Hưng gần như đứng không vững, anh loạng choạng dò dẫm như người mù, đến bên cuộn chiếu ngồi sụp xuống rồi dở chiếu ra, Quỳnh lúc này dưới ánh nắng, đã mềm lại, cô bé như đang nằm ngủ. Hưng đưa tay vuốt tóc con, anh lẩm bẩm: " Con ơi, sao con lại bỏ bố mà đi, bố biết sống với ai bây giờ? "
Giọng anh nghẹn lại trong họng, người đứng ngoài chỉ thấy hai vai rung lên và tiếng nấc rền rĩ.
Tú đứng cạnh, nước mắt tuôn trào, em không lau mà đứng như tượng. Huy hai mắt nhoà lệ, cắn môi để không bật ra tiếng.
Nhìn cảnh những người đàn ông khóc lặng lẽ, một nỗi đau lan truyền ra đám đông, đến nỗi mấy ông thợ lặn cũng đưa tay quyệt nước mắt.
Bỗng một tiếng kêu như xé: " Con ơi, Quỳnh ơi...". Tuyết lao vào đám đông và lăn đến bên con gái, cô nằm xoài ôm thi thể con, mọi người đến định gỡ ra, thì bỗng nghe tiếng òng ọc, và khoé miệng Quỳnh tuôn trào máu đã thẫm mầu.
Mấy bà già trách những người đứng cạnh:
- Sao lại để cho bà ấy ôm con gái thế kia? Người chết đuối là không được để mẹ đến gần kia mà.
Một ai đó nói:
- Cô bé ấy chết rồi, cứu sao được nữa mà phải kiêng.
- Nhưng như thế là hồn đi không thoát, sẽ cứ luẩn quẩn cạnh người thân. Thật chẳng hiểu gì cả.
Huy đến cạnh chị gái, xốc chị ngồi dậy và trách:
- Chị để yên cho cháu nằm, sao lại vầy vò nó thế kia
Tuyết lấy khăn lau miệng cho con, cô cứ vuốt ve mãi khuôn mặt con, và khóc rền rĩ không ra tiếng, chỉ thấy toàn thân rung lên bần bật.
Đám đàn bà đứng cạnh thấy cảnh não lòng đó đều rơi nước mắt.
Huy chạy ra xe ô tô nói với lái xe:
- Chở cháu Quỳnh về được không? Cậu có kiêng không?
Lái xe bảo:
- Đây là xe riêng của thủ trưởng Hưng. Xe bố chở con thì không phải kiêng gì hết . Xe công thì không dám đâu.
- Thế cậu chuẩn bị nhé. ĐI ngay, không nắng gắt lên thì trương lên mất.
Lái xe lấy tấm ni lông lót lên đệm ghế sau.
Hưng bế con gái đi đến xe, Tuyết ngồi vào ôm giữ con. Hưng ngồi ghế trước.
Huy đến gần bảo:
- Chở vào bệnh viện để nhờ nhà lạnh anh ạ.
Hưng nói giọng quyết đoán:
- Tôi đưa cháu về nhà. Cậu đi mua cho tôi bốn cây đá. Bất cứ giá nào cũng mua.
Chiếc ô tô chạy chầm chậm trên con đường đá mấp mô ổ gà. Đám đông tản dần, bờ sông trở lại thờ ơ với trời nước. Ông già đầu bạc đến gần Huy, giọng ông run run:
- Thôi, tôi không lấy tiền công đâu. Xin chia buồn cùng gia đình.
Huy lắc đầu:
- Tôi phải thanh toán đầy đủ với ông. Tôi cảm ơn ông và các anh đã đưa cháu lên bờ yên lành. Xin gửi ông hai trăm ngàn như đã thoả thuận.
Ông già tần ngần rồi đưa tay nhận tiền, ông nói nho nhỏ:
- Xin anh. Mong anh thông cảm cho nghề kiếm sống của chúng tôi, anh đừng nói gì với ai cả.
Huy vỗ vai ông già:
- Ông yên tâm
- Cám ơn anh.
Huy bảo Tú:
- Cháu ngồi lên xe, hai cậu cháu mình đi mua đá. Rồi đến nhà Quỳnh để lo sửa soạn tang lễ.
