệp đoàn" đây ! Có gì la lên một tiếng là lính tới liền mà .
    "Đến phiền vì cái thằng lùn cứng đầu này ! Không lẽ chỉ vì một mình nó mà mình phải bò về sở cũ để mỗi tuần lãnh $15 thì khổ quá", Larry nghĩ vậy . Hay là đợi lúc tiệm không có ai thử vào rỉ tai nó nếu không chịu chi thì đích thân Di Lucca sẽ tới viếng ? Để xem phản ứng nó thế nào ? Thuận lợi thì nồ đại vài tiếng, chừng không xong hãy hay . "Thôi đành một ăn hai thua" vậy ... chứ "găng tơ" quái gì nó ?
    Nó mà bị xem là "găng tơ" ngày ngày đi dọa dẫm người bắt nạt tiền tháng thì tức cười quá ! Bà chị Octavia biết chuyện chắc sẽ cười bò ra và bà mẹ dám nọc nó ra cho một chầu tackeril quá ! Cũng tại thằng cha đầu bò ngang chướng mà ra hết .
    Larry đi vòng vo có đến một giờ đồng hồ, qua lại mấy lần nhìn vào mới thấy tiệm Hooperman vắng khách . Nó bước vào gật đầu chào và em đứng bán hàng cũng gật đầu chào lại khiến Larry xăng xái đi vào phòng trong .
    Phòng trong là lò bánh mì và mấy chiếc bàn la liệt những khay bánh . Có mặt Hooperman và cả hai gã vừa noi gương cứng đầu lúc nãy . Ba người đang ăn nhậu, giữa bàn bày một thùng lave bự .
    Vừa thấy bọn họ, Larry đã "quê" chịu hết nổi và chúng lại còn cười ầm lên khoái trá nữa . Vậy khác nào chửi vào mặt thằng ranh con học đòi làm găng tơ, nhè người lớn bắt nạt thuế ! Điệu này chẳng bao giờ lấy nổi của Hooperman một xu chắc vì dưới mắt chúng thì dù một vợ hai con, Larry vẫn cứ là một thằng con nít hỗn láo .
    Đang cười sằng sặc, thằng lùn sói đầu chửi xỏ: "Tưởng ai hóa ra cậu thâu ngân của "Nghiệp đoàn" . Bữa nay cậu tính thâu bao nhiêu ? Một chục, hai chục ... hay năm chục đô la ? Thiếu gì tiền đây ... lại mà lấy nè !". Nó cười hô hố quơ cả đống tiền liệng ra mặt bàn .
    Quê quá và bị hạ nhục tệ hại quá ... Larry muốn cười cầu tài một phát cũng không nhếch mép nổi . Nó đành ráng bình tĩnh nói:
    - Xin lỗi, ông không phải đóng gì hết . Bữa nay tôi đến để thông báo cho ông Hooperman hay là ... ông không còn tên trong "Nghiệp đoàn" nữa . Có vậy thôi .
    Hai gã bạn đang cười bèn khựng lại nhưng riêng Hooperman nổi sùng, lồng lộn lên làm dữ:
    - Nghiệp đoàn gì ? Tao có bao giờ thèm biết đến cái Nghiệp đoàn khốn nạn của tụi bây ... mà còn tên hay hết ? Tụi bây nã tiền là không có mà một ly cà phê, một mẩu bánh tao cũng không thèm thí cho tụi bây .
    Larry cố làm hòa và cho hắn biết:
    - Tiền đóng Nghiệp đoàn chính tôi đã xuất ra đóng cho ông . Tôi không muốn một tiệm bánh làm bánh ngon thế này gặp những chuyện rắc rối .
    Tiết lộ của Larry làm Hooperman hết say . Nhưng hắn nghiến răng chỉ tay tận mặt Larry chửi bới:
    - Đúng là quân găng tơ ! Mày nồ nạt, dọa dẫm tao không xong tính chơi trò tình cảm hả ? Bỏ đi ! Sao mày không lao động như tao đây này mà cứ chơi gác đòi cướp tiền, cướp cơm của tao nhỉ ? Một thằng làm quần quật một ngày mười hai giờ, mười bốn giờ như tao mà phải nạp tiền cho quân cướp cạn ? Cút ngay khỏi nhà tao, cút gấp ... thằng ăn cướp trẻ ranh !
    Thấy nó làm hung hãn quá, Larry không biết phản ứng cách nào . Đành quay mặt đi cắm đầu bước ra vậy . Ra ngoài cửa hàng vẫn còn ngạc nhiên quá nhưng nếu đi ngay thì hèn quá, sợ nó quá ... nên để chứng minh là chẳng ngán gì nó, Larry dừng lại ở quầy hàng, bảo con nhỏ bán cho một ổ bánh mì, một chiếc bánh bơ pho mát . Con bán hàng lấy chiếc bánh bơ ra, đang cầm hũ đường rắc lên bánh theo lệ thông thường thì phòng trong có Hooperman hét ầm ầm rồi nó hùng hục chạy ra la lối: "Đồ ăn cướp ... khỏi bán chác gì cho nó hết ! Không bán" .
