Mùi xào nấu thơm tho bay qua cửa sổ đánh thức tôi dậy. Nắng đã lên chói sáng, tấm màn cửa phất lay, trời trong xanh và gió nhẹ nhàng báo hiệu một ngày đẹp. Tôi nhanh nhẹn xếp chăn màn, đánh răng rửa mặt xong chạy ngay vào bếp. Ồ, thức ăn đâu mà nhiều thế, nào thịt, nào cá, nào cua, và hai rổ rau đậu đủ màu xanh đỏ bày la liệt trên chiếc bàn men trắng cạnh cửa bếp. Mẹ đang bằm thịt còn dì Phượng xếp những miếng bánh tráng trên chiếc khay nhôm. Tôi đến ngồi bên:
- Nhà mình có tiệc hả mẹ?
- Ờ, chiều nay có chú Vinh ăn cơm.
- Mẹ đang làm món gì vậy?
- Mẹ cuốn chả giò.
- Sao mẹ không mua chả giò Cầu Tre có khỏe hơn không?
Dì Phượng ngẩng lên:
- Chả giò Cầu Tre đâu có ngon bằng chả giò mình làm ở nhà, ở nhà mình làm có thịt, có cua, bún tàu và cả nấm mèo nữa.
Tôi vỗ tay:
- Dì Phượng hết ý, cho cháu làm bếp với nhé.
- Ờ, cháu đi ngâm bún tàu và nấm mèo cho dì.
Mẹ đã băm thịt xong, đứng lên:
- Bột ngọt đâu rồi Phượng?
- Chết cha, em quên mua rồi, để nhờ Ái Minh.
Tôi nhanh nhẩu:
- Con đi mua cho mẹ.
Tôi vào phòng thay áo rồi dắt xe đạp ra, mẹ bảo tôi:
- Mua cho mẹ một gói thứ hột lớn của Nhật đó nghe.
Nắng thật nhạt và cũng rất đẹp khi xuyên qua kẽ lá vẽ lên tà áo lụa của tôi những đóa hoa màu vàng mơ. Con đường tôi đi có hai hàng phượng, những tán lá xanh ngời lác đác vài nụ hồng rực lửa lao xao trong gió.
Sao bỗng nhiên tôi thèm nghe một tiếng nhạc ve. Khúc ca mùa hè đó tôi chỉ bất chợt nhận ra khi không gian chung quanh thật yên tĩnh, khi nhịp sống xô bồ náo nhiệt bỗng lắng xuống cho tâm hồn ta trong một phút giây nghiêng về phía trái tim. Những anh chàng ve nhạc sĩ ơi, hãy đàn lên đi!
Phượng non vừa hé nhụy
Lời ve đã rộn ràng
Nâng phím gọi hè sang
Áo lục mềm tung gió
Em đi giữa nắng vàng
Hàng cây nghiêng lá nho?
Ngả bóng đường thênh thang
Bỗng... rầm ... Tôi thấy mình đang ngồi phệt xuống lề đường, đau ê ẩm, may mà ở đây là một lớp cỏ dầy. Chiếc xe đạp của tôi cũng ngã chỏng chơ, hai bánh còn quay vòng vòng bên cạnh một chiếc xe Dream láng cóng màu rêu đậm đứng sừng sững hiên ngang. Hai bàn tay lực lưỡng nâng vai tôi:
- Cô có làm sao không?
Tôi đứng dậy phủi chiếc quần bết bụi đỏ, chưa thèm nhìn lên:
- Cô không hề gì chứ?
Bây giờ thì tôi đã nhìn rõ anh chàng. Đó là một người con trai còn trẻ, cỡ bằng anh Trí là cùng. Anh ta mặc một chiếc quần ca rô lục, có bốn năm cái túi dọc theo ông chân, áo thì đủ màu loang lổ, chen chúc nhau, bề rộng của chiếc áo nầy thật hết ý, dễ chừng hai ba con người anh ta chui qua cũng lọt, lại dài nữa, gần tới đầu gối luôn. Gương mặt anh ta cũng khá đẹp trai nhưng hơi quê, kiểu tài tử cải lương với mái tóc quăn dựng đứng xịt keo cứng ngắt, đôi mắt sâu, mũi miệng cũng khá nhưng phải cái đôi má bánh đúc nên dáng người anh ta tuy cao lớn nhưng trông nặng nề làm sao. Thấy tôi bình an vô sự, anh ta quay sang dựng chiếc xe tôi lên, xem xét một lúc rồi bảo:
- May mà chỉ đụng nhẹ, nếu gặp xe dỏm chắc sẽ bị vẹo niềng.
