Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Dài » Một Người - Một Đời Tác Giả: Lê Mỹ Hân    
    Sáng ngày kế tiếp, tôi kêu xe honda ôm chở qua quán cà phê vỉa hè của chị Chín Đen tán chuyện, từ hôm ra tết đến nay tôi chưa gặp lại chị, nhưng không may tôi ra đến nơi gặp đúng lúc chị Chín mắc công chuyện phải về sớm. Tôi lại phải cuốc bộ băng qua đường hướng về quán chị Lan.
    Quán chị Lan hôm nay khá đông khách. Nhân viên công sở đã quay trở lại làm việc sau thời gian nghỉ Tết nên khách khứa có vẻ xôm tụ hơn. Khi tôi bước vào trong nhà, mắt vẫn đang còn bị chói loà vì vừa đi ngoài nắng chưa nhìn được ra ai thì bỗng nghe tiếng chào hỏi vang lên:
    - Chị mới qua hả chị?
    Tôi cố nheo mắt nhìn cho rõ ai vừa hỏi mình, nhận ra người quen, tôi nở nụ cười:
    - Cường hả, khoẻ không? Năm mới phát tài chưa cưng?
    - Có làm gì đâu mà đòi phát tài chị. Uống cà phê chứ chị?
    Tôi lại nhoẻn cười, Cường là khách hàng quen thuộc của chị Lan, cũng là dân đồng hương Thanh Hoá với gia đình tôi. Cường khá điển trai, ăn mặc lịch sự nhã nhặn. Mấy lần trước tôi về Việt Nam, khi qua đây thăm chị Lan, tụi tôi hay nhắc đến Thanh Hoá, đến dân quê choa và miệng luôn chê bai cái vùng "Ăn rau má phá đường tàu", bị đụng chạm tự ái, Cường la oai oái phản đối: "Răng mà chị chê dân Thanh Hoá rứa, em cũng là dân Thanh Hoá đây."
    Cách đây vài ngày tôi gọi điện thoại về cho Hạnh bằng hệ thống mạng Skype miễn phí. Từ ngày biết được mạng này, tôi và Hạnh thường xuyên trao đổi với nhau về chuyện gia đình, về tình hình học tập của con tôi, chúng tôi nói chuyện trực tiếp với nhau thông qua màn hình video nhỏ, sáng rõ đến nỗi tôi có cảm tưởng như chúng tôi đang ở sát bên nhau, tôi có thể đưa tay ra vuốt tóc con mình được. Qua một hồi nói chuyện, bất chợt Hạnh hỏi tôi:
    - À, chị có lên đọc tin tức không?
    - Có
    - Chị có đọc tin bọn lừa đảo xưng danh làm trong Đài Truyền Hình đi gạt thiên hạ không?
    - Có.
    - Chị biết ai bị lừa không?
    - Ai?
    - Cha Cường chứ ai.
    Hạnh dừng lại cười sặc sụa trong máy, vừa cười vừa tiếp:
    - Buổi sáng bữa hôm ấy trông oách lắm, mặc đồ vét (west) đàng hoàng, tóc xịt keo bóng láng, đi quá sặc sụa mùi dầu thơm. Tụi em hỏi hôm nay đi đâu mà "kẻng" thế, hắn ta ra vẻ quan trọng:" Anh lên đài truyền hình quay phim quảng cáo". Tưởng sao bị nó lừa cho nhém tí nữa mất tiền.
    Tôi bên này nghe được khoái trí cười ha hả...Hạnh bên kia cũng lích khích cười mãi:
    - Bọn lừa đảo bây giờ tinh vi thật, Việt Nam một trăm kiểu lừa, dám dán bảng HTV lên xe đi lừa mới sợ chứ. Đâu phải nó chỉ lừa mỗi công ty cha Cường, lúc bị bắt lòi ra nó lừa được tới mười mấy công ty rồi. Cha Cường này tinh ý. Cha kể, may mà vào trong đài truyền hình tụi này lớ ngớ không biết rành đường đi, cha đâm nghi liền gọi điện thoại về cho xếp, ông Hoàn dặn:" Để đấy, tao phải tóm bọn lừa đảo này mới được!". Quay xong tụi nó đòi lấy tiền ngay nhưng cha Cường hẹn sáng mai lên công ty mới đưa. Tụi lừa đảo khôn lắm chị ạ, toàn xin tiền trước thôi, xui gặp ngay phải thằng cha Cường khôn như ma lanh. Sáng hôm sau ba đứa nó lên công ty lấy tiền thật, vừa vào một chút công an Bến Nghé ập vô bắt liền.
    Tôi lắc đầu chặc lưỡi, thật đủ các kiểu lừa đảo, rồi tôi lại bật cười khi tưởng tượng ra khuôn mặt của Cường với cái đầu xịt keo bóng lộn, trời Sài Gòn nắng chang chang mà đóng bộ đồ lớn, rồi thì sực nức sực nức mùi dầu thơm, nhịn cười không nổi.
    - Con gái cầm đầu mới ghê chứ. Dân Nãu đấy!
    Tôi vừa ngồi xuống cái ghế đặt ngay trước cửa nhà chị Lan thì điện thoại rung mạnh trong túi quần jean, móc nó ra đưa lên tai nghe, đầu giây là giọng nói nheo nhéo của cô em dâu út:
    - Chị ơi, có anh Hải bạn chị tới nhà "kím" nè, chị có về không?
