Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Dài » Vàng Và Máu Tác Giả: Thế Lữ    
    Rồi ông quay đầu về nhà bên, cất tiếng se sẽ gọi:
    - Tô Nang à! Tô Nang à!
    Tô Nang là người thiếp thứ năm của ông Châu Nga Lộc.
    Một lát tiếng chân ở ngoài đi tới; ông lim dim mắt nhìn lên đình cái màn chưa buông, nằm vuốt râu có ý đợi.
    Cái cảnh tù mù trong gian phòng kín đáo kia vì đâu làm cho ông thấy thú vui của sự sống?
    Cửa khẽ cọt kẹt mở, rồi tiếng một người đầy tớ vào thưa:
    - Quan Châu à!
    - Hả?
    - Có một thằng trông mặt sợ hãi lắm, ở đâu hồng hộc chạy vào đây. Nó còn ở ngoài sân đấy.
    - Nó vào làm gì?
    - Không biết, nó không nói được, nó cuống quýt bám lấy Noòng, chỉ một tí nữa thì bị chó cắn chết.
    - Mà sao lại để cho nó vào mới được chứ? Đuổi nó ra.
    Quan Châucàu nhàu quay lưng vào. Rồi lại gọi:
    - Tô Nang à, đi đóng cửa nhé!
    
    Một lát, cửa lại thấy mở hé:
    - Quan Châu à!
    Quan Châu ra dáng bực mình:
    - Cái gì?
    - Cái người lúc nãy...
    - Mặc kệ người lúc nãy! ầy... à!
    Rồi ông ta lại gắt:
    - Mà làm sao cho nó vào mới được chứ?
    - Cổng sắp đóng, nó chạy nhanh quá, đâm bổ vào, không ai giữ được. Bây giờ nó không chịu ra nữa.
    - Nhưng mà nó vào làm gì?
    - Nó đã nói được rồi, nó bảo, nó cần thưa với quan Châu một chuyện ghê gớm lắm.
    Ông Châu bực tức vô cùng. Ông chống tay chực dậy, nhưng còn mong bảo cái thằng Thổ quấy rầy kia một lần nữa rằng: Việc quan trọng đến thế nào cũng phải để đến mai.
    Người đầy tới trình:
    - Nó bảo nó thấy một việc ghê gớm lắm: Một người thắt cổ, với một người chết. Mà nó ở hang Văn Dú ra.
    - Ở đâu ra?
    - Hang Văn Dú!
    - Hang Văn Dú?
    - Phải rồi.
    Ông Châu ngồi hẳn dậy, bảo:
    - Gọi nó vào đây.
    Rồi ông tung chăn ra, khêu to ngọn đèn lên, sốt sắng muốn nghe câu chuyện lạ.
    Một người trần gian dám vào hang Thần là một việc ghê gớm vô cùng. Song đối với Quan Châu thì lại là một điều lạ thường hơn là quái gở. Vì ông là một người thổ vào hạng trí thức, đọc quá nhiều sách chữ Hán, biết rất nhiều chuyện cũ. Những điều ly kỳ mà dân ông mê tín, như những việc bí hiểm trong hang Thần, ông vẫn ngờ là chuyện huyền hoặc cả. Ông cho rằng đó chỉ là điều phao truyền vô lý của những người bày chuyện, hoặc là những mưu kế của kẻ nào có vàng bạc giấu ở trong hang.
    Nhiều lần ông muốn vào tận hang xem, ông lại hy vọng sẽ tìm thấy của cải trong ấy nữa. Song những điều dị đoan truyền lại lâu ngày vẫn có cái vẻ hiển nhiên rất vững chãi, thường khiến những người cứng cỏi nhất cũng sờn lòng. Ông chắc hang Thần không làm hại được mình. Thế mà biết bao lần ông hăm hở định vào thám hiểm trong hang, rồi lại thôi không dám quyết.
    Người Thổ lúc nãy đến tưới dầu vào ngọn lửa can đảm chỉ chực những tắt trong lòng ông Châu.
    Hai người đày tớ dẫn anh ta vào, như dẫn một người tù. Ông Châu bảo họ lui ra và đóng cửa lại.
    Người lạ mặt đứng trong bóng tối, cách Quan Châu chừng năm bước, vẫn yên lặng chưa nói gì. Ông Châu quắc mắt nhìn khắp người anh ta. Bộ mặt anh ta rõ rệt in hình ảnh sự kinh ngạc. Anh lấm lét vừa nhìn xung quanh, vừa thở, môi mấp máy không nói được lời nào.
    Một lúc, ông Châu quát to:
    - Mày vào đây làm gì?
    Anh thổ choàng người lên, rồi nhìn thẳng vào mặt ông Châu, nuốt nước bọt nói:
    - Tôi trình quan Châu... rằng ở cửa hang Văn Dú... có một người thắt cổ.
    Khi nói đến tiếng Văn Dú, anh ta tái mặt đi. Bỗng thấy ông Châu nhìn ra phía cửa gắt mắng ầm lên:
    - Ai cho chúng mày nghe trộm? Có cút đi không chết cả bây giờ?
    Người lạ mắt luống cuống.
    Ông Châubảo:
    - Tao mắng người nhà, mày không việc gì.
    Rồi ông lại hỏi:
    - Nhưng mày đến Văn Dú hay sao mà biết?
    -Tôi ở Văn Dú về đây... Tôi đi với một người tên là Nùng Khai...
    - Nó đâu?
    - Chết rồi!
    - Nó chết rồi à?
    - Phải!
    - Chúng mày là người ở đâu? Đến đây làm gì? Đầu đuôi thế nào, kể ra.
    Người con trai chưa kịp trả lời, ông Châu lại hỏi:
    Mày không biết Văn Dú là chỗ ghê gớm sao?
    - Có chứ!
    - Thế sao còn đến, đến làm gì... nói mau?
    Người con trai thưa:
    - Tôi là người Châu Kao Lâm, làm bộ hạ cho Quan Châu tôi. Tôi với Nùng Khai đến Văn Dú vì có việc riêng, Quan Châu tôi sai làm. Chúng tôi đến nơi thấy có mọt người thắt cổ treo trên cây, mà là một người Khách, nên không dám vào nữa, tôi chắc người Khách chết vì hang Thần. Nùng Khai không thèm nghe, vào đấy một mình nên quả nhiên cũng bị chết.
