Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Dài » Cửa Địa Ngục Tác Giả: James Dawson    
    Ngày tám tháng ba là một trong những ngày dài nhất của đời tôi. Bầu trời nặng trĩu những mây suốt buổi chiều dài. Khi tia sáng cuối cùng khởi sự tắt, không gian vẫn không bớt ảm đạm. Thỉnh thoảng lại có một trận mưa lớn. Tôi nghe tiếng những giọt nước đập mạnh vào dãy cửa sổ phía tây tựa hồ trời đang mưa tuyết.
    Lúc trời vừa tối, như thường thường trời vẫn tối rất sớm ở vĩ tuyến này, thì cơn mưa tạnh hẳn và gió cũng hơi bớt thổi. Một làn sa mù mỏng bắt đầu bò dọc theo phía dưới chân bờ đá. Tôi hy vọng tới nửa đêm bức màn sương sẽ dày hơn và vẫn sẽ là đà sát mặt đất. Lúc này tôi sinh ra ước mong những chuyện vô lý. Nếu tôi có thói quen cầu nguyện chắc bây giờ tôi đã khấn vái. Tôi nhớ chưa bao giờ thành tâm cầu nguyện một điều gì, ngay trong lúc được di chuyển đến Tarawa, nơi chúng tôi đã biết trước chỉ có năm mươi phần trăm may mắn tới đúng thủy triều thích hợp cho cuộc đổ bộ, và nếu tới sai giờ thì thật là tai họa.
    Monique đến phòng tôi vào khoảng bẩy giờ và Ted đến sau đó mấy phút. Chúng tôi cùng ăn cơm với nhau nhưng không uống rượu trước khi ăn. Monique vẫn còn mặc bộ áo quần trượt tuyết. Ted và tôi mặc hai lớp áo len dày bên trong áo choàng. Chúng tôi biết có lẽ không có thì giờ trở lên để thay đổi y phục sau buổi lễ tại văn phòng của Anson.
    Anson đích thân lên tìm chúng tôi lúc chín giờ kém mười lăm, có cả Matuschek đi theo. Ông ta bảo Matuschek:
    - Anh chờ tôi ngoài hành lang.
    Ngay sau khi vừa bước vào, ông ta đóng cửa lại và nói:
    - Tất cả có đủ đây rồi. Hay lắm. Tôi vừa có quyết định. Cô De Ménard có thể đi theo để dự thính. Chắc chắn cô ấy sẽ đặc biệt chú ý và nhờ đó cô sẽ lấy quyết định.
    Nói đến đây ông ta quay nhìn tôi trong lúc vẫn tiếp:
    - Tôi đoán cô ấy đã kể cho ông nghe quyết định của cô ấy. Hình như cô ấy không giấu ông bất cứ một chuyện gì.
    Ông ta nhấn mạnh hai tiếng “bất cứ” bằng một giọng đổi khác hẳn. Trong lúc miệng nói, mắt ông ta hết nhìn tôi lại nhìn Monique, rồi cuối cùng trở lại nhìn tôi.
    Nàng lên tiếng:
    - Đại úy Anson, đây là chuyện chỉ liên quan đến ông và tôi. Tôi không thể gây liên lụy cho một người khác. Nhưng bây giờ tôi có thể nói với ông rằng tôi đã quyết định. Ông sẽ có tất cả những gì ông muốn. Tôi không thể có một quyết định nào khác hơn.
    - Tuyệt!
    Trong một thoáng, tôi chợt nghĩ ông ta sắp sửa xoa hai bàn tay vào nhau. Nhưng ông ta chỉ thản nhiên nói tiếp với Monique:
    - Thế thì cô sẽ đặc biệt thích thú với cuộc vui nhỏ mọn trong buổi tối hôm nay, bởi vì cô sẽ là một diễn viên thầm lặng trong đó. Bây giò xin tất cả hãy đi theo tôi. Đã gần tới giờ rồi.
    Chúng tôi cùng bước theo ông ta và Matuschek trở ra thang máy. Donald đã được thay thế bởi một tên gác khác. Chúng tôi đi xuống qua đại sảnh và hành lang tới văn phòng của Anson. Tôi nhớ mãi cảm giác rờn rợn khi băng ngang đại sảnh. Toàn thể căn phòng lớn gần như chìm trong bóng tối, chỉ được soi mờ mờ bằng một chút ánh sáng từ phía ngoài rọi qua khung cửa sổ trên cao. Không có lửa cháy trong lò sưởi. Chiếc bàn dài im lìm và vắng tanh. Tôi trông thấy Monique rùng mình lúc chúng tôi đi qua bên cạnh bàn tựa hồ nàng vừa thấy những hồn ma đang ngồi chung quanh.
    Anson bảo khi đến trước cửa văn phòng:
    - Matuschek. Anh đứng chờ bên ngoài. Không ai được phép vào hoặc ra trừ phi tôi cho anh hay. Và nếu tôi gọi anh, anh phải vào thật nhanh.
    Matuschek nhe hàm răng dơ dáy với chúng tôi và đóng cửa lại.
    Anson nói:
    - Quý vị có thể ngồi xuống đây.
