Trần Quyết Thắng là tên của một chủ nhà hàng karaoke nằm ở quận Phú Nhuận, tôi không quen biết anh này mà là do Thương giới thiệu để tôi hùn hạp một chân vào nhà hàng của anh ta cho mấy đứa em có công ăn việc làm. Qua Thương tôi biết anh ta mở nhà hàng đã được mười mấy năm. Thời gian đầu dịch vụ nhà hàng có tí "em út" làm ăn phát đạt, tiền chảy vào túi anh ta rủng rỉnh. Nhưng cũng vì cái cố tật mê bài bạc, nhất là cá độ đá banh nên của cải cứ từ từ đội nón ra đi. Nhà hàng của anh phải sang bớt cho người khác, lúc đầu chỉ là một phần nho nhỏ, sau nhượng thêm phân nửa, và cuối cùng anh ta chỉ còn lại một góc tư. Tôi không trực tiếp nhúng tay vào công việc của nhà hàng, mọi thứ đều do Hạnh và thằng Út coi sóc, cần thêm tiền vốn hay muốn bàn bạc gì thì Hạnh gọi điện thoại qua Nhật hỏi ý kiến tôi. Lúc làm hợp đồng sang nhượng, tôi không có mặt tại đó nên không hiểu cách điều hành kinh doanh như thế nào, và cái nhà hàng này mặt mũi nó ra làm sao.
Lần đầu tiên bước vào nhà hàng tôi không khỏi bỡ ngỡ vì toàn bộ căn nhà sao mà trông nó thật u ám, bẩn thỉu, phòng ốc thoang thoảng mùi ẩm mốc khó chịu, mấy bộ ghế sô pha rách tét bét, chắp vá nham nhở như cóc gặm, thỉnh thoảng, vài con chuột nhắt chạy từ trong gầm ghế ra, ngó nghiêng, thấy người lại vụt chui vào chỗ cũ. Phòng vệ sinh thì khỏi nói, trông thật nhớp nhúa, cái bồn cầu mất nắp nằm chơ vơ, thùng chứa nước bị hư đồ gạt tự động, mở bung nắp để ai có nhu cầu thì thò tay vào nhấc cần có chứa quả bóng cân bằng lượng nước, tấm gương soi treo trên tường thì loang lổ không còn nhìn rõ mặt, cả phòng vệ sinh sặc sụa mùi khai nồng nước tiểu trộn lẫn với bia mà khách xả ra từ hôm qua còn sót lại.
Nhà hàng được bẩy phòng cả thẩy nhưng lại chỉ có hai giàn karaoke "di động", phòng nào khách yêu cầu có nhạc hát hò, mấy anh bồi sẽ bê đầu hát karaoke lên ráp lại và chỉnh nhạc, thường trong phòng chỉ để cặp loa, ti vi. Tôi lấy làm thắc mắc sao không mua bảy giàn cho đủ các phòng, gì đâu mà mỗi lần khách yêu cầu hát mới mang máy chạy lạch bạch như vịt. Hạnh trả lời: "Trời ơi. Có giấy phép kinh doanh karaoke đâu mà sắm nhiều. Giấy phép này chỉ được kinh doanh ăn uống thôi, karaoke là "lụi" đấy! Bữa nào có đoàn kiểm tra, tụi bồi phải chạy mang dấu thấy bà, không có thì bị phạt sặc máu". Tôi cười ra nước mắt, trời ơi! Nhà hàng gì đâu sao thấy mà thương!
Trên tận cùng sân thượng có một phòng nhỏ dành cho nữ tiếp viên, nhân viên nữ cũng chỉ hơn chục mạng, đa phần còn rất trẻ, trông nhếch nhác, nghèo nàn y như quán này. Các em từ dưới quê lên xin việc, không được trả lương, chỉ sống nhờ vào tiền "bo" của khách và được nuôi hai bữa cơm đạm bạc. Hạnh kéo tôi ra ngoài chỉ xuống sân thượng của nhà hàng xóm bên cạnh, nói:
- Chị coi, tụi này liều ghê. Hễ nghe tiếng công an là y như rằng chúng nó chạy bạt mạng, nhẩy từ đây xuống dưới đó.
Khoảng cách từ trên xuống dưới phải cỡ hơn hai mét, lại cách một khoảng trống nối giữa hai căn nhà. Tôi nhắm mắt, rùng mình khi nghĩ đến có đứa trượt chân rớt xuống dưới đất, chắc bẹp dí như con tép mất.
- Nguy hiểm quá! Lỡ có đứa té chết rồi sao?
- Bởi vậy, em lo thấy mồ luôn. Nói hoài tụi nó có nghe đâu, trong đầu óc tụi nó chữ "công an" ám ảnh mất vía, hễ nghe tiếng công an là tụi nó phóng như điên như dại xuống dưới. Vậy mà hên ghê, chưa có đứa nào bị què giò hay trật cẳng gì cả.
- Bộ mấy đứa không có hợp đồng lao động hả?
- Có chớ, những đứa mới xin làm mình phải xem coi ý nó có muốn làm lâu hay vài bữa lại bỏ. Ký hợp đồng cho tụi nó phải tốn tiền, nó làm vài bữa bỏ thì uổng mất công của mình.
- Khách khứa thì sao, có khá không?
- Khách cũng khá, lai rai có hoài.
- Kiếm dư được chút đỉnh nào không?
- Có tháng này tháng kia chị ạ, bù qua sớt lại thì chỉ dư chút đỉnh, không đáng.
- Muốn có khách xịn, khách sang thì phải tu chỉnh lại phòng ốc, tuyển thêm vài cô trông xinh xinh một chút. Trong đám nhân viên nữ của tụi bay, chị chả thấy đứa nào coi ra hồn, vậy làm sao kéo được khách?
- Mấy con đẹp đẹp tụi nó "điếm" lắm chị ạ, nó đến xin việc làm chủ yếu kiếm khách "xộp", thân quen rồi, nó "gù" khách về phòng trọ của nó "tâm sự" rồi thì thủ thỉ bên tai khách "Anh đừng thèm đến nhà hàng nữa, muốn gặp em anh lên đây được rồi, nhà hàng bán mắc thấy mồ lên, đến làm chi cho uổng tiền." Thế là mình mất khách.