    Hooperman giựt đại hũ đường nơi tay con nhỏ, điểm mặt Larry và chỉ tay ra cửa hét lớn: "Cút ngay ! Tao bảo mày cút khỏi tiệm tao mà ?"
    Giận dữ run người, Larry còn nhìn nó châm bẩm thì bị Hooperman đưa tay xô ra . Dĩ nhiên hũ đường phải đổ hết cả vào cổ nó nên Larry thấy mất mặt quá . Nó lẹ làng đưa tay lên chỉ cốt gạt tay Hooperman ra và nắm cứng lấy theo phản ứng tự nhiên . Thế rồi một cú thôi sơn tay phải bay vào giữa mặt thằng mập . "Rầm" một phát, sức mấy Hooperman đứng nổi ? Cái đầu sói bị một cú quá nặng bật tới bật lui ... nếu không có cần cổ dám bay tuốt luốt luôn !
    Nhìn lại bộ mặt Hooperman quả là cả một sự tàn phá ghê tởm . Cái mũi xẹp lép máu tuôn ồng ộc ra mặt quầy trộn lẫn với đường đỏ lòm . Cặp môi nát ngướu chẳng còn hình dạng gì ngoài một cục thịt bầy hầy máu . Bên trong thì nguyên hàm răng bên trái nằm sang một bên . Thấy máu mình đổ ra, Hooperman đâm say máu lạng quạng từ trong quầy đi ra như một thằng say rượu, nhưng vẫn cố chạy ra đằng trước để chặn cửa Larry, không cho thoát chạy . Miệng nó thều thào: "Cảnh sát ... kêu cảnh sát" .
    Con nhỏ bán hàng và hai ông bạn chạy luồn cửa sau . Một mình Hooperman giang tay chắn cửa trước ... cặp mắt giương lên thấy ghê vì mặt mũi bầm giập đẫm máu . Nhìn trước nhìn sau Larry tính vọt đằng cửa sau thì bị Hooperman chạy theo nắm cứng ... không dám làm gì, không dám đụng chạm nhưng cố níu cứng, nhất định không buông . Larry hất mạnh một cú là nó văng tuốt nhưng không lẽ lại xông vào đánh nữa ?
    Đánh không nỡ mà đằng nào cũng bị bắt đến nơi, dám tù tội mất mặt cả nhà nên Larry bỗng nổi sùng lên phóng ra một đá bể tan cửa kính quầy hàng trước . Mảnh kính vụn bay tứ tán và Larry liên tiếp đá văng bằng hết mấy giá bánh bày dài dài . Tiếc của như phát khùng, thằng Hooperman nhào tới liền, ôm hai chân Larry vật té lăn . Vì vậy lúc lính tới hai thằng còn mải ghì nhau, vật nhau lăn lông lốc trên nền nhà đầy những mảnh vụn và mảnh kính bể . Không đứa nào chịu buông hết !
    Vào bót cảnh sát hai gã điều tra viên đồ sộ áp giải Larry vào phòng sau . Một gã vặn hỏi:
    - Thế nào, đầu đuôi ra sao ... chú nhỏ ?
    - Tôi đang hỏi mua bánh . Hắn gây sự, hắn hất đường vào mặt tôi . Nhân chứng là cô bán hàng ...
    - Rồi chú mày đập nó lăn ra chứ gì ?
    Larry lắc đầu . Đúng lúc đó có một cái đầu thẩm vấn viên thò vào cửa bảo: "Thằng mập vừa khai thằng nhỏ này đi thâu hụi chết cho Di Lucca đó nghe" .
    Gã điều tra viên đang lo vụ Larry bèn đứng dậy bỏ phòng đi ra . Mấy phút sau, hắn trở vào châm điếu thuốc hút, bỏ dở hỏi cung . Gã chẳng buồn hỏi Larry thêm một câu nào nữa . Nhất định gã chờ một cái gì .
    Chưa bao giờ khổ tâm đến vậy . Việc ra cò bót thế nào chẳng có báo đăng, thế nào lối xóm cũng biết ? Rồi ra tòa, rồi lãnh án và ở tù thì ... đẹp mặt cho cả nhà ! Tất cả chỉ vì làm ăn với Di Lucca .
    Gã thẩm vấn viên nhìn đồng hồ . Hắn tất tả đi ra và mấy phút sau lại trở về y chỗ . Nhưng lần này hắn kêu Larry, ngón tay trái chỉ trỏ phía cửa:
    - Rồi, xong rồi . Vụ của chú có người lo rồi !
