Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Dài » Sông Xa ( Phần II ) Tác Giả: Chu Lai    
    Cuộc họp huyện ủy hôm đó diễn ra không lâu nhưng cũng đủ để lại trong tôi những dấu ấn thật khó quên.
    Xuống chỉ đạo cuộc họp và cũng gần như điều khiển luôn cuộc họp lần này là anh Hai Dĩ, phó bí thư tỉnh ủy kiêm tỉnh đội trưởng. Anh Hai Dĩ năm ấy chừng hơn bốn mươi tuổi, bị hư một mắt thời đánh Pháp nên mỗi khi anh ấy nhìn ai thì con mắt lành cứ lóe lên những tia sáng tinh quái. Kẻ thù gọi anh là “con hùm xám độc nhỡn” với hàm ý nể sợ, bà con kêu anh là “thằng Hai chột, chú Hai chột” với tất cả vẻ yêu thương tự hào. Bao lâu nay anh là con át chủ bài của tỉnh, cứ nơi nào khó khăn, ác liệt; nơi nào phong trào xẹp lép, đánh đấm bể bai là tỉnh đều cử anh xuống gỡ rối. Bữa nay anh xuống dự họp ở đây phải chăng cũng là để gỡ ra một cái gì đó? Và nguyên một sự có mặt của anh, cũng đủ để nói lên cuộc họp này không đơn giản chỉ là một cuộc họp thường kỳ cấp huyện ủy. Rất ít được gặp anh nhưng tôi đã nghe nói về anh nhiều. Một con người xông xáo, đánh giặc tuyệt vời, lắm mưu nhiều kế; nóng nảy nhưng trung thực, công tâm, chỉ có điều - họ hơi tiêng tiếc – trình độ của anh ít nhiều có bị hạn chế. Chặc! Cũng do húc đầu đánh đấm liên miên ngay từ tuổi niên thiếu đến giờ, nên đã có dịp học qua một trường sở nào chính quy đâu. Họ tặc lưỡi bào chữa cho anh như vậy.
    Về họp bữa nay không thật đủ thành phần. Chú Năm hy sinh, anh Ba Thìn ở Tân Phước Khánh đá trái hồi hôm chưa biết sống chết ra sao? Chị Tư Liễu, bí thư Anh Hòa lâm bệnh nặng và một huyện ủy viên nữa vào ấp gây dựng cơ sở hơn tuần nay không thấy ra. Như vậy tám người họp được có bốn! Thực ra thế đã là nhiều. Vùng giáp ranh, mỗi lần gặp nhau để họp hành lại thấy khuyết đi một vài người. Lần sau họp, lại khuyết thêm một vài người nữa! Có khi nội trong một năm, toàn bộ huyện ủy chẳng còn một ai. Một cấp ủy mới được nhanh chóng hình thành và mỗi lần họp điểm mặt nhau lại thấy thiếu đi một vài người như thế.
    Ngồi trước mặt tôi là chồng tôi! Mãi tới tối hôm qua vợ chồng tôi mới gặp được nhau. Tôi vừa ở dưới địa bàn lên, anh ấy vừa từ trên “Rờ” xuống. Tôi hiểu rằng cuộc họp này đến hôm nay mới bắt đầu được là có ý chờ đủ mặt vợ chồng tôi. Tôi thì cần phải khỏe khỏe lại một chút và anh ấy cũng cần theo hết khóa học cho đến ngày cuối cùng.
    Đó là một buổi tối vô cùng gượng gạo, gượng gạo đến phát khóc lên được. Cả hai đứa đều có biết bao điều để nói, để san sẻ với nhau nhưng rồi đều giữ ý. Tôi chỉ cần anh ấy dịu dàng với tôi một chút, chỉ cần anh ấy cầm lấy tay tôi và nói: “Anh biết em đang buồn khổ lắm nhưng bận quá, không thể về với em được”. Hay câu gì đại loại như thế là tôi sẽ gục đầu vào lòng anh mà khóc, mà tha thứ hết mọi chuyện. Nhưng anh ấy không nói, rất lầm lì, chỉ đốt thuốc và khịt mũi. Ngay chuyện hai cái võng mắc cạnh nhau mà chị Ba đã cố ý bố trí cũng là để chiều người thôi. Chả lẽ vợ chông hơn nửa năm mới gặp nhau lại mỗi đứa giăng võng một nơi, xem ra em cũng bất tiện. Một lúc lâu, có lẽ không chịu nổi sự im lặng của chính mình, anh ấy buộc lòng hỏi:
    - Con chôn ở đâu?
    Tôi bậm chặt môi không trả lời. Tôi biết, nếu lúc này tôi chỉ thả lỏng môi ra một chút là bật khóc lên ngay… Tôi không có lỗi gì hết mà ngược lại chính anh, chính anh phải xin lỗi tôi.
    - Nghĩa đang ở đâu? – Anh hỏi tiếp, khô khốc.
    Tôi vẫn cố ghìm lòng, không lên tiếng.
    Trời ơi! Sau bao nhiêu khổ sở một mình tôi phải chịu đựng, giờ gặp lại nhau, anh nỡ hỏi tôi bằng cái giọng đó sao? Con chết! Em chiêu hồi! Tôi biết anh cũng không vui sướng gì, anh cũng khổ lắm. Nhưng sao anh lại đổ tất cả lên đầu tôi, dửng dưng ghẻ lạnh với tôi? Đáng lẽ lúc này là lúc vợ chồng phải dựa vào nhau, phải an ủi, chia sớt nỗi buồn cho nhau. Cớ sao anh tự làm khổ mình rồi lại làm khổ tôi thêm?
