Qua cơn kích động mãnh liệt, tôi ngủ rất say. Sáng hôm sau tỉnh dậy, tôi thấy khoan khoái dễ chịu như được uống một liều thuốc kích thích và giữa đám người ở đây, tôi bỗng trở nên độ lượng vì cảm thấy mình hơn đời.
Mọi người lĩnh suất ăn về. Tay "Chủ nhiệm kinh doanh" tỏ ra rất cáu kỉnh vì nhà bếp chia cho hắn chiếc bánh mô mô sứt mất một góc. Khi mọi người ngồi ăn tại chỗ phần bánh mì của mình, hắn lúi húi bên bếp lò ngắm nghía chiếc bánh sứt, vừa ngắm vừa chửi nhà bếp. Hắn lại nói từ nay trở đi nên tắt đèn đi ngủ sớm, nếu không sẽ ảnh hưởng đến sự nghỉ ngơi của mọi người. Hắn lầu bầu "Thần kinh bị tổn thương thì nửa cái bánh mô mô bù không lại…" Mọi người nhìn tôi. Tôi hiểu đấy là cách phê bình đích danh tôi. Ở đây người ta như thế này: cho dù nửa đêm anh đi đốt nhà cướp của cũng mặc, miễn là anh đừng làm việc gì ảnh hưởng đến họ.
Tôi không nổi cáu. Hôm nay, dù rằng tôi vẫn ở trong căn nhà đắp đất, vẫn ngồi trên nền cỏ khô và vẫn ăn bánh quả cỏ màu đất như mọi người, nhưng tôi cảm thấy tuy không rõ rệt, một tư tưởng sâu sắc và thoát tục đã kéo tâm trí tôi ra khỏi hình hài tôi. Tất cả những chuyện làm nhục, chê giễu, khinh rẻ nhằm vào tôi, chẳng qua chỉ nhằm vào cái xác, chẳng liên quan gì đến cái "tôi".
Khi đến chuồng ngựa đợi xà ích thắng xe, tôi nghe tổ trưởng tổ xe báo cáo với đội trưởng Tạ là Hỉ xin nghỉ mấy hôm để "đi chơi phố". Đội trưởng Tạ sa sầm mặt, cặp môi mỏng trề ra một cái giữa hàm râu, không nói gì. Xe của Hỉ vẫn đấy, mấy con ngựa đang nhai cỏ khô một cách ngon lành. Một anh xà ích đến dắt ngựa của Hỉ ra thắng để ngựa của anh ta nghỉ. Đội trưởng Tạ trừng mắt quát:
- Làm gì thế? Đồ con lừa! Buộc lại chỗ cũ! Cũng phải để nó xả hơi một tí chứ!
"Nó" trong tiếng Trung Quốc có thể là chỉ người, hoặc có thể là chỉ vật. Chưa chừng đội trưởng Tạ cho rằng Hỉ cũng nên xả hơi một tí. Hỉ đi rồi, "chơi phố" rồi! Vì sao anh ta bỗng "đi chơi phố"? Tối nào anh cũng đến "chơi" nhà Hoa đấy sao? Tôi xót xa thông cảm. Dù là yêu dưới hình thức nào, tình yêu của loại người nào, được yêu và không được yêu, đều có số cả, không thể tự mình định đoạt. Một con người tính cách độc đáo như Hỉ làm tôi quan tâm và thông cảm với anh. Tôi nhận ra rằng, dù anh và tôi đang ở trong trạng thái đối lập, nhưng tôi vẫn không thoát được sức lôi cuốn của anh đối với tôi.
Nhưng với Mã Anh Hoa thì chuyện đời đơn giản hơn nhiều.
Buổi chiều khi xe của chúng tôi trở về bên đống phân, cô ra hiệu cho tôi. Cặp mắt cận thị của tôi chỉ nhìn thấy là cô đang cười, còn không thể nhận ra nụ cười của cô là giễu cợt trêu chọc, miả mai hay thiện chí.
Tôi từng trải trong cuộc sống chưa là bao, lại it tuổi, toàn là xét đoán về con người, tưởng tượng về tình yêu kiểu sách vở mà tôi đã được đọc. Tôi cho rằng, sau cái hành động thất lễ tối hôm đó, chúng tôi sẽ rất lúng túng khi gặp lại nhau. Cơm tối xong, tôi xem sách nhưng tâm trí thì không tập trung được nữa. Đi hay không? Tôi do dự mãi đến lúc tối mịt, mới đến nhà Hoa.
