Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Dài » OSS Và Hồ Chí Minh Tác Giả: Dixee R. Bartholomew-Feis    
Tiến về Hà Nội

    Mặc dù đã được Davis truyền đạt tại Bách Sắc là "Hãy bám trụ cho tới khi nhận thêm mệnh lệnh", nhưng vào ngày 16 tháng 8, Đội Nai và Lực lượng Mỹ - Việt rời Tân Trào sau một "cuộc tiễn đưa trước các Đại biểu Quốc hội". Cả Thomas và Võ Nguyên Giáp đều nóng lòng lên đường về Thái Nguyên.
    Võ Nguyên Giáp nhớ đến tình trạng náo động tràn ngập những ngôi làng khi tin tức về sự đầu hàng của Nhật được loan báo. "Tôi nhận lệnh chuẩn bị chiến đấu từ uỷ Ban Trung ương", ông giải thích. Ngày 16 tháng 8, cùng Quân Giải phóng tôi rời Tân Trào để tấn công quân Nhật tại Thái Nguyên, thị xã đầu tiên được giải phóng khỏi sự chiếm đóng của quân thù trên đường chúng tôi tiến về Hà Nội". Ban đầu Võ Nguyên Giáp và Thomas chỉ huy các chiến sĩ trong thành phần một đơn vị vượt qua địa hình khó khăn giữa khu vực huấn luyện và đích đến. Tuy nhiên, sáng 17 tháng 8 và lần nữa vào ngày 18 tháng 8, đội quân chia ra thành hai nhóm cùng Võ Nguyên Giáp, Thomas và một trung đội Việt Minh đi một đường và Défourneaux cùng những người còn lại - cả Mỹ lẫn Việt (do Đàm Quang Trung chỉ huy) - đi đường khác thẳng hơn tới Thái Nguyên. Mặc dù hai nhóm nhập lại vào cuối mỗi ngày, nhưng quyết định của Thomas không đi cùng quân của mình mà đi cùng Võ Nguyên Giáp càng làm tăng thêm thái độ chống đối của một vài thành viên trong Đội Nai.
    Chuyến đi bốn ngày tới Thái Nguyên thật khó khăn; cả hai đội quân của Thomas và Défourneaux phải băng qua những con đường núi dốc đứng và lội qua những dòng nước lũ, thường xuyên đi trong bùn lầy và mưa. Tuy nhiên, hàng đêm họ được lo cho chỗ ngủ khô ráo, sạch sẽ và bữa ăn nóng sốt.
    Défourneaux nhớ là dọc theo đường đi, những người Mỹ được nhiều dân làng tò mò chào đón, vài người trong số dân làng còn cho họ bia và hoa quả. Mặc dù tuyến đường của Thomas cũng vất vả, cựu chiến binh Việt Minh Nguyễn Chính hồi tưởng lại những cuộc trò chuyện vui vẻ bằng tiếng Pháp "như chỗ bạn bè" với Thomas, về nụ cười của viên thiếu tá và câu trả lời "không vấn đề gì" khi anh chịu đựng những cơn mưa rào và khi lôi ra những con vắt xanh lè. Kinh nghiệm của Thomas khác một chút so với những người còn lại của Đội Nai, có lẽ vì lộ trình xen kẽ của anh. Chẳng những nhận được đồ tiếp tế từ những người nông dân, anh còn được chào đón bằng những nụ cười hân hoan, những tràng vỗ tay và tiếng hò reo "Hoan hô! Hoan hô!". Nhiều cán bộ địa phương đến chào mừng Thomas. Và Thomas theo tường trình đã đáp lại:
    Đây và lần đầu tiên chúng tôi đến đất nước của các bạn, nhưng đến lúc này chúng tôi có rất nhiều tình cảm và ận tượng tốt đẹp về vẻ đẹp của cảnh vật và con người của vùng đất này. Tôi hy vọng là sau này chúng tôi sẽ có nhiều cơ hội hơn để đi thăm đất nước các bạn, Việt Nam, và đó hẳn là một niềm vui lớn. Nhưng bây giờ, cả các bạn và chúng tôi phải thực hiện nhiệm vụ chung trong cuộc chiến chống Nhật và chúng ta hãy cùng hợp tác để hoàn thành nhiệm vụ và chúng tôi hy vọng mối quan hệ hữu nghị Việt - Mỹ sẽ tồn tại lâu dài.
    Ngoài sự chào đón của người dân, Thomas còn nhớ đã nhìn thấy cờ Việt Minh trong những ngôi làng mà anh đi qua.
    Anh kết luận rằng đây là một biểu hiện rõ ràng về sức mạnh của Việt Minh tại khu vực đó. Những lá cờ đó không chỉ vừa xuất hiện", Thomas suy luận. "Chúng phải được làm từ trước và cất giấu đi". Điều này dĩ nhiên là đúng. Dân làng đã được chuẩn bị rất tốt để đón những người Mỹ. "Một số cán bộ của chúng tôi đã nói chuyện với nhân dân", Trần Trọng Trung nói. "Nhiệm vụ của người dân địa phương là giữ bí mật và tổ chức các hoạt động an ninh, duy trì canh gác trong toàn bộ khu vực và tỏ ra thân thiện với người Mỹ".
