Ông lý Cỏn quản lý cả một gia đình lớn: ba bà vợ, gần chục đứa con, mấy chục mẫu ruộng, hàng chục đầy tớ, tuy vậy nhưng rất bài bản. Mọi việc chạy răm rắp chẳng khi nào chuệch choạc. Ba bà vợ vấn là sự khó cai quản nhất, không khéo sẽ sinh chuyện. Mà chuyện xảy ra ở trong nhà, ắt sẽ gây xáo trộn cho nề nếp gia đình. Tuy nhiên, chẳng bao giờ có chuyện gì xảy ra. Đến cụ chánh Thi, ông bố vợ cũng phải khen lý Cỏn tài, khéo thu xếp. “Có gì đâu mà tài với khéo - Lý Cỏn bảo. - chẳng qua con chỉ dùng cách tách các bà ấy riêng ra". Mỗi bà ở một nhà, mỗi bà riêng một bếp. Ngôi nhà thờ, tức là ngôi nhà chính ở trên mảnh đất to hai mẫu đủ ao, vườn cảnh, vườn cây ăn quả, khu trồng tre xoan, khu chất đống rơm đống rạ. Nó là khu chính, khu trung tâm. Còn ba bà ở ba mảnh đất con, bên ngoài lũy tre khu đất chính. Về mặt kinh tế cũng rất rạch ròi. Có ba chục mẫu ruộng, thì phần lớn cho cấy thuê, chỉ để lại gần chục mẫu nhà làm. Bà Cả phải quản lý hơn sáu mẫu ruộng. Bà Hai khoảng mẫu rưỡi (vì bà ít con). Bà ba khoảng hơn hai mẫu (vì đông con). Ruộng của bà nào, bà ấy tự làm, tự thu hoạch, tự chi tiêu. Ông lý Cỏn không phải động chân động tay vào phần ruộng ấy. Việc của ông chỉ là để mắt tới phần những ruộng cho cấy thuê. Nhưng ông bận trăm công nghìn việc, những việc không tên của một ông lý, cho nên ông có một người con nuôi tên là Tân, khoảng 25 tuổi giúp đỡ ông trong mọi việc nhà. Bà cả Cỏn là người rất đảm đang trong việc gia đình và việc ngoài đồng. Bà là bà Cả, nên bao nhiêu cũng to việc lớn, giỗ tết, hiếu hỉ bà đều phải gánh vác tất. Khi bà cả Cỏn qua đời, bà hai Cỏn lên thay bà Cả gánh vác việc chính trong gia đình. Yếu đuối, không hay lam hay làm như bà Cả, nhưng việc chỉ tay năm ngón của bà cũng đâu ra đấy. Lại được cái Thắm con bà Cả giúp đỡ dì. Con bé này mới lớn lên mà đã giống mẹ, nó đảm đang chẳng kém gì bà Cả ngày trước.
Riêng bà Ba vốn con nhà nghèo, lại có sức khỏe. Nhà không có một tấc đất, bà phải đi cấy thuê cuốc mướn từ lúc bé, nên khá thạo việc đồng áng. Nay trong tay bà có hơn hai mẫu ruộng, bà như con cá gặp nước thỏa thuê tung tăng bơi lội, bà lăn lưng ra làm. Việc cày bừa đã có người của nhà chính giúp đỡ. Bà chỉ phải lo chăn nuôi, bón phân, làm cỏ tát nước cấy gặt v.v... Lũ con bà cũng vậy, tiếng là con nhà giàu nhưng chúng giống mẹ hơn giống bố. Chúng cũng suốt ngày dài trại ngoài đồng nào chăn bò, nào cắt cỏ, nào lấy rau lợn, nào làm cỏ lúa, nào đập đất, có khỉ cả đi cấy đi gặt... Chúng làm việc hùng hục. Vì vậy nên gia đình riêng của bà ba Váy cũng khá dễ chịu.
Từ ngày cậu cả của bà Ba, tức anh Cò, tức cậu Vũ Xuân đi học trên Hà Nội, bà ba Váy rất hãnh điện nhưng hình như có điều gì đó tư lự mà không nói ra được. (Đáng lẽ ra phải gọi là Vũ Xuân Xuân mới chỉnh, chữ Xuân thứ nhất là đệm, chữ Xuân thứ hai là mùa xuân, là chính tên, nhưng hai chữ trùng nhau nên bỏ bớt một. ông lý Cỏn khi khoe anh con trai học giỏi thường giải thích cho người trong làng như vậy).
