Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Dài » Chuyện Làng Cuội Tác Giả: Lê Lựu    
    Hai mươi ngày sau khi đoàn phó Văn Yến gặp Kiêm, toà án nhân dân đặc biệt xét xử tên địa chủ, quốc dân đảng phản động đại gian đại ác được mở tại xã Ngoại Thượng nay đổi là Đại Thắng. Nhân dân lao động thuộc mười xã phía tây huyện, cả trong và ngoài đê mang cơm nắm, rước cờ, biểu ngữ đi dự đấu. Đúng sáu giờ sáng phải có mặt ở đấu trường tại bãi bồi trước đầm ông Cuội để ổn định tổ chức. Các cán bộ đội và cốt cán trong toàn cụm cũng đến dự cuộc đấu điển hình ở bước một này. Ngày hôm trước khi đấu, thị Đất đến xin anh Thó đi dỡ khoai lang. Anh Thó bảo:
    - Hôm nay cho mày ba nồi.
    Mụ ngỡ ngàng mừng. Không hiểu vì sao hôm nay anh Thó lại ra ơn cho mụ rỡ gấp ba mọi ngày. Anh Thó lại nói:
    - Đúng ba giờ sáng ngày mai, mang con ra tập trung ở miếu. Mang khoai, nước đi. Ngồi cả ngày đấy.
    Mụ bủn rủn chân tay, mắt hoa lên phải bấm mười đầu ngón chân lõm vào đất, mụ mới khỏi xiêu người đi. Nghe những ông bà nông dân bàn tán ở mấy ruộng khoai bên cạnh ruộng của mụ từ những hôm trước, mụ tin chắc ngày mai mẹ con mụ mang nhau đi dự đấu chồng mụ. Chọc cái đầm xuống đất, mụ gục đầu xuống cánh tay, rồi cứ ngồi như thế không thể nhấc nổi cái dầm lên nữa. Những ông bà nông dân chiều nay dỡ khoai cạnh ruộng mụ cũng cặm cụi lặng thinh, không ai nói một lời. Có những tiếng rơi tới tấp quanh mụ. Chưa kịp nhận ra điều gì, mụ đã bị người ta ném trúng vào lưng. Không kịp đợi đến ngày mai, người ta đã trút “căm thù” lên mụ ngay từ bây giờ? Mụ cố ngẩng mặt lên để trông thấy sự độc ác của làng xóm! Tất cả mọi người đều quay mặt đi, không ai thèm liên quan đến mụ! Nhưng quang mụ đã đầy lên những củ khoai tròn tím mà ruộng nhà mụ không thể nào có những củ khoai to, đều như thế. Nước mắt mụ ứa ra, mụ muốn chắp tay lại quay bốn bề mà kêu: “Các bác, các anh các chị ơi. Em đội ơn xóm giềng nhiều lắm. Em chỉ mong đừng ai khinh rẻ hắt hủi mẹ con em là quý rồi. Đừng vứt khoai sang, nhỡ có ai người ta thấy”. Những người nông dân vẫn quay lưng về phía mụ. Cho đến khi tất cả đội dây, bê khoai về, cũng vẫn không có một ai thèm nhìn, huống hồ lại nói gì với mụ! Mụ lặng lẽ đi nhặt những củ khoai bà con ném cho để vào rổ. Sao lại vừa đúng miệng rổ, vừa ba nồi anh Thó cho phép? Chắc ai cũng hiểu mụ phải mang khoai về trình trưởng xóm, không ai có thể cho mụ nhiều hơn. Thì ra mọi người biết cả cái tiêu chuẩn mụ được phép ngày hôm nay! Đợi mọi người về hết mụ Đất mới ôm đống dây ở đầu bờ đặt vào một bên quang gánh về để nó đúng phép “đào khoai thì phải có dây”. Chứ nhà mụ làm gì có bò, có lợn mà cần đến dây khoai. Hôm nay anh Thó trông thấy mụ, cho đi ngay không cần phải bới từng củ, nhấc thử bó dây khoai như mọi ngày. Về đến đầu ngõ mụ nhận ra cái dáng thằng Hiếu đi qua chỗ ruộng khoai mụ vừa ở đấy về. Càng gần, càng rõ là nó. Mụ nghe đồn là nó đi học thuế nông nghiệp ở tỉnh một tháng. Mụ nhẩm tính đến nay mới được một nửa. Sao nó đã về. Hay lại có liên can gì, người ta đuổi học? Mụ giả vờ để gánh xuống, bỏ dây khỏi quang, bê rổ khoai ra giếng rửa chờ con. Từ hôm con được “xuống” thành phần mụ lại lo nó có chuyện gì, phải “lên” thì khổ thân vợ chồng, con cái nó. Thành ra mụ cứ đêm ngày thấp thỏm lo cho con hơn là nỗi cực nhọc tủi hổ của vợ chồng mụ. Khi nghe phong thanh người ta kết tội chồng có làm việc cho thằng tổng Lỡi nên nó mới làm cho cái nhà này, mụ đã định khai ra cái gốc gác của nó. Thôi, xấu thì đã xấu rồi, còn gì để xấu thêm mà phải trốn tránh. Khai được chuyện này ra, bao nhiêu chuyện khác sẽ gỡ ra được, chồng mụ không phải bị buộc oan, không phải “ngàn cân treo sợi tóc” như bây giờ. Nghĩ đến con, mụ lại run lên, không dám hé răng nói điều gì. Giữa chồng bị tù đày và có thể người ta xử bắn với con suốt đời mang nhục, suốt đời bị lạnh nhạt khinh bỉ, bị theo dõi, mụ phải chọn đường nào để mất? Con ơi, đã bao nhiêu đêm mẹ khô nước mắt vì nỗi giằng xé day dứt lòng mẹ, mẹ thèm khát cả chồng và con mà giời bắt mẹ chỉ được chọn lấy một. Mẹ muốn chết trước khi người ta nhục hình chú Kiêm nhưng giời lại bắt mẹ không được để các con mẹ bơ vơ! Đã bao nhiêu lần chỉ tìm cách đi qua, đi lại để được trông thấy cháu, trông thấy “con chó cún” của bà nhưng thấy cháu rồi mẹ lại phải đi như chạy, phải quay mặt trốn lủi để cháu khỏi reo lên gọi bà, để bà khỏi phải nhao đến ôm cháu vào lòng. Bà cháu quấn quýt với nhau được một tí, bố mẹ nó lại “liên can” chả bõ khổ sở thêm. Tránh con bao nhiêu lần nhưng hôm nay mụ cố tìm cách gặp nó chỉ để nói với nó một câu. Ngày mai xử chú. Con liệu mà tránh, khỏi mang vạ vào thân. Nhưng mà nó rẽ đi đường khác rồi. Có nhẽ nó không nhìn thấy mẹ. Mụ đành trông trước trông sau rồi đứng nhìn con. Đến khi cả mụ và nó chìm vào bóng tối mụ mới bê rổ khoai lững thững quay về.
