Lúc Hiển Vinh Chung ngủ một giấc đến sáng bét mới thức dậy. Nhớ bữa nay là ngày lãnh lương, lại thấy mặt trời mọc chói nắng trên ngọn cây sáng lòa, thì trong lòng vui vui. Chung rửa mặt, chải đầu, rờ thử bộ đồ tây hong hồi hôm thì tay áo ống quần đều khô, thầy mới bận vô, rồi khóa cửa xách dù mà đi làm việc, đi bộ như mỗi bữa, mặc dầu trong túi còn tới 8 cắc bạc.
Và cũng như mỗi bữa, Chung ghé tiệm cà-phê kêu một tô phở tiếu 3 xu, một dĩa thịt bò kho 2 xu, một tách cà-phê lớn 2 xu với một xu bánh mì. Ngồi đợi đồ ăn, Chung nghe mấy thầy ăn chung quanh bàn-luận việc xổ số hôm qua, bèn móc bóp mở ra coi, thì thấy tấm giấy số của mình mua vẫn còn trong bóp, xếp nhỏ để chung một ngăn với giấy thuế thân, tính để vô nhà in rồi sẽ kiếm nhựt-trình mà dò, vái thầm cho trúng chừng 100 đặng sắm quần áo thêm mà mặc.
Lót lòng xong rồi, bụng no cành, trí thơ-thới, Chung mới chống dù đếm bước đi xuống nhà in. Chung bước vô cửa thì đồng hồ chỉ 7 giờ rưỡi, mấy thầy đã tới trước rồi, ông chủ ở trong phòng riêng rồi nữa. Chung cất dù và kéo ghế ngồi theo bàn viết của mình. Thầy Đề ngồi đối-diện với Chung, người trộng tuổi, tóc bạc hoa râm, thầy kêu mà hỏi :
- Thầy Chung, hôm trước tôi thấy thầy có mua giấy số, vậy mà thầy có trúng được số nào hay không?
- Thưa chưa dò.
- Thầy tỉnh quá! Hồi chiều hôm qua tôi mua giấy dò số của sắp nhỏ bán, đem về dò liền. Tôi mua tới 5 số mà dò trật hết. Tôi sợ giấy dò số của sắp nhỏ bán đó họ in không đúng. Sớm mai nầy tôi đi sớm đặng mua nhựt-trình mà dò lại. Té ra trật thiệt. 5 số mà không dính được số nào hết. Xui-xẻo quá! Nếu không cho trúng độc-đắc, thì cho trúng vớt chừng 5 ngàn hay một ngàn cũng còn dễ chịu … Đâu, thầy lấy số thầy mà dò thử coi. Tôi có nhựt trình đây.
Chung đứng dậy mở bóp lấy giấy số ra, rồi đi vòng lại bàn thầy Đề, và đi và đọc số trong giấy : 35.862.
Thầy Đề la lớn : “Hử? 35 ngàn mấy? Đọc lại thử coi?”
Chung đọc lại : “35.862”
Thầy Đề la nữa : “Trời ơi! Thầy trúng số độc-đắc rồi! Đưa đây coi”.
Chung biến sắc, run tay, cầm chặt tấm giấy số mà để trên tờ nhựt-trình đặng dò. Thiệt quả Chung trúng số độc đắc 40.000 đồng.
Thầy Đề nói lớn: “Anh em ơi! Thiệt thầy Chung trúng rồi! Có phước lớn quá!”
Mấy thầy trong nhà in đều xúm lại coi. Ông chủ cũng xô cửa phòng bước ra. Chung đứng chần-ngần, mặt tái xanh, tay run-rẩy.
Ông chủ lấy tấm giấy số đọ với số trong nhựt trình, ông gật đầu và nói: “Phải rồi! Tôi sẵn có tờ nhựt-trình tây trong phòng tôi đây. M. Chung theo tôi vô dò nữa cho chắc ý”. Ông chủ đi trước, mấy thầy kéo Chung đi theo. Rõ-ràng nhựt trình tây cũng ghi số độc-đắc là 35.862, y như số của Chung.