Tính bà Ba xởi lởi nên các bà trong Kẻ Đình rất quý. Những lúc rỗi rãi, bà thường đến chơi các nhà trong xóm, nói chuyện hàn huyên. Đáng lẽ, người có địa vị như bà phải đến nhà các bà chánh, bà phó mới đúng. Tuy nhiên, không hiểu tại sao, bà rất khó làm quen với họ, và ngược lại họ cũng không muốn bắt thân với bà. Riêng đối với các bà nhiêu, bà xã, thì bà lại thấy dễ dàng thoải mái. Đặc biệt bà rất thân với thím ba Pháo. Thím hơn bà để tới gần hai chục tuổi. Năm ấy, thím Pháo đã ngoại năm mươi, còn bà Váy mới chỉ ba sáu, ba bảy. Gần như mẹ với con, song chẳng hiểu tại sao hai người thân nhau đến vậy. Một bận, ông lý Cỏn bắt gặp vợ đến nhà thím Pháo. Tối, ông đến với bà, ông nghiêm mặt hỏi vợ:
- Bà có biết thím Pháo là gì không?
- Là gì?
- Là mõ. Bà ngu thế sao? Đường đường là vợ một ông lý mà hàng ngày thậm thụt vào nhà mõ. Liệu bà có biết thể diện của tôi là gì nữa không?
- Vâng, tôi biết.
- Biết mà còn ngu.
- Vâng, tôi ngu. - Bà thở dài - Nhưng ông có biết trước khi lấy ông, tôi có khác gì con mõ. Thậm chí chẳng bằng mõ. Vì miếng cơm chẳng có mà ăn. Ông có biết tại sao tôi quý bà ấy không?... Vì... Có ai biết thương tôi đâu... Họ hàng thân thích chẳng có ai. Chỉ có bà ấy biết thương tôi.
- Thương?
- Vâng. Năm kia, ông đi lên tỉnh... Tôi ra làm đồng bị cảm... Bà ấy đã cõng tôi về... đã đánh gió cho tôi... đã cháo lão cho tôi…
- Sao lại dại thế... Sao không gọi bà Cả, bà Hai?... Sao không đến nhà cụ Tú?
- Hừ... gần chết mà sĩ diện được ư... Chờ gọi được người nhà ông... thì... thì... tôi đã xanh cỏ.
- Vậy, chịu ơn người ta... thì trả ơn người ta vài thúng thóc, thế là xong chứ gì...
Bà ba Váy nghe chồng nói, chỉ buồn rầu im lặng. Từ đó bà ý tứ hơn. Lâu lâu mới sang. Và chỉ sang buổi tối. Những tối như vậy, hai người rủ rỉ với nhau cho đến tận khuya. Họ nói chuyện gì với nhau mà lắm vậy. Cả đến Hoa cũng phải ngạc nhiên.
Khí thím Pháo qua đời, lúc đó lý Cỏn cũng đang thập tử nhất sinh, vả lại người ta phải nhanh chóng chôn người chết dịch, thành thử bà ba Váy không tiễn đưa được thím. Khi trận dịch qua đi, điều lạ là vợ ba lý Cỏn vẫn tiếp tục sang nhà mõ. Cái thâm tình với người mẹ đã chuyển sang người con chăng? Hay còn những nguyên nhân khác? Bà Ba kín đáo chăm sóc Hoa, như thể Hoa là một đứa em, một đứa con. Bà Ba kém tuổi thím Pháo nhiều, nhưng con bà, thằng Cò cũng suýt soát tuổi Hoa. Cái tuổi ba lăm, ba sáu của bà là thế. Già chẳng ra già, trẻ chẳng ra trẻ. Thực ra, trông bà còn mặn mà lắm. Chẳng ai nghĩ được bà đã sáu con và con đã lớn tướng. Có lẽ bà không có con gái lớn nên thích thân với Hoa chăng? Có người còn hồ đồ cho rằng bà ba Váy định chấm Hoa cho thằng Cò. Nghe câu nói ấy, người làng cười rộ. Thằng Cò Xuân học giỏi như thế, giàu có như thế, gia đình danh giá như thế mà chấm con nhà mõ thì họa có là điên, mặc dù ai trông thấy Hoa cũng phải tấm tắc khen thầm là đẹp.