    - Cha!... - Giọng anh cay đắng đến sớn xương sống - mới vắng nhà có vài tháng, khi trở về gia đình đã thành cái bãi bỏ hoang. Con chết, em đầu hàng, đúng là trắng tay! Mát mặt tôi quá! Diễm phúc cho tôi quá!
    Hình như trong tiếng nói chì chiết của anh có cả nước mắt nhưng tôi không để ý đến nữa. Tôi bật lên:
    - Anh im đi! Anh hành hạ tôi thế chưa đủ sao? Độc ác!
    Chỉ nói được thế, tôi bật khóc, kìm thế nào nước mắt cũng cứ tuôn ra. Tôi úp mặt vào võng, người cứ ung lên từng chập… Trong nỗi khổ đau đang hiện ra bằng nước mắt đó, tôi vẫn giành một góc trong đầu để hy vọng anh sẽ tới, sẽ đến bên tôi, đặt tay lên vai tôi và an ủi, và xin lỗi tôi hoặc không nói gì cả, cứ im lặng cũng được. Nhưng tôi cứ chờ… chờ mãi. Chiếc võng bên kia vẫn không xao động, chỉ có mình tôi với những giọt nước mắt mặn chát, bẽ bàng thấm loang vào lần vải nilông…
    Vào cái tuổi của chị Ba, đeo kính cũng là vừa, trông lại có vẻ trí thức, nền nã nữa là khác. Chị đang đọc một tài liệu gì đó in rônêô nhưng rõ ràng chị không chú tâm vào đó, nét mặt chị tỏ ra bồn chồn, thỉnh thoảng lại đưa mắt nhìn về phía trảng. Sáng nay, lúc vừa ngủ dậy, chị đã nói riêng với tôi: “Tình hình anh Tám coi bộ khó lắm! Chị không đi vận động em nhưng chị kêu gọi tinh thần đảng viên trung thực nơi em. Em thử tưởng tượng coi nếu tới đây, ở cái địa bàn gian nan này không có anh ấy nữa…”. Tôi trả lời: “Sao chị phải nói với em điều đó. Cuộc sống được tính từng giờ này, nếu em không trung thực, không có tinh thần Đảng thì cólẽ em đã bỏ về nhà nuôi con từ lâu rồi”. Khi nói câu đó tôi không biết rằng nước đời không dễ dàng, thẳng băng như tôi tưởng.
    Lát sau, chỉ nhìn nét mặt chị Ba chợt rạng nở là tôi biết anh Tám đã về. Anh xách một con chồn lông vàng hoe, béo núng nính, nặng chừng hai ký từ bìa trảng bước vào, miệng cười rất tươi:
    - Trưa nay có đồ nhậu rồi thưa quý vị! Xin lỗi đã phải để quý vị chờ lâu, nhưng muốn gì thì gì, có thực mới vực được đạo.
    Anh quẳng con chồn xuống nhà bếp rồi xăm xắm đi lên, bộ râu quai nón lâu ngày không cạo hay cố ý để vậy tạo cho anh một cái dáng rất thủ lĩnh rừng già. Tôi hiểu những ngày qua anh sống rất bất ổn nhưng dòm anh lúc này không ai có thể nghĩ như vậy được cả. Thời gian và mọi nỗi gian truân hầu như bất lực trước sức mạnh nội tâm và vẻ người rất đàn ông của anh. Bằng một cử chỉ hết sức thoải mái, tự nhiên, anh bắt đầu chủ trì cuộc họp:
    - Thưa anh Hai và các anh các chị, buổi họp hôm nay là buổi họp bất thường, mặc dù anh Hai có nói với tôi, hãy cứ nên coi đây là một cuộc họp thường kỳ kẻo căng thẳng quá! (anh Hai gật đầu). Người cộng sản không sợ căng thẳng, miễn là sự căng thẳng đó dựa trên tính Đảng trung thực. (Anh Hai lại gật đầu). Cho nên tôi xin lướt qua phần điểm tình hình và những hoạt động của ta. Tựu trung nó vẫn không nhích lên được bao nhiêu. Từ cuộc họp trước đến cuộc họp này, cách nhau một tháng, nếu cái gì cũng nói một chút, điểm một chút thì e rằng sẽ sa vào bệnh hình thức. Tình hình có một mà đánh giá nó lại có mười, vô lý quá! (Lần này anh Hai không gật đầu nữa).
    - Tôi thấy anh Tám nói vậy, e hơi lạc đề.
