Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Dài » Tìm Trong Nỗi Nhớ Tác Giả: Lê Ngọc Mai    
    Giấc mơ ấy của Lan Chi đột nhiên hiện về ám ảnh trong đầu cô suốt dọc đường cô đi đến chỗ hẹn gặp Kiên.
    Khi gọi điện thoại đến nhà Duy, Kiên bảo rằng anh vừa mới từ Leipzig đến Berlin được vài tiếng đồng hồ và sáng ngày kia đã phải bay về Hà Nội. Anh nói rất muốn được gặp Lan Chi trước khi về nước. Trao đổi một hồi, họ thỏa thuận hôm sau sẽ đi ăn tối cùng nhau, tại một tiệm ăn không xa nhà Duy mà Sơn đã giới thiệu cho Kiên.
    Thoạt đầu, Kiên muốn ghé qua nhà Duy để đón Lan Chi, nhưng cô không hào hứng lắm với đề nghị đó. Cô cảm thấy không thoải mái khi nghĩ rằng phút đầu tiên gặp lại của họ sẽ diễn ra trước sự chứng kiến của vợ chồng Duy và lũ trẻ con. Bất chợt, một ý nghĩ vụt đến trong đầu, cô bèn hẹn gặp anh trước cửa ga tàu điện ngầm gần nhà Duy rồi hai người sẽ cùng đi tàu đến tiệm ăn (cách đó ba bến). Ý kiến này của cô lập tức được Kiên hưởng ứng một cách vui mừng đến nỗi cô gần như tin chắc rằng anh cũng đã liên tưởng đến cái kỷ niệm mà cô vừa chợt nhớ ra.
    Vậy là gần bảy giờ tối, sau khi đã gửi gắm ba đứa con cho vợ chồng Duy với một lô lời dặn dò, rồi lại bắt cả ba đứa trẻ phải hứa là sẽ ăn ngoan và không quấy cô Uyên cậu Duy, Lan Chi nhìn lại mình trong gương lần cuối rồi đi ra cửa. Đến ngưỡng cửa, tự nhiên thấy nao nao trong lòng, cô quay lại thơm lần lượt cả ba đứa con và hứa: “Mẹ sẽ cố gắng về sớm!” Ba anh em cu Nam còn đang có nhiều trò vui với hai đứa em họ nên không bận tâm lắm đến sự vắng mặt của mẹ chúng trong bữa ăn tối, cũng chẳng hề tỏ ra mừng rỡ đặc biệt gì trước lời hứa “về sớm” của mẹ.
    Bảy giờ tối, nắng chiều chưa tắt hết mà đã có một mảnh trăng non nhợt nhạt đính chơ vơ, lạc lõng ở một góc trời. Không khí ngưng đọng, ngột ngạt, oi ả, chẳng có lấy một gợn gió thoảng qua. Đi đến gần lối vào ga tàu điện ngầm, Lan Chi bước chậm lại, đưa mắt nhìn những dòng người ngược xuôi hối hả. Cảm thấy mồ hôi lấm tấm rịn ra trên trán, cô dừng lại, rút một chiếc mùi soa giấy trong túi ra lau, và đúng lúc ấy, cô nhìn thấy Kiên tách khỏi dòng người, thong thả bước lại gần cô.
    Kiên đến trước giờ hẹn quãng hơn mười phút. Anh đi sớm vì không muốn để lộ thái độ bồn chồn của mình trước mặt vợ chồng Sơn, cũng để khỏi phải nghe những lời khuyên bảo và châm chọc của ông bạn.
    Ngay từ hôm qua, khi Kiên vừa mới đặt chân đến Berlin, anh đã lập tức bị Sơn biến thành đối tượng để trêu ghẹo. Ra đón Kiên ở ga, sau vài câu thăm hỏi thông thường, Sơn vỗ vai bạn nói với vẻ đầy bí ẩn:
    - Này, tao có một tin quan trọng cho mày đấy, nhưng chẳng biết tim mày có đủ khỏe để nghe không?
    - Tin gì mà kinh dị thế? - Kiên cười hỏi.
    - Nàng đang ở đây, - Sơn hạ giọng nói, vẻ mặt hết sức quan trọng.
    - Nàng nào? - Kiên không hiểu.
    - Đoán thử xem, - Sơn cười tinh nghịch.
    - Chịu, - Kiên thờ ơ đáp.
