Philippe Messmer là con người ưa phiêu lưu mạo hiểm. Ông sinh đúng vào cái thời mà các nước châu Âu đua nhau đi chiếm thuộc địa. Trở thành một conquistador (nhà chinh phục), đi chế ngự những dân tộc dã man, đi khai hóa văn minh cho những con người sống trong tăm tối, vác cây thánh giá lên vai, đem ánh sáng của Chúa đến cho những con người tà giáo, đó là ước vọng của Philippe. Khi còn là một thiếu niên, đọc trên báo thấy thiếu úy Francis Garmer chỉ có một nhúm năm mươi quân lính, phối hợp cùng đoàn thủy thủ vong mạng quốc tế của Đồ Phổ Nghĩa, nói tóm lại, chỉ chừng 200 người mà đã chinh phục được Bắc Kỳ, chiếm thành Kẻ Chợ (Hà Nội), Philippe thấy kính phục Francis Garmer vô cùng. Đối với cậu bé Philippe lúc ấy, ông ta là người anh hùng.
Do vậy, khi đủ mười tám tuổi, cậu tình nguyện gia nhập quân ngũ. Cậu được học một lớp hạ sĩ quan, rồi được điều ngay sang Đông Dương. Sang đến nơi, cậu lại được chuyển ra xứ Bắc Kỳ. Thật phỉ chí! Thật hạnh phúc! Chàng thanh niên đầy nhiệt huyết đêm ngày chỉ mơ thấy những chiến công.
Philippe được đóng quân ngay tại Kẻ Chợ, một thành phố cổ, xưa kia là kinh đô của một cái nước mà những nhà nghiên cứu gọi là nước Đằng Ngoài.
Tại Hà Nội, Philippe đóng quân ở khu Nhượng địa. Sau lần người Pháp đánh Bắc Kỳ lần thứ nhất, sau khi Francis Garnier bị quân Cờ Đen chặt đầu, hiệp ước Philastre được ký. Pháp rút quân khỏi Bắc Kỳ, nhưng trong hiệp ước ấy, có điều khoản phía Việt Nam phải dành hai khu Nhượng địa cho Pháp, một ở Hải Phòng và một ở Hà Nội. Triều đình cố thương thuyết để Pháp không có mặt tại Hà Nội, song phía Pháp cứ nhất quyết đòi bằng được. Sau nhiều lần đàm phán, sau nhiều sức ép và mưu mẹo, cuối cùng triều đình Huế phải chấp nhận để cho Pháp một khu đất có diện tích 185.085m2 ở phía nam thành phố.
Đó là khu đất theo dọc bờ sông, chạy dài suốt từ Nhà Hát Lớn đến bệnh viện Hữu Nghị ngày nay. Thời xưa, người Hà Nội gọi đó là Đồn Nam hay Đồn Thủy vì đó là nơi đóng quân phòng giữ phía nam thành phố. Lúc đó vùng Nhà Hát Lớn và trường đại học vẫn là vùng đầm lầy.
Được mảnh đất chiến lược này, người Pháp rất hài lòng, vì từ Đồn Thủy có con đường nối liền qua phố Hàng Khảm, đến Cửa Nam, vào trong thành (nay là đường Tràng Tiền - Tràng Thi). Vả lại, ở địa điểm này còn có cái lợi là sát ngay sông, dễ tiếp tế và chuyển quân; từ Sài Gòn, qua Hải Phòng, rồi ngược sông Hồng là tới ngay vị trí Đồn Thủy. Lúc đó là năm 1875.
Nhà chính khách Pháp Jules Ferry nói:
"Nước Pháp cần phải ủng hộ một đế chế thuộc địa, cần phải hiện diện ở khắp mọi nơi, ở những nơi mà những quyền lợi lớn của thế giới xung đột với nhau. Đường lối thuộc địa là con đẻ của đường lối công nghiệp, là chiếc van an toàn của một cỗ máy khổng lồ mà nhịp điệu sản xuất có thể trở nên đáng sợ".
Người Pháp đã có ý đồ, nên tháng 4 năm 1882, thống đốc Nam Kỳ cử thiếu tá Henri Rivière ra Hà Nội. Trước khi Henri lên đường, thống đốc Le Myre de Viler nói với ông:
- Trái cây đã chín; đã đến lúc ta phải hái. Nếu ta không làm điều đó, hoặc những kẻ khác sẽ hái lượm thay ta, hoặc là cái xứ Bắc Kỳ chín mõm ấy sẽ rơi vào cảnh tan rã. Hãy chiếm lấy tất cả những gì ta có thể giữ được. Hãy thiết lập vị trí của chúng ta một cách mạnh mẽ. Hãy tránh sự bất ngờ và hãy chờ đợi thời cơ.
Tại sao ngài thống đốc súy phủ Nam Kỳ lại chọn Henri Rivière ra Bắc Kỳ? Bởi vì ngài không muốn lặp lại cách giải quyết hấp tấp vội vã như mười năm về trước khi Francis Garnier ra Bắc Kỳ đánh chiếm thành Hà Nội. Francis Garnier dù sao cũng mang tính chất võ biền, phiêu lưu chủ nghĩa, ham đánh thắng mà quên mất chính trị. Còn Henri Rivière, ông là một đại úy thủy quân mới được phong thiếu tá, đã 55 tuổi, vừa là nhà sử học, nhà tiểu thuyết, lại còn là nhà thơ. Ông ta giao du với giới trí thức tinh hoa của nước Pháp như Gustave Flaubert, Alexandre Dumas - con... Một sĩ quan như thế ắt hẳn sẽ vừa là nhà quân sự, vừa là nhà chính trị tinh tế.
Philippe Messmer rất sung sướng khi anh ở đội lính danh dự đón chào thiếu tá Rivière đến nhậm chức cùng với hai trăm binh sĩ tại khu Nhượng địa Đồn Thủy. Thiếu tá trông thấy gương mặt thông minh lanh lợi của chàng hạ sĩ Philippe, ông rất ưng. Ông hỏi:
- Anh đến xứ Bắc Kỳ bao lâu rồi?
- Dạ thưa thiếu tá, tôi phục vụ ở khu Nhượng địa mới được một năm.
- Như vậy, ở cái xứ sở kỳ lạ này, anh đã là ma cũ rồi.
Thiếu tá liền chọn Philippe vào tiểu đội cận vệ luôn ở bên cạnh mình. Philippe vô cùng sung sướng khi ngài thiếu tá và ngài lãnh sự Kergaradec ngồi bàn luận, anh được đứng sau lưng hầu cận.
Ngay sau hôm đến nhậm chức, thiếu tá cùng ngài lãnh sự đến phố hội Truyền giáo để chào đức Giám mục Puginier ngay. Phố hội Truyền giáo nằm xế Trường Thi (tức phố Nhà Chung bây giờ), Philippe cũng được cưỡi ngựa đi bảo vệ ngài lãnh sự Kergaradec và thiếu tá. Ngôi nhà thờ của hội Truyền giáo trông như một cái chùa An Nam. Cũng những cột kèo đầy dãy bên trong. Cũng những hình chạm trổ khéo léo tinh vi trên cột kèo. Chỉ khác là ở đầu hồi nhà có cây thập tự và bên trong ban thờ có tượng Đức chúa. Giám mục tiếp khách trong căn nhà riêng ba gian lợp lá, giống như những căn nhà xinh xắn của một gia đình khá giả người bản xứ.
