Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Quỳnh Dao » Điệp Khúc Màu Xanh Tác Giả: Quỳnh Dao    
    Có lẽ do bệnh tim nặng hành hạ lâu ngày, nên bà Phùng quả nhiên khó tánh vô cùng, chẳng những khó tánh với những người giúp việc trong nhà, mà bất cứ lúc nào cũng sẵn sàng gây sự với ông Phùng, chồng bà, mặc dù ông là một người chồng gương mẫu, luôn luôn chu đáo mọi việc trong nhà và rất mực chiều chuộng, nhẫn nhịn bà.
    Ông Phùng Hưng Long lại thuộc loại giàu to, nhưng không thuộc hàng trọc phú, ông vốn là người học thức cao. Trước khi thừa kế phụ thân trong việc nắm giữ cơ nghiệp đồ sộ hiện nay, ông từng làm giáo sư, đã dạy nhiều trường và khá nổi tiếng. Chính Thu Trân và Xuân Châu đều có thời gian học qua với ông – nhất là Xuân Châu, Gia Kỳ càng không lạ gì ông, suốt những năm tháng còn miệt mài ở đại học.
    Từ lúc trở về tiếp nhận và đích thân điều hành công cuộc doanh thương, buộc lòng ông phải nghỉ dạy học, song vẫn không dứt bỏ những nếp sinh hoạt liên hệ văn hóa và đặc biệt rất nhiệt tâm đối với mọi nghĩa cử từ thiện, công ích, chú trọng đến công chúng nghèo khó. Vì thế, giới bình dân vẫn có hảo cảm với ông.
    Hiện nay làm chủ một công ty xuất nhập cảng lớn mạnh nhất nhì trong nước, mà còn có nhiều cơ sở buôn bán to ở ngoại quốc nữa.
    Tuy nghiễm nhiên trở thành một ông chủ lớn như vậy, nhưng ông chỉ mới bốn mươi mốt tuổi, trông dáng người còn trẻ và rất hoạt bát.
    Ông có hai người con: một gái đầu lòng mười bẩy tuổi, đang ở Hồng Kông với ông chú để đi học, và một cậu bé trai vừa lên bảy, hiện ở với ông.
    Biệt thự Hưng Long rộng lớn nguy nga như một dinh điện, xem ra kẻ ăn người ở đông hẳn hơn số nhân khẩu của gia chủ đến mấy lần...
    Thu Trân vừa đến bấm chuông, nàng được chính ông Hưng Long thân hành ra đón tận cổng, rồi ân cần mời luôn lên phòng khách riêng của bà chủ trên lầu. Dường như đây là nơi chỉ đặc biệt tiếp số ít khách chí thân, hoặc người trong quyến thuộc mà thôi. Hiển nhiên gia chủ đã dành riêng cho nàng một lối đối xử buổi đầu hết sức nồng hậu.
    Dù thế, nàng không ngạc nhiên. Cũng như nàng chẳng lấy làm lạ chút nào những chi tiết về con người và cơ nghiệp phú quí của ông Hưng Long.
    Nhưng có một điều hoàn toàn bất ngờ, khiến nàng không khỏi sửng sốt. Ấy là...
    - Nầy, Mạn Văn em! Đây là cô điều dưỡng Thu Trân, do bác sĩ Lưu có nhã ý mời đến phụ giúp em. Và, thưa cô Thu Trân, đây là nhà tôi, người sắp được cô bầu bạn và hướng dẫn cách trị bịnh trong những ngày tới.
    Trong khi ông Hưng Long vui vẻ, bặt thiệp giới thiệu như vậy thì, cả Thu Trân lẫn bà Phùng - tức Mạn Văn - chẳng hẹn mà đồng chăm chú nhìn nhau, lộ vẻ khác thường.
    Bà Mạn Văn ra chiều nghĩ ngợi, như cố lục lại ký ức, để nhớ một chuyện gì.
    Thu Trân hiện nét mặt mừng rỡ, vừa ngập ngừng, tựa hồ bỗng gặp lại người quen cũ mà không biết có nên nhìn nhau chăng?
    Bầu không khí chung bỗng ngưng đọng. Ông Hưng Long lấy làm kỳ, còn đang nghĩ ngợi một lời khéo léo để hỏi cho vỡ lẽ, nhưng chưa tìm được câu nào thích đáng.
    Ngay đó, đột nhiên từ ngoài cửa phòng vang lên tiếng khóc của trẻ con, làm tan vỡ bầu không khí ngưng đọng trong phòng.
    Thu Trân quay đầu lại xem chuyện gì, thì thấy một đứa bé gái chừng mười hai, mười ba tuổi đang cõng một cậu nhỏ khoảng bảy tám tuổi, chạy gấp vào, đằng sau có thêm con chó khá to đuổi theo.