    Thomas bị ấn tượng bởi sự đón tiếp nồng ấm mà anh và Việt Minh đã nhận được trong chuyến đi. Cũng chính trong chuyến đi vất vả khó khăn tới Thái Nguyên này mà Thomas đã hiểu thêm về Võ Nguyên Giáp:
    Chuyến đi bộ xuyên qua những vùng đồi núi là khoảng thời gian tôi gần gũi nhất với Võ Nguyên Giáp. Lúc đó tôi khoảng ba mươi tuổi, và ông có lẽ chỉ lớn hơn tôi ba tuổi. Có lúc ông kể cho tôi nghe rằng vợ và chị vợ của ông đã chết trong nhà tù của Pháp. Ông có tình cảm chống Pháp rất mạnh. Ông là người mạnh mẽ, không nghi ngờ gì nữa. Người Pháp gọi ông là núi lửa bị tuyết bao phủ. Ông luôn biết kiềm chế bản thân, và rõ ràng là rất thông minh và có giáo dục. Quân lính của ông tôn thờ ông. Tôi rất mến ông.
    Khi tình bạn giữa Thomas với Võ Nguyên Giáp phát triển, quan hệ của anh với Đội Nai lại càng xấu hơn. Sự thiếu quan tâm rõ ràng của Thomas đối với cấp lãnh đạo tại tổng hành dinh càng làm cho các thành viên Đội Nai khó chịu. Ngày 19 tháng 8, sau gần hai ngày không liên lạc điện đài với Bách Sắc vì trời mưa, Thomas nhận được một loạt bức điện gửi từ ngày 16, 17 và 18 tháng 8 ra lệnh cho anh không được chấp nhận bất cứ sự đầu hàng nào của Nhật trong khu vực, hoãn lại chuyến đi vất vả tới Hà Nội cho đến khi có lệnh, giữ lại tất cả các trang thiết bị, để những người Mỹ đi riêng và chỉ cho phép những người Việt dẫn đường được đi cùng. Ngoài ra, Davis ra lệnh cho Thomas phải có "biên nhận chính xác" trang thiết bị đã phát trong suốt khoá huấn luyện. Ngày 18 tháng 8 Thomas được tham vấn là Đội Nai cũng như Đội Mèo nên tiến về Hà Nội với trang thiết bị của OSS, sau đó chúng sẽ được xe tải đưa trở lại một căn cứ của Mỹ tại Trung Quốc. Còn trang thiết bị hai đội không thể mang theo sẽ "được đi tản bằng đường hàng không" khi có thể.
    Sáng 19 tháng 8, Thomas không tuân theo ba trong bốn mệnh lệnh đầu tiên: anh vẫn tiếp tục tiến về Hà Nội cùng một đội quân lớn của Việt Minh. Trước đó, ngày 15 tháng 8, sau khi nghe tin về sự đầu hàng của Nhật, Thomas đã chuyển giao phần lớn vũ khí của Mỹ được sử dụng trong khoá huấn luyện cho Lực lượng Việt - Mỹ. Điều khiến tình hình thậm chí trở nên xấu hơn là trước các đội viên Thomas tỏ ra không quan tâm đến việc anh không chấp hành mệnh lệnh của Bách Sắc.
    Trong báo cáo về nhiệm vụ của Đội Nai, Thomas thú nhận là lệnh cấm chấp thuận bất cứ sự đầu hàng nào của Nhật "cực kỳ đáng thất vọng" đối với anh, "vì tất cả chúng tôi đều cảm nhận rằng chúng tôi đã mạo hiểm cuộc sống của mình khi đến đây và bây giờ khi đã gần đến đích thì chúng tôi lại không được phép tham gia vào bữa tiệc thịnh soạn này.
    Các thành viên Đội Nai cũng băn khoăn là Thomas sau khi quyết định giúp Việt Minh nắm quyền kiểm soát thị xã Thái Nguyên, dường như quan tâm đến lợi ích của Việt Minh nhiều hơn là quyền lợi của chính đồng đội mình. Khi Đội Nai xuất phát từ trại quân ngoài trời vào ngày 19 tháng 8, Défourneaux không thể không để ý đến "lá cờ đỏ lớn dẫn đầu", ngoài ra, Défourneaux cũng rất bực tức vì thiếu tá Thomas "vẫn phụ trách du kích quân", nhưng anh thậm chí còn giận dữ hơn khi thấy Võ Nguyên Giáp "dường như có toàn quyền điều khiển cả vị chỉ huy của chúng tôi".
    Défourneaux đã ghi lại những ấn tượng của mình trong nhật ký ngày 19 tháng 8:
    Ông ta mặc kệ tất cả chúng tôi. Ông ta không thèm nói với tôi lời nào, chỉ luôn cặp kè với ông Văn (Võ Nguyên Giáp). Ông ta yêu cầu tôi chấp thuận chỉ sau khi đã quyết định làm việc gì đó. Ông ta kéo tôi sang một bên để giải thích cho tôi tình hình, thường là sai vì ông ta không hiểu tiếng Pháp. Ông ta cố tình không tuân mệnh lệnh và khiến đội của ông ta thắc mắc (nguyên văn) về phần mình liệu ông ta có (không) quan tâm tới điều gì. Tôi ở cùng nhưng người lính và không thể không nghe những cuộc nói chuyện của họ. Họ ghét ông ta, chính cá nhân tôi mỗi lúc một ghét ông ta hơn. Tôi cảm thấy mình chỉ là một tay mơ, chẳng giống một sĩ quan chút nào.