Ngài chỉ huy Henri Rivière gửi lời thăm hỏi biết ơn của thống đốc Le Myre de Viler tới đức giám mục và giáo dân Bắc Kỳ vì những tin tức quý báu mà hội Truyền giáo đã cung cấp để soái phủ có những căn cứ gửi báo cáo về Paris xin ý kiến chỉ đạo. Sau đó, thiếu tá trao tận tay đức giám mục lá thư của thống đốc. Xem thư xong, cha Puginier một con người với dáng vẻ phúc hậu hiền từ, ngước đôi mắt rất sắc của mình nói với Henri Rivière:
- Thưa ngài thiếu tá, súy phủ Nam Kỳ cũng cùng ý kiến với chúng tôi. Xứ Bắc Kỳ vốn là nơi cội nguồn của dân An Nam, của nền văn hóa xứ này. Ở đây không như Nam Kỳ. Đảng Văn Thân rất mạnh. Người dân cũng rất trọng vua quan của họ. Lẽ dĩ nhiên, ta phải đánh chiếm lấy. Nhưng như tôi đã nhiều lần trình bày, gửi về nước và tới súy phủ; Hình thức cai trị ở đây nên khác hẳn: Cái đó tôi gọi là chế độ bảo hộ. Điều ấy có ý nghĩa ta phải dùng sức mạnh chiếm lấy xứ này. Sau đó, ta phải trao lại cho quan của họ để họ tự cai trị. Tiếng là họ cai trị, nhưng thực chất vẫn nằm trong tay ta. Như vậy phản ứng của dân họ sẽ dịu hơn.
Ngài thiếu tá rất lễ phép:
- Thưa giám mục, những điều này chúng tôi cũng đã được thống đốc dặn dò kỹ lưỡng. Tuy nhiên, điều chúng tôi đang cần biết là tình hình hiện nay của phía An Nam.
- Theo nguồn tin đáng tin cậy của tôi, từ trong thành Hà Nội mật báo, thì hiện nay tổng đốc Hoàng Diệu đang cấp tốc chuẩn bị súng thần công. Quân sĩ đang chuẩn bị súng ống giáo mác. Dân chúng trong khu phố buôn bán, nhiều người đã cho đàn bà con trẻ về quê. Những tin tức từ Sơn Tây, Nam Định, Bắc Ninh đều nới những nơi ấy cũng đang chuẩn bị nghênh chiến khi nghe tin thiếu tá mang tàu chiến, súng đại bác và mấy trăm quân về khu Nhượng địa.
Thiếu tá Henri cười:
- Có lẽ mấy hôm nữa tôi phải vào tận trong thành Hà Nội để thăm viếng ngài tổng đốc, làm cho họ yên lòng. Vả lại, tôi cũng muốn tận mắt xem cái thành của xứ An Nam xem nó ra sao.
- o O o -
Về thành Hà Nội thì từ mười năm về trước lúc Francis Garnier chiếm, người ta đã mô tả tỉ mỉ, thậm chí đã vẽ tỉ mỉ. Henri Rivière đã có trong tay tấm bản đồ đó. Người ta bảo thành đó xây theo kiểu Vauban, kiểu Tây, do những kỹ sư Tây phò tá vua Gia Long vẽ kiến trúc. Nhưng lần giở lịch sử, thấy lúc vua Gia Long chiếm Thăng Long thì các kỹ sư Tây đã chết hoặc bỏ đi hết, làm gì còn Tây kỹ sư mà vẽ. Vì vậy người ta đồ rằng thành Hà Nội là một kiểu thành nửa Tây nửa ta, do các vị quan An Nam dựa vào thành cũ, tham khảo kiểu thành Vauban, rồi lại dựa vào phong thủy mà tạo nên.
Ngay ngày hôm sau, thiếu tá Henri Rivière tổ chức cuộc đi viếng thăm có tính chất ngoại giao tới dinh ngài Tổng đốc Hoàng Diệu, viên quan cai trị cao nhất của Hà Nội. Khác với cuộc viếng thăm đầu tiên của Francis Garnier, mười năm về trước, ông ta đã thị uy ngay bằng cách đưa cả đại bác cùng theo. Lần này, Henri Rivière hoà nhã hơn, nhưng không kém phần cứng rắn. Thiếu tá muốn cho dân Kẻ Chợ biết sự oai vệ, sự hùng mạnh của nước Pháp. Đoàn người ăn mặc quần áo thật choáng lộn. Thiếu tá cưỡi trên con ngựa hồng cao lớn dẫn đầu. Vai đeo lon, đầu đội mũ sĩ quan, bên lưng đeo gươm dài. Tiếp sau là bốn con ngựa của đoàn tùy tùng. Rồi đến đội trống, một trống cái, bốn trống con. Sau cùng là một trung đội bộ binh vai bồng súng.
Đoàn quân diễu trên con đường đất nối từ khu Nhượng địa tới cổng thành Đông Nam. Từ khu Nhượng địa Đồn Thủy đi ra, đầu tiên Philippe bắt gặp một chiếc cổng tên là cổng Tràng Tiền. Đó là một tòa kiến trúc cổng lớn trên có lan can; chiếc cổng nằm giữa hai trụ cao trên có hai con sư tử đá. Chiếc cổng phương Đông này đơn giản nhưng đẹp và oai nghiêm. Từ đấy đến cổng Nam thành Hà Nội gọi là phố Hàng Khảm vì phố toàn những cửa hàng của thợ thủ công làm đồ khảm, một thứ đồ mỹ nghệ rất tinh xảo.
Qua chiếc cổng trứ danh đó, phía trái là Tràng Tiền, một khu đất nằm giữa đầm lầy, nơi đúc tiền của nhà vua, muốn đi vào phải qua một chiếc cầu. Tiếp đến, phía bên phải là Hồ Gươm. Những căn nhà gạch quay mặt ra phố quay lưng ra hồ; đó là những cửa hàng khảm nổi tiếng. Cạnh đấy là khu phố Truyền giáo với cây thập tự nhô lên trên trời từ ngôi nhà thờ nhỏ bé bằng gỗ. Xế đối diện với khu Truyền giáo là Tràng Thi trứ danh, nơi quân Pháp đã ở mấy năm trước khi đến khu Đồn Thủy.