    - Đưa máy điện thoại cho anh Hải nghe, để chị nói chuyện với ảnh.
    Sau khi gặp được anh Hải, tôi nhắn anh chạy qua bên quán cà phê chị Lan, tôi ngồi chờ. Anh Hải là bạn đồng nghiệp cũ của tôi đã bị thất nghiệp sau khi tôi qua Nhật định cư được một năm. Anh có đứa con gái lớn đi lao động bên Nhật tại thành phố Shizuoka cách thành phố Tokyo khoảng chừng 2 giờ rưỡi đi bằng tàu Shinkansen. Thỉnh thoảng khi tôi về Việt Nam, anh vẫn thường nhờ tôi chuyển ít quà sang cho con bé. Con bé hết thời hạn ở Nhật, quay trở về Việt Nam từ vài tháng trước. Tụi tôi vẫn giữ liên lạc, lần nào về Việt nam anh Hải cũng ghé thăm tôi.
    Tôi ngồi chưa nóng chỗ thì anh Hải đã chạy xe tới, từ nhà tôi qua đây chừng 2 phút bằng xe Honda. Tụi tôi ngồi nói chuyện khá lâu, bàn đủ mọi thứ chuyện. Anh có nhắc đến bé Hương con anh đang mơ ước được trở qua Nhật du học. Tôi nhìn anh ái ngại, qua Nhật du học không phải đơn giản, đời sống bên Nhật đắt đỏ, tiền học phí lại cao ngất trời, làm sao anh có khả năng về tài chánh...trong khi anh còn đang thất nghiệp. Tuy nhiên tôi cũng khuyến khích anh rằng nếu Hương qua được Tokyo du học, tôi sẵn sàng dành cho cháu một phòng miễn phí trong nhà tôi, tôi chỉ có khả năng giúp anh được nhiêu đó.
    Sau một hồi nói chuyện về nhà cửa, biết ý định tôi muốn mua phòng chung cư tại đây, anh liền mách:
    - Em muốn mua nhà chung cư thì thiếu gì, qua bên Phạm Viết Chánh, đầy. Cần thì anh chỉ cho.
    - Giá nhà bên đó mắc không anh?
    - Tuỳ diện tích mỗi căn, em phải qua đó coi mới được. Hay là bây giờ chạy qua bên coi, gần mà.
    Tôi liếc nhìn cái Hạnh, dường như hiểu ý tôi, Hạnh nói:
    - Ừ, mình chạy qua đó coi thử, để em chở chị đi.
    Thế là cả ba cùng lên đường. Tụi tôi cho xe quẹo về đường Lê Lợi, qua bùng binh Nguyễn Huệ chạy thẳng sang tuốt đường Hai Bà Trưng, rẽ tay mặt xuống Gia Long (bây giờ mang tên Lý Tự Trọng) chạy về Lê Thánh Tôn kéo dài, nay được đặt tên Nguyễn Hữu Cảnh. Chạy một đoạn cách bên hông sở thú một khúc, tụi tôi quẹo sang phía tay trái, một vài toà nhà cao tầng mọc lên san sát hiện ra, đây là chung cư Phạm Viết chánh. Anh Hải chạy trước, dừng lại trước quán nước nhỏ bên đường, tụi tôi cũng tấp vô theo anh Hải vào trong gặp bà chủ quán. Qua vài câu chào hỏi, biết tụi tôi cần mua nhà, bà ta đon đả kêu chờ một chút, Bà bỏ quán cho ông chồng chông nom, đội nón tất tả đi vào phía bên trong khu chung cư lô D.
    Chừng mười phút sau, bà ta quành trở ra cùng một người đàn ông trông khá bặt thiệp áo sọc kẻ ca rô, quần tây đóng thùng nghiêm chỉnh, đầu hói cao, trơ cái trán bóng láng và gương mặt cạo râu sạch sẽ. Thấy tụi tôi, ông cất tiếng hỏi liền:
    - Anh chị cần gì?
    - Tôi muốn mua một căn nhà trong khu chung cư này? còn căn nào trống không anh?
    Ông ta khúm núm, đưa hai tay để lên trước bụng:
    - Dạ báo cáo các chị...dạ tình hình hiện giờ còn vài căn người ta nhờ em bán giùm. Thưa, chị cần loại nhà nào?
    Tôi bối rối chưa biết trả lời sao thì ông lại tiếp lời:
    - Hiện giờ lô D có hai căn, một trên lầu 3 và một trên lầu 12.
    Ông giơ tay chỉ về toà nhà ngay bên tay trái chỗ tôi đứng. Tôi hỏi tiếp:
    - Mấy căn lô D cửa nằm về hướng nào hả anh?
    - Tôi không nhớ chính xác nhưng hình như là hướng chính tây.
    - Anh có thể cho tôi xem nhà mẫu được không?
    - Được chứ, chị theo tôi.