    Chồng tôi xen vào với vẻ mặt lạnh lùng. Xưa nay trong các cuộc họp, nhất là họp huyện ủy, anh ấy không bao giờ có kiểu nói xen vào nói lạnh như vậy đối với anh Tám cả. Tôi thoáng nghĩ thái độ ấy dựa vào cái không gật đầu của anh Hai tỉnh đội. Trước câu nói đó, anh Tám cười dễ dãi:
    - Có thể lạc đề thật. Vậy tôi xin vào đề. Bữa nay mời các đồng chí đột xuất đến đây để kiểm điểm tôi, kiểm điểm vai trò và trách nhiệm của một bí thư huyện ủy. (Anh Hai gật đầu). Tất cả chỉ có thế. Trước hết, tôi xin nói trước. Gọn thôi. Độ mươi phút. Sau đó các đồng chí góp ý. Thứ nhất, tôi nhận tôi có lỗi trong cái chết của anh Năm và trong vụ căn cứ huyện ủy bị đánh tróc công sự. Đó là một tổn thất đau đớn và là bài học xương máu đối với tôi. Nhưng về chủ trương thì tôi không sai. Tôi sẽ không bao giờ thay đổi nếu còn được tiếp tục làm bí thư huyện ủy. (Anh Hai lắc đầu). Tổn thất và chủ trương, hai cái đó hoàn toàn tách rời nhau. Nhiều khi chủ trương đúng mà cách mạng vẫn tổn thất đó thôi. Trước sau tôi vẫn giữ vững quan điểm đưa huyện ủy, huyện đội xuống sát dân. Như các đồng chí biết, chiến tranh ở vúng sâu có những đặc thù của nó. Nếu xa dân một chút, nắm tin tức sai một chút và chỉ dựa vào báo cáo của phái viên hoặc cơ sở là tự sát. Huyện, trong chiến tranh, chỉ có một tế bào cơ sở. Nếu cứ quy nó là một đơn vị chiến lược để tự đặt mình ở vị trí chỉ huy sở là mất dân, là xa rời quần chúng. Nếu các đồng chí biết rằng, thỉnh thoảng dân nhìn thấy chúng ta, những cán bộ chủ chốt trong huyện ở nơi này nơi nọ, cho dù chỉ thấp thoáng thôi, thì họ sẽ phấn khởi và thêm tin ở cách mạng biết chừng nào. (Anh Hai gật đầu. Vì vậy…
    - Tôi đề nghị gút từng vấn đề một. Theo tôi thì hãy dừng ở đây để xem xét quan điểm của anh Tám đã - chồng tôi lại xen vào với nét mặt và giọng nói căng thẳng hơn.
    - Nhất trí! – Anh Tám vẫn dễ dãi - Mời các đồng chí tham gia.
    - Tôi phát biểu - Chồng tôi giơ tay và không đợi trả lời, nói luôn- Ai cũng biết xưa nay anh Tám là người có kiến thức rộng rãi về mọi mặt và có đủ bề dày kinh nghiệm, nhưng riêng trong chuyện này, thú thực tôi rất ngạc nhiên! Các luận điểm của anh Tám đưa ra đều hết sức xa rời thực tế nếu không nói là phiêu lưu. Việc đưa căn cứ đầu não xuống sát địch, sát dân lúc này không giải quyết được gì cả mà ngược lại còn vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc hoạt động bí mật và nghị quyết đã được thông qua của trên (Anh Hai gật đầu). Việc anh Năm, một cán bộ lão thành chết oan và căn cứ bị hủy, tài liệu bị mất là một bằng chứng nói lên điều đó. Phải sát dân! Đúng! Ai cũng thấy điều đó chứ không riêng gì anh Tám. Nhưng sát dân để xa rời chủ trương chung lại là siêu hình, là cục bộ, là… cho phép tôi nói thẳng, là muốn tôn cao vai trò cá nhân của mình. Là người đứng đầu trong huyện, tôi thấy anh Tám không thể cho phép mình được lầm lẫn như thế. Một người lính lầm lẫn, người lính đó chỉ gánh chịu hậu quả một mình. Một bí thư huyện ủy lầm lẫn, cả một phong trào sẽ đi tong. Tôi chỉ nói những điều chân thực và tôi đề nghị trong cuộc họp này ta nên nhìn thẳng vào những sự việc cụ thể mà phân tích, không nên tung các luận điểm trừu tượng để gây hỏa mù (Anh Hai gật đầu).
    Sau câu nói căng như một trái pháo của chồng tôi, cuộc họp ắng đi. Có lẽ trừ anh Hai tỉnh đội, còn lại tất cả đều sửng sốt. Đành rằng thái độ của chồng tôi ngay từ đầu đã không bình thường rồi, nhưng nói căng đến như thế thì chưa ai hình dung ra nổi. Tôi đưa mắt nhìn anh Tám. Mặt anh hơi nhợt đi chứng tỏ anh đang cố kìm chế. Có lẽ xưa nay, trong những công việc lớn, chưa ai dám nói anh tới mức xúc phạm nặng nề như vậy. Tôi chờ và thực tâm tôi mong anh phản công lại. Một khi anh đã phản công, tôi biết, với những lý lẽ hết sức rành mạch và giản dị vốn có của anh, lời buộc tội căng cứng kia không còn ý nghĩa gì cả. Nhưng anh vẫn ngồi im, không có vẻ gì là sắp sửa quật lại. Đến ngay như anh Hai tỉnh đội, trước bầu không khí này cũng thấy mất tự nhiên, điếu thuốc rê trên tay quấn đi quấn lại miết mà vẫn chưa bập được vào miệng. Hồi lâu, anh Tám khẽ thở ra:
    - Vấn đề này các đồng chí còn có ý kiến gì nữa không?
    Tôi nhấp nhổm định phát biểu, nhưng chị Ba khẽ đưa tay bấm tôi ngồi im. Người đàn bà này trong những trường hợp tương tự đã tỏ ra chín chắn, sắc sảo hơn tôi nhiều.
    - Nếu không có ý kiến gì – Nét mặt anh Tám vẫn cố tỏ ra bình thản – Tôi chuyển sang phần thứ hai. Đó là việc của đồng chí Nghĩa.