    Ông ta chỉ bốn chiếc ghế đặt khoảng giữa bàn viết rộng của ông ta và bàn nước thấp ở góc phòng đằng kia. Ông ta đứng sau bàn viết và nói vào máy nội đàm:
    - Masterson, anh có thể chuyển đài BBC vào máy phóng thanh của tôi.
    Một tiếng kêu vang lên trong máy phóng thanh rồi im lặng. Trong chốc lát chúng tôi đã nghe được giọng nói của xướng ngôn viên đài BBC đọc bản tin hai mươi mốt giờ. Anh ta đang đọc một bài về cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Rồi anh ta ngừng một lúc và bắt đầu mục khác.
    - Đây là Luân Đôn, dư luận đang xôn xao bán tán về lý do một phiên họp đặc biệt của Hội Đồng Nội Các bắt đầu từ sáng sớm hôm nay sau phiên họp khẩn cấp đêm hôm qua, và hiện giờ vẫn còn tiếp diễn. Hôm nay phiên họp lại càng thêm khác thường với sự góp mặt của vị đại diện Nữ Hoàng, đã được yêu cầu đến bàn luận cùng với các vị bộ trưởng. Người ta lại còn biết rằng chiều hôm nay Đại sứ Hoa Kỳ và Đại sứ Pháp đã được mời đến Số Mười, đường Downing để hội kiến với Thủ tướng Anh.
    Chiếc đầu của Anson ngẩng lên và làn da phía trước căng ra thật rõ, trong lúc xướng ngôn viên đài BBC vẫn nói tiếp:
    - Thủ Tướng đã rời khỏi phiên họp để nói chuyện với các ông đại sứ ngay trước khi Hội Đồng Nội Các lại tạm ngừng để ăn tối. Không một vị bộ trưởng nào rời khỏi Số Mười, và người ta phỏng đoán tất cả đã dùng bữa tối ngay tại đây. Không một ai hay biết gì về lý do của phiên họp bất thường, không một lời bình luận nào được đăng tải trên mặt báo, ngay ở Đông Nam Á, là nơi vẫn thường bình luận những tin tương tự.
    Xướng ngôn viên lại ngừng rồi tiếp tục thuật qua những vụ đất sụp trong khu mỏ sắt ở Tô Cách Lan làm cho nhiều làng phải lâm nguy. Anson lại nói vào máy nội đàm:
    - Thôi, đủ rồi, Masterson, Lambert sẵn sàng nói chuyện chứ?
    Nhân viên giữ máy đáp:
    - Thưa ông, sẵn sàng. Tôi đã yêu cầu ông ấy đứng chờ bên cạnh điện thoại. Tôi sẽ cho chuyển ngay vào máy phóng thanh, chỉ trong chốc lát.
    Anson rời khỏi bàn giấy và ngồi xuống ở gần bàn nước. Lúc đó tôi mới nhận thấy có một máy vi âm nhỏ để trên bàn.
    Ông ta bảo:
    - Trên Sudra không có điện thoại liên lạc với thế giới bên ngoài. Chúng tôi đành phải cho nhân viên của chúng tôi ở Luân Đôn điện thoại theo lối thông thường tới căn cứ chúng tôi ở Murra. Cuộc điện đàm này sẽ được đưa vào máy truyền tin của chúng tôi ở Murra và chuyển thẳng về đây bằng vô tuyến điện. Lẽ tất nhiên phần truyền tin bằng vô tuyến điện từ Murra nghe không được rõ lắm.
    Ted nhìn tôi rồi ngước mắt lên trần. Chúng tôi chợt nghe một giọng nói mới lạ vang ra từ loa phóng thanh.
    - Lambert đây. Thưa, ông còn đó chứ?
    Anson liền cầm máy vi âm lên tay và nói:
    - Phải, Lambert. Thủ Tướng sẵn sàng nói chuyện chứ?
    Một tiếng kêu rè rè nhỏ nổi lên trong máy phóng thanh một lát, rồi dịu hẳn xuống.
    - Xin ông đợi cho một lúc. Thủ Tướng đang trên đường đi đến phòng này.
    Trong mấy giây đầu tiên, tôi nghe một tiếng đằng hắng khe khẽ. Rồi kế đó là giọng nói hơi nhỏ của vị Thủ Tướng vang lên thật rõ trong phòng, không thể nào lầm được dù hệ thống truyền âm đã làm biến đổi phần nào.
    Ông nói:
    - Vâng. Tôi đây.
    Anson nói vào máy vi âm:
    - Theo sự sắp xếp của chúng tôi, tôi đã mang ông Stuart Dunbar, là người ông đã biết, đến phòng này để nói chuyện với ông. Nhưng trước khi tôi chuyển qua ông Dunbar, tôi cần phải hỏi ông một câu. Tôi vừa nghe trên đài BBC có tin các ông đại sứ Nga Sô, Hoa Kỳ và Pháp đã đến hội đàm với ông ngày hôm nay. Ông đã bàn luận chuyện này với họ hay sao?
    Giọng nói của Thủ Tướng có vẻ gay gắt:
    - Đây là công việc của tôi mà.