    Lập tức bà Mạn Văn đùng đùng nổi giận, đến nỗi quát lên một cách hào hển, đứt quãng:
    - Con Hội! Mày... tại sao vậy hả? Tao đã căn dặn mày... dặn mày phải hết sức cẩn thận... cẩn thận coi chừng bé Bảo Bảo, mà mày... mày... cứ lo chuyện gì, mà mày... để cho Bảo Bảo mang họa vậy, hả? Cái đồ cơm toi!
    Con Hội, đứa tớ gái, sợ lấm lét, nhưng làm gan phân trần điều oan uổng:
    - Dạ thưa bà chủ, bé Bảo Bảo chạy giỡn với chó Cali, con kêu đừng, mà Bảo Bảo hổng thèm nghe, cứ chạy hoài, nên bị vấp vô mình Cali, bị té đó!
    - Đồ chết bầm! Chết bầm!... Tại sao mày không chạy theo sát một bên Bảo Bảo để đỡ liền? Mày chết, mày chết!...
    Bà thở càng dữ và đấm vào chân thình thịch.
    Ông Hưng Long đã chìa tay bế lấy bé Bảo Bảo, vạch xem ngay ở đầu gối rớm máu của bé vì vừa té, vừa lẹ làng rảo bước bồng luôn Bảo Bảo qua gian phòng kế bên. Bà Mạn Văn vẫn không ngớt la ó chưởi mắng con Hội, lại vừa hô hoán, bảo mau mau quay điện thoại gọi bác sĩ tới tức khắc, bà làm như đang xảy ra một tai nạn gì lớn lắm vậy.
    Thu Trân hiểu ngay bé Bảo Bảo chắc là con trai cưng vàng ngọc của bà, nên bà nóng lòng đến thế. Nàng lại ái ngại, một người bệnh tim nặng như bà, không nên để xúc động thái quá dường nầy. Nàng khẽ lên tiếng, ôn tồn:
    - Thưa bà, xin bà yên tâm, để tôi xem bé Bảo Bảo ra sao, nếu chỉ trầy da sơ sài thì khỏi mời bác sĩ, mà tôi săn sóc cho em cũng được.
    Bà Mạn Văn chẳng những đau tim, còn mang thêm chứng yếu hẳn hai chân, gần như bị tê bại, nên luôn luôn dùng chiếc ghế xe lăn. Thu Trân vừa nói, vừa đỡ bà ngồi lên xe lăn và gọn gàng đẩy xe qua phòng bên.
    Bé Bảo Bảo núp sau ghế trường kỹ, la oai oái:
    - Hổng thèm đâu! Hổng thèm kêu bác sĩ đâu!
    Hiển nhiên bé Bảo Bảo ngán bác sĩ quá chừng. Thu Trân liền tiến lại trường kỹ, ngồi thụp xuống quàng lưng Bảo Bảo và xem xét vết thương, vừa dỗ dành:
    - A! Chỉ trầy chút xíu thôi, không sao hết, biệt có sợ đi, nghe cưng. Chả cần mời bác sĩ, để cô xức thuốc đỏ cho, là hết liền, nghen! Đừng khóc nữa, mới giỏi chứ.
    Nghe "chả cần mời bác sĩ" là Bảo Bảo khoái ngay, nín khóc lập tức lo giương mắt ngó Thu Trân, tuy biết là người lạ, nhưng cứ đeo dính, như đã tin tưởng được bảo vệ.
    Ông Hưng Long đã sai con Hội đem thuốc đỏ, gòn và vải băng ra, với cả một thau nước ấm.
    Thu Trân không ngớt hiền hòa lên tiếng khen Bảo Bảo can đảm, vừa khéo tay rửa vết thương và băng bó. Bảo Bảo lấy làm thích thú vì được cho là gan dạ nên ngoan ngoãn để yên cho Thu Trân làm việc!
    Bỗng chó Cali sấn lại, Thu Trân hoảng vía, chực bỏ chạy, bé Bảo Bảo liền ôm đầu Cali vuốt ve, vừa nhướng mày nhìn Thu Trân cười rộ.
    Bầu không khí "đại nạn" vừa rồi tan biến, ai nấy đều mỉm cười theo bé Bảo Bảo.
    Bà Mạn Văn cũng cười và nhìn Thu Trân, ca ngợi:
    - Cô Thu Trân, đây là lần đầu tiên bé Bảo Bảo chịu đứng yên cho cô săn sóc vết thương, cô tài thật!
    Ông Hưng Long liền lên tiếng:
    - Nhưng cô Thu Trân mới đặt chân đến nhà nầy, đã làm phiền bận cô ngay rồi, thật là điều không phải với cô...
    - Thưa ông, chẳng có chi ạ.
    Bà Mạn Văn ân cần chỉ ghế mời Thu Trân ngồi:
    - Cô Thu Trân chắc là người gốc Đài Loan?