    - Chán mày thật, - Sơn lắc đầu vẻ chê trách. - Tình yêu thiêng liêng của đời mày đấy, biết chưa? Nàng mới từ Pháp đến Berlin thăm thằng em quãng một tuần nay.
    - Lan Chi đang ở Berlin à? - Kiên sững sờ hỏi.
    - Ừ. Thôi, đi đi, đừng đứng nghệt ra thế nữa. Nghĩ cho kỹ xem, nếu không sợ bu nó ở nhà, muốn liều mạng gặp nàng thì để tao bố trí cho, - Sơn cười hì hì nói.
    Dọc đường từ ga về nhà, Sơn bảo: “Tao có số điện thoại của thằng Duy đấy. Cứ để thong thả, ăn tối xong rồi nếu mày muốn thì gọi điện đến đó mà hỏi thăm tình hình.” Thấy Kiên ậm ừ, Sơn hỏi lại: “Sao? Nóng ruột quá, muốn gọi điện cho nàng ngay à?” “Có gì vội đâu, - Kiên chối. - Cứ từ từ, ăn tối xong rồi tao sẽ tính sau.”
    Bữa tối ở nhà Sơn, Kiên ngồi ăn như một cái máy, miệng nhai trệu trạo mà chẳng để ý mình đang ăn món gì. Vẻ mặt anh bần thần đến nỗi vợ Sơn phải ái ngại hỏi: “Anh Kiên hình như đi đường bị mệt? Anh có cần thuốc cảm cúm gì không thì để em lấy cho?” “Không, có mệt gì đâu”, Kiên bừng tỉnh. Sơn tủm tỉm cười bảo vợ: “Không có thuốc nào chữa cho anh ấy được đâu em ạ. Chỉ còn cách để anh ấy đi gọi điện thoại một chầu, may ra thì đỡ.”
    Mấy tiếng đồng hồ trước giờ hẹn của Kiên với Lan Chi, bắt gặp Kiên chốc chốc lại nhìn đồng hồ, Sơn bảo:
    - Còn lâu mới đến giờ, đừng có cuống thế. Theo tao, mày nên đến muộn chừng năm mười phút cho cao giá.
    - Cao giá hay thấp giá cái gì, - Kiên phì cười. – Tình xưa nghĩa cũ, đến thăm nhau thôi chứ có phải đi tán tỉnh gì đâu. Người ta có chồng có con rồi...
    - Ba con, - Sơn thản nhiên nói.
    - Ba con thật à? - Kiên hỏi.
    - Thì thấy thằng Duy nó bảo thế. Ít nhất là ba con ở thời điểm này. Tương lai có nhiều hơn không thì tao chưa nắm được thông tin.
    Nhìn vẻ mặt ngơ ngẩn của Kiên, Sơn bồi thêm:
    - Tao thành thật khuyên mày nên lấy cặp kính cận của tao đeo vào để đi gặp cố nhân cho thi vị. Phải nhìn mờ mờ ảo ảo thì mới tưởng nhớ được quá khứ, chứ nhìn rõ sự thật e rằng sẽ thất vọng đấy. Mày cứ thử tính mà xem: đàn bà đẻ con xong nói chung ai cũng tăng sơ sơ dăm bảy cân, nàng có ba đứa, vậy chắc tấm thân thon thả bây giờ không dưới sáu chục ký đâu.
    Kiên mỉm cười nhớ lại những lời nói của Sơn khi anh nhìn thấy Lan Chi hiện ra từ một góc phố. Vẫn cái vóc dáng mảnh mai ấy, vẫn mái tóc buông xõa ngang vai ấy..., anh nhận ra cô ngay lập tức và cảm thấy trào lên trong lòng một nỗi xúc động pha lẫn nhẹ nhõm. Anh định chạy ra đón Lan Chi nhưng bỗng nhiên đổi ý và lùi vào một góc khuất để kín đáo quan sát cô. Lan Chi tiến lại gần, cô không nhìn thấy anh. Khi cô đứng lại, đưa mắt nhìn quanh tìm kiếm, Kiên cảm giác như có một luồng điện chạy giần giật khắp người mình: cặp mắt của cô vẫn hơi ngơ ngác và mơ mộng không khác gì ngày xưa, làn môi của cô vẫn có một thoáng cong nũng nịu giống hệt thuở nào... Một nỗi buồn da diết tràn ngập lòng Kiên khi anh nghĩ rằng tất cả những đường nét thân thương này bây giờ đã thuộc về một người đàn ông khác. Anh cố giữ dáng điệu thật bình thản và bước lại gần Lan Chi.
