Những lo âu rồi cũng qua mau, buổi chiều thi xong môn cuối cùng, tôi thở phào nhẹ nhõm.
Vừa bước ra khỏi cửa lớp, đã thấy tụi bạn đứng chờ sẵn, tôi cười tươi tắn. Tuấn hỏi:
- Sao? Ngon lành rồi hả?
Tôi vênh mặt:
- Đương nhiên.
Bích đến bên tôi:
- Tụi mình đi ăn bò bía đi.
Khoa đề nghị:
- Chúng ta kiếm mì phở gì ăn đi, Khoa đói bụng quá.
Tôi trề môi:
- Ô, mô đen ăn uống của Khoa lạc hậu quá, giờ nầy không phải là giờ của mì phở.
Mấy đứa con gái nhao nhao lên:
- Đúng rồi, đúng rồi, bây giờ là giờ của bò khô, bò bía, gỏi cuốn, bánh...
Tuấn bịt hai tai lại:
- Thôi xin các cô nương tốp bớt những cái miệng xinh đẹp lại, tại hạ sẽ làm vừa ý các cô - Rồi Tuấn nhìn Khoa - đồng ý chứ, anh bạn thân yêu của tôi?
Khoa cười gượng:
- Các bạn sao, tôi vậy.
Nhìn mặt mày Khoa nhăn nhó, thấy tội nghiệp cho anh chàng ghê, rõ ràng là Khoa đang đói bụng. Chung qui cũng tại tôi, sao lại cấm ý muốn của Khoa chứ, tôi có quyền gì, phải chăng như lời anh Trí nói, tính tôi ngổ ngáo quá, tôi đã chọc quê Khoa trước mặt bạn bè, Khoa có giận tôi không nhỉ, liếc nhìn Khoa đang đạp xe bên cạnh, nét mặt hiền hòa, tôi ân hận quá. Bây giờ phải làm sao, không lẽ lại đổi ý kiến đòi đi ăn phở như Khoa? À, tôi nghĩ ra một cách rồi, tôi nói với Tuấn đang ở phía trước tôi:
- Tuấn ơi chúng mình đi ăn kem là đúng nhất, trời nóng quá.
Bích tán thành:
- Đúng rồi, nhưng sau đó phải có một chầu bò bía nghen.
Chúng tôi ngồi kín một bàn tròn, tôi gọi một đĩa bánh ngọt xong chọn cái lớn nhất đưa cho Khoa. Khoa nhìn tôi ngạc nhiên, tôi lấy cho mình một cái nữa rồi nói nhỏ:
- Khoa ăn đi kẻo đói bụng, Minh cùng ăn với Khoa nhé.
- Kìa… Minh...
Tôi ngập ngừng:
- Hồi nãy... Khoa đừng giận Minh nghe!
Khoa đã hiểu ra:
- Không có gì đâu.
Các bạn khác đang bàn tán về đề thi vừa xong nên không ai để ý đến chúng tôi, chỉ có Bích chợt nhìn thấy đĩa bánh:
- Ê, Minh, Khoa, bộ hai bồ định làm riêng lẻ hả?
Người bán hàng đã đem những ly kem lên, nhìn những khối tròn đủ màu bốc hơi lạnh, tôi nhớ đến Thoại. Hôm qua, tôi có gặp Thoại ở cổng trường, nhưng Thoại có bạn của lớp Thoại và tôi cũng có các bạn của tôi nên không ai nói với ai một lời nào cả. Những buổi kế tiếp cũng vậy, trước mặt các bạn bè hai lớp, tôi sợ chúng nó biết là chúng tôi đã quen nhau, nên khi Thoại muốn tiến lại tôi để hỏi thăm bài vở thì tôi cứ giả vờ nhìn sang chỗ khác, làm như không thấy anh. Tôi có bất lịch sự lắm không, chắc là có. Thoại đã quê, nên chiều nay thi xong, tôi cố tình đi ngang phòng Thoại, nhưng Thoại đã về từ lúc nào.
- Minh nghĩ gì mà trầm ngâm vậy?
Lời Tuấn hỏi làm tôi giật mình:
- À, Minh đang... Minh đang...
Sau khi ăn hết mấy chiếc bánh, mặt Khoa đã tươi tỉnh trở lại:
- Mầy chỉ hỏi vớ vẩn thôi, Minh đang làm thơ đó mà, phải không Minh?
Tôi lắc đầu, cười với Khoa:
- Không đâu, Minh đang nghĩ đến điều mà Khoa cũng đang mơ.