Ông chủ bắt tay mừng cho Chung, kéo ghế biểu Chung ngồi, rồi ông nói: “Trúng số độc-đắc tới 40 ngàn, không phải lãnh liền số bạc lớn ấy được. Mà thầy để giấy số trong túi, tôi sợ có chỗ bất tiện. Vậy thầy để tôi cất dùm trong tủ sắt cho thầy, rồi bữa nào lãnh, tôi sẽ dắt thầy đi lãnh.
“Tôi làm biên-lai nhận lãnh giữ dùm giấy số, còn tôi đưa cho thầy cất biên-lai mà làm tin. Cả nhà in ai cũng hay thầy trúng số độc-đắc, tôi không đoạt được đâu mà ngại. Tôi làm như vậy là có ý muốn giữ gìn cho thầy là em út trong nhà đó thôi. Thầy chịu hôn?”
Chung chịu liền và cám ơn. Ông chủ mở tủ sắt mà cất giấy số, làm biên-lai giao cho Chung rồi nói tiếp: “Thầy gặp phước lớn tôi muốn cho thầy hưởng liền bây giờ. Để tôi biểu người giữ tiền phát lương cho thầy và cho mượn trước 500 đồng, bữa nào lãnh giấy số rồi sẽ trả lại. Thầy lấy tiền rồi về đi chơi. Thầy thong-thả muốn nghỉ chơi tới chừng nào cũng được. Thầy chơi chừng nào đã thèm muốn làm việc, thì trở lại đây. Còn cách dùng số tiền 40 ngàn, nếu thầy có điều chi bối-rối, thì cứ hỏi tôi. Tôi sẵn lòng chỉ dẫn cho”.
Chung cám ơn ông chủ rồi đi theo thầy giữ tiền ra ngoài mà lãnh bạc. Thầy thợ trong nhà in vây theo Chung mà mừng. Phóng-sự viên các tờ báo hay tin cũng đến mà chụp hình và tra-cứu tánh-tình lai-lịch của Chung. Chung lấy làm khó chịu, nên lãnh lương và mượn 500 đồng bạc rồi thì xách dù nhảy lên xe kéo mà đi, hứa chừng lãnh bạc rồi sẽ đãi anh em trong sở một tiệc.
Chung ngồi cho xe kéo chạy, nhưng không biết đi đâu. Chú xa-phu cũng bất nhơn, chú không thèm hỏi trước hỏi sau, cứ cong lưng chạy riết xuống mé sông, rồi quanh qua phía tay mặt, bộ muốn qua Khánh-Hội hoặc vô Ông Lãnh. Chung thấy sông rộng, thấy khói tàu thì chưng-hửng, bèn kêu hỏi: “Ê! Chú kéo tôi đi đâu đây?” Xa-phu ngừng xe day lại mà hỏi: “Vậy chớ thầy muốn đi đâu?” Chung ngẫm nghĩ thiệt cũng không biết đi đâu mà nói. Thầy nhớ thầy mới lãnh tiền, vậy trước hết phải lo trả tiền cơm cho dì Hai Phì-Lũ nên biểu xa-phu trở lên đường d’Ormay.
Dì Hai Phì-Lũ đi chợ mới về, đương ngồi tính tiền, dì thấy Chung bước vô thì chưng-hửng hỏi: “Ủa! Giờ nầy sao thầy bỏ sở mà đi chơi?”
Chung cười mà đáp:
- Đi trả tiền cơm.
- Gấp dữ hôn! Trưa hay chiều lại ăn cơm rồi sẽ trả cũng được mà. Thuở nay lại sao?
Chung móc bóp lấy đưa 10 đồng bạc và nói: “Mới lãnh lương nên đem trả phứt cho dì … Luôn dịp tôi cho dì hay, tôi không ăn cơm nữa”.
Dì Hai chau mày ngó Chung mà hỏi:
- Thế khí có chuyện gì làm cho thầy phiền hay sao?