    Tôi nhận thấy vầng trán của chồng tôi nhăn lại. Cái nhăn trán biểu hiện một trạng thái vừa đau đớn vừa tức tối ấy cho phép tôi nghĩ rằng, tất cả những lời cay độc vừa trút ra trên đây tựu trung cũng có thể xuất phát từ câu chuyện này.
    - Đồng chí Nghĩa đã chiêu hồi sau khi không hoàn thành nhiệm vụ. Và nhiệm vụ đó do chính tôi khởi xướng thông qua. Do đó, tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm trong vụ đổ bể đau lòng này. Mọi chi tiết trong câu chuyện, chắc các đồng chí đã rõ. Tôi không biện minh thêm và không có ý bào chữa gì hết. Khi lên phương án, tôi đã quyết định hành động đúng. Nhưng những dự kiến phức tạp và tế nhị của nó trong quá trình hành động tôi đã phán đoán sai. Với tư cách là huyện đội trưởng, tôi nhận về mình mọi sai sót thuộc phạm vi thủ đoạn tác chiến trong vụ này. Với tư cách bí thư huyện ủy, tôi nhận về mình mọi sai sót về công tác chỉ đạo tư tưởng. Hết! (Anh Hai gật đầu).
    - Không đơn giản như vậy - chồng tôi ngồi thẳng người dậy như chỉ chờ đến giây phút này là cho mũi tên bật ra khỏi ná – Không đơn giản chỉ là thủ đoạn tác chiến chỉ đạo. Nếu vậy ta khỏi phải họp huyện ủy bữa nay. Anh Tám thử nhìn sâu vào tư tưởng mình xem. Có lúc nào anh chủ quan, coi thường địch, có lúc nào anh coi rẻ tính mạng và nhân phẩm những con người được Đảng trao vào tay anh không? Còn nữa! Anh quyết đoán! Đúng! Xưa nay anh nổi tiếng là một con người có những quyết đoán táo bạo, sáng suốt, nhưng sự quyết đoán của anh lần này là sự quyết đoán mang rõ tính chất độc tài! (Anh Hai gật nhẹ) Do đó, việc cô Nghĩa thoái hóa, buông lỏng ý chí, thậm chí… - Anh hơi cúi đầu xuống giọng chìm đi - Thậm chí có quan hệ luyến ái với kẻ thù, đưa đến thất bại trong nhiệm vụ là hợp lý. Người thông qua phương án phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trong vụ này (Anh Hai lắc lắc đầu). Ngoài mặt tư tưởng chỉ đạo lệch lạc ra, tôi thấy đồng chí bí thư huyện ủy phải soi rọi lại cả động cơ tác chiến của mình. Chiến tranh vùng ven tức là điển hình của chiến tranh nhân dân, mọi phương châm tác chiến đều là của tập thể, của quần chúng; người lãnh đạo không thể tùy hứng, coi thường quần chúng, thậm chí bán rẻ quần chúng để khẳng định uy tín của mình (Anh Hai gật đầu). Tôi được biết cô Nghĩa khi nhận nhiệm vụ này đã từ chối nhưng đồng chí bí thư huyện ủy đã gần như bắt ép phải nhận. Cuối cùng là một sai sót nghiêm trọng hơn; đồng chí đã phủ nhận và bóp méo phương châm tác chiến của Đảng. Ai cho phép đồng chí trong thời kỳ cách mạng hiện nay còn sử dụng đến thủ đoạn “Mỹ nhân kế?”. Tôi cho thế là vô nhân đạo, là hết sức ngông cuồng.
    Không! Điều đó hoàn toàn là bậy! Tôi định nói to lên câu ấy, nhưng một lần nữa chị Ba lại bấm mạnh vào khuỷu tay tôi. Mặt tôi nóng phừng phừng như lên cơn sốt. Tôi lia mắt sang anh Tám như thầm bảo anh hãy lên tiếng đi! Phải lên tiếng quyết liệt đi! Vậy mà anh vẫn im lặng, lại còn cười mỉm nữa. Trong cái cười đó, tôi biết, anh không giấu nổi những choáng váng, đau đớn. Thà anh đừng mỉm cười như thế lại hơn. Nụ cười đó xót xa gấp trăm lần những giọt nước mắt.
    - Ngoài ý kiến của đồng chí Nhân, còn ai bổ sung gì nữa không?
    Giọng anh Tám đã tỏ ra hết sức mệt mỏi. Qua câu hỏi đó, ai cũng hiểu rằng anh muốn cho nó qua nhanh đi, anh không cần ai bênh vực hết và chính anh, anh cũng không muốn nói lại. Tôi không hiểu tại sao anh lại có thái độ nhu nhược ấy. Tôi rất bực với chồng, lại cái luôn cả sang anh.