Anh ta dẫn xe đến bên tôi:
- Xe của cô toàn là phụ tùng ngoại, nên không sao cả.
Tôi vẫn đứng im nhìn anh ta, cú té vừa rồi chưa làm tôi hoàn hồn. Anh ta cười thân mật với tôi:
- Cô đi xe mà mắt để đâu vậy?
Tôi bỗng nổi tức:
- Tôi không có mắt.
Anh ta vẫn giữ nụ cười dễ ghét:
- Cô quá khiêm nhường thôi, đôi mắt của cô rất đẹp.
Rồi anh ta nghiêng mình kiểu cách:
- Tôi là Trần Hổ từ Canada về nghỉ hè.
Tôi thầm nghĩ Trần Hổ với chả… Trụi Beo và tôi bỗng bật cười khi nghĩ đến Xuân Mai, con bạn tếu nhất lớp chuyên môn suy diễn tên người ta theo kiểu nầy.
Trong lớp đứa nào cũng có biệt danh do nó đặt, trước hết, chính nó tự xưng là Hạ Mốt, rồi nhỏ Ngọc Thương trở thành Ngà Ghét, Mai Ly là Mốt Tách, tôi là Ối Ụ. có lần tôi gọi nó là "quỷ sứ" thì nó đã đối lại bằng hai chữ "ma sành" không ngần ngại.
Thấy tôi cười, anh chàng Trụi Beo tưởng bở:
- Còn cô, cô có thể cho tôi biết quí danh?
Tôi dõi mắt theo bầy chim sẻ đang chuyền cành trên mấy sợi dây điện, quên mất anh ta đang đứng cạnh tôi kiên nhẫn đợi chờ.
- Kìa cô, cô nghĩ gì vậy?
Tôi ngồi lên xe đạp:
- Mắc mớ gì ông, tôi đi đây.
Anh ta níu xe tôi lại:
- Khoan đã, cô chưa cho tôi biết tên.
Tôi lắc đầu:
- Tôi không có tên.
Anh ta càng lì lợm:
- Cô lại khiêm nhường nữa rồi, theo tôi nghĩ, tên cô phải rất đẹp như gương mặt của cô vậy.
Đúng là dai như đỉa, thôi nói đại một cái tên nào đó để đi cho xong:
- Tôi tên là Khiết Bông.
Anh ta xoa hai tay, điệu đàng như một kép hát:
- Ồ, nghĩa là một đóa hoa tinh khiết!!
Tôi nhấn mạnh bàn đạp, mặc cho anh ta đứng mơ màng dưới hàng phượng vĩ với trí tưởng tượng về một loài hoa trinh trắng nào đó. Anh ta đúng là loại Việt kiều bán phở vì nếu thông minh một tí thì hẳn đã nổi giận lên vì bị tôi chọc quê rồi.
Buổi chiều, chú Vinh đến trên chiếc Toyota bóng lộn màu kem, quả chú đã giàu có thật. Mẹ gọi tôi ra phòng khách, chú Vinh thấy tôi, dang rộng đôi tay:
- Ồ, Ái Minh của chú, cháu càng lớn càng giống mẹ.
Tôi đến bên:
- Thưa chú mới đến.
Chú Vinh lấy trong túi ra một gói nhỏ:
- Qùa của chú mừng cháu thi đậu.
Tôi cười:
- Ơ, cháu thi nhưng chưa có kết quả cháu ơi.
Chú Vinh dịu dàng đặt chiếc gói vào tay tôi:
- Nghe ba nói cháu làm bài được hết, chú vui lắm, cần gì phải chờ kết quả, cháu cất đi cho chú mừng.
Tôi cảm động, lí nhí cám ơn chú. Gói quà nhỏ bằng nửa bàn tay, vuông vức, bọc giấy hoa và được cột lại bằng chiếc nơ sa tanh hồng. Tôi đưa ngón tay lướt trên nền vài mịn mát:
- Chú ơi, cháu có thể mở ra được chứ?
- Cháu cứ tự nhiên.
