Hôm bác Huy đi Sài Gòn về, bác cho em một cái đồng hồ đeo tay, Cu Quang một chiếc xe tăng chạy bằng pin và Bích Ty một con búp bê thật đẹp.
Riêng mẹ, bác mua tặng một xấp hàng may áo dài rực rỡ. Em hững hờ đón nhận quà bác Huy cho, trong khi Cu Quang ôm chiếc xe nhảy nhót mừng rỡ và Bích Ty cứ hôn mãi vào đôi má phinh phính của búp bê. Mẹ cười, gương mặt rạng rỡ :
- Anh về khi mô rứa ?
- Hồi mười một giờ trưa nay. Ăn cơm xong là tôi qua Hà ngay.
Quay sang em, mẹ bảo :
- Thúy Vy, vào pha nước cho bác Huy, con.
Em xuống bếp lấy bình thủy châm nước trà vào bình. Bà nội đang gọt khoai tây, ngẩng lên :
- Khách mô rứa con ?
- Dạ bác Huy.
Gương mặt nội thoáng vẻ buồn rầu. Nội cuối xuống tiếp tục làm việc, không nói thêm một lời nào. Em bưng nước lên, mẹ cầm lấy tay em:
- Thúy Vy, con đeo thử đồng hồ của bác Huy cho chưa ?
Em cúi đầu:
- Dạ rồi.
- Vừa không con ?
- Dạ vừa.
Bác Huy xen vào:
- Thúy Vy có thích kiểu đó không ?
Em đáp nhỏ:
- Dạ thích.
Rồi em bỏ vào nhà trong. Tiếng mẹ đỡ lời:
- Tính con Vy hơi bất thường, anh đừng để ý.
Bác Huy dễ dãi:
- Hà đừng bận tâm. Thúy Vy ngoan lắm.
Em thấy ghét những lời giả dối của bác Huy vừa thốt ra.
Cử chỉ chống đối của em quá rõ ràng như vậy mà bác ta còn giả vờ khen em ngoan, cốt để lấy lòng mẹ chứ gì.
Từ hơn một tháng nay, em cố tình lẩn tránh những vuốt ve âu yếm của mẹ, những lời săn sóc nồng nhiệt sau kỳ thi học kỳ hai : "Thúy Vy, con làm bài có khá không ? Cho mẹ biết để mẹ mừng".
Em như sống riêng biệt một thế giới khác, thế giới chỉ có một mình em thôi. Cu Quang và Bích Ty đã dần dần bỏ em để ngã về phía bác Huy, theo những món đồ chơi đem đến mỗi lần bác sang thăm mẹ.
Nghe mẹ nói với nội, bác Huy có hùn vốn với một công ty xuất nhập khẩu ở Sài Gòn, nên bác thường vào Sài Gòn mỗi tháng ít nhất là một lần để coi sóc và tính xem lời lỗ. Ngày xưa, bác học cùng trường với ba và cùng lớp với cậu Cả. Gia đình bác quen thân với ông bà ngoại lắm. Nội nghe thì nghe cho có vậy thôi chứ em biết không mấy khi nội thích nhắc đến bác Huy, nhất là những lúc sau nầy, bác Huy cứ đến nhà chơi luôn, có khi ở lại ăn cơm nữa. Mẹ chưng diện nhiều hơn trước và đẹp hẳn lên. Mẹ về quê kiếm một đứa nhỏ giúp việc và trông chừng cửa hàng những lúc mẹ bận công chuyện. Sao dạo nầy em thấy mẹ bận công chuyện gì mà cứ vắng nhà luôn. Em biết mẹ đi cùng bác Huy, nhưng mẹ thường bảo là nhờ bác Huy đưa đi dùm, thế thôi. Em buồn mà không biết tâm sự ngỏ cùng ai. Cúc Nhật đã đi Đà Lạt nghỉ hè, em chả còn bạn để chơi nữa. Em ghét bọn Thủy Tiên, Bích Thủy lắm. Tụi nó chuyên môn ăn cơm nhà mà đi nói chuyện thiên hạ, nhất là đối với gia đình em. Mấy lúc sau nầy, tụi nó xầm xì bàn tán dữ lắm. Mỗi lần gặp, em thường bị chúng hỏi thăm :
- Khi mô chính thức có ba mới đó Vy ?
Em không thèm trả lời nữa.
Ban đầu thì em cũng ậm ừ cho qua chuyện, nhưng dần dần, em thấy khó chịu và càng lánh xa chúng. Hôm lễ trao phần thưởng cuối năm, em tức đến phát khóc lên được. Năm nay em vẫn giữ vị trí cũ, hạng ba như năm ngoái. Cúc Nhật lên hạng nhì và xuất sắc vẫn vào tay Diệu Trâm. Sau màn văn nghệ cuối cùng chấm dứt, chúng em chia tay nhau về. Em và Cúc Nhật vừa bước ra khỏi cổng trường, Thủy Tiên và Bích Thủy vượt qua mặt em, quay lại cười dễ ghét :
- Thúy Vy được ba mẹ đến đón thích ha !
Em cúi xuống vờ nhìn cuốn tự điển sau lớp giấy bóng, Cúc Nhật lên tiếng :
- Đón hay không thì mặc kệ nó, mắc mớ chi tụi bây không ?
Thủy Tiên vênh mặt:
- Tao hỏi con Thúy Vy chứ không hỏi mi, vô duyên.
Cúc Nhật đỏ mặt:
- Tao là bạn thân nó, tao có bổn phận lên tiếng vì tụi bây cứ kiếm chuyện với nó hoài.
Bích Thủy bĩu môi:
- Không ai kiếm chuyện với ai hết. Người mô có tật thì kẻ đó giật mình, rứa thôi.
