Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Dài » Trăng Huyết ( Phần VIII ) Tác Giả: Anthony Grey, Nguyễn Ước    
    Sau cùng, mãi tới hai giờ sáng, máy điện thoại trong phòng Joseph mới chịu reo. Anh cầm ống nghe lên, nhận ra giọng của ông già người Hoa ở Chợ Lớn. Ông báo tin với giọng dửng dưng:
    - Đồng chí Trinh đã vào tới Sài Gòn cách đây bảy giờ, đi một mạch từ Hà Nội bằng xe Molotova. Đồng chí là thành viên của Đoàn Xâm nhập số 19, đang có mặt tại cầu Biên Hoà. Chúng tôi đã móc nối và bảo cho biết hãy chờ tại đó. Đoàn 19 hiện ẩn tại ống cống bê-tông cách đầu cầu phía nam một trăm thước. Ông sẽ tìm thấy đồng chí Trinh tại đó nếu ông đi ngay lúc này.
    Đầu đằng kia kêu clic và đường dây điện thoại tắt lịm, không thêm một nghi thức xã giao nào. Joseph chụp cánh tay người bảo vệ khách sạn, kéo anh ta chạy theo mình xuống cầu thang. Tới cửa, trả lời câu hỏi đi đâu của anh ta, Joseph nói thật nhanh:
    - Anh giúp tôi đi cứu cháu ngoại của tôi. Anh biết cầu Biên Hòa chứ?
    Anh ta lại toét miệng cười:
    - Chuyện nhỏ. Cách đây hai mươi tám cây số. Nó nằm trên Quốc Lộ Một cũ, phải đi ngả Bình Triệu. Lúc này, đường khó đi đấy.
    Dựa ngửa trên ghế trước của chiếc Pontiac, người gác khách sạn tỉnh bơ gác chân lên chân tấm kính chắn gió, tai như vễnh lên và hai mắt lấp lánh quan sát đường đi. Thỉnh thoảng anh ta rít một hơi thuốc lá và hình như chẳng chút để ý tới năm tờ một trăm Mỹ kim vừa được Joseph nhét vào túi trên áo vét của anh ta khi hai người chui vào xe. Lúc này, ngồi yên sau tay lái và dưới ánh sáng loang loáng chiếu ngược vào xe , Joseph mới để ý thấy anh ta khoảng ba mươi tuổi. Bắp thịt vai và cánh tay rắn chắc, săn vồng dưới tay áo vét trắng của nhân viên bảo vệ khách sạn. Tóc anh ta cắt ngắn trên chiếc đầu gần như hình vuông. Trên bộ mặt rám nắng, hai quai hàm anh ta thỉnh thoảng săn lại, hằn nét phong trần và quả quyết.
    Hai tiếng đồng hồ trước đó, đúng nửa đêm, tại sở chỉ huy ở Bến Cát, qua hệ thống truyền tin, tướng Văn Tiến Dũng, tư lệnh mặt trận của Cộng Sản, hạ mệnh lệnh tối hậu tấn công vào Sài Gòn: “Tất cả các binh đoàn thọc sâu tiến gấp, tiến thẳng vào các mục tiêu đã qui định!” Các lực lượng của ông nhận được lệnh truyền ấy và các khẩu đội pháo vừa từ vùng duyên hải kéo vào lập tức nã như mưa đạn 130 li lên bản doanh Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực VNCH tại Tân Sơn Nhứt.
    Tiếng gầm rú của cuộc pháo kích dồn dập ấy càng lúc càng làm Joseph ù tai khi anh lái chiếc Pontiac, theo lời dẫn đường của người bảo vệ khách sạn Continental, thận trọng lách qua những đoàn người tị nạn đang lũ lượt kéo vào các khu vực ngoại ô đông bắc Sài Gòn. Xe anh chạy theo đường Thị Nghè qua ngả Ba Hàng Xanh. Bên này cầu Bình Triệu, dọc theo bờ sông Sài Gòn, lính Nam Việt Nam bố trí thành một phòng tuyến cả ngàn người gồm các quân nhân gần như đủ loại binh chủng. Nhìn huy hiệu trên áo của họ, Joseph đoán đây có thể là các đơn vị từ Biên Hòa Long Khánh kéo về. Lính bộ binh đào các hố chiến đấu ở những chỗ đất khô. Lính Dù và Thủy quân Lục chiến chia thành từng tổ đằng sau các lùm dừa nước. Họ là những kẻ sau khi đã cùng đồng đội chiến đấu gan lì tại mặt trận Xuân Lộc rồi vì thế cô sức kiệt, phải rút về lập vòng đai quanh Sài Gòn để bảo vệ thủ đô. Họ đang kết hợp nhau ở cấp đại đội, nhiều chỗ chỉ là cấp trung đội, tiểu đội. Hoặc cá nhân đơn lẽ ôm súng tới xin nhập bọn. Các sĩ quan của họ tập họp lại và đặt dưới quyền chỉ huy của người có cấp bậc cao nhất và thâm niên nhất.