Tuấn xoa hai bàn tay vào nhau:
- Hay quá, vậy cái điều đó Tuấn có mơ không?
Tôi gật đầu:
- Mơ quá đi chứ.
Khoa nhìn tôi đăm đăm:
- Nhưng giấc mơ đó có được thực hiện không?
Tôi lại gật đầu:
- Được quá đi chứ.
Đám con gái la lên:
- Ơ, con Ái Minh đang làm trò phù thủy, bật mí ra xem nào.
Tôi múc một muỗng kem:
- Đừng có vội, chỉ đêm mai thôi.
Những chiếc miệng đồng thanh la lên:
- A, trận khai mạc Mondial 90!
Bích gõ muỗng vào ly:
- Khoan vội mừng, giấc mơ nầy còn tùy thuộc vào ông Nhà Đèn nữa đó.
Tuấn và Khoa đồng nói:
- Cái miệng ăn mắm ăn muối đừng có trù ẻo nghe, tối mai mà cúp điện là tụi nầy đến cào nhà Bích đó.
Rồi hai anh chàng lại nhìn nhau:
- Thú vị thật, mải vùi đầu vào sách vở, mình quên mất điều kỳ diệu nầy, bắt đầu từ ngày mai rảnh rỗi, ta tha hồ theo dõi các trận đấu.
Tôi lại nghĩ đến Thoại, chả biết anh có say mê bóng đá? Và sao chiều nay anh bỏ về không đợi tôi?
Vừa đến nhà, chưa kịp thay quần áo, tôi đã chép bốn dòng thơ vào tập:
Sân trường lung linh hoa nắng
nâng bước mùa thi qua thềm
Vương buồn lên tà áo trắng
Sao anh không về cùng em!
Ba bước vào phòng:
- Làm bài ra sao mà về trễ thế con?
Tôi đến bên ba, nũng nịu:
- Ba ơi, chiều nay bài làm dễ nên con ra sớm lắm, tại tụi bạn lớp con rủ đi ăn kem đó.
Ba vuốt tóc tôi, âu yếm:
- Hồi nãy ba có ghé trường đón con mà không gặp, thôi tắm rửa đi rồi ra ăn cơm, mẹ cũng sắp về rồi.
Những tưởng thi xong sẽ được ngủ một giấc ngon lành đền bù lại những đêm thức trắng, nhưng không, sao đã mộtmột giờ rồi mà đôi mắt tôi vẫn còn ráo hoảnh và tâm trí tôi trong sáng lạ thường. Bỗng nhiên tôi cảm thấy buồn, buồn kỳ lạ, hình như tôi vừa đánh mất một điều gì quý giá của tuổi học trò? Phải chăng đó là ngôi trường kỷ niệm mà tôi đã chia xa.
Ôi, ngôi trường rêu phong cổ kính của tôi với chiếc cổng cao sơn màu nâu tím, với hai hàng sứ hồng tươi thắm lối đi và cây phượng già trước phòng giám hiệu đã bao mùa lợp bóng mát trên sân cho chúng tôi chơi trò banh đũa, nhảy dây... Bác phượng già ơi, thôi giã từ bác, ngày mai chúng con mỗi đứa một phương trời trong khi bác vẫn âm thầm ở lại, bền bỉ ra hoa, thay lá, tiếp tục đem bóng mát cho lớp đàn em chúng con vui chơi, những đóa hoa lửa trên thân bác đã ánh lên hào quang rực rỡ.
Xin vẫy tay chào mùa hạ cuối cùng! Và các bạn bè của tôi, những gương mặt thân quen đồng trang lứa, mỗi đứa một dáng vẻ đã gây trong lòng tôi những dấu ấn đậm đà. Nào Bích nghệ sĩ, Khoa thể thao, Tuấn bác học…không biết trên bước đường tương lai rộng lớn, chúng tôi có còn gặp lại nhau?
Đường vắng thênh thang đón hạ về
Gió chiều ôm ấp những hàng me
Ô hay ai nhặt ngàn tia lửa
Thả xuống màu xanh tuổi ước thề
*
Phượng vĩ tươi hồng môi trẻ thơ
Nghiêng nghiêng áo lụa nắng sang mùa
Ve sầu đã hát bài muôn thươ?
Âm hưởng chan hòa lên phím tơ
*
Tôi bước vào mùa thi vấn vương
Giã từ cây lá của sân trường
Của hoa, của bướm thời thơ ấu
Cánh mỏng tung trời đi bốn phương!
