Sáng hôm sau, bầu trời màu chì bay đầy tuyết. Cái thôn hẻo lánh, bần cùng và lạc hậu này vẫn không bị thiên nhiên bỏ quên, rải một cách công bằng lớp tuyết đầu mùa trinh trắng. Trên nóc nhà, những ống khói bé tí tẹo nhả từng sợi khói như tranh vẽ minh hoạ trong truyện thần thoại.
Một trong cái hay của sự chịu đựng, là cơn sốt của tôi không chữa mà khỏi. Từ lâu tôi đã phát hiện ra rằng, bệnh tật nặng lên một phần đáng kể là do tác động của thần kinh con người. Nếu lúc nào cũng nghĩ đến bệnh tật, như những cặp tình nhân nhớ nhau, thì bệnh sẽ càng ngày càng nặng. Dứt khoát không thèm để ý đến nó – vả lại cũng không có cách nào khác. Nó không còn hứng thú lưu lại trong con người anh thì nó sẽ bỏ anh mà đi.
Bác thọt cà nhắc cà nhót thổi còi thông báo không đi làm. Giọng bác rất mảnh, nói như rao hàng "Nghỉ…thôi!" Tiếng "nghỉ" rất dài, tiếng "thôi" nhỏ mà cụt lủn, không hề có dư âm. Mỗi khi nghe thông báo, chúng tôi vui như mở cờ trong bụng.
Quần áo bông đã hong khô trên bếp lò. Tuy "Chủ nhiệm kinh doanh" cằn nhằn mãi về chuyện quần áo tôi toả mùi hôi khắp phòng. Tôi không thèm nói lại. nếu hắn ngã xuống nước thì hắn vẫn còn quần áo mới, còn áo da cừu. Theo tôi, hắn đã trở thành tư sản. Quan hệ giai cấp đảo lộn hoàn toàn. Tai hại là quần áo bông, sau khi hong khô sẽ cứng như áo giáp, không giữ hơi ấm đã đành, lại còn khi cọ xát dễ làm cho da dẻ tôi vừa đau vừa ngứa vì tôi không có quần áo lót. Ăn sáng xong, tôi cởi phăng quần áo ra, dùng vỏ chăn quấn quanh người, hai tay thò ra chỗ rách, cầm lấy sách, lưng tựa vào vách. Với một tâm trạng hối lỗi chân thành, tôi đọc Tư bản luận. Buổi sáng tôi đọc say mê. Tôi đọc lại "Lời tựa" xuất bản lần 1, tiếp theo, tôi đọc "Lời bạt của lần tái bản" cho đến "Lời tựa của Ban biên tập lần xuất bản thứ tư". Tính logic trong luận chứng đã chứng minh cho sự suy nghĩ đêm qua của tôi: cái giai cấp đã sinh ra tôi, sớm muộn sẽ bị tiêu diệt! Còn tôi chẳng qua là người cuối cùng. Nhận thực được như vậy, tôi thấy dễ chịu hơn, và còn mang một tâm trạng bi tráng coi mình là vật hy sinh trên bàn tế trong thời đại mới, cá nhân tôi không có gì sai, nhưng tôi phải gánh chịu tội lỗi của mấy thế hệ, giống như lớp con cháu của những người nghiện rượu và bệnh giang mai, chịu tội thay những lớp người trước. Số phận là ở đấy! Tôi tránh không khỏi số kiếp!
Nhưng đến giữa trưa thì tôi không thể đọc tiếp được nữa. Với tôi, khổ nhất trong lúc không làm việc là không có gì ăn. Ngày thường đi làm, còn có thể chịu đựng được cái đói. Lúc ngồi không, cảm giác đói còn dữ dội hơn thực tế đói rất nhiều. Tôi rất tin Dublin trong Luyện Kim ký miêu tả những người thợ luyện kim bị đói trên núi, bị ảo giác đến nỗi nhìn người hoá ra gà quay! Đây không phải là thiên tài về tưởng tượng, chắc chắn là ông biết được điều đó qua lời kể của người bị đói. Khi đọc đến chỗ Hàng hoá như sắt, vải gai, tiểu mạch…ở trạng thái giá trị sử dụng hoặc thương phẩm, xuất hiện…sự suy ngẫm của tôi tách xa y nghĩa của cả câu, mà chỉ lượn quanh từ "tiểu mạch". trước mắt tôi hiện ra bánh rán, bánh bao, bánh màn thầu, và cả bánh gatô, khiến tôi nuốt nước bọt ừng ực. Sau câu đó, có bảng liệt kê:
1 áo sơmi=)
10 bảng chè=)
40 bảng cà phê
20 mét vải gai
1 bao tiểu mạch
"Áo sơ mi, chè, cà phê, tiểu mạch" quả là bữa thịnh soạn! Thử nghĩ, mặc áo sơ mi trắng bong (chứ không phải là quấn vỏ chăn rách) trước mặt là cốc nước trà đen Lemon hoặc cà phê Brazil (mà không phải là ống bơ), cắt bánh ga tô (chứ không phải củ cải), thì thật là cuộc sống thần tiên. Tôi có một sức tưởng tượng rất hào nhoáng. Nó có thể tổng hợp lại tất cả những yến tiệc linh đình mà tôi từng tham dự, trông thấy hoặc đọc trong sách, thành bữa đại tiệc như trong thần thoại Hy Lạp. "Cứ bình tĩnh mà ăn, ta không cho phép kẻ nào đến quấy ngươi", Lúc này, những món ăn muôn hình muôn vẻ của bữa đại tiệc dụ dỗ tôi rời bỏ "tính chất bái vật giáo của thương phẩm và bí mật của nó", mà nó không rõ từ đâu, trong bầu không khí tĩnh mịch và lạnh giá này, một mùi thơm của món ăn lúc sực nức lúc thoang thoảng bay tới. Trong đầu tôi mà nghĩ đến món ăn gì thì lập tức sẽ có mùi vị món ăn đó ở đầu lưỡi, còn bụng tôi thì cứ quặn lên từng cơn.