    Người lạ mặt bèn thuật lại việc từ lúc ông già thổ đi vào trong hang tối, lúc anh ta đứng một mình chờ đợi nghe ngóng mãi, rồi ném hòn đá sỏi thứ hai và nghe thấy tiếng chân ông già chạy ra, cho đến lúc ông già chết cứng trong tay mình mà không nói được một lời nào hết.
    Chốc chốc quan thổ lại chặn hỏi cặn kẽ, nhưng người này, ngoài những cái hắn trông thấy, chừng cũng chẳng biết gì hơn nữa. Câu trả lời của hắn, bởi thế, không được vừa ý ông Châu.
    Nhưng khi hắn nói tìm thấy mảnh giấy rướm máu ở tay ông già, và đưa ra để ông Châu xem thì ông ra chiều vừa ý lắm. Ông hăm hở cầm lấy, hình như đã nắm được đầu mối của sự dị thường này.
    Trong lúc ông Châu giở tờ giấy ẩm ra xem thì người thổ Kao Lâm nhớ lại bước nguy hiểm sợ hãi đã qua. Anh ta không ngờ một người yếu bóng vía như mình lại thoát được khỏi tay thần Văn Dú.
    Anh ta nhớ rằng chính lúc sợ hãi ở bên cái xác nằm cứng đờ của Nùng Khai thì trong trí vẫn tỉnh.
    Bây giờ trời mỗi khắc một u ám, người anh ta thấy lạnh lẽo, tưởng chừng như bị cái tử khí ngấm dần vào.
    Nghĩ đến người Khách chết treo, nghĩ đến cái hoảng hốt của người thổ già lúc chạy ra khỏi hang, nghĩ đến cái hang mình ngồi trước cửa cùng với một người bị nó làm hại; lại nghĩ đến những điều nguy khốn độc ác nó sẽ lừ lừ vây quanh mình như đêm tối ám mù cảnh vật; anh ta liền vùng dậy, buông cái xác ông già xuống đất, như thêm táo tợn vì quá khiếp sợ, khoa thanh lao sáng lên trước mặt rồi hết sức nhanh chạy về đường Kao Lâm.
    Đang chạy, sực nhớ ra trước mặt mình có cái suối sâu khó lòng qua được; anh ta vội rẽ sang tay phải; chạy được một độ, thì lại gặp khúc suối nữa chắn ngang. Anh ta thét lên một tiếng to, rồi bán sống bán chết chạy về phía châu Nga Lộc.
    Anh chàng thở không ra hơi mà vẫn cứ luôn mồm gọi tên các chư vị "sằn slin" đến cứu. Lúc nào sau lưng cũng ồn ào như có ai đuổi bắt; mà càng chạy càng thấy chậm, bước đuổi càng thấy mau. Những đồi núi rừng rậm như thêm nhiều mãi ra. Đường lối gồ ghề, vừa dính vừa trơn làm cho anh ta cứ chúi vấp hoài, trượt ngã hoài; trăm lần tưởng chết!
    Đến lúc trông thấy những nhà cửa dưới chân đồi và cái cổng lớn ở châu Nga Lộc thì trời đã tối. Anh ta chạy vụt ngay vào cổng. Những tiếng hò hét của bọn tôi tớ lại khiến anh ta thêm hoảng, vì anh tưởng đó là những tiếng ma quỷ ở trong chỗ nhà cửa biến hiện ra. Nhưng anh ta đã qua một cái sân rộng và phẳng; đã ngửi thấy mùi thóc vựa và ngựa chuồng là những mùi quen thuộc, rồi lại nghe thấy những câu hỏi giận dữ của mấy người nắm mình lại; lúc ấy anh ta mới dám chắc là mình thực còn ở dương gian.
    Các người nhà ông châu Nga Lộc xôn xao nháo nhác lên vì nghe thấy anh ta bảo ở Văn Dú đến. Nhưng chính ông Châu thì không tỏ vẻ sợ hãi gì. Bấy giờ người thổ Kao Lâm thấy ông ta tì trán vào lòng bàn tay, lẳng lặng không nói câu nào và ra chiều suy nghĩ một cách điềm tĩnh.
    Cái vẻ ấm áp trong gian phòng sáng bởi ngọn đèn cao này đã làm cho anh ta tỉnh hẳn người lại. Anh ta xì mũi vắt xuống đất, liếm môi một cái rồi khẽ cất thứ giọng kín đáo của người hiến mưu kế mà nói với ông châu những thần những thánh, những thầy mo, bà then, đến những phương cầu cúng để cho thần Văn Dú nguôi cơn lôi đình; vì hắn cho cái chết của người Khách và Nùng Khai là do sự tức giận của thần núi. Cái lòng mê tín của dân thổ lại thấy biểu lộ ra một lần nữa. Ông Châu trí thức kia liệu có sờn lòng vì những điều mắt thấy của tên thổ này chăng?
    Người thổ Kao Lâm cứ lải nhải hoài.
    Ông Châu thì vẫn trầm ngâm nhìn xuống mảnh giấy dày đặt trên án. Có lẽ ông ta đang nghĩ ngợi đâu đâu chớ không để ý đến những lời anh Thổ nói: vì bỗng nhiên ông ta đọc:
    Miệng có hai răng
    Mày vào trăm chân
    Mày lên ba tay
    Tên mày là đá...
    
    Rồi ông hỏi:
    - Mày có biết chữ đấy?
    Anh ta chưng hửng một lát rồi thưa:
    - Có biết.
    Ông Châu cau mày, lại hỏi:
    - Mà mày hiểu những câu này chứ?
    - Hiểu à? Không!
    Ông Châu thở dài:
    - Thực mày không hiểu nghĩa gì à?
    - Không, mà hiểu làm sao được.
    - Mày lấy mảnh giấy này ở tay Nùng Khai à?