Con đường phố Hàng Khảm là đường đất, rộng chừng năm, sáu mét. Đoàn quân của thiếu tá hùng dũng đi đều bước theo nhịp của những chiếc trống. Tiếng trống rung nhịp nhàng oai nghiêm. Đó là một cảnh chưa từng xảy ra ở xứ Bắc Kỳ. Chắc chắn nó gây ấn tượng rất mạnh và nếu như ở một thời hòa bình, nó đã kéo ra đường nhiều đám đông, nhiều đàn bà, con trẻ háo hức đi xem như đi xem hội. Nhưng ở các phường, nhân dân đều đã nghe lệnh của quan tổng đốc rằng quân Pháp đã mang tàu chiến kẻ quân từ súy phủ Nam Kỳ ra, chắc chắn họ có âm mưu và nhân dân phải đề phòng. Do đó, đường phố Hàng Khảm vắng tanh. Những cửa hàng khảm ven hồ Hoàn Kiếm đều đóng cửa im ỉm. Chỉ còn vài hàng ăn, hàng tạp hóa của người Tầu là vẫn mở cửa. Philippe nghĩ bụng chắc đằng sau những cánh cửa đóng kín kia, người dân vẫn nghé mắt nhìn qua khe. Thì nhìn đi! Nhìn mà thấy rõ sự hùng cường của nước Pháp nổi tiếng hoàn cầu. Thì nhìn đi! Nhìn để mà khiếp sợ mà quy phục một nền văn minh vĩ đại. Chúng ta chẳng nhiều đâu. Chỉ vài trăm quân, nhưng cũng đủ để chinh phục cái xứ sở lạc hậu này. Philippe cưỡi ngựa đi sau người chỉ huy mà anh kính phục; ông ta là một sĩ quan văn võ song toàn. Ông Henri Rivière nghiêm trang ngẩng cao đầu trên lưng con ngựa hồng, ông không khiêm nhường, càng không hãnh diện đến mức lố lăng. Không như những thuộc cấp, những người chỉ nhìn sự vật một cách đơn giản, ông biết rằng ở xứ Bắc Kỳ này còn có những người văn thân mà đức cha Puginier gọi là đảng Văn Thân - Gọi là đảng tức là họ đông, họ có mặt ở khắp nơi, họ có những lý thuyết, những tư tưởng lâu đời.
Đoàn quân đã đứng trước cửa Đông Nam mà nhân dân Hà Nội vẫn gọi tắt là Cửa Nam. Đó là cái cổng lớn hình vòm, bên trên tòa cổng cao xây một nhà lầu canh xinh đẹp. Chạy dài trước mặt cổng thành và dọc theo tường thành là một con đường rồi đến một con hào rộng chừng 20m, đó là một con sông nhỏ để ngăn sự tấn công. Dẫn vào Cửa Nam là chiếc cầu gạch xây vắt qua hào, hai bên có lan can trông rất duyên dáng. Thiếu tá cho binh lính dừng trước cổng thành. Viên sĩ quan trợ lý và cha phiên dịch tên là Colombert đến trao danh thiếp và thông báo ngài thiếu tá Henri Rivière có nhã ý đến chào thăm hỏi ngài tổng đốc Hoàng Diệu.
Sau khi ngựa chạy vào dinh tổng đốc, có quan án sát Tôn Thất Bá ra tận cùng đón khách. Chiếc kiệu đỏ của quan án sát dẫn đoàn người ngựa của thiếu tá gồm bốn người vào dinh tổng đốc nằm ở phía đông thành. Henri Rivière với con mắt nhà quân sự chú ý quan sát những điểm bố phòng của đối phương. Thành Hà Nội là khu đất hình vuông rất rộng nằm giữa bốn bức tường lũy cao. Ở trong đó, có đủ ao hồ, vườn cây, lối đi, vườn hoa và những tòa nhà mái cong kiểu đông phương nằm trên những nền cao. Một con đường lớn dẫn họ tới một tòa nhà xung quanh nhiều cây cối. Trên cái sân rộng lát gạch phía trước nhà, có hai hàng lính gươm giáo tề chỉnh đứng hai bên cửa chính đón khách. Không biết vô tình hay hữu ý, có hai con voi cao lớn đứng dưới gốc cây muỗm cạnh sân, chân cứ dậm thình thịch, rồi tung vòi lên mà hí dài.
Quan tổng đốc ra đứng trên thềm đón khách. Ông thiếu tá và hai người lính Tây (trong đó có Philippe) đứng nghiêm chào theo kiểu nhà binh. Cha Colombert làm phiên dịch thì chắp tay cúi đầu chào theo kiểu An Nam. Quan tổng đốc Hoàng Diệu cũng lễ phép chào khách rồi mời vào ngồi trên ghế tràng kỷ. Khách một bên, chủ một bên. Henri Rivière và cha phiên dịch ngồi cạnh nhau. Sau lưng họ là hai vệ sĩ, một là Philippe, người kia là một sĩ quan tham mưu. Phía tràng kỷ đối diện chỉ có một mình tổng đốc Hoàng Diệu. Sau lưng ông là hai võ sĩ An Nam to lớn vạm vỡ, ngoại khổ so với tầm vóc người Nam vốn nhỏ bé; nhưng so với người Tây vốn có tầm vóc cao to hơn, thì hai võ sĩ này cũng vẫn ăn đứt. Họ đứng khoanh tay trước ngực, mắt chằm chằm nhìn vào khách. Cứ có cảm giác họ có thể vặn gãy cổ ngay đối phương. Bây giờ, Rivière đã có thể khẳng định được những cảm nhận tiêu cực của mình. Ông hiểu, hai con voi dưới gốc cây muỗm ngoài kia, và hai người lính thị vệ khổng lồ kia là những ý ngầm được bộc lộ rõ ràng.
Quan tổng đốc và ngài thiếu tá trao đổi với nhau những câu khách sáo và lịch sự. Henri nói:
- Chúng tôi tới Bắc Kỳ hoàn toàn với thiện chí. Chỉ vì những tàu buôn của chúng tôi có giấy phép của nhà vua mà cũng không có hiệu lực. Ông Courtin và Villeroi được giấy thông hành lên Vân Nam nhưng đến Lào Cai thì giấy phép cũng không giá trị.
- Thưa ngài việc ấy chúng tôi đã được biết. Cản trở là do số giặc khách, tàn quân Thái Bình Thiên Quốc từ bên Tầu tràn sang.
- Đó chính là điều chúng tôi muốn thương thảo cùng các ngài. Nên chăng ta dùng binh lực mà dẹp chúng cho yên. Người Pháp chúng tôi muốn giúp triều đình.
- Thưa ngài, việc dẹp loạn là việc nội trị của chúng tôi. Việc quý quốc muốn trợ giúp, chúng tôi phải xin ý kiến của triều đình trước đã.
Thiếu tá Henri Rivière trang trọng và nghiêm nghị. Một thái độ rất lịch sự:
- Tuy nhiên chúng tôi thấy rằng, từ khi chúng tôi đặt chân lên Hà Nội, chúng tôi chỉ thấy quá nhiều sự thù nghịch. Dân chúng nhiều người đã rời khỏi Kẻ Chợ. Có nhiều đạo quân xuất hiện quanh Hà Nội. Chúng tôi trân trọng nhắc lại với ngài tổng đốc: Chúng tôi, người Pháp, tới xứ Bắc Kỳ này hoàn toàn thiện chí. Tôi cũng mong nhận được sự thiện chí ở các ngài. Nghĩa là tôi muốn các ngài hãy rút binh sĩ về vị trí cũ.
