Kể đến đó thì chị ngừng lại khá lâu. Tôi không dám đánh động vào sự im lặng ấy. Thực ra, chỉ một đoạn đời của con người, nhất lại là người đàn bà, nghe chừng ấy cũng là quá đủ, quá nặng nề rồi. Nhìn chị, tôi tự nghĩ: làm sao một con người mảnh khảnh, bé nhỏ dường kia mà lại có thể vượt qua được một chặng đường kinh khủng đến thế? Gió lúc này thổi nhẹ hơn. Mái tóc dài của chị không bay dạt sang một nữa, nó buông rủ xuống, vờn nhẹ vào lưng. Chị ho khe khẽ. Tôi đưa tấm dù cho chị:
- Sương lạnh đấy! Chị quàng thêm vào cổ cho ấm.
Chị ngoan ngoãn làm theo lời tôi. Nhưng chị vẫn ho. Ho rất nhẹ mà đôi vai nhỏ ấy cũng rung lên. Nghe chuyện chị, tôi thấy chị lớn lao quá, phi thường quá và ở cách rất xa tôi. Nhưng bây giờ đây, tôi lại thấy chị thật gần gũi, nhỏ bé và đáng thương. Đêm vùng sâu càng về sáng càng lạnh, cái lạnh hiu hiu như trời vào cuối thu ở ngoài kia. Giá như lúc này tôi có thể chụm được một ít lửa cho chị. Chắc chị sẽ khỏe hơn, sẽ hết ho và đôi mắt kia sẽ bớt đi vẻ xa vắng đến u buồn. Nhưng làm sao dám nhóm lên một ngọn lửa bây giờ? Giá như… Tôi bồn chồn nghĩ, giá như mình không phải là đàn ông, tôi sẽ đến ngồi gần chị, ôm chặt lấy đôi vai đang run run vì lạnh của chị, sẽ sưởi ấm cho chị bằng chính nhiệt độ của thân thể mình, sẽ san sẻ bớt nỗi nhọc nhằn ghê gớm mà chị phải gánh chịu những năm qua, và sẽ tiếp tục gánh chịu nữa. Suy nghĩ ấy làm tôi thở mạnh, thở ngắt quãng một cách khổ sở. Dường như đoán hiểu được tâm trạng của tôi hay cũng chỉ do một sự tình cờ, chị ngẩng mặt lên và hất nhẹ mái tóc ra đằng sau. Trên khuôn mặt nhìn nghiêng thanh thoát của chị, tôi thấy khẽ chuyển động một nét cười mỉm, dịu dàng. Sự chuyển động ấy lan ra khiến đôi mắt chị trong sáng hơn. Lúc này chị thật trẻ, trẻ như hồi nào chị mới bỏ gánh bánh sôi nước để đi lấy chồng mà tôi đã hình dung ra.
- Sắp sáng rồi, chuẩn bị về đi. Thắng.
- Dạ! – Tôi nói mà chưa muốn đứng dậy.
- Thắng có nhiều nét rất giống anh Tám - Đột nhiên chị nhận xét - Giống cái hồi anh ấy chưa bị lủng ruột. Nhất là khi Thắng cau mày lại suy nghĩ một cái gì đó, mắt cũng sâu, lông mày cũng rậm và cái trán cũng bướng bỉnh. – Chị cười khẽ tự xóa đi câu nhận xét của mình – mà nói cho đúng ra, đàn ông ở rừng ai chả giống nhau. Cực nhọc vậy làm sao mà mắt không sâu, trán không dô ra ương bướng cho được
Thấy giọng chị vui vui, tôi hỏi luôn cái câu đã mập mờ muốn hỏi từ nãy:
- Chắc chị và anh Tám đã thành.... Anh ấy lúc này ở đâu hả chị? Trên “Rờ” hay còn ở tỉnh. Có lẽ làm lớn lắm rồi? Có khi là bí thư tỉnh? Tôi đoán vậy có đúng không?
- Đúng! – Nét cười trên miệng chị biến mất – anh ấy sẽ là như thế nếu còn sống đến bây giờ.
- Anh Tám chết rồi? Chết hồi nào chị? – Tôi kinh ngạc.
- Chết ngay hồi ấy. Chết trước một ngày khi tôi và Tiến tìm đến được căn cứ của anh.