- Ồ! Thì ra thế!
Tôi lắc đầu thở dài đứng dựa lưng vào cánh cửa nhìn vô trong phòng, mấy đứa con gái vẫn ngồi đánh bài, cười nói thoải mái, có đứa ở trần chỉ mặc mỗi cái áo ngực, bộ ngực núng nính rung rinh mỗi lần cô nàng khoái trí cười khi bắt được một cây bài thú vị. Phía trong góc đứa kê gối nằm ngủ, đứa thì lại tô tô vẽ vẽ rồi ngắm lại dung nhan của mình trong cái gương nhỏ xíu xiu.
- Sao không nhính chút đỉnh tiền lời trả lương cho tụi nó, ít cũng được, giả sử cả tuần không có khách, tụi nó chết đói à?
- Từ trước đến giờ vẫn vậy, có trả lương đâu. Thằng Út nhà mình cũng làm gì có lương. Nếu mà phải trả lương chắc lỗ sặc máu, đóng cửa sớm mất.
- Ô hay! Vậy làm không có lời thì làm làm gì cho mệt!
- Em đang chờ gỡ lại vốn rồi rút cho rồi, mình không phải trong nghề sợ thấy mồ. Lỡ nó gài bẫy ập vô bắt, dám tù mọt kiếp.
Nghe đến chữ "tù tội", tôi đâm ra sốt rét, làm karaoke "ôm" cái kiểu này, dám có ngày vô tù thật chứ giỡn sao. Nhà đã có hai người ở tù rồi, thêm hai đứa này nữa, chắc tôi chết mất. Tôi thở hắt ra kéo cái Hạnh đi xuống dưới quầy tính tiền.
Hạnh lúi cúi xếp lại mấy bao thuốc lá cho gọn, chia đậu phộng ra những bịch nhỏ, sắp sẵn đồ khô vào từng rổ nan để chút nữa khách đến sẽ mang lên phòng cho khách. Hạnh kể:
- Làm ở đây nhiều lúc cũng vui lắm chị, cười muốn bể bụng. Có ông già, già xọm, lết không muốn nổi, lên cầu thang phải nhờ "bồi" dìu. Vậy mà tháng nào cũng phải mò đến hai, ba lần. Đúng là thứ già mất nết! Cũng có ông chạy chiếc xe đạp quèn, mấy tháng mới để dành tiền ghé lại một lần, uống được vài chai bia. Thật tình, khách như vậy không lẽ mình đuổi cổ về cho rồi. Rõ chán!
- Công an có hay đến kiểm tra nhũng nhiễu không?
- Gớm! Ở đó mà tụi nó chừa mình.
- Sao nghe Thương bảo ông Thắng giỏi chạy chọt lắm mà.
- Thì tháng nào mà không phải chi, chi đầy đủ từ trên xuống dưới. Nhưng mà tụi nó cũng ập vô kiểm tra đột xuất hoài. Hết Quận rồi đến Thành Phố... Vô kiểm tra, không mắc lỗi gì nó vẽ ra mình có lỗi để phạt. Tháng trước mới bị phạt hết 2 triệu chưa đi đóng đây nè. - Hạnh hạ giọng nói nho nhỏ - Tính ra có lời lắm, nhưng tiền nhà, tiền thuế, tiền chung chi tùm lum thành ra làm cực khổ mà tụi công an với tụi văn hoá hưởng sạch. Cuối tháng chia ra đâu còn bao nhiêu.
- Sao không sửa lại bàn ghế cho sạch sẽ, nhất là cái toilet, trông gớm quá!
- Ai mà không biết, nhưng nhà hàng đâu phải của riêng mình. Các ông bà sợ tốn tiền, ai cũng tị nạnh.
- Nếu vậy thì nghỉ đi, xem ai muốn làm ăn thì sang lại phần mình cho người ta. Đừng làm nữa cho mệt.
Mấy tháng sau Sea game 22 tổ chức tại Việt Nam kết thúc, chị em tụi tôi bỏ cuộc không theo đuổi nhà hàng karaoke nữa. Thằng Út mở tiệm điện lạnh. Thương nhẩy qua nhà hàng khác hùn vốn làm ăn tiếp. Anh Thắng thất nghiệp một thời gian dài, nay quay về xin một chân nấu cơm cho thằng Út. Hạnh còn thủ thỉ với tôi: "Vợ chồng ông cũng còn một mảnh đất trên quận 12, nhưng tiền đâu mà xây nhà. Đấy, cũng ham cờ bạc mà tán gia bại sản!"
- Lấy chồng đi thôi chứ, già rồi còn gì?
Thương tủm tỉm cười:
- Ai lấy mà lấy, ế thật rồi chị ạ.
- Bên nội bên ngoại còn có mình mày đấy, thôi coi ông nào hỏi cưới thì chịu quách cho rồi, lần lữa mãi. U 40 rồi đó nghe em.
Thương bật cười khúc khích.
- Lấy chồng thì cũng phải đúng duyên đúng số. Mẹ em bà cằn nhằn quá trời chuyện chồng con của em. Thật sự, tuổi của em cũng khó chọn chồng lắm, mấy người coi được được thì họ có vợ con hết rồi, còn thứ bát nháo lấy làm gì cho mệt, ở giá có phải khoẻ hơn không.
- Làm đàn bà con gái khổ vậy đấy, có chồng thì khổ trăm đường mà không có chồng thì lại bị gọi là coi là "ế ".
- Ừ Hân nhỉ, làm đàn bà chán nhỉ. Chỉ có Hân là sướng nhất thôi, an nhàn, thích về là về, thích đi là đi. Chồng cưng quá trời! Thiệt đúng là con người ta số đẻ "bọc điều!"
Cả hai đứa tôi cùng phá ra cười. Thương giơ tay xem đồng hồ, miệng lẩm bẩm:
- Quái, chị Nguyệt hẹn lên đây cùng với em mà sao lâu quá vậy nhỉ?
