Vậy mà cái ngày cực kỳ quan trọng, rất đáng kỷ niệm của tôi, ngày 1 tháng hai năm 1961, đối với người khác lại bình thường như bất cứ ngày nào trong ba trăm sáu mươi lăm ngày của một năm. Điều này khiến tôi hơi cụt hứng.
Anh xà ích Hỉ - tôi nghe thấy mọi người gọi anh ta là Hỉ - đánh xe về đến đầu thôn lúc mặt trời đã xế. Chúng tôi thấy chưa có dấu hiệu tiếp đón nào. Nơi này, chó gà không có một con. Chỉ có mấy ông lão ăn mặc rách rưới ngồi sưởi nắng bên cầu, khi chúng tôi đi qua cũng không buồn ngước mắt nhìn lên.
Nhà cửa trong thôn không khác nông trường lao cải, những dãy nhà bằng đất xếp hàng như ở trại lính, có điều, nhà ở đây ọp ẹp hơn. Vách đất đắp bằng đất phèn đã long ra nhiều chỗ. Nông trường lao cải có nhiều sức lao động, lúc nào cũng có thể đắp vá nếu tường bị lở. Ở đây bên cửa ra vào nhỏ hẹp đều có một hai đống củi ướt đẫm, đã ngả màu đen, hoặc có những dây phơi quần áo, ra vẻ là một điểm dân cư.
Xe lăn bánh trên mặt đất gồ ghề, qua dãy này đến dẫy khác. Không một bóng người. Chúng tôi như đến một làng bỏ hoang.
- Mẹ kiếp, chết tiệt rồi sao?...đến chỗ nào bây giờ?
Ca sĩ ưu tú Hỉ, trở lại chân tướng của anh lái xe, quát tháo một hồi bằng những lời lẽ mà giấy mực không dám ghi lại. Rõ ràng là anh ta không biết thu xếp cho chúng tôi ở đâu, và xem ra anh ta chẳng thích thú gì nhiệm vụ đón tiếp này. Anh xuống xe, tay ghìm cương, vừa cho xe tiến lên, vừa ngó ngang ngó dọc. Cứ xem cách chào hỏi của mấy ông lão ở đầu cầu, cũng biết anh ta không phải là bí thư đội trưởng, thủ quĩ, kế toán, do đó, sự kính nể của chúng tôi đối với anh ta bị giảm sút rõ rệt. chúng tôi cũng không thèm hỏi han, mặc cho anh ta muốn đưa đến đâu thì đến. Đó là trách nhiệm của anh.
Đến dãy nhà cuối cùng thì không đi tiếp được nữa. Anh xà ích dừng ngựa trước một gian trông có vẻ là nhà kho, rút cái giá dưới thùng ra chống càng xe, tháo ngựa và dắt đi, không dặn lại chúng tôi nửa câu.
Chúng tôi đều tủi thân. Là công nhân mới của nông trường, chúng tôi đều đã là người "sống bằng sức lao động của mình", mà không ai đoái hoài, bụng thì đói. Tôi rất muốn lấy bánh mô mô ra ăn, nhưng lại thôi. Ăn là sự hưởng thụ cao nhất, phải trong một hoàn cảnh không ai quấy nhiễu, êm ả, nhấm nháp từng miếng một, mới thấm thía hương vị của thức ăn. Lúc này, tôi chưa có chỗ an thân, rất có thể lại phải chuyển đi. Nên ăn vào lúc này là cực kỳ lãng phí.
- Các bạn ạ, có lẽ ta ở đây – "Chủ nhiệm kinh doanh" đứng trước một cửa sổ đã cũ nát, ngó nghiêng khắp chỗ. Hắn luôn gặp may, ngay cả khi trong thâm tâm không chịu thừa nhận hắn là "phần tử phái hữu", hắn dối trá, chỉ rình có dịp là kiếm chút tự do cho riêng mình. Thí dụ, như bây giờ, giữa lúc chúng tôi chưa biết xoay xở ra sao thì hắn đã quan sát xong đâu đó tình hình xung quanh.
- Đây không phải là nông trường bộ, chẳng qua chỉ là một Đội. Xem kìa, mả mẹ nó, nhà với chả cửa! Thua xa đội lao cải. Đội lao cải còn có bếp lò.