    Khoảng bảy giờ tối 19 tháng 8, Đội Nai dừng lại nghỉ đêm. Không nghỉ được, Thomas đã rời trại vào lúc bảy giờ rưỡi và "nhập" cùng các lãnh đạo Việt Minh "để xem họ sẽ quyết định gì". Défourneaux và những người khác chăm chú lắng nghe cuộc tranh luận của viên thiếu tá với Việt Minh với sự lo âu ngày càng tăng. Défourneaux ghi lại những điều đã nghe thấy trong nhật ký của đội. Thomas đang, anh viết, "tổ chức cuộc tấn công vào Thái Nguyên". Ông ta "trao các trang thiết bị của đội", gồm "bộ đàm và ống nhòm" cho Việt Minh. Tôi nghe thấy ông ta ra lệnh cho các chỉ huy trung đội dự kiến lãnh đạo cuộc tấn công", Défourneaux viết. "Mọi người và cả tôi không thể ngủ và thư giãn nổi".
    Cựu chiến binh Việt Minh Nguyễn Chính cũng cảm thấy Thomas đóng một vai trò quan trọng trong việc tổ chức tấn công. "Kế hoạch sẵn sàng hành động được tạo ra bởi những người bạn Mỹ", Chính phát biểu, "đặc biệt là bản thân ngài Thomas". Nhật ký của Thomas không thể hiện rõ ràng sự tham gia của anh trong việc vạch kế hoạch, mặc dù anh nói rõ trong báo cáo chính thức rằng một phần lý do rời Tân Trào tới Thái Nguyên là để "xem xét những gì có thể làm được trong chiến đấu". Thomas cũng nói đến kế hoạch cho ngày hôm sau: "Kế hoạch là để một đội đến Dinh Thống đốc và buộc lính bảo vệ địa phương phải đầu hàng, người Mỹ sẽ tới nhà an toàn(1), và những binh sĩ còn lại sẽ bao vây các đồn Nhật".
    Sáng sớm ngày 20 tháng 8, Đội Nai lại tiếp tục xuất phát. Tất cả người Mỹ, ngoại trừ Thomas, đi cùng ba mươi du kích Việt Minh, và như đã trở thành hình mẫu, lá cờ đỏ sao vàng lớn của Việt Minh vẫn dẫn đường. Đó là chuyến đi tương đối ngắn và dễ dàng - cuộc hành quân tới Thái Nguyên mất chỉ một tiếng đồng hồ - nhưng tất cả vừa thấy khó hiểu vừa không vui về quyết định ra đi sớm như vậy. Thành viên Đội Nai, Henry Prunier, nhớ lại là mặc dù chiến tranh đã kết thúc, nhưng "chúng tôi đi bộ tới Thái Nguyên vào lúc bốn giờ sáng như thể vẫn còn đang có chiến sự". Khi đến nơi, những người Mỹ đã rất ngạc nhiên khi thấy ánh đèn điện đường chiếu sáng trong một thị xã ở Việt Nam, họ cảm thấy bớt căng thẳng hơn và nhanh chóng được đưa tới "ngôi nhà an toàn", nơi họ thu xếp ngủ đẫy giấc như vẫn hằng ao ước.
    Thomas và Võ Nguyên Giáp xuất hành muộn hơn một tiếng so với Đội Nai và đến Thái Nguyên vào khoảng năm giờ sáng. Nơi họ dừng chân đầu tiên là toà thị chính thành phố.
    Theo đúng quyết định chính sách của Đảng ngày 12 tháng 8 năm 1945, Võ Nguyên Giáp đã gửi một tối hậu thư yêu cầu đầu hàng tới quân Nhật. Nhưng Nguyễn Chính nhớ là đã đánh máy và gửi đi hai bức tối hậu thư vào ngày hôm đó: một bức của Võ Nguyên Giáp và một bức bằng tiếng Anh do Thomas ký. Những văn kiện này chắc chắn có ít tác dụng trong việc thuyết phục quân Nhật vốn đã ém quân rất kỹ giao nộp vũ khí cho Việt Minh. Tối hậu thư cho tất cả những thời điểm như vậy nhìn chung có nội dung như sau:
    Hỡi các sĩ quan và bính lính Nhật.
    Chính phủ Nhật đã đầu hàng Đồng Minh. Quân đội Nhật đang dần dần bí tước vũ khí ở tất cả các mặt trận. Trước khi quân Đồng Minh tiến đến Đông Dương, hãy giao nộp vũ khí cho Việt Minh và Quân đội Giải phóng Việt Nam. Bằng việc làm đó, các bạn sẽ không chí bảo vệ được mạng sống của mình mà còn góp phần vào sự nghiệp giải phóng của nhân dân Việt Nam. Thời khắc cuối cùng quyết định số phận của các bạn đã đến! Không nên do dự.
    Cuộc đầu hàng, dĩ nhiên, không hề đơn giản. Quân Nhật "đang ở trong vị trí phòng thủ cũ theo chuẩn mực của Pháp", Thomas nhớ lại, "và họ không định đầu hàng ngay lúc đó".
    "Lời kêu gọi Khởi nghĩa" của Đảng ngày 12 tháng 8 đã tuyên bố đơn vị nào của quân Nhật không chịu đầu hàng thì "phải bị tiêu diệt", và cuối cùng sáng hôm đó cuộc chiến giành Thái Nguyên bắt đầu.