    Người Thổ Kao Lâm thưa:
    - Nó ở hang ra tôi mới thấy có. Tôi hỏi, nó không nói được, tôi bảo ra hiệu cho tôi hiểu ý, thì nó chết mất rồi.
    Ông Châu vừa nhìn vào tờ giấy, vừa hỏi:
    - Nùng Khai là người như thế nào?
    - Là người ông Châu Kao Lâm sai đi đến Văn Dú với tôi.
    - Nó là người tin cẩn của ông Châu Kao Lâm phải không?
    - Phải, cũng như tôi.
    Ông Châu khẽ gật đầu. Ông đặt mảnh giấy xuống bàn ngẩng đầu lên nhìn người thổ Kao Lâm rồi dịu lời bảo hắn:
    - Bây giờ, mày không được giấu tao một điều gì, thì tao mới xét được rõ việc này. Người Khách kia chết, người Thổ Nùng Khai chết, mà mày không chết; mày cũng đến Văn Dú; mày biết rằng ai giết nó. Thế ngộ bảo mày giết thì sao...?
    Người trẻ tuổi vội nói:
    - Không! Không phải! Không phải tôi...
    Ông Châu liền chặn lại:
    - Ừ, tao cũng biết. Nhưng người ta muốn buộc tội cho mày cũng được. Tao lại biết chúng mày định vào hang Văn Dú làm gì nữa kia... Lúc nãy mày bảo quan châu Kao Lâm sai đi có việc riêng, tao đoán biết ngay. Đây là tao hỏi cho rõ thêm, mày không được giấu nữa...
    Rồi ông Châu nhìn thẳng vào mặt người trai Thổ hỏi một cách dõng dạc:
    - Tại sao quan châu Kao Lâm lại biết được trong hang Thần có của chôn?
    Người thổ Kao Lâm giật nẩy mình lên, không giấu được cái kinh ngạc. Trong lúc hốt hoảng, hắn đã trót nói với quan châu rằng: Nùng Khai và hắn đi tới Văn Dú theo lệnh ông quan châu Kao Lâm sai đi. Sau hắn nghĩ lại, định bịa đặt ra một câu chuyện nào đó: như đi tìm người nhà lạc, hay đi qua Văn Dú tự dưng bị dủn dủi vào hang, hay là chuyện huyền hoặc nào khác đợi ông Châu hỏi thì han sẽ đem ra mà trả lời. Không ngờ câu hỏi của ông Châu đường đột quá, lại trúng ngay vào sự thực mà hắn muốn giữ kín. Hắn không dám nhìn đôi mắt soi mói của ông Châu Nga Lộc nữa, và đứng lặng thinh.
    Ông Châu lại lấy lời nói thực dịu dàng bảo hắn:
    - Mày đứng lại gần đây. Đừng sợ mà cũng đừng ngại gì hết. Mày phải nói rành mạch đầu đuôi công việc mày định làm cho tao nghe.
    Người thổ Kao Lâm vẫn không thưa. Ông quan thổ nói tiếp:
    - Tao có đủ quyền thế để bênh vực mày, cũng có đủ quyền buộc tội mày nữa, mà tao muốn cho mày ở đây hay đuổi mày ra khỏi châu cũng được, ở châu tao không nhà nào dám chứa một người ở hang Thần về.
    Ông châu Nga Lộc trông thấy rõ cái sợ hãi trên mặt người trai Thổ: Hắn nhìn ông ta ra ý van lớn.
    Ông ta lại dỗ:
    - Thế nào? Mày nói đi. Nói thực mọi điều cho tao nghe. Mày đã vào đây, đã khỏi chết vì ông thần Văn Dú rồi, thì mày nói đi, giấu tao làm gì nữa? Mày giấu tao, rồi tao cũng biết được kia mà?
    Anh chàng nuốt nước bọt, liếm môi hai ba lần; mặt nhăn nhó ra vẻ khổ sở, tuyệt vọng. Nhưng hắn biết lời của ông quan này chắc chắn như dây sắt ràng buộc, nên phải khai rằng:
    - Cách đây ngót mười hôm, một người lý trưởng bản Đong thuộc châu Kao Lâm đến nhà quan châu tôi để đưa một bản địa đồ vẽ đường lối đi vào Văn Dú và biên mấy câu thần chú để khi vào được hang ấy mày đọc thì tìm thấy vàng.
    - Nhưng câu thần chú ấy chép trong mảnh giấy này phải không?
    - Phải rồi. Nhưng mảnh giấy này lại khác. Chắc Nùng Khai lấy ở trong hang ra: chỉ thấy những chữ chớ không có địa đồ.
    - Thế nghĩa là việc này có người khác biết chứ gì?... Có lẽ là thằng Khách?... mà sao nó lại chết, có người nào ở trong hang nữa không?
    - Tôi không biết. Tôi biết thế nào được.
    - Ừ, phải kể nốt đi.
    Anh ta kể tiếp:
    - Bản địa đồ ấy nguyên là của một ông già bản Đong tên là Hoàng An Lài, lúc gần chết trao lại cho người lý trưởng ở gần đấy, nói rằng đó là bản sao lại bức địa đồ của một người Tầu đời nhà Minh sang làm quan bên này; viên quan tàu có của để ở Văn Dú...
    - Thế nào? Một người quan Tàu, đời nhà Minh?...
    - Phải, bấy giờ là hồi quan nhà Minh sang cai trị...
    Viên quan Tàu kia tích được rất nhiều của trong hang Văn Dú một cách rất kín, rất khéo, không ai biết được, định sau này sẽ mang dần về Tầu; không ngờ trong nước người Kinh nổi lên đánh đuổi quân Minh, viên quan kia phải chạy ẩn vào nhà ông tổ ba đời nhà An Lài, rồi vì già yếu và lo nghĩ quá nên chết ở nhà ấy. Lúc hấp hối, người ấy có để lại cho nhà họ Hoàng rất nhiều tiền bạc, và đưa ra một bức địa đồ chỉ nơi giấu của, nhờ đưa sang cho con cháu bên Tầu.
    - Thế người quan Tầu không có bộ hạ sao?