Tú ngồi sau xe, cậu đoán là những người chở bè ấy đã giấu thuốc phiện lậu dưới bè. Nhưng cậu chẳng còn tâm trạng đâu mà nghĩ đến chuyện đó nữa. Hình ảnh Quỳnh cứ chập chờn mãi trước mắt cậu bé, đồng thời cảm giác lạnh toát từ thi thể Quỳnh làm cậu rùng mình kinh sợ. Lần đầu tiên tay cậu chạm vào cơ thể phụ nữ, người bạn gái mà cậu yêu dấu, vậy mà rợn người đến kinh hoàng.
Xe Hưng đỗ trước cửa nhà, Thiên Thanh mừng rỡ chạy ra đón. Suốt sáng nay cô chẳng nuốt nổi một miếng nào. Cứ bế con đi ra đi vào. Vừa đến bậc thềm cô thấy Tuyết trong xe bước ra, Thanh sững người , cơn uất ghen chẹn lấy họng.
Hưng nhìn thấy Thanh mà chẳng có một lời chào, anh nói với Tuyết giọng đầy thân thiết:
- EM để anh bế con vào.
Hưng bế bé Quỳnh đi vào. Thanh hoảng sợ kêu lên:
- Sao lại đưa người chết về nhà?
Hưng quát:
- Tránh ra cho người ta đi !
Thanh đứng chặn giữa cửa, nói gay gắt:
- Chở vào nhà xác bệnh viện. Không được đưa vào nhà. Rồi tai hoạ lại đổ vào gia đình.
Hưng hét lên:
- Tránh ra. Đây là nhà của tôi. Cô sợ thì cút đi !
Thanh sững sờ khóc nấc lên, rồi bế con chạy lên gác. Tuyết đứng nhìn cảnh đó, vừa thương hại Thanh, vừa đắc ý. Cô cảm thấy mình bước vào nhà của mình. Tuyết chạy theo Hưng, anh bế con gái vào buồng tắm, và bảo với Tuyết:
- Em tắm rửa cho con. Anh soạn giường cho nó.
KHông hiểu sao, hai người lại rộn ràng làm mọi việc như chăm sóc đứa con đang sống, họ không hề khóc lóc đau buồn.
Tuyết tắm rửa cho con, thân thể đứa con gái đang độ dậy thì thật hoàn mỹ. Cô nhẹ nhàng lau làn da trắng mịn, chải tóc gội đầu cho con. Dùng tấm khăn bông rộng choàng kín và gọi:
- Anh Hưng bế Quỳnh ra để em mặc áo cho con.
Tuyết mặc cho con chiếc áo dài màu hoàng yến, chiếc quần xoa trắng, đi tất trắng, găng tay trắng. Rồi cô thoa phấn hồng, tô son, kẻ lông mày.
Quỳnh nằm trên chiếc giường của mình, nét mặt hồn nhiên, cô bé thiêm thiếp ngủ, đẹp lộng lẫy, như nàng Công chúa ngủ trăm năm trong truyện cổ tích.
Vừa lúc đó Huy và Tú lịch kịch khiêng các cây đá lên, họ bọc đá vào các túi nilông to rồi đặt quanh Quỳnh. Chẳng hiểu sao là họ đều nghĩ là cần để Quỳnh ngủ yên, mọi người đi lại rón rén như sợ làm cô gái thức giấc. Không ai khóc, mà nét mặt họ hình như yên tâm vì đã cứu được Quỳnh.
Hưng thì thầm bảo với Huy:
- Cậu rra đây bàn việc tổ chức lễ tang xem nên làm như thế nào? Cậu giúp tôi với, tôi chẳng biết nên làm gì bây giờ.
Tú đến bên cạnh Hưng lễ độ nói:
- Cháu xin phép về báo cho các bạn. Chiều nay hai giờ chúng cháu sẽ đến giúp cô chú dọn dẹp, làm tất cả mọi thứ cần thiết.
- Ừ cháu về đi. Chú cám ơn cháu vô cùng.
Tú lí nhí nói:
- Dạ đó là nhiệm vụ của cháu.