    Anson đính chính:
    - Lúc này không còn đúng như thế nữa. Đây cũng là công việc của tôi, và chẳng bao lâu sẽ là hoàn toàn của tôi, tùy thuộc quyết định của ông.
    Vị Thủ Tướng có vẻ trầm tĩnh lúc ông trả lời sau khi im lặng một lúc.
    - Tôi chỉ bàn luận với các vị bộ trưởng về một lời hăm dọa vô danh, để chắc chắn không một ai báo động bậy nếu chúng tôi nhận thấy phải trả đũa.
    Anson liền bảo:
    - Ông sẽ không bao giờ trả đũa được. Dunbar sẽ nói chuyện này với ông. Ông ấy đây rồi. Ông có thể hỏi ông ấy bao nhiêu câu cũng được. Ông ấy sẽ trả lời một cách thành thực, không bị ai ép buộc.
    Ông ta gật đầu với tôi. Tôi ngồi xuống bàn phía bên trái ông ta và ông ta trao máy vi âm cho tôi. Miệng tôi khô ran. Tôi nhận thấy mình đang toát mồ hôi.
    Tôi lên tiếng:
    - Thưa Thủ Tướng, Dunbar đây.
    - Dunbar, tôi đoán ông biết rõ về câu chuyện quái đản này.
    - Thưa Thủ Tướng, đúng.
    - Có phải ông là một thành phần của cái… đảng đó?
    - Thưa Thủ Tướng, một cách vô tình mà thôi. Hiện giờ tôi là một tù nhân tại đây. Nếu Thủ Tướng đã nói chuyện với ông George Vallance, chắc Thủ Tướng hiểu một phần của vụ này. Tôi được khuyến cáo trình lại với Thủ Tướng những gì tôi có thể về mũi súng đang nhắm vào Thủ Tướng.
    Anson nhìn tôi một cách quỷ quyệt khi nghe tôi nhắc tên của Vallance. Tới đây, ông ta lấy máy vi âm lại và nói vào máy:
    - Tôi xin hỏi một câu. Ông có hoàn toàn tin chắc rằng ông đang nghe tiếng nói của Stuart Dunbar?
    Vị Thủ Tướng trả lời ngay:
    - Lẽ tất nhiên. Tôi đã nói chuyện nhiều lần với Dunbar trong mấy năm vừa qua. Dunbar, ông còn ở đó không?
    Tôi lấy mày vi âm trở lại.
    - Thưa Thủ Tướng, tôi vẫn còn đây.
    - Ông bảo ông hiện là một tù nhân. Tôi hy vọng ông không bị cưỡng bách.
    Tôi đưa mắt nhìn Anson. Mãi đến lúc này tôi mới hiểu được chủ định điêu xảo trong đầu óc ông ta. Lời hứa của ông ta để cho chúng tôi rời khỏi Sudra khiến tôi không có cảm tưởng mình đang bị cưỡng bách. Nhưng cũng có thể chúng tôi sẽ phải chết. Ý nghĩ chúng tôi sẽ không bao giờ được phép an toàn ra đi tràn ngập khắp tâm trí tôi. Tôi cố xua nhanh tư tưởng này và tiếp tục nói chuyện với vị Thủ Tướng.
    - Thưa Thủ Tướng, tôi không bị cưỡng bách. Chuyện tôi trình với Thủ Tướng sẽ không có ảnh hưởng gì tới chuyện sẽ xảy đến cho tôi.
    Anson mỉm cười với tôi một cách bất chính. Ông ta hiểu rằng tôi đã thấy rõ nước cờ thí của ông ta.
    Vị Thủ Tướng nóng nảy bảo:
    - Thế thì ông hãy nói cho tôi nghe đi. Có phải bọn cướp đó nói thật khi chúng bảo rằng chúng có hỏa tiễn với đầu đạn hạch tâm đang nhắm vào mười hai đô thị lớn nhất của nước Anh?
    - Thưa Thủ Tướng, đúng vậy. Chính mắt tôi đã trông thấy. Những dàn hỏa tiễn này có vẻ thật, dù tôi không phải là một nhà chuyên môn. Em tôi cũng công nhận như thế. Chắc Thủ Tướng đã biết em tôi là người có uy tín trong lãnh vực đó.
    Ted chen lời:
    - Stuart, anh nói “có vẻ thật” không đúng, phải nói là “thật”.
    Vị Thủ Tướng lo lắng hỏi:
    - Chuyện gì vậy?
    - Thưa Thủ Tướng, em tôi muốn nói rằng các hỏa tiễn đó là thật. Không thể nghi ngờ được.
    Ông thở dài:
    - Chúa ơi! Thế mà tôi hy vọng đây chỉ là chuyện bịa đặt. Được rồi, Dunbar, tôi thành thực cám ơn ông. Tôi ước mong được tiếp chuyện với ông trong những trường hợp vui thú hơn vào một ngày gần đây. Tôi hoàn toàn tin tưởng ông.
    - Tôi xin cám ơn Thủ Tướng.
    - Còn về vụ kia thì sao? Có phải mình không thể mở một cuộc tấn công theo lối bình thường lên đảo? Chúng tôi đã biết rõ nơi đó, có lẽ ông đã hiểu.