Đêm nay không trăng. Bước ra khỏi cửa là rơi vào bóng đêm dày đặc. Cái lạnh của trời đêm làm tôi tê tái. Vậy mà bầu trời lại có sao. Đêm đông ở đây có nét đặc sắc của nó, bầu trời thì sáng, dưới chân lại tối mò, làm như khí lạnh có thể chặn đứng những tia sáng từ trên dọi xuống.
Tôi co ro, trong lòng không vui, y hệt tâm trạng của một kẻ sắp bị đòn.
Cô vẫn như mọi ngày, ngồi vá quần áo ở đầu giường. Quần áo nhiều đến mức vá không hết. Sau này tôi mới rõ là cô vá hộ quần áo cho chồng của những chị đông con. Tôi bước vào, cô nhảy phắt xuống, sửa lại vạt áo, rồi cười hỏi tôi:
- Đêm qua sao anh không đến?
Thật kỳ lạ! Chỉ là một câu nói vui đã xoá sạch những mâu thuẫn, do dự và băn khoăn của tôi. Thấy cô thanh thản, nhất là vành môi cong lên như mép lá sen khi cô nhại tiếng "s..ao", khiến tôi bật cười. Tôi có thể xin lỗi cô, ăn năn trước mặt cô, giãi bầy tâm tư của mình để cô hiểu, nhưng điệu bộ thảnh thơi của cô, khiến tôi thấy ý định trên là không cần thiết. Tâm tư tôi dãn dần ra.
- Hoa bảo tôi cố đọc sách, nên tôi ở nhà đọc đấy chứ!
- Ngốc ơi là ng…ốc! Anh không thể đến đây mà đọc hay sao? – Cố véo nhẹ vào má tôi – Tối hôm qua em nhìn qua khe cửa thấy anh – Cô cười khúc khích, hai tay chắp trước ngực rồi ngồi bệt xuống đất – Anh ngồi như ông Phật ấy!
Tôi đỏ mặt. Cử chỉ thân thiện, lời lẽ nhiệt thành của Mã Anh Hoa rất khêu gợi, khiến lòng tôi xao xuyến mãnh liệt. Nhưng toàn bộ dáng điệu của cô không mảy may tỏ ra khiêu khích, trái lại, đầy nét thơ ngây như con trẻ. Thế là tôi càng đỏ mặt vì thẹn với ý nghĩ của mình. Những điều người ta dạy tôi, những sách mà tôi đã đọc, đều chia con người thành nhiều loại, dù rằng đó là tâm lý học thuần tuý khách quan, nhưng cũng chia theo cái gọi là chất miễn dịch, đa huyết và đảm chấp, vân vân. Còn trong tác phẩm văn nghệ thì càng khỏi nói, đủ các hạng người: vững vàng, xốc nổi, phóng đãng, nghiêm túc. Bây giờ tôi mới rõ, phải căn cứ vào địa vị kinh tế mà quy định con người, giai cấp như Marx đã nêu, ngoài ra trên thế giới không có một khái niệm tuyệt đối nào về loài người. Thí dụ cô Hoa. Cô là cô, một cô gái bằng xương bằng thịt, lúc điềm tĩnh, lúc sôi nổi, khi thì cười đùa thoải mái, khi thì cẩn thận nghiêm trang – mà lần nghiêm trang vừa rồi khiến tôi suýt tự vẫn. Hiểu con người khác với hiểu sự vật, không thể phân tích bằng lý trí, mà phải bằng tình cảm. Từ điểm này tôi mới hiểu câu của Marx trong Lời tựa lần thứ nhất "Tôi quyêt không dùng màu sắc của hoa hồng để miêu tả nhà tư bản và địa chủ. Tất cả những người được khảo sát ở đây, chẳng qua là phạm trù kinh tế đã nhân cách hoá, là kẻ chịu trách nhiệm về mối quan hệ và lợi ích của một giai cấp nhất định." Mỗi con người cụ thể trong cùng một phạm trù kinh tế, cùng một giai cấp, là con người bằng xương bằng thịt, vậy có thể "dùng màu sắc của hoa hồng để miêu tả", còn kẻ chiịu trách nhiệm về mối quan hệ và lợi ích của một giai cấp nhất định" thì lại là sự vật, phải dùng lý tính mà phân tích. Đây là điểm khác nhau giữa văn học và kinh tế học.