    Tụi tôi quay qua nhờ bà chủ giữ giùm xe, theo chân ông cò mồi đi vào khu lô D nơi ông chú ngụ. Người cò mồi dẫn tụi tôi đi băng qua một bãi trống ngổn ngang những u đất lồi lõm, đến trước cửa toà chung cư khá bề thế cao tới mười mấy tầng lầu. Mặt trời đã đứng bóng, tôi không thể xác định cửa toà nhà nằm về hướng nào. Lọt vào bên trong khu nhà, ông dừng lại trước bàn bảo vệ, kêu tụi tôi mua vé đi thang máy, mỗi vé giá 1000 đồng. Sau khi thang máy dừng lại ngay tầng thứ ba, tụi tôi theo ông quẹo về hướng tay mặt, đi thêm một quãng khá xa nữa mới tới căn nhà được rao bán. Ông cò nhà loay hoay mở khoá cửa, tôi nhìn ngó xung quanh nhận diện, căn này thuộc căn bìa, xích sang bên kia một chút là cầu thang thoát hiểm. Chung cư rộng lớn này có hai dãy nhà, căn nhà tôi xem nằm bên tay phải tính từ cầu thang máy đi lại, chính giữa là lối đi khá rộng, nhưng tối thùi, thiếu ánh sáng nếu không có đèn điện mở ngoài hành lang suốt ngày. Vừa bước vào cửa, tôi đụng ngay gian bếp và toilet, nằm về bên tay trái, hơi nhỏ. Tiếp tới là phòng khách, cũng nằm dọc bên tay trái, có hai phòng ngủ mở cửa thông ra ngoài hành lang, trông khá lý tưởng. Nhà chưa được sửa chữa lại và bỏ trống khá lâu, bụi bậm đóng dày lên cả khúc. Ở Sài Gòn, việc xây nhà rất ẩu và sơ xài nên thường khi người dân dọn về sống, họ phải sửa chữa sơ qua. Tôi ngắm nghía, săm soi căn nhà một lúc, lên tiếng hỏi:
    - Nhà này diện tích bao nhiêu mét vuông hả anh?.
    - 70 mét vuông đó cô.
    - Sao trông nó nhỏ vậy hén, nhà tôi cũng 70 mét mà nhìn nó rộng hơn.
    - 70 mét là tính luôn cả hành lang đó cô.
    - Ồ, vậy thì tôi hiểu rồi, hèn gì... Còn căn nào nữa không?.
    - Còn một căn trên lầu 12, nhưng nó cũng giống vầy, chỉ khác là nó không thuộc căn bìa thôi. Cô có muốn coi không?.
    - Thôi, khỏi anh ạ, giống như thế này thì biết rồi.
    - Căn này chủ báo giá 750 triệu đồng, góp trong mười năm. Nếu chị trả tiền trong một lúc thì sang giấy tờ ngay.
    - Anh nói sao, tôi không hiểu?.
    - Ý tôi nói căn nhà này trả góp trong 10 năm, chủ cũ đã trả được vài năm, nếu chị muốn góp tiếp thì ông sẽ trừ đi số tiền còn lại.
    Tôi gật đầu tỏ vẻ hiểu ý. Ông ta lại tiếp lời:
    - Ở đây tiền phí đi thang máy mỗi người 20.000 đồng một tháng cho người lớn, trẻ em thì 15.000 đồng, nhỏ quá không tính. Tiền gửi xe một tháng 30.000 đồng cho loai xe thường, xe tay ga thì 50.000. Điện, nước xài bao nhiêu tính bấy nhiêu.
    - Còn căn nào lớn hơn không anh?.
    - Còn hai căn nữa bên lô C. Lô này thì chưa hoàn thành. Chắc cũng phải hai tháng nữa, nhưng nếu muốn tôi dẫn chị lên coi nhà mẫu.
    - Vậy anh dẫn tụi tôi đi xem, đi luôn một lần cho tiện.
    Khu nhà lô C cũng nằm trong khu vực này, cách vài chục thước và xoay ngang so với lô D, tụi tôi phải đi qua một cái sân ngổn ngang gạch đá và đất cát giữa cái nắng chói chang của Sài Gòn. Toà nhà đang còn trong thời gian thi công, mấy công nhân đang hàn cửa sắt, nước đổ tung toé trên nền nhà. Vì thang máy chưa hoạt động, tụi tôi phải leo bộ lên lầu ba, hai chân mỏi nhừ, mồm miệng thi nhau thở. Căn nhà thứ hai này có diện tích rộng hơn căn trước, ba phòng ngủ, một phòng khách cùng bếp và toilet. Cũng giống như lúc nãy, tôi săm soi ngắm kỹ căn nhà, nhận thấy người thiết kế toà nhà này bắt chước kiểu cách xây nhà của Nhật Bản, vừa bước vào cửa thấy ngay nhà vệ sinh bên cạnh, sau mới vào phòng khách và phòng ngủ, nhưng nói chung không bằng một góc nhà bên Nhật, trông nó kỳ dị chẳng thẩm mỹ chút nào. Ông cò mồi báo giá căn này hơn 800 triệu. Nhỏ Hạnh đứng bên cạnh hỏi thêm.
    - Giấy tờ nhà như thế nào anh? Chủ đứng tên chính thức hay là dân mua phiếu?
    - Thì cũng đi mua phiếu lại không à cô ơi.
    - Vậy muốn liên lạc với chủ thì phải làm sao mới gặp đây anh?
    - Để tôi liên lạc với họ trước, rồi tôi sẽ báo lại cho cô sau.
    Tôi xem lại căn nhà một lượt rồi xin số điện thoại của người đàn ông dẫn mối hẹn liên lạc lại sau. Trước khi chia tay ra về, ông ngọt ngào thỏ thẻ:
    - Nếu cô mua nhà nhớ báo cho tôi biết để tôi ăn tiền cò của chủ nhà, cô thì tôi không lấy.