    - Vâng ạ, tôi sống từ bé tới lớn tại Đài Bắc.
    - Nếu tôi nhớ không lầm, hình như tôi đã từng gặp cô ở đâu, ít ra cũng đôi ba lần rồi thì phải?
    - Thưa, ban nãy, vừa được diện kiến bà chủ, tôi cũng có cảm tưởng như vậy và bây giờ thì tôi nhớ ra rồi. Thưa bà, hồi tôi còn học Sơ trung, bà đã dạy tôi một thời gian, khoảng bốn tháng, ở lớp chín và sau đó, dường như là bà thuyên chuyển nơi khác...
    - A! Tôi cũng nhớ ra rồi! Thì ra, chúng ta vốn chẳng xa lạ gì nhau. Cô là cô học trò ngoan và giỏi nhất lớp đây mà? À, hình như cô còn một cô em gái, lúc đó cũng học chung? Bây giờ cô ấy đã đi làm sở nào chưa?
    - Thưa, em tôi, Xuân Châu hiện du học bên Pháp ạ.
    - Ồ! Giỏi thế! Có phước quá!
    Thì ra, là chỗ biết nhau cũ, dù chỉ biết một cách sơ sài thế thôi, nhưng hôm nay vẫn được đôi đàng coi là cái cớ để dễ trò chuyện và làm thân. Nhất là bà Mạn Văn, cứ nói huyên thuyên luôn mồm, hỏi thăm Thu Trân về đủ thứ chuyện từ gia cảnh, nghề nghiệp, đến vấn đề hôn nhân, được nàng trả lời chẳng che dấu điều nào cả.
    Thấy không khí chuyện trò đầy vẻ thân mật như vậy, ông Hưng Long lộ nét yên tâm rõ rệt, vì không còn ngại bà vợ khó tính bực nhất của mình lại lung tung chê bai, chỉ trích cô điều dưỡng như trước nữa.
    Cuộc đàm đạo đi đến chỗ tốt đẹp, bà Mạn Văn tỏ ra ưa thích Thu Trân, một hiện tượng mà ông Hưng Long chưa từng thấy bao giờ. Chính bà chánh thức yêu cầu Thu Trân:
    - Kể từ nay, xin cô vui lòng ở đây giúp tôi. Nghĩa là cô ăn ở và làm việc luôn tại nhà này. Gian buồng đầy đủ tiện nghi, giáp vách phòng tôi, đang dành sẵn cho cô đấy, cô cứ tự nhiên. Thực ra, công việc hằng ngày của cô cũng chẳng có chi là nặng nhọc, đại khái như săn sóc một người bệnh và chích hộ tôi mấy mũi thuốc, theo toa đã qui định của bác sĩ. Điều chính yếu hơn là tôi muốn có một bạn gái, để đỡ tịch mịch cô đơn, vì ngày nào cũng vậy, ông nhà tôi thì đến hãng, bé Bảo Bảo thì đi học; những giờ phút đó tôi buồn chịu không nổi, nếu có cô bầu bạn, tôi sẽ mau đỡ bệnh cho mà coi. Cô Thu Trân, cô nhận lời giúp tôi nhé.
    - Vâng ạ. Tôi rất hân hạnh được phục dịch bà, chỉ mong sẽ không đến nỗi vụng về, làm bà phải chán ghét.
    - Ồ! Đâu đến nỗi như thế. Cô đã nhận lời rồi, tôi mừng lắm.
    - Thưa ông bà, như vậy là vấn đề tôi làm việc ở đây coi như đã bàn xong, bây giờ tôi xin phép ông bà tôi về, để thu xếp y phục, vật dụng, sáng sớm mai tôi sẽ trở lại.
    Thu Trân từ từ đứng lên cáo từ.
    Ông Hưng Long cũng đứng dậy để sẵn sàng tiễn khách.
    Lúc nàng xuống hết thang lầu, thình lình thấy bé Bảo Bảo chạy ào lại, nắm chặt tay nàng, tươi cười líu lo:
    - Cô Thu Trân! Con nhớ tên cô rồi! Con cũng biết cô đã nhận lời làm bạn với má rồi! Nè, cô ơi! Cô ăn cục kẹo này với con đi. Rồi sáng mai, nhất định cô tới, nghe!
    - Chà, kẹo ngon quá! Được rồi, chắc chắn cô sẽ tới!...
    Sáng hôm sau, cố nhiên là Thu Trân đến thật, và cuộc đời nàng, trong hoàn cảnh làm việc mới cũng bắt đầu một giai đoạn mới.