Ông hộ Hiếu đã già, lại thêm nhiều lúc nhịn ăn chỉ uống nước trà, nên thân thể suy nhược ốm đau quặt quẹo luôn. Hoa thương cha định lấy số tiền để dành ra thuốc thang ông già không cho và dọa nếu Hoa cố tình làm thế, ông sẽ cắn lưỡi tự tử. Bà ba Cỏn thấy tình cảnh ông già, đã giúp đỡ Hoa bằng cách mượn Hoa lúc thì nhổ cỏ tát nước, lúc thì đánh luống vun cây. Rồi trả công cho hậu hĩ. Không những ông Hộ ốm, mà cả khi ông Trịnh Huyền ốm, bà Váy cũng nhờ Hoa đem đến cho ông cân đậu xanh. Hoa càng lúc càng ngạc nhiên và hiểu ra rằng bà Ba không những chỉ quan tâm đến cô mà còn cả đến gia đình họ Đinh Công nữa. Có chuyện gì ở đây nhỉ? Cô gái cố nghĩ nhưng cũng chịu không hiểu tại sao.
Có một tối. Bà Váy đến nói với Hoa:
- Cô đến chơi nhà cái Nhụ, nhắc ông Huyền rằng tổ tương tế phải cẩn thận. Tây đồn điền chú ý đấy. Ông tây hôm nay đến nói chuyện với ông Lý, tôi đun nước cho họ, lúc lên nhà nghe thấy”.
Nhờ thân thiết với bà ba Váy, Hoa biết rất nhiều chuyện trong thôn xóm. Hầu như ở trong làng có chuyện gì, cô là người biết đầu tiên. Ví dụ làng định sắp mở hội. Bà Ba nói:
- Không phải hội hàng năm ngoài đình đâu. Đấy là hội nhỏ. Đằng này mở hội to. Đại hội trên mười năm mới mở một lần.
Hoa tròn mắt ngạc nhiên khi bà Ba nói:
- Cô chưa biết hội này. Khi mở hội lần trước, cô chỉ mới lên ba, lên bốn. Làm sao biết được. Gọi là hội Kẻ Đình, nhưng người ta vẫn quen gọi là hội "ông Đùng, bà Đà”. To lắm. Không riêng chỉ làng Đình, cả vùng đến dự. Hội hàng năm chỉ làm ở đình Làng. Còn hội lớn này làm ở ba nơi: đình làng, đền Mẫu và cả trên núi Đùng.
Cô Hoa lại hỏi:
- Bảo phải được mùa mấy năm liền mới mở đại hội. Năm ngoái, làng mình bị trận dịch thiệt hại to như thế...
- Bị dịch nhưng lúa vẫn tốt. - Bà ba Váy trả lời. - Ấy lúc họp cụ tú Cao cũng nói như cô ấy, bảo rằng vừa chết dịch xong, chẳng nên làm. Cụ chánh Thi đáp lại rằng vì có dịch nên cần phải làm. Dịch là tại dân làng chểnh mảng, sơ sài hương khói. Ông Đùng nổi giận gieo tai giáng họa. Nay phải làm hội to để cho ông và bà bớt nổi cơn giận lôi đình...
Bà Lý nói cứ như thể bà cũng dự cuộc họp kỳ mục ngoài đình. Thực ra, đó là câu chuyện thủ thỉ ban đêm mà ông Lý đã thổ lộ với bà.
Những câu chuyện ngồi lê đôi mách như vậy, giữa bà ba Cỏn và Hoa, thực ra cũng là một niềm vui có khi là niềm an ủi của người đàn bà nông thôn. Bà Lý có thể tìm thấy ở Hoa bóng đáng của mình thời son trẻ. Còn Hoa, cô có thể tìm thấy ở bà hơi hướng của người mẹ quá cố. Tại sao bà Ba trước đây rất thân với thím Pháo? Gặp bà nhiều lần, Hoa mới biết tính nết bà Ba rất giống mẹ mình. Hai người đàn bà có địa vị rất khác nhau, song thời con gái họ đều có hoàn cảnh như nhau. Đến như hôm nay, đã là bà Lý rồi, mà bà Ba hình như vẫn chưa hết tủi. Còn cô nữa, cô Hoa, liệu cô có tủi phận không? Liệu cô có cam chịu không? Những đêm khuya, Hoa vẫn thường hỏi mình như vậy.