    Tôi gật đầu và chào tạm biệt ông ra về. Trên đường ra chỗ lấy xe, Hạnh to nhỏ:
    - Em thấy được đấy, căn coi lúc đầu hơi nhỏ, nhưng mà ngon lành hơn căn kia. Chị thấy sao?
    - Để xem thêm vài nơi đã.
    Trong khi tôi trả tiền nước cho bà chủ quán cà phê, anh Hải và Hạnh đã dắt xe ra ngoài đường lộ nổ máy đứng chờ. Lúc tôi dợm chân bước đi bà chủ quán dặn với theo:
    - Cô có mua được nhà nhớ cho tui chút tiền uống cà phê nghen cô.
    Tôi quay lại gật đầu cười. Vừa leo lên ngồi sau chiếc xe của Hạnh, điện thoại trong túi quần rung mạnh, tôi móc ra, bật nút nghe, tiếng chị Lan đầu giây bên kia ò è:
    - Hân hả, sắp về chưa? Có con bé Sương đang ngồi chờ ở đây nè.
    - Sương nào?
    - Con nhỏ vợ thằng Toàn thắt cổ chết hồi ấy đấy.
    Nhắc đến Toàn, tôi mới ồ lên:
    - À nhớ rồi? Con nhỏ kỳ nhờ em dẫn đi phá thai chứ gì?
    - Ừ đúng rồi.
    - Chị bảo nó ngồi đó chờ, em về liền đấy.
    Tôi vỗ nhẹ vào vai Hạnh:
    - Đi thôi.
    - Vậy chị không về nhà hả?.
    - Không, mày chở chị đến quán bà Lan.
    - Em thả chị ở đó rồi em về luôn đấy nhé.
    - Ừ, chút chị đi xe ôm về cũng được.
    Hai chiếc xe rồ ga quẹo ra đường Nguyễn Hữu Cảnh theo lộ trình cũ chạy về hướng quán cà phê chị Lan, lúc đi ngang qua bùng binh Nguyễn Huệ, đoạn bên hông khách sạn Rex, thấy hai gã thanh niên đang cãi nhau ủm tỏi, Hạnh chạy từ từ rồi thắng xe cái két lại bên góc đường, miệng nói lớn:
    - Wánh nhau rồi!.
    Tò mò, tôi và anh Hải cũng quay đầu nhìn lại, hai gã đàn ông sấn vào đấm đá nhau túi bụi, y như phim chưởng, tụi tôi đứng cách xa vài chục thước mà vẫn nghe rõ từng tiếng bịch...bịch. Đám người khách qua đường đều dừng hết cả lại, ngó nhìn, bình phẩm. Tôi thúc sau lưng cái Hạnh:
    - Thôi, đi đi, xem vậy đủ rồi, đúng là cái đồ nhiều chuyện.
    Hạnh cuời khúc khích, phóng xe đi. Đến đầu đường Pastuer, anh Hải giơ tay chào tụi tôi để quẹo về nhà nằm ở cuối con đường này, gần khu vực gia đình chồng cái Hạnh sống. Hạnh dừng xe trước tủ thuốc lá của bà Ba, thả tôi xuống đó và dọt lẹ về nhà. Tôi bước vào trong quán, Sương ngồi ngay cái bàn đặt cạnh cửa ra vào mỉm cười khi thấy tôi.
    - Dữ hén? Mất biệt mấy năm nay. Chị gửi Mail (thư điện tử) mà không thấy trả lời trả vốn gì hết trơn hết trọi.
    - Dạ, em mần ăn ngoài Nha Trang thành ra ít vô đây chị à. Ủa, mà cái địa chỉ email cũ của em, em mở không được.
    - Mày có quên password không? Chị mở cũng không được luôn?
    - Không, em có biết gì đâu mà mò vô.
    Tôi kéo ghế ngồi xuống bên cạnh Sương, ngó lăm lăm vào mặt nó, toét miệng ra cười:
    - Nay trông mày có da có thịt da hơn lúc trước rồi đó. Dạo này mần ăn cái gì? Khá không cưng?
    - Em có làm gì đâu, ở nhà bồ em nuôi.
    - Cha đó coi bộ khéo nuôi hén, trông mày mập mạp hồng hào hẳn ra.
    Cả hai đứa tôi đều cười vang giòn giã. Sương vẫn đẹp như thủa nào, có phần mặn mà hơn, chỉ riêng cặp mắt mơ huyền vẫn chất chứa một nỗi buồn sâu thẳm. Có lẽ vì cặp mắt này mà cuộc đời Sương lắm gian nan, khổ ải. Chuyện của nó, tôi có thể mang ra viết thành tiểu thuyết giống như "Đời Cô Lựu "
    Tôi biết Sương tính đến nay vừa tròn đúng một chục năm. Mười năm trước cũng vào dịp tết nguyên đán này, tụi tôi tụ tập đánh tiến lên trong nhà người bạn cũ. Sương ngồi ngay sau lưng tôi, ngó bài, lâu lâu lại chỉ trỏ xúi tôi đánh con này, phạng con kia xuống. Lúc đầu, tôi không nói năng gì, chỉ quay lại liếc cái nhìn khó chịu sang cô gái xinh đẹp lạ hoắc đang ngồi sau lưng mình, tôi rất ghét lúc đánh bài mà bị ai đó ngồi sau lưng chỉ trỏ, phân tâm nên đánh dễ bị thua. Đứa nào vô phước ngồi sau lưng đều bị tôi đuổi tuốt luốt,Sương cũng không ngoại lệ, bị quê mặt lỉnh đi cỗ khác chơi. Vài lần, trở thành quen thuộc, Sương cũng ngồi sòng đánh chung với tụi tôi. Một bữa, cô nàng mang sấp hình thôi nôi đứa con gái nhỏ ra khoe với bạn bè, tò mò, tôi cầm lên dở từng tấm ra ngắm nghĩa, thật bất ngờ khi tôi lật tới tấm hình chụp vợ chồng Sương và đứa con gái nhỏ, ngó sững cô nàng miệng lắp bắp:
    - Ủa...cha này là chồng mày hả Sương?