    Nàng được biết rõ thêm, bà Mạn Văn đã lâm bệnh ngót bảy năm rồi, tức là sau khi hạ sinh bé Bảo Bảo, thì bà đau ốm liên miên đến nay. Một phần do tính tình kỳ lạ, một phần có lẽ cậy vào sự giàu sang sung mãn, bà cứ một mực không ưng đi nằm bệnh viện, mà chỉ chữa trị tại gia thôi. Mặc dù đã được chữa trị không ngừng, bằng nhiều phương cách, và tốn vô số tiền bạc rồi, nhưng bệnh trạng bà ta cứ ngày một thêm trầm trọng chớ chẳng thuyên giảm chút nào.
    Như thế, xét kỹ ra, không hẳn tại vì thầy kém thuốc dở, mà bởi một lý do khác, đã vướng bệnh tim bà ta lại cứ triền miên tự chuốc lấy sự khổ tâm hoài, thì làm sao lành bệnh được?
    Nhân mấy lúc cao hứng, những người giúp việc lâu năm trong nhà đã nói với Thu Trân điều đó.
    Chẳng hạn chị bếp thì bảo:
    - Chỉ riêng cái tật ghen kinh khủng của bà cũng đủ khiến bà đau tim nặng và có ngày chết luôn vì bệnh tim. Bất kể lúc nào, bất luận với ai bà cũng ghen, báo hại ổng khổ ơi là khổ. Coi vậy chớ bà quản thúc ông còn kỹ hơn khám đường giam giữ tù phạm nữa đấy. Hằng ngày, đi ra hãng và về nhà phải răn rắc đúng giờ. Phải nói "đúng phút" mới được, vì ông không được đi sớm phút nào, mà nếu lỡ về sớm hay chậm một hai phút, là bị bà lên cơn ghen liền. Ông tiếp khách, dù là ai, đều phải có bà "dự thính". Ông cần đi các đám tiệc, phải trưng đủ bằng cớ rõ ràng và nhất định bà tìm đủ cách nhờ người nọ người kia "theo dõi" ông thật kỹ. Ối thôi, kể không xiết về nước ghen... trật đời của bà! Kỳ cục lắm cô ơi!
    Bác tài xế cười rất buồn:
    - Tôi thương ông hết sức. Tôi hiểu chắc trăm phần trăm, ông chẳng phải là hạng đàn ông sợ vợ. Hừ, làm gì mà ông sợ bà. Bất quá ông là người chồng quá tốt, quá trung hậu, quá nặng tinh thần trách nhiệm, nên cái gì bà làm lố ông cũng ráng chịu hết, ông không nỡ để bà khổ vì bệnh, thế thôi. Đúng là một cái nợ... trời ơi đất hỡi!
    Ông già làm vườn có vẻ hậm hực:
    - Đâu phải chỉ ghen cái kiểu bất kể quân thần mà thôi, bà còn... nhõng nhẽo hổng nói nổi nữa đấy. Ái chà! Trên cõi trần này, tôi chưa từng thấy bà vợ nào nhỏng nhẽo... ác ôn như bà nầy... Tôi hiểu lắm, ông chủ đúng là người chồng luôn có tinh thần trách nhiệm, ổng khổ tâm, ông chả thấy cái gì là lạc thú vợ chồng hết, nhưng ông vẫn ráng vui vẻ chịu đựng, vì dù sao thì cũng đã lỡ là vợ là chồng với nhau rồi, và đã có con cái nữa, ông lặng lẽ chịu khổ, miễn vợ con thoải mái, vui sướng. Ai không hiểu, tất cho ông là tay sợ vợ, kỳ thật, đúng như bác tài vừa nói, có chi mà ông phải sợ.
    Họ còn dị nghị nhiều nữa về cái tánh đa nghi, hay ghen của bà Mạn Văn. Chỉ nghe chớ Thu Trân chẳng hề nói vào bàn ra nửa tiếng. Tuy nhiên, nàng lại thầm tự nhủ một cách nghiêm khắc là cố hết sức giữ gìn, đừng bao giờ để xảy ra chuyện ghen tương đáng sợ ấy. Hoặc giả, bà ta lên cơn hoài nghi, dù chút xíu thôi, nàng sẽ lập tức xin nghỉ việc, rời khỏi biệt thự Hưng Long ngay.
    Quả nhiên, sự đứng đắn, đoan chính của nàng đã làm bà ta kính nể nên không thể nghĩ ngợi gần xa để ghen bừa bãi được.
    Nhưng, cũng quả nhiên cái tật ghen của bà ta đúng là "ghen bất kể quân thần, ghen ác ôn" thật. Thời gian đầu chưa đến nỗi nào, song một năm sau, bà ta vẫn đâm ra ghen với Thu Trân như thường.
    Khổ nổi, lối ghen của bà ta làm Thu Trân khó bề thực hiện được điều nàng đã dự liệu từ trước, nàng không thể xin nghỉ việc, rút lui, mà cứ phải bấm bụng tiếp tục nhiệm vụ, trong tình cảnh hết sức kỳ quái.