    Còn Hiếu? Nó cũng thấy hai chân rã rời không muốn bước khi nó phải tránh mẹ nó. Lớp học hướng dẫn làm biểu mẫu thuế nông nghiệp của tỉnh triệu tập một tháng nhưng chỉ học có hai mươi ngày. Ban chỉ đạo đã cho học viên thuộc cụm này thu xếp về trước khi kết thúc năm ngày để dự một cuộc đấu tranh điển hình. Tên Nguyễn Văn Kiêm, địa chủ đầu sỏ, là chân tay của địch gài vào tổ chức Đảng từ trước Cách mạng Tháng Tám đến nay. Hắn đã chỉ điểm giết hại hàng trăm chiến sĩ Cách mạng, phá vỡ hàng chục cơ sở của ta. Khắp nơi đồn ầm ĩ về tên địch nguy hiểm, về cuộc đấu ngày mai. Ở lớp học của Hiếu người ta nói công khai: “Các đồng chí về dự bắn tên Kiêm”. Gặp mẹ, Hiếu phải nói thật hay là nói dối? Nói dối để làm gì? Nói thật để làm gì? Tránh đi để mẹ bớt một đêm đau đớn, thêm được một đêm hi vọng. Ngoài lí do ấy ra, anh vẫn không đủ can đảm để người ta bắt “quả tang” anh vẫn liên lạc với mẹ. Ngày anh được thả về, được đi họp, anh đội Lăng dọn đến ở nhà mẹ vợ anh. Hai ngôi nhà của vợ chồng anh và của mẹ vợ trông như hai cái lều, cách nhau một vườn chuối rộng hơn một sào mà anh vẫn tưởng từ cái gãi tai bên này tiếng thì thầm của vợ chồng ở bên này bên kia đội vẫn nghe, vẫn biết. Vợ anh làm phó chủ tịch kiêm trưởng công an xã đi họp với đội suốt ngày suốt đêm thì không nói làm gì, còn anh được giao làm trưởng ban thuế nông nghiệp không làm việc ở bên cạnh đội nên vẫn có du kích theo dõi. Người ta vẫn nghi anh chưa dứt khoát vứt bỏ cái kẻ làm mẹ mình để đứng hẳn về phía bần cố. May mà đêm nay anh mới về! Nếu ở nhà, liệu anh có tránh khỏi không lên đấu tố, xỉa xói vào mặt chú Kiêm ngày mai?
    Cái cánh cửa ra vào nẹp bằng lá chuối của nhà anh khép kín. Giờ này chắc vợ anh không thể có nhà. Bao nhiêu công việc ngày mai cô ấy phải tham gia. Liệu ngày mai người ta có bắt cô ấy phải lên tố không? Những lần tố ở tiểu tổ, ở xóm, ai cũng bảo cô ấy là người biết đấu tranh, nói năng có bài bản, lớp lang đâu vào đấy. Đêm về nằm bên chồng cô ấy bảo: “Mình cũng phải đấu mạnh thì người ta mới đỡ “nghi”. “Đấu mạnh” ở chỗ vắng mặt chú ấy còn được! Ngày mai cô ấy phải đứng trước mặt chú Kiêm xỉa xói, gội thằng nọ, thằng kia. “Bà đây. Bà là Xuyến đây mày có biết không”. Chao ôi! Ngày mai! Có tiếng con đùa cười ở bên nhà mẹ vợ, nhưng anh chưa thể sang được. Anh cũng phải sửa soạn cho mình bộ mặt “ngày mai”. Sẽ nói, sẽ cười, sẽ căm thù, sẽ đả đảo? Liệu anh có làm được hay lại cứ bần thần mà thương mẹ, thương các em và chú ấy. Ngày mai anh sẽ ngồi đâu? Ai hỏi gì? Phải trả lời những gì? Trời ơi, căng thẳng quá. Anh thẫn thờ đi lại sát cửa đưa tay rờ rờ xem các then chỉ gài sơ sài hay khoá cẩn thận. Bỗng anh rụt tay lại. Tiếng vợ anh rên rẩm phía trong:
    - Ôi ôi, ới đội ơi, em chết mất!