    - Nghe như có. Song người nhà họ Hoàng thông thuộc đường lối và trong khi loạn lạc, họ có cách trốn được ra ngoài. Người quan Tầu bắt nhà họ Hoàng thề nguyền rất độc, không bao giờ được lộ việc ấy ra cho ai biết, mà nhất là không được tìm cách vào hang Thần. Viên quan ấy lại cho biết rằng y đã yểm vào các của giấu ở trong núi và nhờ thần núi giữ của trong ấy nữa, của cải chỉ có con cháu người quan Tầu mới dùng được, mà ai cả gan hay vô tình vào hang Văn Dú sẽ bị thần vật chết ngay.
    Nhà họ Hoàng không tin. Người Tầu chết rồi, họ liền đem sao lại bức địa đồ và chép lấy những lời "thần chú" biên lên một mảnh giấy khác.
    Ông châu Nga Lộc hỏi:
    - Thế thì có lẽ chính là mảnh giấy này.
    - Tôi không biết chắc. Người nhà họ Hoàng đưa những giấy tờ của viên quan nhà Minh cùng với hai bản giấy kia sang Tầu, rồi không thấy ai trở lại cả. Để ý dò xét ba bốn mươi năm trời, sau lúc người Kinh đã bình định, và lúc mấy thầy địa lý Tầu đã qua lại được nước Nam, mà vẫn không thấy tăm hơi nhà họ Hoàng, cũng không thấy bóng người Tầu nào sang tìm của hết.
    "Về sau con cháu họ Hoàng học thuộc chú và đánh liều đi kiếm của trong hang thần. Nhưng người nào đi cũng không thấy trở lại nữa. Có hai lần người ta đi tìm thì thấy một đứa nằm chết ở gần suối Văn Dú, còn những đứa khác người ta chắc chết ở trong hang, nhưng không ai dám vào. Việc ấy đồn ra và từ đấy bắt đầu có những chuyện ghê gớm gây nên bởi thần Văn Dú. Ở làng gần suối lớn đã phải lập ra tục tế thần núi bằng các người con gái đẹp mới được bình yên. Nhà họ Hoàng không bao giờ dám lộ chuyện kín về sự yểm của ra vì sợ người ta đổ cho cái hoạ lớn kia gây nên tại nhà mình...
    Ông Châu chặn lại hỏi:
    - Ừ, thế sao họ Hoàng không huỷ cái giấy kia đi?
    - Hình như họ muốn giữ lại để sau này con cháu người quan Tầu có ai sang tìm của, họ sẽ đem giấy ra làm chứng, mong người Tầu đền ơn. Song đến đời An Lài thì ông ta vẫn giữ kín không cho các con biết, sợ chúng vì tham mà mang hoạ... Hoàng có ý đưa cho lý trưởng bản Đong để hắn trình cho quan châu Kao Lâm biết đến nguồn gốc những cái hoạ bí hiểm của hang Thần.
    Quan châu Kao Lâm tôi lại không sợ những điều ghê gớm kia, bàn với tôi cái kế tìm vàng trong Văn Dú, và có ý sai tôi đi dò xét trước. Tôi mới nghe cũng đủ khiếp, nhưng Quan Châu tôi nhất định bắt tôi phải vâng theo. Trong mấy ngày ông ấy giảng dụ các lẽ cho tôi nghe, cắt nghĩa cho tôi không sợ những chuyện người ta đồn về hang Thần, lại hứa cho tôi rất nhiều tiền, lại cho tôi được làm chánh tổng nữa... Nhà tôi mấy đời nhờ vả nhà Quan Châu tôi, mà bây giờ cũng nghèo. Tôi biết chắc nếu việc thành thì sung sướng một đời nên mới vâng lệnh ông Châu tôi...
    - Thế còn Nùng Khai?
    - À, phải cũng tại Nùng Khai nữa, nên Quan Châu tôi càng muốn tìm cho được của trong Văn Dú, mà tôi được vững lòng thêm. Nùng Khai là một tên cướp rất táo tợn, nó vẫn chửi rủa Văn Dú mà không việc gì. Nó lại bảo rằng nếu nó biết trước Văn Dú có vàng thì nó lấy đã lâu rồi, không phải đi cướp đâu nữa.
    - Sao Quan Châu Kao Lâm lại giao việc cho một tên cướp?
    - Vì nó có họ với một người thiếp của Quan Châu tôi. Nó bị bắt đáng nhẽ bị chết chém, nhưng Quan Châu tôi lấy quyền thế giảm tội cho nó. Bởi thế, lúc cho gọi nó lên, nói đi tìm của thì nó thề sống thề chết sẽ trung thành. Nó quả quyết sẽ đi vào hang Thần, sẽ tìm cho được của trong hang Thần. Ông Châu tôi liền giao cho nó bản địa đồ kia, lại cho tôi đi theo, vừa để coi chừng, vừa để giúp đỡ nó. Tôi thấy nó nói mạnh bạo và khôn khéo lắm, nên quên cả sợ. Nhưng đến lúc gần thấy hang núi, tôi đã lo ngại; lúc qua suối lớn, tôi đã ghê rợn; sau lại thấy thằng Khách thắt cổ... Rồi lại thấy Nùng Khai hốt hoảng ở trong hang chạy ra...
    Ông châu vừa nghe người Thổ Kao Lâm vừa lấy que đẩy cho ngọn đèn dầu cháy to lên. Trên mặt ông hiện ra cái vẻ chăm chú của một người thu hết cả tâm trí vào một công việc: Lông mày nhíu lại, đôi mắt trong sáng lạnh lùng nhìn ngọn lửa mà hơi thở của ông làm cho run run.
    Ông khẽ nói:
    - Ai giết tên Khách kia? Trong hang còn có người nào không? Có vật gì không? Yêu quái ư? Sao Nùng Khai lại chết?
    Mấy câu đó nói nhanh, nhưng chẳng bảo ai, như lời tự vấn; và người con trai Thổ cũng không biết đáp thế nào được nên ngậm tăm.
    Ông quay lại nhìn hắn và hỏi to lên:
    - Thế trong mình Nùng Khai không thấy có vết tích gì chứ? Mày có thấy dấu máu nào không?
