Một chiếc Land Rover mui trần đang đậu trên bến tàu trong lúc chiếc ngư lôi đỉnh S tiến vào ụ. Tôi có thể trông thấy chiếc đầu sói không sao lầm lẫn của Anson ở phía trên tay lái. Một gã đàn ông mặc đồng phục xám ngồi bên cạnh ông ta với một khẩu tiểu liên đặt trên đầu gối. Anson bước xuống khỏi xe và đi ra ụ tàu theo một đoạn đường hẹp. Ông ta đưa một bàn tay ra cho tôi khi tôi bước lên bên, và lên tiếng :
- Chào ông Dunbar. Rất vui mừng được gặp lại ông.
Tuy nhiên giọng ông ta chẳng những không vui vẻ một chút nào mà lại còn gượng gạo.
Tôi đáp :
- Chào ông Anson. Tôi đến để bàn tính với ông về đề nghị của ông. Ông có vẻ không khích lệ khách đến đây thì phải?
- Không. Ông đến là một điều rất hay. Tuy ông hơi trễ, nhưng dù sao mình vẫn có thể bàn luận. Ông làm sao mà tìm ra chỗ ở của tôi?
- Martin Allen đã cho tôi hay, ngay trước khi ông ấy chết.
- Phải. Matuschek đã hành sự không được chu đáo. Tôi phải nói chuyện với anh ta về vụ này. Mình nên đi ngay. Trời đã chiều lắm rồi. Ít nhất, tôi cũng có thể mời ông một bữa cơm tối và một giường ngủ đêm hôm nay. Ông có thể đi xe lên tận lâu đài cùng với Nelson và tôi.
Ông ta quay phắc người lại và bước tới chiếc Land Rover. Tôi liền đi theo ông ta. Gã đàn ông cầm súng rời khỏi ghé trước và ra băng sau, cầm theo hành lý của tôi. Trông y có vẻ cau có trong lúc chật vật với túi đồ khá nặng của tôi.
Đường bắt đầu lên dốc thật gắt ngay khi chúng tôi băng ngang Bragawick. Tôi ngắm những ngôi nhà bé nhỏ trong làng, nhớ lại lời Colin Andrews đã diễn tả về nơi này. Toàn thể đều xây bằng đá bản xứ, với mái lợp rơm. Một bọn người không nhiều lắm, đa số là đàn ông, đang xê dịch những thân cây. Họ là những người thợ. Tất cả, cũng như gã Nelson đang ngồi ở băng sau, đều mặc đồng phục xám. Mỗi người đều mang một dấu hiệu nhỏ có hình chữ trên túi ở ngực bên trái để phân biệt.
Thỉnh thoảng tôi mới trông thấy một người đàn bà, nhưng không phải là hạng đàn bà nội trợ. Họ chỉ giống như những người phụ việc, đầu tóc rối bù, ăn mặc lòe loẹt. Phần đông có bộ mặt của dân du mục. Tôi liên tưởng đến một thành phố khai thác mỏ hoặc gỗ xẻ. Đây không phải là một làng có nhựa sống. Trên những con đường chúng tôi chạy qua, không hề thấy bóng dáng một đám trẻ con nào nô đùa.
Chúng tôi ra khỏi Bragawick và vẫn tiếp tục lên dốc. Độ dốc lớn đến nỗi chúng tôi vừa đi lên chưa được một cây số tôi đã trông thấy những mái nhà xa tít về phía dưới.
Cảnh tượng chợt trông thấy ở về phía nam của thành phố làm tôi giật mình. Nằm dài trên vùng bình nguyên dưới dó là cả một phi trường, với hai phi đạo dài và một tòa nhà lớn. Ngoài ra, hai bên phi đạo có nhiều trại chứa phi cơ. Tôi nói với Anson trong lúc ông ta vẫn giữ im lặng suốt từ khi chúng tôi rời khỏi bến tàu.
- Thì ra ở đây có cả một phi trường.
- Vâng.
- Có phải chiếc đang ở trên cầu kiểm soát đó là một chiếc DeHaviiland Bốn-B?
- Vâng. Ông có cặp mắt tốt thật.
- Còn một chiếc Caravelle?
- Đó là phi cơ riêng của tôi. Chiếc Bốn-B thuộc tổ chức.
- Oui-Die?