- Bà hẹn với Thương hồi nào?
- Từ lúc em còn ở nhà lận mà.
- Bà ở dưới Gò Vấp, lên đây xa lắc xa lơ.
Thực ra, chị Nguyệt và Thương chưa hề quen biết nhau cho đến tận khi tôi rủ chị đi hát karraoke ủng hộ nhà hàng. Qua đôi lời giới thiệu, từ đấy chị và Thương kết bạn với nhau thân thiết hơn tôi tưởng nhiều, bởi một bà thì "quá chồng" còn một nàng thì sắp "ế chồng". Mới vài hôm trước, chị Nguyệt rỉ tai tôi bỏ nhỏ: "Nhỏ bạn em khôn trời thần luôn, không biết nó "gù" làm sao mà vợ chồng chú Sáu chị đồng ý nhập hộ khẩu về Sài Gòn cho nó đó." Tôi công nhận với chị điều ấy, tôi còn quý Thương ở điểm rất sòng phẳng và giữ chữ tín. Mỗi lần nó mượn tiền của tôi làm công chuyện, hứa trả ngày nào là đúng y boong ngày đó, không cù nhầy, trây bửa như những người khác. Tôi thì ruột để ngoài da, hễ bạn bè hay hàng xóm láng giềng gặp khó khăn, chạy đến tôi hỏi mượn tiền là tôi móc ra liền, nhất là mấy đứa mau nước mắt, khỏi cần nó mở miệng là tôi đã móc ra trước rồi. Vì điều này mà nhỏ Hạnh la tôi hoài, nó bảo tôi "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng, có tí tiền là ti toe ai đến hỏi mượn cũng cho". Quả thật trên đời này tôi chưa hề biết ngán ai ngoài cái Hạnh, bởi ngoài nó thì sẽ chẳng có ai chịu khó đi đòi nợ dùm tôi. Đa phần những người tôi cho mượn tiền đều làm lơ không muốn trả, tôi thì bận rộn tối ngày lo đi làm, thời gian đâu để mà đi đòi đành phải nhờ cậy đến cái Hạnh. Mỗi lần lấy được món tiền về nó đều dí vào mặt tôi: "Lần sau thì chừa đi nhá! Không có cái nhục nào bằng việc chầu chực, canh me đi đòi nợ cho bà". Tôi chỉ biết há miệng ra cười trừ. Nói vậy chứ tôi cũng không phải là kẻ ngu đần, mượn một lần mà không trả thì đừng mong có lần sau.
- Thằng Út dạo này làm ăn khá không Hân?
- Ai biết nó, chắc cũng được vì thấy nuôi tới 4 thằng thợ.
- Thằng Út cũng giỏi hén!
- Ờ, nó mà không mê cờ bạc, cũng khá lắm đó chớ!
- Em rầu thằng thằng Lâm nhà em quá chừng!
- Dạo này thằng đó còn ghiền không?
- Hết rồi chị ạ, nhưng mỗi lần về quê là y rằng ghiền lại, chán lắm thôi. Nó có vợ con ở ngoài, không lẽ mình không cho về thăm. Cả nhà nó chỉ sợ mình em, không có em bên cạnh là say bí tỉ.
- Thương coi lại đi nghen, thằng Lâm nó làm bộ đó, ngày nào nó chẳng uống. Không tin kêu thằng Út kể cho mà nghe, nó giấu rượu trong hồ nước dưới lầu, vắng mặt Thương là ảnh tu một hơi cạn chai. Thằng tửu lượng nó cao lắm đó.
Lâm là em trai kế Thương, bị nghiền rượu nặng, vì hồi còn ở ngoài Bắc mẹ của Thương cũng nấu rượu lậu nên thằng con bị ghiền. Mẹ tôi hồi còn sống cũng nấu rượu lậu, mỗi lần nấu xong một nồi, Mẹ nếm thử rượu, xay bí tỉ, mặt đỏ phừng phừng. Nếu Mẹ tôi không mất sớm dám giờ này cũng trở thành "bợm nhậu". Đa phần nhà nào nấu rượu lậu cũng đều có kẻ ghiền hết trơn. Thằng Lâm yếu như con sên, mỗi khi uống nhiều quá, tay chân run lẩy bẩy, trông thật tội nghiệp. Một lần nó phải nhâp viện vì uống nhiều quá ảnh hưởng đến thần kinh, lảm nhảm như thằng điên. Thương phải gọi điện cầu cứu tôi mang tiền lên đóng viện phí, vậy mà chỉ vài tháng sau khỏi bệnh, cu cậu lại lén chị mua rượu về uống tì tì.
- o O o -
Một chiếc xe honda đỗ xịch ngay trước mặt làm tôi giật mình nhìn lên, thằng Dừa nhanh nhẹn leo xuống đất, quẳng cái ba lô nhỏ vô trong nhà và lao đến, xà vào lòng tôi ngồi gọn lỏn.
- Mẹ qua hồi nào vậy?
- Mẹ qua từ sáng lận mà. Hôm nay con đi học có ngoan không?
Tôi cúi xuống hít nhẹ lên đầu nó, nhưng phải đẩy vội nó ra, hét lên:
- Trời ơi...! Sao con hôi quá vậy? Tanh òm à? Bộ không tắm hả?
Bị chê, cu cậu hít hít hai bên vai, phụng phịu trả lời:
- Con mới tắm mà, tắm xong, thay đồ, ăn cháo rồi mới về mà.
Tôi quay qua chị Lan, nói:
- Thằng con bà... thôi chết rồi, nó bị hội chứng mùi cá ươn, tui nhớ có đọc một bài báo nói về hội chứng này, mùi mồ hôi tanh tưởi y như mùi cá ươn, bị cho tới già luôn đó nghen.
- Chết cha, mai mốt lớn mà hôi vậy chắc ế vợ mất!
Thằng Dừa nghe vậy, cười toét, nhe cả hàm răng rụng mất bốn cái ngay trước cửa trông thật cà chớn!