    Từ 6 giờ đến 6 giờ rưỡi sáng, chiến sự nổ ra giữa quân Nhật và Việt Minh. Tại ngôi nhà an toàn, Défourneaux và những người khác đều căng thẳng: "Chúng tôi không biết thiếu tá ở đâu, và chúng tôi chỉ có một mình giữa hai địch thủ". Mặc dù những người lính không hài lòng vì không được làm những gì họ đã tình nguyện làm trong thời gian chiến tranh - đó là chiến đấu với quân Nhật - khi Chiến tranh thế giới 2 đã kết thúc, nhưng không một người Mỹ nào, có lẽ ngoài Thomas, muốn tham gia vào trận đánh này. Thomas gửi một bức điện về ngôi nhà an toàn, yêu cầu Défourneaux, Squires và Zielski cùng anh tham gia với Việt Minh. Mặc dù cả Squires và Zielski đều lên dường nhưng Défourneaux thì không. "Tôi không muốn dính dáng tới bất kỳ những gì ông ta đang làm", Défourneaux nhớ lại, "và vào tiến trình gây rối với tổng hành dinh".
    Allison Thomas, đứng với những người lính thuộc quân đội của Võ Nguyên Giáp vào ngày 20 tháng Tám năm 1945 chỉ trước khi tấn công vào Thái nguyên, sau đó bị một vài thành viên trong Đội Nai không bằng lòng vì lựa chọn hành quân cùng với những người Việt Nam chứ không đi cùng binh lính của mình. Tuy nhiên, các cựu thành viên Việt Minh lại có những kỷ niệm đẹp về bản chất tốt của Thomas và tình bạn thú vị trong chuyến đi.
    Cuộc đọ súng rời rạc diễn ra suốt cả ngày. Tối hôm đó, Squires trở về ngôi nhà an toàn. Anh ta kể cho mọi người Thomas đã "giúp một tay" trong các cuộc thảo luận đầu hàng giữa Nhật và Việt Minh. Nhưng quân Nhật tin Thomas là người Pháp nên đã từ chối đầu hàng. Theo lời Squires, Thomas có vẻ khá kích động và cố chứng minh quốc tịch của mình bằng cách đưa ra "thẻ căn cước, một viên đạn 38 ly, và một vài lá cờ Mỹ. Tuy nhiên, quân Nhật vẫn tiếp tục cho rằng Thomas là người Pháp - một kết luận hợp lý đúng thời điểm và địa điểm. Quân Nhật đã quen nhìn thấy binh lính người Việt dưới quyền chỉ huy của sĩ quan Pháp và không có lý do gì lại nghĩ rằng người Mỹ cộng tác với Việt Minh. Lúc đó, Squires kể, Thomas đã thú nhận rằng "lẽ ra ông ta không nên có mặt ở đó. Đối với Squires, Défourneaux và những người khác, cách cư xử của Thomas dường như không thể giải thích nổi. "Dường như", Défourneaux viết, "Ông ta đang phát điên… Khi nói, ông ta bắt đầu cười chẳng vì lý do gì - một nụ cười tạo ra ấn tượng về sự điên đại của ông ta". Lo lắng và bực mình, Défourneaux gửi cho viên thiếu tá một mẩu giấy đề nghị hãy "từ bỏ" Việt Minh và hãy "quan tâm tới đội của mình".
    Trong nhật ký, Thomas đã không hề ghi lại cuộc trao đổi giữa anh với quân Nhật. Nhưng anh đã nhận được lệnh là không được chấp thuận bất cứ sự đầu hàng nào của Nhật.
    Trong những tình thế đó, sẽ là ngu ngốc nếu ghi chép những chi tiết này trong nhật ký chính thức. Thomas viết rằng "một sĩ quan liên lạc trong đội đã yêu cầu thông báo những gì đang xảy ra vào mọi thời điểm". Đầu giờ tối, 160 binh sĩ "Bảo an bản xứ" (quân đội Đông Dương dưới quyền chỉ huy của Nhật sau cuộc đảo chính tháng 3) đã đầu hàng Việt Minh. Tuy nhiên, quân Nhật vẫn không nhượng bộ. Lại lần nữa vào ngày 20 tháng 8, Défourneaux đặt câu hỏi về sự ổn định thần kinh của Thomas. Anh tình cờ nghe được Thomas "rõ ràng đang bàn bạc với Mr. Văn về việc tổ chức tấn công vào sáng hôm sau". Nhưng theo Défourneaux, Thomas không điều khiển cuộc họp lập kế hoạch "giống như việc một sĩ quan tình báo sẽ làm". Thay vì thế, Défourneaux nhớ là đã nghe thấy giọng Thomas giống giọng "một đứa trẻ" đang chơi trò chơi chiến tranh hơn. Tình thế này rõ ràng là duy nhất đối với Thomas. Mặc dù đã quen với việc chỉ huy lính trong thời kỳ chiến tranh, nhưng Thomas không quen chỉ huy những người lính Việt Nam thời hậu chiến. Bất cứ sự tham dự nào, dù ít hay nhiều, vào cuộc tấn công tại Thái Nguyên, về thực chất là không tuân theo mệnh lệnh. Vì vậy, Thomas có mọi lý do để phô bày tiếng cười lo lắng.