    - Trời nóng quá, Lan Chi nhỉ, - Kiên nói với một nụ cười thay câu chào.
    - Vâng, nóng thật đấy, - Lan Chi mỉm cười đáp lại. – Hình như hôm nay lên đến ba mươi hai độ.
    Sau đoạn bình luận thời tiết là một khoảng im lặng bối rối, rồi Kiên là người lên tiếng đầu tiên:
    - Anh không ngờ lại được gặp em ở Berlin.
    - Ngày mai anh đã bay về Hà Nội rồi phải không? Sao anh đi công tác gấp thế? – Lan Chi hỏi.
    - Anh sang Đức làm việc hai tuần, nhưng là ở Leipzig chứ không phải ở Berlin. Xong việc ở Leipzig rồi anh mới đến đây thăm Sơn. Nếu biết trước là em đang ở Berlin thì anh đã thu xếp lên đây sớm hơn.
    Họ cùng đi vào ga. Lan Chi hỏi thăm về chuyến công tác của Kiên ở Leipzig. Anh trả lời một cách hết sức sôi nổi, cô lắng nghe với vẻ hết sức chăm chú, dù trong thâm tâm cả hai người đều hiểu rằng chuyện này chẳng có gì là quan trọng đối với họ.
    Tàu đến, Kiên ngừng ngay câu chuyện giữa chừng để cùng Lan Chi lên tàu. Trong toa đã đầy ắp người, không còn chỗ nào để ngồi, họ phải đứng sát vào nhau. Anh xúc động đến nghẹt thở khi cảm nhận sát người mình thân hình nhỏ nhắn của cô, thân thiết và gần gũi hệt như trong những giấc mơ vẫn thường trở đi trở lại ám ảnh anh suốt bao năm ròng. Tàu lắc mạnh và Kiên như tỉnh mộng: anh nhận thấy Lan Chi cố bám chắc vào tay vịn để khỏi ngã vào người anh. Chưa bao giờ anh hình dung rõ rệt và thấm thía đến vậy về cái vực sâu hun hút mà cuộc đời dùng để ngăn cách họ như lúc này đây, khi cô đứng ngay bên anh, gần như lọt thỏm trong vòng tay anh.
    Nơi họ đến ăn tối là một tiệm ăn Italia. Theo lời giới thiệu của Sơn, ngoài cái tiện là không xa nhà Duy, tiệm ăn này còn có ưu điểm là bài trí trang nhã, lịch sự, phục vụ tận tình, đồ ăn không phải là xuất sắc lắm nhưng cũng khá, khung cảnh tương đối yên tĩnh, nói tóm lại là một nơi rất hợp để diễn ra những màn tình cảm.
    Kiên hơi lúng túng trước quyển thực đơn với những món ăn ghi bằng tiếng Đức và tiếng Italia.
    - Anh chẳng có khái niệm gì mấy về món ăn Ý ngoài pizza và spaghetti, - anh thú nhận. – Em có kinh nghiệm gì không?
    - Kinh nghiệm của em thì cũng nghèo nàn thôi, nhưng nếu anh tín nhiệm em thì để em chọn cho anh nhé, - Lan Chi cười đáp. - Đừng ăn pizza, khô lắm, trời nóng thế này nuốt không nổi đâu.
    Sau một hồi nghiên cứu thực đơn, Lan Chi gợi ý Kiên lấy món Insalata di Mare làm khai vị và Scaloppina alla Milanese làm món chính.
    - Món khai vị này là một thứ salat có trộn tôm, sò huyết, nếu anh vẫn thích ăn đồ hải sản như xưa thì ăn cái này hợp đấy. Còn món chính là một loại thịt bê, làm theo kiểu Milano, theo em thì cũng được, - cô nói.
    - Em sống ở Pháp mà sao cũng thạo món ăn Ý thế? – Kiên hỏi, vẻ hơi ngạc nhiên.
    - Thạo gì đâu. Chẳng qua là vì em đã có dịp sang Ý chơi một tuần. Một tuần toàn đi ăn hiệu, toàn ăn đồ Ý, nên cuối cùng cũng phải nhớ lõm bõm được vài thứ chứ.