Sáng nay tôi dậy trễ, vừa mở mắt đã thấy dì Phượng ngồi trang điểm trước gương.
Mùi nước hoa trên mái tóc dì dịu dàng thoảng vào mũi làm tôi tỉnh hẳn:
- Ồ, dì Phượng thơm và đẹp quá xá.
Dì Phượng vuốt nhẹ vào má tôi:
- Chỉ giỏi nịnh dì, thôi ngủ đi.
Tôi ngồi hẳn dậy, đưa tay mân mê hàng ren màu hồng nhạt trên cổ áo của dì:
- Kiểu nầy đẹp và mới quá, Sài Gòn chưa thấy bán dì ơi.
Dì Phượng cười sung sướng:
- Có ai bán mô, tự dì may lấy đó.
Tôi vỗ tay reo:
- Hay quá, dì may cho cháu với nghen.
Dì Phượng khoác chiếc xắc lên vai:
- Đúng rồi, sáng nay lên hàng mẹ, dì sẽ lựa vài loại vải đẹp may áo cho cháu.
Tôi hết buồn ngủ, theo dì ra phòng khách, anh Trí cũng đang sửa soạn đi đâu, thấy tôi anh nói:
- Anh chở dì Phượng lên hàng mẹ rồi anh đi công chuyện, Minh trông nhà nhé.
Tôi ngồi một mình bên hàng hiên, ngôi nhà sao trống trải quá. Sáng nay lá khô rụng nhiều dầy đặc một góc sân, cả khóm hồng ba trồng trong chậu cũng tả tơi héo úa. Tôi chạy vào nhà xách bình tưới ra, cẩn thận phun lên từng phiến lá, nụ hoa và không quên rải đều trên thảm cỏ mịn màng dưới tán ngọc lan. Những giọt nước long lanh phản chiếu ánh nắng mặt trời trông rất đẹp. Tôi cảm thấy yêu đời quá, nào ba, nào mẹ, nào anh Trí, nào dì Phượng, tôi muốn ôm tất cả họ vào lòng để những trái tim yêu thương kia hòa chung nhịp đập với tim tôi. Gió sớm mai mơn man làn tóc rối, tôi nhìn lên cao, trời xanh mây trắng, ồ mùa hạ đã về giữa lòng tôi rạo rực, bao ước mơ thầm kín, bao khát vọng tuổi xanh đầy ắp tâm tư, tôi thầm hỏi trên bước đường tương lai thênh thang ấy, điều gì sẽ chờ đợi tôi đây?
Có tiếng động ở cổng, tôi quay ra. Kìa Thoại, Thoại xuất hiện như một chàng hoàng tử trong truyện cổ tích với chiếc giỏ xe honda đầy ắp hoa phượng. Lần đầu tiên tim tôi đập mạnh, tôi đứng im nhìn anh.
- Kìa, Minh cấm cửa Thoại hả?
Thoáng bối rối, tôi kéo mạnh cánh cổng mở toang:
- Xin lỗi Thoại, màu hoa phượng đỏ quá làm Minh hoa mắt.
Thoại vui vẻ dắt xe vào:
- Minh biết không. Thoại vừa từ Lái Thiêu lên là ghé nhà Minh ngay.
Tôi tròn mắt ngạc nhiên, Thoại giải thích:
- Chiều qua thi xong là Thoại về ngay Lái Thiêu ăn giỗ ông nội của Thoại, sáng nay mới lên tới.
Tôi đã kịp nhận ra nét mặt Thoại bơ phờ và tóc tai dính đầy bụi đỏ, tôi vồn vã thật lòng:
- Trông Thoại mệt lắm, theo Minh vào nhà rửa mặt nhé.
Thoại ngồi xuống chiếc ghế xích đu, rút khăn tay ra lau mồ hôi:
- Không sao, Thoại ngồi đây chút xíu là khỏe ngay.
Tôi cầm chiếc bính tưới lên:
- Để Minh phun nước cho Thoại rửa mặt nhen.
Thoại vui vẻ hứng chiếc khăn vào làn nước mát, trông anh thật dễ thương.
Có lẽ Thoại đói lắm, tôi quay vào nhà mở tủ lạnh tìm thức ăn, có hai miếng sandwich lớn đặt trên chiếc đĩa men sứ, chắc là anh Trí để dành cho tôi đây. Tôi bưng đĩa bánh và chai nước lọc ra hiên. Thoại cũng đang mang cành phượng khổng lồ đến trước mặt tôi:
- Hoa phượng ở vườn nhà ông bà Thoại đấy, Thoại vừa hái sáng nay còn tươi lắm, tha hồ cho Minh đá gà và thổi bong bóng nhé.