    Có thể họ đã biết giờ đây, hầu hết các tướng chỉ huy của họ đang bỏ rơi thuộc cấp, đào nhiệm chạy ra các tàu chiến thuộc Hạm đội Bảy của Mỹ đang buông neo ngoài khơi Vũng Tàu. Nhưng chưa nhận được lệnh buông súng của tổng tư lệnh là họ còn chiến đấu, có thể chỉ vì người bạn cùng đơn vị đang chiến đấu và vì bản thân không muốn làm người đầu hàng sau khi đã mang tiếng là người tháo chạy trước một đối phương suốt mười lăm năm qua chỉ biết chiến đấu lén lút. Từ sau năm 1968, với sự yễm trợ càng lúc càng sút giảm của Mỹ, họ đã chiến đấu dũng cảm và giữ vững Miền Nam. Thế rồi hai tháng nay, sự việc xảy ra như đất trời bỗng chốc đảo lộn. Trên bộ mặt cam chịu của họ chưa hết dấu vết bàng hoàng của sự sụp đổ quá nhanh. Nhưng trong con mắt họ phản ánh ý chí quyết chiến và sẵn sàng đem hết sinh mạng hiến cho trận đánh có thể là sau cùng này, bên người bạn thân nhất trong tiểu đội, như một cú đấm tối hậu lấy lại danh dự của một võ sĩ chẳng hiểu tại sao mình thất thế, sắp ngã gục trên đài cảm tử.
    Xe chạy ngang một đống lửa bên này đốc cầu Bình Triệu, Joseph bỗng nghe có tiếng hát. Khoảng một tiểu đội lính mặc quần áo rằn ri đứng quanh một người lính trẻ ôm cây đàn Guitar. Họ nhịp chân và tay vỗ đều theo tiếng hát của người ôm đàn. Trong trời đêm, giọng hát ồm ồm và đều theo nhịp quân hành của họ thật hồn nhiên khỏe khoắn, như âm thanh vang vang của một niềm tự hào và lời dặn dò nhau của các tráng sinh trong đêm lửa trại chia tay. Tiếng hát quyện với các lưỡi lửa bên bờ tử sinh nghe thật bi tráng và trông thật ấm áp. Joseph cảm thấy cay cay hai góc mắt. Người gác cửa khách sạn lẩm bẩm hát theo. Rồi quay sang ngó Joseph, anh ta khịt khịt mũi. Châm thêm một điếu thuốc, anh ta dụi mắt và cười khẻ:
    - Tôi là Biệt kích Dù bị thương trận An Lộc. Giờ này mà tụi nó còn hát cờ bay cờ bay oai hùng trên thành phố với ta như nước dâng dâng tràn. Hay thiệt! Chốc nữa về lại, ông thả tôi xuống đây để tôi chơi cú chót với tụi nó.
    Trong khi cho xe chạy qua khỏi cầu Bình Triệu và rẽ tay phải, theo đường Quốc Lộ Một cũ, sắp tới thị trấn Thủ Đức, thấy cây cối hai bên đường loang loáng dưới ánh đèn xe, Joseph nhớ lại đây chính là con đường nửa thế kỷ trước, cha anh, Chuck cùng với anh đã theo Jacques Devraux ra khỏi thành phố trong chuyến đi săn đầu tiên. Đây cũng là con đường ba mươi năm trước, anh cùng Lan đi phương bắc tìm Tuyết.