Tuyết kê một chiếc ghế ngồi cạnh giường con, mắt không rời khuôn mặt đứa con gái, mà 5 năm nay bây giờ cô mới lại được ngắm nhìn gần như thế này: " Con tôi đẹp quá! "
Hưng đến bên cạnh Tuyết nói nhỏ:
- Bây giờ em về nhà nghỉ, và báo cho mẹ biết tin. Sáng mai em trở lại đây để làm lễ.
Tuyết ngẩn ngơ hỏi:
- Làm lễ gì?
- Lễ tang em ạ.
Tuyết bỗng thét lên:
- Trời ơi, thế là con tôi chết thật rồi sao?
Tuyết định lao tới ôm lấy con.
Nhưng Huy đã giữ Tuyết lại, dìu ra khỏi phòng và đưa xuống ô tô, nhờ lái xe chở vè nhà hộ.
Tuyết như cái xác không hồn, đầu óc cô rối loạn tất cả: Cô vừa chăm sóc con, bây giờ lại bảo sắp đem chôn nó? Cô vừa bước trở về nhà mình, bây giờ lại bảo về nhà, vậy nhà cô ở đâu?
Một xe com măng ca cảnh sát đến nhà Hưng, rồi ba cảnh sát bước xuống đi vào nhà. Những bước đi rầm rập đều bước, nét mặt lạnh lùng vô cảm, họ dừng lại cùng đưa tay lên mũ chào. hưng và Huy đang ngồi hút thuốc, chưa kịp bàn gì thì vội đứng dậy chào đáp lễ, nét mặt khó chịu. Ở đâu mà công an đến tất là sẽ có chuyện rắc rối.
Một đại uý còn rất trẻ xuất trình thẻ công vụ, rồi anh ta đưa công lệnh giao nhiệm vụ điều tra về vụ tự tử của cô Mạc Lệ Quỳnh cho Hưng, anh gỡ kính lau lau rồi đọc.
Hưng thở dài rồi nói đầy vẻ chán nản:
- Đồng chí có thể thư lại sau đám tang được không?
- Không, phải làm ngay. Cần phải chở tử thi đi khám nghiệm.
Hưng ôm đầu ngồi phịch xuống ghế. Huy đến cạnh anh công an nói:
- Mời các anh ngồi xuống chúng ta bàn chuyện. Các anh để anh Hưng yên, anh ấy đang đau khổ lắm.
- Vâng tôi hiểu.
Anh công an quay lại nhìn Hưng, giọng dịu xuống:
- Xin phép anh.
Hưng im lặng đứng dậy vào phòng Quỳnh. Vừa đi vừa thầm nguyền rủa: Thằng Phúc thật tệ, đã chẳng giúp gì lại còn quấy nhiễu. Thật vô phúc mà có bạn là thằng Phúc !
Huy pha chè, rút thuốc lá ra mời, anh nói giọng thân tình, nhưng vẫn giữ sự tôn trọng với nhà chức trách:
- Gia đình rất cảm ơn các anh đã đến kịp thời để giúp đỡ. Nhưng báo cáo với các anh là cháu đã ngâm dưới nước từ trưa hôm qua. Hôm nay lại trời nồm, sợ chở đi thì e không đảm bảo vệ sinh.
Anh đại uý nghiêm trang:
- Nhưng đó là quy tắc, không thể không làm được.
- Dạ nếu chúng tôi xin chịu phí tổn, xin đón các bác sĩ pháp y đến đây có được không ạ?
- Phải cả hội đồng mới kết luận được. Vả lại ở đây làm gì có dụng cụ?
- Chúng tôi xin chở đến đầy đủ cả hội đồng và dụng cụ.
- Ở đây có điện thoại không? Tôi phải xin ý kiến thủ trưởng.
Huy đứng dậy dẫn anh đại uý vào phòng Hưng. Anh nói riêng với anh ta: " Này thôi phiên phiến đi. Vụ này gia đình chẳng có ai kiện cáo thì việc gì phải lôi thôi? Chúng ta hiểu nhau cả. Mình xin bồi dưỡng đầy đủ" .
Anh đại uý cau mày suy nghĩ rồi nói:
- Thôi được, không cần chở đi bệnh viện nữa, nhưng cậu phải mời bác sĩ đến để làm chứng nhận đúng là tự tử, chứ không phải là sát thương rồi ném xuống nước. Mời bác sĩ của công an mới được.