Chúng tôi ngó qua khung cửa sổ không kính, nhìn vào trong phòng. nền nhà trải cỏ khô mới chở về, ngoài ra, không có thứ gì khác. Đất vách màu vàng xỉn đã tróc từng mảng, trơ ra những cốt bằng thân cây sậy. Quả vậy, nhà chẳng ra nhà!
- Ngó qua cũng thấy vùng này nghèo – một anh vốn là cán bộ biên tập của một tờ báo ở Lan Châu nói, giống hệt vùng Định Tây mà tôi đã từng ở.
- Đất lành đâu có đến phần mình – một cựu trung uý từng là anh hùng ở Triều Tiên, chửi thề. Bị lao động cải tạo đến ba năm, vậy mà anh ta vẫn cho rằng mình lẽ ra phải được đối xử đặc biệt – Đ. mẹ, bất quá chỉ là ngoi lên tầng thứ mười bảy của mười tám tầng địa ngục!
- Thôi thôi, nói in ít chứ - Tay kế toán của một ngân hàng Thượng Hải tỏ ra cam chịu với số phận – Đã đến thì ở, dù sao thì không ai ăn đời ở kiếp nơi này, cứ nhịn là hơn!
Dần dà, mọi người bắt đầu kể tình hình xin việc do người nhà sắp xếp, với đôi chút hào hứng. Đúng thế, họ không ở lâu nơi này. Gia đình của họ ở Thượng Hải, Tây An, Lan Châu…Các bà vợ đang chạy chọt cho họ trở về các nông trường ngoại vi thành phố. Tay "Chủ nhiệm kinh doanh" cũng vậy, chỉ ít bữa nữa là hắn trở về ngoại ô thành phố của hắn. Họ có vợ con, nên được đoàn tụ với gia đình. Chính sách của nhà nước cho phép như thế. "Nghèo như nông thôn Định Tây" cũng vậy, "mười tám tầng địa ngục" cũng vậy, chẳng qua là bước quá độ, họ sẽ nhanh chóng lên thiên đàng. Riêng tôi, phải ở đến bao giờ thì không thể đoán chắc được, có thể đến già, đến chết. mẹ tôi là một bà lão nghèo ở Bắc kinh, xoay xở sao nổi! Cái gia đình tư sản kiêm quan lại to bự của tôi, từ khi bị bom đạn của người Nhật thì không gượng dậy được nữa, cây đổ chồn chạy sạch, qua tám năm loạn lạc, y hệt như Hồng Lâu Mộng đã miêu tả. Như chim đói vào rừng, sau lưng là đồng không mông quạnh.
Tôi không đủ tư cách để cùng họ bàn về tương lai tươi đẹp. Tôi ngồi xổm, suy nghĩ mông lung. Hôm nay là ngày đầu tiên tôi được tự do, những triệu chứng đáng mừng – trừ chuyện mót, không được củ cải – cổ vũ tôi. Đã bò dậy từ đống xác chết, thì tôi có thể sống. Người chết mà sống lại thì kể từ ngày ấy là sống thừa. Tôi có thể sống hai mươi năm, ba mươi năm, bốn mươi năm, thậm chí năm mươi năm, sáu mươi, bảy mươi năm nữa, nhưng đó là sống thừa. Chao ôi, thật là dài kiếp sống thừa! Nhưng chỉ cần nghĩ rằng mình đã chết rồi, vậy mà xương thịt chưa nát, còn cử động được, còn nhìn thấy mặt trời, nghe thấy tiếng hát, thì như vậy là một điều may mắn, là một món hời tự nhiên vớ được, khốn khổ bần hàn đến mấy cũng không đáng kể. Gia đình thì sạch trơn như "đồng không mông quạnh", còn bản thân thì "mình trần thân trụi". Vì vậy, tuy có ngã lòng thật đấy, nhưng tôi không bất mãn. Tôi đã học được tính nhẫn nhục.
Khoảng nửa giờ sau, chúng tôi trông thấy nhiều người, vai vác xẻng từ ngoài đồng trở về. Dãy nhà ngoài cùng có tiếng lao xao. Tan buổi làm rồi. Một người đứng tuổi, thọt chân, từ đầu nhà rẽ lại chỗ chúng tôi.