    - Vậy tôi sang phần cuối cùng, nhanh thôi – Anh Tám nói tiếp, mắt nhìn lơ đãng đi đâu như không phải đang chủ trì cuộc họp, đang đụng chạm đến chuyện của mình – Đó là tư cách và tác phong của tôi. Về tư cách, tôi không có điều gì phải áy náy. Tôi không tham ô, hủ hóa và nói chung tôi rất ghét cái trò đó. Còn về tác phong, đúng, tôi có nóng nảy, tôi không chịu được sự trí trá, cơ hội cho nên tôi thường tỏ ra thiếu bình tĩnh. Cũng như tôi không chịu được sự ngu dốt, bảo thủ trong điều hành, trong lãnh đạo cho nên có lúc tôi rơi vào yêu ghét cực đoan, thiếu cởi mở và thiếu sự tha thứ. Vì thế có một vài người ác cảm với tôi. Ác cảm, tôi chịu. Nhưng bảo tôi, điều này tôi muốn nói riêng với đồng chí Nhân, coi thường nhân phẩm, bán rẻ quần chúng thì có hơi ngộ nhận quá không? Trong lịch sử các cuộc cách mạng tôi biết; chỉ vì không thông cảm, không bao dung cho nhau, lồng cái riêng vào cái chung một cách vô nguyên tắc mà có khi gây ra tổn thất rất lớn. (Anh Hai gật đầu). Tóm lại, tôi là thế này; mắng vào mặt nhau, tát vào vào mặt nhau cũng được, nhưng đừng ác ý với nhau. Nguyên nhân của mọi sự tan rã, mọi sự thất bại là ở cái tâm các đó. Xin anh Hai và các anh các chị góp ý thẳng thắn cho. Tôi nhắc lại: đây là một buổi các huyện ủy viên xây dựng kiểm điểm cho bí thư huyện ủy thời chiến.
    Im lặng. Tôi thất vọng quá! Anh ấy chỉ nói có thế thôi à? Nghe đoạn cuối, tôi đã mừng thầm là rút cục anh cũng đã lấy lại được phong độ như cũ nhưng mới mon men được vài câu đến vấn đề chính yếu thì lại lảng đi. Tại sao thế? Tôi chán ngán và nghĩ rằng chồng tôi một lần nữa sẽ chồm lên, nhưng không! Anh ấy ngồi im, nét mặt thanh thản pha một chút thỏa mãn. Cái gì cần nói đã nói hết cả rồi, bây giờ anh ấy ngồi nhấm nháp thắng lợi của mình. Nhìn khuôn mặt ấy, lần đầu tiên tôi thấy thật xa lạ, xa lạ như chưa hề gặp bao giờ. Tôi cúi mặt xuống, không dám nhìn vào cái sự thanh thản đục ngầu đang biểu hiện trên khuôn mặt kia nữa.
    - Tôi xin phát biểu - Chị Ba mở lời bằng một cái giọng rất đỗi dịu dàng, trái ngược hẳn với tâm tính chị hằng ngày. Thông thường chị chỉ có thể nói được bằng cái giọng này khi mọi sự đã được chị suy nghĩ thấu đáo – Tôi đã nghe kỹ ý kiến của anh Nhân và tôi thấy thế là đúng!
    Cái gì vậy? Tôi bất giác nhìn sang chị… Thì ra từ nãy đến giờ chị cấu chí tôi cũng chỉ là vì thế? Sự ngạc nhiên này chuyển sang cả anh Tám, người xưa nay vốn hiểu rằng chị bao giờ cũng đứng bên cạnh mình trong những lúc sóng gió.
    - Nhưng chỉ đúng về một vế, tức là vế tình cảm. Với nỗi đau con chết, em đầu hàng, vợ chồng chưa cảm thông thật sự với nhau, xin lỗi anh chị Nhân, mà phát biểu như vậy, tôi cho cũng là dễ hiểu, có khi còn hơi nhẹ nữa là khác. Nhưng nói đi phải nói lại - Tiếng nói của chị cao hơn, rắng rỏi - Chiến tranh người nào chẳng có đau buồn. Thế thì không phải cứ mỗi lúc đau buồn là người ta có thể trông gà hóa cuốc, nhìn trắng ra đen, trông bạn thành thù. - Giọng chị trở lại xót xa - Đảng trang bị cho chúng ta một số vốn chính trị, vốn quân sự, trao cho chúng ta một ít kiến thức để làm việc. Vậy mà trong một cơn xúc động nào đó, ta lại đổ lên đầu đồng chí mình, những người cùng ăn cùng ở, cùng sống cùng chết với mình tất cả cái vốn liếng chữ nghĩa thường dành cho kẻ thù ấy thì buồn quá! Tôi thấy chủ trương bám dân của anh Tám là hoàn toàn đúng, nhưng vận dụng nó còn nóng vội. Vậy không thể kết tội là vi phạm nguyên tắc và chủ trương của trên. Mọi nguyên tắc và chủ trương cũng từ ta, từ ở dưới mà cung cấp lên chứ có phải bỗng dưng ở trên trời rơi xuống.
    Việc đồng chí Nghĩa là một tổn thất, nhưng đồng thời cũng là một bài học để đánh giá lại kẻ thù. Cuộc chiến đấu nào mà không có lúc bại, lúc thắng: phương án chiến đấu nào mà không có khi được khi thua. Nhưng cái chính là nhìn lại xem ta có chịu chiến đấu, có chịu đưa ra những phương án táo bạo không. Táo bạo không bao giờ đồng nghĩa với độc tài. Tôi nghĩ: sự táo bạo trong tìm tòi cách đánh là thể hiện phẩm chất và ý chí chiến đấu của người đảng viên trong cái địa bàn rất dễ muốn ngồi im chờ thời này. Như vậy, nếu kết tội là đề cao cá nhân, bán rẻ quần chúng thì còn ai dám tiến công nữa, tốt nhất là ngồi uống trà “củ măng” với gạo rang trộn sữa cho khỏe (Anh Hai im lặng). Việc cô Nghĩa là sai sót chung của cả huyện ủy (khi đó đồng chí Nhân đi học vắng). Và tập thể huyện ủy sẽ chịu trách nhiệm về việc này. Không nên đổ dồn vào đầu một ai hết. Hơn nữa - chị nhấn mạnh – “Mỹ nhân kế” hay gì gì kế nữa, không quan trọng. Miễn là diệt được địch thì kế nào cũng tốt hết. Và như vậy là nhân đạo nhất. Cuộc sống còn nhiều thử thách gian nan lắm, bữa này còn ngồi đây với nhau, ngày mai biết đâu không còn đủ mặt. Chống lại hoàn cảnh, chống lại kẻ thù đã kiệt sức rồi, lại còn phải chống lại nhau nữa thì… Thương nhau một chút mấy anh ơi!