    Larry ngây người . Nó đâu biết gì, cứ tưởng tai mình nghe lầm . Gã thầy chú lại phải nói:
    - Kìa ra đi chớ ! Sếp chú đang chờ ngoài đó ...
    Một vị thầy chú khác mở bật cửa cho Larry đi ra và người đầu tiên mà nó thấy là sếp Di Lucca đang đứng chờ ngoài bực thềm cửa bót . Sếp bắt tay một thầy chú cảm ơn và vỗ vai kéo Larry đi xuống đường . Có chiếc xe mui kín chờ sẵn . Hai thầy trò lên ngồi phía sau . Thằng tài xế tưởng ai hóa ra thằng bạn học cũ của Larry biệt mặt từ lâu nay .
    Gặp lại nó, Larry đã ngạc nhiên . Sự ngạc nhiên thứ hai là tự nhiên ... Di Lucca lại choàng vai nó âu yếm, dùng tiếng mẹ đẻ khen ngợi:
    - Tuyệt ... chú mày vừa chơi một cú tuyệt vời ! Thằng khốn đó phải đập như thế đó nó mới ngán . Mặt mũi nó bây giờ méo xẹo, một bằng chứng hiển nhiên là chú mày chơi ngon . Nghe tụi nó báo cáo là nó từ chối không bán bánh cho chú mày ... là chú mày cho nó nằm luôn phải không ?
    
- o O o -

    Xe Di Lucca đi dọc đại lộ 10 vào trung tâm thành phố . Larry nhìn qua khung cửa kính, nhìn vào khu nhà ga . Dường như trong con người nó thay đổi lớn, đang lột xác từng giây, từng phút để biến thành một con người mới . Một con người khác hẳn . Từ nay khỏi có vấn đề trở lại làm Hỏa xa, khỏi ngán chuyện cò bót . Pháp luật từ nay đối với nó chẳng có nghĩa lý gì, kể từ giây phút nó vào bót gặp mấy thầy chú và ra đụng đầu sếp Di Lucca "bắt xua" bồ bịch . Nó không phải có cảm giác có vào bót cũng không được sếp gỡ ra dễ dàng .
    Larry không thể quên được vũng máu thằng Hooperman đổ ra, cảnh tượng nó đầy mặt máu mà vẫn liều lĩnh đứng chặn cửa và nhất là cặp mắt đổ lửa giữa đống thịt bầy hầỵ Ghê tởm quá .
    Vì vậy nó phải nói thẳng với sếp:
    - Ông Di Lucca ... Tôi không thể làm công việc đi đánh đập người ta để trả tiền . Làm thâu ngân viên thì được chứ "găng tơ" tôi không dám đâu .
    Di Lucca vỗ vai Larry hỏi lại:
    - Ủa, ai bảo chú mày làm "găng tơ" ? Tao làm "găng tơ" hồi nào ? Tao làm ăn nuôi vợ, nuôi con và đàn cháu nội, cháu ngoại ... chứ "găng tơ" mà làm Bố Già cho bao nhiêu đứa con cái bè bạn hả ? Chú mày đã biết đời sống bên Ý nó tàn nhẫn thế nào chưa ? Phải bới đất mà kiếm từng miếng xương như con chó vậy . Thế mà đã xong đâu ? Đụng đến ai, nhờ một cái gì cũng phải lo lót !
    Một ông địa chủ nghỉ hè về làng chơi là phải biết ! Con gái cả làng phải tới quét dọn hầu hạ, cắm bông tươi đàng hoàng ... để được ông chủ ban một nụ cười và cái danh dự được hôn tay người !
    Chừng bỏ quê hương di cư sang Mỹ thì mọi sự thay đổi hết . Biến đổi như một phép lạ của Chúa vậy ! Còn ở bên Ý thì nhất mấy ông chủ đất . Nói gì một mẩu bánh chỉ cần đến một trái ôliu, một củ cà rốt của ông chủ cũng cần phải bỏ xứ trốn sang Phi châu . Còn ở xứ sở dân chủ này thì lại khác . Ông chủ không thế lực ghê gớm nữa mà thằng nghèo còn có hy vọng mở mặt . Vậy phải có một cái giá nào phải trả chứ ?
    Chú mày xem bộ thương hại thằng chó chết chủ tiệm đó ? Bỏ đi ! Chú mày thấy thầy chú đối xử tử tế không ? Một phần vì chú mày làm cho tao, dĩ nhiên . Nhưng thằng cha chủ tiệm đó thì bần tiện, khó thương quá . Cò bót ở ngay kế bên mà nó có chịu lâu lâu biếu ít bánh, mời uống cà phê làm thân đâu ? Ngay thằng có nhiệm vụ đi tuần tiễu trong khu của nó mà vào uống cà phê vẫn cứ phải chi như thường . Một người cư xử như vậy có thể gọi là được không ?
