NHỮNG VẾT TRÒN TRÊN CỔ TAY (5) Tựa vai I-a-ma-ga-ta, Mi-xu ra khỏi phòng khám, ánh nắng chiếu thành những đường sọc cắt ngang hành lang.
- Em đi một mình được chứ?
- Vâng… - Mi-xu rụt rè đáp.
- Nếu vậy chị để em một mình nhé?
Khi I-a-ma-ga-ta gỡ tay ra khỏi người cô, Mi-xu cảm thấy tối sầm lại. Nhưng rồi phút xúc động đầu tiên cũng qua đi và bây giờ là niềm hạnh phúc bất tận ập đến và đang đem cô bay đi đâu đấy. Thoạt tiên cô tưởng như những gì vừa xảy ra vài phút trước đây chỉ là giấc mơ, nhưng cảm thấy sau lưng mình là bức tường hành lang ẩm lạnh, cô hiểu là cô đang thức và cô bối rối không biết nên làm gì lúc này.
Quá mệt mỏi, Mi-xu thở dài, hai tay ôm đầu, đi về phía phòng I-a-ma-ga-ta.
- Mi-xu! - I-a-ma-ga-ta lo lắng nói. - Em phải cứng rắn lên mới được.
Nhưng không kìm nổi, Mi-xu lại để nước mắt tự do trào ra. Cô khóc to đến nỗi mọi người trong nhà đều nghe tiếng.
Vùng khỏi tay I-a-ma-ga-ta, cô chạy ra sân. Một người bệnh chống nạng đang đi ngạc nhiên nhìn theo.
Ôi, hạnh phúc sao khi biết mình khỏe mạnh! Có lẽ đây là lần đầu tiên trong đời Mi-xu sung sướng tận hưởng giây phút hạnh phúc khi mặt trời rực rỡ chiếu sáng trong mắt cô, và lên mặt lên ngực cô là cơn gió nhẹ buổi sáng đang thổi.
Ngay lúc ấy cô nghĩ đến I-ô-xi-ô-ca.
Xa xa phía sau khu nhà bệnh viện, cao trên rừng, là những đám mây màu sữa đang bay. “Bây giờ mình lại có thể gặp anh ấy!”.
I-a-ma-ga-ta bối rối nhìn Mi-xu và không biết nói gì với cô bây giờ. Từ xưa tới nay người ta chưa bao giờ gửi một người không bị bệnh vào trại.
- Em sẽ thu xếp đồ đạc bây giờ chứ? - chị y tá rụt rè hỏi.
- Gì cơ ạ?
- Chị nói rằng em có thể đi thu dọn đồ đạc và rời trại ngay bây giờ, nếu em muốn. Em không bị bệnh mà!
Mi-xu gật đầu. Cô rất muốn rời khỏi nơi này ngay lập tức, nơi toàn những người dị dạng, sưng lở, những hàng cây đêm đem xào xạc một cách bí ẩn và cô không thể nào ngủ nổi vì tiếng rên của những người bệnh nặng.
“Mình sẽ chẳng bao giờ quay lại đây nữa! Chẳng bao giờ”.
I-a-ma-ga-ta buồn rầu nhìn Mi-xu.
- Em rất buồn phải xa các chị, Mi-xu nói. - nhưng em sẽ chẳng bao giờ quay lại đây nữa.
- Em sẽ viết thư cho chúng tôi chứ?
- Tất nhiên.
- Nếu muốn kịp chuyến tàu chiều, em phải chuẩn bị nhanh lên mới được.
- Mấy giờ tàu chạy?
- Độ hai hoặc ba giờ gì đó, nhưng ô-tô buýt đi Ô-đem-ba thưa lắm.
“Tô-ki-ô! … Trở lại Tô-ki-ô …”
Lúc này Mi-xu không hề nghĩ là cô sẽ sống và làm việc ở đâu; chỉ riêng ý nghĩ được trở về Tô-ki-ô, nơi có I-ô-xi-ô-ca đang sống, đã làm cô tột cùng sung sướng.