Mẹ bước vào, tay cầm ly nước mát:
- Chú Vinh ngồi chơi nhé, tôi mắc bận sau bếp, anh Tuệ sáu giờ mới về.
Chú Vinh đỡ ly nước trên tay mẹ:
- Chị cứ để mặc em, có Ái minh nói chuyện với em được rồi.
Mẹ tò mò nhìn gói quà trong tay tôi:
- Chú Vinh cho cháu gì thế?
- Một chút quà nhỏ.
Tôi cẩn thận tháo lớp giấy hoa, một chiếc hộp da màu đen bóng loáng, bên trong là "chút quà nhỏ" của chú Vinh: chiếc đồng hồ xinh xắn mặt vuông, dây bằng vàng một8k được chạm trổ rất mỹ thuật nổi bật trên nền nhung mịn màu đỏ thắm.
Mẹ vui mừng ra mặt:
- Kìa, chú cho cháu nhiều quá.
Rồi mẹ quay sang tôi:
- Cám ơn chú đi, rồi ngồi tiếp chuyện với chú.
- Hồi nãy dì Phượng bảo con pha nước mắm.
Mẹ khoát tay:
- Khỏi, để mẹ làm hết cho. Ngồi đây nghe chú Vinh kể chuyện kìa, sau ba năm tuyệt tích giang hồ, chắc là chú có nhiều chuyện hay lắm.
Chú Vinh đưa ly nước cho tôi:
- Chú không quen uống thứ nước nầy.
- Để cháu pha trà cho chú nghen.
Tôi châm bình trà sen đem vào phòng, ngạc nhiên khi thấy chú Vinh đứng trầm ngâm bên cửa sổ, đầu chú cúi thấp, chiếc lưng to lớn hơi cong xuống như đang chở nặng nỗi ưu phiền khó nguôi. Tôi đến gần chú:
- Chú Vinh.
Chú quay lại:
- Ái Minh pha trà nhanh thế.
Tôi ngập ngừng:
- Chú… chú đang buồn à?
Chú Vinh gượng cười:
- Ờ… có lẽ vậy… có những buổi chiều gợi cho ta biết bao nhiêu là kỷ niệm.
Rồi chú ngâm nho nhỏ:
Bữa nay lạnh mặt trời đi ngủ sớm
Anh nhớ em, em hỡi! Anh nhớ em
Không gì buồn bằng những buổi chiều êm
Mà ánh sáng hòa dần cùng bóng tối
Tôi reo lên:
- Cháu biết đó là bài gì rồi, bài "Tương Tư chiều" của Xuân Diệu phải không chú?
Chú Vinh vuốt tóc tôi:
- Cháu hay lắm. Nghe ba nói cháu có rất nhiều thơ đăng báo phải không?
Tôi đỏ mặt:
- Có thì có nhưng không "rất" chú ạ, thỉnh thoảng thôi.
Có tiếng ồn ào ngoài cổng, dì Mộng Đào và bác Thống, chồng của dì, bước vào phòng khách. Tôi vòng tay lễ phép:
- Thưa bác, thưa dì.
Thấy chú Vinh, bác Thống đưa tay ra:
- Trời đất, lâu thật là lâu mới gặp lại anh, anh Tuệ cứ nhắc anh mãi.
Hai người đàn ông hòa nhập vào câu chuyện làm ăn buôn bán, ba cũng vừa về tới cho câu chuyện càng rôm rả hơn.
Mọi người ngồi chung quanh chiếc bàn tròn trải khăn trắng, ở giữa là một bình hoa bất tử, những cành dài mang từng đóa tròn cánh cứng cong cong màu vàng óng rất dễ thương. Mẹ đứng ra sắp chỗ, mẹ cố ý để chú Vinh ngồi gần dì Phượng, tiếp đến là dì Mộng Đào và bác Thống, ba mẹ, sau cùng tôi và anh Trí ngồi gần nồi cơm để tiện phục vụ cho quý khách. Món chả giò của mẹ được khen nức nở, chú Vinh nói:
- Đi đâu cũng không quên món chả giò của chị Tuệ.
Bác Thống gắp một miếng gà rô ti:
- Món nầy cũng tuyệt, vừa mềm và thơm.
Tôi buột miệng:
- Của dì Phượng cháu làm đó.
Chú Vinh nhìn tôi âu yếm:
- Vậy có món nào cháu làm không?