    - Em đã đi Ý rồi à? Nước Ý đẹp lắm phải không?
    - Vâng... - giọng Lan Chi đột nhiên trở nên gượng gạo. Kỷ niệm về chuyến du lịch tuần trăng mật bỗng hiện ra rõ mồn một trong đầu cô. Bất chợt, cô nghĩ đến chồng và bồn chồn tự hỏi chẳng hiểu tối nay anh có gọi điện thoại đến nhà Duy không. Để gạt khỏi đầu ý nghĩ đó, cô bèn đột ngột đổi đề tài.
    - Lâu nay anh có gặp Quân không? - cô hỏi.
    - À, Quân hả? Có đấy, anh mới gặp nó hồi Tết vừa rồi xong, - Kiên cười, mắt chợt lấp lánh những tia tinh nghịch. - Cậu ta bây giờ đạo mạo lắm, không còn tồ như hồi trước nữa đâu. Giáo sư đại học ở Mỹ, vợ khôn con đẹp, nói chung là yên ấm mọi bề...
    Việc Quân kiếm được “vợ khôn”, theo Kiên, hoàn toàn chẳng phải do anh chàng đã tiến bộ hơn trước, ứng dụng được nhuần nhuyễn lý thuyết “tán gái” vào thực hành, mà chỉ nhờ một phương pháp hết sức cổ điển là phương pháp mối lái. Chuyện này thoạt nghe có vẻ hơi lạ, vì Quân thời trai trẻ vốn là người có tâm hồn lãng mạn, luôn luôn theo chủ trương “tình yêu là sự gặp gỡ tình cờ của hai trái tim có chung nhịp đập”. Thế nhưng, sau khi nhận bằng tiến sĩ rồi lại chu du châu Âu mất một vòng ba nước và bốn năm (hai năm post- doc ở Đức ngay sau khi bảo vệ xong luận án tiến sĩ, một năm visiting tại một viện khoa học ở Italia, một năm “giáo sư mời” tại một trường đại học của Bỉ), con tim cô đơn của Quân mãi chẳng tình cờ gặp được con tim đồng điệu nào thì anh bắt đầu hơi nao núng. Bố mẹ của Quân còn nao núng hơn khi thấy cậu con trai đã đến tuổi “băm” rồi mà mãi vẫn cứ lông bông, cho nên bèn để ý tìm sẵn cho anh vài đám ở Hà Nội.
    Hết thời hạn làm việc ở Bỉ, Quân có ngay một suất sang làm việc ở Mỹ. Anh về Hà Nội nghỉ trong thời kỳ chuyển giai đoạn này thì được bố mẹ thông báo rằng việc tìm kiếm của các cụ đã đạt kết quả hết sức mỹ mãn, hiện đã có một danh sách vài đám để Quân lựa chọn. Quân chỉ có việc khảo sát đại thể “sơ yếu lý lịch” của các ứng cử viên (ngành nghề, tuổi tác, cân nặng, chiều cao...) rồi thấy đám nào phù hợp thì gia đình sẽ xúc tiến tổ chức ngay một cuộc gặp gỡ “tình cờ” để hai trẻ làm quen với nhau. Mới nghe nói vậy, tất nhiên phản ứng đầu tiên của Quân là giãy nảy lên như đỉa phải vôi. Anh hùng hồn giải thích cho hai bậc thân sinh rằng ở cái thời đại Internet này mà lại còn tính chuyện hôn nhân bằng cách mối lái thì thật là hết sức sai, hết sức đáng cười. Nhưng sau khi mẹ anh thẽ thọt phân tích một hồi, chỉ ra cái lợi của việc được bố mẹ chọn sẵn đối tượng cho, ca tụng ưu điểm của các ứng cử viên đã lọt vào trong danh sách tuyển lựa, rồi lại nói nửa dỗi nửa thách đố kiểu “có giỏi thì tự tìm lấy xem, có tìm được không?”, cuối cùng Quân đành lầu bầu một cách đáng yêu rằng “thôi thì bố mẹ đặt đâu con ngồi đấy vậy, nhưng nhớ đặt con vào chỗ nào xinh xinh, hiền hiền một tí”.