    Phía bắc sông Sài Gòn, cảnh tượng chiến tranh diễn ra khác hẳn với bờ nam. Con đường tắc nghẽn với những xe díp và xe GMC bị vất lại bởi các binh sĩ VNCH đang tìm cách tháo chạy thật lẹ về hướng Sài Gòn. Nhìn quân đội Miền Nam đang rút lui trong hỗn loạn, Joseph liếc người bảo vệ khách sạn và cay đắng tự hỏi, không biết khi cuộc chiến tranh này chấm dứt, người cựu binh đang ngồi bên cạnh anh cùng những người lính đang chạy kia và kể cả những bộ đội đang cầm súng rượt theo họ, sẽ nghĩ ra sao về bản thân cùng bản chất của cuộc chiến từng được đôi bên ném hoặc bị ném vào đó cả thể xác lẫn tuổi xuân và may mắn thấy mình sống sót. Đấu tranh cho giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Bảo vệ tự do dân chủ cho Miền Nam. Nội chiến hay ngoại xâm. Chiến tranh giữa Cộng Sản và tư bản, giữa đế quốc và giải phóng, giữa các khuynh hướng chính trị bản địa khác nhau. Đấu trường Chiến Tranh Lạnh cho các thế lực quốc tế vừa đối đầu vừa mặc cả với nhau, v.v...
    Tìm câu trả lời có lẽ là một công việc rất gian nan, rất dài ngày và sự thật ấy hẳn sẽ bị khuất lấp trong những tràng hô khẩu hiệu của kẻ chiến thắng hoặc chìm sâu dưới lớp lớp tủi hận của người chiến bại. Hình như mỗi người đều không tránh khỏi lý do cá nhân khi bị cưỡng bách hoặc tự nguyện tham gia cuộc chiến trên mặt trận chính trị hoặc quân sự. Câu trả lời mang tính tập thể có lẽ còn tùy thuộc chính sách xây dựng và tái thiết xứ sở của chế độ Việt Nam sắp tới. Joseph ngẫm nghĩ chừng nào người Việt chưa được sống trong bối cảnh tự do đối thoại thì vẫn chưa có lời giải thoả đáng cho vấn nạn đó. Như thế, họ sẽ khó có điều kiện nhìn vào sự thật, để từ đó, cùng nhau hóa giải mọi hệ lụy của hận thù, bình thản khép lại quá khứ và nắm tay nhau xây dựng tương lai.
    Tình trạng hoảng loạn và hoang mang ấy làm Joseph mất hơn nửa tiếng đồng hồ cho một quãng đường ngắn như thế. Kim đồng hồ chỉ hai giờ bốn mươi lăm phút sáng khi anh tắt đèn xe và rẽ ra khỏi đường quốc lộ cũ, cách phía nam cầu Biên Hòa khoảng bốn trăm thước. Lúc Joseph nghiêng người qua vói tay mở cửa bên kia xe, người bảo vệ khách sạn cau mặt tính toán. Kế đó, anh ta xếp mấy tờ giấy bạc ở túi áo trên cho vào túi quần sau và nói thật lẹ với Joseph:
    - Ông giữ áo vét trắng với áo sơ mi trắng dùm tôi, bằng không, xa cả cây số bọn chúng vẫn thấy ra tôi. Đưa tôi cái giẻ chùi máy xe tôi lau mặt.
    Mừng rơn vì gặp thứ thiệt, Joseph thở phào:
    - Có anh tôi yên chí. Cứ cởi ra đưa tôi.
    Anh giúp người bảo vệ tuột hết hai lớp áo rồi một tay đặt lên bắp thịt vai u lên một cục của anh ta, một tay chỉ chỗ mặt nước phản chiếu bầu trời:
    - Ống cống bê tông đó nằm cách đầu cầu mé bên này chừng một trăm thước! Gọi nho nhỏ tên cô ta thôi, rằng “Đồng chí Triệu Hồng Trinh” — Lẹ lên!
    Người Việt Nam thì thầm lặp lại hai lần câu gọi tên ấy với giọng rõ từng tiếng rồi cúi xuống thật thấp. Anh ta khom người như ngồi buông thỏng hai cánh tay gân guốc xuống đất và lủi rất lẹ vào bóng đêm.