Lại một bận khác, một tối, bà ba Váy đến chỗ Hoa. Bà mới vào đến nhà đã hỏi ngay:
- Mày đã biết chuyện chưa?
- Chuyện gì thế bà?
- Chuyện quan trọng về cháu...
Đúng là chuyện quan trọng thật. Ông hai Xe, anh ông ba Pháo, từ dưới Nam lên. Bà ba Váy nghe lỏm được câu chuyện rất can hệ tới số phận của Hoa nên phải gặp cô ngay.
- Ông Xe lên Cổ Đình vào lúc xế chiều. Ông không đến chỗ Hoa, mà hỏi thăm vào ngôi chùa đổ gặp ông hộ Hiếu. Hai ông già chẳng biết nói chuyện gì với nhau. Chập tối, ông Xe xin phép ông hộ Hiếu. Tưởng ông đi gặp Hoa nhưng không phải. Ông tìm đường đến nhà ông lý Cỏn. Không biết ông chuẩn bị từ lúc nào mà đã có sẵn một gói chè và một đồng bạc. Ông xoa hai tay rối rít và ăn nói rất rụt rè:
- Chúng con xin có lời chào cụ Lý ạ.
- Ấy chết! Ông đừng gọi tôi là cụ. Gọi thế nó tổn thọ đi. À này, ông đến có việc gì? Ông không phải người làng, vậy từ đâu đến.
- Cụ quên chúng con rồi ư? Bố con là ông cụ Điếc. Con là Xe, em con là...
- À! Thế thì tôi nhớ ra rồi. Ông cụ Điếc ngày xưa bắt ông về quê giữ hương hỏa chứ gì... ông cụ nghĩ thế là phải làm. Thế gia đình... ở dưới ấy làm ăn ra sao?...
- Dạ bẩm ông Lý... nhà cháu dưới ấy vẫn yên ổn cả... Chỉ có mỗi một điều là đông người quá. Bẩm, hai đứa con gái lớn đều đã gả chồng. Hai thằng con trai lớn đều đã lấy vợ. Chỉ còn mỗi thằng út năm nay đã tròn mười tám...
- Lớn tồng ngồng rồi nhỉ? Tên nó là gì?
- Dạ bẩm, tên nó là Trình.
Chẳng biết có chuyện gì thoải mái mà trong cuộc tiếp khách ngắn ngủi hôm nay, ông Lý hay cười. Sự xởi lởi của ông Lý làm cho ông Xe bớt đi cái rụt rè ban đầu ông tận dụng sự vui vẻ của lý Cỏn mở cái bị lấy ra cái đĩa con mà ông mượn trên bệ thờ dưới chân pho hộ pháp, trịnh trọng đặt bao chè, đồng bạc lên rồi run run dâng ra trước mặt.
- Chỉ là chúng cháu muốn đến xin ông Lý một điều.
- Ngày xưa cụ Điếc sinh ra ông rất hiền. Tôi rất mến. Ông chớ ngại. Muốn điều gì cứ nói thẳng ra.
Ông Xe bấy giờ mới xoa tay và nói:
- Bẩm cụ Lý, nhà con nghe tin làng mình đang khuyết chân mõ...
Lý Cỏn nhìn thẳng vào mặt ông già, mới đầu có vẻ ngạc nhiên, sau một lúc ngẫm nghĩ mới hỏi:
- Ý ông định quay trở về Cổ Đình, nhận cái chức việc của ông cụ Điếc ngày xưa chăng?
Ông Xe xua tay rối rít:
- Dạ bẩm, không phải thế. Con đã già rồi. Kham sao nổi. Ý của chúng con là định xin cái chân ấy cho thằng út, cái thằng tên là Trình mà con đã bẩm từ lúc đầu... Dạ, cụ Lý đừng ngại. Thằng bé nhà con mặt mũi sáng sủa, lại nhanh nhẹn lắm. Con lù đù thế này, chứ thằng út nhà chúng con thì tay nem tay chạo, việc gì cũng thạo... Dạ bẩm, con không dám khoác lác, chứ ngay cả việc mổ trâu nó cũng làm được. Chả là nhà nghèo nên cháu nó phải lăn lưng ra làm thuê làm mướn đủ việc, đủ nghề...