Ý nghĩ này vụt loé lên trong khoảnh khắc. Sự liên tưởng gần như tức cười, nhưng tôi cho rằng bản thân tôi đã tiếp nhận một "hiểu biết" từ trong cuộc sống. Thế là tôi không những cảm thấy thư thái mà còn hào hứng nữa.
Tôi ăn cơm độn. Mã Anh Hoa lôi từ dưới giường ra một mảnh vải nhung, nói là hôm nay cô nhờ người đi Trấn Nam Bảo mua về, giá hơn bảy đồng, để may quần cho tôi. chỗ còn thừa, sẽ may cho bé Xá một cái áo choàng. Cô vỗ vỗ mảnh vải, nói bằng một giọng tự hào "Chúng mình cũng mặc đồ nhung như dân thành phố". Cô kể là ở quê cô người ta chỉ mặc áo móc bằng lông cừu. Cách làm cực kỳ nguyên thuỷ là se sợi lông cừu bằng một que xương, rồi đem móc. Cô cho tôi xem một áo móc màu tro, không có đường sợi, giống như một cái túi bằng lông. Lông cừu không thuộc, khi mặc cắm xuyên qua áo vào da. Tôi tưởng tượng những sợi lông cứng đâm vào làn da mịn của cô mà bất giác đỏ mặt. Đồng thời, một nỗi xót xa và thông cảm tràn ngập tim tôi, cô coi áo móc là thứ hàng xa xỉ của dân thành thị. Áo len sợi thì lại càng không phải nói. Có lẽ đã hơn hai mươi tuổi đầu, cô chưa một lần được mặc cái áo len, mà cô thì xinh đẹp như thế, lương thiện như thế. Cô không thể tưởng tượng cuộc sống hồi nhỏ của tôi, và có lẽ chính vì vậy cô mới thương tôi, thông cảm với tôi. Cô không nhận thức được mối quan hệ nhân quả của lịch sử như tôi.
Cô trải mảnh vải, tôi nhận ra đó là mảnh nhung màu tro, buộc bằng dải vải đỏ mà tôi đã trông thấy hôm nọ. Cô dùng gang tay để đo đạc, miệng tính nhẩm. Ánh đèn soi tỏ cặp lông mi như cánh chim đang vỗ và đôi mắt sáng, đang tập trung vào công việc tính toán. Đôi mắt đã làm cho khuôn mặt cô rạng rỡ đến say lòng người, khiến tâm hồn cô trở nên rộng mở, khoáng đạt! Vậy mà cô chưa bao giờ được mặc một cái áo len, coi áo bện là hàng xa xỉ. Thói quen và kiến thức thiển cận của tôi xưa kia, không làm sao dung hoà được cái đẹp mà tôi quan niệm, với cái đẹp của cô hiện nay, chẳng khác đem cây đào Kim Nhưỡng đến trồng ở sa mạc.
Ăn xong, tôi nhớ đến Hỉ và bảo cô:
- Nghe nói anh Hỉ xin nghỉ đi chơi phố rồi!
Cô vẫn đang nhẩm tính, không ngửng lên:
- Ai mong! Thích đi đâu thì đi!
Tất cả đều rất đơn giản. Tôi nghĩ thầm, hai ngày nay tôi tự dằn vặt là chuyện không đâu. Thái độ của cô đối với con người và cuộc đời tuy không được tế nhị lắm, nhưng lại rất thực tế. Gió trên đồng rộng có thể lúc hướng này, khi hướng khác. Anh không thể ra lệnh cho gió phải cùng một lúc thổi mỗi nơi một tí!
Người trí thức đối với con người và cuộc đời tuy có tế nhị thật, nhưng lại uỷ mị và thiếu thực tế. Thái độ ấy khó có thể thích ứng bão táp của tiến trình lịch sử. Trong những năm tháng còn lại của cuộc đời, tôi thường nhớ đến cô với một tấm lòng biết ơn, cảm ơn cô đã cho tôi cái khí chất của gió lộng trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng. |
|
|