    Nhìn qua kính chắn gió, Joseph thấy bên kia cầu, cách chưa tới hai ba cây số, một đoàn dài dằng dặc xe tăng và xe tải của quân Bắc Việt đang chửng chạc tiến vào, đèn xe bật sáng trưng. Trong lúc quan sát đoàn tiền phương ấy tiến tới càng lúc càng gần mình hơn, Joseph bỗng giật thót thắt ruột khi chợt nghĩ rằng biết đâu người bảo vệ khách sạn kia nếu thấy lộ sẽ không dám quay lui vì sợ bị bắt chung với người Mỹ. Anh ta chỉ việc biến mình trong bóng tối rồi co giò chạy ngược về Thủ Đức hoặc bơi thẳng qua bên kia sông! Anh ta là Biệt kích mà! Tại sao mình không bắt anh ta hứa dù gì đi nữa cũng phải quay lại báo cho mình tính! Mình thật khùng hết biết!
    Suốt mười lăm phút Joseph ngồi nhấp nhỏm đằng sau tay lái, không dám xuống xe. Anh biết chắc chắn rằng nếu một người Mỹ ló mình ra quá gần một toán Cộng Sản xâm nhập, ở ngay khu vực mặt trận, thế nào cũng bị bắt. Nhưng anh nghĩ nếu người gác cửa kia không xuất hiện trở lại, mình chỉ còn cách duy nhất là liều mạng xuống xe thôi, và phải thử thêm lần nữa, đích thân đi tới ống cống tìm cho ra Trinh.
    Cứ cách vài giây Joseph lại ngó đồng hồ. Đã mấy phút trôi qua với tiếng tích tắc đánh nhịp thật chậm. Rồi khi anh mở cửa xe phía bên tài xế, leo xuống xe và dợm chân bắt đầu lủi tới ống cống thì từ trong bóng tối kế bên anh âm thầm trồi ra hai bóng đen.
    Có tiếng động như hai gót giày đập vào nhau, rồi giọng người bảo vệ khách sạn Contiental nói nhỏ, tỉnh queo:
    - Monsieur American, đồng chí Trinh của ông đây.
    Sướng tê người, Joseph vỗ vai người cựu binh Biệt kích và đẩy anh ta vào ghế sau của xe Pontiac. Rồi anh dẫn bóng đen kia đi quành đầu xe để lên ghế trước bên cạnh tài xế. Khi anh mở cửa xe, Trinh quay mặt đối diện anh. Dưới ánh lửa đỏ rực của những đám cháy trong thành phố bên kia sông hắt sang, Joseph thấy vẻ mặt Trinh căng thẳng nhưng vẫn trầm tĩnh. Nó mặc bộ bà ba đen đầy bụi của một người nhà quê nhưng đeo chiếc mũ tai bèo lật ngược ra sau gáy và tóc rũ lòa xoà trên má. Tim anh tròng trành khi thấy Trinh đã lớn thật nhiều, thành một thiếu nữ mười bảy tuổi. Trinh tròn xoe mắt nhìn lại anh với vẻ mặt e ngại và rụt rè. Nhưng trên khuôn mặt nó rõ ràng có sự kết hợp các dấu tích nhan sắc tuyệt vời của Lan và sức mạnh ngoan cường của Tuyết.
    Joseph cố nén lòng khát khao mãnh liệt được dang rộng hai tay ôm cháu vào lòng. Và thay cho cử chỉ đó, anh dịu dàng nói bằng tiếng Việt:
    - Trinh ạ, ông rất sung sướng là đã tìm ra cháu kịp thời.
    Trong một thoáng, Trinh lo lắng nhìn ông ngoại rồi hướng ánh mắt về phía có đoàn xe tăng Bắc Việt đang tiến tới:
    - Cháu cũng mừng lắm — nhưng chúng ta cần lẹ lên, phải không?
    Joseph mỉm cười, ra hiệu cho Trinh vào xe:
    - Cháu chớ lo. Mọi sự sẽ ổn thoả hết.