    Ngày 21 tháng 8, Đội Nai lại lần nữa tách đội hình và nhiệm vụ, Thomas đi một đường và những người còn lại đi một nẻo. Défourneaux và Zielski đi tìm một ngôi nhà phù hợp hơn cho cả đội. Mặc dù nơi ở hiện tại cũng khá tốt nhưng quá nhỏ. Họ tìm được một nơi rộng rãi và mất cả buổi sáng để chuyển chỗ. Đầu giờ chiều cuộc đấu súng lại tiếp tục. Vogt và Zielski bò ra ngoài nghe ngóng. Défourneaux và những người khác vẫn an toàn sau những bức tường. "Chiến tranh đang kết thúc", Défourneaux viết, "tại sao lúc này còn nắm lấy cơ hội chiến đấu nhỉ". Khi tiếng súng ngưng, Thomas quay trở về để kiểm tra binh lính. Thấy tất cả đều an toàn, theo tường trình, anh khiến họ thích thú với những chuyện kể về cuộc tấn công và những câu chuyện "cười" của anh, như Défourneaux giận dữ phân loại, thì "hết sức nhảm nhí".
    Thomas trở lại với "bất cứ những gì" anh đang làm khiến Défourneaux và những người khác có ấn tượng rõ ràng là anh "vẫn đang hướng dẫn hoạt động của Việt Minh".
    Vai trò của Thomas trong trận đánh có thể được giải thích hợp lý nhất bằng việc nghiên cứu lý do tấn công của Việt Minh. Stein Tonnesson viết, "Các cơ quan của Pháp tại Trung Quốc đã nhận được thông tin là Việt Minh dự định tiến hành tấn công vào một vị trí quan trọng của Nhật nhằm tạo cho nước Mỹ một lý do để giúp họ… Sau tất cả các khâu chuẩn bị, cả các chỉ huy Quân đội và cố vấn OSS có lẽ đã phải miễn cưỡng ra lệnh ngừng tấn công chỉ vì Nhật đã đầu hàng".
    Dựa vào mối quan hệ bắt đầu nảy nở với Mr.Giáp cũng như với Hồ Chí Minh, Thomas có thể đã cảm thấy mất ít mà lợi nhiều nhờ việc giúp lập kế hoạch tấn công. Mặc dù có thể không có vai trò chính thức trong giai đoạn này, nhưng Thomas có thể cố vấn cho những người bạn mới, và hãnh diện về thành công của họ. Nhiều năm sau, khi bị chỉ trích về mối quan hệ với Võ Nguyên Giáp, Thomas tự vệ. "Tôi thân thiết với ông ấy, và tại sao tôi lại không nên làm như vậy? Hơn hết, cả hai chúng tôi ở đó vì có cùng mục đích: chiến đấu chống quân Nhật… Tôi việc gì phải tìm hiểu xem ông ấy có phải là đảng viên Cộng sản hay không. Chúng tôi cùng chống một kẻ thù chung". Mặc dù báo cáo chính thức của Thomas vào ngày 21 tháng 8 không nói đến sự tham gia của mình ở mức độ nào, nhưng nhiều năm sau, Thomas thú nhận sự thực là anh đã giúp "một chút trong việc lập kế hoạch ở Thái Nguyên". Báo cáo năm 1945 của Thomas nói về sự tương đối gần gũi với Việt Minh của anh trong suốt cuộc tấn công và cũng cung cấp một bản kê khai chi tiết các loại vũ khí họ sở hữu tại Thái Nguyên:
    Việt Minh quyết định mở một cuộc tấn công nhỏ để cho Nhật thấy sức mạnh của họ. Khoảng ba giờ chiều bỗng ầm ĩ cả lên. Việt Minh nã đạn trong khoảng mười phút với những khẩu súng trường của Pháp, súng máy Pháp, súng máy Nhật (đã tịch thu được trong các cuộc tấn công trước đó) súng tiểu liên và súng Bren của Anh (do Anh thả dù xuống cho quân Pháp ở đây), lựu đạn và những vũ khí mà chúng tôi đã trao cho họ gồm bazoca, M-1 và tiểu liên chống tăng HE. Tuy nhiên, quân Nhật đã phòng thủ rất vững trong các công sự bê tông và không in có tên lính nào bị thương vào lúc đó hay không. Những người dân thành phố thực sự bị ấn tượng bởi cuộc tấn công.
    Những trận đánh lẻ tẻ giữa Nhật và Việt Minh tiếp tục vào các ngày 22, 23, 24 tháng 8. Ngày 22, Défourneaux gửi điện về Bách Sắc: "Chúng tôi đang ở Thái Nguyên. Thiếu tá đang ở vùng ngoại ô. Các đội viên còn lại vẫn ở giữa trung tâm thị xã. Trận chiến giữa Việt Minh và Nhật bắt đầu từ thứ Hai, ngày 20 tháng 8, và vẫn còn tiếp tục. Trên khắp các đường phố, họ đánh nhau cả ngày lẫn đêm". Ngày 23 tháng 8, Võ Nguyên Giáp và "hai tiểu đội" hình như đã tiến về Hà Nội, nơi các sự kiện đang xảy ra rất nhanh. Dù vắng mặt ông, Việt Minh vẫn tấn công một số toà nhà, trong đó có các doanh trại Nhật. Mặc dù phần lớn các nguồn tin đều xác nhận là các sĩ quan quân đội Võ Nguyên Giáp chỉ huy cuộc tấn công, nhưng Défourneaux tin rằng Thomas "chỉ huy các hoạt động này".