Tin Mi-xu không bị bệnh và sắp sửa rời trại đã lan đi khắp nơi. Nhiều người bước ra sân nghe ngóng.
Bác Na-ca-nô lê chân đi tới.
- Mô-ri-ta Mi-xu! sắp rời trại phải không? Thế là cô gặp may đấy nhé!
- Vâng, vâng, - Mi-xu sung sướng đáp lại.
- Thế thì tại sao không chuẩn bị để lên đường? Chẳng cần thiết phải ở đây thêm nữa…
- Quả thật, cháu cũng chẳng biết làm gì bây giờ.
- Sao lại nói thế? Cả con quỷ mà người ta mang ra dọa cháu hồi bé cũng không đáng sợ bằng chỗ này.
Bác Na-ca-nô nhìn vào những ngón tay cụt của mình rồi thở dài buồn bã.
Mi-xu thực sự đau lòng khi cảm thấy từ các ô cửa sổ những người bị bệnh hủi đang nhìn mình. Mới sáng hôm nay những người phụ nữ còn đối với cô một cách cởi mở thân mật, thế mà giờ đây lại nhìn cô ghen tỵ và lãnh đạm; chỉ một ít là giữ được vẻ bình thường, còn nói chung thì đối với cô họ đã thành xa lạ. Khi Mi-xu quay lại với họ, họ liền tản đi vào phòng mình. Tất nhiên, họ vui mừng vì Mi-xu gặp may; nhưng sự ra đi của cô lại làm họ một lần nữa nhớ tới đau khổ của mình.
- Kìa, em còn chờ gì nữa, phải nhanh lên chứ! - đoán hiểu tâm trạng các bệnh nhân, I-a-ma-ga-ta muốn Mi-xu rời trại càng nhanh càng tốt.
Lúc này Ta-ê-cô đang ngồi thêu và sưởi nắng bên cửa sổ; thấy Mi-xu đi vào, cô ngẩng đầu nói:
- Tôi rất mừng cho chị! Tôi mừng lắm, Mi-xu ạ. - và cô cố gượng cười nhưng nụ cười đã không che nổi sự thất vọng toát ra từ mỗi cử động của cô.
Mi-xu ngồi xuống cạnh, thở dài:
- Còn tôi thì không mừng đến thế.
- Sao, chị nói sao?
- Tôi có cảm giác như mình sắp làm một việc gì đó không tốt lắm.
- Thôi đi, - Ta-ê-cô nói to. - Chị không được nghĩ thế. Tất nhiên sẽ có người không đủ sức che giấu sự ghen tỵ của mình, thậm chí cả sự thù địch, nhưng suy cho cùng điều ấy cũng hiểu được. Thu dọn đồ đạc và sớm rời khỏi trại đi thôi.
Mi-xu mở chiếc tủ ăn sâu trong tường và lôi chiếc va-li sờn cũ của mình ra.
Chỉ còn mỗi việc cho chiếc áo dài cũ và vài bộ đồ lót vào đấy nữa là xong.
- Mi-xu này…
- Gì thế? - Tôi muốn tặng chị cái này. - Ta-ê-cô lấy từ ô bàn của mình ra một chiếc nhẫn bạc.
- Cho tôi à? Không!
- Cầm lấy. Đáng lẽ tôi phải đeo nó vào buổi biểu diễn đầu tiên của mình… Bây giờ tôi không cần đến nó nữa. Chị xem ngón tay sưng thế này, làm sao cho vào nổi, - Và nhếch mép cười buồn bã. Ta-ê-cô vừa nhìn vào những ngón tay của mình.
Bất giác Mi-xu phải quay mặt nhìn đi chỗ khác.
- Hay là chị…
Mi-xu hiểu là Ta-ê-cô muốn nói “hay là chị sợ…” liền vội vàng ngắt lời cô.
- Không! Không! chị đừng nói thế! Chiếc nhẫn tuyệt đẹp! Chắc phải nhiều tiền lắm.