Thì ra thế! Bây giờ tôi mới hiểu cái ngừng lại đột ngột và đôi vai nhỏ cứ rung lên của chị. Đâu có phải chỉ vì lạnh. Tôi tự trách câu hỏi vô tâm của mình vừa rồi. Nhưng đã muộn. Dòng hồi ức trong lòng chị đã tràn ra. Tràn ra rất đỗi chậm rãi và điềm tĩnh.
- Anh ấy bị chỉ điểm khi vào ấp làm việc với cơ sở...
Chị dừng lại một chút, mắt chớp chớp. Tôi tưởng lúc đó chị đang hình dung lại cái chết thảm khốc của anh, nhưng có lẽ không, trên khuôn mặt chị lại dãn ra một nụ cười thầm lặng. Chị chuyển giọng thì thầm:
- Anh ấy có để lại cho tôi một ít dòng trong quyển nhật ký của anh. Ít dòng thôi vì trong đó xen kẽ cả những suy nghĩ về chiến tranh, hòa bình, về cuộc đời, thù, ta, về cái sống, cái chết, cao thượng, thấp hèn... nhiều lắm! Anh làm cả thơ về tôi nữa. Bữa nào xong việc, nếu còn gặp, tôi sẽ đưa cho Thắng xem. Tôi cất kín trong thùng đại liên từ ngày đó đến giờ, chưa moi lên lần nào cả. Nhưng tôi gần như thuộc lòng từng chữ. Đại khái anh ấy viết rằng anh bị “chấn động” trước tôi ngay từ khi gặp tôi lần đầu. Sau đó mỗi lần gặp là một lần anh thấy khổ sở, không còn biết mình nên thế nào nữa. Anh nói anh định sống độc thân, hiến toàn bộ trí lực và cuộc đời cho cuộc kháng chiến, quyết không để phân tán tản mạn vào bất cứ một ngóc ngách tình cảm rối rắm nào. Nhưng tôi đã phá vỡ từ bên trong dự định ấy của anh. Anh mất tin ở chính mình. Chao ôi! Về chuyện này anh viết dài lắm, phức tạp lắm, nói cho hết cũng mất đến cả buổi. Tôi đọc mà cứ ngẩn ngơ mãi. Hóa ra thế giới đàn ông khi bập vào chuyện này cũng không ồn ào, đơn giản như tính tình của họ. Có khi còn phong phú, tinh tế và tỉ mỉ hơn chúng tôi nhiều. Anh viết có lúc anh đã xuất hiện những suy nghĩ độc ác và tội lỗi về tôi, về chồng tôi. Anh muốn giành giật, muốn cướp lấy tôi đi và sẵn sàng trả giá tất cả. Nhưng rồi anh lại tự dằn lòng được. Tình bạn, tình đồng đội đã chiến thắng được con quỷ ám ảnh anh. Tuy vậy anh càng ngày càng không thể sống thiếu tôi. Những trang anh viết khi bị cách chức bí thư huyện ủy rồi xin xuống xã là những trang mỗi lần nhớ lại, tôi thấy nhức nhối không chịu được. Đó là những ngày buồn thảm nhất trong đời anh. Tình yêu tuyệt vọng, Đảng hiểu lầm, đồng đội tráo trở; anh không thiết sống nữa. Anh muốn giã từ tất cả. Anh nghĩ về tôi, làm thơ về tôi để khỏi đưa súng vào đầu. Anh xin xuống vùng sâu để thực hiện điều đó đựợc đàng hoàng hơn. Nhưng rồi anh cũng không thực hiện được. Ngày qua ngày, công việc lôi cuốn anh đi và điều hệ trọng nhất, anh viết, anh không thể chết, anh phải bám víu bằng được sự sống để chờ tôi, vì ở trên đời này còn có tôi. Vì tôi, anh không muốn là một thằng hèn. Đáng lẽ sau lần bị trọng thương, anh đã muốn buông tay vì sức lực kiệt rồi, nhưng anh cố gượng để.... chờ tôi. Đến khi tôi xuống được với anh thì anh không chờ được nữa. Chỉ có một ngày... Suốt đời tôi sẽ hối tiếc là tại sao mình không xuống sớm hơn một ngày. Như vậy có phải tôi đỡ khổ, đỡ dày vò không? Anh nói, dù sau này còn sống, anh