    Người thổ Kao Lâm ngẫm nghĩ một hồi:
    - Không thấy gì cả... Hay là không thấy vết thương nào nặng đến nỗi làm chết được người.
    - Nhưng không có một tí dấu vết gì sao?
    - À có! Mà nhỏ lắm: chỉ lấm tấm rớm máu như chỗ da kỳ mạnh hay bị xước mà thôi...
    - Thế à? Ở chân phải không? Nó hẳn bị cái gì quấn chặt ở chân...
    - Không! Ở tay, ở hai bàn tay, nhiều nhất là ở các ngón.
    Ông Châu lẩm bẩm:
    - Thế thì quái lạ, quái lạ lắm!
    Ông vừa nói vừa nhìn mảnh giấy vuông mà ông lật hết mặt nọ đến mặt kia.
    - Vết máu trên tờ giấy này (lời người trai thổ) là ở tay Nùng Khai dính ra đấy. Nó nắm chặt quá, tôi gỡ mãi mới lấy ra được.
    Ông Châu tưởng chừng như không để ý đến câu vừa rồi, chỉ hỏi:
    - Thế còn bản địa đồ kia?
    - Bản địa đồ kia Nùng Khai giắt trong mình nó, tôi không dám lấy. Bản địa đồ ấy chỉ vẽ lỗi đi Văn Dú chứ không vẽ đường lối trong hang.
    Ông Châu gật gù:
    - Ừ, được rồi, tao hiểu rồi. Bây giờ mày hãy lui xuống nhà nghỉ đi. Rồi ở đây với tao, tao sẽ liệu. Chúng nó có hỏi thì không được kể điều gì về hang Văn Dú hết, nói rằng Quan Châu bắt phải im.
    - Mà Quan Châu có bảo thầy mo...
    - Được rồi. Có. Thôi xuống đi. Noòng à! Lên dẫn nó xuống cho nó thay quần áo, cho nó sưởi, rồi bảo nó ngủ đi.
    Lúc theo tên Noòng xuống dưới nhà, người thổ Kao Lâm còn dặn với:
    - Quan Châu bảo thầy mo nhé... Quan Châu à.
    - Được, được!
    Quan châu Nga Lộc chẳng bảo thầy mo nào hết. Cánh cửa vừa khép lại, ông ta liền thắp lên một ngọn đèn nữa, hăm hở kéo tờ giấy gần lại, suy tư nghĩ ngợi.
    Mặt ông Châu hồng lên và lộ vẻ mừng rỡ. Ông ta bắt đầu xét lại mảnh giấy của người thổ Kao Lâm rất cẩn thận, vì ông biết rằng hiểu được ý tứ của những câu chữ Hán viết trên đó, ấy là phá được cái tường bí mật của thần giữ của và cắt nghĩa rành mạch được các điều kỳ dị xảy ra.
    Những hình vẽ ngây dại và mấy hàng chữ viết rất tốt, tuy bị nước thấm ố hoen, song vẫn rõ ràng lắm: Nét mực cũ đã ăn sâu xuống mặt tờ giấy ướt và dầy. Hình bên trái vẽ một người áo cộc quỳ lên, hai tay cầm một tờ giấy giơ thẳng ngang mặt như người đọc sớ. Ông Châu đoán có lẽ nó muốn chỉ bảo phải trân trọng giữ lấy và theo những lời mầu nhiệm của mấy hàng chữ Hán kia. Bó đuốc, vẽ ở bên trái, ngọn lửa cháy và bốc khói lên, chắc hẳn chỉ về sự tối tăm, hiểm hóc trong hàng thần; hoặc ý bảo phải tìm xét cho hiểu thấu những nghĩa ẩn trong mấy câu kia, mấy câu mà người thổ Kao Lâm gọi là những lời thần chú.
    Ông đọc qua một lần mấy hàng chữ nho. Rồi ông đọc lại lần thứ hai và thứ ba; làm như cứ nhắc lại như thế thì sẽ thấy cái nghĩa ẩn trong đó:
    Miệng có hai răng;
    Ba chân bốn tay;
    Mày vào trăm chân;
    Mày lên ba tay;
    Tên mày là đá;
    Đá sinh trứng đá;
    Trứng đá giữ của;
    Mày có sức mang;
    Mày giàu, mày chết.
    Những câu kỳ lạ đến nỗi làm cho ông ngờ là lời thần chú thực. Nhưng không có lẽ; nếu phải lời thần chú thì tên Nùng Khai đã học thuộc tất nhiên không đến nỗi chết, ngay sau khi ở hang thần chạy ra... Quyết nhiên đó là những bí mật, có nghĩa hẳn hoi, nhưng cái nghĩa ấy phải dùng hết tâm lực và trí sáng suốt mà tìm thì mới thấy được.
    "Hừ! (ông lẩm bẩm nói để tiếp theo những ý tưởng vừa rồi). Bọn quan Tầu họ quỷ quyệt lắm! Cũng là một thứ lời di lại, mà một đằng thì là những câu dặn dò để tìm ra của, còn một đằng thì lừa cho người ta mắc phải những cái nạn gớm ghê... Nhưng ta, ta không mắc lừa đâu. Ta không nông nổi, u mê như bọn con cháu nhà họ Hoàng, tưởng đây chỉ là những câu có quyền phép mầu nhiệm. Không. TA biết. Rồi ta sẽ tìm cho ra nghĩa kín, ta sẽ khám phá cho kỳ được".
    Ông lại hơi mỉm cười và nghĩ đến cái độc kế mấy trăm năm nay sẽ bị ông huỷ đi mất, mà cái kho của kia tất sẽ về tay ông.
    "Miệng có hai răng... ba chân bốn tay"... có lẽ đó là mô tả hình dáng thần giữ của chắc? Không phải. Ta không được tin đến thần giữ của cũng như không được tưởng những câu này là thần chú. Vì nếu thế thì không bao giờ tìm được đầu mối.