    Mí mắt mòng mọng, câu cuối cùng chị nói như khóc. Lời lẽ ấy không tác động được vào chồng tôi. Anh ấy nhướng mày vẻ giễu cợt rồi vẫn không thay đổi nét mặt:
    - Dù từ trước đến nay tôi vẫn kính trọng chị, chị Ba ạ! Nhưng không phải vì vậy mà tôi không muốn nói với chị rằng, nhữnglời lẽ của chị rất cảm động, rất có tác dụng trong công tác vận động quần chúng. Song, đây là một cuộc họp Đảng cấp huyện ủy đàng hoàng, thứ chủ nghĩa tình cảm của chị sẽ không đi đến đâu hết, thậm chí lại có hại Mất một mạng người, một căn cứ bị phá nát, tài liệu rơi vào tay địch, lại một đứa hèn nhát chiêu hồi; thế không đủ sao mà chị còn phải kêu gọi tình thương. Tình thương trả nghĩa tình thương, tình thương không đem phung phí cho người làm ác. Lúc ấy em có nguyên tắc được lên tiếng.
    - Thôi! – Tôi không chịu nổi nữa, phải bật kêu lên – các người đừng nói chữ nói nghĩa với nhau nữa - Lặng đi một lát, tôi cố trở lại điềm tĩnh! – Báo cáo! Tôi xin phát biểu.
    - Được! Đồng chí Thanh nói đi! – Anh Hai tỉnh đội bây giờ mới lên tiếng. Con mắt lành của anh rọi vào tôi đầy ưu ái. Xưa nay anh vẫn tin tôi và đánh giá cao những thành tích chiến đấu của tôi – tôi cũng yêu cầu các đồng chí giữ thái độ ôn hòa. Nói thẳng, nói hết, nói thật nhưng chớ nóng nảy, vội vã nghe!
    Cách nói ấm áp ấy làm cho tôi dịu lại nhưng vì thế mà mọi suy nghĩ lại nóng bỏng hơn. Trong thoáng chốc tôi bỗng quên đây là đâu, cuộc họp này là cuộc họp gì và ai đang ngồi cạnh tôi, ai đang ngồi phía trước tôi. Tôi nói những điều thực nhất trong lòng mình mặc dù vốn xưa nay tôi nói năng rất kém.
    - Nếu nói về đau buồn thì tôi là một người đàn bà, đáng ra tôi phải đau buồn nhất. Một năm hai cái tang, và một đứa em mà tôi coi như em ruột, bỏ đi… Việc đưa căn cứ, đưa Đảng xuống sát dân là đúng, chiến tranh vùng ven hay chiến tranh tổng lực cũng đều đúng cả. (Tôi thấy anh Hai gật rồi liền đó lại lắc). Tôi nói đây với tư cách là người nằm sát dân. Một ngày xa dân thôi, mọi việc sẽ nháo nhào lên hết… Chú Năm chết, tôi buồn lắm, nhưng sao lại bảo là chết oan? Em tôi, con tôi và tới đây cả tôi, nếu chết cũng là chết oan cả sao? Còn tài liệu, tôi biết rằng, thực ra đó chỉ là một tập giấy in litô điểm qua tình hình chính trị thế giới và nội các của chính quyền Diệm thôi… Còn việc đồng chí Nghĩa - cổ se lại đắng chát, tôi phải dừng lại nuốt nước bọt – Tôi xin phép vẫn được gọi cô ấy là đồng chí bởi vì chưa có dấu hiệu gì Nghĩa là kẻ thù của nhân dân cả. Nếu gọi là khuyết điểm thì khuyết điểm ấy chủ yếu là do tôi. Chính tôi là người khởi xướng mà vừa rồi anh Nhân cố ý không nhắc đến, và chính tôi trao nhiệm vụ cho cô ấy. Có thể nói đồng chí bí thư tỏ ra rất thận trọng khi chấp nhận vụ này nhưng do tôi, chính tôi ép đồng chí ấy. (Tôi nhìn thẳng vào mặt anh Tám. Anh quay đi, vẻ rất khổ sở). Tôi là người chỉ huy trực tiếp, và thất bại, tất nhiên tôi là người chịu trách nhiệm nặng nhất. Điều cuối cùng, chính Nghĩa tha thiết xin tôi cho nhận nhiệm vụ này chứ không ai bắt ép cả. Tôi đã tin cô ấy và bây giờ vẫn còn tin. Còn những chi tiết kia, các anh không phải là đàn bà con gái, có nói ra các anh cũng không hiểu được đâu. Và nếu lúc này không có ai hiểu, nhất định mai sau người ta sẽ cảm thông với cô ấy. Phụ nữ chúng tôi, có được tỉnh táo, cứng rắn như cánh đàn ông nhưng có lẽ chúng tối ống có tình với nhau hơn…