Ông ta nhìn tôi một cách lạ lùng, không nói gì, mắt quay trở lại con đường quanh co. Nó không đến nỗ quá ngoằn ngoèo như tôi đã tưởng và chiếc Land Rover giữ nguyên một tốc độ khá đều. Chúng tôi hướng về phía bắc đông bắc. Trong lúc chúng tôi lên cao dần, tôi có thể trông thấy mặt biển ở phía nam và đông nam. Tôi còn thoáng thấy được chiếc Ailsa, lúc náy đã biến thành một chấm trắng nhỏ xíu bên kia đảo Nossie, đang trực chỉ theo phía đông để trở về Murra.
Tôi nói với Anson :
- Hòn đảo này tuyệt quá. Chắc ông đang làm chủ ở đây?
- Đâu phải. Có thể tạm gọi là mướn lại.
- Về phía bên trái, có một vùnggì trông như một trại thiết giáp vậy?
Anson mím môi lại thành một lằn thẳng. Ông ta liếc mắt về phía gã đàn ông đang ngồi ở băng sau, nói lảng :
- Ngày hôm nay chắc không thể nào đi viếng cảnh được. Tời sắp tối mất rồi.
Ông ta vói tay bật đèn xe. Tôi có cảm tường ông ta đang quyết định một điều gì, trong lúc ông ta nói tiếp :
- Sáng mai tôi sẽ dẫn ông đi xem một vòng trên đảo, nếu ông vẫn còn ở lại đây với chúng tôi.
Tôi ngậm miệng trên suốt đoạn hành trình còn lại chỉ im lặng nhìn những mép đá lởm chởm gần bờ bể bên phải. Hàng hà sa số chim biển vừa bay vòng quanh vừa kêu la om sòm trên các bờ đá - trong đó có đủ các loài du cầm và hải âu có thể lội nước, lũ hải âu này đang lũ lượt kéo nhau vào đất liền khi màn đêm khởi sự buông xuống. Tôi biết rất có thể có cả loài hải báo xám đặc biệt của miền Đại-tây-dương trong đám núi đá phía dưới những đoạn bờ biển hình răng cưa.
Tôi chợt có một cảm tưởng huyền bí về đảo này. Tôi không sao xua đuổi được ý tưởng hoang liêu của nó ra khỏi tâm trí. Nó đứng yên, hoặc trôi lênh đênh giữa vùng bắc Đại-tây-dương, nằm như một chiếc tàu khổng lồ đi về cõi hư vô, trong một nỗi cô đơn tàn khốc, giữa những ngọn gió lạnh buốt thổi về hướng đông bắc.
Tôi chợt cảm thấy tóc dựng đứng lên ở sau gáy.
Tòa lâu đài đứng sừng sững trên một bờ đá ở mé biển phía đông. Tôi có thể trông thấy nó lúc chúng tôi chạy theo khúc đường vòng cuối cùng. Các khung cửa sổ đã bắt đầu sáng ánh đèn. Trên các bức tường hoa phủ chung quanh, đèn được thắp sáng choang, theo tôi đoán có lẽ không vì muốn cho đẹp mà vì muốn bảo đảm an ninh. Tôi có thể trông thấy nhiều khẩu tiểu liên gắn sẵn sàng vào giá trong chòi gác chính phía trên cao. Tuy nhiên tôi không thể quả quyết có người đang kềm giữ hay không. Những bức tường đá màu xám đã khiến cho cảm tưởng của tôi về hòn đảo này càng thêm vững chắc. Trông nó không khác chiếc cầu phao đang bay bổng lên cao của một con tàu, và con tàu này chính là hòn đảo.
Anson bảo :
- Lâu đài Kinnoul.
Quẹo khỏi đường cái, ông lái xe chừng năm sáu chục thước theo một đoạn đường vòng rải sỏi, chạy vào một khuôn sân nhỏ có những bức tường thấp bằng đá bọc quanh. Tôi nghĩ những bức tường này có thể thay thế cho hào hố. Trông nó giống như đất đá đổ xuống và các lực lượng võ trang khó lòng bò lên nỗi. Chúng tôi dừng lại ở trong sân.
Anson nói :
- Donald sẽ mang hành lý giúp ông và chỉ phòng cho ông. Chúng ta sẽ gặp lại nhau ở đại sảnh để uống cocktail vào lúc bảy giờ. Ông khỏi cần mặc đồ lớn. Tôi thường ăn tối một mình, không dùng chung với các cấp chỉ huy thuộc ban khoa học hiện sống trong lâu đài. Chúng ta sẽ cùng uống cocktail với họ.