Chị Nguyệt đến lúc này cũng mới lên tới, mặt mũi tay chân quấn kín mít, chỉ chừa có mỗi hai cái mắt kiếng đen thùi, đằng phía trước khung xe, một cái bao mủ chứa đầy đọt rau lang và đọt rau bí. Tôi đứng bật dậy chạy lại đỡ bịch rau trên tay chị.
- Khiếp! Nó phải nặng tới 5 ký lô.
- Ừa, đúng 5 ký đó, bà ngoại lựa thứ rau tươi nhứt cho em, bà nói: "Cô Hân thích ăn rau"
Chị dựng chiếc xe kế bên xe của Thương, rồi mới tháo hết nhũng phụ tùng quấn trên người ra, đưa tay vuốt mái tóc ướt nhẹp mồ hôi, than thở:
- Kẹt xe quá trời, từ nhà lên tới đây mà đi mất hai tiếng đồng hồ. Thương lên lâu chưa cưng?
- Dạ, em lên khá lâu rồi, ngồi chờ chị nãy giờ.
Tôi lại quay qua ghẹo chị:
- Chắc chị vừa đi vừa bò chớ gì?
- Không, kẹt xe lắm, chẳng biết người ta ở đâu ra mà nhiều quá trời, đi đầy đường. Mai mốt chị dọn nhà về Gò Vấp ở luôn, chắc em chẳng bao giờ ghé thăm chị đâu hén?
Tôi cười, thật sự tôi ít đi đâu xa, cũng ít thăm viếng bạn bè, ngay cả khi tôi còn sống ở Sài Gòn, chỉ có bạn bè thỉnh thoảng ghé lại thăm chứ hầu như tôi chẳng đi thăm ai bao giờ cả.
- Ngán thiệt há chị, xa quá trời!
Vừa nói, vừa bước lại bên quầy nước pha cho chị ly cam uống giải nhiệt.
- Chị uống đi cho mát, nghỉ ngơi một chút rồi tụi mình về bên nhà kiếm cái gì ăn tối...
Tôi xoay đầu nhìn hai người, hết Thương rồi lại chị Nguyệt hỏi:
- Mình ăn cái gì đây? Vịt quay không? Hay lẩu dê? Hay cầy tơ bẩy món?
- Về bển rồi tính, đang còn sớm mà em.
Thương chở tôi ôm theo bịch rau đã bị chị Lan xớt mất một mớ. Chị Nguyệt chạy một mình tò tò phía sau. Thả tôi ngay trước cửa khu nhà, Thương cùng chị Nguyệt chạy xe qua gởi tuốt bên kia đường Nguyễn Công Trứ. Tôi lên nhà trước, tống bịch rau vào trong tủ lạnh cho tươi, rửa tay rồi chui ngay vào phòng bật máy lạnh, nằm phè ra cho khoẻ. Mấy vết cạo gió hồi trưa bây giờ mới hành làm tôi rêm hết mình mẩy. Chị Nguyệt và Thương lên tới, cũng chui vô phòng nằm mỗi người một góc tán chuyện, cười như pháo rang. Đàn bà sao nhiều chuyện thật, nói hoài không mỏi miệng, nói cả ngày chưa hết đề tài. Và rồi Thương lại nhắc đến chị Kim Yến, người quen cũ của hai đứa tôi:
- Không biết bây giờ bà Yến ra sao Hân nhỉ? Hay là bà đi Mỹ rồi?
- Không đâu, mấy năm trước toà lãnh sự bác đơn rồi, cả nhà đâu có ai đi được trừ hai ông bà già thôi à.
- Số bà đó cũng lận đận Hân nhỉ?
Tôi ngồi bật dậy:
- Để thử gọi điện thoại cho bà coi sao, hy vọng bà không đổi số điện thoại.
Tôi bấm "phone book" tìm tên Kim Yến, nhấn nút gọi, hên quá, đầu bên kia nghe rõ tiếng reng.
- A lô, ai đó?
- Chị Yến ơi, em đây!
- Em nào vậy?
- Mỹ Hân đây!
- Mỹ Hân nào vậy ta...?
Tôi đâm thất vọng, tôi và chị thân thiết vậy mà chỉ vài năm không gặp lại, chị đã quên tiệt cả tên tôi. Nhưng vài giây sau đó chị đã ồ lên, vui mừng hỏi ngược lại:
- Mỹ Hân hay đi chung với Mỹ Lan phải không?
- Đúng rồi chị.
- Khoẻ không cưng? Chị nhớ rồi, mấy đứa nhóc cũng nhắc em hoài.
- Chị dạo này làm gì?
- Làm thinh chớ làm gì!
Tôi nghe rõ tiếng cười của chị bên kia đầu giây, rồi lại tiếp tục:
- Nói vậy chớ chị đang chờ phỏng vấn đi Mỹ.
- Ủa, em tưởng chị bỏ ý định đó rồi chớ.
- Lần này đi theo diện kết hôn.
- Chị lấy chồng rồi hả? Việt Kiều há chị?
- Ngoại kiều, ngoại kiều, ông Mỹ, mới làm đám cưới hôm trước Tết.
- Mèng ơi...! Phải em gọi cho chị trước là em được dự tiệc cưới của chị rồi. Uổng ghê hôn.
- Em đang ở đâu vậy? Mai mốt chị rảnh ghé chơi.
- Em ở nhà, chị lên liền đi, có Thương ở đây nữa nè, tụi em vừa mới nhắc đến chị.
- Ồ vậy hả, vui quá hén, chị tưởng sẽ không được gặp mấy đứa nữa. Chị đang đi ăn với gia đình, chừng tiếng đồng hồ nữa chị ghé hén. Em vẫn ở nhà cũ hồi đó phải không?
- Không, em chuyển qua nhà khác lâu rồi, để em cho chị địa chỉ mới.
Sau khi đọc địa chỉ mới cho chị Kim Yến, tôi tắt máy điện thoại, quay qua cười giỡn với Thương.
- Bà lại sắp đi Mỹ rồi.
- Ôi, nghe thấy bà nói hoài, lần nào chị cũng sắp phỏng vấn. Chắc hơn mười năm có rồi hén Hân?