Ông Lý ngồi im vê bộ ria mép một lát mới nói:
- Hóa ra là thế... ừ, tôi nghe ông khoe về thằng Trình, thật bụng tôi thấy thích... Nhưng ông biết đấy... thím ba Pháo vừa mới mất. Mà cái Hoa, con thím Pháo cũng là đứa nhanh nhẹn chẳng kém gì thằng con ông. Kể ra mõ đàn bà cũng có khi bất tiện, song cũng chẳng sao. Thím Pháo đã làm mõ trên hai chục năm từ khi chồng chết. Tôi không nở cắt miếng cơm của đứa mồ côi. Tôi định thế này: Thừa con Hoa thì sẽ đến phần con nhà ông. Nếu con Hoa không muốn làm mõ nữa, vì nó là con gái đã đến tuổi lấy chồng, thì sẽ đến lượt thằng Trình nhà ông.
Mặt ông Xe bỗng tươi tỉnh hẳn lên. Ông lại xoa tay rối rít:
- Dạ bẩm, cụ Lý nói thật chí tình chí lý. Cụ truyền bảo vậy nhưng không sao đâu ạ. Thật nhất cử lưỡng tiện. Bởi vì...
- Vì sao?
- Vì thằng út nhà con sắp cưới cháu Hoa.
- Thằng Trình lấy con Hoa? Thế mà tôi không biết nhỉ! Hay thật đấy! Khéo thật đấy! Hơ hơ...
Ông Lý cười. Còn Hoa, khi nghe tin ấy, cô giãy nảy lên:
- Làm gì có chuyện ấy. Sao cháu không biết?
- Thì chính tai tôi nghe thấy mồm ông Xe nói ra như vậy. Ông Lý cứ cười khúc khích mãi. Ông Xe thì nói ông ấy đã bàn với thầy cô, ông hộ Hiếu rồi.
Sau khi bà ba Cỏn về, lúc ấy đã khuya, nhưng Hoa thấy không thể nán chờ đến hôm sau, cô đến ngôi chùa đổ ông hộ Hiếu đang ngồi lim dim trước pho tượng hộ pháp. Con gái ông, giọng bực bội, hỏi bố:
- Ông Xe đâu rồi? Con muốn nói chuyện với ông ấy.
- Ông Xe hả? Ông ấy đi rồi. Vội vã lên rồi lại vội vã về ngay. Ông ấy chưa kịp gặp con. Sáng hôm nay, ông ấy chỉ kịp ra mộ mẹ con thắp ba nén nhang, và bảo rằng sẽ làm theo tâm nguyện của bà ấy.
- Tâm nguyện của u con? Tâm nguyện gì hở bố?
- Thì cái chuyện bà ấy hứa gả con cho thằng Trình. Cái đận u con về quê mấy năm trước. U mày nói với tao rồi, nhưng bảo để chúng mày lớn lên chút nữa sẽ hay. Khổ thân bà ấy! Lúc nhắm mắt cũng không thấy được chúng mày nên vợ nên chồng. Ông Xe lên đận này là để nhắc tao cái lời hứa của u mày...
Đầu óc Hoa bỗng ù lên. Lúc này, Hoa mới nhớ lại, sau khi về thăm quê, bà Pháo cứ nức nở khen Trình là sáng sủa, bé tí mà đã khôn ngoan. Cái khôn nó dồn lên mặt. Cô bực tức gắt cả với bố. Điều ấy, chưa bao giờ cô dám thế. Cô sầm mặt, chủng chẳng:
- Con chẳng thèm lấy cái thằng vừa còi rí còi rị, lại vừa khoèo.
- Ơ kìa! Con này hay nhỉ. Tao nghe mẹ mày nói mặt mũi nó sáng sủa lắm cơ mà. Còn khoèo thì tao không nghe mẹ mày nói.