    - Dạ, chồng em đó.
    - Trời...! Tưởng ai, cha Toàn ở xóm cũ chị nè.
    - Em biết chị mà tại chị không nhận ra em đó thôi.
    - Ồ! Vậy mày là con nhỏ bầu thường ngồi bên cạnh chồng xem người ta đánh bài tiến lên trước cửa nhà chị đó hả?
    - Dạ, em chớ ai.
    - Mèng ơi... Chị đâu có để ý. À! chồng mày bán cho chị cái tủ đựng ti vi cũ, chị đang xài ở nhà đó. Vợ chồng mày còn ở chỗ cũ không?
    - Dạ không chị, em cũng dọn đi rồi, mướn gần trên chợ Thái Bình.
    
- o O o -

    Hồi năm 1994, tôi mướn nhà trong khu chung cư Nguyễn Du quận I, kế bên khu đất bỏ trống, nay mở " Phố Ăn" thật lớn ngay góc đường Nguyễn Du-Công Lý nay mang tên Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Xéo bên kia đường là Toà án thành phố. Sau ngày dọn về sống trong khu đó tôi mới biết nơi đấy là ổ chứa tội phạm xì ke, ma tuý, đĩ điếm và đặc biệt rất nhiều thành phần chốn lệnh truy nã từ ngoài Bắc vô ẩn danh. Và cũng từ đó, ông anh trời đánh của tôi mới quen biết mối lái, quay trở về ngoài Bắc xách vài ký lô thuốc phiện vào bán, nên mới ra cái nông nỗi nhận lãnh mười mấy năm tù đầy như bây giờ. Tôi không biết anh Toàn làm nghề ngỗng gì, nhưng nghèo đến nỗi không có tiền mướn nhà, hai vợ chồng tối đến ngủ trên sân thượng khu chung cư tôi đang cư ngụ, cô vợ mang bụng bầu bự chảng. Hơn một năm sống ở đó, thỉnh thoảng tôi chứng kiến xe công an ập tới, chạy rầm rầm truy bắt tội phạm. Thế nhưng khi công an đi rồi thì đâu lại vào đấy, mọi người coi không có chuyện gì xảy ra. Cùng ở trong chung cư này, có một chị Việt Kiều Úc đang trốn lệnh truy nã sống chui nhủi ở nơi đây. Tôi được người ta kể lại rằng chị này lúc trước giàu có lắm, hai vợ chồng chị mang tiền về đầu tư làm ăn tại Hải Phòng, hình như có cổ phần trong sòng bài ngoài Vịnh Hạ Long. Nhưng rồi anh chồng dở quẻ bồ bịch trai gái, chị nổi cơn tam bành mướn người tạt a xít cô tình nhân của chồng, nhưng mấy thằng lưu manh tạt lộn người khác, chị phải chốn lệnh truy nã tuôn vào Sài Gòn lẩn tránh bấy lâu nay. Bây giờ muốn trở về Úc cũng không được, phải sống nhờ vào tiền trợ cấp của người nhà bên kia gửi về. Anh Bắc tôi đặt tên riêng cho chị là " Con chim quý " nhại bài hát " con chim quý còn ở lầu son". Một bữa nọ, chẳng biết buồn gì mà chị khóc mắt đỏ hoe, anh Bắc bắt gặp liền thắc mắc: "Ô hay, con chim quý ở lầu tư sao hôm nay lại khóc?" làm tôi phải mím miệng để cố đừng bật ra tiếng cười.
    Sống ở khu chung cư này tôi có khá nhiều kỷ niệm mà có lẽ chẳng bao giờ quên. Bà chủ nhà của tôi là một phụ nữ mắc bệnh hoang tưởng, hầu như sống trong nhà thương nhiều hơn sống ở nhà. Bà đanh đá chua ngoa, bà chửi lộn từ đầu trên xuống xóm dưới chả từ ai, kể cả những người có chức vụ trong chính quyền, bà chửi tuốt luốt. Hễ có người doạ nạt thì bà lại đem giấy chứng nhận bệnh điên ra trình, không ai chấp nhất người điên được thể bà càng to họng. Tôi không nghĩ bà bị điên, bà chỉ giả vờ điên để lấy cớ chửi người khác, vì tôi đã từng bị bà lừa gạt. Hồi đó bà có một chiếc bình thuỷ rất đẹp, bà khoe với tôi rằng bạn của bà đi công tác bên Nhật mua về tặng bà. Tôi và bà chị dâu tưởng thật, gạ gẫm bà bán lại cho tụi tôi, nhưng bà nhất định không chịu, bà bảo:" Đồ kỷ niệm của bạn tặng, sao cô bán cho đành". Vậy mà vài ngày sau, bà ghé tai tôi nói nhỏ: " Thấy cháu thích cái bình thuỷ quá, thôi cô đành bán cho cháu đấy, 120 ngàn đồng ". Tôi móc bóp lấy tiền trả ngay cho bà liền và mang cái bình thuỷ xinh đẹp về trưng trong tủ kiếng. Ngồi ngắm chiếc bình thuỷ, chị em tôi cười hả hê vì mua được món đồ ngoại vừa rẻ vừa đẹp của con mụ điên. Niềm vui đến chưa được bao lâu thì một buổi chiều anh Bắc đi siêu thị về thông báo: " Anh thấy ngoài siêu thị bán cái bình thuỷ loại này đầy dẫy, đề bảng giá có 90 ngàn đồng. Chị em chúng này bị con mẹ điên lừa rồi!" Cả nhà tôi được một trận cười vỡ bụng, tưởng khôn lanh như mình mà vẫn thua trí con mẹ điên. Cái bình thuỷ đó hiện nay vẫn đang còn, chị Lan dùng nó để đựng nước sôi pha cà phê nóng cho khách. Cái bình thuỷ bây giờ đã cũ xì, nhũ vàng mạ trên nó loang nham nhở, tuy nhiên nó vẫn giữ nhiệt như ngày nào. Mỗi lần nhìn thấy nó tôi lại tủm tỉm cười nhớ lại con mẹ điên chủ nhà thủa trước.