- Tôi nghĩ rằng ngài chỉ huy quá nghi ngờ. Việc điều động binh lính từ chỗ này sang chỗ khác là quá bình thường trong việc quân. Tuy nhiên, chúng tôi cũng xin ghi nhận ý muốn tìm thiện chí ở các ngài.
- o O o -
Thiếu tá Henri Rivière suy nghĩ rất lung. Ông lãnh sự Kergaradec truyền đạt ý kiến của súy phủ Nam Kỳ. Người ta muốn chiếm thành Hà Nội nhưng lại muốn tránh nổ súng. Chung quy là tại ở chính quốc người ta vẫn chưa dứt khoát có nên chiếm Bắc Kỳ hay không. Đức giám mục Puginier cho rằng tình hình đã chín mùi lắm rồi. Giặc khách từ bên Tầu tràn sang. Giặc cướp nổi lên tứ tung. Người nông dân điêu linh, nhất là những người nông dân theo đạo Thiên chúa. Còn quan lại và triều đình Huế thì tỏ ra bất lực, không tài nào làm chủ được tình thế. Ông càng khó chịu khi các quan An Nam và dân chúng công khai tỏ ra chống đối người Pháp. Ông cưỡi ngựa đến phố Truyền giáo mà suốt dọc đường chẳng thấy một bóng người. Dưới con mắt một nhà quân sự lão luyện, khi vào thành gặp ngài tổng đốc, nhìn những khẩu pháo cổ lỗ của họ chỉ đáng đưa vào nhà bảo tàng, nhìn những khẩu súng hỏa mai và giáo mác của những binh lính An Nam, ông hiểu rằng việc đánh chiếm thành Hà Nội chẳng có gì là khó khăn. Tuy nhiên, ông cũng hiểu rằng đánh cái thành này thì dễ, nhưng bình định, rồi chiếm toàn bộ xứ Bắc Kỳ lại chẳng phải sự dễ dàng.
Trong khu Đồn Thủy, binh lính Pháp nóng lòng muốn được chiến đấu lập công. Ngài thiếu tá rất thận trọng trước khi ra quyết định. Ngài làm việc, nắm chắc tình hình, qua các cuộc nói chuyện với các cha xứ, giáo dân từ Nam Định, Bắc Ninh và Sơn Tây đến. Ngài lại trao đổi kỹ với đức giám mục Pugimer và lãnh sự Kergaradec. Cuối cùng, Henri Rivière ra tay quyết liệt.
Ngày 25 tháng tư, nghĩa là khoảng một tháng sau khi đến Hà Nội, thiếu tá sai một sĩ quan cùng Philippe đến trao cho tổng đốc Hoàng Diệu một bức thư. Đó là tối hậu thư trong đô yêu cầu bốn điểm:
1- Nước Nam phải nhận cho nước Pháp bảo hộ.
2- Phải nhường thành phố Hà Nội cho nước Pháp.
3- Đặt thương chính ở Bắc Kỳ.
4- Sửa lại việc thương chính ở các tỉnh và giao quyền cho người Pháp cai quản.
Và việc trước mắt yêu cầu tổng đốc Hoàng Diệu phải lập tức giải binh. Các quan võ của An Nam phải ra khu Nhượng địa Đồn Thủy đợi lệnh. Hạn của tối hậu thư là đến 8 giờ ngày 25 tháng tư năm 1882.
Lẽ dĩ nhiên, bức tối hậu thư đòi hỏi quân Nam đầu hàng một cách nhục nhã như thế, ngài tổng đốc Hoàng Diệu đời nào chịu.
Hết hạn tối hậu thư, sáng hôm ấy đúng tám giờ sáng, quân Pháp nổ súng đánh thành Hà Nội lần thứ hai. Quân Nam đánh trả không hiệu quả. Tổng đốc sai án sát Tôn Thất Bá trèo thang ra điều đình. Tôn Thất Bá ra khỏi thành nên bỏ trốn. Quân Pháp với vũ khí tối tân, đánh đến mười một giờ trưa đã hạ được thành. Tổng đốc Hoàng Diệu đau buồn vì không giữ được thành đã treo cổ lên cây tuẫn tiết. Đánh xong, Henri Rivière liền trao lại quyền cho quan lại nước Nam nhưng vẫn để một đại đội lính Pháp đóng ở trong thành. Nghỉ ngơi xong, thiếu tá quay trở về khu Nhượng địa Đồn Thủy.
Ngày 2 tháng năm, Henri Rivière viết thư cho Alexandre Dumas - con, tác giả Trà hoa nữ:
“Tôi đã chiếm thành phố hơi muộn, nhưng chẳng phải lỗi tại tôi. Đó là tại ngài tổng đốc trấn thủ tòa thành này đã tăng cường phòng thủ một cách quá ư công khai để chống lại chúng tôi, nên tình hình như vậy không thể kéo dài... Khi tôi vào phía trong tòa thành, tôi hơi mệt tí chút, và tôi phải nằm dài trên chiếc chiếu trong nhà một vị quan. Người ta quạt cho tôi, dội nước mát lên đầu tôi. Điều đó làm tôi hồi lại sức nhanh chóng, đến nỗi tôi có thể ăn gần hết sạch một con gà luộc. Đó là bữa ăn sáng mừng chiến thắng. Tôi đã dùng bữa ăn này trong dinh quan tổng trấn, nơi mà ba tuần trước đây, họ đã đón tiếp tôi lần đầu. Tôi gặp lại nơi này với một chút thích thú và một chút giận hờn. Tôi còn nhớ lúc đó sau lưng tôi có hai chàng lực sĩ cao lớn người Nam như có nhiệm vụ, nếu cần, thì bóp cổ tôi. Còn nhớ cả hai con voi trận như có ý định giày xéo hoặc xua đuổi hai người lính cận vệ của tôi bằng cái vòi... ".
- o O o -
Sau cuộc chiến lại đến lượt các nhà ngoại giao, chính trị, dùng âm mưu, thủ đoạn, ngôn từ lao vào thương thuyết. Pháp cử ông Rheinart từ Paris sang. Họ nói rằng đánh thành Hà Nội không phải chủ ý của nước Pháp. Họ đề nghị triều đình Huế cử quan chức ra mà cai trị dân. Triều đình cử ông Trần Đình Túc làm chánh khâm sai, Nguyễn Hữu Độ làm phó khâm sai ra đàm phán với Henri Rivière.
Nói chung đó là thời gian hưu chiến, bề mặt đàm phán nhưng sau lưng hai bên đều chuẩn bị. Phía Pháp đưa ra những yêu cầu mà bên Nam không thể chấp nhận được; ví dụ nước Nam phải nhận sự bảo hộ của nước Pháp, phải nhượng hẳn Hà Nội cho Pháp… Ông Túc và ông Độ bảo rằng các ông không quyết được, phải xin ý kiến của triều đình.
Tuy vậy, thời gian ngừng chiến ấy kéo dài khoảng một năm cũng là thời gian khá thư nhàn cho thiếu tá và quân Pháp.
