Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Dài Học Trò » Pippi Tất Dài Tác Giả: Astrid Lindgren    
Pippi tổ chức trò thi vấn đáp

    Một ngày nọ, kỳ nghỉ hè dài vui vẻ kết thúc. Thomas và Annika lại phải đến trường.
    Trước sau gì Pippi vẫn cho rằng mình đã được dạy dỗ đầy đủ mà không cần phải đi học. Nó tuyên bố chắc nịch rằng nó không hề có ý định đặt chân tới trường - trừ phi đến một ngày nó hoàn toàn mất phương hướng, không còn biết đánh vần hai chữ “say sóng” như thế nào thì may ra nó sẽ nghĩ lại.
    “Nhưng vì tớ chẳng bao giờ bị say sóng cả, nên trước mắt tớ khỏi cần lo đánh vần nó như thế nào,” Pippi nói. “Còn ngộ nhỡ sẽ có lúc tớ bị say sóng thật, thì tớ sẽ có nhiều việc khác phải làm hơn là nghĩ ngợi xem viết hai chữ đó ra sao.”
    “Chắc chắn cậu sẽ không bao giờ bị say sóng đâu,” Thomas nói.
    Và cậu có lý. Pippi đã cùng bố lênh đênh mãi trên biển, trước khi bố nó trở thành vua của người da đen và nó về ở Biệt thự Bát nháo. Nhưng nó chưa từng say sóng bao giờ.
    Gần đây Pippi thường tiêu khiển bằng cách cưỡi ngựa đến trường đón Thomas và Annika.
    Thomas và Annika rất vui sướng vì điều đó. Chúng thích cưỡi ngựa kinh khủng và thật ra làm gì có nhiều đứa trẻ được cưỡi ngựa từ trường về nhà.
    “Chà, Pippi, chiều nay cậu đón chúng tớ nhé,” một hôm Thomas dặn, khi hai anh em cậu lại phải quay đến trường sau giờ nghỉ trưa.
    “Ừ, nhớ nhé,” Annika bảo. “Vì hôm nay bà Rosenblom sẽ phát quà cho những đứa trẻ ngoan và chăm chỉ.”
    Bà Rosenblom là một bà già giàu có sống trong thị trấn. Bà quản lý tiền của mình chặt chẽ, nhưng cứ nửa năm bà lại đến trường một lần để phân phát quà cho lũ học sinh. Không phải tất cả học sinh đâu, ồ không! Chỉ những đứa nào thật ngoan ngoãn và chăm chỉ mới được nhận quà. Để biết được những đứa nào thật sự ngoan và chăm, bà Rosenblom làm những cuộc sát hạch dài lê thê trước khi chia quà.
    Và bởi thế mà tất cả trẻ con trong thị trấn luôn nơm nớp sợ bà. Bởi ngày nào cũng vậy, hễ chúng đang có bài tập phải làm và đang ngồi nghĩ ngợi xem có thể bắt đầu một trò gì vui vui hơn trước khi học bài chăng, thì y như rằng mẹ hoặc bố chúng lại đe: “Này, hãy nghĩ đến bà Rosenblom!”
    Và cũng thật xấu hổ kinh khủng cho đứa nào mà vào ngày bà Rosenblom đã đến trường lại phải tay không về nhà với bố mẹ và các em, không đem về được dù chỉ một chút tiền hay một túi kẹo, hay chí ít là một chiếc áo lót. Phải, ngay một chiếc áo lót cũng không! Vì bà Rosenblom còn phân phát cả quần áo cho những đứa nhà nghèo nhất. Tuy nhiên, nếu đứa nào không trả lời nổi câu hỏi của bà Rosenblom là một kilômét gồm bao nhiêu centimét, thì dù nó có nghèo đến đâu cũng đừng hòng. Không, không có gì lạ khi lũ trẻ con của thị trấn nhỏ này sống trong nỗi sợ nơm nớp trước bà Rosenblom. Chúng sợ cả món súp của bà! Chẳng là bà Rosenblom cho cân đo cả lũ trẻ con, nhằm biết được đứa nào đặc biệt gầy gò ốm yếu và xem ra không được ăn uống đầy đủ ở nhà. Tất cả những đứa trẻ gầy gò và nhà nghèo phải đến nhà bà Rosenblom vào mỗi giờ nghỉ trưa và ăn một đĩa súp lớn. Lẽ ra món súp đã có thể rất tuyệt, nếu như trong súp không có nhiều hạt tấm đáng ghét đến thế.