    Anh chạy vòng qua cửa tài xế và lại chuồi mình vào đằng sau tay lái, lẹ làng trở đầu xe, nhắm hướng thành phố. Joseph phải bóp không ngớt còi xe Pontiac để len lỏi qua các đám dân chúng và binh sĩ đang chạy. Tới khi xe chạy đều, anh đưa cườm tay lên sát mặt mình. Qua ánh lửa đỏ rực từ các đám cháy hắt vào xe làm lấp lánh mặt đồng hồ đeo tay, anh thấy kim chỉ quá ba giờ sáng một chút:
    - Vẫn còn đủ thì giờ tới Toà Đại sứ của ông. Ở đó, hai ông cháu mình sẽ tìm được một chuyến trực thăng chở chúng ta ra khỏi Việt Nam.
    Trong khi lái xe, Joseph có cảm giác cánh tay mặt lay động nhè nhẹ. Quay qua nhìn, anh thấy đầu ngón tay của Trinh đang chạm vào tay áo anh. Trong mắt nó ánh lên tia nhìn kinh ngạc, và với một nụ cười hơi có vẻ e thẹn, Trinh rụt tay lại khi thấy ông ngoại ngó mình. Khi xe đổ dốc cầu Bình Triệu, sắp ngưng bánh để thả anh cựu binh Biệt kích Dù xuống, Trinh từ từ lột chiếc mũ tai bèo, thả ra ngoài cửa xe.
    
    Vào lúc đó, bên trong Toà Đại Sứ Hoa Kỳ bên Đại lộ Thống Nhất, viên đại sứ Mỹ cuối cùng tại Sài Gòn đang xếp quốc kỳ Mỹ và đút lá cờ vào túi plastic để mang theo mình ra Hạm đội Bảy. Với nét mặt tái xanh và ủ dột, hậu quả của một cơn sưng phổi làm suy kiệt sức khoẻ, ông thấp thỏm quan sát những chiếc trực thăng khổng lồ CH-53 tiếp tục đáp xuống khuôn viên Toà Đại Sứ để bốc đi từng nhóm người di tản.
    Lúc này, các phi công mắt đỏ au phờ phạc trong khi năm sáu trăm người Việt đang đứng chờ dường như đã cảm thấy rằng cuộc không vận đang tới hồi kết thúc. Từ bệ cao nhỏ hơn trên nóc toà nhà sứ quán, các trực thăng CH-47 đang di tản nhân viên Toà Đại Sứ, khoảng một ngàn người tính cả thân nhân của họ. Tới ba giờ mười lăm sáng, số người còn lại không bao nhiêu, kể cả những kẻ đang đứng loanh quanh thành từng nhóm nhỏ ở một tầng lầu bên trong sứ quán. Đứng đó với lòng phân vân và sửng sờ họ chứng kiến sự bại trận cùng nỗi nhục nhã tối hậu của quốc gia mình và đồng minh Á Đông của nó.
    Cùng có mặt trong số những người ấy có Naomi Boyce-Lewis. Và gần như nàng không bao giờ rời khỏi chỗ đứng sát khung cửa sổ. Naomi liên tục xem xét kỹ từng li từng tí các con đường bên ngoài, trông ngóng một dấu hiệu nào đó của Joseph. Nhưng khi tới lượt mình ra đi, nàng bị người ta ấn cho bằng được vào nhóm người đang sắp hàng dọc trước cầu thang xoắn ốc bên trong.
    Naomi cố lùi lại trong khi các nhân viên ngoại giao đứng chung quanh rỉ tai nhau rằng tại Washington, tổng thống Ford càng lúc càng mất kiên nhẫn trước sự miễn cưỡng của ông đại sứ trong việc kết thúc thật nhanh “Chiến dịch Ngọn Gió Thường Xuyên.” Họ bảo rằng các thiết bị truyền tin tối mật của Toà Đại Sứ đã bị phá hủy; các điệp văn cuối cùng đã được gởi đi Washington. Tuyến truyền tin qua trực thăng với các chỉ huy trưởng tại Hạm đội Bảy là kênh liên lạc duy nhất còn được duy trì giữa Sài Gòn và Washington. Họ còn nói người ta đang chờ mệnh lệnh từ Tòa Bạch Ốc có thể tới bất cứ lúc nào để lập tức ngưng cuộc không vận ngay sau khi ông đại sứ Hoa Kỳ, nhà ngoại giao sau cùng ấy lên máy bay. Sau đó, không chắc người nào còn có thể ra đi.