cũng sẽ không tìm được một người đàn bà nào như tôi nữa.... Anh đâu có hay rằng nếu tôi xuống kịp với anh, vào giờ phút chót tôi cũng sẽ nói: “Mất anh, tôi cũng sẽ không có một người đàn ông nào khác trên đời này được như anh nữa đâu”. Anh yếu đuối và ngang tàng, anh dịu mềm mà kiêu hãnh. Tôi nhớ câu cuối cùng anh viết, chữ xiêu vẹo, ngả rạp như trong lòng người viết có giông bão: “Đêm mai anh hóa trang đi vào ấp. Biết rằng nguy hiểm nhưng không thể không vào. Việc móc ráp với chi bộ mật bên trong sẽ quyết định cách thức làm ăn mới của bọn anh trong thời gian tới. thời gian mà Mỹ đứng ra đỡ đòn cho ngụy. Đêm mai có thể anh không về! Như vậy là anh không chờ được em nữa. Hơn một năm nay, chính vì chờ đợi em làm anh không thể chết. Đêm mai, nếu anh có bị làm sao, em có buồn không? Thanh ơi! Nhớ cắm lên mộ anh mấy nén nhang, chỉ cần một mình em cắm thôi. Nhìn vào nấm mộ đó, em nhớ lại rằng: trong đó đang nằm một người đàn ông yêu em, yêu cả đến khi không còn được sống! Anh đi đây! Hãy phù hộ cho anh được trở về. Anh còn muốn chờ em...”.
Chị khẽ ho và đứng dậy, người hơi đảo một chút vì mất đà:
- Về đi! Nghe có tiếng xe bò lọc cọc trong ấp rồi. Đó. Đêm mốt, đơn vị của Thắng tiến công cái chi khu này rồi, chắc không có dịp ngồi trò chuyện như thế này nữa? Ráng làm ăn thật kỹ nghe! Thắng gọn nhưng đừng để mất một ai. Thường khi còn sống, con người ta vô tâm, khi chết rồi mới tiếc rằng sao không ăn ở với nhau hết lòng? Anh Tám.... Anh ấy cũng vậy. Nửa tháng sau khi anh hy sinh, vấn đề của anh mới được xác minh sáng tỏ. Nếu còn sống, sau vụ ấy, anh sẽ được phục hồi cương vị cũ, thậm chí người ta còn nói đồng chí bí thư tỉnh đang rất cần một người có phẩm chất và năng lực như anh để lên tỉnh chủ trì ban tuyên huấn. Nhưng đồng chí bí thư xã ấy đã chết trước đó hai tuần mà không hề biết rằng điều gì đang đợi mình ở phía trước. Anh sống và chết đúng như tính cách vốn có của mình.
Chúng tôi đi trong sương sớm về hầm sau câu nói đó. Ngoài đường đất đã nghe có tiếng xe bò lọc cọc ra bưng thật rồi.
- Một đoạn đời như mọi đoạn đời khác, Thắng nghe cho biết vậy thôi nhen. Đâu có chi đáng nói.
Chị mỉm cười dịu dàng, hất mái tóc ra sau cho gió thổi bay tung và từ đó trở đi không nói thêm một lời nào nữa.
- o O o -
Cái chi khu Châu Thành này xưa nay nổi tiếng là chi khu kiên cố và ác ôn nhất trong các tỉnh miền Đông. Viên đại tá tỉnh trưởng đã dám tuyên bố với Tổng thống Thiệu và viên đại sứ Mỹ rằng: “Nếu chi khu Châu Thành lọt vào tay cộng quân thì có nghĩa là hết. Cả tiểu khu cũng hết và cả Sài Gòn cũng bị đe dọa. Tất nhiên, đời binh nghiệp của tôi cũng kết thúc ở đó. Hãy tìm xác tôi cùng với xác các chiến hữu ở ngay dưới chân hàng rào.”
Là một trong những người chỉ huy trận đánh này, mặc nhiên là tôi không để ý đến những lời huênh hoang kiểu người hùng đó. Dĩ nhiên để san bằng nó là khó, rất khó nhưng nhiệm vụ của chúng tôi là phải hốt gọn. Riêng tôi còn có một lý do nữa rất tế nhị nhưng lại rất trọng yếu.