    "Miệng có hai răng... ba chân bốn tay..." Lạ! "Mày vào trăm chân, mày lên ba tay". Hừ! Quái! Ai vào? Ai lên? Sao lại trăm chân, sao lại ba tay? "Tên mày là đá, đá sinh trứng". Đá sinh trứng đá? Trứng đá giữ của. Có lẽ họ để của ở dưới hang đá chắc? mà sao lại gọi là trứng đá? Trứng đá giữ của. Mày có sức mang... mày giầu mày chết".
    Ông càng đọc càng nghĩ càng thấy mờ ám thêm. Chợt có một ý kiến thoảng qua, ông bèn xoay tờ giấy vuông đủ bốn chiều đọc từ trên xuống dưới, rồi đọc từ dưới lên trên; lại đọc ngang từ phải qua trái và từ trái sang phải. Nhưng cũng vô ích. Mấy hàng chữ vẫn trơ trơ giữ cái bí mật cùng với hai cái hình vẽ lạ lùng.
    Ông Châu thử ôn lại các bộ truyện cổ mà ông đã xem, nhớ lại những sự tích chép ở trong ấy; bao nhiêu án ly kỳ ra đời trước cùng với bao nhiêu phương pháp cổ nhân dùng để tra, ông đều đem ráp vào việc cắt nghĩa tờ giấy này. Ông thấy từ cổ chí kim không bao giờ có những cái khó hiểu hơn, mà đến những việc tương tự như thế cũng vậy.
    Hai ngọn đèn dầu thi nhau sáng, cùng nhau như nín lặng để xem ông Châu nghĩ ngợi trầm ngâm.
    Ông ta ngồi trên giường gỗ, trên án thư, khuỷu tay chống bên cạnh một cái đế đèn, nắm tay thì ấn vào mồm, đăm đăm như đang tìm gỡ một nước cờ bí. Lông mày nhíu lại một cách dữ tợn, hai mắt nhìn muốn thủng tờ giấy để trên bàn.
    Lúc ấy vào đầu trống canh hai. Nhưng có lẽ ông châu quên cả thời khắc.
    Trong cái phòng ấm áp kín đáo ấy, ngoài ông ra lại còn Tô Nang là cô thiếp yêu quý, vào đó chầu chực chăn gối đã lâu. Cô chưa hề thấy quan Châu chăm chỉ miệt mài với việc quan như thế bao giờ. Cô ngồi ghé một chỗ lặng thinh, nghe tiếng quan Châu lẩm bẩm rồi lại im, nghe các tiếng buồn tẻ trong lúc canh khuya rồi cô dựa vào vách mà thiu thiu ngủ.
    Chốc chốc, ngọn đèn lại nhô cao lên, rồi khẽ co thấp xuống và nhẩy chập chờn.
    Ông quan thổ không nói qua một lời gì nhưng hình như ông nghe thấy tiếng suy nghĩ của mình rõ rệt nói trong giữa khoảng tĩnh mịch sâu xa của đêm tối.
    Bỗng chốc đồng hồ trên tường gõ một tiếng lạnh lùng vào giữa thời gian, cùng một lúc móng tay ông châu vô tình cạo xuống cạnh án thư nghe như tiếng con mọt gặm.
    Có lúc ông ngáp lên một cái, nói khẽ mấy câu nghĩ ngợi trong trí, rồi lại trầm ngâm đắm đuối tìm những nghĩa ẩn nó chưa chịu hiện hình.
    Dưới chân tường, tiếng chuột rúc rích chạy qua làm vểnh tai con mèo yên lặng. Ngoài sân, mấy con ngựa buộc trong chuồng tối đập chân xuống đất xôn xao. Một trận gió làm cót két cành tre; văng vẳng sau thềm, tiếng lá reo và tiếng sâu dế rì rì trong bụi rậm.
    ... Mày tên là đá
    Đá sinh trứng đá
    Trứng đá giữ của...
    Cái đầu mối, ông mong gỡ được, càng tìm càng thấy bối rối thêm. Đã hơn một trống canh rồi mà những chữ này cùng với thằng người quỳ và bó đuốc vẫn cứ nhảy nhót hoài trong tâm trí ông quan Thổ.
    Lúc ấy cô thiếp của ông ngồi dựa ở bên tường kia đang há mồm ra ngủ kỹ.
    Hai chân cô duỗi thẳng trên bộ ghế ngựa, bàn tay đặt ngửa trên đùi. Đầu vẫn chưa bỏ cái khăn vuông chàm, trên mặt hiện ra vẻ ngây ngô và bình tĩnh.
    Trái lại trên mặt quan ông đầy vẻ lo nghĩ lẫn với vẻ bực mình. Bao nhiêu tâm lực ông đem ra hết mà vẫn không tìm ra được mối manh gì. Ông đọc lại những câu kỳ dị:
    Mồm có hai răng...
    Ba chân bốn tay...
    Mày giầu mày chết...
    Không biết đến mấy trăm lần rồi. Nhưng cái trí sáng suốt của ông hình như không đủ lực trước cái đêm tối vô cùng của bí mật.
    Cái cằm vuông của ông nổi cả xương và gân lên, hai má và hai tai ông đỏ như bị nướng vào ngọn lửa đèn gần đó.
    Lần này ông không đọc bằng mắt nữa; ông lẩm bẩm như người làm tính: "Đá sinh trứng đá, trứng đá giữ của, mày chết... mày chết mày giàu, mồm có hai răng... mồm có hai răng... mồm có hai...".
    Tiếng ngáy bên tường cứ rờn rờn hoạ theo, cô vợ trẻ của ông quan già đang vẩn vơ trong giấc mộng... Bỗng một tiếng bẳn gắt theo một nắm tay đập mạnh lên bàn:
    - Mệ thảu mư!
    Ông Châu vứt giấy quay lại đằng sau, Tô Nang tỉnh dậy.
    Ông Châu thấy cô ta thì ngạc nhiên hỏi:
    - Ô kìa, thế ra Nang không đi nằm à?
    Cô thiếp đã đứng xuống đất, kéo hai nắm tay ra sau mang tai, ưỡn ngực lên cao, ngáp rồi ỏn ẻn nói:
    - Nang có đi nằm mà, nhưng Nang còn đợi Quan Châu, Quan Châu chưa ngủ Nang cũng chưa ngủ... quan châu sao thức lâu thế?