- Không, không … Tôi không có phiền việc chi hết. Tôi ăn ở đây hơn một năm nay, dì tử tế, tôi mang ơn dì lắm chớ. Tôi không ăn cơm nữa, là vì tôi thôi làm việc, tôi nghỉ.
- Hứ! Sao lại thôi? Thầy tính về Lục-tỉnh hay sao?
- Có lẽ … Không biết chừng … Hoặc tôi ở Sài-Gòn, hoặc đi chỗ khác chưa nhứt định.
- Như thôi làm nhà in thì kiếm sở khác mà làm.
- Để thủng-thẳng coi …
Chung thấy con Én ở trong đi ra, bèn lấy một đồng bạc mà cho nó, rồi từ-giã dì Hai mà đi kẻo xe chờ. Dì Hai đi theo và kêu và nói nho nhỏ: “Thầy Hai, dầu thầy mất sở làm, thầy cũng cứ lại đây ăn cơm. Chừng nào kiếm được chỗ làm khác rồi sẽ trả tiền cơm cũng được, thầy đừng ngại chi hết. Tôi không phải như người ta đâu”.
Lòng tử-tế của dì Hai làm Chung cảm-động, cảm-động nhiều. Chung đứng ngó dì Hai rồi thủng-thẳng đáp: “Ở đời khi biến mới thấy ai tốt xấu. Cháu cám ơn dì lung lắm. Mấy lời dì nói đó, chẳng bao giờ cháu quên. Nhưng cháu thôi làm không phải tại chủ đuổi, thiệt tại cháu có việc riêng, có lẽ sau rồi dì sẽ biết. Cháu xin chào dì. Có lẽ lâu lâu cháu lại thăm dì”.
Chung cuối đầu từ-giã rồi bước lên xe kéo, biểu chạy vô đường Lagrandière, lối mả Thánh Gẩm. Chung tính về nhà, về mà tránh những lời chúc mừng hay phỏng-vấn, lại cũng về nằm suy nghĩ tương-lai, vì tình cờ mà có tới 40 ngàn đồng, tài sản ấy nhiều quá, làm cho Chung cứ phập-phồng hồi-hộp. Chẳng dè xe ngừng, Chung leo xuống trả tiền xe, rồi day lại thì thấy người bạn học là M. Điểu tự Đằng-Vân, chủ bút nhựt báo, ở trong hàng ba căn nhà mình bươn-bả đi ra, rồi ôm cứng Chung và cười và nói:
“Bạn chí thân của tôi! Tôi hay bạn trúng số độc-đắc tôi mừng quá. Tôi lật-đật lại nhà in mà mừng bạn thì người ta nói bạn đã về rồi và chỉ nhà cho tôi biết. Tôi bắt xe chạy lên đây hỏi thăm, thì bạn chưa về. Nãy giờ tôi ở chờ bạn đây. Bạn có phước thiệt lớn. Tôi mừng lắm”.
Chung đứng nghe Đằng-Vân nói dứt rồi Chung đáp: “Tôi rất cám ơn bạn. Anh em phân cách nhau mấy năm, bạn được cao quí mà bạn không quên tình đồng song. Tôi mời bạn vào nhà, vào cho biết bề ăn ở của một thầy ký lương mỗi tháng 25 đồng”.
Đằng-Vân theo Chung đi vô cửa. Vì Đằng-Vân hồi nãy lại kiếm, đã có nói Chung mới trúng số 40 ngàn, bởi vậy đàn-bà ở dãy phố nầy áp lại hỏi thăm mà mừng, vợ thợ Tư, bà chủ phố đều có mặt.
Cô Thiên-Hương cũng lấp-ló trong cửa mà dòm, duy bà Phán nằm êm bà không cho thấy. Chung vui-vẻ cám ơn mấy người chúc mừng, rồi mở cửa mời Đằng-Vân vô nhà.
Chung nói với khách:
- Bạn thấy nhà của tôi là vậy đó. Một cái giường để ngủ, một cái bàn với hai cái ghế để ngồi viết hay đọc sách, một cái đèn dầu, một bầu nước lạnh, một cái ly với một cái rương đựng quần áo, rương sắm hồi đi học.