    Tôi dừng lại như người hụt hơi vì không biết nói thêm gì nữa. Mắt tôi hoa lên như vừa chạy qua một cánh đồng bưng nắng gắt. Chao ôi! Thế mới biết, để vượt được mình, để nói được những điều cần nói mà những điều ấy sẽ ảnh hưởng tới người thân yêu nhất của mình cũng khó khăn biết bao nhiêu, còn khó nhọc hơn cả một trận đánh gian nan nhất. Thấy bàn tay tôi run run, chị Ba cầm lấy như vừa để giữ lại cũng như vừa để truyền sang tôi sự cảm ơn về những lời nói đó. Tôi không để ý đến cử chỉ ấy. Trong tôi chỉ có một cảm giác rã rời, mệt mỏi. Cảm giác này càng được tăng lên khi tôi thấy mái đầu của chồng tôi cúi dần xuống. Ý kiến của tôi, đã đánh một đòn bất ngờ và khá nặng nề vào tâm lý của anh. Anh hoàn toàn như bị tê liệt, không cất đầu lên được nữa. Đến khi anh ngẩng lên nhìn tôi thì sự u uất và oán trách trong mắt anh đã khiến tôi rùng mình. Cái nhìn ấy như muốn nói: “Sao cô lại phản bội tôi? Sao cô có thể đối xử với chồng cô như thế? Chính tôi, đã có ý xí xóa cho cô một trách nhiệm kia mà!” Đến lượt tôi buộc phải nhìn xuống: “Anh Nhân! Em biết anh buồn em lắm nhưng em không thể nói khác được. Không thể vì tình nghĩa chồng vợ mà đồng lõa với những cái gì không phải là sự thật.Vả lại tình nghĩa vợ chồng… Từ lâu nay anh còn có coi em là vợ anh nữa đâu. Và em… Thôi, đành vậy. Trong cuộc đời có những cái còn cao hơn, còn thiêng liêng hơn, còn cần bảo vệ hơn nghĩa tình chồng vợ. Anh có hiểu em nói không?” Có lẽ anh không hiểu hoặc không muốn hiểu tôi thật. Đôi mắt trách móc của anh đã ánh lên vẻ hận thù cay độc. Điều phát hiện đó làm tôi tê đắng cả người nhưng cũng làm tôi phẫn uất. Tôi nhìn thẳng vào anh: “Sao hồi này anh thấp nhỏ đi nhiều thế? Cái gì làm cho đầu óc anh trở thành tối đen và bạc ác như vậy?”
    Vợ chồng tôi sẽ còn nói chuyện bằng mắt với nhau nữa nếu anh Tám không lên tiếng:
    - Ý kiến của đồng chí Thanh vừa rồi có những điều thiếu cơ sở thực tiễn, nhất là việc sử dụng cô Nghĩa vào vụ ám sát quận trưởng Quang. Đồng chí Nhân nói đúng! Chính ra…
    Đang u uất, tôi ngắt lời luôn:
    - Tôi không đồng ý với phương pháp tự kiểm điểm của đồng chí Tám Phương. Cái gì cũng tự nhận hết về mình, không dám nói đúng sự thật, tôi cho đó cũng là thiếu tính Đảng. Không có sự nhân nhượng, sự thỏa hiệp và sự cao thượng giả tạo ở đây. Tôi phản đối!
    Anh Tám giơ hai tay ra, tỏ ý bất lực, không nói nữa. Đến lúc đó anh tỉnh đội mới hắng giọng, đứng dậy. Anh nhỏ thó như một đứa trẻ con nhưng giọng nói lại rất trầm, thứ trầm khàn của người hay thức đem và hút quá nhiều thuốc rê:
    - Thôi, thế tạm đủ rồi. Tôi đã nghe kỹ, nghe hết và trước hết tán thành ý thức tự phê nghiêm khắc của đồng chí Phương. Có sai và dám nhận là sai, đồng chí Phương đã tỏ rõ được phẩm chất ấy. Thay mặt tỉnh ủy, tôi cũng hoan nghênh ý iến của các đồng chí. Ý kiến nào cũng thỏa đáng, cũng xuất phát từ ý thức thành tâm xây dựng đồng chí mình nhận rõ thiếu sót hơn. Đặc biệt tôi thấy ý kiến của đồng chí Nhân, tuy có phần hơi nặng nề nhưng rất đúng nguyên tắc, rất có tính chiến đấu. Tóm lại, đây là buổi họp đạt kết quả tốt, mọi việc đều trở nên rõ ràng. Tôi sẽ báo cáo tỉ mỉ trước tỉnh ủy về nội dung cuộc họp này. Và mọi quyết định sau đó sẽ do đồng chí bí thư và thường vụ xem xét. Tôi không kết luận gì thêm.
    Tôi nóng mặt. Thế là kết luận quá đi rồi còn gì nữa. Kết luận kiểu chung chung như vậy là nghĩa làm sao? Phải có chính kiến của người đại diện tỉnh chứ?
    Tôi định độp lại như thế, nhưng từ bên kia bàn, anh Tám nhìn sang tôi như van nài, như cầu khẩn tôi đừng lên tiếng. Tôi quắc mắt lên nhìn anh với tất cả sự bất bình. Nhưng không kịp nữa rồi! Cuộc họp đã được anh Hai tỉnh đội xuề xòa kết thúc. Tôi lẳng lặng bỏ về võng nằm, bỏ luôn cả bữa cơm trưa. Căn cứ vào tổng số cái lắc và gật của con người đánh giặc tài hoa nhưng trình độ hạn chế kia, tôi không hy vọng có một kết quả tốt hơn.