- Nếu vậy thì chị đeo vào đi! - Rồi Ta-ê-cô đặt chiếc nhẫn lên nắp va-li.
Giờ ăn trưa đã đến.
Các bệnh nhân từ ngoài đồng và các phòng làm việc lục tục trở về, cũng giống hôm kia, hôm qua, cũng như ngày mai và những ngày tiếp đến, cho tới lúc thần chết đưa họ ra khu nghĩa địa ngoài rừng.
- Ta chia tay nhau chứ?
Hai người đứng dậy nhìn thẳng vào mặt nhau.
- Tôi sẽ không đi tiễn chắc chị hiểu vì sao.
- Vâng.
Mi-xu dừng lại bên bậc cửa, khẽ nói:
- Tạm biệt.
- Tạm biệt, chúc chị mọi sự may mắn. - Ta-ê-cô ngoảnh mặt về phía cửa. Hai vai cô hơi run run.
Ngày Mi-xu đến trại trời mưa dầm dề. Còn bây giờ thì mặt trời thật rực rỡ. Những bụi uất kim hương hai bên đường khẽ nghiêng mình theo gió, lá lấp lánh như dát bạc.
Đến gần bụi dẻ, nơi ba tuần trước một nữ y tá đã nhìn thấy cô lần đầu tiên, cô dừng lại, nhìn về phía trại hủi. Từ ống khói nhà ăn dành cho các nhân viên phục vụ, một sợi khói mảnh bay lên.
“Vâng, bây giờ thì mình biết sống ở đây là những người như thế nào… Những khuôn mặt kinh khủng… cuộc sống kinh khủng… những đêm dài mất ngủ… nhưng không cần phải nghĩ tới điều đó nữa… Mình liên quan gì tới họ?… mình biết làm gì để giúp họ được?…
Đến bến ô-tô buýt, Mi-xu đặt va-li xuống đất và đứng quay lưng về phía trại hủi, cô lấy vẻ hoàn toàn lãnh đạm.
Hai cô gái nông dân cùng chờ ô-tô, nhìn Mi-xu với vẻ tò mò.
“Đừng nhìn tôi như thế, tôi từ trại hủi thật, nhưng tôi không bị hủi. Tôi không giống những người sống trong ấy. Không tin mời các cô lại gần mà xem!”
Nhưng đúng lúc ấy trước mặt Mi-xu bỗng hiện ra khuôn mặt sưng rộp của Ta-ê-cô… đôi mắt của những người phụ nữ nhìn cô qua cửa sổ phòng bệnh… Ồ, những người này đối xử với cô dịu dàng sao!… Họ đã giúp cô…
Mi-xu như cảm thấy mình vừa làm một điều gì đó phản bội.
“Mình xấu thật!” cô nghĩ.
Cô đứng cúi đầu, mũi giày ngoáy xuống đất cho tới khi ô-tô buýt tới.
Đến Ô-đem-ba cô xuống xe. Mi-xu hít thở khoan khoái thứ không khí của thế giới mà cô từng mong ước. Đang giữa trưa, mặt trời chiếu những tia sáng rực rỡ xuống các tủ kính bày đồ lưu niệm và xuống vô số các quầy hàng nhỏ xung quanh sân ga. Những người bán hàng cẩn thận lau sạch gương tủ kính và quày hàng.
Một chiếc ô-tô buýt màu sáng loáng như phủ bạc chở quảng cáo một bộ phim mới đang đi dọc phố. Chiếc đồng hồ trên nóc rạp chiếu bóng chỉ một giờ rưỡi.
