Tì tay lên ban công, Vịnh đưa mắt nhìn khoảng đất trống đầy cỏ chạy dài xa tít rồi tấm tắc:
- Ở đây đúng là lý tưởng cho những kẻ thích tìm nơi vắng vẻ như mày. Thúy Ái là người khoái chốn lao xao nên " Say Goodbye" là phải. Có điều tao không hiểu sao tụi bây từng yêu nhau thắm thiết bao nhiêu năm, thậm chí đã sống như vợ chồng lại bỏ nhau dễ vậy.
Truyền khẽ nhấp một ngụm rượu:
- Tao còn không hiểu, huống hồ chi mày. Uống đi. Thắc mắc làm gì cho mệt.
Vịnh nheo mắt:
- Mày có tiếc không?
- Nói không là Sở Khanh, nói có lại dối lòng. Tao chợt thấm thía khi đọc mấy câu thơ:
" Khi mòn mỏi nghe đời mình trắc trở
Hơn bao giờ tôi quá đỗi thương tôi. "
Vịnh bật cười:
- Còn đọc được thơ vẫn còn lãng mạn để mau chóng yêu người khác. Chúc mừng mày.
Vừa nói, Vịnh vừa đưa ly lên chạm vào ly của Truyền. Vịnh bảo:
- Nghe Su Su nói, sát bên có cô láng giềng dễ thương lắm, cô bé từng nấu cháo cho mày giải cảm. Đúng không?
Truyền khịt mũi:
- Con nhỏ Su đúng là nhiều chuyện. Cô nàng có bồ rồi, mày đừng gán cho tao tội lắm.
- Thì mày cũng từng có bồ đó thôi. Cuộc đời này phù du lắm đến khi chết mới biết mình thuộc về ai mà. Cứ bình tĩnh tán vào, biết đâu em phải lòng mày, quên béng người yêu.
- Tồi nhất là cướp tình yêu của người khác. Tao đếch làm.
Vịnh gật gù:
- Có chí khí. Khá lắm ! Nhưng lỡ mày yêu con bé thì sao?
Truyền nói:
- Thì đành lẳng lặng mà ngắm tình yêu của mình bên cạnh kẻ khác chớ sao. Nhưng sẽ không đời nào có chuyện đó, mày khỏi lo.
Đưa ly rượu lên miệng, Truyền hớp một ngụm nhỏ và thấy đắng nghét.
Câu hỏi bông lơn của Vịnh làm anh nhớ tới Năng. Cái thằng nhóc ấy khiến anh khó chịu quá. Truyền đã đích thân tới nhà Thúy Ái gặp Năng để giải thích mối quan hệ của anh và Tường Thư, nhưng thái độ của Năng khinh khỉnh như một thách thức cho Truyền biết Năng không muốn nghe anh nói.
Năng đã bảo bằng giọng lạnh lùng:
- Chuyện của tôi và Thư, anh không cần can thiệp. Tự tôi biết phải làm thế nào mà. Đừng nghĩ rằng vì anh mà tôi giận Thư là lầm. Anh không đáng đâu.
Hôm ấy dằn lắm anh mới không cho thằng láu cá ấy cái tát. Anh vì Tường Thư nên đã nhịn, nhưng kết qủa chả ra sao hết.
Thư hỏi, anh đành dối rằng chưa gặp được Năng và thấy tội nghiệp cô bé. Chắc chắn thằng nhóc ấy không yêu Thư đến mức như cô tưởng. Nó đang kết Bích Tuyên. Mà Bích Tuyên thì... anh không muốn nhắc tới dì cháu Thúy Ái chút nào.
Ngay lúc đó, Truyền nghe giọng Vịnh ngạc nhiên:
- Ủa ! Bà hàng xóm của mày trông quen quen. Dứt khoát tao đã gặp rồi, nhưng ở đâu thì chịu.
Truyền nhìn theo ánh mắt của Vịnh:
- Bà Vân, mẹ của cô láng giềng Tường Thư, làm sao mày trông quen được chứ.
Búng tay cái tróc, Vịnh hồ hởi:
- Tao nhớ ra rồi. Bà ta là... Mà không lý nào. Nhà đẹp, con ngoan thế kia...