Thực ra Trình có tật ở chân, đi hơi tập tễnh chút xíu, ai không quá để ý thì chẳng nhận ra. Vì không thích, vì cáu kỉnh nên Hoa nói tướng lên là khoèo cho bõ tức. Nói xong, cô ngồi sụp xuống, ngồi dựa lưng vào tường, nhìn ông hộ pháp mà ngán ngẩm cho cái thân mình. Ông hộ Hiếu lên cơn ho, ho sặc sụa mãi mới dứt. ông đến gần con gái:
- Mẹ mày chết chưa kịp nói cái tâm nguyện của bà cho con biết. Thì nay thầy nói. Cả thầy cả u đều chỉ muốn cho con thoát cái kiếp mõ. Cái kiếp hèn hạ, người chẳng ra người, ngợm chẳng ra ngợm. Ai ai cũng có quyền khinh rẻ được. Vì thế nên u mày mới dẫn mày về quê. Vì thế nên u mày mới nhận lời ông hai Xe cho thằng Trình. Nó có bé người một tí. Nó có nghèo một tí song chả sao. Chỉ cốt thoát cái kiếp tôi đòi hèn mạt. Người ta chỉ tôi đòi cho một ông chủ. Đằng này mõ là tôi đòi cho cả làng cả tổng...
Nghe ông cụ nói, Hoa dần ngẩng đầu lên. Lúc này cô mới chợt hiểu hoàn toàn vấn đề. Bây giờ cô đã bình tĩnh. Cô biết mình phải làm gì. Hoa hỏi bố:
- Thế thầy đã biết ông hai Xe đến nhà ông lý Cỏn chưa?
- Ông Xe đến nhà ông Lý? Tao chưa biết. Ông Xe không nói. Mà ông ấy đến đó làm gì nhỉ?
- Thầy ơi? Thầy bị mắc lừa ông ta rồi.
- Lừa ư?
- Vâng. Thầy có biết ông hai Xe đến nhà ông Lý làm gì không?
- Chịu.
- Đến nhà ông Cỏn để xin cái chân mõ. Quý chưa? Xin chân làm mõ cho thằng Trình.
- Hả?
- Xin cho thằng Trình làm mõ thay con... Thầy thấy chưa? Thầy u muốn con thoát kiếp mõ. Còn ông hai Xe thì muốn con lấy thằng Trình, để tranh phần làm mõ, để hai vợ chồng cùng làm mõ, để đẻ ra một lũ con lại tiếp nghề làm mõ...
Hoa nói với hai con mắt long lanh, cô nói dồn dập làm ông hộ Hiếu ngồi ngẩn ra ngơ ngác. ông như không tin ở tai mình nữa. ông tần ngần;
- Chẳng có lẽ lại thế... Hay là con nghe lời đơm đặt.
- Đơm đặt ư? Chính bà ba Cỏn nghe được chuyện và vừa mới kể cho con xong... á... Thế thầy đã nhận lời ông hai Xe chưa?
Ông hộ Hiếu nghĩ một lúc rồi gật gù:
- Ai ngờ ông ta lại thế. Giấu biệt cái chuyện lên xin làm mõ cho con trai... Lại muốn thắt con vào kiếp mõ cả đời. Thôi! Con cũng đừng xịu mặt nữa. Cả u mày trước kia, cả thầy đều nghĩ mày lấy thằng Trình là được về quê ngoại là thoát khỏi kiếp mõ. Ai ngờ cơ sự lại thế... Nhưng chả sao đâu... Thầy còn nói nước đôi... Thầy bảo ông hai Xe rằng, hãy thư thư, còn hỏi con một lời kẻo mang tiếng ép duyên... Thôi... cũng may…
Ông hộ Hiếu nói xong thở phào nhẹ nhõm.
Làng Kẻ Đình, từ khi có Huy và Tuấn về thành lập tổ tương tế, đã thay đổi chút ít. Người ta học chữ. Người ta nghĩ đến chuyện tương hỗ nhau lúc khó khăn... Nhưng khi Huy Tuấn ra đi, rồi tây đồn điền bàn với nhau không cho tổ tương tế hoạt động, cái làng quê hiền hòa ấy lại quay trở về với những nề nếp khi xưa. Đàn ông lại lo rượu chè, cỗ bàn, lo lên ông nhiêu, ông xã. Đàn bà lại tức khí nhau chỉ vì con gà bới đống rơm, con chó bị hàng xóm đánh đuổi, lũ trẻ con vào vườn ăn trộm ổi... Và những chuyện ngồi lê đôi mách thì vô tận không bao giờ dứt, vì đó là nguồn vui của các bà...