Tôi gắp một nhúm rau bỏ vào chén của chú:
- Món nầy do cháu nhặt và rửa sạch sẽ.
Dì Mộng Đào khen tôi:
- Con nhỏ lanh thiệt lanh.
Mẹ lườm yêu tôi còn ba thì hỏi chú Vinh:
- Đi xa về chú thấy cháu Minh thế nào?
Chú Vinh ngắm nghía tôi như đang quan sát một món đồ sắp mua:
- Khá lắm, cháu rất thông minh lại có tài ứng biến nữa, anh chàng nào mà gặp cháu cũng mệt lắm đấy.
Anh Trí rót bia vào ly cho chú:
- Vậy mà đã có một cây si đang bén rễ trước cổng nhà mình rồi đó chú ơi.
Chú Vinh tròn mắt nhìn tôi đầy vẻ thán phục khiến tôi mắc cỡ lấy chiếc đũa gõ vào vai anh Trí. Ba lại hỏi tôi:
- Bây giờ ba hỏi con nè Minh, sau một thời gian thật lâu không gặp chú Vinh, giờ con thấy chú thế nào?
Đến phiên tôi chiếu tia nhìn chăm chú về phía chú Vinh, nói ngay:
- Con thấy tính tình chú Vinh vẫn như cũ nghĩa là sâu sắc, chân thành. Còn ngoại hình chú thì rắn chắc khỏe mạnh hơn, đặc biệt là chú đen hơn trước rất nhiều, do đó con thấy chú giống… chú giống...
Tôi ngập ngừng, chú Vinh giục:
- Giống ai? Cháu nói đi!
Tôi ngần ngại nhìn ba mẹ. Bác Thống và dì Đào thì nhìn dì Phượng rồi cùng cười với nhau làm dì đỏ mặt, dì che giấu sự bối rối của mình bằng cách đi vào nhà trong lấy thêm đá, anh Trí đập vào vai tôi:
- Nói đi, chú Vinh giống ai nào?
- Ơ, em sợ ba mẹ la.
Ba đưa tay ra:
- Ba cho phép con nói.
Tôi lại nhìn chú Vinh:
- Chú giống Maradona quá à.
Chú Vinh vờ ôm lấy ngực nói với mọi người:
- Vậy mà nãy giờ tôi hồi hộp muốn đứng tim luôn, cứ sợ cháu Minh bảo tôi giống một anh chàng ma cà bông nào đó thì chết.
Rồi chú đưa cao ly bia lên:
- Xin các bạn hãy nâng ly chúc mừng dùm tôi đã có hân hạnh giống một cầu thủ lừng danh thế giới.
Bác Thống vẫn ngồi im, lẩm bẩm:
- Thằng cha đó hết thời rồi.
Dì Đào lườm chồng:
- Đáng đời ông rồi - dì nói với mọi người - Ông ấy căm giận Maradona vì hồi hôm ổng thua cá độ, đội Camroun đã đánh ngã thần tượng của ổng.
Anh Trí rót thêm bia vào ly bác Thống:
- Thua keo nầy ta bày keo khác, các trận đấu còn tiếp tục mà, lo gì, thưa bác.
Mẹ hỏi dì Đào:
- Vậy ảnh thua bao nhiêu?
- Một cây thuốc ba số 5, có đau đầu không.
Bác Thống khịt khịt mũi:
- Tôi thề từ nay không bao giờ bắt Argentina.
Tôi buột miệng:
- Vậy mà dì Phượng của con thích Maradona lắm bác à.
Mọi người cười ồ lên, dì Phượng ngượng chín cả người, nhéo vào vai tôi:
- Ái Minh ăn nói ẩu lắm, dì giận đó.
Tôi không hiểu, ngạc nhiên:
- Ơ, cháu nói không đúng sao, hôm qua chính dì khen Maradona có duyên mà.
Mặt dì Phượng đỏ như mặt trời, dì đưa tay bịt mồm tôi lại:
- Thôi cháu im đi là hơn.
Bác Thống cười ha hả:
- Sao vậy, cứ để cho con nhỏ nói, biết đâu... duyên tiền định đấy.
Dì Phượng bỏ chạy ra nhà sau, chú Vinh ngượng ngùng nhìn theo, à, giờ tôi mới hiểu.
|
|
|