Em kéo tay Cúc Nhật:
- Thôi mi, tụi nó hàm hồ lắm, cãi không lại mô.
Mẹ và bác Huy đã tiến đến:
- Thúy Vy đợi mẹ có lâu không ?
Những lời châm biếm của tụi bạn còn văng vẳng bên tai.
Em nhìn thật lâu vào xâu chuỗi hạt treo đeo trên cổ mẹ, không trả lời. Phần thưởng em ôm trong tay cũng không làm em hãnh diện nữa. Mẹ đã có nguồn vui khác thì nghĩa lý gì vài cuốn sách chơ vơ : Phần thưởng tinh thần sau một năm dùi mài kinh sử mà nhà trường đã ban phát cho em. Em muốn đi bộ với Cúc Nhật về nhà, nhưng bác Huy đã nhanh nhẹn mở cửa xe giục chúng em lên. Hôm đó về nhà, em thấm thía những lời mỉa mai, em buồn và bỏ ăn suốt một ngày.
Chừ thì em mất mẹ thật rồi, tình thương của mẹ đã bị chia sớt. Trong một lá thư gởi lên Đà Lạt cho Cúc Nhật, em đã viết : "Nhật ơi ! Tao khổ lắm. Tình thương của mẹ tao đã được chia làm hai : một nửa cho bác Huy và một nửa cho các con. Mà tụi tao lại có đến ba đứa, cho nên một nửa khối tình thương đó lại bị phân ra làm ba nữa. Mỗi đứa tao chỉ được một mãnh tí xíu chán ghê mi ơi !... "Cúc Nhật chắc cũng ham vui chơi với núi đồi thông xanh nên lá thư gởi đi không thấy hồi âm.
Nghĩ đến hạnh phúc gia đình Cúc Nhật mà em phát thèm. Cúc Nhật có đầy đủ cha mẹ, lại là con một, nên tình thương ngút ngàn của ba mẹ nó đổ dồn cho riêng nó. Một mình chìm đắm trong bể tình thương lồng lộng thênh thang, Cúc Nhật vô tư nhí nhảnh như con chim vành khuyên buổi sáng líu lo ngàn khúc hát vui tươi, chào đón ánh thái dương. Em quen Cúc Nhật đã ba năm, dạo em mới vào học Trưng Vương. Cúc Nhật có điểm cao nhất trong kỳ thi chuyển cấp và cái tên dài nhằng của nó ghi trên bảng đã làm mẹ chú ý : Huyền Công Tằng Tôn Nữ Cúc Nhật. Mẹ tấm tắc khen : "Cô bé vừa tên đẹp, vừa học giỏi".
Ngày tựu trường, tình cờ em được sắp chỗ ngồi cạnh Cúc Nhật. Cô bé có đôi mắt to tròn như con nai vàng ngơ ngác đã chiếm trọn cảm tình em ngay buổi đầu gặp gỡ. Em lén nhìn bảng tên dán ngoài tập của cô bạn nhỏ, thì cô bé đã mỉm cười:
- Tui tên Cúc Nhật, còn trò tên chi ?
Em ấp úng như vừa bị bắt gặp quả tang một hành động mờ ám:
- À, tui tên... Thúy Vy, Hoàng Thị Thúy Vy.
- Tên của trò gọn thật. Tên của tui dài một trăm thước luôn.
Em nheo mắt:
- Tui biết rồi, tui biết họ của Cúc Nhật rồi.
Cúc Nhật đập nhẹ vào bàn tay em:
- Răng mà trò biết được, tài rứa !
Rồi cô bé reo lên:
- Ê, tui biết rồi, trò vừa coi bảng tên của tui phải không ?
Em lắc đầu bào chữa:
- Mô có, tên của trò đứng đầu bảng treo ở ngoài đó, ai mà không biết. Trò học giỏi ghê.
Cúc Nhật sung sướng đỏ mặt:
- May rủi thôi mà. Đừng khen tui dị lắm.
Em bỗng thương giọng nói ngây thơ và vầng trán thánh thiện của Cúc Nhật chi lạ. Em bảo nó:
- Cúc Nhật vừa đẹp vừa học giỏi nữa, quí ghê.
Cúc Nhật véo nhẹ vào cánh tay em:
- Đừng nữa mà. Thúy Vy khen như người lớn a. Thúy Vy cũng đẹp chớ bộ.
Hai đứa thân nhau lúc nào không hay.
Suốt ba niên học, em và Cúc Nhật gần nhau như hình với bóng. Cúc Nhật dòng hoàng phái, nhà khá giả, ba mẹ nó đều là kỹ sư. Cúc Nhật thương em lắm, nhất là sau khi nghe em kể rõ hoàn cảnh gia đình. Ba em mất hồi em lên tám và mẹ buôn bán tảo tần nuôi nấng ba con. Nó thường bảo em:
- Mỗi người có một số phận, bằng lòng với những gì ta đang có là tìm thấy hạnh phúc rồi Vy nờ. Đừng nghĩ ngợi xa xôi chi cho mệt.
Vâng, em thấy hạnh phúc tột cùng, hạnh phúc tràn lan mặc dù mái gia đình đã thiếu vắng ba. Nhưng tất cả đã tan nát từ khi có thêm hình bóng bác Huy. Em không thể chịu đựng được nữa, em muốn mẹ là của riêng ba, của riêng em cùng Quang và Bích Ty. Bác Huy thừa thãi quá trong gian nhà ấm cúng nầy. Nhưng bác vẫn đến, vẫn cho quà chúng em và ngồi nói chuyện với mẹ suốt buổi. Em chán đời, nhiều lúc chỉ muốn chết đi.
|
|
|