- Chúng tôi sẽ mời bác sĩ của bệnh viện 198, được không?
- Được lắm. bây giờ cho mình vào phòng có Quỳnh để thu thập các tài liệu cần thiết.
- Tài liệu gì? Nó thì làm gì có tài liệu.
- THu thập nhật ký, sách vở ghi chép, tranh ảnh, vật dụng ... mượn về nghiên cứu rồi sẽ trả lại đầy đủ.
- Thế thì vào đây.
Hưng đang ngồi trầm ngâm bên con gái thấy công an bước vào, anh cau mày bỏ đi ra ngoài, thật là khó chịu. Đi đâu chúng cũng theo, quỷ tha ma bắt hết chúng nó đi.
Mấy cậu công an sững sờ trước cô gái quá đẹp. Cậu thiếu uý trẻ măng không kìm nổi thốt lên: Tiếc thật, đẹp thế này mà lại chết !
Anh đại uý nghiêm giọng ra lệnh:
- Đồng chí thi hành nhiệm vụ đi.
Huy để mặc cho họ thu hết sách vở trong phòng Quỳnh. Anh chạy sang Hưng bảo:
- Anh cho em mấy trăm bồi dưỡng cho họ. Họ cũng tử tế biết điều anh ạ.
Huy cho vào ba phong bì. Một cái riêng cho anh đại uý nhiều hơn, và hai cái kia cho hai thiếu uý ít hơn.
Khi họ đã cho hết sách vở vào bao tải, Huy mời họ uống bia, nhưng họ từ chối. Anh đại uý nói:
- Đáng lẽ tôi phải thẩm vẫn người trong gia đình, nhưng lúc này tang gia bối rối, để sau lễ tang, xin phép đến làm việc.
Huy nắm tay anh công an:
- Cám ơn sự thông cảm của các anh. Đáng lẽ phải mời các anh uống nước, nhưng các anh không nhận lời, gia đình chúng tôi xin được bồi dưỡng chút ít để các anh làm việc.
Anh đại uý nói:
- Chúng tôi không được phép nhận, anh thông cảm cho trách nhiệm người thi hành công vụ.
Huy tiễn các anh công an ra xe, khi bắt tay anh nhẹ nhàng đút phong bì vào túi áo từng người.
Xe công an vừa đi thì chiếc xích lô đỗ xịch ngay trước cổng. Chị Ngọc đầu tóc bơ phờ, nước mắt đầm đìa, vừa đi vừa nức nở, chân muốn khuỵu xuống. Huy vội chạy lại đỡ, dìu chị bước lên bậc thềm. Hưng chạy ra đón chị, chị Ngọc oà khóc, Hưng nói khẽ khàng:
- Thôi chị ạ. Cháu mất rồi, may là đã đem được cháu về nhà. Em cũng đau đớn lắm, chị đừng khóc nữa, thêm bối rối cho mọi người.
Chị Ngọc càng khóc to hơn, chị ôm lấy Hưng rồi nói đứt đoạn:
- Hưng ơi, ba chết rồi ...
- Chị nói gì vậy? Hưng nắm vai chị, trợn mắt hỏi:
Chị Ngọc lắc lắc đầu đau khổ, chị rền rĩ nói:
- Chị về nhà, thấy ba đã nằm chết tự bao giờ ...
Huy bàng hoàng trước tai hoạ dồn dập đổ xuống Hưng, Huy lẩm bầm một mình: " Thật là hoạ vô đơn chí". Rồi để tự an ủi anh lại nghĩ " May là mấy ông công an vừa đi rồi. Chứ không lại còn lôi thôi điều tra, rầy rà to ! ".
Đêm hôm đó chị Ngọc, cô Kim đã cùng cậu Huy đứng suốt sáng ở ngoài bờ sông để theo dõi việc vớt xác Quỳnh. Đến tảng sáng, cả thợ lặn , cả người nhà đều mệt rũ, đành phải dừng lại. Cậu Huy nói với chị Ngọc:
- Đành phải chờ ba ngày nổi lên ở đâu thì vớt ở đấy!
CHị Ngọc khóc ròng: " KHổ cháu tôi quá! Nằm dưới nước lạnh lẽo thế này, lại còn cá mú rỉa róc thì làm sao!"