    Bấy giờ ông quan thổ nghe chừng đã mệt lắm, vì đã hết sức đem cảtinh thần ra để nghĩ ngợi đến gần hai trống canh rồi, cho nên cái mình êm ái của cô hầu non với cái thú đầm ấm trong chăn đã khéo quyến rũ ông đi nghỉ.
    Ông Châu lại bên án để tắt bớt đèn đi. Chợt thấy chén nước uống thừa đổ ướt cả tờ giấy. Ông vội cầm lên thấm vào tập hoá từ cho ráo rồi hơ lên ngọn đèn cho khô.
    Hàng chữ Hán và hai hình vẽ bên càng nổi rõ ở trên ngọn lửa tạt đi tạt lại. Bỗng nhiên ông Châu kêu lên một tiếng, rồi giáp cả hai ngọn đèn lại mà hơ tờ giấy lên. Ở giữa mảnh giấy hồng hồng, ông thấy một khoảng tối hơn. Một tia sáng vừa soi qua trí ông, ông nghĩ ngay đến một câu chuyện cũ.
    - Phải, phải! (ông lẩm bẩm nói). Cũng giống như truyện tờ di chúc trong bức tranh... Phải rồi!... Cầm giấy giơ trước mặt mà đọc... mà bó đuốc lửa cháy ở sau tờ giấy... nó bảo mình đốt lửa mà soi... mà mình cũng như anh huyện quan kia... Mình ngốc thật!
    Thế rồi ông không hỏi gì đến cô thiếp nữa. Cô ta chẳng hiểu gì cả, đứng giương mắt thực to mà nhìn.
    Ông Châu ngồi xổm trên giường, hai tay vừa run vừa dấp nước trên bàn vào mảnh giấy, rồi cẩn thận bóc chẻ nó ra làm đôi.
    Một miếng giấy vuông sắc trắng hơn, dán áp vào nửa giấy thứ hai và bong ra gần hết. Ông Châu cầm soi lên ngọn lửa thì thấy chi chít những nét chữ nhỏ nằm hỗn độn. Ông xem kỹ thì biết mảnh đó là một tờ giấy rộng gấp làm tư. Ông phải hết sức cẩn thận mới lấy móng tay bóc mở ra được, vì tuy nó cũng dai, nhưng theo với hai mảnh ngoài bị nhầu và thủng rách lỗ chỗ.
    Trong tờ giấy mới này viết chữ dầy gần hết. Nét chữ cũng tốt và rõ như ở tờ áp ngoài.Ông Châu đọc thấy những lời này:
    Hang Văn Dú trông như cái mồm có hai răng. Ba thước nói là chân, bốn thước nói là tay. Mày đo từ cửa hang vào trăm chân, rồi mày đo trở lên ba tay, thì sẽ thấy chữ tên của mày là Thạch. Đào từ chữ thạch xuống sẽ thấy một cái hang nữa mang những hòn đá hình nhẵn như trứng. Đá này giữ kho của đó. Nhưng không được lấy sức mà mang vì mày tìm thấy vàng nhưng mày chết.
    Bên cạnh những dòng chữ này, còn một đoạn chữ nhỏ hơn và viết đá thảo:
    Phải dán giấy này như cũ, mang theo trong mình cho đến khi vận hết của trong Văn Dú. Nếu trong hang không có dấu vết tìm đào thì về sau tìm đến nhà con cháu họ Hoàng mà thưởng cho họ năm nghìn vàng. Nếu thấy có người chết vào chỗ đá lở thì phải cẩn thận mà hết sức tránh sự báo thù của họ Hoàng.
    
- o O o -

    Sáng hôm sau ông Châu Nga Lộc xuống nhà sớm, người thổ Kao Lâm còn ngủ li bì trên một chiếc cói.
    Mấy đầy tớ thức dậy thưa rằng hắn cứ mê man nói đến những hang, những núi, những người chết, với những người thắt cổ suốt đêm, nên không ai ngủ được yên vì ai cũng sợ.
    Ông quan thổ gật đầu bảo cứ để cho hắn nằm đó, rồi quay lại dặn bốn năm người đàn ông ở ngoài sân đi vào:
    - Chúng mày ăn cơm thực nhanh rồi sắp sửa đi theo tao có việc cần. Cầm đuốc, cầm dao, cầm dây, mang xẻng cuốc, với đóng sáu con ngựa.
    Mọi người biết là có việc quan hệ lắm, vì không mấy khi quan Châu dậy sớm như thế, mà lại ăn mặc gọn ghẽ hẳn hoi. Mình ông vận áo bông chàm thắt ở ngang lưng, chân đi giầy, đôi bít tất xanh kéo lên bó lấy ống quần, ngoài cùng lại quấn thêm một lần nịt vải.
    Bấy giờ ông đang chít lại cái khăn nhiễu lớn và đứng đợi xem người ta đóng ngựa.
    Ngoài sân, mới lù mù sáng.
    Mấy con vật thấy người vào chuồng thì đập chân xuống đất và phì thở rất mạnh.
    Ông Châu bảo họ hẵng lấy cỏ cho ngựa ăn.
    Dưới bếp lửa cháy to, chiếu lên mặt sân một dải ánh sáng mập mờ và lay động. Ông Châu giục người dưới bếp thổi cơm mau lên, những người còn xùm xụp đắp chiếu ngủ trong xó hiên nghe tiếng ông nói to lục đục trỗi dậy. Rồi người thì đi mở cổng, người thì vào bếp, người thì ra đằng sau. Làm náo động cả cái cảnh lạnh lùng buổi sáng.
    Lúc ông quan thổ cơm nước đoạn, từ nhà trên lại đi xuống thì thấy người bộ hạ cũng đã ăn uống xong và đứng nai nít ở bên sáu con ngựa yên cương cẩn thận.