Cái làng quê nhỏ bé ấy như một kẻ buồn ngủ. Quanh năm suất tháng lim đêm con mắt. Chỉ thỉnh thoảng mới giật mình tỉnh giấc. Thường giấc ngủ đài hay tỉnh lại vào mùa xuân Tết, đã đành, vì tết là lúc muôn loài cùng thức dậy. Nhưng sau tết lại ngủ. Rồi lại thức vào đầu tháng ba. Kẻ Đình thích nhất tháng ba. Vào ngày mồng mười bắt đầu mở hội. Mở đến quá rằm mới rã đám. Bắt đầu từ cuối tháng hai, Kẻ Đình đã mang không khí nhộn nhịp chuẩn bị. Năm nay đại hội. Hội to, hơn mười năm mới có một lần. Có người cả đời chỉ dự được ba lần đại hội là nhiều nhất. Đám trai gái đương tơ háo hức cũng dễ hiểu. Bởi vì hội Kẻ Đình rất đặc biệt. Bởi vì hội ông Đùng bà Đà nổi tiếng về sự giao duyên kỳ lạ. Nhiều bà nạ dòng cũng náo nức không kém. Các bà mong lên đền Mẫu. Tháng ba giỗ mẹ mà. Con nào chả thương nhớ mẹ. Còn các ông thì sao? Việc tế lễ ở đình là việc hệ trọng. Làng này có tục rất nghiêm. Đàn ông trong làng phải chay tịnh mười ngày, phải xa lánh các bà bắt đầu từ ngày 1 tháng ba. Các hội khác, chỉ có ông cai đầu đám phải chay tịnh thôi. Đằng này ở hội Kẻ Đình, cả làng cùng chay tịnh. Sự kiêng khem ấy kể cũng kỳ lạ. Có người khen tục lệ ấy là mỹ tục cung kính với thần linh. Có người bảo chẳng qua là họ tiết kiệm, dồn sức lại.
Tối hôm ấy, bà ba Cỏn lại đến nhà Hoa. Cô mõ cứ tưởng mình lại được nghe những lời ong tiếng ve của dân làng đang bàn tán về chuyện ông hai Xe lên Cổ Đình xin cho con làm mõ, và nhân thể hỏi vợ cho con trai. Cũng có thể bà Ba nghe được ông Lý nói gì về ngày hội nên đến để kháo chuyện cùng cô. Nhưng bà Ba lại bảo:
- Hoa ơi, hôm qua thằng Cò nhà ta về chơi. Về sáng, chiều lại đi ngay.
Hoa ngác nhiên vì câu chuyện con bà Ba đi học ở Hà Nội này về chơi thì có liên quan gì tới mình. Rồi Hoa ngẫm nghĩ: "Bà này trống mồm thật. Có chuyện gì trong nhà cũng đem ra kể hết". Bà Ba lại kể tiếp bằng cái giọng đột nhiên nhỏ hẳn xuống:
- Này, cứ tưởng chú Huy đi đâu. Ai ngờ ở Hà Nội. Thằng bé nhà tôi nó gặp đấy. Câu chuyện đột nhiên xoay hướng khác. Hóa ra câu chuyện về Huy. Lập tức, Hoa chú ý ngay.
Hoa cũng nhớ tới lớp học ở nhà cụ Đồ. Lúc đó Huy làm thầy giáo. Huy vẫn thường khen: "Cô Hoa sáng dạ lắm. Cọ học nhanh thế này chẳng mấy chốc mà tôi hết chữ". Rồi anh còn nói: "Cô Hoa đừng cam chịu. Hãy mạnh dạn lên. Phải rũ bỏ... tất cả. Người như Hoa sao lại làm mõ...", rồi: "Cố lên! Phải tự mình... có dịp tôi sẽ giúp...".
Buổi tối nào học xong, hai người cũng về cùng đường. Huy rất nghiêm chỉnh, cái nghiêm chỉnh mà Hoa ít thấy ở đám con trai trong làng, cái nghiêm chỉnh làm nhiều lúc Hoa thấy e sợ. Thường thường Huy hay tư lự. Quãng đường cùng đi khá dài nhưng họ chỉ trao đổi với nhau những câu chẳng đâu vào đâu. Huy không cho Hoa gọi bằng cậu, nhưng lần nào trước khi chia tay Hoa cũng lễ phép:
- Em chào cậu giáo ạ!