    Việc Thomas có chỉ huy các hoạt động này hay không rõ ràng chỉ là suy đoán. Tuy nhiên, trong cuộc tấn công cuối cùng ngày 25 tháng 8, Việt Minh đã thu được nguồn cung cấp thực phẩm và vũ khí đáng kể từ tay quân Nhật, và Thomas đã ghi thành từng khoản có đính kèm vào báo cáo chính thức. Cuối cùng, vào buổi chiều, Nhật chấp thuận lệnh ngừng bắn. Binh lính Nhật sẽ được phép giữ vũ khí; tuy nhiên, họ sẽ bị giam giữ tại vị trí đóng quân và Việt Minh sẽ tiếp tế đồ ăn tới cho họ. Nhà sử học Douglas Pike mô tả trận chiến đấu ngắn ngủi tại Thái Nguyên này là đặc biệt quan trọng. "Ông Giáp chỉ huy lực lượng vũ trang mới trong trận đánh đầu tiên diễn ra ngày 16 tháng 8 năm 1945, cuộc tấn công xuất phát từ Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang, đến thị xã Thái Nguyên", Pike viết, "đánh dấu sự nghiệp giải phóng của Việt Nam". Stein Tonnesson nhận xét tầm quan trọng của trận đánh tại Thái Nguyên trong lịch sử Việt Nam. Trận đánh được báo trước không gây ra thương vong gì. Tuy nhiên, cũng có vài tranh cãi về những tổn thất về người. Thomas chứng nhận là 6 lính Nhật "chắc chắn" bị thiệt mạng và số lượng bị thương thì nhiều hơn, nhưng con số chính xác "không được thẩm tra lại", ngoài ra, Thomas khẳng định có 3 bộ đội Việt Minh và 5 dân thường thiệt mạng, 11 bộ đội Việt Minh và 10 dân thường khác bị thương trong 6 ngày chiến sự.
    Tuy nhiên, vào ngày 26 tháng 8 Thái Nguyên đã làm lễ kỷ niệm ngày giành được tự do từ tay Nhật. Có một cuộc diễu binh trong thị xã, và "hầu hết các toà nhà đều treo cờ Việt Minh". Thomas cũng ghi lại rằng "chính quyền thị xã mới thành lập đã lên nắm quyền" vào ngày hôm đó. Với chính quyền mới đi vào hoạt động, mạng điện bị cắt trong suốt thời gian chiến sự đã được khôi phục lại, làm cho tất cả người Mỹ đều vui mừng. Trong khi Thomas ở Thái Nguyên, Hồ Chí Minh đã ghé thăm một lát. Ông đề nghị Thomas và Đội Nai cùng đi về Hà Nội, nhưng rất thất vọng vì được lệnh từ sở chỉ huy là phải "nằm yên", nên Thomas đành miễn cưỡng từ chối lời đề nghị của ông. Hồ Chí Minh cũng trò chuyện với các binh lính Mỹ, ông kể cho Thomas rằng Dan Phelan mới bay đi trên một chuyến L-5 và rằng một phái đoàn của Mỹ đã đến Hà Nội. Thất vọng vì buộc phải nằm ngoài thủ đô, cả đội tổ chức một bữa liên hoan vào tối hôm đó. Khi ghé thăm Hội truyền giáo Thiên chúa trong thị xã, Prunier, Hoagland và Vogt đã gặp cha Pedro, một linh nục thuộc dòng đô-mi-ních đến từ Tây Ban Nha. Họ mời ông tham dự bữa ăn tối. Hôm đó, cha Pedro đã nói chuyện với Défourneaux suốt ba tiếng đồng hồ và thêm hai tiếng nữa vào hôm sau. Défourneaux thích thú khi được phỏng vấn vị linh mục và biết được nhiều hơn về Đông Dương. Cha Pedro, người đã sống ở Bắc Kỳ từ năm 1936, đã kể lại câu chuyện về sự đầu hàng của Pháp sau cuộc đảo chính của Nhật vào tháng 3, và Nhật sử dụng tuyên truyền với nhân dân Việt Nam. Mặc dù cha Pedro không nhận ra nhưng những sự kiện được ông kể lại đã chứng thực hầu hết những gì Việt Minh đã báo cho OSS.