Truyền nhíu mày vì cách lấp lửng của Vịnh:
- Mày định nói gì, tao chả hiểu.
Vịnh nốc hết phần rượu còn lại trong ly:
- Tao thấy bà Vân giống người thỉnh thoảng vẫn tới nhà lão Thiều ở xóm tao. Lão ấy là một tay mánh mung có hạng chớ chẳng tốt lành gì.
Truyền hoang mang:
- Phải không đó?
Vịnh nheo mắt nhìn bà Vân đi ra cổng:
- Chín mươi lăm phần trăm là phải. Tao không thuộc hạng lắm điều nhưng bà ta thì tao không lầm. Hôm đó lão Thiều chở bà ta quẹo vô hẻm, hai người mải mê tâm tình thế nào mà đâm sầm vào xe tao. Đã không biết quê thì thôi, lão Thiều còn mắng tao " Đồ mất dạy, đồ bốn mắt chạy ẩu. " Chính vì thế, nên tao ấn tượng và không thể nào nhìn lầm bà nhân tình của lão
Truyền nhăn mặt:
- Trời ơi ! Bà nhân tình, mày dùng từ nghe ác quá. Tới tai người ta thì phiền.
Vịnh tỉnh queo:
- Gì mà phiền? Ở xóm tao chả ai lạ lão Thiều. Lão ấy chuyên môn gạ gẫm các bà goá, các bà sồn sồn đang tuổi hồi xuân để lợi dụng chút tình. Bởi vậy có thể bà hàng xóm của mày là nhân tình của lão hổng chừng.
Truyền phản đối ngay:
- Tao không tin. Vì bác Vân không phải mẫu người như mày nói, bác ấy có chồng, có con và đang sống hạnh phúc. Tao rõ về bác ấy hơn mày mà. Biết đâu quan hệ của họ là quan hệ làm ăn.
Vịnh phẩy tay:
- Cho qua vụ này, nó chẳng dính dấp gì tới mình, trừ khi mày mê con bé Tường Thư con của bà Vân, nên mới " bảo vệ danh giá " của bả.
Truyền bực mình:
- Mày buồn cười thật.
Vịnh cười khà khà:
- Tao đùa mà. Nhưng những gì tao nói về lão Thiều là chính xác đấy. Nếu bà Vân quan hệ làm ăn với lão, mày cũng nên đánh tiếng lấy phước, không thôi bà ta sẽ bị lừa.
Truyền lầu bầu:
- Tao lấy tư cách nào để chen vào mối quan hệ làm ăn của bác Vân chứ?
Vịnh hóm hỉnh:
- Tư cách láng giềng tốt bụng. Được quá đi chứ.
Truyền chép miệng:
- Hơi nhiều chuyện và dễ bị chửi. Tao không thích làm phước kiểu đó.
Vịnh nhún vai:
- Vậy thì thôi.
Truyền làm thinh, rồi bỗng nhiên anh hỏi:
- Ông Thiều ấy làm gì?
Vịnh nói:
- Ức tỉ việc nhưng chủ yếu là môi giới. Ông ta chạy hồ sơ, giấy tờ, thủ tục rất tài. Nghe đâu đã từng đi làm việc, giờ đã nghỉ hưu nên quen biết nhiều.
- Nhưng có đúng là ông Thiều quen biết nhiều không?
- Chả biết nổi. Chỉ thấy khách của ổng toàn đàn bà. Tao tin ổng họ Sở.
Truyền nhíu mày. Anh chợt nhớ tới những chuyện xảy ra ở nhà Tường Thư thời gian qua. Rõ ràng giữa ba mẹ cô bé xảy ra vấn đề. Mà nổi bật nhất là hôm ông Tuyển té cầu thang bị chấn thương. May là não không bị ảnh hưởng, nhưng bà Vân không hề quan tâm tới chồng. Bà bỏ mặc ông cho con cái chăm lo với lý do bận công việc. Đây là một lý do thật đáng trách, chỉ có ở những cặp vợ chồng thời chuẩn bị ly hôn. Mà lẽ nào...