- Đó là bề ăn ở của bực hiền-nhơn quân-tử. Thầy Nha-Uyên hồi xưa với một gói cơm và một bầu nước mà thầy cũng vui, bởi vậy người ta mới tôn thầy lên bực Á-thánh. Bạn vui sống trong căn nhà như vầy, bởi vậy ngày nay mới bạn mới trúng số độc đắc. Thôi, tôi biết nhà bạn rồi, bây giờ tôi mời bạn đi ra nhà hàng uống rượu và ăn cơm luôn với tôi. Vì tình anh em, tôi nhứt định đãi bạn mà mừng cho bạn được trúng số. Đi, đi với tôi, không được từ chối.
- Xin lỗi tôi mệt quá …
- Không được. Phải đi với tôi. Tôi có cách làm cho bạn hết mệt. Trúng số độc-đắc phải vui chơi một bữa chớ. Nằm một mình trong nhà là nghĩa gì? Tôi đãi bạn mà. Có sao đâu mà ái-ngại.
Đằng-Vân ép mãi mời riết, Chung không thể từ được, lại cũng muốn dọ thử nhơn-tình, nên lấy nón đội lên mà đi với bạn, trên tay còn mắc cây dù cán tre là bạn đồng ưu cộng lạc trót mấy năm trời, mặc dầu bữa nay ánh nắng chói lòa, nhưng Chung cũng như Tống-Hoàng hồi xưa, không quên “bần tiện chi giao” đem theo cho biết nhà hàng, cho thấy yến tiệc. Lúc Chung khóa cửa, Đằng-Vân hỏi:
- Trời nắng mà bạn đem dù theo làm chi?
- Trời đất không chừng. Sợ bây giờ nắng rồi lúc nữa mưa.
- Ô! Mưa thì có xe kéo lo gì. Ở Sài-Gòn đi chơi mà xách dù theo lòn-tòn, coi không được.
- Sao mà coi không được?
- Thành nhà quê đi chợ chớ sao.
- Ngoài quê trong khôn mới quí. Để tôi làm nhà quê đi chợ chơi.
Cô Thiên-Hương đứng dựa cửa cô nghe lời qua tiếng lại như vậy thì cô cười, còn mấy chị đàn bà dụm nhàu xầm-xì trong lúc Chung với Đằng-Vân ra đường kêu xe mà đi.
“Phú quí đa nhơn hội, bần cùng thanh thích ly”.
Câu nầy không phải là lời dạy của bực thánh hay bực hiền, có lẽ là lời than của một nhà nho chán ngán, phiền nhơn tình buồn thế tục. Nhưng mà câu nầy hạp với tình cảnh của thầy Chung trúng số. Lúc thầy nghèo, lương mỗi tháng 25 đồng, ở phố hèn, ăn cơm quán, thì không ai thèm đoái tưởng, bạn thân cũng ngó lơ. Nay thầy giàu, ai cũng thân, ai cũng trọng.
Đằng-Vân đem Chung ra nhà hàng lớn ở đường Catinat tính đãi cho long-trọng, đi ngang nhà Lợi ghé cho Lợi hay và bắt Lợi đi theo. Từ tiệc rượu khai-vị cho đến bữa cơm ban trưa, Điểu và Lợi đấu nhau làm cho Chung vui luôn, nhắc lại những chuyện thơ ngây trong trường, rồi bày cách ăn ở sung-sướng cao sang cho Chung hiểu.
Tuy Điểu mời, song ăn uống rồi Lợi lại trả tiền. Điểu làm bộ dành, làm mặt giận cũng móc bóp ra, song chậm-chạp để cho Lợi trả tiền rồi rùn vai mà nói: “Thôi mầy dành tiệc nầy thì tao đãi cách khác”.