    Naomi đưa mắt nhìn ra ngoài cửa sổ lần cuối rồi miễn cưỡng bước lên cầu thang xoắn ốc theo sau những người Mỹ khác đang chờ. Khi nàng bước ra ngoài, đặt chân lên sân thượng trên nóc toà nhà sứ quán, trời đã gần bốn giờ sáng. Một chiếc trực thăng CH-47 vừa đáp xuống bệ với nhiệm vụ bốc Naomi và hai mươi bốn người khác ra tàu Blue Ridge của Hải quân Mỹ, soái hạm của hạm đội đảm trách việc di tản. Vì thời gian quí báu và hiếm hoi, người ta không tắt máy và cánh quạt tiếp tục quay tít trong khi lính TQLC thúc nhóm hành khách thứ nhất bước vào máy bay.
    Naomi bỗng thấy từ trên nóc toà nhà sứ quán sáu tầng lầu này, nàng có thể nhận ra xe tăng của quân Bắc Việt như những dòng sông đang tuôn theo hai quốc lộ chính, chảy thẳng về Sài Gòn với đèn xe rực sáng. Và tim nàng chùng lại. Rồi khoảnh khắc kế đó, Naomi hạ ánh mắt nhìn xuống con đường bên ngoài vòng tường Toà Đại Sứ và chợt thấy chiếc Pontiac của Joseph đang dí mũi chen qua đám đông để tới chiếc cổng bên hông.
    Xe di chuyển chậm rì. Những người Việt tuyệt vọng điên cuồng bu quanh xe. Có lẽ họ cố tưởng tượng rằng dù sao đi nữa đây vẫn có thể là cơ hội cứu vớt sau chót. Thấy vậy, Naomi bước sang một bên để cho các nhân viên ngoại giao khác lên máy bay trước mình. Nàng đưa tay lên che miệng khi thấy có hơn chục thanh niên trườn lên mui chiếc Pontiac với hi vọng khi xe tới gần cổng, họ có thể từ mui xe phóng mình lên đầu cổng. Một số khác đập vỡ cửa sổ xe. Và dần dần đám đông dày đặc vây kín mít làm xe khựng lại.
    Dân chúng nổi cơn thịnh nộ, bắt đầu đẩy cho xe lắc qua lắc lại. Và Naomi thét lên nho nhỏ khi chiếc xe chầm chậm lật qua một bên. Đàn ông và thiếu niên đá vào xe, đập tan kính chắn gió và cửa hai bên hông xe. Chính lúc ấy, lần đầu tiên Naomi thấy bộ mặt kinh hoàng của Trinh khi nó vùng vẫy để đẩy bật cửa xe lúc này đã thình lình nằm ngay trên đầu nó.
    Tiếng gào thét của đám đông dội vào lòng xe nghe điếc tai nhức óc. Chiếc xe lật nghiêng làm Joseph rớt xuống dưới đáy. Anh lúng túng rút chân ra khỏi tay lái và cần lái đồng thời cố trấn an cháu. Khi Trinh bắt đầu rán hết sức để leo ra ngoài xe, anh túm cánh tay nó, làm hiệu cho nó chờ. Rồi anh rút cuốn sổ thông hành từ túi bên trong áo vét của mình ra, ấn vào tay Trinh và thét lớn:
    - Nếu bị tách rời nhau thì đưa cái này cho lính Mỹ gác trên đầu tường. Họ sẽ cho cháu vào.
    Gay cấn gật đầu, Trinh leo ra khỏi chiếc xe móp méo, tay nắm chặt sổ thông hành. Đám đông bắt đầu tràn tới dạt lui như sóng đánh. Gần như lập tức, Trinh bị hất ra xa, đẩy tới tận chân tường Đai sứ quán, cách Joseph một quãng. Từ đám đông nổ vang một loạt súng bắn thẳng lên chiếc trực thăng vừa đáp xuống nóc toà nhà sứ quán. Tiếng súng ấy kéo theo tiếng người ta hoan hô reo hò như điên. Kế đó, thình lình có tiếng khạc nặng nề của một khẩu đại liên khai hỏa từ một nóc nhà ở mé bên kia đường Thống Nhất, dội ầm ầm, nổi bật lên trên tiếng la hét của đám đông. Rồi năm sáu người nam có nữ có trúng đặn ngã lăn xuống đất.