Sau khi nghe câu chuyện chị kể, việc giải tỏa cái chi khu bỗng thành một nhu cầu tình cảm không thể cưỡng được của những người lính chúng tôi.
Với suy nghĩ như thế, kết hợp với sự giúp đỡ quan trọng của chị và các xã ủy xã đội, trận công đồn đã đạt được hiệu quả. Tiểu đoàn tôi hy sinh ba, bị thương năm, nhưng để đổi lại, toàn bộ chi khu với ba đại đội bảo an con cưng, hai trung đội cảnh sát, một liên đoàn dân vệ, hàng chục hầm ngầm, lô cốt, hàng trăm cây súng các loại đã bị xóa sổ trong vòng hai giờ đồng hồ. Đây là lần đầu tiên kể từ khi bắt đầu cuộc chiến tranh, một mục tiêu cỡ chi khu của một tỉnh trọng điểm đã bị san thành bình địa.
Ngay đêm đó, tôi cho tiểu đoàn khiêng thương binh cùng với vũ khí thu được vượt đường rút về hậu cứ. Tôi ở lại với một tổ trinh sát, đã xuống đây với tôi từ ngày đầu để nắm lại tình hình rút kinh nghiệm cho những trận khác. Chị Hai cũng cùng ở lại để chiều tối mai đi theo chúng tôi về tỉnh.
Nhưng sự phản ứng điên cuồng và dai dẳng của chúng đã vượt ra ngoài dự kiến của chúng tôi. Cậy có Mỹ đứng đằng sau, bọn tiểu khu kết hợp với một phần chủ lực đã tiến hành một cuộc càn đến nơi đến chốn. Do đó, tốp chúng tôi bị kẹt lại hết ngày hôm đó, đêm hôm đó và cả ngày hôm sau không có cách nào lọt ra được. Chính trong thời gian đó, chị Hai lên cơn sốt. Không phải sốt rét, mà là hâm hấp nóng kết hợp với ho. Tôi biết căn bệnh quái ác ấy ở chị lại bắt đầu tái phát. Có lẽ do hơn một tháng vừa rồi liên tục mất ăn mất ngủ lo việc vận động quần chúng các xã hỗ trợ các mặt cho trận đánh của chúng tôi nên chị kiệt sức, căn bệnh cũ thừa dịp trỗi dậy?
Nằm trong hầm nghe chị ho, tôi nói vui một câu để phá tan không khí, cũng là để xua đi nỗi lo có thể bị chúng xâm ra hầm:
- Kể như chị là người thương binh thứ sáu trong trận đánh và là người có công đầu trong đội hình tiến công.
Chị im lặng, hơi thở phát ra mệt nhọc. Oi quá! Lúc này chắc trưa rồi mà trời lại im gió, trong hầm nóng như có ai đốt lửa ở đâu đây. Nực nội thế này mà lại đau bệnh nữa thì thật không chịu nổi. Tôi ao ước mong trời đổ một trận mưa hoặc một cơn giông cũng được, không khí sẽ dịu đi nhiều. Buổi trưa trong hầm mật tưởng chừng kéo dài vô tận, giọt nắng tròn tròn chui qua lỗ thông thơi gần như không xê dịch gì cả. Đêm này, tôi nghĩ, dù khó thế nào cũng phải đột được vòng vây để đưa chị về trên nằm nghỉ. Cứ kiểu này, chịu thêm một ngày nữa, không hiểu rồi bệnh tình chị sẽ ra sao? Tính mạng và sức khỏe của người nữ tỉnh ủy này phụ thuộc vào chúng tôi, cánh lính trinh sát đã đặt chân lên khắp các rẻo đất của miền Đông Nam Bộ và coi thường mọi nguy nan.