Cô biết đi đâu mà vội? Về Tô-ki-ô ư, nơi cô không có cả người thân lẫn bạn bè? Hay về Ka-va-da-ki, về lại với quán bia? Không, không, nhất định không tới đó! Tất nhiên, cả ông chủ và các cô gái sẽ không ai tin cô. Với chiếc va-li nhỏ trong tay, Mi-xu thờ thẫn bước đi giữa đường phố không quen biết. Trong các tủ kính có bày các hàng trang điểm phụ nữ, còn sau cửa kính bám đầy bụi của một quán ăn nhỏ là những bát phở Trung Quốc. Nếu là trước kia, Mi-xu đã chẳng để ý tới thứ ấy, nhưng bây giờ gặp bất kỳ cái gì, cô cũng dán mắt nhìn một cách chăm chú. Sau thời gian ở trại hủi, nơi đầy mùi chết chóc và mụn lở cô thành thật vui mừng khi được thấy những vật bình thường nhất.
Từ một cửa hàng bán đĩa hát vọng ra tiếng hát của ca sĩ Ta-ba-xi I-ô-xi-ô mà Mi-xu rất yêu thích.
Rồi cô vào rạp xem bộ phim “Chúng tôi là những thủy thủ”, mặc dù trước đây cô đã nhiều lần xem phim này. Người đóng vai chính là Xa-ta Kê-ê-di, một diễn viên cô không thích lắm, nhưng khi nhìn thấy tấm quảng cáo sặc sỡ, cô đã không kìm nổi và thế là mua vé vào xem. Trong rạp vắng người, thoang thoảng những mùi quen thuộc. Có tiếng trẻ khóc. Một anh chàng nghịch ngợm nào đấy đứng trước màn ảnh, giơ tay lên huơ huơ. Miệng nhai lạc, Mi-xu thỉnh thoảng lại thở dài.
Khi cô bước ra khỏi rạp, trời đã bắt đầu tối. Đường phố nhỏ đầy người. Ở ngôi nhà bên cạnh có ai đấy đang chơi đàn Xa-mi-xen.
Mi-xu trở lại nhà ga, xem lịch tàu chạy rồi ngồi xuống chiếc ghế dài trong phòng đợi. Những người leo núi đội mũ rơm rộng vành mang ba lô, lều vải đang sôi nổi tranh cãi nên đi chuyến tàu nào.
Ba tuần trước đây, cũng ở phòng đợi này, Mi-xu đã ngồi chung với những người leo núi như vậy. Lúc ấy trời mưa, và họ kêu ca về thời tiết xấu. Một cô gái trong số họ đã mời cô ăn kẹo…
… Ôi, hôm ấy sao mà cô buồn thế!
Mi-xu nhìn lên cổ tay rồi nhớ tới con mèo ướt trong sân phòng khám… Nhớ tới việc cô đã vất vả lê chân từ đấy tới ga Xin-du-cu như thế nào.
Tại sao, tại sao điều ấy lại xẩy ra nhỉ?
Hay I-a-ma-ga-ta đã nói đúng, rằng trong tất cả mọi việc đều có một ý nghĩa nào đấy?
Một đoàn tàu khách chậm chạp vào sân ga. Anh nhân viên dường sắt vừa đi dọc đoàn tàu, vừa lấy búa gõ gõ vào các bánh.
- Mi-xu, không lẽ cậu thật đấy à? - có ai đúng sau lưng cô ngạc nhiên hỏi. Đó là một cô gái nước da rám nắng, mặc áo trắng, tay xách chiếc túi thể thao, - không nhận ra mình à?
Không, Mi-xu không quên Mi-u-ra Ma-ri-cô, nhưng cô vẫn tiếp tục im lặng.
- Có chuyện gì thế , Mi-xu?
- Không, mình rất vui gặp cậu, Ma-ri-cô ạ.
- A, thì ra cuối cùng cậu cũng nhận ra mình.
Mi-xu nhớ lại việc ba tuần trước đây cô đã giả vờ không nhìn thấy Ma-ri-cô, khi lần đầu ý thức được khoảng cách rộng lớn ngăn cách họ.
- Mình và cậu mình đi cắm trại ở hồ Ha-cô. Từ ô-tô vô tình nhìn thấy cậu mà dừng lại. Bây giờ cậu làm việc ở đâu? Ở Tô-ki-ô à?