    Tiếng anh đội Lăng thì thào câu gì nghe không rõ. Tiếng vợ anh:
    - Không. Không sao đâu, cứ cho em chút nữa đi. Nữa đi. Nữa đi anh đội. Trời ơi sướng quá. Em chết mất anh ơi.
    Hiếu tưởng mình đang ngạt thở giữa con nước lũ ào ào cuốn trôi đi, chới với, chới với. Không biết bám vào đâu. Hai chân run bắn, anh phải ngồi xuống, chống hai tay xuống đất như một con vật bốn chân bám chặt vào đất mới khỏi đổ kềnh ra. Vẫn run quá. Phải bấm cả mười đầu ngón tay vào, đặt ép cả người xuống đất để đỡ run. Anh không sợ đau khi người mình đổ ra đất. Nhưng “đổ” ra lúc này sẽ gây tiếng động, sẽ lộ. Lộ ra lúc này là anh chết. Chỉ có anh là con trai mụ địa chủ phản động hằn thù giai cấp, âm mưu làm mất uy tín của đội, đánh vào đội ngũ cán bộ đội và cốt cán nòng cốt của cuộc cách mạng long trời lở đất chứ đội không bao giờ lăng nhăng làm chuyện bậy bạ. Đội không khi nào xâm phạm đến quyền lợi của bà con nông dân lao động. Không bao giờ đội sai trái thiếu sót. Không kẻ nào cả gan dám có cử chỉ, lời nói làm giảm sút uy tín của đội lúc này. Lúc này chỉ có bọn phản động như chó cùng dứt giậu chống phá điên cuồng cuộc đấu tranh có tính chất quyết định thắng hay bại của bần cố ngày mai! Chao ơi. Giá lúc này anh có một con dao! Một khẩu súng! Hoặc nhảy vào bóp dái thằng đội, bóp cổ con vợ rồi mình đập đầu vào cối đá mà chết! Hai thứ vũ khí đều không có. Còn sự liều lĩnh thì anh là kẻ nhu nhược. Đã không có gì trong tay, không đủ can đảm để làm việc gì, thì phải câm họng, phải “không được biết gì”. Có tiếng động ở trong giường, dấu hiệu của mọi việc đã xong xuôi, hai người hỏi nhau “Đến giờ chưa anh?” Hiếu vội vàng bò lồm cồm như một con chó bò khỏi sân nhà mình. Ra đến ngõ mới dám đứng dậy, mới đủ sức đứng dậy rồi chạy ngược lại con đường mình mới đi. Phải chạy thật nhanh, thật xa, phải không để lại dấu vết gì chứng tỏ là anh đã về đến đây, đã như một con chó bò lồm cồm ở trước nhà mình. Đang chạy lao đi như có ai đuổi, nghe tiếng lào xào ở con đường ngang, cắt con đường anh đang chạy. Anh dấn lên độ vài chục bước rồi lững thững quay lại. Gần đến ngã tư nơi anh vừa chạy qua, một người quát:
    - Ai?
    - Tôi. Hiếu đây. Ai đấy?
    Anh đội Quyền, anh Thó và dăm bảy anh du kích từ “trường đấu” về. Nghe Hiếu giải thích cho họ vì sao lớp học của anh được lệnh gấp rút về sớm. Anh đội Quyền bảo:
    - Thế là may lắm. Ngày mai đồng chí sẽ thấy một cuộc đấu tranh quyết chí tử. Mà tối nay đồng chí được dự cả đấu thử nữa.
    - Thế thì phấn khởi quá. Em phải đi như chạy suốt từ trưa đến giờ, nóng ơi là nóng.
    Anh đội Quyền bảo:
    - Đồng chí mới về đến đây đã ăn uống gì chưa. Dọc đường ăn rồi à? Thế thì ra đầm Cuội ta tắm cho mát rồi về họp. Anh em đây cũng vừa đi, sửa sang lại trường đấu ướt đầm mồ hôi. Về họp tôi sẽ giới thiệu với bà con, ở như trên tỉnh người ta cũng cho lớp học đồng chí Hiếu về dự đấu ngày mai. Chết chết, quan trọng không đâu bằng. Đấy nó như thế.