Cô Kim kéo tay chị bảo:
- Chị về nhà em, sẵn nước nóng tắm cho tỉnh lại, chứ thế này thì chị ốm mất.
Chị Ngọc về nhà Kim, tắm rửa xong, định ngả lưng ngủ một lát. Ở giường bên cạnh, Kim vừa đặt lưng đã chìm vào giấc ngủ say. Còn chị cứ trằn trọc, hình ảnh cô cháu gái cứ ẩn hiện, khuôn mặt dịu hiền, đôi mắt nâu buồn buồn như nhìn chị trách móc: Cháu khổ lắm bác ơi, sao bác lại bỏ rơi cháu một mình.
Sao mình lại thận trọng một cách tàn nhẫn đến vậy cơ chứ? Đến như mình với Quỳnh, mà mình còn quay mặt làm ngơ trước đau khổ của con bé, thì nó còn sống làm sao được giữa những người thân thiết mà ích kỉ thực dụng như thế được? Cháu tôi bỏ cuộc đời mà đi, vì nó chẳng biiết làm sao mà sống được. Trời ơi! Chính tôi đã nuôi nó, rồi tôi lại xua đuổi nó không cho vào nhà mình !
... Hồi sinh Quỳnh, Tuyết ốm nặng, phải tiêm kháng sinh nên mất sữa. Ngọc lúc ấy còn đang nuôi cu Hiền, vì sữa nhiều nên con đã đầy năm mà vẫn chưa cai sữa. Thế là chị bế Quỳnh về nuôi bằng sữa mình. Cu Hiền thì thôi bú, chuyển sang ăn cơm nát. Đến khi Quỳnh được sáu tháng, Tuyết khỏe hẳn mới bế con về nuôi bằng sữa bò. Tuy vậy hàng ngày Ngọc vẫn phải đến để chăm sóc, tắm rửa. Phần vì Tuyết còn lóng ngóng chưa biết nuôi con, nhưng chính là chị nhớ con bé quá, chị yêu nó như con mình. Con bé lớn lên yêu bác Ngọc lắm. Nó thường tự hào khoe với mọi người: Cháu giống bác Ngọc, bác Ngọc cháu đẹp như Phật bà. Thật ra Quỳnh giống Tuyết , nhưng khuôn mặt nó đầy đặn bầu bầu lại trắng nõn nà nên thoáng nhìn giống bác Ngọc. Những ngày rằm, mồng một mà trùng vào Chủ nhật là Quỳnh được bác Ngọc cho theo lên chùa lễ Phật.
Từ sáng sớm Ngọc đi qua nhà Hưng, Quỳnh đã chờ sẵn ở cổng, con bé xúng xính trong chiếc áo dài tí xíu, đội chiếc nón chỉ lớn hơn chiếc đĩa tây, đi đôi hài nhỏ. Thấy bác dừng xe đạp, nó chắp tay trước ngực chào: A di đà Phật ! rồi hai bác cháu cùng cười, nó leo tót lên cái đèo hàng ôm lưng bác. Hai bác cháu đi đến chùa Bà Đá.
Ngọc đèo cháu đi vòng quanh bờ Hồ Hoàn Kiếm, buổi sáng mặt hồ phẳng lặng như gương, đền Ngọc Sơn ẩn hiện trong lùm cây soi bóng xuống nước lung linh, cây si cổ thụ xoà ra như đang xoã tóc gội đầu. Cây cầu đỏ như chiếc lược chải lên mái tóc xanh mướt. Chẳng hiểu sao mỗi lần nhìn cảnh vật quen thuộc này, thì lòng lại dội lên một niềm xúc động mới mẻ. Hình như cảnh đã đẹp thì ngàn năm vẫn luôn luôn hiện lên vẻ đẹp bất ngờ . Cái đẹp không thể cũ được chăng?
Quỳnh níu bác Ngọc bảo:
- Cho cháu đi dạo quanh hồ một lát.
- Ừ bác cũng thích thế, ta đi bộ đến chùa nhé.
- Vâng thế thì thích quá. Bác ơi cháu đói bụng lắm.
- Bác mua xôi cho cháu ăn nhé.
- Cháu thích bánh mì patê cơ
- Nhưng hôm nay phải ăn chay. Ta đi lễ Phật cơ mà.