- Ừa, đâu như từ hồi chị chưa sanh thằng Tài, nay thằng Tài 13 tuổi... Cả đời bà chỉ mộng đi Mỹ, hy vọng lần này bà thành công. Chút nữa bà ghé chơi, ở đây luôn Thương hén, có phải lên nhà hàng không?
- Không sao, em đâu cần lên, chờ gặp chi Yến luôn thể.
Một tiếng đồng hồ của chị Yến kéo dài đến gần 9 giờ đêm mà chẳng thấy bóng dáng chị đâu. Sau khi ăn xong bữa cơm tối, chị Nguyệt thấy trễ xin phép về trước. Tôi chạy theo trả tiền rau cho chị, chị Nguyệt gạt đi không chịu lấy nhưng tôi nhất định trả, nhét tờ giấy 50 ngàn đồng vào trong túi quần chị, chị Nguyệt gượng cười:
- Mua rau dùm còn có tiền lời nữa. Cám ơn em.
- Cái nào ra cái đó, nhờ mua thì phải trả tiền. Em phải cám ơn chị mới đúng.
Hơn 9 giờ một chút, chị Yến gọi điện thoại lại xin lỗi không đến được, hẹn ngày hôm sau. Thương thất vọng ra về, và dặn lại tôi:
- Mai chị Yến có ghé nhớ nhắn em, em xuống liền.
- o O o -
Tối hôm đó tôi trải qua một giấc ngủ mệt mỏi, đau rêm hết cả mình mẩy. Sáng hôm sau thức dậy thật khó khăn khi ra khỏi giường. Bước ra ngoài, tôi ngồi co ro, rút hẳn cả hai chân lên trên chiếc ghế đặt ngay trong nhà bếp. Phía dưới nhà ông Tàu, một làn khói nhang vẫn cuồn cuộn bay lên trên, luẩn quẩn, lan toả mọi ngóc ngách trong căn nhà, bay cả vào mắt tôi, cay xè.
Cả nhà đã thức dậy, chỉ còn một mình thằng Tài đang cố nằm nướng vì hôm nay là ngày Chủ Nhật cu cậu được nghỉ học. Bé Trân lúi húi lau nhà, chà...! Lau hết lượt căn nhà này cũng mệt xỉu bởi phải lau bằng tay. Tôi nhoài người ra ngó lên chiếc đồng hồ, đã gần 9 giờ sáng.
- Trân ơi, thôi nghỉ đi, để đó cho đứa khác làm, cháu thay đồ lẹ lên rồi xuống lấy xe chở dì đi bác sĩ.
- Dạ, dì bệnh à?
- Ừa, trong người khó chịu quá! Lẹ lên không hôm nay Chủ Nhật, phòng mạch của ông bác sĩ An mở cửa đến 11 giờ trưa thôi.
Tôi cũng đứng dậy lo làm vệ sinh buổi sáng, vẽ chút xíu chì nâu đen lên cặp chân mày cho mặt đỡ tái nhợt, thay quần áo và vội vã đi xuống dưới đường, nơi cô cháu gái đang chờ sẵn.
Bé Trân chở tôi chạy tắt qua con đường mới mở Nguyễn Hữu Cảnh, quẹo vô khu chung cư Phạm Viết Chánh mà mấy bữa trước tôi ghé đây xem nhà. Trân cho xe quẹo trái rồi rẽ phải, chạy thẳng lên một chút là tới phòng mạch của bác sĩ An. Phòng mạch này lúc chưa mở đường Nguyễn Hữu Cảnh, tụi tôi phải chạy vòng qua ngả chợ Thị Nghè, lâu lắc hơn nhiều. Ông bác sĩ An người miền Bắc khá đẹp lão, thân hình mập mạp, hơi lùn, nước da hồng hào và có cái đầu sói lọi, nhẵn thín lên đến tận đỉnh. Ông An là bác sĩ riêng của thằng cu Dừa, cứ mỗi lần bị sốt nóng, chị Lan lại lật đật chở con lên ông khám bệnh, cu Dừa hình như hạp ông bác sĩ này, chỉ có toa thuốc ông cho, thằng nhỏ uống vô bớt liền mà lại không bị dị ứng nổi mẩn đỏ khắp mình mẩy. Hồi Cu Dừa nhỏ xíu, bị bệnh đưa đi khám, được cho toa thuốc uống nhưng lần nào cũng bị nổi mẩn đỏ khắp mình mẩy, nổi từng dề từng dề trông thật khiếp đảm, lúc đầu tụi tôi cứ tưởng thằng bé bị lên sởi (ban đỏ) nhưng nếu là ban đỏ thì chỉ bị một lần, đằng này nó bị liên tục. Một hôm, cô chủ nhà cũ chỉ chị Lan mang con lên ông bác sĩ An khám bệnh, ông khám phá ra thằng nhỏ bị dị ứng thuốc paracetamon, từ đấy mỗi khi thằng nhỏ bị bệnh, chị lại chở thẳng nó lên cho ông, thằng nhỏ thương quý ông như người thân, nó tự nhận ông là bác sĩ của riêng nó. Trong nhà, mỗi lần có ai bị bệnh, nó đều rủ rỉ lên bác sĩ An của nó khám bệnh.