    Cứ mỗi lần nghe anh đội Quyền nói chỉ muốn phì cười. Nhưng bây giờ thì Hiếu không thể nào cười được. Lội xuống đầm, không biết nước lạnh hay vì sao, Hiếu vừa nhúng người xuống nước đã thấy rét run lên. Anh bảo anh đang ra nhiều mồ hôi tắm lâu sợ cảm. Lên mặc quần áo ngồi ở bờ đầm anh mới nhận ra mình không thể ngồi ở đây. Cái kẻ gọi là cha của anh đã gieo tội ác vào cuộc đời mẹ anh và để bao nhiêu người khác phải gánh chịu, xảy ra ở chỗ này. Một kẻ khác vừa xọc lưỡi dao vào ruột anh cũng lại đẩy anh đến bờ đầm như là sự gặp gỡ của những nỗi đau đớn. Sao anh lại phải ngồi lại chỗ này? Ba mươi năm sau, khi làm bí thư huyện uỷ anh quyết định lấp đầm Cuội. Dân chúng chỉ biết lấp đầm để có cánh đồng rộng mới tiến lên làm ăn lớn, có ai biết điều gì đã xảy ra đêm nay liên quan đến quyết định lấp đầm? Cũng chả thiếu gì việc làm để “cho dân no” mà thực chất chỉ cốt đạt được mong muốn thầm lặng của riêng ai đó. Cốt thoả mãn ý đồ của mình rồi dân no, đói kệ họ. Quan trọng gì. Cùng lắm thì rút kinh nghiệm để “trưởng thành” nhanh chóng sau này. Công bằng mà nói có rất nhiều “công lao đóng góp” của anh đội Lăng trong đêm nay. Trong đêm nay anh là người thầy học đầu tiên của Hiếu về những cuộc chiến đấu sau này. Muốn tiến lên, muốn giành lấy mọi thứ, anh ta biết cách bầy đặt ra mọi thứ kẻ thù để đấu tranh. Kẻ thù càng nham hiểm, cuộc đấu tranh càng quyết liệt, càng chứng tỏ sự vững vàng, kiên định mưu trí cao cường của anh. Kẻ thù càng độc ác xấu xa nhơ bẩn thì anh càng tốt đẹp trong sạch, thành người cao cả hơn muôn người. Ngày xưa chú Kiêm đi đánh kẻ thù thật thì vào sống ra chết, tù đày, đầu rơi máu chảy may ra mới “tìm” được địch để tiêu diệt. Bây giờ kẻ địch “tự tạo” ở làng này ở trong tay anh Lăng cả. Lai có chỉ tiêu nhất loại phải đủ năm phần trăm nên anh “tìm” “địch” cũng dễ, mà “tiêu diệt” chúng cũng dễ. Thoắt cái là kẻ thù, thoắt cái lại là người cùng giai cấp. Bà con bần cố chả biết đường nào mà lần. Chỉ có điều, ngày xưa đánh được địch thật, có chiến thắng thật, dân cũng được giải phóng thật. Còn bây giờ anh ấy đánh địch giả, thắng lợi giả, dân làng Cuội cũng “no ấm” giả. Ngoài kẻ “làm cha” của Hiếu đã liếm gót Tây đi vào miền Nam là có thóc gạo ở trong nội đồng, còn cả ba xã Ngoại bối đồng loạt nhà ba sào ruộng trồng một vụ ngô, một vụ khoai lang, có ai được hạt gạo! Địa chủ cũng chỉ có nắm dải khoai, mấy quả bầu trắng. Tịch biên rồi lại phải để cho nó ăn, không con cái nó chết đói. Nông dân được cái gì? Nơi nào có địa chủ thật, người ta cứ đoàn kết mà đấu tranh. Còn ba xã Ngoại bối đều nghèo đói, khổ sở như nhau việc gì phải tốn đến 84 anh cán bộ, đội, bắt dân thức khuya dậy sớm 5, 6 tháng giời liền đấu tranh. Tìm ra được 26 địa chủ thì sửa sai lại phải hạ cả 26 xuống bần nông và trung nông. Bắn ba người lại phải làm lễ truy điệu giải oan cả ba. Riêng có tên phó tổng Bạt chả cần đội về, chả cần phát động, cả tổng đều biết nó là phản động, tay sai, chỉ điểm phải “tủng xẻo” chứ không chỉ bắn cho nó chết ngay.
    Tất cả là cũ rồi. Ai cũng biết rồi. Nói ra để làm gì? Có lợi lộc gì hay chỉ để cho thích mồm? Nhưng anh đội Lăng ạ. Anh bảo: Cái chết trôi sông của mẹ tôi là do tôi gây ra và hơn thế, tôi đã thành kẻ “lưu manh đểu cáng”, để anh phải cầm dao định giết tôi ở cửa bếp nhà anh nhưng anh lại quên mất cái hành động đểu cáng của anh ở trong gian lều nhà tôi đêm nay. Anh cũng không nhận ra chính tôi là học trò của anh suốt mấy tháng giời ở sân miếu ông Cuội. Trong những ngày tháng này cứ như anh là người tăng gia sản xuất được ra kẻ thù. Sản xuất ra tội trạng, ra khí thế đấu tranh. Sản xuất ra cả thắng lợi. Đến bây giờ tôi mới hiểu các anh “đã lật dưới lên trên” là thế nào.
    Mọi người về đến nơi, dân làng đã đông đặc và Xuyến đã cất lên cái giọng hát lúc tha thiết lúc trầm lắng sâu xa cái điệp khúc “Quê hương”. Rồi cả già trẻ, trai gái vỗ tay cùng hát dồn dập như một dàn đồng ca khổng lồ: “Quê hương tôi thiết tha chờ mong đón đội về làng. Quê hương tôi khát khao ngày đêm trút sạch hận thù... Đội về làng là... à cuộc đời ta đổi mới, là sướng... ướng... ứ ớ... ơ. Vui... ui... u...” Cái từ cuối chỉ còn một mình Xuyến ngẩng mặt ngân vút lên rồi vuốt giọng dài ra, ngọt ngào mơn man làm mặt Hiếu nóng bừng, anh đứng lấp mãi vào chỗ tối cố nuốt một làn hơi nóng cộn lên, hai hàm răng anh xiết chặt lại. Rồi anh cười cười với một câu nói thầm thì trong đầu: “Nếu còn ở với anh, nhất định có nhiều dịp sướng... ướng vui đấy em ạ”. Nghe anh đội Quyền nói gì đấy, anh đội Lăng từ cửa miếu chạy ra gốc bàng vừa bắt tay vừa ôm choàng lấy Hiếu, không giấu nổi niềm vui cuống quýt:
    - Về lâu chưa?