    Khi Joseph trồi được người ra khỏi chiếc Pontiac, khắp chung quanh anh rộ lên tiếng la lớn “Việt Cộng! Việt Cộng!”. Đồng thời đám đông hè nhau ào lên bờ tường như thể đã có dự tính trước. Các TQLC Mỹ đứng sát vai nhau trên đầu tường, mặc áo giáp và đội mũ sắt, thọc lưỡi lê xuống và dậm mạnh đôi giày trận nặng nề lên những bàn tay nào cố bấu lấy đầu tường. Đám đông dội lộn ngược, rớt xuống, thét lên đau đớn. Chiếc trực thăng Cobra lượn lờ bên trên thình lình nhào xuống như chim ưng. Trong vài giây, nó khai hoả vào ổ súng đại liên tình nghi là của Cộng Sản trên nóc nhà đối diện. Tiếng gầm của những khẩu súng nhiều nòng trên trực thăng át hẳn mọi tiếng động bên dưới.
    Trong đám đông đen kịt ấy, Joseph tuyệt vọng ngóng cổ lên cố tìm cho ra chỗ của Trinh nhưng anh không thể nào thấy được nó. Rồi nghe xa xa có tiếng thét lớn tên mình, anh ngó lên, thấy Naomi cuống cuồng ra hiệu từ trên nóc toà nhà sứ quán. Nàng chỉ dọc bờ tường. Theo hướng cánh tay của vợ, Joseph thấy Trinh đang bám người trườn lên một cột đèn sát hàng rào mắt cáo, trong khi ngay phía bên trên nó đã có hai thanh niên khác.
    Joseph huých vai lấn qua đám đông và bắt đầu trèo lên cột đèn ấy. Mới trèo lên được một nửa, anh cảm thấy ngộp thở và dừng lại. Trong khi lấy hơi thở, anh thấy một lính TQLC Mỹ xuất hiện trên đầu mình. Anh ta tàn bạo dộng báng súng M-16 vào hai thanh niên Việt Nam đằng trên Trinh để mở đường cho Joseph. Cả hai thét lên, rơi ngược trở lại, kéo theo Trinh cùng ngã lăn xuống đất. Nhưng Trinh đứng bật dậy, òa khóc, đưa cả hai tay kêu cứu về phía Joseph:
    - “Ông ngoại! Ông ngoại!”
    Trong tuyệt vọng Trinh gọi lớn hai tiếng chan chứa tình thương nó từng gọi Joseph bảy năm trước trong con đò tam bản trên sông Hương:
    - Ông ngoại ơi! Cứu cháu với!
    Người lính TQLC mấy lần la lớn, hét Joseph cứ trèo lên một mình nhưng anh làm như thể không nghe. Chân anh kẹp cứng cột đèn, nhoài người ra bên trên đám đông, đưa hai tay về phía Trinh. Nó rướn người cố vói cho tới tay ông ngoại nhưng đám đông trong cơn điên cuồng kinh hãi hoang dại lại vây kín Trinh và nó bị đẩy dạt ra xa. Chiếc Cobra võ trang không làm câm họng nổi khẩu đại liên của Việt Cộng nên bắt đầu thả trái sáng để xác định vị trí ổ súng. Dưới ánh sáng hoả châu ma quái, Joseph thấy Trinh đang cố vùng vẫy để rướn người tới.
    Cảm thấy sinh lực trong người mình tới hồi cạn kiệt, Joseph quyết định không mạo hiểm nhào trở lại cuộc hỗn đấu. Thay vào đó, anh réo đi réo lại thật lớn tên Trinh và vẫy tay về hướng nó. Khi Trinh thấy anh, nó bắt đầu lấn đường về hướng cột đèn lần nữa. Nhưng nó chưa tới được cột đèn, bỗng xuất hiện một đốm màu đen bay bên trên đầu đám đông, theo hình vòng cung. Quả lựu đạn nổ tung và ánh chớp của nó làm Joseph lòa mắt trong mấy giây. Tới khi mắt sáng trở lại, anh thấy Trinh nằm bất động giữa một đám các thân thể khác vừa gục xuống trên vĩa hè.