    Tôi cố nói thật hăng hái:
    - Thưa Thủ Tướng, đúng vậy. Cả em tôi và tôi đều là cựu sĩ quan Thủy Quân lục chiến. Chúng tôi không sao thấy có cách nào tấn công được nơi này – trớ trêu thay chính em tôi đã phát minh ra loại máy ngăn ngừa. Lính đổ bổ sẽ bị tiêu diệt trước khi họ có thể tràn lên bãi biển và tôi tin chắc Thủ Tướng đã biết chỉ có thể đổ bộ lên một bãi biển duy nhất khỏi phải leo núi. Đó là tất cả sự thật. Nếu Sir George Vallance chưa trình với Thủ Tướng về vụ hai chiếc thám thính cơ của Hải Quân cất cánh từ hàng không mẫu hạm Defiant, xin Thủ Tướng hỏi lại ông ấy.
    - Tôi đã biết chuyện đó. Tôi hiểu ý ông muốn nói gì. Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với ông về cách tấn công đảo. Nhân tiện, cho tôi hay phi hành đoàn của hai chiếc phi cơ đó mãi đến hôm nay vẫn không có tông tích. Thôi, tôi xin cám ơn ông một lần nữa, và chúc ông may mắn.
    - Tôi rất buồn vì phải báo tin xấu cho Thủ Tướng.
    - Ông đâu có lỗi gì. Chúng tôi phải lo giải quyết vụ này. Bây giờ tôi sẽ cúp máy và trở về với hội nghị. Chào ông.
    Đường dây không tắt ngay. Tiếng nói của Lambert lại vang lên:
    - Thưa ông, Lambert đây. Ông Thủ Tướng đã có vẻ tin lắm rồi. Họ hứa sẽ trả lời trong vòng một tiếng đồng hồ. Tôi cũng xin trình ông tôi hiện đang bị câu lưu ở đây.
    Anson bảo:
    - Điều đó, tôi đã nghĩ từ trước. Anh đừng lo. Anh đã hành sự rất chu đáo. Có lẽ tôi sẽ gặp anh vào tối ngày mai, nếu tất cả tiến hành theo đúng dự liệu, và tôi thấy không có lý do gì khiến cho sự việc không êm xuôi. Tôi sẽ bay sang Luân Đôn khi quyết định đã được loan báo. Tuy nhiên, hiện giờ họ đã hơi đi quá kỳ hạn rồi đó. Lambert, anh hãy thúc đẩy chút xíu đi.
    - Thưa ông, vâng.
    Trong lúc hai người nói chuyện, tôi cố để ý tìm một dịp sơ hở không đề phòng, để đánh liều một phen. Nhưng chuyện đó không bao giờ xảy ra. Anson vẫn chăm chú nhìn chúng tôi trong lúc ông ta nói chuyện. Tôi biết Matuschek đang ở ngay ngoài cửa. Dù sao, tôi không thể động đậy gì được trong khi đường dây liên lạc vẫn tiếp tục. Masterson ở trong phòng kiểm soát sẽ được báo động một cách quá dễ dàng
    Ted khiến cho tôi lo ngại. Ted ngồi trong ghế, nhưng mình chồm tới trước, hai bàn tay trên tay ghế, cùi tay nâng lên, tựa hồ sắp sửa phóng qua phòng. Tôi lắc đầu với Ted mà Ted vẫn không hòa hoãn lại. Monique thì nhìn sững Anson với đôi mắt đầy ghê sợ.
    Anson chợt tắt máy vi âm. Loa phóng thanh trong góc phòng cũng im luôn, tiếng rè rè từ từ biến mất trong lúc Masterson vặn nút tắt máy. Anson, vẫn ngồi ở bàn nước, quay mặt về phía chúng tôi và nói với tôi:
    - Cám ơn ông. Công việc tốt đẹp lắm. Không khác gì chính tôi đã viết sẵn cho ông xem trước.
    - Không phải vậy hay sao?
    Ông ta hiểu lầm tôi, và bảo:
    - Không. Thật tình tôi không có dự tính nào sau khi ông từ chối đề nghị của tôi trên tàu Victoria. Nhưng phải nói rằng tôi đã nghĩ ra một ý tuyệt diệu khi ông tìm đến đây. Ông có mặc cảm phạm tội hay không?
    - Không. Tội của ông, chứ đâu phải của tôi. Tôi chỉ cố tìm cách giảm thiểu tổn thất.
    - Sẽ không có tổn thất. Đây chính là cái hay đặc biệt của sự thực hiện kế hoạch. Hoàn toàn không đổ một giọt máu.
    Ông ta kết thúc lời nói bằng một nụ cười nửa miệng với vẻ châm biếm.
    Tôi nói:
    - Đó chỉ là một vấn đề quan điểm. Sự đổ máu sẽ đến sau, nếu ông không muốn kể tới Martin Allen và phi hành đoàn của hai chiếc phi cơ ấy. Nhưng bây giờ ông phải thi hành một lời hứa. Khi nào ông đưa chúng tôi tới Murra?
    Ông ta nhìn tôi dường như tôi vừa hỏi xin ông ta một dàn hỏa tiễn.
    - Dunbar, chắc ông thừa biết câu trả lời cho câu hỏi đó.