Thái độ của Ma-ri-cô hoàn toàn thân thiện. Cô luôn miệng hỏi Mi-xu hết điều này đến điều khác
- Không tốt đâu, Mi-xu, cậu không viết cho mình một bức thư nào cả là thế nào? Mình cứ nghĩ là cậu lấy chồng rồi đấy.
Khẽ mỉm cười một cách yếu ớt, Mi-xu lắc đầu. Cô không còn đủ sức để trả lời.
- Còn mình, cũng nghĩ là cậu đã lấy chồng, - vất vả lắm cô mới nói được.
- Tạm thời chưa, nhưng mình đã đính hôn…
- Thật thế à?
- Chúng mình cùng làm việc một chỗ. Như người ta nói đấy, tình yêu nẩy nở trong công việc!
Từ sân ga có tiếng còi ô-tô vọng lại.
- Còi gọi mình đấy. Thôi tạm biệt , chúc cậu may mắn…
Chiếc ô-tô lăn bánh, và Mi-xu đứng nhìn theo hồi lâu, cô không hề cảm thấy một tí ghen tỵ nào đối với Ma-ri-cô, mà chỉ buồn vì ý nghĩ rằng ngay từ lúc lọt lòng, số phận đã dành cho họ hai cuộc đời khác nhau như thế.
Khi đứng ở đường chờ tàu, nơi lúc này đã chật ních người, Mi-xu nhìn thấy một cô bé để tóc đuôi sam với chiếc va-li để cạnh chân. Một người đàn bà đứng tuổi, có lẽ là mẹ cô bé, và cậu em trai đi tiễn.
- Con cẩn thận kẻo mất vé đấy! - bà mẹ nhắc.
- Mẹ yên tâm, - cô bé trả lời.
- Địa chỉ trong túi áo của con, - bà mẹ lại lo lắng nhìn vào chiếc giỏ mà cô con đang giữ trong tay. Nhớ đừng quên gửi thư cho bác nhé.
- Vâng, mẹ yên tâm. Con nhớ hết, - cô bé nhắc lại, hai má đỏ ửng như hai quả táo.
Nhìn cô, Mi-xu nhớ lại những ngày khi cô vừa tốt nghiệp trung học và lần đầu tiên lên Tô-ki-ô. Hôm ấy dì cô đã đi tiễn, và cũng giống người phụ nữ đứng tuổi này, bà ta dặn dò cô đủ thứ, luôn đòi kiểm tra lại các túi xem có quên cái gì không.
Mi-xu hình dung khá rõ cái gì sẽ chờ đợi cô bé mới lớn này ở Tô-ki-ô. Cô ta sẽ để ý tới mỗi hành động nhỏ của mình, sợ người khác nhận ra mình là một cô gái nông thôn, sẽ làm việc suốt từ sáng sớm tới tối mịt sáu ngày một tuần, chủ nhật sẽ vào rạp chiếu bóng, còn đêm thì ngước lên nhìn bầu trời đầy sao. Cô ta sẽ nhớ mẹ, nhớ em, nhớ khu làng thân thuộc và nghĩ tới cảnh cô đơn của mình.
Còn cái gì sẽ chờ đợi cô, Mi-xu?
Mi-xu lại nhớ tới căn phòng nhỏ bé lạnh lẽo của mình ở Ka-va-da-ki. Ngọn đèn mờ bóng trần không chụp che; dưới cửa sổ phòng cô là những người say rượu từ quán bước ra, lảo đảo. Mi-xu thường nằm trên giường, chăn kéo tận cằm và nhìn trân trân lên trần nhà, lòng trống rỗng và lạnh lẽo. Những điều này cũng sẽ chờ đợi cô bé kia, nhưng cô ta có thể sưởi ấm lòng mình bằng những suy nghĩ về mẹ và em trai. Còn Mi-xu, người đã bỏ nhà ra đi vì ở đâu cô cũng là vật cản đối với người khác, cô biết nhớ, thương ai? Và cô cũng hiểu được rằng ở Tô-ki-ô bây giờ chỉ có một sự cô đơn tuyệt vọng chờ đợi cô. Cô nhớ lại một lần, cuối năm ngoái, như con mèo ghẻ, cô ngồi một mình trong xưởng chế biến thực phẩm, hơ hai bàn tay buốt lạnh bên lò sưởi. Bên ngoài là một đoàn tàu chạy điện đang chạy qua, tiếng ầm ầm làm các cửa kính dán đầy báo rung lên.