- Đến rồi hả? – Bác ta không nhìn chúng tôi, chọn trong xâu chìa khoá cầm ở tay lấy ra một chiếc, mở cửa. Câu hỏi trống không vừa rồi coi như thay cho lời chào, và đi luôn.
- Này, đội trường đâu rồi? – Anh trung uý đứng sau nói to.
- Chúng tôi còn làm thủ tục, còn phải báo cáo "đã có mặt".
Ra khỏi nông trường lao cải, anh ta nối lại thói quen trong quân đội. Thói quen là cái rất khó sửa.
- Đội trưởng lát nữa sẽ tới – bác thọt trả lời, cũng không ngoảnh đầu lại.
Còn chờ đợi gì nữa, đã phải sống thì cứ sống. Tôi là người đầu tiên trèo lên xe lấy bọc hành lý như tã mướp của tôi đem xuống. Đây là toàn bộ gia tài của tôi. Tôi kẹp nó vào nách, bước vào, vun cỏ khô cho thật dày chỗ sát chân tường và dùng mắt ước lượng, không để chỗ bên cạnh quá mỏng. Lang sói có đạo đức của lang sói, mình sống thì cũng phải để người khác sống.
Tôi đặt bọc quần áo vào chân tường, chỗ ấy là của tôi.
- Các anh làm gì thế? Đội trưởng còn chưa tới kia mà!
"Chủ nhiệm kinh doanh" giận dữ gào lên. Nếu chiếm được chân tường thì hắn đã không be be lên thế đâu! Hắn không lúc nào quên sục sạo để kiếm chút tự do, nhưng nếu chút xíu tự do ấy bị người khác hưởng mất, thì hắn sẵn sàng vứt bỏ tự do đó để đi tìm lãnh đạo. Tao không được thì mày cũng không được! Sáng nay, hắn sợ để trên sẽ bị rơi, nên là người đầu tiên đem hành lý ra xếp ngay trên ván sàn, ở dưới cùng. Giờ đây, khi hắn bê chăn chiếu vào thì cả ba chân tường đều đã có người chiếm chỗ. Xin lỗi, hắn cứ ngủ ở bên cửa mà uống gió bấc!
Mặc kệ hắn. Anh sống thì cũng phải để tôi sống. Hắn đầy đủ chăn chiếu, lại có chiếc áo ngoài bằng da cừu đã cũ. Theo nguyên tắc bình quân chủ nghĩa thì hắn nên ngủ bên cửa ra vào. Tôi mở cái túi lưới rách nát của mình, lấy tập Một quyển Tư bản luận của anh cán bộ giảng dạy môn triết học cho, nhét xuống dưới túi làm gối, rồi nằm dài trên "giường" của tôi, coi như xung quanh không có người.
Chân tường là nơi tuyệt diệu! Ở nhà dựa vào mẹ, ra ngoài dựa vào tường! Câu ngạn ngữ sao mà trí tuệ! Trong phòng tập thể, anh chiếm được chân tường tức là đã giành được một nửa tự do, bớt đi một nửa bị quấy nhiễu. Một cái hộp các tông cũng không có như tôi, thì chân tường lại càng quan trọng. Cái kim sợi chỉ, bộ quần áo xơ mướp, hoặc "phúc đức quá" mà có cái gì ăn, thì chỉ việc nhét dưới lớp cỏ. nếu gia sản nhiều hơn một chút thì có thể sử dụng mặt tường, treo nó lên. Hay nhất là nếu muốn đọc sách, viết thư cho gia đình, hoặc nơi sâu kính của tâm hồn muốn bí mật hoạt động thì dứt khoát phải quay mặt vào tường. Khi đó cái thế giới hiện thực sẽ lùi ra xa, rất xa, để cho anh trầm tư mặc tưởng. Bốn năm ngủ tập thể đã dạy cho tôi hiểu vì sao các nhà sư bắt buộc phải qua thời kỳ "mặt đối mặt với bức tường".
Thật vậy, sự im lặng vĩnh cửu của bức tường sẽ dạy anh nhiều điều hay lẽ phải. |
|
|