Lúc đó, ở Hà Nội chỉ có hai chiếc xe ngựa rất sang trọng và đẹp đẽ. Một chiếc bằng gỗ, kiểu Ấn Độ dành cho đức giám mục Puginier dùng. Chiếc thứ hai là chiếc bốn bánh, kiểu Victoria. Chiếc Victoria có hai chỗ ngồi đằng sau, thấp, khá thoải mái, và một chỗ ngồi cao đằng trước dành cho xà ích. Chiếc xe mui trần được súy phủ Nam Kỳ gửi ra hai con ngựa lông trắng làm ngựa kéo. Trông chiếc xe đi trên đường Hàng Khảm đến thẳng Cửa Nam, vượt qua cầu gạch, rồi vào thành đến đỗ trước dinh tổng đốc, người dân đi đường và binh lính ai ai cũng phải dán mắt vào, bởi vì chiếc xe lịch sự quá, duyên dáng quá, quý phái quá. Nó không chói lọi vàng son như kiệu phương Đông, nhưng nó thật uyển chuyển, lộng lẫy một cách kín đáo, đường nét hoàn hảo một cách tuyệt mĩ. Nó cho người của cái xứ man rợ này biết thế nào là sự sang trọng tinh tế của người phương Tây. Cả Philippe, người xà ích thô thiển ngồi trên ghế cao, với cái roi ngựa thật dài, cũng cảm thấy kiêu hãnh vì ông chủ mình và cả vì chiếc xe nữa. "Đấy! Ngài Henri Rivière tuyệt vời, ông chủ của tôi đấy! Đừng tưởng ngài chỉ võ biền. Không! Ngàn lần không! Ngài còn là con người cực kỳ tinh tế".
Không chỉ riêng chàng hạ sĩ quan Philippe sùng bái người chỉ huy của mình; thực ra tất cả hơn bốn trăm người lính ở khu Nhượng địa đều coi thiếu tá như một vị thần. Võ thì quyết đoán, quả cảm, mưu lược. Mà văn cũng đâu phải xoàng. Trong thời gian ấy, Henri Rivière viết một tập truyện ngắn có tên là Édith và đang viết dở một cuốn tiểu thuyết tên là Đồi bại (Perversité). Hai cuốn sách được viết trong một ngôi nhà xinh xắn quét vôi trắng toát, chung quanh có hàng hiên rộng, trong một khu vườn với hoa trúc đào nở hồng, hoa cau trắng thơm ngát và hoa xương rồng vàng ươm.
Có thể nói, lúc ấy, Henri Rivière là một nghệ sĩ nhiều hơn một binh sĩ. Ông viết thư về Paris:
"Ở đây, mối bận tâm lớn của tôi không phải là người An Nam hay người Tầu như người ta vẫn nghĩ. Thực ra, thi thoảng tôi có nghĩ tới họ khi cần phải nghĩ, và chỉ có thế thôi.
Hôm nay, tôi đọc nhà văn Renan, cuốn sách viết về những kỷ niệm thời thơ ấu và thời thanh niên của ông".
Cứ tưởng người chỉ huy của Philippe như một con mèo lười đang lim dim phơi nắng. Thực ra, lim dim thế thôi nhưng tai vẫn rất thính. Henri Rivière vẫn tinh tường theo dõi những hoạt động của phía triều đình Huế. Ông biết rằng vua Tự Đức đang sai người sang cầu cứu bên Tầu. Ông cũng biết quân Cờ Đen đã về đầu hàng tướng Hoàng Kế Viêm. Ông cũng chẳng lạ gì quan tổng đốc Bắc Ninh đang rục rịch kéo quân về phía Hà Nội.
Song tất cả những chuyện đó chỉ dồn dập xảy ra vào đầu 1883; còn năm 1882, khi người Pháp mới chiếm xong thành Hà Nội thì khu Nhượng địa đang hớn hở sống trong không khí chiến thắng. Nhiều sĩ quan vui vẻ thử sống theo kiểu phương Đông. Có người thuê phu võng để di chuyển bằng võng như các ông quan An Nam. Lương sĩ quan Pháp từ 200 đến 300 phờ răng, và thuê người hầu chỉ bốn quan (phờ răng) một tháng, nên có người thuê tới ba, bốn người hầu An Nam. Ra đường, một người cầm ô che, một người cầm quạt lông phe phẩy suốt dọc đường, thậm chí còn thêm một người xách nước mang thuốc lá (các ông quan An Nam thì dùng người này vào việc ôm tráp trầu thuốc). Binh lính, sĩ quan Pháp rất nôn nóng muốn ra quân đánh chiếm ngay toàn bộ xứ Bắc Kỳ, bởi vì họ thấy đánh dễ quá. Họ biết mười năm về trước có khi đánh một tòa thành to đồ sộ mà Francis Garnier chỉ dùng tới ba người lính Pháp, Pháp đi đến đâu là quan quân chạy bán sống bán chết. Tuy nhiên, súy phủ Nam Kỳ thì tỉnh táo hơn. Thống đốc Le Myre de Viler viết thư ra:
"Tôi biết rằng nhiều người ở Hà Nội tỏ ra sốt ruột. Người ta cho rằng uy thế của người Pháp bị tiêu tan vì chúng ta không tiến lên, không mỗi ngày chiếm một thành, không luôn thắng trận. Đó chỉ là ý kiến của những người trẻ tuổi quá hăng say chiến đấu... chúng ta phải hành động cực kỳ thận trọng...".
Cuối cùng đến đầu năm 1883, Henri Rivière đã phải thoát ra khỏi cái vỏ kín bất động. Ông được tin một công ty Anh - Trung Hoa muốn nhòm ngó khai thác mỏ than Hòn Gai. Ông liền cử ngay một đội quân ra chiếm Hòn Gai vào ngày 16 tháng ba. Tiếp ngay sau đó, ông đem quân đi chiếm thành Nam Định.
Và đến lúc này, những sự kiện đã liên tiếp diễn ra hàng ngày, hàng giờ; binh lính Pháp đã hết sốt ruột.
Từ đầu thời vua Tự Đức, loạn Thái Bình Thiên Quốc ở Trung Hoa bị tan. Dư đảng Thái Bình do Ngô Côn cầm đầu tràn sang nước ta. Ngô Côn bị Ông Ích Khiêm tiêu diệt. Các tướng của Ngô Côn là Lưu Vĩnh Phúc, Hoàng Sùng Anh, Bàn Văn Nhị chia làm ba toán giặc: Cờ Đen, Cờ Vàng, Cờ Trắng, đã cướp bóc, tàn phá xứ Bắc Kỳ. Quan quân phải vất vả mới dẹp xong giặc Cờ Vàng, giặc cờ Trắng. Riêng giặc Cờ Đen do Lưu Vĩnh Phúc cầm đầu xin hàng triều đình. Giặc Cờ Đen dưới quyền điều khiển của tướng Hoàng Kế Viêm đóng ở Sơn Tây. Hoàng Kế Viêm cho quân Cờ Đen làm đạo quân tiên phong tiến về bao vây Hà Nội.