“Không, nhất định mình sẽ không tiếp tục sống như thế nữa! Mình không muốn!”
Giá như bên cạnh cô có một người nào đấy để sưởi ấm đôi bàn tay và tâm hồn cô, để cùng cười đùa và đi xem phim có I-xi-ca-va đóng vai chính… giá như cô có một người bạn duy nhất nào đấy để cô được tâm sự những nỗi buồn đơn giản của mình…
Mi-xu đưa mắt nhìn những người đang đứng thành từng đám đông giữa sân ga. Nhưng không ai để ý tới cô, một cô gái bình thường với chiếc va-li cũ kỹ trong tay. Người nào cũng bận bịu với những lo lắng và công việc của mình. Và đặc biệt là người nào cũng vội: vội tới quầy mua vé, vội chạy ra tàu.
- Hành khách chú ý, đoàn tàu khách đi Tô-ki-ô đã về tới sân ga!
Phả những luồng hơi nước lên trời, chiếc đầu máy màu xám chậm chạp lướt qua mắt cô, kéo theo những toa tàu cũ bị cào xước nham nhở.
Tô-ki-ô!… nhưng có gì tốt đẹp đang chờ cô ở đấy?…
Và suy cho cùng, trại hủi có gì xấu hơn Tô-ki-ô?… Bất cứ ở đâu, ở Xin-du-cu hay Ka-va-da-ki, người ta cũng chen lấn xô đẩy như ở sân ga này… người nọ cản trở người kia… và ai cũng lãnh đạm, ai cũng chỉ quan tâm tới riêng mình…
Đoàn tàu dừng hẳn, hành khách ùa vào các toa, chen nhau dành những chỗ tốt hơn. Chẳng mấy chốc các cửa toa đã chật ních người.
Cô bé để tóc đuôi sam kia đã vào ngồi trong toa, đang ló đầu qua cửa sổ nói chuyện với mẹ và em trai. Bà mẹ móc từ túi ra chiếc ví và đưa tiền cho cô.
Có tiếng chuông báo hiệu tàu sắp chuyển bánh.
“ Nhanh lên! .. mình còn kịp!”
Một lần nữa trước mặt Mi-xu lại hiện lên hình ảnh của trạm điều dưỡng hủi, những khu nhà màu xám ảm đạm như trại lính: những giọt nước rơi từ các tán lá cây xào xạc một cách huyền bí trong đêm. Giờ này những người phụ nữ đang ngồi thêu trong xưởng, còn Ta-ê-cô thì có lẽ đang ngồi một mình trong phòng.
Đoàn tàu chuyển bánh. Khói từ đầu máy tỏa ra bay dọc đường đợi.
Mi-xu xách xa-li bước ra khỏi ga và chậm chạp đi về phía bến xe ô-tô buýt.
- o O o -
- Kìa Mi-xu đấy à? - chị y tá I-a-ma-ga-ta trước cửa phòng chữa bệnh, ngạc nhiên hỏi. - Nhỡ tàu hay sao?
- Không, - Mi-xu đáp, và trên mặt cô hiện lên một nụ cười hiền lành đã trở nên quen thuộc đối với I-a-ma-ga-ta.
- Thế sao em quay lại? - I-a-ma-ga-ta đỡ lấy chiếc va-li từ tay Mi-xu rồi hai người cùng đi vào phòng khách. Hoàng hôn đỏ hồng ngoài cửa sổ đối diện, - có chuyện gì xẩy ra thế? - I-a-ma-ga-ta lo lắng hỏi.
- Không, có chuyện gì cả. Chỉ đơn giản là em quyết định ở lại.