Điểu và Lợi không muốn rời Chung, nên ra khỏi nhà hàng thì kềm mời Chung lại một khách lầu ba từng ở đường Kinh-Lấp[1], mướn một căn phòng thượng hạng rồi sai bồi đi mời cô Bảy Bồn-kèn, là một ca-nhi tiếng du-dương, sắc kiều-diễm, đặng ca nam, lý huế cho Chung giải khuây.
Thuở nay ăn uống cực khổ, chưa nếm thú vui, chưa gần sắc đẹp, Chung chẳng khỏi chóa mắt phỉ lòng, lại hơi rượu ngon phừng-phừng, nụ cười mơn khêu-ghẹo, làm cho Chung mê-mẩn, quên cách làm lơ của bạn hôm qua, mà cũng quên phần nghèo cực của mình từ nhỏ. Chung xụi lơ, để hai bạn thân yêu đẩy xô bưng-bợ sắp-đặt dùm đời mới cho mình.
Hai bạn hay Chung đã có sẵn 500 đồng bạc trong túi, thì chiều mát dắt Chung đi đặt may áo quần, mua giầy nón, rồi mời vô Chợ-Lớn ăn cơm.
Hai bạn khuyên Chung nên trả phứt căn phố xấu-xa cũ thấp đó đi, mướn phòng nơi khách-lầu mà ở đỡ ít bữa, đặng mướn hoặc mua một tòa nhà vui tươi mát-mẻ rồi sắm bàn, tủ ghế giường dọn mà ở cho khỏe-khoắn tấm thân được phật trời phò-hộ nên giúp cho sung sướng.
Chung nhận lời khuyên ấy không phải là lời xúi bậy, thầm nghĩ lúc nghèo nàn thì ráng chịu cực đã đành, nay có tiền nhiều thì dại gì mà bo bo không dám ăn xài, phải vui chơi cho sung-sướng tấm thân, phải lên mặt cho họ hết khinh rẻ. Của trời cho thì ta phải hưởng, hưởng cho ngỏa-nguê mà trừ cái cực hồi bần hàn, dầu xài cách nào cũng không hết 40 ngàn đồng bạc đâu mà sợ.
Đêm ấy Chung theo hai bạn ở khách-lầu mà giỡn hoa thưởng nguyệt, nhậu rượu, nghe ca, vui say cho đến sáng, rồi Chung cậy Lợi đi kiếm nhà mua dùm và cậy Điểu đi đặt giường, đặt tủ. Chung lấy chìa khóa mà giữ cái phòng thượng-hạng mình đã mướn, rồi từ giã hai bạn đặng về lo trả phố dọn đồ.
Chung ở trên xe kéo bước xuống, biểu xa-phu ở chờ, rồi xách cây dù cán tre xăm-xăm đi vô phố. Chung thấy bà chủ với chị Tư đang đứng nói chuyện thì thầy giở nón chào. Chị Tư nói: “Thầy Hai trúng số, chắc thầy bỏ bà con xóm nầy mà đi ở chỗ khác. Tánh thầy vui-vẻ bãi buôi ở đây bà con lớn nhỏ ai cũng mến. Thầy đi thì bà con buồn lắm”.
Mấy lời ấy làm cho Chung động lòng. Thầy đứng khựng lại suy nghĩ rồi đáp: “Phải. Có lẽ tôi sẽ mua nhà mà ở cho rộng-rãi. Nhưng tôi cũng mến bà con xóm nầy, là những người biết tôi trong lúc tôi nghèo hèn, bởi vậy tôi không nỡ bỏ đứt. Vậy tôi xin bà chủ phố vui lòng để tôi mướn luôn căn phố, đặng lâu lâu tôi về chơi với bà con”.
Bà chủ phố nói: “Thầy Hai muốn thì cứ ở đó. Tôi có cớ chi đâu mà đuổi thầy được”.
Chung mở bóp lấy 5 đồng bạc mà trả tiền phố tháng vừa qua. Thầy lại đưa thêm 60 nữa mà nói: “Đây, tôi xin phép trả trước cho bà một năm tiền phố nữa. Tôi trả trước là vì tôi sợ cuối tháng mắc việc, hoặc đi khỏi, để trễ tiền phố mích lòng bà”.