    Nhưng hôm nay là một ngày trọng đại, ngày bà Rosenblom đến trường. Giờ học kết thúc sớm hơn thường lệ, và tất cả trẻ con tập họp trên sân trường.
    Một chiếc bàn lớn được kê giữa sân, bà Rosenblom ngồi ở đó. Cạnh bà có hai cô thư ký giúp việc, chuyên ghi chép mọi chi tiết về lũ trẻ: chúng cân nặng bao nhiêu, chúng có trả lời được các câu hỏi không, chúng có phải con nhà nghèo và cần quần áo không, chúng có được hạnh kiểm tốt không, chúng còn có các em nhỏ ở nhà cũng cần quần áo không… Thôi thì kể mãi không hết tất cả những điều bà Rosenblom muốn biết. Trên bàn, trước mặt bà là một tráp đựng tiền và một lô túi kẹo, cùng hàng núi áo lót, bít tất và quần len.
    “Tất cả các cháu đứng vào hàng đi nào,” bà Rosenblom hô. “Hàng đầu tiên là những ai không có em ở nhà, hàng thứ hai là những ai có một hoặc hai em, những ai có từ hai em trở lên vào hàng thứ ba.”
    Vì với bà Rosenblom mọi thứ đều phải có trật tự của nó, và cũng công bằng thôi khi những đứa trẻ có nhiều em ở nhà được những túi kẹo to hơn những đứa chẳng có em. Rồi cuộc sát hạch bắt đầu. Ôi chao, ôi chao, lũ trẻ mới run làm sao chứ! Những đứa không trả lời được, trước hết sẽ phải đứng vào trong góc sân mà xấu hổ, rồi sau đó phải ra về mà không có nổi dù chỉ một chiếc kẹo cho lũ em ở nhà.
    Thomas và Annika vốn là những trò giỏi. Dẫu vậy chiếc nơ trên đầu Annika vẫn run lên vì hồi hộp khi cô bé đứng xếp hàng cạnh Thomas, còn Thomas thì càng nhích lại gần bà Rosenblom mặt càng tái đi. Đúng lúc đến lượt cậu thì bỗng nhiên trong hàng những đứa “không có em” bỗng trở nên lộn xộn. Có ai đó đang chen qua lũ trẻ. Không ai khác ngoài Pippi! Nó gạt những đứa khác bắn sang hai bên và tiến thẳng đến trước mặt bà Rosenblom.
    “Xin lỗi bà, nhưng khi mới bắt đầu thì cháu chưa có mặt. Cháu sẽ phải đứng vào hàng nào đây, nếu cháu không có mười bốn đứa em mà mười ba trong số đó là những đứa hư đốn ạ?”
    Bà Rosenblom nhìn Pippi đầy vẻ khiển trách.
    “Tạm thời cháu cứ đứng nguyên đó,” bà nói. “Nhưng ta gần như tin rằng cháu sẽ mau chóng đi vào hàng với những đứa trẻ phải đứng trong góc kia mà xấu hổ.”
    Hai cô thư ký ghi tên Pippi vào danh sách, và cân Pippi lên để xem nó có cần phải bồi dưỡng món súp hay không. Nhưng nó thừa tới hai kilô.
    “Cháu sẽ không được ăn súp,” bà Rosenblom nghiêm khắc nói.
    “Đôi lúc cháu mới may mắn làm sao,” Pippi nói. “Bây giờ chỉ phải lo sao thoát nốt đống bánh kẹo và áo lót nữa là có thể thở phào được rồi.”