- Ở lại? Nhưng vì sao?
- Vì sao à? - Mi-xu lúng túng lắp bắp chọn từ để nói. - Em ấy mà… chị biết đấy…em chẳng… em không … còn nơi nào để đi nữa. - Cô đưa ngón tay vẽ vẽ lên bàn. - Ở Tô-ki-ô em chẳng còn ai thân thuộc, quen biết…
- Nhưng đây là trại hủi, toàn những người bị bệnh hủi!
- Em không sợ điều đó. Lúc đầu quả có hơi ngại thật, nhưng bây giờ đã quen.
- Em nói gì vậy? Em hoàn toàn khỏe mạnh kia mà? Ở đây toàn những người bị bệnh, đau khổ một cách tuyệt vọng, chẳng có việc gì cho em làm đâu. Em quay lại làm gì?
- Nếu thế thì các chị ở đây phải sống như thế nào? - Mi-xu hỏi lại, giọng tự nhiên đến nỗi I-a-ma-ga-ta phải ngạc nhiên dướn mắt.
- Chúng tôi à? Chúng tôi… là những người tình nguyện… chúng tôi đã quyết định hiến cả cuộc đời mình cho việc thiện.
- Em cũng muốn làm như thế.
- Đừng đùa như vậy, Mi-xu, - I-a-ma-ga-ta nhíu mày. - phải bình tĩnh mới được. Đừng vì xúc động giây phút mà nói những lời như thế. Các cô bé trung học lãng mạn cũng từng yêu cầu chúng tôi cho ghi tên làm việc trong trại hủi, thế mà khi thấy người bệnh, nghe tiếng rên của họ, các cô ấy đã tái mặt đi vì sợ hãi.
- Nhưng em đã nghe tiếng rên của họ nhiều rồi. - Mi-xu chắp tay ngang ngực, vẻ cầu khẩn. Cô không hiểu vì sao I-a-ma-ga-ta lại cương quyết từ chối cô như vậy. - Nếu không được ở lại thì… em đành… đi vậy…
- Chị đã nói gì đâu… Vâng, cứ cho là em sẽ ở lại, nhưng liệu bố mẹ em sẽ phản ứng như thế nào?
- Bố mẹ em thế nào cũng được, vì từ lâu em đã bỏ nhà ra đi.
- Chị cũng chẳng biết nên khuyên em thế nào nữa. Tối nay em cứ nằm suy nghĩ thật kỹ, và nếu hiểu rằng đây là những ý muốn bồng bột giây phút, thì sáng mai lên đường về Tô-ki-ô sớm.
Mi-xu mỉm cười gật đầu.
“Sao chị I-a-ma-ga-ta cứ quan trọng hóa mọi chuyện thế nhỉ? - Mi-xu nghĩ bụng. - Nhưng nếu chị ấy cho mình ở đây đêm nay, nghĩa là mình có thể ở đây đêm mai, đêm kia, cả tuần, cả…”
- Bây giờ Ta-ê-cô ở đâu?
- Ai?
- Ka-nô Ta-ê-cô. Chị ấy vẫn khỏe chứ?
- A… - I-a-ma-ga-ta mở cửa sổ rồi quay lại phía Mi-xu nói: - Thiếu em, cô ấy rất buồn. Bây giờ cô ấy đang làm việc ngoài đồng.
- Em có thể tới gặp chị ấy được không?
- Tất nhiên.
Mi-xu chạy ra khỏi phòng khách rồi đi dọc giữa các khu nhà bệnh viện. Mặt trời lấp ló sau những đám mây màu xám, chiếu ánh sáng rực rỡ xuống khu rừng và cánh đồng. Tít đằng cuối cánh đồng có vài ba bệnh nhân đang làm việc, từ xa trông họ chỉ bé như những dấu chấm. Mi-xu hồi hộp nhìn xung quanh, những cảnh mà mới tuần trước còn gây trong cô những cảm giác nặng nề. Cô tưởng như đang được trở về nhà sau một thời gian xa vắng. |
|
|