Tôi nghe lòng thật vui. Thì ra hôm qua thi xong Thoại bận về quê nên không chờ tôi được, vậy mà tôi cứ hiểu lầm anh mãi, lại còn làm thơ trách móc nữa chứ. Thật là vô duyên.
Tôi đặt đĩa bánh lên chiếc bàn mây, rồi đỡ cành phượng cắm vào bình tưới, nhìn Thoại cười:
- Cám ơn Thoại nhiều lắm. Bây giờ Thoại cùng ăn sáng với Minh nha.
- Hay quá, kiến đang bò bụng Thoại đây.
Sáng nay trời nắng dịu, không khí trong lành và đâu đây tiếng ve râm ran.
- Minh làm bài tốt chứ?
- Cũng khá, còn Thoại?
- Cũng như Minh vậy. Kể ra bài vở thi tốt nghiệp thường tương đối dễ thôi, sợ là sợ vào đại học kìa.
- Thoại định thi vào ngành nào vậy?
Thoại trầm ngâm:
- Ba Thoại muốn Thoại vào Bách Khoa, má Thoại lại ưa Y Dược, riêng Thoại chỉ thích Kinh Tế thôi. Chắc là kỳ nầy, Thoại sẽ tập trung sức thi vào Đại học Kinh Tế. Còn Minh?
Tôi ngập ngừng:
- Minh... Minh nộp đơn hai ba thứ nhưng chưa quyết định gì cả, để tốt nghiệp phổ thông xong hẳn haỵ Ba mẹ Minh thì để cho Minh tùy ý, cả anh Trí nữa, bởi vậy Minh đang phân vân đây.
Thoại ngồi thẳng người nhìn vào mắt tôi:
- Hay là Minh thi vào Kinh Tế với Thoại nha, chúng mình sẽ cùng giải lại bộ đề thi, ô kê?
Tôi tần ngần:
- Để Minh tính coi. Thôi để Minh nghỉ ngơi vài ngày đã, thử hỏi ý kiến của anh Trí thử xem sao rồi trả lời Thoại nha.
Thoại ngắt một búp Phượng lớn:
- Ờ, không nói đến chuyện đó nữa, giờ Thoại và Minh tranh giải đá gà nhe.
Tôi hơi đỏ mặt nhưng trong lòng rộn vui. Thoại gọi đây là trò chơi con nít nhưng anh vẫn nhẫn nại ngồi chơi say sưa với tôi khá lâu, khi trên chiếc bàn tràn đầy những thủ cấp đẫm máu, Thoại mới chịu thua tôi:
- Hay quá, gà của Minh đã đoạt chức minh chủ võ lâm rồi.
Anh Trí đã về từ hồi nào:
- Ồ, Thoại, lâu ngày vậy em?
Thoại đứng lên:
- Thưa anh ạ.
Anh Trí kéo ghế ngồi xuống bên:
- Sao? Thi cử ra sao?
- Dạ em làm bài được.
- Vậy năm nay em định vào đại học nào?
- Dạ, chắc Kinh Tế đó anh.
- Hay lắm, anh cũng định bảo Ái Minh thi vào đấy, ngành nầy rất đa dạng và thông dụng - Anh quay sang tôi - Em nghĩ sao, Minh?
Tôi lắc đầu:
- Em chưa nghĩ gì cả, em nhức đầu lắm.
Anh Trí cười âu yếm:
- Bắt đầu nhõng nhẽo với anh rồi đấy, thôi đi vào pha cho anh hai ly nước chanh coi.
Khi tôi bưng nước ra thì Thoại đã đứng lên từ giã, anh Trí giữ lại:
- Ở đây ăn trưa với anh, cả nhà đi vắng hết.
Thoại lễ phép:
- Anh cho khi khác, em vừa từ Lái Thiêu lên đây chưa kịp về nhà, sợ ba má em trông.
Anh Trí hơi bất ngờ, mặt anh như ngây ra khi nhìn tôi tiễn Thoại về phía cổng. Trong bữa cơm chỉ có hai anh em, anh Trí nhìn tôi với ánh mắt trêu chọc:
- Không ngờ anh chàng Thoại lại mau biến thành cây si đến thế.
Tôi nheo mắt:
- Anh thua em rồi.
- Thua gì?
- Vụ cá độ đó.