    
    Từ sân thượng trên nóc sứ quán, Naomi không thấy rõ biến cố vừa xảy ra bên ngoài vòng tường. Nhưng qua tư thế khòm lưng và cứng đờ của Joseph khi anh đeo lủng lẳng trên cột đèn, nàng cảm thấy có điều gì đó không ổn. Ngay lúc ấy, một lính Mỹ quát lớn, túm vai Naomi và đẩy mạnh nàng về phía cửa trực thăng mở sẵn đang chờ bốc lên. Naomi cố vùng vẫy, hét lớn bảo anh ta buông nàng ra. Nhưng lời nói của nàng đứt quãng và lạc mất trong tiếng phần phật của cánh quạt trực thăng đang quay tít. Cuối cùng, anh lính TQLC nhấc bổng người Naomi lên, thẩy nàng vô lòng máy bay với các hành khách khác cho yên chuyện. Xong, anh ta đóng rầm cửa lại. Khi chiếc trực thăng lượn vòng trên không, Naomi thấy Joseph buông tay khỏi cột đèn và chuồi người trở lại đám đông. Nàng nhắm mắt, úp mặt vào giữa hai lòng bàn tay.
    
    Lúc Joseph tới sát bên Trinh, nó nằm không nhúc nhích. Hai mắt nhắm nghiền nhưng trên mặt và thân thể không có dấu vết bị thương. Với tiếng hỗn loạn càng lúc càng tăng do cuộc pháo kích của Cộng Sản tràn ngập trong tai mình, Joseph quì xuống bồng Trinh lên. Gom hết hơi sức tàn tạ, anh loạng choạng đi trở lại chân tường thành.
    Tiếng nổ của quả lựu đạn đã làm đám đông dạt ra. Joseph ra hiệu cho viên trung sĩ TQLC trên đầu cổng kéo Trinh lên dùm anh. Viên trung sĩ cúi xuống và chỉ bằng một cánh tay, anh ta kéo mạnh Trinh lên trên đầu cổng rồi chuyền nó cho đồng đội đang chờ kế bên. Kế đó, anh ta leo xuống giúp Joseph đu người lên.
    Trinh vẫn hôn mê khi Joseph nhận lại nó từ tay người lính TQLC. Anh bồng cháu loạng choạng đi trong khuôn viên Toà Đại Sứ đầy bóng tối tới chỗ máy bay đáp trên bãi cỏ. Tại đó, anh phải thuyết phục viên đại tá giám sát cuộc di tản để anh với Trinh được lên chuyến máy bay Stallion Sea Sikorsky cuối cùng, chen chúc với bảy tám chục người Việt khác vừa được lùa vào lòng máy bay với vẻ kinh hoàng còn nguyên trên mặt.
    Joseph ngồi lom khom trên sàn, giữ cho đầu Trinh kê trên lồng ngực mình. Khi chiếc trực thăng bốc lên, chầm chậm ra khỏi vùng ánh sáng của khu vực Toà Đại Sứ, Trinh mở mắt kinh hãi nhìn quanh và chỉ thấy đen kịt mặt mày con người ta. Joseph cúi xuống thật sát bên tai cháu và nói:
    - Trinh ạ, cháu đừng lo. Ông cháu mình an toàn rồi — mọi sự sẽ ổn thoả hết.
    

Kết Thúc (END)
Trăng Huyết ( Phần VIII )
  » Xem Tập 1
  » Xem Tập 2
  » Xem Tập 3
  » Xem Tập 4
  » Xem Tập 5
  » Xem Tập 6
  » Xem Tập 7
  » Xem Tập 8
  » Xem Tập 9
  » Xem Tập 10
  » Đang Xem Tập 11
 
Những Truyện Dài Khác
» Liêu Trai Chí Dị
» Pie Đệ Nhất
» Thiên Thần Và Ác Quỷ
» Tuyết Bỏng
» Cuộc Đời Của Pi ( Phần II )
» Mao: The Unknown Story
» Con Lừa Và Tôi
» Trái Tim Không Cần Lý Lẽ
» Tình Ca Giáo Viên Miền Núi
» Cuốn Sổ Lớn
» Chuyện Tình New York
» Những Kẻ Điên Rồ Phải Chết
» Đau Thương Đến Chết ( Phần I )
» Hai Chị Em
» Giữa Cơn Gió Lốc
» Chỉ Một Lần Yêu
» Đi Qua Hoa Cúc
» Tình Trên Đỉnh Sầu