    Người Mỹ có thể dễ dàng thu thập thêm xác nhận về những gì cha Pedro đã kể. Trên thực tế, Đội Nai biết một ví dụ về tuyên truyền của Nhật. Khi Hồ Chí Minh gặp Thomas tại Thái Nguyên, ông đã đưa cho anh một bản sao hai lá thư đã dịch được cho là do quân Nhật từ các đồn ở Thái Nguyên và Chợ Chu gửi cho Việt Minh. Lá thư của quân Nhật tại Thái Nguyên đề ngày 11 tháng 8 năm 1945, khiển trách Việt Minh vì đã "vi phạm thoả ước ngừng bắn", phá vỡ mối liên lạc giữa Thái Nguyên với Tuyên Quang, và gây ra nỗi sợ hãi trong công chúng. Lá thư nhắc lại cho Việt Minh rằng quân Nhật có trách nhiệm đối với việc giải phóng người Việt Nam thoát khỏi các lãnh chúa Pháp và khuyến khích họ nghĩ lại tình hình với nhận thức về các hậu quả không thể tránh được:
    Ngay từ đầu, các bạn đã không hiểu được sự chân thành của chúng tôi, và các bạn luôn tổ chức ra phong trào chống Nhật. Các bạn cần phải xem xét cho thật kỹ. Chỉ có nước Nhật mới có thể giúp các bạn nhận ra niềm hy vọng của mình. Trông chờ Anh và Mỹ đến cứu Việt Nam khỏi tay người Pháp chẳng khác gì cứu nhân dân Việt Nam ra khỏi đám cháy bằng cách ném họ vào lửa. Để gìn giữ hoà bình và trật tự ở Tuyên Quang và Thái Nguyên, chúng tôi buộc phải sử dụng lực lượng vũ trang chống lại các hoạt động dại dột của các bạn. Nhưng trước khi điều thêm quân tới, chúng tôi gửi tới các bạn lá thư này, đề nghị các bạn ngay lập tức ngừng phá huỷ những con đường giữa hai tỉnh… Nếu các bạn không nghe theo lời khuyên của chúng tôi thì những việc đau lòng sẽ xảy ra: người Da vàng giết người Da vàng, và các bạn sẽ thấy chính mình trong tình thế khốn khổ.
    Lá thư thứ hai viết sau đó một tháng, là lời tuyên bố công khai đối với người dân quanh Chợ Chu, khiển trách những người dân Việt địa phương vì đã không hiểu được ý định tốt đẹp của người Nhật và cảnh báo trước cho họ về Việt Minh:
    Gần đây, Nhật đã đánh bật Pháp ra khỏi Đông Dương, và đã trả lại nền độc lập cho nhân dân Việt Nam. Nhưng nền độc lập đó dường như bí huỷ hoại vì những người Cộng sản… Nhưng họ không hiểu gì về chủ nghĩa cộng sản do một người Nga tên là Lenin công bố. Đó là những người Cộng sản ở Đông Dương. Hãy làm cho họ thức tỉnh nhanh chóng!
    Cha Pedro xác nhận những nỗ lực của Nhật trong việc lôi kéo Việt Minh tham gia vào cuộc chiến chống lại Đồng Minh của họ và Việt Minh đã từ chối. Ông cũng giải thích rằng Việt Minh tiếp tục tấn công Nhật bất chấp những lời đe doạ. Sau chuyến thăm của cha Pedro, những người Mỹ ở Thái Nguyên có ít trò tiêu khiển; thiếu tá chỉ huy thì lo viết các báo cáo, còn binh lính thì chơi bài và dạo quanh thị xã, chụp ảnh và thưởng thức các món ăn do Việt Minh cung cấp. Khi ngày tháng mỗi lúc một trở nên đơn điệu, những ý nghĩ của họ lại tập trung vào việc được tiến về Hà Nội và bắt đầu chuyến trở về cố hương. Người làm chậm trễ chuyến trở về đầy mong mỏi của họ chính là chỉ huy Đội Mercy của Mỹ tại Hà Nội, Đại uý Archimedes Patti. Một tháng trước ngày Nhật đầu hàng, OSS bắt đầu chuẩn bị cho cuộc giải cứu "khoảng 20.000 tù binh chiến tranh Mỹ và Đồng Minh cùng khoảng 15.000 tù binh dân sự trong tay Nhật". Các đơn vị "biệt kích" có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ này được biết đến dưới cái tên những "Đội Mercy". Khi tin tức chiến tranh kết thúc được loan báo, OSS và Không đoàn 14 đã sẵn sàng, và ngày 15 tháng 8 những Đội Mercy đầu tiên đã đến nhiều vùng thuộc Trung Quốc. Trong suốt bảy ngày sau, các đội tiếp theo được thành lập, trong đó một đội do Patti chỉ huy, sẵn sàng lên đường đến Hà Nội. Vì thời tiết xấu, Patti không rời khỏi Côn Minh cho tới tận 21 tháng 8. Và hôm đó ông bay cùng các thành viên người Mỹ trong đội, và một nhóm người Pháp do Jean Sainteny chỉ huy.
    Cuộc chiến của Sainteny để đáp được chuyến bay của Mỹ tới Hà Nội rất vất vả… Nói chung, người Pháp tại Trung Quốc không vui với số phận của họ. Chiến tranh kết thúc nhanh hơn họ đoán, và mặc dù vào khoảng giữa tháng 8 có vài người Pháp tham gia vào tổ chức OSS dọc theo biên giới, nhưng người Pháp vẫn không thể trở lại Đông Dương với số lượng đáng kể. Hy vọng lập lại sự hiện diện của người Pháp vào thời khắc sớm nhất có thể, Sainteny đã đề nghị được gia nhập Đội Mercy đế sẵn sàng tới Hà Nội. Ngày 18 tháng 8, OSS biết rằng chính phủ Pháp đã quyết định "chấp nhận một thái độ thụ động có tính chất ngoại giao đối với việc tái chiếm đóng Đông Dương"; Sainteny khẳng định là ông ta sẽ đại diện cho chính sách "tự do" mới của Pháp tại Hà Nội.