    Cứ như lời Quân tâm sự với Kiên thì lúc đầu anh gật bừa như thế chỉ cốt để yên thân, khỏi nghe mẹ nói ra nói vào thôi, chứ cũng chẳng hy vọng gì cả. Ai ngờ đến khi gặp đối tượng thì thấy hóa ra cũng được quá. Lễ cưới được tổ chức ngay tắp lự (sau buổi gặp gỡ đầu tiên ngót nghét có một tháng), để kịp cho cô dâu còn theo chú rể đi Mỹ. Giữa mùa hè, trời nóng như đổ lửa, dân Hà Nội chẳng có ai dại gì mà cưới, cho nên đám cưới của Quân cũng được coi là một hiện tượng đáng nhớ trong năm của thủ đô lúc bấy giờ. Nhiều kẻ đa nghi không rõ chuyện cứ đặt nghi vấn “có việc gì mà phải cưới chạy?”, nhưng nhìn cô dâu chú rể mặt mũi tươi hơn hớn cả hai, dù mồ hôi chảy tong tong làm phấn son trên mặt cô dâu có phần nhòe nhoẹt, thì mọi người đều phải thừa nhận rằng đây là một cuộc hôn nhân hạnh phúc.
    Sau lễ cưới mười ngày thì xảy ra một sự cố mà lúc kể lại cho Kiên nghe Quân vẫn còn kinh hoàng, cứ xuýt xoa mãi rằng may mà vợ mình độ lượng chứ nếu không chắc đã nhà tan cửa nát. Ấy là việc có kẻ rỗi hơi xấu miệng nào không biết tự nhiên lại đưa đến tai vợ Quân câu chuyện về mối tình si ngày xưa của anh ở Matxcơva. Vợ Quân lập tức về nhà nghiêm khắc lôi chồng ra tra khảo. Quân sợ quá, thề sống thề chết rằng “trái tim anh chỉ đập rộn ràng từ khi gặp em, còn cái cô kia thì... (nói đến đây anh bèn cười khẩy một cái), nói thật với em, quan hệ của anh với cô ta hoàn toàn chỉ dựa trên cơ sở tình bạn, lịch sự với nhau mà thôi. Phải, chính là vì lịch sự mà anh rủ cô ta đi xem phim, cũng là vì lịch sự mà đôi khi anh đi chơi với cô ta trong những lúc rảnh rỗi. Những kẻ phao tin lăng nhăng là chỉ nhìn hiện tượng bề mặt mà không có hiểu biết thực chất gì hết cả...”
    Lý lẽ của Quân kể ra cũng không có sức thuyết phục cho lắm, nhưng được cái là thái độ của anh lại hết sức thành khẩn, chẳng những anh đã năm lần bảy lượt đập đầu tuyên thệ nói đúng sự thật, mà còn có một lần (trong lúc tuyệt vọng) anh đi đến chỗ toan đem nước mắt ra để chứng tỏ với vợ tấm lòng thành của mình. Vì vậy cuối cùng vợ độ lượng của Quân cũng thương tình mà thể tất tha cho, không chì chiết thêm nhiều nữa. Chỉ có sau này, mỗi lần anh chàng sơ ý nói hay làm điều gì không hợp ý vợ thì cô mới tức giận lôi chuyện tình xưa nghĩa cũ của anh ra đay nghiến.
    Theo Kiên, vợ Quân tuy về mặt nhan sắc thì không được bằng Thanh Hoa, nhưng lại có ưu điểm lớn là rất khéo dạy chồng. Thành thử, ngoài chuyện làm toán là cô nàng không biết gì nên không tham gia ý kiến thôi, chứ còn trong mọi lĩnh vực khác thì anh chàng nhất cử nhất động đều tự nguyện thỉnh ý vợ. Đặc biệt là sau khi cậu quý tử giống bố như đúc ra đời thì Quân lại càng “nhất vợ nhì trời”, anh phấn khởi gửi ngay e-mail báo tin mừng đến bạn bè khắp nơi, ghi rõ rằng ngày này tháng nọ giờ ấy vợ hiền của tôi đã sinh hạ một bé trai chiều dài... cân nặng... (việc Quân sử dụng một cách có chủ ý tính từ “hiền” kèm theo danh từ “vợ” đã khiến cho bạn bè xì xào rằng đây là một nỗ lực của anh nhằm đập tan cái tin đồn vô căn cứ là Quân sợ vợ). Thiên hạ nói gì mặc họ, không ai có thể phủ nhận được một thực tế rành rành là Quân rất thỏa mãn về chuyện vợ con của mình. Bằng chứng là anh đã trở nên tự tin đến mức nói năng cứ như là chuyên gia trong lĩnh vực hôn nhân - gia đình, đi rao rảng kinh nghiệm kiếm vợ cho khá nhiều đồng đội hãy còn phòng không nhà trống. Kinh nghiệm của Quân chỉ thu gọn trong một câu giản dị là “chớ nên coi thường sự giúp đỡ của các bậc phụ huynh”, nhưng vì nó đi kèm một thí dụ minh họa sinh động là tấm gương gia đình hạnh phúc của Quân, thành ra ai cũng phải công nhận là có sức thuyết phục lớn.