- À vâng. Cháu quên mất. Quỳnh cười khanh khách vui vẻ. hai bác cháu mua hai gói xôi lạc, ngồi ở ghế đá ăn.
Quỳnh biết bác Ngọc nghèo, chẳng bao giờ nó vòi mua thứ gì đắt tiền.
Hai bác cháu ngồi ngắm cảnh một lát rồi đi vào phố Hàng Trống để rẽ vào chùa. Giữa phố xá tấp nập, thế mà khi rẽ vào một ngõ nhỏ thì bỗng bước vào một vùng tĩnh mịch, một bức tường hoa thấp dẫn lối vào một khu vườn cây cối râm mát, trồng đủ các loại hoa thanh khiết. hoa hồng đủ mầu: hồng ,trắng, vàng, nhung thẫm, đỏ. Hoa trà ngan ngát thơm dịu, hoa nhài trắng từng chùm toả hương, hoa sói kín đáo giản dị mà hương thơm cao sang tinh khiết.
Cây bưởi quê mùa đứng ở góc vườn, từng chùm hoa màu ngà như quả chuông nhỏ rung rung những chiếc nhuỵ vàng, toả hương thơm đến ngạc nhiên, thấm đẫm cả không gian, thấm đến những mái chùa nâu thẫm dịu dàng.
Quỳnh đứng sững nhìn vườn hoa, mắt mở to, khuôn mặt ngây ngất, nói thầm thì: Cháu thích ở đây quá!
Một nữ sư bước ra, chắp tay cúi thấp đầu chào, nhà sư còn trẻ và đẹp nữa:
- A di đà Phật.
Ngọc chắp tay cung kính đáp lại:
- A di đà Phật. Thưa thầy giờ này đã được vào lễ chưa ạ.
- Xin rước bà và cô vào.
Quỳnh thỏ thẻ nói với vị sư:
- Cô ơi, ở đây thích quá. Cháu muốn ở đây có được không?
Ngọc vội bảo cháu:
- Cháu phải thưa " thầy". Không được gọi là cô.
- Nhưng nhà sư là đàn bà cơ mà.
Nhà sư cười dịu dàng:
- Thưa bà cứ để mặc cháu gọi thế nào cũng được, trẻ nhỏ hồn nhiên là quý.
Quỳnh nắm tay nhà sư hỏi:
- Thầy ơi, cho cháu đi xem chùa nhé.
- Quỳnh! Đi vào lễ đã. Đừng quấy nhà chùa, ngày lễ còn bận nhiều việc. CHị vội vàng mắng át cháu ngay.
Nhà sư đi vào các gian thờ, thắp nến, rồi ngồi xếp bằng, lật quyển kinh Phật viết bằng chữ nho để trên cái kệ thấp trước mặt, rồi tay gõ mõ, tay lần tràng hạt, miệng tụng kinh, tiếng trầm trầm dịu dàng như tiếng ru của người mẹ, đưa hồn người phiêu diêu vào nơi yên tĩnh thanh bình.
Quỳnh đứng cạnh bác, nhìn bác lễ và bắt chước vái lạy. Khi ra về Quỳnh bỗng nhận xét:
- Bác Ngọc này. Nhà sư tụng kinh như thế cháu buồn ngủ lắm. Có phải vì thế mà các Đức Phật đều nhắm mắt ngủ hết không ạ?
Ngọc buồn cười ôm cháu vào lòng: " Ừ đúng thế"
Một hôm Ngọc thấy Quỳnh đến nhà, mắt dỏ hoe, Quỳnh ôm lấy bác buồn rầu nói:
- Bác ơi, cháu muốn lên chùa ở với cô sư. Cháu chán ở nhà lắm.
Ngọc tưởng cháu nói đùa, nên đùa lại để trêu:
- Thế thì hai bác cháu mình cùng lên chùa đi tu
- Cháu ghét mẹ cháu lắm. Cháu không muốn ở nhà nữa.
- Cháu không được nói thế. COn mà ghét mẹ là tội lỗi nặng lắm. Đức Phật không chấp nhận những kẻ bất hiếu như vậy đâu.