Quả thực, chỉ đến tháng năm năm 1883 Philippe mới thật hiểu thế nào là đời lính, thế nào là chiến tranh, thế nào là người chinh phục.
Đó là những ngày quân Cờ Đen vây Hà Nội. Những người lính Pháp muốn lập chiến công, muốn làm anh hùng bây giờ đã có cơ hội thực sự. Quân Cờ Đen là lính thiện chiến, là giặc thực sự. Họ đã chặt đầu Francis Garnier hồi mười năm về trước. Họ đã mổ bụng những người lính bị bắt. Họ đã cắt tai cắt mũi kẻ thù trước khi giết. Như vậy, đánh nhau không còn là cái thú trò chơi phương Đông nằm võng người khiêng, rồi đi khệnh khạng trên phố với lũ người hầu che ô, che quạt nữa. Bây giờ phải quần quật cả ngày lẫn đêm. Ngày thì đi phát quang chung quanh khu Nhượng địa, rồi chặt gỗ chôn bổ sung những cây cọc nhọn chung quanh, đắp đất tăng cường những ụ súng bảo vệ. Còn ban đêm thì đánh nhau thực sự. Quân Cờ Đen reo à à suốt đêm, bắn súng suốt đêm quanh khu Nhượng địa. Họ không sợ Pháp, ban đêm, quân Cờ Đen kiểm soát toàn thành phố.
Khu phố buôn bán của người An Nam vắng teo. Nhà nào cũng mang hết gia đình về quê. Các cổng phố đóng chặt. Chỉ còn lại người ở mấy phố khách, vì họ là người Tầu nên không bị quân Cờ Đen cướp phá.
Khổ nhất là khu phố Truyền giáo, trước cửa Tràng Thi. Người theo đạo Thiên chúa đến tụ cư tại đó khá đông. Có thể nói đó là một làng Thiên chúa giáo toàn tòng. Chỉ có khác là làng chung quanh không có lũy tre, mà chỉ có một hàng rào cọc tre vót nhọn khá kiên cố bao bọc. Đức giám mục Puginier, vốn ở tại nhà thờ Kẻ Sở, nhưng từ khi ông Francis
Garnier đánh thành phố Hà Nội lần thứ nhất năm 1873, ngài thấy Hà Nội là nơi trung tâm chính trị của Bắc Kỳ; lãnh sự Pháp ở đây, quân đội Pháp ở đây và cả đại diện triều đình Huế cũng ở đây nên sự luôn có mặt của ngài tại nơi này là cần thiết, bởi vì nhiệm vụ của ngài không phải là của một cha xứ bình thường mà là của một giám mục.
Ở khu phố Truyền giáo có một nhà thờ nhỏ bằng gỗ lim, theo kiểu chùa An Nam, là nơi hành lễ. Lúc đại úy công binh Du Pommier xây dựng nhà trong khu Nhượng địa, hội Truyền giáo cũng nhờ ông xây giúp một căn nhà gạch hai tầng làm nơi ở và làm việc cho các cha bề trên.
Trong tháng năm năm 1888 ấy, quân Cờ Đen tấn công khu Truyền giáo mấy lần. Cha Landais, người rất có công với khu phố Truyền giáo đã dự đoán trước tình hình. Ông yêu cầu thiếu tá Henri Riviêre cấp súng. Ông phân phát súng cho 150 thanh niên công giáo khỏe mạnh. Đêm 12 tháng năm quân Cờ Đen tấn công. Cha Landais chờ cho quân địch tới gần mới nổ súng. Bị chống cự bất ngờ, quân Cờ Đen thua, rút lui.
Hôm sau thiếu tá Henri phải cho mấy chục người lính sang bảo vệ khu Truyền giáo. Chàng hạ sĩ quan Philippe cũng trong số người đó. Đêm ngày 16 tháng năm, một trận huyết chiến xảy ra. Quân Cờ Đen rất đông xông vào cướp phá nhà dân, đất nhà thờ gỗ, bao vây ngôi nhà gạch bắn nhau đến sáng mới rút lui.
Hôm sau, tất cả mọi người ở khu Truyền giáo phải đi lánh nạn hết.
- o O o -
Thành phố Hà Nội xơ xác tiêu điều. Ra đường không một bóng người. Ban ngày quân Pháp làm chủ tình thế. Tuy nhiên, từ khu Đồn Thủy ra ngoài, vẫn phải đi nhiều người, ít nhất một tiểu đội. Ban đêm quân Cờ Đen làm chủ. Họ tiến sát khu Nhượng địa, nổ súng vào những trạm gác, gào thét đe dọa, thỉnh thoảng lại đốt một căn nhà gần đấy để ánh lửa hắt qua cả hàng rào cọc gỗ khu Đồn Thủy. Henri Rivière ra lệnh phát quang, triệt hạ, làm thành bình địa phía ngoài hàng rào. Trong vòng ba trăm mét phải đốt sạch, phá sạch. Người chạy loạn vào khu Nhượng địa khá đông. Những người buôn bán nước ngoài, các cha xứ, thầy giảng chủng sinh và nhiều dân công giáo có quan hệ mật thiết với người Pháp. Những làng chung quanh Hà Nội không bóng người, vì vậy sự cung cấp lương thực không có nguồn. Viên sĩ quan hậu cần phải trình thiếu tá phương án phát thức ăn theo khẩu phần.
Không thể để tình hình kéo dài. Phải đánh nống ra, đuổi quân Cờ Đen quay trở về sào huyệt, tức Sơn Tây. Thiếu tá triệu tập họp các sĩ quan. Có người bảo: "Nên thận trọng. Nên rút kinh nghiệm của Francis Garnier, mười năm về trước". Thiếu tá Henri Rivière phân tích:
- Mười năm về trước Francis Garnier ra Cầu Giấy chỉ có trong tay hơn chục người. Thua là phải. Còn lần này chúng ta sẽ đánh đuổi quân Cờ Đen bằng một lực lượng hùng hậu: 500 quân.
Sáng ngày 19 tháng năm, năm 1883, đoàn quân Pháp rời khỏi khu Nhượng địa Đồn Thủy. Một đội hình dài dằng dặc, trung đội nọ tiếp trung đội kia hành quân trên con đường phố Hàng Khảm đi về phía Cửa Nam.
Thiếu tá chỉ huy, quân phục chỉnh tề, lưng đeo súng ngắn lại ngồi trên chiếc xe Victoria trứ danh có hai con ngựa trắng kéo. Quân sĩ "hua ra" hoan hô chủ tướng.
Viên đội Philippe Messmer vẫn làm xà ích. Anh đeo khẩu súng trường chéo đằng sau lưng, tay cầm chiếc roi dài. Anh vút roi ra lệnh. Đôi ngựa bắt đầu cất bước.