Truyền không phải tuýp đàn ông " Chuyện nhà thời nhác, chuyện chú bác thời siêng." nên tốt nhất " đèn nhà ai nấy rạng ". Anh sẽ không nghe lời xúi bảo của Vịnh, đánh tiếng ngỏ lời gì về lão Thiều nào đó với bà Vân.
Nhưng ngẫm nghĩ anh thấy thương thằng nhóc Lân và Tường Thư. Nếu đúng bà Vân có quan hệ với người đàn ông khác, thì gia đình bà sắp biến thành địa ngục mất rồi.
Giọng the thé khác thường của bà Vân tối hôm đó chợt vang lên trong đầu Truyền. Bà đã mắng chồng là "thằng tồi" nghe thật nặng nề và thật khác với vẻ dịu dàng, đằm thắm hàng ngày của bà.
Tối đó, Tường Thư khóc nhiều lắm. Chỉ cần liếc sơ, Truyền cũng thấy đôi mắt đẹp sưng sụp cả mí của cô đang rưng rưng, và dường như lúc nào cũng chực khóc. Có con cái nào vui khi cha mẹ mâu thuẫn chứ. Nhất là với con gái. Tường Thư đang buồn bố mẹ, giờ lại thêm gã người yêu. Nhìn con bé lúc nào cũng thấy vẻ ngơ ngác, chán chường mà tội. Nhưng Truyền chẳng biết làm sao cho Thư khuây khỏa. Thấy cô mặt ủ mày ê, anh lại cả giác mình có lỗi.
Phải đêm đó Truyền đừng rủ Thư vào quán thì cô đâu phải gánh hai vai hai nỗi buồn như vầy.
Vịnh vươn vai:
- Tao về.
Truyền ậm ự:
- Còn sớm mà.
- Sớm mới về để đi chơi, nếu trễ tao đã ngủ luôn ở đây rồi. Ở một mình mày không ngán à?
Truyền lừ mắt:
- Ngán gì? Tao không dễ đột tử đâu.
Vịnh cười hề hề:
- Đúng là nhạy cảm. Tao muốn hỏi mày có ngán buồn không mà.
Truyền so vai:
- Suốt ngày đi làm, gặp nhiều người mệt muốn điên, về nhà vừa yên tịnh vừa mát mẻ, tao chả buồn gì hết.
- Nhưng nếu có thêm một em cùng ngắm hoàng hôn vẫn thích hơn.
Truyền thản nhiên:
- Rồi sẽ tới lúc đó. Lo gì?
Vịnh về lâu rồi, nhưng Truyền vẫn chìm trong suy nghĩ. Đắn đo mãi, anh mới sang nhà Thư.
Cô mở cửa cho anh với nụ cười khá gượng gạo:
- Ba tôi đang than buồn. Anh qua chơi thật may mắn:
Truyền cắc cớ:
- Sao em lại nghĩ tôi qua đây chỉ vì bác trai?
Thư chớp mắt:
- Lân không có ở nhà.
- Tôi muốn nói chuyện với Thư.
Tường Thư cảnh giác:
- Về vấn đề gì?
- Một chút tin tức về công việc làm ăn của bác Vân, chắc là em quan tâm?
Thư nhìn sững vào Truyền như nhìn người ngoài hành tinh, cô bối rối cùng cực. Khi nghe anh nói đến mẹ, dạo này bà đi sớm về muộn rất khác thường và ba cũng chẳng còn khả năng kiểm soát bà.
Sức khoẻ suy sụp, tinh thần ông suy sụp, ông lặng lẽ sáng đến văn phòng, chiều vềngồi thẫn thờ hoặc trùm chăn nằm một xó như người ốm nặng. Ba với mẹ cứ như mặt trời với mặt trăng. Thằng Lân giận mẹ ra mặt, nó trách bà nhẫn tâm với ba.
Tường Thư cũng thế, cô chiêm nghiệm và nhận ra một điều, suốt bao nhiêu năm qua ba mẹ nhìn thì đầm ấm, nhưng dường như tình cảm hai người thiếu mặn nồng. Hai người như hai chiếc bóng lặng lẽ bên nhau, nhẫn nại chịu đựng nhau để gia đình được trong ấm ngoài êm.