Xế trưa hôm đó, một tốp lính không biết từ đâu về, ngồi nghỉ ngay trên nắp hầm. Bọn lính trên kia xem chừng ngồi còn lâu vì tôi loáng thoáng nghe thấy một đứa có vẻ là trưởng nhóm kêu mang rượu ra nhậu với mớ cá vừa bắt được ở dưới suối. Cá chưa nướng. Vậy thì, tôi lo lắng tính toán, cá đánh vẩy, mổ ruột, chụm lửa và chờ cá chín, ít nhất cũng phải mất mười lăm phút cộng với nửa tiếng hoặc hơn nửa tiếng nhậu nhẹt, tán láo nữa, cả thảy cũng mất đến một tiếng. Cơn ho đùn từ trong cổ đùn ra chứ có phải một vết đau, một vết nhức đâu mà có thể kìm được từng ấy thời gian? Tôi nhìn chị. Chị cũng ngước nhìn tôi. Trong ánh sáng mờ ảo, con mắt chị long lanh khác thường, cái long lanh nóng bức cửa cơn sốt và của sự âu lo. Tôi cầm tay chị, bàn tay nhơm nhớp mồ hôi và nắm chặt lại như muốn để trấn an, đẻ cùng san sẻ nỗi chịu đnựg cùng chị. Nhưng cử chỉ đó thật là vô ích. Cùng với mùi cá nướng thơm lựng từ nóc hầm tỏa xuống, tôi thấy chị hơi dướn người lên, môi bặn lại và hơi thở giật cục. Chị đang cố kìm một tiếng ho. Tôi nghe rõ cả tiếng chị nuốt nước miếng nhọc nhằn trong cổ họng. Mùi cá nướng vẫn bay xuống... như một sự trêu ngươi. Tôi không còn thấy thơm nữa mà chỉ thấy đắng nghét mùi khói mìn Klây Mo. Tôi căm ghét cái mùi này! Nếu chúng phát hiện ra thì lập tức hàng chục trái mìn Klây Mo sẽ đua nhau ném xuống... Tôi càng xiết chặt tay chị... Khục! Một tiếng ho nhỏ từ miệng chị bật ra rồi lặng ngay như một tiếng thốt. Tôi tái mặt.... Chưa, chưa có chuyện gì. Phía trên, tiếng chúng nó vẫn ồn ào, đều đều. Chị lại dướn người lên nữa và lần này đôi mắt chị nhìn tôi với tất cả vẻ yếu đuối, bất lực, thoáng một chút ươn ướt. Tôi đưa cho chị cái mũ vải, chị cầm vội lấy, chặn ngay vào miệng... Khục!... Cái mũ vải bung ra. Gò má chị đỏ tía lên, toàn thân run bắn. Tiếng ồn ào trên kia hơn ắng lại. Một tiếng hỏi lên nghe buốt xương sống: “Cái gì vậy mày?” Im lặng... Một tiếng khác trả lời: “Cái con c... dô đi! Tính lảng đi hả! Dô!” Rồi lại ồn ào. Tôi nén một hơi thở ra. Tạm thoát cái đã. Nếu chị còn ho nữa, nếu chúng phát hiện được, tôi dự kiến nhoang nhoáng trong đầu; tôi sẽ bung nắp hầm, nhảy lên ném tạc đạn rồi bỏ chạy. Chúng sẽ đuổi theo và sẽ bỏ qua luôn cái hầm này. Chị sẽ thoát. Bây giờ chị không dướn người lên nữa mà nằm co quắp lại, đôi vai rung lên. Tôi cầu trời khấn phật cho chị qua khỏi lúc này. Nhưng chị càng co quắp, những ngón tay run rẩy càng bấu chặt lấy cổ tay tôi. Thương quá, không kịp nghĩ ngợi gì nữa, tôi ôm xiết chị vào người, áp chặt khuôn mặt nóng ran của chị vào ngực mình. Tôi muốn dùng tất cả sực lực của tuổi trẻ đẻ che đi, giấu đi tiếng ho của chị. Và chị ho! Ho từng tiếng nhỏ và ngắn. Vừa ho vừa nén nên tiếng ho nghe như tiếng nấc. Tôi càng ghì chặt lấy chị hơn nữa! Chị bé bỏng và ngoan ngoãn úp kín mặt vào ngực tôi. Tiếng ho vang ra và lặng tắt ở đó. Rõ ràng, tôi cảm thấy không phải chị ho mà chính tôi đang ho. Không biết thời gian trôi đi baolâu nữa, nhưng khi chị hết ho thì cũng là lúc trên nắp hầm không còn một tiếng động. Chúng đã đi. Trong tay tôi, chị oải ra, mắt nhắm nghiền lại như chết. Lấy khăn tay, tôi nhẹ lau mồ hôi cho chị, trong lúc bản thân mình cũng mệt mỏi rã rời. Hình như trời đã về chiều? Không khí có phần dịu lại. Nghĩ rằng mệt quá chị đã theếp đi nên tôi định gỡ khẽ tay ra khỏi đầu chị, nhưng đột nhiên chị lại mở mắt. Có lẽ suốt đời tôi không quên được đôi mắt chị lúc đó. Đôi mắt trẻ thơ hoàn toàn, nhìn lên đầy vẻ biết ơn. Đôi mắt của người chết sống lại. Đôi mắt ấy bóp chặt lấy ngực tôi, đốt cháy đầu óc tôi.