Nghe bác lên giọng đạo đức, Quỳnh bỏ về chẳng nói gì nữa. RỒi đến khi ông giáo Thư về ở với con gái, thì mỗi lần Quỳnh đến, nó chỉ chào bác Ngọc, rồi vào nói chuyện với ông. Xem ra càng ngày nó càng ngại nói chuyện với bác Ngọc.
Tại sao Quỳnh lại không muốn tâm sự với mình nhỉ? Xa cách giữa hai bác cháu chính là tại mình đã giăng ra hàng rào đạo đức, một thứ đạo đức không cần đến tình người. Kẻ vô đạo tàn nhẫn đã đành, nhưng người giữ đạo lý có khi lại còn tàn nhẫn hơn. NGọc lại nhớ đến cuộc nói chuyện với ông giáo Thư, khi ông có thuyết phục cho Quỳnh đến ở cùng, nhưng chị đã gạt phắt, với những lý lẽ mà chẳng thể nào bác bỏ được.
Trời ơi, QUỲnh ơi, đến chết bác cũng không thể nào tha thứ cho mình được về tội lỗi này. Bác đã xua đuổi cháu, khi cháu đang cùng đường đau khổ.
Càng suy nghĩ, chị càng không sao ngủ được, chị ngồi dậy rồi rón rén đi ra khỏi giường, chải đầu, mặc áo, đi ra thuê xích lô để lên chùa. Lúc này chỉ có đến trước Đức Phật để ăn năn xám hối thì mới mong giải được nỗi nhức nhối này. Phật đã dạy: Tội lỗi là do tâm mình tạo ra, thì cũng phải từ tâm mình mà sám hối. Chẳng ai có quyền tha thứ hay trừng phạt.
Ngồi trên xích lô, chị Ngọc không trông thấy gì trên đường phố, chị trầm mặc lẩm nhẩm bài kinh Sám hối:
Chị cứ đọc đi đọc lại như tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ. Cứ lặp đi lặp lại một cách vô thức để tự ru mình vào cõi hư vô. Đến khi xe đỗ trước cổng chùa, Ngọc mới sực tỉnh bước xuống. CHị trả tiền xe mà cung kính cúi đầu đưa bằng hai tay như cúng tiền công đức. Ông già lái xe ngạc nhiên và lễ độ nói: " Cảm ơn bà".
Chị đi vào ngõ và đứng sững trước cổng chùa. Mấy đứa bé gái đang đứng ngắm hoa, một em nói:
- Ở đây thích quá! Giọng nó véo von như Quynhg hồi nào. CHị bước vào chùa, lại gặp một em gái khác, em nói với sư thầy:
- Thầy ơi, tại sao Phật lại ngủ ngồi hết thế kia?
Sư thầy bật cười. CÒn chị cảm thấy đau nhói trong tim. Hình ảnh Quỳnh như theo chị từng bước chân.
Sư thầy chào chị:
- A di đà Phật. Chẳng hay mấy hôm nay bà có việc trọng gì mà quá bộ đến đây lễ Phật vào ngày thường?
- A di đà Phật. Bạch sư thầy, hôm nay con đến để xin được lễ tạ sám hối.
Sư thầy cúi đầu đi vào điện thờ thắp hương lên bàn thờ và ngồi xuống bắt đầu tụng kinh.
Ngọc đứng ngay thẳng , hai tay chắp trước ngực, mắt nhìn tượng Phật, tâm tưởng hướng về đức hạnh cao cả của ngài, bày tỏ nguyện vọng thành tâm sám hối của mình, rồi chị xá ba xá và cắm hương vào lư.
Lúc đó sư thầy đánh ba tiếng chuông., Ngọc lạy ba lạy, rồi quỳ xuống, ngửa hai bàn tay như nâng chân đức Phật, chị cúi lưng, đầu sát đất đặt trán lên hai lòng bàn tay. CHị cứ cúi lạy nhiều lần, từ tốn theo tiếng tụng niệm của sư thầy. Lạy ba mươi lạy, chị lại đứng lên vái, rồi lại quỳ xuống lạy...
Cho đến khi sư đọc hết các bài kinh, thì Ngọc đã bái lễ đến hàng trăm lạy như thế.
Sự hành xác ấy không làm chị mệt mỏi, mà đã trả cho chị tâm thể thanh tịnh. |
|
|