    Bà Rosenblom không để tai nghe nó. Bà tìm trong sách chính tả một từ khó để bắt Pippi đánh vần từng chữ cái.
    “Nào, cháu thân mến,” rốt cuộc bà bảo, “cháu có thể nói ta nghe say sóng viết thế nào không?”
    “Rất sẵn lòng ạ,” Pippi đáp. “X–a–i x–ó–n–g.”
    Bà Rosenblom nở một nụ cười ngọt ngào mà mai mỉa.
    “Thế hả, thế hả,” bà nói. “Trong sách chính tả viết hoàn toàn khác.”
    “Thật may mắn là bà muốn biết cháu viết những thứ ấy ra sao,” Pippi nói. “X-a-i x-ó-n-g, cháu luôn đánh vần như thế đấy, và cho tới nay nó luôn đem đến điều tốt lành đến cho cháu.”
    “Hãy ghi lại cho tôi,” bà Rosenblom nói với cô thư ký, và giận dữ mím môi.
    “Vâng, cô hãy ghi đi,” Pippi nói, “cô hãy chép lại cách đánh vần ấy và lo sao để trong sách chính tả được sửa càng sớm càng hay.”
    “Bây giờ, cháu nghe đây,” bà Rosenblom bảo, “cháu hãy trả lời ta câu hỏi này: Karl XII mất khi nào?”
    “Ồ, ông ấy cũng chết rồi sao?” Pippi kêu lên. “Thật là quá buồn khi giờ đây bao nhiêu người phải lên thiên đàng. Mà cháu thì tin chắc điều đó lẽ ra không khi nào xảy ra, nếu ông ấy luôn biết giữ cho chân mình được khô ráo.”
    “Cô hãy ghi lại đi,” bà Rosenblom bảo cô thư ký bằng một giọng lạnh như băng.
    “Vâng, cô cứ việc ghi ạ,” Pippi nói. “Cô cũng ghi luôn lại là cho đỉa bu lên người là điều rất tốt. Rồi uống một chút dầu hoả hâm nóng trước khi đi ngủ nữa! Sẽ giải nhiệt!”
    Bà Rosenblom lắc đầu.
    “Tại sao ngựa lại có những chiếc răng hàm xẻ rãnh?” Bà hỏi.
    “Dạ, bà có chắc là nó có không ạ?” Pippi hỏi lại vẻ nghĩ ngợi. “Hơn nữa bà có thể tự hỏi con ngựa. Nó đang đứng đằng kia kìa.”
    Pippi vừa nói vừa chỉ vào con ngựa mà nó đã buộc vào một gốc cây và cười thích thú.
    “May làm sao cháu lại đem nó theo. Nếu không bà sẽ chẳng bao giờ biết được tại sao nó lại có những chiếc răng hàm xẻ rãnh. Vì, thật thà mà nói, cháu không hề biết tại sao. Mà cháu cũng chẳng hỏi điều đó.”
    Lúc này miệng bà Rosenblom chỉ còn là một đường chỉ mỏng dính.
    “Thật quá đáng, quá đáng lắm!” Bà lẩm bẩm.
    “Vâng, cháu cũng thấy thế,” Pippi hài lòng nói. “Nếu cháu cứ tiếp tục giỏi giang thế này, chắc cháu sẽ không rời khỏi đây mà không phải cắp theo một đôi quần len màu hồng.”
    “Các cô hãy ghi lại,” bà Rosenblom bảo hai cô thư ký.
    “Đừng, việc này đâu có quan trọng đến thế,” Pippi nói. “Thật tình cháu cũng không thích quần len màu hồng cho lắm. Ý cháu không phải thế. Nhưng các cô có thể ghi vào sổ là cháu đáng được nhận một túi kẹo to.
    “Ta muốn hỏi cháu câu cuối cùng,” bà Rosenblom nói, giọng bà kìm nén nghe là lạ.
    “Vâng, bà cứ hỏi,” Pippi đáp. “Cháu thích trò chơi vấn đáp này.”