Bé Trân đỗ xịch chiếc xe honda trước cửa phòng mạch của ông bác sĩ An. Bên ngoài bệnh nhân đứng ngồi lổn nhổn chờ đợi tới lượt, cạnh đó vài chiếc xe honda dựng nghiêng chân chống, người nhà chờ đợi ngồi vắt vẻo trên yên, xoè tờ báo chăm chú đọc. Tôi chống chân bước ra khỏi xe tính đi lên trên hè nhà sắp hàng chờ đợi, vì không để ý tôi vô tình dẫm toẹt ngay vào bãi cứt chó dưới lòng đường, nóng hổi, xền xệt nhày nhụa dính bê bết dưới đế chiếc giày đính kim cương chiếu sáng lấp lánh tôi mới mua. Theo quán tính tôi hét toáng lên làm mọi người gần đó giật mình tò mò nhìn ra, thấy tôi dẫm phải cứt chó, ai cũng nhìn tôi cười thông cảm. Tôi ngượng ngùng ngó quanh quẩn xem có vòi nước công cộng nào gần đây để mình chạy lại rửa chân, nhưng hoàn toàn chẳng có cái nào ngoài một khúc đường lổn nhổn đầy cứt chó cùng rác rưởi và bao ni lông bị gió thổi bay nháo nhào. Không biết phải làm sao, tôi đành kéo lê ra ngay đầu cống nằm gần đó, dí chiếc giày bị nạn, quẹt cả hai bên chà xuống mặt đường cho bớt bẩn, sau đó lấy khăn giấy lau lại một lượt thật kỹ rồi túm hết số khăn giấy đó bỏ vào bịch ni lông lượm được bên cạnh, cột chặt thả xuống đường để cho giấy đừng bay tứ tung, quanh đây không có một thùng giác công cộng nào cả. Trời ơi... ở ngay trung tâm thành phố Sài Gòn mà còn bẩn thỉu như thế này thì không biết đến bao giờ Việt Nam mới mở mày mở mặt được với bè bạn Năm Châu, vậy mà ông Hồ lại đòi dẫn dắt Việt Nam đến "thế giới đại đồng", chỉ nội cái việc làm sao cho người dân có ý thức một chút còn làm không xong mà bầy đặt... Tôi lủng bủng chửi thầm trong miệng. Giả sử, cả thành phố này nhà nào cũng nuôi một con chó, ai cũng thả cho chó đi bậy ngoài đường như thế này thì rồi không biết kết quả sẽ ra sao? Chắc ngoài đường đầy phân chó. Bà hàng xóm nhà tôi trước khi nhận tiền chuyển đi nơi khác cũng nuôi một con chó. Sáng nào mở cửa ra, tôi đều thấy một đống lù lù nằm ngay trước cửa, lúc đầu tôi còn nhẹ nhàng nhắc khéo, nhưng dường như bà ta chẳng thèm quan tâm đến. Nhiều lần quá khiến tôi bực bội hét vào mặt bà rằng: "Nếu chị không canh chừng con chó, cứ để nó phẹt bậy ngay trước cửa nhà tôi, tôi mà bắt gặp tôi chém nó chết, chị đừng có trách!" Từ đó trở đi không thấy bãi phân nào trong khu vực nhà tôi nữa. Nhìn con đường, tôi chợt nhớ đến ông bạn người Nhật đã từng qua Việt Nam công tác vài năm, ông bảo với tôi rằng ấn tượng đầu tiên của ông đến Việt Nam là đường phố thì bẩn thỉu, mùi xào nấu, mùi hôi cống rãnh xộc vào mũi làm ông rất khó chịu. Bên Nhật quả là khác hẳn, tôi chẳng bao giờ ngửi thấy mùi hôi cống rãnh và đường phố lúc nào cũng sạch bóng như gương soi. Thỉnh thoảng, phải lắc đầu bật cười khi thấy một cặp vợ chồng dẫn chó đi chơi, vợ dắt con chó đi trước, ông chồng lật đật chạy theo sau cầm theo bao ni lông để sẵn sàng hứng lấy những gì con chó thải ra, chẳng biết họ mắc nợ gì con chó đó mà phải hầu hạ nó một cách khổ sở, họ tự nguyện làm công việc đó không hề than vãn.
Xong công việc, tôi bước lên trên lề đường tiến lại phía cửa phòng mạch của ông bác sĩ An. Mấy người bệnh nhân thấy tôi lại gần thì họ nhích ra, tránh chỗ cho tôi đứng, hình như họ sợ ám cái mùi phân chó còn phảng phất dưới gót giầy của tôi. Biết ý, tôi xích ra thêm một khúc, khoanh tay đứng chờ đợi. Thật đúng là số con rệp, mới sáng ra đã đạp phải cứt chó.
Phòng mạch của ông bác sĩ An có tới hai lớp cửa, bên ngoài là lớp cửa sắt an toàn, kéo ra được một phân nửa, bên trong là lớp cửa kiếng để tránh tiếng ồn ào. Tôi đã đến đây nhiều lần nên chẳng xa lạ gì với ông, tôi còn đặt cho ông riêng cái tên là ông bác sĩ "chích", bởi lần nào đến đây tôi đều thấy ông khám cho bệnh nhân qua lớp cửa kiếng, không nghe rõ ông nói gì nhưng đa phần đều đứng lên, bước qua cái giường bên cạnh, sau tấm rèm mầu trắng toát, và ông bác sĩ An thì cầm cái xi lanh đầy thuốc, hăm hở, chích cho bệnh nhân.
Hôm nay bệnh nhân khá đông, trước tôi còn có cả chục người, tôi phải đứng tuốt bên ngoài, không nhìn thấy gì hết. Trong lúc chờ đợi, tôi đưa mắt nhìn xung quanh, khu này bây giờ đã trở nên sấm uất hơn trước nhiều. Nhà cửa đều được xây dựng, sửa chữa lại khá bắt mắt. Tôi khựng lại trước ba căn nhà đối diện phòng mạch của ông bác sĩ An, ba căn này vừa được xây dựng mới cao mấy tầng lầu, phía trước đều có cửa sắt rào chắn kỹ càng. Nhưng không hiểu cặp mắt thẩm mỹ của họ bỏ đi đâu mà ba căn sơn ba mầu cách biệt, một căn sơn mầu cam rực rỡ, căn chính giữa sơn màu xanh dương đậm, còn căn bên cạnh sơn màu xanh két. Từ bên ngoài nhìn vào, trông chúng nó chẳng giống ai.
Cuối cùng cũng đến lượt tôi bước vào khám bệnh, vừa nhìn thấy tôi, ông nở một nụ cười đôn hậu:
- Sao. Khám gì đây người đẹp?
- Cháu ho, đau họng mà người lại ngây ngây sốt. Bác sĩ khám xem cháu bị bệnh gì? Có phải cúm gà không?
- Nào, há miệng ra cho tôi xem... giữ nguyên thế nhé, nói chữ "A" đi... được rồi, quay lưng lại cho tôi khám phổi.