Giờ sự chịu đựng ấy đã vượt mức, mẹ là người phá vỡ sự êm ấm của gia đình trước. Chắc chắn bà đang chán ghét ba.
Trấn tĩnh lại, Thư nói:
- Đương nhiên là tôi quan tâm, nhưng đó là tin tức gì?
Truyền rào đón:
- Tôi rất quý gia đình Thư, nên đây là những lời hết sức chân tình tôi... tôi...
Tường Thư sốt ruột:
- Trời ơi ! Sao bữa nay anh dài dòng vậy?
Truyền liếm môi:
- Vì chuyện này có phần tế nhị. Tôi được biết bác Vân đang làm ăn với một người đàn ông. Ông ta không đáng tin tưởng, vì thế Thư cần tìm cách đánh động để bác gái cẩn thẩn hơn, nếu không muốn bị lừa.
Tường Thư sửng sốt, cô hoàn toàn bất ngờ vì những lời của Truyền. Thư chợt thấy nóng mặt khi nghĩ anh chắc chắn phải biết nhiều hơn rất nhiều so với điều vừa nói.
Cô ấp úng:
- Anh có thể nói rõ hơn không?
Truyền nhún vai:
- Tôi chỉ biết ông ta tên Thiều, một người khá tai tiếng.
- Về lĩnh vực nào?
Truyền ngập ngừng:
- Lừa đảo phụ nữ.
Mặt Thư đỏ ửng rồi tái mét, cô hạ giọng:
- Cám ơn anh đã cho tôi biết chuyện này. Xin anh đừng nói gì với ba tôi hết. Dạo này sức khoẻ và cả tinh thần ông đều sa sút.
Truyền nói:
- Thư an tâm. Mà tôi thấy sức khoẻ lẫn tinh thần của em cũng có hơn gì bác Tuyển đâu. Buồn phiền rất dễ quật ngã người ta.
Tường Thư bậm môi:
- Anh vẫn chưa gặp Năng sao?
Truyền thở dài:
- Đã gặp. Năng cho rằng tôi không nên can thiệp vào chuyện của hai người.
- Nghĩa là Năng vẫn còn giận, còn hiểu lầm tôi.
Truyền lắc đầu:
- Cậu ấy biết tôi và Thư không có gì mà.
Tường Thư băn khoăn:
- Vậy tại sao Năng tránh gặp tôi?
Truyền làm thinh. Một lát sau anh nói:
- Cậu ấy đang thi.
Mặt Thư tươi một chút:
- Ờ nhỉ. Vậy mà tôi quên.
Truyền nói:
- Để tôi đọc số điện thoại nhà Thúy Ái, em có thể liên lạc với Năng.
Thư lắc đầu:
- Không cần đâu. Tôi không muốn anh bị trách.
Điện thoại reo, Thư bảo:
- Anh vào nhà trò chuyện với ba tôi nhé. Ông đang buồn lắm.
Truyền mỉm cười:
- Được rồi.Em nghe điện thoại đi.
Tường Thư vội chạy vào nhà trước. Nhấc máy lên, Thư nghe tiếng Mai Hiên. Con bé hỏi bằng giọng khá căng thẳng:
- Bác Vân có nhà không?
- Không. Mẹ tao bảo đi khui hụi ở nhà mày mà.
Mai Hiên nói:
- Hoàn toàn không có. Bác Vân đã gởi thăm bỏ hụi từ hôm qua. Nè ! Bình tĩnh nghe tao... bỏ nhỏ đây. Bác Vân sắp gặp rắc rối. Mày mau mau tới số nhà... đường Đinh Bộ Lĩnh xem có bác ấy ở đó không. Nếu có mày đưa bác rời khỏi đó ngay.
Thư nhíu mày:
- Nhưng mà tại sao phải làm như vậy?
Mai Hiên gắt:
- Rồi tao sẽ kể cho mày nghe sau. Giờ đi ngay đi.
Thư liếm môi:
- Nhỡ mẹ tao không chịu theo tao thì sao?
Hiên im lặng mấy tích tắc rồi mới nói:
- Mày cứ bảo bác Liên sắp dẫn vài ba người tới ngay bây giờ. Chắc chắn mẹ mày sẽ theo mày ngay.