    “Cháu trả lời được câu hỏi này chăng?” Bà Rosenblom hỏi. “Peter và Paul phải chia nhau một chiếc bánh gatô. Nếu Peter nhận được một phần tư chiếc bánh, thì Paul nhận được gì?”
    “Những cơn đau bụng ạ,” Pippi đáp. Nó quay sang các cô thư ký. “Các cô hãy ghi lại là Paul sẽ nhận được những cơn đau bụng.”
    Nhưng lúc này bà Rosenblom đã hết chịu nổi Pippi.
    “Cháu là đứa trẻ dốt nát nhất và hư đốn nhất mà ta từng gặp. Hãy đứng ngay vào hàng đằng kia và tự xấu hổ đi.”
    Pippi ngoan ngoãn bước đi, nhưng nó bực tức lẩm bẩm:
    “Bất công! Trong khi mình trả lời được từng câu hỏi một!”
    Đi được vài bước, nó chợt nhớ ra điều gì, bèn dùng khuỷu tay rẽ đám trẻ con phăm phăm quay lại chỗ bà Rosenblom.
    “Xin lỗi bà,” nó nói, “nhưng cháu quên chưa cho biết số đo vòng ngực và chiều cao trên mực nước biển của cháu. Các cô hãy ghi đi ạ,” nó bảo hai cô thư ký. “Không phải vì cháu muốn ăn súp bồi dưỡng đâu nhé! Nhưng đã vào sổ sách là phải thật quy củ.”
    “Nếu cháu không lập tức ra kia đứng và tự xấu hổ, thì ta biết một cô bé sắp bị ăn đòn đấy,” bà Rosenblom nói.
    “Tội nghiệp đứa bé!” Pippi nói. “Ai thế ạ? Hãy cho nó đến với cháu, để cháu có thể bảo vệ nó. Các cô ghi vào đi!”
    Rồi Pippi đi đến chỗ những đứa trẻ phải tự xấu hổ. Không khí nơi đây mới buồn bã làm sao! Nhiều đứa nghẹn ngào và khóc thút thít khi nghĩ đến việc biết ăn nói thế nào với bố mẹ và các em khi hôm nay về đến nhà mà không có cả tiền lẫn kẹo.
    Pippi ngó nghiêng mấy đứa trẻ đang khóc, nuốt nước bọt vài lần, đoạn nói:
    “Chúng mình sẽ tự bày trò vấn đáp!”
    Lũ trẻ trông đã tươi tỉnh hơn một chút, nhưng chúng không hiểu rõ Pippi vừa nói gì.
    “Các cậu hãy xếp làm hai hàng,” Pippi bảo. “Tất cả những ai biết Karl XII đã chết xếp vào một hàng, những ai chưa nghe tin này xếp vào hàng thứ hai.”
    Nhưng lũ trẻ đều biết Karl XII đã chết nên chúng chỉ đứng vào duy nhất một hàng.
    “Thế không được,” Pippi nói. “Phải có ít nhất hai hàng, nếu không sẽ không đúng. Cứ hỏi bà Rosenblom mà xem, bà ấy sẽ xác nhận điều ấy với các cậu.”
    Nó nghĩ ngợi.
    “Giờ thì tớ biết rồi,” cuối cùng nó bảo. “Tất cả những đứa trẻ thông minh, nghịch giỏi, đứng vào một hàng.”
    “Thế nhưng ai vào hàng thứ hai?” Một cô bé không muốn công nhận mình là một đứa nghịch giỏi, hăng hái hỏi.
    “Tất cả những đứa không biết nghịch đến nơi đến chốn, đứng vào hàng thứ hai,” Pippi tiếp.
    Ở chỗ bàn bà Rosenblom đang ngồi, cuộc sát hạch vẫn đang tiếp diễn, chốc chốc lại có một đứa trẻ vừa khóc vừa thất thểu đi về phía đội quân của Pippi.
    “Bây giờ sẽ đến phần khó đây,” Pippi nói. “Chúng mình muốn xem xem các cậu có học bài về nhà tử tế hay không.”