    Bởi lẽ, càng ghen, bà ta lại càng ân cần thân thiết với Thu Trân chừng ấy. Bà ta quyết giữ nàng luôn ở bên cạnh, đến nỗi cả ngày nghỉ hàng tuần của nàng, cũng bị bà ta dùng tình cảm hoặc viện cớ bệnh hoạn để không cho nàng rời khỏi biệt thự Hưng Long nửa bước.
    Bà ta luôn luôn tỉ tê đầy nước mắt với nàng:
    - Bệnh tôi đã trầm trọng hẳn hơn trước như thế nào, cô là người biết rõ hơn ai hết. Nên tôi cần được cô thường trực kề cận, để an ủi, để chăm sóc. Nếu thực bụng thương tôi, xin cô đừng bỏ tôi mà đi đâu cả, nghe cô. Bằng ngược lại cô cứ xem thường lời van lơn này mà vắng mặt nơi đây, dù chỉ một vài giờ thôi, tôi có thể sẽ chết ngay, thì chính cô đã giết tôi đó.
    Kỳ thực, bà ta làm như thế, vì e sợ Thu Trân đi vắng là để... đi kiếm chỗ tư tình với ông Hưng Long, còn nếu nàng rút lui hẳn, thì càng nguy hơn, vì đó là nàng đã được ông Hưng Long mua nhà sắm cửa, lập tổ uyên ương rồi.
    Nghĩa là Thu Trân bị bà ta ghen bằng cách giữ chặt nắm sát, một lối ghen cao độ hơn bất cứ lần ghen nào trước đây của bà ta. Thành thử Thu Trân làm vào thế kẹt, càng muốn chứng tỏ sự trong sạch, nàng càng phải... vui vẻ hiện diện ngày đêm bên cạnh bà ta. Nếu nàng đối phó quyết liệt bằng cách tự giải nhiệm, rút lui, là hóa ra những gì bà ta nghi ngờ lâu nay đều đúng cả sao?
    Nàng khổ tâm, mà ông Hưng Long cũng khổ tâm. Nhưng bà Mạn Văn tương đối yên tâm, có bé Bảo Bảo cực kỳ thích thú, làm Thu Trân cũng thấy hài lòng.
    Hơn một năm qua, Bảo Bảo đã trở nên gắn bó cùng Thu Trân như bóng với hình. Nó yêu mến nàng có phần hơn cả mẹ ruột. Từ mấy tháng nay nó nhất định đòi được ăn chung, ngủ chung với nàng. Trừ những giờ đi học, còn lúc ở nhà nó cứ quấn quít bên nàng. Những khi ngã bịnh, nó càng không thể thiếu nàng.
    Thật là một sự tương hạp lạ lùng và làm Thu Trân cảm động.
    Thu Trân tuy khổ tâm về chuyện bà Mạn Văn, nhưng lại lấy làm an ủi với tình thương khắn khít của bé Bảo Bảo. Nhờ vậy, nàng cũng khả dĩ còn có điểm tựa tinh thần để chịu đựng sự ràng buộc vô lý của bà Mạn Văn.
    
- o O o -

    Xuân Châu và Gia Kỳ đã học thành tài, hồi hương và chính thức làm lễ thành hôn.
    Một cặp vợ chồng rất tương xứng, một đôi bạn đường lý tưởng. Họ hàng hai bên đều vui, bằng hữu đều mừng.
    Thân phụ Gia Kỳ hài lòng đến độ cao hứng đứng lên ngay giữa buổi tiệc cưới để ca ngợi tấm gương tỷ muội thủ túc và chí tự lập của chị em Thu Trân – Xuân Châu, và cũng để khen con dâu đã học thành đạt rất xứng đáng. Ông chẳng dấu, lại khoe toạt ra chuyện Xuân Châu không chịu thọ lãnh của ông và Gia Kỳ một đồng bạc tiền học nào suốt bốn năm du học nước ngoài, khiến quan khách cử tọa vỗ tay như pháo nổ. Người ta phục Xuân Châu về tánh kiên cường, người ta cũng phục ông về sự khẳng khái, phân minh.
    Đồng thời, ông tuyên bố luôn quyết định của ông, từ nay giao trọn công ty hàng hải thương thuyền cho vợ chồng Gia Kỳ – Xuân Châu điều khiển, khai thác toàn quyền, và ông tin rằng cặp nhân tài trẻ này sẽ tạo được nhiều thành công mới, mà như vậy là "con hơn cha là nhà có phúc".
    Hơn ai hết, Thu Trân mãn nguyện tuyệt đỉnh, vì cuộc đời Xuân Châu từ nay đã đủ đầy trong hạnh phúc, điều ao ước chí thiết mà nàng hằng đợi chờ được chứng kiến suốt mười mấy năm nay.