Và chị nhắm mắt lại, thở đều đều, vẻ mặt toát lên sự tin cậy thánh thiện. Tôi cũng nằm im, không cần pải rút tay ra nữa. Tôi nằm, mỉm cười nhìnlên giọt nắng đang bò trên vách hầm mà nghĩ ngợi lan man. Trong cuộc đời chiến đấu lặn lội đó đây; có bao giờ tôi nghẽ rằng alị có những giây phút kỳ lạ thế này! Một giây phút, một khoảnh khắc thôi, nhưng nó sẽ in dấu suốt đời. Mái tóc dài cảu chị xòa vào cổ tôi nôn nao. Đầu óc tôi lăn tăn những suy nghĩ sáo trộn, lâng lâng. Giá lúc này chúng nó có tìm thấy hầm, có đánh hàng ngàn trái mìn khét đắng xuống dưới này, tôi cũng mặc kệ. Được chết bên chị, chết thế này, chết trong những cảm xúc choáng ngợp, thanh cao và êm ả, tôi không hối tiếc gì. Hầm mật những năm sau Mậu thân. Hầm mật của một thời kỳ đen tối. Gian khổ quá, mỏng manh quá, bất cứ lúc nào cái chết cũng có thể tìm đến nên trân trọng nhau, thương yêu nhau mà không nỡ lòng nào làm tổn hại đến nhau. Nhưng cũng vì ngay bây giờ, lát nữa, ngày mai hay ngày kia... có thể chết mà sẵn sàng cho nhau, hiến đáp tất cả chẳng giữ gìn làm gì. Không hiểu tình cảm của tôi và chị hiện nay rơi vào trường hợp nào, nhưng có điều, tôi linh cảm thấy, dù chị lớn tuổi hơn tôi, cương vị càng cao hơn tôi số phận của chị và của tôi sẽ gắn bó với nhau, liên quan đến nhau. Tôi khao khát được chiến đấu bên chị và khao khát được bù đắp cho chị tất cả, khao khát cháy lòng.... Nằm nép vào tôi, không hiểu chị có nghe thấy những gì đang xốn xang ở lòng tôi mà trong giấc ngủ, chị khẽ mỉm cười?
- o O o -
Đêm đó, chúng tôi cắt đường về hậu cứ an toàn. Ngay hôm sau, tiểu đoàn chúng tôi được lệnh hành quân đi đến địa bàn khác. Lúc lên đường tôi không gặp được chị vì sáng hôm đó người người ta đã đưa chị đi trạm xá từ sớm. Tôi hẹn thầm với mình rằng nhất định sẽ còn có dịp quay lại đây, dẽ còn dịp được gặp con người ấy. Nhưng chiến tranh đã làm đảo lộn mọi dự định. Tiểu đoàn tôi xuống sâu, sâu mãi và khi dừng lại thì đã hòa bình. Những ngày hòa bình đầu tiên đầy bận rộn, thu xếp mãi mà tôi vẫn chưa tìm được dịp trở lại vùng đất ấy để gặp chị. Đến khi ngơi ngơi ra một chút thì lại có lệnh lên đường sang mặt trận Tây Nam. thế là lỡ cả. Tôi đã hỏi nhiều về chị nhưng câu trả lời lại mỗi người một phách. Người nói chị hy sinh rồi, hy sinh trong chiến dịch năm 1975. Người nói chị đã lấy chồng và sau đó hai vợ chồng cùng chuyển lên “Rờ” công tác. Có người lại nói cho đến hiện nay chị vẫn sống và ở vậy chưa lấy ai nhưng yếu lắm, đã về hưu, trồng cây trái ở tận miệt Dầu Tiếng... Hoang mang quá, tôi chẳng biết tin ai, nghe ai, tính tự mình đi hỏi thì đúng là không có thì giờ. Năm vừa rồi, mặt trận Tây Nam tạm lắng tôi đã quyết định xin nghỉ ba, bốn ngày phép một lúc để về tìm chị, tìm lại mảnh đất ấy nhưng đến phút chót, trung đoàn lại được điều động ra ngoài này. Thế là hết! Biết bao giờ tôi mới có tin đích xác về chị. Trong thâm tâm, tôi tin rằng chị không thể chết. Những người đàn bà như thế không thể chết. Và những năm qua, dù ở đâu hay làm bất cứ điều gì, tôi đều mường tượng ra cái dáng nhỏ nhắn, mảnh khảnh của chị. Cái dáng ấy quấn quít trong tấm dù bay lượn trên vai, đi chênh chếch trên cánh đồng bưng nhòe nhẹt ánh hỏa châu... phía trước là quầng sáng vàng đục của sào huyệt kẻ thù. Chị cứ đi như thế, đi mãi, đi chênh chếch trong tâm tưởng của tôi
THAY CHO ĐOẠN KẾT.