    - Tôi làm sao mà biết được?
    - Thế thì câu trả lời là… khôngbao giờ.
    - Rất có thể tôi quá ngây thơ, nhưng tôi vẫn phải nhắc nhở ông về lời hứa của ông.
    Ông ta mỉm cười. Thật ra, đó không hẳn là một nụ cười, mà chỉ là một cái nhếch mép.
    - Dunbar, những lời hứa chỉ để cho kẻ ngu dại. Và nếu ông sử dụng trí nhớ phi thường của ông – trí nhớ đã giúp ông tường thuật mọi cuộc đối thoại một cách chính xác không cần phải ghi chép – ông sẽ nhớ lại tôi không hề hứa hẹn gì cả.
    - Ông…
    - Phải, tôi thấy ông đã nhớ lại. Tôi chỉ nói “lẽ tất nhiên” để trả lời cho lời phát biểu hơi khờ khạo của ông rằng tôi sẽ trông thấy ông an toàn trên đảo Murra. Tôi không thích ràng buộc với một khế ước chỉ có một câu nói mơ hồ như thế.
    - Ông cũng là một sea lawyer1 (1 Sea lawyer: một thủy thủ thích cãi cọ, khích bác những điểm về luật lệ hàng hải, thường dùng những luận điệu sai lầm – c.t.c.d.g.) trong Hải Quân hay sao?
    Ông ta cười nhẹ:
    - Không. Tôi là một sĩ quan xuất sắc, có ghi rõ trong hồ sơ. Dunbar, chính ông vừa tỏ ra một vài đặc tính của một sea lawyer, khi ông muốn bàn cãi một chuyện không thể bàn cãi được. Tính toán là công chuyện của các ông. Cũng có thể một dịp nào đó, chúng tôi sẽ cho ông – hoặc em ông – đi và kể lại toàn thể câu chuyện ngày hôm nay đã diễn biến như thế nào – đặc biệt trong những vùng chúng tôi dự tính thu phục.
    Tôi nhắc:
    - Pháp. Rồi Ý. Rồi Đức.
    - Tuyệt. Ông đã nhớ kỹ kế hoạch sơ lược của tôi. Trí nhớ phi thường của ông quả xứng đáng với lời đồn.
    - Còn cô De Ménard thì sao?
    - Cô ấy thì lại khác. Sau khi ký xong tờ tương thuận, cô ấy có thể đi đâu tùy ý. Tôi sẽ gặp cô ấy an toàn ở Pháp, ông cứ tin tôi đi. Cô ấy sẽ khó lòng nói chuyện bậy bạ, vì đã biết chuyện gì sẽ xảy đến cho vong linh của ông anh, cũng như xí nghiệp của ông ta.
    Mặt của Monique trắng như tờ giấy. Nàng đăm đăm nhìn Anson trong lúc ông ta đứng lên khỏi chiếc ghế bên cạnh bàn nước, rồi nhìn tôi một cách bất lực. Ông ta không nói gì nữa. Tôi trông thấy cánh tay của Ted cương lên trong lúc Anson đứng dậy. Nhưng Monique đã đặt bàn tay của nàng lên cánh tay của Ted và Ted ngồi yên.
    Tôi biết nàng đang suy nghĩ chuyện gì. Chính tôi cũng đang nghĩ tới chuyện đó. Một khi ông ta đã nắm được tờ tương thuận trong tay rồi, tính mạng của nàng còn ít giá trị hơn một gói đậu phụng trong sở thú. Khi sự thật phũ phàng này vỡ ra trong đầu óc tôi, tôi hiểu rằng thời cơ đã đến. Nếu quả thật có thần giao cách cảm, thì Monique và Ted chắc cũng hiểu được điều này.
    Nhưng tôi sẽ không bao giờ biết rõ Monique đã quyết định như thế nào. Trong lúc nàng cúi tới trước để đặt một bàn tay ngăn cản lên cánh tay của Ted, nàng để cho cùi tay của nàng cọ vào chiếc áo choàng ngắn mà nàng đã gác qua đầu gối khi nàng ngồi xuống. Thoạt tiên, tôi tưởng đó chỉ là một cử động vô tình. Chiếc áo choàng tuột khỏi đầu gối của nàng và rơi xuống nền giữa ghế nàng và ghế của Ted. Ted không trông thấy sự việc đó. Đôi mắt của Ted đang nhìn sững Anson.
    Anson đã khởi sự bước theo bề dài của căn phòng đi về phía bàn giấy của ông ta. Mắt ông ta bắt gặp chiếc áo rơi trong lúc ông ta đang đi. Ông ta liếc Ted và dừng lại giữa hai chiếc ghế, cúi xuống để nhặt cái áo bằng cách cầm ở cổ. Rồi ông ta nghiêng mình về phía trước để đặt trở lại trên đầu gối của Monique.
    Đúng lúc đó Ted hành động. Ted đưa bàn tay phải lên, với lòng bàn tay nằm ngửa, và chặt cạnh bàn tay vào một bên cổ của Anson, ngay phía sau tai, bằng một sức mạnh mà tôi khó lòng tin Ted có thể điều động trong lúc đang ngồi.
