Món điểm tâm gồm trứng và thịt muối được đưa tới tận phòng tôi trên một cái khay. Tôi ăn xong, liền cạo râu và thay áo quần thì vừa đúng sáu giờ rưỡi. Nelson đưa tôi xuống. Anson đang đợi tôi trong một chiếc Jeep mui trần. Ông ta mặc một cái áo choàng ngắn dày cộm có cổ bằng da trừu.
Ông ta lên tiếng trước :
- Chào ông. Ông không lạnh hay sao?
Tôi chỉ mặc một chiếc áo khoát bằng vải len với một áo nịt dày bên trong.
- Như thế này là vừa đủ. Nếu trời không mưa.
- Trong thùng xe có sẵn hai bộ áo quần đặc biệt để dùng vào lúc nào trời quá lạnh.
Tôi trèo lên. Ông ta liền phóng xe đi, hất tung hai luồng sỏi nhỏ về phía sau lúc bốn bành xe có khía sâu của chiếc Jeep cắn chặt vào mặt đường rải sỏi. Ông ta quay về phương bắc, chạy trên con đường ở gần bờ biển.
Ông ta lại bảo :
- Ông phải nói chuyện một đôi câu đi chứ. Ông có biết gì về mấy hải đảo nhỏ ở vùng này?
- Rất ít.
- Tất cả quần đảo Hebrides, còn được gọi là Isles of the West (Hải Đảo Miền Tây), nguyên thuộc nước Na-uy, mãi đến cuộc chiến tranh vào năm 1263 mới chuyển qua To-cách-lan. Người ta còn có thể thấy rõ di tích của thời kỳ lệ thuộc Na-uy trong các địa danh, chẳng hạn Stenrness, Lunna Voe, Vaila Voe và Nossie Holm, cùng các tên tương tự. "Voe" có nghĩa là vịnh nhỏ. "Holm" có nghĩa là một hoang đảo. Và còn nhiều nữa. Trong thời kỳ bị Tô-cách-lan thống trị, thời kỳ được mệnh danh là Triều Đại Đảo Chúa, khi dòng họ MacDonald of Islay là những vị chúa tể, quần đảo Hebrides thực sự có đủ sức mạnh làm rung chuyển ngai vàng của xứ Tô-cách-lan. Tôi nhận thấy đây là một sự trùng phùng thú vị.
- Trùng phùng với cái gì?
- Lẽ tất nhiên ông chưa biết chúng tôi đang làm gì ở đây. Tới đúng lúc tôi sẽ cho ông rõ.
Ông ta chợt mỉm cười với một ý nghĩ thầm kín trong đầu và nói tiếp :
- Ông sẽ là người ngoại cuộc duy nhất biết được chuyện này, sau khi ông đã đi viếng một vòng khắp đảo.
- Ngôi nhà gì bên tay trái vậy?
- Phòng thí nghiệm. Vừa mới hoàn tất. Các khoa học gia của chúng tôi thường làm việc trong các phòng phía dưới của lâu đài, nhưng ở đó chật chội quá. Về phía sau khu nhà thí nghiệm có cả cư xá cho chuyên viên. Tôi chưa có thể đưa ông vào xem ở bên trong được, vì chỉ những người có phận sự đặc biệt mới được phép vào.
- Đại khái, phòng thí nghiệm thuộc loại gì?
- Phần lớn là điện tử, hóa học và vật lý học. Phần vụ điện tử hướng mọi nổ lực và việc kiện toàn máy vô hiệu hóa, được gọi là Mục Tiêu Một. Chuyện đó, dĩ nhiên ông đã biết.
(tiếp theo từ trang 273, chương 5, phần IV - CHẲNG AI TÌM DẤU)
- Có phải đó là chiếc hộp đen do em tôi phát triển ra?
- Không phải, chiếc hộp đen của Jacques de Ménard. Chúng tôi đặt tên cho chiếc hộp của em ông là Mục Tiêu Hai. Rủi thay, chúng tôi không thể hoàn thiện Mục Tiêu Một, nên chúng tôi cần Mục Tiêu Hai.
- Tôi hiểu. Và em tôi bắt buộc phải giao cho ông?
Ông ta trả lời bằng một giọng tin tưởng :
- Phải. Căn cứ theo lời ông nói, tôi đoán ông không tin em ông sẽ giao lại. Nhưng chính ông đã có một kinh nghiệm về phương pháp khai thác của chúng tôi? Tôi nghĩ rằng ông ấy sẽ trao cho chúng tôi bộ phận còn thiếu.
- Tại sao ông cần phải có?
- Mục Tiêu Một bị giới hạn ở đường chân trời - tức độ chừng bốn mươi dặm tại cao độ này. Như thế cũng thừa đủ để bảo vệ chúng tôi trên Saint Sudra, nhưng chúng tôi cần một hệ thống tốt hơn để dùng về sau. Các chuyên viên điện tử của tôi không đủ sức cải tiến Mục Tiêu Một. Nhưng vẫn tiếp tục không ngừng. Công cuộc nghiên cứu hóa học của chúng tôi hướng về các loại hơi độc gây phản ứng tê bại. Công cuộc nghiên cứu vật lý thì phần lớn thuộc lãnh vực tia laser, mặc dù vấn đề laser ngày nay đã hơi lỗi thời. Mình tới nơi rồi - nơi cao nhất của đảo.