Trời còn sớm nhưng đã sáng rõ mặt người. Chẳng thấy một bóng người đón đường. Mãi đến khoảng hồ Hoàn Kiếm mới thấy mấy con chó hoang từ vườn chùa Ông Thương chạy ra sủa ăng ẳng. Con chó sủa dai quá. Một viên sĩ quan nổ phát súng ngắn làm chúng hoảng sợ cúp đuôi chạy mất tích miệng vẫn ăng ẳng khiếp hãi. Đến Cửa Nam đoàn quân đi chếch theo con đường tới Cầu Giấy. Khoảng 6 giờ sáng đến nơi.
Đây là con đường đất nối từ chiếc Cầu Gạch bắc qua một con sông nhỏ dẫn tới tỉnh Sơn Tây. Quân thám báo cho biết trước quân Cờ Đen có mặt ở khu vực này. Tuy nhiên, tất cả vẫn giống như quãng đường lúc mới xuất phát, nghĩa là tất cả đều vắng lặng chẳng nhìn thấy một ai. Đội quân mở đường vào lùng sục những căn nhà ven đường song chẳng thấy gì. Đoàn quân cứ tiến thẳng qua cầu ở đoạn đường đất này hai bên đường là những xóm lèo tèo. Khoảng chín giờ mới đụng độ một toán địch nhỏ. Chúng bắn vài phát súng rồi rút chạy vào một xóm. Một trung đội Pháp vội truy kích. Đến chỗ khác, lại lẹt đẹt vài phát súng. Lại có người đuổi theo. Chừng hơn một tiếng đồng hồ sau, lần này súng lại nổ chặn ở phía sau lưng. Rồi súng nổ vang ở khắp phía. Không biết quân Cờ Đen nấp ở đâu, bỗng xuất hiện hết toán này đến toán khác, lúc đầu nổ súng, còn về sau toàn đánh giáp lá cà.
Thiếu tá Henri Rivière đánh nửa ngày chiếm thành Hà Nội, lại đánh nửa ngày khác chiếm thành Nam Định. Đó là những trận vây thành, ông có thể dùng súng đại bác, có thể phát huy uy lực của vũ khí tối tân hơn hẳn đối phương. Còn ở trận này, người cầm mã tấu đánh với người cầm súng cắm lưỡi lê. Một trận cọ xát mặt đối mặt, giết nhau theo kiểu trung cổ, vũ khí tối tân hết tác dụng, ai khỏe hơn là thắng, ai đông hơn là thắng. Đó là trận phục kích không thấy sách giáo khoa trong trường sĩ quan Tây phương.
Viên đội Philippe và Henri Rivière nhảy khỏi chiếc xe Victoria trứ danh. Philippe Messmer cắm lưỡi lê vào nòng súng bảo vệ chỉ huy trưởng. Một tiểu đội Pháp cũng đứng chung quanh sẵn sàng chiến đấu. Một lính cờ đen cầm mã tấu hét lên xông tới. Thiếu tá Henri bắn gục, mười người lính cờ đen, rồi đông nghịt những lính cờ đen xông tới. Có tiếng hét:
- Thằng chỉ huy đấy. Giết nó đi.
Tiếp sau đó là xoang xoảng gươm giáo mã tấu, là tay cụt, máu tóe, hò hét. Henri Rivière hết đạn. Cả tiểu đội lính bảo vệ bị chết hết. Cả anh đội Philippe cũng bị chém xả vai nằm chồng lên những cái xác khác. Quân Cờ Đen còn bận trói Henri Rivière bắt giải đi nên không thèm để ý xem đối phương ra sao. May mắn, một người lính Pháp, sau trận đánh, phát hiện ra Philippe Messmer còn sống nên đưa anh ta về khu Nhượng địa.
Chín giờ tối, những lính Pháp còn sống sót mới trở về hết. Gần 100 quân bị chết, bị thương. Thiếu tá Henri Rivière, đại uý Jacquin, trung uý Brisis bị quân Cờ Đen bắt, chắc là đã chết. Đại uý Berthe de Villers bị thương về đến nhà thì chết.
- o O o -
Philippe Messmer phải nằm bệnh viện mất gần một tháng. Sau trận chiến Cầu Giấy, quân Cờ Đen làm chủ Hà Nội cả đêm lẫn ngày. Quân Pháp lui cả về cố thủ trong khu Nhượng địa. Hàng rào gỗ chắc chắn vây kín các mặt, trên sông Hồng lại có tầu chiến trang bị đại bác nên quân Cờ Đen tuy dám đi lại ban ngày trong thành phố nhưng cũng không dám tấn công khu Đồn Thủy. Thế là giữa đại đội đóng trong thành và đội quân trong khu Nhượng địa bị đứt liên lạc, tách làm hai. Tại Đồn Thủy, người ta chia thức ăn theo khẩu phần.
Nghe tin Henri Rivière bị sa vào tay quân Cờ Đen, súy phủ Nam Kỳ vội cấp tốc gửi quân ra Bắc. Ở Pháp, tại quốc hội, phe chủ chiến muốn đánh Bắc Kỳ đã thắng. Người ta đưa tướng tá binh lính sang. Bây giờ, trên con đường Hàng Khảm nối từ Đồn Thủy đến thành Hà Nội, có thêm hai đồn binh: đồn Tràng Tiền và đồn Tràng Thi. Các cha cố, dân công giáo lại trở về khu phố Truyền giáo. Quân đội Pháp mở những cuộc hành quân đánh đuổi quân Cờ Đen.
Philippe đã hoàn toàn khỏe mạnh trở lại. Người ta giao cho anh nhiệm vụ ra khu Cầu Giấy tìm thi hài của thiếu tá. Philippe cầm chiếc hộp khảm trong đó đựng tập truyện ngắn Édith lên. Chiếc hộp khảm trai rất đẹp. Người thợ khảm ở bờ Hồ Gươm là người thợ tài năng nhất phố. Thiếu tá chỉ thích ông ta khảm cho một cảnh vật đậm đặc chất An Nam để làm kỷ niệm. Thì đây, một khóm trúc, một dòng sông, một con thuyền... vẫn còn đây, nhưng người chủ thì đã ở cõi nào. Henri Rivière rất thích chiếc hộp khảm này. Lúc mua nó về, ông cứ ngắm nghía không chán, rồi gật gù: "Người An Nam lạc hậu đến thế mà lại có một tâm hồn tinh tế đến thế...". Philippe còn nhớ, có lúc ông nói với anh: "Xứ sở này tăm tối quá. Ta phải đem ánh sáng đến cho họ". Ở con người này vừa có cái cảm xúc tế nhị của một nghệ sĩ, lại vừa có sự cao ngạo của một con người đi chinh phục. Philippe hơi rùng mình khi thầm nhắc tới từ chinh phục. Anh lại chợt liên tưởng tới Francis Garnier. Mười năm về trước, ông này cũng bị quân Cờ Đen giết. Họ chặt đầu ông ta. Lúc tìm được xác thì không thấy đầu. Cái đầu mất biến. Một con chó hoang nào đã tha mất rồi chăng, hay một người dân nào đó thương tình đã vùi lấp hộ chăng. Thành thử lúc chôn ông ta, không có đầu. Ông ta biến thành thứ ma không đầu. Chắc chắn Henri Rivière cũng vậy. Trăm phần trăm là ông ta đã bị chặt đầu. Luật lệ phương Đông đối với kẻ tử thù là như vậy. Thiếu tá ơi! Bây giờ thân xác người ở đâu? Linh hồn người ở đâu? Bây giờ đầu của người đang ở chỗ nào? Người phương Đông coi trọng cái đầu hơn là cái mình. Họ cho rằng người chết mất mình là khổ, nhưng mất đầu còn khổ hơn, bởi vì tinh hoa của con người, tất cả nằm ở cái đầu, trí khôn cũng ở đấy mà hồn vía cũng ở đấy. Philippe không mê tín như người phương Đông nhưng cũng nghĩ, thà mất cái mình hơn là mất cái đầu.