    Tôi chỉ sống trong khu chung cư đó chừng hơn một năm là dọn đi nơi khác, lại bận rộn đi làm tối ngày, bởi vậy tôi ít quan tâm đến mọi người xung quanh, đến khi nhìn thấy tấm hình của chồng nó mới giật mình nhận hàng xóm. Dạo sau đó thỉnh thoảng lắm Sương mới ghé nhà tôi chơi một lần, vì không thân thiện nên tôi cũng chẳng mấy để ý đến. Rồi ngay sau hôm anh Bắc tôi bị công an bắt một ngày, cả nhà đang còn bối rối thì bất ngờ Sương xuất hiện, đầu tóc rối bù, mặt mày hoảng hốt, xanh mét như tàu lá, báo tin:
    - Chị ơi, anh Toàn nhà em chết rồi.
    Tôi giật mình hoảng hốt, hỏi dồn dập:
    - Sao vậy? Bị tai nạn hả?
    Sương khóc nức nở, nghẹn ngào không nói nên lời, nấc lên tùng đợt. Tôi để yên cho nó khóc một lúc, tay bóp nhẹ vào vai nó an ủi:
    - Bình tĩnh đã nào. Kể cho chị biết chuyện gì xảy ra đi?
    - Anh bị công an quận bắt chiều hôm qua, tối đó ảnh thắt cổ tự giận trong phòng tạm giam, ảnh đi bán ma tuý cho người ta.
    Nghe tới đó, chân tay tôi run lẩy bẩy, nghĩ tới có khi nào chồng nó cùng chung một vụ án với anh Bắc nhà tôi không? Sương nước mắt vẫn đầm đìa, nghẹn ngào nói tiếp:
    Ảnh giờ vẫn còn nằm trong nhà xác ở bịnh viện Sài Gòn. Em chầu trực từ hồi hôm tới giờ, chờ ba má ảnh ngoài Hải Phòng vô nhận xác. Bây giờ em không biết phải làm sao nữa? Trong túi hổng có một đồng cắc.
    Mặc dù tôi cũng đang rầu thúi ruột vì ông anh bị bắt chưa biết nhốt ở đâu, chẳng biết đói no thế nào, có bị công an đánh đập gì không? Nhưng trước hoàn cảnh của Sương, tôi không thể làm ngơ mà không giúp đỡ nó một chút ít. Phải thú thật rằng lúc đó tôi cũng không có nhiều tiền, tích luỹ được vài cây vàng mới đây cho đứa bạn mượn hai cây mua lại chiếc xe Honda mà nó vừa bị cướp cách đấy vài tuần. Tôi chỉ giúp cho Sương một ít tiền dằn túi, và sực nhớ ra nó còn đứa con gái nhỏ, vội hỏi:
    - Con gái mày đâu? Ai giữ nó rồi?
    - Dạ, em gởi con em về cho má em giữ ngoài quê cách đây mấy tháng lận.
    - Vậy thì được, tưởng không ai giữ thì mang lại đây chị trông nom cho mấy ngày.
    - Bây giờ em cũng không biết phải làm sao nữa, quýnh quáng từ hôm qua tới giờ.
    - Cứ bình tĩnh đi, đằng nào thì việc cũng xảy ra rồi. Cần phụ gì thì chị sẽ giúp.
    Sau đó, tôi lấy xe chở Sương lên nhà xác bệnh viện Sài Gòn, trong đầu vẫn còn nghi ngờ cái chết của chồng nó có liên quan đến vụ án của anh Bắc. Nếu quả thật như vậy thì chính tôi cũng thấy áy náy trong lòng.
