Gã dành mấy ngày sau đó để sắp xếp trên ngọn núi vì gã thấy rõ sẽ không sớm rời khỏi miền đất lành này. Trước hết gã đánh hơi tìm nước và tìm thấy trong một chỗ lõm gần ngọn núi. Nước nhỉ thành một lớp mỏng dọc theo tảng đá vào đấy. Không nhiều nhưng nếu gã kiên nhẫn liếm khoảng một tiếng thì cũng đủ cho nhu cầu trong ngày. Gã tìm thấy cả thức ăn. Đó là những con kỳ nhông nhỏ và rắn khoang mà gã nuốt cả da lẫn xương sau khi đã bứt đầu. Gã ăn thêm thạch y khô, cỏ và những hạt rêu. Theo tiêu chuẩn bình thường thì ăn uống kiểu này hoàn toàn không thể chấp nhận được nhưng lại chẳng làm gã bực mình tí nào. Mấy tuần rồi, mấy tháng rồi gã đâu có sống nhờ vào thực phẩm làm sẵn của con người như bánh mì, dồi, phomát, mà khi thấy đói thì gã ăn tất những gì gã gặp và thấy là ăn được. Gã không phải là kẻ sành ăn. Gã cũng chẳng cần thưởng thức nếu như thưởng thức cốt không phải ở cái mùi thuần tuý vô thể. Gã cũng không cần đến tiện nghi và sẵn sàng hài lòng dựng chỗ ở trên đá trần trụi. Nhưng gã tìm thấy chỗ tốt hơn.
Gần chỗ lấy nước gã phát hiện ra một đường hầm thiên tạo, dẫn sau vào trong núi, qua nhiều khúc quanh hẹp, để sau chừng ba mươi mét thì không đi tiếp được nữa vì đầy đá lở. Ở đó, nơi cuối đường hầm, chật đến nỗi hai vai gã chạm vào đá và thấp đến nỗi gã chỉ có thể đứng lom khom, nhưng ngồi được và nếu gã cong người thì có thể nằm được nữa. Thế là đáp ứng hoàn toàn cái nhu cầu về tiện nghi của gã. Vì chỗ này có nhiều thuận lợi không lường được: cuối đường hầm thì ngay cả ban ngày cũng tối như mực, tĩnh mịch như bãi tha ma, còn không khí thì ẩm, lạnh và có vị muối. Grenouille ngửi ngay ra là chưa từng có một sinh vật nào vào đấy cả. Khi chiếm chỗ này gã có cảm giác rụt rè thành kính. Gã cẩn thận trải cái khăn thô lên nền đá như thể phủ cái bàn thờ rồi nằm lên trên. Gã thoải mái vô cùng. Gã nằm trong lòng ngọn núi cô quạnh nhất nước Pháp, năm mươi mét dưới mặt đất, như trong nấm mồ của chính gã vậy. Trong đời gã chưa bao giờ cảm thấy an toàn như thế, kể cả khi nằm trong bụng mẹ. Dẫu ngoài kia thế giới có cháy rụi thì ở đây gã cũng chẳng hề biết. Gã khóc thầm. Gã không biết phải cám ơn ai với bấy nhiêu may mắn.
Về sau gã chỉ đi ra ngoài để liếm nước, để giải quyết thật nhanh cái việc tiêu tiểu, để săn thằn lằn và rắn. Dễ tóm được chúng vào ban đêm vì chúng rúc dưới các phiến đá hay chui vào hang và gã tìm dấu chúng bằng mũi.
Mấy tuần đầu gã leo lên đỉnh núi thêm vài ba lượt nữa để đánh hơi phía chân trời. Chẳng bao lâu cái việc này trở thành thói quen chán ngắt hơn là cần thiết vì không lần nào gã ngửi thấy sự đe doạ cả. Cho nên cuối cùng gã bỏ cả các chuyến khảo sát và lo trở về phần mộ cho thật nhanh sau khi đã làm những việc lặt vặt cần thiết nhất cho sự sống còn. Bởi vì ở đấy, trong phần mộ, gã mới thực sự sống. Có nghĩa là gã ngồi hơn hai mươi tiếng trong ngày nơi cuối đường hầm, trên cái chăn thô, hoàn toàn trong bóng tối, im lặng và tuyệt đối không cử động, lưng tựa vào đống đá lở, vai kẹp giữa những tảng đá và không đòi hỏi gì hơn.
Ta biết có những người tìm sự cô quạnh như những kẻ sám hối, những người thất chí, những vị thánh hay những nhà tiên tri. Họ thích rút vào sa mạc, sống bằng cào cào và mật ong. Có người chọn hang động hay am trên những hòn đảo xa xôi, hoặc khác thường hơn, ngồi chồm hổm trong cái cũi treo lơ lửng trong không khí. Họ làm như thế để được gần Thượng Đế hơn. Họ sống khổ hạnh qua cô quạnh, qua đó mà sám hối. Họ làm như thế với niềm tin rằng cuộc sống ấy hợp với ý Thượng Đế. Hay là họ chờ đợi ròng rã nhiều tháng nhiều năm, tin rằng lời rao truyền của Thượng Đế sẽ đến với họ trong cảnh cô độc, để rồi họ sẽ vội vã đem rao giảng trong cõi nhân gian.
Grenouille chẳng có gì giống như thế cả. Gã không nghĩ chút xiú nào đến Thượng Đế. Gã không sám hối cũng chẳng chờ đợi một linh cảm màu nhiệm nào. Gã rút về đây chỉ do một thích thú riêng đó là được gần với chính gã. Gã ngụp lặn trong sự tồn tại không gì làm phân tâm được của gã và thấy tuyệt vời. Gã nằm trong cái phần mộ bằng đá như một xác chết, không thở, tim ngừng đập nhưng lại sống hết sức mãnh liệt và phóng đãng mà chưa một kẻ phóng đãng nào ngoài đời từng sống. |
|
|