    Trong này kín gió mà còn thấy giá lạnh, thì ở bên ngoài tất rét hơn nhiều. Ông Châu lấy một cái khăn vải chàm to bịt kín lấy hai tai và thắt xuống cằm. Ông đeo một thanh gươm lớn mà ông vẫn mang theo trong lúc đi xa và đội một cái nón đan to vành đã cũ. Ông đứng trước khung cửa, giữa khoảng ánh sáng đo đỏ của ngọn đèn yếu đuối bên trong, và dặn người nhà phải giữ người thổ Kao Lâm lại cho đến lúc ông trở về.
    Rồi ông bước ra, lên yên ngựa từ trong sân để cho mấy người hầu dắt ngựa ra khỏi cổng.
    Trời mới tang tảng sáng. Sương xuống dầy quá đến nỗi không thấy được nhà cửa ở dưới chân đồi. Người ta bị cái thứ không khí ẩm thấp, lạnh lùng bọc lấy, và thấy mình cách biệt với người đi bên cạnh. Ông Châu quay lại bảo hai tên bộ hạ đi lên trước, còn ba tên kia đi sau. Sáu người cưỡi ngựa đi hàng một như ngồi trên mây, cứ thuộc lòng lần qua con đường nhỏ hẹp mà ra khỏi Châu Nga Lộc.
    Người đi đầu không biết nên rẽ lối nào, dừng lại hỏi.
    Ông Châu bèn truyền ra một cách dõng dạc:
    - Cứ thẳng mạn Văn Dú mà tiến lên!
    Ông có ý định xem họ cử động ra sao. Nhưng mọi người đều im lặng, lại không ra dáng lấy làm kinh lạ. Cái lệnh ông Châu mới truyền xuống, nhưng họ đã đợi nghe từ lúc mới bước chân ra. Vả lại họ là những người can đảm và rất trung thành. Tuy họ cũng tin và sợ những cái ghê gớm của hang thần, nhưng họ lại tin và sợ cái oai của quan Châu chẳng kém. Giá thử bị sai phái đi vào những nơi nguy hiểm như thế thì họ còn sẵn lòng ngần ngại, nhưng bây giờ lại có cả quan Châu cùng đi.
    Không ai nói một câu nào. Sáu cái đầu cùng chăm chú cúi trông xuống khoảng đất phía trước vó ngựa. Chung quanh đều mờ mịt không trông rõ vật gì.
    Đi khỏi những tầng ruộng rạ cụt gần xóm làng thì những đồi đất chen nhau ở trong đám sương mù lần lượt hiện ra rồi lại lần lượt biến mất. Sáu người càng tiến thì trời càng thêm sáng. Sương đặc cũng dần dần loãng thêm. Đường lối trông đã rõ. Người thứ nhất ngoảnh lại đã thấy mặt người sau cùng. Họ bèn bảo nhau thúc ngựa chạy nhanh, cho chóng tới nơi và cho quên rét
    Được già nửa đường thì núi Văn Dú mới thấy hơi lờ mờ ở sau cái màn hơi trắng đục. Đường lối đi rất khó vì họ chọn toàn nẻo tắt, phải đi qua hai ba rặng rừng cây thấp xơ xác, và lên xuống năm sáu dãy đồi đất liền nhau.
    Bọn đầy tớ quan Châu chưa một lần nào dám hỏi ông ta xem đến Văn Dú làm gì. Nhưng ông ta cũng cắt nghĩa cho họ biết rằng đến Văn Dú trước hết để khám phá những chuyện bí mật, sau để tra xét án mạng xảy ra ở đấy. Nhưng cái cớ chính, mà ông không nói đến là đi tìm vàng.
    Lúc bọn ông Châu đến chân núi Văn Dú thì đã vào khoảng giờ thìn (tám giờ sáng), đỉnh núi vẫn như bị sương ăn, mà thân núi cả ngang, trông lù lù đen có vẻ hầm hầm tức giận.
    Quan Châu ngửng lên trông, rồi đưa mắt từ bên phải qua bên trái, chú ý nhìn từng cái kẽ núi lá cây chen chúc, cho đến những gân trắng rất lớn vạch theo chiều thớ núi, nổi lên trên mặt đá màu xám xanh.
    Ông quan thổ xuống yên cùng năm người bộ hạ dắt ngựa đi từ sau lưng ra trước mặt núi, rồi buộc dây cương vào bốn gốc cây mọc gần nhau. Đoạn ông tuốt gươm ra, cẩn thận từng bước đi lên, và bảo trước cho mấy người kia biết có người Khách chết treo, để họ khỏi sửng sốt.
    Ông Châu trông thấy người thắt cổ trước nhất. Nó ẩn hiện trong cành lá nhỏ và thẫm ăn màu với bộ quần áo chàm. Đến gần xem thì mặt và bàn chân, bàn tay của người Khách đã xám xì lại nhợt nhạt, vì bị mưa dầm sương đượm đã lâu. Đằng sau đám cây miếu với bức tường vỡ là cái hang Thần mà ta đã biết.
    

Xem Tiếp Chương 3Xem Tiếp Chương 3 (Kết Thúc)

Vàng Và Máu
  » Xem Tập 1
  » Đang Xem Tập 2
  » Xem Tiếp Tập 3
 
Những Truyện Dài Khác
» Liêu Trai Chí Dị
» Pie Đệ Nhất
» Thiên Thần Và Ác Quỷ
» Tuyết Bỏng
» Cuộc Đời Của Pi ( Phần II )
» Mao: The Unknown Story
» Con Lừa Và Tôi
» Trái Tim Không Cần Lý Lẽ
» Tình Ca Giáo Viên Miền Núi
» Cuốn Sổ Lớn
» Chuyện Tình New York
» Những Kẻ Điên Rồ Phải Chết
» Đau Thương Đến Chết ( Phần I )
» Hai Chị Em
» Giữa Cơn Gió Lốc
» Đi Qua Hoa Cúc
» Chỉ Một Lần Yêu
» Tình Trên Đỉnh Sầu
» Hành Trình Của Sói
» Tôi Có Thể... Nói Thẳng Với Anh
» Âm Mưu Ngày Tận Thế
» Chết Cho Tình Yêu
» Cầm Thư Quán
» Đau Thương Đến Chết ( Phần II )
» Mùa Thu Vàng
» Trăng Huyết ( Phần I )