Tay "chủ nhiệm kinh doanh" lại dở trò. Hắn lôi từ trong hòm gỗ ra một chiếc bánh mì đen. Hắn không mời tay trung uý, không mời tay cán bộ biên tập, cả hai người nữa cùng đến lập nghiệp, hắn cũng không mời, mà chỉ mời tay kế toán đang ngủ bên cạnh tôi, cùng ăn với hắn. hắn biết rõ nguyên tắc xử thế của tay kế toán "Tôi không lấy của anh một xu, anh cũng đừng lấy của tôi một kẽm". như vậy là lào không ăn cái "mời" của hắn. Về điểm này, lão kế toán quả thật lẩm cẩm đến tức cười. Thí dụ, về đường ranh giới giữa hai chỗ nằm của chúng tôi, lão còn nhậy bén hơn giữa hai quốc gia quan hệ đang căng thẳng. Thật ra, chúng tôi sống với nhau còn dễ chịu. Nếu có cục bông nào của tôi dính vào gối lão, lão trịnh trọng đưa trả tôi bằng hai tay, cục bông vón mà làm như là ví tiền. Tôi không thể tưởng tượng loại người dụt dè, không dám làm mất lòng ai như lão, mà lại trở thành "phái hữu".
- Ăn đi! Không sao mà! – Tay "Chủ nhiệm kinh doanh" thận trọng bẻ cái bánh làm đôi, quăng sang gối lão kế toán.
- Ấy…ấy…Đừng, đừng… - Lão nói tiếng Thượng Hải, hoảng hốt quăng trả lại, vội vã như ném trả cục than hồng.
- Ăn đi mà! Cái nhà ông này…Chậc, chậc! – Tay "Chủ nhiệm kinh doanh" lại quẳng sang một cách khẳng khái. Chiếc bánh khô cứng đến mức quăng đi quăng lại mấy lần mà không rơi ra một hạt bột nào.
- Hì…thật đấy mà…Ông xơi đi! – Lão kế toán đâm hoảng, vội quăng trả lại tay "Chủ nhiệm kinh doanh".
- Chậc, tôi mời ông ăn thì ông cứ ăn. Lúc này thì ai chả đói? – Tay "chủ nhiệm kinh doanh" lại ném mạnh sang.
Lần này tay "Chủ nhiệm kinh doanh" đã ném không trúng, rất có thể là hắn ta cố ý, mẩu bánh rơi sang đệm cỏ của tôi, ngay sát chân.
Lão kế toán đưa cặp mắt kinh hoàng liếc nhanh sang mẩu bánh, nhấp nhổm như ngồi trong chậu rang. Nhặt lấy ném trả ư? Mẩu bánh là ở trên nệm cỏ của tôi. Cũng có thể lão thương hại tôi, nhân đó dành cho tôi. không nhặt lấy ném trả ư? Rõ ràng là tay "Chủ nhiệm kinh doanh" cho lão. Dù lão cho lại tôi, thì cái nợ nhân tình vẫn mang tên lão mà tay "chủ nhiệm kinh doanh" lại là một chủ nợ không dễ gì quỵt nổi.
Không khí trong phòng như đọng lại. Những người khác bề ngoài tỏ ra ai vẫn làm việc nấy, người mạng bít tất, kẻ thì viết thư, người lại nằm trong chăn im lìm nghĩ ngợi, nhưng rõ ràng tất cả đều vẫn để ý đến nửa cái bánh trên nệm cỏ của tôi. Tay cán bộ biên tập và anh trung uý đang sát phạt trên bàn cờ tự làm lấy, cũng tạm thời đình chiến. "Số phận" nửa cái bánh mì đen đã thu hút tâm trí mọi người.