Ông đặt ống nghe xuống dưới cổ, ghi chép gì đó trong cuốn sổ trước mặt, ngước lên, ông nói với tôi:
- Cô chỉ bị cảm thường thôi, không phải cúm gà đâu mà sợ. Chích nhá, chích cho mau hết.
Tôi gật đầu, kệ, chích cho hết lẹ đặng tối mai còn bay về Nhật, để lên máy bay ho khù khụ, dám về đến Narita, họ giữ tôi lại đòi xét nghiệm H5N1 thì chết tía tôi. Tôi bước lại bên phía chiếc giường nhỏ, leo lên, nằm co người quay mặt vào trong vách, mở nút, kéo chiếc quần jean trễ xuống một chút về phía bên dưới hông trái, nhắm mắt, nghiến răng chờ mũi kim của ông bác sĩ sắp sửa lụi vào thịt da mình. Tuy là người rất sợ chích, nhưng trong lúc nằm chờ, thỉnh thoảng tôi vẫn quay đầu hé mắt liếc nhìn về phía ông bác sĩ rồi rùng mình nhắm tịt mắt lại. Từ lúc ông bác sĩ An lúi húi bên bàn khám bệnh rồi tiếng chiếc "panh" bẻ ống thuốc làm bằng thuỷ tinh nghe cái cụp và cho đến khi bước chân loẹt quẹt tới gần, ông đưa chĩa ống chích thẳng lên trời xịt cho thuốc từ bên trong phụt lên trên qua cây kim, xong động tác ấy, ông lấy tay ấn nhẹ lên phần hông tôi, miệng nói bình thản: "Thả lỏng người ra", bôi miếng bông gòn có tẩm cồn sát trùng, và lụi mũi kim vào đó. Ông thao tác rất thành thạo và nhẹ nhàng, chỉ đến lúc bơm thuốc vào gần hết tôi mới thấy buốt nhói như con kiếm kim đốt. Khi rút mũi kim ra, ông lại ấn miếng bông gòn có tẩm cồn sát trùng vào đó và nói:
- Giữ chặt nó trong chốc lát nhá.
Tôi ngồi dậy, tay vẫn giữ chặt miếng bông gòn, day day chỗ đó một chút và vứt nó vào trong thùng rác. Ông bác sĩ đã trở về bên bàn khám bệnh lấy thêm thuốc cho tôi, dặn:
- Ngày hôm nay uống thêm ba lần nữa cho mau khỏi nhé, mỗi thứ một viên uống sau bữa ăn kẻo đau bao tử.
- Bác sĩ chích thuốc gì cho cháu vậy?
- À, thuốc trị ho tốt lắm, thuốc giang ta mi xin (Gentamicin) của Pháp đấy!
Tôi nghe vậy thì biết vậy chứ "giang ta" là thuốc gì tôi cũng chẳng biết đến. Trả tiền cho bác sĩ, tôi cầm theo bịch thuốc và chào ông ra về. Ông còn dặn với theo kiêng thịt gà và đồ tanh tưởi, kẻo ho hoài không hết.
Trên đường trở về nhà, tôi rủ bé Trân ghé vào quán bún ốc nằm trên đường Nguyễn Sâm nay mang tên Nguyễn Thái Bình ăn sáng. Bé Trân chạy từ từ tấp vô lề, liền ngay đó có một anh thanh niên chạy tới đón nhận chiếc xe đắt lên trên cho tụi tôi. Quán nằm ngay mặt tiền nhưng chỉ có một khúc ngắn kê đủ có hai cái bàn, còn bao nhiêu đều được xếp bên ngoài hè phố hết, kể cả nồi nước lèo và cô chủ quán còn khá trẻ. Tôi ăn bún ở quán này đã quen mặt, chẳng cần hỏi, nhìn thấy tôi là cô chủ đã chan ngay một tô bún nóng hổi thêm một chén ốc nhỏ bưng ra đặt ngay trước mặt. Tôi trộn rau sống, thêm chút mắm tôm, nước dấm bống, ớt bằm trộn đều lên rồi bê tô bún húp xùm xụp, hả hê. Tô bún ngon tuyệt cú mèo! Ăn hết một tô, tôi kêu thêm tô nữa, con bé Trân thấy vậy, kêu khẽ:
- Khiếp! Sao dì ăn khoẻ thế, chơi một lúc hai tô.
- Tô có chút xíu này mà nhằm nhò cái gì, chắc phải ba tô mới đủ!
Tô bún nóng hổi làm tôi toát cả mồ hôi, dở bịch thuốc ông bác sĩ An cho hồi nãy để uống. Lúc này mới giật mình nhớ đến lời ông dặn:
- Thôi chết rồi, ông An dặn kiêng cử thịt gà và đồ tanh tưởi, vậy mà nãy giờ "quất" tới hai tô, lại còn bỏ cả đống mắm tôm vào nữa. Chắc tối nay về ho như gà!
Tôi vân vê mấy viên thuốc trên tay, nghệt cả mặt, lẩm bẩm tự nguyền rủa mình: "Thật đúng là cái miệng hại cái thân! Chết vì miếng ăn có ngày." Con bé Trân ngồi cười tủm tỉm, tôi cũng bật cười theo, tọng mấy viên thuốc vào họng, nhấp một ngụm nước, nuốt ực một cái, mấy viên thuốc trôi tuột vào tận trong dạ dầy. Trả tiền bún, dì cháu tôi đi thẳng về nhà.