Tường Thư thảng thốt:
- Sao lại có bác Liên nữa?
- Trời ơi ! Đừng hỏi nữa. Mày đi nhanh, không thôi trễ bây giờ.
Không đợi Thư nói thêm tiếng nào, Mai Hiên gác mạnh máy. Tường Thư vội vã dắt xe ra sau khi nói với ba là tới nhà bạn gấp.
Mồm lẩm nhẩm số nhà, Thư vừa điều khiển xe, vừa suy nghĩ lung tung. Những lời úp mở khó hiểu của Mai Hiên khiến cô khó chịu làm sao. Nó làm Thư liên tưởng tới một vụ đánh ghen.
Mà chẳng lẽ đúng như vậy. Nhưng tại sao bác Liên lại liên quan đến mẹ? Tường Thư càng lúc càng bồn chồn nóng nảy. Cô muốn phát sốt trước sự di chuyển chậm chạp của dòng xe trước mắt. Dường như đang sắp kẹt xe. Nếu thế thì nguy to. Thư lách vào một đường hẻm để đi cho nhanh.
Cô láo liên tìm địa chỉ. Dừng xe trước một căn nhà hai tầng, cô ngạc nhiên đến sửng sốt khi thấy Lân, Mẫn em của Mai Hiên đang đứng trước sân, kế bên là mẹ cô.
Bà hậm hực khi Thư dựng chống xe:
- Hừ ! Chúng mày định làm trò gì ở đây?
Lân lạnh lùng:
- Con muốn mẹ về ngay.
- Sao lại về? Mẹ đang tính toán sổ sách với người ta mà.
Mắt Lân quắc lên thật dữ dội, nó bảo:
- Mẹ thôi nói dối đi. Con không ngốc đến mức còn tin lời mẹ nữa. Mẹ theo chị Thư về ngay đi. Bác Liên sắp tới rồi.
Nghe nhắc đến bà Liên, bà Vân đanh mặt lại:
- Con khốn ấy... đúng là khốn nạn.
Rồi không nói không rằng, bà quay phắt vào nhà, tới bộ salon nơi có một người đàn ông trung niên đang ngồi.
Đứng trước mặt ông ta, bà Vân mắng:
- Thì ra anh vẫn còn liên lạc với con Liên. Đồ tồi !
Chụp cái xách tay trên bàn, bà Vân te tái bước ra. Vừa lúc ấy, một nhóm xe gắn máy ba bốn chiếc dừng lại cùng lúc ngay chỗ bọn Thư đứng. Trên xe bước xuống mấy người đàn bà, trong đó có bà Liên.
Nhìn thấy Thư và Lân, bà Liên nhếch môi:
- Chà ! Con cái theo canh cửa cho mẹ đi ngoại tình. Lần đầu tôi mới được nhìn thấy.Hừ ! Người đạo đức đi ngoại tình cũng khác thiên hạ.
Bà Vân làm thinh leo lên ngồi sau xe của Thư, cô chưa kịp khởi động máy, một bà trang điểm khá đậm bước tới chận đầu xe cô.
Giọng bà ta đầy kích động:
- Tao nói cho mày biết, mẹ mày cắm trên đầu ông già mày vô số sừng. Thứ mẹ thế nào con thế ấy, bởi vậy ai dám làm sui với hạng người như mẹ mày. May là tao không bắt quả tang, nếu không ấy hả...
Lân quát lên:
- Chở mẹ về đi !
Tường Thư như bừng tỉnh, cô luýnh quýnh sang số, chiếc xe như lảo đảo trước khi chạy.
Nước mắt nhoè nhoẹt, hai tai ù đặc, Tường Thư vái trời mình đang nằm mơ. Cơn ác mộng này thật kinh khủng. Cô chờ nghe ở mẹ một lời giải thích dù dối trá cũng được, nhưng bà hoàn toàn im lặng. Một sự im lặng đáng sợ
Hai mẹ con như hai người câm ngồi với nhau suốt đoạn đường về. Chở bà về tới cổng, Tường Thư không vào nhà mà phóng vèo đi, mặc cho bà thất thanh gọi với theo.