    - Em sấp ngửa chạy về tưởng không kịp buổi tập dượt cuối cùng.
    Anh Quyền:
    - Đồng chí ấy mới về đến đầu làng Nhằng gặp bọn tôi. Anh em rủ nhau đi tắm nên về muộn.
    Lăng:
    - Không sao. Không sao. Tối nay ta có thể thức suốt đêm. Mừng quá. Mình rất mong cậu. Mình được biết lớp học có 20 ngày nhưng không ngờ trên lại cho cậu về sớm kịp dự ngày mai. Cậu nghe đồng chí phó chủ tịch độ này hát hay đấy chứ?
    - Từ khi ở đội thiếu nhi em đã biết cô ấy hát khá.
    Xuyến từ giữa sân len ra đứng cạnh chồng hỏi nhỏ:
    - Anh về nhà với con chưa? Nó nhớ bố ngày nào cũng nhắc, làm em cứ sốt cả ruột.
    - Giữa đường gặp anh Quyền, anh Thó rủ đi tắm luôn, chưa kịp về nhà.
    - Anh hay coi thường ghê cơ. Đi đường nóng chưa chi đã tắm. Mà anh ăn gì chưa cơ?
    - Ăn quà rồi. Tắm xong lại thấy đói.
    Xuyến hơi ngẩn người thanh minh rằng từ hôm anh đi, hai mẹ con cô vẫn ăn cơm bên bà ngoại. Anh Lăng bảo:
    - Bây giờ mình giao nhiệm vụ hai cậu về nhà Xuyến kiếm cái gì cho Hiếu ăn rồi hai cậu lại ra đây. Đi đi. Cứ yên trí. Đêm nay còn dài.
    
- o O o -

    Đêm nay bà con nông dân lao động làng Cuội nô nức chuẩn bị cho ngày mai. Ngày mai, theo anh đội Quyền thì nó là cái lúc tát cạn rồi, cá phơi mình ra rồi ta chỉ việc lấy cả hai tay chịt đầu, tóm đuôi không cho nó quẫy. Còn anh Lăng thì nói: “Ngày mai chúng ta được nhìn thấy thành quả đấu tranh gian khổ và quyết liệt của giai cấp. Nó là biểu hiện cao nhất của sức mạnh bần cố vùng lên. Khi bần cố đã vùng lên thì sức mạnh kinh hoàng khủng khiếp của nó sẽ làm rung chuyển cả trời đất, không có gì có thể cản nổi”.
    Suốt bốn tháng bảy ngày ròng rã. Sáng ra đồng cùng nhau ôn nghèo gợi khổ, tối về họp bàn tranh đấu, căm thù và khóc lóc, uất giận và đau thương, hào hứng và căng thẳng... bà con hiểu cái sức mạnh bần cố là thế nào. Ngày mai rồi tất cả sẽ ngơ ngác. Bà con bần cố, nhất là các khổ chủ, lên đấu sẽ ngơ ngác trước sức mạnh vũ bão của giai cấp mình. Kẻ thù sẽ ngơ ngác về sự sụp đổ tan tành của chúng. Những phần tử còn lừng khừng ngơ ngác không biết rồi những gì sẽ xảy ra! Vì thế đêm nay già, trẻ, gái trai, những nông dân lao động của cả ba xóm Cuội (thượng, trung và hạ nay gọi là xóm 1, xóm 2, xóm 3) phải nghìn nghịt tập trung ở miếu ông Cuội để xây dựng khí thế chung cho trận đấu cuối cùng, ngày mai. Cái khí thế bừng bừng vang lên trong tiếng trống, tiếng loa, tiếng hô khản cổ nó dậy lên khiến cả hai thằng con trai tên đại địa chủ phản động cũng đòi mẹ cho ra phục ở bờ tre xem và háo hức chờ đợi ngày mai! Lúc chập tối rửa khoai về, mẹ nó bảo:
    - Luộc thêm vào để mai mang đi.
    - Đi đâu hả mẹ?
    - Đấu địa chủ, còn đi đâu.
    - Hà hà. Thích quá.
    Thằng bé em bảy tuổi, thằng Sau ôm lấy cổ mẹ nó khoái trá. Đây là lần đầu tiên nó được ra khỏi nhà, được đi đấu địa chủ với bà con nông dân lao động. Thằng Mai chín tuổi, nó ít nói nhưng biết rất nhiều chuyện. Riêng ngày mai nó chưa biết người ta đấu bố mình. Mặt nó vẫn nhăn lại mắng em:
    - Làm gì nhắng lên thế. Để yên cho mẹ thở.
    Suốt ngày ở nhà với anh, anh bảo gì không nghe là “ăn” củng nên thằng em sợ anh hơn sợ mẹ. Nghe anh mắng, thằng em len lét rời khỏi tay mẹ, mẹ nó kéo nó vào lòng.
    - Thôi cho em ngồi với mẹ một tí. Nó nhớ mẹ quá đây mà.
    Thằng anh lầm lũi lo toan như người lớn. Nó xếp khoai ra mẹt, lấy bát múc canh bầu, so đũa rồi mới mời mẹ và em.
    - Nào thôi, để mẹ ăn đã. Nay đi ngủ sớm.