Ở Việt Nam hầu như người dân nào cũng tự mình làm bác sĩ cả, nhức đầu, xổ mũi, chóng mặt, ho, cảm, đau bụng gì gì cũng đều chạy ra nhà thuốc mua về uống mà không cần toa của bác sĩ, chỉ khi nào bệnh nặng lắm mới chịu đi tới phòng mạch. Thật ra nếu có đi đến đó thì bác sĩ cũng chỉ cho mấy loại thuốc y như mình đi mua bên ngoài mà thôi. Tôi cũng vậy, mỗi lần đau là tôi tự làm bác sĩ định bệnh cho mình, thói quen leo tận sang cả bên Nhật. Trước ngày lên máy bay, tôi ra nhà thuốc mua một đống đủ thứ đủ loại mang về nhét vào va li để dành qua đó uống dần, nghe nói đời sống bên Nhật cái gì cũng mắc mỏ nên phòng hờ trước. Nhưng qua sống bên Nhật, chồng tôi không cho uống thuốc bừa bãi như trước mà bắt buộc phải đi bác sĩ đàng hoàng. Mỗi lần khám, lấy toa xuống nhà thuốc mua xong mang về mở ra uống sao tôi thấy viên nào viên nấy nhỏ tí ti, thuốc trụ sinh 200mg là to hết cỡ, uống vào chỉ no bụng chả thấy bớt bệnh gì cả. Sau này tôi mới biết tôi đã bị lờn thuốc khi còn bên Việt Nam. Một sự tai hại vô cùng! Hồi sáng ông bác sĩ chích một mũi trụ sinh, lại cho thêm một bịch thuốc dặn uống 3 lần trong ngày, trong số thuốc đó tôi biết chính xác tên của một loại trụ sinh Amoxycllin 500mg ba viên tổng cộng 1500 mg thêm mũi chích nữa là bao nhiêu mg tôi không biết, nhưng so ra với Nhật, ngày uống 3 lần mỗi lần 200 mg thì quả là chả xi nhê chút nào. Biết vậy mà tôi vẫn cứ liều mạng chỉ vì mong cho nó hết sớm một chút.
Tôi không có ý chê bai các bác sĩ trong nước, những quả thật có nhiều người tệ hết chỗ nói, khám bệnh vớ vẩn, định bệnh tùm lum rồi cho toa thuốc bừa bãi chỉ để hưởng tiền hoa hồng mà các nhà thuốc hứa tặng thưởng. Có nhà thuốc cho bác sĩ kê đơn hưởng hoa hồng tới 30%, tiền đã làm mờ mắt và họ đã quên mất lời thề "Lương y như từ mẫu". Lúc còn sống ở Sài Gòn, căn bệnh nhức đầu, xổ mũi luôn hành hạ tôi quanh năm suốt tháng, một tháng phải uống thuốc hết 10 ngày, đi bác sĩ nào cũng bắt chụp X quang và có chung một kết luận viêm xoang sàn trước sàn sau, bắt uống thuốc trụ sinh mắc tiền, một viên có tới 18 ngàn đồng, mà cứ hết thuốc thì bệnh lại tái phát. Sau khi qua Nhật, chồng tôi đưa lên bệnh viện lớn để xét nghiệm máu, chụp Xquang và cả chụp CT. Các bác sĩ ở Nhật cho kết quả chẳng có viêm xoang gì sất, chỉ bị dị ứng mũi, phấn hoa, lông chó, lông mèo... bất cứ mùi gì lạ là tôi hắt hơi xổ mũi tuốt luốt. Tôi bị bệnh quanh suốt tháng chẳng qua vì ông chủ căn nhà cũ có nuôi một đàn chó, lông chó bay sang làm tôi bị dị ứng. Vậy mà ông bác sĩ nào cũng kết luận tôi bị viêm xoang, cho thuốc uống hoài không hết. Cũng trong một đợt về thăm nhà, tôi bị đau nhức hai vai và cổ thì cứng đơ. Dì tôi dẫn lên ông bác sĩ quen khám bệnh, dì tôi bảo ông bác sĩ già này giỏi lắm, nghe đâu ông là bác sĩ quân đội về hưu. Tôi cũng đến khám bệnh, sau khi chạy ra đầu hẻm chụp xquang, mang tấm phim về cho ông xem, ông kết luận tôi bị gai xương cổ (thoái hoá xương cổ) đề nghị lên trung tâm y tế Bình Thạnh chạy tia la-de. Tôi hoảng hốt mang hồ sơ bệnh lý qua bên trung tâm mua vé trị liệu, bác sĩ nơi đấy cũng giơ tấm phim chụp xương cổ tôi lên ngắm nghía một chút rồi ghi vào trong sổ, tôi ngồi ngoài đợi đến lượt mình. Đến trị liệu như vậy được vài ngày, tôi mua luôn vé cho cả tháng để đỡ mất công lần nào cũng phải chầu trực xếp hàng. Sau hơn một tuần đi trị bệnh, thằng Út biết được mới khuyên tôi: "Để em chở chị lên ông bác sĩ Bảo khám cho chắc ăn, ông này giỏi về xương lắm. Ông là trưởng khoa ở bệnh viện Xương Hàm Mặt (trước kia là bệnh viện Sùng Chính) nằm trên đường Trần Hưng Đạo. Ông lại là anh em cột chèo với thằng Hải, bạn em." Ngay lúc đó, Út rút điện thoại ra gọi cho bác sĩ Bảo, ông kêu chở tôi lên liền, ông đang có mặt ở nhà. Thế là chị em tôi phóng xe vọt đi. Nhìm tấm phim chụp của tôi chăm chú, ông quay sang cho kết quả: "Cô đâu có phải bị thoái hoá xương cổ, thằng nào khám cho cô vậy? Cô chỉ bị viêm dây chằng quanh đó thôi. Anh cho cô 1 tuần lễ thuốc uống, bớt liền thôi." Rồi ông ghi cho tôi 1 cái toa với những tên thuốc dài ngoằng, cắt thuốc vào bỏ trong một cái túi ni lon nhỏ cùng cái toa thuốc đó, dặn: "Cô nhớ uống theo toa anh ghi, nếu chưa hết thì trở lại đây tôi đổi thuốc khác, tiền thuốc là 60 ngàn đồng, anh không tính tiền công khám bệnh, người trong nhà cả mà!" Tôi cảm ơn ông, mang thuốc ra về. Uống hết thuốc, cổ và vai tôi cũng hết nhức luôn, khỏi phải quay lại phòng mạch ông lần nữa. Nếu không gặp được bác sĩ Bảo, chắc tôi còn đi lên trung tâm y tế Bình Thạnh cả tháng nữa để trị liệu bằng phương pháp chạy tia la de, bỏ luôn cả thẻ trả tiền trước gần 1 tháng. |
|
|