Chạy một mạch tới nhà Mai Hiên, cô nghiêm nghị ngồi trước mắt con nhỏ và bảo:
- Này ! Hãy nói thật với tao tất cả, nếu mày còn là bạn tốt.
Mai Hiên chẳng dông dài:
- Lúc khui hụi, tao tình cờ nghe bác Liên kể với mấy bà là bác Vân đang... đang ở nhà ông Thiều, người yêu cũ ngày xưa. Thế là mấy bà rủ nhau đi tới đó để hạ nhục bác ấy. Vừa nghe xong, tao gọi cho mày và bảo thằng Mẫn đi kiếm thằng Lân ngay.
Tường Thư kêu lên:
- Tạo sao họ lại làm như vậy? Nhất là bác Liên, sao bác ấy ghét mẹ tao đến thế?
Mai Hiên chép miệng:
- Tao cũng từng thắc mắc như mày. Có lần nghe mẹ tao giải thích...
Thư nhìn Hiên trân trối:
- Mẹ mày giải thích thế nào?
Hiên thở dài như bà lão:
- Tất cả cũng vì một chữ tình mà hai người từng là bạn thân đã trở thành thù nghịch. Mẹ tao kể hồi xưa, bác Vân và bác Liên khá thân nhau. Hai người cùng quen một người tên Thiều.
Tường Thư nuốt nghẹn xuống khi nghe Hiên nhắc tới tên này. Vậy là Truyền biết hết rồi. Thật nhục nhã.
Mai Hiên vẫn tiếp tục nói:
- Ông ta là một người đẹp trai, dẻo mồm, khéo làm xiêu lòng phụ nữ và nguy hiểm hơn ông Thiều đã chơi trò bắt cá hai tay, ông tán tỉnh một lúc hai người bạn thân. Mọi chuyện đổ vỡ ra, bác Vân và bác Liên từ đó không nhìn mặt nhau. Ông Thiều buộc phải chuyển chỗ làm. Sau đó ai cũng lập gia đình nhưng mối hờn ghen năm xưa theo năm tháng không hề phai nhạt. Mỗi lần thấy gia đình bác Liên xào xáo, bác Vân lấy làm hả hê.
Liếc Thư một cái, Mai Hiên trầm giọng:
- Người ta bảo để trêu ngươi bác Liên, mẹ mày rất chăm chút chồng con, chính hạnh phúc của gia đình mày, khiến bác Liên đã ghét bác Vân càng ghét hơn, khi cuộc sống của bác dạo còn ở tập thể luôn thua chị kém em.
Ngập ngừng một lúc, Hiên nói:
- Họ còn bảo, Năng chả yêu gì mày, chẳng qua hắn muốn cho mẹ vui nên mới chinh phục cho bằng được mày và bỏ cho đáng đời.
Mắt Tường Thư tối sầm lại, cô ấp úng:
- Ai nói vậy?
Mai Hiên buông thõng:
- Ngọc Nga.
- Nhưng tại sao nó lại nói thế?
Hiên chép miệng:
- Con nhỏ Tuyên kể cho Nga nghe. Bích Tuyên bảo chính Năng nói với nó như chứng minh hắn chẳng hề yêu mày. Đó chỉ là một cuộc trả thù thú vị. Đàn ông như vậy đúng là đồ tồi. Mày quên hắn càng sớm càng tốt.
Tường Thư ráo hoảnh nước mắt. Cô không ngờ Năng lại như vậy. Ôm mặt, cô như nghe những lời yêu thương anh từng nói với mình đang vọng về.
Lẽ nào tất cả chỉ là dối trá. Lẽ nào khi nói khi hôn Thư lại là lúc anh ghét cô nhất?
Người vã mồ hôi, dầu đang ngồi trước quạt máy, Tường Thư chợt rùng mình. Vẻ thất thần đầy tuyệt vọng của Thư khiến Mai Hiên lo lắng.
Con bé lắc nhẹ tay Thư:
- Nè ! Mày không sao chứ?
Cô trấn tĩnh:
- Không. Nhưng thật khủng khiếp khi chợt được biết mình là nạn nhân của một trò lừa đảo. Sao Năng nỡ đối xử với tao như thế? Tao đâu có lỗi gì trong chuyện hai bà mẹ ghét nhau.