Không ngờ câu chuyện của Thắng kể về người đàn bà tỉnh ủy đó, tôi phải ghi lại mất tới hai cái phép năm dồn vào một. Chưa đủ, mới chỉ được một phần ba.
Tôi sử dụng nốt tất cả các buổi tối còn lại, không đi chơi, không đi xem, trốn cả họp hành để chép tiếp. Công việc nhọc nhằn quá sức, tẩy xóa, đảo qua, đảo lại, được ý trước quên ý sau, có khi tôi thức đến sáng để tìm một cái mạch truyện ẩn đằng sau những lời kể đứt đoạn của Thắng. Và rồi cuối cùng cũng chép xong, dày cồm cộm, nhìn lại thấy ghê cả người. Rất may là chép xong đúng vào dịp họp mặt của hội cựu chiến binh năm thằng... Không! Chỉ còn bốn, vào năm sau.
Tôi đem ra đọc cho cả hội nghe để xem có đến nỗi nào không. Đúng là đọc hết chẵn một đêm. Nghe xong cả ba thằng đều imlặng. Như vậy tôi biết tôi đã làm tròn được việc mà họ gửi gắm. Cậu giám đốc nói:
- Buồn quá! Cuộc đời con người buồn quá!
Nhà dịch giả lắc đầu:
- Nhưng mà thương quá, yêu quá, kính trọng quá những con người trong cuộc.
Nhà ngoại giao lạnh lùng hơn:
- Xét đến cùng thì đó cũng là số phận con ngươi trong chiến tranh mà tất cả bọn mình đã trải qua nhưng lại không muốn nhắc tới, muốn quên đi! Mới đó mà nghe như cuộc chiến tranh của người khác, số phận của người khác. Vô lý thật!
Lại im lặng. Tôi biết, câu chuyện Thắng kể mà tôi ghi lại đã tác động sâu xa đến mọi người. Chắc họ đang mỗi người theo đuổi những ý nghĩ rất riêng tư và cũng rất chung nhau của mình về cái hiện thực trần trụi đó.
Cuối cùng Tịnh, anh chàng sửa xe máy lên tiếng, giọng nói vẫn òn ào, bỗ bã:
- Thôi! Bỏ tất cả cái vẻ mặt đưa đám ấy đi! Buồn gì? Và bạc bẽo cái nỗi gì? Các chú có thấy thằng Thắng nó muốn gì không? Nó ao ước gặp được người đàn bà tỉnh ủy ấy. Bây giờ nó chết rồi, những thằng còn sống phải có trách nhiệm đáp ứng được nguyện vọng của nó. Tao thấy thế này, trong năm nay nếu thằng nào xin nghỉ phép được, thằng nào tạo điều kiện được, ta mở một cuộc hành trình trở về nguồn, chia nhau ra mà đi tìm, nhân tiện thăm thú lại chiến trường xưa. Tao rỗi rãi hơn, thời gian là của tao, tao đăng ký đầu. Đường xá xa xôi tất nhiên là tốn kém, thằng nào thiếu tiền, tao cho vay, có thì trả, không có thì thôi. Được chưa? Thằng nào nữa? Làm tới đi! Đừng ngồi đây mà lý sự như ông già ấy nữa. Thằng Thắng nó không khoái vậy đâu.