    Lan Chi cười chảy cả nước mắt khi nghe Kiên kể chuyện về Quân. Câu chuyện về người bạn chung tự nhiên làm cho họ xích gần hẳn lại với quá khứ. Sự xa cách, gượng gạo ban đầu trong chốc lát dường như vụt biến đi, Kiên nhìn Lan Chi và buột miệng nói lên cái ý nghĩ cứ luẩn quẩn trong đầu anh từ nãy:
    - Em hầu như không thay đổi. Không thể hình dung được rằng đã hơn mười năm rồi, và em thì đã có ba con... Em có ba con rồi, phải không?
    - Vâng. Hai cậu con trai nghịch như quỷ sứ và một bé gái đáo để hơn mẹ nhiều, - Lan Chi mỉm cười đáp.
    - Anh vẫn biết em yêu trẻ con lắm, nhưng ba con thì cũng dũng cảm đấy nhỉ, - Kiên nói với một nụ cười quen thuộc đến nỗi đột nhiên Lan Chi cảm thấy nhói trong tim.
    - Tại vì lần thứ hai em sinh được hai bé sinh đôi. Trời cho thì được vậy thôi chứ có dũng cảm gì đâu, - cô đáp.
    - Chồng em làm ngành gì vậy? – Kiên lại hỏi.
    - Anh ấy là bác sĩ.
    - Còn em? Em có làm ngành tâm lý nữa không?
    - Em bỏ ngành rồi. Em không thể kiếm được việc làm đúng ngành này ở cùng thành phố với ông xã em. Em lại có ba đứa con, sức thì yếu, không thể sống theo kiểu chồng một nơi, vợ một nơi được. Đành phải chọn giữa công việc và gia đình thôi. Đàn bà, có mấy ai dám coi gia đình nhẹ hơn sự nghiệp đâu.
    - Kể cũng tiếc nhỉ... – Kiên tư lự nói.
    Một nét buồn bỗng hiện lên làm gương mặt Kiên tối lại. Mắt anh thoáng vẻ thẫn thờ xa xôi đến nỗi Lan Chi tự hỏi không hiểu anh chỉ nói tiếc việc cô bỏ ngành hay còn ám chỉ đến một chuyện gì khác nữa?
    - Còn anh thì sao? Nghe nói công việc của anh ở Hà Nội thuận lợi lắm phải không? – Lan Chi hỏi.
    - Ừ, cũng tạm được. Nói chung bây giờ ở nhà làm ăn dễ hơn trước nhiều Lan Chi ạ, - Kiên nói.
    - Em nghe nói công ty của anh làm ăn phát đạt, cuộc sống gia đình anh dễ chịu lắm, phải không? Em thực sự mừng cho anh.
    - Chúng mình có lẽ sinh nhầm thời, Lan Chi ạ, - Kiên nói, mắt vẫn nhìn xa xôi. - Nếu như hơn chục năm trước mà tình hình ở trong nước đã được như bây giờ thì chắc anh chẳng phải đi Ba Lan đánh quả làm gì. Cả em nữa, có khi em cũng chẳng sang Pháp, đúng không? Cuộc đời chúng mình lẽ ra đã có thể khác hẳn rồi.
    - Anh biết tin em sang Pháp từ lúc nào? Khi ở Ba Lan hay mãi đến lúc về Hà Nội? - do dự một lát, cô khẽ hỏi.
    - Đến lúc về Hà Nội anh mới biết. Khi ngồi trên máy bay từ Ba Lan về nước, anh cứ sợ thắt cả tim, chỉ lo về đến nhà thì em sẽ không thèm nhìn mặt anh nữa, rồi lo không biết em sẽ nói gì. Lúc ấy, anh không thể ngờ rằng mười năm sau anh mới được gặp lại em, mà lại là gặp ở nước Đức này.