Mai Hiên lắc đầu:
- Tội của mày là yêu lầm người. Mày vô tình còn hắn cố ý nên rốt cuộc kẻ thiệt thòi vẫn là mày.
Tường Thư ngồi rũ người ra, ngồi kế bên, Mai Hiên tiếp tục lải nhải:
- Người như Năng là thứ bỏ đi, mày chả nên buồn khi quanh mình còn ối đàn ông tốt. Ví dụ như gã ở kế nhà mày, gã ta được đấy chứ.
Tường Thư gắt:
- Mày lại nói đi đâu đấy. Gã được thì đã sao? Tao bây giờ chả còn tâm trí để nghĩ tới ai. Gia đình tao sắp tiêu rồi. Tại sao mày giấu chuyện mẹ tao và gã đàn ông tên Thiều đó?
Mai Hiên trợn mắt:
- Tao thề là mới biết bác Vân có qua lại với ông Thiều lúc nãy.
Thư xẵng giọng:
- Mày nói dối !
Rồi cô nghẹn ngào:
- Lẽ ra mày phải kể chuyện ngày xưa của các bà cho tao nghe để hiểu hơn về Năng.
Hiên nhăn nhó:
- Làm sao tao có thể mở miệng kể những chuyện đó với mày. Kể như vậy khác nào nói xấu người lớn.
Tường Thư chua chát:
- Tao đã sai khi trách mày. Nhưng nghĩ thật nhục, chuyện trong nhà, tao chả biết gì, nhưng thiên hạ ai cũng hay hết. Càng nghĩ càng nhục nhã.
Mai Hiên phật ý:
- Xời ! Sao lại bi quan thế? Chả gì phải nhục. Ai lại không có một mối tình nào đó trước khi lập gia đình. Mẹ mày và bác Liên cũng thế, không còn là người yêu cũng là bạn bè tốt được. Tất cả tại bác Liên muốn thổi phồng sự việc, để thỏa mãn lòng đố kỵ của mình, chớ có gì đâu.
Tường Thư cố chấp:
- Vậy tại sao mày bảo tao và thằng Lân phải mau chóng tới nhà ông Thiều để giải vây cho mẹ tao.
Mai Hiên nói:
- Tao biết trong đám bạn của bác Liên có một bà từng sống chung như vợ chồng với ông Thiều, nhưng sau đó đường ai nấy đi. Bà ta vẫn còn nặng tình với ông Thiều, nên ông ấy giao du với ai, bà cũng rình rập, tìm hiểu và kiếm chuyện với người đó. Chính bà ta chủ mưu việc tới nhà ông Thiều để bêu xấu bác Vân, dù bà ta và bác Vân chẳng lạ gì nhau. Mẹ tao nghe được liền bảo phải cho tụi bay hay ngay. Bà sợ bác Vân tình ngay lý gian.
Tường Thư nhếch môi:
- Cám ơn mẹ mày đã nghĩ tốt cho mẹ tao. " Tình ngay lý gian ". Câu đó mới thấm thía làm sao.
Mai Hiên xụ mặt:
- Chớ bộ hổng phải à?
Tường Thư làm thinh, đầu óc trống rỗng, cô chỉ muốn mình biến mất khỏi trần gian này để đừng gặp ai hết. Nghĩ tới lúc trở về nhà, phải đối diện với mẹ, Thư không chịu nổi.
Với cô, thế giới này đã tan vỡ, không còn niềm tin, tình yêu và hy vọng. Những người Thư yêu thương nhất đều độc ác với cô. Thư đau nghẹn cả ngực mà không khóc được, dù cô vốn mau nước mắt.
Cô buột miệng:
- Tao không muốn về nhà, không muốn gặp mẹ tao chút nào hết.
Mai Hiên ôm vai Thư:
- Đừng như vậy. Bác Vân và ông Thiều chỉ hợp tác làm ăn thôi, chớ không giống lời người ta thổi phồng đâu.