    Ngoài niềm vui trọng đại về nguồn hạnh phúc của em gái, Thu Trân lại gặp thêm một nỗi mừng bất ngờ, rất đáng kể, là bà Mạn Văn... đã chết.
    Nàng mừng, bởi thoát nạn "cầm tù" vô lý của bà ta. Nàng mừng, vì không còn bị bà ta nghi ngờ ghen tương quái gở nữa. Và lẽ đương nhiên, nàng được tự do rời khỏi biệt thự Hưng Long vì đã hết trách nhiệm, và trở về trình diện bác sĩ giám đốc bệnh viện, để tiếp tục công tác bình thường.
    Bác sĩ giám đốc rất thông cảm phần việc khó khăn và khổ tâm mà nàng đã gánh vác cả mười mấy tháng qua, nên cho phép nàng được nghỉ ngơi hai tháng liền, để phục sức và bồi dưỡng tinh thần.
    Một hôm, bỗng có con Hội, đứa tớ gái đằng biệt thự Hưng Long hớt hải đến kiếm, trao cho nàng một bức thư của ông Hưng Long, vừa thúc giục nàng:
    - Cô Thu Trân! Mau mau đi! Cô mở lượng từ bi bác ái, mau mau đi cứu người!...
    - Cứu ai mà em cuống lên thế?
    - Đó, thì cô coi lá thư đi.
    Nàng vội mở thư ra xem. Quả nhiên là chuyện cứu mạng người thật. Ông Hưng Long khẩn báo cho nàng biết, con trai ông, bé Bảo Bảo, đã ngã bệnh trầm trọng gần tuần nay. Mặc dù được chữa trị thuốc men đầy đủ, nhưng bé Bảo Bảo không chỉ ốm đau về thể xác, mà điều đáng lo ngại là về tâm thần. Nó đã bị xúc động mạnh, bị ám ảnh vì cái chết của mẹ nên sinh bệnh. Nó cứ mê sảng, hoảng hốt từng chập, ngày cũng như đêm, luôn gọi đến Thu Trân và cả những khi tỉnh táo, càng đòi gặp Thu Trân ngay. Bởi thế, ông Hưng Long khẩn thiết van cầu nàng nhín chút thì giờ, tới với bé Bảo Bảo; nếu nàng từ chối e rằng sinh mạng nó khó cứu vãn.
    Đọc thư và nhìn qua dáng điệu quính quáng của con Hội, nàng biết đây không phải là chuyện giả dối.
    Con Hội lại hối hả:
    - Cô! Cô đi lẹ lẹ lên! Ông chủ sai em mời cô, có cả bác tài đem xe lại, đang đậu trước đường chờ cô đó, cô đi nghe cô.
    Chẳng còn biết làm gì để thối thoát, Thu Trân đành ra xe tới biệt thự Hưng Long.
    Sự hiện diện của nàng thật chẳng khác thuốc tiên đối với bé Bảo Bảo. Đang nằm lì chợt nghe tiếng nàng gọi, nó tỉnh lại ngay. Nó nhảy thót vào lòng nàng, hỏi chuyện huyên thuyên, trách sao nàng nỡ bỏ nó, đi đâu mất tự hổm rày.
    Một tuần sau, Bảo Bảo lần lần hết bệnh, nhưng nó vẫn nằm trên giường mãi, không chịu dậy.
    Thu Trân thầm nghĩ "Cậu nhỏ này đã được nghỉ học mấy tuần rồi, nên đâm ra lười, ngán đi học lại, bây giờ cứ giả bộ chưa bình phục để né tránh đến trường chứ gì".
    Nàng cố ý đặt ôn kế biểu cho Bảo Bảo, rồi nói:
    - Nầy, cưng đã hoàn toàn khỏi bệnh rồi, hãy dậy mà sửa soạn đi học, kẻo nghỉ lâu quá, học không kịp chúng bạn, cuối năm không được lên lớp người ta cười chết.
    - Bệnh con chưa hết đâu. Con còn nhức đầu quá chừng đây nè!
    Bảo Bảo làm bộ nhăn mặt đau đớn, cố nhiên là Thu Trân biết ngay. Nàng ôn tồn khuyên:
    - Cưng là đứa bé ngoan lắm, cô không ưng cho cưng kiếm chuyện đặt điều nói dối đâu. Còn nhỏ tuổi mà nói dối, khi lớn lên sẽ thành người xấu, biết hôn?
    Bảo Bảo lặng thinh, từ từ cúi gầm mặt xuống.
    Thu Trân âu yếm vuốt má, vỗ đầu Bảo Bảo:
    - Người không thành thật là người thiếu chí khí, không anh hùng, ai cũng chê.