Ông ta quay nhanh người và biến vào trong một khung cửa hẹp tối đen, để Donald tiếp tục đi với tôi. Khi chúng tôi bước vào bên trong một hành lang nhỏ xíu tôi ngạc nhiên trong thấy nó chỉ đưa tới một thang máy. Chúng tôi phải đứng chờ. Anson đã đi lên một mình.
Rồi mãi đến lúc trông thấy những phần còn sót lại của một cầu thang cũ, bằng đá đã được thay thế bằng một cái thang máy, tôi mới hiểu ngõ vào này như thế nào. Đây là lối duy nhất để đi vào lâu đài, hoặc đi trở ra. Xưa kia, khoảng trống chật hẹp này vốn là chân cầu thang bằng đá. Một chiến sĩ muốn vào đây phải vửa bước lên cầu thang vừa chiến đấu,mang theo cả khiên lẫn kiếm khó nhọc lắm mới tiến lên được một nấc thang đục sâu trong đá.
Bảng điều động thang máy cho biết có cả thảy bốn tầng, kể luôn tầng trệt là tầng chỉ dùng làm lối ra vào. Ba nút bấm ở trên ghi rõ : ĐẠI SẢNH, CƯ XÁ CHUYÊN VIÊN, NHÂN VIÊN. Donald dẫn tôi lên tầng cư xá chuyên viên tức tầng phía trên đại sảnh. Y đưa tôi đi dọc theo một hành lang dài, hai bên có rất nhiều khung cửa. Cuối cùng y bỏ hành lý của tôi vào một phòng trong góc, và vắn tắt bảo :
- Buồng tắm ở chính giữa hành lang.
Nói đoạn, y đi ra, khẩu tiểu liên mang lắc lư qua vai trái. Tôi có thể nghe giọng nói của y không hề có một chút nhân tính. Nó tuôn ra cửa miệng y như ra khỏi một bộ máy vô tri giác.
Đồ đạc trong phòng tuy đẹp nhưng đơn sơ. Một chiếc giường rộng kê ở đầu phòng, và đầu kia là một lò sưởi đốt bằng củi. Một cánh cửa dẫn vào một buồng vệ sinh chỉ có bồn rửa mặt và một cầu tiêu.
Quang cảnh nhìn qua các khung cửa sổ thật là ghê sợ, dù lúc trời đang tối dần. Mấy cửa sổ phía đông nhìn ra phía trên một bờ vực đầy những đá nhọn lởm chởm đến nỗi khó lòng đủ chỗ cho một bàn chân dài độ hơn hai tấc đặt lên. Các cửa sổ phía bắc nhìn thẳng ra bờ đá dốc đứng chạy xuống biển cách xa gần hai trăm thước phía dưới. Tòa lâu đài đứng trên một mũi đất nhô ra biển. Tôi đoán ít nhất phải có hai hoặc có lẽ ba mặt của tòa nhà trông ra bờ đá. Tôi đã đoán đúng. Chúng tôi đã đi vào theo một mặt duy nhất được dùng làm lối vào. Và cũng chỉ có một con đường ra khỏi lâu đài Kinnoul.
Tôi bước ra khỏi thang máy và đi vào đại sảnh lúc hơn bảy giờ. Căn phòng làm tôi liên tưởng ngay đến phòng khánh tiết trong Whitehall (1) nơi Charles Đệ Nhất (2) đã bị mất đầu bởi tên đao phủ lúc nhà vua vừa bước qua khỏi cửa. Nhưng nơi này rộng gấp rưỡi. Trần phòng cao, các ngọn đèn vách, những bước chân dung - đa số đều mặc loại vải sọc vuông của người Tô-cách-lan _ ván lót tường màu đen, sàn nhà bằng gỗ không trải thảm mòn tới bóng loáng, và những khung cửa sổ cao khiến tôi nghĩ đến thời Phục Hưng (3) toàn thịnh. Một ngọn lửa đang cháy đỏ rực trong một lò sưởi lớn ở khoảng giữa phòng.
Chú thích
(1) Whitehall : một hoàng cung thời xưa của nước Anh gần Westminter Abbey, còn gọi là Whitehall Palace.
(2) Charles Đậ Nhất (1600-1649) : Hoàng đế Anh quốc từ 1625. bị kết tội phản quốc và bị hành hình vào năm 1649.
(3) Renaissane : cuộc cách mạng văn hóa, nghệ thuật và khoa học xảy ra ở Châu Âu vào thế kỷ XV và XVI.
(đến trang 267)
|
|
|