    Cú chặt khiến cho Anson choáng váng, vừa đủ thời gian cho Ted chồm lên đầu ông ta. Tôi cũng nhảy lại bởi vì tôi biết rằng Ted đang cố bóp nghẹt tiếng hét sắp sửa thốt ra. Nhưng cả hai chúng tôi đều không chụp kịp Anson để ngăn chặn tiếng rú thất thanh:
    - Matuschek!
    Tôi thấy cái miệng hét trước khi tôi thực sự nghe tiếng hét – cái miệng hấp hối há to, những sợi gân cổ phồng lên, đôi mắt nhắm chặt. Trong lúc nghe tiếng đó, tôi biết ngay đã quá muộn. Tôi liền để cho Ted xử sự với Anson, và nhảy trở lại phía cửa mở ra hành lang, đứng núp một bên trước khi Matuschek có thể mở ra. Tôi biêt tôi không thể giữ y ở ngoài. Như thể chỉ khiến cho khẩu tiểu liên chế tạo tại Nga-sô mau nhả một tràng đạn.
    Trong lúc nhảy, tôi cố giơ tay ra dấu Monique tránh khỏi lằn đạn nếu có nổ súng. Nàng hiểu ngay, rời nhanh khỏi ghế và nằm xuống nền. Tôi trông thấy nàng lăn mình ra phía sau bàn giấy của Anson đúng lúc vai tôi chạm vào tường bên cạnh mép cửa. Cùng lúc đó tôi trông thấy Ted đã choàng được một cánh tay quanh cổ Anson từ sau lưng và một bàn tay úp trên miệng ông ta. Hai con mắt của Anson lồi ra phía trên cánh tay đang siết mạnh và hai chân ông ta đá lung tung trong lúc không khí trong buồng phổi bắt đầu thiếu.
    Không có một chút thời gian nào để suy nghĩ. Tôi nghe tiếng bước chân đang chạy của Matuschek bên ngoài cửa. Trong lúc chờ đợi, tôi cố nhớ lại một cách tuyệt vọng những gì tôi đã thoáng thấy về loại tiểu liên bang rỗng đó. Tôi không sao nghĩ ra một cách chế ngự nó cho an toàn. Mình có thể ngăn cản một khẩu súng lục bắn vào mình nếu mình có gan chụp lấy nòng súng và đừng cho nó xoay về phía mình. Nhưng một khẩu tiểu liên thì hoàn toàn khác hẳn, không khác một loài mãnh thú.
    Cánh cửa mở tung ra và Matuschek phạm lỗi lầm cuối cùng của đời y. Y bước vào trong phòng mà không chịu xem xét kỹ, mắt dán vào cuộc chiến đấu trên nền. Y bắt đầu đưa họng súng lên. Nhưng cái cảnh Anson bị bại trận bởi tay Ted khiến y sững sờ một lúc.
    Khi y quay về phía bên trái và chợt trông thấy tôi thì đã quá muộn. Cạnh bàn tay xòe ra của tôi chặt mạnh vào yết hầu của y. Tôi cảm thấy xương sụn quả táo Adam của Matuschek dập nát. Y gục cắm xuống như người đã tắt thở.
    Tôi chụp lấy nòng súng ngắn và vặn ra khỏi tay của y. Vừa dùng báng súng rỗng đánh vào phía sau đầu y, tôi vừa rủa người vẽ kiểu đã không chế loại báng đặc. Nhưng như thế này cũng đủ. Matuschek ngã tới trước và nằm quằn quại trên thảm, vì bị nghẹt thở. Tôi đá cánh cửa đóng lại và xoay ổ khóa.
    Trận chiến đã tới màn kết thúc. Ted dộng đầu Anson vào một góc bàn. Anson ngã xuống và nằm im. Tôi liền đi ra phía sau bàn viết và kéo Monique đứng dậy. Mặt nàng tái mét và thân hình run lẩy bẩy nhưng nàng mỉm cười với tôi. Tôi trở lại Matuschek và cúi xuống xem lại cho chắc chắn.
    Y đang dẫy chết. Không còn cách gì có thể cứu được y dù tôi muốn giúp đi nữa. Tôi quỳ gối bên cạnh y và nhìn vào khuôn mặt đen xạm của y. Y ngước mắt nhìn lại tôi với vẻ oán hận của một con lon 1 (1 Weasel: con lon, một giống vật mình thon dài, chân ngắn, đuôi dài, và rậm lông, thường bắt chim, chuột để sinh sống – c.t.c.d.g.) trong một cái bẫy. Có lẽ nửa phút sau y mới chết. Tôi nhìn cảnh y chết, nhớ lại ánh mắt của Martin Allen, lưỡi dao cắm sau lưng ông ta và máu trào trong phổi. Chết vì thở không được không phải là một lối dễ dàng.
    Tôi trở lại chỗ Ted đang đứng nhìn xuống Anson và xoa cánh tay.
    Tôi bảo:
    - Chú giỏi lắm. Ông ta đã chết rồi?
    - Không. Ông ta vẫn còn thở. Chỉ bất tỉnh. Còn tên kia thì sao?
    - Y đã chết.