    Nàng chợt phát giác đôi má nó ướt đẫm nước mắt nên không khỏi tội nghiệp, liền an ủi:
    - Đứa trẻ nào cũng ham chơi cả, đó là sự thường, hồi nhỏ, cô cũng vậy, cứ hay ngán đi học... Nhưng bệnh đã hết rồi không nên giả bộ đau ốm. Bây giờ cô đồng ý cho cưng nghỉ thêm hai hôm nữa rồi cưng đi học nhé. Hãy mạnh dạn lên đừng nằm mãi trên giường, nên ra ngoài chạy nhảy, nếu nằm giả bệnh mãi, lạ trở thành bệnh thật đấy.
    Bảo Bảo bật khóc rấm rức.
    Thu Trân trìu mến dỗ dành.
    - Đừng khóc! Cô đâu có trách mắng cưng, cô vẫn thương cưng lắm mà.
    Bảo Bảo tức tưởi:
    - Con muốn... cô ở đây...
    - Ồ! Thì cô chẳng đang ở đây là gì.
    - Ba con nói, hễ chừng nào con hết bệnh, thì cô sẽ đi...
    Bảo Bảo nghẹn lời, hấp tấp quàng tay bá chặt cổ Thu Trân, như chỉ sợ nàng bỏ đi. Nàng chợt hiểu ra, vừa rồi mình đã đoán Bảo Bảo lười đi học là không đúng.
    - A, thì ra... vì sợ cô đi nên con giả bộ chưa hết bệnh, cứ nằm lì trên giường vậy sao?
    Nàng nghe xúc động mãnh liệt, đến run run giọng và cơ hồ muốn tuôn lệ. Bảo Bảo ngẩng gương mặt thơ ngây đầy nước mắt lên:
    - Cô! Vì sao cô định rời bỏ nhà này? Cô có giận gì ba con không? Con có làm chi khiến cô buồn không, hở cô?
    - Không! Không phải thế đâu. Mà là vì cô vốn là tá viên điều dưỡng đặc biệt cho má cưng, bây giờ má cưng mất rồi, tự nhiên cô hết nhiệm vụ, còn ở đây làm gì nữa.
    - Má con mất rồi, nhưng cô còn cần phải săn sóc cho con chứ.
    - Cưng đã có ba cưng với chị Hội săn sóc đâu cần phải có cô.
    - Con thương cô nhất, con muốn cô ở đây với con. Cô à! Cô đừng đi đâu hết, nghen! Cô đừng bỏ con, nghen!
    Bảo Bảo lại bật khóc:
    - Coi! Cưng lại khóc nữa! Đừng khóc mà!...
    Thuận miệng, nàng thốt tiếp luôn:
    - Được rồi, cưng đừng khóc nữa, cô còn ở đây chớ đã đi đâu ngay mà cưng sợ.
    - Con muốn cô vĩnh viễn chẳng đi đâu hết. Cô yêu thương con cũng y như má con vậy. Cô à! Cô chịu làm má con không?
    Thu Trân không khỏi cau mày, khẽ đẩy Bảo Bảo ra, nhìn chăm chú vào mắt nó:
    - Ai dạy cưng nói như vậy? Có phải ba cưng bảo cưng hỏi cô như vậy, phải không?
    - Đâu có! Tự con nói chứ cần gì ai dạy. Cô à! Sao cô không có vẻ vui vậy? Cô không thích làm má con hở cô?
    Thu Trân vội bụm miệng Bảo Bảo:
    - Trẻ nít không nên nói chuyện đó, cô làm sao lại là má của cưng được? Chớ để ba cưng nghe câu nói đó mà ba cưng mắng cho đấy.
    - Dạ, từ rày con không nói câu đó nữa. Nhưng con năn nỉ cô lần nữa, cô đừng bỏ con mà đi nghen.
    - Thật tình cô cũng mến cưng lắm, nhưng hoàn cảnh đâu thể ở chung nhau mãi được. Bất quá xa nhau cũng có buồn thật, nhưng chỉ một thời gian rồi thì cưng sẽ quên đi mà vui với bạn bè...
    - Không! Con vĩnh viễn không quên cô!...
    Bảo Bảo lại khóc và ráng nói thêm:
    - Nếu cô nhất định rời khỏi cái nhà này, thì cô cho con đi theo với.
    Thêm lần nữa, Thu Trân nghe xúc động mãnh liệt, tự dưng nước mắt nàng rưng rưng. Nàng chẳng thốt nên lời, chỉ âu yếm vuốt đầu, nựng má Bảo Bảo.
    Bảo Bảo kêu lên:
    - A! cô khóc! Cô khóc rồi! Vậy là cô không đành lòng bỏ con đi nữa, phải hôn?
    Nàng gạt nhanh ngấn lệ:
    - Cô đâu có khóc. Này, cưng dậy đi, hai cô cháu mình xuống lầu đi dạo vườn một lát.
    - Nếu con ngồi dậy, rời khỏi giường, thì cô bỏ đi không?