Ông ta giảm tốc độ chiếc xe Jeep và thắng lại ở mép bờ đá cao về phía cực bắc của hòn đảo.
- Đó là hồ Rata bên tay trái. Hồ Venna và hồ Madoch ở ngay dưới đây - cả hai đều tuyệt đẹp, rồi ông sẽ thấy.
Nhưng chính bờ đá khiến tôi lạnh xương sống. Nó thẳng đứng và cao hơn mặt nước biển có tới trên ba trăm rưỡi thước tây. Nhiều đàn chim như những đàm mây lớn vừa liệng vòng quanh vừa kêu la om sòm, trong đó tôi nhận thấy cả loài hải yến và chim cắt.
Anson bảo :
- Xưa kia nơi này là chỗ trú ẩn của các loài chim. Tôi hơi lấy làm tiếc vì chúng tôi đã biến đổi một đôi phần. Nhưng tôi tin các loài chim sẽ trở lại khi chúng tôi bước qua một thời kỳ trọng đại khác.
Ông ta nhìn tôi bằng khóe mắt. Trong lúc tôi vẫn không nói gì, ông ta tiếp lời :
- Về chuyện chúng tôi sẽ bước qua nơi nào - đó là bài giảng kế tiếp.
Tôi nói :
- Tôi xin hỏi thêm một câu. Theo tôi đoán thì ngôi nhà trên đỉnh bờ đá kia là một đài radar. Tại sao phải có radar như vậy?
Nhận xét của tôi không thể nào lầm được, vì ngay trên mái của ngôi nhà sườn sắt có mấy cái ăng-ten như những chiếc rổ đang quay tròn.
Anson đáp :
- Rất dễ hiểu. Có lẽ ông không được rõ máy vô hiệu hóa hiện đại của chúng tôi, tức Mục Tiêu Một, còn có một khuyết điểm khác. Nó làm tê liệt mọi hoạt động điện thường, điện tử cùng những hoạt động liên hệ - không phải chỉ của kẻ lạ mà luôn của chính chúng tôi nữa. Vỉ lý do này, lẽ tất nhiên chúng tôi không thể cho nó hoạt động liên tục, và phải dùng radar để báo cho chúng tôi biết lúc có kẻ lạ tiến tới gần. Khi thấy những chấm sáng trên màn hình radar, nhân viên túc trực sẽ báo động để cho toàn thể công nhân ngoài hải cảng cũng như trên phi trường và trong các phòng thí nghiệm đều biết nguồn năng lượng sắp bị máy vô hiệu hóa làm gián đoạn. Khi chúng tôi đã có được bộ máy của em ông - tức Mục Tiêu Hai, chúng tôi sẽ không cần phải dùng phương pháp bất tiện này nữa.
- Ông thật tình lo ngại sẽ bị tấn công hay sao?
- Ông hãy đợi tới khi quan sát xong. Rồi ông sẽ thấy. Lúc này, tôi chỉ muốn cho ông hay một điều : chúng tôi không muốn bị người ngoài dòm ngó.
Chúng tôi chạy xe xuống phía tây cho tới khi gần đến vùng đất bằng phẳng ơ trung tâm của hòn đảo. Anson không nói gì thêm trong lúc chúng tôi chạy vòng theo những bờ đá mỗi lúc một thấp dần song song với bờ biển về phía tây. Khi trông thấy một khu có nhiều bồn chứa kỳ lạ, tôi vừa hỏi chuyện về đêm vừa qua thì ông ta quẹo chiếc Jeep khỏi con đường chật hẹp và ngừng lại ở góc đường.
Ông ta chỉ tay về phía nam bồn chứa, bảo :
- Bài giảng kế tiếp.
Ông ta chăm chú nhìn tôi trong lúc tôi nhìn sững quang cảnh này. Trước mắt tôi là một ngôi nhà dài và thấp, chỉ có một tầng. Trên mặt tường liền lạc là mấy khung cửa sổ giống hệt trên một chiếc tàu. Những khung cửa sổ đó nhìn ra một khu đất rộng hình chữ nhật bao bọc bởi một hàng rào kẽm gai. Khu đất trơ trụi không một chút cây cối. Rồi tôi dần dần để ý thấy nhiều chỗ lồi lên khỏi mặt đất một cách đều đặn trong hình chữ nhật. Tất cả đều thấp, hơi tròn đầu, sơn lốm đốm nâu để tiếp với màu đất. Mỗi chiếc nắp bằng kim loại dường như có bản lề mở qua một bên. Có cả thảy ba hàng, mỗi hàng bốn cái, cách khoảng nhau độ chừng ba mươi thước tây.