    Tôi cúi xuống và bắt mạch Anson. Mạch nhảy yếu và không đều, nhưng vẫn còn. Tôi nói tiếp:
    - Ít nhất ông ta cũng còn mê man mười lăm phút. Chú hãy giúp tôi một tay đặt ông ta lên ghế. Phía sau bàn giấy.
    Ted nắm hai chân Anson, còn tôi thì nắm hai cánh tay. Chúng tôi đưa ông ta tới chiếc ghế trông đồ sộ như một cái ngai và đặt ông ta ngồi vào trong đó. Tôi điều chỉnh lò xo ở phía dưới để cho thân hình ông ta ưỡn ra sau một cách tự nhiên. Tôi rút sợi dây nịt ra khỏi thắt lưng. Ted đoán biết tôi đang định làm gì và đưa luôn sợi dây nịt của mình cho tôi.
    Chúng tôi kê hai cánh tay của Anson lên tay ghế và buộc hai sợi dây nịt quanh hai cườm tay ông ta, cố hết sức kéo cho thật chặt và đục lỗ nịt mới bằng mũi kéo nhọn mà tôi đã tìm thấy ở bàn viết.
    Ted hỏi:
    - Còn hai chân?
    Tôi vừa hất đầu về phía xác chết ở gần cửa vừa bảo:
    - Chú hãy lấy sợi dây nịt của Matuschek.
    Ted liền mang sợi dây lại. Chúng tôi cùng cột cả hai mắt cá ông ta vào cái chân duy nhất của chiếc ghế xoay, uốn chân ông ta hết sức về phía sau cho thật chắc. Khi ông ta hồi tỉnh, hẳn ông ta sẽ rất đau đớn. Tôi nhét chiếc khăn tay của tôi vào trong miệng ông ta, và Ted cũng đưa khăn của Ted cho tôi buộc cứng miệng ông ta lại.
    Đoạn tôi nói với Ted:
    - Đưa khẩu súng đó cho tôi.
    Trong lúc tôi cầm nó trong tay, Monique từ phía sau đi tới và choàng một cánh tay quanh lưng tôi. Nàng đặt một bàn tay che kín họng súng và chăm chú nhìn tôi, vẻ kinh hãi hiện rõ trên mặt.
    Tôi trấn an nàng:
    - Anh không định bắn chết ông ta đâu. Anh muốn để dành ông ta cho một chuyện tàn tệ hơn thế. Vả lại, nếu anh nổ súng, nhiều tên khác sẽ chạy đến đây và mình khó lòng chống cự nổi.
    Rồi tôi sực nhớ, liền hỏi:
    - Em đã ký tờ tương thuận chưa?
    - Chưa. Em bảo em sẽ ký tối nay, sau vụ này.
    - Tốt, thế thì mình khỏi phải mất công tìm kiếm. Ted, còn một việc cần phải làm trước khi mình tìm cách ra khỏi đây. Bộ máy vô hiệu hóa.
    Ted nói:
    - Phải. Em phải nghĩ xem em có thể làm gì được bây giờ. Còn tên gác thang máy?
    - Tôi sẽ ra ngoài đó cùng với chú. Monique, em cố thử tìm trong các hộc bàn trong lúc bọn anh đi, để xem thử có thể tìm ra một vài thứ khí giới nhỏ nào nữa hay không. Nhất là một cây đèn bấm.
    Nàng dặn dò:
    - Stuart, nhớ hết sức cẩn thận nghe anh.
    - Anh sẽ nhớ.
    Ngoài hành lang không có bóng dáng một người nào. Gian đại sảnh cũng vậy trong lúc chúng tôi bước ngang qua một cách thận trọng. Tôi thoáng nghe những tiếng động mơ hồ từ nhà bếp về phía bên kia đại sảnh, nhưng rõ ràng tối nay ban chuyên viên vẫn phải tiếp tục làm việc và ăn cơm ở ngay chỗ làm.
    Cửa thang máy đóng kín. Tôi bấm nút lên và nghe tiếng buồng thang rần rần chạy lên tầng chúng tôi. Tôi đứng ngay trước cửa. Ted tựa sát vai vào bức tường bên cạnh cửa. Công việc thật là dễ. Tên gác thò đầu ra và đưa mũi súng lên chỉ vào tôi. Cạnh bàn tay của Ted chặt vào đúng cổ họng của y. Tôi thì dùng báng súng đập lên đầu y. Chúng tôi kéo lê y trở về phòng của Anson và trói chặt y bằng sợi dây lưng của Anson, bật ngửa người y gần gãy đôi về phía sau để có thể cột cườm tay của y vào cườm chân. Lúc này không thể êm dịu được nữa.
    Ted đi ra ngoài và đóng cửa lại. Tôi nhìn Monique. Nàng có vẻ trầm tĩnh, cầm trong tay một khẩu súng lục 38 cụt ngủn, xấu xí.
    Nàng bảo:
    - Em tìm thấy trong hộc bàn. Nhưng không có đèn bấm.
    - Em biết cách sử dụng chứ?