    - Trước khi đi Pháp, em có đến chào bố mẹ anh. Em cứ nghĩ là các cụ sẽ báo cho anh biết chuyện ấy.
    - Hồi ấy, thỉnh thoảng mẹ anh vẫn viết thư sang Ba Lan cho anh, nhưng cụ giấu biệt chuyện này đi. Chắc cụ sợ anh biết thì sẽ không chịu về nước nữa. Mãi tận khi anh đã ở Hà Nội rồi, đang chuẩn bị đến nhà em thì mẹ anh mới nói. Mẹ anh bảo khi em đến chào bố mẹ anh, em khóc.
    - Tính em thì bao giờ chẳng vậy, anh còn lạ gì, - Lan Chi mỉm cười, cúi xuống để giấu giọt nước mắt đang trào ra. - Đến bây giờ, già rồi mà em vẫn chẳng sửa được cái tật mau nước mắt ấy.
    Cả hai ngồi lặng đi một lúc. Bao nhiêu câu hỏi dội lên dồn dập trong đầu Lan Chi: “Tại sao hồi ấy anh không viết thư cho em? Tại sao anh không trả lời những lá thư cuối cùng mà em gửi sang Matxcơva? Anh có nhận được những lá thư ấy không? Anh có nhận được bức điện em gửi sang Ba Lan không?...” Cô muốn cất tiếng hỏi, nhưng cảm thấy không sao thốt nổi nên lời. Vài phút yên lặng trôi qua, rồi Lan Chi chợt hiểu rằng những câu hỏi vẫn day dứt lòng mình trong bao nhiêu năm ấy giờ đây đã trở thành lạc lõng, nó đã bị lỡ mất hơn chục năm rồi. Biết câu trả lời bây giờ thì cũng còn có ích gì nữa đâu? Có thay đổi được gì đâu?
    - Anh có một con trai rồi phải không? - cô hỏi.
    - Ừ, thằng nhóc năm nay bốn tuổi rồi, - Kiên đáp, một nụ cười thoáng qua trên gương mặt.
    - Vợ anh có cùng ngành kiến trúc với anh không?
    - Không. Cô ấy học tiếng Anh, làm cho một công ty xuất nhập khẩu.
    Lan Chi chăm chú quan sát Kiên khi anh nói về vợ, nhưng cô không thể đoán ra được điều gì qua vẻ mặt và giọng nói bình thản của anh. Cô rất muốn hỏi: “Anh có hạnh phúc không?”, nhưng sau một lúc ngần ngại, không hiểu sao cô lại bật ra một câu hỏi khác:
    - Nhà anh có còn ở chỗ cũ không?
    - Bố mẹ anh thì vẫn ở đấy, nhưng anh thì mua đất xây nhà ở chỗ khác rồi.
    - Nghe nói anh có cái nhà vĩ đại lắm thì phải? - Lan Chi cười hỏi.
    - Vĩ đại là so với mơ ước của mình ngày xưa thôi, chứ so với thiên hạ bây giờ thì ăn thua gì, - Kiên cũng cười theo. - Hà Nội bây giờ xây dựng khiếp lắm. Sao em không về Hà Nội chơi đi? Bao nhiêu năm rồi, sao em chẳng về Hà Nội?
    - Bố em mất rồi, anh cũng biết đấy.
    - Ừ, dạo đó anh đang công tác ở Sài Gòn, lúc ra anh có đến nhà em nhưng em trở lại Pháp mất rồi.
    - Duy có nói lại cho em như vậy.
    - Nhưng ở Hà Nội em vẫn còn bà cô ruột, đúng không? Rồi còn bao nhiêu bạn bè nữa, mọi người vẫn nhớ đến em. Thỉnh thoảng bạn cũ gặp nhau vẫn hỏi sao lâu lắm không thấy Lan Chi về Hà Nội.
    - Sau khi bố em mất, em buồn quá, mãi không có lòng dạ nào nghĩ đến chuyện trở về. Rồi em lại sinh thêm hai bé sinh đôi, ba đứa con cũng vướng bận lắm, thành ra cứ trì hoãn mãi chuyện về thăm quê, cứ bảo đợi một thời gian nữa để lũ trẻ lớn thêm thì đi lại đỡ vất vả hơn. Tết năm ngoái em đã có ý định về, nhưng bà cô của em dịp đó lại vào Vũng Tàu nuôi con gái đẻ, nấn ná trong đó đến hơn nửa năm, thành ra em cũng chẳng về nữa. Có lẽ Tết năm nay hay năm sau cũng phải nghĩ đến chuyện về thăm Hà Nội thật, cô em đã già yếu rồi, em cũng sốt ruột lắm.