Sáng kiến của Tịnh ném ra như một trái tạc đạn làm cả bọn ngẩn ngơ mất một lúc rồi cuối cùng đều thấy đúng. Nhân tiện có chuyến xe riêng của cậu giám đốc sắp trở vào Sài Gòn công tác, cậu ta yêu cầu kết hợp chở tất cả đi luôn.
Thế là ba tháng sau, vào một ngày đẹp trời, cả bọn bốn thằng lính cựu chúng tôi, sau khi vơ vét mỗi thằng được ít tiền đã kéo nhau lên đường vào phương nam tìm lại kỷ niệm.
Chuyến đi này kéo dài mất gần một tháng, vừa buồn vừa vui, có rất nhiều chuyện để nói, nếu kể hết ra, chắc cũng phải mất từng ấy giấy nữa. Tôi lại xin làm động tác thu gọn lại ở những ý chính, có tính chất thông báo.
Chị Hai Thanh vẫn còn sống và vẫn chưa lấy ai.
Năm nay chị đã bước vào tuổi bốn lăm rồi. Nếu có một ai đó đi qua ngôi nhà cũ gần bờ suối của chị, người đó sẽ nhìn thấy một người đàn bà ốm yếu, có mái tóc dài, vẻ mặt xanh xao ngồi tỉa rau ở ngoài vườn. Khi bạn hỏi, người đó ngẩng lên thì bạn sẽ thấy một đôi mắt trũng sâu nhìn bạn. Cái nhìn rất hồn hậu và yên tĩnh, cái nhìn tỏa sáng cả khuôn mặt ốm yếu, khiến bạn chợt tìm lai được thời xuân sắc còn lưu lại trên khuôn mặt ấy. Đó là chị. Chị đã về hưu mất sức từ mấy năm nay và bây giờ, tại căn nhà cũ của má, ngày ngày chị cần mẫn chăm sóc mảnh vườn có trồng đủ các loại ra xanh tốt. Và nếu chịu ở lại thêm đến chiều thì bạn sẽ thấy một thanh niên dong dỏng cao, khôi ngô, dắt xe đạp bước vào, vui vẻ gọi to: “Má ơi! Có cơm chưa má!” Đó là cậu con trai của Sang mà năm vừa rồi sau khi má đi lấy chồng, cậu đã về đây sống hẳn với chị.
Và còn một người nữa, bạn cũng nên ghé qua một chút. Đó là quận trưởng Quang. Bây giờ ông ta đã thành một ông già tóc bạc gần hết, râu mọc dài và cặp mắt đã nhăn nheo tuy mới hơn năm mươi tuổi. Ông ta bán nước mía ở một đầu phố vắng. Con người này dường như không không chú ý đến lời lãi, chỉ cốt bán cho vui, cho được gặp người, được nghe nói chuyện. Thời gian lâu quá rồi, người ta cũng quên đi cái quá khứ u ám của ông ta. Cách đây năm năm, ông ta đã từ trại cải tạo trở về và sống trầm lặng ở cái thị xã này một mình. Bà con lối xóm bảo ông ta tính rất lành, ít nói, hơi ngơ ngơ, không có bạn bè thân và rất chiều trẻ con. Trẻ con vào hàng ông uống nước mía rất đông, thường không phải trả tiền. Trong hàng ông có rất nhiều báo chí các loại. Vào những giờ vắng khách, người ta chỉ thấy ông chăm chú đọc hết tờ này đến tờ khác, vầng trán nhăn lại một cách hiền từ, nhẫn nại và thanh thản.
Nếu bạn làm ông ta mến, ông ta tin; vào một buổi tối khuya nào đó, bên chén rượu và mấy con khô nướng, ông ta sẽ nói ra cái điều sâu kín của cuộc đời mình: “Gia… đình tôi đang ở bên Mỹ. Tôi cũng có thể sang đó với họ bất cứ lúc nào nhưng già rồi, mệt rồi, vả lại…. Tôi có những kỷ niệm không xa được. Kỷ niệm về một người đàn bà
Kết Thúc (END) |
|
|