Xưng bằng em thế là đã quá lắm rồi. Còn chữ “cậu” thì không bao giờ Hoa dám bỏ. Hoa hiểu thân phận của mình, không bao giờ dám vượt quá giới hạn. Tuy nhiên, Hoa vẫn cảm thấy trong thái độ nghiêm chỉnh của Huy có điều gì khác lạ. Điều khác lạ ấy rất mong manh. Chỉ thoáng manh nha trong óc, Hoa đà thấy ngay đó là chuyện điên rồ. Cái đêm hôm Huy chui xuống gầm phản lúc bà Pháo chết, sau đó Hoa đưa Huy vào buồng của mình, bởi vì Huy không thể đi ngay được. Huy còn nán lại trong buồng của Hoa thêm một ngày nửa, cho đến lúc tây đồn điền và đám tay chân của quản Boong hoàn toàn tin rằng Huy không có mặt trong làng, lúc ấy Hoa mới cho Huy trốn khỏi nhà. Buổi tối lúc ra đi Huy nắm lấy tay Hoa mà bảo:
- Em cứ chờ. Nhất định anh sẽ thu xếp...
Thu xếp cái gì Huy chẳng nói rõ. Chỉ biết rằng lúc ấy, Hoa cảm thấy tay Huy run lên. Từ khi ấy, Hoa vẫn chờ đợi. Chờ cái gì? Chờ một cái tin rất mong manh, chờ một tương lai rất mờ mịt, bởi vì Huy đã dám hứa gì đâu, bởi vì nói cho cùng Huy đang bị săn đuổi. Và còn điều này nữa... dù sao, Huy cũng vẫn là một cậu ấm...
Chuyện ấy Hoa chẳng nói với ai, kể cả Nhụ, kể cả ông hộ Hiếu. Nhưng trong lòng cô gái vẫn lởn vởn một chút gì đó, có thể gọi tên nó là hy vọng. Trong lúc này, đó là cái phao mờ mịt, thoáng thấy trong mênh mông của cô con gái đang trăm bề bối rối muốn tìm đường thoát khỏi một hoàn cảnh mà cô nhất định không cam chịu...
Do vậy, khi nghe nói Cò gặp Huy ở Hà Nội, Hoa hỏi ngay:
- Cậu Cò gặp cậu Huy ư?... Thế cậu ấy có gửi gì cho cháu không?
Đến lượt bà ba Váy lại ngạc nhiên. Tại sao chú Huy... Hoa hiểu ngay mình đã lỡ lời. Cô đỏ bừng má (cũng may trời tối bà Ba không nhìn rõ) và chống chế bằng một câu nói đối:
- Ấy hôm qua bác Huyền nổi với cháu rằng đang rất mong tin của cậu Huy
Bà Ba thì thào:
- Thư cho ông Huyền thì có. Mà lạ thật? Thằng Cò nhà tôi lại dặn dò rất cẩn thận, nói tôi không được mang đến, mà phải nhờ cô chuyển giúp.
Khi Hoa mang thư đến, ông Trịnh Huyền cầm lấy, lẳng lặng đem thư vào trong buồng đóng cửa lại đọc. Hoa biết là thư cho tổ tương tế, cô xuống bếp đun nước cùng với Nhụ. Cô cứ nấn ná chưa muốn về. Lúc cô mang ấm nước lên nhà thì ông Huyền đã ra ngồi ở bàn. Lá thư chẳng thấy đâu. Cô muốn hỏi ông Huyền một câu gì đó song chẳng biết hỏi thế nào. Đến lúc cô pha nước xong, ông Huyền mới nói:
- Chú Huy có lời hỏi thăm cô Hoa đấy.
Chỉ một câu ngắn ngủi thế thôi cũng đủ làm cho lòng Hoa ấm áp. Tuy nhiên đêm hôm ấy lòng Hoa cứ rối bời. Thế là cô vẫn phải chờ đợi. Cô liệu còn chờ đợi được đến bao giờ.
|
|
|