    Suốt từ đó cho đến chiều, tôi không gặp chồng tôi. Anh ấy đi đâu mà tôi có để ý nhìn nhưng không thấy. Chiều nay tôi lại phải theo giao liên về địa bàn rồi! Tưởng kỳ này lên đây, vợ chồng sẽ có dịp hàn gắn lại mọi rạn vỡ, ai dè lại càng ngăn cách hơn. Bắt đầu là tôi sợ gặp anh ấy, sợ anh ấy tìm đến tôi, khi đó tôi sẽ không biết xử lý ra sao. Nhưng càng về chiều, tôi càng bồn chồn. Rút cục đàn bà bao giờ cũng non gan hơn đàn ông một khi họ quyết định thi gan. Giá lúc này anh ấy đến với tôi, đến với người vợ đang rất cần sự an ủi của anh ấy thì tôi lại sẵn sàng quên hết, sẵn sàng xin lỗi anh về cuộc họp vừa qua, xin lỗi tất, miễn là trước khi về đơn vị, tôi được sưởi ấm đôi chút trong tình yêu, trong tình cảm vợ chồng. Tôi khao khát… Buồn khổ nhiều nên khao khát lắm! Nhưng anh ấy vẫn không thấy đâu. Cả anh Tám nữa, con người hóa ra rất nhu nhược ấy cũng mất mặt luôn. Cuối cùng chỉ có chị Ba ra tiễn tôi ở bìa trảng. Trước khi chia tay, chị nói nhỏ với tôi: Chị hiểu em, thương em!... Chị cầu mong cho hạnh phúc của vợ chồng em sẽ trở lại. Đừng buồn Nhân và cũng buồn anh Tám. Cuộc đời ngoắt ngoéo lắm! Nếu em biết rằng chị đã vô tình nghe được anh Tám nói với Nhân như thế nào thì em cũng sẽ hiểu họ hơn: “Mày là thằng bạn rất tồi nhưng tao không giận mày! Mày đang mù quáng. Mày nên biết, nếu trong cuộc họp tao không nói gì cả thì không có nghĩa là mày đúng, không có nghĩa là tao không bẻ gẫy được mọi lập luận qui chụp của mày, song tao nghĩ đến hạnh phúc của vợ chồng mày, nhất là vợ mày, cô ấy đã phải chịu đựng quá nhiều. Mày có thể đối tồi với bạn nhưng đối tồi với vợ, nhất lại là một người vợ như vợ mày, tao không cho phép! Tao sẽ nện cho mày một trận cẩn thận” và em có biết Nhân trả lời thế nào không? Nó nói: “Tôi thừa biết anh bữa nay tỏ ra hào hiệp như vậy là vì cái gì? Có thể tôi không xứng đáng với cô ấy, hôm nay cô ấy nhìn tôi với con mắt dưới tầm và thù nghịch. Người có thể làm cho cô ấy yêu thương và kính trọng, anh biết là ai không? Chính anh đó, đồng chí bí thư huyện ủy ạ! Thôi, đừng vờ vịt nữa. Tôi nói điều này với tư cách hai thằng đàn ông với nhau”. Một chút nữa anh Tám đã nện cho cậu ấy một trận thật sự, nếu chị không kịp thời nhảy ra. Lúc ấy cả hai người đứng nhìn nhau như muốn ăn sống nuốt tươi.
    Trời ơi, ra thế đó! Suốt đường đi tôi cứ dày vò khôn nguôi về câu chuyện này. Thì ra chỉ vì quẫn trí, vì đau buồn và nghi kị mà tất cả những thứ chồng tôi dở dói ra gần đây đều là biểu hiện của sự ghen! Sao lại có thể ghen một cách vô cớ, ghen lẩn thẩn thế được? Trong đêm địch hậu, tôi đi, để mặc cho cảm giác thương thân, thương chồng, thương cả người đàn ông oan uổng kia xoi xói xuyên vào lòng.

Xem Tiếp Chương 6Xem Tiếp Chương 9 (Kết Thúc)

Sông Xa ( Phần II )
  » Xem Tập 1
  » Xem Tập 2
  » Xem Tập 3
  » Xem Tập 4
  » Đang Xem Tập 5
  » Xem Tiếp Tập 6
  » Xem Tiếp Tập 7
  » Xem Tiếp Tập 8
  » Xem Tiếp Tập 9
 
Những Truyện Dài Khác
» Liêu Trai Chí Dị
» Pie Đệ Nhất
» Thiên Thần Và Ác Quỷ
» Tuyết Bỏng
» Cuộc Đời Của Pi ( Phần II )
» Mao: The Unknown Story
» Con Lừa Và Tôi
» Trái Tim Không Cần Lý Lẽ
» Tình Ca Giáo Viên Miền Núi
» Cuốn Sổ Lớn
» Chuyện Tình New York
» Những Kẻ Điên Rồ Phải Chết
» Đau Thương Đến Chết ( Phần I )
» Hai Chị Em
» Đi Qua Hoa Cúc
» Giữa Cơn Gió Lốc
» Chỉ Một Lần Yêu
» Tình Trên Đỉnh Sầu
» Tôi Có Thể... Nói Thẳng Với Anh
» Hành Trình Của Sói