    Canh múc ra, khoai xếp vào mẹt đều đã nguội, mẹ vẫn không ngồi vào ăn. Từ hôm người ta giải bố đi, mẹ bị giam ba ngày rồi được tha về, hai anh em không phải mang cơm cho bố mẹ, chúng nó rất sợ phải ăn một mình. Dù sớm khuya thế nào nó cũng đợi mẹ về ăn cùng. “Hình như mẹ làm sao ấy. Em thấy mẹ lau nước mắt”. Thằng em thì thầm với anh. Đã ngồi xuống mâm, thằng anh lại đứng lên. Thằng em cũng bỏ củ khoai vừa cầm, đứng dậy hết nhìn mẹ, lại nhìn anh. Mẹ quay lại bảo:
    - Các con ăn đi. Mẹ phải có việc đã.
    Hai đứa đứng im, không đứa nào chịu ngồi xuống mâm. Mẹ bảo thằng Sau ra ngoài “gác” để mẹ bàn chuyện với anh Mai. Từ ngày bố bị bắt, Mai như người lớn, một người bạn của mẹ. Có việc gì từ to tới nhỏ mẹ cũng bàn bạc và hỏi ý nó. Để rồi nó lại nghiêm trang ra lệnh cho thằng em phải thế này, thế khác mà không cần giải thích. Thằng em được “gác” là việc hệ trọng nhưng nó vẫn đứng ngoài khe cửa hé mắt nhìn vào. Không nghe được mẹ nói gì, chỉ thấy mẹ thì thầm xong anh Mai bắt nó vào nhà ăn cơm còn mẹ ra cửa, đi. Hai anh em ngồi xuống. Thằng Mai hơi nghiêng mặt ra phía sau lấy vạt áo chấm nước mắt. Tiếng khóc thút thít bật lên, nó không thể giấu giếm được em như mọi khi. Thằng em không thể hiểu chuyện gì, nó chỉ thấy sợ. Nó cầm củ khoai ở tay, nhìn chằm chằm vào anh. Nước mắt nó cũng lặng lẽ chảy xuống. Rồi hai anh em cùng khóc thành tiếng, cùng mếu máo gọi “mẹ ơi, mẹ ơi” chả đứa nào dỗ đứa nào. Chả đứa nào ăn uống gì. Những củ khoai vẫn nằm lạnh lẽo quanh bát canh bầu cũng lạnh tanh ở mâm.
    Ra khỏi ngõ, mụ Đất luồn ngay vào ruộng ngô. Phải còng người xuống, mụ lần theo các hàng dõng đi về phía miếu. Lần mò qua hàng chục thửa ruộng, mồ hôi toá ra và hơi thở mệt nhọc không thể làm dịu lại nỗi hoảng hốt của mụ “Liệu ngày mai người ta tha cho anh hay đem anh ra tử hình?”. Nỗi hoảng sợ của mụ đã không kìm lại được khi nói với con “Mẹ phải liều đi xem người ta nói gì bố con. Ngày mai người ta đem bố về đấu đấy con ạ”. Đến gần sân miếu, mụ nằm phục xuống, nhoài dần vào chỗ có thể nghe ngóng được. Cả sân miếu sáng loá ánh đèn của ba cái măng sông treo thành hàng. Người đen đặc như muỗi. Nằm nghe một lúc mụ mới biết tối nay tất cả bà con nông dân lao động của cả ba xóm Cuội đến đây để tập dượt “đấu” cho thành thạo. Ở gần ngọn đèn chính giữa, anh đội Lăng giở sổ nhìn rồi nói:
    - Rút kinh nghiệm lần chúng ta vừa làm thử, tôi nhận xét và bổ khuyết sau:
    Một lớn, nhận định chung: Chúng ta có 36 người lên đấu chia thành từng nhóm như sau: Ba người tố về chiếm đoạt ruộng đất. Bốn người về phát canh thu tô. Sáu người bị đánh đập dã man. Năm người về lợi tức (vay ngô, khoai). Một người bị cưỡng hiếp. Bốn người tố tội làm tay sai gián điệp. Ba người tố tội hoạt động Quốc dân đảng. Sáu người tố về tội bóc lột nhân công. Hai người tố âm mưu giết tên Bạt, bịt đầu mối. Hai người tố về âm mưu chống phá cải cách. Nếu một hoặc hai người ở nhóm nào đó “đấu” nó đã “gục”, toà sẽ gọi người tố thuộc nhóm khác để đảm bảo đúng thời gian đã định.
    Hai lớn: ưu: Trong tám người tố thử, mới có ba người gây được xúc động nhiều như: Anh Thó, chị Xuyến, bà ba Xòi... Những người khổ chủ này đấu có bằng chứng cụ thể, nói từng việc rành mạch, rõ ràng. Bà ba Xòi tốc cái váy lành bằng vải lên để hở cái váy bằng bao tải ở phía trong ra so sánh ngày xưa khổ cực bị bóc lột thậm tệ, với ngày nay sung sướng. Rất cụ thể, làm người ta nhớ ngay. Anh Thó nói: “Ngày xưa mày bắt tao uống thuốc câm. Bây giờ đội cho tao uống thuốc “nói” tao mới được mở mày mở mặt, mới được nói”. Như thế là anh Thó ví rất sinh động. Hay là chị Xuyến bước lên bục đấu hỏi ngay: “Mày còn nhớ đống cây ngô không?” Nhất định nó phải hỏi lại “đống cây ngô nào ạ”. Lúc bấy giờ mới nói: “Mày còn giả vờ hả. Cái đống cây ngô mà mày đè ngửa tao ra trong đêm 12 tháng chạp năm 1953 có nhớ không? Mày làm tao mất trinh tuyết rồi (chị Xuyến cứ nói chữ “tuyết” được đấy. Nó mộc mạc, rất thành thật) mày làm hại đời tao rồi mày mới bắt tao phải lấy anh Hiếu là con riêng của vợ mày để mày phi tang, trốn tránh tội ác”. Như thế là gây được phẫn nộ rất lớn. Tiếng đả đảo của anh Thó hô lên lúc ấy và bà con rầm rộ hô theo rất đúng chỗ, tạo ra một khí thế khác hẳn. Ngày mai cứ thế ta phát huy.