Bà chủ phố đáp: “Có sao đâu mà thầy ngại. Tháng nầy về không được thì tháng sau thầy về thầy trả, mất mát đâu mà sợ”. Tuy là nói như vậy song bà cũng lấy bạc mà về, nói để rồi biểu trẻ ở cầm biên lai lại.
Chung mở cửa vô nhà. Thầy đứng ngắm-nghía một hồi, rôi mở rương lấy một bộ áo quần còn tốt hơn hết thảy mà mặc. Thầy mở mùng xếp để vô rương với mền gối cùng áo quần cũ. Thầy cuốn chiếc chiếu lại rồi bưng cái rương để lên giường. Thầy chồng mấy cuốn sách có thứ tự trên bàn và để đèn, ly với bầu[2] nước dựa bên đó. Còn cây dù, Chung nghĩ không cần đem theo nữa, nên móc dựa vách tính để lại, móc rồi đứng ngó mà cười.
Đứa ở của bà chủ phố đem biên lai lại. Chung lấy bỏ vô bóp rồi đội nón bước ra ngoài mà khóa cửa. Chung thấy chị Tư đương ngồi trước nhà thì bước vô nói: “Chị thợ, tôi gởi nhà cho anh chị coi chừng dùm. Tôi gởi luôn chìa khóa lại cho chị, sợ đem theo rồi mất. Thôi tôi chúc anh chị mạnh giỏi. Chừng anh thợ về, xin chị nói dùm tôi có lời thăm anh”.
Chị thợ lãnh chìa khóa và đáp: “Tôi cũng chúc thầy Hai mạnh giỏi. Hễ ít bữa về chơi một lần nghe hôn thầy Hai”.
Chung gật đầu rồi bước qua căn nhà bà Phán.
Thầy thấy cửa đóng thầy trở lại nói với chị thợ Tư:
- Tôi muốn từ giã bà Phán, nhưng cửa đóng chắc bà nghỉ.
- Không. Bà Phán với cô Hai ở phía sau. Thầy kêu cửa thì cô Hai ra chớ gì.
- Thôi, không nên làm rộn cô Hai. Tôi cậy chị nói dùm tôi kính lời thăm bà Phán với cô Hai.
- Thầy ngại, chớ thầy ghé thì cô Hai vui lắm.
- Sao mà vui?
Chị thợ bước lại gần nói nhỏ: “Tôi coi ý cô Hai có tình với thầy lắm, có tình lâu rồi, chớ không phải mới bây giờ. Thầy không để ý hay sao? Cô được lắm đa thầy Hai”.
Chung chúm-chím cười và đáp: “Bà Phán khó quá chị ơi! Bà cao kỳ tôi thấy bà tôi sợ lắm. Thiệt tôi không dám”. Chung nói dứt lời rồi từ giã ra xe mà đi, bên tai còn văng-vẳng mấy tiếng “Cô Hai có tình với thầy lắm” của chị thợ Tư thỏ-thẻ mới nói đó.
Từ đây Chung gởi thân vào cảnh đời mới. Không cần phải nói dài, các bạn đọc đã tưởng tượng mà biết trước cảnh đời ấy rồi. Ấy là cảnh đời rực-rỡ, xa-xỉ của một thanh-niên 25 tuổi, không cha mẹ, không vợ con, thình-lình được hưởng một số bạc 4 muôn, hăng-hái vui chơi cho sung-sướng, lại có sẵn hai người bạn lịch-lãm nghề chơi, xu-hướng tận tâm xô đẩy bày biểu, xô đẩy vào đường xa-hoa, bày biểu gây cuộc dâm-dật.
Nhờ sức xô-đẩy với trí bày-biểu đó mà chưa đầy một tháng thì chúng ta thấy Chung ở trong một tòa nhà bánh ếch[3] tại đường Bạc-hà, chung quanh có cây sum-sê phía trước có sân rộng-rãi, trong nhà tủ bàn hực-hỡ, bồi bếp đông đầy, lại có chiếc xe my-lo[4] bóng ngời với một cặp ngựa lai cao lớn.