    Di Lucca ngừng một hồi, xem bộ tởm thằng cha Đức đó hết chỗ nói . Ông ta lắc đầu:
    - Thằng khốn đó tưởng đâu hiền, có cơ sở làm ăn đàng hoàng chăm chỉ và không đụng tới pháp luật là chẳng sợ chuyện gì xảy ra . Vậy nó mới khùng ! Bây giờ chú mày nghe tao nói đây ...
    Hãy cứ lo mình trước đã . Chú mày chăm làm, đàng hoàng và kiêng pháp luật . Chú mày lao động quá xá chứ ? Cứ xem cái cánh tay khổng lồ như đười ươi của chú mày là phải biết . Nhưng chú mày nghĩ lại xem, thời buổi này lấy đâu ra công việc ? Có ai, có ông chủ nào tới nhét một phong bì lương vào tay chú mày để tưởng thưởng cho sự lương thiện đâu ? Đồng ý là chú mày không phạm pháp thì chẳng ai dám tống chú mày vào tù thật ... Nhưng có mài được cái lương thiện ra để nuôi vợ nuôi con cho khỏi đói được không ?
    Vậy những người như mình thì làm sao mà sống ? Việc làm không có, không ai trả lương, không dám phạm pháp, không dám trộm cắp chỉ vì hai chữ lương thiện . Và hậu quả gần nhất là đói chắc . Đói cả vợ chồng và con cái !
    Di Lucca nhìn vào mặt Larry, đợi nó cười ... nhưng Larry vẫn nhìn chằm chặp, có ý đợi ông sếp nói nữa giảng giải thêm cho nghe nữa . Ông ta biết vậy nên nói thật trang trọng:
    - Cái vụ đánh đập vừa rồi lâu lâu mới xảy ra một lần chứ đâu có phải xử đụng tay đụng chân hoài hoài ? Vậy đủ rồi ! Bây giờ chú mày còn muốn làm ăn với tao không nào ? Mỗi tuần $100 và có đất khá hơn . Chịu chứ ?
    Larry đáp khẽ:
    - Cảm ơn ông ... Tôi thì thế nào cũng xong .
    - Vậy thì tốt ! Nhưng chú mày bỏ cái lối xuất tiền túi ra đóng cho chúng nữa nghe ?
    Di Lucca vừa nói vừa thân mật điểm mặt làm Larry cũng phải mỉm cười: "Sẽ không còn cái vụ đó !".
    Ở trên xe Di Lucca bước xuống, Larry muốn đi bộ dọc bờ thành xe lửa một lát để suy nghĩ chuyện đời . Nó cảm thấy ở đời khó lòng tử tế mà ép buộc mỗi người ta làm một cái gì theo ý mình muốn . Phải chơi dữ, phải đểu . In hình thấy nó dám ra tay hành hạ một người nào đó có kẻ còn thỏa mãn . Nếu không Di Lucca đã chẳng hân hoan sung sướng ra mặt sau khi hay tin nó đập bể mặt thằng Hooperman .
    Nếu Di Lucca không sung sướng vì chuyện đó thì chưa chắc Larry đã có một công việc nuôi vợ, nuôi con ... và còn thừa thì phụ giúp mẹ để nuôi bầy em nhỏ . Nếu đời là vậy thì Larry đành phải chấp nhận vậy, cũng như nó vững tin là chính nó đập bể mặt Hooperman thật nhưng chẳng phải vì tiền thì đâu có vấn đề nó từng phải xuất tiền túi đóng "nguyệt liễm" giùm thằng chủ tiệm người Đức khó thương đó ?
    

Xem Tiếp Chương 15Xem Tiếp Chương 24 (Kết Thúc)

Đất Tiền Đất Bạc
  » Xem Tập 1
  » Xem Tập 2
  » Xem Tập 3
  » Xem Tập 4
  » Xem Tập 5
  » Xem Tập 6
  » Xem Tập 7
  » Xem Tập 8
  » Xem Tập 9
  » Xem Tập 10
  » Xem Tập 11
  » Xem Tập 12
  » Xem Tập 13
  » Đang Xem Tập 14
  » Xem Tiếp Tập 15
  » Xem Tiếp Tập 16
  » Xem Tiếp Tập 17
  » Xem Tiếp Tập 18
  » Xem Tiếp Tập 19
  » Xem Tiếp Tập 20
  » Xem Tiếp Tập 21
  » Xem Tiếp Tập 22
  » Xem Tiếp Tập 23
  » Xem Tiếp Tập 24
 
Những Truyện Dài Khác
» Liêu Trai Chí Dị
» Pie Đệ Nhất
» Thiên Thần Và Ác Quỷ
» Tuyết Bỏng
» Cuộc Đời Của Pi ( Phần II )