    Ba lớn: Khuyết: Còn khuyết điểm của những khổ chủ khác là:
    Một: có những việc tố chưa đủ tư liệu, chứng cứ và lí lẽ, buộc tội nó chưa sắc bén. Ví dụ: tố nó đi gặp thằng Lỡi tỉnh trưởng năm 1946 và nó giao nhiệm vụ phá cơ sở của ta cho thằng Bạt năm 1951 thì phải nói rõ lúc ấy sáng hay chiều, đêm hay ngày, nhớ được giờ càng tốt, ở đâu, nội dung nó nói như thế nào? Thằng kia có nói hoặc làm gì không? Những khổ chủ này sau đây gặp đội để bổ sung đầy đủ những điều vừa nêu ở trên.
    Hai: Những khổ chủ tố nó về tô tức phải nói cụ thể là bao nhiêu? Nó đã làm cho gia đình mình đói khổ như thế nào. Và phải bắt nó trả, bắt bồi thường như thế nào?
    Ba: Tố chưa đủ điều kiện như chị Lạnh nói: Tao để bò ăn ngô, mày đánh tao. Lúc đó bà con nhắc: “đánh bằng gì” mới cuống lên nói: mày tát tao. Lúc bà con nhắc “thương tích” lại vội vàng nói “Mày thương tích tao”. Như vậy nếu không đủ điều kiện tự làm cho nó có lí là không được. Để bò ăn ngô thì nó tát, có gì gây được lòng căm thù? Không đủ điều kiện cũng rất khó thuộc. Đã không thuộc dễ cuống làm giảm tác dụng cuộc đấu.
    Bốn: - Tố chung chung và “giáo đầu” giống nhau như... ai cũng hỏi câu: “Mày biết tao là ai không?” Tố về bóc lột nhân công chỉ nói nhờ có Đảng và Chính phủ, nhờ mặt trận bà con chúng tao mới được vùng lên đấu tranh với giai cấp của mày. Giai cấp của mày là gian ác, ngồi mát ăn bát vàng, còn giai cấp bần cố chúng tao bị bóc lột tận xương tận tuỷ. Có người lại nói nhầm: giai cấp bần cố chúng tao là xương là tuỷ, làm mọi người cười ồ lên, mất hết khí thế.
    Bốn lớn: Bổ khuyết:
    Một: Các tổ nhóm sau đây về ôn lại, sửa chữa cho nhau khi nào nhớ đầy đủ, thật trơn tru mới giải tán. Về nhà ngủ các khổ chủ thấy chỗ nào còn ngắc ngứ phải nhẩm lại, thậm chí còn phải ngồi dậy mà tập thử. Làm như lúc bước lên bục đấu, đứng trước mặt nó.
    Hai: Ngày mai, chỗ nào khổ chủ bị “vấp” quên mất bà con ở nhóm phải nhắc ngay và các đồng chí tuyên truyền phải cầm loa đứng ngay dậy “đả đảo”.
    Ba: Nếu người lên tố có nói nhịu hoặc quên, không ai được cười. Ai cười coi như phản động làm giảm ý chí đấu tranh của nông dân. Lúc khổ chủ chịu hoặc quên, bà con cùng nhóm cạnh đấy có thể chạy lên tát vào mặt nó hỏi: “Mày còn ngoan cố nữa không? “ hoặc: “Tên địa chủ độc ác, mày phải đền tội” v.v...
    Chú ý không được đánh nó chết. Tất nhiên trên này đã có án tử hình rồi. Nhưng phải vạch trần hết sự thâm độc giảo quyệt và tội ác tày trời của nó đã. Nếu bà con ai thấy căm thù quá cứ tự động đứng lên hô đả đảo hoặc chạy lên túm tóc, túm áo nó giật giật, thét lên: “Tội mày trời không dung, đất không tha” hoặc “Phải trả nợ máu cho chúng tao”.v.v...
    Càng nghe thị Đất càng tê dại mê man... Anh đội Lăng nói:
    - Còn một điểm cuối cùng nữa tôi phải phổ biến nốt rồi giải tán về các nhóm.
    Mụ Đất vội vã bỏ trở về. Chừng dăm bảy chục mét mụ đứng vụt dậy chạy như ma đuổi. Đã quá nửa đêm. Thằng Mai vẫn ngồi ôm em cạnh mâm khoai và bát canh nguội lạnh. Em ngủ, còn nó thức. Mẹ nó đột nhiên lao vụt vào cửa rồi ngã vật xuống cái nong vốn là “giường” của ba mẹ con. Chân tay lạnh cứng, mẹ nó như người trúng gió. Thằng Mai buông em ra ngã bên cạnh mâm, nó chạy lại lay đầu mẹ. Thằng em cũng tỉnh dậy. Hai anh em túm tay lay lay đầu mẹ, khóc nấc lên. Mẹ nó vẫn cứng lại. Hai đứa sợ run lên. Chúng chỉ dám hoảng hốt gọi thầm mẹ không dám kêu. Kêu khóc, du kích xộc vào, bắt mẹ đi, mẹ chết mất: “Mẹ ơi, mẹ ơi... ơ... Mẹ ơi. Mẹ ơi... ơ... ơ ơ” Chừng mười lăm phút sau mẹ nó mới tỉnh lại, liếm vào hai vành môi khô se, mẹ nó nói đứt quãng:
    - Mẹ không... ông... làm sao đâu.