- Mày không cần an ủi, tao biết những gì đang xảy ra trong gia đình mình. Công việc kinh doanh của ba tao trì trệ, mẹ tao không còn đồng lòng " Tát biển Đông " với ông nữa, bà cũng chẳng còn là chỗ dựa tinh thần của ba như trước đây. Bà bỏ mặc ông gánh vác để làm ăn riêng với người yêu cũ, một người vợ như vậy, thật đáng trách phải không?
Mai Hiên nói mà như không tin vào lời mình nói:
- Biết đâu bác Vân có những khó khăn riêng. Nếu có làm ăn với... người yêu cũ đi nữa, mẹ mày cũng vì gia đình.
Tường Thư lặng lẽ thở dài, cô không thể đem hết chuyện nhà rối như tơ của mình ra kể hết với Mai Hiên, dù con nhỏ rất tốt với cô. Nhưng để trong lòng thế này thật là nặng nề.
Thư không ngờ gia đình mình lại rơi vào cảnh ngộ này khi giai đoạn khó khăn nhất về kinh tế đã qua. Bây giờ công việc của ba không suôn sẻ, song đâu có nghĩa là bế tắc hoàn toàn. Khổ sao mẹ lại lấy đó làm cớ để đi tắt về ngang, khinh rẻ người cùng mình vượt bao nhiêu lần khó khăn.
" Tình cũ không rủ cũng tới " Chẳng lẽ mãnh lực của mối tình xưa còn mạnh đến mức bà bất chấp tất cả? Tường Thư nhếch môi. Vậy mà mẹ từng cao giọng bảo cô: " Mối tình nào cũng sẽ qua, cũng sẽ quên. Người ta sẽ có những tình yêu mới, lãng mạn hơn, thi vị hơn khi nhớ về gã người yêu cũ, người ta sẽ bật cười vì sự ngớ ngẩn ngày đó của mình ".
Mối tình của mẹ ngày xưa có ngớ ngẩn đâu? Rõ ràng có cơ hội bà sẵn sàng lao vào vòng tay người đàn ông đó. Thế mới biết nói, chỉ trích kẻ khác rất dễ, nhưng nếu bảo đừng làm những điều đã chỉ trích Thư với chính bản thân, thì mẹ không làm được. Bà đã không quên dù mối tình ấy đã qua hai mươi mấy năm.
Mai Hiên bảo:
- Về nhà xem bác Vân thế nào. Những lúc bối rối như vầy, mày đừng bỏ bác một mình.
Tường Thư nói:
- Mẹ tao có thần kinh thép, mày không phải lo. Nếu mày không thích tao ngồi đây lải nhải, thì tao đi cho rồi.
Hiên nhăn mặt:
- Ý tao không phải vậy. Mà mày đi đâu?
Thư gượng gạo:
- Tao đùa mà. Có đi đâu rồi cũng phải về nhà. Tốt nhất là chui vào phòng, trùm chăn kín mít và tưởng tượng mình đã chết là sướng nhất.
Mai Hiên gắt:
- Toàn chuyện dở hơi:
Thư uể oải đứng lên:
- Nhưng đó là điều tao đang muốn. Tao mất tất cả rồi, sống còn nghĩa lý gì nữa.
Hiên nạt:
- Dẹp cái tư tưởng bạc nhược ấy đi. Mày đâu phải đứa yếu đuối, muốn chết vì một thằng không ra gì là ngu.
Tường Thư lầm lì:
- Tao về đây.
Mai Hiên gọi với theo:
- Chờ một chút. Tao đưa mày về.
Thư cười khan:
- Mày sợ tao chết hả? Tao phải sống để nhìn đời chứ. Chết là dở lắm
Hiên dịu giọng:
- Biết vậy thì tốt. Về cẩn thận đấy.
Tường Thư xúc động:
- Tao còn có mỗi mày thôi.
Mai Hiên cao giọng:
- Rồi mày sẽ yêu gã khác đàng hoàng, phong độ hơn Năng về mọi mặt. Ráng vượt qua nỗi buồn này và nhớ lúc nào tao cũng là bạn mày.
Thư chớp mắt, cô thấy vơi buồn và điềm đạm chạy xe đi. Ngoài phố, mọi người vẫn quay vòng với cuộc sống, dù không muốn, Thư vẫn bị dòng đời cuốn theo thật hối hả.
|
|
|