    - Về ngay Tết năm nay đi Lan Chi, - giọng Kiên bỗng sôi nổi hẳn lên. – Anh vẫn nợ em một thứ ở Hà Nội đấy. Em có nhớ dạo ở Matxcơva, đôi khi em cứ kêu thèm ăn bánh tôm Hồ Tây quá, và anh đã hứa với em là lúc nào chúng mình về Hà Nội, anh sẽ đưa em lên Hồ Tây, khao một chầu bánh tôm cho em ăn phát chán thì thôi. Bao nhiêu năm nay, mỗi lần đi qua Hồ Tây là anh lại nhớ đến lời hứa đó.
    - Anh lại làm em phát thèm lên rồi, - Lan Chi cười. - Thế này thì Tết năm nay phải cố về Hà Nội thật. Ít nhất là để được ăn bánh tôm Hồ Tây không mất tiền.
    - Khi nào chuẩn bị về thì gọi điện báo cho anh nhé, - Kiên vừa hăng hái nói vừa lấy tay sục sạo hết túi áo này đến túi quần nọ tìm kiếm một hồi, cuối cùng anh lôi ra được một tấm danh thiếp đã hơi bị quăn mép, đưa cho Lan Chi và nói một cách hớn hở:
    - May quá, hóa ra vẫn có một cái các đây. Địa chỉ và số điện thoại của anh có đầy đủ trong này. Có gì cứ gọi điện báo cho anh biết. Anh sẽ ra sân bay đón em... à, tức là đón gia đình em. Chắc ông xã với lũ nhóc cũng sẽ về cùng em chứ?
    - Bọn trẻ con nhà em thì em đi đâu cũng phải vác chúng nó đi theo, còn chồng em thì chưa biết thế nào. Hy vọng là anh ấy thu xếp về cùng em được. – Lan Chi chợt cười tủm tỉm. - Nhưng gọi điện bắt anh đi đón thế có phiền gì không? Bà xã anh có “độ lượng” như vợ Quân không?
    - Sao em lại nói đến chuyện “phiền” ở đây được nhỉ? Còn bà xã thì có liên quan gì đến việc này mà phải can thiệp, - Kiên cũng cười.
    - Nói thật đi, anh đã bao giờ phải đập đầu thề thốt “tình bạn, lịch sự” như Quân chưa nào? - Lan Chi vẫn chưa chịu tha.
    - Quân khác, anh khác, em cứ nhìn Quân để suy ra anh thì không đúng đâu, - Kiên mỉm cười, đáp. Rồi, có vẻ như muốn lẩn tránh vấn đề tế nhị ấy, anh bèn trở lại với đề tài tha thiết của mình: - Nhất định Tết này em sẽ về Hà Nội nhé. Anh sẽ đợi em. Anh coi như là em đã hứa với anh rồi đấy.
    

Xem Tiếp Chương 13Xem Tiếp Chương 14 (Kết Thúc)

Tìm Trong Nỗi Nhớ
  » Xem Tập 1
  » Xem Tập 2
  » Xem Tập 3
  » Xem Tập 4
  » Xem Tập 5
  » Xem Tập 6
  » Xem Tập 7
  » Xem Tập 8
  » Xem Tập 9
  » Xem Tập 10
  » Xem Tập 11
  » Đang Xem Tập 12
  » Xem Tiếp Tập 13
  » Xem Tiếp Tập 14
 
Những Truyện Dài Khác
» Liêu Trai Chí Dị
» Pie Đệ Nhất
» Thiên Thần Và Ác Quỷ
» Tuyết Bỏng
» Cuộc Đời Của Pi ( Phần II )
» Mao: The Unknown Story
» Con Lừa Và Tôi
» Trái Tim Không Cần Lý Lẽ
» Tình Ca Giáo Viên Miền Núi
» Cuốn Sổ Lớn
» Chuyện Tình New York
» Những Kẻ Điên Rồ Phải Chết
» Đau Thương Đến Chết ( Phần I )
» Hai Chị Em
» Giữa Cơn Gió Lốc