Philippe suy nghĩ rất nhiều, nên đầu tiên anh tìm đến gặp giám mục Puginier. Đức cha đang ở nơi dựng lại nhà thờ. Cha đang có dự định làm một ngôi nhà thờ thật to, nhưng để có nơi hành lễ ngay, phải dựng tạm một ngôi nhà thờ lợp lá. Thấy Philippe, cha bảo:
- Cầu chúa ban phước lành cho người chỉ huy anh hùng của con. Chắc lúc này, thiếu tá đang ở trên xứ thiên đàng, bên cạnh Chúa.
Philippe trình bày nhiệm vụ của mình. Đức giám mục hiền từ nói:
- Con tìm ta là đúng. Một mình con không tìm thấy đâu. Mà cho dù có hàng trăm quân lính cũng khó tìm ra. Bởi vì chúng ta là người nước ngoài. Để ta cho một người bản xứ đến giúp con.
Người công giáo đến giúp Philippe trạc gần bốn mươi tuổi, dáng người rắn chắc, mặt mũi sáng sủa. Chẳng thấy ông ta cười bao giờ, nét mặt hiền từ nhưng khắc khổ, trầm tư. Ông ta nói được tiếng Pháp nhưng không sõi lắm. Người ta bảo ông là người tâm phúc của tòa giám mục. Tên ông là Cam. Ông Cam nói khẽ khàng bằng một giọng nói chắc nịch sau một hồi lâu suy nghĩ:
- Ông đội ạ. Ông cứ ở nhà. Để tôi đi một mình.
- Ông Cam ơi! Thiếu tá mất tích như vậy đã hơn hai tháng. Lòng tôi chẳng yên chút nào khi chưa tìm được người.
Hình như ông khó nói, nhưng cuối cùng ông cũng nói ra được.
- Sự thực bây giờ là đi tìm xác. Ông đội là người Pháp. Mà ông biết đấy, người dân quê tôi bây giờ trông thấy người da trắng, lập tức họ trốn chạy, hoặc im lặng chẳng nói gì cả.
Trong giọng nói của ông Cam, Philippe thấy buồn buồn, nhưng anh phải công nhận ông ta nói phải. Ngoài ông Cam tự nguyện nhận giúp ra, Philippe còn thuê mấy người dân quê khác đi tìm. Anh trả công họ thật cao, lại còn hứa nếu tìm được sẽ trọng thưởng.
Một tháng trôi qua vẫn chẳng thấy tăm hơi gì. Một buổi chiều, anh thấy một người nông dân cởi trần đóng khố đến tìm. Anh ta gánh hai cái rổ, phủ rơm. Lại gần mới nhận ra đó là ông Cam. Ông ta bảo tìm thấy đầu thiếu tá rồi. Ông Cam bỏ rơm ra. Cái đầu lâu da đã bợt bạt biến hình, mắt bị chuột khoét, tai bị chuột gặm, nhưng Philippe vẫn nhận ra chủ. Có lẽ cái để Philippe nhận ra là mớ tóc. Mớ tóc vàng, dài xõa đến vai, mớ tóc nghệ sĩ độc nhất mà chỉ mình thiếu tá có trong khu Đồn Thủy. Ông Cam cẩn thận đã lượm về mớ tóc ấy. Philippe muốn ông Cam kể tỉ mỉ tình hình cho nghe, song ông ta không muốn nói, chỉ lặng lẽ nhặt mấy con đỉa từ lỗ tai cái đầu lâu chui ra. Mùi hôi thối xông lên nồng nặc.
Ông bác sĩ của khu Nhượng địa phải pha dung dịch phoóc môn đem ngâm cái đầu lâu trong khi chưa làm lễ an táng được.
Ông Cam chẳng nói gì nhưng những ngày đi tìm của ông thật khốn khổ. Ông Cam giả làm người đi đào hang bắt chuột. Ông đóng khố, vác cái thuổng trên vai, lưng buộc mấy cái đó, tay cầm mồi rơm phe phẩy. Những cánh đồng chung quanh khu Cầu Giấy đã trở thành những cánh đồng hoang, vì dân bỏ đi hết. Ruộng đất đã trở thành những khu rừng lau sậy. Phải nói đi tìm một cái đầu lâu trong bao la rừng lau sậy thật chẳng khác đi tìm kim đáy bể. Đất đai đã trở thành nơi trú ngụ của lũ cầy cáo. Người dân quê trong lúc loạn lạc đói khát đi bắt chuột để sống qua ngày không phải chuyện hiếm. Một tháng trời lần mò không hiệu quả cũng làm ông nản. Một lần, ông gặp một ông bạn cùng cảnh: Hỏi ông ta bắt có được nhiều chuột không. Ông ta không nói, chỉ gật đầu một tay bịt mũi, còn tay kia chỉ trỏ vào một khu ruộng rậm rịt. Khi ông ta đi khỏi. Cam mới vào khu lau sậy um tùm đó. Khi ông đến, một bầy chuột chạy túa ra. Ông là người đi đạo nhưng cũng khấn:
- Ông Rivière ơi! Ông sống khôn chết thiêng thì đưa lối chỉ đường cho tôi tìm ra ông nhé!
Và thế là ông đã tìm ra đầu thiếu tá. Nhưng còn thân thì sao? Có tìm không? Hay là chỉ chôn cái đầu. Giám mục bảo:
- Thiếu tá là người anh hùng. Ta nên cố gắng tìm cho thi thể được toàn vẹn.
Cũng lại phải nhờ ông Cam mới tìm ra nốt thân thể thiếu tá. Ông ta nghĩ: "Kẻ tử thù thường hay bị vứt xác trôi sông, để đầu một nơi, thân một nẻo, để cho kẻ ấy không thể tái sinh trở lại dương thế làm điều ác nghiệt". Do những suy nghĩ ấy, ông vác dậm đi theo dòng sông gần đấy, ông thấy một đàn quạ đậu đen ngòm trên một cây gạo. Ông mừng rỡ, bởi vì lũ quạ là những con chim đánh hơi mùi xác chết giỏi nhất. Xác Henri cụt đầu dập dềnh trong một bụi cỏ lác ven sông.
Tháng 10 năm 1883, giám mục Puginier làm lễ cầu siêu cho thiếu tá Henri Rivière tại ngôi nhà thờ lợp lá, trên khu phố Truyền giáo.
|
|
|