Ngày như đêm khách vào ra nườm-nượp, có nam-thanh, có nữ-tú, mà phần nhiều là những cô Đào, cô Lý, cô Cẩm, cô Nhung, cô nào dung-nhan cũng yêu-kiều, y-phục cũng mỹ-lệ.
Trót hơn 10 tháng, Chung say-sưa mê-mẩn với cảnh đời hoan-lạc ấy, tai nghe những chuyện vui, mắt thấy những sắc đẹp chung quanh, ai cũng ngợi khen lòng anh đầy nhơn-nghĩa, trí anh thông-minh, chẳng hề có một tiếng chê-bai hay can-gián.
Một buổi chiều, Đằng-Vân ghé rủ Chung lấy xe đi vòng Bà Chiểu hứng mát. Chung vui vẻ thay đồ đi liền. Xe vô tới ngã ba Cây Quéo, Đằng-Vân lại xúi đi thẳng vô Gò-Vấp chơi, chẳng dè đó là chỗ chôn nhao rún của bạn, Chung gật đầu chịu và biểu người đánh xe đi vô Gò-Vấp.
Quá 5 giờ rồi, xe đi ngang qua trường học Gò-Vấp thì đã tan học, học trò về hết, nhà trường đóng cửa vắng hoe. Nhưng mà thấy lại chỗ mình học tập từ lúc thơ-ngây, trong trí Chung chẳng khỏi nhớ tới những việc quá vãng, rồi tâm-hồn lửng-lơ, dường như người say mới tỉnh hoặc người ngủ mới thức. Tới chợ, Đằng-Vân biểu xe ngừng đặng vô tiệm uống la-ve giải khát.
Hai anh em vừa mới ngồi thì thầy giáo Thanh đứng trong tiệm day lại nhìn Chung. Thầy giáo Thanh là bạn thiết của ông thân-sanh Chung hồi trước và lúc mẹ Chung mất, thầy cũng lo việc an-táng, rồi giúp-đỡ cho Chung học thành-công.
Thầy giáo Thanh thủng-thẳng bước ra vỗ vai Chung mà hỏi: “Chung, nghe năm ngoái cháu trúng số 40 ngàn phải hôn?”
Chung ngó lên thấy người ơn thì lật-đật đứng dậy xá và đáp:
- Dạ, bẩm phải. Bẩm thầy mạnh giỏi?
- Mạnh luôn. Cám ơn. Bây giờ cháu làm việc gì ở đâu?
- Dạ … Cháu ở Sài-Gòn.
- Cháu vô thăm mả anh giáo chị giáo phải hôn?
- Dạ …
- Cháu trúng số thì xuất ít trăm làm mả phứt cho rồi. Hôm trước thầy đi ngang thầy thấy cỏ rác um-sùm, coi buồn quá.
- Dạ, cháu đương tính làm. Mời thầy uống rượu.
- Cám ơn, để thầy về kẻo sắp nhỏ chờ ăn cơm. Cháu có rảnh ghé nhà thầy chơi.
- Dạ, mai thứ năm thầy nghỉ, cháu sẽ vô thăm thầy thím.
Thầy giáo Thanh đi rồi, Đằng-Vân liếc thấy Chung buồn hiu. Chung biểu bạn uống riết rồi về, vì trong mình nghe khó chịu. Xe về khỏi Đất-Hộ, Đằng-Vân rủ Chung đi thẳng vô cột cờ Thủ-ngữ ăn cơm. Chung cáo bịnh nên đưa bạn xuống đó rồi ngồi xe về một mình.
Về tới nhà thì đã đỏ đèn. Chung kêu bồi dạy đóng hết cửa trước lại, đóng luôn cửa rào nữa, lại dặn ai có tới hỏi thì nói mình đi ăn cơm ngoài nhà hàng rồi đi coi hát. Chung thay đồ mát mà mặc, biểu người bếp nấu cho một tô cháo trắng rồi nằm trên ghế xích-đu mà suy nghĩ.