    Vài ngày sau, báo Công An đưa tin, anh Toàn bị bắt quả tang đang giữ trong người một bịch heroin khoảng 100gr mang đi tiêu thụ. Điều tra ra, anh ta còn là một tội phạm trốn lệnh truy nã ngoài Hải Phòng (không nêu bị truy nã về tội gì). Ngay tối hôm đó, anh ta mất bình tĩnh nên treo cổ tự tử bằng giây giầy. Báo công an chỉ đưa một cái tin nhỏ xíu. Tôi không tin anh Toàn tự tử, người như anh ta không thể nào tự kết liễu đời mình, anh Toàn có gương mặt lì lợm, cánh tay xăm loang lổ và tia mắt nhìn trông rợn cả người. Tôi chưa bao giờ dám nhìn thẳng vào mặt anh ta, tôi sợ ánh mắt ấy, vả lại, khi bị tống vào trong trại giam, mọi thứ đều bị lột sạch, tiền bạc, tư trang, giây giầy, giây nịt phải cởi ra hết để phòng trường hợp phạm nhân tự tử. Có thể anh ta bị giết để bịt đầu mối và nguỵ trang bằng cách treo cổ bằng giây giầy.
    Từ dạo ấy tôi không còn nghe gì tin tức của Sương cho mãi tới ba năm sau. Một buổi tối Sương lại bất ngờ tìm đến nhà tôi, tôi ngạc nhiên không hiểu sao cô nàng có thể biết được địa chỉ vì tôi đã dọn qua nhà khác một năm sau đấy. Sương trông có vẻ tươi tắn hơn trước nhiều, mái tóc cắt ngắn, gương mặt đầy đặn, hơi có nét tựa như Nam Phương Hoàng Hậu mà tôi đã từng được nhìn trong hình. Sương có chiều cao khá lý tưởng, hơn một mét sáu, dáng người mảnh mai, nhỏ nhắn, chỉ mỗi tội nó mặc quần jean mà mông thì... lép xẹp thấy mà thương! Cô nàng không nhắc gì tới anh chồng bạc phận, thấy vậy tôi cũng không hỏi, sợ khơi dậy nỗi đau của Sương. Qua một hồi nói chuyện, Sương khoe với tôi hiện giờ cô nàng đang làm tiếp viên trong một nhà hàng karaoke, vừa mới quen được một ông khách người Đức, tặng cho một món tiền khá lớn (1000 đô la Mỹ) và đang làm thủ tục giấy tờ bảo lãnh nó qua Đức du lịch. Tôi nghe cũng mừng cho Sương.
    Từ đấy, thỉnh thoảng Sương ghé lại nhà thăm tôi, tiện việc nhờ tôi điện đàm nói chuyện với ông bồ người Đức. Đơn xin visa của nó bị toà lãnh sự Đức gạt bỏ, đóng dấu hàng chữ to đùng trong hộ chiếu mà nó giơ ra khoe với tôi. Tôi vẫn thường giúp nó trong việc liên lạc với ông người Đức bằng tiếng thứ tiếng Anh bập bẹ, lúc đầu thì gọi điện thoại đường dài, sau chuyển sang liên lạc bằng thư (email). Cái vụ viết thư này mới khổ, tôi đã dốt về viết thư tình, nay lại còn phải viết bằng tiếng Anh, nói thì có thể ba xàm ba láp được, viết tầm bậy tầm bạ, ông đọc ổng cười thúi đầu. Thế rồi trong một lần đưa con ra hiệu sách mua truyện, tôi vớ được cuốn "Những Bức Thư Tình Hay Nhất Thế Giới" có cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt. Tôi liền mua về và mang nó ra áp dụng, đọc đoạn nào hay hay, tôi bê nguyên xi vào không thiếu một dấu phẩy.
    Năm 2000, tôi theo chồng qua định cư bên Nhật. Tôi vẫn tiếp tục giúp Sương bằng cách dịch thư email, nhận được thư của ông ta, tôi dịch ra tiếng Việt rồi gửi theo địa chỉ của Sương, và ngược lại viết thư cho ông bằng tiếng Anh theo những gì Sương ghi sang cho tôi. Cũng vì chuyện này, tôi và chồng mình gây nhau một trận, anh tưởng rằng tôi có tình nhân người Đức. Nhưng sau khi hiểu ra, chính anh lại giúp tôi viết giùm thư mà không cần cuốn "Những Bức Thư Tình Hay Nhất Thế Giới" kia. Đang thư từ như vậy bỗng nhiên bặt tin Sương, phải đến mấy tháng sau tôi mới nhận lại thư của nó, báo tin đang ở bên Macao.
    Tháng 5 năm 2001 tôi về Việt Nam thăm con lần đầu tiên, trước đó ít ngày Sương viết thư cho tôi nói rằng đã về Việt Nam và đang mang bầu. Tôi hỏi ý nó ra sao giữ hay bỏ. Cô nàng có vẻ bối rối, trả lời tôi: "Chờ chị về rồi tính".
    Tôi về Sài Gòn tối hôm trước thì sáng hôm sau Sương có mặt ở nhà tôi, nó mặc bộ đồ pyrama bằng vải bông rộng thùng thình, nước da xanh nhợt, môi tái mét. Tôi chẳng cần khách sáo, hỏi liền:
    - Mấy tháng rồi?
    - Em không biết chính xác, nhưng mất kinh hai tháng nay rồi.
    - Bây giờ tính làm sao?
    - Chị khuyên em nên làm sao?
    -
    Tôi lắc đầu thở dài chỉ nó ngồi xuống cái ghế sa lông trong phòng khách.
    - Lớn đầu rồi bộ còn nhỏ dại nữa đâu mà không suy biết nghĩ. Có chắc là của ông người Đức đó không? Tụi bay lang chạ đủ hạng người. Làm sao biết đích xác con của ổng được?
    - Chắc mà chị, khách ở bển đi mang bao cao su không à.