    Nó quay sang một cậu bé gầy gò mặc áo sơ mi xanh lơ.
    “Hãy nói tớ nghe tên một người đã chết,” nó bảo.
    Cậu bé tỏ vẻ hơi ngạc nhiên, nhưng rồi cậu đáp:
    “Bà cụ Pettersson ở số nhà 57.”
    “Xem cậu ấy giỏi chưa kìa,” Pippi nói. “Cậu còn biết ai nữa không?”
    Không, cậu bé không biết. Thế là Pippi khum hai bàn tay thành hình loa trước miệng và thì thào khiến ai cũng nghe rõ:
    “Karl XII!”
    Rồi Pippi lần lượt hỏi khắp lũ trẻ xem chúng có biết ai đã chết không, và tất cả đều trả lời:
    “Bà cụ Pettersson ở số nhà 57 và Karl XII.”
    “Cuộc sát hạch cho kết quả tốt đến không ngờ,” Pippi nói. “Bây giờ tớ chỉ muốn hỏi các cậu một câu nữa thôi: Nếu Peter và Paul phải chia nhau một chiếc bánh gatô, mà Peter tuyệt đối không muốn ăn thêm nữa khi ngồi vào xó nhà và gặm một phần tư cái bánh nhỏ khô không khốc, thì ai sẽ là kẻ chịu hy sinh tọng nốt phần bánh còn lại vào bụng nào?”
    “Paul!” Tất cả lũ trẻ gào lên.
    “Tớ muốn biết liệu còn nơi nào có những đứa trẻ giỏi giang bằng các cậu hay không!” Pippi nói. “Nhưng bây giờ các cậu cũng phải có phần thưởng chứ.”
    Nó móc trong túi ra một vốc những đồng tiền vàng, và mỗi đứa được nhận một đồng vàng. Mỗi đứa còn được thưởng thêm một túi kẹo mà Pippi lôi từ trong balô của nó ra.
    Thế là đám trẻ con lẽ ra phải tự xấu hổ bỗng hân hoan vui sướng. Và khi cuộc sát hạch của bà Rosenblom kết thúc và ai nấy trở về nhà, thì không ai chạy nhanh bằng những đứa bị phạt đứng trong góc sân. Nhưng trước đó chúng còn xô đến chen lấn xung quanh Pippi.
    “Cảm ơn, cảm ơn cậu, Pippi!” Chúng nói. “Cảm ơn về đống vàng và những chiếc kẹo nhé!”
    “Chà, có gì đâu,” Pippi đáp, “các cậu không cần phải cảm ơn về điều đó. Nhưng việc tớ đã tránh cho các cậu khỏi phải nhận những chiếc quần lót len màu hồng, thì các cậu không bao giờ được phép quên đâu đấy!”

Kết Thúc (END)
Pippi Tất Dài
  » Xem Tập 1
  » Xem Tập 2
  » Xem Tập 3
  » Xem Tập 4
  » Xem Tập 5
  » Xem Tập 6
  » Xem Tập 7
  » Xem Tập 8
  » Xem Tập 9
  » Xem Tập 10
  » Đang Xem Tập 11
 
Những Truyện Dài Học Trò Khác
» Ngôi Trường Mọi Khi
» Góp Nhặt Cát Đá ( Thạch Sa Tập )
» Hai Vạn Dặm Dưới Biển
» Harry Potter và thanh gươm Gryffindor
» Con Thúy
» Hạ Đỏ
» Phượng Vĩ
» Harry Potter và Chiếc Cốc Lửa
» Thằng Quỷ Nhỏ
» Pippi Tất Dài
» Harry Potter Và Mật Lệnh Phượng Hoàng
» Thằng Người Gỗ
» Còn Chút Gì Để Nhớ
» Ngoài Song Mưa Bay
» Đảo Giấu Vàng
» Bong Bóng Lên Trời
» Harry Potter Và Hoàng Tử Lai
» Hoa Hồng Xứ Khác