Sực nhớ ra, anh cười:
- Đúng là tay Thoại nầy đã phản pháo anh.
Rồi anh chồm người tới nhìn chằm chặp vào mặt tôi:
- Để anh tìm nguyên nhân xem.
Tôi né mặt sang một bên:
- Anh làm gì kỳ vậy?
Anh Trí vẫn hướng theo tôi:
- Á à, thì ra cô em gái của anh cũng xinh đẹp quá đấy chứ.
Tôi mắc cỡ đẩy anh Trí ngã nhoài ra ghế:
- Anh đùa dai quá à.
Anh Trí nghiêm nét mặt trở lại:
- Anh không đùa, anh nói sự thật đấy, nếu anh thắng cuộc nghĩa là tên Thoại không đến đây nữa thì quả nó ngu nhất trong đời.
Tôi trố mắt nhìn anh, chưa bao giờ tôi thấy anh chững chạc đến vậy. Giọng anh trầm trầm đầy tinh thương yêu:
- Ái Minh à, em đã lớn rồi đấy, nên bớt tính trẻ con đi.
Tôi cúi đầu yên lặng, đúng rồi, mười tám tuổi đâu còn là trẻ con nữa, và các trò chơi đá gà, thổi bong bóng có còn thích hợp với tôi không?
Còn tính tình tôi nữa, theo như Bích nhận xét thì tôi thường chả thèm suy nghĩ kỹ trước khi nói, nên một số bạn bè rất buồn lòng vì tôi, dù sau đó biết tôi không có ý gì, họ vẫn bớt dần đi mối thiện cảm với tôi. Và tôi có đẹp không? Bất giác tôi nhớ đến đôi mắt Thoại nhìn tôi say đắm, anh đang đánh giá tôi ra sao đây?
Anh Trí đặt tay lên vai tôi:
- Em đang nghĩ gì?
Tôi ngước lên:
- Anh Trí ơi... em... em có giống con gái Huế không?
Anh Trí hơi ngạc nhiên:
- Sao em hỏi kỳ cục vậy ?
Tôi kéo tay anh:
- Anh trả lời em đi.
Anh Trí suy nghĩ một lát rồi nói:
- Anh chưa quen với một người con gái Huế nào cả, nhưng trong thi văn, người ta thường tả đó là những cô gái mảnh mai, dịu dàng và có mái tóc thề buông xõa ngang lưng.
Rồi anh hóm hỉnh:
- Em không mảnh mai, em không dịu dàng và em cũng chả có mái tóc thề... anh nghĩ, em không giống con gái Huế đâu.
Tôi cố gỡ gạc:
- Sao ai cũng nói em giống mẹ?
- Đương nhiên, em giống mẹ nên em xinh đẹp, nhưng chỉ gương mặt thôi, phần còn lại, em hoàn toàn là một cô gái miền Nam, hồng hào, khỏe mạnh và đầy nghị lực.
Thấy tôi ngồi xụ mặt, anh Trí nói nhỏ:
- Ba là người Cần Thơ, con gái Cần Thơ cũng đẹp lắm chứ, em không thích sao?
Tôi lắc đầu, vùng vằng, chu môi ra.
Anh Trí chán nản:
- Lại giở cái trò nhõng nhẽo ra rồi.
Chợt tôi giật mình, đúng là tôi hành động không suy nghĩ gì cả, tôi đã chạm vào tự ái của anh Trí rồi, bởi mẹ anh là người đồng hương với ba và cũng rất đẹp một thời.
- Anh Trí ơi, anh đừng giận em nữa nghe.
- Giận gì lãng nhách vậy, thôi mau rửa chén rồi vào nghỉ trưa.
Khi tôi thức dậy thì đã thấy mẹ và dì Phượng sửa soạn bàn ăn. Mẹ nói:
- Hồi nãy chú Vinh đến có hỏi thăm con.
- Sao mẹ không thức con dậy?
- Thi xong cứ ngủ cho lại sức, mai chú ấy lại đến lo gì.
Dì Phượng bưng mâm cơm ra:
- Ăn cơm nhanh lên để kịp coi buổi lễ khai mạc Mondial.
Đến 9 giờ tối, tôi đã ríu mắt lại và trong giấc mơ, tôi thấy các nàng thiếu nữ Phi Châu cười với tôi bằng hàm răng trắng nhởn và quả cầu hoa khổng lồ mang sắc cờ của hai4 quốc gia tham dự cúp Mondial tung bay, tung bay... Òa vỡ những quả bóng muôn màu...
|
|
|