Nửa cái bánh có hai lớp. vì cất đã lâu, lớp vỏ ngoài đã xỉn lại, rất giống màu sô cô la. Nó chễm chện trên nệm cỏ, ngạo nghễ dưới mắt không có ai, khiến tôi lúng túng. Tinh thần tôi, vốn "coi chông gai như đồng hoa", cũng bị dằn vặt. Hôm qua tôi đã ăn hết số củ cải còn lại, không gì có thể chống đỡ cơn thèm cuộn lên từ đáy lòng chứ không phải từ dạ dầy, không gì có thể ngăn chặn nước bọt cứ ứa ra trong miệng. Tôi ấm ức vì bị lâm vào cảnh trớ trêu tàn nhẫn, và do căm ghét bản thân vì một nhu cầu thuần tuý sinh lý, tự khinh sự bạc nhược của mình, và do nỗi thương cảm "vì sao đến nông nỗi này?"…Tôi ứa nước mắt.
Căn nhà im ắng như bỏ hoang. Mẩu tuyết trắng ngà dọi qua lớp giấy ở cửa sổ, khiến sắc mặt người nào cũng như đã chết. Lão kế toán đi đến một quyết định: không ở trên lãnh thổ của mình thì không cần biết, đó là công việc của tôi. Lão ngồi im trên gối, mắt nhắm lại, hai tay lồng vào ống tay áo, y như nhà sư ngồi nhập đinh. Tay "Chủ nhiệm kinh doanh" vẫn tỏ ra bình tĩnh, vẫn ngồi xếp bằng tròn, nhưng mắt thì như dán chặt vào miếng bánh, nóng lòng chờ phút con mồi mắc bẫy.
Giữa lúc đó có tiếng chân giẫm trên tuyết lạo xạo từ xa đi tới, đồng thời một giọng hát thoải mái và lả lơi cất lên:
Tinh mơ nàng đến thăm chàng,
Đem theo một túi đường phèn tặng nhau
Tặng chàng, chàng chẳng lấy đâu!
Ra về, nước mắt rầu rầu hàng mi!
Mồng ba, sáng sớm thăm chàng
Chàng nay ngã bệnh trên giường nằm rên
Hai tay em vén rèm lên
Mặt chàng nhợt nhạt, chàng ơi là chàng!
Giọng hát của nữ. Thoạt nghe tôi đã nhận ra đó là tiếng của cô gái – người đưa chìa khoá cho tôi cách đây hai hôm.
Tiếng bước chân ngày càng gần, chiếu thẳng hướng cửa "nhà" chúng tôi. Mọi người đều lấy làm lạ, cũng nhìn ra cửa như bị thu hút bởi tiếng hát bất chợt từ một thế giới xa xăm nào đó vọng đến . Tay "Chủ nhiệm kinh doanh" cũng bớt căng thẳng, bất giác chuyển sang tư thế lắng nghe.
Lát sau, tiếng chân đã ở cửa, tiếp đó, cánh cửa bị xô đánh rầm. Cửa mở toanh, nhưng một lát chưa thấy người vào.
Giây phút đó, mọi người đều chăm chăm ngóng ra cửa, y hệt một lũ ngốc chờ đợi phép lạ. Người bên ngoài hình như đã bớt do dự, bước lên ngưỡng cửa, hai tay vịn hai bên khung cửa, ngó vào trong:
- Hì..hì..Các bác ở đây có ai là "phái hữu hát thơ" thì bảo người ấy đi làm.
- Ờ..ờ.. – tay "chủ nhiệm kinh doanh" ngoảnh lại, chỉ vào tôi, nhanh nhảu – Này, Trương Vĩnh Lân, gọi anh đi làm đấy!
Nhưng từ giọng nói, nét mặt, tiếng cười rất đặc biệt của cô, tôi không hề thấy có ý gì giống như gọi tôi đi làm cả. Tôi rất sung sướng được cô đến giải thoát khỏi một chuyện khó xử.
- Gọi tôi à? – Tôi vẫn còn phân vân, vì cô không nói "làm thơ" mà nói "hát thơ" – Làm việc gì thế? – Tôi hỏi tiếp.
- Hì, hì, tôi đoán đúng là anh – Cô vẫn vịn khung cửa, người hơi lắc lư – Nghe nói anh biết đắp lò nên đến bảo anh đi.
Tại sao lại phải "đoán"? tại sao lại đoán đúng là tôi?
Tôi thấy hình như có một sự quan tâm nào đó. Cô đâu biết tôi vui lòng làm việc cùng với cô, không ăn gì cũng được, làm việc còn dễ chịu hơn ngồi thừ một chỗ. Tôi nói:
- Cô về trước đi. Tôi mặc quần áo rồi đến sau.
- Vậy anh đến ngay nhé. Tôi đợi ở nhà. Nhà tôi thì anh biết rồi đấy.
Cô khom người kéo sập cửa lại. Khi xỏ chân vào quần, tôi làm như vô ý đá văng nửa cái bánh sang lối đi giữa tôi và anh trung uý. |
|
|