Sự tình-cờ gặp-gỡ thầy giáo Thanh, nhứt là những lời hỏi hoặc hữu tâm, hoặc vô ý của Thầy làm rúng động lòng Chung, làm cho Chung ngó thấy lại tất cả quá-vãng buồn khổ; cha chết, trong nhà không tiền, mẹ phải mua đầu trên bán đầu dưới mà nuôi mình ăn học; học chưa rồi mẹ lại chết nữa, may nhờ có mấy bạn thân của cha giúp sức đỡ đầu nên mình mới lập thân được. Đã được giàu sang hơn 10 tháng rồi, mình cứ lo ăn chơi, không nhớ tới mồ-mả cha mẹ, không nhớ tới ơn xưa nghĩa cũ.
Thói xa mê hoan-lạc của mình mỗi ngày làm cho mình hao-tốn không biết bao nhiêu, mà sự hao-tốn ấy chỉ làm cho bạn xa-hoa dâm-dật hưởng nhờ, chớ không giúp ích cho mình chút nào, mà cũng không giúp ích cho hạng cơ-hàn cùng-khổ. Bạn xa-hoa dâm-dật ấy ăn của mình, mà có lẽ họ còn cười mình ngu, chê mình dại.
Chung ăn cháo rồi một mình lấy sổ gởi bạc cho ngân-hàng ra mà coi, thì trong số 40 ngàn thầy đã lấy ra hết 12 ngàn, còn gởi có 28 ngàn. Mà hiện giờ trong tủ thầy còn gần 2000 bạc mặt, thế thì 10 tháng nay mỗi tháng thầy tiêu xài tới 1000.
Chung nghĩ may nhờ có ông chủ nhà in dắt mình đi lãnh bạc, rồi khuyên mình gởi hết vào ngân-hàng, lại dặn mình phải dè-dặt đừng tin bọn kên-kên[5] đem mối cho mình mua nhà mua đất mua phố mua xe đặng chúng hưởng huê-hồng. Bởi vậy Điểu xúi mua xe hơi 8 ngàn, mình không chịu, chỉ mua my-lo với cặp ngựa có 700; Lợi biểu mua nhà lầu 12 ngàn mình làm lơ để mướn nhà mỗi tháng 50 mà ở đỡ. Thế mà mình đã hao hết 10 ngàn. Nếu mình nghe lời dụ-dỗ của hai anh bạn chí thân đó thì có lẽ ngày nay mình đã hết tiền mà lại còn mang tới một chục cô vợ toàn là gái mua son bán phấn. Hứ! Không được, mình đã đi sái đường rồi, phải mau mau trở lại, tìm nẻo chơn chánh mà đi. Mình còn 30000 đồng, số bạc ấy cũng đủ cho mình sắp đặt đời sống khác, đời sống thanh-cao, bình-tịnh, đạo-nghĩa, an-nhàn.
Chung chúm-chím cười rồi vô mùng ôm gối mà ngủ.
--------------------------------------------------------------------------------
[1] Bây giờ là đại lộ Nguyễn Huệ
[2] dụng cụ chứa nước hoặc rượu, bằng vỏ trái bầu, rộng ở cuối thân, thon hướng cuống như trong những bức minh họa Lão Tử hay những tửu tiên Trung Quốc thời cổ. Thời Pháp, dụng cụ chứa rượu chát làm bằng pha lê, được người Việt dùng chứa nước ống, hình dáng không khác cái bầu của Á Đông và cũng được gọi là cái bầu
[3] kiến trúc nhà có 3 mái như cái bách ích
[4] anh ngữ : my lord đọc theo giộng Pháp ra my lo, kiến trúc xe ngựa cho các nhà sang hay quí tộc Âu Châu.
[5] giọng Nam : kên kên, giọng Bắc :kền kền. Loài chim dữ, đầu trọc, hay ăn xác chết .
|
|
|