- Ông đoán thử xem nó là gì?
Tôi đáp :
- Tôi có biết gì đâu mà đoán cho nổi. Mấy cái đó trông giống như những bồn dầu nhỏ mà tôi có dịp trông thấy ở Romania với những cái giếng có mái che và gắn đường ống. Nhưng ở đây không có một khúc ông nào. Có phải ông đã tìm ra mỏ dầu?
Anson bật cười. Tôi chưa hề nghe ông ta cười như thế. Đó là một tràng âm thanh the thé như những tiếng sủa của một giống vật, nghe hết sức khó chịu. Tôi có cảm giác màng tai đang vỡ ra.
Cười xong, ông ta giải thích :
- Ông có thể nói như vậy, nếu ông thích dùng giọng văn hoa mỹ. Nhưng thật ra thì không phải. Đó là những hầm chứa hỏa tiễn có tầm bắn trung bình, được đặt ngay bên dưới nắp hầm. Hỏa tiễn được trang bị những hệ thống hướng dẫn cực kỳ chính xác và có thể phóng đi bất cứ lúc nào tôi muốn.
Tôi ngồi sững nhìn mấy dãy hầm, lắng nghe âm vang lời nói của Anson trong đầu. Trong lĩnh vực của tôi, tôi đã thấy nhiều người khổ sở vì một khuyết điểm kỳ lạ về sự phối hợp của bộ óc và cái miệng. Họ hiểu một cách rành rẽ mà vẫn không sao thốt ra một câu nào hay ho. Đặc biệt nhất là một vài người trong giới giáo sư vẫn thường giảng bài hàng giờ cho các học sinh. Một nhà toán học đại tài, đã quen suy nghĩ thành phương trình, có thể phiên dịch những phương trình ra ngôn ngữ mà quý bạn và tôi đều có thể hiểu. Người kém hơn không thể như thế được. Anson gần như là một nhà toán học. Ông ta nghĩ bằng những hình ảnh lạ lùng, tàn nhẫn, rồi ông ta sắp lại thành lời khiến tôi giá buốt tận xương tủy. Tôi đã tưởng lầm ông ta là kẻ mơ mộng đầy ảo tưởng. Ông ta đâu phải vậy. Ông ta có thái độ của một người đã quen cận chiến và thích trò này, một người muốn đánh cá dù thời vận bên ngoài có vẻ xui xẻo, bởi vì ông ta biết chắc mình có thể đổi thay thời vận.
Mãi một lúc sau tôi mới nói được :
- Có lẽ ông muốn nói.
- Tôi không nói đùa.
- Phóng đi bất cứ lúc nào ông muốn - tôi chấp nhận như thế. Nhưng nhắm vào đâu?
Ông ta không trả lời tôi một cách trực tiếp.
- Ông sẽ nhận thấy chúng tôi khỏi cần đặt phòng kiểm soát dưới đất. Thật sự không thành vấn đề. Không thể có ai phục thù, vì chúng tôi có bộ máy vô hiệu hóa, và chỉ cần dùng hỏa tiễn một lần, trong trường hợp tối cần.
Tôi chợt có một hình ảnh điên cuồng của một người hiến thân vào một cuộc chiến tranh bí mật với Nga - Xô, và cố xua tan. Trong cơn xúc động, tôi hỏi một câu khờ khạo :
- Ông làm sao mà đưa được hỏa tiễn đến đây?
- Rất đơn giản. Nếu ông chỉ muốn hỏi điều đó, tôi xin trả lời ngay : bằng đường biển. Nhưng nếu ông muốn hỏi chúng tôi đưa từ đâu đến thì đó là một chuyện khác. Chúng tôi đã đặt chế tạo tại rất nhiều quốc gia và các hãng chế tạo yên trí họ làm cho một chính phủ ngoại bang nào đó.
Ông ta chợt bật cười thành tiếng trước vẻ mặt của tôi.
- Không, không phải là một xứ tương tự Cuba đâu. Không có một món nào được chế tạo tại Nga - Xô. Người Nga không hề hay biết gì về sự hiện hữu của mấy dàn hỏa tiễn này. Ngoài ra cũng chưa có một ai khác hay biết.
- Các hỏa tiễn đó để làm gì?
- Hiện giờ thì không để làm gì cả. Nhưng cũng sắp sửa tới lúc được sử dụng. Đó là một vấn đề. Đáng tiếc lả ông sẽ không bao giờ viết đăng lên mặt báo được.
Ông ta dừng lại một lát để xem đồng hồ tay.
- Vừa đúng mười hai giờ trưa. Tôi sẽ nói cho ông nghe sau khi ăn cơm xong. Mình hãy trở về lâu đài.
Ông ta cho chiếc Jeep nổ máy và chạy băng ngang qua đảo bằng một con đường dẫn chúng tôi qua khỏi lối vào đai kiểm soát hỏa tiễn xây cất bằng gỗ.
|
|
|