Một Năm Sau Dựa bên đường Gò-Vấp qua xóm thơm, cách trường học ít trăm thước, chúng ta thấy phía tay trái một cái nhà ngói nhỏ mà cao-ráo sạch-sẽ, nóc đỏ tươi, tường vàng-vàng, cửa xám-xám, ngồi êm trong một khoản đất rộng chừng nửa mẫu, ở trước hoa thơm đua nở, ở sau xoài mít sum-sê, bên nầy nhãn đương đơm bông, bên kia ớt cà trổ nụ. Cuộc ở vừa tươi cười, vừa thanh-tịnh nầy là cuộc ở của thầy Chung mua sắm gần mồ-mả cha mẹ, để an-hưởng thú gia-đình, sau mấy tháng say-sưa mùi tục lụy.
Trong lúc hai đốc-tơ chuyên-môn, một ông chữa bịnh con mắt, một ông trị bịnh nhức mỏi cho bà Phán, thì Chung trả cái nhà mướn ở đường Bạc-Hà, làm mồ-mả mẹ cha và mua đất nhà nầy mà sửa soạn. Không đầy một tháng, bà Phán khỏe khoắn đi đứng như thường, còn cặp mắt tuy giảm bớt nhãn-quang song cũng thấy đường đi được, thì Chung cậy vợ chồng thợ Tư làm mai nói mà cưới Thiên-Hương rồi rước vợ với mẹ vợ về ở cái nhà trong xóm Thơm đó, đặng vợ chồng hiệp nhau săn-sóc bà mẹ già và bồi bổ miếng vườn đẹp.
Trót một năm đã qua, bao giờ mùi hạnh phước cũng nực nồng từ trong nhà ra ngoài vườn. Ban ngày người ta thấy có khi bà Phán xách nước tưới hoa, có khi thấy Chung đánh vòng cho Thiên-Hương trồng rau gieo cải. Ban đêm chung quanh ánh đèn êm đềm mà tỏ rõ người ta thường thấy Chung nằm trên ghế xích đu đọc chuyện. Thiên-Hương cặm-cụi ngồi thêu khăn hoặc thắt vớ cho chồng, còn bà Phán cũng vẫn mặc đồ lụa trắng, bà nằm trên ván ngó rể ngó rể ngó con mặt mày bà tươi rói.
Mà hạnh-phước được hoàn-toàn, lên cực điểm, kể từ tháng trước đây, bởi vì Thiên-Hương sanh một đứa con trai giống hịch Chung, vợ chồng đồng lòng đặt tên là Thiên-Tứ, để ghi nhớ ơn trời phật ban phước cho mình.
Ngày cúng đầy tháng cho Thiên-Tứ, lại trúng nhằm ngày chúa-nhựt.
Vợ chồng thầy giáo Thanh vô chúc mừng, khí sắc hân-hoan, vì tự nghĩ mình đã làm được câu “thành nhơn chi mỹ”.
Vợ chồng anh thợ Tư cũng vô đủ, y-phục mới tinh, chị thợ lại có xách theo một cặp cá lóc thiệt to, chớ không phải cá nhỏ nhỏ như cá chị thường mua dùm cho Thiên-Hương hồi trước.
Dì hai Phì-Lũ, nhờ có Chung hùn vốn nên đã mở tiệm cơm lớn ở đường chánh d’Ormay, bây giờ dì mập thêm nữa, dì chở vô một con heo quay vàng tươi với bánh hỏi, bánh bao đủ hết.
Thầy Phước cũng lãnh hai ngàn đồng của Chung mà lập tiệm bán đủ thứ rượu ở Đất-Hộ, thầy xe vô một thùng rượu, mặt mày hớn-hở, quần áo đàng hoàng, bộ râu bây giờ ngoảnh lên, chớ không phải xụi xuống nữa.
Bà Phán bồng cháu ngoại ngồi giữa phòng khách, ai tới bà cũng đưa Thiên-Tứ mà khoe: “Coi phải nó giống hịch cha nó hôn?”
Thầy Phước vuốt râu hỏi Chung:
- Có mời ông chủ nhà in hay không?
- Có chớ. Song hồi chiều hôm qua, hai ông bà vô trước mà chúc mừng rồi xin kiếu, vì bữa nay mắc đi thăm vườn trên Thủ.
- Còn mấy bạn “chí thân” như Điểu và Lợi?
Chung rùn vài mà đáp: “Tôi không dám mời, nghĩ vì đời sống của tôi bây giờ không hạp với con mắt của mấy ông “bạn chí thân” đó, mời mấy ông đến đây sợ e trái tai gai mắt mấy ông”.
Thầy Phước cười lớn và nói: “Thôi để tôi mở thùng lấy rượu ra mời bà con uống chơi, bữa nay uống cho say vùi mà mừng cho cháu Thiên-Tứ”.
Thật quả mấy ngày sau, cậu Điểu với cậu Lợi hay việc nầy thì cho thầy Chung làm chuyện trái đời.
[1] thuốc trị bịnh đau mắt .
Kết Thúc (END) |
|
|