    Thu Trân bật cười vì câu hỏi ngây thơ chất phát của Bảo Bảo. Nàng lắc đầu, buột miệng thềt để an ủi nó:
    - Cô sẽ không đi ngay, có thể cô sẽ đợi đến lúc cưng bắt đầu lên trung học, mới đi.
    Bất thình lình sự thể đã vượt ngoài việc có thể ngờ của Thu Trân; nàng vừa nói dứt lời như thế, đột nhiên thấy ông Phùng Hưng Long bước vào phòng, mỉm cười:
    - Tôi tin là cô Thu Trân đã hứa tất giữ đúng lời, thì hay vô cùng. Ban nãy cô dạy Bảo Bảo phải thành thật, cố nhiên cô không khi nào nỡ đánh lừa Bảo Bảo...
    Thu Trân đỏ bừng mặt mũi, nóng ran toàn thân.
    Nàng vừa mặc áo cho Bảo Bảo, vừa ngụ ý trách móc:
    - Ông chủ đến nghe chuyện lúc nào mà tôi chả hay biết.
    - Tôi thật khiếm nhã. Nhưng quả tình tôi không hề cố ý, xin cô hiểu cho. Vả lại, tôi thiển nghĩ lời cô vừa hứa với Bảo Bảo không phải là khó thực hiện, vì đại khái từ nay đến lúc Bảo Bảo lên sơ trung, chỉ lâu lắm là hai năm nữa thôi. Nếu được cô vui lòng chiếu cố, giáo huấn Bảo Bảo từ nay đến đó, thì ân đức cô đối với tôi thật là vô lượng, tôi mãi mãi không dám quên.
    Trong nhất thời Thu Trân không biết đối đáp thế nào cho xuôi, đành lặng thinh.
    Bảo Bảo cười thích thú:
    - Ba! Ba khỏi lo, cô con đã hứa với con rồi chắc chắn sẽ không đi đâu hết, cô nhất định ở đây luôn.
    Nàng cảm thấy cậu bé trở nên quá ư lanh lợi, và nghe khắp huyết mạch càng nóng bừng hơn. Nàng vội bồng bé Bảo Bảo bước ra vườn hoa...
    
- o O o -

    Tròn hai năm sau ngày kết hôn, cho đến hôm nay Xuân Châu mới cảm thấy mãnh liệt rung động thật sự, mới nghe tràn ngập trong tâm hồn một niềm hân hoan trọn vẹn.
    Vì hôm nay nguyện vọng khắc khoải của nàng đã thành sự thật.
    Hôm nay là ngày Thu Trân lên xe hoa.
    Hai năm rồi mãi tới giờ này Thu Trân mới chấp thuận lời cầu hôn của ông Phùng Hưng Long.
    Trong lúc rộn rịp chuẩn bị giờ "đưa dâu", Xuân Châu và Gia Kỳ không ngớt chạy tới chạy lui, kiểm điểm cho chu đáo mọi việc. Sẵn có mặt Thu Trân, nàng liếc chồng, hỏi lắc léo, để trêu chị:
    - Gia Kỳ, rồi đây chúng ta nên xưng hô với vị giáo sư cũ ấy như thế nào cho ổn? Nên gọi Phùng tiên sinh bằng anh rể hay... "thưa thầy"?
    Thu Trân lườm em.
    Cô Hai cười hiền hòa:
    - Cô xem các con, dầu đến lúc có con đàn cháu đống, vẫn quen cái tánh trẻ thơ, như thuở học trò!
    Xuân Châu cười khúc khích, vừa bước lại cài cho thật ngay ngắn đóa hoa hồng trên áo chị. Nàng hình dung trước mắt đang hiển hiện cả một vườn hồng rực rỡ, ngát hương...
    

Kết Thúc (END)
Điệp Khúc Màu Xanh
  » Xem Tập 1
  » Xem Tập 2
  » Xem Tập 3
  » Xem Tập 4
  » Xem Tập 5
  » Xem Tập 6
  » Xem Tập 7
  » Xem Tập 8
  » Xem Tập 9
  » Xem Tập 10
  » Xem Tập 11
  » Xem Tập 12
  » Đang Xem Tập 13
 
Những Truyện Quỳnh Dao Khác
» Đừng Quên Đêm Nay
» Song Ngoại
» Hậu Hoàn Châu Cát Cát
» Vội Vã
» Tình Buồn
» Cánh Nhạn Cô Đơn
» Mùa Thu Quen Nhau
» Nắng Thôn Đoài
» Ái Quả Tình Hoa
» Mùa Thu Lá Bay
» Chim Mỏi Cánh
» Bản Tình Ca Muôn Thuở
» Cánh Hoa Chùm Gửi
» Hoàn Châu Cát Cát
» Trôi Theo Dòng Đời
» Người Về