    Nàng mỉm cười với tôi:
    - Biết. Ở nhà Jacques vẫn thường dẫn em ra sân tập bắn. Em bắn súng lục không đến nỗi tệ lắm. Nhưng này Stuart, mình không thể bỏ mấy tên này ở đây được. Bọn chúng sẽ phát giác trước khi mình chạy thoát.
    Tôi nói:
    - Chỉ còn hai tiếng đồng hồ nữa là tới giờ hẹn trên bãi biển Lunna. Có lẽ lâu hơn một chút. Và anh không thể giết thêm một tên nào trong bọn chúng được nữa.
    - Bọn chúng có thể đã giết anh. Cả Ted. Và em nữa.
    Tôi tiếp:
    - Và Edenburg.
    Màng tai của tôi bỗng chấn động vì một tiếng nói lớn vang lên từ phía sau lưng tôi. Tôi nhảy nhổm người lên. Monique kinh hoàng nắm lấy cánh tay tôi. Tôi xoay người và nhìn vào mặt Anson. Đôi mắt ông ta vẫn còn nhắm. Rôi tôi hiểu tiếng nói đã vang lên từ máy nội đàm đặt trên bàn viết. Tôi liên bước quanh bàn và bật nút xuống, hỏi vào máy:
    - Cái gì đó?
    Tôi nói bằng một giọng cao hơn bình thường, hy vọng chuyển qua máy sẽ không khác Anson bao nhiêu. Quả nhiên, tôi thành công.
    Gã trong máy trình:
    - Thưa ông, có một người hiện ở trên tháp và bảo rằng ông muốn nhờ ông ta xem lại máy vô hiệu hóa. Tên ông ấy là…
    Tiếng nói chợt ngừng lại nửa chừng. Tôi nghe một tiếng thịch. Giọng Ted vang lên ngay trong máy phóng thanh:
    - Cảm ơn Stuart. Em sẽ xuống ngay.
    Tôi quay trở về với Monique.
    - Cứ để cho bọn chúng sống. Mình sẽ khóa cửa phòng lại lúc đi. Chắc mấy giờ sau mới có người dám quấy rầy Anson. Không chừng sáng mai, nếu mình may mắn.
    Ted lao vào phòng như một luồng gió.
    - Xong rồi. Em đã liệng tất cả bộ máy xuống biển bên hông lâu đài.
    - Chú đã làm gì tên gác?
    - Anh khỏi lo. Y sẽ không thể gây rắc rối cho mình. Em cũng đã liệng khẩu tiểu liên của y xuống biển. Đó là một khẩu súng hạng trung bình của Hoa Kỳ cỡ năm mươi 1 (1: .50 = 0.50 inch= 12.7 ly).
    Tôi nghĩ tới chiều cao gần hai trăm thước từ đỉnh lâu đài xuống tới biển. Rồi tôi cố không nghĩ đến chuyện đó nữa.
    Tôi bảo:
    - Thôi, mình hãy đi.
    Ted nói:
    - Em đã ghé vào tầng cư xá và lấy hai sợi dây nịt cho mình. Tiếc rằng em không thể lấy hết hành lý.
    Tôi lo ngại cho Ted hay:
    - Mình sẽ cần một ngọn đèn bấm. Trong văn phòng của Anson, không có một cây nào.
    Ted đáp:
    - Chiếc Land Rover đang đậu ở trước cửa. Em đã trông thấy từ trên đỉnh tháp. Có lẽ trong xe có đèn bấm. Mình nên đi ngay.
    Tôi giựt đứt dây điện thoại trên nền dưới chân Anson. Ted cũng giựt đứt dây máy vi âm. Tôi đưa mắt nhìn qua một lần cuối xác của Matuschek cùng Anson và tên gác đang mê man bất tỉnh. Cả hai vẫn còn im lìm. Tên gác không chết vì Ted đã không đánh y mạnh như tôi đã đánh Matuschek.
    Lúc đi ra, tôi bật chốt tự động của khóa cửa, thầm cám ơn loại ổ khóa tối tân, không giống loại cổ điển phải dùng chìa khóa như ở tầng cư xá. Rồi tôi tắt tất cả đèn và kéo cánh cửa đóng lại.
    

Xem Tiếp Chương 32Xem Tiếp Chương 34 (Kết Thúc)

Cửa Địa Ngục
  » Xem Tập 1
  » Xem Tập 2
  » Xem Tập 3
  » Xem Tập 4
  » Xem Tập 5
  » Xem Tập 6
  » Xem Tập 7
  » Xem Tập 8
  » Xem Tập 9
  » Xem Tập 10
  » Xem Tập 11
  » Xem Tập 12
  » Xem Tập 13
  » Xem Tập 14
  » Xem Tập 15
  » Xem Tập 16
  » Xem Tập 17
  » Xem Tập 18
  » Xem Tập 19
  » Xem Tập 20
  » Xem Tập 21
  » Xem Tập 22
  » Xem Tập 23
  » Xem Tập 24
  » Xem Tập 25
  » Xem Tập 26
  » Xem Tập 27
  » Xem Tập 28
  » Xem Tập 29
  » Xem Tập 30
  » Đang Xem Tập 31
  » Xem Tiếp Tập 32
  » Xem Tiếp Tập 33
  » Xem Tiếp Tập 34
 
Những Truyện Dài Khác