    Lời đề nghị được tham gia vào Đội Mercy của Sainteny đã bị Wedemeyer, người thấy rõ "không có mục đích hữu ích nào trong việc người Pháp tới Hà Nội trên chuyến bay của Đội Mercy", từ chối. Ông nói thêm rằng "công tác chuẩn bị cho sự hiện diện của người Pháp tại Hà Nội vào một thời điểm thích hợp" đang được tiến hành. Vì mong muốn thiết lập sự hiện diện "khải hoàn" của Pháp tại Hà Nội, Sainteny như bị chọc tức và đã chửi người Mỹ như tát nước. Sainteny cho rằng Pháp "đã bị người Mỹ phản bội. Bản thân tướng Wedemeyer đang gây cản trở cho các hoạt động của Pháp trong khu vực này và đã không trung thực với quyền lợi của Pháp ngay từ khi bắt đầu cuộc đàm phán".
    Ngoài thái độ lạnh nhạt rõ ràng của Wedemeyer, Sainteny cũng nhận được tin xấu là đội quân Pháp mà ông ta đã cố hết sức cho thâm nhập vào Hải phòng đã bị Nhật cầm chân. Chỉ huy của đội, đại uý Blanchard, đã liên lạc với trung tá Kamiya, nguyên sĩ quan liên lạc giữa sở chỉ huy quân sự Nhật ở Hà Nội với các văn phòng hành chính của đô đốc Decoux, nhưng kết quả đã làm y thất vọng. Chẳng những không được phép lấy lại các cơ quan then chốt, những người Pháp này còn bị hạn chế gửi những bức điện liên quan tới nghi lễ đầu hàng sắp xảy ra và số liệu khí tượng cho các cơ quan của Pháp tại Côn Minh. Rõ ràng, Sainteny còn mất bình tĩnh hơn nữa bởi thông tin "các chỉ huy người An Nam" tại Côn Minh đã "bày tỏ mong muốn đưa Đông Dương thành một chế độ bảo hộ của Mỹ" và hy vọng nước Mỹ với tư cách là đại diện với Liên Hợp Quốc sẽ đứng ra can thiệp để ngăn cản Pháp "chiếm lại Đông Dương" và ngăn chặn Tầu Tưởng.
    Để xoa dịu cơn giận dữ của Sainteny, Patti và Wedemeyer đồng ý cho ông ta và đám nhân viên đi cùng Đội Mercy của OSS nếu họ giới hạn hoạt động trong "các nhiệm vụ nhân đạo trong cộng động người Pháp". Sự xúc phạm khiến Sainteny bị tổn thương nhưng ông ta đành chịu ở dưới quyền chỉ huy "hoàn toàn" của Mỹ, và không được sử dụng cờ Pháp theo như thoả thuận.
    Khi Patti, Sainteny và các nhân viên của họ gần tới sân bay Gia Lâm nằm ngoài Hà Nội, sự căng thẳng càng dâng cao. Không một ai biết chắc Nhật sẽ phản ứng thế nào đối với chuyến hạ cánh của họ. Quan sát những xe tăng nhỏ và súng phòng không trên sân bay, Patti quyết định thả xuống một nhóm trinh sát do đại uý Ray Grelecki, quê ở Baltimore, Maryland, chỉ huy.
    Dù đã được huấn luyện tại căn cứ quân sự Fort Benning và có kinh nghiệm trong các cuộc nhảy dù, Grelecki biết rõ việc nhảy xuống nơi kẻ thù được trang bị kỹ lưỡng thật không dễ dàng. Mặc dù được trang bị tới tận răng và mặc áo giáp, Grelecki rõ ràng không mong muốn chạm trán xe tăng Nhật "có thể với một đội mười hay mười hai lính Nhật ngồi hai bên cùng những lưỡi lê to đùng" đang lăn bánh về phía mình.
    Rất may mắn, nhóm của viên đại uý này không gặp sự kháng cự nào và ngay lập tức điện cho Patti rằng họ đã chạm đất an toàn. Patti nhớ rằng một nhóm từ 50 đến 60 lính Nhật với đầy đủ vũ khí đã vây quanh máy bay khi ông hạ cánh.
    

Xem Tiếp Chương 11Xem Tiếp Chương 15 (Kết Thúc)

OSS Và Hồ Chí Minh
  » Xem Tập 1
  » Xem Tập 2
  » Xem Tập 3
  » Xem Tập 4
  » Xem Tập 5
  » Xem Tập 6
  » Xem Tập 7
  » Xem Tập 8
  » Xem Tập 9
  » Đang Xem Tập 10
  » Xem Tiếp Tập 11
  » Xem Tiếp Tập 12
  » Xem Tiếp Tập 13
  » Xem Tiếp Tập 14
  » Xem Tiếp Tập 15
 
Những Truyện Dài Khác
» Liêu Trai Chí Dị
» Pie Đệ Nhất
» Thiên Thần Và Ác Quỷ
» Tuyết Bỏng
» Cuộc Đời Của Pi ( Phần II )
» Mao: The Unknown Story
» Con Lừa Và Tôi
» Trái Tim Không Cần Lý Lẽ
» Tình Ca Giáo Viên Miền Núi
» Cuốn Sổ Lớn
» Chuyện Tình New York
» Những Kẻ Điên Rồ Phải Chết
» Đau Thương Đến Chết ( Phần I )
» Hai Chị Em