    - Mẹ ơi. Mẹ ơi. Mẹ đừng làm sao nhớ.
    - Ừ mẹ không làm sao. Các con ăn no chưa?
    - Rồi ạ.
    - No lắm rồi mẹ ạ.
    Cả hai đứa sợ mẹ biết hai anh em chưa ăn gì, đói thì mẹ chết nên chúng cùng nói dối để mẹ khỏi chết.
    - Nằm xuống đây với mẹ. Mai khép cửa rồi ngủ đi con. Sắp phải đi rồi.
    Cả hai đứa đều không chịu nằm ngủ. Mỗi đứa ngồi một bên, nó cứ sợ rời ra mẹ lại đi mất.
    - Không ngủ. Ngày mai các con ốm. Mẹ chết mất.
    - Nằm xuống em.
    Thằng Mai bảo em nằm vào lòng mẹ, còn nó trước khi nằm hẳn, hỏi mẹ:
    - Ngày mai người ta có đấu bố không mẹ?
    - Không thấy người ta nói gì đến bố.
    - Mai người ta bắn bố đấy mẹ ạ.
    - Sao lại nói liều thế hở con.
    - Chiều nay con ra đầm Cuội gánh nước, thấy mấy đứa nó đi xem chôn cọc, đào hố về nó nói như thế.
    Nó bảo người ta đào hố chôn cọc rồi lại phủ cành cây kín đi để không ai biết.
    - Người ta xử người xã khác đấy.
    - Không phải mẹ ạ. Ai cũng bảo ngày mai đấu tên Kiêm đầu sỏ.
    Im lặng. Mẹ ôm ghì lấy thằng Sau. Thằng Mai lại lập cập nói:
    - Con sợ họ bắn bố lắm mẹ ạ. Mẹ ơi con sợ lắm.
    - Mai ơi, con ơi. Con ơi... ới anh ơi. ới giời cao đất dày ơi... ơ...ơ
    - Ới bố ơi. Bố ơi...
    - Ới bố ơi. Bố ơi.
    - Ới anh Kiêm ơi. Là anh ơi. Ới ông bà nông dân ơi.
    - Ới mẹ ơi là mẹ ơi, bố con đâu rồi mẹ ơi.
    - Ới mẹ ơi bố con đâu rồi mẹ ơi.
    - Ới ông giời ơi. Ới anh ơi...! Ới giời cao đất dày ơi. Chồng tôi làm gì nên tội nên tình mà hãm hại chồng tôi. Ới giời ơi. Ới ố, ố...
    Nhưng giời thì cao, mà đất thì dày. Tiếng kêu của ba mẹ con mụ, dù có là thống thiết bi ai, có là xé ruột xé gan, nát lòng nát dạ hàng trăm người đứng ở đầu nhà hướng về phía nhà mụ lặng lẽ lau thầm nước mắt thì vẫn không thể thấu đến trời cao và đất dày.
    Năm giờ chiều ngày hôm sau, trước khi du kích lao đến nhét giẻ vào mồm chồng mụ, mụ còn nghe thấy tiếng gọi. “Các con ơi, Mẹ nó ơi. Tha cho...” rồi mụ mới ngất đi. Mụ không thể biết rằng khi những người du kích xách súng phủi quần đứng dậy và anh đội Lăng bắn phát súng lục cuối cùng vào đầu, máu ộc ra thì có tiếng thất thanh của một cán bộ tóc lốm đốm bạc nhảy từ ô tô xuống kêu: “Đình lại. Đình thi hành án lại”. Nhưng chỉ còn có máu chảy đỏ nhoà thân cọc. Những sợi cỏ gà khô cứng dưới chân làm ông bước liêu xiêu rồi ngã gục. Người ta vội vàng chạy lại đỡ ông dậy. Khuôn mặt ông đã đầy cát và hai mắt đỏ vằn lên như máu chảy ở trong đôi mắt người cán bộ lão thành ấy.
    

Xem Tiếp Chương 11Xem Tiếp Chương 18 (Kết Thúc)

Chuyện Làng Cuội
  » Xem Tập 1
  » Xem Tập 2
  » Xem Tập 3
  » Xem Tập 4
  » Xem Tập 5
  » Xem Tập 6
  » Xem Tập 7
  » Xem Tập 8
  » Xem Tập 9
  » Đang Xem Tập 10
  » Xem Tiếp Tập 11
  » Xem Tiếp Tập 12
  » Xem Tiếp Tập 13
  » Xem Tiếp Tập 14
  » Xem Tiếp Tập 15
  » Xem Tiếp Tập 16
  » Xem Tiếp Tập 17
  » Xem Tiếp Tập 18
 
Những Truyện Dài Khác
» Liêu Trai Chí Dị
» Pie Đệ Nhất
» Thiên Thần Và Ác Quỷ
» Tuyết Bỏng
» Cuộc Đời Của Pi ( Phần II )
» Mao: The Unknown Story
» Con Lừa Và Tôi
» Trái Tim Không Cần Lý Lẽ
» Tình Ca Giáo Viên Miền Núi
» Cuốn Sổ Lớn
» Chuyện Tình New York