    - Vậy sao không chịu uống thuốc ngừa với ông người Đức luôn đi, đã đi bán thân ở xứ người mà không biết giữ gìn gì hết trọi. Lỡ nhiễm sida thì ai nuôi con mày?
    Sương im lặng không trả lời, tôi lại hỏi tiếp:
    - Đã đọc lá thư cuối chị gửi về chưa? Coi cái mèm ông muốn quất ngựa truy phong rồi đó.
    - Em biết. Chả không thích có con, lần trước em cũng đã phải bỏ mất một lần.
    - Trời...! Biết vậy sao không giải quyết sớm đi, để cái thai to quá rồi, tội chết! Mà lại còn đau đớn nữa chớ.
    Sương ngập ngừng một lúc rồi mới cất lời:
    - Em không có tiền. Nên em mới chờ chị về nè.
    - Không có tiền thì phải nói, chị không có đây nhưng còn chị Lan, chị Hạnh đó...
    - Em ngại...
    - Qua bên đó làm ăn ra sao? Ai đưa qua?
    - Bà má mì ở nhà hàng cũ đưa đi, bà lo toàn bộ giấy tờ visa, tiền vé máy bay... qua đó làm trả nợ sau. Em không có nhiều khách vì...ngực em nhỏ quá, họ chê. Bà má mì có dắt đi đặt ngực mà bác sĩ bên không chịu làm, họ khám kỹ lắm, nói em bị bịnh gì đó không phải phẫu được.
    - Mèng ơi...! Tưởng sao, đi làm gái bên Macao không có tiền bạc gì mà lại còn rinh thêm cái bầu tâm sự về. Rồi bây giờ tính làm sao? Dưỡng hay bỏ?
    - Chắc phải bỏ thôi chị à.
    - Tuỳ, chị không dám xúi bậy, nhưng hoàn cảnh mày như vậy mà đẻ con thì chỉ tổ làm khổ má mày thôi.
    Tôi đứng dậy, bước vào trong phòng mở tủ lấy ít tiền cầm ra đưa cho Sương.
    - Sương đi khám thai trước đã, cần gì thì gọi điện thoại cho chị hén.
    Tôi để cho nó tự quyết định, không muốn đi theo vì ngại bệnh viện và phần vẫn còn mệt mỏi trong người. Sương đi rồi, tôi lại chui vào phòng ngủ tiếp. Khoảng 2 giờ chiều, Sương quay lại nhà tôi báo tin:
    - Không được chị ơi, bịnh viện nào cũng đòi có người ký đơn bảo lãnh, phải mang theo giấy chứng minh nhân dân nữa.
    - Rắc rối vậy hả? Làm sao bây giờ? Sương không có người nhà nào ở đây hả?
    - Dạ, có mà em đâu dám nhờ.
    Tôi im lặng, chẳng biết phải giải quyết chuyện của nó ra sao. Bảo lãnh cho nó thì tôi không dám, vì lỡ có chuyện gì tôi sẽ gặp rắc rối về pháp luật, có thể không được về Nhật thì chết tôi luôn. Nhưng rồi để muốn thử thêm một lần, tôi lấy xe Honda chở nó lên bệnh viện Từ Dũ, phía bên khám ngoài giờ, không phải là nơi khám bệnh chính thức bên kia đường. Tụi tôi gửi xe, leo lên lầu một, lấy số ngồi chờ. Tới lượt, cô y tá cầm tờ khai đọc lướt qua và trả lời liền:
    - Trường hợp của em, sáng mai qua bên kia - cô ta đưa tay chỉ sang bên bệnh viện chính thức và nói tiếp - nhớ kêu người nhà cầm theo chứng minh thư ký giấy bảo lãnh.
    Sương lại đưa mắt nhìn tôi, tôi nắm tay nó kéo xuống dưới lầu, vừa đi vừa nói:
    - Mình qua bên khu Kế Hoạch Hoá gia đình ở đường Cao Thắng gần đây xem tình hình ra sao.
    Sau khi lấy xe, tôi lại chở Sương rẽ tay trái, băng xéo qua đường Nguyễn Thị Minh Khai (chẳng biết ngày xưa gọi là đường gì), chạy thẳng vào đường Cao Thắng qua khách sạn Festival một quãng ngắn là tới. Lọt vô trong khu vực khám bệnh cũng nhận được câu trả lời y chang như cô y tá bên bệnh viện Từ Dũ hồi nãy. Nản quá, hai đứa quay trở về nhà.

Xem Tiếp Chương 23Xem Tiếp Chương 29 (Kết Thúc)

Một Người - Một Đời
  » Xem Tập 1
  » Xem Tập 2
  » Xem Tập 3
  » Xem Tập 4
  » Xem Tập 5
  » Xem Tập 6
  » Xem Tập 7
  » Xem Tập 8
  » Xem Tập 9
  » Xem Tập 10
  » Xem Tập 11
  » Xem Tập 12
  » Xem Tập 13
  » Xem Tập 14
  » Xem Tập 15
  » Xem Tập 16
  » Xem Tập 17
  » Xem Tập 18
  » Xem Tập 19
  » Xem Tập 20
  » Xem Tập 21
  » Đang Xem Tập 22
  » Xem Tiếp Tập 23
  » Xem Tiếp Tập 24
  » Xem Tiếp Tập 25
  » Xem Tiếp Tập 26
  » Xem Tiếp Tập 27
  » Xem Tiếp Tập 28
  » Xem Tiếp Tập 29
 
Những Truyện Dài Khác